Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

“Điều kỳ diệu về trái tim Việt Nam”


Wayne Karlin

Tham gia cuộc chiến ở Việt Nam khi tuổi đời mới mười chín, song năm mươi năm đã trôi qua, nhà văn Mỹ Wayne Karlin vẫn không ngưng ám ảnh về những thương đau mà cuộc chiến này gây ra đối với người dân hai nước.

Suốt năm mươi năm qua, nhà văn Wayne Karlin đã tích cực tham gia công cuộc “hàn gắn vết thương chiến tranh” qua hàng loạt hoạt động tích cực: sáng tác văn chương; tham gia hoạt động cùng các cựu chiến binh Mỹ như biểu tình phản đối chiến tranh, cùng thành lập công ty xuất bản tư nhân First Casualty Press (1973), biên tập sách của các nhà văn là cựu chiến binh Mỹ, giới thiệu và biên tập sách văn học Việt Nam dịch ra tiếng Anh, tham gia các hoạt động từ thiện của cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam như tặng toàn bộ lợi nhuận từ sách cho bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội - nơi từng bị phá hủy nặng nề bởi trận bom năm 1972, xây dựng trường học cho thiếu nhi ở Quảng Trị, tham gia dự án Renew (Tái tạo) hướng dẫn cho người dân Quảng Trị về việc phát hiện, tránh và vô hiệu hóa những quả bom chưa nổ…

- Có phải ông bắt đầu sự nghiệp viết lách sau khi giã từ nhiệm vụ của một người lính hải quân lục chiến Mỹ trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn từ 1966 - 1967?

- Đúng vậy, sau khi trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi học đại học và bắt đầu viết văn từ đó, dù tác phẩm đầu tiên của tôi - nội dung cũng về chiến tranh Việt Nam, không được xuất bản mãi cho tới năm 1973. Tôi thích đọc sách từ nhỏ và luôn muốn trở thành nhà văn. Nếu không tham gia chiến tranh, tôi nghĩ mình vẫn bước vào nghiệp văn, nhưng chiến tranh đã đem lại cho tôi đề tài sáng tác đầu tiên. Đó là sự kiện quan trọng nhất đã xảy ra đối với thế hệ tôi, với đất nước tôi, với chính tôi. Vì thế dĩ nhiên tôi phải viết về nó. Không phải tất cả sách của tôi đều viết về chiến tranh, nhưng chiến tranh hoặc di chứng chiến tranh đã từng và vẫn đang là trọng tâm trong sự nghiệp sáng tác của tôi.


Anh lính Wayne Karlin luôn tranh thủ đọc sách


- Tại sao chỉ tham gia cuộc chiến có một năm nhưng ông vẫn bị ám ảnh về cuộc chiến ở Việt Nam suốt mấy chục năm như vậy? Ông có nhớ gì về ngày 30.4.1975 khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng?

- Đúng là tôi đã bị tác động mạnh vì giết chóc và nạn đói vẫn tiếp diễn ở Việt Nam sau khi tôi về nước. Tôi vẫn có nhiều bạn bè trong cuộc chiến và nhiều người Mỹ vẫn dửng dưng về điều đang diễn ra lúc đó bởi họ vẫn có thể sống cuộc sống của họ và phớt lờ chiến tranh, chỉ trừ phi họ có người thân tham gia trong đó. Hồi học đại học, tôi đã tham gia vào một tổ chức hòa bình của sinh viên, rồi tổ chức cựu binh Mỹ chống chiến tranh Việt Nam, tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, rồi làm việc tại nhà xuất bản First Casualty Press. Và khi ngày 30.4.1975 tới, tôi thấy khuây khỏa… nhưng cũng thương tiếc và giận dữ vì đã có quá nhiều người chết và quá nhiều công trình bị phá hủy.

- Có phải việc biên tập tác phẩm của cựu binh Mỹ đã dần khiến ông thay đổi suy nghĩ về Việt Nam?

- Thực ra tôi đã quay lại chống chiến tranh từ khi tôi vẫn đang ở trong cuộc chiến, vì tôi cảm nhận được chiến tranh đã hủy hoại cả hai bên, cả Việt Nam và Mỹ. Tôi đã chứng kiến bạn bè mình và cả những người Việt Nam phải chết mà không ai biết lý do tại sao. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu thấu đáo hết toàn cảnh theo một nghĩa rộng hơn những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua cho tới khi quay về nước và đọc thêm nhiều về cuộc chiến này, gồm cả tiểu thuyết và thơ về chiến tranh. Một số nhà văn Mỹ yêu thích của tôi (nhiều người trong số này cũng là bạn bè tôi) cũng đã tác động sâu sắc tới tôi và tới công việc của tôi như Tim O’Brien, Larry Heinemann, Phil Caputo, W. D. Ehrhart, Yusef Komunyakaa… Từ năm 1995, tôi cũng bị tác động nhiều từ tác phẩm được dịch ra tiếng Anh của các nhà văn Việt Nam như Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh… Và tôi vừa đọc xong cuốn tự truyệnChuyện nghề của Thủy rất hấp dẫn của bạn tôi - đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy.

- Ông đã bắt đầu dịch, biên tập các tác phẩm văn học Việt như thế nào?

- Năm 1988, rồi 1993 tiếp đó, tôi là một trong số các nhà văn Mỹ được gặp gỡ các nhà văn Việt Nam thông qua trung tâm William Joiner. Năm 1988 và 1993 có một số nhà văn Việt Nam đến Mỹ, trong đó có Lê Minh Khuê. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau. Đó là những trải nghiệm làm thay đổi cuộc sống khi được gặp gỡ những con người yêu bản thân mình bằng nhiều cách và không ai biết được rằng có thời điểm chúng tôi đã phải giết lẫn nhau nếu chỉ cần nhìn thấy nhau. Văn chương hay như một tấm kính và như một cánh cửa sổ: bạn có thể thấy chính mình phản ánh qua các nhân vật. Bạn cũng có thể nhìn thấy hoặc hiểu những thế giới khác nhau của họ. Những câu chuyện của tôi và về những người từng có thời phải giết lẫn nhau này luôn có sức mạnh ghê gớm. Sau đó, tôi, nhà văn Lê Minh Khuê và nhà văn Hồ Anh Thái thường bàn với nhau về một tuyển tập truyện nói về những ảnh hưởng của chiến tranh do cả nhà văn Mỹ và Việt Nam viết. Lần đầu tiên tôi quay lại Việt Nam vào cuối năm 1994 đầu 1995 để ký hợp đồng với các nhà văn Việt và Hội nhà văn Việt Nam. Kết quả là tuyển tập The Other Side of Heaven: Postwar Fiction (Phía bên kia góc trời - tác phẩm hậu chiến) đã ra đời, của nhà văn cả hai bên Mỹ - Việt, do tôi, Lê Minh Khuê, Trương Vũ chủ biên, có sự trợ giúp to lớn của nhà văn Hồ Anh Thái. Cuốn sách nhanh chóng trở nên ăn khách và đoạt giải thưởng Paterson năm 1998. Năm 1995, Lê Minh Khuê và Hồ Anh Thái sang Mỹ và chúng tôi đã đi thực hiện một tour giới thiệu cuốn sách này khắp nước Mỹ. Vì vậy Curbsone Press đã nhờ tôi hàng năm mang tới một tác phẩm văn học Việt Nam, và tôi đã thực hiện điều này được mười năm qua. Tôi và nhà văn Hồ Anh Thái đã biên tập một tuyển tập truyện có tên Love after war (Tình yêu sau chiến tranh) xoay quanh đề tài này và đã được xuất bản ở cả hai nước. Chúng tôi cũng cùng biên tập một số tiểu thuyết Mỹ đương đại.

- Ông thích tác phẩm của nhà văn Việt nào nhất?

- Có lẽ là của Hồ Anh Thái. Tôi đã giới thiệu ba tác phẩm của anh ấy cho ba nhà xuất bản của Mỹ là Curbstone, NXB Đại học Washington và NXB Đại học Texas. Tác phẩm của Lê Minh Khuê và Bảo Ninh cũng tác động tới tôi mạnh mẽ ở khía cạnh một cựu binh. Tôi yêu thích tất cả tác phẩm văn học Việt mà tôi đã giới thiệu nhưng phần lớn trong số chúng khá cổ điển như Truyện Kiều, Spring Essence (thơ Hồ Xuân Hương, John Balaban dịch)… Việc biên tập tác phẩm văn học của các nhà văn Việt đều rất khó. Tôi yêu thích sự dũng cảm và thành thực của các nhà văn Việt và những câu chuyện của họ đã giới thiệu cho độc giả về con người phức tạp trong những tình huống phổ biến toàn cầu mà bất kỳ ai cũng có thể bị dính vào.

- Việc viết đi viết lại những tác phẩm mang đề tài chiến tranh, việc biên tập các cuốn sách của các cựu binh Mỹ có khiến ông thấy kiệt sức?

- Đúng là tôi có cảm thấy kiệt sức và bị ám ảnh thật, nhưng tôi vẫn tiếp tục viết. Điều khiến tôi ám ảnh nhất là nhiều người trong số chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm phải viết nên sự thật về chiến tranh và chúng tôi phải sống lại với điều đó mỗi lần khi chúng tôi viết về nó một cách thành thực nhất. Tôi bị ám ảnh bởi những điều mà chúng tôi đã không học được và bởi cái cách mà chiến tranh đã tác động đến cả hai đất nước – những cựu binh Mỹ và gia đình họ; những người Việt đã bị thương hoặc bị chết bởi những quả bom còn nằm sâu trong lòng đất; hàng trăm nghìn “những linh hồn phiêu dạt” còn mất tích, những thế hệ chịu di chứng bởi chất độc da cam.

- Từng viết kịch bản và cố vấn làm một bộ phim liên quan đến Việt Nam, ông có muốn tiếp tục công việc này và xin ông chia sẻ về kế hoạch sáng tác sắp tới?

- Tôi rất vui khi tham gia vào đoàn phim The Song of the Stork (Vũ khúc con cò) và đã viết một kịch bản khác về Việt Nam cho một nhà sản xuất không phải là người Việt. Nhưng anh ấy chưa tìm được đủ tiền sản xuất. Và tôi hiện rất muốn chuyển thể cuốn sáchWandering Souls (Những linh hồn phiêu dạt, NXB Thông tấn xuất bản bằng tiếng Việt, 2009) của tôi lên phim truyện. Tôi vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết mới, xoay quanh những tác động vào một thành phố nhỏ của Mỹ bởi những chiến tranh gần đây ở Iraq và Afghanistan. Và tôi cũng đang nghiên cứu hướng đi cho tác phẩm tiếp theo. Ngoài ra tôi cũng vừa biên tập xong một tác phẩm văn học Việt khác mà tôi chưa muốn công bố.

- Ông muốn nói gì với Việt Nam ở hiện tại?

- Tôi đã quay lại Việt Nam khoảng mười lần nhưng phải đến lần thứ tư, mới quay lại được vùng đất mà tôi từng tham chiến là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Tôi đã đi du lịch cùng bạn bè Việt Nam tại đây và luôn có cảm giác như được sinh ra lần nữa. Tôi biết các bạn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục, nhưng tôi yêu đất nước xinh đẹp và con người nơi đây. Tôi sung sướng khi được ngắm nhìn Việt Nam trong hòa bình. Lần đầu tiên tôi được nhìn đất nước các bạn qua con mắt của một anh lính hải quân lục chiến mới mười chín tuổi, và con người trẻ trung này vẫn luôn ở bên tôi, qua con mắt đã già đi hiện giờ của tôi, cảm nhận được những điều kỳ diệu về trái tim của đất nước các bạn. Một trái tim từng bị che lấp bởi sự hiện diện của chúng tôi ở đó, với vũ khí trong tay. Tôi luôn mong muốn Việt Nam được hòa bình, hùng mạnh, tràn ngập cả hạnh phúc tinh thần, vật chất, và giàu có. Tôi ước mình sớm được quay lại Việt Nam.

- Cám ơn ông và mong đợi tác phẩm của ông sớm ra mắt với độc giả Việt!


Nhà văn Wayne Karlin hiện nay

Nhà văn Wayne Karlin sinh ngày 13.6.1945 tại Los Angeles, Carlifornia, Mỹ. Đã xuất bản mười tiểu thuyết (Wandering Souls, Marble Mountain, War Movies: Journeys to Vietnam, The Wished-For Country, Prisoners, Rumors and Stones, Crossover, Lost Armies, The Extras, Us…).Sách biên tập: Winning Hearts and Minds: Poetry by Vietnam Veterans, Free Fire Zone: Short Fiction by Vietnam Veterans;The Stars, The Earth, The River(Những ngôi sao, trái đất, dòng sông, tập truyện của Lê Minh Khuê, 1997); Behind the Red Mist (Trong sương hồng hiện ra, Hồ Anh Thái, 1998); Against the Flood (Ngược dòng nước lũ, Ma Văn Kháng, 2000); Past Continuous (Thời gian của người, Nguyễn Khải, 2001); The Cemetery of Chua Village (Nghĩa địa xóm Chùa, Đoàn Lê, 2005), Love After War: Contemporary Fiction from Viet Nam (Tình yêu sau chiến tranh - Văn xuôi đương đại Việt Nam, đồng chủ biên với Hồ Anh Thái, 2005), An Insignificant Family (Gia đình bé mọn, Dạ Ngân, 2009)… Ông là giáo sư giảng dạy ngôn ngữ và văn học tại College of Southern Maryland từ giữa thập niên 1980 đến nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét