Quyền con người không đồng nhất với quyền công dân. Tuyệt đối hóa quyền con người mà không thấy nghĩa vụ công dân của mình là hành động không thể chấp nhận.
Hiện nay, một số người khởi xướng Diễn đàn – như họ nói – để trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị ở nước ta “từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”. Theo họ, đó là để thực hiện quyền con người (QCN), nhưng họ lại không hề đề cập đến nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Họ trích dẫn một số điều của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam đã ký tham gia và cho rằng, việc làm của họ là phù hợp(?). Cách nói ấy hoàn toàn không thuyết phục. Bởi vì, mọi người trong khi thực hiện QCN thì đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Ai cũng biết, QCN là quyền mà ai cũng có ngay từ khi được sinh ra cho đến lúc qua đời. Còn quyền công dân (QCD) lại là các quyền của người dân được quy định trong pháp luật quốc gia. Để bảo đảm quyền bình đẳng, không bị xâm hại của mỗi công dân; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, đạo đức xã hội,… QCD có thể bị tước đoạt (một phần) khi người đó vi phạm pháp luật, hoặc mất năng lực hành vi dân sự vì lý do nào đó. Giữa QCN với QCD có sự giống và khác nhau nhất định (do những đặc thù về lịch sử, văn hóa), đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế, đặc biệt là trong “Tuyên ngôn thế giới về QCN” (năm 1948); “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (năm 1966). Đặc biệt, điều đó được thể hiện rõ trong “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động” (văn kiện Hội nghị quốc tế về QCN, tại Viên (Áo) năm 1993).
Nghiên cứu “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” chúng ta thấy QCN có hai loại: Các quyền tuyệt đối và các quyền bị hạn chế. Các quyền tuyệt đối, như: “Không ai bị tước đoạt mạng sống một cách vô cớ” (Điều 6); “Không một người nào có thể bị tra tấn” (Điều 7); “Không được phép bắt giữ làm nô lệ người nào” (Điều 8)… Các quyền bị hạn chế, như: “Quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi cư trú” (Điều 12); “Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” (Điều 18); “Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình” (Điều 19);“Quyền hội họp hòa bình…” (Điều 21); “Quyền lập hội” (Điều 22)... Công ước cũng quy định: việc thực hiện những quyền trên “kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt và phải chịu một số hạn chế nhất định, vì sự tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”1. Trong “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động”, cộng đồng quốc tế cũng khẳng định: “Tất cả các QCN đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt… Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực về lịch sử, văn hóa và tôn giáo…”2.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia khác, QCN luôn được gắn liền với quyền và nghĩa vụ công dân. Công ước nhân quyền châu Âu có hiệu lực từ ngày 03-9-1953 đã đưa ra các quy định về các quyền cơ bản của con người; trong đó, quyền tự do ngôn luận được ghi ở Ðiều 10: “1. Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm việc được tự do bày tỏ ý kiến và tự do trao đổi các thông tin mà không cần phải nhận được bất kỳ việc cho phép nào từ phía cơ quan công quyền và không phân biệt biên giới. 2. Việc thực hiện các quyền nói trên, bao gồm cả các nghĩa vụ và trách nhiệm, hình thức, điều kiện, các hạn chế hoặc các biện pháp trừng phạt cần phải được ghi rõ trong các văn bản pháp luật có cân nhắc đến việc cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật hoặc để bảo đảm quyền lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp”3. Rõ ràng, trong khi khoản 1 của Ðiều luật này quy định: ai cũng có quyền được bày tỏ, trao đổi quan điểm của mình mà không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, biên giới, thì khoản 2 lại quy định: việc thực thi các quyền đó gắn với các hạn chế được cụ thể hóa trong pháp luật của mỗi quốc gia. Trên thực tế, mỗi quốc gia đều cân nhắc tình hình thực tế của mình để đưa ra các đạo luật nhằm cụ thể hóa việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân. Không có thứ tự do “tuyệt đối” mà không bị hạn chế vì những lợi ích nhiều mặt của quốc gia, dân tộc, ở sự ổn định xã hội, mà thiếu nó thì mọi nỗ lực cố gắng của con người đều trở nên vô nghĩa. Bởi vậy, Liên minh châu Âu (gồm 28 quốc gia) cho phép các nước thành viên cân nhắc lợi ích của mỗi quốc gia để đưa ra các quy định cụ thể, nhằm hướng dẫn công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận theo tinh thần Công ước nhân quyền châu Âu nói trên. Chúng ta còn nhớ sự kiện họa sĩ Kút vẽ tranh châm biếm nhà Tiên tri Hồi giáo Mohammed đã dẫn đến bạo động ở Đan Mạch và vụ việc Mục sư Giôn ở bang Phlo-ri-đa, nước Mỹ có ý định đốt kinh Cô-ran đã để lại hậu quả nặng nề đối với xã hội, khi người ta quan niệm hành vi đó là “quyền tự do của cá nhân được pháp luật bảo vệ”. Chúng ta cũng chưa quên việc Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây đòi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông chủ mạng WikiLeaks cũng chỉ với lý do thông tin của mạng này “có thể” gây nguy hiểm cho Quân đội Hoa Kỳ. Và gần đây là vụ Edward Snowden tiết lộ bí mật hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ, dẫn đến cựu nhân viên tình báo này phải tỵ nạn tạm thời ở Nga trước sự truy bắt gắt gao của Chính phủ Mỹ, cũng chỉ vì tội tiết lộ bí mật quốc gia. Tại sao lại có tình trạng đó? Vì những người này đã tuyệt đối hóa QCN mà không thấy nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Điều đó cho thấy, trong khi thực hiện quyền của mình, mỗi người là công dân nước nào cũng có bổn phận phải thực hiện nghĩa vụ công dân và luật pháp của nước đó; bất kỳ ai khi cư trú ở một nước nào đó, cũng phải chấp hành luật pháp của nước sở tại, nghĩa là phải thực hiện một phần nghĩa vụ công dân của nước này. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trong trường hợp này, câu nói của ông cha ta: “Nhập gia tùy tục” cũng rất phù hợp. Thế mà những người thành lập Diễn đàn không hiểu cố tình hay vô ý mà lại bỏ qua nội dung thiết yếu này.
Thực ra, chỉ cần để ý là thấy họ viện dẫn một số điều của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, như Điều 19: “1: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp; 2: Mọi người có quyền tự do ngôn luận…”, nhưng lại cố tình trích dẫn không hết, lờ đi khoản 3 (mặc dù họ có đưa xuống phần chú thích): “Việc thực hiện những quy định tại mục 2 của điều này (Điều 19) kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định… để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Cách họ trích dẫn như vậy chẳng khác nào câu chuyện người thầy thuốc đọc sách chữa bệnh: “đau bụng uống thuốc thống linh” nhưng không đọc nốt ở trang bên: “tắc tử”. Thiết nghĩ, mọi công dân Việt Nam trong khi thụ hưởng các QCN, phải chú ý chấp hành hệ thống luật pháp của nước mình. Quyền và nghĩa vụ công dân ở nước ta được xây dựng thành những quy định pháp luật đầy đủ và đồng bộ, trong đó có chế tài cụ thể, như: Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 1999) có Điều 88 quy định: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:
a. Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;…
c. Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”. Như vậy, đối chiếu với Điều này thì những người chủ trương mở Diễn đàn trên mạng với mục đích họ nêu là “làm chuyển đổi chế độ” thì chẳng những đã vi phạm khoản 3, Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, mà còn vi phạm pháp luật Việt Nam, như Điều 88, Bộ luật Hình sự nêu trên. Ai đó cho rằng, mạng xã hội là nhật ký riêng tư là không hoàn toàn đúng. Với đặc trưng “kết nối” và “chia sẻ”, những “nhật ký riêng tư” có thể “mở toang” để ai ai cũng có thể vào xem và gửi ý kiến. Mặt khác, những người chủ trương mở Diễn đàn cũng mong muốn nhiều người cùng vào đọc và bày tỏ chính kiến. Rõ ràng như vậy, nó không còn là “sự riêng tư”, nó là công cụ tuyên truyền và tập hợp lực lượng. Loại Diễn đàn đó cần phải được quản lý và những ai viết không đúng sự thật ở đấy đều phải bị xử lý theo pháp luật; bởi những hậu quả có thể gây nên như bạo loạn, nội chiến, thậm chí là tạo sự can thiệp, tấn công bằng quân sự của nước ngoài, như đã từng diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi… Những người thành lập Diễn đàn nói rằng, họ thực hiện QCN của mình, nhưng chính việc làm của họ đã và đang vi phạm QCN của đa số nhân dân ta đang mong muốn đất nước ổn định để phát triển. Đó là việc làm phi pháp cần phải ngăn chặn và nghiêm trị theo pháp luật./.
NGUYỄN VĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét