Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Thơ Phương Uy




Thiếu nữ và trăng - tranh Đinh Cường



NƠI CÓ NHỮNG GIẤC MƠ



Nơi có những buổi sáng vàng nắng lung linh

Em chạy đuổi tuổi mình

Mãi miết

Phía bên kia bờ phù du

Có gì là bất diệt?

Hay chỉ là nắng vàng ngập trong từng buổi mai lên?

Có một nơi nào chỉ có anh và em

Em không hình hài và anh chỉ là tên gọi

Ta mộng mị đời nhau

Mệt nhoài trong đắm đuối

Ảo hóa tình yêu thành giấc mơ trôi

Rốt lại nỗi đau là có thật trong đời.



Nơi đó có giấc mơ

Cơn mê vùi của con dế náu mình trong cỏ

Rung sợi dây đàn làm bằng những lỗi lầm và ướp nỗi buồn lên đó

Tấu vang những ca từ tiều tụy nhớ mong


Nơi đó em trôi giữa miên viễn thinh không

Biến thiên hình hài giữa trăm triệu sao trời vạn kỷ

Sợi dây đàn nỗi buồn và những ca từ tiều tụy

Là bản cầu hồn đưa tiển buổi chia xa...

Nơi đó tình yêu không là những bông hoa

Chỉ là những nụ hồng thui chột giữa đêm đen ảo giác

Chỉ là những nét kỉ hà khắc lên trái tim lầm lạc

Là những lỗi lầm đâm chết hết yêu thương.

( Dẫu rằng lỗi lầm cũng là một phần tất yếu của yêu thương)

Nơi giấc mơ em có những cánh chuồn

Lặng thinh bao điều không ấp úng

Để một ngày gió tràn qua thung lũng

Anh là giấc mơ bình thản quay lưng mãi miết không về

Sau tất cả những tháng ngày mụ mị giữa cơn mê

Có những giấc mơ cuối cùng em cũng lơi tay đánh mất

Không phải bởi lãng quên mà chỉ tại bởi một điều rất thật

Có một giấc mơ là có thêm một niềm tuyệt vọng giữa cuộc đời (*)

Nơi đó em nhìn anh ra đi và nước mắt em rơi....



Phương Uy

P/s: Thơ Phan Tuấn Anh







THẾ KỈ CỦA NHỮNG CƠN MƯA





Những nỗi niềm khô queo tận đáy
Cạn ngày
Còn lại gì giữa những kẽ tay?
Sợi buồn mang mang kí ức.
Không còn tình yêu.
Bởi tình yêu là những điều chưa chắc chắc là có thực
Thập kỷ của những cơn mưa.
Không cần biết hạnh phúc – hay niềm vui – hay cái sướng ( hoặc những gì đại loại như thế) đã chín hay chưa.
Tất cả hỗn mang bên thềm vực gió.
Những khuôn mặt cười – Những cánh dơi bóng đêm và những con châu chấu ma bay vật vờ không tọa độ.
Mộng du giữa trận tàn phai.
Không còn hứng thú để chờ đợi mỗi sớm mai
Bởi sớm mai, thực ra không phải là sự bắt đầu – xuất phát – hay khởi nguyên cho một cái gì mà chỉ là kết cùng cho đêm tối.
Chỉ là sự chuyển hóa từ thời – khắc – không – nhìn- thấy – mặt – trời sang thời – khắc - nhìn – thấy – mặt – trời.
Nhưng có ý nghĩa gì trong một bình minh mưa ngập lối?




Thế kỷ của những cơn mưa.


Không còn nỗi nhớ
Bởi nỗi nhớ chỉ tồn tại khi ta xác lập những thói quen
( Ràn rạt quất đau mặt người
Mưa kéo dài không câm nín)
Nỗi nhớ hình như cũng chỉ là sự ngưng đọng của tình yêu
Mà tình yêu thì vốn đã không hiện tồn, không rõ ràng như những đám mây mang điện tích.
Sự sợ hãi mọc mầm trên đôi cánh thiên di.
Nỗi nhớ có tồn tại bằng những li cà phê
Trong tin nhắn của em đến vào mỗi sáng?
Giữa thế giới dày đặc những ảo hình mị gạt
Nỗi nhớ được dán lên bằng những chiếc avatar như những chiếc mặt nạ cười đồng loạt như nhau.
Nỗi nhớ cũng chỉ là mộ địa của nỗi đau.
Thiên niên kỷ của những cơn mưa.


Không còn kỹ năng để viết nỗi một câu thơ
Bởi thế giới của tôi từ lâu đã mất đi ngôn từ và cảm xúc
Vui sướng buồn đau được thay bằng những icon cười nhăn nhở và lăn lộn
Âm nhạc, hoa hồng cũng mang mã số trên lưng.
Và em!
Cũng chỉ là những chuỗi kí tự được mã hóa hiện về từ cõi muôn trùng.







KHÚC XẠ ĐÊM



Đêm
Lấy tiêu bản cơn mưa
Cất vào trong chiếc hộp cũ kỹ
Bật liêu trai trong tiếng sáo vàng mùa
Ngồi nhớ ngày còn xem chú vịt Donal đóng phim ma mà quên đóng cửa
Biết rằng đã xa xưa…

***

Đêm im lặng
Nói chuyện với bức tường
Có gì ở phía bên kia giấc ngủ?
Giấc mơ màu tro nguội
Lạnh tâm tư

***

Đêm màu xanh lá cây
của ngọn đèn quả ớt treo trên tường
Cơn gió ướt nặng
Không thể cất cánh bay lên
Chỉ lùa lê thê trong căn nhà không cánh cửa
Bức ảnh hoen ố của ngày hôm qua
Rơi bên thềm giấc ngủ
Mang khuôn mặt của người đã chết
Trên bàn thờ

***

Những dòng chữ vay mượn
Chen kín trang giấy
Thể hiện một cơn nhức đầu lúc nửa đêm
Có nên im lặng
Cho một sự sợ hãi?

***

Thôi! Hãy cố gắng bước đến bên cửa sổ
Để nhìn thấy bình minh trong chiếc tổ đỏ ối đường chân trời
Hát câu ca về một miền tự do
Nơi cơn gió mang về cho anh mùi nắng thơm cổ tích.



PHƯƠNG UY

Văn chương và im lặng




Văn chương Việt Nam 25 năm vừa qua là phiên bản nhiệt đới gió mùa của câu văn khét tiếng của Adorno: "Còn làm thơ sau Auschwitz thì thật man rợ".

Không phải ngay sau 1975, mà dường như có khoảng chờ đợi mười lăm năm, quãng mười lăm năm để mọi thứ chất độc có sẵn bắt đầu phát tác, để biến dòng máu trở thành dòng máu độc tím ngắt bệnh hoạn. Phong cảnh văn chương Việt Nam 25 năm vừa rồi đến lúc đòi hỏi phải được thấu hiểu, hiểu một cách đau đớn và tàn nhẫn: câu hỏi chính yếu không phảiVăn chương để làm gì? mang hương vị của Saint-Germain-des-Prés, mà làThế quái nào mà vẫn có văn chương được?

Phải cảm nhận được từ trong sâu thẳm (vì là chuyện dòng máu), khi những ảo tưởng lúc đầu đã tan biến như bọt biển, như bình minh dịu dàng ngay sau đó bị mặt trời hung bạo gần xích đạo đốt sạch, phải ý thức được rằng sa mạc của miền nhiệt đới nghĩa là thiêu đốt, hoang vu và độc địa.

Phải cảm nhận được rằng mọi thứ đều lệch lạc, và mọi hành động của ta chỉ có thể tiếp tay cho tình trạng lệch lạc kia. Sự khô cằn ấy không có cứu rỗi, còn không có đến một ảo ảnh ốc đảo. Không có văn chương và nhà văn đích thực khi không có sự thấu hiểu phong cảnh chung: hãy nhìn lại thời của các nhà thơ viết ra Kiều, Cung oán, Chinh phụ, họ cũng phải có cảm nhận đau đớn tột cùng, cũng đã phải làm một công việc mênh mông như biển, là gột rửa sự bẩn thỉu của dòng máu.

Chỉ có nhà văn lớn khi nhà văn ấy biết im lặng.

Ở ranh giới của sự thoái hóa dòng máu chung, thật ra đã có sẵn một phương thuốc, nhưng phương thuốc ấy đã không được hiểu, bị lờ đi, trong đà cuốn của dòng máu bệnh: bệnh hoạn thì mới mạnh mẽ, điều ấy không thể khác. Phương thuốc đã nằm ngay trong Nỗi buồn chiến tranh: trong cuốn tiểu thuyết ấy, nỗi buồn mới là quan trọng, nó chính là phương thuốc trị bệnh cho máu, nhưng người ta lại tưởng quan trọng là phần chiến tranh. Một cơ hội đã bị bỏ qua, một cách còn thảm khốc hơn cả cuộc chiến tranh. Không biết buồn, con người đã không biết dùng sa mạc của nỗi buồn để chống lại sa mạc của phong cảnh chung.

25 năm ấy, chỉ vài người tạo ra được một thứ văn chương không nhiễm bẩn, đấy là khi họ ý thức được rằng phải tạo ra một thế giới riêng hẳn, không có gì chung với tất cả, chỉ tiếp giáp tối thiểu, để có thể ngăn chặnngay từ đầu dòng máu bẩn. Những người ấy lạc loài tự nguyện: Nguyễn Ngọc Tư của một cõi đồng bằng miền Tây, Nguyễn Bình Phương với một miền đồi núi phía Bắc, và Bùi Ngọc Tấn trong thế giới tù tội.

Và một số, rất ít, rất khác nhau, nhưng chung nhau ở một đặc điểm mà tôi tin là rất ít người nhận ra: những nhà văn rất mỏng, có sự tồn tại thoáng qua. Sự thoáng qua này, rồi sau đó là biến mất và im lặng, không tố cáo, mà là một sự nhận ra đầy buồn nản, sự hiểu ra rằng thế quái nào mà lại có văn chương. Xuất hiện với mầm mống đầy đủ cho những sự nghiệp văn chương đồ sộ, nhưng họ nhanh chóng biến mất, quay hẳn lưng lại với văn chương, bỏ đi - để giũ cho sạch thứ máu bẩn đã ám vào mình. Mỗi người là vài tập truyện ngắn: đó là trường hợp của Phan Triều Hải, Đỗ Phước Tiến, Ngô Phan Lưu và Nguyễn Nguyên Phước. Ở chiều ngược lại là những văn chương phun trào, những vòi nước thế quái nào lại đặt vào giữa vùng sa mạc, thi nhau tưới nước lên cát. Những sự tồn tại như thế cũng hợp lý, vì sự tồn tại nào cũng hợp lý hết: văn chương Nguyễn Đình Tú tồn tại là để sau này người ta thấy một thời văn chương Việt Nam có thể ngớ ngẩn như thế nào.

Nhưng rồi cũng đến hạn, máu độc cũng sẽ dần loãng, mấy năm sắp tới chắc chắn sẽ rất nhiều bất ngờ.

Nhị Linh

LỜI THỀ LÁ SEN


Lá sen chưa kịp đi tu,
Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng.

Yêu em, mua cốm làng Vòng,
Nâng niu, anh gói trong lòng lá sen.

Lời thề hôm ấy của em:
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa.

Không ngờ! Anh thật không ngờ!
Lá sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?!


NGUYỄN ĐĂNG LUẬN

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Lòng can đảm tự nhiên



GYLON FERGUSON | NGUYỄN VĂN NGHỆ dịch

Sáng nay tôi bắt đầu liệt kê những điều tôi sợ. Giống như nhiều người, tôi sợ chết. Tôi cũng sợ những cái chết của những người trong gia đình tôi, bạn bè tôi và những người tôi yêu thương. Tôi sợ mất những người thân yêu, và tôi sợ mất tình yêu, sợ cô độc. Và tôi có những nỗi sợ hãi liên quan đến cơ thể mỗi ngày mỗi già đi của tôi. (Tôi tập thể dục như vậy là đủ chưa? Tôi uống đủ thuốc bổ không? Làm sao né tránh được căn bệnh do di truyền?). Là một hành giả đi trên con đường học Phật để đạt đến giác ngộ, tôi cũng đã biết sợ sức mạnh của những thói quen thâm căn cố đế – thói quen vô minh, thói quen phản ứng có tính tự vệ, thói quen luôn không quan tâm đến cái thực tế mà mình trải nghiệm – kể cả thực tế của sự âu lo.

Khóa tu học mà tôi gọi là “Lòng Can Đảm Tự Nhiên” dựa trên những truyền thống trí tuệ cổ xưa về lòng dũng cảm và từ bi là những thứ mà bây giờ là quý báu hơn bao giờ hết. Khóa tu học này phác họa một phương pháp từng bước một, lấy sự sợ hãi làm con đường trực tiếp đưa đến việc biến đổi chính chúng ta và thế giới của chúng ta. Mục đích của con đường này là để đạt đến một cuộc sống khôn ngoan và hỷ lạc trong sự hòa hợp sâu sắc với tha nhân và với thế giới tự nhiên.

Sự thực hành tâm linh đích thực mang lại cho chúng ta một phương cách để đối diện với thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài chúng ta và để mang hai thế giới có quan hệ với nhau này vào trong một cuộc đối thoại sinh động và đầy tình thương. Làm bạn với nỗi sợ hãi của chúng ta – nếm trải mùi vị của nó, nghiền ngẫm nó, thân thiết gần gũi với nó – sẽ mở ra cho chúng ta một cánh cửa. Chúng ta có thể phát triển một sức mạnh và sự tự tin bên trong chúng ta không tùy thuộc vào những cuộc thăng trầm của thế giới hiện tại của chúng ta với những chuyện được mất liên tục suốt tuần suốt tháng. Ở giữa cơn đói khát, bạo động, sự cay nghiệt, và sự hèn nhát bên trong và bên ngoài chúng ta, phương pháp Lòng Can Đảm Tự Nhiên mời gọi bạn đi trên con đường của lòng dũng cảm cùng với tổ tiên tinh thần của chúng ta, những người dũng cảm trong suốt lịch sử đã biểu lộ vô úy trong cuộc sống hằng ngày.

Lòng Can Đảm Tự Nhiên bắt đầu bằng việc khám phá ra rằng lòng can đảm là bản chất tự nhiên của chúng ta. Bản chất tự nhiên này biểu lộ như là sự tự tin mà chúng ta chứng tỏ hằng ngày trong việc đương đầu với những thách thức của các mối quan hệ gia đình, công việc, tiền bạc và sức khỏe. Phương pháp này xác nhận rằng chúng ta vốn là dũng cảm – và rằng chúng ta có thể làm mạnh mẽ thêm và làm chín muồi chủng tử vô úy bẩm sinh này qua việc thực hành thiền định tỉnh giác. Như đạo sư Suzuki Roshi đã khuyên các đệ tử của ngài, “Các con vốn đã hoàn hảo rồi, và các con vẫn còn có thể tốt hơn nữa”. Con đường tu học được phác họa ở đây xuất phát từ sự nhận biết lòng can đảm bẩm sinh thông qua một loạt những trải nghiệm có định hướng trong việc đối mặt với bốn nỗi sợ hãi chính yếu: sợ chính mình, sợ tha nhân, sợ khoảng không và sợ biểu lộ.

Làm bạn với chính mình – với cơ thể, cảm xúc của mình và những trạng thái khác nhau của tâm mình

– là nền tảng của toàn bộ cuộc hành trình đi vào lòng can đảm. Như Chogyam Trungpa Rinpoche tóm lược: “Sau rốt, đây là định nghĩa của dũng cảm: không sợ hãi chính mình”. Đôi khi chúng ta tránh gặp người khác là do chúng ta thiếu tin tưởng vào chính mình, không tin mình có đủ lòng từ bi, sức mạnh và sự nhanh nhẹn. Do đó, một tình bạn sâu đậm với chính con người mình sẽ mở ra khả năng có được mối quan hệ đầy tình thương mến với tha nhân. Do đó, khi mở rộng lòng mình một cách tự nhiên, có hệ thống, chúng ta sẽ biết được cách chuyển tiếp sự thấu cảm mà chúng ta đã vun đắp được đối với chính mình đến với những chúng sinh khác: gia đình, bạn bè, ngay cả với thú vật nuôi trong nhà và trong thế giới thiên nhiên quanh chúng ta. Điều này có nghĩa là biến đổi thái độ cố hữu sợ hãi tha nhân của chúng ta thành ra lòng yêu mến và cảm thông vô hạn để làm phương cách sống chủ yếu của chúng ta.

Con đường dẫn đến sự vô úy hoàn toàn tỉnh giác này tiếp tục khi chúng ta biết cách mở lòng mình ra để đi vào không gian chung quanh chúng ta; hãy buông bỏ đi và thôi đừng lo lắng lượng định xem chúng ta đang tiến bộ hay thụt lùi trên cuộc hành trình này và đang tiến bộ hay thụt lùi như thế nào. Chúng ta khám phá ra rằng tiếng nói phê phán bên trong ta thường giám sát quá mức sự tiến bộ của chúng ta. Trớ trêu thay, kẻ phê phán chỉ trích quá bận rộn bên trong ta nói không rõ ràng và mang lại kết quả ngược với sự mong đợi. Tin tưởng vào lời bình phẩm dường như lan man không ngừng chảy qua đầu óc chúng ta chỉ làm cản trở chúng ta trở thành những con người can đảm như chúng ta vốn thật sự như thế. Sự thận trọng quá mức như vậy dĩ nhiên là xuất phát từ lòng sợ hãi. “Nếu tôi không tự kiểm tra mình thường xuyên, ắt tôi sẽ mắc phải lỗi lầm?”. Buông bỏ việc liên tục đánh giá và so sánh mình với người khác sẽ dẫn đến những hành vi dũng cảm và từ bi một cách tự nhiên. Cũng giống như chúng ta học một bước khiêu vũ nhuần nhuyễn đến độ chúng ta không cần phải liên tục nhìn xuống chân nữa. Cuối cùng chúng ta cảm nhận được tiếng nhạc và động tác; và chỉ với chừng ấy thôi chúng ta kết hợp hoàn hảo với bạn nhảy và nhảy đúng nhịp điệu.

Sau cùng, điều thách thức chính yếu của chúng ta trên con đường tu tập là đi vào hành động sáng tạo để đương đầu với lòng sợ hãi biểu lộ của chúng ta. Cho đến nay, nhiều người trong chúng ta rất quen với việc trải qua thời gian ngồi trên đệm thiền như là là một hình thức biểu lộ tỉnh giác của lòng từ bi và dũng cảm trong việc đối diện với chính mình. Nhưng vào một thời điểm nào đó, bước đi cốt yếu kế tiếp trên con đường tu tập là thiền định dấn thân. “Đừng chỉ ngồi đó mà thôi, hãy làm một điều gì đi”. Khi mà những vấn đề đối diện với thế giới chúng ta và những mối đe dọa sự tồn vong tập thể của chúng ta trên hành tinh này hiện ra to lớn hơn bao giờ hết, chúng ta không thể tách biệt cuộc hành trình trong nội tâm chúng ta ra khỏi sự đáp ứng tự nhiên của nó trong sự thể hiện bên ngoài. Câu hỏi thúc bách nhất đối với những hành giả tâm linh như chúng ta trở thành câu hỏi như thế này: Ở trong gia đình và nơi làm việc của chúng ta, trong khu vực chúng ta ở hay trong cộng đồng sinh thái của chúng ta, chúng ta đang bộc lộ sự tỉnh thức hay sự yếu đuối, sự hèn nhát hay can đảm?

Định nghĩa lại “nghệ thuật” như là bất kỳ một hoạt động nào xuất phát từ sự nhu hòa và lòng trân quý, thầy tôi, ngài Trungpa Rinpoche, gọi đó là việc thực hành “nghệ thuật trong đời sống hằng ngày”. Việc nấu một bữa ăn rồi dọn dẹp sau đó có thể được thực hiện với sự tỉnh giác và sự cẩn trọng của một cuộc sống đầy nghệ thuật. Lúc đó chúng ta là những nghệ sĩ của cuộc đời chúng ta và của số phận tập thể của chúng ta, cùng nhau tạo dựng một tương lai thảm khốc hay lành mạnh: điều này tùy thuộc vào chúng ta. Cầu mong cho tất cả những chủng tử bẩm sinh của lòng can đảm tự nhiên của chúng ta đơm hoa kết trái thành những cộng đồng của lòng dũng cảm đầy từ bi. .

Tiến sĩ Gaylon Ferguson tu học dưới sự hướng dẫn của các vị thiền sư Phật giáo Tây Tạng Chogyam Trungpa Rinpoche và Sakyon Mipham Rinpoche. Ông là giáo sư tại Đại học Naropa và là tác giả các cuốn sách Natural Wakefulness: Discovering the Wisdom We Were Born With (2009) và Natural Bravery: Fear and Fearlessness as Path to Awakening Society (2013). Ông đã hướng dẫn các khóa tu trong 35 năm nay.

Nợ tình



Truyện ngắn
Vũ Hùng



Nợ tình chưa trả cho ai... - Nguyễn Du





Sân bay Tân Sơn Nhất, một ngày hè năm 1991.

Viên đại tá đến muộn. Ông ngồi đợi trên chiếc ghế băng kê trong góc phòng. Người sĩ quan tuỳ tùng thay ông xếp hàng làm thủ tục. Trời Saigòn nắng chang. Buổi trưa oi bức. Hàng người trước quầy đăng kí chậm chạp chuyển dịch.

Lát sau, có hai người cũng đến muộn vội vã đi vào. Hai người đàn bà, một già một trẻ. Chắc là hai mẹ con. Cô gái đứng ngay vào hàng, sau viên sĩ quan tuỳ tùng còn người mẹ đến ngồi trên chiếc ghế trước mặt viên đại tá.

NGƯỜI XƯA
Họ thoáng nhìn nhau.
Viên đại tá bàng hoàng. Mình gặp người đàn bà này ở đâu? Ông tự hỏi. Quen quá nhưng... xa xôi quá, ông chưa nhớ ra. Ông cố gắng lục tìm trong kí ức đã mệt mỏi của mình...

Người đàn bà cũng bàng hoàng. Người đàn ông này trông quen quen. Mắt bà thoáng nhíu lại làm một vài nếp nhăn hiện trên vầng trán. Bà cũng đang lục tìm quá khứ.

Viên đại tá có thể đứng dậy, đến gần bên ghế của người đàn bà: Xin lỗi, tôi trông chị quen quá, hình như ta đã gặp nhau ở đâu... Nhưng ông không làm vậy. Ông cố gắng nhớ lại. Những quân nhân chuyên nghiệp như ông, gần hết đời cống hiến cho trận mạc, đâu có gặp nhiều đàn bà để mà lẫn lộn người nọ với người kia. Ông tự bảo thể nào ông cũng nhớ ra.

Người sĩ quan tuỳ tùng đã làm xong thủ tục.
- Thưa thủ trưởng, đây là thẻ lên máy bay. Chúc thủ trưởng những ngày nghỉ vui vẻ. Em xin gửi lời thăm chị và các cháu.

- Cám ơn cậu! Nhớ chuyến bay ngày tôi vào, mang xe ra đón.

Cô gái cũng vừa làm xong thủ tục.

- Mẹ ơi! Vé và thẻ lên máy bay của mẹ đây. Mẹ về bình an nhé! Hè sang năm con sẽ ra Hà nội thăm mẹ và các em.

Chắc là trong lúc xếp hàng, cô gái đã nói chuyện với ngươi sĩ quan tuỳ tùng. Cô quay lại chỉ sang phía viên đại tá:

- Mẹ ngồi cạnh ông kia ạ!

Và nói với ông:

- Chào bác ạ! Mẹ cháu không quen đi máy bay, nếu có bị say, xin bác vui lòng giúp đỡ. Cám ơn bác!


Nhìn cô gái, viên đại tá như bừng tỉnh. Khuôn mặt cô bầu bầu. Ông đã nhớ ra: mẹ cô cũng từng có khuôn mặt này. Ngày mới ra trường, ông và Minh, một người bạn cùng khóa, đã gặp mẹ cô và Cúc, bạn của bà, trong một chuyến đò xuôi sông Lô, sông Đáy. Hai cô gái ngày ấy mặc áo màu xẫm. Hai khuôn mặt bầu bầu, trăng trắng thấp thoáng trong khoang thuyền...

Người đàn bà cũng sửng sốt khi nhìn thẳng vào mặt ông. Bà cũng đã nhớ ra. Bốn mươi năm trước, một chiều chạng vạng trên bến Tuyên Quang, có hai chàng trai bước xuống con đò. Họ trẻ măng. Hai sĩ quan vừa tốt nghiệp một trường võ bị ở tận bên Tàu trở về...

Bà đứng dậy, kêu lên khe khẽ: Anh Toàn!

Viên đại tá cũng đứng dậy: Huệ!

Bốn mượi năm không gặp lại, họ có bao điều để nói với nhau. Chuyện của chính họ. Rồi chuyện của đôi bạn cùng xuôi chuyến đò năm ấy: Cúc và Minh...


BẾN CŨ

Máy bay đã cất cánh.
Qua phút nôn nao ban đầu, Huệ thì thầm kể:

... Tháng Tư 1951.

Đã thành lệ, mỗi tháng Huệ và Cúc vẫn xuôi về Sơn Tây cất hàng một lần. Sau chuyến đò trăng tháng Ba năm ấy là chuyến đò tháng Tư. Tình cờ lần này Huệ và Cúc lại xuôi trên con đò tháng trước. Đi lại nhiều lần, hai cô gái đã nhiễm cái mê tín của những người làm ăn trên sông nứoc: gặp con đò đã từng đưa tới cho họ tình yêu, chuyến xuôi lần này nhất định sẽ bình yên và may mắn.

Chiều muộn con thuyền chở Huệ và Cúc nhỗ sào, rời thị xã Tuyên Quang. Thuyền đến gần bến Then thì trời sáng. Ông lái lại ghé vào lùm cây rậm cắm sào. Một vài con đò xuôi ở phía sau cũng ghé theo.

Như lần trước ông lái lại bắc tấm ván gỗ cho mọi người lên bờ. Bà lái vo gạo và nhóm bếp. Bên các thuyền khác, người ta cũng nhen lửa nấu cơm. Tiếng gọi nhau, tiếng cười nói râm ran. Nắng lên, hứa hẹn một ngày đẹp trời, tươi sáng.
Cúc ló đầu ra khỏi khoang:

- Vẫn bến cũ, Huệ ạ! Vẫn lùm cây của chuyến đó lần trước!

-Thôi Cúc ơi, hãy lên bờ với tao đã!

Cúc nằm yên, kéo tấm chăn mỏng lên sát cằm.

- Thôi mày lên một mình, tao chẳng lên đâu. Tao nhớ anh Minh quá! Nhớ đến cồn cào cả ruột gan!

- Tao cũng nhớ anh Toàn quá! Nhưng mà thôi, ngồi dậy! Hãy lên bờ đã nào!

- Các anh ấy bảo phải đến một nơi lạ nước, lạ người...

- Chắc là nước Lào, mày ạ, Huệ nói.

- Nước Lào ở đâu hả mày?

- Có được đến bao giờ đâu mà biết. Nhưng chắc là xa lắm!

- Chẳng biết các anh ấy đã đến nơi chưa?

- Chắc là chưa, mới được một tháng. Các anh ấy còn về thăm nhà cơ mà.

- Ừ! Chắc là chưa đến.

- Nhưng mà thôi Cúc ạ, mày đừng nhắc nữa. Đừng làm các anh ấy máy mắt, sốt ruột.

Cúc không trả lời, vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình, mắt nhìn tận đâu đâu:

- Biết thế giữ thêm các anh ấy một vài ngày.

- Mày tham quá, Cúc ơi!
... Huệ nói tiếp:

- Cái số nó run rủi hay sao ấy, anh Toàn ạ! Em giục nó lên bờ mấy lần mà nó không chịu lên. Giá nó đừng nhớ anh Minh quá, cứ theo em thì đâu đến nỗi! Em đã bước ra ngoài khoang thuyền, không mang cái bị cói của em, nó còn gọi em lại và bảo: thời chiến, người đi đâu thì của phải đi theo đấy.

Huệ chui lại vào khoang lấy cái bị cói rồi lên bờ. Mấy phút sau, hai chiếc máy bay đã bay tới. Thấy những làn khói vương trên ngọn cây, chúng vòng lại. Huệ nằm chúi mặt xuống đất.

Một chiếc lao xuống, cắt bom. Chớp loé. Huệ gần như không nghe tiếng nổ, chỉ thấy tai mình tức nhói như muốn thủng. Rồi hai ánh chớp nữa lại loé lên. Tất cả chỉ vài ba phút.

Khi im ắng trở lại, Huệ vẫn chưa hoàn hồn. Về bến, Huệ chỉ còn thấy một vực nước sâu hoắm. Tất cả đã biến mất, cả lùm cây lẫn những con đò.

- Cúc ơi! Mày ở đâu? Cúc ơi...

Huệ tuyệt vọng gọi mãi xuống làn nước xoáy rồi đi vào làng, chờ một chuyến đò đêm để trở lại thị xã Tuyên Quang.

- Sau chuyến ấy, em nghỉ anh Toàn ạ. Không còn cái Cúc, một mình lủi thủi không sao đi nổi. Em khóc mãi không thôi!


GỌI CÚC GIÙM TÔI!

Huệ hỏi:
- Còn anh Minh thì sao, anh?

- Sau ngày chia tay với các em, bọn tôi...

Huệ vội ngắt lời:

- Đừng trang trọng thế, anh Toàn ơi! Cứ coi chúng em như những ngày xưa...

- ... bọn anh đi xa lắm! Những ngày đầu, nhớ các em quá. Khi chia tay với gia đình, lại thêm một nỗi nhớ nhà. Hai tháng sau bọn anh mới tim đến được đơn vị. Có đông anh em, có công việc, nỗi nhớ mới nguôi nguôi.

Đến Lào, Toàn được điều động về ban Tham mưu của Trung đoàn quân Tình nguyện còn Minh được bổ xung cho đại đội quân báo.

Ở một chiến trường lạ nước lạ người, quân báo là nơi của trường kì gian khổ, suốt đời cơm nắm, muối rang. Nơi của vô vàn cạm bẫy. Nơi được coi là xung kích của xung kích, mũi nhọn của những mũi nhọn. Lính tráng đã xếp quân báo vào hàng những đơn vị "Ngày đi thì có, ngày về... thì không!"

Khi hai đứa chia tay để về đơn vị mới, Minh bảo Toàn:

- Nhiều đêm mình vẫn mơ thấy Cúc. Xuôi ngược sông nước bấp bênh, nguy hiểm quá!

- Cầu cho các em được bình an, Toàn nói. Nếu có rủi ro, xin cứ bắn cả sang đây, chúng tôi gánh chịu.

- Cái đêm gần về đến bến Sơn Tây, Cúc hỏi mình nếu trời cho sống sót thì có lấy Cúc làm vợ hay không?

- Cậu trả lời thế nào?

- Có! Nhưng rụt rè. Bây giờ thì quyết tâm, nếu sống sót. Mình đã hỏi mã số hòm thư của đơn vị. Bao giờ quen đơn vị mới, sẽ viết thư về.

Chuyện giữa đường đã trở thành nỗi khắc khoải, nợ nần. Nhưng bức thư chưa kịp gửi...

Về đơn vị chưa bao lâu, Minh theo một phân đội lên đường chuẩn bị chiến dịch. Hàng năm, bộ đội Pathet Lào phối hợp với quân Tình nguyện Việt Nam mở hai chiến dịch lớn: chiến dịch Thu Đông và chiến dịch Xuân Hè. Đã bao năm, máu lửa chiến dịch này tiếp nối miên man vào máu lửa chiến dịch kia.

Phân đội của Minh đi sâu vào vùng tạm chiếm để gây cơ sở và điều tra tình hình địch: các đồn bốt, cách bố phòng, lực lượng phòng vệ, lực lượng ứng chiến...

Một buổi, trên đường hành quân, phân đội đã rơi vào ổ phục kích. Một viên đạn xuyên qua ngực Minh, phá rộng ở phía sau lưng. Không khí từ phổi tự do trào qua lỗ thủng làm dòng máu chảy ra phập phồng những bong bóng đỏ.

Khiêng được Minh về nơi đóng quân thì Minh đã mê man. Đào tạo bao năm tháng, thử thách chỉ mới được vài ngày.

Đôi môi đã nhợt của Minh mấp máy. Đội trưởng quân báo cúi xuống lắng nghe. Đã bao lần chứng kiến những phút hấp hối cùa đồng đội, anh biết đó là những lời trối trăng quan trọng. Anh có bổn phận phải nói lại với ban Quân lực Trung đoàn để ghi vào hồ sơ tử vong của họ. Nhiều khi đó là những ý nguyện chính trị ấp ủ từ lâu: niềm mong ước được kết nạp đảng tại mặt trận.

Mọi việc sẽ được xem xét ngay trong chiến dịch. Một ngày nào đó, giữa lúc các trận đánh gay go nhất đang tiếp diễn, Đảng ủy mặt trận sẽ đặc cách truy tặng danh hiệu đảng viên cho những ai đã hi sinh, vừa lập được chiến công xuất sắc lại vừa có lập trường tư tưởng và ý nguyện chính trị rõ ràng. Trong giờ phút quyết định thắng bại, thông báo rộng rãi việc đó trên toàn mặt trận là một cách có hiệu quả để động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ.

Tuy mới về và lần đầu tham gia một chuyến trinh sát, với tác phong nhanh nhẹn xông pha, không sợ khó khăn nguy hiểm, Minh đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của toàn đội và đội trưởng.

Minh là người thứ nhất hi sinh trong chiến dịch. Cái chết đầu tiên của mỗi chiến dịch bao giờ cũng thiêng liêng và gây xúc động mạnh mẽ. Lúc này cấp bậc chẳng còn ý nghĩa gì, chỉ còn tình đồng đội và tình thương. Đội trưởng tự bảo: nếu Minh theo đuổi lí tưởng chính trị như nhiều chiến sĩ khác, anh sẽ báo cáo lại và hết sức giúp cho người bạn đồng đội trẻ tuổi mà anh yêu mến đạt được ý nguyện cuối cùng.

- Minh nói gì vậy, anh? Những người đứng xung quanh vội hỏi, vẻ chờ đợi.

- Minh nói nhỏ quá , nghe không rõ!

Cặp mắt Minh vẫn nhắm nghiền nhưng đôi môi bỗng lại mấp máy. Nếu có linh hồn, chắc lúc này linh hồn Minh đã sắp bay đi. Đội trưởng ghé sát xuống mặt Minh. Mấy tiếng gọi yếu ớt vọng đến tai anh thoang thoảng:

- Cúc ơi! Em đâu rồi? Gọi Cúc giùm tôi...

*
Máy bay đã lên hết độ cao và đang bay ra khỏi vùng đồi núi vào vùng biển Đông. Tiếng động cơ vọng trong khoang đều đều. Nhìn qua khung cửa tròn, thấy những đám mây lang thang phủ bóng râm xuống cát trắng.

Huệ hỏi:

- Có thế giới bên kia không, anh Toàn ơi!

- Không biết nữa.

- Nếu có, chắc linh hồn Cúc và Minh đã tìm được nhau và đang dắt nhau bay...

Toàn nhìn xuống mặt biển, nơi bóng mây trôi giạt như những mảnh đời vô định. Huệ thì nghĩ về chuyến đò trăng năm xưa:

- Nhưng linh hồn chưa đủ cho tình yêu, phải không anh Toàn? Muốn yêu đương trọn vẹn, phải có "thể xác", không thì yêu đương bằng gì? Chắc Cúc và Minh đã đầu thai vào một kiếp khác để có "thể xác" mà trả nợ nhau.

- Chẳng biết có một thế giới tâm linh như Huệ nghĩ không?

- Chắc là có, anh ạ! Thế giới ấy không hình hài, mình không nhìn thấy đấy thôi. Nhưng bốn mươi năm vẫn còn ngắn quá, chưa đủ để đầu thai trở lại kiếp người, anh Toàn nhỉ. Người ta bảo đầu thai làm kiếp người lâu lắm, khó lắm, vì dù nhiều đau khổ, kiếp người vẫn là hơn cả. Có lẽ Cúc và Minh chỉ mới kịp đầu thai để thành một cặp vợ chồng thú rừng hay một cặp vợ chồng chim câu...


VH.

Một cuộc diễu hành





Ghi chú của tác giả:

Câu chuyện về café (hà nội), cuộc diễu hành của các đại từ quan hệ, đặc biệt các đại từ nhân xưng, trò chuyện ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai, ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, thử thách khả năng biến thể của “tôi” và “không-tôi” và sự trống trải tự do của việc là những cá nhân trong các trò chuyện sống và các quan hệ tình yêu đủ dạng thức.

một cuộc diễu hành
tôi nhìn bóng mình trong ly đen đá thăm thẳm, đặc sản thăm thẳm này hẳn phải thuộc về hà nội, café hà nội, hắn bảo tôi, nhưng em thật chẳng hà nội girl chút nào, không mấy khi nghe em gọi anh xưng em, hầu như chỉ nghe tiếng tôi, xa cách, mơ hồ, giữ ý, như là sợ điều gì nguy hiểm, làm cho kẻ này cũng không biết xưng hô với cô poet này như thế nào cho phải, tôi cười vô hại, tôi chưa bao giờ hà nội girl, và tôi tự biết mình không nguy hiểm, huống gì tôi cũng biết cách giỡn chơi với nguy hiểm đôi khi, có điều một thói tật có lẽ vĩnh viễn của tôi là không nhạy cảm về tuổi tác, quan hệ gia tộc, tình trạng nhân thân và vị thế xã hội, tôi không mấy khi bận tâm người đang nói chuyện cùng mình đáng tuổi ông bà, bố mẹ, chú bác, anh hay em,married or single, thậm chí cũng thận trọng chuyện họ trai hay gái hay lưỡng lự giới tính hay phi giới tính, cũng không biết họ nhà nọ, lều kia, văn sĩ lớn nhỏ, quan chức to bé, một loạt những thứ hầm bà lằng ngầm quy định cách dùng đại từ nhân xưng trong tiếng việt, đó, tốt hơn chẳng tự chuốc bận tâm, não tôi có cách tư duy và xử lý vấn đề đôi khi đơn giản như thế đó, nghĩa là xử lý một vấn đề bằng cách bỏ qua nó, chúng tôi không có you & i một giuộc cho gọn, vấn đề này tiếng anh mấy người có vẻ giải quyết đơn giản như không, tôi nhìn bóng mình trong cái đặc sản thăm thẳm của hà nội, đọc email bạn tôi đang sống tại mỹ dằn vặt lựa chọn ngôn ngữ viết, nghĩ tới chuyện phải xử lý mối quan hệ cơ hồ đang dần trở nên mệt mỏi tới vô vọng với các đại từ tiếng việt mà ne/ve dần chọn viết tiếng anh, ah, không, tôi không biết nói sao về ey, chuyện này, trong tiếng việt hả, love like hate, ngoại trừ đám quan hệ rầy rà khó kiểm soát, tôi thích gọibạn xưng tôi, cậu xưng tớ, ấy tớ, mi ta, thuần túy bạn bè, tao, mày vài hãn hữu, mình tôi, đôi khitôi/ta, người, hay tôi mình, hai mà một, hai trong một, thương mến, đưa đẩy yêu đương, ân tình, đắm đuối, you, ngôi thứ hai, người, âm tiếng việt cũng có nghĩa là a human, hay humans, cái đặc sản thăm thẳm của hà nội đang loãng dần, quay lại chuyện xưng hô của bọn mình nhé, we’re all in the same gang, eh, i just know you are the person i am talking to, i don’t care what else, chàng đổi sắc giọng, trở nên quá chừng trìu mến, trời ơi, cô poet này, em giống tôi, mở, rộng rãi và trống trải, ước gì mình nói chuyện với nhau nhiều hơn nữa, tôi nghĩ thầm, chỉ cần mặc nỗi trống trải bay lượn thế thôi, đôi khi đã như cả bầu trời, đã đủ thăm thẳm, tại sao cần trò chuyện, cần nói với nhau, cần nghiêm chỉnh nói với nhau với các đại từ nhân xưng đúng cách, người biết đấy, xưng hô với tôi là chuyện tùy duyên, tùy hứng, tùy tình, đừng lo giữ lễ, tôi không muốn lợi dụng sự rắc rối của tiếng việt để gây hoang mang, đôi khi làm người ta có cảm giác đánh cược cả một mối quan hệ, thậm chí đánh cược cả một đời tình ái, kinh hoàng hơn, người biết đấy, mấy sự chuyển hóa từ tôi bạn sang em anh, tôi mình, đằng ấy đằng này, đó đây đây đó dễ dàng trở thành một trò chơi nguy hiểm, cái đặc sản thăm thẳm lễnh loãng hà nội này tiếp tục cứu vớt sự ngắc ngứ trong việc dùng đại từ của tôi, đặc biệt cho những dạng quan hệ phá cách, ah, tôi như thể đang phải lòng sự rắc rối của mớ đại từ tiếng việt này, thứ tình khó khăn này, sự hỗn loạn không hẳn vô hướng này, sự mập mờ mềm mại này, nhưng tôi yêu em theo một cách không dễ được chấp nhận lúc này, khi mấy người đang cần rõ ràng, right, một thứ tình tạm thời phi giới tính, gốc nguồn, phi phân tầng quan hệ xã hội, đòi hỏi bình đẳng cao nhất có thể, hay kiểm duyệt một cách quá đỗi tinh vi, chàng nói, mà thôi tôi lại nhìn bóng mình trong ly đen đá thăm thẳm,tôi biết mình cần đổi đề tài, cả đời tôi chưa từng đi khỏi hà nội quá vài trăm cây số, hẳn nhiên tôi chưa từng tới paris, nhưng hà nội, nhất là cái góc phố này của hà nội, người ta vẫn so sánh như một paris nhỏ, một góc paris, ah ừ, văn chương pháp thì tôi yêu nhiều chứ, rất dễ phải lòng, phải lòng một ảo tưởng của nỗi say đắm, cũ kĩ, phải lòng đến nỗi dễ thành liều mạng, ừ, hẳn nhiên rồi, tôi sẽ phải đến paris một ngày gần nhất, chỉ để biết rằng có thể mình cũng fall in love so easilynhư một khách bộ hành, có thể rồi mình cũng công dân toàn cầu, không bận bịu nơi chốn, gốc gác,rồi tôi sẽ tất cả i & you cho gọn gàng, tôi, người, con người này, con người ấy, okay, coi như vấn đề tôi và ngôi thứ hai đã tạm xong, bây giờ, tôi có thể tập trung nhìn bóng mình trong ly đen đá thăm thẳm, ngẫm nghĩ về thứ đặc sản nhàn rỗi của hà nội, tôi cần cân nhắc thêm về đại từ quan hệ khi nói về kẻ ấy, nem, right, ngôi thứ ba, số ít, nếu biết rõ là male, khi thấy thân yêu hơn, tôi sẽ xưng thiếp và gọi hắn là chàngtrong những câu chuyện gẫu, cậu tỉnh lại đi, bạn nói, bọn đàn ông toàn đặt bẫy, hám gì, tôi và hắn, thậm chí nó, gã, y, thằng chả, trung tính hơn thì nghỉ, một từ thuở nguyễn du, chẳng phải hay hơn những chàng ấy, nàng ấy, di sản tự lực văn đoàn, anh ấy, anh ta xã hội chủ nghĩa, kẻ ấy, người ấy, quá mơ mộng, hay sao, tôi bỗng tự thấy mình đổi sắc giọng, tôi trở nên quá chừng trìu mến, trời ơi, hắn, chàng, người ấy, con người ấy, quá chừng giống tôi, mở, rộng rãi và trống trải, ước gì, nhưng mà thôi, chỉ cần mặc nỗi trống trải bay lượn thế thôi, đôi khi đã như cả bầu trời, đã đủ thăm thẳm, tại sao cần trò chuyện, cần nói với nhau, cần nghiêm chỉnh nói với nhau với các đại từ nhân xưng đúng cách, cứ tùy duyên, tùy hứng, tùy tình, đừng lo giữ lễ, tôi sẽ không lợi dụng sự rắc rối của tiếng việt để gây hoang mang, để đánh cược tâm hồn trống trải dễ thương tổn của mình vào một mối quan hệ, thậm chí cả một đời người, một số phận, thứ trò chơi nguy hiểm này, bạn bình luận, điên thật rồi, you are nuts about him right, thất tình nữa rồi, eh, tôi nói, không phải, tớ e tớ dám đánh đổi cả đời mình cho vài khoảnh khắc, đừng có ảo tưởng về soulmatenữa được không kưng, casual lovers thì hay, okay, chứ cùng sống, chịu sao thấu, ừ, tôi nói, chỉ tại tôi vẫn còn hết sức rắc rối với các đại từ nhân xưng tiếng việt, nặng nợ chưa xong, nhưng tôi thú nhận i am nuts about him you know, tôi cần tỉnh táo, tôi biết, vậy nên cần xử lý mối quan hệ của tôi với các đại từ, cậu thấy những bước tiến bộ đáng kể của tớ trong viết lách rồi đấy, cặp đại từ ướt át thuở học trò em – anh, xác định về giới, đã tự nhiên thành tôi – hắn, nỗ lực trung tính, nhưng hắn vẫn rất male trong tiếng việt, bạn nói, mà mày – ah, cậu tự nhiên đổi giọng thế a? – nhất định không còn chắc mình là nữ, nhưng vẫn chết vì bọn đàn ông, không, tôi cãi, hắn hiện tại đang là lựa chọn tối ưu, nó vốn dĩ trung tính, không giàu biểu cảm, thái độ, đúng được với cả trai lẫn gái, chỉ tại sau gã chí phèo của nam cao hồi nửa đầu thế kỉ xx, không ai không nghĩ hắn là một kẻ bị cuộc đời làm bần cùng hóa, và tệ hơn, tha hóa về nhân tính, nên hắn nghiễm nhiên mang thân phận bị ruồng bỏ, bị miệt thị, và sẽ có thể nghe thảm khốc hơn nếu đó là một con đực bị miệt thị, tôi chỉ đang nỗ lực dùng lại hắn bản nguyên hơn, ngôi thứ ba, số ít, kể cũng hơi vướng víu nam tính, chứ không lẽ phải viết ch(n)àng, sến bà cố, ne/ve, xe tạo ra rồi đâu có dám dùng, bạn rầu rĩ trong email lúc tôi vẫn bận nhìn bóng mình trong ly đen đá thăm thẳm, i mới dùng xem trong bài luận, bác giáo sư ở đây cảnh giác đỏm dáng, màu mè, tội nghiệp đám đại từ được tạo ra trong mấy cơn phấn khích nửa mùa và chẳng ai dám dùng vì sợ trở nên kì cục, ừ, tôi khuấy lanh canh café, độ thăm thẳm đang loãng dần, bóng tôi nhòe nhoẹt, email lại, nhân tiện nói cho nem bài thơ tôi đang vật vã với các đại từ, tôi định làm một cuộc diễu hành của tất cả các đại từ nhân xưng tiếng việt, xáo trộn, nháo nhào, biến đổi, tẩy xóa, you kết thúc giai đoạn anh em từ lâu rồi phải không, có vẻ như đang định thanh toán nốt giai đoạntôi hắn à, thất tình nữa rồi à, a broken relationship right, ừ, tôi chịu ne tinh thật, nhận ra tôi biến đổi qua từng trang viết, đoán trước cả sự biến đổi có thể nữa, quả là giai đoạn anh em em anh yêu đương đắm đuối, mệt nhọc, kiệt quệ, phấn khích của tôi đã chuyển sang giai đoạn tôi hắn, độc thoại hơn, thản nhiên hơn, lạnh lẽo, khó gần hơn, nhất định đòi giữ khoảng cách, đòi độc lập, nhất định tránh định vị chính xác các quan hệ, không trông đợi, nhất định học cách không trông đợi, học cách phân tích sự vật và con người một cách tỉnh táo, tôi chịu ne tinh thật, nhưng ne chưa biết rằng có thể tôi đang, hoặc sắp in a relationship, hay in some relationships, tôi – hắn không còn hợp thời nữa, outdated rồi, tôi muốn làm hòa lại với cuộc đời, tôi muốn trò chuyện trở lại, muốn trìu mến, yêu thương, dịu dàng, hàn gắn trở lại, tôi không muốn tan vỡ, khô khốc, cằn cỗi nữa, tôi tiếp tục tự vấn mình trong cái thăm thẳm đang loãng ra này, thôi đi, đó chỉ là café, bạn nói, thôi đi cậu, làm gì mà lúc nào thế giới cũng như sắp sập chỉ bởi một/vài gã trai chẳng biết đang lang bạt ở xứ sở nào với những con người nào khác, chỉ là các traps thôi, hãy tự giúp mình, traps or gaps, thôi làm thơ đi, nghe vần đấy, không, tôi nói, chỉ tại tôi vẫn còn hết sức rắc rối với các đại từ nhân xưng, nặng nợ chưa xong, cần nghiên cứu và xử lý tốt các câu hỏi nghiên cứu này, tôi viết có khác gì tôi sống, cậu biết đó, quan niệm tình yêu của tôi đang thay đổi một cách đáng kể, có lẽ không dễ được chấp nhận lúc này, một thứ tình nỗ lực bình đẳng tuyệt đối, bất chấp các phân tầng, các nhãn hiệu xã hội, thử thách các giới hạn đạo đức thông thường, xem đi tới đâu, giới hạn nào, sự vô giới hạn nào, vực sâu nào, trời thẳm nào, hẳn nhiên phải chấp nhận tan vỡ, đau thương, broken hearted, khi chỉ mình mình thay đổi, sẽ sớm ổn, tôi nói, khi tớ viết xong bài thơ lằng nhằng về các đại từ này, bạn tắt phụt đèn online facebook, vớt vát một câu, đủ thăm thẳm chưa, thôi biến đi, làm thơ đi, điên rồi, tặng cậu thêm câu nữa cho vào bài thơ tình ái lằng nhằng này, enjoy being broken hearted all the time then and take good care of all pronouns nhé, okay, ừ, đủ thăm thẳm chưa, chưa bao giờ đủ, tôi cần mẫn nghiên cứu bóng mình trong màu đen đang loãng ra này, đặc sản này nhất định không phải thuộc về hà nội, có thể sớm thôi một thứ đặc sản thăm thẳm toàn cầu, hay một thế giới phi đặc sản, tôi dành một chút lưu luyến và hoài nhớ, cả một chút thương xót những đại từ nhân xưng tiếng việt tôi đã tránh dùng, tôi đã cố ý xóa bỏ, triệt tiêu, những mối quan hệ tôi làm thành phá cách, hỗn loạn, không cố định, tôi vẫn còn hão huyền đòi biến đổi thế giới từ những thay đổi tự tôi, nhỏ bé, lố bịch, quan hệ ngôi thứ nhất tôi với một ngôi thứ hai, tôi/ta/mình/tao/tớ/mình/đằng này… – bạn/mình/cậu/mi/mày/người/đằng ấy/ấy…, quan hệ tôi và ngôi thứ ba, tôi – hắn/gã/y/thị/ch(n)àng/anh ấy/kẻ ấy/cô ấy/ả…, biến hóa bất tận, nguyên lý cốt lõi là tình yêu, okay, không bận tâm giới tính, phi quan hệ xã hội, giai tầng, không nhãn hiệu, thế có được chăng, tôi buộc phải loại trừ mấy thuật ngữ kinh tế học, workable hay sustainable, không, just love, don’t care about anything else, không tưởng quá, hoang đường, ừ thì, ly café thăm thẳm của tôi đã loãng rồi, tôi đã cơ hồ kiệt sức, nói cho cùng, vẫn là cái ý tưởng đó, tôi muốn loại bỏ cả tôi nếu có thể, để mơ mộng, lẫn tan vào sự vô cùng của vũ trụ, của một vũ trụ đầy tình yêu, nhưng cả khi bỏ hoang đám đại từ này như cỏ dại, thì tôi, hắn, nàng ấy, cô ấy, ả, vẫn tồn tại, she, he, ne, ve, xe, nem, xem, blah blah, thôi được, người cứ mặc tôi, tôi sẽ học cách enjoy being broken hearted all the time, để có thể take good care of all pronouns, nhé, để có thể là bất cứ ai và có thể chẳng là ai, someone and no one, ở đây và mãi ngoài kia, những tôi không tôi, những cái bóng loãng mãi trong một ly đen đá, một đặc sản thăm thẳm không bao giờ hà nội

