Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Sự thực cần báo động



Học viện Báo chí - Tuyên truyền, lò đào tạo lớn nhất nước, mỗi năm cho ra trường 200 cử nhân báo chí hệ chính quy. Lúc cần điểm danh, dồn mấy khóa, lại chẳng quá được một tá nhân tài?! Nhà báo, chức danh "tĩnh", gọi là "phóng viên", tính năng động cao hơn. Đội hình PV trẻ hôm nay không dễ tìm người "máu nghề", xả thân, chưa nói "hết mình" tận lực?

Không dễ điểm tên những "cây viết" của các thể loại. Có người viết được nhiều thể loại, có người viết mãi vẫn không ra hồn một... loại nào. Vì ít yêu nghề, hay ngày ngày nặng mưu sinh cơm áo, tham vọng trước mắt làm họ chai mòn, nhát gan, lười biếng?

Dám trả giá là sự đầu tư cho một sự nghiệp lâu bền: Từ thức đêm, chịu khó, trăn trở nghề đến những đối mặt nguy hiểm khi tác nghiệp. Không thể gọi PV xào xáo thông tin từ Facebook, cop nhặt trên mạng thành bài đều đều không biết ngượng là "phóng viên salon", gọi thế quá sang cho kẻ thiếu đạo đức nghề.

Tôi cũng không thấy việc những bài báo, PV tâm huyết viết cho báo in, báo in đưa lên Web của chính mình, rồi bị các báo điện tử, các trang mạng xã hội lấy lại, cắt xén, thay đổi tít bài hay để nguyên mà bỏ tác giả, nghiễm nhiên không xin phép báo gốc và không trả nhuận bút tác quyền, là biểu hiện của sự "phát triển tin học"!

Số lượng "bồi bút" háo danh, chụp giật ngày càng tăng. Họ săn rình, hóng hớt, cắt xén thông tin, "đạo văn" ngang nhiên như cơm bữa. Đừng đổ hết tội cho đám ca sĩ, người mẫu tự phong là dễ dãi, rẻ tiền, khi có sự phối hợp, đón lõng của cả hai bên cùng có lợi: Sự hợp tác của PV "lá cải" với một bộ phận của giới showbiz là phối hợp "ăn ý". Một bộ phận PV làm việc kiểu "ăn xổi", "hớt váng" như thế mà không bị xử lý.

Sự "hot" từ chuỗi tin đồn, tít giật gân, những câu chuyện, phát ngôn gây sốc bị đổ đồng là "nổi tiếng", khiến từ này trở nên mất giá trị. Ngày càng thiếu hiếm những bài báo gây xúc động, hiệu ứng xã hội, góp phần thay đổi những số phận khốn khổ, nhỏ nhoi, những tác phẩm đấu tranh vì lẽ phải, công bằng! Vì đâu?

Chế độ đãi ngộ ít, nhuận bút chưa tương xứng hay vì không có lửa nghề, không chịu cực nhọc, hy sinh mà ngay những bài viết về đề tài đô thị, làm ngay tại thành phố, các PV cũng biếng nhác từ việc thẩm định thông tin, tìm hiểu nhân vật đến kiếm các chi tiết độc đáo, chọn cách thể hiện mới? Tính sáng tạo, dấn thân, dự báo là những đòi hỏi xa xỉ?

Không đem đòi hỏi của lý thuyết báo chí và kỳ vọng của xã hội, của các vị lãnh đạo cao cấp đặt vào lực lượng làm báo để phán quyết tổng thể, nhưng sự thực cần báo động là nền báo chí đương đại hiện nay, với 1,7 vạn nhà báo có thẻ hành nghề của Bộ Thông tin Truyền thông, 1,9 vạn nhà báo có thẻ hội viên Hội Nhà báo VN, thiếu vắng nghiêm trọng "làn sóng mới" những người viết say nghề, hăng hái lao động?

Định danh, khẳng định của một cây bút không chỉ duy nhất đánh dấu bằng giải thưởng, mà phải được nhớ bởi độc giả, được bạn đọc tín nhiệm, đón tìm đọc.

Tôi, một cây viết thế hệ 8X, vẫn hy vọng về lửa nghề và tâm huyết của thế hệ đồng lứa lẫn sau mình. Không ít em thi vào trường báo để "khớp lệnh" cha, mẹ truyền con nối, khi chẳng có năng khiếu gì, do không thi vào đó cũng không biết thi trường nào cho đỗ. Thi vào để ra trường còn có người nhà nâng đỡ, xin việc làm. Mục đích cơm áo thực dụng ấy là sự thật, hơn là vì năng khiếu, đam mê. Quá mức "xa thực tế", xa xỉ ư, khi đợi chờ lý tưởng nghề ở đội ngũ những người viết báo rất đông mà vẫn thấy thiếu trên một đất nước dân số trẻ đang phát triển?

Vi Thùy Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét