Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Điều gì giúp đánh bại tham nhũng?







Nguồn: Lucy P. Marcus, “What beats corruption?”, Project Syndicate, 16/02/2016.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tham nhũng là một vấn nạn toàn cầu, đôi khi ăn sâu tại nhiều quốc gia đến mức chống lại nó dường như là điều không thể. Vào tháng 1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số Nhận thức Tham nhũng thường niên, trong đó nhấn mạnh rằng vấn đề này “vẫn là một căn bệnh tồn tại khắp thế giới”.

Ví dụ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa mới cảnh báo Ukraine rằng khoản cứu trợ tài chính trị giá 40 tỉ đôla có thể bị cắt vì những lo ngại rằng các quan chức tham nhũng sẽ ăn cắp hoặc đục khoét những khoản tiền này. Và trong chuyến thăm gần đây đến Mexico, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi các lãnh đạo của Mexico – mà một số những cá nhân đó (bao gồm tổng thống và phu nhân) đang bị dính vào những bê bối về xung đột lợi ích – chống lại tham nhũng.

Nhưng thay đổi là điều có thể, như chúng ta đã thấy trong giới doanh nghiệp toàn cầu trong vài năm vừa qua. Chưa đầy một thập niên trước, các công ty được điều hành từ những phòng “hộp đen” bởi một vài cá nhân với quyền lực dường như không thể đụng đến. Những nhà hoạt động vì quyền cổ đông với mong muốn trái ngược bị coi là một sự phiền toái – quá nhiều những người mơ mộng làm điều tốt nhưng không thể thay đổi gì cả. Điều quan trọng duy nhất, như những người “thực dụng” lập luận, là mức lãi của khoản đầu tư, bất kể cái giá mà con người, hành tinh, và các nền kinh tế phải chịu.

Những người thực dụng đã sai. Từ đầu năm nay, Warren Buffett của Berkshire Hathaway và Tổng giám đốc của JP Morgan Chase Jamie Dimon đã tổ chức những cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp khác để thảo luận về những cải thiện có thể đạt được trong quản lý doanh nghiệp. Vào ngày 1 tháng 2, Laurence Fink, Tổng giám đốc của Công ty đầu tư BlackRock, viết một lá thư gửi đến một số các công ty lớn nhất thế giới với nội dung cảnh báo mạnh mẽ chống lại lối suy nghĩ ngắn hạn và yêu cầu các công ty phải hoạch định các kế hoạch chiến lược rõ ràng.

Ngày hôm sau, luật sư doanh nghiệp Martin Lipton, một nhà phê bình lâu năm chống lại các nhà hoạt động vì quyền cổ đông, xuất bản một bài viết mang tên “Mô hình quản lý doanh nghiệp mới.” Lipton thừa nhận rằng các nhà đầu tư dài hạn chủ động sẽ tồn tại lâu dài và các công ty cần phải tuân theo những tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản lý ngặt nghèo hơn và chú trọng hơn tới trách nhiệm xã hội của công ty.

Tương tự như thế, quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy gần đây tuyên bố rằng họ sẽ buộc các công ty trong danh mục đầu tư của họ phải chịu trách nhiệm về hồ sơ nhân quyền của mình. Và phụ nữ, một thời từng được nói rằng bình đẳng giới tính trong hội đồng quản trị có thể đạt được trong vòng một thế hệ, giờ sẽ được hưởng lợi vì luật về quota nam – nữ (trong hội đồng công ty) đã được thông qua vào năm ngoái ở Ý, Đức và Pháp.

Những điều này không xảy ra trong một đêm. Thay đổi giờ đến nhanh hơn, nhưng là do những lực đẩy được tích tụ theo thời gian. Những người tố cáo tham nhũng sẽ không bị bịt miệng, các phóng viên sẽ điều tra các doanh nhân xấu, và các nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm cho các lựa chọn của mình (dẫn đến việc họ phải hành xử như quỹ đầu tư quốc gia Na Uy). Những ảnh hưởng cộng dồn và tương hỗ lẫn nhau của những điều nói trên cùng các nhân tố khác đã đem đến những thay đổi mà gần đây được coi là điều không tưởng.

Rõ ràng là đường đi vẫn còn dài, không ai đang treo lên băng rôn “nhiệm vụ đã hoàn tất”. Nhưng quá trình thay đổi này đã cung cấp một lộ trình cho trận chiến chống tham nhũng.

Một thời chỉ có một số tổ chức phi chính phủ lên tiếng lo ngại về tham nhũng, và lâu lâu chỉ có một số phóng viên dũng cảm viết được về những điều mà họ và những người khác đã quan sát thấy. Chống tham nhũng dường như là việc bất khả thi, với những thành quả nhỏ nhoi đáp lại những nỗ lực khó khăn và đơn độc.

Nhưng các tiếng nói đó đã được nhân lên và củng cố, và giờ đã trở thành một điệp khúc mạnh mẽ hơn.

Các chính phủ giờ đang thông qua những đạo luật cứng rắn hơn, như Đạo luật chống hối lộ 2010 của Anh, và những cơ chế giám sát sâu rộng như Công ước phòng chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc đã khuyến khích làm thêm luật và tăng cường thực thi chúng. Các công ty giờ đang chịu áp lực thực thụ phải tuân theo các quy định phòng chống tham nhũng, và nhiều vụ lớn – từ bê bối tham nhũng ở Mexico của Walmart (bao gồm việc vi phạm luật chống các hành vi tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ) đến các đối tượng đang nằm trong tầm ngắm của lực lượng thực thi pháp luật, như là Petrobras, Rolls-Royce, TeliaSonora và FIFA – tất cả đều có thể giúp nâng cao mức răn đe.

Và các quan chức nhà nước (cấp cao) giờ cũng đang bị truy tố. Cựu tổng thống Guatemala Otto Perez Molina đã bị buộc phải từ chức và sau đó phải ngồi tù vì tham nhũng. Chủ tịch Hạ viện Indonesia cũng bị buộc phải từ chức sau khi ông bị bắt quả tang vòi vĩnh một chi nhánh của công ty khai thác khoáng sản Freeport-McMoRan. Và Tòa đặc biệt về các tội tham nhũng của Indonesia vừa mới tuyên phạt cựu bộ trưởng năng lượng và tài nguyên Jero Wacik bốn năm tù.

Báo chí đã đóng một vai trò lớn hơn. Các phóng viên đã thu thập được nhiều thông tin hơn và có nhiều phương tiện hơn để chia sẻ các câu chuyện của họ, bao gồm mạng xã hội. Và họ đang đưa tin về những người dân mà khi đối mặt với tham nhũng tràn lan đã không thể còn im lặng được nữa. Ví dụ như ở Moldova, nước nghèo nhất châu Âu, một bê bối ngân hàng lên tới cả tỷ đô đã khuấy động một làn sống biểu tình rộng rãi của người dân nhằm kêu gọi bầu cử sớm.

Đây là kiểu động lực báo trước cho những thay đổi thực sự. Thực tế, nhiều quan chức chính phủ đang có lập trường nguyên tắc. Ở Ukraine, Aivaras Abromavicius đã từ chức Bộ trưởng phát triển kinh tế và thương mại với lý do rằng đang có những ngăn cản chống lại các biện pháp chống tham nhũng ở cấp cao.

Và việc chống tham nhũng đang tạo nên những khác biệt. Những công ty bán hàng xa xỉ, như là Prada và LVMH, nói rằng nỗ lực phòng chống hối lộ của Trung Quốc là một lý do khiến doanh số của họ giảm xuống. Hồi đầu năm nay, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng ông muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia nơi “không ai dám tham nhũng.” (Dĩ nhiên, chính sách của Trung Quốc về tham nhũng không phải là không có các ngụ ý chính trị đáng lo ngại.)

Tham nhũng nảy nở ở những nơi mà quyền lực, sự bí mật và đàn áp kết hợp với nhau. Nó sẽ bị đánh tan bởi việc huy động xã hội dân sự, ánh sáng, và sự thực thi pháp luật nghiêm túc. Những người coi tham nhũng là vấn nạn khó chữa nên ghi nhận về những quá trình tương tự vốn đã và đang thay đổi phương cách quản trị doanh nghiệp.

Lucy P. Marcus, nhà sáng lập và tổng giám đốc của Marcus Venture Consulting Ltd., là giáo sư ngành lãnh đạo và quản lý tại Trường Kinh doanh IE và là thành viên không điều hành của hội đồng quản trị công ty Atlantia SpA.

- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/03/13/dieu-gi-giup-danh-bai-tham-nhung/#sthash.2x7Eq4rn.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét