Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Khóc trên vai người tình


LÊ MAI DUNG
 
 





“Trong xấp tiền cầm trên tay
Nếu có một tờ rách
Ta sẽ luôn muốn tiêu cái tờ rách đó trước
để tất cả còn lại được lành lặn.
Đời cũng thế
cái gì rách, có thể bỏ đi thì bỏ đi
để những cái còn lại được lành lặn, tròn trịa”


Khi gặp em tôi đã là một người đàn ông từng trải.
Một gã từng trải không hề lơ ngơ trước một người đàn bà như em, người đàn bà khiến tính đàn ông trong tôi bùng nổ.
Nàng mặc chiếc áo len tím nhạt, chiếc váy xòe ôm lấy đôi bàn chân nhỏ nhắn đi dép xỏ ngón, những ngón chân tinh tế có màu móng tự nhiên không sơn phết khiến tôi xúc động đến nao lòng. Một người đàn bà đẹp ít để móng chân tự nhiên, họ dùng đủ thứ màu mè che phủ đi cái màu hồng nhạt chân thật, lấp liếm cái móng chân nhỏ nhắn bằng đủ các loại sơn; những có khi vẫn chưa đủ, họ còn vẽ lên đó như một dạng nghệ thuật Graffini trên một diện tích tính bằng cm2. Nàng nhợt nhạt, nhỏ nhắn và tinh tế trong cái lạnh se se. Chắc đôi vai ấy sẽ rất mỏng manh, ấy là tôi nghĩ thế, sau lần sợi len thô phủ ngoài vẫn cảm giác xương bả vai của nàng nhô lên, bàn tay có những sợi gân tia tía nhạt màu, bàn tay với những móng tay cắt ngắn sạch sẽ. Nàng ngồi trước tôi gần như đối diện hai cái bàn rất gần nhau, nàng ngồi một mình trong một góc nhỏ nhoi ở Thủy Tạ, nhạc khe khẽ rung trong không gian trắng, trăng khe khẽ rung trên mặt hồ lăn tăn sóng. Tôi chợt rùng mình; khung cảnh liêu trai trên mặt nước hồ rờn rợn, nàng có thể chỉ là một cô ma nữ xinh đẹp đi săn đàn ông trong một ngày rằm; lẽ nào tôi là một trong những gã đàn ông mà nàng chọn làm con mồi tình ái.
Nàng lắng nghe tiếng đàn Piano, bàn tay xoay xoay chiếc nhẫn trên ngón giữa, có thể nàng chưa có chồng ngón tay nàng nói lên điều đó. Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy, ngón tay người đàn bà chẳng mấy khi trung thực, họ có thể chuyển cái nhẫn đi khắp các ngón tay nếu tất cả đều có thể nhét vừa một chiếc nhẫn. Một khi chiếc nhẫn không nói lên được điều gì thì khuôn mặt và trạng thái có thể nói lên đôi chút, tôi có thể ngồi và quan sát từ nàng mãi nếu như không có ai đó vô duyên kéo một chiếc ghế ồn ào ngay bên cạnh tôi.
- Chào em... một giọng đàn ông cực kì vô duyên.
Tôi thấy nàng nhướng mắt nhìn lướt qua mặt tôi đọng lại sau vai tôi như con bướm rung rinh trên một nhành hoa. Nàng cười rất tươi, hàm răng ngô non đều đặn trắng sữa, cánh môi run run khiến tôi thấy sự ghen tuông ngấm ngầm lộ ra. Nàng khẽ đưa ngón tay lên duyên dáng ngoắc ngoắc ai đó đằng sau tôi, sẽ rất mất lịch sự nếu tôi ngoái lại nhìn; tôi chẳng thể làm thế vì sĩ diện đàn ông nên dù rất rất muốn tôi vẫn cố gắng làm như không quan tâm gì đến toàn bộ những gì diễn ra xung quanh mình.
Một cái lưng đàn ông chắn trước mặt tôi.
Một cái lưng to bè ngang nhiên chặn tất cả mọi ánh nhìn của tôi về hướng nàng, tấm lưng như sở hữu người đàn bà đó, nó khẳng định chủ quyền đồng thời ngăn cấm tất cả những gã đàn ông manh nha tìm hiểu những gì thuộc về người đàn bà thuộc về nó. Tôi vốn không ưa những tấm lưng như vậy, nó độc quyền và mang tính sở hữu cao quá đối với người khác, những tấm lưng đàn ông uy quyền và vững chãi.
Đó là tất cả những gì tôi biết về người đàn ông của nàng.
Nàng dựa vào thành ghế, quay đầu nghiêng nghiêng như con chim nhỏ nhắn duyên dáng. Lần đầu tiên trong đời tôi có thể biết được những người đàn bà có sức hút mạnh mẽ khiến tất cả máu trong người tôi dồn xuống.
Đến tận khi chúng tôi trở thành tình nhân rồi thành vợ chồng nàng vẫn không hé răng nói về chủ nhân tấm lưng to bè và uy lực ấy. Nàng phủ một tấm mạng lên tất cả quá khứ của nàng và tôi cũng không cố làm nàng khó xử vì những câu hỏi đê tiện đang âm thầm trong lòng. Nhưng thực lòng tôi chưa bao giờ quên tấm lưng người đàn ông đã che mất khoảng khắc tôi nhìn nàng trong một giây lát của buổi tối hôm đó; nụ cười và cái ngoắc tay của nàng đủ để tôi hiểu là quá khứ của nàng và tấm lưng ấy không đơn giản chút nào.
Chúng tôi quen nhau không phải từ buổi tối đầu tiên tôi nhìn thấy nàng. Dĩ nhiên sau này tôi có nói về buổi tối hôm ấy, tôi biết tiếng sét ái tình có thể là rất ngớ ngẩn với một thằng đàn ông từng trải nhưng cũng không có nghĩa một thằng từng trải không thể có tiếng sét ái tình trong đời. Trong quá khứ của tôi những người đàn bà đều gợi nên cho tôi một cảm giác rất thèm khát, rất đàn ông tính và có thể nói cách khác là họ đều gợi tình theo một hình thức nào đó, tuy nhiên sự gợi tình và gắn bó nó lại không đi cùng nhau. Các cuộc tình cứ lướt qua tuổi trẻ một cách ồ ạt, tôi chưa kịp nhận ra mình ở thể loại nào trong những loại đàn ông thì đã quên mất đi câu hỏi ấy. Những người đàn bà của tôi cũng chưa kịp đau khổ thì chúng tôi đã vướng vào những mối quan hệ khác, các cuộc chia tay đều không bi lụy; chúng tôi đều là thanh niên của thế kỉ 21 chả có lí do gì khóc than cho những cuộc chia tay vô nghĩa trong khi đằng trước còn khối những cuộc chia tay khác còn đang chờ đợi.
Có nàng ở đó, con đường tình ái của tôi liền chấm dứt. Tôi có thể lũn cũn theo nàng, có thể chờ đợi và không thể nhẫn nại hơn được nữa để có những buổi hẹn với nàng, tôi không muốn phiêu lưu với bất cứ người đàn bà nào khác cho đến hết đời mình. Tôi không còn thấy quá khứ của mình là đáng tự hào, tôi có thể nhận thấy quá khứ của mình thật vô trách nhiệm và lãng phí biết bao nhiêu trước khi gặp nàng.
Nếu cuộc đời không nát đến thế, liệu tôi có thể biết được giá trị của nàng đối với mình hay không?
Em và người tình
Tôi gặp anh ấy khi ngồi đợi một người đàn ông khác, anh nhìn tôi như nhìn một cô bé thiếu người giám hộ, khuôn mặt anh có nét gì đó rất trẻ thơ có một chút háo hức và hăm hở mà tuổi trẻ của anh vẫn còn cho phép. Tôi cũng không thực chú ý đến anh, không thực lòng quan tâm đến người nào khác ngoài người đàn ông lúc này tôi đang chờ đợi. Nhưng vì cách anh nhìn khiến cho tôi thấy mình có một chút gì đó bí mật, quyến rũ và vẫn còn sức hút với đàn ông. Tôi cũng không còn ngây thơ, rất khó có thể tìm được một người đàn bà ba mươi tuổi vẫn còn thơ ngây như vẻ ngoài tỏ ra, nhưng dáng vẻ xanh xao của tôi vẫn đánh lừa được những người đàn ông từng trải.
Tôi tình cờ gặp lại, tình cờ ngồi cùng nhau trên một chuyến bay dài. Tình cờ có chung một điểm đến với anh và mọi thứ bắt đầu từ một sự cô đơn quá lứa của người đàn bà ngoài ba mươi khát khao một tình yêu bền vững. Tôi không muốn anh nói về quá khứ của anh, cũng không muốn quá khứ của mình lồ lộ ra trước những cặp mắt soi mói đến lạnh người của các cô gái vây quanh anh. Quá khứ của người đàn bà thuộc về người đàn ông đa tình sẽ là miếng mồi ngon cho các câu chuyện ngồi lê đôi mách. Gặp tôi anh vẫn có người tình, người tình của anh tôi chưa từng gặp, cũng không mong muốn gặp cô ta. Tôi không ghen, ai đó chẳng có một quá khứ rối bời. Những buổi hẹn hò của chúng tôi bị vẩn đục bởi ám ảnh của những người từ quá khứ. Tôi khó có thể nói với người khác là tôi đã rất may mắn khi gặp người đàn ông có thể yêu mình đến mức hy sinh tất cả chỉ để có được mình. Người tình của mình đâu phải là người đàn ông trinh trắng, anh ta cũng đã từng như một khu giải trí công cộng, nhiều khi chúng tôi đụng mặt người tình cũ của anh còn nhiều hơn cha mẹ mình. Cuộc sống biến thiên, thay đổi, tráo trở bao nhiêu trước khi chúng tôi tìm thấy nhau, và những nỗi day dứt quá khứ mang lại khiến hiện tại cũng đau đớn không khác gì so với tương lai về sau.
Anh nói là chúng tôi cần kết hôn, kết hôn ngoài sự ràng buộc về luật pháp nó cũng có ý nghĩa lớn lao về tinh thần. Tôi thì hoài nghi hôn nhân, hôn nhân có đáng để người ta hy sinh nhiều tự do đến thế? Thực ra đôi khi có đôi chút nhầm lẫn trước khi bước vào cuộc đời nhau, anh không biết và tôi cũng không biết chỉ đến khi nào sự sai lầm ấy gây nên hậu quả thì mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng. Cuộc hôn nhân bắt đầu từ tình yêu sét đánh của chúng tôi vô cùng mĩ mãn, không ai được phép nói về quá khứ, không ai được lôi quá khứ của người kia ra dằn vặt đó là một trong những nguyên tắc đầu tiên mà chúng tôi đặt ra trong hôn nhân. Nhưng quá khứ là thứ không thể dùng lửa mà đốt, không thể cho vào mồm nhai rồi tiêu hóa nó đi như những món ăn thông thường. Quá khứ là dấu ấn, là một dấu vết lờ mờ trong đời một con người, chỉ cần khơi dậy thì nó sẽ rõ ràng không thể che giấu. Nó nằm trong kí ức tiềm thức mỗi con người, thậm chí quá khứ có thể còn được di truyền được mã hóa đâu đó trong bộ gene con người, làm sao có thể xóa bỏ quá khứ như xé bỏ một tờ giấy kết hôn. Cuộc hôn nhân mới không thể che giấu được kí ức cũ, mọi thứ chỉ được lấp lên bởi một lớp bụi mờ thời gian và sau đó thì bùng lên như một đám sương mù mờ ảo. Mỗi khi quá khứ vùng dậy tôi lại mơ hồ cảm nhận gương mặt một người đàn ông, mùi cơ thể của anh ta khiến tôi ngây ngất sốt; mọi thứ không thể nào chỉ là một cơn mơ vì cảm giác của tôi vẫn còn nguyên vẹn, không phải là cảm giác với chồng không phải là tình yêu dành cho chồng. Chỉ là một cảm giác mơ hồ ngây ngất, một gương mặt không rõ nét, một mùi hương cơ thể không định vị được là ai vẫn ám ảnh tôi trong suốt bao năm, khiến tôi yêu nhưng không yêu, quen nhưng không quen.
