Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Trí tưởng tượng thật ngây ngô



Khaly Chàm




thời gian luôn chuyển dịch và va chạm
với sự phát tán sóng âm siêu tần số
hệ thần kinh thính giác không thể thích nghi để cảm nhận

khoảng cách có thể là vô tận
dường như bản thể tôi đang rơi
hàng tỉ tế bào bay vòng theo quy luật tự nhiên
vũ trụ vẫn mãi là màu xanh

chỉ một đường biên hiện trong mắt đêm
tiếng reo vui của lửa
khẳng định giới hạn khi hình dung từ
lời nói lẩn trốn nơi đâu dưới vòm trời này ?
mầm ánh sáng tự nó bù trừ vào những hạt bị cháy nổ

hành tinh đang trống rỗng
trên mặt đất yên tĩnh
sao có quá nhiều xác chết
“tôi tin rằng ngày sau loài người sẽ sống lại”
trí tưởng tượng thật ngây ngô

TN 11/2013

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Ở những con chữ chưa chết cứng

tôi thích tựa lưng vào chiếc ghế dựa thời gian
dùng bật lửa đốt từng con chữ choáng ngợp ý nghĩ
thả tro vào chiếc gạt tàn lăng kính qua đó
thấy chúng nằm phơi
tóc bạc

những ngày mùa đông rảnh rỗi
không thể tim thấy được ở các khối không khí đông đá chết cứng bên ngoài
tôi quanh quẩn tìm chúng trong giới hạn bốn bức tường
ẩm mốc
xác chúng nằm đây nhưng linh hồn
thì tạm trú ở những địa chỉ quen thuộc khác

chưa bao giờ tôi có ý nghĩ
gom chúng trở về
khi tôi trần truồng
không còn gì để ủ ấm
cho một mùa đông

nàng thì nằm đó
tham lam cuộn tròn các thứ
kể cả những con chữ
thất lạc

và tôi thì chờ đợi
một lời mời
không chính thức.

H. Hiếu

Fujino Kaori, gương mặt đầy triển vọng của văn học Nhật Bản hiện đại







Giải thưởng văn học Akutagawa danh giá lần thứ 149 năm nay được trao cho một tác giả nữ còn rất trẻ là Fujino Kaori (藤野可織 Đằng Dã Khả Chức). Cô sinh năm 1980 tại Doshisha, Kyoto, đã có bằng thạc sĩ và mới in được ba tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên “Con chim ti tiện” (いやしい鳥 Iyashii tori) nhận được giải thưởng văn học mới năm 2006, tác phẩm thứ hai “Kẻ hiến tế” (いけにえ Ike nie) lọt vào chung khảo giải Akutagawa năm 2009 và “Mắt và móng tay” (爪と目 Tsume to me) là tên tác phẩm được giải thưởng lần này. Câu chuyện được miêu tả từ góc nhìn của một cô bé 3 tuổi sống cùng với người cha và người mẹ kế có ngoại tình với chủ tiệm sách cũ. Cô bé giờ chắc đã lớn và nhớ lại ký ức ngày xưa nên tình tiết truyện khi tỏ khi mờ khiến người đọc có cảm giác bất xác và bất tín vào các cảm quan, đôi khi có chỗ đáng ngờ. Người mẹ mắt rất kém, mỗi lần tháo kính sát tròng ra là hầu như không nhìn thấy gì. Còn cô bé thì từ sau khi mẹ ruột mất có tật cắn móng tay không ngừng. Cho nên mắt và móng tay là từ khóa của câu chuyện. Nó có nghĩa là “tôi” (cô bé) và “mẹ”. Cũng giống như tầm nhìn của người mẹ khi tháo kính sát tròng ra là không còn nhìn rõ mặt ngay cả người cha nằm cùng giường, các nhân vật xuất hiện trong truyện đều rất mơ hồ. Người mẹ không có ý chí, tình cảm; người cha vật vờ theo dòng đời xô đẩy và nhân vật tôi 3 tuổi sống tự mình thui thủi. Tất cả ba nhân vật đều không nhìn rõ mặt. Chủ tiệm sách cũ mỗi lần nhắn tin cho người mẹ mà không nhận được trả lời đều tìm đến tận nhà và lần cuối cùng còn cố gỡ cặp kính sát tròng khỏi mắt người mẹ kế. Những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm đều không có một suy nghĩ, tính cách rõ ràng, không tốt không xấu, không làm cho ta đồng cảm yêu hay ghét. Đây cũng chính là quan niệm sáng tác tiểu thuyết của Kaori. Trong lời phát biểu khi nhận giải, cô cho rằng“Tôi luôn luôn ý thức tiểu thuyết là thông tin. Thông tin thì có nhiều chủng loại nhưng trước hết từ ‘thông tin’ đối với tôi là coi trọng những ấn tượng mang tính vật chất hơi xa xăm. Và khi viết tiểu thuyết, tôi nghĩ rằng mình tồn tại chỉ để ghi chép thông tin thôi. Công việc của tôi không có đánh giá xấu hay tốt, thích hay ghét về những đối tượng đáng được ghi chép lại. Đó là sự cố gắng hết sức để ký thuật lại một cách chính xác tất cả con người và sự vật, không khẳng định cũng không phủ định. Chỉ có chừng đó thôi”







Cho rằng tiểu thuyết là thông tin và cố gắng ghi chép lại những đối tượng đáng ghi chép để lưu giữ cũng là một quan niệm khá lạ, có thể xác lập một khái niệm mới là “thông tin dạng tiểu thuyết” chăng? Trong bài phỏng vấn sau khi nhận giải, Kaori đã cho biết mình là một đứa trẻ yếu đuối, bị bắt nạt khi còn nhỏ; thích phim kinh dị và món ăn cơm trứng và gà Oyakodon. Nhưng có lẽ do kinh nghiệm bị bạo hành ức hiếp khi còn nhỏ nên cô cho rằng thế giới này là một nơi đáng sợ và đưa vào trong tác phẩm của nỗi sợ hãi ấy. Ngoài ra cũng như các nhà văn Nhật Bản khác luôn xoay trở với đề tài cô đơn của thân phận con người trong thế giới, trong những thành phố cực lớn và hiện đại, tác phẩm của Fujino “miêu tả con người” trong một cuộc sống không có giao tiếp hay đoạn tuyệt giao tiếp truyền thông, mỗi người sống lầm lũi như một cái bóng, liên hệ gia đình chỉ mang tính hình thức, cá thể rời rạc cô độc trong cái thể chế gia đình. Còn bên ngoài xã hội, cái cuộc sống bình thường thì luôn đáng sợ. Có thể nói đây là một vấn nạn không riêng gì của Nhật Bản hiện đại mà của toàn thế giới trong sự phát triển hiện nay đang bị tha hóa đi về nhân tính, chỉ còn lại một sự tồn tại trống rỗng và vô nghĩa. Có lẽ đó cũng là một nguyên nhân khiến cho người Nhật tự sát nhiều đến vậy.

Là một tác giả trẻ và hiện đại nhưng quan niệm của cô về cái đẹp hẳn nhiên bắt nguồn sâu xa từ truyền thống văn hóa Nhật Bản. Cô cho rằng ““từ ‘đẹp đẽ’ có một phạm vi lớn hơn các hiểu thông thường của thế gian. Những cái thực sự đẹp đẽ hay những cái dễ thương đều là ‘đẹp’ cả, và ngược lại ngay cả cái xấu và cái đáng sợ cũng đẹp nữa. Tôi nghĩ rằng những thứ gây ấn tượng mạnh mẽ cho con người hay gây một loại kích thích nào đó với cảm xúc con người thì tất cả đều là đẹp đẽ cả”, và tôi (HL) cho rằng đây là từ khóa then chốt để hiểu được văn hóa và văn học Nhật Bản. Đó là cái đẹp được đẩy đến tận cùng bằng hình ảnh, ngôn từ hay một phương tiện nào đó để gây một ấn tượng hay một kích thích mạnh mẽ cho người khác. Như thế, “cái chân” và “cái thiện” đôi khi phải mờ nhạt đi để ưu tiên cho “cái mỹ”. Hay hiểu theo một cách khác tận cùng cái mỹ đã vượt lên những quan niệm về “cái chân”, “cái thiện” bình thường để tựu thành một cái gì siêu đẳng, gần với sức sáng tạo của các thần linh. Có hiểu được điều này thì ta mới không bị choáng váng khi đọc những tác phẩm “Bức bình phong địa ngục” của Akutagawa hay “Xăm mình” của Tanizaki hay xem những bộ phim kinh dị của Nhật Bản. Cái ý thức về mỹ học (mỹ ý thức) của người Nhật Bản luôn thường trực từ trong cả cuộc sống hàng ngày đến tất cả mọi lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Danh thủ cờ shogi nổi tiếng Habu Yoshiharu luôn tâm niệm phải để lại một kỳ phổ đẹp. Hay chưa đủ, còn phải đẹp nữa. Đẹp trên tuyệt đỉnh mong manh, đẹp cao sang quý phái, đẹp lạnh lùng tàn nhẫn, đẹp kinh hoàng đẫm máu. Đẩy đến tận cùng là ý thức mỹ học về cái chết. Chết thế nào để đẹp đẽ, để gây tiếc nuối như hoa anh đào đã đi vào tâm khảm người Nhật để ta có những cái chết đẹp đẽ bi tráng cả trong đời thực lẫn trong văn học. Như cái chết mổ bụng tự sát về lý tưởng của Mishima Yukio, tự sát bằng hơi ga của Kawabata hay như nhân vật bác sĩ trầm mình xuống hồ trong “Đèn không hắt bóng” của Watanabe.

Để giới thiệu một tác giả mới của văn học Nhật nói riêng và những vấn đề của văn hóa Nhật nói chung, chúng tôi trích dịch lời phát biểu khi nhận giải của tác giả Fujino cùng với nguyên văn bài phỏng vấn sau khi nhận giải thưởng Akutagawa danh giá từ nguồn tạp chí “Văn nghệ Xuân thu” (Bungei shunshu) số đặc biệt tháng 9/ 2013 từ trang 408 đến 415.







FUJINO KAORI

Sinh năm 1980 tại Kyoto, tốt nghiệp thạc sĩ trường đại học Doshisha, Kyoto. Được giải thưởng “Văn học giới tân nhân thưởng” với tác phẩm “Iyashii tori” (Con chim ti tiện) năm 2006. Tác phẩm “Ike nie” (Kẻ hiến tế, vật hy sinh) được chọn làm ứng viên cho giải thưởng Akutagawa lần thứ 141 năm 2009.



Lời phát biểu khi nhận giải Akutagawa

Tôi luôn luôn ý thức tiểu thuyết là thông tin. Thông tin thì có nhiều chủng loại nhưng trước hết từ “thông tin” đối với tôi là coi trọng những ấn tượng mang tính vật chất hơi xa xăm. Và khi viết tiểu thuyết, tôi nghĩ rằng mình tồn tại chỉ để ghi chép thông tin thôi. Công việc của tôi không có đánh giá xấu hay tốt, thích hay ghét về những đối tượng đáng được ghi chép lại. Đó là sự cố gắng hết sức để ký thuật lại một cách chính xác tất cả con người và sự vật, không khẳng định cũng không phủ định. Chỉ có chừng đó thôi.

Dĩ nhiên đây chỉ là nói một cách lý tưởng, còn thực tế tôi hiểu rõ rằng việc tựu thành được điều này là không có khả năng. Điều này là bởi vì “những đối tượng đáng được ghi chép lại” chỉ do tôi tạo ra một cách tùy tiện mà thôi nên đó là những câu chuyện đáng ngờ. Những chuyện đáng ngờ như thế mà được yêu thích như thế thì tôi thật sự cảm tạ các vị trong ban tuyển khảo đã chọn lựa tác phẩm yếu kém của tôi cùng với gia đình và những quý vị biên tập đã luôn chăm lo cho tôi với sự nhẫn nại vô cùng.





“THẾ GIỚI THÌ ĐÁNG SỢ NHƯNG CŨNG CÓ

NHỮNG ĐIỀU TUYỆT VỜI”



PV: Xin chúc mừng chị được nhận giải thưởng Akutagawa. Nghe nói khi biết tin mình đạt giải chị đã gọi điện báo cho cha mẹ ngay.
Fujino: Vâng. Mẹ tôi chẳng hiểu sao tôi có khả năng này nhưng hình như là bà có xem truyền hình trực tiếp cảnh tôi tươi cười ở buổi họp báo. Thành ra khi tôi gọi điện bảo “con đạt giải rồi đấy” thì mẹ bảo “sao, thật không, chưa thấy phát biểu gì cả mà” (cười). Đại khái như vậy đấy.

PV: Người đàn ông ở cùng với chị trong ngày tuyển khảo đó là chồng chị à?
Fujino: Vâng. Một năm trước đây tôi đã kết hôn với bạn cùng thời đại học sau mười năm hò hẹn. Anh ấy chỉ là một nhân viên công ty bình thường, không đọc sách gì cả.

PV: Trong tác phẩm đạt giải của chị tôi thấy mối quan hệ giữa mẹ kế và người con gái trong căn nhà kín cửa được miêu tả rất tinh tế, làm cho người ta thấy một sự đáng sợ nào đó. Trong cuộc họp báo, chị có nói rằng “cái đáng sợ là cái đẹp đẽ”. Và tôi cho rằng đây là từ chìa khóa của tư chất tác giả Fujino.

Fujino: Đối với tôi, từ “đẹp đẽ” có một phạm vi lớn hơn các hiểu thông thường của thế gian. Những cái thực sự đẹp đẽ hay những cái dễ thương đều là “đẹp” cả, và ngược lại ngay cả cái xấu và cái đáng sợ cũng đẹp nữa. Tôi nghĩ rằng những thứ gây ấn tượng mạnh mẽ cho con người hay gây một loại kích thích nào đó với cảm xúc con người thì tất cả đều là đẹp đẽ cả.

Chẳng hạn như những cảnh đáng sợ trong phim ảnh hay truyện tranh tôi nghĩ đều là sự cấu thành sau những suy nghĩ kỹ càng dựa trên một ý thức mỹ học nào đó. Vì vậy tôi nghĩ chúng là đẹp đẽ.

PV: Chị được sinh ra ở Kyoto năm 1980 nhỉ. Hồi nhỏ chị là một cô bé như thế nào?

Fujino: À, hơi yếu đuối. Và có cảm giác là hơi mơ màng hơn bây giờ (cười). Rất dở các môn vận động. Thích đọc các sách tranh ảnh. Từ khi còn nhỏ tôi đã có cảm giác là mình có thể đọc chữ một cách tự nhiên. Khi mẹ đọc truyện tranh cho nghe, thì tôi cứ hỏi “tại sao người này lại mặc bộ quần áo này vậy?”, “tại sao lại mang theo vật này?” cứ mỗi lần lật trang là tôi lại hỏi mẹ liên tục như vậy cho nên nghe nói đọc xong được một cuốn truyện thì mất rất nhiều thời gian.

PV: Có quyển truyện tranh nào chị ưa thích đặc biệt không?
Fujino: “Ma nữ và khúc sáo thần” (truyện của Takeda Kazuko). Đó là một quyển truyện có nhiều tranh vẽ rất đẹp. Những người con gái trong thôn làng bị dẫn dụ bởi tiếng sáo của ma nữ và biến mất hết. Trong khi tất cả đang buồn rầu thì chàng thanh niên thổi sáo xuất hiện nhìn thấy người con gái tuyệt đẹp đang thổi sáo trong rừng. Rất nhiều con bướm trắng bay quanh nàng và người thanh niên nhận ra đó là những người con gái. Rồi chàng lén đổi cây sáo của mình với cây sáo của người con gái, vừa thổi vừa chạy thoát khỏi khu rừng. Nhờ vậy mà những người con gái được trở lại thành người, ma nữ chết và trở thành một bông hoa nhưng với phép thuật cuối cùng của ma nữ, chàng thanh niên đã bị biến thành con bướm.

Tôi đọc lại nhiều lần. Những bức tranh đều nổi lên. Tuy nhiên cảnh cuối cùng khi những người con gái đã trở lại thành người vây xung quanh bông hoa mà ma nữ biến thành, kết thành vòng tròn và nhảy múa cười đùa không chút khổ đau thì tôi cảm thấy có chút gì hơi khó hiểu (cười).

PV: Dường như tất cả motiv của Fujino đều có trong đó cả nhỉ...

Fujino: Khi nghe nói vậy thì tôi cũng nghĩ ra là có lẽ là như vậy đấy. Sự biến thân này, rồi sự bắt cóc này... (cười)

Thời học sinh tiểu học bị bắt nạt

PV: Từ cấp hai cho đến hết thạc sĩ chị đều học ở Doshisha à?

Fujino: Ở trường Doshisha ấy có tập trung nhiều người giàu có ở Kyoto. Trường nữ Doshisha thì có nhiều quý cô giàu có hơn trường cấp hai và cấp ba hỗn hợp[1] Doshisha cho nên cha mẹ tôi lo lắng rằng tôi vốn là thứ dân sẽ không thích hợp nên mới quyết định cho tôi vào trường chung hỗn hợp. Hơn nữa không gian mà chỉ toàn con gái với nhau không thì sẽ hay xảy ra những vụ việc bi thảm như bắt nạt chẳng hạn. Thực ra tôi đã bị bắt nạt từ hồi còn học tiểu học. Vì thế mà cha mẹ tôi cho rằng tôi không thể vào học trường trong khu vực được.

PV: Vậy sao?

Fujino: Vào khoảng năm lớp ba tiểu học, tôi gặp phải cảnh như nhân vật bé gái trong truyện“Ohanashishite Kochan” (Hãy nói đi, bé gái) (Tạp chí Quần tượng số tháng 7/2012) vậy. Vì thần kinh vận động kém nên trong trò chơi ném bóng đã trở thành “hội ném bóng vào Fujino”, rồi thì bị giật tóc, bị giằng lấy quyển sách đang đọc rồi ném đi, rồi những vật cần thiết bị biến mất là đương nhiên. Tôi bị tất cả bạn gái cùng lớp khinh thường. Một thời gian dài tôi đã không thể đến trường và đến khoảng từ năm lớp bốn thì tôi mới đi học bình thường trở lại được.

PV: Trong khoảng thời gian đó, chị làm gì ở nhà?

Fujino: Thực ra tôi cũng chẳng nhớ nữa. Tuy nhiên, tôi có nhớ là cha tôi có thuê những bộ phim hoạt hình của Miyazaki Hayao và Walt Disney và tôi đã xem chúng suốt ngày. Xem hết những phim như“Người láng giềng Totoro”, “Ngôi thành trên trời” tôi chuyển qua xem đến phim thời sơ kỳ của Miyazaki như“Panda, Go panda” nữa.

PV: Chị bắt đầu đọc sách từ khi nào?

Fujino: Trong kho sách của trường tiểu học có một tập truyện ngắn của Edgar Allan Poe. Có lẽ đó là quyển đầu tiên chăng? Sau đó tôi đọc những seri truyện của Edogawa Ranbo như “Đoàn thám tử thiếu niên” rồi “Arsene Lupin”. Tôi cũng đọc say sưa quyển truyện huyễn tưởng cổ đại của Ogihara mà cha mẹ đã mua cho nữa. Từ hồi lên cấp hai thì tôi đọc những quyển của Dazai Osamu, Mishima Yukio hay “Đỉnh gió hú” hay “Cuốn theo chiều gió”, những truyện mà những học sinh cấp hai thường đọc.

PV: Nghe nói chị rất thích phòng tiêu bản “Thuần hóa quán” của trường trung học Doshisha?

Fujino: Bình thường phòng khóa kín, chỉ có những dịp lễ của trường mới được mở ra thôi. Tôi rất thích nơi đó, mỗi lần như vậy đều phải vào xem. Nhìn từ bên ngoài thì cho cảm giác giống như bị bỏ hoang phế nhưng bên trong thì khá rộng và u ám. Có rất nhiều mẫu vật quý hiếm toàn quốc như hổ, sư tử, hà mã, ngựa vằn, thú ăn kiến... Cả những mẫu vật nhồi bông lẫn mẫu vật được ngâm trong formalin đều cũ kỹ và hơi đáng sợ nên có ít người muốn xem. Nhưng mình tôi tiến sâu vào mà xem một cách vui thích. Bây giờ thì nghe nói trường đã được xây lại và những mẫu tiêu bản được dời sang một căn nhà khang trang hơn.

Ở trường trung học Doshisha có mẫu tiêu bản con khỉ được ngâm trong Formalin. Nó lớn khoảng chừng bằng đứa trẻ con, tuy khuôn mặt bị chẻ đôi ra nhưng nhãn cầu vẫn còn nguyên vẹn, hình dáng rất ghê gớm. Tôi nghĩ thầm “cái này là gì nhỉ” và cứ ngắm mãi.

PV: Chị thích phim kinh dị, và trong ngày chấm chung khảo chị vừa xem vừa đợi kết quả à?


Fujino: Vâng. Ở cuộc họp báo khi được hỏi về tác phẩm yêu thích, tôi đã trả lời ngay là “thầy phù thủy” (exorcist). Tôi cũng rất thích phim “Vật hiến tế của ác ma”.

Vào khoảng những năm tôi mười mấy tuổi có nhiều phim thịnh hành như phim “Long Vacation” có diễn viên Kimura Takuya diễn xuất (năm 1996) nhưng tôi lại chẳng hứng thú một chút nào. Trong khi lại thích xem phim “Hoa thời loạn” (Hana no ran) (năm 1994). Đó là phim xoay quanh nhân vật Hino Tomiko.[2]Tuy nhiên vì nỗi sợ bị bạn bè bắt nạt hồi tiểu học rồi cảm giác nguy cơ khi nói chuyện không hợp với người ta nên tôi cũng chăm chú xem phim “Long Vacation” với cảm giác như khoanh tay mà nhìn vậy. Còn một phim nữa là “Sasho Taeko - Sự kiện cuối cùng” do nữ diễn viên Asano Atsuko đóng (năm 1995). Đây là một bộ phim sát nhân kinh dị, tôi xem rất hào hứng và cảm giác nó giống với phim “Sự im lặng của bầy cừu” phiên bản Nhật vậy.

Cuộc sống bình thường cũng đã đáng sợ rồi

PV: Chị có ý định viết văn là từ khi nào vậy?

Fujino: Từ hồi còn học mẫu giáo tôi đã nghĩ “mình sẽ là người viết những câu chuyện gì đó” rồi. Chẳng phải khi đã lớn thì ta đều nghĩ đến chuyện kết hôn, chuyện làm dâu hay sao? Đại khái là cảm giác như vậy đấy.

Cũng như khi kết hôn rồi người ta vẫn tiếp tục làm việc thì cũng có nhiều người dù cho viết văn vẫn muốn làm một công việc đàng hoàng khác. Hồi tiểu học tôi muốn trở thành một nghệ sĩ dương cầm. Vào đại học thì tôi đã từng nghĩ mình sẽ làm nhà nghiên cứu nơi bảo tàng mỹ thuật, một thợ chụp ảnh hay một nhà nghiên cứu nhưng tất cả đều không được. Tôi học xong thạc sĩ vào năm 2004, làm trợ thủ chụp ảnh cho một nhà xuất bản sách. Được nửa năm tôi nghỉ việc và ngay lập tức được thuê làm bán thời gian ở một nhà xuất bản học thuật Kyoto với tên gọi “Nhà xuất bản tư tưởng thế giới” (Thế giới tư tưởng xã). Trong những công việc liên quan đến xuất bản ở Kyoto, hầu như không có làm thêm giờ nên tiền lương cao thì bấy giờ chỉ có duy nhất chỗ đó thôi.

PV: Rồi đến năm 2006, chị nhận được giải thưởng văn học mới với tác phẩm “Con chim ti tiện”. Tác phẩm này là câu chuyện nói về anh chàng hàng xóm đã biến thành chim. Đột nhiên thay đổi câu chuyện nhưng hình như chị rất thích món cơm trứng và thịt gà Oyakodon? [3]
Fujino: À... (cười). Đúng vậy. Thích lắm. Gọi là món cơm “mẹ con” không ghê sao? Xét về chủng loại thì là mẹ con, tuy không phải là mẹ con thật nhưng cũng giống như giết thịt cả mẹ và con rồi bày lên vậy. Nếu nhìn từ góc độ con gà thì đáng sợ chứ nhỉ? Tôi nghĩ sức phá hủy của ngôn từ thật là ghê gớm. Và thôi thích món này vì ý nghĩa đó (cười).

PV: Từ sau tác phẩm đầu tay, chị đã cho xuất bản tác phẩm độc đáo và chín chắn trộn lẫn giữa hiện thực và siêu thực?

Fujino: Tôi không nghĩ quá khó khăn như vậy đâu. Đối với tôi, tôi chỉ thấy mình viết ra những điều giống như là mình muốn viết về hiện thực. Trong một bức tranh, những điều siêu hiện thực vẫn thường hay xuất hiện nên tôi không cho rằng mình có thay đổi hay đột phá kỳ lạ gì cả. Bây giờ cũng không. Tuy nhiên có một phần bị dẫn dụ lôi cuốn vào cái đẹp và sự dị dạng thị giác.

Gần đây, tốc độ viết của tôi có nhanh hơn trước. Trước đây tôi cứ tìm kiếm những điều vượt quá năng lực của mình nên có nhiều khi không thể tiến lên phía trước được. Nhưng dần dần thì đã trở nên tốt hơn rồi.

Tuy thế trong tác phẩm “Mắt và móng tay” sau khi trình ra bản thảo đầu tiên tôi đã phải để yên trong gần một năm trời. Tôi thay đổi điểm nhìn mỗi chương, thử chuyển đổi nhân vật ngôi thứ hai (anata) thành ngôi thứ nhất, rồi với đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất tôi thay đổi kiểu cách một chút, thêm ngôi thứ ba, làm các câu văn đẹp đẽ hay trở thành văn nói... Sau nhiều thử nghiệm thì tác phẩm trở thành như bây giờ.

PV: Trong tác phẩm của chị, tôi cảm thấy có một biểu hiện nhất quán. Nó giống như là nỗi sợ khi chìm rơi vào cuộc sống thường ngày.
Fujino: Bản thân cái bình thường, thường ngày đã đủ đáng sợ hơn là cái đáng sợ xuất hiện trong cái bình thường. Nếu chị nói là đáng sợ thì tôi nghĩ là đúng vậy.

PV: Chị có cảm thấy đáng sợ trong cuộc sống ở Nhật Bản bây giờ không?
Fujino: Ừm. Thế giới này quả thật là đáng sợ. Ví dụ như internet chẳng hạn. Nhờ internet mà mình có thể xem được những tấm ảnh về sự kiện sát nhân mà trước đây không thể nào xem được. Nhưng mặt khác mạng internet có thể ném ra những lời nói xấu bóng gió ra chốn công khai. Điều đó tôi khi chẳng có tốt đẹp gì. Bởi tôi nghĩ lời nói bóng gió là cốt không để cho đối phương nghe thấy được.

Hồi tôi học tiểu học, phương tiện liên lạc chỉ có điện thoại mà thôi. Nhưng giờ muốn chỉ trích phê phán ai đó người ta thể qua mail hay nối mạng. Tôi nghĩ điều đó có chút đáng sợ. Giống như trang twitter, những lời nói nhẹ dạ được lưu giữ lại bằng văn tự và được tích tụ lại như một dạng thông tin. Điều đó cũng thú vị và tôi không nghĩ rằng tất cả đều là xấu.

PV: Bây giờ chị Fujino có muốn nói điều gì với những trẻ em đang bị bắt nạt không?
Fujino: À, khi bị bắt nạt, mình nghĩ rằng đó là tất cả. Nhưng theo thời gian trôi qua, có người được đi khắp mọi nơi, có người tự mình tạo ra thế giới mình yêu thích hay có thể sống trong thế giới mà mình muốn nên tôi muốn các em hãy đợi cho đến khi đó. Tất nhiên bây giờ thì có lẽ không thể nào mà tin được. Hơn nữa cũng có nhiều điều tuyệt diệu và thú vị ngoài mối quan hệ giữa con người với con người mà nên tôi muốn các em tin tưởng và nhờ cậy vào những sức mạnh ấy.

Bây giờ dù tôi không xem những bộ phim yêu đương nhưng tôi vẫn vui vẻ trong thế giới không có những lời nói bóng gió (cười).

PV: Từ giờ trở đi chị muốn tiến tới phía trước như thế nào với vai trò là một tác gia?
Như tôi đã viết trong “lời phát biểu khi nhận giải” là “một cách chính xác hơn”. Tôi nghĩ sự chính xác là khác biệt với từng tác phẩm nhưng tôi muốn mình phải chú ý để có thể viết ra được nghiêm mật sự chính xác nhất cần phải có đối với từng tác phẩm.


Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ


_________________________

[1]Trường học chung có cả nam lẫn nữ. Hệ thống trường Nhật Bản có trường chỉ dành cho nữ sinh, trường chỉ dành cho nam sinh và trường chung cả nam lẫn nữ.


[2]Hino Tomiko (1440-1496): Phu nhân của tướng quân đời thứ tám Ashikaga Yoshimasa và là mẹ của tướng quân đời thứ 9 Ashikaga Yoshihisa của Mạc Phủ Muromachi.


[3]Oyakodon, dịch ra là món cơm “mẹ con”. Món cơm được chất thịt gà (mẹ) và đập thêm một quả trứng (con) vào bát, món ăn rất phổ thông ở Nhật.

MÙA GÀ TÂY


Bản dịch của Trần Minh Hương





Lúc mười bốn tuổi tôi được nhận vào làm việc ở Vựa Gà Tây cho mùa Giáng Sinh. Lúc đó tôi còn quá trẻ để có thể kiếm việc trong một cửa hàng hay làm nhân viên hầu bàn bán thời; tôi cũng còn quá nhút nhát.

Tôi là người mổ gà. Những công nhân khác cùng làm trong Vựa Gà Tây là Lily, Marjorie và Gladys, cũng là những người mổ gà; Irene và Henry, nhổ lông; Herb Abbott, người đốc công, chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ công việc và tham gia vào bất cứ chỗ nào thiếu người. Morgan Elliott là chủ nhân kiêm giám đốc. Ông ta và con trai, Morgy, làm công việc giết gà.

Tôi biết Morgy hồi còn đi học. Tôi nghĩ anh ta đần độn và đáng ghét, và tôi thấy khó chịu khi phải chấp nhận anh ta ở một vị thế mới và có vẻ cao cấp hơn tôi, vì anh ta là con trai của ông chủ. Nhưng ông chủ đối xử với anh ta thật thô lỗ, mắng và chửi anh ta, xem anh ta chẳng hơn gì một thằng làm công mạt hạng. Một người nữa cũng có liên quan với ông chủ là cô Gladys. Cô là em gái của ông chủ, và trong trường hợp của cô thì hình như có sự đối xử ưu ái. Cô làm việc chậm chạp và ra về nếu cảm thấy không khoẻ. Cô có vẻ không ưa Lily và Marjorie, tuy vậy, cô có chút thiện cảm với tôi. Cô về ở nhờ với Morgan và gia đình ông ta sau khi cô đã làm việc nhiều năm ở Toronto, trong một ngân hàng. Đây không phải là công việc quen thuộc của cô. Lily và Marjorie hay nói lén về cô khi cô không có ở đó, họ nói cô bị suy nhược thần kinh. Họ nói ông Morgan bắt cô làm việc trong Vựa Gà Tây để trả cho chi phí ở nhờ. Họ còn nói, mà không sợ họ đang tự mâu thuẫn, rằng cô làm công việc này vì đang theo đuổi một người đàn ông, và người đàn ông ấy là Herb Abbott.

Trong mấy đêm đầu tiên sau khi bắt đầu làm việc ở đó, tất cả những gì tôi thấy mỗi khi nhắm mắt lại là lũ gà tây. Tôi thấy chúng được treo lộn ngược, trụi lông và cứng đơ, tái và lạnh, đầu và cổ mềm nhũn, mắt và mũi vấy máu bầm; những cái lông còn sót lại — sậm đen và dính đầy máu — trông như một cái vương miện. Nhìn chúng, tôi không thấy ghê tởm, mà chỉ có cảm tưởng là công việc sẽ bận bịu vô tận.

Herb Abbott chỉ việc cho tôi. Em hãy đặt con gà lên bàn và chặt cổ nó bằng con dao phay. Sau đó em cầm miếng da lỏng ở cổ và kéo ngược lại cho lòi cái cuống diều nằm giữa cổ họng và khí quản.

“Sờ viên sỏi này xem,” Herb nói với vẻ khuyến khích. Anh bảo tôi dùng mấy ngón tay túm lấy cái diều. Rồi anh chỉ cho tôi cách luồn bàn tay vào sau cái diều và cắt nó ra, cả cổ họng và khí quản nữa. Anh dùng cái kéo lớn để cắt xương sống.

“Túm lấy, túm lấy”, anh nói nhẹ nhàng. “Bây giờ, thọc tay vào.”

Tôi làm theo. Bên trong con gà thì lạnh ngắt và tối tăm.

“Cẩn thận tránh những cái giằm xương”.

Mò mẫm trong khoảng tối tăm ấy, tôi phải kéo những cái màng nhầy giãn ra.

“Đứng dậy nào.” Herb lật con gà và gập từng cái chân. “Quỳ lên, Mẹ Nâu. Nào.” Anh lấy con dao lớn để ngay lên khuỷu chân con gà và cắt đứt cái ống chân.

“Nhìn mấy con giun này”.

Những sợi dây màu trắng ngà, được kéo ra từ ống chân con gà, đang uốn éo.

“Đó là những cái gân gà đang rút lại. Bây giờ đến phần thú vị!”

Anh xẻ phần hậu môn của con gà, một mùi hôi bay lên.

“Em có được học hành đàng hoàng không vậy?”

Tôi không biết nói sao.

“Mùi gì biết không?”

“Hydrogen sulfide.”

“Em có học,” Herb nói và thở dài. “Được rồi. Em dùng mấy ngón tay móc bộ lòng ra. Từ từ, từ từ. Giữ mấy ngón tay lại với nhau. Cuộn bàn tay lại. Dùng mu bàn tay chạm vào những cái xương sườn. Dùng lòng bàn tay nắm lấy mớ lòng. Có cảm thấy gì không? Tiếp tục đi. Giựt đứt những sợi dây — càng nhiều càng tốt. Tiếp tục đi. Rờ thấy cái cục cưng cứng không? Đó là mề gà. Rờ thấy cái cục mềm mềm không? Đó là trái tim. Thấy chưa? Rồi hả. Móc mấy ngón tay quanh cái mề gà. Từ từ thôi. Bắt đầu kéo về phía này. Đúng rồi. Đúng rồi. Bắt đầu kéo nó ra.”

Việc này không hề dễ chút nào. Tôi cũng không chắc rằng cái tôi nắm được là cái mề gà. Tay tôi đầy một đống lầy nhầy lạnh ngắt.

“Kéo đi,” anh nói, và tôi lôi ra một đống lầy nhầy óng ánh.

“Được rồi. Mớ xôm xốp này. Em biết nó là gì không? Là phổi. Còn đây là tim. Cái này là mề. Còn đó là mật. Này, em đừng bao giờ làm bể túi mật, không thì nó sẽ làm đắng hết cả con gà.” Rất khéo léo, anh moi ra hết những thứ tôi còn để sót, kể cả hai hòn dái, trông như hai quả nho màu trắng.

“Một đôi bông tai dễ thương,” Herb nói.

Herb Abbott là người đàn ông cao, chắc và đầy đặn. Tóc anh đen và mỏng, được chải thẳng từ đằng trước ra đằng sau, và mắt anh hơi xếch, vì vậy trông anh giống như một ông Tàu da tái mét hay giống như bức hình của Quỷ Sứ, ngoại trừ mặt anh không có râu ria và trông hiền lành. Bất cứ việc gì anh làm trong Vựa Gà Tây này — từ việc mổ gà, như việc anh đang làm bây giờ, đến việc chất hàng lên xe tải, hay treo những xác gà lên — đều được làm với những động tác thuần thục, gọn gàng, một cách nhanh nhẹn và khoan khoái. “Để ý Herb xem — anh ta đi cứ như đang ngồi trên một chiếc thuyền trôi,” Marjorie nói, và quả như vậy. Herb đã từng làm đầu bếp theo mùa trên những chiếc du thuyền trên hồ. Rồi anh làm việc cho Morgan cho đến hết mùa Giáng Sinh. Thời gian còn lại, anh giúp việc cho một tiệm bi-da, làm bánh hamburgers, lau dọn, và ngăn chặn những cuộc đánh nhau trước khi chúng xảy ra. Đó cũng là nơi anh đang ở: anh có một phòng phía trên tiệm bi-da trên con đường chính.

Trong tất cả các công việc tại Vựa Gà Tây, dường như chỉ có Herb là người luôn nghĩ đến hiệu quả và uy tín của lò mổ; chính anh là người giữ mọi việc trong tầm kiểm soát. Nếu bạn thấy cách anh ta đứng trong sân nói chuyện với ông Morgan — một người đàn ông mập, lùn, mặt đỏ, và hay nạt nộ bất ngờ — thì chắc chắn bạn sẽ nghĩ Herb là ông chủ còn Morgan chỉ là người làm thuê. Nhưng thật ra không phải như vậy.

Nếu không có Herb chỉ việc cho tôi, thì chắc là tôi đã không học được cách mổ gà. Đôi tay tôi rất vụng về và tôi rất thường cảm thấy xấu hổ về điều đó, nên nếu người hướng dẫn tỏ ra một chút cử chỉ mất kiên nhẫn thì cũng đủ khiến cho tôi run rẩy luống cuống. Tôi không thể chịu được khi có bất cứ ai đứng nhìn tôi làm, ngoại trừ Herb. Cụ thể hơn, tôi không thể chịu được nếu Lily và Marjore, hai chị em ở tuổi trung niên, nhìn tôi mổ gà. Họ làm việc rất nhanh, thành thạo và hay ganh đua. Họ vừa làm vừa hát vừa trò chuyện thô lỗ và thân mật với những cái xác gà tây.

“Đừng có khoèo tôi chứ, cái thằng già bạo dâm!”

“Đúng là cái lỗ đít già!”

Tôi chưa bao giờ nghe phụ nữ nói chuyện kiểu này.

Gladys không phải là một người mổ gà nhanh nhẹn, nhưng cô rất thành thạo; nếu không thì chắc hẳn là Herb đã chỉ việc cho cô. Cô không bao giờ hát và không bao giờ chửi thề. Tôi nghĩ cô khá lớn tuổi, mặc dù cô trẻ hơn Lily và Marjorie; chắc là cô đã ngoài ba mươi. Cô có vẻ như bị xúc phạm bởi mọi thứ đang xảy ra, và cố giữ những lời phê phán chua chát trong lòng. Tôi chưa bao giờ thử nói chuyện với cô, nhưng một ngày kia cô bắt chuyện với tôi trong căn phòng vệ sinh lạnh lẽo và chật hẹp bên cạnh lán mổ gà. Lúc đó cô đang trét đồ trang điểm lên mặt mình. Phấn trang điểm rất chỏi với màu da của cô, trông như cô đang đắp sơn màu cam lên một bức tường trắng gồ ghề.

Cô hỏi có phải tóc tôi quăn tự nhiên.

Tôi nói là phải.

“Chứ không phải tóc uốn hả?”

“Không.”

“Em may mắn thiệt đó. Chị thì đêm nào cũng phải cuốn ống lô. Hoá tính tự nhiên trong cơ thể chị không cho phép chị uốn tóc quăn.”

Phụ nữ có nhiều cách nói khác nhau về diện mạo bên ngoài của họ. Một số người nói toẹt ra rằng họ làm đẹp vì nhu cầu tình dục, làm đẹp cho đàn ông. Một số người khác, như Gladys chẳng hạn, lại ăn mặc bình thường như làm công việc quản gia, đây là loại người tự hào về những điều khó khăn của mình. Gladys rất duyên dáng. Tôi có thể hình dung cô làm việc ở ngân hàng, trong chiếc áo đầm màu xanh dương với cái cổ áo màu trắng loại mà bạn có thể tháo rời ra và đem giặt vào ban đêm. Chắc hẳn là cô cũng hay than phiền và bắt bẻ.

Một lần khác, cô nói với tôi về chuyện kinh nguyệt của cô, nó ra nhiều và làm cô đau bụng. Cô muốn biết về kinh nguyệt của tôi. Có một vẻ khó chịu, nghiêm nghị và lo âu trên mặt cô. May thay Irene nói vọng ra từ buồng cầu và cứu tôi ra khỏi tình huống khó xử này. “Làm như tôi nè, rồi cô sẽ không bị những thứ rắc rối ấy nữa, ít ra cũng được một thời gian.” Irene chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, nhưng cô ta vừa lập gia đình sau khi có bầu, và đang ở vào những tháng cuối của thai kỳ.

Gladys làm như không nghe thấy, vẫn tiếp tục hứng hai bàn tay dưới vòi nước lạnh. Tay của mọi người ở đây đều đỏ và tấy vì làm việc nhiều. “Chị không thể xài xà-bông này được. Nếu chị dùng nó, tôi sẽ bị ngứa,” Gladys nói. “Nếu chị mang xà-bông của chị vô đây, thì chị không thích người khác xài, bởi vì nó mắc lắm — đó là loại xà-bông chống dị ứng.”

Tôi nghĩ cái ý tưởng mà Lily và Marjore nêu ra — rằng Gladys mê Herb Habbott — thì chẳng qua là vì họ tin rằng những kẻ độc thân thì nên bị chọc ghẹo và làm cho xấu hổ bất cứ lúc nào, và chính họ cũng thích Herb, khiến họ có cảm giác rằng chắc chắn có ai đó đang theo đuổi anh ấy. Họ thắc mắc về anh ấy. Cái mà họ thắc mắc là: Tại sao một người đàn ông như anh ấy lại không muốn gì cả? Không vợ, không gia đình, không nhà cửa. Những chi tiết về cuộc sống hàng ngày của anh ấy, những sở thích nho nhỏ của anh ấy, đều được quan tâm. Anh ấy lớn lên ở đâu? (Nơi này, nơi kia, hay bất cứ nơi nào.) Anh ấy học đến lớp mấy? (Cũng vừa đủ trình độ học vấn.) Bạn gái anh ấy ở đâu? (Không bao giờ nhắc đến.) Nếu phải chọn giữa trà và cà-phê, anh ấy chọn thứ nào? (Cà-phê.)

Khi họ nói Gladys đang theo đuổi anh ấy, họ rất muốn nói về chuyện tình dục — anh ấy muốn gì và anh ấy có những chiêu gì. Chắc chắn họ cảm thấy một sự tò mò đầy khêu gợi về anh ấy, mà tôi cũng vậy. Anh ấy khơi dậy cảm giác tò mò vì anh ấy rất cẩn trọng và không bao giờ đùa giỡn giống như những người đàn ông khác quanh đây, đồng thời anh ấy cũng không quá khó tính hay quá lịch sự. Một vài gã đàn ông, khi chìa cặp dái gà tây cho tôi xem, thì chắc là vì họ nghĩ rằng những hòn dái sẽ là một trò đùa tục tĩu đối với tôi, khiến một đứa con gái như tôi sẽ cảm thấy mắc cỡ; một loại đàn ông khác thì lại cảm thấy xấu hổ về chuyện này và nghĩ là họ phải bảo vệ tôi để tôi khỏi bị trêu chọc. Người đàn ông nào không thuộc vào một trong hai loại này thì hình như là không bình thường — có lẽ đối với các phụ nữ lớn tuổi, cũng như đối với tôi. Nhưng một điều gì đó đối với tôi là chuyện bình thường, thì cũng có thể làm cho những phụ nữ khác khó chịu. Họ muốn gây sốc cho anh ấy. Họ muốn cả Gladys cũng gây sốc cho anh ấy, nếu có thể.

Thời đó — ít ra là ở Logan, Ontario, vào cuối những năm bốn mươi — chẳng ai có ý tưởng rằng đồng tính luyến ái đang lan ra khỏi những nơi kín đáo riêng tư. Chắc hẳn phụ nữ thời đó tin rằng đồng tính luyến ái là hiện tượng hiếm hoi và có những giới hạn nhất định. Trong thị trấn có vài người đồng tính luyến ái, và mọi người đều biết đó là những ai: đó là anh chàng nhã nhặn, có giọng nói nhẹ nhàng và mái tóc xoăn, làm nghề dán giấy tường và tự cho mình là nhà trang trí nội thất; đó là anh chàng mập mạp và được cưng chiều — con một của bà quả phụ của ngài bộ trưởng — anh ta đã dám tham gia vào các cuộc thi làm bánh của phụ nữ và đã tự tay đan móc một tấm khăn trải bàn; đó là một người đàn ông mắc bệnh tưởng, hành nghề nhạc sĩ phong cầm trong nhà thờ và dạy âm nhạc, luôn giữ trật tự cho dàn đồng ca và học trò của mình bằng cách la hét quát tháo. Một khi cái nhãn đã được dán xong như vậy, thì người ta có nhiều cảm thông hơn cho những người đồng tính luyến ái, và những tài nghệ về trang trí, đan móc, và chơi nhạc của họ được mọi người hưởng ứng — đặc biệt là phụ nữ. “Tội nghiệp cho anh ta,” họ nói. “Anh ta vô hại.” Họ — nhất là đám phụ nữ — thật sự tin rằng chính cái sở thích làm bánh và chơi nhạc là yếu tố quyết định, và đó là những công việc biến người đàn ông thành đồng tính luyến ái — chứ không phải những công việc khác mà anh ta làm hay muốn được làm. Cái khát vọng chơi vĩ cầm được người ta xem là tác nhân làm cho người đàn ông đánh mất nam tính, chứ không phải đó chỉ là một thứ đam mê nhằm tránh sự cám dỗ của đàn bà. Thật vậy, người ta có cái ý tưởng rằng bất cứ người đàn ông chân chính nào cũng muốn tránh sự cám dỗ của đàn bà, nhưng hầu hết đều mất cảnh giác, và đành chịu thua luôn.

Tôi không muốn đi sâu vào vấn đề Herb có phải là người đồng tính luyến ái hay không, bởi vì cái định nghĩa ấy hoàn toàn vô ích đối với tôi. Tôi nghĩ có thể anh ấy là người đồng tính luyến ái, nhưng cũng có thể không phải vậy. (Ngay cả khi xem xét lại những chuyện đã xảy ra sau này, tôi cũng nghĩ như vậy). Anh ấy không phải là câu đố quá hóc búa để giải đáp.

Một thợ nhổ lông khác, cùng làm việc với Irene, là cụ Henry Streets, một người hàng xóm của chúng tôi. Chẳng có gì đáng nói về cụ ngoại trừ cụ đã tám mươi sáu tuổi mà vẫn “làm việc như quỷ”, như cách cụ tự nói về mình. Cụ hay đổ rượu whisky vào trong cái bình thuỷ, và suốt cả ngày cứ thỉnh thoảng lại uống. Chính cụ Henry đã nói với tôi, khi chúng tôi đang ở trong bếp tại nhà, “Cháu nên kiếm một việc làm ở Vựa Gà Tây. Ở đó họ đang cần một thợ mổ gà.” Ngay lập tức ba tôi nói, “Không phải nó, Henry. Nó chỉ có mười ngón tay cái thôi,” và cụ Henry nói là cụ chỉ nói giỡn thôi — vì đó là công việc dơ dáy. Nhưng tôi đã quyết là sẽ làm thử công việc này — tôi rất muốn thành công trong một công việc như thế. Tôi ở trong tình trạng giống như một người trưởng thành cảm thấy xấu hổ rằng mình chưa bao giờ học đọc, còn tôi thấy mình vụng về trong các công việc tay chân. Đối với những người mà tôi biết, thì công việc của họ là những điều mà tôi không làm nổi, và người ta xem công việc là điều để họ tự hào về bản thân và dùng nó để đánh giá người khác. (Khỏi cần nói là những điều tôi làm rất tốt, như những bài tập ở trường, thì lại bị người ta nghi ngại hoặc bị khinh thường.) Bởi vậy thật là một sự ngạc nhiên và một sự khải thắng khi tôi không bị đuổi việc, mà còn có thể mổ gà tây với một tốc độ không đến nỗi quá tệ. Tôi không biết rằng mình có thật sự hiểu là Herb Abbott chịu trách nhiệm chừng nào về việc này, nhưng anh ấy hay nói, “Em làm tốt lắm”, hoặc vỗ vào hông của tôi và nói “Em đang trở thành một người mổ gà giỏi — em sẽ tiến rất xa,” và khi tôi cảm thấy cái chạm nhanh và dịu dàng xuyên qua cái áo ấm dày và cái áo khoác dính đầy máu mà tôi đang mặc, tôi cảm thấy mặt mình đỏ lên và muốn tựa vào anh khi anh đang đứng phía sau tôi. Tôi muốn tựa đầu mình vào bờ vai rộng và chắc nịch của anh. Buổi tối khi ngủ, tôi nằm nghiêng, cạ má của mình vào gối và tưởng tượng rằng đó là bờ vai của Herb.

Tôi tò mò muốn biết cách Herb nói chuyện với Gladys, cách anh nhìn cô ấy hay lưu ý đến cô ấy. Sự tò mò này không phải là sự ghen tuông. Tôi nghĩ tôi muốn có chuyện gì đó xảy ra giữa họ. Tôi run rẩy trong sự mong đợi hiếu kỳ, cũng như Lily và Marjorie vậy. Tất cả chúng tôi đều muốn thấy dấu hiệu gợi tình từ anh ấy, nghe nó trong giọng nói của anh ấy, không phải vì chúng tôi nghĩ nó sẽ làm anh ta giống như những người đàn ông khác, mà bởi vì chúng tôi biết với anh ấy nó sẽ hoàn toàn khác. Anh ấy tử tế và kiên nhẫn hơn hầu hết phụ nữ, đồng thời cũng nghiêm khắc và lãnh đạm, giống như bất cứ người đàn ông khác. Chúng tôi muốn biết làm cách nào để có thể gây cảm xúc nơi anh ấy.

Không biết có phải Gladys cũng muốn điều này hay không, nhưng cô ta không tỏ ra bất cứ dấu hiệu gì. Tôi không thể nào biết, đối với những người đàn bà như cô ấy, phải chăng họ đần độn và nguy hiểm như vẻ bề ngoài của họ, chẳng cần điều gì khác ngoài những cơ hội để gây hấn và chê bai người khác, hay phải chăng họ đều bị ngộp thở với những ngọn lửa âm thầm và những khát khao vô vọng.

Marjorie và Lily nói về hôn nhân. Họ không có điều gì tốt đẹp để nói về nó cả, ngoại trừ họ có cảm tưởng rằng đó là một trạng huống mà không ai được phép tránh né. Marjorie nói rằng chỉ một thời gian ngắn sau khi lập gia đình, cô ta đã vào căn chòi gỗ và định uống thuốc chuột.

“Lẽ ra tôi đã uống rồi”, cô ta nói. “Nhưng người đàn ông lái xe bán dạo đồ tạp hoá lại vừa tới nhà và tôi phải chạy ra mua các thứ. Chuyện này xảy ra khi tôi còn sống ở nông trại.”

Chồng cô ta đối xử rất tàn nhẫn với cô ta trong những ngày ấy, nhưng sau đó ông ta bị tai nạn — ông ta bị xe máy cày cán qua người và bị nặng đến độ sau đó ông ta mất khả năng lao động suốt đời. Họ chuyển đến thị trấn, và bây giờ Marjorie trở thành người trụ cột của gia đình.

“Một tối nọ hắn bắt đầu càm ràm và nói rằng hắn không muốn ăn tối. Thế là tôi cầm cổ tay hắn và giơ nó lên. Hắn sợ tôi sẽ vặn tay hắn. Hắn thấy rằng tôi sẽ làm điều đó. Tôi hỏi ‘Anh nói cái gì?’ Hắn liền nói, ‘Tôi sẽ ăn.’”

Họ nói về cha họ. Ông thuộc thế hệ cũ. Ông có một cái thòng lọng trong căn chòi gỗ (không phải cái chòi nơi Marjorie định uống thuốc chuột — cái chòi này cũ hơn và ở một nông trại khác), và mỗi khi họ làm ông điên tiết, ông bắt họ xếp thành hàng và doạ sẽ treo cổ họ lên. Lily, cô em, đã sợ run lẩy bẩy cho đến khi khuỵu xuống. Cũng người cha này đã sắp xếp cho Marjorie lấy người bạn nối khố của ông khi cô ta mới mười sáu tuổi. Đó chính là người chồng đã khiến cô ta muốn uống thuốc chuột. Người cha đã bắt Marjorie phải lấy chồng vì ông không muốn cô ta dính vào những chuyện rắc rối.

“Ông ta rất nóng máu,” Lily nói.

Tôi cảm thấy ghê sợ, và hỏi, “Tại sao các chị không bỏ trốn?”

“Lời nói của ông ta là luật lệ,” Marjorie nói.

Họ nói rằng đó là vấn đề đối với lũ trẻ bây giờ — nghĩa là bây giờ lũ trẻ quyết định mọi việc. Lời nói của người cha cần phải được tuân theo. Họ đã dạy con rất nghiêm khắc, và chưa đứa nào trở nên hư hỏng. Khi con trai của Marjorie đái dầm, cô ta doạ sẽ cắt chim thằng nhỏ với con dao mổ lợn. Thế là thằng nhỏ hết đái dầm.

Họ nói chín mươi phần trăm bọn con gái bây giờ uống rượu, và chửi thề, và vừa nằm vừa uống vừa chửi. Họ không có con gái, nhưng nếu họ bắt gặp chúng làm những chuyện này, họ sẽ đánh cho một trận nhừ tử. Họ kể rằng cô Irene thường đi xem khúc côn cầu với chiếc quần trượt tuyết có đường xẻ ở đáy quần và không mặc quần lót, để cho tiện việc đái xuống tuyết sau đó. Khủng khiếp.

Tôi muốn nêu ra một vài điều nghịch lý. Chính Marjorie và Lily cũng uống rượu và chửi thề, và có gì quá tuyệt vời về sự cả quyết của một người cha đã làm cho con mình chịu đựng cả một cuộc đời đau khổ? (Tôi chưa bao giờ thấy Marjorie và Lily vui vẻ với nhau — điều này không thể có, bởi vì cái cảm nghĩ của họ về hậu quả, bởi vì thái độ kiêu hãnh và lối sống của họ.) Tôi có thể nổi giận vì sự thiếu lô-gíc trong cách nói chuyện của hầu hết những người lớn — cách mà họ tuyên bố mà không cần biết là có bằng chứng hay không. Làm sao mà những đôi tay của những người đàn bà này lại thật tài tình, tinh vi và khéo léo đến thế — bởi tôi biết họ rất giỏi trong những việc khác cũng như trong việc mổ gà; họ rất giỏi may chăn, vá quần áo, vẽ, dán giấy tường, nhào bột và gieo hạt — nhưng cách nghĩ của họ thì thật cẩu thả, vụng về, và dễ gây phẫn nộ như vậy nhỉ?

Lily nói cô ta sẽ không để chồng cô ta đến gần mình khi ông ấy uống rượu. Marjorie nói từ cái lần chết hụt vì bị băng huyết, cô ấy không bao giờ để chồng mình đến gần, chấm hết. Lily nói khi ông ta đang uống rượu ông ta có thể làm bất cứ điều gì. Tôi có thể thấy đó là vấn đề sỉ diện khi không để chồng mình đến gần, nhưng tôi không chắc lắm rằng “đến gần” phải chăng có nghĩa là “làm tình”. Cái ý tưởng mà Marjorie và Lily đang tìm kiếm cho những mục đích như thế thì có vẻ hơi kỳ lạ. Răng của họ xấu tệ, bụng thì chảy xệ, khuôn mặt thì chán phèo và đầy tàn nhang. Tôi quyết định nên hiểu “đến gần” theo đúng nghĩa của nó.

Hai tuần trước Giáng Sinh là thời gian bận rộn nhất ở Vựa Gà Tây. Tôi phải vào lò mổ một tiếng đồng hồ trước khi đến trường và một tiếng đồng hồ sau giờ học và nguyên cả hai ngày cuối tuần. Buổi sáng khi tôi đi bộ đến lò mổ, đèn đường còn sáng và sao mai vẫn còn lấp lánh. Vựa Gà Tây ở ngay bên cạnh một cánh đồng tuyết trắng, với một hàng thông cao đằng sau, và luôn luôn, dù lạnh và vắng vẻ đến mấy, hàng thông vẫn vươn cao những cành cây, thở dài và rỏ nước. Dường như khó có thể tưởng tượng rằng trên đường tới Vựa Gà Tây, cho một giờ làm việc vào buổi sáng, tôi đã trải qua một cảm giác về sự hứa hẹn và đồng thời một cảm giác về sự bí mật hoàn hảo, bất khả tư nghị của vũ trụ, nhưng tôi đã trải qua như thế. Herb có điều gì đó liên quan đến cảm giác này, và cả cái lạnh nữa — một chuỗi những buổi sáng băng giá và trong trẻo. Sự thật là, những cảm giác như thế không phải là khó có. Tôi có được những cảm giác đó nhưng không biết làm sao kết nối chúng với bất cứ điều gì trong cuộc sống thật.

Một sáng kia, Vựa Gà Tây có thêm một người mổ gà mới. Đó là một kẻ lạ mặt, khoảng mười tám hay mười chín tuổi, tên Brian. Hình như hắn có họ hàng hay bạn bè gì đó với Herb Abbott. Hắn đang ở chung nhà với Herb. Hắn đã làm việc trên những chiếc du thuyền trên hồ vào mùa hè trước. Hắn nói hắn đã chán ngấy công việc đó, và hắn từ bỏ.

Nguyên văn hắn nói là “Đụ mẹ, mấy cái thuyền đó, tao chán lắm rồi.”

Ngôn ngữ được dùng trong Vựa Gà Tây thì xuề xoà và tự do, nhưng riêng chữ chửi thề này thì chưa bao giờ nghe ở đó. Và Brian sử dụng nó hình như không phải vì bất cẩn mà với vẻ phô trương, có cả sự xúc phạm và khiêu khích. Có lẽ cái thái độ của hắn đã tạo ra ấn tượng đó. Hắn khá đẹp trai: tóc vuốt keo, mắt xanh, da mặt hồng hào, cơ thể cân đối — loại đẹp trai mà ai mới nhìn cũng đều đồng ý. Nhưng một ý tưởng ấu trĩ và dai dẳng đã bám vào hắn và hắn đã để cho tất cả vốn liếng bản thân của hắn biến thành trò bắt chước. Cái miệng hắn trông ướt át và hầu như lúc nào cũng mở hé, cặp mắt hắn khép hờ, hắn diễn tả bản thân bằng một cái liếc mắt đầy hy vọng, và cử chỉ của hắn thì lười lĩnh, phô trương, mời gọi. Có lẽ nếu cho hắn lên sân khấu với một cái microphone và một cái đàn guitar và để hắn rên rỉ, gào thét và múa may, thì chắc là trông hắn giống như một danh ca thật sự. Không có sân khấu, trông hắn chẳng có sức thuyết phục. Sau một thời gian ngắn, trông hắn chỉ giống như một người bị chứng nấc cụt trầm trọng — cái vẻ gợi tình liên tục của hắn trở nên nhàm chán và vô nghĩa.

Nếu thái độ hắn nhẹ nhàng hơn một chút, thì có lẽ Marjorie và Lily đã thích hắn. Có thể họ đã bày ra cái trò chơi là bảo hắn hãy khép cái miệng nhớp nhúa của hắn lại và đừng có quơ tay lung tung như thế. Thay vì vậy, họ nói họ chán ngấy hắn, và đó là họ nói thật. Có một lần, Marjorie cầm con dao mổ lên. “Hãy giữ khoảng cách của mày,” cô ta nói. “Tao muốn nói là đừng đụng tới tao, em tao và con bé kia.”

Cô ta không nói là hắn phải giữ khoảng cách với Gladys, bởi vì Gladys không có mặt lúc đó và có lẽ Marjorie thật ra cũng chẳng muốn bảo vệ cô ấy. Nhưng chính Gladys là người mà Brian muốn chọc ghẹo. Gladys liệng cái dao xuống, đi vào nhà vệ sinh và ở trong đó mười phút và đi ra với khuôn mặt lạnh như đá. Cô ra về, nhưng không còn nói là cô cảm thấy bệnh như trước nay cô vẫn thường nói. Marjorie nói là ông Morgan đã rất giận Gladys vì cô ăn nhờ ở đậu mà không chịu làm việc và ông sẽ không bỏ qua cho cô nữa đâu.

Gladys nói với tôi, “Chị không chịu được những thứ như thế. Chị không chịu được những người nói về những chuyện như thế và cái loại... những hành động như thế. Nó làm chị muốn ói mửa.”

Tôi tin cô ấy. Mặt cô tái nhợt một cách khủng khiếp. Nhưng tại sao, trong trường hợp đó, cô không phàn nàn với ông Morgan? Có lẽ mối quan hệ giữa họ rất khó chịu, hay có thể cô không muốn chính mình phải nhắc lại hoặc diễn tả lại những hành động như thế. Tại sao không có ai trong chúng tôi phàn nàn — nếu không phải với ông Morgan thì ít ra cũng phàn nàn với Herb chứ? Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này. Brian dường như chỉ là một cái gì đó mà tôi phải chịu đựng, cũng như chịu đựng sự lạnh cóng trong cái lán mổ này và mùi máu, mùi rác rưởi. Khi Marjorie và Lily doạ là sẽ phàn nàn, thì lý do lại là sự lười biếng của Brian.

Hắn không phải là thợ mổ giỏi. Hắn nói hai bàn tay hắn quá to. Vì thế Herb mang hắn ra khỏi khu mổ gà, bảo hắn quét dọn, đóng gói lòng gà, và chất hàng lên xe tải. Điều này có nghĩa là hắn không phải ở một chỗ nhất định hay làm một việc nhất định trong một thời gian nhất định, vì thế rất nhiều khi hắn chẳng làm gì cả. Thường thì hắn chùi sàn, rồi bỏ đó và đi lau bàn, rồi bỏ đó và hút một điếu thuốc, tựa vào cạnh bàn và làm phiền chúng tôi cho đến khi Herb kêu hắn ta giúp chất hàng. Herb lúc này rất bận rộn và mất rất nhiều thời gian để giao hàng, nên có lẽ anh không biết mức độ chây lười của Brian.

“Tao không hiểu sao Herb không đuổi việc mày,” Marjorie nói. “Tao đoán câu trả lời là tại vì anh ấy không muốn mày ăn nhờ ở đậu miễn phí trong nhà anh ấy, và vì mày không biết đi chỗ nào khác để ở.”

“Tôi có chỗ để đi,” Brian nói.

“Câm cái miệng ướt nhẹp của mày lại,” Marjorie nói. “Tao thấy tội cho Herb, anh ta bị kẹt cứng.”

Ngày cuối cùng ở trường trước Giáng Sinh chúng tôi được về sớm vào buổi chiều. Tôi về nhà thay quần áo và đi làm lúc khoảng ba giờ. Không có ai làm việc cả. Mọi người đều ở trong lán mổ, nơi ông Morgan Elliott đang huơ con dao phay trên bàn mổ và gào thét. Tôi không biết ông đang gào thét vì chuyện gì, và nghĩ rằng ai đó đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong công việc; có lẽ người đó là tôi. Và lúc đó tôi thấy Brian đang đứng phía bên kia cái bàn, với vẻ mặt nhăn nhó và bần tiện, và đứng lùi lại khá xa. Cái vẻ dâm đãng vẫn còn trên mặt hắn, nhưng có phần giảm bớt, trộn lẫn với một vẻ cay cú bất lực và đôi chút sợ sệt. Đây rồi, tôi nghĩ, Brian đang bị đuổi việc vì cẩu thả và lười biếng. Ngay cả lúc tôi nghe ông Morgan nói “dâm tặc”, “nhơ nhuốc” và “bệnh hoạn”, tôi vẫn nghĩ là Brian bị đuổi việc vì lười biếng. Marjorie, Lily và ngay cả cô Irene ăn mặc diêm dúa, cũng đang đứng xung quanh, với vẻ thất vọng và khá thành khẩn, giống như cử chỉ của trẻ con khi thấy ai đó bị la mắng ầm ĩ và đuổi ra khỏi trường. Chỉ có cụ Henry là dường như còn giữ được một nụ cười kín đáo trên khuôn mặt. Gladys không có mặt ở đó. Herb đứng gần ông Morgan hơn mọi người khác. Anh không can thiệp vào nhưng luôn để ý đến con dao phay. Morgy thì đang khóc lóc, nhưng trông anh ta không có vẻ như đang chịu đựng điều gì nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Morgan gào lên, bảo Brian phải cút ngay. “Cút ngay khỏi thị trấn này — tao nói thật đấy — và đừng chờ đến ngày mai nếu mày còn muốn các xác của mày nguyên vẹn! Cút ngay!” ông ta hét lên, và quơ con dao phay một cách đầy kịch tính về phía cửa. Brian bắt đầu đi về phía cửa nhưng, không biết hắn có cố ý hay không, cặp mông của hắn đưa qua đưa lại như trêu chọc. Điệu bộ này làm ông Morgan nổi điên và ông rượt theo hắn, quơ con dao phay như đang diễn trên sân khấu. Brian bỏ chạy, ông Morgan đuổi theo hắn, và cô Irene khóc thét lên, ôm lấy cái bụng bầu. Ông Morgan quá mập nên chẳng chạy nổi và có lẽ cũng không thể ném con dao phay quá xa. Herb đứng ở cửa ngó theo. Một lát sau, ông Morgan trở lại và liệng con dao phay lên bàn.

“Tất cả trở lại làm việc! Đừng có đứng trố mắt ra ở đây nữa! Tao không trả tiền cho tụi bây đứng đây mà trố mắt ra! Còn mày làm sao vậy?” Ông ta hỏi, nhìn thẳng vào mặt Irene.

“Dạ không có gì,” Irene trả lời một cách ngoan ngoãn.

“Nếu mày có vấn đề gì thì hãy rời khỏi nơi này.”

“Cháu không có sao mà.”

“Thế thì tốt!”

Chúng tôi trở lại công việc. Herb cởi chiếc áo choàng dính đầy máu, mặc chiếc áo khoác vào và bước ra ngoài, có lẽ anh đi xem thử Brian có kịp lên chiếc xe buýt cuối ngày hay không. Anh chẳng nói gì. Morgan và con trai ông đi ra sân, còn Irene và Henry thì đi sang lán bên cạnh, nơi họ nhổ lông gà, làm việc trong đống lông gà cao tới đầu gối mà lẽ ra Brian đã phải quét chúng đi rồi.

“Gladys đâu?” tôi hỏi nhỏ.

“Đang phục hồi thần trí,” Marjorie nói. Cô ta cũng nói nhỏ hơn thường ngày, và phục hồi thần trí cũng không phải là loại từ ngữ mà cô ta và Lyli thường dùng. Đó là những từ dùng để nói về Gladys, với ý định chế giễu.

Họ không muốn kể lại chuyện đã xảy ra, bởi họ ngại ông Morgan có thể quay lại và bắt gặp họ đang nói và sẽ đuổi việc họ. Những công nhân tốt như họ thì sợ bị đuổi việc. Ngoài ra, họ cũng đã chẳng thấy gì cả. Chắc họ đang bực mình vì họ đã không được chứng kiến. Sau này tôi mới biết là Brian đã làm gì đấy hay đã giơ cái gì đấy cho Gladys thấy khi cô ta vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh, và cô ta bắt đầu la hét và trở nên hoảng loạn.

Có thể cô ta sẽ bị trầm cảm lần nữa, họ nói. Và hắn sẽ đi khỏi thị trấn này. Và đó là điều đáng mừng cho cả hai.



***



Tôi có bức ảnh chụp cả toán nhân viên của Vựa Gà Tây trong Đêm Giáng Sinh. Nó được chụp với một máy ảnh tự động có đèn flash — một món quà Giáng Sinh đắt tiền của ai đó. Tôi nghĩ máy ảnh đó là của Irene. Nhưng Herb Abbott chắc hẳn là người đã chụp bức hình. Chỉ anh ấy mới là người có thể tin được là biết sử dụng hay tức khắc học cách sử dụng những thứ mới mẻ, và máy ảnh tự động là thứ khá mới mẻ lúc bấy giờ. Bức ảnh được chụp vào khoảng mười giờ Đêm Giáng Sinh, sau khi Herb và Morgy trở về từ chuyến giao hàng cuối cùng và sau khi chúng tôi đã rửa sạch bàn và lau nền nhà xi-măng. Chúng tôi cởi bỏ những cái áo choàng dính đầy máu và những chiếc áo lạnh dày cộm, rồi đi vào một phòng nhỏ gọi là phòng ăn, ở đó có một cái bàn và một lò sưởi. Chúng tôi vẫn mặc quần áo làm việc: quần yếm và áo. Đàn ông đội mũ, còn đàn bà buộc khăn tay trên đầu, theo kiểu thời chiến tranh. Trong ảnh, tôi trông rắn rỏi, tươi tắn và biểu lộ tình đồng đội, nghĩa là tôi biến thành một mẩu người mà tôi chẳng nhớ nổi có phải lúc ấy mình đúng là như thế hay giả vờ như thế. Tôi trông già hơn nhiều so với cái tuổi mười bốn. Irene là người duy nhất cởi chiếc khăn buộc tóc, để xoã mái tóc đỏ. Cô ta nổi bật với vẻ hiền hậu, khêu gợi và mời gọi, đúng như tiếng đồn về cô ta, nhưng hình ảnh đó không giống như dáng vẻ mà tôi nhớ về cô ta. Vâng, cái máy ảnh ấy chắc là của cô ta; cô ta làm dáng cho bức ảnh, với điệu bộ đó, rõ ràng cô ta có chủ ý hơn bất cứ ai khác. Marjorie và Lily thì mỉm cưới, đúng như cái cách của chính họ, nhưng nụ cười của họ có vẻ chua chát và bất cần. Với mái tóc giấu sau chiếc khăn, và với dáng vẻ ấy khi họ ở bên nhau, họ giống như hai chàng công nhân tháo vát, vui vẻ nhưng rất dễ nổi cáu. Khăn buộc tóc có vẻ không hợp với họ; mũ lưỡi trai có vẻ hợp hơn. Cụ Henry thì rất phấn khởi, hài lòng là một thành viên của nhóm, cười toác miệng và trông trẻ hơn tuổi của cụ khoảng hai mươi năm. Và Morgy, với dáng xấu hổ, không tin vào sự hào sảng của bữa tiệc thưởng công, và ông Morgan rất xúc động, ra dáng ông chủ và mãn nguyện. Ông vừa thưởng cho mỗi chúng tôi một con gà tây. Mỗi con gà đều mất một cánh hoặc một chân, hoặc mất một cái gì đó, và những con gà này không thể đem bán nguyên giá. Nhưng Morgan cố gắng nói với chúng tôi rằng thịt của những con gà khuyết tật là ngon nhất, và ông còn khoe cho chúng tôi thấy rằng chính ông cũng lấy một con như vậy đem về nhà.

Chúng tôi đều cầm những cái cốc hay những cái tách sứ to và dày, trong đó không phải đựng trà mà đựng rượu whisky làm bằng lúa mạch. Ông Morgan và cụ Henry đã uống từ chập tối. Marjorie và Lyli nói họ chỉ muốn nhấm nháp chút xíu thôi, và chỉ uống rượu vì bây giờ là Đêm Giáng Sinh và họ đang lạnh cóng chân. Irene nói cô ta cũng lạnh cóng chân, nhưng điều đó không có nghĩa là cô ta uống ít. Herb đã rót rượu một cách khá hào sảng không chỉ cho cô ta mà cho cả Marjorie và Lily nữa, và họ không hề từ chối. Anh đong từng chút rượu cho tôi và Morgy, một cách rất hà tiện, và đổ Coca-Cola vào. Đây là lần đầu tôi uống rượu, và kết quả là suốt nhiều năm sau tôi cứ tưởng rượu-lúa-mạch-pha-Coca-Cola là một loại thức uống tiêu chuẩn và tôi luôn yêu cầu loại thức uống này, cho đến khi tôi thấy chỉ có một vài người uống thứ rượu pha ấy và điều đó khiến tôi tá hoả. Nhưng Đêm Giáng Sinh năm đó tôi chẳng bị gì cả; Herb đã không cho tôi uống nhiều đủ để tôi say. Ngoại trừ cái vị hơi lạ, và cảm giác riêng của tôi là sợ bị say, tôi đã uống thứ rượu pha ấy giống như uống Coca-Cola.

Tôi không cần có Herb trong bức ảnh để nhớ lại dung mạo của anh ấy. Nghĩa là lúc nào anh ấy cũng giống như chính anh ấy, trong suốt cả thời gian ở Vựa Gà Tây và vài lần tôi trông thấy anh ấy trên đường phố — vẫn đúng là cái dung mạo của anh ấy, mà lúc nào tôi thấy anh ấy cũng y như vậy, ngoại trừ một lần.

Cái lần anh ấy trông có vẻ khác với chính anh ấy là cái lúc mà ông Morgan đang nguyền rủa xua đuổi Brian và, sau đó, khi Brian đã chạy thoát ra ngoài đường. Sự khác biệt này là gì? Tôi cố nhớ lại, bởi vì lúc đó tôi đã ngắm anh ấy rất kỹ. Cũng không khác gì nhiều. Mặt anh ấy có vẻ tái hơn và tối hơn, và nếu bạn phải diễn tả sự biểu cảm trên khuôn mặt đó bạn có thể nói nó biểu lộ sự nhục nhã. Nhưng anh ấy cảm thấy nhục nhã vì điều gì? Nhục vì Brain, vì cái thái độ mà Brian đã ứng xử chăng? Chắc chắn lúc đó đã trễ rồi; vì có bao giờ Brian đã ứng xử khác đâu nào? Nhục vì Morgan đã phản ứng quá dữ dằn và đầy kịch tính? Hay nhục vì chính mình, bởi anh ấy nổi tiếng là người hay ngăn chặn những cuộc đánh lộn và cãi vả kiểu này ngay từ đầu, nhưng anh ấy lại không làm được điều đó ở đây? Hay anh ấy cảm thấy nhục vì đã không bênh vực cho Brian? Có phải anh ấy mong rằng đáng lẽ anh ấy phải làm điều đó, nghĩa là bênh vực cho Brian?

Đó là tất cả những điều tôi tự hỏi lúc bấy giờ. Sau này, khi tôi hiểu biết nhiều hơn, ít ra là về tình dục, tôi tin rằng Brian là người yêu của Herb, và Gladys đã cố gắng lôi kéo sự chú ý của Herb, và đó là lý do tại sao Brian đã làm nhục cô ấy — chẳng biết là có hay không có sự thông đồng và cho phép của Herb. Có thật là một người như Herb — loại người nghiêm nghị, kín đáo, trọng danh dự — lại thường thích loại người như Brian, lại đi phung phí tình yêu vô vọng cho một kẻ đồi bại, ngu xuẩn, một kẻ chưa phải là quỷ sứ, hay một con quái vật, nhưng là loại người chuyên gây ra phiền toái triền miên? Tôi tin rằng lúc ấy, với tất cả sự nhẹ nhàng và cẩn trọng của mình, Herb đã vì Brian mà oán ghét tất cả chúng tôi — không phải chỉ riêng đối với Gladys, mà đối với tất cả chúng tôi — và đó là cảm nghĩ của anh ấy khi tôi quan sát kỹ nét mặt anh ấy và thấy có một sự man dại và vẻ khinh bỉ hả hê. Nhưng đồng thời cũng có sự xấu hổ — xấu hổ cho Brian, cho cả anh ấy và cho cả Gladys, và ở một mức độ nào đó, xấu hổ cho tất cả chúng tôi. Nhục nhã cho tất cả chúng tôi — đó là điều tôi đã nghĩ vào lúc ấy.

Tuy nhiên sau này, tôi đã gạt bỏ lời giải thích này. Đã đến lúc tôi cần gạt bỏ những điều mà tôi không lý giải được. Giờ đây, tôi chỉ nghĩ đến khuôn mặt của Herb với vẻ biểu hiện khác thường và tổn thương; tôi nghĩ đến chuyện Brian đã làm trò khỉ đằng sau sự nghiêm trang của Herb; tôi nghĩ đến sự lưu tâm kín đáo của tôi đối với Herb, và ước muốn của tôi được quan hệ với anh ấy, giá như tôi có bất cứ một cơ hội nào, để rồi tôi dọn đến và ở gần bên anh ấy. Quyến rũ làm sao, thú vị làm sao, cái triển vọng thân mật ấy, với chính con người không bao giờ ban phát điều ấy. Tôi vẫn còn cảm nhận được sự lôi cuốn của một người đàn ông như vậy, của sự hứa hẹn và từ chối của anh ấy. Tôi vẫn muốn biết những điều đó. Bất cần những sự kiện. Cũng bất cần những giả thuyết.

Khi tôi uống hết ly rượu tôi muốn nói một điều gì đó với Herb. Tôi đứng bên cạnh anh ấy và chờ cái khoảnh khắc anh ấy không lắng nghe ai hay không nói chuyện với ai, và chờ khi cuộc chuyện trò càng lúc càng nhốn nháo của những người khác có thể che giấu những điều tôi cần nói.

“Em lấy làm tiếc khi bạn anh phải đi khỏi nơi đây.”

“Điều đó cũng bình thường thôi.”

Herb nói một cách ôn tồn và với chút hài hước, và cử chỉ đó đã ngăn chặn tôi, không cho phép tôi có quyền tiếp tục nhìn vào hay nói về cuộc sống của anh ấy. Anh ấy biết tôi đang muốn gì. Chắc chắn anh ấy đã từng có nhiều kinh nghiệm về chuyện này, với rất nhiều phụ nữ. Anh ấy biết phải đối phó như thế nào.

Lily uống thêm một chút whisky trong cốc và kể chuyện cô ta và người bạn thân thiết nhất của cô ta (đã chết, vì bệnh gan) có lần đã cải trang thành đàn ông và trà trộn vào phía dành cho đàn ông trong quán bia, nơi có bảng hiệu CHỈ DÀNH CHO ĐÀN ÔNG, bởi vì họ muốn xem nơi đó như thế nào. Họ ngồi trong một góc và uống bia, mở to mắt và giỏng tai lên nghe, và không ai thèm nhìn họ đến lần thứ hai hoặc thắc mắc gì về họ, nhưng chẳng mấy chốc thì sự phiền toái xảy ra.

“Bọn tôi đi đâu bây giờ? Nếu bọn tôi đi trở lại chỗ của đám đàn bà, và bất cứ ai thấy bọn tôi đi vào nhà vệ sinh nữ, thì họ sẽ gào lên như có án mạng xảy ra. Còn nếu bọn đi vào nhà vệ sinh nam, thì chắn chắn sẽ có người nhận ra là bọn tôi không đi tiểu đúng cách. Trong khi đó thì bia đang chảy xuyên qua bọn tôi như muốn nổ tung toé ra!”

“Khi bọn mày còn trẻ thì có thứ gì mà bọn mày không làm!” Marjorie nói.

Vài người nữa đưa ra lời khuyên cho tôi và Morgy. Họ nói chúng tôi nên vui chơi khi còn có thể. Họ bảo chúng tôi nên tránh xa mọi rắc rối. Họ nói họ đã qua thời tuổi trẻ. Herb nói rằng chúng tôi là một tập thể đoàn kết và đã làm việc rất tốt nhưng anh ấy không muốn làm phiền những ông chồng của đám phụ nữ vì đã giữ họ ở lại quá trễ. Marjorie và Lily biểu lộ sự thờ ơ đối với chồng của họ, nhưng Irene nói cô ta rất yêu chồng mình và sự thật không phải là anh ta đã bị lôi trở lại từ Detroit để cưới cô ta, mặc kệ ai muốn nói sao thì nói. Henry nói đó là một cuộc sống tốt nếu bạn không nản chí. Morgan nói ông chân thành cầu chúc mọi người một mùa Giáng Sinh vui vẻ nhất.

Chúng tôi rời Vựa Gà Tây trong khi tuyết đang rơi. Lyly nói phong cảnh giống như một tấm thiệp Giáng Sinh, và đúng là giống thật, tuyết bay quanh những ngọn đèn đường trong thị trấn và quanh những dãy đèn màu người ta trang trí trước sân nhà. Morgan cho Henry và Irene quá giang về nhà trên chiếc xe tải vì lòng ưu ái đối với người già, người có thai và mùa Giáng Sinh. Morgy lái xe theo đường tắt qua cánh đồng, còn Herb thì thả bộ về nhà, đầu cúi xuống và tay đút trong túi quần, bước chầm chậm, giống như anh đang ở trên boong một chiếc du thuyền trôi trên hồ. Marjorie và Lyli khoác tay với tôi như thể chúng tôi là những chiến hữu lâu năm.

“Tụi mình hát đi,” Lily đề nghị. “Hát cái gì bây giờ?”

“Hát bài ‘Ba Vua’ nhé?” Marjorie hỏi. “Hay bài ‘Chúng Ta, Ba Người Mổ Gà Tây?”

“Bài ‘Tôi Đang Mơ Một Đêm Giáng Sinh Đầy Tuyết Trắng.”

“Sao lại mơ? Mình đã có rồi mà.”

Và thế là chúng tôi cùng hát.




------------
Dịch từ nguyên tác “The Turkey Season”, trong Alice Munro, Selected Stories (New York: Vintage Books, 1991) 289-311.

trong bóng tối của anh





khi còn lại một mình cùng những điều đã mất
đêm hẹp hòi như một buổi kẹt xe
trăm vạn người cùng đi về một lối
mà chẳng ai tìm được một thoáng đường

khi còn lại một mình và những điều sắp mất
bóng tối ăn gian như một kẻ chơi tồi
sáng lấp liếm bằng mắt môi, bằng dấu hằn rời rạc
mà không ai phân định được đôi đằng

khi còn lại một mình cùng những điều không thể mất
nỗi vui như một cơn buồn ngủ
ngủ mê man, ngủ gian nan, ngủ thật thà và ngủ luôn phần gian dối
mà phôi thai nhanh cơn mớ nửa chừng

khi còn lại một mình cùng nụ cười không rõ ràng được mất
facebook như con phố rất lười
em tìm mãi một người đi bán dạo niềm vui dưới những chớp màu đậm nhạt
mà chỉ em vừa rao bán, lại vừa mua
...

Xã hội dân sự?



Marx từng viết, nguyên văn tiếng Đức "Die Gewalt ist der Geburtshelfer der alten Gesellschaft, die mit einer neuen schwanger geht."

Dịch nghĩa: Bạo lực là dụng cụ hỗ trợ thay đổi chế độ nhanh nhất.

Qua đó Marx muốn nhắn gửi điều gì?

Khi một chế độ sử dụng bạo lực với người dân và ngược lại, đồng nghĩa với việc bạo lực đó là yếu tổ giúp cho chế độ cũ sụp đổ và sẽ tạo nên một chế độ mới.
Như Lê nin từng nói "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh". Không có áp bức sẽ không có đấu tranh, cũng đồng nghĩa với việc không có bạo lực. Không có bạo lực tức là không có việc thay đổi chế độ cho dù một thiểu số nào muốn cũng không bao giờ đạt được mục đích, đó là tình hình tại Việt Nam hiện nay.

Tranh chấp trong xã hội như hiện nay ở Việt Nam qua việc tranh chấp quyền lực giữa các bè phái dù chẳng ai nói nhưng hầu hết ai cũng biết, rồi tới đất đai, tham nhũng,.... là việc tồn tại muôn đời, ở khắp mọi nơi trên thế giới và trong tất cả các thời đại, duy chỉ khác nhau về một số điểm nào đó. Dù phong kiến, đa đảng hay độc đảng, tam quyền phân lập hay là không, kể cả một thể chế ổn định nhất, được cho là tốt nhất thì những thứ ấy vẫn tồn tại. Có thể nó tồn tại ít hay nhiều, qua hình thái khác, phương diện khác và ngay cả quan niệm của người dân nhìn nhận vào mỗi thời điểm cũng khác, đó là việc tự nhiên.
Bởi vì con người vốn dĩ khác biệt, cho dù là cùng cha mẹ sinh ra cũng mỗi người mỗi vẻ. Vấn đề quan trọng nhất là phải biết chấp nhận sự khác biệt để tồn tại và phát triển, đó mới là một xã hội văn minh.

Nhưng câu hỏi là: Đất nước ta liệu đã có sự văn minh đó hay chưa?
Câu trả lời chính xác là chưa và còn lâu mới có được! Có một số những người trí thức Việt Nam còn mang trong đầu những kiến thức rất là phong kiến, cổ hủ và cực đoan. Họ, tầng lớp đại diện cho tinh hoa của dân tộc, những người được đào tạo bài bản, có kiến thức về chuyên ngành nhưng cái gốc của nhiều người trong số họ vẫn là những người nông dân chưa có tầm nhìn ra khỏi cổng làng.

Qua việc sửa đổi hiến pháp vừa rồi, có nhiều đối tượng mang danh là trí thức mà lên mạng phát ngôn bừa bãi, thậm chí dân đen tôi có cảm giác họ không xứng đáng với cái bằng cấp, chức danh mà họ đang có. Quốc hội, chính quyền, người dân khác làm theo ý mình thì hoan hỉ, làm trái ý hoặc làm sai là quay sang chụp đủ thứ mũ lên đầu họ. Hết hô hào đa đảng đa nguyên bây giờ lại quay sang đòi "xã hội dân sự" và tôi không hiểu cái XHDS mà họ đang hô hào có phải là cho tôi, cho bạn, cho tổ quốc Việt Nam hay là chỉ thỏa mãn cái tôi của họ.

Bản chất xã hội dân sự đó là gì? Tôi hiểu nó rất đơn giản:

1. Đối lập với dân sự là quân sự.
Đây là những chế độ chúng ta từng biết tới trong quá khứ qua những cái tên ví dụ như "chế độ độc tài quân phiệt". Hình thức chế độ này đã từng tồn tại từ rất lâu và trong thế kỷ 20 từng có ở nhiều quốc gia thân Mỹ khác nhau trên thế giới. Ví dụ như: Tây Ban Nha, Chile, Hy lạp,....

2. Xã hội dân sự được khái niệm là một xã hội có bản chất không được điều hành bởi tầng lớp thống trị mà được điều hành do sự kết hợp của từng cá nhân, tổ chức. Khái niệm này được cho rằng có ý nghĩa tương đương với xã hội công dân, không có tầng lớp thống trị. Điều đó đồng nghĩa với việc xã hội không tồn tại giai cấp, tất cả đều được tự vận hành theo sự đóng góp của từng cá nhân và lợi nhuận được phân chia đồng đều, sở hữu tài sản xã hội thông qua sở hữu của từng cá nhân đại diện cho chính bản thân người đó.

Tuy nhiên bản chất con người ta không giống nhau dẫn tới một xã hội với những con người đa dạng và phong phú về hình thái cũng như về kiến thức. Từ đó dẫn tới khả năng của mỗi con người trong xã hội khác nhau và nếu xã hội nào không thể dựa vào sự khác biệt đó để phát triển, xã hội đó sẽ không thể tiến lên mà còn có nguy cơ bị phá hủy. Khái niệm thứ 2 này tuy rằng tốt đẹp nhưng là lý tưởng hoang đường! Chừng nào còn tồn tại sự khác biệt giữa người này với người kia, chừng đó sẽ còn tồn tại giai cấp và tầng lớp. Nếu còn tồn tại giai cấp và tầng lớp có nghĩa rằng giai cấp thống trị vẫn tồn tại và cho dù ở nước nào thì quyền hành cai trị hiển nhiên vẫn thuộc về tầng lớp cai trị mà thôi.

Như vậy: Một vài ông trí thức Việt Nam tung hô XHDS chẳng qua là trò đánh tráo ngôn ngữ! Lịch sử loài người chưa bao giờ có và thậm chí sẽ không bao giờ có một xã hội theo đúng khái niệm "xã hội dân sự".

Karel Phùng

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Bài thơ về sự cô đơn



Con người có những giây phút thích cô đơn
Để nghe thấy được những điều, có ai bên, không nghe thấy
Nhưng nếu kéo dài thành tháng năm những giây phút ấy
Con người sẽ héo mòn, đau khổ... bơ vơ!



Đảo? Đó là sự cô đơn giữa muôn trùng biển khơi
Tuyết trên núi cao! Đó là sự cô đơn giữa mênh mang trời biếc...

Lá vàng là sự cô đơn còn có sức để lượn bay
Tiếng vạc đêm sương là sự cô đơn còn kêu lên được...!

Thằng Cuội cung trăng là sự trừng phạt bằng cô đơn
Cuộc đời cung phi là sự may mắn cao sang dẫn đến niềm cô đơn tê tái

Vẫn còn vạn tiếng thở dài cô đơn của những người chồng, người cha sống cạnh vợ, cạnh con

Vẫn còn triệu lời cô đơn trong tình yêu trai gái...

Không gian cô đơn nhờ nhờ không màu sắc
Thời gian cô đơn khép một vòng vây rất chặt
Bàn tay cô đơn thương bóp nát chính trái tim mình
Bàn chân cô đơn thường dẫn ta đến với Thần, với Phật...

"Trăm năm cô đơn: làng Ma-côn-đô không còn dấu vết
Một thoáng cô đơn thôi, đủ cho tôi héo úa cả tâm hồm
Hỡi trái đất, dẫu còn khổ đau, dẫu còn như giọt lệ
Xin đừng là giọt lệ của cô đơn...!

Nhà thơ Phạm Hổ

Đôi nét về tính cách người Nam bộ



Trần Minh Thuận




Nam bộ là vùng đất cuối cùng phía Nam của đất nước, nằm trong lưu vực hai con sông Đồng Nai và Cửu Long, chủ yếu ở vùng hạ lưu hai con sông lớn này. Nam bộ nằm rất gần biển Đông, là một vùng châu thổ màu mỡ với nhiều cửa sông đổ ra biển. Chính điều này đã tạo nên một Nam bộ trù phú, với biết bao huyền thoại thời mở đất.

Tiến trình lịch sử của Nam bộ khác với những vùng đất khác, nó không phát triển liên tục mà bị đứt quãng. Điển hình là trên vùng đất này đã từng có vương quốc Phù Nam cổ xưa với nền văn hóa Óc Eo một thời phát triển rực rỡ. Những gì mà người ta nói về Nam bộ ngày nay thường chỉ giới hạn trong phạm vi trên dưới ba trăm năm. Người Việt di dân vào Nam có thể nói bắt đầu khi cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn nổ ra và sau đó là cuộc di dân thực sự vào thời nhà Nguyễn đầu thế kỷ XVIII khi nhà Nguyễn nắm được chính quyền Đàng Trong và kêu gọi những người giàu có vào khai khẩn trên đất Đồng Nai, Gia Định. Trong mấy trăm năm định hình và phát triển, Nam bộ đã tạo nên cho mình những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, độc đáo và một bản sắc rất riêng so với các vùng miền khác.

* Năng động, sáng tạo

Khi nghiên cứu về tính cách người Việt ở Nam bộ, các nhà nghiên cứu không thể không nhắc đến tính năng động sáng tạo của người Việt trên mảnh đất này. Tính cách này thể hiện rõ ở nhiều khía cạnh khác nhau như thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt trên vùng đất mới, các yếu tố văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần được cải biến để hòa hợp với điều kiện mới. Chính điều này đã tạo cho người dân Nam bộ có những nét riêng khá độc đáo đối với các vùng miền khác.

Trên vùng đất mới còn hoang sơ, rừng thiêng nước độc, hùm beo, rắn rết đầy rẫy, vừa khơi dậy tiềm năng khai thác dồi dào vừa là một thách thức nghiệt ngã đối với những con người phải dấn thân. Nếu như không phát huy được tính cần lao, dũng cảm vốn có của người dân Việt thì khó có thể tồn tại được. Trong buổi đầu khai khẩn vùng đất Nam bộ, chúng ta thấy có đủ hạng người đến đây quần tụ: phần đông là những người mất phương kế sinh nhai nơi quê cũ vì rất nhiều lý do mà giai cấp thống trị phong kiến ràng buộc họ như bị tước đoạt ruộng đất, những người chống đối lại triều đình, trốn lính, hay những kẻ phải mang những bản án vào thân… Tất cả họ đều muốn tìm một cuộc sống mới trên vùng đất mới dù biết trước những khó khăn, khắc nghiệt không dễ vượt qua.

Phải nói rằng vùng đất phương Nam từ khi bắt đầu khai phá và phát triển trải qua mấy thế kỷ nay vẫn là địa bàn sôi động nhất, bắt buộc mọi người đến đây không kể nguồn gốc xuất xứ đều năng động, sáng tạo mới có thể vươn lên trong đấu tranh, xây dựng cuộc sống.

* Yêu nước nồng nàn

Yêu nước là một truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc ta. Nhưng đối với người dân Nam bộ, tính cách này được thể hiện một cách phóng khoáng, sinh động. Nó khác với lòng yêu nước của Nho giáo, không bị ràng buộc quá chặt chẽ vào “tam cương”, “ngũ thường”… Người dân chỉ trung thành với vua khi vua là đại diện cho lợi ích của dân tộc. Một khi vua phản bội lại quyền lợi của dân tộc, của nhân dân thì những sắc lệnh của vua có thể sẽ không được thi hành. Tinh thần yêu nước của người Nam bộ mang hơi hướm của hình tượng Lục Vân Tiên mà cụ Đồ Chiểu đã dày công xây dựng. Đó là một Trương Định với câu nói ngang tàng, khí phách nổi tiếng: “Triều đình không công nhận (cuộc kháng chiến của ta) nhưng nhân dân công nhận”. Đó là một Nguyễn Trung Trực không chịu đi nhận một chức vụ cao hơn theo lệnh của triều đình vì nhà Nguyễn muốn dẹp yên phong trào kháng chiến ở Nam bộ để lấy lòng chính quyền Pháp. Câu nói khẳng khái của ông được truyền tụng trong dân gian cho đến bây giờ: “Khi nào nước Nam hết cỏ mới hết người chống Tây”.

Bên cạnh đó còn rất nhiều đại diện tiêu biểu khác như các nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa… Tất cả những tấm gương, những con người khí khái, hào sảng đó được mảnh đất Nam bộ nuôi lớn, hun đúc cho một ý chí, một tấm lòng để rồi chính tên tuổi họ còn lưu danh mãi khi người ta nói về Nam bộ.

* Hào phóng, hiếu khách

Đây là một nét tính cách đặc trưng của người Việt ở Nam bo. Trong tất cả các mối quan hệ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, tính cách này luôn được bộc lộ một cách rõ ràng, sinh động và đầy tính nhân văn.

Xin nêu một ví dụ đơn giản, chuyện quá giang (hay có giang) là chuyện rất phổ biến. Nam bộ với hệ thống sông ngòi chằng chịt, phương tiện giao thông chủ yếu là đường thủy. Do đó, nhờ người đưa ngang sông hay nhờ một chiếc ghe lạ đưa đi một quãng đường là chuyện hết sức bình thường. Người quá giang bao giờ cũng được đối xử hết sức bình đẳng, hết sức tình người như cơm nước chủ ghe đãi, có thể sử dụng đồ dùng của gia chủ và đương nhiên khi chủ ghe mệt thì người quá giang cứ tự nhiên chèo chống tiếp sức.

Trong gia đình, khi có khách đến nhà lúc nhà đang ăn cơm, chủ nhà mời mà khách từ chối thì hay bị hiểu lầm là khinh rẻ chủ nhà, đã ăn no rồi thì cũng nên ngồi vào mâm cùng ăn, gọi đùa là “ăn ba hột” lấy lệ cho vừa lòng chủ. Bao giờ cũng vậy, người dân Nam bộ luôn muốn dành những gì quý nhất, đẹp nhất trong đối nhân xử thế với hàng xóm, bạn bè và người thân của mình.

Tiêu xài rộng rãi là một đặc điểm thường được nhắc tới khi nói về tính cách người Nam bộ. Thiên nhiên hào phóng thì cũng sẽ tạo ra những con người hào phóng, người ta ít lo lắng cho cuộc sống của mình ở ngày mai. Tất cả chỉ có tình người dù họ biết rằng ngày mai, ngày mốt mình không còn cái gì để sống. Lối sống đó trở thành một tập quán xã hội, ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cả những khi đời sống vật chất khó khăn. Người nông dân bị bóc lột cơ cực, ít có hy vọng trở nên khá giả thì không cần dành dụm, làm được bao nhiêu cứ xài cho hết. Khi lâm vào cảnh thất nghiệp họ vẫn có thể thức đến tận khuya để uống rượu và đờn ca tài tử, chẳng bận tâm gì cho cuộc sống ngày mai.

* Trọng nhân nghĩa

Bất cứ người Nam bộ nào cũng đều rất coi trọng tình nghĩa. Kẻ bất nhân, bất nghĩa thì khó có cơ hội dung thân ở vùng đất này. Có rất nhiều câu thành ngữ nói về tính cách này của người Nam bộ: Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim; thương người như thể thương thân, thi ơn bất cầu báo... Trong ca dao Nam bộ cũng vậy:

- Ngọc lành ai lại bán rao
Chờ người quân tử em giao nghĩa tình

- Lòng qua như đinh sắt
Nguyện nói chắc một lời
Qua không có dạ đổi dời như ai
Lòng qua như sắt, nói chắc một lời
Bạc tiền chẳng trọng chỉ trọng người tình chung.

Đến xứ lạ, mấy ai được đem theo cả gia đình, họ hàng. Vì vậy nhiều người đến hết cuộc đời mình còn không thể gặp lại anh em ruột thì nói chi đến vóc dáng, hình hài của ông bà tổ tiên mấy đời trước. Thế là họ cùng nhau quần tụ lại, lập thành xóm thành làng, cùng nhau khai khẩn, cùng sát cánh với nhau trong cuộc mưu sinh đầy gian khổ, trở thành “bà con một xứ”. Hàng xóm dù không thích nhau nhưng những khi tối lửa tắt đèn cần sự giúp đỡ thì họ cũng sẵn sàng. Muốn cất ngôi nhà mới cũng cần nhiều bàn tay góp sức vào, ma chay, cưới hỏi gì cũng có bà con chòm xóm đứng ra cáng đáng. Trước khi nên cửa nên nhà, ai mà chẳng trải qua một thời kỳ lưu lạc, tha hương cầu thực, ăn quán ngủ đình, trốn nợ, vì vậy thậm chí cả khi phạm tội cũng được chòm xóm bao che.

Do vậy, người Nam bộ rất quý trọng, tin cậy bạn bè. Bạn bè sa sút, túng quẫn lại càng quý trọng hơn, cư xử tế nhị. Người Nam bộ thích làm quen với người nghèo, giúp đỡ kẻ sa cơ thất thế, ghét những kẻ thay lòng đổi dạ, xu nịnh quyền tước. Người dân ở đây thường nói đất lành thì chim đậu, đất hung dữ thì chim bay đi. Ai cậy nhiều tiền, tung tiền ra mướn với thái độ hách dịch, phách lối thì có chết đói cũng không thèm làm, khoái nhau rồi thì làm không công, giúp đỡ người nghèo để lấy tiếng.

* Bộc trực, thẳng thắn

Người Nam bộ rất bộc trực, thẳng thắn, ít khi nói chuyện văn hoa dài dòng, rào trước đón sau. Cũng chính tính cách hay nói thẳng mực tàu này mà đôi khi họ bị giai cấp thống trị lợi dụng, nhưng dù sao đi nữa, trải qua mấy trăm năm nó vẫn là một nét tính cách đẹp trong mối quan hệ giữa người với người. Tính mộc mạc, thẳng thắn thường được nhắc đến trong kho tàng văn học dân gian Nam bộ. Tinh hoa của ca dao, dân ca Nam bộ đều nằm trong sự mộc mạc, trong sáng ấy:

- Đêm khuya ngủ gục, anh với hụt con tôm càng
Phải chi anh vớt được cái kiềng vàng em đeo.

- Hồi buổi ban đầu
Em biểu anh têm ba miếng trầu cùng ly rượu lạt
Anh lắc đầu sợ tốn
Giờ em đã có chồng, sao anh biểu trốn theo anh!

Chúng ta còn bắt gặp tính bộc trực thẳng thắn của người Nam bộ thể hiện trong lời ăn, tiếng nói. Khi gặp những chuyện bất bình hoặc không vừa ý thì họ sẽ nói ngay không cần suy nghĩ và cũng chẳng sợ người nghe giận dữ. Nhưng khi câu chuyện được giải thích rõ ràng cặn kẽ, hợp tình hợp lý thì họ sẽ tiếp thu một cách tích cực, vui vẻ, thấy mình sai thì sẵn sàng nhận lỗi. Khi nói chuyện với người Nam bộ, ta có được cảm giác rất gần gũi, họ không câu nệ chuyện ngôi thứ, lớn nhỏ, giai cấp, bốn bể là nhà, tứ hải giai huynh đệ. Ngôn ngữ của người nông dân Nam bộ đậm vẻ hài hước, tinh tế thể hiện sự lạc quan, yêu cuộc sống. Chẳng hạn, người ta gọi túp lều xiêu vẹo của mình là “nhà đá”, tất nhiên không phải nó được xây bằng đá, mà khi đá một cái là nó sập ngay. Làm ruộng theo kiểu lĩnh canh rày đây mai đó để trốn nợ, trốn thuế được hóm hỉnh gọi là “làm ruộng dạo”. Ngâm mình trong nước để tránh muỗi và bù mắt cắn gọi là “ngủ mùng nước” (thậm chí con bù mắt đôi khi còn được gọi là con bù rảnh vì có rảnh nó mới có thời giờ đi cắn người ta).

Lịch sử Nam bộ dù có trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng dù thế nào đi nữa tính cách của người Nam bộ vẫn thế, ngày xưa hay bây giờ đều yêu nước nồng nàn, hào phóng, hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài, ngang tàng nhưng khẳng khái.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Em đang học cách cố quên anh




Ái Vân


Em đang học cách cố quên anh
Người đàn ông mà em yêu thương nhất
Dẫu nỗi đau như loài cây bật gốc
Chạy ngược đường, ngược nắng để quên anh

Em dằn lòng nỗi nhớ gửi sao băng
Dấu nước mắt nơi tận cùng đáy biển
Đem đớn đau vào màn đêm sầu muộn
Để trở thành con thú đi hoang

Em ước trở về những ngày tháng lang thang
Ngày mà em chưa biết nhớ anh sau những lần lỡ gặp
Ngày mà những bài thơ vẫn còn trong ngăn cặp
Ngày hững hờ nhện chưa kịp giăng tơ

Em ước rằng anh không còn trong những giấc mơ
Hay trở thành kẻ đáng ghét cuối hoàng hôn sầu muộn
Em ước trái tim em là băng hà, gió cuốn
Để chẳng còn đau khi nghĩ về anh


Tản mạn chuyện văn chuyện đời

Nghĩ cho cùng thì đúng không có ai điên hơn bọn theo đòi nghiệp văn chương. Lập thân tối hạ thị văn chương . Biết thì biết vậy mà viết thì vẫn cứ viết mà cũng chẳng biết viết để làm gì? In sách chăng? Khó lắm. Thời buổi kinh tế thị trường tự bỏ tiền ra mà xuất bản mà những thằng văn sĩ dở hơi mấy thằng đã có tiền bởi một điều rất đơn giản mà chẳng phải ai cũng biết được. Nó mà có tiền nó đã không viết. Đời còn bao nhiêu thứ quyến rũ. Nào gái, nào ôtô , nào nhà hàng, nào du lịch nhưng khổ một nỗi tất cả những thứ quyến rũ ấy lại luôn dính đến một thứ quyến rũ nhất trần đời : Tiền. Mà thứ này thì thì tôi dám chắc chẳng thằng nhà văn nào có cả. Thế là hết. Nó đành tìm một thứ quyến rũ mà không mất tiền. Đó là viết.
Có người bảo
-Ông nói thế nào ấy chứ,tôi thấy mấy ông nhà văn, nhà báo xây nhà bốn năm tầng to đùng ông lại bảo là họ không có tiền
Nghe họ nói, tôi ngớ người ra. Ừ nhỉ! Sao mình lại cứ mang mình ra áp vào cho thiên hạ. Một hôm, tôi đi ngang qua một cái nhà tuyệt đẹp, một biệt thự mới xây theo kiến trúc pháp ngày xưa, buột mồm tôi hỏi thằng bạn
-Nhà ai mà đẹp thế hả mày?
-Mày không biết à?
Tôi lắc đầu.
-Người này tốt nghiệp khóa tám trường viết văn Nguyễn du. Hiện là một quan chức bự.
-Sao tao chưa bao giờ đọc được một bài viết nào của ông ta vậy nhỉ?
-Tại vì mày không đọc nghị quyết—Thằng bạn tôi cười—Ông học trường viết văn Nguyễn Du nhưng học chuyên ngành văn nghị quyết.
Tôi sực nhớ đến Nguyễn Bính. Con phải mang cho. Chết nằm còng queo mấy ngày trong nhà mọi người mới biết. Cùng là nhà văn cả ai bảo văn không kiếm ra tiền?Ôi Nguyễn Bính ơi ông ngốc mất rồi.
Chúng tôi tạt vào một hàng nước chè chén bên đường. Bốn năm anh chàng xe ôm không có khách cũng đang ngồi tán dóc với nhau. Tôi nghe một người nóivới một người khác
-Tao thấy dạo này mày thế nào ấy.
Một anh chàng xe ôm khác nói
-Nó đang tương tư chứ sao nữa
Nói rồi anh ta cấm cái điếu cày, cho thuốc vào lõ điếu châm lửa rít một hơi dài,ngửa mặt lên trời từ từ nhả khói thuốc rồi ngâm nga
Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
Nhìn qua đám khói thuốc lào của anh chàng xe ôm vừa nhả ra tôi thấy ngôi nhà của ông nhà văn khóa tám như đang chao đảo. Cụ Nguyễn Bính ơi! Người ta có tiền thì người ta xây nhà trên đất còn cụ không có tiền nên cụ xây một ngôi nhà trong lòng người. Tôi cũng là một thằng tập tọng làm thơ không biết bao giờ tôi mới có thể xây một ngôi nhà trong lòng người như cụ. Khó lắm. Chắc mạt kiếp tôi cũng không thể làm được.
Nhưng! Vâng . Lại nhưng. Tôi vừa yêu lại vừa gét cái chữ “Nhưng “ này. Một chữ “Nhưng” ma thuật. Chữ “Nhưng” mà đi cùng với chữ “Nếu” Thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Mà bọn văn sỹ nửa mùa thì đứa nào cũng thích hai chữ ấy đi liền với nhau thành cặp. Nó có phép thần thông biến những cái mà bọn dở hơi khao khát trở thành hiện thực( ít nhất là trên trang giấy). Khốn nạn ! thằng bạn tôi lại dùng ngay cặp từ ma thuật đó để hỏi tôi
-Nếu ai đó cho mày hai tỷ thì mày sẽ làm gì? Viết truyện để đem in, xây nhà, hay chơi gái?
-Mày đặt sai thứ tự rồi—Tôi bảo thằng bạn—Thứ tự sẽ phải là Chơi gái—Xây nhà—và khi nào tiêu hết hai tỷ thì tao lại đi viết truyện.
Thằng bạn tôi cười
-Tao biết ngay là mày sẽ bảo như thế mà
Thấy chưa?Người ta chỉ viết khi trong lòng người ta khao khát mà người ta chỉ khao khát khi người ta không có. Chẳng biết có nên cám ơn ông trời không khi ông làm cho tôi không có gì cả để đêm đêm tôi hì hục viêt những khát khao của cuộc đời?
Đêm hôm qua, ngồi buồn viết thì không viết được vì biết viết gì đây khi quanh tôi toàn thấy những cuộc đời lam lũ, nhìn quanh chỉ thấy những mảng tối đen . Tôi bèn giở “ Đôi mắt” của Nam Cao ra đọc lại. Đang đọc thì cô hàng xóm sang chơi. Cô ta chào tôi và hỏi.
-Cháu Ngọc có nhà không bác?
-Có việc gì đấy hả cô?
-Em muốn nhờ cháu kèm con bé nhà em môn tiếng anh
Con gái tôi đi vào . Khi biết một buổi dạy tiếng anh là tám mươi nghìn, cô ta đứng thừ người ra. Quả là một số tiền quá lớn với gia đình cô. Cô đi làm tiền công chưa đến hai triệu một tháng. Ngần ngừ một lúc, cô gật đầu quả quyết
-Thế cũng được. Cháu có thể dạy giúp cô một tuần hai buổi cho nó được không?
Tôi sững người. Trong đầu tôi lại hiện lên buổi nói chuyện với mấy ông bạn trí thức cách đây mấy hôm. Hôm ấy mấy đứa chúng tôi kéo nhau vào một quán bia. Bia vào lời ra thôi thì đủ mọi thứ chuyện, trên trời ,dưới biển mà toàn là những chuyện động trời. Nào là đa nguyên , đa đảng. Nào là tự do báo chí. Nào là khai thác bôxit . Tôi ngồi nhấp từng ngụm bia nhỏ cắn răng chịu trận. Tôi vẫy cô bé phục vụ lại bảo
-Cháu lấy cho chú mượn cái điếu cày.
Con bé tong tả đi lấy điếu mang lại. Trời nóng mồ hôi bết trên áo con bé. Tôi cầm cái điếu cám ơn và hỏi con bé
-Cháu từ đâu lên Hà nội làm việc?
-Cháu ở Thái bình.
-Lương cháu được bao nhiêu?
-Ít lắm bác ạ . Một triệu cộng với ăn ngủ
Tôi thở dài và sự nhớ đến hai câu thơ của Dương Vương Hưng
Cả đời tìm ở đẩu đâu
Về quê lại thấy con trâu cái cày
Chao ơi Dương vương Hưng ơi ! đâu chỉ mình anh đau đớn. Tôi cũng đau đớn lắm. Cánh cầm bút chúng ta cả đời tìm cái đẹp ở tận chín tầng mây đến khi đặt chân xuống mặt đất ta lại gặp phải cô bé phục vụ quầy bia này và cô hàng xóm của tôi làm gì chúng ta chẳng hụt hẫng. Hai người này họ đâu cần biết đến đa nguyên đa đảng. Đâu cần biết đến tự do báo chí. Họ cũng chẳng cần biết đến bô xít là gì. Cái họ cần biết là gạo bao nhiêu tiền một cân. Làm sao có tiền để trả cho học thêm của con cái mình. Họ thấp hèn quá chăng? Tôi nhớ đến một câu của một ông tri thức đang phồng mang trợn mép cùng với vại bia
-Các ông bà nông dân! Tự họ đang trói họ với cái dốt nát. Họ không dám phá vỡ cái cũ kĩ đã hàng ngàn năm ăn vào xương tủy.
Giá như ông ta ngừng uống bia lấy một phút để nhìn cô bé nông dân từ Thái bình này. Một cô gái mười tám tuổi bỏ nhà cửa một mình lên đất Hà nội lăn lộn với mong muốn thay đổi cuộc đời. Điều ấy làm gì có trong cái cũ kĩ hàng ngàn năm. Và cả cô hàng xóm của tôi nữa,Cô nhịn ăn ,nhịn mắc ,cắn răng trả tám mươi ngàn đồng môt buổi học thêm để đầu tư cho thế hệ con mình vượt lên nghèo đói.
Nam cao ơi con mắt của ông thật khác đời. Ông đã nhìn thấy những gì tốt đẹp trong con người nông dân chân đất mắt toét từ ngày xa xưa thế mà chúng tôi ngày nay tuy đã đọc ông rồi sao vẫn chưa có được đôi mắt ấy.? Dương vương Hưng ơi! Anh hãy nhìn kĩ lại đi. Có phải là con trâu ngày xưa, cái cày ngày xưa không anh?
Làng quê đang thay đổi. Dù chậm chạp hơn thành thị rất nhiều nhưng nó đang lặng lẽ chuyển mình. Tầm mắt người nông dân đã nhìn xuyên qua những lũy tre làng. Nhưng tầm mắt của cánh cầm bút thì chưa vượt qua được cái váy của người đàn bà. Đọc ở đâu cũng chỉ thấy tim nát, lệ rơi. Đọc ở đâu cũng chỉ thấy làn môi khao khát còn cái khao khát trong tâm khảm của những mảnh đời bất hạnh mấy ai đã nhìn thấy trên đời
Tôi cũng viết được dăm ba cái chuyện ngắn. Một hôm vào một diễn đàn tình cờ tôi thấy chuyện của mình đăng ở đấy và tôi thấy hai nhận xét của hai người đọc
-Một chuyện cổ tích về tình yêu
-Chỉ là một sự tưởng tượng. Tớ không tin trên đời lại có người tốt đến thế
Tôi đọc lại chuyện của mình và phải công nhận đó là những nhận xét xác đáng. Nhưng tôi phải viết gì đây?Sự thật trần trụi chăng?
Tôi nhớ có một lần cả nhà tôi đang ngồi ăn ở một quán hàng thì có một nhà sư quãng gần bốn mươi tuổi tay cầm một cái chuông đi đến đứng cạnh bàn chúng tôi gõ chuông và niệm phật. Tôi móc túi lấy tiền thì con gái tôi ngăn lại.
-Sư dởm đấy bố ạ.
Tôi cười bảo con gái
-Bố biết
Nói rồi tôi bỏ vào cái chuông hai ngàn đồng. Nhà sư nghe hai bố con tôi nói chuyện cười ngượng ngập và bỏ đi. Khi nhà sư ấy bỏ đi rồi con gái tôi mới hỏi
-Bố biết sao bố vẫn cho tiền?
- Con ơi! Khi con người phải mang cả những thứ thiêng liêng nhất trong tâm linh của mình ra để lừa đảo mà kiếm lấy miếng ăn thì họ có đau đớn không? Con có nhìn thấy nụ cười ngượng ngập của nhà sư giả ấy không? Bố không bị lừa. Bố cố tình đánh lừa chính mình để giữ lấy trong lòng một chút thanh thản. Khi tôi viết chuyện ngắn “Chuyện ở quán Karaoke” thì một bạn trong diến đàn này đã nói về tôi với một người khác như sau.
-Thằng cha ấy ngố rồi. Nếu lần sau hắn vào quán karaoke ấy hắn sẽ lại gặp cô gái ấy và cô ta sẽ bảo với hắn :”Mẹ em lại bị mổ lần nữa”
Cô bạn ấy nói đúng. Tôi biết thế. Nhưng cô bạn ơi! Tôi mong mình là một thằng ngốc để tin vào những lời cô gái ấy nói hơn là thành một người thông minh để biết rằng cô gái đã mang cả những cái quý giá nhất là thân xác của mình và những điều thân yêu nhất là mẹ mình để đổi lấy miếng ăn. Ôi! Nếu thế thì đau đớn quá.
Bạn Ct. Ly đã nói một câu mà tôi rất thích; “Nếu những gì chúng ta không thấy được trong cuộc sống thì đây là một món ăn tinh thần”


Đúng thế đấy bạn Ct.Ly ạ. Văn chương phản ánh cuộc đời nhưng văn chương không phải là cuộc đời. Nó phải cao hơn cuộc đời và từ trên cao ấy văn chương tỏa vầng hào quang của nó xuống cuộc đời này xua đi những bóng đen hắc ám trong tâm hồn con người và thắp lên trong con tim đã nguội lạnh của ai đó một ngọn lửa của trái tim Đan cô

Nguyễn Thế Duyên