Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Thơ Văn xuôi- Cỏ Dại- Lỗ Tấn





Tập Cỏ dại thể hiện một phương diện còn được ít biết tới về tâm hồn Lỗ Tấn. Đây là một tập thơ văn xuôi đặc sắc viết vào những năm 1924 – 1925, phản ánh những mâu thuẫn, bế tắc trong tư tưởng nhà văn trước thực trạng xã hội đen tối, nhưng thường không được xem xét kĩ. Văn học sử hiện đại Trung Quốc thời trước viết theo lối cũ thường xem đây là những mâu thuẫn trên con đường phát triển “từ tiến hoá luận tư sản đến giai cấp luận Macxit”. Với quan niệm xem Lỗ Tấn như một thần tượng trọn vẹn, người ta không muốn nói tới những gì là bi quan, hư vô trong tư tưởng của nhà văn. Với quan niệm phản ánh luận thô thiển, những phản ánh về tâm hồn không đựơc đánh giá đúng mức. Mỗi lần nói tới Cỏ dại là người ta nói tới một cái gì nhất thời, ngẫu nhiên trên bước đường qui về một cái gì đó cuối cùng to lớn hơn, vĩnh cửu hơn, tức là đánh giá theo quan điểm tương lai. Trong tiểu luận Di sản đã mất giá của Xecvantex, nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera có nói một ý đáng suy nghĩ: “Trước đây tôi cũng tin rằng tương lai là kẻ duy nhất có tư cách đánh giá tác phẩm và hành vi của chúng ta, về sau tôi hiểu rằng chạy theo tương lai là kẻ nịnh bợ đê tiện nhất trong những kẻ nịnh bợ, là sự xun xoe khiếp nhược trước cường quyền”; “Nhưng nếu tương lai không còn là một giá trị đối với tôi, thì đâu là điểm qui về của tôi? Thượng đế? Quốc gia? Nhân dân? Cá nhân? Câu trả lời của tôi tuy rất phi lý nhưng cũng rất thành thực- Tôi không lấy cái gì làm điểm qui về cả”. Có lẽ chỉ nhìn về tương lai đã làm giảm đi ý nghĩa của hiện tại. Nhưng chính hiện tại mở đường cho tương lai. Tất cả các nhà văn đi tìm cứu cánh sau khi tan vỡ đều rút ra kết luận như Kundera. Chỉ có cuộc đi tìm vô tận vì cái đẹp, chỉ có tâm hồn mãi mãi không thoả mãn mới dẫn dắt con người ta đi tới.

Đặc sắc của Cỏ dại là một cuộc đi tìm trong cô đơn, một tâm sự hoài nghi đau đớn, và một tinh thần chiến đấu quật cường lặng lẽ, không gì khuất phục được. Đương thời, trong ngọn triều tranh đấu sục sôi của thời đại, Lỗ Tấn thấy Cỏ dại “phần lớn là những đoá hoa nhỏ nhoi, trắng nhợt mọc bên bờ cái địa ngục đã hoang phế”. Năm 1934, trong một bức thư, Lỗ Tấn nói: “Cỏ dại của tôi, kĩ thuật không tồi, nhưng tâm tình thì suy đồi quá”. Nhưng mặt khác, như trong Đề từ đã nói, Cỏ dại chứng tỏ Lỗ Tấn đã từng sống, sống hết mình với thời đại, và ông chưa hề trống không. Nếu văn học là sự vượt lên thực tại hữu hạn, là sự thăng hoa của tâm hồn, thì Cỏ dại là bó hoa của một tâm hồn đau khổ, tuyệt vọng đến cùng cực, nhưng không ngừng tìm kiếm. Có người nói Lỗ Tấn là tâm hồn đau khổ nhất của Trung Quốc hiện đại. Có người so sánh Cỏ dại với tập Hoa ác của Baudelaire quả là không sai.

Lỗ Tấn là nhà văn dân chủ vĩ đại, triệt để phản phong. Ông chủ trương một thứ văn chương nhìn thẳng vào đời sống, chống lại thứ văn chương che đậy và dối trá. Ông đề cao khẩu hiệu đập vỡ ảo tưởng tinh thần, phơi bày sự bế tắc của sinh tồn. Ông là người nhìn rõ những căn bệnh tinh thần của quốc dân. Ông thấy rõ sức mạnh vĩ đại của nhân dân, nhưng ông cũng thấy rất sâu những căn bệnh của nó. Ông khinh bỉ kẻ thù, nhưng ông cũng thấy chúng giảo hoạt quá. Và ông bước vào một mặt trận có đối thủ mà như không có đối tượng, cô đơn, trơ trọi. Cỏ dại là nỗi đau của một tâm hồn sâu sắc, đào bới đến tận đáy sâu của tồn tại. Đọc kĩ Cỏ dại, ta sẽ thấy đó không hề là một cái gì tạm thời, mà một mặt nào đó, là trạng thái vĩnh cửu của nhân sinh. Con người phải đấu tranh vơi tuyệt vọng và hư vô để tồn tại.

Cỏ dại học tập bút pháp của tập thơ văn xuôi Con đường tình yêu của Turgenev, viết về những cảnh trong mơ, tạo ra những huyền thoại hiện đại. Nhưng các biểu tượng ở đây kết tinh các biểu tượng đã có trong đời văn của Lỗ Tấn, như những kẻ hiếu kì, nô tài, sự trống không, cánh đồng hoang, đêm thu, mặt trận không đối tượng, che đậy và dối lừa… Những câu văn đầy ấn tượng kiểu Nietzsche, những hình ảnh tượng trưng kiểu Baudelaire…

Dịch Cỏ dại, chúng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một góc khuất trong tâm hồn của một nhà văn vĩ đại mà tư duy hiện đại không thể bỏ qua, giới thiệu một phương diện siêu hình trong nhà văn hiện thực, để bạn đọc Việt Nam có được một hình ảnh trọn vẹn về Lỗ Tấn, khắc phục bức chân dung được cắt tỉa, ít nhiều công thức đã được biết lâu nay.

Do yêu cầu đó, chúng tôi trích dịch 17 bài trong số 24 bài của tập Cỏ dại. Văn bản rút từLỗ Tấn toàn tập, Tập 2, Bắc Kinh, 1957. Một số trong các bài trên đã được dịch ra tiếng Việt. Nhưng văn hay không ngại dịch lại dịch lại nhiều lần. Cỏ dại là tập văn rất khó dịch, do trình độ có hạn, khó tránh khỏi sai sót, mong bạn đọc lượng thứ và góp ý.

Trần Đình Sử



 ĐỨA VAN XIN


Tôi đi men theo bức tường cao lở lói, chân dẫm lên trên đất bụi xốp tơi. Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy. Gió nhẹ thổi tới, cành cây cao nhô ra trên tường có mấy chiếc lá chưa khô lay động trên đầu tôi.

Gió nhẹ nổi lên, bốn bề đều là đất bụi.

Có một đứa trẻ đến van xin tôi, nó cũng mặc áo kép, không có vẻ gì là buồn thảm, thế mà ngăn tôi lại để vái chào, chạy theo tôi mà kêu thảm thiết.

Tôi chán ghét cái giọng điệu, thái độ của nó. Tôi căm ghét việc nó không buồn đau, có vẻ như là đùa chơi; tôi chán ngấy việc nó chạy theo mà kêu thảm thiết.

Tôi đi trên đường. Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy. Gió nhẹ thổi lên, bốn bề đều là đất bụi.

Có một đứa trẻ đến van xin tôi, nó cũng mặc áo kép, cũng chẳng lấy gì làm buồn thảm, nhưng nó câm, nó dang hai tay, vờ làm điệu bộ.

Tôi căm ghét cái điệu bộ đó. Với lại, có thể là nó không câm, đó chẳng qua là một cách để van xin.

Tôi không bố thí. Tôi không có lòng bố thí, tôi chỉ đứng trên kẻ bố thí, chỉ ban cho chúng những chán ngán, nghi ngờ và căm ghét.

Tôi đi men theo bức tường đất đã sụp đổ, gạch vỡ chất vào chỗ sụp đổ của bức tường, trong tường chẳng có gì cả. Gió nhẹ thổi lên, đưa cái lạnh mùa thu thấm qua áo kép của tôi; bốn bề đều là đất bụi.

Tôi nghĩ tôi sẽ dùng cách gì để van xin: khi cất lời thì dùng giọng điệu nào? Khi vờ câm thì dùng động tác nào?

Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy.

Tôi sẽ không nhận được bố thí, không nhận được lòng bố thí; tôi sẽ nhận được cái ở bên trên kẻ bố thí, sự chán ngán, nghi ngờ, căm ghét.

Tôi sẽ cầu xin bằng vô vi và lặng im.

Tôi ít nhất sẽ nhận được trống không.

Gió nhẹ thổi lên, bốn bề đều là đất bụi.

Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy.

Đất bụi, đất bụi…..

……….

Đất bụi…….



SỰ GIÃ TỪ CỦA CÁI BÓNG




Người ta ngủ đến lúc không biết là vào lúc nào nữa thì sẽ có cái bóng đến từ biệt, nói những lời như sau:

Trên thiên đường có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn lên; dưới địa ngục cũng có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn xuống; trong thế giới hoàng kim tương lai của các người có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn đến.

Thế mà anh lại chính là điều mà tôi không thích.

Bạn ơi, tôi không muốn theo anh nữa, tôi chẳng muốn ở lại.

Tôi không muốn!

Ô hô chao ôi, tôi không muốn, giá mà tôi được quẩn quanh ở nơi chẳng nơi nào cả.

Tôi chẳng qua chỉ là cái bóng, muốn từ biệt anh để đắm chìm trong bóng tối. Thế nhưng bóng tối sẽ nuốt chửng tôi, còn ánh sáng thì lại khiến tôi biến mất.

Nhưng tôi cũng không muốn luẩn quẩn ở giữa bóng tối và ánh sáng, giá mà tôi được đắm chìm vào bóng tối.

Thế mà rốt cuộc tôi đang luẩn quẩn giữa bóng tối và ánh sáng, tôi không biết nó là hoàng hôn hay bình minh. Tôi hằng giơ bàn tay đen đúa vờ làm như uống cạn một chén rượu, khi không biết lúc đó là lúc nào mà tôi sẽ một mình đi xa.

Chao ôi! nếu là hoàng hôn thì đêm đen tự nhiên sẽ lại nhấn chìm tôi, nếu không thì tôi sẽ bị ánh sáng ban ngày làm cho biến mất, nếu đó là bình minh.

Bạn ơi, thời gian sắp đến rồi.

Tôi sẽ hướng về bóng tối để quẩn quanh ở nơi chẳng nơi nào cả.

Anh lại còn muốn quà tặng của tôi. Tôi biết dâng tặng anh cái gì? Bất đắc dĩ, chỉ vẫn là bóng tối và trống không mà thôi. Nhưng tôi chỉ mong nó là bóng tối, có thế nó sẽ biến mất trong ánh ngày của anh. Tôi chỉ muốn nó là trống không, quyết không chiếm chỗ trong cõi lòng của anh.

Tôi muốn như thế này, bạn ơi.

Tôi một mình đi xa, chẳng những không có anh, mà cũng không có cái bóng nào khác trong bóng tối. Chỉ có mình tôi bị bóng tối nuốt chửng, thế giới ấy hoàn toàn chỉ thuộc về tôi.

Ngày 24 tháng 09 năm 1924
( trích " Cỏ dại " - Lỗ Tấn- GS. Trần Đình Sử dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét