Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Đêm nay....



Hỗn loạn bóng
Hỗn loạn dao đâm
Hồn ma thức dậy
Chạm vào đêm, bàn tay của nước…

Vuốt qua
Mơn man
Chờ đợi
Ào ào đổ
Sẽ chẳng còn lại gì giữa cõi miên man

Chỉ còn đêm nay thôi
Chỉ còn đêm nay thôi
Đêm của những cơn điên
Lửa thiêng chỉ còn là ảo giác

Tiếng gầm gừ loài nhân sư đang kêu gọi
Còn có vĩnh viễn nào lâu hơn bánh xe luân hồi
Chỉ có đêm nay thôi
Bánh xe dừng lại

Không còn quá khứ
Chỉ có những bàn tay với lên từ hố đen vũ trụ
Nhưng chỉ nắm được vô hình vô ảnh

Vạn vật đều hư vô
Một cái chạm của anh với em
Lại là điều thật nhất

Hà Thủy Nguyên

Khúc ca quy ẩn

TƯỜNG LINH


Khúc ca quy ẩn


Bạch diện qua rồi, vẫn trắng tay
thư sinh buổi trước, gã cuồng nay
lạc đường, quay ngựa, vương tình bút
xa ruộng, lìa quê, nhớ luống cày
đọc sách nửa đời chưa sáng ý
bão bùng tơi tả cánh mơ bay
nghìn câu nguyện ước tan theo mộng
ráng đỏ mây phai nắng cuối ngày
hiên vắng ta ngồi đêm nguyệt tận
mắt buồn người hiện giữa cơn say

Khúc thu người tiễn ta chiều cũ
dương liễu đầu sông lá rụng đầy
không chén trường đình mà lảo đảo
không màng sự nghiệp cũng ngây ngây
sông Thu nào phải là sông Dịch
hai phía thầm đau nhạn lạc bầy
ta đã hẹn người ngày tái kiến
hội xuân đời ghép hội rồng mây
người không còn nữa, ta phiêu bạt
trở lại, còn ai gặp nữa đây?
quê cũ, cổng làng ai đứng đợi?
chiều xuân lạnh chiếu rượu xuân bày
sông xưa lở cả đôi bờ đẹp
hoang vắng, đò thôi cập bến này
trời mênh mông quá, vô tình quá!
không hận nhưng lòng tiếc lắm thay!
vốn nặng cưu mang tình cố lý
về nhìn hiên cúc gió thu lay
ta ngâm khe khẽ bài tương biệt
người trách thầm qua nét nhíu mày
nhân ảnh mờ chìm trong đáy cốc
rượu chiều sóng sánh bởi heo may
ta chờ nghe tiếng thân thương cũ
người gửi riêng ta thuở đọa đày
chiều bỗng tuôn mưa, trời nổi sấm
chén buồn còn lại chất men cay
bóng người mãi mãi là hư ảnh
mưa suốt đêm trường, gió lạnh vây
rượu rót chờ người không hiện nữa
bài thơ chiêu niệm ý hao gầy

Cố nhân! ta gọi tên bằng hữu
vạn nẻo trầm luân mất dấu giày
ta ngó lên nguồn, trông xuống biển
hỏi cùng nam bắc, hỏi đông tây…
lặng im, xẻ nghé tan đàn hết!
tiếp những mười năm hẹn đã chầy
mồ bạn lạc loài bao cõi lạ
nén hương chưa đốt tỏ lòng này
tri âm tri kỷ như sao sớm
chút nghĩa kim bằng cũng hiếm thay!

Cuối cuộc viễn trình đơn độc quá!
bơ phờ cánh hạc khép đường bay
gẫm bao chí lớn trong thiên hạ
chẳng được còn xanh với cỏ cây
thì ta một chấm nhân sinh nhỏ
mong mỏi gì hơn ở kiếp này?
cũng chẳng tính chi còn với mất
càng không than vãn chuyện riêng tây
đàn xưa trỗi lại bài lưu thủy
lắm nỗi niềm trao với nước mây
khúc ca quy ẩn đưa xa nhịp
khắc nét đời thơ chiếc bóng gầy
vang mãi dư âm triều hệ lụy
thơ chào tuyệt tích gửi ai đây?
Tân Tỵ - 2001



TẦN HOÀI DẠ VŨ


Quy ẩn, về đâu?

Kính tặng anh Tường Linh (nhân đọc “Khúc ca quy ẩn”)

Chiều xuống bên trời, mưa nữa đây
buồn như triều rộng sóng dâng đầy
phương xa đã thấm mùi lưu lạc
đã ngán chuyện mình mãi đổi thay
chẳng tiếc hư danh, đành phận mỏng
xoa tay mộng ngắn chẳng qua ngày
chiều nao soi bóng trong vinh hiển
để tối nay ngồi nhẫm đắng cay
thôi thế màu đời trăm sắc ảo
ngày về mây trắng trói hai tay

Nhớ xưa ta đến đời như mới
nuôi mộng sông hồ mắt đắm say
phơi phới tim vui lòng nhịp bước
buồn đau ngỡ đạp dưới chân giày
ta đi không nhớ người thương nhớ
không tiếc tình vương ở cuối mày
không hẹn đâu màng câu lỗi hẹn
cười khinh danh lợi thế gian này
đâu hay đời cứ cho gian dối
thế sự trêu người mưa bóng mây
lối cũ quay về sương khói lạnh
tuổi xuân che mặt khóc hao gầy
thì ra ảo tưởng là ta đấy
và cũng là ta kẻ trót vay
giấc mộng sông hồ tan bọt nước
cười mình trí cạn, chẳng cơ may
“gẫm bao chí lớn trong thiên hạ
chẳng được còn xanh với cỏ cây
thì ta một chấm nhân sinh nhỏ
mong mỏi gì hơn ở kiếp này?”(1)
biết thế mà không đành dạ thế
bụi đường trăm lớp giũ chưa bay

Tìm em cửa nhỏ mong tương ngộ
duyên muộn còn chăng một chút này
mỏi gối gan hùm thay lốt thỏ
gửi thân yếm thắm, óc chưa lầy
đêm đêm đối bóng thầm tâm sự
chẳng bắt trăng vàng trên gối say
chẳng hẹn người về chung lối mộng
chỉ mong dâu bể lấp mau đầy
nào hay nhân ngãi không đành phận
cuối cuộc tang thương để dấu giày
trong máu pha cung đàn tiễn hận
quạt mồ xanh nắm cỏ trên tay

Ai dẫn chân ta về xóm trúc?
am không xơ xác tấm thân gầy
nghe câu thuyết pháp lòng như đất
chẳng ngộ cho mình được mảy may
quay bước, làng xưa tìm lối cũ
mẹ cha già yếu bỏ bao ngày
về nương bóng hạc quên đời bạc
bất hiếu thôi đành con chắp tay
quê cũ dòng xanh sông chảy lại?
tuổi thơ khói bếp có sum vầy?
ngàn năm mảnh đất đan trong kén
lại hóa thành thơ cho bướm bay
bạn cũ đã xa ngoài vạn lý
tạ lòng ai hát bóng trăng lay?

Ai về cố quận cam quy ẩn
ta xót chi đời những lúc say
manh áo ân tình đành bạc thếch
sầu lòng mấy buổi chẳng ai hay
đời thôi xin cứ bay như khói
chẳng có ai về lau mắt cay
dẫu trốn được ra ngoài hữu hạn
hư vô cũng lạnh cuối chân mày!
2-12-2001

-------------
(1) Thơ Tường Linh - Khúc ca quy ẩn



NGUYỄN ĐÔNG NHẬT


Quy khứ - về đây

Kính tặng anh Tường Linh & anh Tần Hoài Dạ Vũ

Thì vẫn muôn trùng vẫn gió lay
Cay chua dâu bể bạc chân mày
U minh chìm nổi triền miên giấc
Trong trận cờ ma loạn dấu giày
Ai hỏi ngàn câu trên biển lớn
Can chi thân gởi chốn lưu đày
Đời soi huyễn mộng gương như chém
Chữ nghĩa tan theo nắng cuối ngày
Trí bạc xem ra đành phận mốc
Mờ mờ qua lối huyệt mù say.

Ra đi. Âm vọng đầu sông sáng
Khóc lịm hài nhi giập sóng lầy
Ta bước lên đường như phải bước
Từ vô lượng kiếp giạt về đây
Nặng cùng chín chữ thầm trong máu
Tát cạn sông đền chửa mảy may
Tóc trắng bên trời cha mẹ yếu
Mà lưu lạc rã cánh bèo mây
Đành cam bất hiếu lòng pha giấm
Hồn gởi điêu linh lệ thấm dày
Ngút ngút quê nhà sương khói nghẹn
Không về, ai đợi mỏn niềm tây
Lửa bom đã lấp biền dâu sém
Vườn cải hoa bầm lạnh dấu tay
Lịch sử cười điên cơn mất trí
Xé đời tươi máu có ai hay?
“Ngàn năm mảnh đất đan trong kén”(1)
Tàn nửa dòng thơ, lạc bướm bay.

Ra đi. Mơ dựng lời vui mới
Cho ngát mùa lên xanh sắc cây
Cho bếp nhân quần reo lửa ấm
Hát cùng giấc mộng khúc ca say
Đâu hay máu chảy ra ngoài máu
Dìm nát tim yêu cuộc thế bày
Ước nguyện phai màu tan ảo ảnh
Trách lòng chưa tỏ cuộc cờ ngây
Nghìn xưa rồi những nghìn sau nữa
Danh lợi cuồng tâm trái đất quay
Gió hú đêm trường trăng lạnh khóc
Ai đem xương trắng dựng lầu mây?
Ai cười xé lụa hờn sông núi?
Ai hỡi? Lầm chôn kiếp đọa đày!

Giận trời, mây cứ điềm nhiên trắng
Tiếng chó tru ma rợn óc lầy
Được mất còn chi ngoài rách nát
Thôi đành che mắt ướt trong tay
Đời ơi? “… một chấm nhân sinh nhỏ
Mong mỏi gì hơn ở kiếp này ”(2)
Biết thế nên vui cùng nước mắt
Ơn người mong trả giữa niềm cay
Thời gian. Xin giữ đền tơ tóc
Vinh - dự - tang - thương một cõi này
Trái đất già nua mà mới mẻ
Âm thầm ngậm đắng vết thương vay
Ra đi, ngày chật vô tình rộng
Lá hát rung đều nhịp nước mây
Ra đi. Thiên địa trầm ngâm thức
Câu hỏi không lời dạt cỏ cây.


----------------
(1) Qui ẩn, về đâu? Thơ Tần Hoài Dạ Vũ.
(2) Khúc ca qui ẩn. Thơ Tường Linh.

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

mê tín dị đoan và tín ngưỡng


Nguyễn Nhân Trí





Đại Ý:

– Mê tín dị đoan là những niềm tin hay ý niệm phát xuất từ lòng dễ tin không dựa trên lý lẽ hay kiến thức – nhất là khi những niềm tin hay ý niệm nầy không cần có bằng chứng vững vàng và đầy đủ.

– Nếu so sánh về nguồn gốc và bản chất thì sẽ thấy mê tín dị đoan và tín ngưỡng khác nhau rất ít.

– Nếu một hiện tượng không giải thích được xảy ra trong một tôn giáo, người theo tôn giáo ấy cho đó là một “phép mầu”. Nếu một hiện tượng giống như vậy xảy ra trong tôn giáo khác, theo họ đó là “điều huyễn hoặc”.

– Mỗi tôn giáo đều tự cho rằng tôn giáo mình không mê tín vì họ có “bằng chứng” để hỗ trợ cho những lễ nghi, giáo điều, tín ngưỡng, v.v. của họ. Và “bằng chứng” duy nhất và tối quan trọng nhất là “đức tin” của họ.

Nói về “mê tín dị đoan” là người ta nghĩ ngay đến thầy pháp, đồng cốt, bùa ngãi, bói toán, xin xâm, xủ quẻ, coi tướng số, cúng sao, đốt giấy tiền vàng bạc, v.v. và v.v.

Định nghĩa

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về “mê tín dị đoan”. Chỉ cần google “mê tín dị đoan” hay “superstition” là sẽ thấy hàng trăm cách nhìn về mê tín dị đoan. Phần đông các cách nhìn nầy đều có những điểm tương tự với nhau nhất là khi diễn giải chữ “mê tín dị đoan” theo nghĩa từng từ đơn của nó: từ Hán âm Việt “mê” có nghĩa là “thiếu sáng suốt” hay “lầm lẫn”; từ “tín” có nghĩa là “tin” hay “không ngờ vực”.

Theo Wikipedia thì “mê tín dị đoan là những niềm tin hay ý niệm phát xuất từ lòng dễ tin không dựa trên lý lẽ hay kiến thức – nhất là khi những niềm tin hay ý niệm nầy không cần có bằng chứng vững vàng và đầy đủ”.

Collins Discovery Encyclopedia, 1st edition HarperCollins Publishers 2005 đi vào chi tiết kỹ càng hơn và định nghĩa mê tín dị đoan là:
1. “Những niềm tin vô căn cứ dựa trên sự thiếu hiểu biết hay sự sợ hãi và tiêu biểu như sự sùng bái cực đoan các điềm gỡ, bùa phép, v.v.”
2. “Những ý niệm, hành động hay nghi lễ phát xuất từ các niềm tin kể trên”.
3. “Bất cứ những niềm tin vô căn cứ nào, nhất là niềm tin về vấn đề huyền bí”.

Theo một định nghĩa khác, mà tôi thường dùng, thì “mê tín dị đoan là niềm tin cho rằng một hiện tượng xảy ra vì là hậu quả của một hiện tượng khác, trong khi thật ra không có mối liên hệ nguyên nhân hậu quả gì giữa những hiện tượng nầy”.

Nguồn gốc và bản chất

Mê tín dị đoan sinh ra và tích lũy lại từ sự thiếu hiểu biết của con người trong những niên đại mà khoa học chưa được lập thành hay phát triển.

Bản năng tự nhiên, và nhu cầu sinh tồn, của con người thúc đẩy họ phải tìm ra những giải thích “thỏa đáng” cho chính họ về những hiện tượng xảy ra chung quanh. Tại sao khi thì săn bắt được nhiều thú rừng, khi thì không? Tại sao năm nay cây trái mùa màng lại thấp kém hơn những năm trước? Tại sao nếu sáng nào bà X vào mua hàng đầu tiên ở cửa tiệm của mình rồi thì suốt ngày đó sẽ buôn bán ế ẩm? Tại sao cái computer trong văn phòng của mình lại hay bị hư khi mình mặc áo màu đen đi làm?

Sự sợ hãi về các hiện tượng thiên nhiên và “siêu nhiên” vẫn còn tác động mãnh liệt trong tiềm thức con người ngày nay không khác gì trong ông cha họ lúc còn ăn lông ở lỗ. Những người có nghề nghiệp càng nguy hiểm, càng bấp bênh, càng tùy thuộc vào thiên nhiên thì thường càng có nhiều thủ tục mê tín gắn liền vào cách thức, lề lối sinh sống hàng ngày của họ.

Khi một đứa trẻ mới sinh ra, trong người của nó không có sẵn một chút mê tín dị đoan nào cả. Nhưng khi lớn lên, đứa trẻ dần dần học được những hành động, những phản ứng, những cách suy nghĩ nầy qua gia đình và xã hội chung quanh. Đại đa số những tập tục mê tín trong gia đình của cha mẹ sẽ được truyền qua gia đình của con cái trong tương lai, cộng thêm (hay trừ bớt) một số những mê tín khác mà những đứa con nầy thu lượm từ bạn bè, thân quyến chung quanh.

Phân loại và thí dụ

Nói chung các mê tín dị đoan có thể được chia ra làm bốn dạng sau đây.

Dạng thứ nhất là những nghi thức, cử chỉ xuất phát từ truyền thống hay thói quen. Thí dụ như đi xin xâm, hái lộc trong ngày Tết, bói bài, xem chỉ tay, xem tướng, tử vi, cúng sao giải hạn, đốt giấy tiền vàng bạc trong tang lễ, nấu cơm canh mời ông bà tổ tiên về dùng, v.v. Tất cả những điều nầy đều được truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, cha mẹ dạy con cháu làm theo, người nầy bắt chước người khác và được thực hành một cách máy móc không có sự suy nghĩ chính đáng. Đa số những mê tín dị đoan dưới dạng nầy thường được ẩn núp sau danh nghĩa “phong tục cổ truyền” hay ngay cả “tín ngưỡng dân gian”.

Dạng thứ hai là những điều tốt lành cũng như những điều kiêng cử. Nhiều người tin rằng nếu họ làm (hay không làm) những điều nầy thì sẽ có ảnh hưởng đến sự thành công (hay thất bại) của những chuyện khác (mặc dù những chuyện nầy không hề có một liên quan gì đến những đìều trên cả). Thí dụ như nếu cử hành cưới hỏi, khai trương tiệm quán, xuất hành đi xa, v.v. trong những ngày “xấu” (mùng năm hay mười bốn hay hăm ba âm lịch) thì cuộc hôn nhân sẽ lận đận, tiệm quán sẽ ế ẩm, cuộc du hành sẽ gặp trắc trở, v.v. Trái lại nếu lựa ngày “hạp” và giờ “tốt” (như “giờ hoàng đạo”) thì vợ chồng sẽ hạnh phúc, làm ăn phát đạt, chuyến đi sẽ an toàn dễ dàng, v.v. Những thí dụ tương tự khác như cất nhà phải theo đúng phép phong thủy, lựa người “mở hàng” buổi sáng, vợ chồng cần phải “hạp” tuổi, không được mở dù trong nhà, v.v.

Dạng thứ ba là những điềm tiên báo: điềm gở cũng như điềm tốt. Thí dụ nhiều người tin rằng có chim cú đến nhà là điềm sắp có người chết, gương vỡ sẽ xui xẻo 7 năm, mắt trái giựt là sắp có chuyện đáng lo, gặp mèo đen đi ngang trước mặt sẽ gặp tai nạn, nằm mộng thấy quan tài là sắp có tiền, chó lạ đến nhà là điều thành lợi trong khi mèo đến nhà là điềm thua mất (“mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”), v.v.

Và dạng thứ tư là sự tôn thờ sùng bái những cá thể siêu hình vì họ tin rằng những cá thể nầy có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe hay diễn tiến sự việc hay kết quả thành bại trong đời sống họ hoặc có thể cứu vớt họ vào một thế giới trường cửu nào đó sau khi chết. Thí dụ như thần cây đa, ma xó, ông Địa, Thần Tài, v.v.

Vài thí dụ khác:

Nhiều chủ tiệm, chủ cửa hàng rất tin vào việc "đốt phong long": họ tin rằng nếu đốt giấy tiền vàng bạc (có khi với nhang đèn hay có khi chỉ cần đốt vài mảnh giấy trơn) trước cửa hàng khi buôn bán ế ẩm thì sẽ xua đuổi được sự xui xẻo và khách hàng sẽ đến.



Nhiều vận động viên tin rằng nếu họ mặc một quần áo nào đó trong người hay làm một cử chỉ gì đó trước khi hay trong khi tranh giải hay tham dự cuộc đua thì họ sẽ được may mắn và chiến thắng (Ngôi sao bóng rỗ lừng danh Michael Jordan luôn luôn mặc một chiếc quần lót cũ mà anh đã từng mặc từ khi chơi cho đội banh trường của anh ở North Carolina bên trong đồng phục chính thức để được may mắn; tay quần vợt quốc tế Bjorn Borg không bao giờ cạo râu nếu anh đang trên đà thắng trận trong các cuộc tranh giải). Thí dụ nầy cũng tương tự cho vô số những người lính trong thời kỳ chiến tranh: hiện tượng phổ thông nhất là việc họ đeo đủ loại bùa để hy vọng súng đạn không phạm vào người họ.

Vài tính chất chung

Hầu hết các mê tín dị đoan đều mang một số tính chất chung.

1/ Đặc điểm chung và nổi bật nhất của các loại "mê tín dị đoan" là người ta thường làm (hoặc tránh làm) một hành động gì đó để mong muốn cho một sự việc gì khác xảy ra (hoặc không xảy ra) trong khi thật sự thì hành động đi trước không tạo thành hay gây ra sự việc theo sau.

2/ Mê tín dị đoan được truyền bá sâu rộng trong mọi tầng lớp, mọi chủng tộc, mọi thời điểm trong lịch sử con người.

Không có dân tộc nào, không có xã hội nào không chịu ảnh hưởng bởi mê tín dị đoan. Một số xác suất thống kê cho rằng không dưới khoảng 2/3 dân số của hầu hết bất cứ quốc gia nào trên thế giới từ Đông sang Tây nhìn nhận rằng họ ít nhiều tin và thực hành một số điều được định nghĩa là mê tín dị đoan.

Tôi cho rằng số người thật sự tin và thực hành những điều mê tín dị đoan lớn hơn 2/3 rất nhiều. Phần lớn những người không nhìn nhận họ mê tín dị đoan vì họ cảm thấy ngượng ngùng khi làm việc nầy. Họ ngượng ngùng vì ngay chính họ cũng nhận thấy rằng những điều họ làm là vô cớ, vô lý và không dựa vào một cơ sở lý luận hay nguyên cớ chính đáng nào cả.

Nhiều người khác không nhìn nhận họ mê tín dị đoan vì một số những gì họ tin và làm đã trở thành một phần quá quen thuộc trong cuộc sống của họ nên họ không thể nào còn có thể phân biệt và nhận thức chúng là mê tín dị đoan nữa.

Tôi tin rằng không ai hoàn toàn không mê tín dị đoan cả. Nhất là khi dựa vào định nghĩa trên: "mê tín dị đoan là niềm tin cho rằng một hiện tượng xảy ra vì là hậu quả của một hiện tượng khác, trong khi thật ra không có mối liên hệ nguyên nhân hậu quả gì giữa những hiện tượng nầy".

3/ Nhiều tập tục mê tín dị đoan bắt nguồn từ các lý do cần thiết thực dụng nhưng dần dần đều biến dạng và mất hết ý nghĩa lẫn mục đích ban đầu.

Thí dụ như nhiều người miền nam Việt Nam cho rằng nếu bị cây "đòn vông" của bất cứ nhà hàng xóm nào xỉa vào nhà họ thì trong gia đình sẽ bị nhiều điều xui xẻo (loại nhà Việt Nam cổ truyền phổ thông thường có một gian hai mái và cây "đòn vông" là cây đà ngang nằm ở trên đỉnh cao nhất của nóc nhà và theo chiều dài căn nhà).

Người ta không hiểu rằng trong các thành thị hay làng xóm thời xưa một trong những cách để giúp cho đường xá nhà cửa được ngay hàng thẳng lối thì nhà cầm quyền ra lệnh khi cất nhà phải cất thế nào mà cây đòn vông không được xỉa vào các nhà lân cận. Nếu thực hiện điều nầy thì tất cả căn nhà lân cận đều nằm tương đối song song với nhau và như vậy xóm làng phố xá sẽ trật tự ngăn nắp và dễ dàng có chỗ giao thông đi lại. Nếu ai cất nhà mà đòn vông không song song với hàng xóm thì sẽ bị láng giềng làng xã phiền hà cho rằng làm như vậy không tốt. Sự kiện nầy được truyền miệng từ người nầy sang người khác, từ địa phương nầy sang địa phương khác, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.

Quan niệm đòn vông xỉa vào nhà từ chỗ "không tốt" vì mất trật tự dần dần trở thành "không tốt" cho công việc buôn bán làm ăn và sức khỏe của gia đình. Ngày nay không còn mấy người nhớ và biết cái tục lệ nầy đã phát xuất từ đâu.

Thí dụ như theo phép phong thủy thì nếu một căn nhà mà cửa trước ăn thông suốt một đường với cửa sau thì “tiền bạc làm ăn được trong gia đình sẽ trôi tuột đi mất cả”. Người ta không thấy rằng các lý do thật sự để tránh lối kiến trúc nầy rất thực tế. Đó là vì nó không an toàn dễ bị kẻ trộm cắp nhòm ngó, là vì gió lạnh dễ thông luồn vào nhà gây ra bệnh hoạn do đó hao tốn tài của, v.v. Tuy vậy, cái quan niệm “cất nhà với cửa trước ăn thông suốt thẳng đường với cửa sau là không tốt" trên dần dần mang thêm những ý nghĩa huyền bí liên quan đến tình trạng tài chính và sức khỏe của gia đình.

4/ Mê tín dị đoan nầy có khuynh hướng sinh sản ra mê tín dị đoan khác.

Thí dụ như từ quan niệm "đòn vông" kể trên, dần dần các thầy địa lý, thầy tướng, thầy bùa lại bày vẻ thêm là nếu bị cây đòn vông của hàng xóm "chiếu" vào nhà thì cần phải "thỉnh" (có nghĩa lả "mua") một tấm kính mang hình bát quái đồ treo trước cửa để "phản chiếu" những chuyện rủi ro ra khỏi nhà! Từ đó sinh ra sự tin tưởng rằng mỗi nhà cần phải có một tấm kính treo trước cửa để tránh chuyện xui xẻo bất kể là nhà có bị đòn vông của hàng xóm xỉa vào hay không.

5/ Khi nói về “mê tín dị đoan” là nhiều người nghĩ rằng “những người mê tín mới làm những chuyện vớ vẩn kể trên chớ tôi thì không bao giờ…”

Voltaire cho rằng một người mê tín cũng như một kẻ nô lệ bị trói buộc bởi những nỗi lo sợ vô cớ do chính mình áp đặt lên cho mình. Theo ông thì trên thế giới có hai nhóm người rõ rệt: một nhóm không mê tín, một nhóm mê tín; và ai cũng nghĩ là mình thuộc về nhóm thứ nhất.

Tùy một người là ai mà họ thấy cái gì là mê tín, cái gì là không.

Một người Pháp chẳng hạn, khi đi qua nước Ý sẽ thấy hầu như mọi thứ chung quanh ông ta đều có dính dáng đến mê tín dị đoan. Như đã thấy ở trên, khi một người Á Đông đọc về những mê tín của Tây Phương chẳng hạn, họ sẽ cười mà cho rằng những dân tộc nầy quả thật là chậm tiến và mê muội. Ngược lại một người Tây Phương cũng có các phản ứng tương tự khi đọc về tín ngưỡng Đông Phương.

6/ Nhiều hiện tượng, nhiều sự kiện trong đời sống hàng ngày thường được người ta dựa trên mê tín dị đoan mà diễn giải khác nhau (có khi hoàn toàn trái ngược hẳn nhau) tùy vào văn hóa, phong tục địa phương.

Theo tập tục Việt Nam thì chim cú mang đến điềm gỡ lớn (gia đình sắp có người chết) trong khi theo người Tây Phương thì con cú mèo biểu tượng cho sự thông thái minh mẫn (vì đôi mắt to lớn kèm với nhãn lực siêu việt có thể nhìn thấy mọi sự việc).

Ảnh hưởng

Vài ảnh hưởng của mê tín dị đoan lên đời sống hàng ngày là:

– Mê tín dị đoan có thể đem đến hy vọng và hỗ trợ tinh thần trong hoàn cảnh khó khăn, bấp bênh.

– Mê tín dị đoan thường tạo ra những sự sợ hãi, lo lắng không cần thiết.

– Mê tín dị đoan có thể làm cho công việc bị đình trệ hay hủy bỏ vô ích.

– Người mê tín dễ bị lạm dụng để làm tiền hay kềm chế, điều khiển.

– Những điều tai hại từ mê tín dị đoan của một người thường làm ảnh hưởng đến những người khác chung quanh họ.

Lý do mà mê tín dị đoan thịnh hành và trường tồn

Đó là vì người ta tin rằng những niềm tin nầy đem lại kết quả họ mong muốn.

Họ cho rằng nhờ tác động A của họ mà sự kiện B xảy ra (bất kể là tác động A và sự kiện B có một liên quan hệ quả gì trên bất cứ phương diện gì hay không).

Thật ra chỉ cần dựa trên nguyên tắc xác suất thống kê cơ bản thì ai cũng có thể thấy rằng trung bình số lần họ đạt được kết quả mong muốn sẽ là 50%. Có nghĩa là bất kể tác động A có xảy ra hay không thì số lần sự kiện B xảy ra thông thường cũng vẫn sẽ ngang ngữa với số lần sự kiện B không xảy ra. Tuy nhiên, bản năng tâm lý tự nhiên của con người làm cho họ chỉ nhớ đến những lần họ thành công, còn số lần còn lại khi thất bại thì họ có khuynh hướng hoặc không kể đến, hoặc tự đỗ thừa cho rằng vì các lý do khác nào đó mà họ không thành công, hoặc chỉ giản dị quên mất chúng đi trong tương lai.

Sẽ có những lần sau khi người chủ tiệm đốt phong long mà vẫn số khách hàng đến cửa hàng vẫn không nhiều hơn. Nhưng cũng có những lần sau khi đốt phong long thì có đông khách hàng hơn (vì lý do gì khác không biết). Người chủ tiệm sẽ có huynh hướng nhớ đến những lần có khách đông nầy và cho rằng việc đốt phong long có hiệu nghiệm trong khi họ sẵn sàng quên mất hay không kể đến những lần không có được thêm khách gì cả.

Dựa trên những lần mà một người cho rằng niềm tin của họ “hiệu nghiệm”, trong tương lai họ lại càng có khuynh hướng tin tưởng thêm nữa. Họ cho rằng ngay cả nếu niềm tin gì đó của họ dù chỉ có hiệu nghiệm một vài lần mà thôi thì cũng vẫn đáng để tiếp tục làm nữa.

Nhiều người tuy không tin tưởng hoàn toàn vào một số điều nằm trong phạm trù “huyền bí” hay “khó giải thích” nhưng họ vẫn thực hành những điều nầy để cho “chắc ăn”. Nếu làm một động tác gì đó tuy không chắc sẽ mang đến kết quả mong muốn nhưng nhiều người cũng vẫn sẽ làm phòng hờ vì họ e ngại “nếu lỡ nó có hiệu nghiệm thật sự lần nầy thì sao!?” Khi vào khách sạn nếu có dịp lựa chọn giữa hai căn phòng y hệt nhau về mọi mặt chỉ trừ việc một trong hai phòng mang số 13 thì đa số sẽ tránh không chọn căn phòng mang số 13.





Mê tín trở thành những thói quen phiền toái, tốn kém. Tuy vậy đây là những thiệt thòi người ta sẵn sàng đánh đổi để cho họ cảm thấy an tâm và “an toàn” hơn. Người ta tin tưởng một cách nghiêm cẩn và chăm chỉ về những hiện tượng huyền bí “nho nhỏ” nầy, tuy rằng không ai thật sự hiểu rõ nguồn gốc hay cách vận hành của chúng ra sao.

Mê tín dị đoan khác tín ngưỡng thế nào?

Nếu so sánh về nguồn gốc và bản chất thì sẽ thấy mê tín dị đoan và tín ngưỡng khác nhau rất ít.

Một số mê tín dị đoan ngày nay rất có thể là dấu tích của những tín ngưỡng tôn giáo trong thời xa xưa.

Thí dụ như nhiều người tin rằng Thứ Sáu mười ba là một ngày rất xui xẻo. Một trong những cách giải thích là theo Kinh Thánh, ngày thứ Sáu là ngày Eva dụ Adam phạm tội, cũng như là ngày trận Hồng Thủy bắt đầu, cũng như là ngày Jê-Su bị đóng đinh; kết hợp với việc trong buổi ăn cuối cùng của Giê-Su có 12 người tham dự, với người thứ 13 là Ju-da, kẻ đã phản bội Giê-Su.

Một thí dụ khác là người Tây Phương ngày nay vẫn thường buột miệng nói “Xin Chúa ban ơn!” (“bless you!”) sau khi thấy một người nhảy mũi. Vào thế kỷ thứ 6, người ta tin rằng khi nhảy mũi thì cánh cửa thông thương giữa linh hồn trong người với thế giới bên ngoài tạm thời mở ra và do đó dễ bị ma quỷ nhập vào ám hại. Về sau, khi có bệnh dịch lan tràn, nhiều người bị nhảy mũi dữ dội khi bị nhiễm bệnh, Đức Giáo Hoàng đương thời ra lệnh phải xin Chúa độ ơn khi thấy một người vừa nhảy mũi (vì với trình độ y khoa sơ đẳng của thời ấy, rất nhiều người sẽ chết khi bị nhiễm dịch).
Theo tôi, nếu nhìn về một phương diện khác thì mê tín dị đoan và tôn giáo đều được bắt đầu từ một nguồn gốc chung. Cả hai đều có những đặc điểm rất tương đồng với nhau như sau:

– Cả hai đều được thành hình từ nhu cầu cần thiết để cố gắng giải thích về những hiện tượng khó hiểu chung quanh con người.

– Cả hai đều gán ghép những liên hệ nguyên nhân hậu quả vào một số hiện tượng mà không hề chứng minh rõ ràng được về những mối liên hệ nầy.

– Cả hai đều dựa lên một nền tảng chung để truyền bá và vận hành, đó là sự sợ hãi.

– Cả hai đều chỉ có giá trị giới hạn trong một tập thể, một địa phương nào đó. Bên ngoài biên giới của những tập thể hay địa phương nầy, cả hai đều có thể bị coi là vô căn cứ, chậm tiến hay thậm chí mê muội, mù quáng.
Một nhận xét khá lý thú là ngay chính tôn giáo cũng nhìn nhận sự hiện hữu của mê tín dị đoan, và phần lớn công khai bài bác những tập tục “mê muội, mù quáng” nầy. Có điều là chữ “mê tín” trong tôn giáo thường được dùng đồng nghĩa với “những lễ nghi, giáo điều, tín ngưỡng, v.v. của các tôn giáo khác”.



Nếu một hiện tượng không giải thích được xảy ra trong một tôn giáo, người theo tôn giáo ấy cho đó là một “phép mầu”. Nếu một hiện tượng giống như vậy xảy ra trong tôn giáo khác, theo họ đó là “điều huyễn hoặc”.

Mỗi tôn giáo đều tự cho rằng tôn giáo mình không mê tín vì họ có “bằng chứng” để hỗ trợ cho những lễ nghi, giáo điều, tín ngưỡng, v.v. của họ. Và “bằng chứng” duy nhất và tối quan trọng nhất là “đức tin” của họ. Như đã nói ở trên, với ý niệm “đức tin” thì tín đồ không cần phải giải thích được bằng kiến thức khoa học hiện thời về bất cứ điều gì dù là huyễn hoặc và phản khoa học hay phản thực tế bao nhiêu.

Phương cách nầy rất tiện lợi và hữu dụng, nhưng lại có một khuyết điểm rất lớn. Đó là hầu như mỗi tôn giáo đều có một đức tin khác nhau, và nhiều khi hoàn toàn đối nghịch nhau. Tín đồ Thiên Chúa Giáo nhìn người Ấn độ thờ "Linga" (hoặc Lingam) tức là Dương vật là biểu tượng của thần Shiva, thì cho đó là mê tín. Và người Ấn độ xem người Công Giáo rước bánh thánh chỉ là một mẫu bánh mì chay mà gọi là ăn chính thịt Chúa họ thì cũng cho rằng đó là một hành vi mê tín.

Ngay cả những nhóm phái trong cùng một tôn giáo cũng bất đồng ý kiến với nhau về mê tín dị đoan. Điều nầy gây ra sự chia rẽ trong hàng ngũ của nhiều tôn giáo.
Trong Thiên Chúa Giáo, ngay những nhóm người cùng coi mình là con chiên của Giê-Su cũng luôn có những quan điểm khác nhau khi nói về mê tín. Voltaire viết "mê tín dị đoan phát sinh từ tục lệ trong nhân gian hoặc những đạo đa thần, nhập vào Do Thái giáo rồi lan truyền sang toàn thể Thiên Chúa Giáo ngay từ thời buổi ban đầu. Tòa Thánh luôn luôn chê trách pháp thuật, nhưng lúc nào cũng tin vào phép mầu. Tất cả những linh mục trong Tòa Thánh, không ngoại trừ bất cứ ai, đều tin vào huyền lực của phép mầu".

Voltaire cũng nhận xét thêm rằng ở thời ông ấy thì "Ngài Tổng Giám Mục của địa hạt Canterbury cho rằng Ngài Tổng Giám Mục của địa hạt Paris là mê tín, nhóm Tin Lành cho rằng Ngài Tổng Giám Mục của Canterbury là mê tín trong khi chính họ cũng bị những người Quakers cho là mê tín. Trong khi đó, nhóm Quakers lại bị coi là những người mê tín dị đoan nhất bởi mọi nhóm khác trong Thiên Chúa Giáo".

Tình trạng đó cũng vẫn không khác gì mấy ngày nay. Đạo Tin Lành vẫn cho rằng những thánh vật, sự hiện thân của Đức Mẹ Đồng Trinh, sự cầu nguyện cho người chết, nước thánh, v.v. cũng như hầu hết những nghi lễ của Công Giáo đều là mê tín dị đoan. Đối với họ, mê tín là lấy những việc không cần thiết mà thực hành như những việc tối cần thiết.



Ngay trong Công Giáo cũng có những nhóm đã gạt bỏ bớt đi nhiều hình thức rườm rà mà nhiều người Công Giáo khác cho là thiêng liêng và cần thiết. Tuy vậy, nhóm nầy thường không công khai đả kích những người vẫn đeo giữ những thủ tục cổ hủ, vì theo họ thì những lễ nghi nầy "cũng không có gì nguy hại hay tội lỗi cả".

Trong cái gọi là Phật Giáo ngày nay, tôi có một danh sách dài bất tận về những thủ tục, nghi lễ nằm đúng hoàn toàn trong cái định nghĩa của mê tín dị đoan ở trên. Tôi sẽ trình bày chi tiết về vấn đề nầy ở một bài tiểu luận khác.

Tôi tin rằng nhận xét trên cũng có thể áp dụng cho tất cả các tôn giáo Đông Phương khác từ Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo cũng như những tôn giáo nhỏ như Cao Đài, Hòa Hảo, v.v. Những tôn giáo nầy (trừ Hồi Giáo) thường không kình chống lẫn nhau công khai và có khi đầy tính cách bạo động như trong trường hợp của Thiên Chúa Giáo. Tuy vậy trong nhóm tôn giáo Đông Phương, các nghi lễ, phương cách tụng niệm, hình tượng của một tôn giáo cũng vẫn thường bị xem là mê tín dị đoan bởi người trong những tôn giáo khác.

Có người cho rằng nhóm phái nào có ít nghi lễ nhất thì có lẽ là ít mê tín nhất. Nhưng theo tôi thì nói như vậy đâu có khác mấy với nói rằng "con mèo nào có đuôi càng ngắn thì càng có ít tính chất ‘mèo’ hơn".
Khi phân tích những thí dụ ở trên, chúng ta thấy rõ ràng là trong tôn giáo, người ta làm (hoặc tránh làm) những hành động gì đó chỉ vì để được tưởng thưởng (hoặc không bị trừng phạt) bởi một đấng Tối Cao. Trong khi đó, người ta thật sự không có cách nào biết rõ về sự hiện hữu của nhân vật Tối Cao nầy, chớ đừng nói gì đến có thể giải nghĩa thích đáng được về sự liên hệ giữa những hành động và sự thưởng phạt nầy. Yếu tố nầy chúng ta đã thấy nằm trong trường hợp của mê tín dị đoan.

Khi áp dụng cái định nghĩa của mê tín dị đoan ở trên vào những tính chất đặc thù của tôn giáo và từ những nhận xét trên, nhiều người không khỏi đi đến kết luận rằng tôn giáo chỉ là những tập hợp của một số mê tín đã được hệ thống hóa lại với nhau.

Nói chung, tôn giáo thường là các tổ chức có chính sách truyền bá với kế hoạch và quy củ chặt chẽ trong khi mê tín dị đoan thường chỉ là những “kiến thức” truyền miệng trong dân gian. Yếu tố khác biệt nầy làm cho nhiều người trong chúng ta không thấy được là cả hai đều liên quan rất mật thiết với nhau từ nguồn gốc cho đến cách vận hành.
Tôn giáo thay đổi với thời gian. Những thay đổi trong tôn giáo thường cần thiết để đáp ứng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, với nhu cầu đời sống của xã hội, và có khi với áp lực chính trị bên trong cũng như bên ngoài tổ chức tôn giáo. Nhờ có luật lệ, quy củ rõ rệt, những thay đổi trong tôn giáo thường xảy ra tương đối nhanh chóng.

Thí dụ như sau nhiều thế kỷ truyền dạy theo lời Kinh Thánh rằng địa cầu là trung tâm của vũ trụ, khi phải đối diện với bằng chứng khoa học không thể chối cải được, giữa năm đầu thập niên 1960 đến năm 1979 Tòa Thánh đã phát hành những văn bản mang hàm ý ân xá Galileo. Đến tháng 10 năm 1992 thì Đức Giáo Hoàng John Paul 2 chính thức xin lỗi về vụ Galileo cũng như công nhận quả địa cầu không phải là trung tâm của vũ trụ như lời Thánh Kinh dạy mà chỉ là một hành tinh trong Thái Dương hệ.

Thí dụ như hôn nhân đã từng được coi là một giao kèo bất di bất dịch giữa hai người trước mặt Thiên Chúa; sự ly thân của hai vợ chồng, bất cứ vì lý do gì, là một tội nghiêm trọng không thể tha thứ được. Ngày nay, với lề lối sinh sống và quan niệm tình cảm hiện đại của đa số tín đồ, Tòa Thánh cũng đã phải sửa đổi cái nhìn về vấn đề nầy; nhờ vậy mà ly dị không còn là một tội lỗi đáng bị trừng phạt bởi Thiên Chúa nữa. Một thí dụ gần đây nhất, đầu tháng Mười 2014, Tòa Thánh Vatican sau 2 tuần hội thảo đã phát hành một công văn tuyên bố rằng mối quan hệ giữa những người đàn ông đồng tính luyến ái có các “phẩm chất và giá trị tương tác lẫn nhau” và bày tỏ thái độ chấp nhận sự việc nầy (tuy nhiên vấn đề hôn nhân đồng tính vẫn chưa được đề cập đến); đây là một sự thay đổi giáo điều lớn lao sau 2000 năm cực lực nghiêm cấm và trừng phạt.

Mê tín dị đoan, trên mặt khác, thường ít thay đổi; hoặc nếu có thì cũng chỉ với một tốc độ rất chậm.

Như đã nói, mê tín dị đoan thường chỉ được thực hành ở lãnh vực cá nhân hơn là ở môi trường đoàn thể, công khai, với văn bản, luật lệ hẳn hoi như trong trường hợp tôn giáo. Người ta thường dễ dàng chấp nhận hơn nếu một mê tín không chạy theo kịp kiến thức khoa học kỹ thuật hay quan niệm xã hội. Vì không có tổ chức, cơ cấu, ban điều hành, v.v. như tôn giáo, mê tín dị đoan thường không cần lo lắng đến việc có thể bị chỉ trích công khai bởi báo chí, dư luận, nhà cầm quyền, v.v. Vì không có những áp lực chính trị nầy, mê tín dị đoan tương đối được “bỏ lơ” để tồn tại không thay đổi mấy từ thế kỷ nầy qua thế kỷ nọ.

Mê tín dị đoan có thể gây ra phiền phức, tốn kém cho cá nhân và xã hội. Những phiền phức, tốn kém nầy thường tương đối nhỏ hẹp và giới hạn. Tuy nhiên, vì tôn giáo thường có tổ chức công khai, cơ cấu chặt chẽ, hàng ngũ rõ rệt, tài chính dồi dào, uy quyền to lớn nên ảnh hưởng của tôn giáo có thể nghiêm trọng và sâu rộng rất nhiều cho cá nhân và xã hội.

Có người nói rằng “tôn giáo vô hại cho đến khi có kẻ trở thành mù quáng vì nó”. Rất ít trường hợp một cá nhân hay đoàn thể tàn sát một cá nhân hay đoàn thể khác vì họ bất đồng ý với nhau về ý nghĩa của một điều mê tín gì đó. Tuy nhiên, lịch sử đã có biết bao nhiêu trang đẫm máu chỉ vì những bất đồng ý kiến về cách giảng giải khác nhau về vài chi tiết trong kinh sách tôn giáo.

Nói chung, tùy một người tin vào những gì mà một hành động, một hiện tượng đối với người đó có thể là mê tín dị đoan hay là tín ngưỡng chính đáng. Trình độ giáo dục, bằng cấp văn hóa, kiến thức kỹ thuật không chắc có thể đem đến khả năng chống cự lại ảnh hưởng của mê tín dị đoan. Chúng ta đã từng thấy bác sĩ, kỹ sư, bác học, triết gia, v.v. cũng vui vẻ tuân theo các điều mê tín không khác gì những người buôn bán, chạy xe ôm hay ăn xin ngoài đầu chợ. Viên chức cao cấp trong tổ chức chính trị hay lãnh tụ quốc gia cũng không miễn nhiễm trong vấn đề nầy. Cứ nhìn vào Việt Nam thì sẽ thấy một thí dụ điển hình. Tất cả đều ít nhiều, trực tiếp hay gián tiếp công khai thi hành những thủ tục “cần thiết” của mê tín dị đoan hàng ngày mà không hề thắc mắc.

bầy người hoang tưởng



Huỳnh Lê Nhật Tấn







Tôi tạo hình hài pho tượng lay động
rải từng hạt bụi trôi đi
Rớt xuống mắt phố phủ đôi chân
mỗi bước đi dài vạn dặm

Thời gian hủy diệt lại tái sinh
Tôi đi theo ánh sáng

Nhân loại tạo ra mọi vật. Họ muốn mọi thứ
cái ghế ngồi đến lúc phải đứng lên
giường nằm bỗng thân thể ngồi dậy miệng mở
tự tình nói nhau nghe
dao búa súng ống để đôi tay gây bề tội ác
giết chúng đi
Thụ tinh thành người gỗ để bày điều hoang tưởng

Não căng rêu móc ý nghĩ tàn lụi
Tôi như tờ giấy trắng để gió thổi bay

Phía sau người dân đang sinh sống
Họ đã có mặt mọi nơi
sau lưng chúng ta

Họ mơ ước sẽ đến ở ngôi sao lạ
xa tít trên bầu trời rộng
bay vi vu nói điều mơ tưởng
Xem trời đất mọi hướng đi
Tôi phải yêu đất nước trong cơn tán loạn

Phía trước sợi dây treo hành hình
Buộc nó sáu điều tặc ác
Tôi phải tránh xa mọi giáo điều

Thiên hạ vốn vô phúc (Trích Luận ngữ tân thư)



Bậc Thánh nhân đứng giữa Trời, Đất, hợp với Trời, Đất mà tìm ra lý, rồi làm thành đạo lý, cốt truyền lại cho muôn đời. Về sau, con người ngày càng đông, của cải ngày càng nhiều, mắt mũi ngày càng tối tăm đi, lòng tham cũng theo đó mà tăng mãi không ngừng… Kẻ học giả xét không kĩ, thấy đạo lý của Thánh nhân cứ ngày càng được bàn dài ra đến thiên kinh vạn quyển, thì lại cho đó là sự nâng cao, là đã “phát triển“ thêm được cái đạo lý của Thánh nhân. Tóm lại cho rằng càng đời sau thì đạo lý càng cao hơn đời trước (!). Thật là một sai lầm khủng khiếp. Bởi nếu được như thế thì thiên hạ đã có phúc quá. Đạo lý nếu cứ được nâng cao, cứ được “phát triển“ mãi cho đến tận bây giờ, thì làm gì còn tranh giành, khủng bố, làm gì còn những thế hệ lưu manh cứ nối đời bịp bợm thiên hạ, làm gì phải giết nhiều người đến thế. Giết mấy nghìn năm chưa đủ, lại còn tiếp tục giết mãi đến bao giờ? Than ôi! Thiên hạ vốn vô phúc. Cho nên dẫu của cải ngày càng tăng, hiểu biết ngày càng rộng, chữ nghĩa ngày càng nhiều… song đạo lý của Thánh nhân thì cơ hồ cứ “phát triển“ theo chiều ngược lại…

Vẫn “Lời tựa“ trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây xin trích tiếp một phần của bộ sách đó.


Tục ngữ có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc“. Thế nếu ngược lại, con kém cha thì nhà… vô phúc hay sao?

Cũng chưa chắc đã đến nỗi như thế, vì đó chẳng qua chỉ là chuyện trong một “nhà“. Khối kẻ bất tài đểu cáng, song nhờ có “lộc“ của ông cha mà xài mãi vẫn không hết của ăn cướp đó sao. Nhưng chuyện của cả thiên hạ thì đúng như thế thật. Thiên hạ có phúc thì đạo lý đời sau cao hơn đời trước. Thiên hạ vô phúc thì ngược lại, càng đời sau càng hạ thấp đạo lý của đời trước xuống.

Hạ thấp như thế nào?

Cách đây hai ngàn rưởi năm, Khổng Tử làm Dịch. Ngài biết rằng khi đặt ra tam tài (Thiên, Địa, Nhân) là ý Thánh nhân xưa muốn nói tới một loại “Người“ (Nhân) đặc biệt nào đó, có đủ phẩm chất xứng được với Trời, Đất, sánh ngang với Trời, Đất, cùng với Trời, Đất mà làm nên mọi lẽ huyền vi trong vũ trụ này. “Nhân“ mà đạt tới mức như thế thì tất phải không giống ai, không “chơi“ nổi với ai, mà Ngài gọi đó là: “Chẳng phải con Truỷ, chẳng phải con Hổ, ở ngoài đồng vắng…“. (Luận ngữ). Chữ “Nhân“ ấy ở trong “Thiên, Địa, Nhân“ chính là cái phần “hồn vía“ của vũ trụ. Nó có “tượng“ là “Người“, thuộc về con Người… Chứ không phải hễ cứ là “người“, hễ cứ mồm ngang mũi dọc, đi đứng bằng hai chân, biết ăn nói leo lẻo thì bất kể thế nào, cũng ứng vào chữ “Nhân“ trong cái “tam tài“ ấy được. Ngài bèn đặt ra đạo “Nhân“, định nghĩa về “Nhân“ mà theo đó, chỉ khi nào đạt / ngộ đến đạo ấy, đúng với định nghĩa ấy thì mới đích thị đóng vai trò là “Nhân“ trong bộ ba Thiên, Địa, Nhân kia. “Nhân“ của Khổng Tử chính là chỉ một trạng thái giác ngộ đã đến bực tuyệt đỉnh của con người. Nó tương đương với chữ “Phật“ trong đạo Phật. Số còn lại tất thảy đều bình đẳng với mọi loài sinh vật khác, thậm chí nếu không cẩn thận thì có lúc, có thời “nhân“ chỉ ngang hàng với những thứ “sô cẩu“ (chó rơm) mà thôi.

Nhưng từ khi Ngài đặt ra đạo ấy, thiên hạ chẳng mấy ai đạt tới. Khối kẻ lừng lẫy, nổi tiếng là “người“ nhất trong tất cả các giống người. Vậy mà khi hỏi như thế đã “Nhân“ chưa, Ngài đều bảo: “Chưa lấy gì làm chắc!“. Môn chữ “Nhân“ vì thế cho đến nay, vẫn là một tuyệt kĩ làm người của riêng trí tuệ Khổng Tử. Sinh thời, học trò có kẻ từng khuyên Ngài nên hạ thấp đi một chút, may ra ở đời có người hiểu mà theo kịp, song Ngài nhất quyết không chịu, đến nỗi suýt mắc họa vào thân.

Hơn một trăm năm sau, nước Lỗ lại sinh ra một Thánh nhân khác là Mạnh Tử. Vị Thầy này nghiên cứu chữ “Nhân“ của Đức Khổng Tử, thấy quả nhiên ghê gớm, người đời khó lòng hiểu nổi, đừng nói là theo đòi tu dưỡng ra làm sao. Bấy giờ thiên hạ đã loạn (vô phúc) lắm rồi, con người chỉ còn biết đâm chém, tranh giành nhau mà thôi, không thể nào thoát ra được nữa. Nhưng đạo “Nhân“ nếu không được thi hành, thì con người rốt cuộc sẽ đi đến đâu? Nhưng oái oăm thay, đó lại là cái mà cả thiên hạ không ai hiểu nổi, thì thi hành thế nào? Thôi thì cố vớt vát được chừng nào hay chừng đó. Thế là cái việc mà Đức Khổng Tử ngày trước nhất quyết không chịu làm, giờ đến lượt Thầy Mạnh Tử đành phải làm thôi. Thầy bèn hạ thấp cái đạo “Nhân“ kia đi một chút.

Hạ thấp như thế nào?

Mạnh Tử thêm vào đằng sau chữ “Nhân“ một chữ “nghĩa“, thành ra “Nhân nghĩa“. Theo đó thì làm người (Nhân), không nhất thiết cứ phải đòi cho bằng được ngang với Trời, Đất. Cốt sao đạt tới “nhân nghĩa“ là được rồi. “Nhân“ là cái thuộc về cả Trời, Đất, vũ trụ… khó lắm! Còn “Nhân nghĩa“ là cái chỉ thuộc về mỗi con người mà thôi. Thế là “thêm“ chữ, mà thực ra đã “bớt“ đi rất nhiều qui mô, tầm vóc. Đó rõ ràng là một sự “tHỏa hiệp“, một bước “lùi“ đấy chứ. Hy vọng con người có thể hiểu được (“nhân nghĩa“) mà thi hành. Đạo “Nhân nghĩa“ này của Thầy Mạnh Tử tuy cũng là một trí khôn trùm thiên hạ đấy, song vẫn chỉ là một phần nhỏ. Nó thấp hơn cái đạo “Nhân“ lồng lộng kia của Đức Khổng Tử nhiều lắm.

Sau đó thì thế nào, có bao giờ thiên hạ trở lại được cái đạo “Nhân“ ấy của Đức Khổng Tử không?

Chưa bao giờ, bởi thiên hạ vẫn ngày càng vô phúc. Cho nên đời sau cứ thế tiếp tục hạ thấp dần những đạo lý của đời trước theo phương châm: “Vớt vát được chừng nào hay chừng đó“.

Tiếp tục hạ thấp như thế nào?

Cứ mỗi đời lại hạ thấp thêm một ít, hạ thấp bằng đủ các kiểu trên đời, kể ra không xuể. Ví dụ hơn một nghìn tám trăm năm sau, ở phương Nam có một vị Thánh nhân, khi xem xét cái đạo “Nhân nghĩa“ của Thầy Mạnh Tử, đem đối chiếu với thời cuộc lúc bấy giờ, vị Thánh nhân này thấy nó vẫn cao quá, xa vời quá, không cách gì thực hiện cho được. Nhân nghĩa nếu được thi hành, được “tưới“ khắp thiên hạ, thì kẻ làm vua không còn cái thú làm vua, kẻ làm quan không mơ màng đến bổng lộc, kẻ làm dân tha hồ tự do, tha hồ ung dung tự tại mà vẫn không ra ngoài phép tắc. Một “thiên hạ“ như thế chẳng phải là điều không tưởng hay sao? Không tưởng, chẳng lẽ lại bỏ qua nhân nghĩa? Thôi thì vẫn thi hành. Nhưng lại phải hạ thấp xuống, chỉ còn: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân…“. mà thôi. Yên được dân, thế cũng coi như “Nhân nghĩa“ rồi, không đòi hỏi phải sướng dân, mới dân, hay sáng dân… gì gì nữa. Muốn “yên dân“, thì trước tiên phải lo “trừ bạo“. Luôn luôn trừ bỏ kẻ hung bạo trong thiên hạ cho dân được yên, thì cái việc nhân nghĩa ấy, so với cả cái đạo “Nhân nghĩa“ kia, tuy có thấp hơn nhiều lắm, song thời bấy giờ, mong đạt được đến đó cũng là tuyệt lắm rồi.

Cứ hạ thấp mãi như thế, vậy chẳng lẽ thiên hạ mấy nghìn năm, chưa bao giờ là “có phúc“ hay sao?

Thỉnh thoảng cũng có đấy, nhưng chỉ là những “phúc“ nhỏ, riêng, ngắn ngủi, nằm trong cái “vô phúc“ lớn, tổng quát, trùm hết mọi đời.

Còn bây giờ thì sao?

Bây giờ, các Thánh nhân đã chìm vào dĩ vãng cùng với đạo lý của các Ngài. Thế giới ngày nay tự hào là văn minh, là giỏi giang lắm. Đã bay vào vũ trụ, lại còn bắn phá được cả sao Chổi… thế mà cái đạo lý “yên dân“ kia, xem chừng vẫn còn quá cao, nói chi đến “nhân nghĩa“ làm gì nữa cho xa vời. Kẻ hung bạo trừ mãi không hết, thậm chí ngày càng hung bạo hơn, chúng lại có bom đạn, súng ống… trong tay. Kẻ lưu manh, bịp bợm giáo hóa mãi không chừa, thậm chí càng đời sau càng đểu cáng hơn đời trước. Chúng lại có sẵn quyền lực, địa vị trong tay, tha hồ mà nhân danh mọi thứ… Yên dân tức là yên được cả thiên hạ, trong khi những kẻ hung bạo, lưu manh đủ các kiểu lớn, bé… vẫn còn nhan nhản, vẫn leo lẻo nhân danh cái sự bịp bợm để ngồi trên đầu, trên cổ thiên hạ giữa thanh thiên bạch nhật như thế, vẫn tự xem dân như những món tài sản riêng trong túi mà muốn sao được vậy, mà bất chấp luật lệ, thi nhau hoành hành. Thậm chí còn coi dân chẳng khác gì những thứ thịt chó, thịt mèo cần phải ướp riềng mẻ, mắm tôm… trước khi làm những món chả, hấp, nhựa mận, tiết canh… Thế thì cái đạo lý “yên dân“ kia xét cho đến đời nay, lại tiếp tục là một điều không tưởng nữa.

Nghĩa là tiếp tục phải hạ thấp?

Tất nhiên, không theo được đạo lý của người xưa thì đành phải hạ thấp xuống chứ còn biết làm thế nào.

Đạo “yên dân“ mà hạ thấp xuống nữa thì thành cái gì?

Thì thành cái đạo… “yên thân“. Bây giờ thì chỉ còn mong: “Việc nhân nghĩa cốt ởyên… thân…“. mà thôi. Không yên được cả thiên hạ, cả thiên hạ không yên thì cốt sao yên lấy cái thân mình, vợ con mình, gia đình mình là tốt lắm rồi. “Đạo“ ấy tóm tắt như sau: mình cố không “động“ đến ai, cũng cố mong đừng ai “động“ đến mình… Tóm lại là “Nhân nghĩa“ kể từ thời Thầy Mạnh Tử cho đến bây giờ, chỉ còn lại… có bấy nhiêu mà thôi.

Thế thì có còn là đạo lý nữa không?

Đạo lý là cái gì? Chẳng phải đến bây giờ, chính nó cũng đã bị “hạ thấp“, đến nỗi chỉ còn là cái “lý“ của kẻ cướp rồi hay sao? Cho nên “yên thân“ cũng không dễ mà đạt cho mĩ mãn đâu. Bạn đang ở giữa châu Nam Cực? Hay đang ngồi trên sao Hoả? Cứ thử thò mặt ra đường xem? Dẫu có tình nguyện làm con giun, con dế, cũng chưa chắc đã “yên“, nếu không biết lối mà tung hô, mà dạ, vâng… cho phải phép.

Vậy thì: “Ngu“ là căn hầm trú ẩn cuối cùng của cái giống động vật có tên (khoa học) là “con người“ đáng thương. “Hèn“ là một đại lượng tỉ lệ thuận với vai vế, địa vị hay (thậm chí) tỉ lệ thuận với tri thức, cũng của cái giống động vật có bốn chi (song chỉ sử dụng hai chi để di chuyển) đó. “Định nghĩa“ như thế “trừu tượng“ lắm phải không?

Đại khái hãy so sánh với ngày hôm qua, không được phép so sánh với bất kì ai, kể từ gã hàng xóm trở đi…

Thiên hạ đang là một bầy cừu có chủ. Tốt hơn hết, hãy là một con cừu. Tối qua trong một đám cưới, có mấy con cừu cứ thi nhau ca ngợi những ông chủ đang chăn dắt chúng. Vậy thì kẻ biết chữ ngồi nghe cần phải biết liệu hồn. Biết đâu đến một lúc nào đó, ngay cả cái đạo “yên thân“ này, cũng vẫn còn là một mơ ước… quá cao. Thì sao?


Phạm Lưu Vũ

NGŨ HÀNH Chương 6. Âm Dương Ngũ Hành với học thuật Trung Hoa



Thuyết Âm Dương, Ngũ Hành có ảnh hưởng hết sức lớn lao trong học thuật và tư tưởng Trung Hoa: Nho, Y, Lý, Số đều thấm nhuần ảnh hưởng của Âm Dương, Ngũ Hành. Các khoa Tử Vi, Tướng, Số, đều triệt để áp dụng thuyết Âm Dương, Ngũ Hành sinh khắc.

Ví dụ như trong khoa Tử Vi, các sao đều phân thành Âm Dương, Ngũ Hành; con người, và 12 cung Tử Vi cũng được phân thành Âm Dưong, Ngũ Hành.

Như vậy, tùy theo mệnh con người, tùy theo các sao chiếu mệnh, tùy theo các cung vận hạn mà con người đã trải qua trong một đời, hoặc trong từng năm, từng tháng, từng ngày, ta có thể áp dụng lẽ Âm Dương, Ngũ Hành sinh khắc mà đã đoán định được cát hung một phần nào rồi.

Khoa Địa Lý cũng rất chú trọng đến Âm Dương Ngũ Hành. Hoặc cho rằng: Sơn Hà Đại Địa bất kỳ cái gì có hình đều là Âm. Còn cái khí không trông thấy được mới là Dương

Hoặc cho rằng: Nước là Dương, Núi là Âm.
Mạch cũng phân Âm Dương. Tả Ao viết:

Mạch có mạch Âm, mạch Dương
Mạch nhược, mạch cường, mạch tử, mạch sinh.


Mạch ở dưới đồng bằng phần nhiều đi thấp, được gọi là mạch Dương. Còn mạch ở trên sơn cước, đi theo các núi đồi cao lớn, được gọi là mạch Âm.

Những mạch Âm Dương đó lại được phân chia tùy theo hình, trạng thái hùng vĩ, thanh nhã, linh động, hoặc bất động, thành các mạch cường, nhược, tử, sinh.

- Thế mạch hùng vĩ, cao lớn, thảy đều là mạch cường.

- Thế mạch thanh nhã, nhọn dài được gọi là mạch nhược.

- Thế mạch trông như con thú quay đầu, quẫy đuôi, linh động được gọi là mạch sinh.

- Thế mạch đi đuồn đuộn, ngay đơ, như con cá chết gọi là mạch tử.

Hình thế đất cũng được chia thành 5 loại theo Ngũ Hành. Tả Ao viết:

Kìa như đất có Ngũ tinh,

Nhận xem cho biết tương sinh loan hoàn.

1. Hình tròn là con Kim, hay Kim Tinh

2. Hình dài là con Mộc hay Mộc Tinh

3. Hình vuông là con Thổ hay Thổ Tinh

4. Hình nhọn là con Hỏa hay Hỏa Tinh.

5. Hình sóng gợn là con Thủy hay Thủy Tinh.

Y học Trung Hoa cũng triệt để khai thác thuyết Ngũ Hành. Quan niệm Ngũ Hành soi sáng Y học Trung Hoa về mọi phương diện: Bệnh Lý (Pathogénie), Dược lý (Pharmacologie) và Y Lý Trị Liệu (Thérapeutique.)

Về phương diện Bệnh lý chẳng hạn, Trung Hoa chia năm thành Ngũ Vận.

Các năm Giáp, Kỷ thuộc Thổ

Các năm Ất, Canh thuộc Kim

Các năm Bính, Tân thuộc Thủy

Các năm Đinh, Nhâm thuộc Mộc

Các năm Mậu, Quí thuộc Hỏa

Rồi lại nhân lẽ Âm Dương, sinh khắc, thái quá, bất cập, hay bình khí mà suy xem năm nào khí hậu sẽ ra sao, nóng lạnh, ẩm, khô, mưa gió ra sao để biết những bệnh gì sẽ dễ sinh trong năm ấy.

Họ cho rằng các năm Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm là những năm Dương. Vận khí những năm ấy sẽ quá vượng, quá thịnh, sẽ thừa nên gọi là thái quá.

Những năm Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quí là những năm Âm. Vận khí những năm ấy sẽ suy yếu, sẽ bất cập, mà một hành đã suy, thì khí của hành tương khắc, sẽ thịnh. Ví dụ những năm Giáp (Dương Thổ), thổ khí sẽ thái quá, như vậy sẽ mưa nhiều và sẽ ẩm thấp nhiều, do đó các bệnh thấp sẽ dễ sinh.

Những năm Kỷ (Âm Thổ), Thổ khí sẽ bất cập, như vậy sẽ gió nhiều, do đó các bệnh phong dễ sinh, vì Hành khắc là Mộc, Mộc sinh Phong.

Những năm Tân lạnh nhiều (Âm Thủy), Thủy khí bất cập, nên ẩm thấp nhiều, và các bệnh thấp dễ sinh vì Hành khắc là Thổ, Thổ sinh Thấp.

Tóm lại ta thấy: Mộc thịnh sinh Phong, Hỏa thịnh sinh Nhiệt, Thổ thịnh sinh Thấp, Kim thịnh sinh Táo, Thủy thịnh sinh Hàn.

Còn khi một Hành mà suy, thì Hành tương khắc sẽ thịnh, cho nên:

Mộc suy (bất cập) thời Táo sinh (vì Kim khắc Mộc), Hỏa suy (bất cập) thời Hàn sinh (vì Thủy khắc Hỏa), Thổ suy thời Phong sinh (vì Mộc khắc Thổ), (xem thí dụ năm Kỷ) Kim suy (bất cập) thời Nhiệt sinh (vì Hỏa khắc kim), Thủy suy (bất cập) thời Thấp sinh (vì Thổ khắc Thủy). (Xem thí dụ năm Tân).

Dược lý cũng dựa trên Ngũ Hành:

Đại khái các thuốc màu xanh, vị chua chữa gan; các thuốc màu đỏ, vị đắng chữ tim; các thuốc màu vàng, vị ngọt chữa tì; các thuốc màu trắng, vị cay chữa phổi; các thuốc màu đen, vị mặn chữa thận v.v...

Trị liệu cũng dựa theo quan niệm Ngũ Hành tương sinh, tương khắc, hoặc Ngũ Hành điên đảo. Ví dụ:

1. Mẫu hư bổ kỳ Tử

Như Kim (Phế): vốn sinh Thủy (Thận), nhưng nếu Phế suy, phải bổ Thận (Thủy) để cứu Phế (Kim)

Thủy (Thận) vốn sinh Mộc (Gan), nhưng nếu Thận (Thủy) kiệt, thời phải bổ Gan (Mộc).

2. Tử hư bổ kỳ Mẫu

Thủy suy (Thận suy), phải bổ Kim (Phế) (mẹ)

Thổ suy (Tì suy), phải bổ Hỏa (Tâm) (mẹ)

Mộc suy (Gan), phải bổ Thủy (Thận) (mẹ)

Kim (Phế) táo, phải bổ Thổ (Tì) (mẹ)

Hỏa (Tâm) suy, phải bổ Mộc (Gan) (mẹ)

3. Mẫu thực tả kỳ Tử

Phế (Kim) (mẹ) thực, phải tả Thận Thủy (con)

Thận (Thủy) (mẹ) thực, phải tả Gan (Mộc) (con)

Gan (Mộc) (mẹ) thực, phải tả Tâm (Hỏa) (con)

Tâm (Hỏa) (mẹ) thực, phải tả Tỳ (Thổ) (con)

Tỳ (Thổ) (mẹ) thực, phải tả Phế (Kim) (con)

4. Tử thực, tả kỳ Mẫu

Thận (Thủy) (con) thực, tả Phế (Kim) (mẹ)

Gan (Mộc (con) thực, tả Thận (Thủy) (mẹ)

Tâm (Hỏa) (con) thực, tả Gan (Mộc) (mẹ)

Tỳ (Thổ) (con) thực, tả Tâm (Hỏa) (mẹ)

Phế (Kim) (con) thực, tả Tỳ (Thổ) (mẹ) v.v...

Đi sâu vào vấn đề, ta thấy các Y gia lại còn áp dụng lẽ Ngũ Hành điên đảo trong việc điều trị. Nhưng nơi đây, chúng ta cũng chẳng cần phải bàn rộng hơn về vấn đề đó làm chi nữa. Người nào có tâm cầu học, nhất định sẽ tìm sách mà tra cứu lấy.

Cuộc Cách mạng giáo dục đến từ mỗi chúng ta




Bạn đang trông chờ một cuộc Cách mạng thay đổi nền giáo dục? Bạn nghĩ rằng cuộc Cách mạng này sẽ đến từ những nhà nghiên cứu giáo dục hay đến từ các phong trào đấu tranh? Cuộc Cách mạng thay đổi nền giáo dục chỉ đến từ chính bạn: Khi bạn nói không với hệ thống giáo dục đang ngày một thối nát… Khi bạn sẵn sàng đương đầu với cuộc sống mà không cần sự thừa nhận của xã hội… Khi bạn dũng cảm lựa chọn cho mình một con đường tự chủ và độc lập trong nhận thức…

Tại nơi chúng ta đang sống, không phải trở thành một người có nghề nghiệp là điều đáng quý trọng, mà là cuộc chạy đua vào cổng trường đại học. Đó là một nghịch lý mà chúng ta ai cũng nhận ra, nhưng chẳng mấy ai dám khước từ tấm bằng vô nghĩa ấy. Bạn tin không? Bạn có thể trở thành một chuyên gia tư vấn Luật mà không cần phải học Đại học Luật. Bạn có thể chế tạo ra một bộ máy mà không cần phải là sinh viên Bách Khoa. Bạn có thể trở thành một nhà báo mà không cần phải học khoa Báo chí… Tất cả những điều đó đến từ quá trình lựa chọn và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Con đường đại học không làm nên phẩm giá, không làm nên vị thế xã hội, không giúp bạn kiếm sống dễ dàng hơn. Bạn sẽ lãng phí 5 năm cuộc đời cho một sai lầm. Thế là quá nhiều! Trong 5 năm ấy, bạn có đủ thời gian để trở thành một đầu bếp hay một thợ may lành nghề, thậm chí là một doanh nhân thành công. Nghề nấu nướng và chuyên gia hóa sinh, có gì khác nhau về đẳng cấp? Nghề thợ may và nghề nghiên cứu mỹ thuật, có gì khác nhau về đẳng cấp?

Các bạn chọn con đường đại học vì tất cả mọi người xung quanh bạn đều ngưỡng vọng nó. Các bạn đang đua đòi vào một căn nhà chật hẹp và gò bó bởi các quy tắc. Nếu muốn trở thành một nhà lý thuyết, các bạn có thể vào đại học và chìm đắm trong sách vở và tri thức. Nhưng những bạn trẻ đã và đang lao đầu vào cổng trường kia, bao nhiêu người yêu sách và quý trọng tri thức nhân loại? Trường đại học là nơi đào tạo ra những con người gìn giữ tri thức ngàn đời, không phải nơi đào tạo ra những kẻ nương nhờ vào bằng cấp để kiếm sống. Bạn dám đánh đổi cả cuộc đời mình để gìn giữ tri thức hay đánh đổi nhân phẩm của mình để quy đổi tri thức ra tiền? Tôi không có ý nói công việc gìn giữ tri thức cao quý hơn một đầu bếp, tôi muốn nói rằng, nếu bạn lựa chọn điều gì, hãy có trách nhiệm với điều ấy.

Chúng ta đã quên đi mục đích của việc học: Học để thành nghề và học để thành người. Lựa chọn theo đám đông ngu ngốc, theo các chuẩn mực xã hội, học để lấy điểm gạo, các bạn vừa không thành nghề mà cũng chẳng thành người. Các bạn trở thành những con gà béo tốt nuôi một hệ thống lừa dối kiếm chác dựa trên sự a dua của các bạn. Đừng trở thành con gà béo, các bạn là con người, các bạn có Internet và cơ hội tiếp cận kiến thức với số lượng lớn chưa từng có trong lịch sử, vậy các bạn có thể nói “Không” với cổng trường Đại học nếu thấy nó không cần thiết cho cuộc đời của bạn.

Thay vì oán trách và trông chờ, các bạn có thể lựa chọn cho mình một con đường phù hợp với sở thích, đam mê và hoàn cảnh. Hãy dành nhiều thời gian cho con đường ấy, tìm thày giỏi hướng dẫn, mày mò đọc thêm kiến thức mở rộng từ Internet, kết giao bạn bè trong lĩnh vực đó để trao đổi và học hỏi. Cho dù bạn có học đại học hay học nghề, bạn vẫn không thể không tự học. Vì tự học chính là biểu hiện rõ nét nhất, quyết liệt nhất con đường mà bạn chọn. Tự học, chính là cuộc Cách mạng giáo dục thật sự!

Cuộc Cách mạng Tự học sẽ khiến cho những hệ thống đối xử với bạn như con gà ngày một suy yếu và rạn nứt. Cuộc Cách mạng này sẽ giúp nảy sinh ra rất nhiều ngành nghề mới lạ đến từ nhu cầu thiết yếu thật sự của cuộc sống. Cuộc Cách mạng Tự học là cuộc Cách mạng của kiến tạo, khi mỗi người đều nhận thức được rằng điều quan trọng nhất của một con người trong phận vị xã hội đó là kiến tạo ra giá trị mới chứ không phải đạp bỏ các giá trị cũ.

Tự chọn lựa và chịu trách nhiệm về con đường cho mình, bỏ qua mọi định kiến và thang bậc xã hội, đó là bước đi liều mạng nhưng cần thiết trong lúc này. Đó là con đường tự cứu mình. Sẽ mất mười đến hai mươi năm đê thật sự có thay đổi tích cực trong nền giáo dục nếu Bộ giáo dục thay đổi đúng đắn từ bây giờ, chúng ta không có nhiều thời gian đến thế. Bạn có thể mất nhiều thời gian để oán thán, hoặc đứng dậy, quay lưng với nền giáo dục để sống cuộc đời của chính mình chứ không phải cuộc đời của ai đó vẽ ra cho bạn.

Một người không tham gia vào cuộc chạy đua ấy, cuộc đời người ấy sẽ bị cô lập. Một trăm người từ chối cuộc đua, số lượng này sẽ có cơ hội được nhân rộng. Một nghìn người có thể tự quyết định lựa chọn con đường riêng cho mình mà không cần bằng cấp, các giá trị vật chất sẽ được kiến tạo một cách hiệu quả hơn. Một trăm nghìn người, một triệu người… Bộ giáo dục sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa, nhiều nền tảng xã hội khác như tuyên truyền chính trị, kinh tế, nội vụ… sẽ dần dần bị phá hủy.

Một trật tự mới sẽ được hình thành, khi mà mỗi chúng ta đều là con người có ích và tự chủ, khi mà giá trị kiến tạo được đánh giá cao hơn giá trị bằng cấp, thang bậc xã hội không còn phân biệt giữa các nghề nghiệp với nhau, khi trường đại học không còn là cái chuồng gà mà trở lại làm những thánh đường của tri thức.

Hà Thủy Nguyên

PS: Tôi bỏ đại học từ năm thứ 3, không phải vì tôi học sai ngành, mà vì tôi thấy cả tôi và trường đại học đều không thể chịu đựng được nhau. Cho đến nay, tôi vẫn là công việc tôi đeo đuổi, bằng cấp chẳng đóng bất cứ một giá trị gì trong sự nghiệp của bản thân tôi. Và tôi tin, các bạn nếu dám lựa chọn và dám chịu trách nhiệm thì cổng trường đại học không phải con đường duy nhất!

Hợp pháp hóa mại dâm, nên hay không?




matdoi





img-20131010145827-542.jpg1024x683 89.7 KB

Featured Image: Prostitution Recovery


Nhân việc tổ chức Nhân Quyền Quốc Tế ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm và ông Lê Văn Quý – phó chi cục trưởng cục Phòng Chống Tệ Nạn xã hội TPHCM đề xuất thí điểm nên tôi viết một bài để mọi người thảo luận.

Đây là vấn đề tốn rất nhiều bút mực trên các tờ báo và gây tranh cải trong suốt một thời gian dài ở VN và trên thế giới. Có rất nhiều quan điểm được đưa ra từ 2 phía nhưng dường như chưa có sự thống nhất hoàn toàn. Khi đưa ra một vấn đề mang tính nhạy cảm như mại dâm thì chúng ta phải xem xét nó một cách cẩn thận để có cái nhìn công bằng nhất có thể. Đánh giá trên nguyên nhân và hậu quả tác động vào cá nhân cũng như xã hội.
Mại dâm có từ đâu

Theo vài nhà nghiên cứu lịch sử thì nó là hệ quả của chế độ chiếm hữu nô lệ. Một nô lệ được xem như món hang hóa và không có bất cứ quyền lợi nào của con người. Tình dục là một nhu cầu rất lớn của loài người, vì vậy nô lệ trở thành phương tiện thỏa mãn nó. Bằng quyền được xã hội công nhận, các chủ nô thành lập các nhà thổ để buộc nô lệ bán dâm thu lợi, hoặc dùng họ để giải tỏa nhu cầu của binh lính vốn không được gần gũi phụ nữ trong thời gian dài.

Thế giới này trong nhiều thiên niên kỷ nằm trong tay đàn ông nên phụ nữ trở thành nạn nhân của họ. Đó là thời kỳ quyền lực được tạo ra do sức mạnh cơ bắp, khả năng chống chọi với thiên nhiên để kiếm sống. Từ đó trong xã hội hình thành rất nhiều những tư tưởng có lợi cho đàn ông mà ngày nay chúng ta xem chúng là cổ hủ. Tam Tòng Tứ Đức cũng thế mà Trinh Tiết cũng thế.

Nhưng xã hội phát triển theo xu hướng chuyển đổi về khả năng sản xuất từ cơ bắp sang trí tuệ. Trên cơ bản nam và nữ là như nhau nên phụ nữ bắt đầu có khả năng nắm giữ nhiều ưu thế trong xã hội. Tuy nhiên bởi trong một thời gian rất dài phụ nữ là phụ thuộc còn nam giới làm chủ nên cũng hình thành sự thiên lệch về tính cách. Phụ nữ thiên về cảm xúc còn nam giới thiên về lý tính, nhưng sự lệch pha đó ngày càng được rút ngắn hơn.

Từ đó những vấn đề về bình đẳng giới, những thiệt thòi của phụ nữ được đưa ra với cái nhìn khác và quan tâm nhiều hơn. Quan niệm khắt khe về tình dục với nữ giới cũng trở nên cởi mở hơn. Cái nhìn về sự ô nhục đối với gái mại dâm cũng giảm dần, có một sự ngang hàng giữa người mua dâm và kẻ bán dâm về nhân cách, hành động mua dâm được xem như là một nhu cầu không thể thiếu trong bất cứ xã hội nào vì không phải ai cũng có cơ hội thỏa mãn tình dục theo cách mà xã hội xem là chính đáng.
Tác động của mại dâm đối với xã hội

Tích cực: Mỗi người khi trưởng thành đều có nhu cầu về tình dục nhưng vì hoàn cảnh nào đó mà nhu cầu đó không được đáp ứng. Ham muốn không được thỏa mãn rất dễ làm cho tâm lý xảy ra vấn đề, sự đè nén khiến con người dễ có những hành động mang tính bạo lực để giải phóng ra bên ngoài mà cưỡng hiếp chỉ là một trong số đó. Điều này tạo tác động xấu lên gia đình và xã hội, nên mại dâm chính là phương tiện giúp cân bằng sinh lý cũng như tâm lý con người. Một xã hội tự nó sẽ có sự điều tiết để đạt đến trạng thái cân bằng khi bị lệch pha trong bất cứ vấn đề gì. Vì thế dù có cấm thì mại dâm vẫn tồn tại như sự tất yếu của cuộc sống.

Tiêu cực: Gia đình chính là nền tảng của xã hội, mà quan hệ tình dục giữa nam và nữ là yếu tố sống còn trong mối liên kết gia đình. Thủy chung trong đời sống vợ chồng là một khế ước thiêng liêng giữa 2 người với nhau, khi khế ước này bị xé bỏ thì khả năng gia đình tan vỡ sẽ rất cao. Ly hôn sẽ tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống cũng như tâm lý con cái, sự phát triển của con người phải dựa trên một nền tảng bền vững nếu không nó sẽ bị méo mó và nhiều lỗi.

Không khó để thấy rằng mại dâm đã tác động xấu lên sự bền vững đó. Vì thế đối với đa số những con người không có sự thiếu thốn về tình dục thì xem mại dâm như một mối đe dọa đến hạnh phúc gia đình họ. Trong quá khứ, bởi ảnh hưởng của quan niệm cổ hủ, bởi các lề luật của tôn giáo nên mại dâm luôn bị cấm đoán và xem là sự ô nhục.

Xét trên khía cạnh đạo đức

Bởi mại dâm là một trong những tác nhân gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình nên nó vi phạm giá trị đạo đức mà xã hội công nhận, dù rằng nó được sinh ra do nhu cầu thiết yếu của xã hội. Ngoài ra hành động bán lương tâm hoặc thân xác, xem mình như một món hàng hóa để thu lợi thường được xem là không có đạo đức. Bởi nếu mỗi con người sống trong xã hội mà không có lòng tự trọng, không biết xấu hổ thì sẽ không còn bất kỳ giá trị đạo đức nào có thể tồn tại được, khi đó xã hội sẽ sụp đổ ngay tức khắc. Mặt nào đó thì mại dâm, lừa đảo, tham nhũng… là như nhau về bản chất và chỉ khác nhau về mức độ. Một con người nếu không giữ được phẩm giá của con người là lòng tự trọng và trách nhiệm thì khó mà được xem là một con người thật sự.

Tuy nhiên! Cuộc sống không chỉ tồn tại các khái niệm vi phạm đạo đức của mại dâm mà còn đan xem các khái niệm đạo đức khác. Mỗi con người là một sản phẩm của xã hội, vậy mại dâm hay những ai hành nghề mại dâm cũng là sản phẩm được tạo ra từ xã hội đó, và vì thế nó phải có trách nhiệm với những gì mình tạo ra. Bằng sự tư duy hoán đổi vị trí đối với người bán dâm – một nạn nhân của xã hội, chúng ta cảm thấy cảm thông và xót thương đối với họ. Nếu họ sinh ra trong một hoàn cảnh tốt hơn, được giáo dục tốt hơn, họ sẽ không trở thành người bán dâm. Trong cuộc sống, con người có sự lựa chọn nhưng cũng không có sự lựa chọn, vì người ta chỉ có thể chọn theo những gì mình có và mình hiểu.
Mại dâm ở các nước phát triển

Từ sự phân tích ở mục 2 và 3 ta có thể tổng kết rằng mại dâm là một nhu cầu thiết yếu của xã hội, nhưng nó cũng gây tác hại cho xã hội. Nó là sự vi phạm đạo đức nhưng nó lại là sản phẩm do xã hội tạo ra. Nếu xem mại dâm là có tội thì xã hội cũng phải gánh lấy cái tội ấy. Từ đó nhìn rộng ra, không chỉ riêng mại dâm, bất cứ người phạm tội nào đều xem là có tội nhưng cũng được xem là vô tội. Như câu chuyện về Chúa Jesus khi người ta bảo Ngài ném đá người phụ nữ ngoại tình, Ngài bảo: “Ai cảm thấy mình vô tội thì hãy ném đá người phụ nữ này trước tiên.” Đó là một cái nhìn đối với tội lỗi thế gian và sự tha thứ.

Nếu xã hội không thể tạo cho người bán dâm một hoàn cảnh để họ không bán dâm nữa, trong khi mại dâm vừa lợi vừa hại cho xã hội thì cách tốt nhất đối với nó là không kết tội cũng không khuyến khích. Theo thông tin tham khảo, đa số các nước phát triển đi theo hướng này. Nghĩa là bán dâm không bị cấm đoán, không có tội, nhưng cấm tổ chức dịch vụ hoặc quảng cáo mại dâm. Làm theo cách này vừa thể hiện tính nhân đạo với người bán dâm, vừa ngăn chặn sự bóc lột của các tổ chức mại dâm lên họ, vừa bảo vệ sự ổn định xã hội một cách vừa phải. Chỉ một số ít hợp pháp hóa mại dâm hoặc cấm hoàn toàn (đa phần do văn hóa truyền thống, hoặc tôn giáo).

Xét tình hình Việt Nam

Đề nghị hợp pháp hóa mại dâm ở VN được đưa với nhiều lý do, vì nhân đạo có, vì sức khỏe có, vì dễ kiểm soát có, hầu hết đều hợp lý. Nhưng bản thân tôi lại cho rằng VN chưa đến lúc phải như thế, nếu hợp pháp hóa mại dâm thì hậu quả vô cùng to lớn bởi những nguyên nhân sau:

A. Tham nhũng: hợp pháp để bảo vệ người bán dâm trước sự bóc lột của thế giới ngầm. Nhưng làm thế chẳng khác nào cho những kẻ tổ chức mại dâm thêm một công cụ khác chính là luật pháp. Bởi tham nhũng, luật pháp sẽ bảo vệ những kẻ có tiền, người bán dâm sẽ bị bốc lột tàng tệ hơn nữa. Khi chưa hợp pháp thì mại dâm bị cấm đoán, tình dục trẻ em phạt rất nặng. Nhưng khi hợp pháp thì nhờ lo lót, được sự bảo kê của pháp luật, những cô gái và trẻ em càng dễ bị đưa vào con đường kinh khủng đó.

B. Ý thức:
Nên biết dân trí VN phải nói là rất thấp, mà càng thấp thì càng dễ dàng sa đọa. Khi bán thân là hợp pháp thì sẽ có hằng hà sa số người lao vào vì “vừa sướng lại vừa có tiền”. Từ cái chuyện lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc vì tiền là đủ để biết hậu quả khi được hợp pháp. Đã cấm rồi mà khắp Sài Gòn nơi nào cũng có người bán dâm, khoản 80% Karaoke đều có em út và có thể “đi” nếu giá hợp lý, chưa kể đến vô số quán nhậu, khách sạn, massage…

C. Dựa trên cơ sở không chính đáng:
Nên biết ở những nước khác việc không xem mại dâm là tệ nạn là do sự nhận thức của một xã hội văn minh, đạt được sự đồng thuận của đa số người dân trong sự hiểu biết về các giá trị đạo đức cũng như tính nhân đạo. Khi đó dù mại dâm không bị cấm thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến xã hội. Nhưng ở nước ta thì khác, ban đầu cấm mại dâm không được thì đâm ra đề nghị cấm mở dịch vụ Karaoke, bị phản đối thì lại đề nghị hợp pháp để dễ quản lý và trọng yếu nhất chính là thu được nguồn lợi từ mại dâm – vốn đã trở nên tràn lang khắp cả nước. Luật pháp ban đầu đã không nghiêm minh, nay lại trao vào tay những ông – bà tú thì mại dâm sẽ như sóng thần cuốn đi cả một nền văn hóa của dân tộc.

Nói tóm lại: Bao giờ hợp pháp hóa mại dâm là một đòi hỏi từ sự nhận thức của đa số dân chúng thì tôi ủng hộ. Còn nếu đó là giải pháp từ việc chính phủ bất lực trong xử lý các tệ nạn xã hội thì tôi phản đối. Vì điều đó thể hiện một sự bất lực, buông xuôi, chạy trốn trách nhiệm và thỏa hiệp với những tiêu cực đang tồn tại trong xã hội. Và cứ theo đà này thì một đề nghị hợp pháp hóa ma túy cũng sẽ được mang ra xem xét trong tương lai.

Mắt Đời3

CHÙM THƠ NHỚ MẸ NHÂN LỄ VU LAN - Đông La





KHI CON XA MẸ
Tưởng nhớ MẸ
Và cô Anh Thơ, người mở cánh cửa văn chương





Tuột quai dép dẫm hòn sỏi nhỏ
Xót xa nhớ về bóng mẹ đường dài
Nắng đốt mặt đường đất bốc hơi
Chân đất vai gầy oằn gánh nặng


Sáng tinh sương ánh bình minh ló rạng
Nhớ trưa hè rơi giọt mồ hôi
Bụi tro phủ dầy vành khăn gọn
Lửa ôm tròn nồi cám đang sôi


Đêm thoáng lạnh trùm chiếc chăn nhẹ
Nhớ gió Bấc khô thổi rụng lá xoan vàng
Mẹ ơi nếp da dầy chân mẹ!
Đã bao nhiêu rồi vết nứt nẻ dọc ngang?


Đã bao năm rồi, con xa mẹ, mẹ ơi!
Ác liệt chiến trường, khó khăn nơi phố thị…
Con mãi là đứa con nhỏ bé
Phút yếu lòng, mẹ lại đỡ con đi./.


9-1982

MẸ ĐẾN THÀNH PHỐ






Cực nhọc vượt qua sáu lăm con dốc cuộc đời mình
Lần đầu mẹ đến một thành phố
Thành phố còn bình thường
Sao mẹ quá bỡ ngỡ
Bàn chân quen lội bùn run rẩy trên mặt
nhựa phẳng gương


Nhà của con đây xin mẹ bước vô
Căn phòng nhỏ tuềnh toàng của người kỹ sư
còn nghèo khó
Mười bốn mét vuông gạch hoa vẫn làm mẹ ngơ ngác
Con hiểu nền đất nhà mình vẫn lầm bụi quanh năm


Chẳng phải để dạo chơi mẹ lặn lội đến đây
Đứa cháu nội đầu tiên vừa tròn hai tháng tuổi
Con ân hận biết bao dù đã sáu lăm năm gian khổ
Năm tháng cuối đời mẹ chẳng được nghỉ ngơi


Ôm đứa cháu xinh mắt mẹ rạng ngời
Mẹ hãy để nàng dâu miền Nam trổ tài nấu ăn đón mẹ
Suốt một đời
chỉ rau muống chấm tương
lác đác bữa cua đồng, cá nhỏ
Món cà-ri lạ lùng mẹ lại chẳng quen ăn


Ôi mẹ của con!
Người mẹ bình thường như bao bà mẹ nông dân!
Tưởng dấu chân gánh thóc của mẹ phủ kín
cả mặt đất này cực nhọc
Vạn triệu hạt mồ hôi mặn mòi như những giọt nước mắt
Chưa hết nỗi khổ này lại chồng tiếp nỗi đau kia


Nhìn mái đầu bạc phơ thương biết bao nhiêu!
Con bỗng thấy những nắng, những mưa,
những bão giông cuồn cuộn trong từng sợi tóc
Bao chờ mong, bao lo toan hằn trong từng
nếp nhăn khóe mắt
Cặm cụi một đời chỉ biết hy sinh


Ôi mẹ ngàn lần, ngàn lần yêu kính của con!
Sáu lăm tuổi lần đầu đến một thành phố
Hạt gạo ở đây người ta coi bé nhỏ
Nhưng quen như ở nhà mẹ cứ mang thùng gạo ra đong./.


1985

NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG



Khi những ngọn gió chui qua chỗ kính vỡ
ùa vào giường con
Mang theo cái lạnh đêm Sài Gòn khuya khoắt
Tự dưng con không sao chợp mắt
Gió Bấc về rồi mẹ ơi lạnh lắm không?


Ôi nhớ quá quê hương ơi mùa Đông!
Nước lạnh cóng con cá rô không bơi được
Thương mẹ cấy lâu dầm trong bùn nước
Máu tụ bầm đầu những ngón tay!


Mẹ ơi con biết làm gì đêm nay?
Khi gió Bấc sắc thổi luồn qua liếp cửa
Đêm thì dài mà chăn thì mỏng
Chỗ ấm mẹ nhường thằng út bé con!


Ôi mùa Đông rét trụi cành xoan
Rét quăn mép chiếc lá chè thưa thớt
Rét làm đọng hơi mặt giếng khơi ngùn ngụt
Rét làm dài con đường ngắn ngủi trên quê


Con bỗng muốn trở về những năm tháng ấu thơ
Sáng sáng mùa Đông bên chảo cơm rang thơm ngát
Mẹ chia cho chúng con mỗi đứa một bát
Rồi mẹ kiểm tra cúc ngực trước lúc đến trường


Ôi nhớ quá quê hương ơi quê hương!
Trong lạnh cóng rễ cây lúa của mẹ vẫn
cần cù chắt chiu trong lòng đất
Như ngọn lửa trong tim mẹ mãi mãi không tắt
Sưởi ấm sự sống mùa Đông trên quê hương./.


9-1982