Trước khi gặp Nguyễn Nguyên chồng tôi bây giờ, anh đã từng và tôi cũng biết anh có biết chuyện tôi có một người đàn ông. Người đàn ông ấy ngồi cùng tôi trước mặt anh trong một quán café Thủy Tạ lãng đãng sương, nước mấp mé dưới gầm Thủy Tạ và có tiếng Piano. Nguyễn Nguyên không hỏi, tôi không nói nhưng đó là người đàn ông tôi từng yêu và chờ đợi suốt một thời con gái, hy sinh tất cả những điều mong ước tầm thường để chờ đợi một người đàn ông ở xa mình đến nửa vòng trái đất. Đêm đó chúng tôi chờ nhau, anh vẫn là người đàn ông hấp dẫn dù không đẹp nhưng tao nhã và thông minh. Tôi nghĩ đó là một kết thúc vô cùng tốt cho sự chờ đợi, mọi thứ tuyệt vời trong một đêm không thể quên. Đôi mắt đăm đắm của người đàn ông đối diện lúc đó chỉ làm tôi thêm thích thú, tôi thích được ngắm nghía vuốt ve bằng ánh mắt, nhưng anh ta chỉ là một gã đàn ông vô vị đối với tình yêu của tôi.
Tôi vẫn mặc chiếc áo len màu tím nhạt ưa thích, vẫn đi đôi xăng-đan xỏ ngón mà năm năm trước chúng tôi gặp nhau anh đã khen xinh. Tôi đã chờ cuộc hẹn này đến bao lâu, chờ đến héo hon trái tim người con gái, chờ suốt một người đàn ông từ khi mới hai mươi lăm tuổi cho đến tận ba mươi tuổi, quanh mắt đã có nếp nhăn, môi đã không còn căng mọng nhưng trái tim vẫn thế, vẫn muốn theo về một người đàn ông của năm năm trước.
Anh về phòng, người đàn ông đối diện cũng đi theo, tôi muốn một chút hơi thở sau năm năm chờ đợi nên về phòng riêng. Khách sạn là một khu liên hợp bao gồm những khu biệt thự riêng biệt, mỗi ngôi biệt thự là một ngôi nhà dành cho những cặp tình nhân nằm rải rác xen những đồi thông. Không khí đã loãng ra sau năm năm chờ đợi đậm đặc. Một chút hoang mang sau khi uống rượu, tôi vẫn ngây ngất theo bóng dáng anh về hướng bungalow nằm cạnh lối đi, căn nhà gỗ nằm cạnh một gốc cây ngọc lan, hương thơm dịu tỏa vào cái lạnh. Tôi cố gắng hà hơi cho tỉnh rượu rồi đánh thêm chút má hồng để trông tươi tắn hơn. Cơ thể sau năm năm chờ đợi cũng nhức nhối như tình yêu tôi dành cho người đàn ông của mình, cánh cửa chỉ khép hờ tiếng nói của anh lọt qua khe cửa, trái tim tôi ngừng lại.
“Anh nhớ hai mẹ con lắm, anh sẽ về ngay sau đại hội. Yêu em nhiều!”. Sau đó là những tiếng hôn gió như những tiếng búa dội vào lồng ngực tôi.
Chỉ một phút nữa thôi là tôi sẽ được nằm trọn trong vòng tay người mình yêu. Một tiếng dập máy khô khan. Tôi nghẹn ngào không nói thêm được nữa, bên cạnh chỉ cách một ban công nhỏ cửa phòng hé mở, mùi hương ngọc lan ngây ngất khó chịu, cơ thể nhức buốt bỗng nguội lạnh. Đau đớn và thất bại não nề, tình yêu như một cơn gió nóng bỗng bật lại táp vào tôi bỏng rát. Chờ đợi, tốt nhất không nên chờ đợi!
Tôi vẫn còn ngây ngất hơi men, cánh cửa phòng khép hờ của căn bungalow bên cạnh hắt một ánh đèn vàng nhạt, tiếng dương cầm nhẹ nhàng réo rắt từ trong vang ra. Tôi muốn đánh cuộc với cuộc đời một lần. Đằng sau cánh cửa đó nếu là đàn ông tôi sẽ mua anh ta, nếu là đàn bà tôi sẽ là bạn của cô ta. Tôi đẩy cửa, căn phòng vẫn mờ mờ ảo ảo, mọi thứ như sương mù. Tôi không biết người đàn ông đó là ai, tôi chỉ muốn biết được cơ thể một người xa lạ một người không cần sự chờ đợi và không cần biết đến tôi, nếu có thể dùng tiền mua được đàn ông, tôi sẽ quy đổi năm năm chờ đợi của tôi thành tiền dùng để mua hết những gã đàn ông phụ bạc và bắt họ phải chờ đợi.
Người đàn ông có mùi thơm rất lạ, một mùi mà tôi không mong là mình sẽ được hưởng qua một đêm ngắn ngủi xa lạ. Tôi nhắm mắt cảm nhận sự run rẩy của mình, sự đau đớn của tôi tràn qua anh ta. Khuôn mặt người đàn ông đó có lẽ rất đẹp, hơi thở anh ta thơm mùi rượu quế, sống mũi anh ta cọ trên cơ thể tôi thành những đường vạch thẳng tắp. Không cần chờ đợi, không cần tình yêu tôi có thể mua được sự khoái cảm cho lần gần gũi đầu tiên, sự nhức nhối của cơ thể và cái đau đớn lặng lẽ được trộn lẫn vào nhau đem lại sự giải phóng cho tôi.
Mọi thứ là ám ảnh, tôi rút tiền trong túi và đặt xuống gối, đặt một nụ hôn nhẹ nhàng lên người đàn ông đầu tiên và chấm dứt quá khứ tình yêu với một người đàn ông xa lạ. Tôi không còn chờ gì ở tương lai, không còn ám ảnh về người đàn ông trong quá khứ, căn hộ bên cạnh của người yêu cũ sau năm năm không gặp đã khóa ngoài, có lẽ anh ta đã bỏ đi sáng nay vì không gặp tôi đêm qua như mong đợi. Tôi cũng rời khỏi nơi đó, dứt bỏ toàn bộ quá khứ ở vùng mây mù phố núi cùng người tình một đêm xa lạ mua bằng tiền.
Chồng tôi là người đàn ông tuyệt vời, quá khứ của tôi anh cũng không lật lại, người đàn ông ngồi với tôi đêm đó anh cũng cố gắng không nhắc đến. Nhưng có lẽ nỗi khắc khoải khi thỉnh thoảng trong lòng tôi day dứt về người đàn ông tôi đã từng gặp, tôi vẫn nhớ khắc khoải về người đàn ông đó, nhớ đến đau lòng. Mỗi lần tôi rơi vào tình trạng trầm cảm đó, Nguyễn Nguyên dường như còn đau đớn hơn tôi, anh kìm hãm và dồn nén cơn ghen tuông và để cho tôi một khoảng trống mênh mông dành cho nỗi nhớ.
Sau năm năm, tôi và Nguyễn Nguyên vẫn không thoát khỏi bi kịch hôn nhân như mọi cuộc hôn nhân khác, vấn đề của chúng tôi không giải quyết được. Tôi liên tục rơi vào những cơn trầm mặc dài dặc thoát khỏi tình yêu của chồng, tôi yêu Nguyễn Nguyên theo kiểu con chó nhỏ yêu ông chủ tốt bụng; vẫn trung thành nhưng không hiểu nhau. Tôi muốn một lần quay lại nơi đó, gặp người đàn ông ấy, gặp sự ám ảnh không dứt nổi để quay về làm vợ Nguyễn Nguyên một cách trọn vẹn không mang theo nỗi hối hận mơ hồ. Nếu quá khứ không dứt bỏ, tôi sẽ phải ra đi. Sự khắc khoải năm năm sau không phải là sự chờ đợi mà là một nỗi ân hận mơ hồ, nếu đêm đầu tiên đã tuyệt vời đến thế, tôi đã bỏ lỡ điều gì cho năm năm vừa qua???
Tôi bỏ đi một mình, tôi muốn thoát ra khỏi tình yêu ngột ngạt mà Nguyễn Nguyên dành cho tôi, muốn đi tìm một chút không gian cho người đàn bà năm năm cũ. Căn phòng tôi thuê là căn phòng bên cạnh, vì phòng kia luôn có người đặt. Đáng lẽ ra cái đêm đó được xảy ra ngay tại căn phòng tôi đang ở nhưng định mệnh chỉ xoay nhẹ bằng một cái nhúc nhích tôi đã bắt đầu ở phòng bênh cạnh. Vẫn sương mù ấy, vẫn mùi hương hoa ngọc lan ấy và rượu, tôi đã nốc gần hết một chai rượu vang của xứ này, rượu ngọt trong cổ làm ấm cả cơ thể khiến tôi không thể nào tự chủ được. Không khác gì năm năm trước, vẫn tiếng nhạc đó, vẫn ánh đèn màu mờ mờ đó, tôi không đi xandan xỏ ngón, tôi đi chân trần sang căn hộ liền kề bên cạnh, chỉ cần leo qua ban công rồi đặt chân xuống và đẩy cửa vào.
Khung cảnh vẫn như cũ, nhưng căn phòng không có người.
Rượu ngấm vào mạch máu, mùi hương cũ không thay đổi, tôi vùi đầu vào trong gối cảm nhận thân quen đến vô cùng.
Trong bóng đêm, một vòng tay thật ấm, một nụ hôn thật nồng nàn, một giọng nói khàn khàn.
“Em đã trở về rồi!”
Tôi vùi đầu vào lồng ngực đó, mơ màng say trong men rượu.
“Vâng, em đã trở lại”
Cơ thể anh, cơ thể dường như quen lắm, ấm áp vô cùng. Mọi thứ triền miên, không có năm năm xa cách. Anh đi vào người tôi, lặng lẽ, âu yếm và dịu dàng. Những đợt nhớ cứ ào tới rồi lại trôi đi, dội vào lồng ngực tôi thấp thỏm. Đầu anh gục trên ngực tôi như con ngựa gục trên thảm cỏ xanh thơm mát. Bàn tay miết trên môi day dứt, nước mắt tôi chảy ra, mỗi lần anh chạm vào là mỗi lần tôi nức nở. Không phải vội vàng trốn chạy, không phải đau khổ để chia tay. Một đêm thật trọn vẹn, không cần trả tiền. Tôi ngủ vùi như chưa bao giờ được ngủ, sáng rọi vào mặt, đôi môi ai da diết trên mắt, tôi ôm lấy anh vẫn chưa mở mắt, chỉ sợ giấc mơ sẽ vụt biến mất. Có gì đó quen thuộc quá.
- Anh......!!!!
- Em.......!!!!
Tôi bỏ chạy, Nguyễn Nguyên, không thể nào là anh ấy!
- Em đừng chạy nữa, đừng bỏ chạy nữa em, anh chỉ không muốn mất em thôi.
Tiếng Nguyễn Nguyên với theo đằng sau rơi tõm trong không gian.
Tôi li hôn với Nguyễn Nguyên với lí do tôi phản bội chồng và yêu người đàn ông khác. Mọi thứ diễn ra rất nhanh chóng dù Nguyễn Nguyên nói với tôi là anh ấy vẫn giữ những đồng tiền tôi để lại trên gối. Anh vẫn cất vào trong cái ngăn tủ tài liệu trên cơ quan. Tôi không thể nói với Nguyễn Nguyên là tôi yêu người đàn ông kia biết bao nhiêu, bao năm sống với anh cộng lại không bằng hai đêm đi mua và vụng trộm với chính anh.
Tôi không gặp lại Nguyễn Nguyên.
Tôi đã phản bội chồng mình với chính anh ấy! Sự tự trọng của một người đàn bà khiến tôi không thể nào quay lại được với chồng mình. Tôi hiểu ra một điều với tình yêu thì không nên phản bội dù với bất cứ ai. Cho dù tôi phản bội chồng với hình bóng đàn ông khác trong chính con người chồng mình.

Vĩ Thanh
Nàng trốn khỏi tôi sau đêm đó, tôi biết nàng cần thời gian và tôi cũng cần thời gian. Nàng trốn chạy khỏi cái đêm thất bại với người đàn ông có tấm lưng oai vệ mà tôi ghen tuông ngấm ngầm để ám ảnh về chính tôi. Bao nhiêu năm sống với nàng tôi biết nàng khắc khoải, nhưng tôi không biết là nàng khắc khoải với người đàn ông đã vô tình đón nhận được món quà của thượng đế chỉ sau một giây phút thoáng qua.
Tôi đã theo nàng, đã vờ như chạm mặt nàng một cách vô tình nhưng hoàn toàn không phải thế. Khi thấy nàng trả tiền cho đêm tình yêu, tôi đã biết là tôi không thể có ai khác, chỉ duy nhất có một người con gái mà đêm đầu tiên trong đời mình nàng đã dùng tiền để hủy hoại. Tôi chỉ không muốn đào bới quá khứ của nàng, tôi chỉ muốn nàng được sống trong tình yêu và hưởng thụ.
Và tôi biết, năm năm sau rồi nàng sẽ quay trở về, tôi sẽ mãi chờ đợi nàng trong căn nhà gỗ trong khu nghỉ dưỡng đó...
Tình yêu, không thiếu được sự chờ đợi.

L.M.D


Nỗi nhớ sương đêm



Lê Thị Kim



Anh như một kẻ lang bạt không chốn rơi
Anh như người phiêu bạt trở về không nguồn cội
Anh bất cần đời
Ngang tàn ủ rũ

Làm sao anh biết được
Đêm mưa bay gió phủ buốt đường phố
Em lang thang
Lang thang trong hành trình mộng tưởng của chính mình
Cùng nỗi nhớ anh

Trong căn nhà tối đen như những tiếng dương cầm bỏ quên
Đôi khi em ngồi ngây như tượng gỗ
Mặc bóng tối vây phủ
Mặc cả tiếng rả rích từ chiếc vòi nước cũ
Trầm mình trong tiếng dặn lòng
Hãy quên
Hãy quên
Anh làm sao biết được
Em đôi khi như một đứa trẻ
Cợt đùa hờn dỗi
Tha thẩn trong những trò chơi của mình
Nói cười cùng con tem nhỏ
Cùng những bức họa xinh
Vẫn chợt ngỡ có anh
Khói thuốc vàng tay
Lặng lẽ ngồi nhìn
Hiền như sương sớm

Ơi, mùa đông giá rét
Như tiếng hú ngoài rừng xa buốt nhức
Anh làm sao biết được
Nỗi nhớ dẫn em qua đâu
Nỗi nhớ đưa em về đâu
Nỗi nhớ có tàn như ngọn bấc lụi dầu

Ơi anh – nỗi nhớ sương đêm của em
Ơi anh – đóa hoa đầu tiên trong ngày
Dẫu có mất đi với âm u tàn lạnh
Đóa hoa với nắng hồng, với heo may
Đóa hoa ấp ủ - Em
Cùng mùa xuân
Xin đừng tan vào hư không

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Thơ Mạc Mạc









Nhà thơ Mạc Mạc.Một bút danh lạ. Một giọng thơ lạ. Nhiều sắc thái.



EM

Em là người đàn bà không có số
Trong dãy hồng nhan tiệm cận tìm anh
Họ bên anh trục tung lẫn trục hoành
Em không số nên không tọa độ

Em là người đàn bà chưa học bài dừng - đỗ
Chạy xe không phanh chở chuyến độc hành
Lùi vào đâu cho non chiều nghiêng đổ
Tiến lên đâu cho già chỗ cuộc đời

Em là người đàn bà không ngừng chờ đợi
Hứng tiếng anh rơi trĩu một mùa chài
Đan cho mình áo tháng Giêng Hai
Ngóng Ba mươi em bận ngày hội mới

Nỗi nhớ anh, bông như len rút sợi
Đàn ông ơi vời vợi thổi muôn trùng
Con chim nào ca mãi khúc thủy chung?
Con bướm nào khóc kén tằm nông nổi?

Em là ai trong luân hồi lạc lối
Anh là ai trong gian dối thế trần
Ta là nhau trong nhĩ nhàu bể khổ
Trầm luân yêu nên trễ một mùa đời

Để rồi...

Em - người đàn bà đi lượm xuân rơi
Em - người đàn bà treo tình trước ngõ
Em - người đàn bà cố thắp mình cho tỏ
Kẻo gió Đông về thổi tắt những lắt lay




RƠI CHẬM
Lòng như tiếng mõ rơi
Ngắt một đĩa đầy hoa quất trắng
Chùa hiên Đông nắng
Mắt nắng
Những nắng là nắng

Ngày như già đi
Nỗi nhớ già đi
Không vẽ nổi nét mặt nhau
đêm hoa quất
đêm duy nhất
Những ngón tay đan một trời xuân sắc

Chiều qua ngồi khóc chiếc áo len
Gió mùa khóc những thang thuốc bắc
Ấm đất hờn cơn ngằn ngặt
Làm sao chữa Bài thơ này đang ốm ? (*)

Chạy ra cánh đồng
Trồng mình thành con bù nhìn rơm
Quà quà quạ quạ
Đuổi có hết những trêu ngươi của tạo hóa?

Ngày mai lại vấn tóc soi gương mặt nước phủ Tây Hồ
Vặn lại kim giờ
Chiếc đồng hồ đã chết ở luống cúc đỏ booc đô áo anh màu ca rô xanh tím

Thêm một trầm nhang cho đượm ngày bảng lảng
Ta khói hương để khỏi chơi vơi ( * *)
Hóa vàng đi em
Hóa vàng đi em
__________________
(*) Bài thơ này đang ốm - Tên một bài thơ của Nguyễn Bình Phương
(* *) Lời bài hát : Chiều phủ Tây Hồ


TÓC

Những cơn mưa phùn rơi trên cát
Những cơn khát
Những ngọn đồi rải rác chân mây
Tôi ngồi đây
Nghĩ mãi về những điều cũ kỹ
Cũ như gương mặt anh
Nếp nhăn chẳng vằn thêm thời gian
Lũ kiến bò đi bò lại

Ở hai đầu của thực tại
Tôi nghĩ về mấy điều vụn vặt mơ hồ
Ngày mai có mất nước không?
Ngày kia có cúp điện không?
Mấy con cá để trong tủ lạnh khi rã đông ngoài dự định thì sẽ ra sao nhỉ?
Như chúng ta đây
Cứ vùi những suy nghĩ về nhau
Đông cứng! Đông cứng!

Tôi chẳng biết một nỗi buồn thì đựng trong bao nhiêu từ vựng
Ngoài bờ ao lũ xoan đào rì rào theo gió cự nự nhau
Chửi tay làm thơ dở hơi đứng khóc loài hoa gọi mời muỗi dĩn
Sầu Đông! Sầu Đông! Nàng tím đến sầu cả mùa đông?

Những nỗi buồn rét mướt
Những tin yêu mong manh ủ dột
Nếu tóc không đủ dài thì người đàn bà trong bài hát của ông Phú Quang giấu đêm vào đâu?
Khi đó chắc phải làm một con sâu
Chui lại kén gặm đêm cho đến sáng

Hay là xem loạt phim ma cà rồng hết Hừng Đông rồi Chạng Vạng
Biết đâu có con ma nào hứng lên hiện ra ban ân cho một cái ngoạm cổ
Rồi thăng hoa
Miệng sẽ rên lên sung sướng : Em Bella đây! Bella của đời anh đây!
Không thể ai ngoài anh, đúng không Edward?

Ôi! Thế là viên mãn trọn kiếp!
Và người đàn bà chẳng cần nuôi tóc để giấu đêm làm gì!






NHỚ NỐT MỘT NGƯỜI DƯNG

Đêm dán vào trần nhà
Thạch thùng chắt lưỡi đếm kỷ niệm
12h 30
Ngày…nhớ…tháng…yêu…năm…20…kiếm tìm
Bông phấn mặt trời
dặm dặm kem nền cao su lốp xe Suzuki điểm trang mặt quốc lộ
Sa mạc anh lăn tròn theo vòng bánh em
Ảo ảnh cuộc tình thách đố mái tóc tuổi đôi mươi

Thành phố đỏ rực trời, không phải hoa phượng, mà bởi khuôn mặt người
Triển lãm hình cánh diều
Niềm tin của em cong chao đảo như thiếu gió

Tổng đài di động cồn cào:
“ Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”
Những ngón tay mấp máy dãy cố định
031.3456789
031.345678
031.34567
031.3456
031.345
031.34
031.3
031.
031
03
0

Đêm luồn theo kẽ tay bưng giấu mặt
Phỉnh phờ hồn biển bờ gió gọi phía sau lưng

Này,
Hạ làm giỗ hàng trăm nghìn cánh Phượng
Ngày hôm nay nhớ nốt một người dưng






NGÀY KHÔNG GIỜ

Gặp nhau nơi cầu thang
Bông hoa sứ tần ngần vàng và trắng
Gặp nhau thầm lặng
Ánh mắt ta xanh ,chén trà trong đựng màu men Ánh Hồng, em thì thầm hỏi chiếc ấm sứ Hải Dương màu ngọc rạn, vỡ rồi phải không anh?

Gặp nhau loang loang
Gặp nhau thoang thoảng
Kim đồng hồ chỉ áo anh, màu ca rô xanh tím, những chiếc cúc đỏ booc đô khúc khích cười…

Thời gian tắt lịm
Nơi nào chân không? Nơi nào tập rỗng?
Nơi những búp măng đang lớn cùng bờ môi
Nơi sống mũi thẳng, hàng mi khép và vết râu mới cạo

Gió à
Gió ơi
Gió thổi những ngọn đồi
Gọi miết man tràn hoang mạc
Sấm sét là đây
Trời Đất rùng mình
mưa hoa…mưa hoa…

Ở đâu đó, giữa phố phố nhà nhà
Chiếc đồng hồ chạy mãi giờ ca rô xanh tím…

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

BỆNH LỜ MỜ





Nếu nói chung chung “dân VN có bệnh lờ mờ” thì cũng oan, nhưng phần đông là thế.

Một chị tình cờ gặp bạn, mời “ngày mai em tới nhà chơi nghe”. Là chị đãi đợt hai, con trai cưới vợ, nói hôm đám cưới đã mời cô này rồi, nhưng vẫn mời nữa «vì gặp mà không mời cũng khó coi, chắc nó không tới đâu, mà tới thì thêm một người chớ nhiêu».

Nhiều lần hỏi thăm giờ, thiên hạ trả lời rất tỉnh bơ “G giờ kém”, phải hỏi kém bao nhiêu thì họ mới trả lời chính xác. Bởi vì kém 20 hay kém 5 phút thì cũng chưa phải là 5 giờ, là “kém”, thì đúng rồi chớ gì, có nói đã hoặc hơn 5 giờ đâu?

Ở tỉnh, thấy quảng cáo ca sĩ Thành phố ra hát “duy nhất tối ngày N”, không ghi giờ, phôn hỏi thì được trả lời 8 giờ tối bắt đầu. Đến, nhân viên bảo 9 giờ mới mở cửa, hiện đang quét dọn bày biện. 9 giờ, họ bảo 10 giờ mới bắt đầu hát. Ai bảo tin làm chi!

Quảng cáo hai đội thi đá bóng trên cát, không để giờ. Chiều ngày N hăm hở đi xem đã thấy lục đục dọn dẹp, bảo xong rồi. Hỏi không ghi giờ làm sao người ta biết, trả lời ban tổ chức và hai đội bóng biết chứ. A, hóa ra là cuộc thi “không cần khán giả”! Vậy chỉ cần nói nhỏ giữa nhau nghe, cần gì giăng bảng quảng cáo?

Năm ngoái lúc hùng hổ ra chỉ thị cấm xích lô, ba gác và xe ba bánh tự chế, nhiều nơi tới giờ xích lô và xe ba gác vẫn nghễu nghệnh, chỉ khổ cho dân nhà nông xe ba bánh tự chế bị dẹp tức khắc, bởi vì cán bộ làng xã mẫn cán tuân thủ áp dụng ngay mọi chỉ thị. Nhiều nhà nông bị hư lúa vì vừa gặt xong mà không có phương tiện nào để chở về nhà thì trời mưa. Tại trời chớ tại ai.

Chị bán đậu hủ mắt láo liên vẫy khách tới chỗ xa trạm canh mới dám ngừng lại bán, than sợ bị bắt lắm, bữa trước “thấy mấy ổng” vội vàng gánh chạy té đổ hết nồi đậu hủ, hũ đường, bể mấy cái chén, lại còn bị gãy ngón chân, đau quá nên phải nghỉ mấy bữa, bữa nay phải ráng chớ không bán thì lấy gì ăn. Chị này có con gái học năm thứ hai đại học, chủ nhật và thứ hai không có lớp thì gia đình có thêm một gánh nữa.

Ở quãng trường thấy một cô bày bàn ghế, nói bán nước mía, nhưng xe phải giấu chớ đẩy chạy không kịp, khi nào có khách mới mang nước mía ra. Chẳng biết ngày nào bị bắt nên bán mà cứ nơm nớp dợm chạy. Bàn ghế dọn không kịp nên nhiều khi bị bắt mất cả triệu. Hỏi vậy làm sao sống? – « Nàm ăn để sống phải niều, nàm để chơi bời mới cứ thoải mái cô ơi». Ôi triết lý Việt Nam!

Nhưng phải liều kiểu này thì tội dân quá, làm ăn lương thiện để sống chớ phải trộm cướp gì mà liều. Đáng lẽ phải nâng đỡ dân lao động đàng hoàng mà vốn liếng chỉ tùy thuộc vào cái họ gánh trên lưng, cái họ vác mỗi ngày. Sao nhà nước không có chế độ rõ ràng, cứ để dân buôn gánh bán bưng chơi trò cút bắt. Thật ra ở các quãng trường, bãi biển… thiên hạ đi dạo thường có nhu cầu ngồi tán dốc và nhâm nhi chút đỉnh, có lẽ nên cho phép phạm vi nào nhất định được buôn bán, đánh thuế đàng hoàng, bắt phải dọn dẹp vệ sinh nghiêm chỉnh. Thay vì cứ như đùa, người bán rình rập, qua mặt nhân viên công lực, mà nhân viên công lực là đại diện nhà nước (thực ra là thanh niên xung kích), cũng cứ như đuà, tùy hứng (?) chạy một vòng bắt được ai thì “cướp” đồ nghề của họ bỏ lên xe. Đúng là “cướp”, vì người bán dằng co giật lại mà thua. Thay vì làm đạo chích, dân lương thiện phải làm cái gì tùy theo khả năng mới có sống. Rượt bắt, họ phải chạy, ngoài những phiền toái kể trên, có khi họ bỏ lại đống rác bừa bãi lung tung.

Chắc chắn là ai cũng quý người lúc lắc trên vai đôi quang gánh mà nuôi con vào đại học hơn là các đại gia lúc lắc túi tiền cho con dùng “thuốc lắc” ở các tiệm nhảy đầm. Những điều trên ghi lại từ nhiều nơi, tức chính sách chung là cấm. Nhưng cấm “lờ mờ”, tùy tiện. Căn bệnh lờ mờ này ở cấp bậc càng cao càng nguy hiểm.



Xuân Sương


Tiếng gào của thinh lặng






Caroline Tafoiry



Con đã rong chơi những đâu trước khi bước vào đời bố mẹ? Thế giời nhiêu khê quá đỗi khi mình không biết cách luồn lách vào bên trong nó... Khiếp quá, sự ra đời của con hỏng bét. Tuy vậy đời sống là thiêng liêng...

Mọi thứ không có vẻ hoàn mãn. Đời con bị gói trong cơ thể đẽo gọt vụng về mà đầu óc con không chỉnh được. Từ nào tới giờ con luôn luôn cố làm theo điều bố mẹ đòi hỏi, mà không xong. Nhiều mùa trọn vẹn, con đu đưa từ trước ra sau trên chiếc ghế nhỏ màu xanh, hai tay vung vẩy. «Khép miệng lại, con sắp đớp trúng ruồi đấy !». Lời mẹ ăn sâu vào sự lưu ý của con về việc bí hiểm bắt mấy con vật nhỏ màu đen cánh trong veo... Trải nhiều tháng ngày bố mẹ chìa tay cho con và khuyến khích chân con đặt bàn này trước bàn kia. Cặp giò cứ lạng quạng và con bước đi như cua. Hàng loạt lời ào đến cảnh cáo con về những lượn sóng nguy hiểm.

Bố mẹ ở đó như những vật thể động đậy và con không trông thấy nữa. Con chỉ muốn gào thét. Con không muốn tiến tới, con không thể. Thân xác con nặng nề quá, các người đông đảo quá, đầu óc con từ chối những chiếc bờ lu trắng của đám ma trong bịnh viện thường xuyên cựa quậy chung quanh. «Nó không muốn nói à?».Không. Con không làm được những cái phải làm. Điều ấy khiến bố mẹ đau lòng. Tim con vỡ ra vì không muốn nước mắt và buồn phiền lem luốc mặt bố mẹ. Nhiều tia chớp và sấm sét trong đầu con quá. Ôi mẹ, hẳn mẹ phải rất đau đớn, cả mẹ nữa, cái nhìn của mẹ khiến con phát ốm...

Cử chỉ bất ngờ và co giật biến con thành con rối đáng thương. Con bực bội thân xác mình. Từ lúc ngụ trong nó, không có gì làm con vui. Con thích bước lên trần nhà như mấy chú ruồi hay bay cái vù ngang trên mặt bàn, nhưng điều ấy không xảy ra. Vậy nên con giận và trừng phạt thân thể mình. Mặc kệ nếu đầu gục xuống tủ áo, mặc kệ nếu tay chảy máu vì bấu gãi nhiều quá, mặc kệ nếu đầu gối rách nát, bị kẹt cứng trong thân xác không biết vâng lời thật chẳng công bình tí nào. Con không ưa thân thể mình. Nếu bố mẹ đến gần hay cố thử sờ mó, con muốn cắn hay gây thương tích cho bố mẹ. Sẽ tệ hơn nữa nếu bố mẹ tỏ vẻ tử tế bởi vì như vậy chứng tỏ là bố mẹ chẳng hiểu con gì cả! Đối với bố mẹ nếu không bay được trong không khí thì cũng chẳng sao, vả chăng bố mẹ cũng không thèm làm thử.

Con chẳng thể nói gì được, tư tưởng tù hãm trong tường thành bộ óc. Con mắc bệnh tự kỷ. Thiên hạ đặt tên như vậy. Con không biết truyền đạt. Sau những con trăng màu trắng quần thảo trong đầu, cơn đau lắng xuống và con được an toàn chốc lát. Móng vuốt tâm hồn con tấn công những cánh lông mềm mại của đêm và cơn buồn ngủnuốt trửng con. Có quá nhiều cử chỉ con không phối hợp được. Con nhìn nhưng bố mẹ không có đó. Bố mẹ là cây cối hay ngăn kéo hay quỷ dữ hay ghế xích đu. Bố mẹ cao quá, to quá, bé qua, ồn ào quá và con, con không ở trong câu chuyện của bố mẹ. Con muốn vò nát thân hình rồi ném vào sọt rác như miếng giấy nháp vô dụng. Chuyện đời con ở phía sau tấm gương mà con muốn nhìn thấu suốt. Hình ảnh con không phải là con. Con không đồng ý với những gì trông thấy. Quả thực con có đôi mắt giống ruồi, hơi cách xa, gần hai bên bìa khuôn mặt nhưng lại không bước lên trần nhà được... Con lo sợ, rất thường. Sợ nóng sợ lạnh, sợ người ta sợ bóng đêm.Sợ trần nhà mà con chiêm ngưỡng bởi vì mình không phải ruồi, không phải cá, không là gì cả. Hầu như lúc nào con cũng nổi giận vì nỗi sợ của mình. Con cảm thấy bị vây đuổi. Bố mẹ luôn luôn có những từ ngữ, khắp nơi và về mọi điều. Kềnh càng quá, nhiều va ly to tướng đầy ắp chữ nghĩa mà con không hiểu nổi. Có khi con muốn thử nghiệm mà chẳng biết chọn từ nào. Cổ họng con không có âm vọng. Không có tơ sợi để xe thành ngôn ngữ. Con ở trong bụng của đầu mình. Tại sao phải đi ra? Tại sao phải bước đi? Tại sao phải học các câu chữ? Điều đó làm đau đớn quá. Thân xác con vặn vẹo, các chữ của con cũng vậy. Thôi đừng nói nữa, con không thích, nó đập vào đầu con, các cây búa từ ngữ của bố mẹ ấy. Bố mẹ luôn luôn hoài vọng rằng con hiểu và phản ứng như bố mẹ. Con bị tước đoạt, bất lực ngay cả cử chỉ nhỏ nhặt nhất. Có lẽ bố mẹ đã ngờ điều ấy khi chăm bẳm nhìn và con thì buộc phải quay đi.



Con không ưa thân thể mình. Cái duy nhất con chịu đựng nổi là miệng và bao tử. Thật điên rồ là người ta có thể nuốt những thứ cay xé hay dịu ngọt. Ăn luôn luôn là điều mới mẻ. Nó vào trong ấy, trong bụng con kêu rào rạo rồi căng phồng lên như cái bao to nhồi nhét đến vô cùng. Khi vừa nuốt là con quên béng mùi vị cho nên bắt đầu ăn lại và con đếm trong đầu những lát bánh ga tô, những dây thun, phó mát, kẹo, viên sỏi nhỏ, kem sô cô la, hoa lá và cái kẹp giấy. Cả núi trong bụng, không thể nhìn chúng nên con muốn gào lên. Con đã thử ăn một con ruồi để có được đôi cánh của nó khiến tận cùng cổ họng ngứa ngáy, rất ngon nhưng lại không thấy cánh mình mọc ra. Cái bọn ruồi thật buồn cười khi tẩn mẩn lau chùi chân cẳng sau khi nếm qua món mứt điểm tâm, trên sân thượng ngập nắng. Chúng không để bị bắt dễ dàng đâu, chúng nó đùa giỡn vừa cọ xát đôi cánh óng ánh ngũ sắc. Thường con ói mửa. Kỳ cục, mọi chuyện đều ngược ngạo, có thể nói là một cuộc du hành qua phía bên kia thân thể con. Mọi thứ đều làm con chán nản, trừ âm nhạc. Đó là một thế giới thực khi con cảm thấy hơi thở kèn trom pét hay cái cù nhồn nhột của đàn vi ô lông xen. Hai má con co giật trong vị chanh của đàn vi ô lông và tiếng rì rào của đàn thụ cầm tựa những giọt lệ bạc. Mọi thứ đều ngăn nắp với những nhạc cụ đối đáp nhau trong thứ ngôn ngữ tận cùng nói lên sự thực cuộc đời. Các thần linh đâm thủng sự tĩnh lặng rủ rê con cùng nhảy múa trong tim con. Thân hình vụng về của con ước ao quay tít, lên cao vút hơn cả ruồi muỗi chim chóc. Kèn cla ri nét nhung lụa nâng gió lên, thật êm ái ngoạn mục. Đó là năng lực tuyệt vời tạo niềm ham muốn để theo đuổi đời sống không tương lai này. Nhạc cụ diễn dịch trực tiếp những gì con không thể nói mà không kồng kềnh những hình thức an ủi cũ mèm.

Đôi khi con bịt tai vì âm nhạc vút quá cao và con không muốn thiên hạ biết những gì nó kể cho mình nghe. Con chỉ muốn nó cho mình, độc quyền. Khi con gầm lên với kèn saxo đang xé rách bầu trời bằng bão tố của nó dưới cây cối, bố mẹ kéo con ra xa. Giọng khào khào của con khiến mọi người kinh hãi, như tiếng gào của thinh lặng. Mỗi lần có thể, bố mẹ đưa con đến buổi hòa âm ngoài trời. Người ta nhìn chúng ta và con thấy những giọt lệ kìm lại trong mắt bố mẹ. Con biết món quà bố mẹ cho con với âm nhạc này. Lúc đó con muốn có thể nói điều gì tương tự niềm hạnh phúc lung linh. Con quá mệt mỏi với nhà tù của mình. Con yêu bố mẹ, bố mẹ ạ, ít nhất là con tin như vậy. Nhưng bố mẹ, làm sao yêu con được khi không phải là đứa con bố mẹ mong muốn? Mẹ, sao giữ con như vậy, như thể một cục thịt móc vào tim mẹ?

Con buồn quá, bệnh tự kỷ, luồng nước buồn thảm của dòng sông chảy qua đời bố mẹ từ bốn mươi năm nay. Con muốn chết.



TÌNH YÊU TRƯỚC HẾT LÀ MỘT TÌNH BẠN HÒA HỢP








Tác giả: HAMVAS BÉLA
Dịch giả: NGUYỄN HỒNG NHUNG





Chỉ TÔI và ANH hai người. Lúc nào cũng chỉ hai người. Nhiều hơn một, khi con người đơn độc, ít hơn một, khi con người xuất hiện giữa cộng đồng. Quan hệ TÔI - ANH là một nhóm hiện sinh đặc biệt: là một nhóm đặc thù của sự sống giữa cái cá nhân và tập thể. Giữa sự cô đơn và cộng đồng. Giữa sự đơn lẻ và đám đông. Giữa MỘT và BA. Cái Đôi này là vị trí thế gian của Philia.

Chiêm tinh học chia không gian số phận của con người ra làm mười hai đoạn, như chiêm tinh học tuyên bố, chia sân khấu cuộc đời con người ra mười hai ngôi nhà. Đấy là những ngôi nhà: tính cách, của cải, sự học tập, gia đình, hôn nhân vv..

Tình bạn cũng có một ngôi nhà. Trong khu rừng rậm rạp của sách vở tâm lý học hiện đại, một tiếng nói vang lên về tình bạn không hề có- nhân tố duy nhất này cho thấy, chiêm tinh học nhạy cảm hơn biết nhường nào khi hướng về cái toàn thể của hiện hữu con người.

Chiêm tinh học biết nhận ra, tình bạn không có chút liên quan gì đến cộng đồng, đến cái TÔI, thậm chí đến cả tình yêu cũng không. Philia có một ngôi nhà riêng, có trọng lượng và chưa đựng đầy ý nghĩa như một công việc hoặc như so sánh với cái chết.

Tình bạn không phải một sự tụ tập giản đơn, cũng như người bạn không phải là một kẻ thô bạo can thiệp. Người bạn không là một đồng bọn, chẳng đồng sự, cũng chẳng phải bồ bịch. Thứ xảy ra với con người trong căn nhà của tình bạn, chẳng kiểu quan hệ nào thay thế được.

Người bạn không thay thế được bằng bất kỳ ai. Có những kẻ chịu, không thể có tình bạn;có những người vô hiệu hóa với tình bạn; có những người quanh họ lúc nào cũng có một ai đấy; và có những kẻ, cả cuộc đời đói khát tình bạn, đến mức chỉ gặp một người bạn thôi cũng không bao giờ.

Montaigne đã viết: tình yêu không có thói quen hỏi xin ai. Nó đến khi nó muốn, và ngự trị lên phận người một cách tàn bạo như một sức mạnh nguyên thủy.

Tình bạn cần thiết sự ưng thuận. Người bạn của tôi chỉ có thể là người tôi tự chọn cho mình. Tất nhiên, khi đã có rồi, đấy là sự bắt buộc. Lúc đó tôi không thể sống thiếu bạn.” Il me semble n’etre qu”a demi”- dường như, tôi chỉ là một nửa của cái gì đó. Nhưng kể cả lúc đó tình bạn cũng không ngự trị tôi. Nó luôn luôn dịu dàng và tỉnh táo. Nữ thần Philia yếu đuối nhất giữa các thực thể thần linh.

Người tình đôi khi quen thuộc với việc cảm thấy niềm vui cũng như sự nguy hiểm của bạn tình xa cách, đôi khi đoán trước mong ước của bạn tình. Là ngoại lệ với tình yêu, nhưng là điều tất nhiên trong tình bạn: tôi luôn luôn biết và cần phải biết, cái gì xảy ra với bạn và bạn nghĩ gì. Không ẩn dấu nào xuất hiện với bạn tôi cũng như với tôi. Nhưng đây không phải là điều kiện của tình bạn; sự chân thành không đi trước tình bạn. Kẻ nào nghĩ đến điều này, chỉ là kẻ không hề cảm nhận được điều gì hết về tình bạn.

Những người đã được nữ thần tình bạn buộc lại làm một, mọi giả dối và mặt nạ đều rơi xuống chân họ. Không phải tình bạn nảy sinh từ lòng chân thành mà lòng chân thành nảy sinh từ tình bạn. Trước tiên có Philia, những thứ đến sau là phần thưởng của nàng.

Tất cả mọi tình bạn đều bắt đầu bằng một cảm giác khó tả, là chúng ta hình như đã gặp nhau ở đâu. Như thể chúng ta đã từ lâu là anh em. Thậm chí như thể anh em sinh đôi. và bởi vậy cuộc hội ngộ này chỉ là sự gặp lại. Khi con người từ biệt bạn mình, họ biết đấy chỉ là cảm giác chia tay. Bạn vẫn ở lại cùng ta ở một nơi nào đấy, như đã từng ở cùng ta trước cuộc gặp gỡ.

Tình yêu khêu gợi, đánh thức và quật ngã mọi sức lực của con người. Nói cách khác: tình yêu làm tỉnh giấc tất cả mọi đam mê. Hay nói đúng hơn nữa: tình yêu giải phóng mọi ma quỷ ẩn náu trong con người.

Tình bạn hòa hợp sức lực con người. Nói cách khác: tình bạn hãm phanh toàn bộ những nỗi đam mê. Hay nói đúng hơn nữa: Philia là nữ thần độc nhất mà sự xuất hiện của nàng khiến ma quỷ dịu đi, và làm lành với nhau.

Tình yêu và tình bạn chỉ có độc nhất một nét giống nhau, đấy là: nếu nó tan vỡ, nguyên nhân không bao giờ là NGƯỜI KHÁC, mà là TÔI.





Bí mật của tình yêu là từ hai thành một, bí ẩn của tình bạn là từ một thành hai. Bởi vậy tình yêu là một tình bạn lật ngược, nghĩa là từ một người luôn luôn có một cái gì đó rò gỉ sang người kia. Tình yêu đôi khi như thể từ một thành hai, cho dù thực ra nó luôn luôn là hai, chỉ tình yêu biến nó thành một. Còn tình bạn đôi khi như thể từ hai mà ra, cho dù nó luôn luôn là một, chỉ tình bạn biến nó thành hai.

Tình bạn bắt đầu, từ lúc cả hai người cùng bước vào sự thơ mộng. Và không cần đến dục vọng, sự tò mò, sức lực, cuộc tranh đấu.

Bởi vậy tình bạn sâu sắc hơn tình thương yêu và sâu sắc hơn cả tình yêu.





Có một quan hệ khó hiểu giữa tình bạn và các vì tinh tú. Tại sao ngôi sao lại là một người bạn? Tại sao người bạn lại là một ngôi sao? Bởi vì sao rất xa mà vẫn cứ lấp lánh sáng trong ta? Bởi vì bạn là của ta mà vẫn không thể với tới? Bởi vì không gian ta gặp gỡ nhau không thuộc về con người, mà thuộc về vũ trụ? Bởi bạn không đòi hỏi từ ta cũng như ta không đòi hỏi từ bạn bất cứ cái gì?

Chỉ duy nhất một điều bạn hãy cứ là bạn, như ta hãy cứ là ta, và điều này đối với cả hai ta đều quá đầy đủ? Không thể trả lời được. Cũng không cần thiết. Nhưng cho dù không thể, ta vẫn luôn luôn cảm thấy bạn ta là một ngôi sao, là ánh sáng chói ngời không thể hiểu nổi của vũ trụ rạng tỏa sáng tâm hồn ta.


(TRÍCH TRONG TIỂU LUẬN TRIẾT HỌC: CÂU CHUYỆN VÔ HÌNH- HAMVAS BÉLA. NXB TRI THỨC -2012)
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary.




Làm người nghệ thuật






Một khi ta đạt được một trình độ kiến thức nào đó trong một lĩnh vực hiểu biết nào đó, ta có thể tiếp tục đường đời của ta trong hai hướng sau, đều trân quý :

1/ Truyền lại cho tha nhân kiến thức ít nhiều giá trị của ta. Dạy học.

Tôi quý mến. Đời nay, phải là kẻ yêu nhân loại kiểu văn minh thời Khai Minh, thế kỷ 18 PhuLăngXa, mới dấn thân làm thày giáo.

Bản thân tôi, nếu tin nổi kiến thức của tôi có giá trị, tôi cũng muốn thèm một chức giáo viên.

2/ Dựa vào những kiến thức ta đã học được để làm người hôm nay, không chỉ làm người có lý theo chuẩn đương thời, rất có thể sai, còn đòi làm người có tình, làm người nghệ thuật.

Hỡi ơi, điều ấy không "khoa học" tí nào, chẳng ai dạy ai được. Hè hè.
Phan Huy Đường

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Viết dưới hầm mộ



Nguyễn Viện







… Nếu không thể chửi thề
ngươi sẽ chết vì câm nín
Nếu không thể chửi thề
ngươi sẽ là địa ngục
tôi nói với kẻ dẫn đường, tao muốn địt mẹ mày
bởi vì đó là niềm hy vọng cuối cùng
cho một sự thay đổi

Trong một bầu khí ngụy tín
bị đầu độc bởi một bọn lưu manh
ngôn ngữ khốn cùng, tôi chết
không một ai biết khóc
không một ai đeo tang
không một ai tự hỏi mình đã thật sự sống
tình yêu mạt rệp, tôi chết
không một ai bước lên ngọn đồi để quăng thân mình vào gió
không một ai bước xuống huyệt để đo sự giới hạn
không một ai tự hỏi mình có tự do không

Những viên gạch xếp hàng
những viên gạch không mang số
tôi chết vì mùi trong những khẩu hiệu

Những viên gạch nối dài mộ địa ở bên kia thế giới
lại mang tên sự sống
tôi nói với hàng chữ, địt mẹ chúng mày
mị dân

chiều không ký ức





Vũ Tiến Lập



Lắng nghe những tảng đá cuội đang bị vần quanh bởi sức mạnh của luồng
nước chảy ào ạt. Biệt lập hẳn đời sống và hạnh phúc là khởi dậy cô độc như sự tiếp cận mong manh của trí tưởng trong yên lặng. Cái nhìn xa xôi gồm cả những thứ gần bên nhưng cái nhìn gần bên không thể gồm cả những thứ xa xôi. Khuất một nơi xa rời quá khứ tưởng chừng không có gánh nặng của cuộc đời, như thể không có ngày hôm qua hay ngày mai hay những khoảnh khắc kế tiếp. Thời gian đứng yên cùng sự sống. Chết đi thời gian là sống trong hiện tại, là bước vào thật lặng lẽ bằng sự tinh khiết của bản thể an bình trong một không gian vô tận và mênh mang,không một thôi thúc ẩn nấp sâu thẳm có thể chiếu rọi bao la này. Tĩnh lự là chiều sâu của trống không, giống như một con sóng bao bọc quả tim và khoảnh khắc kế tiếp không có khởi đầu.Mỗi suy nghĩ và mỗi cảm thấy, mỗi khao khát và thúc giục hoàn toàn vắng mặt.

Vẻ đẹp không bao giờ riêng tư, những cánh rừng xanh thẫm căng đầy ánh sáng hoàng hôn. Một màu xanh với cặp mắt long lanh từ những giọt nước mắt bị bỏ quên, đó là màu xanh của tuổi ấu thơ và vô nhiễm không chọn lựa. Và khi mặt trời hạ thấp thêm nữa, mỗi màu sắc rực rỡ hơn, mãnh liệt hơn vượt khỏi mọi hồi tưởng cùng tự do khỏi những vết sẹo của một buổi chiều không ký ức.

những cảm nghĩ thoáng qua
bỗng vụt chạy như con ngựa mất giây cương
giật ngược trở về hiện tại
chỉ thấy một cái nhìn bâng quơ vụng dại
như không gian đang ghì chặt
đám mây còn bỏ dở
những sợi tơ mềm chưa kết tụ
hạnh phúc như vân du lang bạt
như nước cuộn một chiều về…

tình yêu trong tiểu thuyết






photo: Nguyễn thị Hải Hà





Má tôi không được đi học vì ông ngoại tôi bảo rằng, “con gái biết chữ chỉ để đọc tiểu thuyết, viết thư cho trai, ái tình lãng mạn cho lắm chỉ tới chỗ chửa hoang.” Nhận được lá thư tình đầu tiên, má tôi hối lộ trẻ em hàng xóm đọc giùm. Những lá thư tình tiếp theo là động cơ thúc đẩy má tôi tự học. Bà mua cuốn vần, lén học lúc nấu cơm. Sợ bị bắt gặp bà thường dúi cuốn vần vào trong lò đốt cháy. Không biết bà đốt cháy bao nhiêu cuốn vần mà về sau bà có thể viết thành câu, chữ lớn như con gà đang bưới bếp, chữ nhỏ như cái trứng cút, gà chạy nhấp nhô không thẳng hàng. Khi làm giấy tờ cần phải ký tên, bà viết nguyên tên chứ không phải đánh chữ thập như nhiều người khác. Bà thích đọc nhưng đọc rất chậm vì còn mãi đánh vần. Tôi nghĩ bà có thể đọc được thư tình người ta gửi cho bà ngày xưa nhưng viết thư tình chắc là không nổi.

Vào thập niên hai mươi, ông ngoại tôi kết luận người đọc có thể học hỏi (hay học đòi) chuyện yêu đương trong tiểu thuyết. Thời đó đâu có ai dạy dỗ về tình yêu, trai gái còn không được phép cầm tay nhau thế mà ai cũng biết yêu, không đổ thừa cho văn học gây ra hậu quả tai hại (như chửa hoang) thì đổ thừa cho ai? Ngày nay, qua những cuộc nghiên cứu, người ta quan niệm đọc văn học có thể làm chúng ta khôn ngoan hơn, hiểu biết hơn, và dễ cảm thông và biết yêu thương đồng loại hơn. Nhưng chúng ta có thể học được gì về tình yêu trong văn chương? Bạn có tự hỏi bằng cách nào bạn nhận ra sự hiện diện của cái gọi là tình yêu, bạn học về tình yêu ở đâu, ai dạy bạn yêu, làm thế nào để bạn nhận ra đó là tình yêu? Sau khi bạn trả lời những câu hỏi này tôi chắc rằng bạn cũng đồng ý với tôi, một phần nào đó, những hiểu biết chúng ta có được về tình yêu được rút ra từ truyện, thơ, nhạc, và phim. Âm nhạc và phim ảnh nếu không xuất phát từ văn chương thì cũng bị ảnh hưởng đậm đà bởi văn chương.

Trong bài tản mạn này tôi chỉ muốn trả lời một câu hỏi; Tôi tìm thấy gì về tình yêu qua những quyển sách tôi đã đọc?

Thập niên hai mươi, văn học Việt Nam có gì ghê gớm mà ông ngoại tôi sợ hãi đến độ không cho má tôi đi học. Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng dịch từ truyện Tàu? Truyện Kiều, Lục Vân Tiên ghê gớm lắm sao? Còn tôi, tôi bị má tôi “đầu độc” bằng thơ tình ngay từ thuở ấu thơ khi bốn năm tuổi tôi nghe bà hát ru cháu ngoại bằng những bài tình ca ngọt lịm. Đó là câu ca dao ở thể lục bát như Đưa tay mà ngắt ngọn ngò. Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ. Ở thể song thất lục bát như, Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu. Anh về học lấy chữ nhu. Chín trăng em đợi mười thu em chờ.Và phụ mẫu đánh anh quằn quại treo tại góc thành, đứt dây rớt xuống dạ không đành bỏ em. Còn nhiều nữa, tôi không thể kể hết ra đây. Khi tôi vào trung học thì người ta chẳng những không sợ là con gái đi học biết chữ sẽ viết thư tình cho trai, mà chúng tôi còn được cho học thơ tình, như Chinh phụ ngâm khúc. Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại. Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang. Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương. Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng. Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy. Thấy xanh xanh những mấy hàng dâu. Hàng dâu xanh ngắt một màu. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai. Rồi những mối tình hiền lành trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng và Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, sách của Tự Lực Văn Đoàn chúng tôi “bị bắt học” từ những năm đệ ngũ. Thói thường, những gì bị bắt học thì không nhớ hay chỉ nhớ loáng thoáng mập mờ, những mối tình tôi thật sự chú ý và nhớ rất dai là những mối tình trong những quyển sách dịch tôi đọc vào thập niên bảy mươi.

Có thể nói đây là giai đoạn tôi đọc sách nhưng chỉ chú ý đến chuyện tình. Hai chuyện tình để ấn tượng sâu đậm trong tôi ở trong hai quyển Cuốn Theo Chiều Gió[i] và Anna Karenina[ii]. Ở tuổi mười tám tôi đọc Cuốn Theo Chiều Gió và ngay lập tức tôi bị nhân vật Scarlett O’Hara hớp hồn. Scarlett, là mẫu phụ nữ Tây phương trái ngược với khuôn mẫu phụ nữ Á đông chung quanh tôi. Tôi lớn lên với quan niệm phụ nữ là đóa hoa chỉ có thể ở một chỗ mà tỏa hương, rủ bướm nhưng không được bay theo. Để thoát khỏi cảnh yêu thầm nhớ trộm nàng chủ động tỏ tình với Ashley Wilkes. Tình yêu là như vậy đó, nồng nàn, sôi nổi, bồng bột, hơi điên cuồng. Tôi khâm phục sự siêng năng, tính thực tế, dám nghĩ dám làm của Scarlett. Nếu Scarlett sinh ra vào thời này có lẽ nàng sẽ là Giám đốc điều hành của một công ty lớn nào đó. Tuy nhiên, Scarlett không biết yêu là gì. Nàng say mê Ashley chỉ vì Ashley dám từ chối nàng, anh chàng tóc bạch kim trí thức này trở nên một đối tượng nàng muốn chinh phục. Ba mươi năm sau đọc lại, tôi nhìn thấy sự nhẫn tâm của Scarlett khi nàng chiếm người chồng tương lai của cô em gái. Nhẫn tâm với rất nhiều người nhưng Scarlett yêu Ashley rất chân tình. Phải yêu lắm Scarlett mới vượt lên sự ghen tuông và nhường cả xưởng cưa để Ashley làm phương tiện sinh sống nuôi vợ con. Trong tôi, cái định nghĩa về tình yêu đã thay đổi. Không phải sự sôi nổi nồng nàn của Scarlett, mà cái quan hệ đầm ấm tương kính giữa vợ chồng Melanie-Ashley, là định nghĩa của tình yêu. Tôi vẫn tin Scarlett còn yêu Ashley vì vẫn chưa chinh phục được chàng.



Ban đầu khi đọc Anna Karenina tôi thích mối tình của Anna với Alexei Vronsky. Một tình yêu đầy đam mê, vượt luân lý, bất chấp dư luận, thiếu một người là mặt trời thôi mọc, chim thôi hót, mây ngừng bay, và những vì sao thôi lấp lánh. Tôi ghét Karenine, xấu trai và khô khan, vì ông đã nói dối với cậu bé con của hai người là mẹ cậu đã chết và ngăn cấm Anna không được gặp mặt con. Tôi ghét xã hội quí tộc Nga thời bấy giờ dung dưỡng tội lỗi của đàn ông nhưng khắc nghiệt với đàn bà. Nhìn lại tôi thấy Karenine là một người đáng thương. Khi biết vợ ngoại tình ông ta vẫn giữ thể diện cho vợ. Chỉ cần nàng trở về là ông bỏ qua tất cả. Cái đam mê cháy bỏng giữa Alexei và Anna không phải là tình yêu. Tình yêu được Tolstoy kín đáo diễn tả qua mối tình bền bĩ của Levine dành cho Kitty. Nếu ở Cuốn Theo Chiều Gió tôi yêu nhân vật phụ Melanie hơn nhân vật chính Scarlett thì ở Anna Karenina tôi yêu nhân vật phụ Levine hơn nhân vật chính Vronsky. Đọc lại, Anna là một người phụ nữ đẹp nhưng xa hoa phù phiếm mè nheo. Giá mà Anna đừng xiêu lòng, thì chắc Vronsky sẽ còn yêu nàng lâu dài hơn. Vronsky cũng như Scarlett, sau khi chinh phục được đối tượng là xong một cuộc tình.

Quan sát vài tác phẩm, cổ điển cũng như hiện đại, của tác giả nam cũng như nữ, tôi thấy nhà văn rất thực tế khi viết về tình yêu. Dù họ có biến hóa gán ghép bao nhiêu chi tiết lãng mạn vào truyện họ vẫn dàn xếp cho cốt truyện diễn tiến trên căn bản, chữ tình đi đôi với chữ tiền. Không có tiền thì không có tình yêu.

Lấy Kiêu Hãnh và Thành Kiến[iii] làm thí dụ. Nếu Mr. Darcy không có tiền để trả nợ cho gia đình của Elizabeth Bennet, chưa chắc cô gái thông minh và kiêu hãnh này đã tha thứ cho Darcy cái tội coi thường nhan sắc của nàng lúc ban đầu. Nếu Vronsky không là con nhà giàu thì cho dù có tán tỉnh dẽo đến đâu chưa chắc đã quyến rũ Anna ra khỏi tổ ấm của ông chồng khắc khổ Karenine. Độc giả hẳn vẫn còn nhớ là khi yêu Vronsky, Anna vẫn phải sống nhờ vào tiền của chồng, còn Vronsky tuy giàu có nhưng đó là nhờ sự chu cấp của bà mẹ. Nếu Anna không tự tử nàng sẽ làm gì để tự nuôi bản thân nàng cùng với hai đứa con, một với Karenine và một với Vronsky, khi một ngày nào đó Vronsky chán cái tính ghen bóng gió của nàng và nhan sắc của nàng không còn nữa? Nếu Heathcliff trong Đỉnh Gió Hú[iv] không bị gia đình Linton khinh rẻ vì nghèo và mất Catherine vào tay Edgar Linton thì chắc đã không biến tình yêu thành oán hận và làm cho cả hai gia đình Earnshaw và Linton tán gia bại sản. Còn Chàng Gatsby Cao Thượng[v], đây mới chính là một quyển tiểu thuyết mà giá trị của tiền là động cơ chủ yếu để đạt tình yêu. Daisy đã từ chối bỏ trốn với Gatsby để kết hôn với người chồng giàu có. Gatsby cố gắng đủ cách, kể cả bán rượu lậu, để trở thành một người giàu có với mục đích chiếm lại Daisy. Gatsby xem Daisy là biểu tượng của sự giàu sang mà chàng không thể vói tới trong quá khứ vì nghèo. Còn Tình Yêu Trong Thời Dịch Tả[vi] thì khỏi nói Florentino chỉ chinh phục được Fermina khi ông trở nên ông chủ của một công ty tàu du lịch giàu có. Scarlett đã chẳng lấy Rhett Butler làm chồng nếu anh ta không giàu có nhờ buôn lậu trong lúc chiến tranh.

Đọc văn học là để tìm hiểu chính mình. Đọc tình yêu trong văn học là để giải thích những chọn lựa của chính mình và dùng những đau khổ hay hạnh phúc của các nhân vật trong truyện để rút kinh nghiệm cho mình. Tôi đọc truyện tình để thấy sự thay đổi trong tôi quan niệm về tình yêu. Lúc còn trẻ tôi thấy tình yêu là sự thu hút của Romeo và Juliet[vii], chui xuống gầm bàn run rẩy nắm tay nhau và trao đổi cái hôn. Về già tôi nhận ra Romeo lúc ấy đã mười tám còn Juliet chỉ mới mười ba, cái gọi là tình yêu đó có thể vi phạm pháp luật. Loài người đã tốn nhiều bút mực để định nghĩa tình yêu nhưng không thể đồng ý với nhau bởi vì mỗi người định nghĩa tình yêu mỗi khác. Nếu loài người không thể đồng ý với nhau về định nghĩa tình yêu, liệu người ta có thể đồng ý với nhau về định nghĩa của chung tình và ngoại tình? Gabriel Garcia Marquez đã nêu ra một lập luận về sự chung tình và ngoại tình khác với khái niệm chung tình mà tôi biết. Trong quyển Tình Yêu Thời Dịch Tả, Florentino và Fermina trao đổi thư tình khi còn bé. Lớn lên Fermina nhận ra Florentino nghèo và xấu trai, nàng nhận lời kết hôn với Urbino một bác sĩ giàu có và là nhà chuyên môn chữa trị bệnh dịch tả. Khi Urbino chết rồi, và lúc Florentino cố gắng chinh phục lại, Fermina khám phá chồng bà đã ngoại tình với một người đàn bà khác. Florentino suốt cuộc đời dành trọn trái tim cho Fermina. Nỗi đau vì mất người tình làm ông đau đớn và tìm quên bằng cách quan hệ tình dục với 622 người đàn bà khác. Florentina quan hệ tình dục với 622 người đàn bà nhưng vẫn được Marquez xem là chung tình với Fermina. Trong khi Urbino chỉ ngoại tình với một người đàn bà thì bị xem là ngoại tình. Trớ trêu không?

Dag Hammarskjöld, một tác giả danh tiếng người Thụy Điển, bảo rằng “Có lẽ mối tình lớn nhất là mối tình không được đáp lại.” Nếu đồng ý với ông, tôi sẽ nói mối tình của Humbert dành cho Lolita[viii] là tình yêu lớn. Và mối tình của Hanna với Michael trong Người Đọc[ix] cũng là tình yêu lớn vì cả hai, người này yêu người kia, nhưng không được đáp lại, cùng một lúc. Rồi có một bài hát nói ngược lại, rằng: “The greatest thing, you’ll ever learn. Is to love and be loved in return.”[x] Nghĩa là bài học lớn nhất bạn sẽ học trong cuộc đời, là yêu và được yêu trở lại. Thật là chẳng ai có thể đồng ý với ai về tình yêu.

Nguyễn Thị Hải Hà


I. Gone With The Wind của Margaret Mitchell (1936)
II. Anna Karenina của Leo Tolstoi (xuất bản từng phần từ 1873 đến1877).
III. Pride and Prejudice của Jane Austen (1813).
IV.Wuthering Heights của Emily Bronté (1846).
V. The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald (1925).
VI. Love in the time of cholera của Gabriel Garcia Marquez (1985).
VII. Romeo and Juliet của William Shakespeare (1597).
VIII. Lolita của Vladimir Nabokov (1958).
IX. The Reader của Bernhard Schlink (1997).
X. Nature Boy của Eden Ahbez, Nat King Cole hát.