Xã hội dân sự hình thành và phát triển từ thế kỷ 18-19 song hành cùng sự phát triển của thương mại và nhà nước hiện đại. Ban đầu, nó như không gian hình thành bởi các quan hệ kinh tế và dần dần mở rộng qua các quan hệ dân sự khác như nghệ thuật, khoa học, và nhân đạo. Như vậy, xã hội dân sự là một sản phẩm tất yếu của sự phát triển xã hội, là nơi người với người hợp tác, giao lưu và hành động vì một mục đích chung. Trong bất cứ xã hội hiện đại nào, bất kể thể chế chính trị là dân chủ đa nguyên hay độc tài toàn trị, xã hội dân sự vẫn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, sự lớn mạnh và hữu ích của nó phụ thuộc nhiều vào ba yếu tố, mà có lẽ cũng là ba nhóm giải pháp cần thực thi ở mỗi quốc gia.
Ảnh: Nguyên bộ trưởng thương mại Trương Đỉnh Tuyển cho rằng xã hội dân sự là sản phẩm của phát triển dân chủ và cần được thừa nhận (Nguồn: vneconomy.vn)
Thứ nhất là một khung pháp lý cởi mở, mang tính khuyến khích hoạt động dân sự tự do của người dân. Quyền lập hội, tự do tụ họp phải được bảo vệ để các nhóm xã hội khác nhau có thể hợp tác với nhau mà không bị ngăn cản. Quyền tiếp cận thông tin, chia sẻ thông tin và tự do thể hiện quan điểm qua các hình thức báo chí, nghệ thuật, văn học cần được bảo vệ để các ý tưởng mới, kiến thức mới, sáng tác mới được bàn luận, thách thức và lan tỏa trong xã hội. Đây chính là nền tảng pháp lý để khuyến khích các cá nhân tìm tòi cái mới, cái hay, cái đẹp làm giàu cho xã hội mà không sợ hãi.
Thứ hai là một cơ sở xã hội làm nền tảng cho các hoạt động dân sự phát triển, cụ thể là văn hóa dân chủ trong thảo luận, độc lập trong suy nghĩ và nhân văn trong hành xử. Một xã hội dân sự phát triển chỉ khi các giá trị mới, thậm chí mâu thuẫn với những giá trị phổ quát hiện tại được tranh luận thấu đáo. Trong quá trình này cái hiện tại, cái chính thống được làm mới, thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh. Đây chính là một vai trò quan trọng của xã hội dân sự, vì dù nhiều nhóm đóng vai trò bên lề, ngoại vi nhưng giúp cho cái trung tâm, cái chính thống không trở thành độc đoán, áp đặt dẫn đến lạc hậu và mục ruỗng.
Bên cạnh đó, ngoài văn hóa tự nguyện của các nhóm thanh niên bảo vệ môi trường, giúp đỡ người già, hay trẻ em đường phố, xã hội dân sự cần văn hóa đóng góp của những người trí thức lớn và những doanh nhân thành đạt. Trí thức là người “bơm” các tư tưởng thời đại để làm mạnh cho xã hội dân sự, doanh nhân là người cung cấp nguồn lực để xã hội dân sự hoạt động vì lợi ích công. Nếu không có sự tham gia mạnh mẽ của hai nhóm đối tượng này, xã hội dân sự khó trở thành không gian tiên phong cho sự phát triển của đất nước.
Thứ ba là việc bảo vệ những người hoạt động trong lĩnh vực quyền con người và xã hội dân sự. Để bảo vệ công lý, hướng tới lợi ích công hoạt động của họ có thể động chạm đến lợi ích của các nhóm quyền lực. Khi đó, họ cần được bảo vệ bởi các công ước quốc tế cũng như Hiến pháp. Điều này đòi hỏi sự độc lập, công minh của các cơ quan tư pháp cũng như một thái độ đúng đắn của công chúng với những người “thổi còi”. Có như vậy, xã hội dân sự mới có những người đi tiên phong, không bị chùn chân bởi cường quyền.
Trong thời đại hiện nay khi nhà nước không thể chăm lo cho toàn bộ dân chúng vì nguồn lực có hạn cũng như nhu cầu đa dạng của các tầng lớp xã hội, thì sự phát triển của xã hội dân sự càng tất yếu và cần thiết. Càng để cho xã hội dân sự phát triển tự nhiên thì nó càng có khả năng tự điều chỉnh để phục vụ lợi ích của quần chúng nhân dân, đặc biệt các nhóm yếu thế. Ngược lại, càng cố gắng bóp nghẹt nó thì xã hội càng tích tụ sự bất mãn và nhiễm độc vì không có cơ chế thanh lọc, thải trừ bất công. Đây chính là lý do cần có khung pháp lý mở, văn hóa dân chủ và cơ chế bảo vệ những người tiên phong để xã hội dân sự phát triển và có ích.
Trung Hậu
http://dienngon.vn/Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét