Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Đôi khi ta cũng dịu dàng



Âu Thị Phục An



đôi khi ta cũng dịu dàng
như mưa nhỏ giọt bàng hoàng đêm khuya
như tay ngập giữa cơn mê
hàm răng cắn nhẹ lời thề chia đôi

nắng mưa xóa dấu chân người
cuồng phong cởi áo tình phơi trắng tình
ngập ngừng hôn dấu điêu linh
đôi khi ta cũng liều mình thế thôi

bờ xa lấp lánh môi cười
tình ta đôi lúc cuộc chơi cũng tàn
đôi khi bất chợt dịu dàng
ngước lên vừa lúc mưa tan trên đầu…

Hoài Khanh – Giòng dung nham đã đọng hương đời






Đặng Châu Long

Một hôm sực nhớ câu kinh:
Không phải chỗ trụ mà sinh tâm mình…

(Hoài Khanh, Sám hối)



Những năm 30 của thế kỷ XX mang đậm dấu ấn của sự đổi mới nền văn học Việt Nam. Một cuộc cách tân toàn diện từ văn, thơ, đến tân nhạc đã tạo cơn địa chấn văn học mà dấu ấn vẫn ghi đậm mãi đến ngày nay. Trong bối cảnh đó, năm 1933 Hoài Khanh chào đời, nghe người chung quanh hát những ca khúc tân thời như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1936) của Lê Yên; Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung, nghe bài thơ mới Tình Già (1932) của Phan Khôi, chứng kiến Tự Lực Văn Đoàn bỏ cũ theo mới…..một giòng thơ Hoài Khanh đã theo tuổi lớn nhanh….

Sáng sớm thứ ba ngày 24-09-2013, những cơn mưa bóng mây thoạt đến thoạt đi không ngăn được anh Chu Trầm Nguyên Minh và tôi ngược về hướng Cù Lao Phố Biên Hòa tìm thăm lại anh Hoài Khanh, hiện đang nằm bệnh từ sáu tháng nay do tai biến.

Trên đường anh Chu Trầm Nguyên Minh bồi hồi kể lại thuở anh và chị Tùng Vân vừa mới thành hôn dăm bữa, hai vợ chồng cùng về Biên Hòa ra mắt anh chị Hoài Khanh. Dạo đó nhà anh Hoài Khanh vườn cây trái thênh thang.

Tôi thì lại mơ màng theo quyển thơ tự chép từ các tạp chí Văn của mình dạo trẻ, và Hoài Khanh cũng có dự phần:

Về đây đá núi ngủ buồn
Cỏ ngu ngơ động cánh chuồn chuồn bay
Về đây ngắm lại bàn tay
Ngón dài ngón ngắn có ngày có đêm
Lần rồi có phải không em
Tình yêu đó cũng hao mềm như sương

(
Hoài Khanh, Đồng Vọng)

Và..

Gió nghiêng từng trận luân hồi
Mùa xưa cánh động nghe rời rạc đi
Trong tôi thân thể thầm thì
Máu và xương có hồi qui nhịp mùa
Tóc dài trên tuổi lưa thưa
Với hai đầu gối đong đưa lá cành
Nụ cười là để cây xanh
Yêu nhau là để hai ngành vu vơ

(Hoài Khanh, Lời thân thể)
Ôi nhịp nhàng là cánh chuồn chuồn, đóm tình nồng cháy theo nguồn máu xương, những bài lục bát tuôn tràn, hừng hực như đến từ núi lửa trào dâng.

Chả trách, Bùi Giáng khi đọc thơ Hoài Khanh phải thốt lên: “Anh chưa quá hai mươi tuổi, anh làm những vần thơ mà Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Hiếu tái sinh nghe được phải lạnh mình trước cái vĩ đại, hồn nhiên của một tài hoa chưa ráo máu đầu.“.

Từ Dâng rừng (1957) đến Thân phận (1962), Lục bát (1968), Gió bấc – trẻ nhỏ – đóa hồng và dế (1970), Hương sắc mong manh (2006), giòng thơ của Hoài Khanh đã ngược suối nguồn uyên nguyên để chân diện mục từng khoắc khoải nỗi đời.

Bao nhiêu lần Hoài Khanh đã ngồi lại bên giòng sông đời để thầm thì nói, thầm thì nghe tiếng nghìn trùng kể lể cuộc tồn vong:

Bến sông này bến sông này
Trăng xưa phủ xuống hàng cây gục đầu
Người xưa chừ biết là đâu
Này trăng gió cũ này câu giã từ
….
Hắn đã về giữa dòng sông nước chảy
Của Á Châu nhược tiểu khổ đau này
…..
Và đi trên những buổi chiều
Dường nghe nước lũ dâng triều cô đơn
….
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
…..
Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một kiếp sầu vô chung

Giòng sông đời vẫn lạnh lùng hờ hững, rải tung trên bước thời gian từng nỗi héo sầu, Hoài Khanh vẫn từng ngày trăn trở hằn nỗi đời lên mặt từng vệt buồn sâu, người bạn thân Phạm Công Thiện khi nói về Hoài Khanh đã phải thốt lên: “Nghe sự im lặng của Khanh, tôi cảm thấy Thượng đế, tôi cảm thấy Quỉ ma, tôi cảm thấy tiếng nói của một ngàn đêm, hai ngàn đêm, triệu ngàn đêm, tiếng nói của muôn triệu ngàn đêm vọng về hiu hắt trong lòng nhân thế. Tôi không muốn nghe, cũng như bao nhiêu người khác cũng không muốn nghe, bởi vì đó là tiếng nói của sự thật: Tiếng nói của giòng sông vạn ngàn năm chảy trôi vể biển. Giòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù…” (Phạm Công Thiện, Nỗi cô đơn của Hoài Khanh)

Rời xe bus số 12, lên xe thồ đi thêm khoảng hơn mười cây số, chúng tôi dừng chân trước Tịnh xá Ông Tám và được hướng dẫn đi thêm vài trăm mét, phía trước chúng tôi, xa xa, đã thấy chị Hoài Khanh đứng đợi trước ngôi nhà mang số 121.Dù chỉ thua anh Hoài Khanh vài tuổi, nhưng dáng chị đủ cho mọi người đoán ra một nhan sắc thời xuân. Chị vồn vã đưa chúng tôi vào nhà. Anh Chu Trầm Nguyên Minh vẫn còn xúc động khi gặp lại gia đình anh Hoài Khanh sau hơn 40 năm. Vật đổi sao dời, vườn nhà anh Hoài Khanh bây giờ hẹp hơn nhiều sau khi con đường mới băng qua, nhưng sự mới mẻ đó chẳng làm anh nguôi hoài niệm.

Về đây trầm túy mặn nồng
Phiến du từng chuyến thôi lòng lắng nghe
Về đây bụi khói tàu xe
Chân đi hồn lạc tiếng ve hạ tàn
Về đây nghìn cõi âm vang
Đêm sâu rừng ruộng vui tan cuộc nào

(Hoài Khanh, nhập định)
Nằm nghỉ ngơi trên giường với khó khăn của nửa bên người chưa hồi phục, anh Hoài Khanh vẫn vui và dòn tiếng chuyện trò níu lại từng ký ức với anh Chu Trầm Nguyên Minh. Thỉnh thoảng chị Hoài Khanh ghé vào, khi thì mang nước, khi thì hỏi thăm anh có mệt không. Anh tươi cười nói: “có bạn cũ về thăm làm sao mệt nổi”. Anh còn hào hứng dự tri khoảng nửa tháng sau sẽ đi đứng thoải mái. Được thế thì bằng hữu vui biết bao. 81 tuổi đời có gì vui hơn gia đình, bằng hữu, sách vở bao quanh.

Anh hào hứng kể về tập sách anh dịch của Heidegger sắp được ấn hành, anh bồi hồi ôn lại những vần thơ, những hoài bão cả đời chưa vẹn, hoài ấp ủ.

Lê Ngọc Trác trong bài viết Từ lục bát “nâu” đến lục bát “thiền” đã nói về cuộc chuyển đổi giòng thơ Hoài Khanh sau năm 2000 như một thế tất yếu của thi nhân qua những bão giông, khổ đau, cô đơn tận cùng trong cuộc đời để đưa vào thơ mình những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Cái nhìn nhận đó chưa hẳn đúng với một Hoài Khanh, một con người luôn hực lửa nhân bản trong thể nghiệm nỗi đời qua mọi khía cạnh của nhân sinh. Những cái tất nhiên của cuộc sống, những nỗi trầm luân của con người đều thấp thoáng đâu đó trong các tập thơ:


Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Bấy nhiêu rồi nhỉ hỡi trần gian kia?
Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa
….
vi vu mầu gió đi mùa
núi non đồng vọng cũng thừa xót thương
đã nghe đất dậy môi trường
cõi miên viễn bỗng vô thường thanh âm
….
Tâm hồn – ấy cõi đau ngầm
Cười trong lệ tủi lạc lầm nhân gian
Tham sân , trí trá , hung tàn
Tâm hồn từ ấy tan hoang còn gì !


Như một kẻ khoắc khoải đi tìm câu hỏi, như một gã chăn trâu trong Thập ngưu Đồ, chăn trâu rồi để trâu mất bao bận, rốt ráo tìm thấy rồi, bình tâm chợt nhạt nhòa cái lẩn quẩn của nỗi đời được còn thua hơn, xả dần mọi buộc ràng để khi thỏng tay vào chợ tâm hồn thanh thản như gió thổi đồng không.

Đêm xưa bỗng một đóa hồng
Nở ra giữa cõi vô cùng tịch nhiên
Đêm kia tôi mộng bình yên
Làm sương rơi rụng trên miền vô thanh
…..
Cái gì hễ mất lại còn
Hễ không là có, hễ tròn là lăn
Ngày xưa có một dấu chân
Bước qua bãi cát sông Hằng nhẹ tênh

Khi hỏi anh muốn gởi gắm điều gì cho cõi tạm, anh Hoài Khanh chỉ thốt lên hai từ Nhân bản. con người vốn dĩ như cây sậy, niềm ước mong kêu gọi nhau sống đúng con người sao quá đỗi khó khăn. Những vần thơ và khát vọng anh như một tiếng kêu bi thống cho thân phận con người . Tôi lấy chiếc gối kê tay anh, lấy mảnh giấy trắng choàng vào quyển sách đặt lên gối khi anh có ý muốn viết cho Quán Văn ít giòng đề tặng. Dùng sức còn lại của nửa thân thể chưa hồi phục, anh gắng viết mấy câu:

Hắn đã về giữa giòng sông nước chảy
Của Á Châu nhược tiểu khổ đau này
Hắn đã về giữa cát buồn sa mạc
Của Phi Châu quằn quại suốt trời mây

Nghe ra sao sầu nặng kiếp người muôn phương. Những quyết định lớn lao của cõi người Sinh, Lão, Bệnh, Tử không phải do ta chọn đã đành, nhưng hoài bão giữa cõi sống cũng như những đám lục bình trôi nổi, vô định để khát vọng vẫn là niềm mơ, một hy vọng sẽ đến hơn là một cái hộp pandora đã mở(*), phơi trần những sự thật phũ phàng.

cõi Á Châu này sao lại sinh ra tôi
để ngắm hoài dòng sông trôi những mái lá nghèo nàn
những mắt sâu mờ đục còn khao khát cõi nào?
những thân hình gầy guộc và đồng lúa xanh
có chăng một bình nguyên trên Trường Sơn?

ôi khoảng hư vô khủng khiếp một đời
phút giây vỡ tan tành mảnh pha lê
tôi quờ quạng vào đâu để tìm lại
những mộng của tôi
và hồn của ai

(Hoài Khanh, Cỏ Khô và Lửa)

Tữ giã anh Hoài Khanh trong luyến tiếc và hẹn sẽ gặp nhau khi anh hồi phục, chúng tôi đi bộ ngược về hướng cũ để chờ xe thồ vào đón. Qua một quán thức ăn chay, sẵn đã trưa, chúng tôi ghé vào thưởng thức hương vị thiền gia như chị Hoài Khanh đã từng giới thiệu quán này. Khi nghe chúng tôi nói đi thăm một thi nhân già hiện đang nằm liệt bán thân, bà chủ quán nhận ra ngay, không phải bởi anh Hoài Khanh là một thi nhân nổi tiếng, nhưng là hình ảnh thường xuyên mỗi sáng trước bình minh: chị Hoài Khanh đẩy anh trên xe lăn tản bộ dọc con đường mới mở, đón từng ngày mới cùng nhau.

Hóa ra dù với anh chiếc hộp pandora (*) chưa thấy, nhưng dù sao cạnh anh nguồn hạnh phúc nhỏ nhoi đã hiện diện bên tháng ngày nằm nghe đời giữa căn bệnh hắt hiu. Hình ảnh hai anh chị dìu nhau trong tuổi thu tàn vẫn đẹp ngời như niềm tin còn sót lại sau cơn bão rớt thời gian.

Ta ơi một kiếp vô hình
Bóng sương mầu cỏ nhớ mình không nguôi
Mai kia đóm lửa tan rồi
Về trong gió bụi nhớ thời lưu vong

(Hoài Khanh, Về trong gió bụi nhớ thời lưu vong)
Giòng dung nham, giòng cuồng lưu tuôn trào òa vỡ một thời, nay đã đọng kết dãy phù sa màu mỡ. giòng thơ đời từ đó rộ thêm hoa. Thời gian bình thản trôi, đâu đó vẫn còn có nhiều người hoài nhớ một giòng lục bát ngọt ngào nhiều cảm xúc, giòng lục bát Hoài Khanh.


(*) Trong thần thoại Hy Lạp chiếc hộp Pandora các vị thần trên đỉnh núi Olympus đã tặng cho nàng Pandora và dặn kĩ rằng không được mở chiếc hộp đó ra. Nhưng với sự tò mò của mình, Pandora đã mở chiếc hộp ra và tất cả những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian … và chiếc hộp chỉ còn sót lại một chút “ hy vọng” mang tên Pandora cho loài người để có thể tiếp tục sống.

Anh hùng Mỹ



Hà Thúc Sinh



Không có anh hùng chẳng có lịch sử. Nhưng một đất nước nhiều anh hùng quá dân cũng đâm kẹt… hộ khẩu. Ở Bắc Hàn, Trung Cộng, Cuba, và Việt Nam đến nay việc được phong anh hùng vẫn còn đòi hỏi phải có tính đảng, tính giai cấp, duy tính người có thể du di. Một khi có đòi hỏi tất đã có giới hạn, đã có giới hạn mà vẫn lâm tình trạng ra ngõ gặp anh hùng thì thử hỏi ở các nước tư bản vốn tự do dân chủ thả cửa, ai muốn phong ai cái gì tùy ý thì ta đừng ngạc nhiên nếu thấy anh hùng lắm khi bò lổn ngổn ngoài đường.

Ông George Washington là anh hùng dân tộc thì đúng rồi vì ông là một trong những cha đẻ ra nước Mỹ sau cuộc cách mạng giành độc lập từ tay người Anh. Audie Murphy là anh hùng thế chiến II cũng không oan vì anh từng là một anh đơ dèm củ bắp, trần xì một khẩu Garant M-1 với hai cấp số đạn nhưng đã thịt đẹp 240 quân Ðức, được Quốc Hội gắn Huân chương Danh Dự là thứ huân chương cao quý nhất; giải ngũ về chẳng cao ráo đẹp trai gì thế mà anh đã trở thành một tài tử xi-nê nổi tiếng đóng mấy chục phim vừa cao bồi vừa chiến tranh hốt ra bạc. Ngay những Superman, Spiderman, Zorro, Batman, James Bond, vân vân và vân vân cũng có vô số dân Mỹ “thờ phượng” như những anh hùng. Những tài tử xi-nê đóng vai cao bồi bắn nhanh như chớp như Clint Eastwood, hay ném mà như để bóng vào rổ cỡ Magic Johnson, hoặc đấm đá đến khật khà khật khùng như Mohammad Ali, hoặc vừa hát vừa lắc đến muốn văng bánh chè ra ngoài như Elvis Presley… đều từng được tôn vinh anh hùng. Một thiếu niên nhảy cái tòm xuống mương kịp cứu một con chó con sắp chết đuối, cả khu phố, rồi nhân viên cứu hoả, rồi cảnh sát, rồi sở chó mèo vân vân và vân vân xúm lại tán tụng, trao bằng tưởng lục, thế là ngày mai cậu nhảy tót lên trang nhất tờ nhật báo địa phương với danh hiệu “tiểu anh hùng lô-cô sớm phô tài cứu chó” (cho dù cũng có trường hợp người trong cuộc thấy tự ngượng khiêm tốn xin từ chối danh hiệu này).

Ðấy, anh hùng trong xã hội thanh bình của Mỹ, mà nói chung của Anh Pháp Ðức Ý Úc gì gì thì cũng đều một ruột, dễ phong thế đấy. Họ nhiều đến nỗi khi hội đồng thành phố họp bàn nghiêm chỉnh để chọn tên đặt cho những con đường mới trong các khu gia cư tân lập thì không còn biết lấy ai bỏ ai, sau cùng lại phải lôi mấy con số hoặc vần abc ra mà dùng cho xong chuyện. Xin mời quý vị cứ mở bản đồ các thành phố Mỹ ra mà xem. Ðường xá ở các trung tâm thành phố (downtown) phần lớn mang con số hoặc các mẫu tự.

Thôi thì họ tâng bốc nhau anh hùng của họ thế nào, phẩm chất ra sao kệ bụng họ, ta cứ thừa nhận cho nó vui vẻ cả làng, kẻo họ lại truy ra, rồi lại cười mũi rằng, “Gớm, chúng tôi rộng rãi với nhau thì Mít nhà các anh lại chê bai, còn các anh ý à…” thì có phải là dại không.

Vì thế người viết xin trịnh trọng quay lại với các anh hùng Âu Mỹ. Xin nhớ những anh hùng ở đây phải hiểu toàn là đấng mày râu. Lý do lịch sử Tây phương gần như không có chỗ cho các nữ anh hùng (người Việt chúng ta dùng chữ chỉnh và đẹp hơn: bậc anh thư). Ðàn bà mà thò đầu vào? Chết ạ. Ðàn bà nổi lên như Trưng như Triệu của ta đàn ông răm rắp xếp hàng theo đuôi, chứ như Jeanne d’Arc của Pháp, chiến công đến thế rồi cũng chết thảm về tay đám giáo sĩ gian cấu kết với giặc Anh ban cho nàng cái án tử hình; hay như Anne Hutchinson của Mỹ thời Thanh giáo, vừa gồng mình cất tí giọng oanh đòi quyền vượt ra khỏi cánh cửa nhà bếp đã bị ngay đám mày râu ban cho một bản án đi đày đến tan nhà nát cửa.

Vâng, các anh hùng Mỹ thường còn tại thế và có thể ở sát vách hoặc cùng khu phố với ta. Anh có thể là một tài tử mới được tôn vinh anh hùng vì một vai trò gì đó cứu nguy trái đất, ngày mai đã bị còng tay vì say rượu lái xe; hoặc là một anh hùng dân biểu ngày mốt đã có thể thân bại danh liệt vì cao hứng khoe cái thân thể bạc triệu (tính theo tiền cộng hoà xã nghĩa VN) lên facebook cho lũ gái vị thành niên chiêm ngắm; hoặc một anh hùng hớt tóc hôm qua mới từ tiệm lao ra, đẩy một đứa bé khỏi chiếc vận tải đang phóng tới thì ngày kế đã bị xộ khám vì tội giết vợ một cách tinh vi nhằm mưu đoạt cái bảo hiểm nhân thọ đáng giá nửa triệu đô la của nàng, vân vân và vân vân. Thế cho nên danh từ anh hùng được dùng ở đây là một danh hiệu rất dễ vỡ, và chỉ dùng cho giống đực, tức cái giống thực tế vẫn đang hét ra lửa mửa ra khói từ nhà ra đường ở nước Mỹ này.

Vậy phải chăng anh hùng ngày nay, chẳng riêng trong xã hội Mỹ mà gần như ở khắp mọi nơi, không còn là đối tượng đáng kính mà là đáng sợ? Hỏi như thế quả cũng hơi khó trả lời. Nó như hai mặt của một đồng tiền. Phủ nhận mặt nào thì đồng tiền cũng sẽ không còn là đồng tiền nữa. Nhưng cân nhắc kỹ, ta có thể nói cách an toàn rằng anh hùng ngày nay là kẻ hội đủ cả hai yếu tố đáng kính và đáng sợ. Xem, anh công an và tên ăn cướp đều dám liều mạng lao vào nhau bắn giết chí tử. Phần lớn họ đồng hạng máu lạnh cả đấy thôi dù có khác nhau mục đích. Nói như thế quá cường điệu? Thưa không! Một công trình thực nghiệm rất khoa học trong ngành Tội Ác Học (Criminology) có tên là “Stanford Prison Experiment” đã chứng minh được một cách thuyết phục câu nhân chi sơ tính bổn… ác. Ai cũng có thể trở thành một tên công an hay cai ngục gian ác dù vài tuần trước đang là một công chức gương mẫu hay một giáo sư đại học hiền hoà, ai cũng có thể trở thành một nữ tù tuyệt vọng muốn tìm cách tự tử dù mới đây là một nữ sinh hết sức đoan trang, xinh đẹp. Vậy thì giữa anh công an và tên cướp ai đáng sợ hơn ai. Các cụ nhà mình qua ca dao đã trả lời giùm chúng ta thắc mắc này từ năm nảo năm nao: Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân. Rành rành sự khôn ngoan người xưa đã công khai đặt anh công an, tức người anh hùng nhân dân, hay anh cảnh sát Mỹ, tức anh hùng của thành phố vào vị trí còn đáng sợ hơn cả kẻ cướp lâm cơn bần cùng giá như chính quyền của hai ông “bạn dân” trên không phải là một chính quyền biết thượng tôn pháp luật.

Vậy thì, để phòng thân trong một xã hội vào nhà thì đụng mặt ông chồng có thể là anh hùng, ra ngõ thì chạm trán ông hàng xóm cũng có thể là anh hùng nốt, chúng ta, đặc biệt các bà các cô, phải làm cách nào để có thể giữ cho mình mẩy cha sinh mẹ đẻ được an toàn đây? Chẳng lẽ anh hùng thời nay đều là một bọn bất trị?

Hôm nay, dựa vào sự ấm ức của vài ngòi bút nữ, người viết nhân tiện uống tí thuốc liều mách nước cho quý vị vậy. Trị đám anh hùng ngày nay dễ ợt. Cứ nắm cứng lấy cái… sợ có thật của họ mà giật thì họ có mà quỳ lạy chứ đừng nói là còn làm phách làm tàng, xưng hùng xưng bá.

Vâng, anh hùng hay giống đực ở các nước Âu Mỹ cổ kim có cả đống cái hèn yếu, nói cách khác, họ biết sợ nhiều thứ. Ai anh hùng hơn đồng chí Lenin? Thế mà chàng cũng từng thú trong đời có nhiều cái hèn yếu và sợ hãi ướt quần. Thế Lenin sợ gì? Ông tự kiểm rằng ông đã không thể chống cự lại sự say mê nhạc vàng, điển hình là bài “Serenade” viết bởi tên văn hoá đồi truỵ Schubert; còn sợ thì Lenin thú nhận trên đời ông không sợ gì hơn sợ cô nha sĩ của ông! Tổng thống Bush (cha) cũng từng thú nhận đời ông có một nỗi sợ to lớn là ngày còn bé sợ mẹ bắt ăn bông cải broccoli. Sau Bush (cha), tổng thống Clinton từng thú nhận cứ thình lình mở TV thấy hình người đẹp Lewinsky với đôi vú vạm vỡ là ông lại thấy ngay bóng một bà khác lăm lăm con dao phay nơi cửa bếp và gầm: “Còn muốn có hai bàn tay để cầm sandwich mà ăn thì bảo!” Ðấy, cánh Âu Mỹ họ chẳng can đảm như phe ta đâu. Roi roi chứ cà cuống lắm, chết đến đít còn cay. Mỹ trông tay nào tay nấy 200-300 cân Anh, thế mà gan đôi khi như gan chuột. Sự sợ chết của họ hèn đến nỗi từng bị nhà văn Mỹ William Faulkner mắng nặng lời: “Ðiều thấp kém nhất trong mọi điều là sợ hãi.” (The basest of all things is to be afraid!). Mà đã đủ đâu, họ sợ cả sống nữa. Cái sợ này đã bị đệ nhất danh hề cổ kim Charlot (gốc Anh) khám phá ra, và ông ấy đã cầm ba-toong chận ngay đầu ngõ, chỉ mặt mắng tập thể các anh hùng rằng: “Ðừng sợ sống!” (Not to be afraid to be alive!).

Trong một bài báo mới đây, Nikita C. Fernandes, một nữ tác giả thường có bài nhận định về tâm lý người hùng vừa đăng các báo vừa post trên net, viết thế này: “Phần lớn chị em chúng ta đã hiểu sai về người hùng của mình do mình không nhận ra được những định luật giản dị đã cấu thành cá tính con người thật của họ.” Lan man một lát Nikita khẳng định: “Mỗi người đàn ông là một đứa con nít. Rối mù cả lên mà chị em mình cũng cứ phải dành cho họ sự bận tâm hơn cả. Nói thế không có nghĩa mình phải đút bột cho họ ăn (ấy mà cũng thỉnh thoảng phải làm như vậy đấy!), nhưng không lúc nào mà họ không cần tới chúng mình.”

Tại sao? Một nữ tác giả khác, cô Debasmita Chanda khẳng định rằng vì họ sợ. Cô đặt tiếp vấn đề: “Thế cánh người hùng của chúng ta sợ cái gì?” Lẽ tất nhiên họ chẳng còn sợ cô nha sĩ như người hùng cách mạng vô sản Lenin nữa; họ cũng chẳng sợ chết như Faulkner mắng hay sợ sống như Charlot xỉ vả; sợ của họ ngày nay cụ thể hơn nhiều. Theo Chanda, sau đây là bảy cái sợ chính của các người hùng Âu Mỹ thời nay:

1. Sợ già;
2. Sợ hết xí quách;
3. Sợ hao tài;
4. Sợ hói;
5. Sợ chết một mình;
6. Sợ tàn tật;
7. Sợ bị vợ xù đẹp.

Vậy thì, nếu chẳng may vớ nhằm một người hùng, các bà các cô từ đây chẳng có gì mà phải lo nữa. Cứ từng bước nắm vững những cái sợ của họ mà trị:

1) Sợ thứ nhất dễ trị nhất. Lẽ tất nhiên ai lại chả già. Có là rắn đâu mà lột da được. Cứ để mặc người hùng cho thời gian tuần tự nhi tiến xếp vào lịch sử.

2) Cái sợ thứ hai còn dễ trị hơn. Các bà các cô có biết họ hay giấu mấy loại thuốc quái quỷ ấy ở đâu không? Biết rồi thì cứ lặng lẽ lấy quăng quách vào cầu tiêu giật nước cái ào là xong. Nhất cử lưỡng tiện. Ðêm đến người hùng sẽ nằm chết dí và quý bà quý cô dù ngủ chung hay ngủ riêng vẫn cứ yên tâm ngáy o o đến sáng không ai quấy rầy.

3) Còn cái sợ thứ ba, từ đây quý bà quý cô nên mở trương mục riêng và hãy đi mua sắm, đi du lịch cho tưng bừng lên. Ðời ngắn bằng gang tay. Ðừng nuôi ong tay áo nữa. Cứ có đồng nào cũng để người hùng tom góp đem đầu tư, mai kia mốt nọ lăn quay ra đó thì tàu thuyền, bất động sản, cổ phiếu, cổ phần, gì chứ mấy thứ đó bảo đảm thiên đường hay hoả ngục đều không có chỗ chứa.

4) Sợ thứ tư? Quý bà quý cô cứ rình cho sát, người hùng chơi được lọ thuốc mọc tóc nào ta quăng tuốt. Nếu họ bắt được quả tang, làm dữ, hãy lý luận thế này: Sean Connery hói từ tuổi 30 nên đóng James Bond mới mê hoặc được cả thế giới. Tiá cứ bôi thuốc mọc tóc thì đến đời nào má con tui mới có được một James Bond trong nhà?

5) Cái sợ thứ năm là mặc kệ họ. Có ai chết hai mình bao giờ. Mình mềm lòng an ủi vớ vẩn, ông ấy lại tưởng ông ấy là Chế Bồng Nga còn mình là Huyền Trân công chúa tái sinh lại thêm rầy rà hậu sự. Yên lặng là vàng.

6) Còn sợ thứ sáu, sợ tàn tật? Việc này thì có thể khuyến cáo họ đừng sợ gì hết. Tàn tật có cái sướng của nó. Này nhé, đi đâu được phụ nữ mở cửa cho. Ðậu xe có chỗ ưu tiên, chỗ mà ngay cựu tổng thống Mỹ giở trò lạm dụng cũng bị phạt trắng mắt ra. Sướng như thế thì việc gì phải sợ với hãi.

7) Còn cái thứ bảy, cái sợ sau cùng này của họ lại chính là cái kết tốt đen cho quý bà quý cô đấy. Ðiều này người viết xin không lạm bàn, chỉ xin tiết lộ tí thống kê về án ly dị như tặng quý vị một cái phất trần dùng để răn đe, vâng, chỉ để răn đe thôi đấy: xưa nay gần như chưa từng có hai cái án ly dị nào hoàn toàn giống nhau, và không dưới 90% nguyên đơn thắng.

Thực hiện được tất cả các bí quyết đối phó trên, người hùng kiểu Âu Mỹ sẽ hoàn toàn nằm trong tay quý vị.

Hà Thúc Sinh

Quyền con người không tách rời nghĩa vụ công dân





Quyền con người không đồng nhất với quyền công dân. Tuyệt đối hóa quyền con người mà không thấy nghĩa vụ công dân của mình là hành động không thể chấp nhận.

Hiện nay, một số người khởi xướng Diễn đàn – như họ nói – để trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị ở nước ta “từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”. Theo họ, đó là để thực hiện quyền con người (QCN), nhưng họ lại không hề đề cập đến nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Họ trích dẫn một số điều của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam đã ký tham gia và cho rằng, việc làm của họ là phù hợp(?). Cách nói ấy hoàn toàn không thuyết phục. Bởi vì, mọi người trong khi thực hiện QCN thì đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Ai cũng biết, QCN là quyền mà ai cũng có ngay từ khi được sinh ra cho đến lúc qua đời. Còn quyền công dân (QCD) lại là các quyền của người dân được quy định trong pháp luật quốc gia. Để bảo đảm quyền bình đẳng, không bị xâm hại của mỗi công dân; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, đạo đức xã hội,… QCD có thể bị tước đoạt (một phần) khi người đó vi phạm pháp luật, hoặc mất năng lực hành vi dân sự vì lý do nào đó. Giữa QCN với QCD có sự giống và khác nhau nhất định (do những đặc thù về lịch sử, văn hóa), đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế, đặc biệt là trong “Tuyên ngôn thế giới về QCN” (năm 1948); “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (năm 1966). Đặc biệt, điều đó được thể hiện rõ trong “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động” (văn kiện Hội nghị quốc tế về QCN, tại Viên (Áo) năm 1993).

Nghiên cứu “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” chúng ta thấy QCN có hai loại: Các quyền tuyệt đối và các quyền bị hạn chế. Các quyền tuyệt đối, như: “Không ai bị tước đoạt mạng sống một cách vô cớ” (Điều 6); “Không một người nào có thể bị tra tấn” (Điều 7); “Không được phép bắt giữ làm nô lệ người nào” (Điều 8)… Các quyền bị hạn chế, như: “Quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi cư trú” (Điều 12); “Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” (Điều 18); “Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình” (Điều 19);“Quyền hội họp hòa bình…” (Điều 21); “Quyền lập hội” (Điều 22)... Công ước cũng quy định: việc thực hiện những quyền trên “kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt và phải chịu một số hạn chế nhất định, vì sự tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”1. Trong “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động”, cộng đồng quốc tế cũng khẳng định: “Tất cả các QCN đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt… Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực về lịch sử, văn hóa và tôn giáo…”2.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia khác, QCN luôn được gắn liền với quyền và nghĩa vụ công dân. Công ước nhân quyền châu Âu có hiệu lực từ ngày 03-9-1953 đã đưa ra các quy định về các quyền cơ bản của con người; trong đó, quyền tự do ngôn luận được ghi ở Ðiều 10: “1. Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm việc được tự do bày tỏ ý kiến và tự do trao đổi các thông tin mà không cần phải nhận được bất kỳ việc cho phép nào từ phía cơ quan công quyền và không phân biệt biên giới. 2. Việc thực hiện các quyền nói trên, bao gồm cả các nghĩa vụ và trách nhiệm, hình thức, điều kiện, các hạn chế hoặc các biện pháp trừng phạt cần phải được ghi rõ trong các văn bản pháp luật có cân nhắc đến việc cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật hoặc để bảo đảm quyền lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp”3. Rõ ràng, trong khi khoản 1 của Ðiều luật này quy định: ai cũng có quyền được bày tỏ, trao đổi quan điểm của mình mà không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, biên giới, thì khoản 2 lại quy định: việc thực thi các quyền đó gắn với các hạn chế được cụ thể hóa trong pháp luật của mỗi quốc gia. Trên thực tế, mỗi quốc gia đều cân nhắc tình hình thực tế của mình để đưa ra các đạo luật nhằm cụ thể hóa việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân. Không có thứ tự do “tuyệt đối” mà không bị hạn chế vì những lợi ích nhiều mặt của quốc gia, dân tộc, ở sự ổn định xã hội, mà thiếu nó thì mọi nỗ lực cố gắng của con người đều trở nên vô nghĩa. Bởi vậy, Liên minh châu Âu (gồm 28 quốc gia) cho phép các nước thành viên cân nhắc lợi ích của mỗi quốc gia để đưa ra các quy định cụ thể, nhằm hướng dẫn công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận theo tinh thần Công ước nhân quyền châu Âu nói trên. Chúng ta còn nhớ sự kiện họa sĩ Kút vẽ tranh châm biếm nhà Tiên tri Hồi giáo Mohammed đã dẫn đến bạo động ở Đan Mạch và vụ việc Mục sư Giôn ở bang Phlo-ri-đa, nước Mỹ có ý định đốt kinh Cô-ran đã để lại hậu quả nặng nề đối với xã hội, khi người ta quan niệm hành vi đó là “quyền tự do của cá nhân được pháp luật bảo vệ”. Chúng ta cũng chưa quên việc Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây đòi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông chủ mạng WikiLeaks cũng chỉ với lý do thông tin của mạng này “có thể” gây nguy hiểm cho Quân đội Hoa Kỳ. Và gần đây là vụ Edward Snowden tiết lộ bí mật hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ, dẫn đến cựu nhân viên tình báo này phải tỵ nạn tạm thời ở Nga trước sự truy bắt gắt gao của Chính phủ Mỹ, cũng chỉ vì tội tiết lộ bí mật quốc gia. Tại sao lại có tình trạng đó? Vì những người này đã tuyệt đối hóa QCN mà không thấy nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Điều đó cho thấy, trong khi thực hiện quyền của mình, mỗi người là công dân nước nào cũng có bổn phận phải thực hiện nghĩa vụ công dân và luật pháp của nước đó; bất kỳ ai khi cư trú ở một nước nào đó, cũng phải chấp hành luật pháp của nước sở tại, nghĩa là phải thực hiện một phần nghĩa vụ công dân của nước này. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trong trường hợp này, câu nói của ông cha ta: “Nhập gia tùy tục” cũng rất phù hợp. Thế mà những người thành lập Diễn đàn không hiểu cố tình hay vô ý mà lại bỏ qua nội dung thiết yếu này.

Thực ra, chỉ cần để ý là thấy họ viện dẫn một số điều của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, như Điều 19: “1: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp; 2: Mọi người có quyền tự do ngôn luận…”, nhưng lại cố tình trích dẫn không hết, lờ đi khoản 3 (mặc dù họ có đưa xuống phần chú thích): “Việc thực hiện những quy định tại mục 2 của điều này (Điều 19) kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định… để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Cách họ trích dẫn như vậy chẳng khác nào câu chuyện người thầy thuốc đọc sách chữa bệnh: “đau bụng uống thuốc thống linh” nhưng không đọc nốt ở trang bên: “tắc tử”. Thiết nghĩ, mọi công dân Việt Nam trong khi thụ hưởng các QCN, phải chú ý chấp hành hệ thống luật pháp của nước mình. Quyền và nghĩa vụ công dân ở nước ta được xây dựng thành những quy định pháp luật đầy đủ và đồng bộ, trong đó có chế tài cụ thể, như: Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 1999) có Điều 88 quy định: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:

a. Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;…

c. Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”. Như vậy, đối chiếu với Điều này thì những người chủ trương mở Diễn đàn trên mạng với mục đích họ nêu là “làm chuyển đổi chế độ” thì chẳng những đã vi phạm khoản 3, Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, mà còn vi phạm pháp luật Việt Nam, như Điều 88, Bộ luật Hình sự nêu trên. Ai đó cho rằng, mạng xã hội là nhật ký riêng tư là không hoàn toàn đúng. Với đặc trưng “kết nối” và “chia sẻ”, những “nhật ký riêng tư” có thể “mở toang” để ai ai cũng có thể vào xem và gửi ý kiến. Mặt khác, những người chủ trương mở Diễn đàn cũng mong muốn nhiều người cùng vào đọc và bày tỏ chính kiến. Rõ ràng như vậy, nó không còn là “sự riêng tư”, nó là công cụ tuyên truyền và tập hợp lực lượng. Loại Diễn đàn đó cần phải được quản lý và những ai viết không đúng sự thật ở đấy đều phải bị xử lý theo pháp luật; bởi những hậu quả có thể gây nên như bạo loạn, nội chiến, thậm chí là tạo sự can thiệp, tấn công bằng quân sự của nước ngoài, như đã từng diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi… Những người thành lập Diễn đàn nói rằng, họ thực hiện QCN của mình, nhưng chính việc làm của họ đã và đang vi phạm QCN của đa số nhân dân ta đang mong muốn đất nước ổn định để phát triển. Đó là việc làm phi pháp cần phải ngăn chặn và nghiêm trị theo pháp luật./.

NGUYỄN VĂN

Người Roma* - tận cùng của nghèo và hèn giữa lòng châu Âu




Họ bị coi là những người không được mời chào và bởi vì họ bị chửi là "khác lạ, lười biếng và gian manh". 12 triệu người Rom đang phải sống trong cảnh tận cùng của nhục nhã, ngay giữa lòng châu Âu sa hoa và tráng lệ.


Farsala là một thành phố nhỏ, người Roma ở đây đa số sống trong những container bị hoen gỉ ở ngoại ô. Bên ngoài có vài đứa trẻ chơi đùa, bên trong người lớn đang chen nhau bàn luận về một vấn đề trên TV và nói với đoàn nhà báo từ Hy lạp "Trên TV người ta gọi chúng tôi là Roma, ở ngoài thì họ chửi chúng tôi, gọi chúng tôi là Di gan, nhổ nước bọt vào chúng tôi.". Họ đang lo sợ rằng, sau vụ có liên quan tới bé Maria tóc vàng đang được cả thế giới chú ý tới, họ sẽ còn bị kỳ thị nhiều hơn nữa.

Đại diện của những người Roma ở đây, ông Babis Dimitriou phát biểu trước ống kính TV "Họ nói rằng chúng tôi ăn cắp, bắt cóc trẻ em. Đối với chúng tôi đây là điều sỉ nhục." Ông cho rằng chừng nào không chứng minh được bé Maria không bị họ bắt cóc, chừng đó tất cả người Roma phải gánh chịu hậu quả.

Những lời cáo buộc về việc người Roma bắt cóc trẻ con có từ thời xa xưa. Bà Barbara Liegl, nhà khoa học chính trị viện Ludwig Boltzmann cho biết "Dưới thời nữ hoàng Maria Theresia thậm chí con cháu của người Roma bị cách ly với bố mẹ để vào trường học. Nhưng gia đình của họ không muốn như vậy, khi họ tới để mang những đứa trẻ về nhà người ta nói với đám trẻ rằng: Hãy trốn đi, người Di gan tới đó".


Trường hợp bé Maria
Video: Bé Maria nhảy trong khu người Roma

Một gia đình ở Kansas City có con gái bị bắt cóc hồi năm 2011. Sau khi báo Hy lạp đăng hình của một bé gái tóc vàng trong khu định cư của người Roma, gia đình kia đã lên tiếng nhận đó là con gái của mình. Sở dĩ cháu được báo chí quan tâm tới vì màu da và mái tóc khác hẳn với bố mẹ, cháu có nước da trắng, tóc vàng và mắt xanh. Tuy nhiên sau khi kiểm tra DNA cho thấy, gia đình người Mỹ không phải là cha mẹ ruột của cháu. Hai vợ chồng người Roma nuôi cháu bé bị cáo buộc bắt cóc trẻ em khai với cảnh sát rằng, một người mẹ Roma khác đã đưa cho họ đứa trẻ đó.

Nỗi ai oán

Có một câu thành ngữ đã tồn tại hàng trăm năm trời. Câu nói ấy mô tả mối liên hệ giữa 12 triệu người tại châu Âu, tức là dân tộc thiểu số lớn nhất tại đây rằng, họ là những người "lười biếng, không quê hương và gian manh". Kỳ thị và căm ghét người Roma lên đỉnh điểm vào thập niên 40 của thế kỷ trước khi phát xít Đức giết hại khoảng nửa triệu người.



Ngày nay họ sống rải rác khắp châu Âu, phần lớn ở nam Âu trong tình trạng tột cùng của ô nhục. Từ thành phố Ostrava của Séc, tới Belgrad của Serbia, từ Kosice của của Slovak tới Bukarest của Bulgaria. Hàng triệu người phải sống trong những khu ổ chuột ngoài rìa của các thành phố. Bên cạnh đó là những núi rác, nước sạch cho họ là điều vô cùng hiếm hoi và mỗi khi trời mưa, cả khu phố chìm trong bùn.
Thành phố Kosice thậm chí còn cho xây dựng một bức tường để ngăn khu vực định cư của người Roma với thành phố. Nhiều thành phố khác thì phó mặc những người dân trong các khu ổ chuột, trong những căn lều bằng giấy, hay những chiếc xe đã hoen gỉ mà không bao giờ quan tâm tới. Ai sống ở những khu vực đó, tuổi thọ thấp hơn hàng chục năm so với bình quân của cư dân châu Âu. Và họ chẳng bao giờ có việc làm.

Vòng luẩn quẩn

Khoảng 80-90% những người Roma ở đông Âu không có công ăn việc làm. Ai trong số họ không bao giờ tới trường như những người Roma trưởng thành hiện nay, họ sẽ không bao giờ có cơ hội để thoát ra khỏi cảnh nghèo và hèn.

Một cách mà có thể thoát khỏi cảnh đó cho một tương lai tốt hơn là di dân đi nơi khác sống. Như vụ gia đình Dibranis, hai vợ chồng và 5 đứa con, đến từ Kosovo định cư tại vùng đông nước Pháp. Họ sống tại đó, cho các con đến trường để học mà không hề ai hay biết. Cho tới ngày cảnh sát Pháp trục xuất cháu Leonarda 15 tuổi đã có hàng ngàn học sinh xuống đường và hô khẩu hiệu "Leonarda không đi học, chúng tôi cũng không học".

Hàng ngàn người Roma, trong số họ có nhiều người quốc tịch EU bị đưa từ tây Âu trở về quê hương. Với một khoản tiền hỗ trợ cho họ hồi hương đã khiến cho nhiều người tự nguyện để lấy số tiền đó rồi ít lâu sau tiếp tục quay trở lại.

Kế hoạch của EU

Ở đây không chào đón, ở kia không muốn có mặt họ. Số phận của 12 triệu người Roma giữa lòng châu Âu đã khiến cho chính quyền EU phải vào cuộc. Cách đây hai năm, các thành viên EU đã thảo ra cho mỗi quốc gia một kế hoạch hành động. Nhưng có lẽ cần một thời gian rất dài mới có thể cải thiện được.

Một ví dụ tại Hungary, người Roma tại đây có quyền được nhận hỗ trợ của nhà nước nếu họ chấp thuận làm những công việc xã hội, tức là vẫn không phải là công ăn việc làm. Trẻ em Roma tại Kroatia cũng tới trường để học, nhưng học trong lớp chỉ có trẻ Roma và kết quả là họ chỉ được đào tạo những nghề chất lượng tồi tệ.

Giữa thời đại văn minh của thế kỷ 21, một vị lãnh đạo chính quyền của một nước đông Âu còn tuyên bố sáng kiến "Đưa những đứa trẻ Roma vào các cô nhi viện để bắt phải học". Mãi cho tới khi người chuyên phụ trách vấn đề Roma lên tiếng yêu cầu hủy bỏ.

Trường hợp bé Maria
 Video: Bé Maria nhảy trong khu người Roma

* Người Roma có nguồn gốc từ Ấn độ. Họ có mặt tại khu vực thuộc châu Âu ngày nay vào khoảng 1000 năm trước. Người Việt nam trong sách vở cũng như trong lời nói thường sử dụng từ Di gan để chỉ họ mà không hề biết rằng, từ Digan đồng nghĩa với miệt thị họ.

Lược dịch từ nguồn: http://kurier.at/politik/weltchronik/roma-in-europa-leben-mit-verachtung-und-hass/32.302.368

Báo cáo nhân quyền của nước Mỹ là một bằng chứng cho chính sách hai mặt của MỸ


Tại sao quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã nồng ấm nhưng báo cáo của bộ ngoại giao Mỹ vẫn luôn kèm theo câu mở đầu "Việt Nam là một nước độc tài do một đảng thống trị"?

Từ thời cổ đại tới nay, dù là nước hàng tỷ dân như Trung quốc, Ấn độ, hay là nước chỉ có vài trăm ngàn dân, quyền lực điều hành đất nước không tập trung ở một tập thể nào đó thì cũng trong tay của một cá nhân. Chưa có bất kỳ nước nào trên thế giới này, dù trong quá khứ hay hiện tại mà quyền lực điều hành đất nước thực sự nằm trong tay người dân.

Chẳng nói đâu xa, các nước châu Âu và Mỹ mang tiếng rằng quyền lực của người dân thông qua lá phiếu bầu. Nhưng lá phiếu nói lên được điều gì khi mà người dân chẳng bao giờ có quyền can thiệp vào quyết định của những người được cho là đại diện cho chính họ?

Đành rằng ông bà mình dậy "Một người lo bằng một kho người làm", nhưng hễ làm lãnh đạo dù ở bất cứ thời đại nào, tiêu chí đầu tiên đều phải tính tới đó là việc họ nắm được quyền lực trong tay. Chưa có đất nước nào mà một người nông dân hay một người dân nghèo có quyền can thiệp vào những công việc chung của đất nước.
Từ các cuộc chiến của người Mỹ trong quá khứ và hiện tại, cho tới cuộc thập tự chinh thời cổ đại, tất cả đều chỉ vì quyền lực của một tôn giáo, một đảng phái hoặc của những kẻ buôn thuốc súng.



Đây là nhân dân!


Còn đây là nhân quyền

Các nước xa xôi, tôi không nhắc tới vì tôi không sống ở đó. Chỉ cần nhìn ngay nước Đức, nơi tôi đang sống từ nhiều năm qua, một đất nước văn minh và hiện đại vào bậc nhất thế giới. Cái nôi của những tư tưởng lớn như Karl Marx và những nhà khoa học vĩ đại như Albert Einstein. Nhưng ai là người quyết định những việc lớn của đất nước và người dân có quyền gì trong những quyết định đó?

- Việc gửi quân tham chiến tại Afghanistan khiến cho 54 quân nhân bị chết, chi phí hết hơn 7 tỷ Euro nhưng theo nhiều cuộc điều tra cho thấy, ít nhất 75% dân chúng phản đối việc tham chiến!

- Các gói cứu trợ ngân hàng nếu được chia đều cho đầu người dân sẽ là một số tiền khổng lồ cho mỗi gia đình. Tiền đó dùng để mua hàng, kích thích ngành sản xuất phát triển, có thêm tiền thuế nộp vào ngân sách. Tiền cho các ngân hàng, ai hưởng lợi nếu không phải các nhà tư bản giàu có?

- Tất cả các dự án dù là địa phương, cấp độ tiểu bang hoặc liên bang gần như không chậm tiến độ thì cũng đội giá gấp nhiều lần. Dân biểu tình phản đối cũng không có tác dụng vì lãnh đạo đã quyết.

- Một ví dụ gần nhất: Các cuộc biểu tình của người dân trong năm nay, đặc biệt tại Frankfurt am Main vào tháng 6 vừa qua, đều đã được đồng ý của cơ quan hữu quan. Ấy thế nhưng khi người dân vừa mới tập trung xuống đường, cảnh sát đã dùng chiến lược bao vây cô lập. Hàng ngàn người phải đứng hoặc ngồi im trong vòng vây của cảnh sát. Ai dám cố tình vượt ra ngoài sẽ bị qui vào tội chống người thi hành công vụ. Một số khác bị bắt một cách vô cớ và phía cảnh sát đã đệ đơn kiện họ vì tội vi phạm điều 130 BLHS Đức (gây rối trật tự công cộng, kích động quần chúng). Cho tới nay tôi chỉ có thông tin về một số nhân vật đã được viện công tố hủy hồ sơ (có điều kiện!).


- Quân đội cả một đất nước mà làm như chuyện đùa: trang bị súng tốt được thay bằng loại súng rởm - Bắn khoảng cách xa là không chính xác, nòng bị nóng lên là cũng không chính xác.
và còn nhiều việc khác.

Nhưng câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra: Những quyết định kể trên có bao giờ người dân được quyền biết tới (chứ không nói gì tới việc tham gia quyết định)?
Trưng cầu dân ý?
Sai rồi!
Stuttgart 21 trưng cầu dân ý, đại đa số phản đối, dự án vẫn tiến hành đó thôi!
Nếu dân quyết định thì tại sao có chuyện trên 75% dân chúng phản đối việc đưa con cháu của họ sang Afghanistan?

Nói như vậy không phải là cho rằng nước Đức tệ hại hơn Việt Nam! Nước Đức rất văn minh hiện đại, pháp luật nghiêm minh, đối xử công bằng với người dân hơn. Nhưng nước Đức cũng không thoát khỏi qui luật của tự nhiên, đều có hai mặt tốt và xấu.

Cho tới nay mô hình phát triển và xây dựng một đất nước, ở đó người dân có quyền can thiệp vào những công việc lớn của đất nước, vẫn còn rất gây tranh cãi. Không có mô hình nào là tuyệt đối và cũng chưa có ai chứng minh được rằng, 5 đảng tốt hơn 2 đảng và độc đảng tức là độc tài.
 
 
Ai dám nói rằng, nước Mỹ 2 đảng là dân chủ hơn? Chính sách bảo hiểm sức khỏe của Obama trước tiên có thể nói là bảo hiểm toàn dân, xét về góc độ nào đó thì mang quyền lợi cho đa số dân, tại sao không được thông qua tại quốc hội Mỹ? 50 triệu người nhận Food Stamp, tức là ăn họ còn không có, lấy đâu ra tiền đóng bảo hiểm sức khỏe? Trong khi đó ở bất cứ đất nước nào trên thế giới này, y tế và giáo dục là hai vấn đề sống còn của đất nước. Quyết định của quốc hội MỸ, thông qua việc phản đối của đảng cộng hòa, đâu phải là ý của toàn dân Mỹ? Vậy thì quốc hội Mỹ đại diện cho ai nếu không phải cho đảng?



Báo cáo của người Mỹ còn cho rằng "Việt Nam không tôn trọng nhân quyền" thông qua việc bắt bớ một số người với cái tên "bất đồng chính kiến" hay "cảnh sát đánh đập người dân vô tội". Nhưng chính nước Mỹ cũng có rất nhiều vấn đề phải đối mặt, đặc biệt việc lạm dụng quyền lực của cảnh sát, sự kỳ thị chủng tộc với người da màu, một việc có truyền thống tại nước Mỹ.

Là một người dân bình thường ai đó sẽ ngạc nhiên khi thấy các nhân vật BĐCK ấy sau khi ra tù thông lệ có vé sang Mỹ định cư. Nhưng nếu nhìn lại cả một thời gian dài, từ lúc VNCH sụp đổ cho tới thời đại ngày nay, đại đa số những người ở phía đối đầu với chính quyền đều được Mỹ đón chào thì chúng ta sẽ hiểu ngay ra vấn đề vì sao người Mỹ lại viết ra những điều đó trong báo cáo nhân quyền của họ.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Đêm huyễn hoặc mình trong nỗi nhớ từng quên



Ngưng Thu





Ta chìm vào đêm
nhặt nhạnh chút rơi vãi phế hoang từ xưa xa thăm thẳm
buồn mang vời vợi kiếp đời
ta sâu vào người dựa tìm cho mình một chút mùa ân ái buông lơi
mà sao ngặt ngằn đau đáu...
có con dế thở than bên vành đêm bị hoặc mê bởi mùi yêu thẩm thấu
một nguồn cơn.
***
Ta lùi vào bóng tối sâu hơn
mới thấy được chân dung của nỗi đau cũng biết đến dỗi hờn
đêm nghiện ngập trên cuộc tình ngái ngủ
Nụ quỳnh thơm lụa áo khoe mình dưới muôn ngàn vì sao lấm lem sương phủ
thân tâm ta khánh kiệt giữa đêm hè
vì ảo ảnh là người ...thêu dệt khắp lối mê
hoang lạnh
***
Ta đã đi
và phía cuối con đường bặt âm lóng lánh
ước mùi nắng sáng
ước mùi gió mang hương bưởi đưa thơm cuối ngày thoang thoảng
ta muốn hoài say ...từng nghiện ngập nơi em
và say hoài nỗi nhớ từng quên.




Ta ngồi hớp gió mà say

Ta ngồi
rót gió vào ly
Đưa lên môi
nhấp...
...nhâm nhi mùa vàng
Say ...
ta say khúc chiều tàn
Gói đời trong mảnh thời gian đổi màu
Đem tàn phai đổ lũng sâu
Vớt lên chút ánh trăng nhàu làm thơ
Ta ngồi
rót gió vào mơ
Hụp hà ta lội...
...đâu bờ niên thanh ???
Phong linh vọng tiếng lanh canh
Đêm thu vợi nốt nhạc mành thắt the
Ta ngồi hớp ngọn gió quê
Say ...
như uống đã một ghè thu lơi...

Đời người thấm thoát



Cao Bá Quát


Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ (1)
Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày
Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay
Sực nhớ chữ ''Cổ nhân bỉnh chúc'' (2)
Cao sơn, lưu thủy, thi thiên trục (3)
Minh nguyệt, thanh phong tửu nhất thuyền (4)
Dang tay người tài tử khách thuyền quyên
Chén rượu thánh, câu thơ tiên thích chí
Thành thị ấy, mà giang sơn ấy
Ðâu chẳng là tuyết, nguyệt, phong, hoa
Bốn mùa xuân lại, thu qua


(1) Người sinh trong đất trời như đến nhà trọ (ngắn ngủi)
(2) Người xưa cầm đuốc đi chơi đêm ... thơ Lý Bạch
(3) Có núi cao, nước chảy nên thơ ra ngàn bài
(4) Nhờ trăng thanh, gió mát mà uống một thuyền đầy

Ai là tri kỷ của nàng Kiều?





Ail à người tri kỷ của nàng Kiều là một câu hỏi hết sức thú vị. Từ trước đến nay đã có không ít người đề cập đến vấn đề này. Căn cứ vào chữ nghĩa trong Truyện Kiều và những mối quan hệ tình cảm của nàng Kiều, người thì nói đó là Kim Trọng, kẻ thì cho đó là Từ Hải. Người thì quả quyết: chỉ có Thúc Sinh mới thực sự là tri âm tri kỷ của Kiều… Người Việt Nam xưa nay thường dùng cụm từ tri âm tri kỷ để chỉ những đôi bạn hoặc những cặp vợ chồng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Đó là những đôi bạn, những cặp vợ chồng hiểu nhau, thương yêu nhau, luôn quan tâm đến nhau, tạo điều kiện và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tri âm, tri kỷ đều những là từ Hán - Việt mang hàm nghĩa: người bạn tâm đắc, thấu hiểu tâm tư tình cảm của mình. Bá Nha - Chung Tử Kỳ, Lý Bạch - Đỗ Phủ, Nguyễn Khuyến - Dương Khuê, Xuân Diệu - Huy Cận… là những đôi bạn như thế. Được tin Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến than thở: Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua/ Câu thơ nghĩ đắn đo không viết/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa… Tôi cho đó là những câu thơ thể hiện một cách đầy đủ, sâu sắc tình bạn tri âm tri kỷ.
Từ quan niệm về tình bạn, tình vợ chồng tri âm tri kỷ, đi sâu tìm hiểu ai là người tri kỷ của nàng Kiều. Người đầu tiên phải kể đến là chàng Kim. Mối tình Kiều - Kim là mối tình đẹp nhất, trong trắng nhất, nên thơ nhất, chung thuỷ nhất điều đó là lẽ hiển nhiên không cần phải bàn cãi. Nhưng Kim Trọng có thực sự là tri kỷ của Thuý Kiều hay không, thiết nghĩ cũng nên xem xét lại. Chàng Kim Phong tư, tài mạo tót vời/ Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa. Mới gặp chàng lần đầu nàng Kiều đã xao xuyến, rạo rực, mơ tưởng: Người đâu gặp gỡ làm chi… Kiều yêu chàng đến mức “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”…Nhưng trong quá trình tiếp xúc giữa hai người, theo tôi, có ít nhất ba lần Kim Trọng tỏ ra chưa thật hiểu nàng Kiều. Lần thứ nhất là lúc chàng nghe nàng đánh đàn: Khi tựa gối, khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc khi chau đôi mày. Kiều vừa đàn xong, Kim Trọng “góp ý” ngay: 

Rằng hay thì thật là hay
 Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Lựa chi những khúc tiêu tao
 Dột lòng mình lại nao nao lòng người. 

Nếu thực sự hiểu nội tâm của Kiều, hiểu sự tiên cảm của Kiều, chắc chàng không nhận xét và khuyên bảo một cách nông cạn như thế. Lần thứ hai là khi “sóng tình dường đã xiêu xiêu”, Kim Trọng đã có những cử chỉ, hành động “ra chiều lả lơi” với Kiều. May mà Kiều kịp thời ngăn chặn:

 Thưa rằng đừng lấy làm chơi
 Dẽ cho thưa hết một lời đã nao

 Điều đó cũng chứng tỏ Kim Trọng chưa thật hiểu Kiều, chưa thật sự tôn trọng Kiều. Nàng phải buộc lòng dạy cho chàng bài học về “đạo tòng phu”. Lần thứ ba là khi hai người gặp nhau sau mười lăm năm xa cách, để giữ thể diện cho chàng và không muốn mang tấm thân ô nhục của mình vấy bẩn đời chàng nên nàng quyết định “đem tình cầm sắt, đổi ra cầm cờ”. Ấy thế mà trong cái đêm động phòng, Kim Trọng vẫn cố kèo nài nàng để làm “chuyện ấy”. Một lần nữa buộc lòng Kiều phải tìm lời lẽ thuyết phục: 

Người yêu ta xấu với người
Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau
Cửa nhà dù tính về sau
 Thì còn em đó lọ cầu chị đây
 Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan
Còn nhiều ân ái chan chan
 Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi… 

Bấy giờ Kim Trọng mới ân hận và thú nhận là mình đã hiểu sai về nàng: 

Chừng xuân tơ liễu còn xanh
 Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân…

 Vì những lẽ trên, nên theo tôi, Kim Trọng chưa thật xứng đáng là người tri kỷ của Kiều.
Người thứ hai là Thúc Sinh. Mối tình Thúc Sinh - Thuý Kiều không đẹp, không trong trắng bằng mối tình Kim Trọng - Thuý Kiều. Nhưng bù lại Thúc Sinh có lẽ là người tình có nhiều điểm tương đồng với Kiều hơn cả. Thúc Sinh chính là người đã “phục sinh” cho Kiều. Hoàn cảnh đưa đẩy vào chốn lầu xanh, Kiều xem như mình đã chết:

Mặc người mưa Sở, mây Tần
 Riêng mình nào biết có xuân là gì 

và 

Vui là vui gượng kẻo là
 Ai tri âm đó mặn mà với ai.

 Mặc dù khách làng chơi toàn cỡ Tống Ngọc, Tràng Khanh nhưng duy nhất chỉ có Thúc Sinh là chinh phục được Kiều:

Sớm đào tối mận lân la 
 Trước còn trăng gió sau ra đá vàng…
 Miệt mài trong cuộc truy hoan
 Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình. 

Làm xiêu lòng một cô gái còn ngây thơ trong trắng không khó, phục sinh một phụ nữ mà cõi lòng đã băng giá còn khó hơn nhiều. Nếu không thực sự tài năng và có tấm lòng chân thực không thể làm được. Về tài cầm kỳ thi họa thì chỉ có Thúc Sinh là sánh được với Kiều. Hai người vẫn thường chơi cờ, họa đàn với nhau (Kim Trọng chỉ có nghe chứ chưa bao giờ họa đàn với Kiều). Làm thơ hay như nàng Kiều (Ví đem vào tập đoạn trường/ Thì treo giải nhất chi nhường cho ai) thế mà phải bái phục Thúc Sinh. Nàng khen thơ chàng “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Và kiếm cớ “lòng còn gởi áng mây Hàng” (nhớ cha mẹ) nên “họa vần, xin hãy chịu chàng hôm nay”. Thế mới biết Kiều rất nể phục Thúc Sinh (Kim Trọng chỉ làm quan chứ không hề thấy làm thơ). 


Nếu không thực sự thương yêu Kiều dại gì Thúc Sinh phải vung tiền cứu Kiều ra khỏi lầu xanh và quyết chí lấy nàng làm vợ. Những ngày tháng sống với chàng Thúc là những ngày tháng nàng Kiều hết sức hạnh phúc “hương càng đượm, lửa càng nồng”. Vì thế nên khi chia tay Thúc Sinh, Kiều cảm thấy vô cùng cô đơn, trống trải: Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường… Nếu Thúc Sinh nghe lời Kiều thú thực với Họan Thư, mọi chuyện chắc sẽ khác. Việc không làm theo lời dặn của Kiều, chứng tỏ Thúc Sinh cũng không thực sự hiểu Kiều, cộng với tâm lý khiếp sợ trước thế lực gia đình Họan Thư đã phá hỏng tất cả. Thúc Sinh bỏ mặc Kiều bơ vơ một mình trong cơn họan nạn: 

Liệu mà xa chạy, cao bay
 Ái ân ta có ngần này mà thôi!

 Như vậy, Thúc Sinh đâu có xứng đáng là người tri kỷ của Kiều.
Người thứ ba là Từ Hải. Không dềnh dàng “sớm mận, tối đào” như mối tình Thúc Sinh - Thuý Kiều. Từ Hải - Thuý Kiều vừa mới gặp nhau đã “hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa”. Chỉ nghe Kiều nói một đôi câu khiêm nhường là Từ Hải đã “vừa ý gật đầu” và xem Kiều là người “tri kỷ” của mình ngay. Có người nói đây là mối tình “sét đánh”. Thực ra, Từ Hải đến với Kiều chỉ vì sắc đẹp ‘nghiêng nước nghiêng thành” của nàng. Còn Kiều đến với Từ chủ yếu là tìm thấy ở Từ một chỗ dựa vững chắc cho cuộc sống trôi nổi, bấp bênh của mình. Không như Thúc Sinh - Thuý Kiều, cặp Từ Hải - Thuý Kiều gần như là sự tương phản. Từ Hải “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, còn Kiều thì “liễu yếu đào tơ”; Từ Hải “thanh gươm yên ngựa”, còn Kiều thì “cầm kỳ thi họa”; Từ Hải bộc trực, nói năng có phần bỗ bã “mắt xanh chưa để ai vào, có không ?”, còn Kiều thì nói năng nhẹ nhàng, bóng bẩy, chữ nghĩa “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”… Qua cuộc đối thọai giữa Kiều và Từ Hải trong lần Kiều thuyết phục Từ Hải ra hàng, ta thấy độ vênh rất lớn giữa hai người. Từ cho rằng: 

Bó thân về với triều đình
 Hàng thần lơ láo, phận mình ra sao
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi
 Sao bằng riêng một biên thuỳ
Sức này đã dễ làm gì được nhau…

 Trong khi đó, Kiều lại khuyên Từ nên về với triều đình: 

Sao bằng lộc trọng, quyền cao
Công danh ai dứt lối nào cho qua ? 

Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy họ không phải là những người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Việc Nguyễn Du không lần nào tả nàng Kiều đàn cho Từ Hải nghe chắc cũng có lý do của nó. Phải chăng vì Từ không phải là một Chung Tử Kỳ ? Từ Hải là ân nhân hơn là người tri kỷ của Kiều.
Vậy chẳng lẽ không có ai thật sự là người tri âm tri kỷ của Kiều ? Xin thưa: có đấy! Theo tôi, người đó không ai khác ngoài đại thi hào Nguyễn Du. Nhà thơ là người hiểu Kiều hơn ai hết, thương Kiều hơn ai hết. Chính Nguyễn Du là người cảm nhận hết vẻ đẹp hình thể tuyệt vời của nàng Kiều: 

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà 
Dày dày sẵn đúc một toàn thiên nhiên. 

Chính Nguyễn Du hiểu và thể hiện một cách sinh động vẻ đẹp tâm hồn của Kiều. Đó là đức hy sinh, tâm hồn đa cảm, tình yêu thuỷ chung, tấm lòng vị tha của nàng. Nguyễn Du rất khâm phục tài làm thơ, tài đàn của Kiều. Và không ai thấu hiểu và cảm thông với những nỗi đau khổ mà Kiều phải chịu đựng như Nguyễn Du. Nhiều lần ông đã lên tiếng bênh vực cho nàng: 

Thịt da ai cũng là người
 Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau!

 Tố Hữu có một câu thơ rất nổi tiếng “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”. Nguyễn Du đã khóc thương nàng Kiều như khóc thương một người bạn tài hoa bạc mệnh. Phải đồng cảm với Kiều đến mức nào, nhà thơ mới viết được những câu xé ruột, xé lòng: 

Tuồng chi là giống hôi tanh
Thân ngàn vàng để ô danh má hồng
Thôi còn chi nữa mà mong
 Đời người thôi thế là xong một đời! 

hoặc

 Khi sao phong gấm rủ là
 Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
 Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân…

Bạn bè thì nhiều nhưng người thật sự tri âm tri kỷ rất hiếm. Gặp được người bạn tri âm tri kỷ là niềm hạnh phúc không có gì sánh được. Thật bất hạnh cho những ai trong đời không có bạn tri âm tri kỷ. Nàng Kiều đã may mắn gặp được Nguyễn Du như là sự bù đắp những nỗi khổ đau mà nàng từng chịu đựng. Và theo tôi, hai câu: 

Mấy lời tâm phúc ruột rà
Tương tri dường ấy mới là tương tri 

nàng Kiều nói với Nguyễn Du có lẽ phù hợp hơn là nói với chàng Kim./.

Mai Văn Hoan

Bức họa giá 3.400 tỷ đồng



Ông Stephen Cohen, chủ sở hữu của công ty đầu tư SAC Capital Advisors, đã mua bức tranh “Giấc mơ” (Dream) của danh họa Picasso với giá 155 triệu đôla (tương đương 3.400 tỷ đồng VN) từ ông chủ sòng bạc Steve Wynn, theo tin cùa hãng truyền hình Mỹ Bloomberg. Đây là giá cao nhất trả cho một tác phẩm nghệ thuật của một nhà sưu tập tranh người Mỹ.



Bức tranh



Vài năm về trước, bức tranh này đã phá kỷ lục về giá của một bức tranh mà ông chủ sở hữu cũ, bị coi là thiếu tầm nhìn đã bán đi với giá thấp hơn nhiều, chỉ có 139 triệu đôla (tương đương khoảng 3.058 tỉ đồng VN). Đương nhiên sự tăng giá một phần là do cộng thêm chí phí phục dựng lại bức tranh đó.

Bức tranh "Giấc mơ" là hình ảnh của cô Marie-Therese Walter, trong lai lịch bức tranh được ghi là người mẫu đồng thời là người tình của Picasso. Picasso gặp cô vào năm 1927, khi đã 45, và Walter mới 17 tuổi. Trong nhiều năm, ông đã giúp cô về tài chính và họ có với nhau một người con gái. Cô cũng xuất hiện trong tranh của các hoạ sĩ khác.

Cohen là một trong những nhà sưu tầm nghệ thuật lớn nhất nước Mỹ. Ông bắt đầu mua tranh từ năm 2001, với bức tranh đầu tiên là “Tự họa với bảng màu” (Self-portrait with Palette) của Edouard Manet.

SAC là một tập đoàn đầu tư lớn, quản lý một số vốn lên tới 15 tỷ USD. 60% số vốn này là của Cohen và những người thân tín của ông.

Theo VNE