" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015
mê tín dị đoan và tín ngưỡng
Nguyễn Nhân Trí
Đại Ý:
– Mê tín dị đoan là những niềm tin hay ý niệm phát xuất từ lòng dễ tin không dựa trên lý lẽ hay kiến thức – nhất là khi những niềm tin hay ý niệm nầy không cần có bằng chứng vững vàng và đầy đủ.
– Nếu so sánh về nguồn gốc và bản chất thì sẽ thấy mê tín dị đoan và tín ngưỡng khác nhau rất ít.
– Nếu một hiện tượng không giải thích được xảy ra trong một tôn giáo, người theo tôn giáo ấy cho đó là một “phép mầu”. Nếu một hiện tượng giống như vậy xảy ra trong tôn giáo khác, theo họ đó là “điều huyễn hoặc”.
– Mỗi tôn giáo đều tự cho rằng tôn giáo mình không mê tín vì họ có “bằng chứng” để hỗ trợ cho những lễ nghi, giáo điều, tín ngưỡng, v.v. của họ. Và “bằng chứng” duy nhất và tối quan trọng nhất là “đức tin” của họ.
Nói về “mê tín dị đoan” là người ta nghĩ ngay đến thầy pháp, đồng cốt, bùa ngãi, bói toán, xin xâm, xủ quẻ, coi tướng số, cúng sao, đốt giấy tiền vàng bạc, v.v. và v.v.
Định nghĩa
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về “mê tín dị đoan”. Chỉ cần google “mê tín dị đoan” hay “superstition” là sẽ thấy hàng trăm cách nhìn về mê tín dị đoan. Phần đông các cách nhìn nầy đều có những điểm tương tự với nhau nhất là khi diễn giải chữ “mê tín dị đoan” theo nghĩa từng từ đơn của nó: từ Hán âm Việt “mê” có nghĩa là “thiếu sáng suốt” hay “lầm lẫn”; từ “tín” có nghĩa là “tin” hay “không ngờ vực”.
Theo Wikipedia thì “mê tín dị đoan là những niềm tin hay ý niệm phát xuất từ lòng dễ tin không dựa trên lý lẽ hay kiến thức – nhất là khi những niềm tin hay ý niệm nầy không cần có bằng chứng vững vàng và đầy đủ”.
Collins Discovery Encyclopedia, 1st edition HarperCollins Publishers 2005 đi vào chi tiết kỹ càng hơn và định nghĩa mê tín dị đoan là:
1. “Những niềm tin vô căn cứ dựa trên sự thiếu hiểu biết hay sự sợ hãi và tiêu biểu như sự sùng bái cực đoan các điềm gỡ, bùa phép, v.v.”
2. “Những ý niệm, hành động hay nghi lễ phát xuất từ các niềm tin kể trên”.
3. “Bất cứ những niềm tin vô căn cứ nào, nhất là niềm tin về vấn đề huyền bí”.
Theo một định nghĩa khác, mà tôi thường dùng, thì “mê tín dị đoan là niềm tin cho rằng một hiện tượng xảy ra vì là hậu quả của một hiện tượng khác, trong khi thật ra không có mối liên hệ nguyên nhân hậu quả gì giữa những hiện tượng nầy”.
Nguồn gốc và bản chất
Mê tín dị đoan sinh ra và tích lũy lại từ sự thiếu hiểu biết của con người trong những niên đại mà khoa học chưa được lập thành hay phát triển.
Bản năng tự nhiên, và nhu cầu sinh tồn, của con người thúc đẩy họ phải tìm ra những giải thích “thỏa đáng” cho chính họ về những hiện tượng xảy ra chung quanh. Tại sao khi thì săn bắt được nhiều thú rừng, khi thì không? Tại sao năm nay cây trái mùa màng lại thấp kém hơn những năm trước? Tại sao nếu sáng nào bà X vào mua hàng đầu tiên ở cửa tiệm của mình rồi thì suốt ngày đó sẽ buôn bán ế ẩm? Tại sao cái computer trong văn phòng của mình lại hay bị hư khi mình mặc áo màu đen đi làm?
Sự sợ hãi về các hiện tượng thiên nhiên và “siêu nhiên” vẫn còn tác động mãnh liệt trong tiềm thức con người ngày nay không khác gì trong ông cha họ lúc còn ăn lông ở lỗ. Những người có nghề nghiệp càng nguy hiểm, càng bấp bênh, càng tùy thuộc vào thiên nhiên thì thường càng có nhiều thủ tục mê tín gắn liền vào cách thức, lề lối sinh sống hàng ngày của họ.
Khi một đứa trẻ mới sinh ra, trong người của nó không có sẵn một chút mê tín dị đoan nào cả. Nhưng khi lớn lên, đứa trẻ dần dần học được những hành động, những phản ứng, những cách suy nghĩ nầy qua gia đình và xã hội chung quanh. Đại đa số những tập tục mê tín trong gia đình của cha mẹ sẽ được truyền qua gia đình của con cái trong tương lai, cộng thêm (hay trừ bớt) một số những mê tín khác mà những đứa con nầy thu lượm từ bạn bè, thân quyến chung quanh.
Phân loại và thí dụ
Nói chung các mê tín dị đoan có thể được chia ra làm bốn dạng sau đây.
Dạng thứ nhất là những nghi thức, cử chỉ xuất phát từ truyền thống hay thói quen. Thí dụ như đi xin xâm, hái lộc trong ngày Tết, bói bài, xem chỉ tay, xem tướng, tử vi, cúng sao giải hạn, đốt giấy tiền vàng bạc trong tang lễ, nấu cơm canh mời ông bà tổ tiên về dùng, v.v. Tất cả những điều nầy đều được truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, cha mẹ dạy con cháu làm theo, người nầy bắt chước người khác và được thực hành một cách máy móc không có sự suy nghĩ chính đáng. Đa số những mê tín dị đoan dưới dạng nầy thường được ẩn núp sau danh nghĩa “phong tục cổ truyền” hay ngay cả “tín ngưỡng dân gian”.
Dạng thứ hai là những điều tốt lành cũng như những điều kiêng cử. Nhiều người tin rằng nếu họ làm (hay không làm) những điều nầy thì sẽ có ảnh hưởng đến sự thành công (hay thất bại) của những chuyện khác (mặc dù những chuyện nầy không hề có một liên quan gì đến những đìều trên cả). Thí dụ như nếu cử hành cưới hỏi, khai trương tiệm quán, xuất hành đi xa, v.v. trong những ngày “xấu” (mùng năm hay mười bốn hay hăm ba âm lịch) thì cuộc hôn nhân sẽ lận đận, tiệm quán sẽ ế ẩm, cuộc du hành sẽ gặp trắc trở, v.v. Trái lại nếu lựa ngày “hạp” và giờ “tốt” (như “giờ hoàng đạo”) thì vợ chồng sẽ hạnh phúc, làm ăn phát đạt, chuyến đi sẽ an toàn dễ dàng, v.v. Những thí dụ tương tự khác như cất nhà phải theo đúng phép phong thủy, lựa người “mở hàng” buổi sáng, vợ chồng cần phải “hạp” tuổi, không được mở dù trong nhà, v.v.
Dạng thứ ba là những điềm tiên báo: điềm gở cũng như điềm tốt. Thí dụ nhiều người tin rằng có chim cú đến nhà là điềm sắp có người chết, gương vỡ sẽ xui xẻo 7 năm, mắt trái giựt là sắp có chuyện đáng lo, gặp mèo đen đi ngang trước mặt sẽ gặp tai nạn, nằm mộng thấy quan tài là sắp có tiền, chó lạ đến nhà là điều thành lợi trong khi mèo đến nhà là điềm thua mất (“mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”), v.v.
Và dạng thứ tư là sự tôn thờ sùng bái những cá thể siêu hình vì họ tin rằng những cá thể nầy có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe hay diễn tiến sự việc hay kết quả thành bại trong đời sống họ hoặc có thể cứu vớt họ vào một thế giới trường cửu nào đó sau khi chết. Thí dụ như thần cây đa, ma xó, ông Địa, Thần Tài, v.v.
Vài thí dụ khác:
Nhiều chủ tiệm, chủ cửa hàng rất tin vào việc "đốt phong long": họ tin rằng nếu đốt giấy tiền vàng bạc (có khi với nhang đèn hay có khi chỉ cần đốt vài mảnh giấy trơn) trước cửa hàng khi buôn bán ế ẩm thì sẽ xua đuổi được sự xui xẻo và khách hàng sẽ đến.
Nhiều vận động viên tin rằng nếu họ mặc một quần áo nào đó trong người hay làm một cử chỉ gì đó trước khi hay trong khi tranh giải hay tham dự cuộc đua thì họ sẽ được may mắn và chiến thắng (Ngôi sao bóng rỗ lừng danh Michael Jordan luôn luôn mặc một chiếc quần lót cũ mà anh đã từng mặc từ khi chơi cho đội banh trường của anh ở North Carolina bên trong đồng phục chính thức để được may mắn; tay quần vợt quốc tế Bjorn Borg không bao giờ cạo râu nếu anh đang trên đà thắng trận trong các cuộc tranh giải). Thí dụ nầy cũng tương tự cho vô số những người lính trong thời kỳ chiến tranh: hiện tượng phổ thông nhất là việc họ đeo đủ loại bùa để hy vọng súng đạn không phạm vào người họ.
Vài tính chất chung
Hầu hết các mê tín dị đoan đều mang một số tính chất chung.
1/ Đặc điểm chung và nổi bật nhất của các loại "mê tín dị đoan" là người ta thường làm (hoặc tránh làm) một hành động gì đó để mong muốn cho một sự việc gì khác xảy ra (hoặc không xảy ra) trong khi thật sự thì hành động đi trước không tạo thành hay gây ra sự việc theo sau.
2/ Mê tín dị đoan được truyền bá sâu rộng trong mọi tầng lớp, mọi chủng tộc, mọi thời điểm trong lịch sử con người.
Không có dân tộc nào, không có xã hội nào không chịu ảnh hưởng bởi mê tín dị đoan. Một số xác suất thống kê cho rằng không dưới khoảng 2/3 dân số của hầu hết bất cứ quốc gia nào trên thế giới từ Đông sang Tây nhìn nhận rằng họ ít nhiều tin và thực hành một số điều được định nghĩa là mê tín dị đoan.
Tôi cho rằng số người thật sự tin và thực hành những điều mê tín dị đoan lớn hơn 2/3 rất nhiều. Phần lớn những người không nhìn nhận họ mê tín dị đoan vì họ cảm thấy ngượng ngùng khi làm việc nầy. Họ ngượng ngùng vì ngay chính họ cũng nhận thấy rằng những điều họ làm là vô cớ, vô lý và không dựa vào một cơ sở lý luận hay nguyên cớ chính đáng nào cả.
Nhiều người khác không nhìn nhận họ mê tín dị đoan vì một số những gì họ tin và làm đã trở thành một phần quá quen thuộc trong cuộc sống của họ nên họ không thể nào còn có thể phân biệt và nhận thức chúng là mê tín dị đoan nữa.
Tôi tin rằng không ai hoàn toàn không mê tín dị đoan cả. Nhất là khi dựa vào định nghĩa trên: "mê tín dị đoan là niềm tin cho rằng một hiện tượng xảy ra vì là hậu quả của một hiện tượng khác, trong khi thật ra không có mối liên hệ nguyên nhân hậu quả gì giữa những hiện tượng nầy".
3/ Nhiều tập tục mê tín dị đoan bắt nguồn từ các lý do cần thiết thực dụng nhưng dần dần đều biến dạng và mất hết ý nghĩa lẫn mục đích ban đầu.
Thí dụ như nhiều người miền nam Việt Nam cho rằng nếu bị cây "đòn vông" của bất cứ nhà hàng xóm nào xỉa vào nhà họ thì trong gia đình sẽ bị nhiều điều xui xẻo (loại nhà Việt Nam cổ truyền phổ thông thường có một gian hai mái và cây "đòn vông" là cây đà ngang nằm ở trên đỉnh cao nhất của nóc nhà và theo chiều dài căn nhà).
Người ta không hiểu rằng trong các thành thị hay làng xóm thời xưa một trong những cách để giúp cho đường xá nhà cửa được ngay hàng thẳng lối thì nhà cầm quyền ra lệnh khi cất nhà phải cất thế nào mà cây đòn vông không được xỉa vào các nhà lân cận. Nếu thực hiện điều nầy thì tất cả căn nhà lân cận đều nằm tương đối song song với nhau và như vậy xóm làng phố xá sẽ trật tự ngăn nắp và dễ dàng có chỗ giao thông đi lại. Nếu ai cất nhà mà đòn vông không song song với hàng xóm thì sẽ bị láng giềng làng xã phiền hà cho rằng làm như vậy không tốt. Sự kiện nầy được truyền miệng từ người nầy sang người khác, từ địa phương nầy sang địa phương khác, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.
Quan niệm đòn vông xỉa vào nhà từ chỗ "không tốt" vì mất trật tự dần dần trở thành "không tốt" cho công việc buôn bán làm ăn và sức khỏe của gia đình. Ngày nay không còn mấy người nhớ và biết cái tục lệ nầy đã phát xuất từ đâu.
Thí dụ như theo phép phong thủy thì nếu một căn nhà mà cửa trước ăn thông suốt một đường với cửa sau thì “tiền bạc làm ăn được trong gia đình sẽ trôi tuột đi mất cả”. Người ta không thấy rằng các lý do thật sự để tránh lối kiến trúc nầy rất thực tế. Đó là vì nó không an toàn dễ bị kẻ trộm cắp nhòm ngó, là vì gió lạnh dễ thông luồn vào nhà gây ra bệnh hoạn do đó hao tốn tài của, v.v. Tuy vậy, cái quan niệm “cất nhà với cửa trước ăn thông suốt thẳng đường với cửa sau là không tốt" trên dần dần mang thêm những ý nghĩa huyền bí liên quan đến tình trạng tài chính và sức khỏe của gia đình.
4/ Mê tín dị đoan nầy có khuynh hướng sinh sản ra mê tín dị đoan khác.
Thí dụ như từ quan niệm "đòn vông" kể trên, dần dần các thầy địa lý, thầy tướng, thầy bùa lại bày vẻ thêm là nếu bị cây đòn vông của hàng xóm "chiếu" vào nhà thì cần phải "thỉnh" (có nghĩa lả "mua") một tấm kính mang hình bát quái đồ treo trước cửa để "phản chiếu" những chuyện rủi ro ra khỏi nhà! Từ đó sinh ra sự tin tưởng rằng mỗi nhà cần phải có một tấm kính treo trước cửa để tránh chuyện xui xẻo bất kể là nhà có bị đòn vông của hàng xóm xỉa vào hay không.
5/ Khi nói về “mê tín dị đoan” là nhiều người nghĩ rằng “những người mê tín mới làm những chuyện vớ vẩn kể trên chớ tôi thì không bao giờ…”
Voltaire cho rằng một người mê tín cũng như một kẻ nô lệ bị trói buộc bởi những nỗi lo sợ vô cớ do chính mình áp đặt lên cho mình. Theo ông thì trên thế giới có hai nhóm người rõ rệt: một nhóm không mê tín, một nhóm mê tín; và ai cũng nghĩ là mình thuộc về nhóm thứ nhất.
Tùy một người là ai mà họ thấy cái gì là mê tín, cái gì là không.
Một người Pháp chẳng hạn, khi đi qua nước Ý sẽ thấy hầu như mọi thứ chung quanh ông ta đều có dính dáng đến mê tín dị đoan. Như đã thấy ở trên, khi một người Á Đông đọc về những mê tín của Tây Phương chẳng hạn, họ sẽ cười mà cho rằng những dân tộc nầy quả thật là chậm tiến và mê muội. Ngược lại một người Tây Phương cũng có các phản ứng tương tự khi đọc về tín ngưỡng Đông Phương.
6/ Nhiều hiện tượng, nhiều sự kiện trong đời sống hàng ngày thường được người ta dựa trên mê tín dị đoan mà diễn giải khác nhau (có khi hoàn toàn trái ngược hẳn nhau) tùy vào văn hóa, phong tục địa phương.
Theo tập tục Việt Nam thì chim cú mang đến điềm gỡ lớn (gia đình sắp có người chết) trong khi theo người Tây Phương thì con cú mèo biểu tượng cho sự thông thái minh mẫn (vì đôi mắt to lớn kèm với nhãn lực siêu việt có thể nhìn thấy mọi sự việc).
Ảnh hưởng
Vài ảnh hưởng của mê tín dị đoan lên đời sống hàng ngày là:
– Mê tín dị đoan có thể đem đến hy vọng và hỗ trợ tinh thần trong hoàn cảnh khó khăn, bấp bênh.
– Mê tín dị đoan thường tạo ra những sự sợ hãi, lo lắng không cần thiết.
– Mê tín dị đoan có thể làm cho công việc bị đình trệ hay hủy bỏ vô ích.
– Người mê tín dễ bị lạm dụng để làm tiền hay kềm chế, điều khiển.
– Những điều tai hại từ mê tín dị đoan của một người thường làm ảnh hưởng đến những người khác chung quanh họ.
Lý do mà mê tín dị đoan thịnh hành và trường tồn
Đó là vì người ta tin rằng những niềm tin nầy đem lại kết quả họ mong muốn.
Họ cho rằng nhờ tác động A của họ mà sự kiện B xảy ra (bất kể là tác động A và sự kiện B có một liên quan hệ quả gì trên bất cứ phương diện gì hay không).
Thật ra chỉ cần dựa trên nguyên tắc xác suất thống kê cơ bản thì ai cũng có thể thấy rằng trung bình số lần họ đạt được kết quả mong muốn sẽ là 50%. Có nghĩa là bất kể tác động A có xảy ra hay không thì số lần sự kiện B xảy ra thông thường cũng vẫn sẽ ngang ngữa với số lần sự kiện B không xảy ra. Tuy nhiên, bản năng tâm lý tự nhiên của con người làm cho họ chỉ nhớ đến những lần họ thành công, còn số lần còn lại khi thất bại thì họ có khuynh hướng hoặc không kể đến, hoặc tự đỗ thừa cho rằng vì các lý do khác nào đó mà họ không thành công, hoặc chỉ giản dị quên mất chúng đi trong tương lai.
Sẽ có những lần sau khi người chủ tiệm đốt phong long mà vẫn số khách hàng đến cửa hàng vẫn không nhiều hơn. Nhưng cũng có những lần sau khi đốt phong long thì có đông khách hàng hơn (vì lý do gì khác không biết). Người chủ tiệm sẽ có huynh hướng nhớ đến những lần có khách đông nầy và cho rằng việc đốt phong long có hiệu nghiệm trong khi họ sẵn sàng quên mất hay không kể đến những lần không có được thêm khách gì cả.
Dựa trên những lần mà một người cho rằng niềm tin của họ “hiệu nghiệm”, trong tương lai họ lại càng có khuynh hướng tin tưởng thêm nữa. Họ cho rằng ngay cả nếu niềm tin gì đó của họ dù chỉ có hiệu nghiệm một vài lần mà thôi thì cũng vẫn đáng để tiếp tục làm nữa.
Nhiều người tuy không tin tưởng hoàn toàn vào một số điều nằm trong phạm trù “huyền bí” hay “khó giải thích” nhưng họ vẫn thực hành những điều nầy để cho “chắc ăn”. Nếu làm một động tác gì đó tuy không chắc sẽ mang đến kết quả mong muốn nhưng nhiều người cũng vẫn sẽ làm phòng hờ vì họ e ngại “nếu lỡ nó có hiệu nghiệm thật sự lần nầy thì sao!?” Khi vào khách sạn nếu có dịp lựa chọn giữa hai căn phòng y hệt nhau về mọi mặt chỉ trừ việc một trong hai phòng mang số 13 thì đa số sẽ tránh không chọn căn phòng mang số 13.
Mê tín trở thành những thói quen phiền toái, tốn kém. Tuy vậy đây là những thiệt thòi người ta sẵn sàng đánh đổi để cho họ cảm thấy an tâm và “an toàn” hơn. Người ta tin tưởng một cách nghiêm cẩn và chăm chỉ về những hiện tượng huyền bí “nho nhỏ” nầy, tuy rằng không ai thật sự hiểu rõ nguồn gốc hay cách vận hành của chúng ra sao.
Mê tín dị đoan khác tín ngưỡng thế nào?
Nếu so sánh về nguồn gốc và bản chất thì sẽ thấy mê tín dị đoan và tín ngưỡng khác nhau rất ít.
Một số mê tín dị đoan ngày nay rất có thể là dấu tích của những tín ngưỡng tôn giáo trong thời xa xưa.
Thí dụ như nhiều người tin rằng Thứ Sáu mười ba là một ngày rất xui xẻo. Một trong những cách giải thích là theo Kinh Thánh, ngày thứ Sáu là ngày Eva dụ Adam phạm tội, cũng như là ngày trận Hồng Thủy bắt đầu, cũng như là ngày Jê-Su bị đóng đinh; kết hợp với việc trong buổi ăn cuối cùng của Giê-Su có 12 người tham dự, với người thứ 13 là Ju-da, kẻ đã phản bội Giê-Su.
Một thí dụ khác là người Tây Phương ngày nay vẫn thường buột miệng nói “Xin Chúa ban ơn!” (“bless you!”) sau khi thấy một người nhảy mũi. Vào thế kỷ thứ 6, người ta tin rằng khi nhảy mũi thì cánh cửa thông thương giữa linh hồn trong người với thế giới bên ngoài tạm thời mở ra và do đó dễ bị ma quỷ nhập vào ám hại. Về sau, khi có bệnh dịch lan tràn, nhiều người bị nhảy mũi dữ dội khi bị nhiễm bệnh, Đức Giáo Hoàng đương thời ra lệnh phải xin Chúa độ ơn khi thấy một người vừa nhảy mũi (vì với trình độ y khoa sơ đẳng của thời ấy, rất nhiều người sẽ chết khi bị nhiễm dịch).
Theo tôi, nếu nhìn về một phương diện khác thì mê tín dị đoan và tôn giáo đều được bắt đầu từ một nguồn gốc chung. Cả hai đều có những đặc điểm rất tương đồng với nhau như sau:
– Cả hai đều được thành hình từ nhu cầu cần thiết để cố gắng giải thích về những hiện tượng khó hiểu chung quanh con người.
– Cả hai đều gán ghép những liên hệ nguyên nhân hậu quả vào một số hiện tượng mà không hề chứng minh rõ ràng được về những mối liên hệ nầy.
– Cả hai đều dựa lên một nền tảng chung để truyền bá và vận hành, đó là sự sợ hãi.
– Cả hai đều chỉ có giá trị giới hạn trong một tập thể, một địa phương nào đó. Bên ngoài biên giới của những tập thể hay địa phương nầy, cả hai đều có thể bị coi là vô căn cứ, chậm tiến hay thậm chí mê muội, mù quáng.
Một nhận xét khá lý thú là ngay chính tôn giáo cũng nhìn nhận sự hiện hữu của mê tín dị đoan, và phần lớn công khai bài bác những tập tục “mê muội, mù quáng” nầy. Có điều là chữ “mê tín” trong tôn giáo thường được dùng đồng nghĩa với “những lễ nghi, giáo điều, tín ngưỡng, v.v. của các tôn giáo khác”.
Nếu một hiện tượng không giải thích được xảy ra trong một tôn giáo, người theo tôn giáo ấy cho đó là một “phép mầu”. Nếu một hiện tượng giống như vậy xảy ra trong tôn giáo khác, theo họ đó là “điều huyễn hoặc”.
Mỗi tôn giáo đều tự cho rằng tôn giáo mình không mê tín vì họ có “bằng chứng” để hỗ trợ cho những lễ nghi, giáo điều, tín ngưỡng, v.v. của họ. Và “bằng chứng” duy nhất và tối quan trọng nhất là “đức tin” của họ. Như đã nói ở trên, với ý niệm “đức tin” thì tín đồ không cần phải giải thích được bằng kiến thức khoa học hiện thời về bất cứ điều gì dù là huyễn hoặc và phản khoa học hay phản thực tế bao nhiêu.
Phương cách nầy rất tiện lợi và hữu dụng, nhưng lại có một khuyết điểm rất lớn. Đó là hầu như mỗi tôn giáo đều có một đức tin khác nhau, và nhiều khi hoàn toàn đối nghịch nhau. Tín đồ Thiên Chúa Giáo nhìn người Ấn độ thờ "Linga" (hoặc Lingam) tức là Dương vật là biểu tượng của thần Shiva, thì cho đó là mê tín. Và người Ấn độ xem người Công Giáo rước bánh thánh chỉ là một mẫu bánh mì chay mà gọi là ăn chính thịt Chúa họ thì cũng cho rằng đó là một hành vi mê tín.
Ngay cả những nhóm phái trong cùng một tôn giáo cũng bất đồng ý kiến với nhau về mê tín dị đoan. Điều nầy gây ra sự chia rẽ trong hàng ngũ của nhiều tôn giáo.
Trong Thiên Chúa Giáo, ngay những nhóm người cùng coi mình là con chiên của Giê-Su cũng luôn có những quan điểm khác nhau khi nói về mê tín. Voltaire viết "mê tín dị đoan phát sinh từ tục lệ trong nhân gian hoặc những đạo đa thần, nhập vào Do Thái giáo rồi lan truyền sang toàn thể Thiên Chúa Giáo ngay từ thời buổi ban đầu. Tòa Thánh luôn luôn chê trách pháp thuật, nhưng lúc nào cũng tin vào phép mầu. Tất cả những linh mục trong Tòa Thánh, không ngoại trừ bất cứ ai, đều tin vào huyền lực của phép mầu".
Voltaire cũng nhận xét thêm rằng ở thời ông ấy thì "Ngài Tổng Giám Mục của địa hạt Canterbury cho rằng Ngài Tổng Giám Mục của địa hạt Paris là mê tín, nhóm Tin Lành cho rằng Ngài Tổng Giám Mục của Canterbury là mê tín trong khi chính họ cũng bị những người Quakers cho là mê tín. Trong khi đó, nhóm Quakers lại bị coi là những người mê tín dị đoan nhất bởi mọi nhóm khác trong Thiên Chúa Giáo".
Tình trạng đó cũng vẫn không khác gì mấy ngày nay. Đạo Tin Lành vẫn cho rằng những thánh vật, sự hiện thân của Đức Mẹ Đồng Trinh, sự cầu nguyện cho người chết, nước thánh, v.v. cũng như hầu hết những nghi lễ của Công Giáo đều là mê tín dị đoan. Đối với họ, mê tín là lấy những việc không cần thiết mà thực hành như những việc tối cần thiết.
Ngay trong Công Giáo cũng có những nhóm đã gạt bỏ bớt đi nhiều hình thức rườm rà mà nhiều người Công Giáo khác cho là thiêng liêng và cần thiết. Tuy vậy, nhóm nầy thường không công khai đả kích những người vẫn đeo giữ những thủ tục cổ hủ, vì theo họ thì những lễ nghi nầy "cũng không có gì nguy hại hay tội lỗi cả".
Trong cái gọi là Phật Giáo ngày nay, tôi có một danh sách dài bất tận về những thủ tục, nghi lễ nằm đúng hoàn toàn trong cái định nghĩa của mê tín dị đoan ở trên. Tôi sẽ trình bày chi tiết về vấn đề nầy ở một bài tiểu luận khác.
Tôi tin rằng nhận xét trên cũng có thể áp dụng cho tất cả các tôn giáo Đông Phương khác từ Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo cũng như những tôn giáo nhỏ như Cao Đài, Hòa Hảo, v.v. Những tôn giáo nầy (trừ Hồi Giáo) thường không kình chống lẫn nhau công khai và có khi đầy tính cách bạo động như trong trường hợp của Thiên Chúa Giáo. Tuy vậy trong nhóm tôn giáo Đông Phương, các nghi lễ, phương cách tụng niệm, hình tượng của một tôn giáo cũng vẫn thường bị xem là mê tín dị đoan bởi người trong những tôn giáo khác.
Có người cho rằng nhóm phái nào có ít nghi lễ nhất thì có lẽ là ít mê tín nhất. Nhưng theo tôi thì nói như vậy đâu có khác mấy với nói rằng "con mèo nào có đuôi càng ngắn thì càng có ít tính chất ‘mèo’ hơn".
Khi phân tích những thí dụ ở trên, chúng ta thấy rõ ràng là trong tôn giáo, người ta làm (hoặc tránh làm) những hành động gì đó chỉ vì để được tưởng thưởng (hoặc không bị trừng phạt) bởi một đấng Tối Cao. Trong khi đó, người ta thật sự không có cách nào biết rõ về sự hiện hữu của nhân vật Tối Cao nầy, chớ đừng nói gì đến có thể giải nghĩa thích đáng được về sự liên hệ giữa những hành động và sự thưởng phạt nầy. Yếu tố nầy chúng ta đã thấy nằm trong trường hợp của mê tín dị đoan.
Khi áp dụng cái định nghĩa của mê tín dị đoan ở trên vào những tính chất đặc thù của tôn giáo và từ những nhận xét trên, nhiều người không khỏi đi đến kết luận rằng tôn giáo chỉ là những tập hợp của một số mê tín đã được hệ thống hóa lại với nhau.
Nói chung, tôn giáo thường là các tổ chức có chính sách truyền bá với kế hoạch và quy củ chặt chẽ trong khi mê tín dị đoan thường chỉ là những “kiến thức” truyền miệng trong dân gian. Yếu tố khác biệt nầy làm cho nhiều người trong chúng ta không thấy được là cả hai đều liên quan rất mật thiết với nhau từ nguồn gốc cho đến cách vận hành.
Tôn giáo thay đổi với thời gian. Những thay đổi trong tôn giáo thường cần thiết để đáp ứng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, với nhu cầu đời sống của xã hội, và có khi với áp lực chính trị bên trong cũng như bên ngoài tổ chức tôn giáo. Nhờ có luật lệ, quy củ rõ rệt, những thay đổi trong tôn giáo thường xảy ra tương đối nhanh chóng.
Thí dụ như sau nhiều thế kỷ truyền dạy theo lời Kinh Thánh rằng địa cầu là trung tâm của vũ trụ, khi phải đối diện với bằng chứng khoa học không thể chối cải được, giữa năm đầu thập niên 1960 đến năm 1979 Tòa Thánh đã phát hành những văn bản mang hàm ý ân xá Galileo. Đến tháng 10 năm 1992 thì Đức Giáo Hoàng John Paul 2 chính thức xin lỗi về vụ Galileo cũng như công nhận quả địa cầu không phải là trung tâm của vũ trụ như lời Thánh Kinh dạy mà chỉ là một hành tinh trong Thái Dương hệ.
Thí dụ như hôn nhân đã từng được coi là một giao kèo bất di bất dịch giữa hai người trước mặt Thiên Chúa; sự ly thân của hai vợ chồng, bất cứ vì lý do gì, là một tội nghiêm trọng không thể tha thứ được. Ngày nay, với lề lối sinh sống và quan niệm tình cảm hiện đại của đa số tín đồ, Tòa Thánh cũng đã phải sửa đổi cái nhìn về vấn đề nầy; nhờ vậy mà ly dị không còn là một tội lỗi đáng bị trừng phạt bởi Thiên Chúa nữa. Một thí dụ gần đây nhất, đầu tháng Mười 2014, Tòa Thánh Vatican sau 2 tuần hội thảo đã phát hành một công văn tuyên bố rằng mối quan hệ giữa những người đàn ông đồng tính luyến ái có các “phẩm chất và giá trị tương tác lẫn nhau” và bày tỏ thái độ chấp nhận sự việc nầy (tuy nhiên vấn đề hôn nhân đồng tính vẫn chưa được đề cập đến); đây là một sự thay đổi giáo điều lớn lao sau 2000 năm cực lực nghiêm cấm và trừng phạt.
Mê tín dị đoan, trên mặt khác, thường ít thay đổi; hoặc nếu có thì cũng chỉ với một tốc độ rất chậm.
Như đã nói, mê tín dị đoan thường chỉ được thực hành ở lãnh vực cá nhân hơn là ở môi trường đoàn thể, công khai, với văn bản, luật lệ hẳn hoi như trong trường hợp tôn giáo. Người ta thường dễ dàng chấp nhận hơn nếu một mê tín không chạy theo kịp kiến thức khoa học kỹ thuật hay quan niệm xã hội. Vì không có tổ chức, cơ cấu, ban điều hành, v.v. như tôn giáo, mê tín dị đoan thường không cần lo lắng đến việc có thể bị chỉ trích công khai bởi báo chí, dư luận, nhà cầm quyền, v.v. Vì không có những áp lực chính trị nầy, mê tín dị đoan tương đối được “bỏ lơ” để tồn tại không thay đổi mấy từ thế kỷ nầy qua thế kỷ nọ.
Mê tín dị đoan có thể gây ra phiền phức, tốn kém cho cá nhân và xã hội. Những phiền phức, tốn kém nầy thường tương đối nhỏ hẹp và giới hạn. Tuy nhiên, vì tôn giáo thường có tổ chức công khai, cơ cấu chặt chẽ, hàng ngũ rõ rệt, tài chính dồi dào, uy quyền to lớn nên ảnh hưởng của tôn giáo có thể nghiêm trọng và sâu rộng rất nhiều cho cá nhân và xã hội.
Có người nói rằng “tôn giáo vô hại cho đến khi có kẻ trở thành mù quáng vì nó”. Rất ít trường hợp một cá nhân hay đoàn thể tàn sát một cá nhân hay đoàn thể khác vì họ bất đồng ý với nhau về ý nghĩa của một điều mê tín gì đó. Tuy nhiên, lịch sử đã có biết bao nhiêu trang đẫm máu chỉ vì những bất đồng ý kiến về cách giảng giải khác nhau về vài chi tiết trong kinh sách tôn giáo.
Nói chung, tùy một người tin vào những gì mà một hành động, một hiện tượng đối với người đó có thể là mê tín dị đoan hay là tín ngưỡng chính đáng. Trình độ giáo dục, bằng cấp văn hóa, kiến thức kỹ thuật không chắc có thể đem đến khả năng chống cự lại ảnh hưởng của mê tín dị đoan. Chúng ta đã từng thấy bác sĩ, kỹ sư, bác học, triết gia, v.v. cũng vui vẻ tuân theo các điều mê tín không khác gì những người buôn bán, chạy xe ôm hay ăn xin ngoài đầu chợ. Viên chức cao cấp trong tổ chức chính trị hay lãnh tụ quốc gia cũng không miễn nhiễm trong vấn đề nầy. Cứ nhìn vào Việt Nam thì sẽ thấy một thí dụ điển hình. Tất cả đều ít nhiều, trực tiếp hay gián tiếp công khai thi hành những thủ tục “cần thiết” của mê tín dị đoan hàng ngày mà không hề thắc mắc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét