Caroline Tafoiry
Con đã rong chơi những đâu trước khi bước vào đời bố mẹ? Thế giời nhiêu khê quá đỗi khi mình không biết cách luồn lách vào bên trong nó... Khiếp quá, sự ra đời của con hỏng bét. Tuy vậy đời sống là thiêng liêng...
Mọi thứ không có vẻ hoàn mãn. Đời con bị gói trong cơ thể đẽo gọt vụng về mà đầu óc con không chỉnh được. Từ nào tới giờ con luôn luôn cố làm theo điều bố mẹ đòi hỏi, mà không xong. Nhiều mùa trọn vẹn, con đu đưa từ trước ra sau trên chiếc ghế nhỏ màu xanh, hai tay vung vẩy. «Khép miệng lại, con sắp đớp trúng ruồi đấy !». Lời mẹ ăn sâu vào sự lưu ý của con về việc bí hiểm bắt mấy con vật nhỏ màu đen cánh trong veo... Trải nhiều tháng ngày bố mẹ chìa tay cho con và khuyến khích chân con đặt bàn này trước bàn kia. Cặp giò cứ lạng quạng và con bước đi như cua. Hàng loạt lời ào đến cảnh cáo con về những lượn sóng nguy hiểm.
Bố mẹ ở đó như những vật thể động đậy và con không trông thấy nữa. Con chỉ muốn gào thét. Con không muốn tiến tới, con không thể. Thân xác con nặng nề quá, các người đông đảo quá, đầu óc con từ chối những chiếc bờ lu trắng của đám ma trong bịnh viện thường xuyên cựa quậy chung quanh. «Nó không muốn nói à?».Không. Con không làm được những cái phải làm. Điều ấy khiến bố mẹ đau lòng. Tim con vỡ ra vì không muốn nước mắt và buồn phiền lem luốc mặt bố mẹ. Nhiều tia chớp và sấm sét trong đầu con quá. Ôi mẹ, hẳn mẹ phải rất đau đớn, cả mẹ nữa, cái nhìn của mẹ khiến con phát ốm...
Cử chỉ bất ngờ và co giật biến con thành con rối đáng thương. Con bực bội thân xác mình. Từ lúc ngụ trong nó, không có gì làm con vui. Con thích bước lên trần nhà như mấy chú ruồi hay bay cái vù ngang trên mặt bàn, nhưng điều ấy không xảy ra. Vậy nên con giận và trừng phạt thân thể mình. Mặc kệ nếu đầu gục xuống tủ áo, mặc kệ nếu tay chảy máu vì bấu gãi nhiều quá, mặc kệ nếu đầu gối rách nát, bị kẹt cứng trong thân xác không biết vâng lời thật chẳng công bình tí nào. Con không ưa thân thể mình. Nếu bố mẹ đến gần hay cố thử sờ mó, con muốn cắn hay gây thương tích cho bố mẹ. Sẽ tệ hơn nữa nếu bố mẹ tỏ vẻ tử tế bởi vì như vậy chứng tỏ là bố mẹ chẳng hiểu con gì cả! Đối với bố mẹ nếu không bay được trong không khí thì cũng chẳng sao, vả chăng bố mẹ cũng không thèm làm thử.
Con chẳng thể nói gì được, tư tưởng tù hãm trong tường thành bộ óc. Con mắc bệnh tự kỷ. Thiên hạ đặt tên như vậy. Con không biết truyền đạt. Sau những con trăng màu trắng quần thảo trong đầu, cơn đau lắng xuống và con được an toàn chốc lát. Móng vuốt tâm hồn con tấn công những cánh lông mềm mại của đêm và cơn buồn ngủnuốt trửng con. Có quá nhiều cử chỉ con không phối hợp được. Con nhìn nhưng bố mẹ không có đó. Bố mẹ là cây cối hay ngăn kéo hay quỷ dữ hay ghế xích đu. Bố mẹ cao quá, to quá, bé qua, ồn ào quá và con, con không ở trong câu chuyện của bố mẹ. Con muốn vò nát thân hình rồi ném vào sọt rác như miếng giấy nháp vô dụng. Chuyện đời con ở phía sau tấm gương mà con muốn nhìn thấu suốt. Hình ảnh con không phải là con. Con không đồng ý với những gì trông thấy. Quả thực con có đôi mắt giống ruồi, hơi cách xa, gần hai bên bìa khuôn mặt nhưng lại không bước lên trần nhà được... Con lo sợ, rất thường. Sợ nóng sợ lạnh, sợ người ta sợ bóng đêm.Sợ trần nhà mà con chiêm ngưỡng bởi vì mình không phải ruồi, không phải cá, không là gì cả. Hầu như lúc nào con cũng nổi giận vì nỗi sợ của mình. Con cảm thấy bị vây đuổi. Bố mẹ luôn luôn có những từ ngữ, khắp nơi và về mọi điều. Kềnh càng quá, nhiều va ly to tướng đầy ắp chữ nghĩa mà con không hiểu nổi. Có khi con muốn thử nghiệm mà chẳng biết chọn từ nào. Cổ họng con không có âm vọng. Không có tơ sợi để xe thành ngôn ngữ. Con ở trong bụng của đầu mình. Tại sao phải đi ra? Tại sao phải bước đi? Tại sao phải học các câu chữ? Điều đó làm đau đớn quá. Thân xác con vặn vẹo, các chữ của con cũng vậy. Thôi đừng nói nữa, con không thích, nó đập vào đầu con, các cây búa từ ngữ của bố mẹ ấy. Bố mẹ luôn luôn hoài vọng rằng con hiểu và phản ứng như bố mẹ. Con bị tước đoạt, bất lực ngay cả cử chỉ nhỏ nhặt nhất. Có lẽ bố mẹ đã ngờ điều ấy khi chăm bẳm nhìn và con thì buộc phải quay đi.
Con không ưa thân thể mình. Cái duy nhất con chịu đựng nổi là miệng và bao tử. Thật điên rồ là người ta có thể nuốt những thứ cay xé hay dịu ngọt. Ăn luôn luôn là điều mới mẻ. Nó vào trong ấy, trong bụng con kêu rào rạo rồi căng phồng lên như cái bao to nhồi nhét đến vô cùng. Khi vừa nuốt là con quên béng mùi vị cho nên bắt đầu ăn lại và con đếm trong đầu những lát bánh ga tô, những dây thun, phó mát, kẹo, viên sỏi nhỏ, kem sô cô la, hoa lá và cái kẹp giấy. Cả núi trong bụng, không thể nhìn chúng nên con muốn gào lên. Con đã thử ăn một con ruồi để có được đôi cánh của nó khiến tận cùng cổ họng ngứa ngáy, rất ngon nhưng lại không thấy cánh mình mọc ra. Cái bọn ruồi thật buồn cười khi tẩn mẩn lau chùi chân cẳng sau khi nếm qua món mứt điểm tâm, trên sân thượng ngập nắng. Chúng không để bị bắt dễ dàng đâu, chúng nó đùa giỡn vừa cọ xát đôi cánh óng ánh ngũ sắc. Thường con ói mửa. Kỳ cục, mọi chuyện đều ngược ngạo, có thể nói là một cuộc du hành qua phía bên kia thân thể con. Mọi thứ đều làm con chán nản, trừ âm nhạc. Đó là một thế giới thực khi con cảm thấy hơi thở kèn trom pét hay cái cù nhồn nhột của đàn vi ô lông xen. Hai má con co giật trong vị chanh của đàn vi ô lông và tiếng rì rào của đàn thụ cầm tựa những giọt lệ bạc. Mọi thứ đều ngăn nắp với những nhạc cụ đối đáp nhau trong thứ ngôn ngữ tận cùng nói lên sự thực cuộc đời. Các thần linh đâm thủng sự tĩnh lặng rủ rê con cùng nhảy múa trong tim con. Thân hình vụng về của con ước ao quay tít, lên cao vút hơn cả ruồi muỗi chim chóc. Kèn cla ri nét nhung lụa nâng gió lên, thật êm ái ngoạn mục. Đó là năng lực tuyệt vời tạo niềm ham muốn để theo đuổi đời sống không tương lai này. Nhạc cụ diễn dịch trực tiếp những gì con không thể nói mà không kồng kềnh những hình thức an ủi cũ mèm.
Đôi khi con bịt tai vì âm nhạc vút quá cao và con không muốn thiên hạ biết những gì nó kể cho mình nghe. Con chỉ muốn nó cho mình, độc quyền. Khi con gầm lên với kèn saxo đang xé rách bầu trời bằng bão tố của nó dưới cây cối, bố mẹ kéo con ra xa. Giọng khào khào của con khiến mọi người kinh hãi, như tiếng gào của thinh lặng. Mỗi lần có thể, bố mẹ đưa con đến buổi hòa âm ngoài trời. Người ta nhìn chúng ta và con thấy những giọt lệ kìm lại trong mắt bố mẹ. Con biết món quà bố mẹ cho con với âm nhạc này. Lúc đó con muốn có thể nói điều gì tương tự niềm hạnh phúc lung linh. Con quá mệt mỏi với nhà tù của mình. Con yêu bố mẹ, bố mẹ ạ, ít nhất là con tin như vậy. Nhưng bố mẹ, làm sao yêu con được khi không phải là đứa con bố mẹ mong muốn? Mẹ, sao giữ con như vậy, như thể một cục thịt móc vào tim mẹ?
Con buồn quá, bệnh tự kỷ, luồng nước buồn thảm của dòng sông chảy qua đời bố mẹ từ bốn mươi năm nay. Con muốn chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét