Tác giả : Võ Diệu Thanh
Gần mười cây vàng cho nó. Không phải là quá sức nhưng ông không thể có ngay khoản tiền này. Ráng vài tháng nữa. Ông chắc chắn tới chừng đó, có hai mươi cây vàng ông cũng không thể mua được nó. Phong trào chơi kim quýt đang rầm rộ. Người ta có thể đẩy giá một cây đôi mươi tuổi lên hàng cây vàng thì một cây gần trăm tuổi như nó hỏi thử làm sao họ chịu để yên. Với ông, nó không tính được bằng tiền.
Nó là duyên nợ của ông. Một lần chiêm bao, thấy đi vào một vách núi dựng đứng. Có một thân cây trân mình bên vách núi giữa cuồng phong, với cái dáng nghiêng nghiêng nhẫn nhịn. Cây nói trong gió. “Tôi chờ ông”. Lúc nhìn thấy cây kim quýt, ông chới với. Chỉ cần ông cắt bỏ đi hết mấy cái chi vướng víu rườm rà kia, hạ nó ở mức thấp nhất. Chỉ còn lại mỗi cái trăm năm gan góc và chờ đợi một đợt đâm chồi mới. Nó sẽ hiện ra như mơ.
Hiện tại, nó đủ đẹp để có thể bắt mắt bất cứ nghệ nhân nào. Thế dáng nó quá bình dị, không bài bản cũ kỹ cũng chẳng mới mẻ dị thường. Nó có một cốt cách phong trần gan góc. Như một mỹ nhân không son phấn lụa là và nàng cũng không hay mình đẹp. Nàng coi những ánh mắt thèm thuồng như những chiếc lá rơi bên đường trong phút chuyển mùa. Người chủ cũ là một lão già mê vợ nhưng ưa nổi khùng. Lão không có kiến thức gì về kiểng. Lão lo làm kiếm tiền nuôi vợ nên thường quên nó. Chỉ thỉnh thoảng nhìn đất khô lại tưới cho mớ nước. Mỗi lần giận vợ, lão cắt nó trụi lủi. Khi thấy nó trọc lóc lão lại thương, ngồi xuống trò chuyện xin lỗi nó. Cứ như vậy từ khi lão trẻ khô cho tới lúc lão run tay. Một lần vợ gom vàng bỏ lão đi theo một thằng non choẹt. Lão cầm dao chém loạn. Thấy nó, lão phạt từng nhát điên dại. Lá rơi, nhánh rơi. Lão xô nó ngã một bên rồi bỏ nó đi biệt. Bộ rễ bày ra, phơi nắng, phơi mưa rồi phơi nắng...
Khi khuây khỏa, lão trở về. Nó đã còi cọc. Thương nó quá, lão lại hốt rải lên rễ nó mớ đất. Thay vì dựng nó lên, lão để y như vậy. Nó lại sống và thành có dáng nghiêng như ngày nay.
Ông thương nó có lẽ do nó mang đủ thời gian và chất nặng bi kịch. Có phải trong từng thớ da u nần, sù sì kia là tất cả dồn nén đớn đau của hai tâm hồn. Một người, một cây.
Ông cảm ơn lão ta đã cho nó đau khổ. Và ông căm thù lão. Biết bao người vì dốt nát đã tàn sát cho bằng hết những lão kiểng hiếm hoi. Vốn dĩ chúng lặng lẽ trường tồn ở một góc núi, vạt rừng hay một cánh đồng hoang vắng. Mưa dầm nắng dãi, chúng vẫn sống. Khi người nghệ nhân phát hiện mướn thợ cắt trụi rễ, đốn sạch lá, đem đi xa hằng mấy ngày đường, chúng vẫn không hề hấn. Khi chúng rơi vào một bàn tay bảnh tỏn thì chuyện gì xảy ra. Họ không dám động nó một nhát dao. Rảnh rỗi bước ra xịt tí nước, rờ rẫm, mân mê với tất cả đam mê. Vậy mà nó chết. Nó là cây, nó cần tĩnh. Sao mà cứ phiền hà nó hoài không biết.
Ông nóng ruột quá. Ông quyết định vào buồng với con dao. Tiền trong nhà là của chung nhưng vợ ông người cầm chìa khóa. Không khi nào bà đồng ý bỏ ra bảy tám cây vàng chỉ vì cây kim quýt. Đây là con đường cùng. Ông hì hụi cạy. Ông không hề nghĩ trong cuộc đời mình lại có lúc biến thành người cạy tủ. Ông lại không thấy có gì là tội lỗi trong hành động này. Vì nó, cây kim quýt trăm năm, hơn tất cả mọi tội lỗi hay đạo đức cộng lại.
Ông không nhớ mình đã ôm mớ vàng đi như thế nào. Chỉ nhớ lúc xe chở về va phải một trụ nước ngoài lề đường. Cây kim quýt lắc lư như một cọng cỏ trong nước. Ông không nhìn tới mặt tài xế. Khi hạ nó xuống đất chỗ sân, thằng làm vườn phụ khiêng lại vuột tay. Ông méo mặt biểu thằng đó đi chỗ khác. Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm xuôi. Gốc kiểng tề tĩnh ở giữa sân với tất cả hồn cốt của nó. Ông cắn môi để chứng thực, đây là sự thật. Ông đưa tay sờ lên cái dáng nghiêng hiền lành nhẫn nhục.
- Á!
Tiếng vợ la thất thanh. Ông chạy riết lên lầu đụng vợ ngay cầu thang. Vợ hớt hải.
- Trộm… trộm… trộm. Công an, báo công an ông ơi.
- Trộm đâu, nó đâu.
- Nó cạy cửa tủ ăn cắp vàng tôi. Chết tôi rồi. Bắt nó. Kêu công an.
- Không kêu công an được. Không có ăn trộm đâu.
- Ông đừng có khùng nữa, đi báo công an nhanh lên?
Vợ hét vô mặt ông, rồi nhào ra đường. Ông ôm bà đẩy vô nhà. Bà cứ quýnh quáng nhào ra. Ông cà lăm.
- Tui… tui… tui…
- Ông làm sao?
- Tui cạy tủ…
Bà nhìn ông một chút rồi chạy loạn trong vườn kiểng. Bà chửi, bà nhổ, bà đá từng cây kim quýt con. Ông chạy riết đến cây kim quýt mới mua, dang tay che cho nó. Bà vẫn chửi rủa bứt phá, đạp lật ngang mấy chậu kiểng. Ông đứng nhìn chúng nằm la liệt trên đất mà rối lòng. Chúng không phải là rác. Ông đã bỏ nhiều tiền để mua từng cây. Loại kiểng cao cấp của dân chơi. Giờ ông không nghĩ ngợi nhiều tới tụi nó, trừ khi bà tấn công cái cây phía sau ông.
Rồi bà cũng mệt.
Bà ngồi im nhìn ra sân với đôi mắt bất lực. Những vết máu in theo từng bước chân của bà. Nhìn lại mới hay móng chân cái bị gãy sâu vào thịt, đang rịn máu. Ông thấy máu, bỏ cây kim quýt chạy riết vào nhà lấy chai dầu nước xanh và một nhúm bông gòn. Bà hất tay. Ông lấm lét ngồi xuống lau máu, xức dầu rồi băng bó cho bà.
Ngày hôm sau bà nguội lại. Nhìn cái móng chân lại nhớ tới cái mặt lấm lét của chồng. Bà chợt nhận ra bữa cơm chiều qua, bữa cơm sáng nay ông không cùng ăn với bà. Bà đi kiếm khắp các phòng... Thấy những khoảng trống lòng bà chùng xuống. Sao mình dữ quá. Tiền bạc là vợ chồng cùng làm. Ông cũng vất vả nhiều rồi. Phải đâu ông đem tiền nuôi vợ bé. Bà cũng biết trừ người thân ông mê nhất chỉ có những cây kim quýt. Bà nghĩ tới cái sân ngổn ngang cây kiểng.
Vừa phụp tới sân bà đứng chết trân. Ông đang cầm cây kéo sửa kiểng trong tay. Đầu nghiêng nghiêng nhìn theo từng cái nhánh được cắt ngọt thả xuống đất. Mắt dán vào cái dáng sần sùi lượn lờ, mặt mê mẩn ngất ngây. Bất giác ông đưa tay vuốt ve nó, bất giác cất tiếng hát một bài quen thuộc. Giọng hát ông ngọt ngào truyền cảm. Hát bằng ruột gan và tâm hồn.
Bà bước tới vắt hai tay lên hông nói với tất cả bực tức.
- Trời ơi, có khác mê vợ bé miếng nào đâu. Đúng là… khùng tiểu thơ.
Rồi bà quay mặt, đùng đùng bước đi.
Ông không ngồi nhìn giấc mơ của mình. Ông không nhớ mình đã bỏ bao nhiêu thời gian với giấc mơ. Ông chỉ nhớ mình đã xô cho nó nghiêng thêm chút nữa. Gì mà hạc lập hay phụng vũ. Tầm thường. Ông phải cho đại bàng vượt bão. Đại bàng gặp nạn đang tung cánh vẫy vùng. Chỉ cần bàn tay ông đi qua mớ cành nhánh. Những cái tượt mới. Một đôi cánh với tất cả sức mạnh của nghị lực sẽ được tung vút lên trời cao. Đôi cánh tung tẩy giữa lồng lộng đất trời. Chỉ cần nhìn thấy nó một lần, nó sẽ hiện trong trí nhớ rành rạnh, hùng hồn. Cái hồn của kiểng là chỗ đó. Sức ám ảnh như một tiếng nói tri âm.
Cây kim quýt nằm gọn trong dòng ý nghĩ và vận hành vùn vụt. Như một loại chất dẻo cực lỏng. Khi tan chảy tuôn tràn, khi hốt gọn trong lòng bàn tay. Có thể rót từ chai ra ly, từ ly ngược lại chai, thậm chí có thể đổ vào miệng rồi nuốt trôi xuống bụng. Đang ngủ, ông chợt bừng tỉnh mỉm cười một mình khi nhớ về nó. Đang ngồi ăn cơm, nhìn thấy bộ xương cá trơ trong mâm ông chợt ngẩn người lên mở trừng mắt nhìn ra sân. Ông bỏ chén cơm chạy riết ra với nó.
Cho tới khi trời chập choạng tối ông mới lọ mọ về phòng. Bước chân vấp phải một vật mềm mềm. Nhìn lại là cái mùng. Vợ chỉ vào nó nói mạnh.
- Đi ra ngoài sân ngủ với cây kim quýt luôn đi!
Ông sà vào năn nỉ vợ mà bụng thấy nhẹ nhàng thanh thản. Ông ôm vợ nhưng trong đầu là dáng dấp cây kim quýt. Nó đã được định đúng dáng ông mong đợi. Chỉ còn chờ thời gian.
Cho tới lúc ông cảm thấy đuối. Ông cảm thấy sự chờ đợi của mình đã cạn kiệt. Ông nhìn kỹ lại. Những vết thẹo trên thân cho biết là ông đã cần mẫn như thế nào. Ông biết là suốt một quãng dài nó đã chịu đựng ông trong mỏi mòn, kinh hãi. Nó đã vừa rên siết, vừa buông thõng tay thả từng chiếc lá nhỏ gọn thanh tao. Nó cất tiếng kêu thảng thốt trong tuyệt vọng?
Giấc mơ trăm năm đã tan vào hư không. Dù có lúc người ta đốn nó trụi trơ, xô bật rễ trong mưa, phơi lụi tàn trong nắng, nó vẫn cố dành dụm từng giọt nhựa hiếm hoi để sinh tồn, để đến với ông. Vậy mà… Ông nhìn đôi tay dày dặn kinh nghiệm của mình rồi gục đầu bên xác cây. Ông đã giết nó bằng quá nhiều yêu thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét