Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Thơ Văn xuôi- Cỏ Dại- Lỗ Tấn





Tập Cỏ dại thể hiện một phương diện còn được ít biết tới về tâm hồn Lỗ Tấn. Đây là một tập thơ văn xuôi đặc sắc viết vào những năm 1924 – 1925, phản ánh những mâu thuẫn, bế tắc trong tư tưởng nhà văn trước thực trạng xã hội đen tối, nhưng thường không được xem xét kĩ. Văn học sử hiện đại Trung Quốc thời trước viết theo lối cũ thường xem đây là những mâu thuẫn trên con đường phát triển “từ tiến hoá luận tư sản đến giai cấp luận Macxit”. Với quan niệm xem Lỗ Tấn như một thần tượng trọn vẹn, người ta không muốn nói tới những gì là bi quan, hư vô trong tư tưởng của nhà văn. Với quan niệm phản ánh luận thô thiển, những phản ánh về tâm hồn không đựơc đánh giá đúng mức. Mỗi lần nói tới Cỏ dại là người ta nói tới một cái gì nhất thời, ngẫu nhiên trên bước đường qui về một cái gì đó cuối cùng to lớn hơn, vĩnh cửu hơn, tức là đánh giá theo quan điểm tương lai. Trong tiểu luận Di sản đã mất giá của Xecvantex, nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera có nói một ý đáng suy nghĩ: “Trước đây tôi cũng tin rằng tương lai là kẻ duy nhất có tư cách đánh giá tác phẩm và hành vi của chúng ta, về sau tôi hiểu rằng chạy theo tương lai là kẻ nịnh bợ đê tiện nhất trong những kẻ nịnh bợ, là sự xun xoe khiếp nhược trước cường quyền”; “Nhưng nếu tương lai không còn là một giá trị đối với tôi, thì đâu là điểm qui về của tôi? Thượng đế? Quốc gia? Nhân dân? Cá nhân? Câu trả lời của tôi tuy rất phi lý nhưng cũng rất thành thực- Tôi không lấy cái gì làm điểm qui về cả”. Có lẽ chỉ nhìn về tương lai đã làm giảm đi ý nghĩa của hiện tại. Nhưng chính hiện tại mở đường cho tương lai. Tất cả các nhà văn đi tìm cứu cánh sau khi tan vỡ đều rút ra kết luận như Kundera. Chỉ có cuộc đi tìm vô tận vì cái đẹp, chỉ có tâm hồn mãi mãi không thoả mãn mới dẫn dắt con người ta đi tới.

Đặc sắc của Cỏ dại là một cuộc đi tìm trong cô đơn, một tâm sự hoài nghi đau đớn, và một tinh thần chiến đấu quật cường lặng lẽ, không gì khuất phục được. Đương thời, trong ngọn triều tranh đấu sục sôi của thời đại, Lỗ Tấn thấy Cỏ dại “phần lớn là những đoá hoa nhỏ nhoi, trắng nhợt mọc bên bờ cái địa ngục đã hoang phế”. Năm 1934, trong một bức thư, Lỗ Tấn nói: “Cỏ dại của tôi, kĩ thuật không tồi, nhưng tâm tình thì suy đồi quá”. Nhưng mặt khác, như trong Đề từ đã nói, Cỏ dại chứng tỏ Lỗ Tấn đã từng sống, sống hết mình với thời đại, và ông chưa hề trống không. Nếu văn học là sự vượt lên thực tại hữu hạn, là sự thăng hoa của tâm hồn, thì Cỏ dại là bó hoa của một tâm hồn đau khổ, tuyệt vọng đến cùng cực, nhưng không ngừng tìm kiếm. Có người nói Lỗ Tấn là tâm hồn đau khổ nhất của Trung Quốc hiện đại. Có người so sánh Cỏ dại với tập Hoa ác của Baudelaire quả là không sai.

Lỗ Tấn là nhà văn dân chủ vĩ đại, triệt để phản phong. Ông chủ trương một thứ văn chương nhìn thẳng vào đời sống, chống lại thứ văn chương che đậy và dối trá. Ông đề cao khẩu hiệu đập vỡ ảo tưởng tinh thần, phơi bày sự bế tắc của sinh tồn. Ông là người nhìn rõ những căn bệnh tinh thần của quốc dân. Ông thấy rõ sức mạnh vĩ đại của nhân dân, nhưng ông cũng thấy rất sâu những căn bệnh của nó. Ông khinh bỉ kẻ thù, nhưng ông cũng thấy chúng giảo hoạt quá. Và ông bước vào một mặt trận có đối thủ mà như không có đối tượng, cô đơn, trơ trọi. Cỏ dại là nỗi đau của một tâm hồn sâu sắc, đào bới đến tận đáy sâu của tồn tại. Đọc kĩ Cỏ dại, ta sẽ thấy đó không hề là một cái gì tạm thời, mà một mặt nào đó, là trạng thái vĩnh cửu của nhân sinh. Con người phải đấu tranh vơi tuyệt vọng và hư vô để tồn tại.

Cỏ dại học tập bút pháp của tập thơ văn xuôi Con đường tình yêu của Turgenev, viết về những cảnh trong mơ, tạo ra những huyền thoại hiện đại. Nhưng các biểu tượng ở đây kết tinh các biểu tượng đã có trong đời văn của Lỗ Tấn, như những kẻ hiếu kì, nô tài, sự trống không, cánh đồng hoang, đêm thu, mặt trận không đối tượng, che đậy và dối lừa… Những câu văn đầy ấn tượng kiểu Nietzsche, những hình ảnh tượng trưng kiểu Baudelaire…

Dịch Cỏ dại, chúng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một góc khuất trong tâm hồn của một nhà văn vĩ đại mà tư duy hiện đại không thể bỏ qua, giới thiệu một phương diện siêu hình trong nhà văn hiện thực, để bạn đọc Việt Nam có được một hình ảnh trọn vẹn về Lỗ Tấn, khắc phục bức chân dung được cắt tỉa, ít nhiều công thức đã được biết lâu nay.

Do yêu cầu đó, chúng tôi trích dịch 17 bài trong số 24 bài của tập Cỏ dại. Văn bản rút từLỗ Tấn toàn tập, Tập 2, Bắc Kinh, 1957. Một số trong các bài trên đã được dịch ra tiếng Việt. Nhưng văn hay không ngại dịch lại dịch lại nhiều lần. Cỏ dại là tập văn rất khó dịch, do trình độ có hạn, khó tránh khỏi sai sót, mong bạn đọc lượng thứ và góp ý.

Trần Đình Sử



 ĐỨA VAN XIN


Tôi đi men theo bức tường cao lở lói, chân dẫm lên trên đất bụi xốp tơi. Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy. Gió nhẹ thổi tới, cành cây cao nhô ra trên tường có mấy chiếc lá chưa khô lay động trên đầu tôi.

Gió nhẹ nổi lên, bốn bề đều là đất bụi.

Có một đứa trẻ đến van xin tôi, nó cũng mặc áo kép, không có vẻ gì là buồn thảm, thế mà ngăn tôi lại để vái chào, chạy theo tôi mà kêu thảm thiết.

Tôi chán ghét cái giọng điệu, thái độ của nó. Tôi căm ghét việc nó không buồn đau, có vẻ như là đùa chơi; tôi chán ngấy việc nó chạy theo mà kêu thảm thiết.

Tôi đi trên đường. Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy. Gió nhẹ thổi lên, bốn bề đều là đất bụi.

Có một đứa trẻ đến van xin tôi, nó cũng mặc áo kép, cũng chẳng lấy gì làm buồn thảm, nhưng nó câm, nó dang hai tay, vờ làm điệu bộ.

Tôi căm ghét cái điệu bộ đó. Với lại, có thể là nó không câm, đó chẳng qua là một cách để van xin.

Tôi không bố thí. Tôi không có lòng bố thí, tôi chỉ đứng trên kẻ bố thí, chỉ ban cho chúng những chán ngán, nghi ngờ và căm ghét.

Tôi đi men theo bức tường đất đã sụp đổ, gạch vỡ chất vào chỗ sụp đổ của bức tường, trong tường chẳng có gì cả. Gió nhẹ thổi lên, đưa cái lạnh mùa thu thấm qua áo kép của tôi; bốn bề đều là đất bụi.

Tôi nghĩ tôi sẽ dùng cách gì để van xin: khi cất lời thì dùng giọng điệu nào? Khi vờ câm thì dùng động tác nào?

Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy.

Tôi sẽ không nhận được bố thí, không nhận được lòng bố thí; tôi sẽ nhận được cái ở bên trên kẻ bố thí, sự chán ngán, nghi ngờ, căm ghét.

Tôi sẽ cầu xin bằng vô vi và lặng im.

Tôi ít nhất sẽ nhận được trống không.

Gió nhẹ thổi lên, bốn bề đều là đất bụi.

Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy.

Đất bụi, đất bụi…..

……….

Đất bụi…….



SỰ GIÃ TỪ CỦA CÁI BÓNG




Người ta ngủ đến lúc không biết là vào lúc nào nữa thì sẽ có cái bóng đến từ biệt, nói những lời như sau:

Trên thiên đường có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn lên; dưới địa ngục cũng có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn xuống; trong thế giới hoàng kim tương lai của các người có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn đến.

Thế mà anh lại chính là điều mà tôi không thích.

Bạn ơi, tôi không muốn theo anh nữa, tôi chẳng muốn ở lại.

Tôi không muốn!

Ô hô chao ôi, tôi không muốn, giá mà tôi được quẩn quanh ở nơi chẳng nơi nào cả.

Tôi chẳng qua chỉ là cái bóng, muốn từ biệt anh để đắm chìm trong bóng tối. Thế nhưng bóng tối sẽ nuốt chửng tôi, còn ánh sáng thì lại khiến tôi biến mất.

Nhưng tôi cũng không muốn luẩn quẩn ở giữa bóng tối và ánh sáng, giá mà tôi được đắm chìm vào bóng tối.

Thế mà rốt cuộc tôi đang luẩn quẩn giữa bóng tối và ánh sáng, tôi không biết nó là hoàng hôn hay bình minh. Tôi hằng giơ bàn tay đen đúa vờ làm như uống cạn một chén rượu, khi không biết lúc đó là lúc nào mà tôi sẽ một mình đi xa.

Chao ôi! nếu là hoàng hôn thì đêm đen tự nhiên sẽ lại nhấn chìm tôi, nếu không thì tôi sẽ bị ánh sáng ban ngày làm cho biến mất, nếu đó là bình minh.

Bạn ơi, thời gian sắp đến rồi.

Tôi sẽ hướng về bóng tối để quẩn quanh ở nơi chẳng nơi nào cả.

Anh lại còn muốn quà tặng của tôi. Tôi biết dâng tặng anh cái gì? Bất đắc dĩ, chỉ vẫn là bóng tối và trống không mà thôi. Nhưng tôi chỉ mong nó là bóng tối, có thế nó sẽ biến mất trong ánh ngày của anh. Tôi chỉ muốn nó là trống không, quyết không chiếm chỗ trong cõi lòng của anh.

Tôi muốn như thế này, bạn ơi.

Tôi một mình đi xa, chẳng những không có anh, mà cũng không có cái bóng nào khác trong bóng tối. Chỉ có mình tôi bị bóng tối nuốt chửng, thế giới ấy hoàn toàn chỉ thuộc về tôi.

Ngày 24 tháng 09 năm 1924
( trích " Cỏ dại " - Lỗ Tấn- GS. Trần Đình Sử dịch)

CƠ MAN NỖI NHỚ



Thạch Thảo




Không phải hình viên đạn
Đôi mắt nồng nàn ấm lửa chiều đông
Mơ hồ như câu hò thiêm thiếp bên sông

Đêm chết đuối
Trăng bạt ngàn thao thức
Vòng tay nguyệt thực
Những giọt sáng màu tinh cầu bối rối
Khúc sonate hụt hẫng nhịp phách

Ta lặn vào nhau_chìm hư thực
Có bờ vai chàng chăn cừu bật thức
Nâng giấc mơ quả trứng vàng lơ
Đêm đầy sao.
Có phải là anh?

Một nửa em tìm cháy bỏng
Lặn vào anh
Lặn vào cơ man nỗi nhớ
Đêm ốc đảo
Sóng gào hờ hửng
Cách nhau một sợi tóc

Gọi tên.

Người Việt nên tập dần… ‘cai sữa’



Tác giả: Khương Duy




Điều đáng lo ngại nhất, dường như chúng ta đang sợ sự trưởng thành và không hề muốn “cai sữa”. Phải chăng vì thế mà có người nói VN không phải là nước kém phát triển hay khó phát triển mà thuộc loại… không chịu phát triển.

Câu chuyện gần đây về một nghệ sĩ gặp những khó khăn trong cuộc sống đã khơi gợi nhiều suy nghĩ trong lòng bạn đọc. Đồng ý rằng câu chuyện đó có thể nhìn từ nhiều góc độ, và dù thế nào cũng không ai được quyền phán xét người khác bởi cách hành xử của mỗi người trước mỗi biến cố trong cuộc sống không thể giống nhau.

.Tư duy ngược đời

Thế nhưng người ta có quyền đồng tình hoặc không đồng tình, khen hoặc chê. Đó cũng là một thứ quyền lực của dư luận. Và trong đa số trường hợp, dư luận phản ánh cái nhìn mang tính đại diện nhất định của xã hội đối với một sự vật, hiện tượng. Khi có quá nhiều người lên tiếng cho rằng người nghệ sĩ khả kính một thời kia đang kêu gọi sự thương hại của người hâm mộ bằng chính danh tiếng của mình, phải chăng cách hành xử ấy đã vượt quá sự bình thường để đi đến mức bất thường?

Nhưng sẽ còn đáng buồn hơn khi từ câu chuyện này chúng ta nhìn rộng ra xung quanh để thấy rằng người nghệ sĩ này không phải là trường hợp cá biệt, mà có lẽ chỉ là trường hợp điển hình trong xã hội hiện nay, nơi có quá nhiều người ưa sống dựa vào lòng thương hại của người khác.

Người viết bài này sinh ra ở một nơi nhiều năm nay được xếp trong danh sách “xã đặc biệt khó khăn”. Theo quy định hiện hành, các địa phương đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng những sự hỗ trợ nhất định nhất để xóa đói giảm nghèo và đầu tư phát triển.

Buồn thay, năm nào cũng tái diễn chuyện người dân tranh cãi nhau về việc hộ nào xứng đáng được xếp là hộ nghèo. Họ “đấu tố” nhau vì tại sao cùng hoàn cảnh nhưng có hộ được xếp là hộ nghèo, có hộ thì không. Đôi khi giải pháp là việc luân phiên thay nhau… nghèo. Chưa kể trong số các hộ nghèo có những gia đình thực sự do hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng có những gia đình nghèo đơn giản vì… lười lao động. Nhưng dù thế nào thì việc bị ra khỏi danh sách hộ nghèo cũng không phải tin vui với bất cứ ai.

Chính quyền cơ sở thì đau đầu trong việc phân bổ chỉ tiêu, trong khi huyện thì không đồng ý cắt giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nguyên nhân là phải đủ tỷ lệ xã nghèo nhất định thì huyện mới là huyện nghèo! Bởi ai cũng hiểu, còn nghèo thì còn được đầu tư!

Hàng năm, Việt Nam cũng vẫn đang phải ngửa tay xin hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ các nước phát triển trên thế giới. Vẫn biết các nước có những mục tiêu kinh tế chính trị khác nhau khi cấp ODA, nhưng xét đến cùng chúng ta cũng là kẻ đi vay, và chúng ta phải chịu ơn những người cho vay. Hãy nhìn vào Nhật Bản, một trong những nước cấp ODA nhiều nhất cho Việt Nam. Nhật Bản có gì hơn Việt Nam về điều kiện tự nhiên xã hội và kể cả trí tuệ con người, thế nhưng suốt bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn mong được rủ lòng thương từ một đất nước phải chịu hoàn cảnh còn khắc nghiệt hơn chính mình?



Khoan hãy nói đến những chuyện về tham nhũng, sự phung phí trong sử dụng vốn bởi đó sẽ là một câu chuyện dài. Ai cũng hiểu vốn thì nước nào cũng cần để đầu tư, nhưng quan trọng là vốn đó được dùng để tạo đà cho sự phát triển. Một khi đạt đến mức độ phát triển nhất định thì các nước tiếp nhận ODA nên dần tập quen với việc “cai sữa.” Nhưng nhìn vào cách Việt Nam luôn lo lắng về mức vốn hỗ trợ giảm xuống, trong khi vẫn khẳng định các thành tựu vượt bậc về kinh tế, xã hội phải chăng đó là một thứ tư duy ngược đời của một đất nước vẫn trông chờ quá nhiều vào sự giúp đỡ?

Còn nhớ năm 2012 khi EU thay đổi quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa được hưởng ưu đã thuế quan phổ cập (GSP), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất lo ngại trước cơ chế trưởng thành mà EU đặt ra. Theo đó, với những một số ngành hàng nhất định như da giày, dệt may… khi kim ngạch xuất khẩu vào EU của nước được hưởng GSP đã đạt một tỷ lệ nhất định trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU (chẳng hạn 15%) thì nước đó được coi là đã “trưởng thành” và sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo chương trình GSP nữa.

Ngưỡng trưởng thành là điều khiến cho cộng đồng doanh nghiệp và nhiều nhà làm chính sách lo lắng. Ai cũng hiểu việc được hưởng ưu đãi về thuế quan sẽ khiến hàng Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn. Thế nhưng, chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng về lâu về dài việc giữ được và phát triển được thị trường phải xuất phát từ uy tín, chất lượng chứ không phải nhờ vào lòng thương hại của các nước phát triển dành cho các nước đang và kém phát triển thể hiện trên cơ chế cắt giảm thuế quan.

Và điều đáng lo ngại nhất, dường như chúng ta đang sợ sự trưởng thành và không hề muốn “cai sữa”. Phải chăng vì thế mà có người nói Việt Nam không phải là nước kém phát triển hay khó phát triển mà thuộc loại… không chịu phát triển.

Và hành xử cũng… ngược đời?

Thiết nghĩ rằng sự thương cảm, cảm thông dù với một quốc gia, một địa phương hay một con người đều có ranh giới nhất định so với sự thương hại. Người ta chỉ có thể cảm thông với những hoàn cảnh thương tâm, với điều kiện những người gặp phải hoàn cảnh đó đã cố gắng hết sức mình để vượt qua. Còn nếu không, mọi sự giúp đỡ chỉ là sự thương hại mà người trên ban phát cho kẻ dưới.

Cùng lúc xảy ra chuyện với nghệ sĩ trên, người viết chợt nhớ lại câu chuyện về nữ anh hùng lao động Ba Sương. Cuộc đời bà có thời hoàng kim và cũng có lúc phải chịu đọa đày. Nhưng trong lúc tuyệt vọng nhất, chưa khi nào bà đòi hỏi sự đóng góp bằng vật chất cũng như chưa một lần nào đem công trạng, tuổi già sức yếu, cô đơn bệnh tật ra để mua nước mắt của những người ủng hộ bà.


Nữ anh hùng lao động Ba Sương


Ở tuổi cổ lai hy, sau bao nhiêu thăng trầm, bà vẫn đứng dậy, trở lại thương trường ở chính nơi chứa đầy kỷ niệm ngọt ngào lẫn cay đắng. Dẫu có những điều bà làm được, có những điều bà chưa làm được nhưng cách sống của bà khiến người ta không khỏi cảm mến và kính trọng.

Và gần đây khi có những kỹ sư, những người thợ máy tiên phong làm ra những sản phẩm công nghệ như tàu ngầm mini, trực thăng tự chế. Chẳng những họ bỏ tiền bạc của mình ra, không hề kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng mà còn chẳng được yên thân để cống hiến và sáng tạo. Dù dư luận khen ngợi và ủng hộ nhưng cơ quan nhà nước thì dửng dưng và lạnh lùng cấm đoán. Thử nghĩ xem đó có phải là những cách hành xử hết sức ngược đời hay không?

Thiết nghĩ rằng, con người sống trên đời phải biết thương yêu và chia sẻ lẫn nhau. Sự hỗ trợ, động viên kịp thời là hết sức cần thiết nhưng nó phải đúng cách, đúng lúc, đúng thời điểm nếu không sẽ vô ích thậm chí phản tác dụng. Quan trọng hơn nữa, chính những ai đang gặp khó khăn cũng cần có đủ sự tự trọng để biết mình có thể làm gì và cần được giúp đỡ tới đâu. Sự tự trọng đó là cần thiết không phải cho riêng mỗi cá nhân, mà cho cả xã hội và đất nước trong bước đường phát triển.

————-


http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/167584/nguoi-viet-nen-tap-dan—–cai-sua-.html

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

DỐI GIAN..




Ta ném duyên kia ngã xõng xoài
Uống lời gian dối để mà say
Trông mây hôn núi nghìn năm lẻ
Ngắm nước ôm trăng vạn tháng ngày
Người phụ để tình xưa vụn chảy
Ta về xua nghĩa cũ xa bay
Hững hờ xem tuổi xuân trôi mãi
Thương nhớ vương mang trọn kiếp này.

 Huỳnh Ngọc Tự.

Bản Ngã






Tạo hoá sinh ra mọi vật đều là duy nhất và không lặp lại. Mỗi con người chúng ta cũng là một cá thể duy nhất, có một không hai. Vì thế mà mỗi cá nhân có một sức mạnh và lợi thế riêng không ai có được. Nếu phát huy được cái tôi (bản ngã) của mình thì bạn sẽ trở nên vô địch. Vì rằng sẽ không có ai trên đời có thể có được những ưu điểm và sức mạnh như bạn. Đó là một chân lý hiển nhiên.
Nếu ai đó còn kém cỏi, là vì người đó chưa khám phá được cái tôi của chính mình. Người như vậy sẽ trở nên nô lệ bằng cả thể xác và tâm hồn. Một người mà chưa hiểu được bản ngã của mình thì làm sao có thể hiểu được người? Mình chưa thực sự là chính mình, thì sao có thể là người khác? Hiểu mình rồi mới hiểu người, từ đó mà đi đến chỗ suy ra vạn vật. Vạn vật hợp nhất và tách rời, rồi được nhất thống bởi tư duy của chúng ta. Nhìn thấy một mà nghĩ đến nhiều, từ cá thể mà liên hệ tới vũ trụ. Vũ trụ mênh mông, vô cùng vô tận, nhưng hãy luôn nhớ một điều: Mỗi chúng ta là một cá thể duy nhất và không bao giờ lặp lại.
Bắt chước người khác là sai lầm lớn nhất trong đời, vì bạn không bao giờ có được sức mạnh bản ngã của họ. Bạn đang sống cuộc sống của người khác, chấp nhận làm cái bóng để rồi từ bỏ cuộc sống đích thực của bản thân. Vậy là bạn đã đánh mất con người thực của mình, thay vì khám phá bản thân lại đi khám phá cái bên ngoài. Khi làm một cái bóng, bạn không bao giờ có được sức mạnh và ưu điểm của bản ngã thứ hai, nó là của người khác, nó không thuộc sở hữu của cá nhân bạn.

Càng khám phá được nhiều về bản ngã, thì sức mạnh nơi con người càng được tăng trưởng. Để đánh giá thì thông thường người ta phân loại, ví như: Rất kém, kém, bình thường, khá, giỏi, xuất sắc...; vậy thì chúng ta hãy dùng từ “giỏi” để chỉ mức độ khám phá bản thân con người.
Một người được cho là giỏi khi mà họ biết kết hợp kiến thức để vận dụng thuần thục vào năng lực cá nhân. Sự hoà hợp giữa con người và kiến thức là tiêu chuẩn để đánh giá, càng khăng khít thì càng đạt đến độ xuất sắc. Nếu là một võ sĩ giỏi chẳng hạn, thì anh ta sẽ là người như thế nào? Đó là quyền cước hoà hợp với thân thủ như hình với bóng. Một nhà Văn giỏi thì như thế nào? Chừng nào văn chương tạo được bản sắc riêng, mà khi đọc lên thì biết đó là văn của ai, chứ không nhầm lẫn với người nọ người kia, như vậy thì được cho là giỏi. Hay một người thợ gốm thủ công chẳng hạn, nếu những sản phẩm mà anh làm ra có chất lượng tốt, lại mang bản sắc thương hiệu riêng, thì đó là một người thợ giỏi. Vì thế mà người thợ gốm đó sẽ được người ta biết đến nhiều, công việc làm ăn ngày một khấm khá...;
Mấy ví dụ trên là để nói đến lợi ích và sức mạnh của bản ngã. Người phát huy được bản ngã thì trở thành trụ cột, kẻ không phát huy được thì a dua và làm theo. Cho nên ai không phát huy được bản ngã thì trở thành cái bóng của người khác, và không còn là chính mình.

(ST)

Đạo đức các blogger lề trái để đâu?




Trong xã hội làm nghề gì cũng phải có đạo đức, cũng phải có lương tâm. Đó là quy tắc để chúng ta vững vàng trước những khó khăn nghề nghiệp cũng như không nghiêng ngả trước những cám dỗ trần tục. Viết blog có thể không được coi là một nghề như nhà báo, nhà văn hay các nghề khác trong xã hội nhưng người cầm bút cũng phải có trách nhiệm và lương tâm với những gì mình viết ra cho dù nó mang tính cá nhân đi chăng nữa. Nhưng nhìn lại chúng ta mới giật mình khi liên tiếp một số blogger lề trái đã bị bắt và xử lý vì vi phạm pháp luật.

Trong thời gian gần đây một số blogger lề trái đã liên tục bị bắt và xử lý như blogger Trương Duy Nhất, blogger Phạm Viết Đào… đây có lẽ là tiếng chuông báo động cho những ai đã đang và sẽ có ý thức viết lách ẩu, suy nghĩ đơn giản cẩu thả, tư tưởng lệch lạc. Cũng là lúc chúng ta nên nhìn nhận lại một cách nghiêm túc hơn về những tác động xấu đối với cộng đồng mạng nếu như thả lỏng những trang blog có quan điểm trái chiều. Có lẽ nên có những cơ chế quản lý phù hợp hơn với những trang blog còn lại
Nếu xét dưới khía cạnh pháp lý thì việc xử lý các blogger này là chính xác, hợp lý. Bởi chỉ cần chiếu theo các quy định của pháp luật đã có sẵn bản án giành cho họ với những cấu thành tội phạm rõ ràng. Mặc dù những blogger sẩy chân này vẫn được giới giả danh dân chủ tung hô, cổ súy hay các đài báo của phương Tây hoan hỉ ca tụng thì họ vẫn phải chấp hành luật pháp. Bởi luật pháp không phải là thứ sinh ra để làm cảnh, mà luật pháp thể hiện cho sự nghiêm minh và công bằng của một thể chế. Luật pháp không miễn trừ riêng cho ai cả, không ai có đặc quyền trước pháp luật. Blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào đã vi phạm pháp luật tất yếu họ sẽ phải lãnh chịu những sự trừng trị đích đáng. Cho dù giới “giả dân chủ” và quan thầy có gào thét rằng Việt Nam đàn áp giới blogger thì đó chỉ là sự vớt vát danh dự cho những con tốt đã sẩy chân.
Ông cha ta đã từng nói “bút sa gà chết”, rõ ràng mấy vị blogger trên đã “sa bút”. Trương Duy Nhất hay Phạm Viết Đào cũng vậy, họ lập ra các trang blog hay mua tên miền trang web, họ đăng tải bài viết ắt hẳn sẽ có sự phát sinh quyền lợi và trách nhiệm . Bởi chỉ họ mới có quyền quản trị, quyền tác giả nên họ phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các hành động của họ. Con người khác với con vật ở chỗ là có tư duy và phải chịu sự chi phối của các giá trị xã hội. Và trên tất cả là con người phải biết chịu trách nhiệm với hành động của bản thân. Vậy dưới khía cạnh pháp lý thì bản án 15 tháng tù đối với Phạm Viết Đào và 2 năm tù đối với Trương Duy Nhất là đúng luật, không có gì phải bàn cãi thêm nữa.


Nhưng những vụ việc dính tới vòng lao lý của các blogger trên cần phải bàn tới khía cạnh đạo đức nhiều hơn. Trong khi internet đang phát triển nhanh chóng, sự tăng trưởng không ngừng của các giá trị xã hội, mang đến cho cá nhân những quyền riêng tư, những công cụ để tăng tiếng nói cá nhân thì vấn đề đặt ra lại là sự quản lý càng khó khăn. Blog là một công cụ của google đã trao cho các cá nhân quyền nói lên tiếng nói, quan điểm của cá nhân nhưng đồng thời cũng là một thứ rất dễ lợi dụng cho các mục đích xấu. Nhất là đối với những người đang có tư tưởng lệch lạc, thậm chí là suy thoái về đạo đức. Không ai dám nói rằng Trương Duy Nhất thiếu kiến thức về pháp luật, càng không ai dám nói Phạm Viết Đào là người thiếu hiểu biết, ăn không đến nơi, học không đến chốn cả. Mà họ là những người có kiến thức, am hiểu pháp luật, biết phân biệt đúng sai. Trương Duy Nhất từng là một nhà báo Công an kỳ cựu, Phạm Viết Đào dù sao cũng được coi như một nhà văn. Vậy họ “sa bút” là vì nguyên do gì? Câu trả lời là họ đã đánh mất cái tâm của người cầm bút, họ đã bẻ cong ngòi bút cho các mục đích cá nhân hơn là viết vì sự thẳng thắn. Họ đã viết vì lợi ích vị kỷ hơn là vì sự tiến bộ, công bằng của xã hội. Khi đạo đức đã bị dẫm đạp bởi lợi ích thì những giá trị xã hội tốt đẹp khác sẽ bị chà đạp.
Nhưng biết nói sao khi mọi sự đã rồi. Ai cũng là con người, không ai không thể sống mà không có vật chất cả, nhưng quan trọng là phải biết cân bằng. Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào chỉ là những trường hợp cá biệt của giới blogger. Họ đã bị vật chất cám dỗ, ngòi bút đã trở thành công cụ riêng cho bản thân thì họ sa ngã là điều tất yếu. Nhưng họ cũng là bài học lớn để cho các blogger khác không đi theo vết xe đổ đó nữa. Và là bài học để cho các blogger khác viết một cách cẩn thận, tử tế và có trách nhiệm hơn.

Quốc Thái



Giáo dục là vấn đề an ninh


Tác giả: Tony Blair (Cựu Thủ tướng Anh)


Tony Blair


Tháng 11 năm ngoái, sau 13 năm, lần đầu tiên tôi lại có buổi nói chuyện ở Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Ấn tượng nhất là tâm trạng đã khác xa ngày xưa. Tháng 12 năm 2000, thế giới dường như khác hẳn. Lúc đó chúng tôi đang cố gắng thiết lập trật tự an ninh mới cho thập kỉ sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Dĩ nhiên là lúc đó cũng có những thách thức. Nhưng bầu không khí nhẹ nhàng, thậm chí là tích cực, khi chúng tôi thảo luận về việc xóa đói nghèo trong thế giới đang phát triển.


Lần này, tâm trạng nặng nề. Và những ngày đầu tiên của năm 2014 làm cho nó còn nặng nề hơn. Lướt trên màn hình tổng quan tin tức của bất cứ ngày nào bạn cũng sẽ tìm thấy những câu chuyện về khủng bố và bạo lực xảy ra từ quan niệm sai lầm về tôn giáo. Một số là do những tác nhân bên ngoài nhà nước; nhưng tất cả đều được thực hiện trong bối cảnh của sự chia rẽ và xung đột do sự khác biệt của niềm tin tôn giáo mà ra.

Đây là cuộc chiến đấu mới trong thế kỉ XXI. Chúng ta sẽ không thể thắng được nó, trừ phi chúng ta chiến đấu với nguyên nhân gốc rễ của nó cũng như khắc phục những hậu quả khủng khiếp của nó.

Hôm nay, trong vòng cung kéo dài từ Viễn Đông, qua Trung Đông, tới các đường phố ở châu Âu và nước Mĩ, chúng ta đều gặp những tai họa giết chết những con người vô tội, chia rẽ cộng đòng và làm mất ổn định đất nước. Có nguy cơ là nó liên tục tiến hóa, phát triển và biến đổi nhằm đối đầu với cuộc chiến đấu của chúng ta.

Những kẻ cực đoan đang phát tán nạn bạo hành có mạng lưới có thể tiếp cận với thanh niên và chúng biết sức mạnh của giáp dục, dù là giáo dục chính thức hay phi chính thức. Những kẻ cực đoan đang nhồi nhét vào đầu óc thanh niên rằng bất cứ ai không đồng ý với chúng đều là kẻ thù – không phải kẻ thù của chúng mà là kẻ thù của Chúa.

Cuộc tranh luận về an ninh lại thường tập trung vào hậu quả. Sau vụ tấn công, các quốc gia liền xem xét các biện pháp an ninh. Bọn khủng bố bị săn đuổi. Sau đó chúng ta trở về với cuộc sống thường nhật, cho đến khi một vụ khủng bố khác xảy ra.

Nhưng thay đổi kéo dài lại phụ thuộc vào việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố. Đương nhiên là chính trị có vai trò của mình. Và những kẻ cực đoan rất giỏi nắm lấy những bất bình về mặt chính trị. Nhưng mảnh đất mà họ trồng những hạt giống của hận thù lại được tưới bón bằng sự thiếu hiểu biết.

Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải bắt đầu nghĩ rằng giáo dục là vấn đề an ninh.

Những kẻ cực đoan nói rằng chúng giết người là nhân danh Chúa. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn niềm tin tôn giáo đích thực. Và là mối đe dọa cho cả những thiệt hại mà nó trực tiếp gây ra cũng như sự chia rẽ và chủ nghĩa bè phái mà nó gián tiếp nuôi dưỡng. Mỗi vụ giết người đều là một bi kịch của nhân loại. Nhưng nó còn gây ra phản ứng dây chuyền của sự đau khổ và hận thù. Những cộng đồng bị chủ nghĩa cực đoan quấy nhiễu bao giờ cũng có sự sợ hãi, sợ hãi làm tê liệt cuộc sống bình thường và làm cho người ta xa cách nhau.

Toàn cầu hóa làm gia tăng và nhân rộng chủ nghĩa cực đoan. Không bị giới hạn bởi đường biên giới quốc gia, nó có thể nổi lên bất cứ chỗ nào. Hiện nay chúng ta có nhiều mối liên kết hơn bất kỳ điểm nào khác trong lịch sử nhân loại, và ngày càng nhiều người tiếp xúc với những người khác với mình. Vì vậy, nhu cầu tôn trọng một người hàng xóm không giống như bạn cũng ngày càng gia tăng, nhưng cơ hội để coi người đó là kẻ thù cũng lớn hơn

Và đây không chỉ là chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Có hành những động cực đoan nhằm chống lại người Hồi giáo vì tôn giáo của họ, và ngày nay có các tín đồ Công giáo, Do Thái giáo, Ấn giáo, và Phật giáo cuồng tín, xuyên tạc bản chất thật sự của đức tin của họ.

Đó là lý do vì sao giáo dục trong thế kỷ XXI là vấn đề an ninh đối với tất cả chúng ta. Thách thức là giới trẻ, những người dễ bị ngả theo lời kêu gọi của những kẻ khủng bố rằng có cách tốt hơn làm cho tiếng nói của họ được người ta nghe, có cách hiệu quả hơn nhằm tương tác với thế giới.

Tin vui là chúng ta biết cách làm việc này. Tôi xin sử dụng Quĩ Đức tin (Faith Foundation) của tôi làm ví dụ. Chương trình của các trường học của chúng tôi thúc đẩy đối thoại xuyên văn hóa trên toàn thế giới, giữa các học sinh tuổi từ 12 đến 17. Tiếp cận với học sinh tại hơn 20 quốc gia, chương trình của chúng tôi kết nối những học sinh với nhau thông qua một trang Web an toàn, họ tương tác với nhau từ các lớp học dưới sự hướng dẫn của giáo viên đã được huấn luyện.

Thông qua hội thảo trực tuyến, học sinh thảo luận các vấn đề toàn cầu, từ những tôn giáo và quan điểm tín ngưỡng khác nhau. Họ nhận được những kỹ năng đối thoại cần thiết nhằm ngăn ngừa xung đột bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu mang tính tôn giáo và văn hóa. Đối với các trường ở các khu vực nghèo nhất, chúng tôi phải có những sắp xếp đặc biệt, bởi vì họ không thể truy cập được mạng Internet.

Chắc chắn là, chúng tôi chỉ là một giọt nước trong biển cả. Nhưng bây giờ chúng tôi có kinh nghiệm trong hơn một nghìn trường học, trên 50.000 học sinh đã được dạy, và chúng tôi đang làm việc ở các nước khác nhau như Pakistan, Ấn Độ, Mỹ, Jordan, Ai Cập, Canada, Ý, Philippines, và Indonesia. Tôi đã được may mắn chứng kiến ​​những học sinh này thoải mái khi tiếp xúc với các nền văn hóa, tôn giáo, vàniềm tin đang truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu con người trên thế giới.

Có nhiều ví dụ tuyệt vời khác về công việc này. Nhưng họ thiếu các nguồn lực, mức độ ảnh hưởng và sự công nhận mà họ cần.

Chúng ta cần phải huy động để đánh bại chủ nghĩa cực đoan. Và chúng ta cần phải hành động trên toàn cầu. Tất cả các chính phủ phải nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình nhằm giáo dục thanh niên chấp nhận và tôn trọng những người thuộc các tôn giáo và những nền văn hóa khác nhau.

Không có vấn đề nào cấp bách hơn. Có một nguy cơ thực sự là các xung đột tôn giáo sẽ thế chỗ cho các cuộc đấu tranh ý thức hệ của thế kỷ trước dưới một hình thức tàn phá cũng chẳng khác gì trước kia.

Tất cả chúng ta phải chỉ cho mọi người thấy rằng chúng ta có ý tưởng tốt đẹp hơn bọn cực đoan – đấy là học hỏi lẫn nhau và sống cùng nhau. Và điều này cần phải trở thành thành phần cốt lõi của công tác giáo dục thế hệ trẻ.

…………………..

Phạm Nguyên Trường dịch

Chỉ vài "lãnh đạo tốt", khó thay đổi đất nước



Tác giả: TRẦN ĐÔNG




-“Việc chỉ có một vài người có năng lực lãnh đạo tốt cũng rất khó thay đổi đất nước. Chúng ta cần cả một lứa, một thế hệ mới”, ông Nguyễn Cảnh Bình – GĐ công ty sách Alphabook chia sẻ.


Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây trên Tuần Việt Nam,Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ rằng, các bạn trẻ hiện nay đang còn thiếu nhiều kỹ năng để làm việc và đặc biệt là để trở thành những nhà lãnh đạo xứng với kỳ vọng của dân. Ông nghĩ gì về điều này?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Vũ Khoan. Như quan sát của tôi, thì các bạn trẻ hiện nay không chỉ thiếu kỹ năng mà còn thiếu cả kiến thức để trở thành nhà lãnh đạo tốt.

Kỹ năng và kiến thức mà chúng ta đang giảng dạy trong trường và ở bên ngoài chỉ mới đáp ứng nhu cầu trở thành một người lao động khá chứ không đủ giúp các bạn trẻ trở thành nhà lãnh đạo giỏi. Chúng ta không có những chương trình đào tạo và huấn luyện thích hợp và đặc biệt dành riêng cho mục tiêu này.



Anh Nguyễn Cảnh Bình thuyết trình tại một hội thảo về thành công. Ảnh: Alphabooks.vn


Người lãnh đạo trong tương lai không chỉ có sức khỏe và kiến thức mà còn phải có những kỹ năng cao cấp và cần thiết khác. Nếu các kỹ năng mềm thông thường là cần thiết và phù hợp với các bạn trẻ, với người nhân viên thì người lãnh đạo cần hơn thế nhiều. Tôi không hình dung được một nhà lãnh đạo trong tương lai lại không biết đọc diễn văn và thiếu khả năng hùng biện. Hẳn là môi trường và thách thức khi đó sẽ đòi hỏi họ phải thông thạo các kỹ năng này, và muốn vậy, họ cần được học và rèn luyện từ khi còn nhỏ chứ đợi đến khi trưởng thành và giữ cương vị thì đã quá muộn.

Ngoài ra, tôi tin chắc chắn rằng, những nhà lãnh đạo đích thực phải hiểu biết về đất nước, về dân tộc và về tổ quốc, quê hương mình. Nếu không có kiến thức và dựa vào lịch sử của dân tộc, tôi không hình dung được nhà lãnh đạo đó sẽ làm gì hay làm như thế nào…

Trong hàng ngìn năm dựng và giữ nước, các thế hệ lãnh đạo và những nhân vật lãnh đạo quốc gia phải là những người có tình yêu nước, yêu dân tộc nồng nàn nhất mãnh liệt nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp là minh chứng tiêu biểu nhất cho điều này.

Dường như lâu nay có một thói quen trong xã hội là than vãn, chê trách nhiều hơn nêu giải pháp hoặc bắt tay vào hành động. Ông nghĩ sao?
- Dù chưa thực sự như kỳ vọng nhưng tôi và các đồng nghiệp đang rất cố gắng làm những gì có thể được để có một chương trình huấn luyện phù hợp nhất với bối cảnh hiện nay, dó là một chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ.

Tôi đã nghiên cứu các mô hình đào tạo của Việt Nam và thế giới về đào tạo lãnh đạo; tôi học hỏi được nhiều điều từ nhân vật lãnh đạo thực tế, tôi tìm hiểu về rất nhiều nhân vật: lãnh tụ, lãnh đạo, chính trị gia, doanh nhân…; tôi đọc rất nhiều sách về lĩnh vực này và kết hợp với quá trình phát triển kinh nghiệm bản thân mình.

Tôi nghĩ rằng, việc có 1-2 người có năng lực lãnh đạo tốt cũng rất khó thay đổi đất nước, chúng ta cần nhiều hơn thế. Vì thế, cần hàng chục, hàng trăm người có năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức… chúng ta cần cả một lứa, một thế hệ mới.

Gần đây, câu chuyện về sự thành công của U19 Việt Nam mà nòng cốt là Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai minh chứng cho câu chuyện về sự chuyên nghiệp và việc đào tạo bài bản, chặt chẽ ngay từ nhỏ. Mô hình HQGL giống với nhiều mô hình đào tạo khác trên thế giới: (1) Tuyển đầu vào chặt chẽ, sớm; (2) Có phương pháp phù hợp, có môi trường chuyên nghiệp; (3) Có sự đầu tư đúng, tốt và HLV giỏi/lãnh đạo tốt,… Tránh căn bệnh ăn xổi ở thì, muốn thành công nhanh chóng, dễ dàng ở khắp mọi lĩnh vực…

… Chúng tôi cũng cố gắng làm tốt nhất những gì có thể được. Không thể chờ đợi sự hoàn hảo, sự đầy đủ, mà ngay từ bây giờ cần bắt tay vào làm… Tôi học hỏi từ các mô hình khác, học hỏi từ sự thành công và thất bại của những nhà lãnh đạo khác, và ngay từ chính trong xã hội Việt Nam hiện nay, rồi điều chỉnh trong quá trình triển khai…

Hình dung của ông về những nhà lãnh đạo trẻ tương lai?
- Kể cả trong cuộc sống và trong sự phát triển sự nghiệp, trong doanh nghiệp hay trong bất cứ tổ chức nào, với cá nhân nhà lãnh đạo thường xuyên phải đương đầu với những khó khăn và thách thức lớn, có thể họ phải đương đầu với khủng hoảng, có thể họ phải làm việc liên tục 12 hay 14, 16 tiếng một ngày, và như vậy họ cần phải có sức khỏe tốt, nhưng các bạn trẻ chỉ có thể duy trì được sức khỏe tốt của mình khi từ nhỏ đã rèn luyện cho mình những thói quen đúng đắn và tập luyện.

Tôi nhớ đến hình ảnh Hồ chủ tịch tập thái cực và võ trong những ngày tháng ở chiến khu, và tôi tin Người đã tập luyện từng ngày, từng ngày… Chi khi những nhà lãnh đạo rèn luyện từ khi còn trẻ thì họ mới đủ sức lực và bản lĩnh để đương đầu với trách nhiệm và công việc của họ.

Nhà lãnh đạo nổi bật không thể đào tạo, họ là những con người có tố chất bẩm sinh. Họ có sự chuẩn bị và biết những gì cần làm và theo đuổi nó suốt nhiều năm… Tôi đều thấy họ giống nhau ở lòng quả cảm, sự kiên trì và nhẫn nại, ở trí thông minh và nghị lực, sự lạc quan không mệt mỏi.

Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo cần có những hỗ trợ và định hướng để giúp họ theo đuổi được mục tiêu của mình.

Chuyện tòa án- tít mù rồi lại vòng quanh


 NGUYỄN ĐĂNG TẤN







-Tòa án cấp dưới làm sai, rồi cũng chính tòa án này lại điều tra, lại xử, có ở đâu như vậy không?

Biết sai vẫn cứ làm?
Thật ra không phải ở nước ta mà nhiều nước cũng có chuyện tòa xử oan sai. Tuy nhiên cái sai của họ không biết có phần nhiều do… chủ quan của con người nghĩ ra, như việc xử oan sai của tòa án nước ta.

Ở xã hội ta, điều nguy hiểm chính là ở đó. Biết sai vẫn cứ làm chứ không phải nghiệp vụ non kém, do khách quan đem lại. Còn vì sao, động cơ là gì thì có vô vàn con đường dẫn đến oan sai.

Gần đây Nhà nước đang bàn chuyện cải cách tư pháp. Cải cách như thế nào để không oan sai, điều tra khách quan, xét xử khách quan là điều người dân mong đợi.



Án oan Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động nhân tâm.


Từ thực tế theo dõi khiếu kiện trong những năm vừa qua, người viết bài thấy việc cải cách tư pháp là yêu cầu khách quan, cấp bách. Bởi vì nhiều vụ oan sai nhưng thủ tục rườm rà, lòng vòng mất nhiều thời gian. Có vụ trải qua hàng chục năm người dân phải chịu đựng vô cùng đau khổ. Nhiều vụ, người dân không có thời gian cũng không có tài chính, đành buông tay.

Nhiều vụ án mà VietNamNet đã có phản ánh là những ví dụ cho chuyện lòng vòng đó. Vụ ở Đà Lạt dân khiếu kiện đòi bồi thường giải tỏa gần 20 năm. Vụ ở Thanh Hóa dân đòi lại đất theo lệnh của nhà nước tiêu thổ kháng chiến đến nay cũng chưa giải quyết ổn thỏa…

Hay vụ án dân sự ở Khánh Hòa xin được lấy làm ví dụ. Vụ án này xét ở những góc độ nghiệp vụ chẳng có gì phức tạp, chỉ là vụ án dân sự anh em tranh giành đất đai thừa kế. Mà chuyện này thì ở ta có luật hẳn hoi rồi, rất rõ ràng. Có di chúc hợp lệ thì chia thế nào, không có di chúc thì ai là hàng thừa kế được chia…, nghĩa là khá tỷ mỉ.

Tuy nhiên vụ này có cái khác hơn là người đòi chia đất lại là một Việt kiều ở Mỹ về đòi chia đất thừa kế của bố mẹ cho người em ở trong nước. Cái điểm nút hay là ẩn số cũng chính là ở đây.

Nếu cứ đúng như những gì luật đã nêu thì còn gì là điều tra, còn gì hấp dẫn. Chưa nói chuyện do động cơ gì nhưng tòa Khánh Hòa đã xử cho vị Việt kiều này được nhận hết số đất của bố mẹ để lại mà người em không được gì. Vì họ ghép đất đai nhà cửa của người em mà trước đó bố mẹ cho đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu để rồi phán là số đất đại đó là phần của người em.

Đơn kêu cứu gửi lên tòa cấp trên, tòa tối cao khu vực. Cũng không hiểu bằng cách nào đó tòa tối cao khu vực cũng y án.

Không chịu cách giải quyết của hai cấp tòa, người em đã ra tận Hà Nội gửi đơn đến Tòa án Nhân dân Tối cao, đến các cơ quan chức năng và cả báo chí. Nhiều tờ báo đã vào cuộc chỉ ra những khuất tất. Có báo còn gửi công văn đến những địa chỉ phải trả lời, phải giải quyết. Nhưng, không hiểu sao, tất cả vẫn im lặng … đáng sợ.

Ròng rã hai năm trời gõ hết cửa này sang cửa khác nhưng ở ta những cơ quan tiếp dân thì cũng chỉ biết nhận và chuyển đơn chứ có phải là cơ quan điều tra đâu mà biết mô tê thế nào, để xử. Dân đến kêu oan, đến nộp đơn thì các cơ quan đó cũng chỉ biết chuyển đơn đến nơi mà người dân địa phương đó đi khiếu kiện. Cuối cùng, bất kỳ vụ nào cũng vậy đơn sẽ lại được gửi… về địa phương.

Cấp dưới làm sai, lại điều tra, tự xử?


Còn vụ án này, đơn thư của người dân sau hai năm liên tục không ngừng không nghỉ đã thấu đến Tòa án Nhân dân Tối cao. Đây là một trường hợp khá may mắn vì Tòa án Nhân dân Tối cao cuối cùng cũng đã có kháng nghị gửi về Khánh Hòa đình chỉ vụ án.

Sau đó, (cũng phải hơn nửa năm) Tòa án Nhân dân Tối cao lập Hội đồng giám đốc thẩm với 11 thành viên do ông Trương Hòa Bình làm chủ tọa. Phiên tòa đã chỉ ra những cái sai của tòa cấp dưới và Quyết định hủy toàn bộ án dân sự.

Tưởng như thế là đã xong xuôi, vụ án đã kết thúc và người oan sai không còn phải chạy đi kêu cứu nữa, nhưng không phải vậy. Quyết định của Hội đồng chỉ là Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật.

Thế là lại bắt đầu lại từ đầu của việc xét xử. Hồ sơ đã đi một vòng bây giờ lại tiếp tục vòng lại. Mà ai có thể đảm bảo tòa cấp dưới xét xử lại, đã là minh bạch không oan sai. Vì đã một lần xử oan sai cho dân rồi nên họ mới chạy lên trên Tòa án Nhân dân Tối cao.

Một tâm lý thường thấy, khi đã làm sai thì người ta thường quyết ngụy biện, tìm mọi cách để chạy, để chống chế khó ai có thể thừa nhận mình đã làm sai. Như vụ ông Chấn ở Bắc Giang đấy. Toàn bộ bản tường trình của những người điều tra vụ án đều không có gì sai sót, nghĩa là đúng qui trình, đến nỗi có tờ báo đã phải viết rằng thế thì chỉ có ông Chấn ép Công an thôi (?). Ông Chấn chính là thủ phạm muốn đi tù nên ép cán bộ điều tra phải làm hiện trường giả và đề nghị được nhận tội để được đi tù (?).

Tóa án cấp dưới làm sai, rồi cũng chính tòa án này lại điều tra, lại xử, có ở đâu như vậy không? Đến nỗi trong vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn thanh Chấn, bà Lê Thị Nga Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi thảo luận ở Hội trường Quốc hội đã phải yêu cầu rút hồ sơ để Bộ Công an điều tra chứ không để công an Bắc Giang làm, vì như thế là không khách quan.

Vậy vụ án ở Khánh Hòa như vừa nêu, cũng bắt đầu từ cấp dưới làm sai, không biết cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ có còn diễn ra nữa không?

Mà chắc sẽ lại diễn ra vì hiện trạng đất đai sau khi Tòa án Khánh Hòa tuyên đã hoàn toàn bị thay đổi. Ông Việt kiều, được tòa án xử hưởng trọn đất đai. Còn người em, lập tức bị đội thi hành án phá nhà, phá nhà Từ đường chung để sau đó ông Việt kiều đem bán cho người khác và chẳng có kinh doanh cũng không công ty nào nữa. Vì ông này thành lập công ty chỉ là để có cơ sở, để “hợp pháp hóa” việc đòi đất. Người mua thì nhanh chóng làm sổ đỏ và ngôi nhà cao tầng sừng sững mọc lên trên lô đất ấy. Còn ông Việt kiều cao chạy xa bay về Mỹ từ đó.

Ai sai, ai phải giải quyết là câu chuyện còn dài dài.

Ngày xưa quan dưới làm sai, quan trên về điều tra, giải quyết rất nhanh, xử đúng người đúng tội, tiếng thơm còn ghi trong sử sách. Sao bây giờ nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều cấp tòa nhưng không thể giải quyết dứt điểm những vụ án dân sự rất bình thường, ai nhìn vào cũng biết. Cái gì làm cho vụ án đơn giản lại trở thành phức tạp?

Điều trớ trêu của cuộc sống trong thời gian qua, nhiều vụ việc đi khiếu kiên, đòi lại công lý không bắt nguồn từ người dân mà bắt nguồn từ việc tòa xử oan sai.

Cải cách tư pháp là điều tất yếu phải đi, phải đến, trong đó có hoạt động xét xử của các tòa án. Làm sao cho các án oan sai được giảm bớt, thời gian vụ án được nhanh chóng giải quyết, công lý được thực thi là điều mà nhân dân đang trông đợi.

Bao Công là câu chuyện sách vở, nhưng tòa án trong xã hội ta cũng đang rất cần những Bao Công như vậy.

Sự thực cần báo động



Học viện Báo chí - Tuyên truyền, lò đào tạo lớn nhất nước, mỗi năm cho ra trường 200 cử nhân báo chí hệ chính quy. Lúc cần điểm danh, dồn mấy khóa, lại chẳng quá được một tá nhân tài?! Nhà báo, chức danh "tĩnh", gọi là "phóng viên", tính năng động cao hơn. Đội hình PV trẻ hôm nay không dễ tìm người "máu nghề", xả thân, chưa nói "hết mình" tận lực?

Không dễ điểm tên những "cây viết" của các thể loại. Có người viết được nhiều thể loại, có người viết mãi vẫn không ra hồn một... loại nào. Vì ít yêu nghề, hay ngày ngày nặng mưu sinh cơm áo, tham vọng trước mắt làm họ chai mòn, nhát gan, lười biếng?

Dám trả giá là sự đầu tư cho một sự nghiệp lâu bền: Từ thức đêm, chịu khó, trăn trở nghề đến những đối mặt nguy hiểm khi tác nghiệp. Không thể gọi PV xào xáo thông tin từ Facebook, cop nhặt trên mạng thành bài đều đều không biết ngượng là "phóng viên salon", gọi thế quá sang cho kẻ thiếu đạo đức nghề.

Tôi cũng không thấy việc những bài báo, PV tâm huyết viết cho báo in, báo in đưa lên Web của chính mình, rồi bị các báo điện tử, các trang mạng xã hội lấy lại, cắt xén, thay đổi tít bài hay để nguyên mà bỏ tác giả, nghiễm nhiên không xin phép báo gốc và không trả nhuận bút tác quyền, là biểu hiện của sự "phát triển tin học"!

Số lượng "bồi bút" háo danh, chụp giật ngày càng tăng. Họ săn rình, hóng hớt, cắt xén thông tin, "đạo văn" ngang nhiên như cơm bữa. Đừng đổ hết tội cho đám ca sĩ, người mẫu tự phong là dễ dãi, rẻ tiền, khi có sự phối hợp, đón lõng của cả hai bên cùng có lợi: Sự hợp tác của PV "lá cải" với một bộ phận của giới showbiz là phối hợp "ăn ý". Một bộ phận PV làm việc kiểu "ăn xổi", "hớt váng" như thế mà không bị xử lý.

Sự "hot" từ chuỗi tin đồn, tít giật gân, những câu chuyện, phát ngôn gây sốc bị đổ đồng là "nổi tiếng", khiến từ này trở nên mất giá trị. Ngày càng thiếu hiếm những bài báo gây xúc động, hiệu ứng xã hội, góp phần thay đổi những số phận khốn khổ, nhỏ nhoi, những tác phẩm đấu tranh vì lẽ phải, công bằng! Vì đâu?

Chế độ đãi ngộ ít, nhuận bút chưa tương xứng hay vì không có lửa nghề, không chịu cực nhọc, hy sinh mà ngay những bài viết về đề tài đô thị, làm ngay tại thành phố, các PV cũng biếng nhác từ việc thẩm định thông tin, tìm hiểu nhân vật đến kiếm các chi tiết độc đáo, chọn cách thể hiện mới? Tính sáng tạo, dấn thân, dự báo là những đòi hỏi xa xỉ?

Không đem đòi hỏi của lý thuyết báo chí và kỳ vọng của xã hội, của các vị lãnh đạo cao cấp đặt vào lực lượng làm báo để phán quyết tổng thể, nhưng sự thực cần báo động là nền báo chí đương đại hiện nay, với 1,7 vạn nhà báo có thẻ hành nghề của Bộ Thông tin Truyền thông, 1,9 vạn nhà báo có thẻ hội viên Hội Nhà báo VN, thiếu vắng nghiêm trọng "làn sóng mới" những người viết say nghề, hăng hái lao động?

Định danh, khẳng định của một cây bút không chỉ duy nhất đánh dấu bằng giải thưởng, mà phải được nhớ bởi độc giả, được bạn đọc tín nhiệm, đón tìm đọc.

Tôi, một cây viết thế hệ 8X, vẫn hy vọng về lửa nghề và tâm huyết của thế hệ đồng lứa lẫn sau mình. Không ít em thi vào trường báo để "khớp lệnh" cha, mẹ truyền con nối, khi chẳng có năng khiếu gì, do không thi vào đó cũng không biết thi trường nào cho đỗ. Thi vào để ra trường còn có người nhà nâng đỡ, xin việc làm. Mục đích cơm áo thực dụng ấy là sự thật, hơn là vì năng khiếu, đam mê. Quá mức "xa thực tế", xa xỉ ư, khi đợi chờ lý tưởng nghề ở đội ngũ những người viết báo rất đông mà vẫn thấy thiếu trên một đất nước dân số trẻ đang phát triển?

Vi Thùy Linh