DỊCH NGHĨA:
TIÊU- DIÊU- DU
A. Tại biển Bắc có con cá Côn, lớn không biết mấy nghìn dặm. Cá này hóa ra chim Bằng: lưng của chim Bằng lớn cũng không biết mấy nghìn dặm. Vỗ cánh mà bay, cánh nó sè ra như mây che rợp một phương trời. Biển động, Bằng bèn bay sang biển Nam: biển Nam là Ao- Trời.
Tề Hải, sách chép các việc kỳ quái nói: chim Bằng, lúc bay qua biển Nam, cánh đập làm cho sóng nước nổi lên ba nghìn dặm dài; nó nương theo gió trốt mà cất lên chín muôn dặm cao, và bay luôn sáu tháng mới nghỉ.
Cái mà ta thấy trên không kia có phải là bầy" ngựa rừng" chăng, hay là bụi trần? Hay là cái hơi thở của muôn vật nổi lên? Còn màu trời xanh xanh kia có phải là màu thật của nó không, hay chỉ là màu của vô cùng thăm thẳm? Thì cái thấy của con chim Bằng bay trên mây xanh dòm xuống dưới đây cũng chỉ như thế mà thôi.
Vả lại, nước không sâu thì không sức chở thuyền lớn. đổ một chung nước nhỏ vô một cái hủng nhỏ trong nhà, lấy một cọng cỏ thả lên làm thuyền, thì thuyền tự nổi; nếu lại lấy cái chung ấy làm thuyền mà thả lên, thì thuyền phải trịt. Là tại sao? trị nước không sâu mà thuyền thì lớn. Cũng như lớp gió không dầy thì không đủ sức chở nổi cánh lớn của chim Bằng. Bởi vậy chim Bằng khi bay lên chín muôn dặm cao là cỡi lên lớp gió ở dưới nó. Chừng ấy, lưng vác trời xanh, không gì ngăn trở, nó bay thẳng qua Nam.
***
Một con ve và một con chim cưu nhỏ thấy vậy, cười nói:" Ta quyết bay vụt lên cây du, cây phương. Như bay không tới mà có rơi xuống đất thì thôi, chứ không sao! Bay cao chín muôn dặm, sang qua Nam mà làm gì? Ta thích bay đến mấy cánh đồng gần đây, ăn ba miếng no bụng, rồi về. Nếu ta đến chỗ xa trăm dặm, thì ta có lương thực mỗi ngày. Còn nếu ta đến chỗ xa nghìn dặm, thì ta có ba tháng lương thực."
***
Hai con vật ấy, mà biết gì?
Kẻ tiểu trí sao kịp người đại trí. Kẻ tuổi nhỏ sao kịp người tuổi lớn.
Sao mà biết được thế? nấm mai biết gì được hồi sóc, ve sầu biết sao được xuân, thu! Đó đều là hạng tuổi nhỏ cả. Phương Nam nước Sở có cây minh- linh, sống một xuân là năm trăm năm ; một thu là năm trăm năm. Thượng cổ có cây đại- xuân sống một xuân là tám nghìn năm, một thu là tám nghìn năm.(đó là hạng tuổi lớn). Lâu nay từng nghe danh sống lâu của Bành tổ. Hễ nói đến sống lâu, thì người đời thường đem đó mà so sánh, như thế không đáng buồn sao?
B. Thang chi vấn Cấc dã thị dĩ. Cùng phát chi bắc, hữu minh hải giả, thiên trì dã. Hữu ngư yên, kỳ quảng sổ thiên lý, vị hữu tri kỳ tu giả, kỳ danh vi Côn. Hữu điểu yên, kỳ danh vi Bằng, bối nhược Thái Sơn, dực nhược thùy thiên chi vân, đoàn phù diêu dương giác nhi thượng giả cửu vạn lý, tuyệt vân khí, phụ thanh thiên, nhiên hậu đồ Nam thả thích Nam minh dã. Xích yển[ii] tiếu chi viết: Bỉ thả hề thích dã. Ngã đằng dược nhi thượng bất quá sổ nhẫn chi hạ, ngao tường bồng hao chi gian, thử diệc phi chi chí dã. Nhi bỉ thả hề thích dã. Thử tiểu đại chi biện[iii] dã.
DỊCH NGHĨA:
B. Lời ông Thang hỏi ông Cấc, cũng thế. Miền Bắc hoang lạnh có cái biển gọi là Minh- hải, tức là Ao Trời. Có con cá lớn tới mấy nghìn dặm, chưa ai biết nó dài đến bao nhiêu, tên là Côn. Có con chim, tên là Bằng, lưng như núi Thái, cánh tợ vừng mây che một phương trời. Chim nầy theo gió trốt cuộn như sừng dê mà lên chín muôn dặm cao, tuyệt bóng mây- mù, đội trời xanh biếc, bấy giờ nó mới bay về biển Nam. Một con chim ở hồ nhỏ cười nói: đó bay chi cao xa lắm vậy? Ta bay nhảy bất quá vài chục thước cao, ngao du trong đám cỏ bồng cỏ hao. Bay đến thế cũng là đúng mực lắm rồi. Còn đó bay chi cao xa lắm vậy?
Đó là chỗ phân biệt giữa lớn và nhỏ.
C. Cố phù trí hiệu nhất quan, hạnh tỉ nhất hương, đức hợp nhất quân năng trưng[iv] nhất quốc giả, kỳ tự thị dã, diệc nhược thử hĩ. Nhi Tống Vinh tử du nhiên tiếu chi, nhi bất gia khuyến, cử thế nhi phi chi, nhi bất gia thư, định hồ nội ngoại chi phận[v], biện hồ vinh nhục chi cảnh[vi], tư dĩ hĩ. Bỉ kỳ ư thế, vị sát sát nhiên dã, tuy nhiên du hữu vị thọ[vii] dã.
Phù Liệt tử[viii] ngự phong nhi hành lãnh nhiên[ix] thiện dã, tuần hữu ngũ nhật nhi hậu phản. Bỉ ư trí phúc[x] giả, vị sát sát nhiên dã. Thử tuy miễn hò hành du hữu sở đãi giả dã[xi].
Nhược phù thừa thiên địa chi chánh nhi ngự lục khí chi biến[xii], dĩ du vô cùng giả, bỉ thả ô hồ đãi tai. Cố viết: chí nhơn vô kỷ, thần nhơn vô công, thánh nhơn vô danh[xiii].
DỊCH NGHĨA:
C. Cho nên, kẻ có tài trí đủ làm nổi một tước quan, hanh hơn cả một làng, (thì) đức (sẽ) không khác nào một vị vua được lòng tin của cả nước, (nếu biết) tự xem như đấng làm vua kia vậy.
Nhưng Vinh- tử nước Tống lại còn cười chê đó. Vả, đời có khen cũng không khích lệ, mà đời có chê cũng không ngăn đón được: họ đã định rõ cái phận của trong ngoài, phân biệt cái cảnh của vinh nhục rồi đấy. Trong đời, hạng người như thế cũng dễ thường thấy có. Tuy vậy, đức của họ cũng chưa được vững.
Liệt- tử cưỡi gió mà đi, đi một cách êm ái nhẹ nhàng, đi trọn mười lăm hôm mới về. Đó sống trong chỗ chí phúc và người như ông dễ thường thấy có. Tuy khỏi phải đi, nhưng còn chỗ phải chờ.
Đến như thuận theo cái chánh của Trời Đất, nương theo cái biến của lục khí mà dong chơi trong cõi vô cùng: thì đó đâu còn phải chờ đợi cái gì nữa. Cho nên nói rằng: bậc chí nhơn không thấy có mình, bậc thần nhơn không nhớ đến công mình, bậc thánh nhơn không nghĩ đến tên mình.
D. Nghiêu nhượng thiên hạ ư Hứa Do, viết: Nhật Nguyệt xuất hĩ, nhi tước hỏa[xiv] bất tức, kỳ ư quang dã bất diệc nan hồ? Thời vũ giáng hĩ nhi du tẩm quán, kỳ ư trạch dã bất diệc lao hồ? Phu tử lập nhi thiên hạ trị, nhi ngã du thi[xv] chi, ngô tự thị khuyết nhiên. Thỉnh trí thiên hạ.
Hứa Do viết: Tử trị thiên hạ, thiên hạ ký dĩ trị dã, nhi ngã du đại[xvi] tử, ngô tương vi danh hồ? Danh giả, thật chi tân dã. Ngô tương vi tân hồ? Tiêu liêu[xvii] sào ư thâm lâm, bất quá nhất chi. Yển thử[xviii] ẩm hà, bất quá mãn phúc. Quy hưu hồ quân. Dư vô sở dụng thiên hạ vi. Bào nhơn tuy bất trị bào, thi chúc bất việt tôn trở nhi đại chi hĩ.
DỊCH NGHĨA:
D.Vua Nghiêu muốn nhường thiên hạ cho Hứa- Do, nói: Mặt trời mặt trăng đã mọc, mà không dụt đuốc, nhìn bóng đuốc há chẳng khó coi lắm sao? Mưa mùa đã đổ xuống, mà còn đi tưới nước, thế là chẳng lao công vô ích hay sao? Nay nếu phu tử lên ngôi, thiên hạ ắt được trị. Tôi còn ngồi làm thần tượng chi nữa. Tôi tự thấy rất kém. Vậy, xin mời ngài lên trị thiên hạ.
Hứa Do nói: Ngài trị thiên hạ, thì thiên hạ được trị. Tôi còn thế Ngài làm chi, tôi cầu danh hay sao? Danh là khách của Thật. Tôi muốn làm khách sao? Chim tiêu liêu đậu ở rừng sâu, chẳng qua một nhánh là vừa. Chuột đồng xuống nước sông dài, chẳng qua đầy bụng là đủ. Xin trả lại cho ngài đó. Thiên hạ ấy, tôi không dùng làm gì cả. Người đầu bếp dù không xong việc bếp, người chủ tế cũng không vượt phận mà thế cho đó được.
E. Kiên Ngô vấn ư Liên Thúc viết: Ngô văn ngôn ư Tiếp Dư đại nhi vô đương[xix], vãng nhi bất phản. Ngô kinh bố[xx] kỳ ngôn, du Hà Hán nhi vô cực dã, đại hữu kính thính[xxi] bất cận nhơn tình yên. Liên Thúc viết:" kỳ ngôn vị hà tai". Viết: Diễu Cô Xạ chi sơn, hữu thần nhơn cư yên, cơ phu nhược băng tuyết, náo ước[xxii] nhược xử nữ[xxiii] bất thực ngũ cốc, hấp phong ẩm lộ, thừa vân khí, ngự phi long nhi du hồ, tứ hải chi ngoại, kỳ thần ngưng, sử vật bất tì lệ, nhi niên cốc thục. Ngô dĩ thị cuồng nhi bất tín dã.
Liên Thúc viết: Nhiên. Cổ giả vô dĩ hồ văn chương chi quan, lung giả vô dĩ dữ hồ chung cổ chi thinh. Khởi duy hình hài hữu lung manh tai, phù tri diệc hữu chi, thị kỳ ngôn dã, du thời nhữ[xxiv] dã. Chi nhơn dã, chi đức dã, tương bang bạc vạn vật dĩ vi nhất, thế ky hồ loạn, thục tệ tệ yên dĩ thiên hạ vi sự. Chi nhơn dã, vật mạc chi thương. đại tẩm khể thiên nhi bất nịch. đại hạn, kim thạch lưu, thổ sơn tiêu, nhi bất nhiệt. thị, kỳ trấn cấu tỉ khương[xxv] tương du đào chú Nghiêu Thuấn giả dã. Thục khẳng dĩ vật vi sự!
Tống nhơn tư chương phủ nhi thích chư Việt. Việt nhơn đoạn phát văn thân, vô sở dụng chi. Nghiêu tự thiên hạ chi dân, bình hải nội chi chánh, vãng kiến tứ tử Diễu Cô Tạ chi sơn phần thủy chi dương, yểu nhiên[xxvi] táng kỳ thiên hạ yên."
DỊCH NGHĨA:
E. Kiến Ngô nói với Liên- Thúc: Tôi nghe Tiếp Dư nói chuyện lớn lác không tưởng, có lối đi mà không có lối về… khiến tôi kinh sợ, ông nói như sông Hà sông Hán không cùng tận, rất là xa xôi, không cận với nhân- tình…Liên Thúc hỏi:" Nối những gì?"- " Nói rằng trên núi Diễu- Cô Tạ có thần nhơn ở, da thịt như băng tuyết, dáng điệu mềm yếu như người con gái chưa chồng. Không ăn năm loài thóc, chỉ hớp gió, uống sương, nương theo hơi mây, cỡi rồng mà bay ngao du ngoài bốn biển. Ngưng thần lại thì có thể làm cho vạn vật không đau ốm hư hoại, lúa thóc lại được mùa. Tôi cho đó là lời nói cuồng, nên không tin."
Liên Thúc nói:" Phải! Kẻ đui lấy gì để xem thấy được cái đẹp của văn- hoa: kẻ điếc lấy gì để nghe được tiếng chuông tiếng trống. Há chỉ có hình hài mới có đui điếc đâu… trí cũng có đui điếc. Theo lời nói ấy thì ngươi nay cũng thế. Kể như người ấy, đức ấy cùng vạn vật hỗ chụy đi làm cái việc của thiên hạ. Người ấy không vật nào hại đặng. Nước cả đụng trời mà không làm họ chết chìm được, nắng cả chảy mềm sắt đá, cháy núi thiêu đất cũng không làm cho họ chết nóng được. Đồ bụi bặm. Cặn bã của thần nhơn ấy cũng đúc thành được hạng người của Nghiêu Thuấn. Ai đâu lại khứng đi làm công việc cho ngoại vật!
Người nước Tống buôn mũ Chương phủ, sang nước Việt. Người nước Việt thì cắt tóc ngắn và xăm mình, không dùng mũ ấy làm gì. Nghiêu trị trăm họ trong thiên hạ, bình trị được trong nước, bèn sang qua núi Diễu- Cô Tạ để ra mắt bốn Thầy. Họ có cái vẻ sâu xa làm sao mà Nghiêu Thuấn quên mất thiên hạ của mình.
G. Huệ- tử vị Trang tử viết: Ngụy vương di ngã đại hố chi chủng, ngã thọ chi thành, nhi thật ngũ thạch. dĩ thạnh thủy tương, kỳ kiên bất năng tự cử dã. Phẫu chi dĩ vi biều, tắc hồ lạc vô sở dung. Phi bất hiêu nhiên đại dã. Ngô vi kỳ vô dụng nhi phẫu chi. Trang tử viết: Phu tử cố chuyết ư dụng đại hĩ. Tống nhơn hữu thiện vi bất quy thủ[xxvii] chi dược giả, thế thế dĩ bình tích khoáng vi sự. Khách văn chi, thỉnh mãi kỳ phương bách kim. Tụ tộc nhi mưu viết: ngã thế thế vi bình tích khoáng bất quá sổ kim, kim nhất triêu nhi chúc kỹ bách kim, thỉnh dữ chi."
Khách đắc chi, dĩ thuyết Ngô vương. Việt hữu nạn, Ngô vương sử chi tướng… Đông dữ Việt nhơn thủy chiến, đại bại Việt nhơn, liệt địa nhi phong chí.
Năng bất quy thủ nhất dã. Hoặc dĩ phong, hoặc bất nhiên ư bình tích khoáng, tắc sở dung chi dị dã. Kim tử hữu ngũ thạch chi hồ, hà bất lự dĩ vi đại tôn nhi phù hồ lạc vô sở dung. Tắc phu tử du hữu bồng[xxviii] chi tâm dã phù.
G. Huệ- tử gọi Trang tử, nói: Ngụy vương tặng tôi một giống dưa to. Tôi trồng nó có trái nặng đến năm thạch. Dùng nó đựng nước, nó nặng, không cất nhắc được. Bổ nó ra làm cái bầu, thì lại không còn dùng được chỗ nào. Đâu phải nó không to lớn, nhưng vì cho nó là vô dụng nên tôi đập bỏ nó.
Trang tử nói: Thế là phu tử vụng về chỗ đại dụng nó. Nước Tống có người khéo chế được môn thuốc chữa răn nứt da tay, đời đời chuyên làm nghề ươm tơ. Có người hay biết, đến xin mua phương thuốc đó một trăm lượng vàng. Anh ta bèn nhóm thân- tộc bàn rằng:" Nhà ta đời đời làm nghề ươm tơ, lợi không hơn số vàng đó. Nay một mai mà được trăm vàng, xin để cho bán."
Người khách được phương thuốc, đem thuyết vua Ngô. Nước Việt có nạn, vua Ngô sai anh làm tướng. Nhằm mùa đông, thủy chiến với người Việt, người Việt đại bại. Vua Ngô bèn cắt đất mà phong thưởng anh ta.
Cũng thời cùng một phương thuốc trị răn nứt da tay mà một người được thưởng phong, một người không ta khỏi cái nghề ươm tơ: đó là tại chỗ biết dùng mà khác nhau vậy.
Nay phu tử có trái dưa nặng đến năm thạch, sao không tính dùng nó làm trái nổi thả qua sông qua hồ, mà lo chi hồ vỡ bầu tan, không có chỗ dùng? Thì ra vì cái lòng của phu tử hẹp hòi chưa thông đạt đó.
H. Huệ tử vị Trang tử viết: Ngô hữu đại thọ, nhơn vị chi Vu. Kỳ đại bổn ủng thũng[xxix] nhi bất trúng thằng mặc. Kỳ tiểu chi quyện khúc, nhi bất trúng quy củ. Lâph chi đồ, tượng giả bất cố. Kim tử chi ngôn đại nhi vô dụng, chúng sở đồng khử dã.
Trang tử viết: Tử độc bất kiến lỳ tinh[xxx] hồ, ti thân nhi phục, dĩ hậu ngao giả, đông tây điệu lương, bất tị cao hạ, trúng ư cơ tịch, tử ư võng vổ. Kim phù thai ngưu, kỳ đại nhược thuỷ thiên chi vân, thử năng vi đại hĩ, nhi bất năng chấp thử. Kim tử hữu đại thọ, hoạn kỳ vô dụng. Hà bất thọ chi ư vô hà hữu chi hương[xxxi], quảng mạc[xxxii] chi dã, bàng hoàng hỗ vô vi kỳ trắc, tiêu diêu hồ tẩm ngọa[xxxiii] kỳ hạ, bất yểu cản phủ, vật vô hại giả. Vô sở khả dụng, an sở khốn khổ tai!
I. Huệ- tử gọi Trang tử, nói:" Tôi có côi cây to, người ta gọi nó là cây Vu. Gốc nó lồi lõm không đúng dây mực. Nhánh nhóc nó thì cong queo không đúng quy củ. đem trồng nó ở đường cái, người thợ mộc cũng không thèm nhìn. Nay lời nói của ông to lớn mà vô dụng, nên người người đều không thèm nghe."
Trang tử nói:" Ông riêng chẳng thấy con mèo rừng đó sao? Con người mình đứng núp, rình vật đi rong, nhảy tây nhảy đông, không hiềm cao thấp, kẹt trong dò bẫy, chết nơi lưới rập. Đến như con thai- ngưu, lớn như vầng mây che một phương trời, kể ra cũng là to thật, nhưng cũng không bắt được chuột. Nay ông có cây to, lại sợ nó vô dụng. Sao không đem nó trồng nơi tịch mịch, giữa cánh đồng rộng bao la. Khách ngao du không làm gì, ngồi nghỉ dưới gốc nó, khách tiêu diêu nằm ngũ dưới bóng nó. Nó sẽ không chết yểu vì búa rìu, cũng không sợ vật nào làm hại. Không có chỗ nào có thể dùng được, thì khốn khổ từ đâu mà đến được?"
________________
Phù diêu dương giác: gió trốt lớn, xoáy tròn như hình cái sừng dê rừng.
[ii] Xích yển: Xích, là cái hồ nhỏ; yển, là loại chim sẻ.
[iii] Biện: ở đây là sự phân biệt. Quách Tượng chú đoạn nầy, cho rằng không có lớn nhỏ, vì nếu" mỗi vật đều biết yên với cái Tánh của Trời phú cho mình, thì sao có buồn lo vì chỗ không đồng nhau." Đó là ông giảng sai với bản ý của Trang- tử.
Xem kỹ văn mạch của chương nầy, ta thấy rằng chỗ mà Trang- tử bảo" con ve và con chim cưu nhỏ không làm sao hiểu được cái hành động của chim Bằng", thì cũng như ở thiên Thu Thủy ông bảo" con ếch nằm đáy giếng làm gì thấy được cái rộng lớn của bể Đông".
Một đoạn văn sau trong thiên nầy, chỗ mà Kiên- Ngô kể chuyện của Tiếp- Dư bảo rằng" đại nhi vô- đương", chỗ mà Huệ- tử chê lời nói của Trang- tử " đại nhi vô dụng", tức cũng là chỗ mà Lão tử trong Đạo- Đức- Kinh bảo" hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi" vậy.
Huống chi trước đây ông cũng đã nói: tiểu trí bất cập đại trí ; tiểu niên bất cập đại niên, triêu khuẩn bất tri hối sóc ; huệ cô bất tri xuân thu, thì thật là chủ ý của ông rõ ràng hết sức. Cho nên, lời chú của Quách Tượng, thật là một sự sai lầm to tát vậy, vì đã giảng nghịch lại với ý chánh của họ Trang. Câu nói nầy của Lão tử rất cần để cho ta tự nhắc nhở lấy khi cầm bút bình giảng tư tưởng trong Nam- Hoa- Kinh:" càng muốn làm cho thật sáng, lại càng làm cho ra tồi!" Vì vậy, ít bình giảng chừng nào càng tốt, mà đừng bình giảng gì cả, càng hay! đọc Trang- tử cần nhất là đọc ngay Trang- tử mà đừng đi qua các nhà bình giảng trước, hoặc nếu đi qua các nhà bình giảng trước, hãy quên phứt họ đi, để đi ngay vào chánh văn của Trang- tử.
[iv] Nhi đọc là Năng: cổ tự hai chữ này dùng lẫn nhau.
Trưng: là tin cậy được, được tín nhiệm.
[v] Nội Ngoại chi phận: đây là chỉ về cái Ta bên trong, và ngoại vật bên ngoài.
[vi] Vinh của ta, nhục của người: Vinh cho ta, tức là nhục cho người.
[vii] Thọ, là đứng vững: chỗ gọi là" chí đức cũng chưa được vững". đây là muốn nói rằng: người như Vinh tử chưa đủ cho ta ngưỡng mộ vậy.
[viii] Liệt- tử: người nước Trịnh, tên là Ngự- Khấu.
[ix] Lãnh- nhiên: nhẹ nhàng êm ái
[x] Phúc: tức là không có gì trở ngại cả. trí phúc, là muốn nói rằng Liệt- tử cỡi gió mà tuyệt không có vật nào trở ngại sự họat động của ông cả, ông tha hồ tới lui thong thả.
[xi] Câu này" thử tuy miễn hồ hành, du hữu sở đãi giả dã" cùng với câu trên" tuy nhiên du hữu vị thọ dã" đều cùng một dụng ý: chưa phải là đáng ngưỡng mộ, là đã đến mức hoàn toàn.
[xii] Lục khí: là khí Âm, khí Dương, Gió, Mưa, Tối, Sáng(Âm, Dương, Phong, Vũ, Hồi, Minh). Biện phải đọc là Biến. Xưa hai chữ này dùng lẫn nhau. Chữ" Chánh" đây, là của Âm, Dương(Thiên- Địa; Càn- khôn) đứng chỉ huy cái biến của lục khí…(nắm giềng mối của tất cả hiện tượng trong Trời Đất).
[xiii] Vô kỷ, vô công, vô danh: Thôi- tuyền cho rằng" Vô công, vô danh" là " không lập công, không lập danh". Giảng giải như thế, không ổn nếu không nói là sai. Nhân thế mới có người hiểu theo đó và cho rằng cái học của Trang- tử là cái học yếm thế, hay xuất thế.
Nếu hiểu câu" vô công" là " không lập công", thì câu" vô kỷ" cũng phải có nghĩa là " không lập mình" hay sao và như thế nghĩa nó là gì? khí văn phải nhất quán, và câu nầy phải hiểu là" không có mình", " không có công", " không có danh", nghĩa là không nghĩ đến mình. Bậc được Đạo, không còn có thấy mình nữa(tức là cái tiểu ngã của mình); không còn thấy có mình nữa, thì làm sao còn nghĩ đến công mình, và danh mình.
Lão tử cũng có nói" công toại nhân thoái", " vi như bất thị", " công thành phất cư"…(nên việc, lui thân, làm mà không cậy công, thành công rồi không ở lại…tức là không nghĩ đến sự lưu danh).
Như vậy, không thể gọi Lão học là cái học yếm thế hay xuất thế… vì" không lập công", " không lập danh".
Nên biết rõ rằng chủ trương cứu cánh của hai học thuyết ấy là cái học" huyền đồng vật ngã", không còn thấy có Trong có Ngoài, có Ta có Người nữa. Cho nên không thể hỏi người đắc Đạo là người xuất thế hay yếm thế, là vì đối với họ người với ta là một, Ngoại và nội là một, xã hội và cá nhân là một. Cũng như cá và nước là một, không thể không có nước mà cá sống. Cho nên sở dĩ con người phải lo cho xã hội là vì không có xã hội, cá nhân không sao phát triển được cái sống của mình. Lo cho xã hội không phải là phận sự mà là lẽ tất nhiên phải lo, không lo không đặng, hai lẽ ấy chằng chịt dính líu với nhau, không sao rời nhau được. Cho nên có thể hiểu rằng: nói là lo cho đời, mà chính là lo cho mình; hoặc trái lại, nói là lo cho mình, mà chính là lo cho đời đó.
Cho nên, nói rằng cái học của Lão Trang là cái học yếm thế, tức là chưa hiểu rõ cái chủ trương" huyền- đồng vật ngã" của các ông- vậy chớ phản- đối chế độ hiện hành của thời đại, phản đối Nho Mặc, phản đối cái Đạo hữu- vi đã làm thống khổ nhân dân…không phải đó là một cách tiêu cực lo khang- kiện- hóa xã hội là gì?
Vấn đề nhập thế xuất thế ở đây đã được đặt ra. Và dĩ nhiên, tương đối mà nói thì Lão cũng như Trang đều chủ trương sự thực hiện cái Đạo nơi mình trước hết, trước khi nghĩ đến việc ra lo giúp đời. Sự thực hiện bản thân là một vấn đề cần có sự cô lập và tĩnh tâm, cho nên dĩ nhiên là phải thiên về đời sống cá nhân nhiều hơn. " Tự giác nhi giác tha" của Nhà Phật, cũng như" dĩ tu nhân vi bồn" của Nho gia, phải nặng về sự yên tĩnh và lo về đời sống bản thân trước vấn đề xã hội.
Giáo sư A.W. Watts, trong quyển The Way of Zen lại cho rằng:" Đạo giáo là công việc của những người lớn tuổi, đặc biệt là những kẻ đã từ bỏ cái đời hoạt động xã hội. Sự từ bỏ đời sống họat động xã hội ấy chứng tỏ rằng họ đã có đi đến được một sự giải thoát nội tâm rồi đối với những lề lối suy tư cùng hành động giả tạo của xã hội bên ngoài. Đạo giáo, vì vậy là một sự đeo đuổi theo một thứ hiểu biết tự nhiên, chứ không còn thuộc về cái hiểu biết ước lệ giả tạo theo xã hội nữa, cái thông hiểu trực tiếp với lẽ sống thật, mà không phải trải qua sự trung gian của một ý tượng tinh thần theo nét gạch và tượng trưng."
[xiv] Tước hỏa: cây đuốc, một đóm lửa nhỏ.
[xv] Thi: là làm chủ. Lại cũng có nghĩa là tượng thần, là người có chức nhiệm nhưng không làm gì cả.
ở đây ta có thể hiểu là hư- vị, một địa vị tượng trưng như một pho tượng thần vậy thôi.
[xvi] Đại: thay thế.
[xvii] Tiêu liêu: chim nhỏ.
[xviii] Yển thử: chuột đồng.
[xix] Đại nhi vô- đương: lớn mà không đúng với thực tế. Đại ngôn, tức là lời nói khoác.
[xx] Kinh- bố: Bố nghĩa là sợ; kinh- bố là kinh sợ.
[xxi] Kính- thính: chữ đình ở đây, phải đọc là thính, có nghĩa là xa xôi, diệu vợi.
[xxii] Náo- ước: diện mạo đẹp đẽ, lại cũng có nghĩa là vẻ người yểu điệu, mềm mại, dịu dàng.
Chữ náo cũng viết là xước.
[xxiii] Xử tử: đọc là xử nữ(tức là người con gái chưa chồng).
[xxiv] đọc là nhữ(thay vì nữ).
[xxv] Tỉ- khương: bã lúa, trầu. Tức là cặn bã.
[xxvi] Yểu- nhiên: phong thái sâu xa.
[xxvii] Bất quy thủ: không làm răn nứt da tay.
[xxviii] Bồng: Bồng chi tâm là cái lòng hẹp hòi chưa thông đạt.
[xxix] ủng thủng: lồi lõm, gồ ghề, gút mắt.
[xxx] Ly tinh: tức là một thứ mèo rừng.
[xxxi] Vô hà hữu chi hương: tức là chỗ tịch mịch.
[xxxii] Quảng mạc: rộng lớn
[xxxiii] Tẩm ngọa: nằm ngủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét