Ngày 27/3, tại Thư viện Hà Nội, Báo Người Hà Nội tổ chức Lễ trao giải cuộc thi “Nhịp sống mới trong thơ”. Cuộc thi đã ghi nhận gần 5000 tác phẩm tham dự và có 13 tác giả đạt giải.
Đến dự lễ trao giải có nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Nhà thơ Bằng Việt, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Nhà báo Trần Gia Thái, Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam;... cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và các độc giả.
Trong 6 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được gần 5000 bài thơ của các tác giả trong cả nước và đã chọn in 400 bài thơ của 180 tác giả từ số báo 27 năm 2013 đến số 1+2 năm 2014. Đa dạng về nội dung, phong phú về thể loại và đề tài sáng tác rộng, tuy nhiên, theo đánh giá của Ban tổ chức, cuộc thi vẫn chưa tìm được một giọng thơ nổi bật. Bằng chứng là cuộc thi không có giải nhất, chỉ có 3 giải nhì, 5 giải ba và 5 giải khuyến khích.
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ đọc báo cáo tổng kết về cuộc thi
Theo nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Tổng biên tập báo Người Hà Nội thì ba nhà thơ đạt giải nhì có sắc thái, giọng điệu và cá tính riêng, tạo nên một bình diện thơ mới. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, chưa có một tác giả vượt trội nên không có giải nhất. Ngoài ra, cũng có những tác giả còn sa đà và kể lể, thể hiện ngôn ngữ còn rườm rà. Ông nói: “Cuộc thi thơ năm nay đã dùng những hình thức mới để truyền tải nội dung mới, có thể một hình thức mới về nghệ thuật đã manh nha xuất hiện nhưng một nội dung mới còn chưa được phát hiện. Những tìm tòi về thơ ca chưa tìm ra được nhịp sống mới của cuộc sống hôm nay. Hy vọng rằng chuyển động của cuộc sống sẽ phát hiện ra nội dung thơ mới và thành công của giải sẽ làm nên gương mặt của những nhà mới trong tương lai”.
Nhà thơ Bằng Việt, Trưởng ban chung khảo cuộc thi nói: “Tích chất quảng bá đã làm cho xã hội trong thơ bị thu hẹp. Các tác giả thiên về cách tìm tòi cá nhân, như cố vẽ ra một bài thơ tinh tế, khó hiểu để thỏa mãn nhu cầu mỹ cảm của mình. Gần 5000 bài thơ tham dự là một hồi chuông cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng để nhắc rằng, thơ cần gắn với cuộc sống mới, con người mới, thể hiện con người đương đại chứ không vùi sâu vào chủ nghĩa cá nhân”.
Có thể thấy rằng, kết quả cuộc thi cũng như những tác phẩm tham dự đã không chỉ đem đến cho độc giả những góc nhìn khác nhau về cuộc sống mới, con người mới mà còn giúp chính các nhà thơ nhận định được con đường mình cần hướng tới cũng như những giá trị thẩm mỹ đem lại cho bạn đọc.
Từ trái sang: Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - dẫn chương trình, giải khuyến khích, tác giả Phùng Hương Ly; giải ba, tác giả Lưu Đình Hùng; giải nhì, tác giả Ngô Thế Trương và Đặng Cương Lăng
Sau lễ trao giải, một cuộc giao lưu nhỏ với một số nhà thơ đoạt giải đã được tổ chức.
Nói về những tác phẩm viết về chủ đề biển đảo đoạt giải ba của mình, nhà thơ Ngô Thế Trường: “Tôi muốn nói tới văn hóa biển. Bởi tôi thấy những người ngư dân, những người gắn bó với biển đã đổ rất nhiều mồ hôi, xương máu khi mà “Bão và biển đua nhau về bến”. Và đề tài về tình yêu thương, tự hào về quê hương, Tổ quốc là đề tài sáng tác vô tận”.
Là tác giả trẻ nhất tham gia và đoạt giải của cuộc thi, Phùng Hương Ly sinh năm 1990, đã có hai bài thơ đoạt giải. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã thực sự thích thú với sự mới lạ trong thơ cô, ông miêu tả thơ của Phùng Hương Ly mới đến bình dị và bình dị tạo nên cái mới. Phùng Hương Ly khiêm tốn chia sẻ rằng, mỗi tác giả có cách cảm nhận về thơ khác nhau và cô muốn lưu vào trí nhớ của độc giả bằng những hình ảnh, cảm xúc mới của mình.
Nhà thơ Đặng Cương Lăng cho rằng mình là người yêu Hà Nội và muốn tìm được những áng thơ miêu tả Hà Nội “không bị trùng với cách nghĩ của người đi trước”. Theo ông, cách làm mới thơ truyền thống phải xuất phát từ tình yêu của mỗi tác giả, cảm nhận của mỗi tác giả về mỗi chủ đề. Ông cũng tự thấy mình có trách nhiệm trong việc đi tìm cái đẹp mới mẻ trong cuộc sống để truyền tải tới độc giả.
“Nếp váy đong đưa” trong Đường lên hội tình của Lưu Đình Hùng đã được nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đánh giá là một chi tiết “cực kì đắt”. Là người về hưu để làm thơ, tác giả Lưu Đình Hùng đã nói: “Tôi thấy mình như cục pin cần nạp năng lượng và tôi đi. Trải nghiệm cho tôi thấy mình đặc biệt thích âm hưởng của miền múi và thích ngôn ngữ, hình ảnh nơi đây”.
Chùm ảnh các tác giả nhận giải:
Giải nhì: tác giả Nguyễn Anh Tuấn, Đặng Cương Lăng và Ngô Thế Trường
Giải ba: tác giả Vũ Nuôi, Phùng Trung Tập, Nguyễn Thanh Tùng, Lưu Đình Hùng, Bình Nguyên
Giải khuyến khích: tác giả Trương Công Ban, Nguyễn Hồng Công, Nguyễn Dũng, Chung Tiến Lực và Phùng Hương Ly
THANH AN