Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Chỉ vài "lãnh đạo tốt", khó thay đổi đất nước



Tác giả: TRẦN ĐÔNG




-“Việc chỉ có một vài người có năng lực lãnh đạo tốt cũng rất khó thay đổi đất nước. Chúng ta cần cả một lứa, một thế hệ mới”, ông Nguyễn Cảnh Bình – GĐ công ty sách Alphabook chia sẻ.


Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây trên Tuần Việt Nam,Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ rằng, các bạn trẻ hiện nay đang còn thiếu nhiều kỹ năng để làm việc và đặc biệt là để trở thành những nhà lãnh đạo xứng với kỳ vọng của dân. Ông nghĩ gì về điều này?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Vũ Khoan. Như quan sát của tôi, thì các bạn trẻ hiện nay không chỉ thiếu kỹ năng mà còn thiếu cả kiến thức để trở thành nhà lãnh đạo tốt.

Kỹ năng và kiến thức mà chúng ta đang giảng dạy trong trường và ở bên ngoài chỉ mới đáp ứng nhu cầu trở thành một người lao động khá chứ không đủ giúp các bạn trẻ trở thành nhà lãnh đạo giỏi. Chúng ta không có những chương trình đào tạo và huấn luyện thích hợp và đặc biệt dành riêng cho mục tiêu này.



Anh Nguyễn Cảnh Bình thuyết trình tại một hội thảo về thành công. Ảnh: Alphabooks.vn


Người lãnh đạo trong tương lai không chỉ có sức khỏe và kiến thức mà còn phải có những kỹ năng cao cấp và cần thiết khác. Nếu các kỹ năng mềm thông thường là cần thiết và phù hợp với các bạn trẻ, với người nhân viên thì người lãnh đạo cần hơn thế nhiều. Tôi không hình dung được một nhà lãnh đạo trong tương lai lại không biết đọc diễn văn và thiếu khả năng hùng biện. Hẳn là môi trường và thách thức khi đó sẽ đòi hỏi họ phải thông thạo các kỹ năng này, và muốn vậy, họ cần được học và rèn luyện từ khi còn nhỏ chứ đợi đến khi trưởng thành và giữ cương vị thì đã quá muộn.

Ngoài ra, tôi tin chắc chắn rằng, những nhà lãnh đạo đích thực phải hiểu biết về đất nước, về dân tộc và về tổ quốc, quê hương mình. Nếu không có kiến thức và dựa vào lịch sử của dân tộc, tôi không hình dung được nhà lãnh đạo đó sẽ làm gì hay làm như thế nào…

Trong hàng ngìn năm dựng và giữ nước, các thế hệ lãnh đạo và những nhân vật lãnh đạo quốc gia phải là những người có tình yêu nước, yêu dân tộc nồng nàn nhất mãnh liệt nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp là minh chứng tiêu biểu nhất cho điều này.

Dường như lâu nay có một thói quen trong xã hội là than vãn, chê trách nhiều hơn nêu giải pháp hoặc bắt tay vào hành động. Ông nghĩ sao?
- Dù chưa thực sự như kỳ vọng nhưng tôi và các đồng nghiệp đang rất cố gắng làm những gì có thể được để có một chương trình huấn luyện phù hợp nhất với bối cảnh hiện nay, dó là một chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ.

Tôi đã nghiên cứu các mô hình đào tạo của Việt Nam và thế giới về đào tạo lãnh đạo; tôi học hỏi được nhiều điều từ nhân vật lãnh đạo thực tế, tôi tìm hiểu về rất nhiều nhân vật: lãnh tụ, lãnh đạo, chính trị gia, doanh nhân…; tôi đọc rất nhiều sách về lĩnh vực này và kết hợp với quá trình phát triển kinh nghiệm bản thân mình.

Tôi nghĩ rằng, việc có 1-2 người có năng lực lãnh đạo tốt cũng rất khó thay đổi đất nước, chúng ta cần nhiều hơn thế. Vì thế, cần hàng chục, hàng trăm người có năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức… chúng ta cần cả một lứa, một thế hệ mới.

Gần đây, câu chuyện về sự thành công của U19 Việt Nam mà nòng cốt là Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai minh chứng cho câu chuyện về sự chuyên nghiệp và việc đào tạo bài bản, chặt chẽ ngay từ nhỏ. Mô hình HQGL giống với nhiều mô hình đào tạo khác trên thế giới: (1) Tuyển đầu vào chặt chẽ, sớm; (2) Có phương pháp phù hợp, có môi trường chuyên nghiệp; (3) Có sự đầu tư đúng, tốt và HLV giỏi/lãnh đạo tốt,… Tránh căn bệnh ăn xổi ở thì, muốn thành công nhanh chóng, dễ dàng ở khắp mọi lĩnh vực…

… Chúng tôi cũng cố gắng làm tốt nhất những gì có thể được. Không thể chờ đợi sự hoàn hảo, sự đầy đủ, mà ngay từ bây giờ cần bắt tay vào làm… Tôi học hỏi từ các mô hình khác, học hỏi từ sự thành công và thất bại của những nhà lãnh đạo khác, và ngay từ chính trong xã hội Việt Nam hiện nay, rồi điều chỉnh trong quá trình triển khai…

Hình dung của ông về những nhà lãnh đạo trẻ tương lai?
- Kể cả trong cuộc sống và trong sự phát triển sự nghiệp, trong doanh nghiệp hay trong bất cứ tổ chức nào, với cá nhân nhà lãnh đạo thường xuyên phải đương đầu với những khó khăn và thách thức lớn, có thể họ phải đương đầu với khủng hoảng, có thể họ phải làm việc liên tục 12 hay 14, 16 tiếng một ngày, và như vậy họ cần phải có sức khỏe tốt, nhưng các bạn trẻ chỉ có thể duy trì được sức khỏe tốt của mình khi từ nhỏ đã rèn luyện cho mình những thói quen đúng đắn và tập luyện.

Tôi nhớ đến hình ảnh Hồ chủ tịch tập thái cực và võ trong những ngày tháng ở chiến khu, và tôi tin Người đã tập luyện từng ngày, từng ngày… Chi khi những nhà lãnh đạo rèn luyện từ khi còn trẻ thì họ mới đủ sức lực và bản lĩnh để đương đầu với trách nhiệm và công việc của họ.

Nhà lãnh đạo nổi bật không thể đào tạo, họ là những con người có tố chất bẩm sinh. Họ có sự chuẩn bị và biết những gì cần làm và theo đuổi nó suốt nhiều năm… Tôi đều thấy họ giống nhau ở lòng quả cảm, sự kiên trì và nhẫn nại, ở trí thông minh và nghị lực, sự lạc quan không mệt mỏi.

Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo cần có những hỗ trợ và định hướng để giúp họ theo đuổi được mục tiêu của mình.

1 nhận xét:

  1. “ Cán bộ lãnh đạo " hay “ Lãnh tụ “ ?

    Trong bài : “ Chỉ vài “ Lãnh đạo tốt “, khó thay đổi đất nước " của tác giả Trần Đông trên đây, theo thiển kiến của tôi, có thể người viết đã bị lẫn lộn giữa ý của cụm từ : “ Cán bộ lãnh đạo giỏi “ và “ Lãnh tụ xuất chúng “ nên đã dùng từ không được chuẩn . Thường tình, khi ta đề cập đến người chỉ huy, dẫn dắt…hay cai quản một Xí nghiệp, một Bộ hay một Ngành…nào đó mà thành công, chúng ta hay nói : “ Công ty đó, Xí nghiệp đó, Bộ ngành đó…có Chủ sự giỏi, có vị “ Lãnh đạo tốt “ . Nhưng trong trường hợp này, chúng ta đang bàn đến một chủ đề có tính cách cao hơn, rộng lớn hơn : “ Đất nước “ .
    Ông viết : “ Chỉ vài “ Lãnh đạo tốt “ khó thay đổi đất nước “ . Nhưng trong thực tế, Lịch sử thế giới, và nhất là Lịch sử cận đại của dân tộc ta đã chứng minh hùng hồn một cách trái ngược : Trên bình diện Quốc gia, chúng ta không cần thiết phải cần đến “ Vài “ lãnh đạo tốt…Đất nước ta, may mắn thay nhờ Tổ Tiên, sông núi linh thiêng đã ban phát cho đất nước “ Một Lãnh Tụ “ anh minh, thiên tài , biết nhìn xa trông rộng, có đức độ kiện toàn, có lòng yêu nước, thương dân một cách nồng nàn, có đường lối và chinh sách đúng đắn như Bác Hồ của chúng ta chẳng hạn, để tập hợp, đội ngũ, đoàn kềt toàn dân…Tổ chức tập huấn, Giáo dục…Đào tạo rộng lờn những lớp “ Cán bộ Lãnh đạo Bộ ngành, Quân, Cán, Chính “ cần thiềt cho từng giai đoạn lịch sử...một lòng vì nước, vì dân thì “ Khó khăn nào chẳng vượt qua , Kẻ thù nào cũng đánh thắng “ đấy thôi…Nhưng sao cũng đất nước đó, cũng từng có hàng “ LỨA “ nhân sĩ trí thức, không chỉ “ VÀI “ mà hàng “ THẾ HỆ LÃNH ĐẠO “ không đến nỗi tệ, MÀ SAO SUỐT CẢ TRĂM NĂM VẪN “ KHÓ THAY ĐỔI ĐƯỢC ĐẤT NƯỚC KHỎI CẢNH TÙ ĐÀY, TRÂU NGỰA CỦA THỰC DÂN, PHONG KIẾN MÀ PHẢI CHỜ MÃI ĐẾN THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH ? Cho nên, chúng ta không thể lầm lẫn giữa những “ Lãnh tụ thiên tài “ và các “ Cán bộ Lãnh đạo tốt “ . Cán bộ Lãnh đạo tốt “ ta có thể rèn luyện, đào tạo được, còn “ Lãnh tụ kiệt xuất “ trên thế giới, ngoài việc họ phải học tập, trui luyện trong phấn đấu…còn một yếu tố không thể thiếu trong họ : “ Năng khiếu Lãnh đạo Thiên bẩm “ Trời cho “ !
    KÍNH CHÀO ĐOÀN KỀT .
    PHẠM CẦU , CANADA .

    Trả lờiXóa