Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Con người yếu đuối



Quán nhậu, quán cafe, quán trà chanh… Chen chúc nhau nam thanh nữ tú, quý ông quý bà. Bàn chuyện công việc, cuộc sống thì không nhiều, còn tán dóc, ba hoa, khoe khoang thì rôm rả cả làng. Trông như tranh luận sôi nổi, nhưng cốt là để thể hiện: Tôi biết nhiều, tôi được việc, tôi hay tôi đúng,…

Tranh luận để tìm ra giải pháp cho những khó khăn khúc mắc lúc nào cũng được hoan nghênh. Nhưng ngày nay, phần nhiều là tranh cãi hơn thua để làm mạnh mẽ hơn bản ngã, để cái tôi được thấy quan trọng. Tôi phải hơn anh dù một tí thì mới thấy hả hê thoải mái. Tôi mà thiệt anh chỉ một tẹo cũng thấy ấm ức cay cú. Suy nghĩ tôi và anh cùng đi lên, cùng thăng hoa với cộng đồng thật là ít ỏi trong thời đại này. Suy nghĩ đã vậy, hành động cụ thể lại càng hiếm hoi hơn. Những ai suy tư về sự phát triển hài hòa của xã hội cũng đau đáu một nỗi lòng chung.

Cái tôi lúc nào cũng đòi hỏi được nuôi dưỡng o bế là bởi con người ta ngày càng yếu đuối. Ta không đủ khả năng để tự nhìn thấy và thừa nhận năng lực của chính mình, mà cần phải được người khác công nhận, tán dương. Bởi thế mà lúc nào ta cũng phải “thể hiện”, phải “đeo mặt nạ” và “bày trò”.

Tài năng, cảm xúc của ta thì chính ta là người nắm rõ trong lòng bàn tay. Nhưng ta lại đem cái quyền kiểm soát quý giá đó giao phó cho người khác. Bởi vậy, khi người khen tặng tung hô ta thấy mình quá đổi quan trọng giỏi giang, bằng ngược lại một lời chê hay chỉ đơn thuần là không ghi nhận về ta cũng đủ làm ta ăn ngủ không ngon. Dần dà, ta giao hết cuộc sống của mình cho người để đổi lấy những lời tán thán trầm trồ xuýt xoa, vì rằng ta cho đó là những “dưỡng chất” nuôi sống bản ngã của mình, nếu thiếu nó thì ta chẳng còn là gì trong cái xã hội này. Ta phải trở thành thế này thế kia để người đời ngước lên nhìn ta ngưỡng vọng và ao ước tỵ ganh.

Cứ thế, không biết bao người lao vào vòng xoáy ma lực đến khi “bán linh hồn cho quỹ dữ” hồi nào không hay. Ngày qua ngày, “cái dưỡng chất” ấy thấm sâu vào từng tế bào làm con người ta yếu đuối hẳn đi, cuộc sống của mình phải phụ thuộc vào sự đánh giá, ghi nhận của người khác, chẳng khác nào chậu cây cảnh phải được chủ nhân chăm bón để được sống. Con người ta lúc nào cũng cho mình thông minh nhưng thật ra lại dại dột như vậy đấy. Lắm người thích mình trở thành mớ chậu cảnh, chứ không muốn mình làm rừng cây hiên ngang mặc nắng gió sương sa.

Một sự thật quan trọng ít được quan tâm, đó là mỗi người chúng ta đều được hòa quyện bởi hai phần: Thân thể và tâm trí. Hai phần này không thể tách rời. Lẽ ra, nhiệm vụ mỗi người phải phát triển hài hòa cả hai. Nhưng thực tế phần lớn con người chỉ chăm sóc chìu chuộng phần thân thể, còn phần tâm trí bị bỏ bê quên lãng nên ngày càng héo mòn. Chính điều này làm con người ta yếu đuối hèn mọn đến thảm thương. Chúng ta đã dành nhiều công sức để học cách chăm sóc cái thân thể. Bây giờ hãy cân đối thời gian sức lực để học hỏi cách phát triển phần tâm trí tinh hoa của chính mình. Kết quả chắc chắn là một nguồn nội lực mạnh mẽ sẽ được thổi bùng trong ta, giúp ta thăng hoa hài hòa trong chính mình và trong mối tương quan với xã hội và tự nhiên.



Võ Quân Zeroman

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét