Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Chuyện tòa án- tít mù rồi lại vòng quanh


 NGUYỄN ĐĂNG TẤN







-Tòa án cấp dưới làm sai, rồi cũng chính tòa án này lại điều tra, lại xử, có ở đâu như vậy không?

Biết sai vẫn cứ làm?
Thật ra không phải ở nước ta mà nhiều nước cũng có chuyện tòa xử oan sai. Tuy nhiên cái sai của họ không biết có phần nhiều do… chủ quan của con người nghĩ ra, như việc xử oan sai của tòa án nước ta.

Ở xã hội ta, điều nguy hiểm chính là ở đó. Biết sai vẫn cứ làm chứ không phải nghiệp vụ non kém, do khách quan đem lại. Còn vì sao, động cơ là gì thì có vô vàn con đường dẫn đến oan sai.

Gần đây Nhà nước đang bàn chuyện cải cách tư pháp. Cải cách như thế nào để không oan sai, điều tra khách quan, xét xử khách quan là điều người dân mong đợi.



Án oan Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động nhân tâm.


Từ thực tế theo dõi khiếu kiện trong những năm vừa qua, người viết bài thấy việc cải cách tư pháp là yêu cầu khách quan, cấp bách. Bởi vì nhiều vụ oan sai nhưng thủ tục rườm rà, lòng vòng mất nhiều thời gian. Có vụ trải qua hàng chục năm người dân phải chịu đựng vô cùng đau khổ. Nhiều vụ, người dân không có thời gian cũng không có tài chính, đành buông tay.

Nhiều vụ án mà VietNamNet đã có phản ánh là những ví dụ cho chuyện lòng vòng đó. Vụ ở Đà Lạt dân khiếu kiện đòi bồi thường giải tỏa gần 20 năm. Vụ ở Thanh Hóa dân đòi lại đất theo lệnh của nhà nước tiêu thổ kháng chiến đến nay cũng chưa giải quyết ổn thỏa…

Hay vụ án dân sự ở Khánh Hòa xin được lấy làm ví dụ. Vụ án này xét ở những góc độ nghiệp vụ chẳng có gì phức tạp, chỉ là vụ án dân sự anh em tranh giành đất đai thừa kế. Mà chuyện này thì ở ta có luật hẳn hoi rồi, rất rõ ràng. Có di chúc hợp lệ thì chia thế nào, không có di chúc thì ai là hàng thừa kế được chia…, nghĩa là khá tỷ mỉ.

Tuy nhiên vụ này có cái khác hơn là người đòi chia đất lại là một Việt kiều ở Mỹ về đòi chia đất thừa kế của bố mẹ cho người em ở trong nước. Cái điểm nút hay là ẩn số cũng chính là ở đây.

Nếu cứ đúng như những gì luật đã nêu thì còn gì là điều tra, còn gì hấp dẫn. Chưa nói chuyện do động cơ gì nhưng tòa Khánh Hòa đã xử cho vị Việt kiều này được nhận hết số đất của bố mẹ để lại mà người em không được gì. Vì họ ghép đất đai nhà cửa của người em mà trước đó bố mẹ cho đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu để rồi phán là số đất đại đó là phần của người em.

Đơn kêu cứu gửi lên tòa cấp trên, tòa tối cao khu vực. Cũng không hiểu bằng cách nào đó tòa tối cao khu vực cũng y án.

Không chịu cách giải quyết của hai cấp tòa, người em đã ra tận Hà Nội gửi đơn đến Tòa án Nhân dân Tối cao, đến các cơ quan chức năng và cả báo chí. Nhiều tờ báo đã vào cuộc chỉ ra những khuất tất. Có báo còn gửi công văn đến những địa chỉ phải trả lời, phải giải quyết. Nhưng, không hiểu sao, tất cả vẫn im lặng … đáng sợ.

Ròng rã hai năm trời gõ hết cửa này sang cửa khác nhưng ở ta những cơ quan tiếp dân thì cũng chỉ biết nhận và chuyển đơn chứ có phải là cơ quan điều tra đâu mà biết mô tê thế nào, để xử. Dân đến kêu oan, đến nộp đơn thì các cơ quan đó cũng chỉ biết chuyển đơn đến nơi mà người dân địa phương đó đi khiếu kiện. Cuối cùng, bất kỳ vụ nào cũng vậy đơn sẽ lại được gửi… về địa phương.

Cấp dưới làm sai, lại điều tra, tự xử?


Còn vụ án này, đơn thư của người dân sau hai năm liên tục không ngừng không nghỉ đã thấu đến Tòa án Nhân dân Tối cao. Đây là một trường hợp khá may mắn vì Tòa án Nhân dân Tối cao cuối cùng cũng đã có kháng nghị gửi về Khánh Hòa đình chỉ vụ án.

Sau đó, (cũng phải hơn nửa năm) Tòa án Nhân dân Tối cao lập Hội đồng giám đốc thẩm với 11 thành viên do ông Trương Hòa Bình làm chủ tọa. Phiên tòa đã chỉ ra những cái sai của tòa cấp dưới và Quyết định hủy toàn bộ án dân sự.

Tưởng như thế là đã xong xuôi, vụ án đã kết thúc và người oan sai không còn phải chạy đi kêu cứu nữa, nhưng không phải vậy. Quyết định của Hội đồng chỉ là Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật.

Thế là lại bắt đầu lại từ đầu của việc xét xử. Hồ sơ đã đi một vòng bây giờ lại tiếp tục vòng lại. Mà ai có thể đảm bảo tòa cấp dưới xét xử lại, đã là minh bạch không oan sai. Vì đã một lần xử oan sai cho dân rồi nên họ mới chạy lên trên Tòa án Nhân dân Tối cao.

Một tâm lý thường thấy, khi đã làm sai thì người ta thường quyết ngụy biện, tìm mọi cách để chạy, để chống chế khó ai có thể thừa nhận mình đã làm sai. Như vụ ông Chấn ở Bắc Giang đấy. Toàn bộ bản tường trình của những người điều tra vụ án đều không có gì sai sót, nghĩa là đúng qui trình, đến nỗi có tờ báo đã phải viết rằng thế thì chỉ có ông Chấn ép Công an thôi (?). Ông Chấn chính là thủ phạm muốn đi tù nên ép cán bộ điều tra phải làm hiện trường giả và đề nghị được nhận tội để được đi tù (?).

Tóa án cấp dưới làm sai, rồi cũng chính tòa án này lại điều tra, lại xử, có ở đâu như vậy không? Đến nỗi trong vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn thanh Chấn, bà Lê Thị Nga Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi thảo luận ở Hội trường Quốc hội đã phải yêu cầu rút hồ sơ để Bộ Công an điều tra chứ không để công an Bắc Giang làm, vì như thế là không khách quan.

Vậy vụ án ở Khánh Hòa như vừa nêu, cũng bắt đầu từ cấp dưới làm sai, không biết cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ có còn diễn ra nữa không?

Mà chắc sẽ lại diễn ra vì hiện trạng đất đai sau khi Tòa án Khánh Hòa tuyên đã hoàn toàn bị thay đổi. Ông Việt kiều, được tòa án xử hưởng trọn đất đai. Còn người em, lập tức bị đội thi hành án phá nhà, phá nhà Từ đường chung để sau đó ông Việt kiều đem bán cho người khác và chẳng có kinh doanh cũng không công ty nào nữa. Vì ông này thành lập công ty chỉ là để có cơ sở, để “hợp pháp hóa” việc đòi đất. Người mua thì nhanh chóng làm sổ đỏ và ngôi nhà cao tầng sừng sững mọc lên trên lô đất ấy. Còn ông Việt kiều cao chạy xa bay về Mỹ từ đó.

Ai sai, ai phải giải quyết là câu chuyện còn dài dài.

Ngày xưa quan dưới làm sai, quan trên về điều tra, giải quyết rất nhanh, xử đúng người đúng tội, tiếng thơm còn ghi trong sử sách. Sao bây giờ nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều cấp tòa nhưng không thể giải quyết dứt điểm những vụ án dân sự rất bình thường, ai nhìn vào cũng biết. Cái gì làm cho vụ án đơn giản lại trở thành phức tạp?

Điều trớ trêu của cuộc sống trong thời gian qua, nhiều vụ việc đi khiếu kiên, đòi lại công lý không bắt nguồn từ người dân mà bắt nguồn từ việc tòa xử oan sai.

Cải cách tư pháp là điều tất yếu phải đi, phải đến, trong đó có hoạt động xét xử của các tòa án. Làm sao cho các án oan sai được giảm bớt, thời gian vụ án được nhanh chóng giải quyết, công lý được thực thi là điều mà nhân dân đang trông đợi.

Bao Công là câu chuyện sách vở, nhưng tòa án trong xã hội ta cũng đang rất cần những Bao Công như vậy.

Sự thực cần báo động



Học viện Báo chí - Tuyên truyền, lò đào tạo lớn nhất nước, mỗi năm cho ra trường 200 cử nhân báo chí hệ chính quy. Lúc cần điểm danh, dồn mấy khóa, lại chẳng quá được một tá nhân tài?! Nhà báo, chức danh "tĩnh", gọi là "phóng viên", tính năng động cao hơn. Đội hình PV trẻ hôm nay không dễ tìm người "máu nghề", xả thân, chưa nói "hết mình" tận lực?

Không dễ điểm tên những "cây viết" của các thể loại. Có người viết được nhiều thể loại, có người viết mãi vẫn không ra hồn một... loại nào. Vì ít yêu nghề, hay ngày ngày nặng mưu sinh cơm áo, tham vọng trước mắt làm họ chai mòn, nhát gan, lười biếng?

Dám trả giá là sự đầu tư cho một sự nghiệp lâu bền: Từ thức đêm, chịu khó, trăn trở nghề đến những đối mặt nguy hiểm khi tác nghiệp. Không thể gọi PV xào xáo thông tin từ Facebook, cop nhặt trên mạng thành bài đều đều không biết ngượng là "phóng viên salon", gọi thế quá sang cho kẻ thiếu đạo đức nghề.

Tôi cũng không thấy việc những bài báo, PV tâm huyết viết cho báo in, báo in đưa lên Web của chính mình, rồi bị các báo điện tử, các trang mạng xã hội lấy lại, cắt xén, thay đổi tít bài hay để nguyên mà bỏ tác giả, nghiễm nhiên không xin phép báo gốc và không trả nhuận bút tác quyền, là biểu hiện của sự "phát triển tin học"!

Số lượng "bồi bút" háo danh, chụp giật ngày càng tăng. Họ săn rình, hóng hớt, cắt xén thông tin, "đạo văn" ngang nhiên như cơm bữa. Đừng đổ hết tội cho đám ca sĩ, người mẫu tự phong là dễ dãi, rẻ tiền, khi có sự phối hợp, đón lõng của cả hai bên cùng có lợi: Sự hợp tác của PV "lá cải" với một bộ phận của giới showbiz là phối hợp "ăn ý". Một bộ phận PV làm việc kiểu "ăn xổi", "hớt váng" như thế mà không bị xử lý.

Sự "hot" từ chuỗi tin đồn, tít giật gân, những câu chuyện, phát ngôn gây sốc bị đổ đồng là "nổi tiếng", khiến từ này trở nên mất giá trị. Ngày càng thiếu hiếm những bài báo gây xúc động, hiệu ứng xã hội, góp phần thay đổi những số phận khốn khổ, nhỏ nhoi, những tác phẩm đấu tranh vì lẽ phải, công bằng! Vì đâu?

Chế độ đãi ngộ ít, nhuận bút chưa tương xứng hay vì không có lửa nghề, không chịu cực nhọc, hy sinh mà ngay những bài viết về đề tài đô thị, làm ngay tại thành phố, các PV cũng biếng nhác từ việc thẩm định thông tin, tìm hiểu nhân vật đến kiếm các chi tiết độc đáo, chọn cách thể hiện mới? Tính sáng tạo, dấn thân, dự báo là những đòi hỏi xa xỉ?

Không đem đòi hỏi của lý thuyết báo chí và kỳ vọng của xã hội, của các vị lãnh đạo cao cấp đặt vào lực lượng làm báo để phán quyết tổng thể, nhưng sự thực cần báo động là nền báo chí đương đại hiện nay, với 1,7 vạn nhà báo có thẻ hành nghề của Bộ Thông tin Truyền thông, 1,9 vạn nhà báo có thẻ hội viên Hội Nhà báo VN, thiếu vắng nghiêm trọng "làn sóng mới" những người viết say nghề, hăng hái lao động?

Định danh, khẳng định của một cây bút không chỉ duy nhất đánh dấu bằng giải thưởng, mà phải được nhớ bởi độc giả, được bạn đọc tín nhiệm, đón tìm đọc.

Tôi, một cây viết thế hệ 8X, vẫn hy vọng về lửa nghề và tâm huyết của thế hệ đồng lứa lẫn sau mình. Không ít em thi vào trường báo để "khớp lệnh" cha, mẹ truyền con nối, khi chẳng có năng khiếu gì, do không thi vào đó cũng không biết thi trường nào cho đỗ. Thi vào để ra trường còn có người nhà nâng đỡ, xin việc làm. Mục đích cơm áo thực dụng ấy là sự thật, hơn là vì năng khiếu, đam mê. Quá mức "xa thực tế", xa xỉ ư, khi đợi chờ lý tưởng nghề ở đội ngũ những người viết báo rất đông mà vẫn thấy thiếu trên một đất nước dân số trẻ đang phát triển?

Vi Thùy Linh

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Tiếng Khóc Của Trăm Năm



Tác giả : Võ Diệu Thanh



Gần mười cây vàng cho nó. Không phải là quá sức nhưng ông không thể có ngay khoản tiền này. Ráng vài tháng nữa. Ông chắc chắn tới chừng đó, có hai mươi cây vàng ông cũng không thể mua được nó. Phong trào chơi kim quýt đang rầm rộ. Người ta có thể đẩy giá một cây đôi mươi tuổi lên hàng cây vàng thì một cây gần trăm tuổi như nó hỏi thử làm sao họ chịu để yên. Với ông, nó không tính được bằng tiền.

Nó là duyên nợ của ông. Một lần chiêm bao, thấy đi vào một vách núi dựng đứng. Có một thân cây trân mình bên vách núi giữa cuồng phong, với cái dáng nghiêng nghiêng nhẫn nhịn. Cây nói trong gió. “Tôi chờ ông”. Lúc nhìn thấy cây kim quýt, ông chới với. Chỉ cần ông cắt bỏ đi hết mấy cái chi vướng víu rườm rà kia, hạ nó ở mức thấp nhất. Chỉ còn lại mỗi cái trăm năm gan góc và chờ đợi một đợt đâm chồi mới. Nó sẽ hiện ra như mơ.

Hiện tại, nó đủ đẹp để có thể bắt mắt bất cứ nghệ nhân nào. Thế dáng nó quá bình dị, không bài bản cũ kỹ cũng chẳng mới mẻ dị thường. Nó có một cốt cách phong trần gan góc. Như một mỹ nhân không son phấn lụa là và nàng cũng không hay mình đẹp. Nàng coi những ánh mắt thèm thuồng như những chiếc lá rơi bên đường trong phút chuyển mùa. Người chủ cũ là một lão già mê vợ nhưng ưa nổi khùng. Lão không có kiến thức gì về kiểng. Lão lo làm kiếm tiền nuôi vợ nên thường quên nó. Chỉ thỉnh thoảng nhìn đất khô lại tưới cho mớ nước. Mỗi lần giận vợ, lão cắt nó trụi lủi. Khi thấy nó trọc lóc lão lại thương, ngồi xuống trò chuyện xin lỗi nó. Cứ như vậy từ khi lão trẻ khô cho tới lúc lão run tay. Một lần vợ gom vàng bỏ lão đi theo một thằng non choẹt. Lão cầm dao chém loạn. Thấy nó, lão phạt từng nhát điên dại. Lá rơi, nhánh rơi. Lão xô nó ngã một bên rồi bỏ nó đi biệt. Bộ rễ bày ra, phơi nắng, phơi mưa rồi phơi nắng...

Khi khuây khỏa, lão trở về. Nó đã còi cọc. Thương nó quá, lão lại hốt rải lên rễ nó mớ đất. Thay vì dựng nó lên, lão để y như vậy. Nó lại sống và thành có dáng nghiêng như ngày nay.

Ông thương nó có lẽ do nó mang đủ thời gian và chất nặng bi kịch. Có phải trong từng thớ da u nần, sù sì kia là tất cả dồn nén đớn đau của hai tâm hồn. Một người, một cây.

Ông cảm ơn lão ta đã cho nó đau khổ. Và ông căm thù lão. Biết bao người vì dốt nát đã tàn sát cho bằng hết những lão kiểng hiếm hoi. Vốn dĩ chúng lặng lẽ trường tồn ở một góc núi, vạt rừng hay một cánh đồng hoang vắng. Mưa dầm nắng dãi, chúng vẫn sống. Khi người nghệ nhân phát hiện mướn thợ cắt trụi rễ, đốn sạch lá, đem đi xa hằng mấy ngày đường, chúng vẫn không hề hấn. Khi chúng rơi vào một bàn tay bảnh tỏn thì chuyện gì xảy ra. Họ không dám động nó một nhát dao. Rảnh rỗi bước ra xịt tí nước, rờ rẫm, mân mê với tất cả đam mê. Vậy mà nó chết. Nó là cây, nó cần tĩnh. Sao mà cứ phiền hà nó hoài không biết.
Ông nóng ruột quá. Ông quyết định vào buồng với con dao. Tiền trong nhà là của chung nhưng vợ ông người cầm chìa khóa. Không khi nào bà đồng ý bỏ ra bảy tám cây vàng chỉ vì cây kim quýt. Đây là con đường cùng. Ông hì hụi cạy. Ông không hề nghĩ trong cuộc đời mình lại có lúc biến thành người cạy tủ. Ông lại không thấy có gì là tội lỗi trong hành động này. Vì nó, cây kim quýt trăm năm, hơn tất cả mọi tội lỗi hay đạo đức cộng lại.

Ông không nhớ mình đã ôm mớ vàng đi như thế nào. Chỉ nhớ lúc xe chở về va phải một trụ nước ngoài lề đường. Cây kim quýt lắc lư như một cọng cỏ trong nước. Ông không nhìn tới mặt tài xế. Khi hạ nó xuống đất chỗ sân, thằng làm vườn phụ khiêng lại vuột tay. Ông méo mặt biểu thằng đó đi chỗ khác. Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm xuôi. Gốc kiểng tề tĩnh ở giữa sân với tất cả hồn cốt của nó. Ông cắn môi để chứng thực, đây là sự thật. Ông đưa tay sờ lên cái dáng nghiêng hiền lành nhẫn nhục.
- Á!

Tiếng vợ la thất thanh. Ông chạy riết lên lầu đụng vợ ngay cầu thang. Vợ hớt hải.
- Trộm… trộm… trộm. Công an, báo công an ông ơi.
- Trộm đâu, nó đâu.
- Nó cạy cửa tủ ăn cắp vàng tôi. Chết tôi rồi. Bắt nó. Kêu công an.
- Không kêu công an được. Không có ăn trộm đâu.
- Ông đừng có khùng nữa, đi báo công an nhanh lên?

Vợ hét vô mặt ông, rồi nhào ra đường. Ông ôm bà đẩy vô nhà. Bà cứ quýnh quáng nhào ra. Ông cà lăm.
- Tui… tui… tui…
- Ông làm sao?
- Tui cạy tủ…

Bà nhìn ông một chút rồi chạy loạn trong vườn kiểng. Bà chửi, bà nhổ, bà đá từng cây kim quýt con. Ông chạy riết đến cây kim quýt mới mua, dang tay che cho nó. Bà vẫn chửi rủa bứt phá, đạp lật ngang mấy chậu kiểng. Ông đứng nhìn chúng nằm la liệt trên đất mà rối lòng. Chúng không phải là rác. Ông đã bỏ nhiều tiền để mua từng cây. Loại kiểng cao cấp của dân chơi. Giờ ông không nghĩ ngợi nhiều tới tụi nó, trừ khi bà tấn công cái cây phía sau ông.

Rồi bà cũng mệt.
Bà ngồi im nhìn ra sân với đôi mắt bất lực. Những vết máu in theo từng bước chân của bà. Nhìn lại mới hay móng chân cái bị gãy sâu vào thịt, đang rịn máu. Ông thấy máu, bỏ cây kim quýt chạy riết vào nhà lấy chai dầu nước xanh và một nhúm bông gòn. Bà hất tay. Ông lấm lét ngồi xuống lau máu, xức dầu rồi băng bó cho bà.

Ngày hôm sau bà nguội lại. Nhìn cái móng chân lại nhớ tới cái mặt lấm lét của chồng. Bà chợt nhận ra bữa cơm chiều qua, bữa cơm sáng nay ông không cùng ăn với bà. Bà đi kiếm khắp các phòng... Thấy những khoảng trống lòng bà chùng xuống. Sao mình dữ quá. Tiền bạc là vợ chồng cùng làm. Ông cũng vất vả nhiều rồi. Phải đâu ông đem tiền nuôi vợ bé. Bà cũng biết trừ người thân ông mê nhất chỉ có những cây kim quýt. Bà nghĩ tới cái sân ngổn ngang cây kiểng.

Vừa phụp tới sân bà đứng chết trân. Ông đang cầm cây kéo sửa kiểng trong tay. Đầu nghiêng nghiêng nhìn theo từng cái nhánh được cắt ngọt thả xuống đất. Mắt dán vào cái dáng sần sùi lượn lờ, mặt mê mẩn ngất ngây. Bất giác ông đưa tay vuốt ve nó, bất giác cất tiếng hát một bài quen thuộc. Giọng hát ông ngọt ngào truyền cảm. Hát bằng ruột gan và tâm hồn.
Bà bước tới vắt hai tay lên hông nói với tất cả bực tức.
- Trời ơi, có khác mê vợ bé miếng nào đâu. Đúng là… khùng tiểu thơ.

Rồi bà quay mặt, đùng đùng bước đi.
Ông không ngồi nhìn giấc mơ của mình. Ông không nhớ mình đã bỏ bao nhiêu thời gian với giấc mơ. Ông chỉ nhớ mình đã xô cho nó nghiêng thêm chút nữa. Gì mà hạc lập hay phụng vũ. Tầm thường. Ông phải cho đại bàng vượt bão. Đại bàng gặp nạn đang tung cánh vẫy vùng. Chỉ cần bàn tay ông đi qua mớ cành nhánh. Những cái tượt mới. Một đôi cánh với tất cả sức mạnh của nghị lực sẽ được tung vút lên trời cao. Đôi cánh tung tẩy giữa lồng lộng đất trời. Chỉ cần nhìn thấy nó một lần, nó sẽ hiện trong trí nhớ rành rạnh, hùng hồn. Cái hồn của kiểng là chỗ đó. Sức ám ảnh như một tiếng nói tri âm.

Cây kim quýt nằm gọn trong dòng ý nghĩ và vận hành vùn vụt. Như một loại chất dẻo cực lỏng. Khi tan chảy tuôn tràn, khi hốt gọn trong lòng bàn tay. Có thể rót từ chai ra ly, từ ly ngược lại chai, thậm chí có thể đổ vào miệng rồi nuốt trôi xuống bụng. Đang ngủ, ông chợt bừng tỉnh mỉm cười một mình khi nhớ về nó. Đang ngồi ăn cơm, nhìn thấy bộ xương cá trơ trong mâm ông chợt ngẩn người lên mở trừng mắt nhìn ra sân. Ông bỏ chén cơm chạy riết ra với nó.

Cho tới khi trời chập choạng tối ông mới lọ mọ về phòng. Bước chân vấp phải một vật mềm mềm. Nhìn lại là cái mùng. Vợ chỉ vào nó nói mạnh.
- Đi ra ngoài sân ngủ với cây kim quýt luôn đi!

Ông sà vào năn nỉ vợ mà bụng thấy nhẹ nhàng thanh thản. Ông ôm vợ nhưng trong đầu là dáng dấp cây kim quýt. Nó đã được định đúng dáng ông mong đợi. Chỉ còn chờ thời gian.

Cho tới lúc ông cảm thấy đuối. Ông cảm thấy sự chờ đợi của mình đã cạn kiệt. Ông nhìn kỹ lại. Những vết thẹo trên thân cho biết là ông đã cần mẫn như thế nào. Ông biết là suốt một quãng dài nó đã chịu đựng ông trong mỏi mòn, kinh hãi. Nó đã vừa rên siết, vừa buông thõng tay thả từng chiếc lá nhỏ gọn thanh tao. Nó cất tiếng kêu thảng thốt trong tuyệt vọng?

Giấc mơ trăm năm đã tan vào hư không. Dù có lúc người ta đốn nó trụi trơ, xô bật rễ trong mưa, phơi lụi tàn trong nắng, nó vẫn cố dành dụm từng giọt nhựa hiếm hoi để sinh tồn, để đến với ông. Vậy mà… Ông nhìn đôi tay dày dặn kinh nghiệm của mình rồi gục đầu bên xác cây. Ông đã giết nó bằng quá nhiều yêu thương.

Mượn.



Tác giả : Hà Quang Minh




Cho anh mượn em dòng sông quên
Anh thắt bím, gửi đêm về cho biển
Sông bỏ lại năm ngón, cành khô, nghẹn
Vòng tay gom biển lại thấm vào tim

Cho anh mượn em đôi cánh đồi nghiêng
Anh đắp lại, thành núi xanh, xuân trước
Trên ngọn đồi, ngủ quên đài hoa vụng
Hoa về nằm bên núi, cánh xôn xao

Cho anh mượn em một bình nguyên im
Anh khơi lại mạch ngầm dòng suối ngọt
Và cỏ mềm, và hoạ mi lại lảnh lót
Và môi người lại đón một môi sương

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Thế nào là Tự do- Dân chủ?



(a) Quyền lợi công dân & nghĩa vụ đối với quốc gia là hai thành tố của một quyền duy nhất vì không thể dựa vào những “quyền” được ghi trong Hiến Pháp hay quy định bởi pháp luật mà người dân có “quyền” thực hiện “quyền” ấy khi bất chấp nghĩa vụ phải góp phần ổn định tình hình chung của quốc gia;

(b) Ý kiến cá nhân được lắng nghe & ý kiến thiểu số chỉ có giá trị tham khảo – nếu thực sự có giá trị, vì nếu không, sẽ chỉ có bất ổn và bạo loạn;

(c) Ý kiến cá nhân, ý kiến thiểu số, kể cả ý kiến đa số cũng không được đặt trên sự an nguy và sinh tồn của quốc gia-dân tộc, nghĩa là ngay cả trường hợp các bô lão toàn quốc tại Hội Nghị Diên Hồng không ủng hộ “chiến” thì vương triều phong kiến độc tài Nhà Trần vẫn phải tự quyết vì vận mệnh cả quốc gia không bao giờ nằm trong duy chỉ các “ý kiến” của người dân;

(d) Ý kiến liên quan đến sự an nguy và sinh tồn của quốc gia đều nhất thiết phải do những công dân đoan chính và liêm chính có học thức và được đa số dân chúng biết đến và kính trọng đề đạt theo đúng khuôn khổ luật định hay mặc định xã hội và bằng các phương tiện văn minh như truyền thông đại chúng, vì rằng không thể phủ nhận có những nhóm người nhận tiền để rước voi về giày mả tổ, gây rối – bằng biểu tình ôn hòa hay bằng bạo loạn – phục vụ ý đồ của hoặc ngoại bang hoặc một cá nhân hay một nhóm cá nhân; và

(e) Quốc gia là một thực thể tồn tại song hành cùng các thực thể quốc gia khác,nên bất kỳ những hành vi tương tự như việc dân Thái theo PAD triển khai Chiến Dịch Hiroshima chiếm đóng phong tỏa sân bay Suvamabhumi ngày 25/11/2008, gây họa cho bao du khách nước ngoài, là việc không thể chấp nhận được, tỷ như văn hóa văn minh không cho phép một gia đình gấu ó nhau được làm phiền hàng xóm chung quanh, thậm chí bằng quát tháo to tiếng hay ngăn chặn lối đi trong ngõ ngách.

Tự do-dân chủ, do đó, là quyền lợi và môi trường văn minh mà những công dân văn minh có văn hóa cao tại một quốc gia văn minh có văn hóa cao và có quyền lực trấn áp bảo vệ tính văn minh văn hóa cao của nước nhà được hưởng trong những hoàn cảnh thuận lợi của quốc gia.

Không có sự suy nghĩ thấu đáo về tự do-dân chủ, không có cái chánh tâm về tự do-dân chủ, không có cái chánh đạo về tự do-dân chủ, thì những cái loa kêu gào về tự do-dân chủ chỉ thuần xách động bạo loạn với tà tâm và tà đạo.

Quyền lợi và hy sinh quyền lợi là hai mặt của chỉ một vấn đề duy nhất: tư cách công dân thực thụ của bất kỳ quốc gia nào tự xưng có tổ tiên cao đẹp và lịch sử hào hùng. Nếu không có bao vạn người con trai duy nhất của bao vạn giòng họ Việt Nam hy sinh quyền lợi được miễn nghĩa vụ quân sự thì đất nước này có tồn tại được trước sự xâm lược của Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc và tay sai của chúng là Khmer Đỏ trên toàn tuyến biên giới Tây Nam để ngày nay Việt Nam có cảnh thanh bình, phát triển kinh tế đẹp giàu, để những người còn sống và con cháu của họ ngày đêm tìm hiểu về quyền lợi công dân?

Đó là suy nghĩ của tôi, một công dân bình thường, không đảng tịch, của Việt Nam

Hoàng Hữa Phước

Mắc nợ phù sa



Người già quanh tôi luôn hoài niệm về những cánh đồng
Dẫu hạt lúa trả công họ bằng đời người nước mắt
Lũ quét qua đêm sáng ngày tay trắng
Buổi gió sương ghìm nén niềm vui.


Cha tôi
Trùi trũi ngực trần
Manh áo mỏng bốn mùa không kết nút
Từng giọt thời gian…
Bao giọt thời gian rắc mùa lên tóc?
Luống cày đi lấp bóng bàn chân
Những mặc cảm chữ nghĩa neo vào giấc mơ con trẻ.

Tôi cúi xuống
Nơi gót chân tím bầm rịn rơi dáng mẹ
Râm ran nhịp trầm trứng nước Âu Cơ
Tôi bắt gặp
Những người đàn bà quẩn quanh
Nhìn ngóng sao trời đếm đong lụt hạn
Thuyền duyên neo không kịp chọn bến đời.

Đã bao lần
Tôi quỳ trước bãi mộ hoang phủ dày đặc cỏ
Trước những tiền nhân khai sáng đất đai gieo trồng giống má
Trước những phận người chưa lần hưởng trái sinh thành
Đã lấp vùi thân thể mình vào cát.

Cánh cò chở ước mơ chưa rạng
Bão đời làm chống chếnh câu thơ
Đêm đỏ mắt phù sa nhót mình mắc nợ…

Nguyễn Đức Phú Thọ

Cách sống Việt ở Đức


Truyện ngắn của  Hùng Lý 



LỐI SỐNG

1. CHỦ ĐẤT.

Nhìn bề ngoài anh không khác gì người nông dân chân lấm, tay bùn. Cái gì ở anh cũng mang hơi hướng của đất. Từ cái quần bò sờn, áo khoác nhà binh dày cộp của Mỹ, đôi giày quá khổ, đến da dẻ, khuôn mặt. Tất cả đều nhầu nhĩ dấu ấn thời gian và mang một màu nâu của đất. Nhưng thật sự anh là chủ đất. Gọi thế không ngoa, vì ngay ở vùng giáp ranh giữa đông và tây Đức này anh ta sở hữu hàng chục ngàn m2 đất đai, nhà cửa, trường học, chưa kể hàng chục km2 rừng. Riêng toà nhà anh ta đang ở, có mặt tiền dài cả trăm mét. Dưới là hệ thống nhà hàng. Trên là hệ thống nhà ở. Đằng sau là xưởng, vườn trồng rau, ao thả cá, trại nuôi gà... bát ngát, mênh mông. Nghe nói dinh thự này vốn của dòng họ thợ rèn lâu đời nhất vùng. Khi anh mua, nó gần như hoang phế. Anh đã gây dựng lại nó theo cách riêng của mình. Cách của con chim xây tổ. Tức cứ đi nhặt nhạnh, gom góp từng viên gạch, mẩu sắt, thứ mà người ta vứt đi. Kiên trì, nhẫn nại biến đống hoang tàn trở về thành quách nguy nga cổ xưa. Thấy tôi nghi ngờ, anh xòe bàn tay. Quả không thể tin nổi đó là bàn tay của một Việt kiều, của một ông chủ đất. Nó khô cằn và u từng cục những chai sần.

Tới bữa, anh đãi khách một mâm thịnh soạn. Nào là cá được dân câu địa phương cho, để trong tủ đá cả năm nấu với dưa tự muối, một đĩa bò xào với vài cọng cần hái trong vườn nhà, đĩa đậu phụ rán lướt, lá cải già luộc chấm xì dầu.
Trịnh trọng bê bình rượu từ trên tủ cao đặt vào giữa bàn, anh khoe đây là thứ rượu vang quý của người em rể tự nấu đem cho. Cả buổi anh nâng niu chai rượu và dè sẻn rót vào cốc nào đã thực sự uống hết. Không nài ép.

Do mải chuyện trò, tôi vô ý để rơi mẩu ớt cắn dở xuống đất. Tôi nhặt lên để cạnh bàn. Cuối buổi tôi cầm mẩu ớt định vứt đi, anh nhẹ nhàng ngăn lại, rồi trân trọng cầm mẩu ớt màu đỏ tía cho vào bát nước mắm ăn dở, bọc biệc cẩn thận, cất vào tủ lạnh.


2. ĐẠI GIA.

Dù được mời, nhưng khi tôi đến vẫn phải chờ mươi phút, đại gia mới tất tả từ văn phòng về nhà. Tôi quen đại gia này cả chục năm nhưng hôm rồi mới có dịp mục sở thị dinh cơ hoành tráng mà đại gia và gia đình đang sở hữu. Toạ lạc ngay trên ngã tư một con phố đẹp giữa Thủ đô Berlin, ngôi biệt thự nổi bật hơn hẳn những ngôi biệt thự khác trong con phố chỉ toàn biệt thự dành cho người giàu, cả về tầm vóc lẫn kiểu cách kiến trúc.

Bước vào sau cánh cửa sắt tự động là một khuôn viên rộng cả ngàn mét với cây cối, vườn tược, non bộ, ao thả cá, chiếc cầu gỗ mảnh mai được chạm khắc cầu kỳ bắc qua đôi bờ hồ liễu rũ. Dưới mặt nước đã gần đóng băng, hàng chục con cá với đủ màu sắc vẫn tung tăng uốn lượn. Nghe nói mỗi con cá đó có giá cả ngàn Euro vì sống được dưới mọi thời tiết. Ngay cổng ra vào là Gara ô tô đang nhốt hai con xe Mẹc đời mới, ngoài con xe Poche cả trăm ngàn mà đại gia đang ngự. Bước vào nhà tôi choáng ngợp bởi sự sang trọng tới từng chi tiết của đồ đạc, tranh ảnh lẫn hoa lá, tiện nghi của từng phòng.

Vẳng ra từ phòng khách tiếng Piano thánh thót, du dương. Bên đàn là thiếu gia thứ hai nhà đại gia đang lướt phím. Mới 15 tuổi thiếu gia đã sở hữu chiều cao 1,80m, gương mặt điển trai, thông minh với đôi mắt đen giống tạc bố lấp lánh sau gọng kính trắng.

Sau màn giới thiệu gia sản, con cái đại gia vồn vã mời khách vào bàn. Cầm mấy ly uống rượu láng cóng đặt trên mặt bàn phủ khăn trắng muốt, đại gia nâng niu cầm chai rượu vang rót cẩn trọng vào từng ly thứ rượu màu đỏ sậm. Tôi nhìn chai rượu mà giật mình. Thứ rượu đó thường thấy trong góc nhà của bất cứ người Việt bình dân nào. Mà cũng chỉ còn lưng chai. Sau màn mời rượu đại gia móc thuốc ra hút. Không phải là loại xì gà giá cả trăm Đô một điếu như các đại gia ở nhà ta thường dùng mà là loại thuốc bất cứ anh cửu vạn nào cũng có trong nhà cả tút. Loay hoay mãi đại gia mới lôi từ trong túi một vỏ bao thuốc bẹp dúm bẹp dó chẳng còn lấy một điếu. Lục quanh các ngăn tủ cũng chẳng còn một bao dở. Rồi kêu đói, đại gia vơ vội mấy mẩu bánh con ăn thừa, ngồi nhai tem tém. Chưa đã cơn, đại gia lấy gói mỳ tôm, đổ nước sôi và xì xụp chén hồn nhiên trước mặt khách như đang chén một món đặc sản đầy khoái khẩu.

Khuya, lúc tôi về, thấy đại gia lại tay xách nách mang máy tính, cặp da. Hóa ra về tiếp khách xong, đại gia lại tất tả trở lại văn phòng với công việc.


3. THỢ THUYỀN.

Tôi có thằng đàn em thân thiết như anh em ruột thịt. Chồng làm bếp, vợ làm bồi. Cũng có hai đứa con gái xinh xắn. Tính tình hắn cương trực, nóng nảy. Được cái yêu con và thịnh tình với bạn bè. Năm nào nghỉ hè, nghỉ đông cũng đưa vợ con đi du lịch bất cứ nơi nào trên Thế giới, miễn là con thích. Vào căn hộ tuềnh toàng hắn ở thuê, góc nào cũng lủng củng rượu ngoại, rượu thuốc. Toàn thứ quý hiếm, đắt tiền. Hắn thì không hề uống dù một giọt rượu, chỉ bia. Trong tủ lạnh đầy đồ ăn châu Á. Toàn thứ hắn thích và người xa xứ nào cũng thèm: từ rau muống, rau đay, mướp hương tới cà tím, tía tô, kinh giới… đủ cả, còn hơn ở Việt Nam. Mỗi lần hắn đãi khách, chỉ một tấm ny lon trải trên nền nhà nhưng bày lên đó nào là những con tôm hùm to như cái thuyền, những con cua biển to như cái chậu lại còn bạch tuộc, ốc hấp, hào sống, xôi gà... thôi thì ê hề. Chưa kể rượu mạnh, rượu vang, bia rót cứ tràn cung mây. Ly này chưa vơi đã rót thêm ly khác. Đến nhà hắn trăm lần giống thế, mỗi khi đứng dậy "bàn" tiệc chưa vơi quá nửa và cốc nào cốc nấy vẫn lưng lửng rượu, bia uống thừa.

Hôm rồi nhờ hắn chở vào chợ Đồng Xuân mua tý đồ, cánh cửa chiếc xe Mẹc thể thao đời cũ mèm của hắn bấm mãi chẳng chịu mở. Tôi hỏi:

-"Hỏng sao không sửa?". Hắn cười ngoác:
-"Kệ mẹ nó. Miễn đi là được".

Chỉ chạy được vài ba cây xe chết máy. Hoá ra hết xăng. Hai anh em hì hục đẩy. Giữa trời đông tuyết giá mà mồ hôi vã ra như tắm. Tôi bực mình bảo nó:

-"Sao hết xăng mà không bơm?". Nó hồn nhiên:
-"Biết chết liền".
-"Sao không biết?" Tôi sẵng giọng.
-"Kim xăng chết từ lâu rồi"
-"Chết sao không chữa? Đáng bao nhiêu tiền đâu". Nó cười ỏn ẻn:
-"Đời ta muôn vàn đời nó. Quan trọng gì".

Bơm xăng xong, nhấn cái, máy nổ. Nó lại ngoác cười. Nụ cười hồn nhiên và rạng rỡ như trẻ được quà.

Sông sâu hay cạn?










Tại một con sông, có người đàn ông đứng bên bờ sông hỏi một cậu bé chăn trâu gần đó:


- Sông này có sâu không cháu?

Cậu bé nhanh nhảu trả lời:

- Nông lắm bác ạ.

Người đàn ông lội sang sông, mới lội một đoạn đã ngập đầu. Quay lại, người đàn ông tức giận hỏi cậu bé:

- Sao cháu bảo sông này nông lắm?

Cậu bé trả lời:

- Cháu đâu biết. Cháu thấy con vịt chân ngắn thế mà nó cũng lội sang được cơ mà!

(Sưu tầm)


Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Thơ Hoàng Thanh Hương










Dấu hiệu

Em chẳng nói được với tôi điều gì
Dấu hiệu cô đơn tâm trạng mất tích
Bất an và hoang tưởng
Xa lạ tôi thế giới khác
Gần sát mặt
Bỏng thịt da
Lòng nhau không chạm...

Bắt đầu và mãi mãi
Mùa thu ở đâu
Ám ảnh sắc vàng Levitan
Khăn choàng thổ cẩm
Tôi thèm mùi rừng
Móng chân vẽ
Mi nối, tóc nối
Ba lô đại hạ giá
Da nâu môi nhũ
...
Loạng choạng
Tôi bíu vào đâu chiều nay?

Làng chỉ toàn người già
Ngồi hoài tưởng
Thời rừng xanh mênh mông
Đêm mang tác, sói tru, côn trùng rả rích
Đêm chiêng mừng cơm mới thâu canh
Đêm cỏ êm môi em men say
Mùi cỏ cháy mùi hồng hoang

Còn lại gì sáng mai
Thời gian nước xiết
Tôi bíu vào đâu đêm nay?




Ngày trên phố và tôi


Sững sờ
Cục ức ngang cuống họng
Cái cách họ vứt tiền vào mũ người ăn xin
Bĩu môi liếc xéo đồng nghiệp xinh đẹp
Môi xăm đỏ chót, da mốc phấn
Vênh vang giàu sang, địa vị
Phố lắm kẻ khinh người

Em sọt rau long lanh nắng
Mắt hiền mưa thu
Tay tím tái xếp xếp dịu nhẹ
Sợ giập đau những khó nhọc
Câu mời nhỏ nhẻ
Em tặng ban mai đến thượng đế
Ai trong số đông mềm lòng

Đi qua phố
Gặp bao điều mắc mớ
Thời gian dài nặng trĩu
Báu vật lời thân ái
Tôi là ai trong số đông?

Dự cảm



Tháng Tư vàng nắng đẹp
Quán cà phê vẫn hẹn
Mở những con đường trong tim

Mang về giấc mơ những tin nhắn
Dường như người sợ ta buồn?
Hay ta không biết mình buồn
Có thể…

Không muốn đặt cược
Vì biết mình sẽ thua
Vì những điều gì, không rõ

Người chỉ nói về sách
Ta chỉ nói về sách
Nhưng sách là gì
Khi trái tim dần chai sạn?

Kết thúc buồn mở ra trước mắt
Rảo quanh những con đường
Bằng nỗi cô đơn buổi chiều im lặng
Một tháng Tư tuổi trẻ
Những người yêu nhau
Hoang mang mà nồng nàn
Bình yên mà trống vắng

Rồi sẽ đến lúc
Chỉ mình ta thinh lặng…

Dường như tháng năm đã mài mòn
Và cứ thế lòng người hoài lo sợ
Về một vết thương
Chưa thành hình, đã đau.

Nguyễn Đức Phú Thọ