Café, 03.05.2015 –
Nhã Thuyên

Bảo vệ môi trường tự nhiên ở Việt Nam - Yêu cầu cấp thiết



 Bảo vệ môi trường tự nhiên ở Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp nhưng lại là yêu cầu cấp thiết vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Mâu thuẫn giữa yêu cầu phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ thể và người dân còn nhiều hạn chế.

Thực tế ở nước ta hiện nay đang nảy sinh vấn đề chưa được giải quyết triệt để là nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội còn rất thấp.

Đối với lãnh đạo các cấp, ngành và chính quyền địa phương.

Nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên của lãnh đạo các cấp, ngành và chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, còn cho đây là trách nhiệm của riêng ngành tài nguyên và môi trường. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp ở địa phương, đặc biệt là việc quản lý, giám sát các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên còn nhiều bất cập. Ở nhiều địa phương, lãnh đạo các cấp, ngành và chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, chưa chặt chẽ và quyết liệt. Có những trường hợp người dân phản ánh vụ việc đến cấp trên thì chính quyền địa phương mới biết, thậm chí, ở nhiều nơi, một số cán bộ chính quyền địa phương còn tiếp tay cho các hoạt động khai thác trái phép. Chính quyền cấp cơ sở chưa phát huy vai trò chủ động trong kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường tự nhiên. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ quan chức năng và địa phương thiếu chặt chẽ và chưa đồng bộ.

Đối với doanh nghiệp.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay đang tạo nên một nhu cầu rất lớn về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguyên liệu cho các ngành kinh tế công nghiệp mũi nhọn. Việc khai thác, tận dụng tối đa mọi nguồn lực tài nguyên thiên nhiên sẵn có làm cho các chủ thể, trong đó có doanh nghiệp thu về nhiều lợi nhuận. Ngược lại, chi phí cho vấn đề bảo vệ, tái tạo và cải thiện môi trường tự nhiên làm cho họ mất đi lượng lợi nhuận lớn. Vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, làm cho môi trường tự nhiên ngày càng rơi vào thảm họa. Việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của đa số các doanh nghiệp chưa cao. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải (nước thải, rác thải, khí thải) còn mang tính đối phó. Một số cơ sở chỉ đầu tư ở mức tối thiểu, công nghệ, thiết bị không phù hợp hoặc sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra, nghiệm thu công trình thì lại không đưa vào vận hành do ngại tốn nhân công, hóa chất, năng lượng. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng thiết bị sản xuất cũ, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng điện, dầu, không thực sự xử lý được tốt nhất chất thải. Đây là một trong những tác nhân không nhỏ gây ô nhiễm môi trường.

Đối với người dân.

Thực tế cho thấy, nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên của các chủ thể và người dân còn rất thấp, chưa có thói quen tự giác bảo vệ môi trường bằng những việc làm nhỏ nhất. Tình trạng vứt rác, phóng uế bừa bãi, làm mất vệ sinh nơi công cộng của người dân vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Vẫn còn tình trạng sử dụng các biện pháp hủy diệt trong khai thác thủy sản, đánh bắt động vật quý hiếm. Đó là chưa kể lối sống của người sản xuất nhỏ, tự do, tùy tiện, thái độ bàng quan với tài nguyên môi trường. Nhiều vấn đề môi trường của ngày hôm nay là kết quả từ hạn chế trong nhận thức và thái độ của con người. Nhiều quyết định hằng ngày của con người ngày hôm nay có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Chẳng hạn như, mỗi người có nên sử dụng túi ni-lông hay thay thế bằng làn, bằng túi giấy đi chợ mua đồ; Nên đi xe máy hay xe đạp khi đi làm hay đi chơi (quyết định cá nhân); Nên sử dụng giấy tái sinh hay mua nguyên liệu mới (quyết định của doanh nghiệp); Nên phát triển năng lượng hạt nhân hay bảo tồn năng lượng truyền thống (quyết định của Nhà nước). Tập hợp nhiều quyết định sẽ tạo nên một chuỗi hành vi của con người có ảnh hưởng xấu hoặc tốt đến môi trường tự nhiên.

Mâu thuẫn giữa yêu cầu phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ sở vật chất - kỹ thuật, tiềm lực khoa học - công nghệ và nhân lực cho bảo vệ môi trường tự nhiên còn nhiều hạn chế

Thực tế ở nước ta, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tiềm lực khoa học - công nghệ, nhân lực trong bảo vệ môi trường còn hạn chế và lạc hậu. Để bảo vệ, cải thiện, phòng chống ô nhiễm cũng như khai thác hợp lý môi trường tự nhiên thì vấn đề cơ sở vật chất kỹ thuật cho bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng. Nếu cơ sở vật chất kỹ thuật cho bảo vệ môi trường tự nhiên là hiện đại, phù hợp, thân thiện với môi trường thì không chỉ giúp cho việc khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế mà còn bảo đảm việc bảo vệ và cải thiện môi trường.

Trong khi khối lượng chất thải đa dạng đang ngày một tăng lên thì phần lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ ở nước ta đều chưa có biện pháp kỹ thuật xử lý môi trường. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho bảo vệ môi trường bao gồm “việc thu gom lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải và quan trắc môi trường”(1). Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có giá trị xuất khẩu lớn và những ngành sử dụng nhiều năng lượng có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, như ngành chế biến thủy sản, dệt may, da giày, sản xuất phân bón, sản xuất giấy, khai thác, chế biến khoáng sản, ngành nông nghiệp. Các công trình hạ tầng về môi trường còn hạn chế. Đặc biệt, các công trình cung cấp nước sạch khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hệ thống xử lý rác thải, hệ thống tiêu thoát nước, hệ thống trạm quan trắc quốc gia; hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại còn nhiều bất cập. Nhiều khu công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải tập trung. Việc thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp, y tế, nước thải sinh hoạt đạt quy chuẩn còn thấp. Đó là chưa kể hiện nay, trong một số lĩnh vực khai thác khoáng sản lậu, như quặng, than, vàng, các đầu nậu khai thác lại không muốn sử dụng công nghệ khai thác hiện đại, do vừa phải đầu tư lớn, vừa rơi vào nguy cơ bị tịch thu tài sản nếu bị lực lượng chức năng phát hiện. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát môi trường còn mỏng, không đủ người, cộng với sự thiếu thốn, phương tiện kiểm tra. Thêm vào đó, mức phạt hành chính đối với việc nhập rác thải công nghiệp còn quá thấp, không có hiệu lực. Điều này, càng làm sâu thêm những khó khăn cho công tác bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên ở nước ta hiện nay.

Có thể nói, cho đến nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên trình độ khoa học - công nghệ ở nước ta nói chung và khoa học - công nghệ ứng dụng trong bảo vệ môi trường tự nhiên nói riêng vẫn đang trong tình trạng lạc hậu. Trong nhập khẩu công nghệ dù là trực tiếp hay gián tiếp chúng ta cũng rất khó có thể nhận được các thiết bị công nghệ tiên tiến nhất, mà thường chỉ nhận được loại thiết bị vào loại trung bình, thậm chí, trong nhiều trường hợp còn phải nhận các thiết bị lạc hậu đã bị loại bỏ ở các nước phát triển. Do đó, hiệu quả trong bảo vệ, cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường tự nhiên rất thấp. Đây cũng là một thách thức lớn ảnh hưởng đến hiệu quả của việc bảo vệ môi trường tự nhiên ở nước ta trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm công tác quản lý và bảo vệ môi trường nói chung và môi trường tự nhiên nói riêng ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế. Hiện nay, số cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở cấp tỉnh trên cả nước có 1.448 người, cấp huyện trên 1.300 người và cấp xã trên 11.000 người làm công tác địa chính, xây dựng và môi trường (chưa có công chức chuyên trách về quản lý môi trường). Trên thực tế, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, nhất là ở các địa phương, cơ sở. Hiện chỉ có khoảng 29 người làm công tác quản lý nhà nước về môi trường trên một triệu dân; trong khi, con số này ở Trung Quốc là 40 người, Thái Lan: 42 người, Cam-pu-chia: 55 người, Ma-lai-xi-a: 100 người, Xin-ga-po: 350 người, Canada: 155 người, Anh: 204 người (2). Phần lớn, cán bộ quản lý môi trường cấp huyện không có bằng cấp chuyên môn về môi trường, hầu hết được phân công, tuyển dụng, điều chuyển thực hiện nhiệm vụ quản lý môi trường trong một vài năm gần đây, nên trình độ năng lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế.

Những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tự nhiên trong việc đưa hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên vào nền nếp

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay đang nảy sinh nhiều vấn đề môi trường hết sức phức tạp, đòi hỏi công tác quản lý và bảo vệ môi trường phải đi vào nền nếp mới có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Tuy nhiên hiện nay, cơ chế chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đang còn nhiều vấn đề bất cập. Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu, cần đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào nền nếp nhằm kiểm soát và tăng cường hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý những yếu tố của môi trường tự nhiên vì sự phát triển bền vững của đất nước. Việc đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào nền nếp không chỉ xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn mà còn tạo nên sự thống nhất, đồng thuận trong dư luận xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên ở Việt Nam hiện nay.

Một điển hình về những vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường tự nhiên đối với hoạt động khai thác khoáng sản là công tác lập, thực hiện quy hoạch khoáng sản thiếu sự thống nhất ở cấp trung ương và địa phương. Ở nhiều địa phương, công tác cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản chưa đúng quy định, chỉ quan tâm đến các khoản đóng góp cho ngân sách địa phương mà chưa chú trọng đến tiêu chí năng lực, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, phần lớn các giấy phép khai thác khoáng sản đều tập trung vào vật liệu xây dựng, ít các dự án chế biến sâu khoáng sản. Công tác lập, phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản còn chậm. Nhiều hoạt động khai thác trái phép diễn ra phức tạp và hay tái diễn.

Một vấn đề nữa là những bất cập trong công tác thu hồi và giao đất hiện nay. Về cơ bản, quá trình phát triển kinh tế xã hội tất yếu dẫn đến công nghiệp hóa, đô thị hóa. Việc thu hồi đất đai của các chủ thể đang sử dụng để giao cho các chủ thể khác nhằm phát triển dự án là tất yếu. Tuy nhiên, cơ chế hiện hành về thu hồi, giao đất thỏa đáng giữa các bên nhà nước - chủ thể bị thu hồi - chủ thể được giao đất chưa tường minh, chưa công khai. Hơn nữa, đất đai sau khi được thu hồi giao cho bên nhận đất nhưng lại không sử dụng đúng như cam kết. Nhiều dự án triển khai không đúng tiến độ, thậm chí sai mục đích. Điều này dẫn đến lãng phí đất đai và bất bình trong nhân dân. Tất cả những vấn đề trên đang là thách thức lớn trong việc đưa công tác bảo vệ môi trường vào nền nếp.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực thi pháp luật bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường tự nhiên nói riêng trong thời gian qua chưa nghiêm túc, hiệu lực và hiệu quả thấp. Việc không tuân thủ các quy định về đánh giá tác động môi trường diễn ra khá phổ biến. Trong số hàng nghìn dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phần lớn các dự án, kể cả các dự án liên doanh trong nước và ngoài nước đã không thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ làm hình thức không vận hành hoặc chỉ vận hành đối phó. Trong Bộ luật Hình sự hiện hành có một chương quy định 10 loại tội phạm môi trường nhưng hầu như chưa được triển khai trên thực tế. Mặc dù các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm trọng đã được người dân, công luận lên tiếng phản ánh; trong đó có việc xả chất ô nhiễm với khối lượng lớn ra sông, vào đất, ngấm vào nguồn nước, nạn buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã quý hiếm, nạn khai thác trái phép các nguồn tài nguyên, như khai thác cát trên sông Hồng, khai thác khoáng sản bừa bãi,... nhưng cho đến nay hầu như chưa có cơ sở nào bị xử lý hình sự. Những hạn chế này cho thấy, cần tăng cường cưỡng chế thi hành pháp luật và phải sử dụng tối đa sức mạnh của pháp luật trong bảo vệ môi trường tự nhiên ở nước ta hiện nay.

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái môi trường. Tuy nhiên hiện nay, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ. Việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng sạch thân thiện với môi trường bảo vệ môi trường chưa kịp thời. Nhiều dự án bảo vệ môi trường triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Chế tài xử phạt liên quan đến vi phạm môi trường chưa đủ mạnh, dẫn đến nhiều cá nhân, tổ chức tái phạm nhiều lần. Luật Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 01-7-2011 nhưng đến nay vẫn còn thiếu nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật dẫn đến khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc thực thi pháp luật, chưa kể chế tài xử phạt đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép chưa đủ mạnh, mức thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản như hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải tạo, khắc phục suy thoái, ô nhiễm trong khai thác chế biến khoáng sản gây ra. Điều này cũng đang gây ra những trở ngại trong việc đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào nề nếp.

Liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do những hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng còn nhiều điểm cần tháo gỡ. Đến nay, đã có rất nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân bức xúc, nhưng số lượng vụ việc khởi kiện tại Tòa án để đòi bồi thường thiệt hại từ các hành vi này lại rất không đáng kể, chưa kể mức phạt, bồi thường vẫn còn quá ít, chưa “xứng đáng” với vi phạm. Xét trên thực tế, việc xử phạt hành chính và truy thu phí bảo vệ môi trường cũng chưa đủ mạnh để răn đe và nguồn thu từ xử phạt hành chính cũng khó có thể bù đắp, khắc phục tổn hại về môi trường tự nhiên.

Như vậy, những yếu kém nêu trên trong cơ chế, chính sách, pháp luật và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở nước ta là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số nguyên nhân chính là: hệ thống chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều bất hợp lý, khung xử phạt thấp, nên chưa có tác dụng, còn nặng về biện pháp hành chính, chưa coi trọng công cụ kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường; hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém. Công tác tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường tới nhân dân chưa được làm tốt, người dân còn thiếu kiến thức, hiểu biết về việc bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại. Việc thu thập dữ liệu, chứng cứ xác định thiệt hại cũng còn hạn chế. Đặc biệt, việc xác định cụ thể, rõ ràng và chứng minh thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường không hề dễ. Do đó, cần tăng cường hơn nữa việc hoàn thiện chính sách pháp luật và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tự nhiên nhằm đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ hiệu quả môi trường tự nhiên ở nước ta hiện nay./.

------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Quốc hội (2014): Luật Bảo vệ môi trường, Hà Nội

(2) Nguyễn Kim Tuyển (2013): Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước ngành môi trường Việt Nam, www:http://vea.gov.vn, ngày 18-12-2013
ThS. Nguyễn Thị NgaTrường Đại học Thủy Lợi

Thơ Đức Dũng



Thao Thức



Bỗng phút chốc trong ta bừng khát vọng:
Một niềm tin không có Chúa ba ngôi!
Trong thiên nhiên ở một cõi thiên hà
Vũ trụ ấy ai trả lời cho hết?

Trên cõi trần biết bao là tăm tối
Ta từng ngủ một giấc ngủ u mê
Suốt trăm năm ta chẳng có lối về
Suy ngẫm lại biết ở đâu bạn nhỉ!

Thiên đường địa ngục nào ai biết tỏ
Đường thênh thang lối nhỏ một mình ta
Những ưu tư mang thất vọng tràn trề
Còn đâu nữa những đêm dài canh thức

Ngẫm loài vật biết bao là thao thức
Nhìn đàn nai ngẫm nghĩ để mà xem
Đang yên vui nhảy múa ở bình nguyên
Trong phút chốc đã là mồi sư tử

Và thế giới biết bao là biến đổi
Người với người sao lại cứ giết nhau!
Những thiên tai hỏa hoạn biết là bao
Mang đau khổ ngàn trùng cho nhân loại.



Nhìn Giáo hội với muôn vàn thổn thức
Hàng ngàn năm một thế giới lao xao
Trong miên man của những mối bất hòa
Thiên Chúa hỡi, Ngài ở đâu chẳng thấy!

Trên đường đời bao nhiêu là oan trái
Biết bao giờ ta mới quét cho xong
Kiếp nhân sinh ta mãi mãi miệt mài
Tìm chử “Nhẫn” trong nhân gian bạn nhé!

Cho tôi xin một cơn mưa giải thoát
Cho bụi trần cho thế giới tinh tươi
Cho ngàn năm còn thấy ánh rạng ngời
Cho sự thật chiếu soi ngàn tăm tối.

Đức Dũng





Thẩn Thờ



Sáng sớm ta ngồi ngẫm nghĩ chơi
Thẩn thơ suy nghĩ lắm sự đời
Nhân gian đau khổ thiên trường ấy
Giả dối tình yêu biết có chi
Ngẫm thấy ngàn năm đâu lẽ sống
Trăm năm vẫn thế kiếp con người
Ô hô thế sự dò đâu nhẽ
Vũ trụ càn khôn ta bước đi

Đức Dũng

Thử phác họa diện mạo báo chí


Thử phác họa diện mạo báo chí


Tác giả: Nguyễn Vạn Phú.

Ở đây đề án đã nhìn báo chí theo con mắt hành chính, cơ học một cách máy móc. Người đọc họ đâu cần biết tờ nào là chính, tờ nào là phụ; thậm chí với báo điện tử, đơn vị đọc của họ là bài báo chứ không còn là tờ báo nữa.

Nếu đề án quy hoạch báo chí được triển khai, những tờ báo như VnEconomy hay Dân Trí phải tìm cơ quan chủ quản khác mới được tiếp tục tồn tại. Vì sao như thế?



Theo thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn, có thể hình dung việc sắp xếp lại làng báo Việt Nam sẽ diễn ra trong thời gian tới với những nét chính dần dần lộ diện.

Gom cơ quan chủ quản báo

Điều đáng chú ý đầu tiên của đề án quy hoạch báo chí là áp dụng mô hình một cơ quan báo chí chỉ có một ấn phẩm chính, còn lại là ấn phẩm phụ. Ví dụ Bộ Giao thông Vận tải có lúc có đến 2 tờ báo và 9 tạp chí nay bộ này chủ trương chỉ còn lại 1 tờ báo và 1 tạp chí khoa học. Hay Bộ Y tế hiện nay có 2 tờ báo và 15 tạp chí – nếu theo tinh thần của đề án thì cũng phải sắp xếp lại, chỉ còn 1 cơ quan báo chí, có thể có nhiều ấn phẩm nhưng ở chung dưới một nhà, một cơ quan.

Ở đây đề án đã nhìn báo chí theo con mắt hành chính, cơ học một cách máy móc. Người đọc họ đâu cần biết tờ nào là chính, tờ nào là phụ; thậm chí với báo điện tử, đơn vị đọc của họ là bài báo chứ không còn là tờ báo nữa.

Đây sẽ là một điểm gây tranh cãi và sẽ là lực cản lớn cho đề án này. Ví dụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện có 2 tờ báo và 5 tạp chí, sẽ phải chọn tờ nào làm tờ chính, biến tờ nào thành tờ phụ và – quan trọng hơn – vì sao phải làm như thế? Ngoài tờ Đầu Tư, báo Đấu thầu của bộ này ra đời là do Luật Đấu thầu yêu cầu phải có.

Và khi đề án minh họa với trường hợp TPHCM thì sẽ không ai hình dung nổi vì sao những tờ báo có tên tuổi trong làng báo và bạn đọc hàng chục năm qua nay thành ấn phẩm phụ.

Tài sản lớn nhất của một tờ báo chính là tên tuổi của tờ báo đó, phải dày công xây dựng trong nhiều năm – đó chính là thương hiệu của tờ báo. Đằng sau mỗi thương hiệu là niềm tin của độc giả gửi gắm cho tờ báo và chính niềm tin này trở thành sức mạnh cho tờ báo. Xưa nay báo chí được sắp xếp, quản lý theo thương hiệu, chứ không phải theo cơ quan chủ quản.

Điểm thứ hai đáng chú ý là đề án đưa ra định hướng các sở, ngành ở các tỉnh thành sẽ không xuất bản báo in nữa. Điều đó có nghĩa các tờ báo như Tuổi Trẻ hiện trực thuộc Thành Đoàn TPHCM hay báo Pháp Luật TPHCM trực thuộc Sở Tư Pháp TPHCM sẽ phải đi tìm cơ quan chủ quản mới hay trở thành ấn phẩm phụ của một tờ báo chính nào khác.

Đề án nói rõ mỗi tổ chức chính trị – xã hội thì được quyền có một cơ quan báo in và một cơ quan tạp chí in nhưng mỗi tổ chức xã hội – nghề nghiệp thì chỉ được có một cơ quan tạp chí in mà thôi. Điều đó có nghĩa tờ VnEconomy của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và tờ Dân Trí của Hội Khuyến học Việt Nam phải đi tìm “chủ quản” mới bằng không phải tự giải thể!

Ở đây phải nói lại một cách cơ bản về vai trò của báo chí. Một trong những vai trò được kỳ vọng của báo chí là làm con mắt, lỗ tai của công luận nhằm giám sát các cơ quan nhà nước xem có thực hiện đúng chức năng của họ hay không. Thử tưởng tượng báo chí hoàn thành vai trò này như thế nào nếu tất cả báo chí đều là của các bộ, ban, ngành… Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu báo của các bộ bắt tay nhau, ký kết các hợp đồng phối hợp tác chiến, báo bộ này khen bộ kia, báo bộ kia khen bộ nọ để tất cả được đánh bóng lên, mọi thiếu sót, khuất tất được lấp liếm?

Chính vì thế đã có nhiều ý kiến từ nhiều năm nay cho rằng tốt nhất là báo chí nên đưa về các hội đoàn trong một lộ trình “xã hội hóa” báo chí. Nay đề án đi ngược lại xu hướng đó thì không hy vọng gì chúng ta sẽ xây dựng được một làng báo mạnh.

Cắt bầu sữa ngân sách

Một nội dung khác thoạt trông sẽ nhận được sự đồng tình của nhiều người – đó là việc Nhà nước sẽ mạnh dạn cắt bỏ bầu sữa trợ cấp cho các báo. Đề án đưa ra cột mốc đến năm 2020 tất cả các cơ quan báo chí phải tự chủ về mặt tài chính. Đây là điều trước sau gì cũng phải làm vì không lẽ ngân sách nhà nước lại đi cấp tiền cho các bộ, ngành để báo của bộ, ngành đó nói tốt cho mình, bảo vệ cho lợi ích của chính bộ, ngành đó.

Thật ra hiện nay ước chừng hơn một phần ba các cơ quan báo chí đã tự chủ về tài chính nhưng cũng có nhiều cơ quan báo chí, mặc dù có doanh thu lớn vẫn tiếp tục nhận tiền từ ngân sách. Việc cấp ngân sách cho các báo vì thế không rõ ràng, minh bạch.

Thiết nghĩ cách hay nhất vẫn là buộc các tờ báo cần trợ cấp từ ngân sách có đề án nêu rõ những chương trình, dự án đóng vai trò gì trong việc đưa thông tin đến người dân để được phê duyệt ngân sách hàng năm.

Như thế thì các tờ tạp chí nghiên cứu vẫn có thể có kinh phí để hoạt động hay các tờ báo tuyên truyền về sức khỏe cộng đồng chẳng hạn vẫn có tiền để làm.

Cách tiếp cận trong quản lý báo chí không phải là số lượng cơ quan báo chí, không phải tờ chính, tờ phụ mà là ngân sách nhà nước. Hoàn toàn đồng ý các bộ ngành không được lấy ngân sách nhà nước rồi cho ra đời các tờ báo lá cải, chuyên đăng chuyện xì căng đan. Ngân sách nhà nước chỉ có thể cấp cho những tờ báo với những nhiệm vụ rõ ràng, soạn thành đề án được phê duyệt; ví dụ, tạp chí AIDS và Cộng đồng được ngân sách cấp tiền để tuyên truyền cách phòng chống bệnh AIDS trong khi đó tạp chí Golf và Cuộc sống (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì không thể trông mong nhận tiền của ngân sách.

Như hiện nay dường như đề án đặt kỳ vọng vào chuyện một cơ quan báo chí chỉ có một tờ báo chính còn lại là ấn phẩm phụ với mục đích lấy tiền của các ấn phẩm có doanh thu cao (chưa hẳn là tờ chính) để nuôi các tờ báo khác để nói chuyện “tự chủ về mặt tài chính”.

Diện mạo nào?

Thật ra làng báo Việt Nam hiện nay đã phát triển vượt khỏi suy nghĩ của nhiều người, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực báo chí mà ít ai đề cập.

Mặc dù khẳng định không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí nhưng đề án đã mở ra một hướng đi hợp thức hóa tình trạng tư nhân tham gia làm báo hiện nay. Đó là việc cho phép báo in, ngoài việc tiếp tục liên kết với bên ngoài trong in ấn, phát hành, quảng cáo còn mở ra liên kết về nội dung đối với một số ấn phẩm về khoa học chuyên ngành và giải trí, thời trang, thể thao… Như thế đây là con đường hợp thức hóa sự tồn tại các tờ như Cosmopolitan, Elle, Her World tại Việt Nam.

Thậm chí đối với phát thanh truyền hình và báo điện tử, việc liên kết còn được mở rộng ra lĩnh vực phổ biến kiến thức và kinh tế bên cạnh chuyện giải trí, thể thao.

Như vậy có thể hình dung làng báo Việt Nam trong những năm tới sẽ chịu nhiều biến động, các tờ báo mang tính giải trí thuần túy sẽ nở rộ trong đó dần dần tư nhân sẽ nắm phần chi phối. Đừng tưởng các tờ này sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến xã hội! Chúng sẽ định hình như đang định hình các chuẩn mực văn hóa theo hướng chủ nghĩa tiêu thụ, chạy theo hư danh phù phiếm. Lúc đó mọi người chỉ còn quan tâm đến các xì căng đan được liên tục tạo ra vừa để câu khách vừa để làm bệ phóng cho giới giải trí.

Tiếng nói của các hội nghề nghiệp hầu như không còn nữa, làng báo sẽ mang tính đồng nhất hơn vì số lượng chủ quản sẽ giảm mạnh còn lại một số đầu mối chủ chốt.

Trong lúc đó các trang thông tin tổng hợp, mặc dù không phải là báo nhưng sẽ ngày càng phổ biến, chiếm lĩnh không gian báo điện tử. Chúng sẽ tìm cách liên kết với báo chính thống để hợp thức hóa vị thế và là khe hở lớn mà các cơ quan quản lý sẽ phải tiếp tục bận tâm như hiện nay. Đó là bởi đề án bỏ qua mảng rất lớn này xem như không tồn tại.

Tuần trước một số tờ báo hàng đầu của Mỹ như The New York Times đã phải ký kết với Facebook một thỏa thuận để Facebook xuất bản trực tiếp một số bài báo của họ. Có thể đây là bước khởi đầu cho một tiến trình thay đổi phương thức xuất bản và phát hành báo chí mà chưa ai biết nó sẽ đi về đâu, hình thù như thế nào.

Điều có thể nói ngay là tư duy quản lý báo chí với những khái niệm như cơ quan chủ quản, báo chính, báo phụ… là rất xa lạ với thực tế biến chuyển của báo chí hiện nay. Điều quan trọng hiện nay là củng cố làng báo đang chịu nhiều khó khăn, cả về tài chính, nhân lực cũng như chịu nhiều ràng buộc không thể cạnh tranh sòng phẳng với các nguồn thông tin khác. Đó mới là chuyện thiết yếu hơn nhiều

Đạo Đức Kinh Phi Quyền Chính : Vấn Nạn Đọc mà Không Tiêu Hóa, Biết mà Không Hiểu, Chưa Hiểu Đã Kết Luận


Đạo Đức Kinh Phi Quyền Chính : Vấn Nạn Đọc mà Không Tiêu Hóa, Biết mà Không Hiểu, Chưa Hiểu Đã Kết Luận

Thu Giang Nguyễn Duy Cần là một trong vài học giả uyên bác và hiếm của nền cổ học Hán Việt. Nhưng ông vì chọn lối súc tích trong cách dịch, có nghĩa là nhiều khi giữ nguyên từ Hán Việt và chẳng diễn dịch gì hết. Điều này có thể do không nhận thức được tính thiếu khuyết của tiếng (âm) HÁN VIỆT trong cách chuyển tải hội ý sang tiếng Nôm vốn nghèo nàn của người Việt mà chính Phan Chu Trinh cũng than thở, đã khiến có nhiều ngộ nhận hiểu sai tư tưởng "chính trị" và nhân sinh vũ trụ quan của Lão Tử qua Đạo Đức kinh.

Cần nhắc và nhấn mạnh ở đây là bản chất của các áng văn tối cổ Trung hoa vốn dĩ súc tích cô đọng một phần có thể vì quan điểm kiệm ngôn, nhưng chắc chắn, phần lớn là vì ở thời điểm đó Lão Tử và nhiều người phải ĐỤC KHẮC TƯ TƯỞNG mình trên GỖ, ĐÁ, THẺ TRE, chứ không được thoải mái VIẾT RA GIẤY như sau này. Sự kiện này khiến ngay cả con cháu người Tầu, người Hoa của Lão Tử cũng điên đầu tranh luận với nhau về hàm nghĩa của những cổ thư súc tích này, chứ không chỉ riêng người Việt hay các học giả thế giới Âu Tây. Cho nên hiện nay có rất nhiều BẢN DỊCH, hay đúng hơn là bản DIỄN Ý quyển Đạo Đức Kinh khác nhau của nhiều học giả Âu Tây.

Một trường hợp điển hình, là khi đã có nhiều nhà nghiên cứu Tây lẫn Tầu nhìn ra được tư tưởng TỰ NGUYỆN KHÔNG CƯỠNG CẦU và TỰ CHUYỂN HÓA của Lão Tử tương đồng thật khắn khít chặt chẽ với nguyên lý phi quyền chính, và dựa trên bằng chứng từ Đạo Đức Kinh, họ kết luận rằng Lão Tử phải được coi như là người phi quyền chính (anarchist) cổ đại nhất, nếu chưa muốn nói là đầu tiên của nhân loại.

Kết luận này làm nhiều người hâm mộ cũng như không "biết" về Lão Tử Đạo Đức Kinh "bất bình". Dĩ nhiên do nhiều nguyên do, nhưng hầu như có hai nguyên nhân chính đưa đến phản ứng này.

-Nguyên nhân thứ nhất là những người hâm mộ thái quá, cường điệu hóa xem "Lão Giáo" như một tôn giáo, hoặc là một hệ thống triết thuyết hơn là một "con đường, lối sống" (ĐẠO). Điều này khiến họ cảm thấy bị "xúc phạm," cũng như học thuyết, hay tín lý "Lão tử" bị xúc phạm, bị bỉ hóa từ "vô vi" xuống ngang với thuyết chính trị "hữu vi" phi quyền chính.

-Nguyên nhân thứ hai là có thể họ hiểu đúng về Lão Tử qua Đạo Đức kinh, nhưng lại chẳng hiểu gì, hay chưa tham khảo, không hiểu gì về nguyên lý phi quyền chính, mà thường có ấn tượng sai do chỉ nghe truyền miệng qua tai rằng phi quyền chính là một hệ thống tư tưởng chính trị định chế hữu vi phi lý.

Những người này không nhớ hay không hiểu rằng toàn bộ Đạo Đức Kinh không phải là một mớ tín lý, tín điều giáo lệnh, hay hệ thống triết thuyết, nhưng là một chuỗi lý giải trình bày một CÁCH NHÌN, LỐI SỐNG, một CON ĐƯỜNG SỐNG ỨNG XỬ trong nhân quần xã hội theo một NGUYÊN LÝ VÔ VI, nguyên lý vô vi, không có nghĩa là không làm gì hết, mà là KHÔNG LÀM VIỆC ÁP ĐẶT CƯỠNG CẦU, nhưng LÀM TỰ NGUYỆN TỰ NHIÊN VỚI NHAU, chứ KHÔNG CƯỠNG BUỘC, ÁP ĐẶT lên lẫn nhau. Nguyên lý phi quyền chính (anarchism- voluntarism-liberatarism) thời nay, nếu hiểu đúng, có khác gì?

Chính vì điểm tương đồng nền tảng này mà hầu như không một người phi quyền chính nào khi đã đọc qua Đạo Đức Kinh mà không có cùng một cảm giác bừng sáng và cùng một kết luận: Lão tử đã nhìn ra nguyên lý tự nhiên tự nguyện không cưỡng đặt- tức là bản chất nền tảng của định chế quyền lực cai trị- như vậy cũng có nghĩa, như trong Đạo Đức kinh có lý giải, là xã hội không cần định chế cai trị luật pháp để có trật tự hạnh phúc, từ hàng ngàn năm trước, và lão Tử hẳn phải được coi một người phi quyền chính tiên khởi nhất.

Lấy thí dụ trong chương 57, nói về tác động của định chế quyền chính và đời sống dân chúng xã hội. Nguyễn Duy Cần dịch rất súc tích, không phải dịch SAI, nghĩa là dùng ngay chính tiếng (âm) Hán Việt, mà không diễn hoặc dịch ra tiếng Nôm, tức là coi như "không dịch", khiến độc giả Việt tùy nghi "diễn giải" theo tiếng Nôm của riêng mình, và thường không để tâm đến bối cảnh trọng tâm luận giải của câu nói Đạo Đức Kinh.

Chương 57





57.
。天下多忌讳
而民弥贫
。民多利器
国家 滋昏。人多伎巧
奇物泫起
。法令滋彰
盗贼多有
。故
圣人云
我无为而民自化
。我好静而民自正

。我无事而民自富
。我无欲而民自朴。

1- "Kị húy" ở trong tương quan quyền chính và dân chúng không phải là KIÊNG KỊ, mà chính là TRÁNH NÉ, NỂ SỢ, DẤU ĐÚT (húy 讳)-諱 - do bị LUẬT CẤM ĐOÁN và PHÁP QUYỀN CƯỠNG BỨC, cho nên cần dịch rõ như sau:

Xã hội dân chúng bị nhiều cấm đoán cưỡng bức (kị húy)
Thì dân chúng càng nghèo khốn,

2- Dân đa lợi khí- trong bối cảnh Lão Tử luận bàn đời sống xã hội trong định chế tập quyền của ông, và ngay nguyên chữ KHÍ (器) là khí cụ, khí giới, hay lòng coi trọng. Như vậy LỢI KHÍ là những phương thức, thủ thuật, thủ đoạn để mưu tư lợi, coi trọng tư lợi. Cho nên cần diễn dịch là:

Người dân dùng nhiều phương thức thủ thuật mưu tư lợi
Xã hội càng trở nên mê tối (hôn-昏-hôn ám, mê muội, mất khả năng tỉnh táo đúng đắn)

3- Nhân đa kĩ xảo- nên hiểu và dịch là : Người người ai cũng nhiều mánh lới- Điều quái lạ càng nảy sinh.

4- Pháp Lệnh tư chương 彰 - Pháp luật lệnh lạc nhà nước càng (chương 彰) rõ nêu cao, chi tiết rành mạch, nghĩa là nhiều, đủ thứ luật chi phối đủ thứ sinh hoạt của người dân. -Đạo tặc (盗贼) ở đây trong bối cảnh Lão tử đang bàn đến, không chỉ là trộm cướp từ ngoài, mà nhiều luật ràng buộc khó khăn- sẽ sinh ra tham ô bên trong hệ thống quyền chính không chỉ cướp trộm dân chúng bên ngoài.

Cho nên cũng nên dịch là : -Pháp luật lệnh lạc nhà nước càng nhiều, (càng rành mạch chi tiết)
Trộm cướp tham ô càng sinh nhiều.

5- Ngã Vô Vi Dân tự hóa- Vô vi: nghĩa là KHÔNG LÀM RA NHỮNG LUẬT LỆ, xen lấn vào đời sống hành xử của dân chúng. Thì người dân tự nhiên hành xử trao đổi tự nguyện tốt đẹp với nhau. Cho nên cũng cần dịch hay diễn Nôm cho rõ là:

-Ta không CAI TRỊ làm luật lệnh, mà dân tự họ thay đổi với nhau ra tốt đẹp,

6- Ngã hiếu Tĩnh 静 nhi dân tự Chính 正- Ta ưa thích bình lặng (tịnh- không dấy chủ động) mà người dân tự nhiên tự nguyện điều chỉnh cho đúng (正) với nhau.

-Ta chọn bình lặng rồi dân tự làm đúng cho họ,

7-Ngã vô sự nhi dân tự phú- vô sự (无事) không bày ra việc, chính sách, điều luật, mà dân tự biết trao đổi tự làm giầu. Hiểu nôm na là không ăn cơm hớt, nhiễu sự, đòi chỉ đạo, chen lấn vào chuyện của dân chúng.

- Ta không bày việc cho dân mà dân tự giầu.

8- Ngã vô dục, nhi dân tự phác- Vô dục -trong bối cảnh bàn luận định chế cai trị, nghĩa là không có tham vọng cai trị kiểm soát người dân, người dân tự nhiên tự nguyện hành xử đơn giản chân thật với nhau- không còn nhu cầu đa tâm luồn lách pháp luật và lừa đảo nhau.

-Ta không tham muốn cai trị mà dân trở về cách tự nhiên.

Chúng ta đã có thể thấy những diễn giải tương hợp với nội dung và bối cảnh mà Lão Tử trình bày súc tích con đường (Đạo) sống, cách hành xử PHI QUYỀN CHÍNH, CƯỠNG ĐẶT trong hoàn cảnh xã hội quân quyền phong kiến trọng quyền vua, lệnh chúa, cách đây mấy ngàn năm. Chương 57 này mượn ngôi vị vua cai trị nước để bàn về VÔ VI trong HÀNH XỬ CHÍNH TRỊ- bằng nguyên lý VÔ CHÍNH PHỦ hay XÃ HỘI PHI QUYỀN CHÍNH.

Đạo Đức Kinh gồm 81 chương, đề cập rất nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội con người, và lý giải đề nghị Con Đường (Đạo) cách sống, cách nhìn vấn đề trong đó. Tùy chúng ta trích dẫn lãnh vực nào. Sự tự hủy của tâm lý vinh nhục trong hành xử xã hội, chương 13. Tác hại hủy thể của Luân lý chương 18.-19 Như chống chiến tranh, chống bạo lực quân sự, chống chính thống bảo thủ (hữu) làm khác, ngược lại với truyền thống bảo thủ cố hữu (tả, bên trái) v.v (chương 31)

Vì vậy Lão Tử mới nói Quân Tử, người nhận thức hiểu biết, trọng lối phi truyền thống, khác ngược với cố hữu bảo thủ, tương tự nhóm như khuynh TẢ hiện nay, ngược với HỮU, là qui định chế qui củ truyền thống bạo lực luật lệ áp đặt kỷ cương- Những kẻ chủ trương cần Nhà nước quyền chính, cần giải pháp quân sự chiến tranh- chủ trương phía PHẢI (qui hữu)- cũng tương tự như đám hũu khuynh bây giờ.

Bài viết nhỏ này chỉ mong trình bày thiển ý của Tôi về những khiếm khuyết khách quan thời đại của học giả Việt về Đạo Đức kinh, cũng như cách hiểu thái quá mang tính "tín điều" của phần đông độc giả Việt nam, khiến vị thế của Lão Tử và Đạo Đức Kinh của ông chưa được họ đánh giả và học hỏi đúng đắn, điều mà một số học giả cũng như độc giả Âu Mỹ đã làm được-

Có lẽ vì họ không bị căn bệnh ung thư Hán Việt trong ngôn ngữ của họ chăng? Hay là tại căn bệnh lạc hậu nọa tính tư duy của "giống giòi đậu phọng đỏ chúng ta"? Đọc mà không tiêu hóa lý giải suy ngẫm, BIẾT nhưng không chịu khó tìm truy vấn để HIỂU?

Hay là tại độc giả phương Đông thiếu căn bản nhận thức giá trị tự thân để truy tìm hạnh phúc của tự do tự chủ cá nhân như một số lớn người phương Tây đã đạt được để có ước vọng truy tìm và có khả năng nhận ra chính yếu tính tự nguyện tự nhiên phi quyền chính áp đặt đó là nền tảng của Lão Tữ Đạo Đức kinh?

Thôi thì cũng đành tùy căn, tùy duyên, tùy tầm của mỗi người vậy!

NKPTC