" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017
“SƯỢNG MẸ, BỞ CON” NGHĨA LÀ SAO?
HOÀNG TUẤN CÔNG
Tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” có nhiều cách giảng rất khác nhau.
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Sượng mẹ bở con: (Củ cái khoai sọ càng) sượng thì củ con tất càng bở. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Đừng vội coi khinh những thứ có vẻ ngoài xấu xí vì lắm thứ thực chất vốn khác xa vẻ ngoài”.
-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Sượng mẹ bở con: Sượng là nói khoai chưa thực chín, còn sần sật) Ý nói: Mẹ phải chịu đựng khó khăn để cho con được sung sướng”.
-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Sượng mẹ bở con: Một kinh nghiệm chọn khoai sọ (cây thân cỏ cùng họ với ráy, lá to, cuống dài hình măng, củ hình cầu, thường mang nhiều củ con, nhiều bột dùng để ăn): củ cái ăn sượng, cứng, không ra gì, củ con ăn ngon, bở”.
-“1576 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia), sách này bác đi cách giảng của GS Nguyễn Lân, Nhóm Vũ Dung, và đưa ra cách hiểu khác: “Theo thói thường thì giống khoai nào thì củ mẹ sẽ đẻ ra các củ con theo giống ấy. Củ mẹ thuộc giống bở thì sẽ đẻ ra củ con cũng bở, củ mẹ sượng thì sẽ đẻ ra củ con cũng sượng. Đàng này củ mẹ thuộc giống sượng, mà lại đẻ ra củ con thuộc giống bở, thật là sự hãn hữu, ít có vậy. Ý nói: mẹ dở mà sinh con hay, mẹ xấu mà sinh con tốt. Câu này cũng giống câu “Xấu giây tốt củ” (Giây (sic) khoai lang quá già hoặc sâu sia, hoặc đã hơi héo...đem trồng xuống và tưởng rằng sẽ ít củ, củ xấu...vậy mà lại có số củ rất nhiều, rất tốt). Thí dụ: “Đúng là ‘sượng mẹ bở con’, gia đình nó chẳng ra gì mà nó thì lại rất đàng hoàng”.
Theo chúng tôi, cách hiểu “Mẹ phải chịu đựng khó khăn để cho con được sung sướng” (GS Nguyễn Lân) khó thuyết phục. Vì mẹ ăn miếng chưa chín, nhường con miếng đã chín, không phải là sự “chịu đựng khó khăn” (chuyện đó nếu có, chỉ là khó khăn chốc lát).
Cách hiểu của Lê Gia càng không ổn.[1] Vì đối với một số cây trồng bằng hạt (như cây ăn quả) có thể có hiện tượng cây con không giữ được ưu thế của cây mẹ (ví như cây mẹ cho quả ngọt, nhưng trong số 10 cây con, sẽ có một cây cho quả chua). Tuy nhiên, với loại cây lấy củ, gây giống bằng hom, hoặc củ, như sắn, khoai, thì giống mẹ thế nào, sẽ cho củ như thế. Nếu cùng một giống, thì tỉ lệ tinh bột chủ yếu phụ thuộc vào chất đất, dinh dưỡng, thời vụ...Đất giàu lân, ka li, tơi xốp, thoát nước tốt, trồng đúng thời vụ, thì củ nhiều tinh bột (bở). Ngược lại, với loại đất thịt nặng, trũng nước, nghèo lân, ka li, trồng trái vụ, thì tinh bột kém. Cũng không có quy luật củ mẹ càng sượng thì “củ con tất càng bở”, như Nguyễn Đức Dương giải thích (chúng tôi sẽ nói rõ ở phần sau).
Cùng bụi khoai tây, nhưng củ nhỡ, củ "bi" ăn ngon hơn củ to
Ảnh: Sưu tầm
Trong thực tế, tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” được dùng với nghĩa là kinh nghiệm lựa chọn, đánh giá chất lượng các loại khoai, củ (sắn, dong, khoai lang, khoai tây, khoai sọ...) Củ cái to nhưng thường sượng, củ nhỏ mới là củ bở, ngon. Nguyên do: Củ là phần thân ngầm (hoặc rễ) dưới đất phình ra, chứa chất dinh dưỡng dự trữ, dùng để nuôi cây trong một số thời điểm (ví như thời kì thân lá tàn lụi trong mùa đông, không còn khả năng quang hợp, thì cây sẽ sử dụng nguồn dự trữ dinh dưỡng từ củ để tồn tại trong lòng đất).
Một số loại cây hàng năm như: gừng, nghệ, khoai lang, khoai tây, khoai sọ, khoai riềng (còn gọi dong riềng, dong tây), dong ta... thường được nông dân trồng bằng củ. “Củ cái” (củ mẹ, củ giống) sau khi nảy chồi, đẻ nhánh (sinh củ con) vẫn tiếp tục sinh trưởng và tồn tại trong đất. Khi thu hoạch, thường “củ cái” đã tiêu đi; nếu còn, ăn sẽ bị sượng, do đã cung cấp chất dinh dưỡng cho quá trình nuôi thân, tạo rễ, củ mới. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra loại củ "mẹ" to như thế này, nhưng ăn không ngọn, không bở.
Còn một loại củ cái (củ mẹ) nữa, được hiểu là củ sinh ra từ lứa đẻ đầu tiên. Với cây hàng năm, hết một chu kì sinh trưởng, thì thân lá sẽ tàn đi. Toàn bộ phần củ nếu không được thu hoạch, thì vẫn tồn tại trong đất, sống bằng nguồn dinh dưỡng dự trữ. Đến chu kì sinh trưởng mới, chất tinh bột trong lứa củ cái vụ trước dần chuyển hoá thành đường để nuôi cây trong quá trình nẩy chồi, phát triển thân lá và đẻ ra lứa củ mới.[2] Bởi vậy, những loại củ cái, củ mẹ quá lứa hoặc tồn tại từ vụ trước tuy to, già nhưng do còn ít tinh bột nên ăn sượng. Các củ con có kích thước tương đương củ mẹ, hoặc nhỏ hơn, nhưng thuộc loại “bánh tẻ” (không non, không già), ăn bở, ngon, vì vừa đủ thời gian sinh trưởng, chất tinh bột nhiều. Bởi thế, cùng một bụi dong, hoặc bụi sắn, nhưng có củ rất bở, nhiều bột, có củ lại sượng; cùng bụi khoai tây, nhưng củ to ăn sượng, nhạt, củ bi ăn bở, ngon, là vậy.
Sắn là cây hàng năm, nhưng có thể tồn tại dưới lòng đất nhiều năm
Khi thu hoạch, củ to, quá lứa ăn sượng, hoặc dẻo, củ nhỏ ăn bở
Ảnh: Sưu tâm
Từ thực tế đó, đối với cây trồng có chu kì sinh trưởng hàng năm như khoai, sắn, khi thân lá bắt đầu úa vàng, có dấu hiệu “xuống mã”, thì nông dân thu hoạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Theo đây, nếu để quá lâu trong đất, sẽ đến lúc cả củ mẹ lẫn củ con đều sượng, chứ không có chuyện củ mẹ “càng sượng”, thì “củ con tất càng bở” (như cách giải thích của Nguyễn Đức Dương).
Như vậy, từ “sượng”, trong câu “Sượng mẹ, bở con”, được hiểu theo nghĩa thứ hai mà Từ điển Vietlex đã giảng: “ở trạng thái nấu chưa được chín, hoặc do bị kém phẩm chất, không thể nào nấu cho chín mềm được.” Củ “mẹ” sượng, là củ đã quá lứa, củ “con” bở là củ bánh tẻ, vừa độ thu hoạch.
Cách hiểu của Nhóm Vũ Dung là đúng hướng, nhưng chưa đúng bản chất vấn đề. Nghĩa là “sượng mẹ, bở con” không chỉ được hiểu riêng với “khoai sọ”. Mặt khác, trong thực tế, còn một loại củ con nữa, đó là củ non (sinh sau lứa củ nhỡ, ăn bở), do chưa đủ thời gian chuyển hoá đường thành tinh bột, nên ăn cũng rất sượng. Bởi vậy, không đơn giản cứ củ to là sượng, còn củ con là bở.
Như vậy, có thể hiểu, tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” là kinh nghiệm lựa chọn, phân loại, đánh giá chất lượng các loại củ, cũng là kinh nghiệm xác định thời điểm thu hoạch để có được sản phẩm củ chất lượng cao nhất. Ví dụ, đối với khoai lang, dựa vào thời gian sinh trưởng của giống và kết hợp quan sát, nếu thấy có biểu hiện ngừng sinh trưởng, "xấu mã" (các lá phần gốc ngả màu vàng), bới kiểm tra thấy vỏ củ nhẵn, ít nhựa, thì tiến hành thu hoạch.
Hoàng Tuấn Công/3/2017
[1]- Lê Gia giảng câu “Xấu giây tốt củ” nghie là “Giây (sic) khoai lang quá già hoặc sâu sia, hoặc đã hơi héo...đem trồng xuống và tưởng rằng sẽ ít củ, củ xấu...vậy mà lại có số củ rất nhiều, rất tốt”. Cách hiểu này hoàn toàn phi khoa học. Vì chọn “dây” (hom giống) khoai lang phải là loại “bánh tẻ” (không non, không già), mập mạp, không sâu bệnh, càng đem trồng kịp thời càng tốt. Không có chuyện hom “quá khoai lang quá già hoặc sâu sia” mà lại cho “số củ rất nhiều, tốt”. Câu tục ngữ “Xấu dây, tốt củ”, được hiểu như thế nào, chúng tôi xin hẹn bạn đọc trong một bài khác.
[2] Ngay cả với củ khoai lang, hoặc khoai tây đã thu hoạch, cất trữ rồi, nhưng để lâu chưa ăn đến, thì lượng tinh bột cũng sẽ tự chuyến hoá thành đường, khiến củ kém bở. Bởi vậy, khoai lang để lâu, hoặc “mót” được củ sót lại trên ruộng, ăn sống thì rất ngọt, nhưng luộc lên lại kém bở là vậy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét