Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Liêm sỉ ở đâu?


Vienhanlam




Dư luận đang xôn xao khi Dương Chí Dũng và người thân tươi cười trong các phiên xử án y. Thậm chí, họ còn cười khi y sắp phải đối diện với án tử hình. Chuyện đáng cười thế sao?


Thái độ tươi cười đó chứng tỏ công tác cán bộ của Đảng có vấn đề. Làm gì có chuyện một người có liêm sỉ lại cười khi bị bắt và bị xử án. Từ trước đến nay, ở các vụ xử án tham nhũng, chưa có ai cười như thế. Người không có liêm sỉ thì làm sao làm cán bộ được.

Hay y cười vì thanh thản sau khi nhận tội, sẵn sàng đón nhận cái chết. Có vẻ như không phải vậy… Người nhận tội, chấp nhận dùng cái chết để trả giá cho hành động của mình người ta cười khác. Y cười như là sự tuyên bố thắng lợi nào đó, với ai đó đang muốn ‘chơi xỏ’ y mà không được.



Vài tháng trở lại đây, cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt hơn trước. Có vẻ người ta muốnlàm thật, như người dân mong đợi. Báo chí, các cơ quan chuyên môn được động đến nhiều cá nhân, đơn vị xưa nay vẫn được coi là “bất khả xâm phạm”.

Tuy vậy, cuộc chiến vẫn còn rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là không được nhiều người ủng hộ, vì tình trạng tham nhũng ở Việt Nam quá phổ biến, cuộc chiến động chạm đến quá nhiều người trong khi nhận thức của mọi người về hậu quả của tham nhũng chưa cao.

Chống tham nhũng là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Khi mà còn nhiều em nhỏ đi học, phải qua sông trong túi nilon, khi mà còn nhiều em nhỏ chết do thiếu vắc-xin, thì việc bòn rút ngân sách là gián tiếp giết người. Vậy, góc độ đạo đức, tham nhũng là tội ác. Góc độ xã hội, tham nhũng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Góc độ kinh tế, tham nhũng kéo lùi sự phát triển của dân tộc.

Đồng ý cuộc chiến chống tham nhũng phải đi đôi với lộ trình tăng lương cơ bản. Nhưng trong tình trạng đất nước còn khó khăn này, cán bộ phải hạn chế những nhu cầu của mình trước. Làm cán bộ là mang tài năng ra giúp dân, giúp nước; chứ không phải là vụ đầu tư trong nhiệm kỳ của mình.

CÁI THUYẾT NHỊ NGUYÊN




Luật Tiến Hóa sinh ta trong trình tự?
Phải đi từ Ấu Trì đến Trường Thành?
Hay kiếp người dồn ép, rất mong manh?
Những sáng tạo vẫn chỉ là tương đối?
Luật Nhị Nguyên chưa bao giờ thay đổi?
Bởi vì, khi có Đỏ, phải có Đen?
Trong Nhân Sinh, phải có lớp Nghèo Hèn?
Mới nổi bật một lớp Người Sang Trọng?
Trong giáo đường, hay chùa chiền long trọng..
Lớp Tín Đồ nghe kinh giảng yên lòng,
Kiến năng về Thượng Đế rất mênh mông..
Nên phải tựa các lớp Thầy Tu Sĩ?
Và Niềm Tin, chả cần nhiều suy nghĩ,
Cứ yên lòng, phó mặc hết mai sau.
Dù đã lâu.. không ai nói Về Đâu?
Đời cô độc, kiếp nhân sinh quá rộng..
Trong xí nghiệp, lớp Công Nhân lao động,
Toát mồ hôi quần quật suốt cả ngày..
Tiền công thấp, nên chạy Nợ loay hoay..
Lương chỉ đủ thuê khu phòng tồi tệ?
Lớp Giám Đốc, tiền rừng, còn có thế..
Hét ra mưa, ra gió, rất oai quyền?
Trong bệnh viện, phải có lớp Người Điên?
Mới nuôi sống lớp Y Khoa Bác Sĩ?
Nơi tòa án, lớp Quan Tòa không nghỉ..
Vì nhân sinh có nhiều lớp Tội Nhân?
Ngoài chiến tuyến, phải có lớp Quân Nhân?
Thì mới có lớp Sĩ Quan Cao Cấp?
Trong học đường, lớp Học Trò là thấp.
Phải chăng vì, lớp Thầy Giáo phải cao?
Trong thương mại, sinh hoạt đã ra sao?
Chắc hẳn có Lớp Người Mua, Người Bán?
Trong rừng sâu, có lớp Người Săn Bắn,
Trốn đâu đây, phải có lớp Con Mồi?
Ta hỏi mãi, vòng luẩn quần, Kiếp Người..
Có Anh Tối, chắc phải cần Anh Xấu?
Hàng hóa Thuế, bên cạnh hàng Buôn Lậu?
Lớp Thầy Tu lại cần có Con Chiên?
Có Thằng Dữ, phải có những Anh Hiền?
Không Con Bệnh, ngành Y Khoa thất nghiệp?
Không Kẻ Xấu, Anh Tốt đâu hiện diện?
Không Tội Nhân, Ngài Thẩm Phán phát điên?
Không Khách Hàng, nhà Thương Mại cạn tiền?
Không Lớp Thợ, Lớp Thầy khăn quả mướp?
Thế là đúng, Chúng Ta cần nhau tuốt..
Dù Sang Hèn, dù Xấu Tốt, như nhau?
Trong cái Luật Nhị Nguyên, khá nhiệm mầu!
Dù thắc mắc, ngàn năm không lời giải?
Vì muốn giải, chắc phải cần Anh Giỏi?
Lại rơi vào, có một lớp Anh Ngu?
Thật rõ là, Thiên Địa khá tù mù!

Trần Văn Sơn

Dị phẩm

Phương Uy




hắn treo từng nỗi buồn lên những chiếc đinh đóng trên vách
mỗi nỗi buồn là một bài thơ
có nỗi buồn chỉ là một giấc mơ
không bao giờ còn được đến.

hôm qua
hắn tháo xuống tất cả các nỗi buồn
và treo lên chiếc đinh không một đôi giày đỏ
con thằn lằn tắc lưỡi nhạo hắn sau khe cửa
bần thần muốn rụng đuôi

bởi hôm qua hắn đi chợ
thấy rất nhiều bài thơ như các nỗi buồn của hắn
xổ bán từng đống bên lề đường
năm ngàn được cả chục chương

hôm nay
hắn viết bài thơ về cái đuôi con thằn lằn và treo lên vách
cái đuôi trở thành dị phẩm
con thằn lằn
buồn...

Hầm





Làng, chừng vài chục nóc gia, ban ngày lỏng khỏng toàn người già và trẻ con, một vài con bò gầy trơ xương, đôi ba con chó ốm và dăm con gà mất mẹ kêu chiu chít. Đó là quang cảnh của làng. Cứ như thể cái hồn cốt khoẻ mạnh tươi tắn của người và vật bay đâu mất tiêu, chỉ còn lại cái bóng vật vờ.

Tối đến, còn buồn hơn nữa. Các ông già vẫn phải lọ mọ lên phố chợ ngủ nhờ, những đứa trẻ chui vào các hóc nhà đầy muỗi, dù ngủ được hay không cũng phải nằm im không được la khóc. Đèn không thắp, ngay cả bàn thiên trước sân cũng không có một đóm nhang. Chỉ còn lại các bà mà số phận khổ đau đã cột chặt ở cái đất này là còn thao thức lắng nghe từng tiếng động.

Nhà nào cũng nằm dưới tầm đại bác. Mỗi khi đạn rót vào mật khu, nó rung lên, vặn mình kêu lắc rắc. Những tấm ngói không lớn hơn một bàn tay, gọi là ngói vảy (có lẽ giống vảy cá) cứ xệch xạc, chỏng chơ. Chỉ cần một cơn gió mạnh hay một cơn mưa lớn là tất cả trôi tuột xuống đất.

Đó là một người đàn bà trông già sụ. Già đến nỗi bảo một trăm tuổi ai cũng tin, ngoại trừ cái giấy khai sinh của cậu con trai. Giấy ghi: tên họ mẹ Nguyễn thị Mười, sinh năm 1922. Tính ra chưa đủ sáu mươi nên dù là con một, cậu cũng không được miễn dịch.

Thế là, ban ngày nếu không bị tóm quẳng vào mặt trận, thì ban đêm cũng bị bắt đưa lên mật khu, để rồi trở lại làng tải gạo tải muối và bị lính Đại Hàn phục kích giết chết. “Thời loạn, sinh con trai làm gì, khổ thân con tôi quá!” bà nghĩ.

Không thấy mặt nó, bên này hỏi: “Nhảy núi rồi hả? Nhà bà theo Việt Cộng, coi chừng bị đốt.” Bên kia thì vặn vẹo: “Sao để nó đi theo Mỹ ngụy? Phải gọi về ngay!” Có “một cái hũ mắm treo đầu giàn” cứ thấp thỏm lo đánh rơi, lại bị tra hỏi mãi như thế, bảo sao bà không già trước tuổi.



Chưa đánh hết một vồng khoai bà đã mệt rũ. Quẳng cuốc, bước vào nhà, bà nắm vật xuống giường, thở dốc. Những miếng ngói không còn nằm đúng chỗ, để ánh nắng chiếu xuống như đèn pin soi vào mặt. Cũng may là trời đang nắng, bà hãy còn nấn ná. Chứ nếu mưa thì cực ơi là cực. Che chỗ này, lại dột chỗ nọ. Suốt ngày cứ mãi loay hoay. Để nước ngập nhà thì cái hầm...

Bà mệt mỏi không nghĩ tới nữa, đứng dậy đi xuống bếp. Bà nhóm lửa, lấy gạo nấu cơm.

Trong khi đợi cơm chín, bà ra vườn hái rau. Những ngọn rau không được chăm bón trông cằn cỗi, dai như cỏ.

Luộc rau xong, bà đi rảo một lần nữa quanh nhà, ngó trước trông sau, mới vào bếp. Bà lấy một cái bát sành, dỡ hết cơm trong nồi ra, bỏ thêm vào một ít muối mè. Rồi như sợ bị ai cướp, bà vội bưng giấu ở đầu giường.

Qua khe cửa, bà lại chăm chú nhìn ra sân, trước khi vén tấm mền rách, gõ ba tiếng vào một tấm ván. Lập tức, một bàn tay đưa lên, đỡ lấy cái bát sành đầy cơm.

Đó là lúc bà gõ vào ván, còn khi thì buổi sáng, khi giữa đêm, hễ nghe ra ba tiếng cộc cộc là bà vội vàng đỡ lấy cái hũ đựng đầy phân và nước tiểu.

Bà cẩn thận rũ lại mền, xuống bếp. Trong nồi còn sót một ít cơm, bà ngồi ăn một mình. Gọi là ăn cơm nhưng thực ra bà ăn toàn rau.

Thế là xong bữa. Sáng cũng thế, chiều cũng thế. Bà không dám nấu cơm cho phần mình, sợ có người hỏi sao ăn khoẻ thế. Cũng không dám kho cá, thịt, chiên xào, sợ lính đi soát nhà bắt được mùi từ dưới hầm bay lên.

Sợ khôn, sợ dại! Gì bà cũng sợ! Giống như nuôi giấu cán bộ trong nhà. Còn hơn thế, giống như một người đàn bà nuôi giấu cái hoang thai trong bụng. Nhưng đã là mẹ, trước những rình rập cướp mất con, có sợ, có khổ đến mấy bà cũng cứ nuôi.



Bà đã nuôi cậu con của mình như thế đằng đẵng mười bốn năm. Và cũng trong mười bốn năm đó, cậu con trai độc nhất của bà chưa khi nào nhìn thấy ánh mặt trời. Anh quen với bóng tối đến nỗi khi được mẹ bảo “hòa bình rồi thôi lên đi con,” thì anh ngã bổ nhào lúc ra khỏi hầm. Rồi vì phải cuộn tròn trong hầm như một con nhộng, anh không thể nằm duỗi chân ra được. Anh lại nhớ cái mùi đất ẩm, mùi mồ hôi, mùi phân, mùi nước tiểu lưu cữu... khiến anh trằn trọc suốt đêm.

Anh lại đòi mẹ cho anh chui xuống hầm!

Nhưng mẹ bảo: “Ba mày mất lúc mày còn nằm trong bụng tao, rồi tao nuôi mày trong hầm mười mấy năm, là chỉ mong có ngày hòa bình để mày được tự do đi ra đi vào, làm ăn. Giờ mày cứ đòi chui xuống đó là sao, hả?”

“Tui đâu biết là sao,” anh nói, “tui chỉ muốn ở luôn dưới đó thôi!”

“Vậy là con giết mẹ rồi, con ơi.” Bà khóc.

Bà đi gánh đất, thui thủi một mình lấp lại hầm.

Bà đâu biết mười bốn năm trong hầm, như nằm trong huyệt mộ, từ một người khoẻ mạnh, đen đúa, anh trở nên bạc thếch, mềm oặt như cọng bún. Anh sợ nắng, sợ gió, sợ tiếng động. Nhất là sợ gặp phải người lạ. Ngoài mẹ, anh chẳng muốn nhìn thấy ai.

Nhưng mẹ anh không thể để anh mãi như thế được. Anh phải mạnh khoẻ lên, coi sóc nhà cửa ruộng vườn. Rồi phải cưới vợ sinh con nữa chứ. Đã ba mươi mấy tuổi đầu rồi mà.

Khi mới ra khỏi hầm, anh như người rừng, tóc mười mấy năm không hớt dài tới lưng, râu ria mọc tua tủa. Bà mua xà-phòng, lấy xơ mướp, phải mất cả buổi mới kỳ cọ tắm rửa được anh. Rồi bà kêu thợ hớt tóc tới cạo mặt, ngoáy tai. Bà lại mua sắm quần áo mới cho anh, nên trông anh cũng ra dáng.

Nhìn thấy con cũng đâu có khác gì trai tráng trong làng, bà mừng quá. Để ăn mừng, bà làm gà, mua rượu mời bà con lối xóm tới chung vui. Nhưng anh cứ ru rú, thò thụt. Ai hỏi nói gì cũng ấp a ấp úng như ngọng nghịu.

Anh cứ đóng kín cửa, ngồi bó gối, gục đầu. Anh có thể ngồi yên một chỗ suốt ngày suốt đêm. Anh đã chết cái dáng ngồi như thế mười mấy năm rồi mà. Có người khuyên đưa anh đi khám bệnh, nhưng bà bảo: “Nó ăn được, ngủ được, thì bệnh gì mà khám! ”Lại có người nửa đùa nửa thật, bảo: “Tại thiếu hơi đàn bà đó thôi. Cưới vợ cho nó là tươi tỉnh lại ngay!”

“Thật là đúng ý mình quá,” bà nghĩ. Bà liền nhờ họ hàng, người quen biết mai mối gấp gấp kiếm vợ cho anh. Cũng không khó lắm, khi đàn ông trong làng chết trận quá nửa, để lại những góa phụ hãy còn trẻ.

Vợ anh là một chị góa chồng, chưa có con. Dù anh là trai tân, nhưng thế cũng được. Mẹ anh rất vui. Trong đám cưới, chú rể phụ bảo đi thì anh đi, bảo lạy anh lạy, nhưng bảo cầm tay cô dâu để đeo nhẫn vào thì anh run đến nỗi chiếc nhẫn rơi đánh keng. Rể phụ phải quỳ mọp xuống đất mới tìm thấy nó dưới gậm giường.



Ai cũng tưởng rồi đâu cũng vào đó. Nhưng không phải vậy. Trong đêm động phòng anh cứ ngồi thu lu một góc. Chị vợ chờ mãi chẳng thấy anh động tĩnh gì, ngồi dậy ôm lấy anh. “Sao vậy anh?” chị thỏ thẻ. Anh lại càng co rút hơn nữa. “Em đây mà, em là vợ mới cưới của anh đây, sao mà buồn dữ vậy?” Anh vẫn không nói. Chị ôm chặt anh hơn, phả hơi thở nóng rừng rực vào anh, nhưng anh vẫn cứ run. Chị mạnh dạn hôn cổ anh, má anh, rồi môi anh. Nhưng anh vùng vằng gạt ra, rồi nằm cuộn tròn như lúc còn nằm trong bụng mẹ. Chị rấm rức nằm bên anh như nằm cạnh đứa con nhỏ, chỉ có điều không cho nó bú mà thôi.

Đêm sau, chị cởi áo, kéo đầu anh áp sát vào ngực. Chị lại rủ rỉ: “Nó thơm và còn săn cứng lắm đó, anh! Hôn thử một chút đi!” Chị cố ấn cái núm vào môi, nhưng anh phều phào phun ra. Chị luồn tay xuống dưới thì anh bật khóc quều quào. Đến nước này, chị đành mặc lại áo, chán nản mở cửa bước ra sân.

Đêm trong lành và yên tĩnh. Những vì sao nhấp nháy như trêu ngươi. Chị nhớ lời của một con bạn: “Trông mặt thằng chả khờ như thế, làm ăn được gì mà lấy!” Rồi chị lại nhớ tới chồng cũ, nhớ những lúc anh ta giày vò chị một cách điên cuồng những khi hiếm hoi được về phép. Người chị nóng ran, ấm ức. Chị cứ đi đi lại lại mãi trong sân.

Lúc ấy có tiếng động sau hè. Chị nghĩ chắc mẹ chồng đi tiểu. Sợ mẹ thấy, chị ngồi xuống một bên hiên, tựa lưng vào cột.

Nhưng chờ mãi chẳng thấy mẹ chồng vào. Rồi có tiếng tằng hắng. Chị nghi là kẻ trộm. Nhiều nhà trai mới cưới dâu, ai củng ngủ mê, nên trộm vào nhà khoắng hết cả vòng vàng là chuyện thường.

Tuy sợ, chị cũng đứng lên nghe ngóng. Chị tựa lưng vào vách, men theo từng bước. Khi quặt ra sau hè, chị nghe có tiếng thở. Chưa kịp la lên, chị đã bị một bàn tay bịt lấy miệng, rồi một tay khác kéo quần; mọi sự diễn ra cuồng dại như chồng chị ngày nào.

Trong khi đó, anh nằm còng queo ngủ tới sáng. Và mẹ anh thì mơ một ngày không xa sẽ có cháu bồng!



Khuất Đẩu

Con người yếu đuối



Quán nhậu, quán cafe, quán trà chanh… Chen chúc nhau nam thanh nữ tú, quý ông quý bà. Bàn chuyện công việc, cuộc sống thì không nhiều, còn tán dóc, ba hoa, khoe khoang thì rôm rả cả làng. Trông như tranh luận sôi nổi, nhưng cốt là để thể hiện: Tôi biết nhiều, tôi được việc, tôi hay tôi đúng,…

Tranh luận để tìm ra giải pháp cho những khó khăn khúc mắc lúc nào cũng được hoan nghênh. Nhưng ngày nay, phần nhiều là tranh cãi hơn thua để làm mạnh mẽ hơn bản ngã, để cái tôi được thấy quan trọng. Tôi phải hơn anh dù một tí thì mới thấy hả hê thoải mái. Tôi mà thiệt anh chỉ một tẹo cũng thấy ấm ức cay cú. Suy nghĩ tôi và anh cùng đi lên, cùng thăng hoa với cộng đồng thật là ít ỏi trong thời đại này. Suy nghĩ đã vậy, hành động cụ thể lại càng hiếm hoi hơn. Những ai suy tư về sự phát triển hài hòa của xã hội cũng đau đáu một nỗi lòng chung.

Cái tôi lúc nào cũng đòi hỏi được nuôi dưỡng o bế là bởi con người ta ngày càng yếu đuối. Ta không đủ khả năng để tự nhìn thấy và thừa nhận năng lực của chính mình, mà cần phải được người khác công nhận, tán dương. Bởi thế mà lúc nào ta cũng phải “thể hiện”, phải “đeo mặt nạ” và “bày trò”.

Tài năng, cảm xúc của ta thì chính ta là người nắm rõ trong lòng bàn tay. Nhưng ta lại đem cái quyền kiểm soát quý giá đó giao phó cho người khác. Bởi vậy, khi người khen tặng tung hô ta thấy mình quá đổi quan trọng giỏi giang, bằng ngược lại một lời chê hay chỉ đơn thuần là không ghi nhận về ta cũng đủ làm ta ăn ngủ không ngon. Dần dà, ta giao hết cuộc sống của mình cho người để đổi lấy những lời tán thán trầm trồ xuýt xoa, vì rằng ta cho đó là những “dưỡng chất” nuôi sống bản ngã của mình, nếu thiếu nó thì ta chẳng còn là gì trong cái xã hội này. Ta phải trở thành thế này thế kia để người đời ngước lên nhìn ta ngưỡng vọng và ao ước tỵ ganh.

Cứ thế, không biết bao người lao vào vòng xoáy ma lực đến khi “bán linh hồn cho quỹ dữ” hồi nào không hay. Ngày qua ngày, “cái dưỡng chất” ấy thấm sâu vào từng tế bào làm con người ta yếu đuối hẳn đi, cuộc sống của mình phải phụ thuộc vào sự đánh giá, ghi nhận của người khác, chẳng khác nào chậu cây cảnh phải được chủ nhân chăm bón để được sống. Con người ta lúc nào cũng cho mình thông minh nhưng thật ra lại dại dột như vậy đấy. Lắm người thích mình trở thành mớ chậu cảnh, chứ không muốn mình làm rừng cây hiên ngang mặc nắng gió sương sa.

Một sự thật quan trọng ít được quan tâm, đó là mỗi người chúng ta đều được hòa quyện bởi hai phần: Thân thể và tâm trí. Hai phần này không thể tách rời. Lẽ ra, nhiệm vụ mỗi người phải phát triển hài hòa cả hai. Nhưng thực tế phần lớn con người chỉ chăm sóc chìu chuộng phần thân thể, còn phần tâm trí bị bỏ bê quên lãng nên ngày càng héo mòn. Chính điều này làm con người ta yếu đuối hèn mọn đến thảm thương. Chúng ta đã dành nhiều công sức để học cách chăm sóc cái thân thể. Bây giờ hãy cân đối thời gian sức lực để học hỏi cách phát triển phần tâm trí tinh hoa của chính mình. Kết quả chắc chắn là một nguồn nội lực mạnh mẽ sẽ được thổi bùng trong ta, giúp ta thăng hoa hài hòa trong chính mình và trong mối tương quan với xã hội và tự nhiên.



Võ Quân Zeroman

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Trang tử - Nam Hoa Kinh- Tổng bình



Về quan niệm Đạo và Đức thì Trang tử và Lão tử đồng với nhau. Nhưng về quan niệm hạnh phúc, thì Trang tử giản minh một cách rõ ràng khúc chiết hơn trong thiên Tiêu Diêu Du này.

Trang tử cho rằng tất cả muôn vật, vật nào cũng có cái Đức của nó, do cái Đạo nơi mình mà phát huy ra. Chữ Đức ở đây không có cái nghĩa thông thường về luân lý như phái Nho gia đã dùng, mà nó dùng để ám chỉ cái Tánh tự nhiên của mỗi vật, tức là chỗ mà Lão tử gọi là" kiến Tố" và Nhà Phật gọi là " kiến Tánh"." Tánh tự nhiên" đây, tức là chỗ mà Quách Tượng bảo " bất đắc bất nhiên"(không vậy không được), nghĩa là cái" bất đắc dĩ" của mọi sự mọi vật… như lửa không thể không nóng, giá không thể không lạnh. Cái động tác của Đức rất tự nhiên, không cố cưỡng, nên gọi nó là " Vô vi".

Nếu biết thuận theo tánh tự nhiên ấy mà sống, thì hạnh phúc có ngay liền trước mắt, không cần cầu cạnh đâu khác ngoài mình.
Tiêu- diêu, là "tự do tự tại", là " tự do sống theo cái sống tự nhiên của mình" mà không phải mô phỏng theo ai khác, đèo bòng tham muốn cái ngoài Tánh Phận của mình. Tiêu Diêu Du, là rong chơi vui thích theo ý mình, vì đã biết" thích kỷ tự an", chứ không như người đời " xá ký thích nhơn"[ii], điều mà Trang tử rất cực lực phản đối ở thiên Đại- Tông- Sư[iii].

Như vậy, ta thấy rằng, cái Tự Do mà Trang tử đề xướng là một thứ tự do tuyệt đối, không lệ thuộc vào một điều kiện nào ngoài cái Bản Tánh của mình cả. Sống theo mình là Tự Do, là Hạnh phúc; sống theo kẻ khác, là Nô lệ, là Đau khổ.

I. Lớn và Nhỏ không thường:

Nghĩa là cái Lớn cái Nhỏ không phải là điều tuyệt đối, bất biến, mà thực ra, là một lẽ tương đối: lớn hơn cái nhỏ, nhỏ hơn cái lớn. Lớn và Nhỏ đều là những lẽ vô thường.
Như cá Côn, vốn là một thứ cá nhỏ mà Trang tử cho nó là một giống cá lớn không biết mấy nghìn dặm; chim Bằng, vốn là chim Phụng, cũng đâu phải là một vật cực đại, thế mà Trang tử lại cho nó là một vật cực đại, có cái lưng lớn không biết mấy nghìn dặm, còn cánh của nó thì như vầng mây che khuất một phương trời. Đó là chỗ dụng ý đặc biệt của Trang tử dùng một bút pháp cực kỳ huyễn tướng, biến hóa bất thường để chỉ rõ sự vô thường của cái Lớn và cái Nhỏ. Đó là chỗ mà ở thiên Thu- Thủy nói:" lấy chỗ bất tề mà xem, thì sẽ thấy vật nào cũng lớn cả(đối với vật nhỏ hơn nó) và vật nào cũng nhỏ cả(đối với vật lớn hơn nó); biết Trời Đất như một hột thóc, biết mảy lông là hòn núi." Như vậy, thì Nhỏ sao lại thường chẳng Lớn, mà lớn sao lại thường chẳng nhỏ được. Nhận thấy cái chỗ nhỏ của mình, mà ham muốn đèo bòng mãi cái phận ngoài mình, sao bằng nhận thấy chỗ lớn của mình và cho nó là đủ để mà" thích kỷ tự an"? biết rõ được lẽ ấy, thì sẽ bỏ được cái lòng tham- dục của sự phân biệt trong ngoài, bỏ được cái lòng tham muốn những gì ngoài mình và không tùng mình nữa[iv].

II. Lớn, thì hợp với chỗ lớn, nên không thấy mình là lớn;
Nhỏ, thì hợp với chỗ Nhỏ, nên không thấy mình là nhỏ.


Tức như chim Bằng, một con vật rất lớn, tất phải dời sang biển Nam, bay lên cao chín muôn dặm và bay trọn sáu tháng trường không nghỉ… Trang tử đã nói:: Nước không sâu thì không sức chở thuyền lớn, đổ một chung nước xuống cái hố nhỏ, lấy một cộng cỏ mà làm thuyền thả lên thì thuyền tự nổi, nếu lại lấy cái chung nước ấy mà thả lên làm thuyền, thì thuyền ấy phải mắc cạn. Là tại sao? Tại nước không sâu, mà thuyền thì lớn. Lớp gió không dày, thì không sức chở nổi cánh lớn của chim Bằng."


Quách tử Huyền luận về điểm nầy có nói:" Nếu không phải là minh hải thì không đủ chỗ cho thân con cá Côn day trở, nếu không có chín muôn dặm cao thì sao đủ chở cái cánh to tướng của chim Bằng. Há phải đó vì hiếu kỳ mà vẽ cho ra chuyện thêm đâu! Hễ vật lớn, phải sanh ra nơi chỗ lớn, và chỗ lớn tất nhiên cũng sanh ra nơi chỗ lớn, và chỗ lớn tất nhiên cũng sanh ra vật lớn đó. Lý cố tự nhiên, đâu phải cần lo cho nó không được như vậy!" ông lại nói: "Cánh lớn nên khó cử động trong chỗ hẹp, cho nên phải vượt trên chín muôn dặm cao, mới có đủ chỗ mà cử động. Đã có cánh ấy mà lại quyết ở dưới thấp, hay bay lên vài chục thước cao như con chim cưu, có được không? Đó đều là chỗ" bất đắc bất nhiên"(không vậy không đặng), chứ đâu phải vui sướng gì mà làm ra như thế đâu!"
Vậy, lớn thì thuận theo chỗ lớn, không tự xem là lớn mà sinh kiêu; nhỏ thì thuận theo chỗ nhỏ, không tự xem là nhỏ mà đèo bòng ham muốn, như " con chim cưu… bay vụt lên du cây phương, dù bay không tới thì rơi xuống đất" đâu cần phải ham muốn cái rộng lớn của chim Bằng. Nghĩa thật rõ ràng!


Quách- Tử- Huyền nói: "Nếu biết đủ với tánh phận của mình, thì tuy mình lớn như chim Bằng, cũng không tự cho là lớn mà cho mình quý hơn chim nhỏ kia, mà con chim nhỏ kia cũng không cho mình là nhỏ mà ham muốn bay đến Ao Trời(thiên- trì) làm gì. Nên chỉ nói đến cái Vinh của chim Bằng, hay nói đến cái thèm muốn của con chim nhỏ(để kịp với chim Bằng) đều là nói thừa cả. Lớn, Nhỏ, tuy khác nhau, nhưng tâm trạng tiêu- du(nghĩa là tự do) vẫn một.
Tóm lại, chim Bằng ở thiên trì, thì chính cũng như chim cưu ở cây du, cây phương…" đâu vừa với đó". Chim bằng, không tự xem mình là lớn, chim cưu không tự xem mình là nhỏ, nên lớn không kiêu với nhỏ, nhỏ không đèo bòng ham muốn cái lớn. Tham dục nhờ đó, tự nhiên không còn nữa. Tham dục mà không còn có nữa, thì hạnh phúc có ngay liền đó, vì hạnh phúc là sống được cái sống của mình, sống toại sinh trong cái tự tánh của mình vậy.


III. Thọ và Yếu:


Điều mong ước lớn nhất của người đời, là được sống lâu. Cho nên mới cho cái sống bảy tám trăm năm của Bành Tổ là thọ, mà ao ước, thèm thuồng! Là tại sao? Là tại cái số kiếp của con người, chỉ trăm năm là hạn, nên mới đèo bòng ham muốn sống được như Bành Tổ và cho đó là thọ. Giả sử mà ai ai cũng đều sống được như Bành Tổ, thì cái khoảng bảy trăm năm lại sẽ không còn đủ cho là thọ nữa. 


Như ta đã thấy, lòng ham muốn con người sở dĩ có, là khi nào không biết an theo số phận của mình mà đem tâm đeo đuổi theo số phận của những vật ngoài mình và khác mình.

Thật vậy, vì không ai sống đến được cái tuổi của Bành Tổ, nên mới cho cái sống ấy là thọ mà thèm muốn. Bành Tổ, trái lại, nếu cũng bắt chước như ta mà không biết an với Tánh Phận của mình là sống bảy trăm năm, lại đèo bòng muốn sống được cái sống của cây minh linh thì tất cũng cho cái hạn bảy trăm năm của mình không đủ cho là thọ, mà sống được như cây minh linh mới là thọ. Cây minh linh, nếu lại bắt chước Bành Tổ, không tự xem mình là thọ, lại đèo bòng ham muốn sống theo cái sống của cây đại xuân; cây đại xuân lại muốn sống được như cái sống của Trời Đất…thì ra vật nào cũng không thọ cả, mà vật nào cũng đều yểu cả! Cho nên nói rằng, nếu cứ tham muốn sống ngoài cái tánh phần của mình, thì cái sống của Bành Tổ đối với cây đại xuân, không khác nào" cái sống của đứa trẻ chết trong nôi" vậy.

Nếu lấy cái sống trăm năm là hạn của ta làm mực thước, thì con ve sầu mùa xuân sanh, mùa hạ chết, tai nấm mai sớm nở tối tàn… đều là vật yểu cả! Cái sống một mùa của con ve sầu, và cái sống có một buổi của tai nấm mai, đối với ta tuy chỉ là cái sống trong khoảng khắc rất ngắn ngủi, mà đối với nó, vẫn cũng là một kiếp sống, như một kiếp sống trăm năm của ta vậy. Đối với con người, được sống trăm năm là thọ; thì đối với tai nấm mai, sống được một buổi cũng là thọ, mà đối với con ve sầu, sống được một mùa, đều là thọ cả: chúng nó được sống đến cái mức cùng của kiếp sống của chúng. 

Còn như cây đại xuân sống một xuân là tám nghìn năm, một thu là tám nghìn năm, giá như nó chỉ sống được có bốn mùa, nghĩa là ba muôn hai nghìn năm, thì đối với ta, sao không cho đó là thọ được, nhưng đối với cái kiếp sống của nó thì nó chỉ sống được có một tuổi mà thôi, nghĩa là chỉ sống được có bốn mùa; sống được tám nghìn năm, phải chăng đối với ta, là rất thọ, nhưng đối với chính cây đại xuân, thì nó chỉ sống được có một mùa mà thôi, sống rất yểu vậy!

Thế thì căn cứ vào sự dài ngắn của thời gian không thể được xem là thọ hay yểu. Chẳng qua như vật lớn ở chỗ lớn, vật nhỏ ở chỗ nhỏ. Vậy, thọ, yểu cũng như lớn, nhỏ chỉ là một danh từ đối đãi, tự nó không có nghĩa gì là thật cả, thật một cách tuyệt đối. Không nhìn ra ngoài, mà chỉ nhìn vào trong, nghĩa là mỗi vật, nếu biết "các an kỳ phận", "thích kỷ tự an", thì vấn đề lớn nhỏ, thọ yểu sẽ không còn thành vấn đề làm cho lòng mình thắc mắc nữa.

IV. Huyền nghĩa của Tiêu- Diêu:

Mỗi vật, nếu đều biết tự đủ với cái tánh phận của mình, thì dù ở trong xã hội, phải ở vào địa vị nào, cũng không tự xem là không đủ, để đèo bòng tham muốn cái Tánh Phận ngoài mình. Như " kẻ có tài trí đủ để làm nổi một tước quan, hạnh hơn cả một làng, thì đức sẽ không khác nào một vị vua được lòng tin của cả nước, nếu biết tự xem mình như đấng làm vua kia vậy." Tuy phận giống nhau, nếu mỗi người đều tròn với cái phận của mình. Chí và Hành của hai bên, bất quá như vật lớn nhỏ, thọ yểu mà thôi.


Kẻ biết nhận thấy đức của mình ngang với bậc Vua chúa như chức quan nhỏ kia, tuy là kẻ sáng suốt " thích kỷ tự an", hơn người đời một bực, nhưng chỗ " lập đức" chưa vững. Là vì hãy còn thấy có công.


Vinh tử nước Tống, " đời khen cũng không khích lệ, đời chê cũng không ngăn đón được", tức là người vượt lên trên dư luận, không còn nô lệ đến thị phi bên ngoài nữa, thế mà chỗ lập đức của ông cũng chưa được vững. Là vì tuy đã biết thản nhiên đối với dư luận, nhưng còn để cho đời biết được mà khen với chê. Đó là hạng người còn để lại " danh". ấy là hạng người như vua Nghiêu, và Hứa Do.
Trên hai hạng đó, lại còn một hạng nữa, là hạng người như Liệt tử, hạng" cỡi gió mà đi, đi một cách êm ái nhẹ nhàng". ở đây Trang tử muốn ám chỉ những bậc tu đạo đã đạt đến trạng thái huyền hóa trong những lúc thiền tọa hay tĩnh tọa. Trong những lúc ấy, họ đã đạt đến trạng thái" tiêu diêu" vì đã huyền đồng cùng với cái sống thiêng liêng của họ, tức là Đạo. Nhưng, chỉ có một lúc thôi, nên mới nói" tuy phải đi, nhưng còn phải có chỗ chờ". Liệt- tử tuy" cỡi gió mà bay, thong thả tự do", nhưng còn phải đợi có gió mới bay được, như chim Bằng đợi có gió trốt nổi lên, mới" nương theo đó mà bay lên chín muôn dặm cao". Kẻ như Liệt tử, được huyền đồng cùng Đạo, tuy tiêu diêu được, mà cũng phải đợi lúc huyền hóa mới được tiêu diêu. Tự do(tiêu diêu) mà còn đợi lúc huyền hóa mới tiêu diêu thì chưa phải thật là người đã đạt đến cõi tiêu diêu tuyệt đối(tự do tuyệt đối). Là vì họ không phải luôn luôn" không còn thấy có mình"(vô kỷ) nữa. Chỉ có bực" chí nhơn vô kỷ, thần nhơn vô công, thánh nhơn vô danh" mới thật là kẻ đã đạt đến cái trạng thái huyền đồng một cách vĩnh viễn mà không còn phải chờ đợi một điều kiện gì khác.

Làm cách nào để đạt đến trạng thái huyền hóa? Phải biết " thuận theo cái chánh của Trời Đất, nương theo cái biến của lục khí mà lại qua trong cõi vô cùng."

Nghĩa là gì thế? Trời Đất là nói về Âm Dương. Âm Dương cọ sát nhau, tranh đấu nhau, nhưng khi được cái Chánh của nó, tức là Đạo, thì nó sẽ được điều hòa. Đạo, tức là cái Chánh của Trời Đất, đứng trên Âm Dương, và bao giờ cũng có cái phận sự điều chỉnh lại những gì thái quá do sự tranh chấp của cặp mâu thuẫn ấy gây nên, và không cho cái nào lẫn cái nào cả. Thuận theo cái Chánh của Trời Đất được rồi, thì tha hồ" nương theo cái biến của lục khí" nghĩa là biết " dĩ bất biến"(Đạo) để mà " ứng vạn biến" trong cuộc" vạn hóa" của Trời Đất. Cái Chánh(Đạo) ấy nơi ta, nhà Phật gọi là tánh, Lão tử gọi là Tố và ở đây gọi là Tánh Tự nhiên.

Quách Tượng giải nghĩa câu nấy nói:" Trời Đất lấy vạn vật làm cái thế, còn vạn vật lấy cái tự nhiên(tức là Đạo) làm cái chánh. Không làm mà vẫn được tự nhiên, mới gọi là Tự Nhiên. Tức như chim Bằng, bay cao là sở năng của nó; chim cưu, bay thấp là sở năng của nó; tai nấm mai, sống trong một buổi mai, là sở năng của nó; cây đại xuân, sống dài dằng dặc, là sở năng của nó. Bấy nhiêu cái đó, đều là " sở năng" của tự nhiên, không phải" sở năng" của sự làm của mình; không làm mà tự nhiên được cái sở năng ấy, đó gọi là Chánh. Bởi vậy, " thuận theo cái Chánh của Trời Đất", tức là thuận theo cái Tánh tự nhiên(Đạo) của vạn vật, thì đâu phải cần chờ đợi cái gì nữa mà huyền hóa với tạo vật. Được như thế, mới gọi là người chí đức, tức là người đã được tiêu diêu trong sự huyền đồng của Đây và Đó. Nếu còn nhờ (cái gì ở ngoài) nữa, rồi sau mới được tiêu diêu, tức như Liệt tử tuy" cỡi gió mà đi một cách êm ái dịu dàng" nhưng còn phải đợi có gió mới bay đi được, thì Đức chưa hoàn toàn. Huống chi là chim Bằng. Duy, cùng với vạn vật hỗn hợp làm một rồi, và nương theo cuộc đại biến của Trời Đất mà rong chơi trong cõi vô cùng thì mới gọi được là bậc" thường thông" hay là " đại thông".

Lời chú giải trên đây của Quách Tượng, thật rõ ràng hết sức. Bậc chí nhân là kẻ đã huyền đồng cùng tạo vật rồi, cho nên bản ngã không còn nữa. ở thiên Tề- Vật- Luận, Trang tử mượn lời của Tử- Kỳ để nói lên chân lý ấy:" Ta đã mất bản ngã rồi!" Bản ngã mà không còn thì Thiên- Tánh hiện ra[v], có khác nào Mặt trời (Thiên Tánh hay Đạo) bị mây(Bản ngã) che mờ: hễ mây tan đi thì tự nhiên Mặt trời hiện ra sáng tỏ. Khi Thiên Tánh hiện ra là vì Bản ngã đã mất, nên gọi là "chi nhơn vô kỷ", đó là được chỗ "đại thuận", hay là "được cái Chánh của tánh mạng".

"Thuận theo cái Chánh của Trời Đất", tức là " thuận theo cái Tánh tự nhiên của mình"[vi]. Quan trọng nhất, là gìn giữ cái tánh ấy, đừng để nó lu mờ vì tư dục, đừng để cho hoàn cảnh huyễn hoặc, thay đổi… Một cái cây, từ lúc đâm mộng, nẩy chồi, trổ lá, đơm bông… những cuộc biến động tuy nhiều, nhưng cái Sống của cây vẫn luôn luôn có một, và toàn mãn từ đầu chí cuối.

Bậc chí nhân vì đã thực hiện được trạng thái " vô kỷ" nên " thuận với Tánh tự nhiên của mình" và dù lưu chuyển theo cuộc biến động bất tận của Trời Đất, vẫn không làm mất Bản- tánh duy nhất của mình.[vii]

Bởi vậy, nơi mình, thì lo mà thực hiện sự huyền đồng cùng tạo vật, không phân trong và ngoài, ta và người nữa, không thấy lớn nhỏ, thọ yểu; còn nơi vật, thì biết để cho vạn vật, vật nào cũng được " an theo chỗ đã an bài của chúng" nên không ép buộc ai phải theo mình, nghĩa là lấy mình mà đánh giá sự phải quấy của người. Đó gọi là " chi nhơn vô kỷ".

V. Hữu dụng và vô dụng:

Trời Đất sinh vạn vật, để cho mỗi vật sống cái sống của nó, chứ không phải sinh ra để cho người dùng nó. Dùng được thì dùng, không dùng được thì bỏ. Gọi là hữu dụng hay vô dụng là sai. Thực ra, tự nó, không có vật gì gọi là hữu dụng hay vô dụng cả.
Như mão Chương- phủ, người nước Tống thì đại dụng, mà người nước Việt không dùng, bởi nó không đáp với nhu cầu. Hữu dụng hay vô dụng là việc không thường cũng như lớn nhỏ vậy." Một trái dưa to, nặng năm thạch" mà "bổ nó ra để làm cái bầu" thì lại hỏng cả, không dùng gì được nữa(vô dụng); trái lại, nếu để nó như vậy mà làm phao, đeo lội qua sông, thì nó là hữu dụng.


Ta thấy rằng nếu biết dùng, thì không có vật gì là không vô dụng, như cũng thời món thuốc" bất quy thủ" mà kẻ thì được phong hầu, còn người thì suốt đời chỉ làm cái nghề quay tơ. Đó là Trang tử trả lời cho Hụê- tử (cùng những ai chê cái học của ông là vô dụng) rằng: nếu biết dùng thì không có cái học nào là vô dụng cả: "là vì lòng của phu tử còn hẹp hòi chưa thông đạt"!

Vật nào cũng có cái Tánh tự nhiên của nó, không vật nào giống vật nào cả. Bởi vậy, ta phải biết chịu chỗ khác biệt nhau đó, nghĩa là phải biết nhìn nhận sự " bất bình đẳng tự nhiên" của sự vật mà đừng đem tư tâm mong bình đẳng nhất loại tất cả làm một. Biết nhận sự " bất bình đẳng tự nhiên" giữa vạn vật, tức phải biết kính trọng chỗ riêng biệt của mỗi vật, nghĩa là cái tánh tự nhiên của mỗi vật mà không xen vào làm trở ngại sự phát triển tự nhiên của nó hay sửa đổi uốn nắn nó theo một công thức giả tạo nào khác. Không xen vào làm trở ngại hay làm hư hoại tánh tự nhiên của mỗi vật, là để cho mỗi vật được sống " tiêu diêu" (tự do) theo cái sống của nó, tự do phát triển theo cái tánh tự nhiên của nó.

Tóm lại, tiêu diêu là tự do. Tự do là sống được theo tánh tự nhiên, tức là theo bản tánh của mình. Một hành động được gọi là hành động tự do, khi nào trong hành động ấy, ta biểu lộ được cái Người thâm sâu, thành thực của ta, theo ta, chứ không phải theo kẻ khác, theo một giáo lý hay một mẫu người lý tưởng nào ngoài ta. Và nếu mỗi vật, vật nào cũng được sống theo mình, thì sẽ không còn lớn, nhỏ, quý, tiện nữa, mà thảy đều tiêu diêu như nhau cả. Tiêu diêu như nhau cả, đó là bình đẳng tuyệt đối, mà bình đẳng tuyệt đối là nhờ có tự do tuyệt đối. Thiên Tề- Vật- Luận sẽ bàn về cái Bình đẳng tuyệt đối ấy.

THU- GIANG
NGUYỄN- DUY- CẨN
dịch và bình chú
---------------------------------
Lão tử nói:" kiến Tố, bão Phác"; Phật gia bảo:" kiến tánh, thành Phật".
[ii] Xá kỷ thích nhơn: là bỏ mình mà theo người.
[iii] Đại- Tông- Sư:" Hành danh thất kỷ, phi sĩ dã vong thân bất chân, phi dịch nhơn dã. Nhược hồ Bất- Giai, Vụ Quang, Bá Di, Thúc tề, Cơ tử, Tử du, Kỷ thu, Thân đố địch, thị dịch nhơn chi dịch, thích nhơn chi thích, nhi bất tự thích kỳ thích giả dã. Làm theo danh, mà bỏ mất cái của mình, không phải là kẻ dĩ; làm cho mất mạng mình, không rõ chân lý, đó chẳng phải là kẻ sai khiến được người. Như Hồ Bất Giai, Vụ Quang, Bá Di, Thúc Tề, Cơ Tử, Tử Dư, Kỷ Tha, Thân Đố Địch, là hạng làm cái làm của kẻ khác, theo cái phải của kẻ khác mà không biết theo cái phải của mình.
[iv] Nếu so sánh với câu nói nầy của hiền giả Epiclète(Hy Lạp):" Phàm sự vật, có cái thuộc ta, có cái không thuộc ta. Thuộc ta là những sự phán đoán, những khuynh hướng, những dục vọng, những ưu- ghét của ta, tóm lại là mọi tác dụng của linh- tính ta; không thuộc ta, là thân thể ta, của cải, danh vọng, tước phận, nói tóm lại là mọi sự không còn phải là tác dụng của linh- tính ta.
" Cái thuộc ta thời bản tánh nó tự do, không gì ngăn trở, không gì trái nghịch lại được; cái không thuộc ta thời không được chắc chắn, không được tự do, thường bị ngăn trở, là cái ở ngoài ta mà thôi.
Vậy, ta phải nhớ rằng cái gì vốn nó không được tự do mà cho là tự do, cái gì của người ngoài, vật ngoài mà cho là của mình, thời sẽ phải phiền lòng, sẽ phải buồn bực, sẽ phải bối rối, sẽ đem lòng oán trời, trách người, nhưng nếu cái gì thật của ta mới coi của ta, cái gì của người, coi là của người, thời không ai ép uổng mình được nữa, không ai ngăn cấm mình được nữa, không phải oán ai, không phải trách ai, không phải miễn cưỡng làm việc gì, không ai hại mình, không có kẻ thù, vì không phải chịu sự gì thiệt hại."(bản dịch của Phạm Quỳnh, 1929).
[v] đừng lẫn lộn thiên tánh với tánh tình của bản ngã, như những tánh nóng, tánh keo kiệt, tánh thích xa hoa, tánh ham vui, thích buồn của con người. Đó là chỗ mà Lão tử gọi " thượng đức bất đắc, thị dĩ hữu đắc…"(chương 38 Đạo Đức Kinh).
[vi] Các chánh giả, đắc ư hữu sanh chi sơ bảo hợp giả, toán ư đi sanh chi hậu(Dịch- Kinh). " Các chánh", là nhận được từ khi mới sanh; "bảo hợp", là giữ được trọn vẹn sau khi đã sanh. Cái mà ta gọi là Chánh đó, tức là chỗ mà Lão tử gọi" tử nhi bất vong".
[vii] " Bản tánh duy nhất" ấy, Pháp- ngữ gọi là " unisité individuelle" hoặc là " personne humaine". Đồng một nghĩa với câu nầy trong Dịch- Kinh:" Tri tiến thoái tồn vong nhi bất thất kỳ chánh, kỳ duy thánh nhơn hồ?" (biết tiến, biết thối, biết giữ cho còn, biết làm cho mất, mà không làm mất cái Chánh của mình, chỉ có bậc thánh nhơn mà thôi ư?). chữ chánh đây, tức là Tánh Tự nhiên mà ta đã thọ lãnh của Trời Đất.

TIÊU- DIÊU- DU ( Nam Hoa Kinh)- Trang Tử



DỊCH NGHĨA:

TIÊU- DIÊU- DU

A. Tại biển Bắc có con cá Côn, lớn không biết mấy nghìn dặm. Cá này hóa ra chim Bằng: lưng của chim Bằng lớn cũng không biết mấy nghìn dặm. Vỗ cánh mà bay, cánh nó sè ra như mây che rợp một phương trời. Biển động, Bằng bèn bay sang biển Nam: biển Nam là Ao- Trời.

Tề Hải, sách chép các việc kỳ quái nói: chim Bằng, lúc bay qua biển Nam, cánh đập làm cho sóng nước nổi lên ba nghìn dặm dài; nó nương theo gió trốt mà cất lên chín muôn dặm cao, và bay luôn sáu tháng mới nghỉ.

Cái mà ta thấy trên không kia có phải là bầy" ngựa rừng" chăng, hay là bụi trần? Hay là cái hơi thở của muôn vật nổi lên? Còn màu trời xanh xanh kia có phải là màu thật của nó không, hay chỉ là màu của vô cùng thăm thẳm? Thì cái thấy của con chim Bằng bay trên mây xanh dòm xuống dưới đây cũng chỉ như thế mà thôi.

Vả lại, nước không sâu thì không sức chở thuyền lớn. đổ một chung nước nhỏ vô một cái hủng nhỏ trong nhà, lấy một cọng cỏ thả lên làm thuyền, thì thuyền tự nổi; nếu lại lấy cái chung ấy làm thuyền mà thả lên, thì thuyền phải trịt. Là tại sao? trị nước không sâu mà thuyền thì lớn. Cũng như lớp gió không dầy thì không đủ sức chở nổi cánh lớn của chim Bằng. Bởi vậy chim Bằng khi bay lên chín muôn dặm cao là cỡi lên lớp gió ở dưới nó. Chừng ấy, lưng vác trời xanh, không gì ngăn trở, nó bay thẳng qua Nam.

***

Một con ve và một con chim cưu nhỏ thấy vậy, cười nói:" Ta quyết bay vụt lên cây du, cây phương. Như bay không tới mà có rơi xuống đất thì thôi, chứ không sao! Bay cao chín muôn dặm, sang qua Nam mà làm gì? Ta thích bay đến mấy cánh đồng gần đây, ăn ba miếng no bụng, rồi về. Nếu ta đến chỗ xa trăm dặm, thì ta có lương thực mỗi ngày. Còn nếu ta đến chỗ xa nghìn dặm, thì ta có ba tháng lương thực."

***

Hai con vật ấy, mà biết gì?

Kẻ tiểu trí sao kịp người đại trí. Kẻ tuổi nhỏ sao kịp người tuổi lớn.

Sao mà biết được thế? nấm mai biết gì được hồi sóc, ve sầu biết sao được xuân, thu! Đó đều là hạng tuổi nhỏ cả. Phương Nam nước Sở có cây minh- linh, sống một xuân là năm trăm năm ; một thu là năm trăm năm. Thượng cổ có cây đại- xuân sống một xuân là tám nghìn năm, một thu là tám nghìn năm.(đó là hạng tuổi lớn). Lâu nay từng nghe danh sống lâu của Bành tổ. Hễ nói đến sống lâu, thì người đời thường đem đó mà so sánh, như thế không đáng buồn sao?

B. Thang chi vấn Cấc dã thị dĩ. Cùng phát chi bắc, hữu minh hải giả, thiên trì dã. Hữu ngư yên, kỳ quảng sổ thiên lý, vị hữu tri kỳ tu giả, kỳ danh vi Côn. Hữu điểu yên, kỳ danh vi Bằng, bối nhược Thái Sơn, dực nhược thùy thiên chi vân, đoàn phù diêu dương giác nhi thượng giả cửu vạn lý, tuyệt vân khí, phụ thanh thiên, nhiên hậu đồ Nam thả thích Nam minh dã. Xích yển[ii] tiếu chi viết: Bỉ thả hề thích dã. Ngã đằng dược nhi thượng bất quá sổ nhẫn chi hạ, ngao tường bồng hao chi gian, thử diệc phi chi chí dã. Nhi bỉ thả hề thích dã. Thử tiểu đại chi biện[iii] dã.

DỊCH NGHĨA:

B. Lời ông Thang hỏi ông Cấc, cũng thế. Miền Bắc hoang lạnh có cái biển gọi là Minh- hải, tức là Ao Trời. Có con cá lớn tới mấy nghìn dặm, chưa ai biết nó dài đến bao nhiêu, tên là Côn. Có con chim, tên là Bằng, lưng như núi Thái, cánh tợ vừng mây che một phương trời. Chim nầy theo gió trốt cuộn như sừng dê mà lên chín muôn dặm cao, tuyệt bóng mây- mù, đội trời xanh biếc, bấy giờ nó mới bay về biển Nam. Một con chim ở hồ nhỏ cười nói: đó bay chi cao xa lắm vậy? Ta bay nhảy bất quá vài chục thước cao, ngao du trong đám cỏ bồng cỏ hao. Bay đến thế cũng là đúng mực lắm rồi. Còn đó bay chi cao xa lắm vậy?

Đó là chỗ phân biệt giữa lớn và nhỏ.

C. Cố phù trí hiệu nhất quan, hạnh tỉ nhất hương, đức hợp nhất quân năng trưng[iv] nhất quốc giả, kỳ tự thị dã, diệc nhược thử hĩ. Nhi Tống Vinh tử du nhiên tiếu chi, nhi bất gia khuyến, cử thế nhi phi chi, nhi bất gia thư, định hồ nội ngoại chi phận[v], biện hồ vinh nhục chi cảnh[vi], tư dĩ hĩ. Bỉ kỳ ư thế, vị sát sát nhiên dã, tuy nhiên du hữu vị thọ[vii] dã.

Phù Liệt tử[viii] ngự phong nhi hành lãnh nhiên[ix] thiện dã, tuần hữu ngũ nhật nhi hậu phản. Bỉ ư trí phúc[x] giả, vị sát sát nhiên dã. Thử tuy miễn hò hành du hữu sở đãi giả dã[xi].

Nhược phù thừa thiên địa chi chánh nhi ngự lục khí chi biến[xii], dĩ du vô cùng giả, bỉ thả ô hồ đãi tai. Cố viết: chí nhơn vô kỷ, thần nhơn vô công, thánh nhơn vô danh[xiii].

DỊCH NGHĨA:

C. Cho nên, kẻ có tài trí đủ làm nổi một tước quan, hanh hơn cả một làng, (thì) đức (sẽ) không khác nào một vị vua được lòng tin của cả nước, (nếu biết) tự xem như đấng làm vua kia vậy.

Nhưng Vinh- tử nước Tống lại còn cười chê đó. Vả, đời có khen cũng không khích lệ, mà đời có chê cũng không ngăn đón được: họ đã định rõ cái phận của trong ngoài, phân biệt cái cảnh của vinh nhục rồi đấy. Trong đời, hạng người như thế cũng dễ thường thấy có. Tuy vậy, đức của họ cũng chưa được vững.

Liệt- tử cưỡi gió mà đi, đi một cách êm ái nhẹ nhàng, đi trọn mười lăm hôm mới về. Đó sống trong chỗ chí phúc và người như ông dễ thường thấy có. Tuy khỏi phải đi, nhưng còn chỗ phải chờ.

Đến như thuận theo cái chánh của Trời Đất, nương theo cái biến của lục khí mà dong chơi trong cõi vô cùng: thì đó đâu còn phải chờ đợi cái gì nữa. Cho nên nói rằng: bậc chí nhơn không thấy có mình, bậc thần nhơn không nhớ đến công mình, bậc thánh nhơn không nghĩ đến tên mình.

D. Nghiêu nhượng thiên hạ ư Hứa Do, viết: Nhật Nguyệt xuất hĩ, nhi tước hỏa[xiv] bất tức, kỳ ư quang dã bất diệc nan hồ? Thời vũ giáng hĩ nhi du tẩm quán, kỳ ư trạch dã bất diệc lao hồ? Phu tử lập nhi thiên hạ trị, nhi ngã du thi[xv] chi, ngô tự thị khuyết nhiên. Thỉnh trí thiên hạ.

Hứa Do viết: Tử trị thiên hạ, thiên hạ ký dĩ trị dã, nhi ngã du đại[xvi] tử, ngô tương vi danh hồ? Danh giả, thật chi tân dã. Ngô tương vi tân hồ? Tiêu liêu[xvii] sào ư thâm lâm, bất quá nhất chi. Yển thử[xviii] ẩm hà, bất quá mãn phúc. Quy hưu hồ quân. Dư vô sở dụng thiên hạ vi. Bào nhơn tuy bất trị bào, thi chúc bất việt tôn trở nhi đại chi hĩ.

DỊCH NGHĨA:

D.Vua Nghiêu muốn nhường thiên hạ cho Hứa- Do, nói: Mặt trời mặt trăng đã mọc, mà không dụt đuốc, nhìn bóng đuốc há chẳng khó coi lắm sao? Mưa mùa đã đổ xuống, mà còn đi tưới nước, thế là chẳng lao công vô ích hay sao? Nay nếu phu tử lên ngôi, thiên hạ ắt được trị. Tôi còn ngồi làm thần tượng chi nữa. Tôi tự thấy rất kém. Vậy, xin mời ngài lên trị thiên hạ.

Hứa Do nói: Ngài trị thiên hạ, thì thiên hạ được trị. Tôi còn thế Ngài làm chi, tôi cầu danh hay sao? Danh là khách của Thật. Tôi muốn làm khách sao? Chim tiêu liêu đậu ở rừng sâu, chẳng qua một nhánh là vừa. Chuột đồng xuống nước sông dài, chẳng qua đầy bụng là đủ. Xin trả lại cho ngài đó. Thiên hạ ấy, tôi không dùng làm gì cả. Người đầu bếp dù không xong việc bếp, người chủ tế cũng không vượt phận mà thế cho đó được.

E. Kiên Ngô vấn ư Liên Thúc viết: Ngô văn ngôn ư Tiếp Dư đại nhi vô đương[xix], vãng nhi bất phản. Ngô kinh bố[xx] kỳ ngôn, du Hà Hán nhi vô cực dã, đại hữu kính thính[xxi] bất cận nhơn tình yên. Liên Thúc viết:" kỳ ngôn vị hà tai". Viết: Diễu Cô Xạ chi sơn, hữu thần nhơn cư yên, cơ phu nhược băng tuyết, náo ước[xxii] nhược xử nữ[xxiii] bất thực ngũ cốc, hấp phong ẩm lộ, thừa vân khí, ngự phi long nhi du hồ, tứ hải chi ngoại, kỳ thần ngưng, sử vật bất tì lệ, nhi niên cốc thục. Ngô dĩ thị cuồng nhi bất tín dã.

Liên Thúc viết: Nhiên. Cổ giả vô dĩ hồ văn chương chi quan, lung giả vô dĩ dữ hồ chung cổ chi thinh. Khởi duy hình hài hữu lung manh tai, phù tri diệc hữu chi, thị kỳ ngôn dã, du thời nhữ[xxiv] dã. Chi nhơn dã, chi đức dã, tương bang bạc vạn vật dĩ vi nhất, thế ky hồ loạn, thục tệ tệ yên dĩ thiên hạ vi sự. Chi nhơn dã, vật mạc chi thương. đại tẩm khể thiên nhi bất nịch. đại hạn, kim thạch lưu, thổ sơn tiêu, nhi bất nhiệt. thị, kỳ trấn cấu tỉ khương[xxv] tương du đào chú Nghiêu Thuấn giả dã. Thục khẳng dĩ vật vi sự!

Tống nhơn tư chương phủ nhi thích chư Việt. Việt nhơn đoạn phát văn thân, vô sở dụng chi. Nghiêu tự thiên hạ chi dân, bình hải nội chi chánh, vãng kiến tứ tử Diễu Cô Tạ chi sơn phần thủy chi dương, yểu nhiên[xxvi] táng kỳ thiên hạ yên."

DỊCH NGHĨA:

E. Kiến Ngô nói với Liên- Thúc: Tôi nghe Tiếp Dư nói chuyện lớn lác không tưởng, có lối đi mà không có lối về… khiến tôi kinh sợ, ông nói như sông Hà sông Hán không cùng tận, rất là xa xôi, không cận với nhân- tình…Liên Thúc hỏi:" Nối những gì?"- " Nói rằng trên núi Diễu- Cô Tạ có thần nhơn ở, da thịt như băng tuyết, dáng điệu mềm yếu như người con gái chưa chồng. Không ăn năm loài thóc, chỉ hớp gió, uống sương, nương theo hơi mây, cỡi rồng mà bay ngao du ngoài bốn biển. Ngưng thần lại thì có thể làm cho vạn vật không đau ốm hư hoại, lúa thóc lại được mùa. Tôi cho đó là lời nói cuồng, nên không tin."

Liên Thúc nói:" Phải! Kẻ đui lấy gì để xem thấy được cái đẹp của văn- hoa: kẻ điếc lấy gì để nghe được tiếng chuông tiếng trống. Há chỉ có hình hài mới có đui điếc đâu… trí cũng có đui điếc. Theo lời nói ấy thì ngươi nay cũng thế. Kể như người ấy, đức ấy cùng vạn vật hỗ chụy đi làm cái việc của thiên hạ. Người ấy không vật nào hại đặng. Nước cả đụng trời mà không làm họ chết chìm được, nắng cả chảy mềm sắt đá, cháy núi thiêu đất cũng không làm cho họ chết nóng được. Đồ bụi bặm. Cặn bã của thần nhơn ấy cũng đúc thành được hạng người của Nghiêu Thuấn. Ai đâu lại khứng đi làm công việc cho ngoại vật!

Người nước Tống buôn mũ Chương phủ, sang nước Việt. Người nước Việt thì cắt tóc ngắn và xăm mình, không dùng mũ ấy làm gì. Nghiêu trị trăm họ trong thiên hạ, bình trị được trong nước, bèn sang qua núi Diễu- Cô Tạ để ra mắt bốn Thầy. Họ có cái vẻ sâu xa làm sao mà Nghiêu Thuấn quên mất thiên hạ của mình.

G. Huệ- tử vị Trang tử viết: Ngụy vương di ngã đại hố chi chủng, ngã thọ chi thành, nhi thật ngũ thạch. dĩ thạnh thủy tương, kỳ kiên bất năng tự cử dã. Phẫu chi dĩ vi biều, tắc hồ lạc vô sở dung. Phi bất hiêu nhiên đại dã. Ngô vi kỳ vô dụng nhi phẫu chi. Trang tử viết: Phu tử cố chuyết ư dụng đại hĩ. Tống nhơn hữu thiện vi bất quy thủ[xxvii] chi dược giả, thế thế dĩ bình tích khoáng vi sự. Khách văn chi, thỉnh mãi kỳ phương bách kim. Tụ tộc nhi mưu viết: ngã thế thế vi bình tích khoáng bất quá sổ kim, kim nhất triêu nhi chúc kỹ bách kim, thỉnh dữ chi."
Khách đắc chi, dĩ thuyết Ngô vương. Việt hữu nạn, Ngô vương sử chi tướng… Đông dữ Việt nhơn thủy chiến, đại bại Việt nhơn, liệt địa nhi phong chí.

Năng bất quy thủ nhất dã. Hoặc dĩ phong, hoặc bất nhiên ư bình tích khoáng, tắc sở dung chi dị dã. Kim tử hữu ngũ thạch chi hồ, hà bất lự dĩ vi đại tôn nhi phù hồ lạc vô sở dung. Tắc phu tử du hữu bồng[xxviii] chi tâm dã phù.

G. Huệ- tử gọi Trang tử, nói: Ngụy vương tặng tôi một giống dưa to. Tôi trồng nó có trái nặng đến năm thạch. Dùng nó đựng nước, nó nặng, không cất nhắc được. Bổ nó ra làm cái bầu, thì lại không còn dùng được chỗ nào. Đâu phải nó không to lớn, nhưng vì cho nó là vô dụng nên tôi đập bỏ nó.

Trang tử nói: Thế là phu tử vụng về chỗ đại dụng nó. Nước Tống có người khéo chế được môn thuốc chữa răn nứt da tay, đời đời chuyên làm nghề ươm tơ. Có người hay biết, đến xin mua phương thuốc đó một trăm lượng vàng. Anh ta bèn nhóm thân- tộc bàn rằng:" Nhà ta đời đời làm nghề ươm tơ, lợi không hơn số vàng đó. Nay một mai mà được trăm vàng, xin để cho bán."

Người khách được phương thuốc, đem thuyết vua Ngô. Nước Việt có nạn, vua Ngô sai anh làm tướng. Nhằm mùa đông, thủy chiến với người Việt, người Việt đại bại. Vua Ngô bèn cắt đất mà phong thưởng anh ta.

Cũng thời cùng một phương thuốc trị răn nứt da tay mà một người được thưởng phong, một người không ta khỏi cái nghề ươm tơ: đó là tại chỗ biết dùng mà khác nhau vậy.

Nay phu tử có trái dưa nặng đến năm thạch, sao không tính dùng nó làm trái nổi thả qua sông qua hồ, mà lo chi hồ vỡ bầu tan, không có chỗ dùng? Thì ra vì cái lòng của phu tử hẹp hòi chưa thông đạt đó.

H. Huệ tử vị Trang tử viết: Ngô hữu đại thọ, nhơn vị chi Vu. Kỳ đại bổn ủng thũng[xxix] nhi bất trúng thằng mặc. Kỳ tiểu chi quyện khúc, nhi bất trúng quy củ. Lâph chi đồ, tượng giả bất cố. Kim tử chi ngôn đại nhi vô dụng, chúng sở đồng khử dã.

Trang tử viết: Tử độc bất kiến lỳ tinh[xxx] hồ, ti thân nhi phục, dĩ hậu ngao giả, đông tây điệu lương, bất tị cao hạ, trúng ư cơ tịch, tử ư võng vổ. Kim phù thai ngưu, kỳ đại nhược thuỷ thiên chi vân, thử năng vi đại hĩ, nhi bất năng chấp thử. Kim tử hữu đại thọ, hoạn kỳ vô dụng. Hà bất thọ chi ư vô hà hữu chi hương[xxxi], quảng mạc[xxxii] chi dã, bàng hoàng hỗ vô vi kỳ trắc, tiêu diêu hồ tẩm ngọa[xxxiii] kỳ hạ, bất yểu cản phủ, vật vô hại giả. Vô sở khả dụng, an sở khốn khổ tai!

I. Huệ- tử gọi Trang tử, nói:" Tôi có côi cây to, người ta gọi nó là cây Vu. Gốc nó lồi lõm không đúng dây mực. Nhánh nhóc nó thì cong queo không đúng quy củ. đem trồng nó ở đường cái, người thợ mộc cũng không thèm nhìn. Nay lời nói của ông to lớn mà vô dụng, nên người người đều không thèm nghe."

Trang tử nói:" Ông riêng chẳng thấy con mèo rừng đó sao? Con người mình đứng núp, rình vật đi rong, nhảy tây nhảy đông, không hiềm cao thấp, kẹt trong dò bẫy, chết nơi lưới rập. Đến như con thai- ngưu, lớn như vầng mây che một phương trời, kể ra cũng là to thật, nhưng cũng không bắt được chuột. Nay ông có cây to, lại sợ nó vô dụng. Sao không đem nó trồng nơi tịch mịch, giữa cánh đồng rộng bao la. Khách ngao du không làm gì, ngồi nghỉ dưới gốc nó, khách tiêu diêu nằm ngũ dưới bóng nó. Nó sẽ không chết yểu vì búa rìu, cũng không sợ vật nào làm hại. Không có chỗ nào có thể dùng được, thì khốn khổ từ đâu mà đến được?"

________________

Phù diêu dương giác: gió trốt lớn, xoáy tròn như hình cái sừng dê rừng.

[ii] Xích yển: Xích, là cái hồ nhỏ; yển, là loại chim sẻ.

[iii] Biện: ở đây là sự phân biệt. Quách Tượng chú đoạn nầy, cho rằng không có lớn nhỏ, vì nếu" mỗi vật đều biết yên với cái Tánh của Trời phú cho mình, thì sao có buồn lo vì chỗ không đồng nhau." Đó là ông giảng sai với bản ý của Trang- tử.

Xem kỹ văn mạch của chương nầy, ta thấy rằng chỗ mà Trang- tử bảo" con ve và con chim cưu nhỏ không làm sao hiểu được cái hành động của chim Bằng", thì cũng như ở thiên Thu Thủy ông bảo" con ếch nằm đáy giếng làm gì thấy được cái rộng lớn của bể Đông".

Một đoạn văn sau trong thiên nầy, chỗ mà Kiên- Ngô kể chuyện của Tiếp- Dư bảo rằng" đại nhi vô- đương", chỗ mà Huệ- tử chê lời nói của Trang- tử " đại nhi vô dụng", tức cũng là chỗ mà Lão tử trong Đạo- Đức- Kinh bảo" hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi" vậy.

Huống chi trước đây ông cũng đã nói: tiểu trí bất cập đại trí ; tiểu niên bất cập đại niên, triêu khuẩn bất tri hối sóc ; huệ cô bất tri xuân thu, thì thật là chủ ý của ông rõ ràng hết sức. Cho nên, lời chú của Quách Tượng, thật là một sự sai lầm to tát vậy, vì đã giảng nghịch lại với ý chánh của họ Trang. Câu nói nầy của Lão tử rất cần để cho ta tự nhắc nhở lấy khi cầm bút bình giảng tư tưởng trong Nam- Hoa- Kinh:" càng muốn làm cho thật sáng, lại càng làm cho ra tồi!" Vì vậy, ít bình giảng chừng nào càng tốt, mà đừng bình giảng gì cả, càng hay! đọc Trang- tử cần nhất là đọc ngay Trang- tử mà đừng đi qua các nhà bình giảng trước, hoặc nếu đi qua các nhà bình giảng trước, hãy quên phứt họ đi, để đi ngay vào chánh văn của Trang- tử.

[iv] Nhi đọc là Năng: cổ tự hai chữ này dùng lẫn nhau.

Trưng: là tin cậy được, được tín nhiệm.

[v] Nội Ngoại chi phận: đây là chỉ về cái Ta bên trong, và ngoại vật bên ngoài.

[vi] Vinh của ta, nhục của người: Vinh cho ta, tức là nhục cho người.

[vii] Thọ, là đứng vững: chỗ gọi là" chí đức cũng chưa được vững". đây là muốn nói rằng: người như Vinh tử chưa đủ cho ta ngưỡng mộ vậy.

[viii] Liệt- tử: người nước Trịnh, tên là Ngự- Khấu.

[ix] Lãnh- nhiên: nhẹ nhàng êm ái

[x] Phúc: tức là không có gì trở ngại cả. trí phúc, là muốn nói rằng Liệt- tử cỡi gió mà tuyệt không có vật nào trở ngại sự họat động của ông cả, ông tha hồ tới lui thong thả.

[xi] Câu này" thử tuy miễn hồ hành, du hữu sở đãi giả dã" cùng với câu trên" tuy nhiên du hữu vị thọ dã" đều cùng một dụng ý: chưa phải là đáng ngưỡng mộ, là đã đến mức hoàn toàn.

[xii] Lục khí: là khí Âm, khí Dương, Gió, Mưa, Tối, Sáng(Âm, Dương, Phong, Vũ, Hồi, Minh). Biện phải đọc là Biến. Xưa hai chữ này dùng lẫn nhau. Chữ" Chánh" đây, là của Âm, Dương(Thiên- Địa; Càn- khôn) đứng chỉ huy cái biến của lục khí…(nắm giềng mối của tất cả hiện tượng trong Trời Đất).

[xiii] Vô kỷ, vô công, vô danh: Thôi- tuyền cho rằng" Vô công, vô danh" là " không lập công, không lập danh". Giảng giải như thế, không ổn nếu không nói là sai. Nhân thế mới có người hiểu theo đó và cho rằng cái học của Trang- tử là cái học yếm thế, hay xuất thế.

Nếu hiểu câu" vô công" là " không lập công", thì câu" vô kỷ" cũng phải có nghĩa là " không lập mình" hay sao và như thế nghĩa nó là gì? khí văn phải nhất quán, và câu nầy phải hiểu là" không có mình", " không có công", " không có danh", nghĩa là không nghĩ đến mình. Bậc được Đạo, không còn có thấy mình nữa(tức là cái tiểu ngã của mình); không còn thấy có mình nữa, thì làm sao còn nghĩ đến công mình, và danh mình.

Lão tử cũng có nói" công toại nhân thoái", " vi như bất thị", " công thành phất cư"…(nên việc, lui thân, làm mà không cậy công, thành công rồi không ở lại…tức là không nghĩ đến sự lưu danh).

Như vậy, không thể gọi Lão học là cái học yếm thế hay xuất thế… vì" không lập công", " không lập danh".

Nên biết rõ rằng chủ trương cứu cánh của hai học thuyết ấy là cái học" huyền đồng vật ngã", không còn thấy có Trong có Ngoài, có Ta có Người nữa. Cho nên không thể hỏi người đắc Đạo là người xuất thế hay yếm thế, là vì đối với họ người với ta là một, Ngoại và nội là một, xã hội và cá nhân là một. Cũng như cá và nước là một, không thể không có nước mà cá sống. Cho nên sở dĩ con người phải lo cho xã hội là vì không có xã hội, cá nhân không sao phát triển được cái sống của mình. Lo cho xã hội không phải là phận sự mà là lẽ tất nhiên phải lo, không lo không đặng, hai lẽ ấy chằng chịt dính líu với nhau, không sao rời nhau được. Cho nên có thể hiểu rằng: nói là lo cho đời, mà chính là lo cho mình; hoặc trái lại, nói là lo cho mình, mà chính là lo cho đời đó.

Cho nên, nói rằng cái học của Lão Trang là cái học yếm thế, tức là chưa hiểu rõ cái chủ trương" huyền- đồng vật ngã" của các ông- vậy chớ phản- đối chế độ hiện hành của thời đại, phản đối Nho Mặc, phản đối cái Đạo hữu- vi đã làm thống khổ nhân dân…không phải đó là một cách tiêu cực lo khang- kiện- hóa xã hội là gì?

Vấn đề nhập thế xuất thế ở đây đã được đặt ra. Và dĩ nhiên, tương đối mà nói thì Lão cũng như Trang đều chủ trương sự thực hiện cái Đạo nơi mình trước hết, trước khi nghĩ đến việc ra lo giúp đời. Sự thực hiện bản thân là một vấn đề cần có sự cô lập và tĩnh tâm, cho nên dĩ nhiên là phải thiên về đời sống cá nhân nhiều hơn. " Tự giác nhi giác tha" của Nhà Phật, cũng như" dĩ tu nhân vi bồn" của Nho gia, phải nặng về sự yên tĩnh và lo về đời sống bản thân trước vấn đề xã hội.

Giáo sư A.W. Watts, trong quyển The Way of Zen lại cho rằng:" Đạo giáo là công việc của những người lớn tuổi, đặc biệt là những kẻ đã từ bỏ cái đời hoạt động xã hội. Sự từ bỏ đời sống họat động xã hội ấy chứng tỏ rằng họ đã có đi đến được một sự giải thoát nội tâm rồi đối với những lề lối suy tư cùng hành động giả tạo của xã hội bên ngoài. Đạo giáo, vì vậy là một sự đeo đuổi theo một thứ hiểu biết tự nhiên, chứ không còn thuộc về cái hiểu biết ước lệ giả tạo theo xã hội nữa, cái thông hiểu trực tiếp với lẽ sống thật, mà không phải trải qua sự trung gian của một ý tượng tinh thần theo nét gạch và tượng trưng."

[xiv] Tước hỏa: cây đuốc, một đóm lửa nhỏ.

[xv] Thi: là làm chủ. Lại cũng có nghĩa là tượng thần, là người có chức nhiệm nhưng không làm gì cả.

ở đây ta có thể hiểu là hư- vị, một địa vị tượng trưng như một pho tượng thần vậy thôi.

[xvi] Đại: thay thế.

[xvii] Tiêu liêu: chim nhỏ.

[xviii] Yển thử: chuột đồng.

[xix] Đại nhi vô- đương: lớn mà không đúng với thực tế. Đại ngôn, tức là lời nói khoác.

[xx] Kinh- bố: Bố nghĩa là sợ; kinh- bố là kinh sợ.

[xxi] Kính- thính: chữ đình ở đây, phải đọc là thính, có nghĩa là xa xôi, diệu vợi.

[xxii] Náo- ước: diện mạo đẹp đẽ, lại cũng có nghĩa là vẻ người yểu điệu, mềm mại, dịu dàng.

Chữ náo cũng viết là xước.

[xxiii] Xử tử: đọc là xử nữ(tức là người con gái chưa chồng).

[xxiv] đọc là nhữ(thay vì nữ).

[xxv] Tỉ- khương: bã lúa, trầu. Tức là cặn bã.

[xxvi] Yểu- nhiên: phong thái sâu xa.

[xxvii] Bất quy thủ: không làm răn nứt da tay.

[xxviii] Bồng: Bồng chi tâm là cái lòng hẹp hòi chưa thông đạt.

[xxix] ủng thủng: lồi lõm, gồ ghề, gút mắt.

[xxx] Ly tinh: tức là một thứ mèo rừng.

[xxxi] Vô hà hữu chi hương: tức là chỗ tịch mịch.

[xxxii] Quảng mạc: rộng lớn

[xxxiii] Tẩm ngọa: nằm ngủ.

“Tỉnh dậy trong mưa”


 Mai Văn Phấn




1.

Mở cửa trong ngày mù trời
Mưa bụi ùa vào ẩm ướt

Khơi lửa lò
Cho khô nhanh áo khăn
Nhung nhớ

Nuốt ngụm môi em
Đầu trần ngó qua cửa sổ
Con bồ câu đậu xuống mái hiên
Mưa giăng mắc bộ lông ánh tím

Ở đâu bây giờ cũng có gió xuân
Bức tường vôi vân vi máu chạy

Chẳng cần vỗ cánh
Chẳng cần bay đi
Con bồ câu và anh
Chồi lên thành lộc biếc.

2.

Chăn ấm không sao ngủ được
Tưởng tượng em đến mở trần nhà
Thả lọn tóc cuộn anh thật chặt
Nhấc bổng lên lơ lửng trong đêm

Quay theo gió
Chốc lại chạm anh vào mặt hồ giá lạnh
Đất ải tơi
Vạt cỏ đầm sương

Buông anh xuống!
Em buông anh xuống!

Khoảnh khắc ấy anh thành hạt giống
Bật phôi rễ và trổ lá mầm

Để trái chín, rượu ngon được cất
Và trứng chim được ủ ấm qua đêm
Anh giữ mãi tưởng tượng này đến sáng.

3.

Buông anh như gieo hạt

Tỉnh dậy cỏ cây láng ướt bầu trời
Mưa quần tụ mái nhà gõ nhịp
Mặt đất mềm hơi thở lan nhanh

Em luống cuống kéo chăn che ngực
Ngỡ ai qua đây xếp lại căn phòng

Giấc mơ ấy vẫn còn dang dở
Chợt rộ lên từng đợt lá non

Vùi vào nhau hạt mầm bé nhỏ
Rơi trong nụ hôn tinh sương.

4.

Trái đất bắt đầu vòng quay khác
Nhanh hơn

Mặt trời về với bóng tối
Hoa trái, dấu chân
Những ngôi nhà kín cửa

Đàn ong thợ bay về
Không còn chiếc tổ và con ong chúa
Hương đất lạ hạt mưa

Con ngựa trời say tốc độ
Lảo đảo bám chặt nhành cây
Đại bàng xoải cánh đỉnh núi
Biển dồn nghẹn thở cửa sông

Hôn em thật lâu ghi dấu
Nơi đây. Giờ này
Đám mây kia xuống thấp
Buổi uyên nguyên trái đất quay về.

5.

Tổ chim đất đỏ au
Cuộn cây rừng
Suối chảy
Đan bằng tầm nhìn

Em sinh anh thành một, hai, ba…
Phân thân muôn vàn
Riêng anh
Riêng anh nữa

Một, hai, ba… hôn em
Lòng tổ chim đầy nắng
Ngầy ngậy mùi củ rừng
Tràn hương hoa rừng

Cho dù ở đâu
Đan vào nhau thành tổ.

6.

Ta gần nhau thêm
Trước khi ban mai trong suốt kéo lên

Bóng cây chợt tỉnh hoa xoè
Con nhện nước làm tổ trong rơm rạ mục
Rễ cỏ hương bài
Lòng đất quặn sâu

Nước chảy
Cứ chảy
Giữ đôi ta lại

Mỗi nụ hôn mở thêm cánh cửa
Níu chặt tay nhau
Bám chặt tay nhau
Không thất lạc

Bỡ ngỡ cùng cơn mưa nặng hạt
Nhận ra đôi tay bé thơ
Bàn chân chập chững
Đi lên đất

Hình như ngày đã muộn
Vẫn dìu nhau đi xem ban mai.

7.

Ảnh chụp em bước lên bờ đá ven biển
Anh tình cờ nhìn bức tranh khác
Hình dung em một chấm nhỏ trên đồng
Vẽ bằng giọt màu phất nhẹ

Triền cát mịn
Lối lên bờ là cánh đồng
Tóc em gió cuốn nơi tàng cây yên lặng

Ước sao lúc này đàn chim bay qua không sợ hãi
Sà xuống nhặt những hạt thóc

Anh sẽ tha cho lũ chuột đồng đói khát chui từ ổ đất
Tha cho cơn giông làm bông lúa rụng hạt
Tha cho cả nắng rát bỏng
Nắng hây hây, nắng xế
Làm cánh đồng lúa chín rộ lên.

8.

Sóng Bạch Đằng trùm lấp
Phù sa trên vai anh

Đóng chiếc cọc sâu cột cánh diều
Tạ ơn cha mẹ

Lặng yên rễ sú, rễ bần xoắn bện
Lau lác, mặt trời bờ nước lao xao

Ấp mình trong cỏ
Vùi vào em bàn tay tí hon

Con cá lớn bị quăng lên mặt đất.

9.

Anh cúi xuống nhặt vật bất kỳ, viên sỏi, cọng rơm khô, sợi tóc ai rớt xuống… Nỗi nhớ nhắc anh, áo quần em mang, giày dép bong ra, một phần da thịt.
Chạm vào anh biết viên sỏi rất mềm, cọng rơm khô trĩu nặng, sợi tóc thở nhẹ.
Anh cầm rất lâu.
Gieo xuống đất. Tung lên trời và hứng một hạt mưa.

10.

Dang tay vươn thở
Sải mình
Mở cùng nước

Cơ thể anh
Cánh cửa nhỏ bé

Gập mình dịu mát
Thả lỏng
Sắp đặt lại xương cốt
Dòng nước cuốn từng tế bào chết

Nằm xuống cỏ hít sâu
Nén trời cao
Tiếng chim thổi bung gió lộng

Là mầm cây, bàn tay gieo cấy
Là mồi câu, đăng lưới, rong rêu…

Dập dồn sóng
Đổ lên boong tàu tưởng tượng.

11.

Đầu lưỡi chạm kem bơ
Hình bông hoa
Chân mây ai vẽ

Anh cắn vội
Và ăn ngập ngừng
Muốn em biết anh đang ở đây

Miếng bánh cắn dở ở đây
Đàn vịt lội
Mùa ong đi hút mật

Bánh qua lò bột mịn bông tơi
Đặt bên cạnh trà thơm, dao sắc.

12.

Nhớ em khi anh đọc sách. Khung cảnh hình dung từ trang sách đang chuyển động trong ánh nhũ bạc. Một nhân vật trong truyện vừa rửa tay bằng ánh trăng lấp lóa. Mùi trăng quyện thịt da chảy xuống rãnh đất sâu, chốc lại ngoi lên một bông lau phơ phất. Văn bản tiếp cảnh sương mù trong bản nhỏ. Thiếu nữ chân trần gùi gạo vào rừng. Vạt rừng đầy trăng sáng. Một người nằm ngủ, mơ có quả bứa vàng xếp thành ngai dưới trăng chờ anh ta thức dậy… Ánh sáng không có trong văn bản, anh tưởng tượng thêm hình ảnh dưới trăng. Những chuyện đầy trăng.

13.

Từ hốc đen tra hạt
Đọt mầm bật dậy
Chim bay

Ngọn rễ non biết được
Đất ôm trời đã lâu

Căng tràn nhựa mật
Vỏ hạt vừa buông
Thả ngắt xanh về tít tắp

Ngày lên thăm thẳm
Lá mầm che mặt đất sum suê.

14.

Nhụy hồng tươi
Cánh trắng tinh khôi
Mở bầu trời hơi thở

Thở cỏ xanh
Đá tai mèo, miệng vực
Tiếng vượn thở thịt da hoang dã

Hương thơm cùng sắc hoa mê dụ
Chạm vào anh rồi tan ra
Tan ra

Đôi môi anh làm mỏ chim ong (*) hút nhụy
Đập cánh liên hồi bay tại chỗ.
_______________
(*) Chim ong có cặp mỏ dài, khi bay thường dừng một chỗ để hút mật hoa.

15.

Xương cốt mùa đông
Da thịt mùa xuân
Hoa loa kèn mở cánh trắng muốt

Thoang thoảng hương
Tràn khắp gian phòng

Anh vươn về lọ hoa
Xoay tất cả đài hoa sang hướng khác

Cuống hoa tựa vào anh biếc xanh

Chờ từng giọt cafe
Màu trắng tinh khôi thổi trên đầu như bão.

16.

Mùa cây đậu quả
Ôm gió nặng nề

Anh là dưỡng chất
Cho cây đỡ mệt

Áp vào thân
Nghe chim hót
Xương cây máu chảy
Thụ phấn nhụy hoa

Nhú quả xanh
Nuốt nước miếng có vị chát

Gió cuộn anh vào cây
Cho trái chín.

17.

Bông hoa khổng lồ
Ôm anh ngủ

Cuống hoa tới đỉnh trời
Không thấy gốc cây

Suốt giấc mơ hoa không héo
Gần sáng cánh như co lại
Thành nụ

Anh biết mình đã trọn kiếp mơ
Một kiếp yêu tỉnh lại

Chạy về cuối làn hương
Gặp con đường

Chạm một bông hoa bé tí
Mọi cuống hoa trên mặt đất rung lên.

18.

Hạt mưa chạm mặt anh khỏa nhẹ.

Tiếng mưa dâng bầy thủy sinh, vây cá lượn lờ. Con tôm cong mình búng giật trong cơ thể anh nghẹn sóng.

Đừng mưa lây rây, mưa nhỏ giọt, mà xối xả lòng suối, lòng hồ, lòng đá mềm giãn nở. Cánh tay trần vực dậy thân cây. Những nụ mầm ướt.

Mưa chạm vào da vào lưỡi, gợi đường cong và eo lưng mưa.

Tiếng sấm nổ vào thời khắc anh hình dung con cá lớn quẫy khỏi cơ thể. Ngoi lên. Ung dung bơi đi trong mưa.

19.

Anh nhìn vòm phượng vỹ gặp mặt nước tóc bồng sương sớm
Miệng cười sóng động

Em thường quên đi bên cạnh có hồ
Hơi nước dâng cho em nói cười, trang điểm

Bất chợt trên đường em thấy mát
Đi đâu hồ cũng theo em
Ai tưới nước lên từng phần cơ thể
Sóng cuốn em đi, dìm tận đáy sâu

Em mở cửa nhìn xuống con đường tấp nập xe cộ
Qua chậu ngải hương có đoạn dây điện nhà bên thõng xuống

Gần em mặt hồ trải rộng
Thành đôi mắt nhìn anh.

20.

Đâu biết bao nhiêu bông hoa trong bình
Tôi cúi xuống đài sen

Nhớ mình đã ngồi xuống ghế
Cầm cốc nước
Tựa vào mép bàn

Hương sen đưa tôi lên đỉnh núi
Mặt đất, mây bay vội
Không bước chân, tiếng động thú rừng

Nhớ mình là viên đạn, cái gai
Mũi tên sắc nhọn ướp sen trên đá

Lúc này sao còn liên tưởng tới mũi tên, viên đạn, cái gai?

Hương hoa thanh khiết phủ đá núi
Phủ lên cỏ cây thiếu đất cỗi cằn
Con thằn lằn bạo dạn
Trong khoảng không thưa vắng bóng người

Ngước lên cao để hương sen không đưa tôi đi xa nữa
Kìa một… hai… cánh hoa vừa rụng
Chạm vào mặt đất như có tiếng kêu.

21.

Bức ảnh mịn màng thơm
Bởi nắng mai
Hoa sen bên cạnh

Từng cánh hoa trắng muốt
Giăng kín khoảng không

Theo làn hương
Anh len qua mắt em
Nữ trang, khăn áo

Mở ngăn tủ tìm cuốn sách
Chọn màu giấy mực
Đợi ngấm trà
Pha thêm nước sôi

Bận nhiều công việc
Chợt nở thêm mấy bông hoa
Bên khung ảnh không có cánh cửa.

22.

Xối đi
Ngấm xuống
Trong đất khô gốc cây đang hấp hối

Sợi rễ tua tủa - thiếu máu - chới với
Ở đâu la đà, mướt xanh?
Ở đâu quang hợp?

Chạm vào nước
Chùm rễ cất cánh

Thân ứ căng dòng nhựa lên ngọn
Nứt vỡ vỏ cây
Mặt đất, khoảng không

Gió ở đâu?
Chim chóc đâu?

Ai lay mạnh gốc cây một lúc

Chỉ cần nghĩ thế
Nước mát lan đi khắp cơ thể anh.

23.

Nấp trong anh
Nghe anh lặng im, cười nói
Chân lồng vào đôi chân
Tay em cho anh cử động

Giữa mùa hè
Nắng từ mặt sóng dồn dập
Hắt lên lấp lóa, lấp lóa
Em nâng tay anh lên che mặt

Đàn cá phơi vảy bạc
Cắt những đường nước thẳng tắp
Chia mặt biển thành nhiều phần

Anh thót ngực trước cảnh đẹp
Vừa hiện ra
Đã tan trong sóng xanh

Sao em nằm trong ngực
Không mách giùm anh điều gì.

24.

Cắn trái táo, em bảo
Trong ấy là biển
Dòng hải lưu ngọt thơm

Biển chín trên cành
Lòng biển
Đất sâu cội rễ

Cửa biển lồng môi em anh
Ăn bờ xâm thực
Dừng lại nơi ta đứng
Người người đang yêu

Ngoài biển nước ngọt
Lạch nguồn
Cơn mưa vẫn ngọt

Em bảo dẫu bằng trái táo
Nếu gian dối biển sẽ dìm anh chết.

25.

Thân cây đứng
Giữ bầu trời quả chín.

26.

… mưa rơi xuyên thấu…

Ngọn sóng câm nín
Đá núi sừng sững
Rễ cây bất động xiên ngang
Trứng chim nằm trong lòng mẹ
Con thạch sùng bất động
Chuông ngừng kêu
Mây cuộn đỉnh tháp
Vỉa hè thoáng chốc đứng im

… mưa rơi xuyên thấu…

Sóng lao xuống vực
Chuông đổ liên hồi
Đàn chim vỗ cánh
Con thạch sùng lên đường
Cùng vỉa hè, đám mây, cây lá…

27.

Kéo mặt đất lên
Thấy nhiều mặt đất ta chưa đặt chân

Cùng em nhìn muôn mặt cắt khuất lấp
Biết mình đã đổi thay và mãi ngây thơ
Ngày mai đang yêu
Trái tim rộn rã thuở ban đầu

Trong hơi thở gấp anh biết
Tay mang hạt giống
Gieo… Gieo…
Ta gieo…

Vô tình hạt rụng trên đường
Trỗi dậy bạt ngàn cây lá

Kéo mặt đất lên cho hơi mát, tiếng chim
Dồn vào nơi thanh vắng
Ánh ngày reo trong đất sâu

Anh đang mở muôn cánh cửa vào mọi đồ vật
Vào khoảng không khác, những thế giới khác.

Xã hội này, ngược đời ghê










Lắm lúc tôi tự hỏi, ai cũng hướng về cái đẹp, ai cũng biết đâu là đúng, đâu là sai, có thể không phải tuyệt đối nhưng phần lớn là vậy, nhưng sao xã hội này lại có lắm chuyện ngược đời như vậy.

Thật lạ khi ai cũng biết vượt đèn đỏ là không tốt, cho cả mình, cả người khác, nhưng sao người ta vẫn vượt?

Thật lạ khi cảnh sát là người thi hành luật pháp, chấn chỉnh xã hội để hướng về một đất nước văn minh, trật tự, ngăn nắp hơn. Nhưng sao họ vẫn ngửa tay ra nhận những đồng tiền hối lộ, chưa bàn đến đúng sai, nhưng rõ ràng họ là những người chấp pháp lại đi phạm pháp, dù họ biết đúng sai, thật ngược đời.

Thật lạ khi biết hút thuốc là xấu, sao cả nước kêu gọi chống thuốc lá, thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng lại có những thầy cô phì phèo điếu thuốc trước mặt học sinh, trong khi họ là những người dạy về tri thức, về những điều đúng sai.

Thật lạ khi 18 tuổi mới được phép đi xe máy, mà sao bạn tôi có ba làm cảnh sát giao thông lại ngày ngày chở mẹ đi ngay từ khi vào lớp 10 thế kia?

Thật lạ khi đi ngang qua khu quân đội, có một bạn nữ mặc áo chiến sĩ nhân dân, lái một chiếc xe tay ga chạy từ trong ra và chẳng thèm đội mũ bảo hiểm.

Thật lạ khi biết không nên, nhưng bố mẹ vẫn dùng những từ ngữ chửi thề trước mặt con cháu mình, để rồi những đứa trẻ coi đó như là một chuyện hiển nhiên.

Thật lạ khi ai cũng biết gia đình là quan trọng nhất, nhưng một vài người vẫn hiếm khi chủ động gọi điện về nhà hỏi thăm, để đến khi cha mẹ xảy ra chuyện thì lại khóc lóc ăn năn.

Thật lạ khi ai cũng biết cha mẹ quan trọng hơn, nhưng một vài người lại dành nhiều yêu thương, giấy bút, tâm trí hơn cho những thần tượng ở đâu đó.

Thật lạ khi người ta biết mình chưa giàu, nhưng họ vẫn ăn chơi, vẫn nhậu nhẹt mỗi khi đi làm về.

Thật lạ khi chưa làm ra tiền, mà một vài người lại xài nhiều tiền hơn những người đang cố gắng lao động mỗi ngày.

Thật lạ khi con người ta tạo ra công nghệ, để rồi họ bị công nghệ làm chủ và rồi đổ hết thất bại của mình cho game, cho mạng xã hội, cho laptop, cho smartphone trong khi chính họ là người lựa chọn sa đà vào đó.

Thật lạ khi còn nhỏ, ai cũng muốn sớm trưởng thành, lớn lên rồi thì ngược lại.

Thật lạ khi biết vứt rác bừa bãi là chuyện không hay, nhưng người ta vẫn cứ làm mỗi ngày.

Thật lạ khi con người ta trước mặt thì yêu thương, sau lưng lại nói xấu nhau với những người khác.

Thật lạ khi ai cũng biết mình đang mang mặt nạ, nhưng ít ai dám gỡ chính cái mặt nạ mà mình mang cả.

Thật lạ khi một mối quan hệ kéo dài hằng trăm ngày, tính bằng đơn vị năm lại dễ dàng bị hủy hoại bởi một vài câu nói, hay một vài phút nóng giận.

Thật lạ khi người ta biết phun thuốc, chế biến đồ ăn không hợp vệ sinh, mua những nguyên liệu không rõ xuất sứ, nguồn gốc rất không tốt cho sức khỏe của người khác nhưng họ vẫn làm nó mỗi ngày.

Thật lạ khi người ta biết mỗi ngày dành ra vài mươi phút tập thể dục nhẹ nhàng sẽ khiến ta khỏe mạnh hơn, minh mẫn hơn, nhưng lại không nhiều người làm điều đó.

Thật lạ khi người ta biết không nên thức khuya, không nên ăn quá nhiều, không nên bỏ bữa ăn nào trong ngày cả, nhưng họ vẫn làm điều đó mỗi ngày.

Thật lạ khi biết quay cóp là xấu, nhưng người ta vẫn làm nó khi có thể.

Thật lạ khi ai cũng biết thành công không nhất thiết phải kiếm được thật nhiều tiền, nhưng họ lại dùng tiền để định nghĩa thành công.

Thật lạ khi học sinh, sinh viên biết ba mẹ phải trả không ít tiền cho họ đi học trung học, học thêm, học đại học, nhưng họ vẫn trốn học mỗi khi họ muốn…

Thật là lạ mà…
Bạn còn thấy có gì lạ trong xã hội ngược đời này nữa không?



Black Eagle

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

THÓI QUEN "VĂN CHƯƠNG" TRONG NỀN SÁNG TẠO THƠ VĂN TIẾNG VIỆT



Văn chương! Không biết ai là kẻ đầu tiên áp đặt hai chữ văn chương vào văn học Việt Nam.

Với ảnh hưởng Trung Hoa lâu dài trong quá khứ người ta có thể suy đoán có lẽ ngày xưa các cụ vì sính chữ Tàu nên kéo danh từ này về nước làm khuôn mẫu cho những sáng tác thơ vịnh. Nói như thế cũng chưa hoàn toàn chuẩn. Vì một sự du nhập văn hóa nào nếu không được ưa chuộng hoặc không thích hợp với bản sắc của môi trường mới, chưa chắc đã tồn tại và bắt rễ mọc cây vào mảnh đất này.

Theo định nghĩa chiết tự Hán Nôm: Văn là vẻ đẹp. Chương là vẻ sáng. Văn chương có nghĩa là vẻ đẹp đẽ sáng sủa của một sáng tác. Ðịnh nghĩa này có vẻ thiên về hình thức hơn về nội dung của một sáng tác thơ văn.

Có phải điều này đã trở thành châm ngôn tối thượng đi vào văn học Việt Nam. Nhấn mạnh mặt "văn chương". Chú ý hình thức, cách trình bày, điệu nghệ của một đoạn văn, nhịp tiết tấu của những vần thơ, đã trở thành một tiêu chuẩn căn bản để định giá những sáng tác thơ truyện tiếng Việt hay ho từ xưa đến nay.

Nhìn lại văn học tiếng Việt ba tác phẩm cổ nổi tiếng là Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều và Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thị Ðiểm. Ðây là những tác phẩm được xem như là gia bảo của nền văn học Việt Nam từ trước đến nay.

Tác phẩm được nâng niu hàng đầu là Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Trước tiên xét về mặt nội dung suy tưởng. Ðoạn Trường Tân Thanh được biết đến với đề tài Tài Mệnh Tương Ðố "Chữ tài liền với chữ tai một vần". Thúy Kiều nhân vật chính của truyện là một cô gái tài sắc đã gặp truân chuyên trắc trở cuộc đời đến mười lăm năm. Ðây là tác phẩm có nội dung suy tưởng của một đề tài cao. Nhưng ý chính của tác phẩm, tài sắc của con người đi cặp kè với hoạn nạn, "càng cao giá ngọc càng dày gian nan" của Nguyễn Du không phải là một suy tưởng phổ quát cho con người ở bất cứ đâu thời đại nào hoặc bất cứ hoàn cảnh nào. Lịch sử nhân loại cho thấy nhiều gương danh nhân thế giới có những cuộc đời huy hoàng thành công vượt bực nhờ tài năng và nhan sắc của họ. Chứ không phải hễ ai tài sắc cũng đều gặp một cuộc đời khốn nạn như cuộc đời nàng Thúy Kiều nhà mình.

Truyện Kiều vẫn được truyền tụng trong dân gian vì những câu thơ Nôm bất hủ của Nguyễn Du. Nghệ thuật tả cảnh "Dập dìu tài tử giai nhân. Ngựa xe như nước, áo quần như nêm", tả tình "Tình trong như đã mặt ngoài còn e”, tả người “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang". Nghệ thuật mô tả của Nguyễn Du siêu đẳng. Nhờ nghệ thuật mô tả của ông mà những nhân vật song mãi với người đọc. Thơ văn tiếng Việt được yêu chiều “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng nước ta còn ..." (Phạm Quỳnh, trong 327). Truyện Kiều còn đạt được mức độ tài hoa nhất của thi ca Việt Nam. Cơ hồ đến nay những câu thơ mấy trăm năm đã qua của Nguyễn Du vẫn còn là những câu lục bát tinh hoa nhất của thi ca Việt Nam vẫn được nhiều người thuộc nhất, vẫn được dùng làm gương do sáng tác trong giới cầm bút nhất.

Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều và Chinh Phụ Ngâm của Ðặng Trần Côn là hai câu truyện tâm sự ta thán của những người đàn bà bất hạnh. Cung Oán Ngâm Khúc là khúc ngâm của một người cung nữ đẹp bị quân vương hất hủi.

Chinh Phụ Ngâm là tiếng than của một người đàn bà có chồng đánh giặc xa. Xét về nội dung suy tưởng cả hơi tác phẩm đều đặt thân phận con người trong triết lý Phật giáo. Ðời là bể khổ: "Nghĩ thân phù thế mà đau. Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê" (CONK). Hệ lụy duyên kiếp: Trong cửa này đã đành phận thiếp. Ngoài mây kia há kiếp chàng vay" (CPN).

Tuy đụng chạm vấn đề của triết lý đạo Phật, nhưng cả hai tác phẩm không đưa ra những suy tưởng mở rộng nào, mà suy tưởng trong các tác phẩm này có tính cách định đề khép kín. Ðặt con người trong một định đề đã được triết lý Phật giáo đóng khung: thân phận con người là thế đấy, duyên may phận rủi. Và giờ đây chỉ có nước kêu than mà thốt. Một người thì than oán cay cú (CONK). Một người thì tỉ tê tâm sự' (CPN). Xét về mặt nội dung, cả hai tác phẩm nêu trên không có được những bước suy tưởng phóng tới chính gốc của một tác phẩm sáng tạo, một nét tất yếu toát ra từ những tác phẩm lớn. Ðiều này chính là vì cái định đề đóng khung "định mệnh đã an bài" mà Ðặng Trên Côn và Nguyện Gia Thiều đã ném vào tác phẩm như cái sườn để dựng truyện. Người đọc không tìm được những tranh chấp siêu hình hoặc tranh chấp nhân sinh đến từ những suy tưởng mà chỉ thấy cát thông điệp của triết lý Phật Giáo được diễn giải ra qua những nhân vật, hoặc bàng bạc trong những cách tả cảnh tình tài tình của một người viết hay.

Nhưng Chinh Phụ Ngâm đến tay Ðoàn Thị Ðiểm diễn Nôm đã trở thành sáng rực rỡ trong vòm trời văn học Việt Nam. Với thể thơ song thất lục báu bát Ðoàn Thị Ðiểm đã biến tác phẩm của Ðặng Trần Côn thành một áng thơ Nôm bất hủ. Cùng với Cung Oán Ngâm Khúc, bản thơ Nôm Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thi Ðiểm được tất cả mọi người viết sách biên khảo văn học Việt Nam hết lời ca ngợi về mặt nghệ thuật chữ nghĩa và mô tả. Nhà biên khảo Dương Quảng Hàm viết trong Việt Nam Văn Học Sứ Yếu về Cung Oán Ngâm Khúc như sau: "Lời văn thì rõ là của một bậc túc nho uẩn sư đặt câu thì gọt giũa, cao kỳ; diễn ý thì dùng nhiều chữ bóng bẩy và nhiều điển cổ . Văn Nôm trong muốn ấy thật đã tới một trình độ rất cao". (Dương Quảng Hàm trang 218).

Qua khỏi ba tác phẩm kể trên, những sáng tác tiếp theo được dùng làm khuôn vàng thước ngọc trong văn học Việt Nam là những sáng tác của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Tú Xương Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Ðình Chiểu ... của thế kỷ mười chín. Trong thời kỳ văn học cực thịnh của tiếng Nôm hay tiếng Nam này, ngoài Nguyễn Ðình Chiểu với chuyện Lục Vân Tiên có tuồng tích chủ đề đâu ra đó, chuyện Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa là một vở tuồng đạo đức. Và Nguyễn Công Trứ với triết lý sống qua những bài thơ phú của ông. Những sáng tác của những tác giả còn lại kể trên phần lớn đều được ngưỡng mộ vì đấy cũng là những sáng tác thơ Nôm bất hủ. Hồ Xuân Hương được ưu ái tặng cho tước hiệu Bà Chúa Thơ Nôm. Cao Bá Quát được truyền tụng: "Văn thư Siêu quát vô tiền Hán". Trong tập Khảo Luận về Nguyễn Khuyến của Doãn Quốc Sĩ và Việt Tử, Nguyễn Khuyến được các nhà biên khảo này đề nghị như sau: "Bất lực trước thực tại Nguyễn Khuyến lui về ở ẩn. Ngoài bốn cảnh cổ điền cầm, kỳ, thi, tửu, cụ còn tìm quên lãng trong cái mênh mông hiền dịu của thiên nhiên." (Doãn Quốc Sỹ, trang 97).

"Bất lực trước thực tại", có lẽ cũng là trường hợp xảy ra cho Cao Bá Quát, Tú Xương ... Những nhà thơ "lớn" này vì bất lực việc triều đình hoặc thế sự đảo điên đã về nhà làm thơ. Và kết quả nền văn học Việt Nam có được những áng 'văn chương" bất hủ. Ông nào tự trào cũng số một. Cao Bá Quát coi đời bằng vung. Tú Xương tả cảnh ăn chơi tận tình. Nếu dùng những tiêu chuẩn nghiêm chỉnh của thế giới để phê bình giá trị nội dung sáng tác của những tác phẩm này, người ta sẽ không tìm thấy ở đây những giá trị phổ quát, nhân sinh, thâm sâu lồng lộng trời biển nào. Mà phần lớn là những bài thơ bất đắc chí, chỉ nhìn thấy ở đời sống những mặt tiêu cực.

Nhưng những sáng tác của họ đã được không biết bao nhiêu bậc trí thức và tác giả Việt Nam tuyên dương tán tụng đây là những kiệt tác văn chương của Việt Nam.

Thơ của Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát đã từng được Bộ Giáo Dục Miền Nam trước năm 1975 mang vào giảng dạy bậc trung học. Ðiều này chứng tỏ Bộ Giáo Dục đồng ý rằng hễ “lời thơ ý đẹp và sáng" là đáng được dùng làm tiêu chuẩn học hỏi cho bậc hậu sinh. Mặc cho giá trị nội dung tiêu cực đến đâu.

Qua đến triều đại Tự Lực Văn Ðoàn thể văn xuôi mới phổ thông ra đời. Những nhà văn nổi tiếng của nhóm này là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ðạo, Thạch Lam ... Nhất Lỉnh nổi tiếng với những tác phẩm Ðôi Bạn, Ðoạn Tuyệt, Giòng Sông Thanh Thủy, Xóm Cầu Mới. Khái Hưng với Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Trống Mái. Thạch Lam với Sợi Tóc, Hà Nội 36 Phố Phường, Gió Ðầu Mùa ....

Mặc dầu đây là một văn đoàn với những định kiến trói buộc về tôn chỉ mục đích như "theo chủ nghĩa bình dân", “làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa". (Phạm Thế Ngũ, Tôn Chỉ và đường lối sáng tác của Văn Ðoàn, trang 437). Mà theo Phạm Thế Ngũ suy diễn ra là "Diễn tả tự do cá nhân để chống lại luân lý gia đình chuyên chế" (Phạm Thế Ngũ, trang 438). Tự Lực Văn Ðoàn có công trong việc đưa vào tiếng Việt lối viết truyện mới, thoát ra ảnh hưởng của lối viết truyện theo thể văn vần đã chế ngự văn học Việt Nam mấy ngàn năm trước đây. Với những chủ trương đã định sẵn như vậy, người đọc sẽ tìm thấy những chủ định đóng trọn vai trò giao phó của những nhân vật trong các tác phẩm của những tác giả nhóm này. Nhân vật Loan, Thân, Dũng trong Ðoạn Tuyệt, Nhà Mẹ Lê trong Xóm Cầu Mới, hoặc Vọi trong Trống Mái là điển hình. Những nhân vật trong những tác phẩm có chủ đề thường bị rơi vào tình trạng là phải sống, phải suy nghĩ phải đóng những vai trò theo ý định chủ quan của tác giả. Họ không còn một trời một cõi riêng của mình nữa. Sơ hở này thường ít tìm thấy ở những tác phẩm tớn quốc tế. Nếu không muốn nói là những tác phẩm thuộc vào hàng quốc tế này thường được ca ngợi là có những nhân vật có đời sống riêng của nhân vật. Tác giả thành công trong việc biến mất khỏi sân khấu tác phẩm, và hoàn toàn để cho những nhân vật của họ sống tung hê theo câu chuyện. Những tay viết chuyện nhà nghề lừng danh quốc tế vẫn thường được khen ngợi về điểm này.

Thật ra việc tác giả ôm ấp những chu thuyết hoặc chủ đề trước khi dựng truyện, và chủ mưu xây dựng nhân vật hoặc câu chuyện xoay quanh một chủ đề nào đó, xảy ra rất thường. Jean-Paul Sartre chẳng hạn, ông ta là một triết gia trước khi tả một nhà văn. Tuy nhiên mức độ dày mỏng của tư tưởng cộng với tài năng viết văn của tác giả, để khi ra đến quốc tế, được soi rọi như soi rọi trước ống kính hiển vi và được công nhận là một kiệt tác. Thì không phải là chuyện dễ ăn. Mức độ suy tưởng của Sartre về thân phận con người qua anh chàng Roquentin trong La Nausée chắc chắn là sâu sắc, dày. và phổ quát nếu so với mức độ suy tưởng của Nhất Linh về Nhà Mẹ Lê.

Trong mười tôn chỉ của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn đăng trên báo Phong Hóa số 87 ra ngày 2-3-1 933, điều khoản thứ tư có ghi: "Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam." (Phạm Thế Ngũ, Tôn Chỉ và đường lối sáng tác của Văn Ðoàn, trang 437). Có lẽ đây là một chủ trương thành công nhất của nhóm vãn bút này. Lời văn của Tự Lực Văn Ðoàn trong sáng giản dị điều này ai cũng nhìn nhận. Vừa có chủ ý chọn lựa những câu chuyện "bình dân", vừa xứ dụng tiếng Việt giản dị dễ hiểu, những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn đã được chào đón nồng nhiệt ngay lúc vừa ra đời năm 1932. Những đoạn văn tả cảnh, tả tình, tả người của Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng thật đặc sắc làm nổi bật được tinh hoa của tiếng Việt. Lời văn trong sáng lưu loát chính là yếu tố đã tạo ra một bầu khí nhẹ nhàng bàng bạc trong hầu hết những tác phẩm của họ. Nghệ thuật viết văn của các tác giả này cùng với những tài năng thơ văn tiếng Việt khác ở nửa đầu thế kỷ hai mươi như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính,Hồ Dzếnh; đã để lại một dư âm văn học, vẫn thường được độc giả gọi là thơ văn "lãng mạn nhẹ nhàng" của thời "tiền chiến".

Nhất Linh xuất bản Viết Và Ðọc Tiểu Thuyết, Thạch Lam xuất bản Theo Giòng để bàn về kỹ thuật viết tiểu thuyết. Trong thời kỳ phôi thai của thể văn xuôi thời ấy, hai tác phẩm này đều bàn về những kỹ thuật viết tiểu thuyết cho những người muốn đi vào thể văn mới mẻ này. Cả hai đều nhận mạnh những tiêu chuẩn như viết cho đúng sự thực, mô tả tâm lý nhân vật cho tế nhị phải tạo sự rung động ở độc giả, nhà văn là kẻ có trách nhiệm với xã hội ... Những tiêu chuẩn trên phần lớn đều là những tiêu chuẩn muôn thuở trong lĩnh vực viết truyện. Tuy nhiên trên thực tế viết được một tác phẩm hoàn toàn, có tầm vóc của một tác phẩm lớn thiết tưởng không phải là một chuyện thuộc phạm vi nặng phần kỹ thuật. Bởi kỹ thuật là điều có thể học hỏi được. Mà đằng sau những tác phẩm lớn là lồng lộng những suy tưởng cao viễn lẫn bản lĩnh viết lách, cộng với một chút thiên tài và định mệnh!

Ðể thấy rằng có những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn xuất sắc về mặt "văn chương", mô tả chi ly tinh tế tâm lý nhân vật, kể chuyện duyên dáng, xứ dụng ngôn ngữ khéo léo, cốt chuyện mạch lạc, "rằng hay thì thực là hay" nhưng gập những trang sách này lại, người đọc vẫn thấy thiếu vắng những luồng gió mưa bão đến độ xô dạt tâm hồn hoặc những suy tưởng đến làm lùng bủng trí tuệ như khi đọc xong những tác phẩm lớn quốc tế.

Ngoài bút nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, một số nhà văn khác cũng rất thành công trọng địa hạt viết tiểu thuyết ở thời kỳ này như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng ... Một số lớn tác phẩm của các nhà văn này là những câu chuyện xã hội.. Cốt chuyện lôi cuốn, kể chuyện dí dỏm như Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, hoặc cốt chuyện tài tình, kể chuyện mạch lạc như Lá Ngọc Cành Vàng của Nguyễn Công Hoan, đều là những tác phẩm "kể chuyện" hay. Ðấy là những bức tranh xã hội hết sức sống động. Phần lớn những tác phẩm xã hội nói trên khai thác sự bất công xã hội. Và một lỗi lầm dễ bất gặp ở những tác phẩm này là thành kiến. Thành kiến đối với giai cấp phong kiến, cai trị. Ðó là lý do tại sao đảng Cộng Sản khai thác những tác phẩm có giai cấp rõ rệt như Truyện Kiều, chuyện của Vũ Trọng Phụng, của Nguyên Hồng, của Nam Cao .v..v... Vì họ lợi dụng được những tác phẩm này để áp dụng vào việc phát huy chế độ. Một số người đọc đứng về phía kẻ bị áp bức sẽ thấy hả hê, thỏa mãn được tâm lý bị đàn áp. Nhưng đứng ở một phương diện khách quan hơn, những tác phẩm đầy thành kiến kiểu này không đủ tiêu chuẩn nhân bản mở rộng một tiêu chuẩn cốt lõi khác của những tác phẩm lớn.

Phải gọi nền sáng tác dưới chế độ Cộng Sản là một nền sáng tác bất hạnh. Bởi vì dưới chế độ này, ngòi bút của tác giả có sách được xuất bản đều phải phục vụ "giai cấp", phục vụ "Hội Nhà Văn", phục vụ "Đảng". Và người Cộng Sản thì thường thường rất khắc nghiệt và tàn nhẫn với những người bị họ cai trị. Cho nên những tác phẩm được Hà Nội xuất bản dù văn vẻ trau chuốt đến đâu, dù yêu quê hương yêu đồng loại yêu Bác yêu Đảng đến đâu cũng đều chỉ có những giá trị phục vụ chính trị.

Trong khi đó nền văn học miền Nam được tự do hơn. Nếu dùng tiêu chuẩn của số lượng tiêu thụ cao, được độc giả mến mộ, hoặc được đồng nghiệp ca ngợi thì tạm gọi đây là một giai đoạn trên đà phát triển. Và những tác phẩm miền Nam trong giai đoạn này cũng mang những màu sắc riêng của chúng.

Nhưng nếu dùng tiêu chuẩn gắt gao của một người đọc sách nghề thì có thể nói ít tác phẩm nào của giại đoạn này đạt đủ tiêu chuẩn quốc tế. Một tác phẩm có thể được đón nhận nồng nhiệt trong tiếng mẹ đẻ nhưng khi ra đến người quốc tế, thì phải hội đủ những rung động và suy tư để bất cứ người nước nào cũng có thể tiếp nhận được. Những tác phẩm chỉ nói được giá trị thời thế, giá trị địa phương, hoặc chỉ phản ảnh những rung động hạn hẹp và suy tư be bé của tác giả thì khi ra đến quốc tế đụng phải những tay đọc sách tinh đời, chỉ cần liếc qua một trang sách là có thể đọc được trình độ của tác giả, viết cái chi đây, suy tư đến đâu, kiến thức cỡ nào, có chút giá trị nào dưới những câu chuyện này không, có chính gốc sáng tác không hay lại bắt chước ai. Ôi thôi, tiêu chuẩn của những tay đọc sách đã từng ngốn hết bao nhiêu bồ chữ của thiên hạ như thế nào bạn có thể tưởng tượng được, dầu sách bạn dịch ra tiếng nước họ và đem dâng trước mặt cho họ đọc.

Nhìn lại một cách tổng quát những sáng tác truyện của văn học Việt Nam từ trước đến nay, phần lớn thành công về lối "chuyện – kể chuyện", hơn là đạt thành tích về “truyện – lộng truyện”. Trong văn học thế giới nếu có những tác phẩm của Kafka, Beckett, Conrad ... Viết vài chục trang giấy “lộng truyện” khô như nùi giẻ rách mà chứa đựng những suy tưởng xuyên thủng tư tưởng thế giới. Thì cũng còn vô số những tác phẩm thuộc loại “kể chuyện" cự phách, như chuyện của Chekhov, Somerset Maugham, lsaac Singer .

Nhiều tác phẩm "văn chương" Việt Nam khi được dịch ra ngoại ngữ, người đọc thế giới không thấy hay ở nơi đâu. Lý do bởi các tác phẩm mà người Việt khen hay là nhờ “văn chương” trội bật. Dịch ra ngoại ngữ, phần “văn chương” bay biến mất. Vì cái hay của “văn chương” thì không thể thông dịch. Nên đã xảy ra hiện tượng “Mười voi không được bát nước xáo” “Beaucoup de bruit pour rien” với các tác phẩm Tiếng Việt lâu nay được dịch ra ngoại ngữ. "Where's the beef?"! "Xác" thì nông. “Văn chương” thì không thể dịch. They all are chìm nghỉm theo tiếng của người nước ngoài, rất thảm thiết.

Mở một cái ngoặc rất vĩ đại nơi đây. “Người Thế Giới” chính là một thế giới lâu nay bị chế ngự bởi giống đực. Từ đực Trắng Jewish cho đến đực Tàu 西安. Các tiêu chuẩn của những người đàn ông chế ngự thế giới lâu nay, không có gì bảo đảm là hay là đúng muôn thuở là phổ quát muôn đời. Các giá trị của thế giới ấy dù có là Nobel Prize hay the Man Asian Literary Prize hay Pulitzer Prize hay Man Booker International Prize hay Man Booker Prize, thì vẫn là những giá trị do những người đàn ông đực bấy lâu nay đề xướng và áp đảo thế giới. Các giá trị ấy vẫn-có-thể-và-nên-bị-xét-đoán-lại bất cứ lúc nào. Đóng ngoặc.

Thật là những vấn đề liên hệ đến nhiều yếu tố văn hóa cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Có rất nhiều yếu tố nội tại lẫn ngoại tại đã như một tấm màn bao trùm lấy văn chương Việt từ bao nhiêu ngàn năm nay. Một kết luận về vấn đề này không thể đơn giản và có tình cách áp đảo như dùng tiêu chuẩn của nền văn hóa khác để thẩm định nền văn học Việt Nam. Hoặc dùng tiêu chuẩn quê nhà nhưng lại thiếu kiến thức và trí thức có tính quốc tế để đủ sức lượng định các giá trị chung và riêng. Có lẽ vì thể văn xuôi mới thật sự bộc phát mạnh ở Việt Nam từ đầu thế kỷ hai mươi đến nay, nên ngành viết truyện phải trải qua những giai đoạn mò mẫm để tìm kiếm bản sắc của mình chăng?

Trên đây chỉ là vài nhận xét tổng quát chủ quan, với những dẫn chứng tượng trưng. Những nhận xét này cũng không có nghĩa là phủ nhận mặt "văn chương" của một sáng tác. Bởi vì văn cách tự nó đã chứa đựng những giá trị và nghệ thuật của một tác phẩm.



Tham khảo:

Doãn Quốc Sỹ, Việt Tử, Khảo Luận Về Nguyễn Khuyến, Hồng Hà Xuất Bản. Bản in lại tại Cali Hoa Kỳ, không in lại gốc và năm xuất bản.

Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sứ Yếu, Sống Mũi, Fort Smith Arkansas, 1979

Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sứ Giản ước Tân Biên, Tập 111 Dai Nam Co. California, 1987.

Phạm Quỳnh, Phạm Quỳnh, 1892-1992 Tuyển Tập và Di Cảo An Tiêm, Paris. 1992.

___________

Nguyên bản “Thói Quen “Văn Chương” Trong Văn Học Việt Nam” trong tập Khởi Đi Từ Ngây Thơ Để Đến Gần Sự Thật, Lũy Tre Xanh xuất bản, California, 1995. Được đưa lên gio-o.com 2014 sửa tựa thành Thói Quen “Văn Chương” Trong Nền Sáng Tạo Tiếng Việt với vài bổ túc và sửa lỗi.


Lê Thị Huệ