Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

“SƯỢNG MẸ, BỞ CON” NGHĨA LÀ SAO?






HOÀNG TUẤN CÔNG


Tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” có nhiều cách giảng rất khác nhau.
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Sượng mẹ bở con: (Củ cái khoai sọ càng) sượng thì củ con tất càng bở. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Đừng vội coi khinh những thứ có vẻ ngoài xấu xí vì lắm thứ thực chất vốn khác xa vẻ ngoài”.
-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Sượng mẹ bở con: Sượng là nói khoai chưa thực chín, còn sần sật) Ý nói: Mẹ phải chịu đựng khó khăn để cho con được sung sướng”.




-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Sượng mẹ bở con: Một kinh nghiệm chọn khoai sọ (cây thân cỏ cùng họ với ráy, lá to, cuống dài hình măng, củ hình cầu, thường mang nhiều củ con, nhiều bột dùng để ăn): củ cái ăn sượng, cứng, không ra gì, củ con ăn ngon, bở”.


-“1576 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia), sách này bác đi cách giảng của GS Nguyễn Lân, Nhóm Vũ Dung, và đưa ra cách hiểu khác: “Theo thói thường thì giống khoai nào thì củ mẹ sẽ đẻ ra các củ con theo giống ấy. Củ mẹ thuộc giống bở thì sẽ đẻ ra củ con cũng bở, củ mẹ sượng thì sẽ đẻ ra củ con cũng sượng. Đàng này củ mẹ thuộc giống sượng, mà lại đẻ ra củ con thuộc giống bở, thật là sự hãn hữu, ít có vậy. Ý nói: mẹ dở mà sinh con hay, mẹ xấu mà sinh con tốt. Câu này cũng giống câu “Xấu giây tốt củ” (Giây (sic) khoai lang quá già hoặc sâu sia, hoặc đã hơi héo...đem trồng xuống và tưởng rằng sẽ ít củ, củ xấu...vậy mà lại có số củ rất nhiều, rất tốt). Thí dụ: “Đúng là ‘sượng mẹ bở con’, gia đình nó chẳng ra gì mà nó thì lại rất đàng hoàng”.


Theo chúng tôi, cách hiểu “Mẹ phải chịu đựng khó khăn để cho con được sung sướng” (GS Nguyễn Lân) khó thuyết phục. Vì mẹ ăn miếng chưa chín, nhường con miếng đã chín, không phải là sự “chịu đựng khó khăn” (chuyện đó nếu có, chỉ là khó khăn chốc lát).


Cách hiểu của Lê Gia càng không ổn.[1] Vì đối với một số cây trồng bằng hạt (như cây ăn quả) có thể có hiện tượng cây con không giữ được ưu thế của cây mẹ (ví như cây mẹ cho quả ngọt, nhưng trong số 10 cây con, sẽ có một cây cho quả chua). Tuy nhiên, với loại cây lấy củ, gây giống bằng hom, hoặc củ, như sắn, khoai, thì giống mẹ thế nào, sẽ cho củ như thế. Nếu cùng một giống, thì tỉ lệ tinh bột chủ yếu phụ thuộc vào chất đất, dinh dưỡng, thời vụ...Đất giàu lân, ka li, tơi xốp, thoát nước tốt, trồng đúng thời vụ, thì củ nhiều tinh bột (bở). Ngược lại, với loại đất thịt nặng, trũng nước, nghèo lân, ka li, trồng trái vụ, thì tinh bột kém. Cũng không có quy luật củ mẹ càng sượng thì “củ con tất càng bở”, như Nguyễn Đức Dương giải thích (chúng tôi sẽ nói rõ ở phần sau).


Cùng bụi khoai tây, nhưng củ nhỡ, củ "bi" ăn ngon hơn củ to
Ảnh: Sưu tầm


Trong thực tế, tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” được dùng với nghĩa là kinh nghiệm lựa chọn, đánh giá chất lượng các loại khoai, củ (sắn, dong, khoai lang, khoai tây, khoai sọ...) Củ cái to nhưng thường sượng, củ nhỏ mới là củ bở, ngon. Nguyên do: Củ là phần thân ngầm (hoặc rễ) dưới đất phình ra, chứa chất dinh dưỡng dự trữ, dùng để nuôi cây trong một số thời điểm (ví như thời kì thân lá tàn lụi trong mùa đông, không còn khả năng quang hợp, thì cây sẽ sử dụng nguồn dự trữ dinh dưỡng từ củ để tồn tại trong lòng đất).


Một số loại cây hàng năm như: gừng, nghệ, khoai lang, khoai tây, khoai sọ, khoai riềng (còn gọi dong riềng, dong tây), dong ta... thường được nông dân trồng bằng củ. “Củ cái” (củ mẹ, củ giống) sau khi nảy chồi, đẻ nhánh (sinh củ con) vẫn tiếp tục sinh trưởng và tồn tại trong đất. Khi thu hoạch, thường “củ cái” đã tiêu đi; nếu còn, ăn sẽ bị sượng, do đã cung cấp chất dinh dưỡng cho quá trình nuôi thân, tạo rễ, củ mới. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra loại củ "mẹ" to như thế này, nhưng ăn không ngọn, không bở.


Còn một loại củ cái (củ mẹ) nữa, được hiểu là củ sinh ra từ lứa đẻ đầu tiên. Với cây hàng năm, hết một chu kì sinh trưởng, thì thân lá sẽ tàn đi. Toàn bộ phần củ nếu không được thu hoạch, thì vẫn tồn tại trong đất, sống bằng nguồn dinh dưỡng dự trữ. Đến chu kì sinh trưởng mới, chất tinh bột trong lứa củ cái vụ trước dần chuyển hoá thành đường để nuôi cây trong quá trình nẩy chồi, phát triển thân lá và đẻ ra lứa củ mới.[2] Bởi vậy, những loại củ cái, củ mẹ quá lứa hoặc tồn tại từ vụ trước tuy to, già nhưng do còn ít tinh bột nên ăn sượng. Các củ con có kích thước tương đương củ mẹ, hoặc nhỏ hơn, nhưng thuộc loại “bánh tẻ” (không non, không già), ăn bở, ngon, vì vừa đủ thời gian sinh trưởng, chất tinh bột nhiều. Bởi thế, cùng một bụi dong, hoặc bụi sắn, nhưng có củ rất bở, nhiều bột, có củ lại sượng; cùng bụi khoai tây, nhưng củ to ăn sượng, nhạt, củ bi ăn bở, ngon, là vậy.




Sắn là cây hàng năm, nhưng có thể tồn tại dưới lòng đất nhiều năm
Khi thu hoạch, củ to, quá lứa ăn sượng, hoặc dẻo, củ nhỏ ăn bở
Ảnh: Sưu tâm


Từ thực tế đó, đối với cây trồng có chu kì sinh trưởng hàng năm như khoai, sắn, khi thân lá bắt đầu úa vàng, có dấu hiệu “xuống mã”, thì nông dân thu hoạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Theo đây, nếu để quá lâu trong đất, sẽ đến lúc cả củ mẹ lẫn củ con đều sượng, chứ không có chuyện củ mẹ “càng sượng”, thì “củ con tất càng bở” (như cách giải thích của Nguyễn Đức Dương).


Như vậy, từ “sượng”, trong câu “Sượng mẹ, bở con”, được hiểu theo nghĩa thứ hai mà Từ điển Vietlex đã giảng: “ở trạng thái nấu chưa được chín, hoặc do bị kém phẩm chất, không thể nào nấu cho chín mềm được.” Củ “mẹ” sượng, là củ đã quá lứa, củ “con” bở là củ bánh tẻ, vừa độ thu hoạch.


Cách hiểu của Nhóm Vũ Dung là đúng hướng, nhưng chưa đúng bản chất vấn đề. Nghĩa là “sượng mẹ, bở con” không chỉ được hiểu riêng với “khoai sọ”. Mặt khác, trong thực tế, còn một loại củ con nữa, đó là củ non (sinh sau lứa củ nhỡ, ăn bở), do chưa đủ thời gian chuyển hoá đường thành tinh bột, nên ăn cũng rất sượng. Bởi vậy, không đơn giản cứ củ to là sượng, còn củ con là bở.


Như vậy, có thể hiểu, tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” là kinh nghiệm lựa chọn, phân loại, đánh giá chất lượng các loại củ, cũng là kinh nghiệm xác định thời điểm thu hoạch để có được sản phẩm củ chất lượng cao nhất. Ví dụ, đối với khoai lang, dựa vào thời gian sinh trưởng của giống và kết hợp quan sát, nếu thấy có biểu hiện ngừng sinh trưởng, "xấu mã" (các lá phần gốc ngả màu vàng), bới kiểm tra thấy vỏ củ nhẵn, ít nhựa, thì tiến hành thu hoạch.


Hoàng Tuấn Công/3/2017


[1]- Lê Gia giảng câu “Xấu giây tốt củ” nghie là “Giây (sic) khoai lang quá già hoặc sâu sia, hoặc đã hơi héo...đem trồng xuống và tưởng rằng sẽ ít củ, củ xấu...vậy mà lại có số củ rất nhiều, rất tốt”. Cách hiểu này hoàn toàn phi khoa học. Vì chọn “dây” (hom giống) khoai lang phải là loại “bánh tẻ” (không non, không già), mập mạp, không sâu bệnh, càng đem trồng kịp thời càng tốt. Không có chuyện hom “quá khoai lang quá già hoặc sâu sia” mà lại cho “số củ rất nhiều, tốt”. Câu tục ngữ “Xấu dây, tốt củ”, được hiểu như thế nào, chúng tôi xin hẹn bạn đọc trong một bài khác.


[2] Ngay cả với củ khoai lang, hoặc khoai tây đã thu hoạch, cất trữ rồi, nhưng để lâu chưa ăn đến, thì lượng tinh bột cũng sẽ tự chuyến hoá thành đường, khiến củ kém bở. Bởi vậy, khoai lang để lâu, hoặc “mót” được củ sót lại trên ruộng, ăn sống thì rất ngọt, nhưng luộc lên lại kém bở là vậy.

Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

CON BÉ VÀ CÂY HOA CẢI DẦU









Shiga Naoya, 1904





_________________

SHIGA Naoya (1883-1971)

Viết truyện ngắn và truyện dài. Shiga Naoya được xem là « vua truyện ngắn », là nhà văn tiêu biểu của loại tự truyện, là một « thánh chủ » của nền văn học Nhật hiện đại. Ông theo học đại học Tokyo, nhưng không tốt nghiệp ngành nào. Ông bắt đầu viết từ năm 21 tuổi : « Con bé và cây hoa cải dầu » là truyện ngắn đầu tay. Sự nghiệp viết văn của ông chịu ảnh hưởng nặng nề và phản ánh một đời sống gia đình bất hạnh : mất mẹ năm 12 tuổi, ông có những quan hệ sóng gió với bố, đi từ xung khắc đến đoạn tuyệt, rồi hoà giải. Tác phẩm của ông - phần lớn đã được dịch ra Anh ngữ - có thể được chia làm 3 loại : loại dựa trên kinh nghiệm và quan sát (« As far as Abashiri », « An Incident »...) ; loại dựa vào đời sống tư tưởng và trí tưởng tượng (« The Little girl and the Rapeseed Flower », « The Razor », « Han's crime »... ) ; và loại ít nhiều là tự truyện (« The Death of my mother and the new mother », « Reconciliation », « The Paper door »...)

_________________



Hôm đó là buổi chiều xuân trong sáng êm đềm. Một con bé đang nhặt củi đóm trên sườn núi.



Chặp sau, khi ráng chiều đỏ thắm xuyên qua các tàng cây thưa thớt, con bé đem mớ củi nhặt được xuống đồng cỏ, bắt đầu sắp vào giỏ trên lưng.



Thình lình, con bé có cảm tưởng như nghe như ai gọi mình.



- Hả ?



Con bé buột miệng. Nó đứng lên nhìn chung quanh nhưng chẳng thấy người nào.



- Ai gọi tôi ?



Con bé lại lớn giọng hỏi nữa. Nhưng cũng chẳng ai trả lời.



Sau hai ba lần có cảm tưởng đó, con bé chợt phát hiện là tiếng gọi phát ra từ cây hoa cải dầu nhỏ đơn độc đang ngẩng đầu lên trong đám cỏ dại.



Con bé lau mặt với tấm vải quàng đầu rồi nói :



- Tao nghĩ chắc mày cô độc lắm trong một chỗ như vầy.



Cây hoa trả lời với giọng thân mật :



- Em rất cô độc.



Con bé hỏi với giọng quở trách :



- Vậy sao mày đến đây làm chi ?



- Một hạt dính vào ngực con chim chiền chiện rồi rớt xuống đây. Em làm gì được !



Cây hoa nói một cách buồn rầu. Rồi nó nhờ con bé mang nó theo xuống làng dưới chân núi, nơi nó có nhiều đồng loại.



Con bé thấy xót xa cho cây hoa cải dầu, quyết định làm nó thoả mãn. Khẽ khàng gỡ khỏi đất, con bé cầm nó trong lòng tay khum khum và xuống đường núi về làng.



Dọc đường, một con suối nhỏ trong veo chảy róc rách. Thời gian trôi qua. Cây hoa nói :



- Tay chị nóng khủng khiếp. Em thấy đầu nặng quá, không ngẩng thẳng lên được.



Theo mỗi bước đi của con bé, cây hoa yếu ớt lắc lư cái đầu rũ gục.



Cả chặp lâu, con bé không biết phải làm gì.



Rồi thình lình con bé nảy ra một ý tuyệt vời. Vội vàng ngồi xổm xuống bờ đường, con bé lặng lẽ ngâm rễ cây hoa vào nước.



- Aaa !



Cây hoa thốt lên với giọng hồi sinh, sôi nổi. Nó nhìn lên con bé. Nhân đó con bé nói như truyền lệnh :



- Từ chỗ này, mày cứ đi theo nước.



Lắc đầu một cách khó khăn, cây hoa nói :



- Lỡ bị cuốn đi cách xa chị quá, em sợ chết !



- Không việc gì phải sợ cả.



Con bé vừa nói vừa thả trôi cây hoa.



- Em sợ ! Em sợ !



Bị giòng nước cuốn đi tức khắc, cây hoa ré lên hãi hùng khi thấy nước kéo mình càng lúc càng xa con bé. Nhưng con bé không nói không rằng, vòng tay ra sau lưng sửa lại cái giỏ nhảy nhót trên lưng và chạy theo sau.



Cây hoa thở dài nhẹ nhõm. Rồi vui vẻ từ mặt nước nhìn lên, nó nói với con bé đủ thứ chuyện.



Một con bướm từ đâu bay tới dập dờn vui nhộn. Nó phá phách, vỗ nhẹ cánh nhảy nhót quanh đầu cây hoa. Cây hoa có vẻ khoái chí. Nhưng rồi con bướm rộn ràng bất định đó lại bay đi chỗ khác.



Thấy trên chóp mũi con bé lốm đốm mồ hôi như những hạt trân châu, cây hoa nói với giọng ái ngại :



- Bây giờ tới phiên chị cực quá.



Con bé trả lời ngắn gọn :



- Ðừng lo cho tao.



Ngỡ bị mắng, cây hoa im lặng.



Một lát sau con bé giật nẩy mình vì tiếng kêu thét của cây hoa. Rễ nó bị vướng vào đám cỏ dại nhấp nhô trên giòng nước như một suối tóc dài, cây hoa ráng cựa quậy đầu ra trước ra sau, kiệt sức.



- Ðược rồi. Yên đó một lát.



Hụt hơi, con bé ngồi xuống tảng đá bên bờ suối.



- Làm sao em yên được với chân cẳng vướng víu như thế này ? Em thấy chẳng thoải mái chút nào.



Giọng phàn nàn của cây hoa càng lúc càng tha thiết. Con bé đáp :



- Mày như vậy là khỏe rồi.



- Em không khỏe. Dừng lại thì tốt, nhưng kiểu này thì khiếp lắm. Làm ơn, chị làm ơn vớt em lên.



Cây hoa nài nỉ, nhưng con bé không muốn nghe, chỉ mỉm cười nói :



- Mày như vậy được mà.



Chẳng bao lâu sức mạnh giòng nước làm rễ cây hoa trượt ra. Với giọng khẩn trương chói tai « Em bị cuốn đi đây này », một lần nữa cây hoa lại bị cuốn xuôi theo giòng. Giật mình, con bé chạy theo.



Khi còn cách nhau không bao xa, cây hoa rụt rè nói :



- Cực chị quá !



- Không sao cả.



Con bé dịu dàng trả lời. Rồi vì cây hoa không còn lo âu nữa, nó chạy trước cách xa khoảng chừng mười lăm bộ.



Ðã trông thấy làng dưới chân núi. Con bé nói to :



- Không còn bao xa nữa.



- Ờ há !



Cây hoa trả lời đằng sau. Chúng không nói gì với nhau một lát. Âm thanh duy nhất là tiếng lách tách, lách tách của đôi dép rơm con bé chạy, trộn lẫn với tiếng róc rách của suối.



« Chaach » ! Tiếng nước toé lên bất ngờ dưới chân con bé. Cây hoa kêu thét lên như thể sắp chết. Con bé giật mình dừng lại nhìn ra sau. Từng cánh hoa lá tái mét vì sợ, cây hoa gượng lên khỏi mặt nước la bải hải « Nhanh lên ! Nhanh lên ! ». Con bé vội vàng kéo nó ra khỏi nước.



- Chuyện gì vậy ?



Nâng niu cây hoa vào ngực, con bé quay nhìn giòng nước sau lưng.



- Có cái gì phóng ra từ chân chị đấy.



Cây hoa nói giọng hổn hển :



- Con cóc cáy đấy, chị. Nó ngụp xuống một lần rồi bất thần ở đâu trồi lên trước mặt em. Thiếu chút nữa là dám mặt tụi em chạm vào nhau. Miệng nó nhọn và có vẻ cáu kỉnh như con yêu Hà Bá vậy.



Nghe cây hoa nói, con bé cười vang. Cây hoa nói giọng trách móc :



- Ðâu có gì tức cười đâu. Nhưng mà khi em ré, con cóc giật mình đấy. Nó mất hồn mất vía lặn xuống.



Nói tới đây thì cây hoa cải dầu cũng cười vang lên.



Chẳng bao lâu, chúng về tới làng.



Con bé tức khắc trồng cây hoa trong đám đất sau nhà.



Không giống trên sườn núi khô cằn đầy cỏ dại, ở đây đất đai màu mỡ. Cây hoa cải dầu lớn nhanh như thổi.



Và ở đó, giữa bạn bè với đồng loại, cây hoa cải dầu mãi mãi sống yên vui hạnh phúc.







MIÊNG

Dịch theo bản tiếng Anh của Lane Dunlop :

«The Little Girl and The Rapeseed Flower».



Paris, Février 1998.

TÓC GIÓ THÔI BAY





Tháng ba
tóc gió thôi bay
khuy áo em cài nhốt mắt ai
môi hôn nắng lửa tình phực cháy
đốt rụi hồn ta dưới ánh ngài


Tháng ba
tóc gió thôi bay
em in hình hài lên bóng say
hương thơm hơi thở già nhân ngãi
nén chặt tình ta dưới gót giày

Tháng ba
nắng đỏ tình say
dang tay em đón giọt hoài thai
vai ta gánh trọn mùa ân ái
từ nay
tóc gió thôi bay...

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Hồng ngọc -giá 1,5 triệu đồng

Hồng ngọc -giá 1,5 triệu đồng-ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh



Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Sự tích hoa hồng





Ngày xửa ngày xưa thật xưa lắm, có một quốc vuơng ở tận phương trời xa xôi bên một khu rừng rộng lớn và rậm rạp. Vương quốc nầy sống thật hòa bình và yên vui sau một thời gian dài triền miên người dân phải đấu tranh để dành quyền độc lập. Và vị anh hùng chỉ huy người dân của quốc gia này đã được dân chúng tôn lên làm vị vua đầu tiên.

Sau thời gian dài chinh chiến, họ chỉ lo an hưởng thái bình và sống cho những quyền lợi của cá nhân mình. Vị hoàng đế kia cũng vậy, ngất ngưỡng trên ngai vàng và hào quang của quyền vị, ông đã bỏ bê việc nước, quên cả chăm sóc cho dân và để mặc lũ bầy tôi tham danh lợi cai trị dân chúng. Vì muốn hoàng đế lảng quên với việc triều chính, bọn tham quan đã chọn một thiếu nữ đẹp tuyệt vời để vua lập làm hoàng hậu . Nhưng trái với ý muốn của bọn quan lại, hoàng hậu lúc nào cũng hết lời khuyên răn nhà vua nên lo cho dân chúng và chỉnh đốn việc triều chính. Lũ quan lại rất ghét hoàng hậu, nhưng không làm gì được vì nhà vua quá thương yêu nàng.

Cho đến ngày kia, sau một thời gian thụ thai, hoàng hậu sinh ra một đứa bé thật kháu khỉnh, dễ thương. Lạ lùng thay, thân thể của đứa bé trai đó lại trong suốt như pha lê, đến độ thấy rõ từng đường gân, mạch máu và trái tim. Thấy cơ hội đã đến, bọn tham quan bèn dèm pha với nhà vua rằng hoàng hậu là một phù thủy trá hình và tuyên truyền tin này ra ngoài cho toàn dân.

Trước áp lực của bầy tôi và sự phản đối của dân chúng, nhà vua đã truất phế hoàng hậu ra khỏi hoàng cung cùng với đứa bé lạ lùng kia. Trở thành một thường dân, hoàng hậu đem con đi khỏi hoàng cung. Đi tới nơi đâu cũng bị dân chúng chửi mắng và xua đuổi. Suốt con đường tìm nơi ẩn trú, hoàng hậu đã bị bao kẻ ném đá, dùng gậy đánh đập mà chỉ biết cắn răng dùng thân thể mình để che chở cho đứa con thơ. Với bao vết thương trên mình, hoàng hậu bồng con đến khu rừng già và ngã ra vì kiệt sức. Nhìn hài nhi mới ra đời trong lúc biết mình sắp chết, hoàng hậu không biết làm gì hơn là đưa tay vuốt ve con mình vài lần, nước mắt tuôn ra và trút hơi thở cuối cùng.

Đứa bé nằm bên mẹ không ai cho ăn nên khóc lên thảm thiết vì cơn đói. Tiếng khóc vang lên tận chín tầng trời làm Thượng Đế động lòng ngó xuống trần gian. Khi thấy hoàn cảnh thương tâm đó, Thượng Đế nổi giận vì lòng tàn ác của người dân vương quốc kia. Ngài bèn sai thiên thần mang đứa bé vô rừng chăm sóc cho nó lớn lên trong tình thương của thiên nhiên và muôn cầm. Sau đó, ngài ban một lời nguyền khiến cho toàn thân thể của từng người dân bị gai nhọn mọc đầy người, để suốt đời không ai được gần gủi ai cho đến khi mọi người biết thương yêu nhau. Từ đó người dân của quốc gia nầy đều mang trên mình một lớp gai, từ vua tôi cho đến hạng bần cùng. Nhưng dù cho lớp gai trên mình ngày một dài và cứng nhọn theo lòng tham ngày càng to lớn, họ cứ sống cho cá nhân mình mặc dù phải trả giá cho lòng vị kỷ đó bằng sự cô đơn khủng khiếp dằn vật tâm linh.

Một ngày kia, nghe tin vương quốc này đang trở nên yếu thế, một quốc gia khác bèn đem quân sang xâm lấn lãnh thổ. Khi quân xâm lăng tràn qua bờ cõi, toàn dân trong nước ai cũng tự lo thân và trốn tránh nghĩa vụ. Nhà vua lúc đó đã lớn tuổi mà vẫn bị lũ bầy tôi tham sống sợ chết làm áp lực bắt đem một toán quân ra chiến đấu. Sức mình thì yếu, sức địch thì mạnh. Sự thất bại đến với nhà vua thật nhanh chóng. Dẫn tàn quân chạy về hoàng thành thì mới hay lũ tham quan đã đem dâng cho giặc tự bao giờ. Phẫn chí, nhà vua quyết liều mình đem quân cố chiếm lại thành trì nhưng cuối cùng phải ngã ngựa vì một mũi tên có tẩm thuốc độc. Nhà vua được một số quân trung thành cứu thoát và chạy trốn đến bên bìa rừng. Nhìn lại binh sĩ lớp bị thương, lớp bỏ mình chung quanh, nhà vua lấy làm hối hận rằng mình đã không nghe lời hoàng hậu khuyên ngày trước. Nhớ đến hoàng hậu, nhà vua lại nhớ đến đứa con thơ vô tội của mình ngày xưa. Rồi nhà vua ngã bệnh vì vết thương hành hạ. Bên ngoài thì địch quân vây khốn, trong rừng thì binh sĩ liều mạng để tử thủ với quân thù. Nhà vua lập đồn trong rừng làm chiến khu và để tập luyện binh sĩ.

Ngày qua ngày, dưới ách đô hộ nghiệt khắc của quân xâm lăng, người dân của vương quốc đó càng nghe đồn thêm về một quốc gia trong khu rừng già huyền bí nọ. Dần dần, người dân tìm cách trốn đi và tìm vào rừng để gia nhập. Phía quân xâm lăng cũng điêu ngoa, họ cho người trà trộn vào trong rừng nhưng kế hoạch không thi hành được vì không thể nào giả mạo được lớp gai cứng mọc trên thân thể của người dân bản xứ. Người dân đã biết đoàn kết để tạo cho khuyết điểm trên thân thể mình thành ưu điểm để chống giặc ngoại xâm. Một ngày kia, với binh hùng tướng mạnh, nhà vua bắt đầu công cuộc dành lại quê hương. Lần nầy, với đoàn quân thiện chiến và với lòng tin thống nhất, nhà vua đã chiếm lại được thành trì và xua đuổi quân xâm lăng ra khỏi lãnh thổ.

Không may, trong trận chiến cuối cùng nhà vua lại bị thương. Vốn đã yếu sức vì tuổi già, lại còn lao lực trong trận chiến dài đăng đẳng, nhà vua bệnh ngày càng thêm nặng. Toàn dân trong nước chưa kịp reo mừng dành lại độc lập đã phải mang nỗi buồn cho tình trạng ngày càng nguy ngập của nhà vua. Biết mình sắp chết, nhà vua trong cơn sốt đã thốt lên rằng:

"Ta chết cũng đành lòng, nhưng trời ơi, sao ta thèm được một lần ôm đứa con mà ta chưa hề biết mặt !..."

Bỗng nhiên có tin báo từ bên ngoài thành có một người thầy thuốc nói sẽ trị hết bệnh cho nhà vua. Cửa hoàng thành rộng mở. Người thầy thuốc bước vào hoàng cung với tấm vải thô che kín thân thể mà không ai nhìn thấy mặt. Khi đến gần giường bệnh, người thầy thuốc đứng lặng yên thật lâu bên nhà vua mà không nói tiếng nào. Khi nghe nhà vua gọi con trong cơn sốt, người thầy thuốc rơi lệ. Giọt lệ nhỏ xuống trên gò má nhăn nheo của nhà vua làm nhà vua thức tỉnh và mở mắt nhìn người đang đứng bên cạnh mình. Khi nhà vua đua tay lên vói, người thầy thuốc bèn nắm chặt lấy tay nhà vua, quì xuống bên cạnh người và nói rằng:

"Thưa phụ hoàng, con đây !".

Rồi người thầy thuốc hất tấm vải thô che mình xuống đất để lộ ra một thân thể trong suốt như pha lê. Để chữa bệnh cho cha, vị hoàng tử nâng vua cha lên và ôm người thật chặt vào lòng, mặc cho những gai nhọn đâm vào người thật sâu. Và máu chàng đã chảy ra. Lạ thay, khi máu của chàng thấm lên thân thể của nhà vua thì nhà vua cũng thấy mình khỏe lại . Và kỳ diệu hơn nữa, lớp gai nhọn trên thân thể nhà vua cũng tan biến dần theo từng giọt máu của vị hoàng tử đổ xuống.

Sau đó vị hoàng tử bèn đặt nhà vua nằm lại trên giường để dưỡng bệnh. Từ từ đứng dậy và bước đến người đứng gần mình nhất, vị hoàng tử ôm lấy người đó và nói:

"Chúng ta hãy thương yêu nhau. Bất cứ hình phạt nặng nề nào của Thượng Đế cũng đều được giảm bớt nếu chúng ta biết chân thành yêu thương nhau".

Rồi cứ thế từ người này sang người khác, chàng đi khắp thành mà ôm từng người một, từ ông lão nghèo nàn đến người thương gia giàu sang, từ em bé tật nguyền đến chàng thanh niên khỏe mạnh. Và cứ thêm mỗi người được ôm thì vị hoàng tử càng yếu dần theo từng giọt máu ứa ra trên thân thể họ. Cho đến lúc kiệt sức, chàng quị xuống bên đường. Tuy vậy, chàng vẫn mở rộng vòng tay kêu gọi mọi người đến cùng chàng mà chia sự sống. Mọi người nức nở khóc trước tình thương bao la của chàng. Những người sau cùng chưa được thoát bệnh đồng quì xuống bên chàng mà nói:

"Chúng tôi xin hoàng tử đừng lao lực thêm nữa. Chúng tôi thành tâm nguyện mang lớp gai này trên mình để người còn được sống cùng chúng tôi".

Lạ thay, từ trên thinh không bỗng có tiếng nhạc thánh thót vang lên và có lời truyền của Thượng Đế phán rằng:

"Lành thay ! Các người hiểu được tình yêu thương chân thật và bỏ đi lòng tị hiềm, ích kỷ. Dám hy sinh bản thân mình cho đồng loại là định nghĩa của yêu thương vậy".

Rồi cùng với thinh âm tan dần vào không gian, các lớp gai trên thân hình của những người còn lại đều biến mất đi. Khi người ta nhìn lại thì vị hoàng tử đang khép mắt lại với lời nói thật hiền hòa thoát ra theo làn hơi thở sau cùng:

"Hạnh phúc là có nhau hôm nay để sống. Yêu thương là biết sống làm sao để ta có nhau ngày mai. Các bạn của tôi ơi, hãy nhớ rằng hạnh phúc không phải là của riêng ta để cho đi hay lấy lại. Hạnh phúc chỉ đến với ta khi ta biết yêu thương lẫn nhau và chia xẻ cho nhau tình thương đó..."

Rồi chàng lìa đời sau câu nói đó. Ngày hôm sau, dưới sự hướng dẫn của nhà vua, toàn dân trong thành đã đưa di thể của chàng xuống lòng đất muôn đời, bên cạnh khu rừng nọ. Lạ thay, khi xác của chàng vừa được chôn dưới lòng đất xong, người ta bỗng thấy có những chim muông, cầm thú kéo thành đoàn từ trong rừng ra nằm quanh ngôi mộ của chàng thật lặng yên và buồn bã. Một năm sau, người ta thấy trên ngôi mộ của chàng và chung quanh khu vực đó mọc lên những bông hoa đỏ tươi như máu với thật nhiều gai nhọn từ gốc đến ngọn. Người ta cho đó là sự kết tinh lại của tình thương của chàng hoàng tử để nhắc nhở cho người đời bài học cao cả nhất về yêu thương và hạnh phúc. Và người ta gọi loài hoa đó là hoa Hồng.

Và mãi mãi đến ngày nay, dù mang nhiều màu sắc khác nhau, loài hoa đó vẫn tượng trưng cho sự yêu thương.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

THOÁT KHỎI LUÂN HỒI




Đọa cõi ta bà
cha mẹ cho tinh
đất trời cho khí
tinh khí luyện thần
vào đường vô ngã
bước đến hư vô
thoát khỏi luân hồi
chu du vạn cõi
thiên hà là ta


Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Hồng ngọc -giá 150k




Hồng ngọc -giá 150k-ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Cần lắm một người bạn tri kỷ trong cuộc đời







Cuộc sống thì muôn hình vạn trạng, vậy nên cảm xúc của con người cũng biến đổi muôn vàn. Ngoài tình yêu, tình bạn và tình thân chúng ta vẫn còn một thứ tình cảm là kết tinh của cả ba tạo thành đó gọi là: tri kỷ. Trong cuộc sống, tìm được người mình yêu thương, tâm đầu ý hợp đã khó, tìm được một người bạn tri kỷ còn khó hơn gấp nghìn lần. Mất người yêu, mất chồng hay mất vợ, ta buồn… buồn lắm, nhưng rồi sau này ta vẫn còn có thể có cơ hội gặp gỡ và tìm được một người yêu mới, chồng mới hay vợ mới… còn bạn tri kỷ một khi mất đi, ta sẽ đau hơn gấp nghìn lần và sẽ buồn… buồn cả một đời.








Bạn tri kỷ, đó là một thứ tình tâm giao vừa ấm áp như tình yêu, lại vừa nâng giữ như tình thân. Ranh giới khiến người ta đôi khi có thể ngộ nhận tri kỷ và người yêu thành ra mong manh tới mức không phải người nào trong cuộc cũng có thể tỉnh táo mà tránh né. Quá một chút thôi có thể là sẽ mất.



Bạn tri kỷ luôn là người hiểu ta nhất. Chỉ có người ấy mới biết được ta nghĩ gì , buồn gì, vui gì, thích gì, ghét gì... dù ta không cần nói gì hết.

Bạn tri kỷ là người ta mong tìm đến nhất mỗi khi gặp chuyện khó khăn, đau khổ, bất hạnh… Và sau khi được tâm sự, được dựa vào vai bạn để khóc, những muộn phiền ưu tư sẽ nguôi ngoai… ta bỗng thấy nhẹ lòng hơn.

Bạn tri kỷ là người ta có thể nói thật nhất mọi ý nghĩ của mình ngay cả những chuyện thầm kín không bao giờ có thể chia sẻ cùng ai… kể cả vợ hoặc chồng.

Bạn tri kỷ là người dám phê bình những khuyết điểm của ta, những sai lầm của ta mà chẳng sợ ta khó chịu hay giận dỗi…Và bao giờ sau đó cũng cho ta những lời khuyên rất chân thành, có lợi nhất cho ta.

Bạn tri kỷ là người luôn kiên nhẫn lắng nghe ta kể lể đủ điều, nhất là về những điều phiền muộn, khó chịu, những ước mơ hoài bão tưởng chừng như viển vông, hão huyền của ta mà chẳng bao giờ chế giễu, nhạo báng ta hay thấy sốt ruột vì mất thời gian của họ.

Bạn tri kỷ là người âm thầm lặng lẽ mang đến cho ta những hạnh phúc giản dị nhưng chẳng bao giờ kể công.

Tất cả những người yêu ta đều có thể rời bỏ ta ra đi, chỉ có bạn tri kỷ vẫn luôn ở bên ta, họ cho ta mượn một bờ vai ấm áp để tựa, lẳng lặng nghe ta tâm sự cho vơi nỗi buồn, động viên, dỗ dành ta… Dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn tri kỷ cũng luôn ở bên ta, giúp ta vượt qua mọi khó khăn, sóng gió trong cuộc sống.

Nhiều người cứ lầm tưởng rằng đã là bạn tri kỷ thì phải cùng đồng hành trên tất cả những chặng đường đời, phải thường xuyên hẹn hò với nhau như hình với bóng, hay phải buôn chuyện điện thoại với nhau mấy tiếng đồng hồ…Thực ra không phải như vậy. Có khi cả năm chẳng có cơ hội gặp nhau lần nào, cả năm chẳng đi chơi riêng với nhau bao giờ, thi thoảng có gọi điện thoại cũng chỉ nói ngắn gọn vài câu. Ấy nhưng mà mỗi lúc ở cạnh nhau, không cần ai phải nói nhiều, cả hai đều đọc được suy nghĩ của người kia và hiểu hết mọi tính cách của nhau. Đôi khi chỉ là bạn thấy có bài hát, bản nhạc không lời nào hay và gửi cho ta để cùng thưởng thức. Khi nghe những bài hát ấy, bản nhạc ấy, ta cũng dường như cảm nhận được tình cảm của bạn mình gửi gắm ở trong đó.Đôi khi, bạn đi chơi xa, chỉ mua về tặng ta một chiếc vòng đeo tay rất bình thường, không có giá trị về kinh tế nhưng ta lại luôn trân trọng, yêu quý món quà đó hơn cả những chiếc vòng vàng đắt tiền, luôn đeo chiếc vòng đó bên tay cho đến khi chẳng may nó bị vỡ mới thôi. Đôi khi, chỉ cần nghe bạn nói cần tìm mua một giỏ hoa Phong Lan rừng tặng bạn thân, ta sẵn sàng lấy ngay giỏ hoa Phong Lan rừng mà mình yêu thích nhất để mang cho bạn đi tặng người khác. Không phải là chỉ là giúp đỡ chính bạn tri kỷ của mình mà ta còn sẵn sàng giúp đỡ hay làm vui lòng cả những người bạn thân của họ, làm không vì mục đích gì hết, đơn giản là lòng ta cảm thấy vui. Đôi khi, ta được bạn tri kỷ tặng cho một giỏ hoa Phong Lan rừng-Loài hoa mà ta yêu thích nhất. Bạn thì cất công tìm bằng được đúng loài hoa ta yêu thích dù có khó tìm đến mấy, còn ta sẽ cố gắng chăm sóc giỏ hoa đó hằng ngày để đền đáp tấm lòng của bạn. Dường như tình cảm tốt đẹp giữa hai người bạn đều đã được gửi gắm qua giỏ hoa ấy. Đôi khi, bạn đi công tác xa về, mua cho ta một ít hải sản, một hộp bánh Bía, một chai mật ong, một ít khoai lang hay một túi long nhãn… Những món quà đơn giản nhưng chứa chan tình cảm và cả tấm lòng của bạn dành cho ta. Đôi khi, mấy tháng không gặp nhau, không điện thoại, không thư từ liên lạc nhưng chỉ cần nhận được một tấm ảnh chụp chung giữa hai người nhân một dịp nào đó do bạn gửi cho ta, ta cũng cảm thấy ấm áp vô cùng và cảm nhận rằng bạn cũng đang nhớ đến ta chứ không hề lãng quên ta. Đôi khi, ta có bài viết được đăng báo, chỉ đơn giản là gửi tặng bạn một tờ báo có đăng bài viết của ta, ta cũng muốn bạn đọc bài của ta, bạn cũng thích được đọc báo có bài của ta, trân trọng từng tờ báo của ta tặng. Một tờ báo không có gì quý giá nhưng đều thể hiện tình cảm quý mến giữa hai người. Đôi khi, ta có dịp lên vùng biên giới- nơi bạn sống và làm việc để đi công tác. Khi về, ta bị cơn đau dạ dầy hành hạ, bạn không yên tâm để ta đi xe khách một mình nên đã tự lái xe đi cả đoạn đường dài mấy trăm cây số trong đêm đông giá rét, đầy sương mù để đưa ta về Hà Nội. Trời mưa, không nhìn thấy kính, đi đêm buồn ngủ đến mức hai mắt cứ trùng xuống nhưng bạn vẫn phải cố gắng thức để lái xe. Trời gần sáng đưa ta về đến Hà Nội xong thì bạn lại vội vàng lái xe quay về cửa khẩu ngay. Dù sau này, có thể mãi mãi không còn có cơ hội gặp lại nhau nữa, không còn có kỷ niệm nào như thế nữa, một người ở tận biên giới xa xôi, một người ở mãi Hà Nội, nhưng hai người bạn vẫn luôn nhớ về nhau, tình cảm trong nhau vẫn luôn còn nguyên vẹn. Cả hai đều đã có gia đình, dù không thể cùng đồng hành trên mỗi chặng đường đời nhưng họ vẫn luôn nhớ về nhau. Có những ngày mưa, có một người ở tận biên giới, sương lạnh trắng xóa, không ai nhắn tin, gọi điện cho ai nhưng cả hai đều biết rằng người kia cũng đang ngồi ngắm mưa rơi và nhớ tới một người bạn ở phương xa giống như mình. Có lẽ, giữa những người có tình cảm thực sự với nhau thì dù ít có cơ hội gặp nhau, dù ít có thời gian gắn bó bên nhau, dù khoảng cách địa lý có xa xôi đến mấy nhưng trong lòng họ luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho nhau, luôn nhớ đến nhau với những điều thiêng liêng nhất, luôn đặt nhau ở vị trí trang trọng nhất trong trái tim mình.

Theo lý thuyết, người hạnh phúc thì không cần có tình nhân nhưng con người muốn hưởng hạnh phúc trọn vẹn thì vẫn cần có thêm một người bạn tri kỷ.

Vợ hoặc chồng có chung với ta nhiều thứ: chung nhà, chung giường, chung con, chung cả đường đi lối về…Nhưng có khi ta vẫn cảm thấy mình cô đơn với trái tim lạnh ngắt trong chính ngôi nhà của mình. Còn bạn tri kỷ chẳng có gì chung với ta, ngoài kỷ niệm chung, sở thích chung. Nhưng ta luôn cảm thấy ấm áp khi nghĩ về họ.

Ta thường tự tay nấu món ăn ngon chồng thích ăn, mất bao nhiêu công sức và tâm huyết để nấu xong bữa cơm nhưng khi ăn, chồng chẳng bao giờ nói được một câu khen nào dễ nghe, hoặc là không khen hoặc là chê hết cái này đến cái kia.Trong khi, ta chẳng bao giờ nấu ăn cho bạn tri kỷ. Giỏi lắm mới hẹn đi ăn ngoài cùng nhau được một bữa. Nhưng bạn luôn chủ động gọi đủ các món ta thích ăn nhất và hỏi xem ta ăn món này có ngon không, có thích gọi thêm món khác nữa hay không?

Vợ hoặc chồng có thể bỏ ra nhiều tiền để mua những món quà có giá trị tặng ta nhưng ngày lễ tình yêu, ngày quốc tế phụ nữ, ngày sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới…có khi lại không nhớ. Còn bạn tri kỷ chẳng bao giờ mua tặng ta những món quà đắt tiền. Nhưng đi đâu cũng nhớ mua một món quà nhỏ tặng ta làm kỷ niệm, nhân dịp lễ nào cũng gửi tin nhắn hay gọi điện chúc mừng ta đầu tiên trong ngày.

Rõ ràng là bạn tri kỷ luôn hiểu ta nhất, luôn ở bên cạnh ta, luôn giúp ta vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, luôn có ý nghĩa quan trọng trong trái tim ta nhưng tại sao ta lại không chọn họ làm người yêu hay cùng họ nên duyên vợ chồng?Có lẽ vì vợ chồng là nợ nhưng bạn tri kỷ là duyên. Vợ chồng là định mệnh mà định mệnh thường mù quáng bởi định mệnh chọn người theo thời điểm. Bạn tri kỷ là bí mật trong tim, dịu dàng và đẹp đẽ như ánh sáng có khả năng chữa lành mọi vết thương.

Bạn tri kỷ là người mà chúng ta có thể làm đủ trò với họ như một người bạn, có thể lãng mạn như một người yêu và lại là nơi tìm về sau những vấp ngã như một người thân. Cái tình cảm ấy vô cùng thiêng liêng khi vượt trên tình bạn và cũng không cần tính đến cái giới hạn của tình yêu. Bởi giữa tri kỷ với nhau, một cái ôm chân thành, hai bàn tay siết chặt và cùng làm những điều nhỏ nhặt cũng đã đủ thấy vui. Chẳng cần nói, cũng chẳng cần cười, chỉ cần nhìn vào mắt nhau và cảm nhận cũng đủ để hiểu được suy nghĩ của đối phương. Bạn tri kỷ là một người mà không phải ai cũng có thể tìm được, họ ẩn rất sâu như chính bí mật của riêng mỗi người. Vậy nên khi có một ai đó cầm được chìa khóa, mở được chiếc hộp bí ẩn kia để chạm sâu vào từng ngóc ngách của tâm hồn, thì hẳn đó là bạn tri kỷ. Bởi đôi khi giữa những người yêu nhau vẫn còn có sự riêng tư cần phải giữ, nhưng với bạn tri kỷ thì nắm rõ từng suy nghĩ dành cho nhau.

Nếu như bạn đang có một người tri kỷ như thế, hẳn là bạn rất may mắn trong cuộc đời này. Bởi vì tri kỷ là thứ tình cảm vô định hình... Cái mà ta gọi là trên tình bạn nhưng lại thi vị hơn cả tình yêu.

Ai từng nghe qua tích Bá Nha Tử Kì, hẳn sẽ biết câu: “Cao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm”. Đối với một kiếp nhân sinh, trong đời chỉ cần có được một người tri kỷ cũng là hạnh phúc lắm rồi. Chúc tất cả mọi người sẽ tìm thấy cho riêng mình một người bạn tri kỷ và sống một cuộc sống hạnh phúc viên mãn trọn vẹn.



(Thân tặng bạn Hoàng Thu Phương-Giảng viên Tiếng Anh, Khoa Sau đại học,Viện Đại học Mở Hà Nội)

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2015

Th.s Vũ Thị Minh Huyền

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Điều gì giúp đánh bại tham nhũng?







Nguồn: Lucy P. Marcus, “What beats corruption?”, Project Syndicate, 16/02/2016.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tham nhũng là một vấn nạn toàn cầu, đôi khi ăn sâu tại nhiều quốc gia đến mức chống lại nó dường như là điều không thể. Vào tháng 1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số Nhận thức Tham nhũng thường niên, trong đó nhấn mạnh rằng vấn đề này “vẫn là một căn bệnh tồn tại khắp thế giới”.

Ví dụ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa mới cảnh báo Ukraine rằng khoản cứu trợ tài chính trị giá 40 tỉ đôla có thể bị cắt vì những lo ngại rằng các quan chức tham nhũng sẽ ăn cắp hoặc đục khoét những khoản tiền này. Và trong chuyến thăm gần đây đến Mexico, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi các lãnh đạo của Mexico – mà một số những cá nhân đó (bao gồm tổng thống và phu nhân) đang bị dính vào những bê bối về xung đột lợi ích – chống lại tham nhũng.

Nhưng thay đổi là điều có thể, như chúng ta đã thấy trong giới doanh nghiệp toàn cầu trong vài năm vừa qua. Chưa đầy một thập niên trước, các công ty được điều hành từ những phòng “hộp đen” bởi một vài cá nhân với quyền lực dường như không thể đụng đến. Những nhà hoạt động vì quyền cổ đông với mong muốn trái ngược bị coi là một sự phiền toái – quá nhiều những người mơ mộng làm điều tốt nhưng không thể thay đổi gì cả. Điều quan trọng duy nhất, như những người “thực dụng” lập luận, là mức lãi của khoản đầu tư, bất kể cái giá mà con người, hành tinh, và các nền kinh tế phải chịu.

Những người thực dụng đã sai. Từ đầu năm nay, Warren Buffett của Berkshire Hathaway và Tổng giám đốc của JP Morgan Chase Jamie Dimon đã tổ chức những cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp khác để thảo luận về những cải thiện có thể đạt được trong quản lý doanh nghiệp. Vào ngày 1 tháng 2, Laurence Fink, Tổng giám đốc của Công ty đầu tư BlackRock, viết một lá thư gửi đến một số các công ty lớn nhất thế giới với nội dung cảnh báo mạnh mẽ chống lại lối suy nghĩ ngắn hạn và yêu cầu các công ty phải hoạch định các kế hoạch chiến lược rõ ràng.

Ngày hôm sau, luật sư doanh nghiệp Martin Lipton, một nhà phê bình lâu năm chống lại các nhà hoạt động vì quyền cổ đông, xuất bản một bài viết mang tên “Mô hình quản lý doanh nghiệp mới.” Lipton thừa nhận rằng các nhà đầu tư dài hạn chủ động sẽ tồn tại lâu dài và các công ty cần phải tuân theo những tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản lý ngặt nghèo hơn và chú trọng hơn tới trách nhiệm xã hội của công ty.

Tương tự như thế, quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy gần đây tuyên bố rằng họ sẽ buộc các công ty trong danh mục đầu tư của họ phải chịu trách nhiệm về hồ sơ nhân quyền của mình. Và phụ nữ, một thời từng được nói rằng bình đẳng giới tính trong hội đồng quản trị có thể đạt được trong vòng một thế hệ, giờ sẽ được hưởng lợi vì luật về quota nam – nữ (trong hội đồng công ty) đã được thông qua vào năm ngoái ở Ý, Đức và Pháp.

Những điều này không xảy ra trong một đêm. Thay đổi giờ đến nhanh hơn, nhưng là do những lực đẩy được tích tụ theo thời gian. Những người tố cáo tham nhũng sẽ không bị bịt miệng, các phóng viên sẽ điều tra các doanh nhân xấu, và các nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm cho các lựa chọn của mình (dẫn đến việc họ phải hành xử như quỹ đầu tư quốc gia Na Uy). Những ảnh hưởng cộng dồn và tương hỗ lẫn nhau của những điều nói trên cùng các nhân tố khác đã đem đến những thay đổi mà gần đây được coi là điều không tưởng.

Rõ ràng là đường đi vẫn còn dài, không ai đang treo lên băng rôn “nhiệm vụ đã hoàn tất”. Nhưng quá trình thay đổi này đã cung cấp một lộ trình cho trận chiến chống tham nhũng.

Một thời chỉ có một số tổ chức phi chính phủ lên tiếng lo ngại về tham nhũng, và lâu lâu chỉ có một số phóng viên dũng cảm viết được về những điều mà họ và những người khác đã quan sát thấy. Chống tham nhũng dường như là việc bất khả thi, với những thành quả nhỏ nhoi đáp lại những nỗ lực khó khăn và đơn độc.

Nhưng các tiếng nói đó đã được nhân lên và củng cố, và giờ đã trở thành một điệp khúc mạnh mẽ hơn.

Các chính phủ giờ đang thông qua những đạo luật cứng rắn hơn, như Đạo luật chống hối lộ 2010 của Anh, và những cơ chế giám sát sâu rộng như Công ước phòng chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc đã khuyến khích làm thêm luật và tăng cường thực thi chúng. Các công ty giờ đang chịu áp lực thực thụ phải tuân theo các quy định phòng chống tham nhũng, và nhiều vụ lớn – từ bê bối tham nhũng ở Mexico của Walmart (bao gồm việc vi phạm luật chống các hành vi tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ) đến các đối tượng đang nằm trong tầm ngắm của lực lượng thực thi pháp luật, như là Petrobras, Rolls-Royce, TeliaSonora và FIFA – tất cả đều có thể giúp nâng cao mức răn đe.

Và các quan chức nhà nước (cấp cao) giờ cũng đang bị truy tố. Cựu tổng thống Guatemala Otto Perez Molina đã bị buộc phải từ chức và sau đó phải ngồi tù vì tham nhũng. Chủ tịch Hạ viện Indonesia cũng bị buộc phải từ chức sau khi ông bị bắt quả tang vòi vĩnh một chi nhánh của công ty khai thác khoáng sản Freeport-McMoRan. Và Tòa đặc biệt về các tội tham nhũng của Indonesia vừa mới tuyên phạt cựu bộ trưởng năng lượng và tài nguyên Jero Wacik bốn năm tù.

Báo chí đã đóng một vai trò lớn hơn. Các phóng viên đã thu thập được nhiều thông tin hơn và có nhiều phương tiện hơn để chia sẻ các câu chuyện của họ, bao gồm mạng xã hội. Và họ đang đưa tin về những người dân mà khi đối mặt với tham nhũng tràn lan đã không thể còn im lặng được nữa. Ví dụ như ở Moldova, nước nghèo nhất châu Âu, một bê bối ngân hàng lên tới cả tỷ đô đã khuấy động một làn sống biểu tình rộng rãi của người dân nhằm kêu gọi bầu cử sớm.

Đây là kiểu động lực báo trước cho những thay đổi thực sự. Thực tế, nhiều quan chức chính phủ đang có lập trường nguyên tắc. Ở Ukraine, Aivaras Abromavicius đã từ chức Bộ trưởng phát triển kinh tế và thương mại với lý do rằng đang có những ngăn cản chống lại các biện pháp chống tham nhũng ở cấp cao.

Và việc chống tham nhũng đang tạo nên những khác biệt. Những công ty bán hàng xa xỉ, như là Prada và LVMH, nói rằng nỗ lực phòng chống hối lộ của Trung Quốc là một lý do khiến doanh số của họ giảm xuống. Hồi đầu năm nay, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng ông muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia nơi “không ai dám tham nhũng.” (Dĩ nhiên, chính sách của Trung Quốc về tham nhũng không phải là không có các ngụ ý chính trị đáng lo ngại.)

Tham nhũng nảy nở ở những nơi mà quyền lực, sự bí mật và đàn áp kết hợp với nhau. Nó sẽ bị đánh tan bởi việc huy động xã hội dân sự, ánh sáng, và sự thực thi pháp luật nghiêm túc. Những người coi tham nhũng là vấn nạn khó chữa nên ghi nhận về những quá trình tương tự vốn đã và đang thay đổi phương cách quản trị doanh nghiệp.

Lucy P. Marcus, nhà sáng lập và tổng giám đốc của Marcus Venture Consulting Ltd., là giáo sư ngành lãnh đạo và quản lý tại Trường Kinh doanh IE và là thành viên không điều hành của hội đồng quản trị công ty Atlantia SpA.

- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/03/13/dieu-gi-giup-danh-bai-tham-nhung/#sthash.2x7Eq4rn.dpuf

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Bắt Đầu Và Kết Thúc Từ Một Mùa Xuân






Dương Như Tâm




... mùa xuân dân tộc, ngày tết cổ truyền của Việt Nam không phải là dịp để rãnh rang đi du lịch hay tụ họp ăn uống hoặc khoe khoang sự giàu sang giả ảo; mà là dịp để người thân, con cháu trong gia đình đoàn tụ với nhau. (DKT)

Nhớ tính triết lý của bộ phim Hàn Quốc "Xuân Hạ Thu Đông rồi Xuân" trước đây chắc rằng ai cũng đã từng một lần xem qua. Nếu nói cho tròn câu để tựa đề bộ phim thêm hấp dẫn là "Xuân Hạ Thu Đông" thì có thể sẽ không gây thắc mắc. Thêm một từ "Xuân" nữa vào có lẽ những người thực hiện không đơn giản ý niệm rằng không chỉ là thêm mà là khằng định quy luật tất yếu cõi nhân gian. Với triết lý nhà Phật, chuyện xuân hay không xuân chẳng có gì là ý nghĩa, tất cả do cuộc sống mà ra và đương nhiên từ cuộc sống mà diệt. Chẳng có chi là quan trọng.


Vậy nên, nếu chúng ta chấp nhận theo nghĩa sống thế gian, thì các nhà làm phim thêm chữ xuân ấy vào thì cũng nên hiểu nó khác với chữ xuân đầu.






Con người ta vì thế chọn mùa xuân là mùa của sự sống, của hy vọng tốt đẹp. Năm qua mình sống vui buồn sướng khổ đan xen nên xuân lại đến với chúng ta lại mang một màu áo mới. Có ai đó thầm ước nguyện năm cũ mau qua cho năm mới lại về, gởi vào đó tất cả những hy vọng, hoài bảo tốt đẹp và yên bình nhất cho cuộc sống. Và cứ thế, mùa xuân cứ lặp đi lặp lại bằng những điệp khúc gian nan chốn nhân gian ấy. Vậy thì nói "đời là bể khổ" thì có gì sai đâu ! Mình vui buồn sướng khổ do chính nghiệp dĩ của mình ấy thôi.


Tất nhiên, mùa xuân của mỗi người mỗi khác, ví như những vui buồn sướng khổ của từng người đều khác biệt. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là biệt nghiệp mỗi một chúng sanh đều khác nhau. Cho nên mùa xuân với anh thì bắt đầu nhưng mùa xuân với tôi thì kết thúc. Kết thúc một chuyện đời, một phần nghiệp dĩ đã gian nan thực thi nhiệm vụ trả hết cho người suốt năm qua !


Nghĩ về mùa xuân, ngày tết dân tộc Việt Nam.


Người học phật chúng ta may mắn nhận ra được những điều đó nên xuân đến xuân đi thì cứ như lẽ tự nhiên, không hững hờ mà cũng chẳng nồng nhiệt làm chi với mớ lo toan, mệt mỏi rồi cho đó là mùa xuân. Có đáng nói chăng là từ trong ý niệm chốn nhân gian này, mùa xuân gắn liền với nền tảng dân tộc, với cuộc sống đầy ước vọng, luôn muốn được vươn lên của chốn tối tăm nghèo đói. Mùa xuân được trân trọng từ ý niệm đó. Và khi nền tảng dân tộc được trường tồn bằng sức sống văn hóa đặc trưng, thì chuyện mùa xuân ở đây lại trở nên thiêng liêng cao cả, mang ý nghĩa thiết yếu trong đời sống hiện tại và mai sau của cả một dân tộc.


Một chàng sinh viên, một chị làm nghề Osin hay những nghề lao động chân tay thì mong ước mùa xuân về để làm thêm tăng thu nhập gởi về cho gia đình. Trong khi đó một người làm dâu trong một gia đình phong kiến thì lại mong mỏi mùa xuân đừng về để khỏi bị nhà chồng sai khiến mệt lừ ba ngày tết ! Ngoài ra còn có những tư tưởng lợi dụng nền tảng kinh tế, nông nghiệp chen vào yêu cầu ăn tết tây, bỏ tết ta, thực chất chỉ vì những người, này cảm thấy khó chịu trước những tập tục dân tộc ngày tết mang ý nghĩa nhân văn rất cao..v..v.. Đó là khái lược tổng hợp các diễn đàn vừa qua báo chí mở ra để tranh thủ ý kiến bạn đọc. Trong đó có một ý kiến ngắn mà cũng là khằng định đúc kết rằng "những ai muốn bỏ ngày tết dân tộc, hay muốn ngày tết ngắn lại, đó không phải là người Việt Nam".


Mỗi người trong chúng ta, khi bước lên đường, hòa nhập vào dòng chảy thời gian, dù có mang màu sắc khác biệt dân tộc nơi xứ người, đều mang theo trong hành trang một gia tài quý giá của dân tộc, xuất phát từ cuộc sống gia đình. Rất không may cho các thế lực u minh chống phá ngày tết - mùa xuân dân tộc, ngày tết cổ truyền của Việt Nam không phải là dịp để rãnh rang đi du lịch hay tụ họp ăn uống hoặc khoe khoang sự giàu sang giả ảo; mà là dịp để người thân, con cháu trong gia đình đoàn tụ với nhau. Chính cái nét đẹp ấy giúp cho ngày tết dân tộc Việt Nam có ý nghĩa sống động, lung linh nhất mà khắp nơi đều hết lời ngưỡng mộ và ca ngợi. Ngày tết Việt Nam dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nghèo khó hay trong hạnh phúc sum vầy vẫn chỉ có một gam màu đoàn tụ rất đẹp ấy. Lúc ngặt nghèo thì một hai đòn bánh tét, bánh chưng dâng cúng ông bà ba ngày tết cũng đâu có mất ý nghĩa; còn khi giàu thì lễ nghĩa tươm tất hơn , hiếu hỷ mừng tuổi nhau, lì xì cho các cháu nhỏ, góp thêm nét đẹp vốn đã đẹp quá chừng rồi của ngày tết dân tộc chúng ta.


Mùa xuân hằng năm có ngày tết dân tộc thêm rạo rực là vậy. Bởi vì mùa xuân mới là sự bắt đầu của một hành trang mới bước vào những ngày tháng chờ đợi phía trước, bỏ lại sau lưng những ưu phiền năm cũ, trong đó có mùa xuân cũ đã qua.


Trong chốn nhân gian, từ hiện tượng duyên sinh của đất trời, con người đã định vị được ngày tháng và bốn mùa luân chuyển và đặt tên cho đó những xuân hạ thu đông. Để con người có chỗ mà vịnh vào đó để sống, để đấu tranh với nghịch duyên và để tồn tại. Vì thế, thêm một từ xuân vào vòng xoay bốn mùa như bộ phim nói trên là Xuân Hạ Thu Đông rồi Xuân âu cũng đâu có gì sai biệt hay mất đi ý nghĩa mà cũng do chính con người đã biết dùng đến trí khôn từ thuở khai thiên lập địa đến tận bây giờ .
Vâng! Tất cả phải bắt đầu từ mùa xuân để rối chính mùa xuân cũng là điểm ta phải đến, phải kết thúc.





Xuân Đinh Dậu 2017





Dương Như Tâm