Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Hợp pháp hóa mại dâm, nên hay không?




matdoi





img-20131010145827-542.jpg1024x683 89.7 KB

Featured Image: Prostitution Recovery


Nhân việc tổ chức Nhân Quyền Quốc Tế ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm và ông Lê Văn Quý – phó chi cục trưởng cục Phòng Chống Tệ Nạn xã hội TPHCM đề xuất thí điểm nên tôi viết một bài để mọi người thảo luận.

Đây là vấn đề tốn rất nhiều bút mực trên các tờ báo và gây tranh cải trong suốt một thời gian dài ở VN và trên thế giới. Có rất nhiều quan điểm được đưa ra từ 2 phía nhưng dường như chưa có sự thống nhất hoàn toàn. Khi đưa ra một vấn đề mang tính nhạy cảm như mại dâm thì chúng ta phải xem xét nó một cách cẩn thận để có cái nhìn công bằng nhất có thể. Đánh giá trên nguyên nhân và hậu quả tác động vào cá nhân cũng như xã hội.
Mại dâm có từ đâu

Theo vài nhà nghiên cứu lịch sử thì nó là hệ quả của chế độ chiếm hữu nô lệ. Một nô lệ được xem như món hang hóa và không có bất cứ quyền lợi nào của con người. Tình dục là một nhu cầu rất lớn của loài người, vì vậy nô lệ trở thành phương tiện thỏa mãn nó. Bằng quyền được xã hội công nhận, các chủ nô thành lập các nhà thổ để buộc nô lệ bán dâm thu lợi, hoặc dùng họ để giải tỏa nhu cầu của binh lính vốn không được gần gũi phụ nữ trong thời gian dài.

Thế giới này trong nhiều thiên niên kỷ nằm trong tay đàn ông nên phụ nữ trở thành nạn nhân của họ. Đó là thời kỳ quyền lực được tạo ra do sức mạnh cơ bắp, khả năng chống chọi với thiên nhiên để kiếm sống. Từ đó trong xã hội hình thành rất nhiều những tư tưởng có lợi cho đàn ông mà ngày nay chúng ta xem chúng là cổ hủ. Tam Tòng Tứ Đức cũng thế mà Trinh Tiết cũng thế.

Nhưng xã hội phát triển theo xu hướng chuyển đổi về khả năng sản xuất từ cơ bắp sang trí tuệ. Trên cơ bản nam và nữ là như nhau nên phụ nữ bắt đầu có khả năng nắm giữ nhiều ưu thế trong xã hội. Tuy nhiên bởi trong một thời gian rất dài phụ nữ là phụ thuộc còn nam giới làm chủ nên cũng hình thành sự thiên lệch về tính cách. Phụ nữ thiên về cảm xúc còn nam giới thiên về lý tính, nhưng sự lệch pha đó ngày càng được rút ngắn hơn.

Từ đó những vấn đề về bình đẳng giới, những thiệt thòi của phụ nữ được đưa ra với cái nhìn khác và quan tâm nhiều hơn. Quan niệm khắt khe về tình dục với nữ giới cũng trở nên cởi mở hơn. Cái nhìn về sự ô nhục đối với gái mại dâm cũng giảm dần, có một sự ngang hàng giữa người mua dâm và kẻ bán dâm về nhân cách, hành động mua dâm được xem như là một nhu cầu không thể thiếu trong bất cứ xã hội nào vì không phải ai cũng có cơ hội thỏa mãn tình dục theo cách mà xã hội xem là chính đáng.
Tác động của mại dâm đối với xã hội

Tích cực: Mỗi người khi trưởng thành đều có nhu cầu về tình dục nhưng vì hoàn cảnh nào đó mà nhu cầu đó không được đáp ứng. Ham muốn không được thỏa mãn rất dễ làm cho tâm lý xảy ra vấn đề, sự đè nén khiến con người dễ có những hành động mang tính bạo lực để giải phóng ra bên ngoài mà cưỡng hiếp chỉ là một trong số đó. Điều này tạo tác động xấu lên gia đình và xã hội, nên mại dâm chính là phương tiện giúp cân bằng sinh lý cũng như tâm lý con người. Một xã hội tự nó sẽ có sự điều tiết để đạt đến trạng thái cân bằng khi bị lệch pha trong bất cứ vấn đề gì. Vì thế dù có cấm thì mại dâm vẫn tồn tại như sự tất yếu của cuộc sống.

Tiêu cực: Gia đình chính là nền tảng của xã hội, mà quan hệ tình dục giữa nam và nữ là yếu tố sống còn trong mối liên kết gia đình. Thủy chung trong đời sống vợ chồng là một khế ước thiêng liêng giữa 2 người với nhau, khi khế ước này bị xé bỏ thì khả năng gia đình tan vỡ sẽ rất cao. Ly hôn sẽ tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống cũng như tâm lý con cái, sự phát triển của con người phải dựa trên một nền tảng bền vững nếu không nó sẽ bị méo mó và nhiều lỗi.

Không khó để thấy rằng mại dâm đã tác động xấu lên sự bền vững đó. Vì thế đối với đa số những con người không có sự thiếu thốn về tình dục thì xem mại dâm như một mối đe dọa đến hạnh phúc gia đình họ. Trong quá khứ, bởi ảnh hưởng của quan niệm cổ hủ, bởi các lề luật của tôn giáo nên mại dâm luôn bị cấm đoán và xem là sự ô nhục.

Xét trên khía cạnh đạo đức

Bởi mại dâm là một trong những tác nhân gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình nên nó vi phạm giá trị đạo đức mà xã hội công nhận, dù rằng nó được sinh ra do nhu cầu thiết yếu của xã hội. Ngoài ra hành động bán lương tâm hoặc thân xác, xem mình như một món hàng hóa để thu lợi thường được xem là không có đạo đức. Bởi nếu mỗi con người sống trong xã hội mà không có lòng tự trọng, không biết xấu hổ thì sẽ không còn bất kỳ giá trị đạo đức nào có thể tồn tại được, khi đó xã hội sẽ sụp đổ ngay tức khắc. Mặt nào đó thì mại dâm, lừa đảo, tham nhũng… là như nhau về bản chất và chỉ khác nhau về mức độ. Một con người nếu không giữ được phẩm giá của con người là lòng tự trọng và trách nhiệm thì khó mà được xem là một con người thật sự.

Tuy nhiên! Cuộc sống không chỉ tồn tại các khái niệm vi phạm đạo đức của mại dâm mà còn đan xem các khái niệm đạo đức khác. Mỗi con người là một sản phẩm của xã hội, vậy mại dâm hay những ai hành nghề mại dâm cũng là sản phẩm được tạo ra từ xã hội đó, và vì thế nó phải có trách nhiệm với những gì mình tạo ra. Bằng sự tư duy hoán đổi vị trí đối với người bán dâm – một nạn nhân của xã hội, chúng ta cảm thấy cảm thông và xót thương đối với họ. Nếu họ sinh ra trong một hoàn cảnh tốt hơn, được giáo dục tốt hơn, họ sẽ không trở thành người bán dâm. Trong cuộc sống, con người có sự lựa chọn nhưng cũng không có sự lựa chọn, vì người ta chỉ có thể chọn theo những gì mình có và mình hiểu.
Mại dâm ở các nước phát triển

Từ sự phân tích ở mục 2 và 3 ta có thể tổng kết rằng mại dâm là một nhu cầu thiết yếu của xã hội, nhưng nó cũng gây tác hại cho xã hội. Nó là sự vi phạm đạo đức nhưng nó lại là sản phẩm do xã hội tạo ra. Nếu xem mại dâm là có tội thì xã hội cũng phải gánh lấy cái tội ấy. Từ đó nhìn rộng ra, không chỉ riêng mại dâm, bất cứ người phạm tội nào đều xem là có tội nhưng cũng được xem là vô tội. Như câu chuyện về Chúa Jesus khi người ta bảo Ngài ném đá người phụ nữ ngoại tình, Ngài bảo: “Ai cảm thấy mình vô tội thì hãy ném đá người phụ nữ này trước tiên.” Đó là một cái nhìn đối với tội lỗi thế gian và sự tha thứ.

Nếu xã hội không thể tạo cho người bán dâm một hoàn cảnh để họ không bán dâm nữa, trong khi mại dâm vừa lợi vừa hại cho xã hội thì cách tốt nhất đối với nó là không kết tội cũng không khuyến khích. Theo thông tin tham khảo, đa số các nước phát triển đi theo hướng này. Nghĩa là bán dâm không bị cấm đoán, không có tội, nhưng cấm tổ chức dịch vụ hoặc quảng cáo mại dâm. Làm theo cách này vừa thể hiện tính nhân đạo với người bán dâm, vừa ngăn chặn sự bóc lột của các tổ chức mại dâm lên họ, vừa bảo vệ sự ổn định xã hội một cách vừa phải. Chỉ một số ít hợp pháp hóa mại dâm hoặc cấm hoàn toàn (đa phần do văn hóa truyền thống, hoặc tôn giáo).

Xét tình hình Việt Nam

Đề nghị hợp pháp hóa mại dâm ở VN được đưa với nhiều lý do, vì nhân đạo có, vì sức khỏe có, vì dễ kiểm soát có, hầu hết đều hợp lý. Nhưng bản thân tôi lại cho rằng VN chưa đến lúc phải như thế, nếu hợp pháp hóa mại dâm thì hậu quả vô cùng to lớn bởi những nguyên nhân sau:

A. Tham nhũng: hợp pháp để bảo vệ người bán dâm trước sự bóc lột của thế giới ngầm. Nhưng làm thế chẳng khác nào cho những kẻ tổ chức mại dâm thêm một công cụ khác chính là luật pháp. Bởi tham nhũng, luật pháp sẽ bảo vệ những kẻ có tiền, người bán dâm sẽ bị bốc lột tàng tệ hơn nữa. Khi chưa hợp pháp thì mại dâm bị cấm đoán, tình dục trẻ em phạt rất nặng. Nhưng khi hợp pháp thì nhờ lo lót, được sự bảo kê của pháp luật, những cô gái và trẻ em càng dễ bị đưa vào con đường kinh khủng đó.

B. Ý thức:
Nên biết dân trí VN phải nói là rất thấp, mà càng thấp thì càng dễ dàng sa đọa. Khi bán thân là hợp pháp thì sẽ có hằng hà sa số người lao vào vì “vừa sướng lại vừa có tiền”. Từ cái chuyện lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc vì tiền là đủ để biết hậu quả khi được hợp pháp. Đã cấm rồi mà khắp Sài Gòn nơi nào cũng có người bán dâm, khoản 80% Karaoke đều có em út và có thể “đi” nếu giá hợp lý, chưa kể đến vô số quán nhậu, khách sạn, massage…

C. Dựa trên cơ sở không chính đáng:
Nên biết ở những nước khác việc không xem mại dâm là tệ nạn là do sự nhận thức của một xã hội văn minh, đạt được sự đồng thuận của đa số người dân trong sự hiểu biết về các giá trị đạo đức cũng như tính nhân đạo. Khi đó dù mại dâm không bị cấm thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến xã hội. Nhưng ở nước ta thì khác, ban đầu cấm mại dâm không được thì đâm ra đề nghị cấm mở dịch vụ Karaoke, bị phản đối thì lại đề nghị hợp pháp để dễ quản lý và trọng yếu nhất chính là thu được nguồn lợi từ mại dâm – vốn đã trở nên tràn lang khắp cả nước. Luật pháp ban đầu đã không nghiêm minh, nay lại trao vào tay những ông – bà tú thì mại dâm sẽ như sóng thần cuốn đi cả một nền văn hóa của dân tộc.

Nói tóm lại: Bao giờ hợp pháp hóa mại dâm là một đòi hỏi từ sự nhận thức của đa số dân chúng thì tôi ủng hộ. Còn nếu đó là giải pháp từ việc chính phủ bất lực trong xử lý các tệ nạn xã hội thì tôi phản đối. Vì điều đó thể hiện một sự bất lực, buông xuôi, chạy trốn trách nhiệm và thỏa hiệp với những tiêu cực đang tồn tại trong xã hội. Và cứ theo đà này thì một đề nghị hợp pháp hóa ma túy cũng sẽ được mang ra xem xét trong tương lai.

Mắt Đời3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét