Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Đạo đức các blogger lề trái để đâu?




Trong xã hội làm nghề gì cũng phải có đạo đức, cũng phải có lương tâm. Đó là quy tắc để chúng ta vững vàng trước những khó khăn nghề nghiệp cũng như không nghiêng ngả trước những cám dỗ trần tục. Viết blog có thể không được coi là một nghề như nhà báo, nhà văn hay các nghề khác trong xã hội nhưng người cầm bút cũng phải có trách nhiệm và lương tâm với những gì mình viết ra cho dù nó mang tính cá nhân đi chăng nữa. Nhưng nhìn lại chúng ta mới giật mình khi liên tiếp một số blogger lề trái đã bị bắt và xử lý vì vi phạm pháp luật.

Trong thời gian gần đây một số blogger lề trái đã liên tục bị bắt và xử lý như blogger Trương Duy Nhất, blogger Phạm Viết Đào… đây có lẽ là tiếng chuông báo động cho những ai đã đang và sẽ có ý thức viết lách ẩu, suy nghĩ đơn giản cẩu thả, tư tưởng lệch lạc. Cũng là lúc chúng ta nên nhìn nhận lại một cách nghiêm túc hơn về những tác động xấu đối với cộng đồng mạng nếu như thả lỏng những trang blog có quan điểm trái chiều. Có lẽ nên có những cơ chế quản lý phù hợp hơn với những trang blog còn lại
Nếu xét dưới khía cạnh pháp lý thì việc xử lý các blogger này là chính xác, hợp lý. Bởi chỉ cần chiếu theo các quy định của pháp luật đã có sẵn bản án giành cho họ với những cấu thành tội phạm rõ ràng. Mặc dù những blogger sẩy chân này vẫn được giới giả danh dân chủ tung hô, cổ súy hay các đài báo của phương Tây hoan hỉ ca tụng thì họ vẫn phải chấp hành luật pháp. Bởi luật pháp không phải là thứ sinh ra để làm cảnh, mà luật pháp thể hiện cho sự nghiêm minh và công bằng của một thể chế. Luật pháp không miễn trừ riêng cho ai cả, không ai có đặc quyền trước pháp luật. Blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào đã vi phạm pháp luật tất yếu họ sẽ phải lãnh chịu những sự trừng trị đích đáng. Cho dù giới “giả dân chủ” và quan thầy có gào thét rằng Việt Nam đàn áp giới blogger thì đó chỉ là sự vớt vát danh dự cho những con tốt đã sẩy chân.
Ông cha ta đã từng nói “bút sa gà chết”, rõ ràng mấy vị blogger trên đã “sa bút”. Trương Duy Nhất hay Phạm Viết Đào cũng vậy, họ lập ra các trang blog hay mua tên miền trang web, họ đăng tải bài viết ắt hẳn sẽ có sự phát sinh quyền lợi và trách nhiệm . Bởi chỉ họ mới có quyền quản trị, quyền tác giả nên họ phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các hành động của họ. Con người khác với con vật ở chỗ là có tư duy và phải chịu sự chi phối của các giá trị xã hội. Và trên tất cả là con người phải biết chịu trách nhiệm với hành động của bản thân. Vậy dưới khía cạnh pháp lý thì bản án 15 tháng tù đối với Phạm Viết Đào và 2 năm tù đối với Trương Duy Nhất là đúng luật, không có gì phải bàn cãi thêm nữa.


Nhưng những vụ việc dính tới vòng lao lý của các blogger trên cần phải bàn tới khía cạnh đạo đức nhiều hơn. Trong khi internet đang phát triển nhanh chóng, sự tăng trưởng không ngừng của các giá trị xã hội, mang đến cho cá nhân những quyền riêng tư, những công cụ để tăng tiếng nói cá nhân thì vấn đề đặt ra lại là sự quản lý càng khó khăn. Blog là một công cụ của google đã trao cho các cá nhân quyền nói lên tiếng nói, quan điểm của cá nhân nhưng đồng thời cũng là một thứ rất dễ lợi dụng cho các mục đích xấu. Nhất là đối với những người đang có tư tưởng lệch lạc, thậm chí là suy thoái về đạo đức. Không ai dám nói rằng Trương Duy Nhất thiếu kiến thức về pháp luật, càng không ai dám nói Phạm Viết Đào là người thiếu hiểu biết, ăn không đến nơi, học không đến chốn cả. Mà họ là những người có kiến thức, am hiểu pháp luật, biết phân biệt đúng sai. Trương Duy Nhất từng là một nhà báo Công an kỳ cựu, Phạm Viết Đào dù sao cũng được coi như một nhà văn. Vậy họ “sa bút” là vì nguyên do gì? Câu trả lời là họ đã đánh mất cái tâm của người cầm bút, họ đã bẻ cong ngòi bút cho các mục đích cá nhân hơn là viết vì sự thẳng thắn. Họ đã viết vì lợi ích vị kỷ hơn là vì sự tiến bộ, công bằng của xã hội. Khi đạo đức đã bị dẫm đạp bởi lợi ích thì những giá trị xã hội tốt đẹp khác sẽ bị chà đạp.
Nhưng biết nói sao khi mọi sự đã rồi. Ai cũng là con người, không ai không thể sống mà không có vật chất cả, nhưng quan trọng là phải biết cân bằng. Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào chỉ là những trường hợp cá biệt của giới blogger. Họ đã bị vật chất cám dỗ, ngòi bút đã trở thành công cụ riêng cho bản thân thì họ sa ngã là điều tất yếu. Nhưng họ cũng là bài học lớn để cho các blogger khác không đi theo vết xe đổ đó nữa. Và là bài học để cho các blogger khác viết một cách cẩn thận, tử tế và có trách nhiệm hơn.

Quốc Thái



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét