Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Nguồn cội




Vác nỗi buồn trôi theo dòng bươn chải
Vào cuộc vui chuốc lấy chén dỗi hờn
Hứng đắng cay uống chiều mưa ướt lệ
Nghe gió về tan tác bước đam mê

Lòng quặn thắt nhớ về quê hương mẹ
Hoa sứ bây giờ chắc đã rụng đầy sân
Bao tháng năm mẹ tảo tần đan mưa nắng
Khoác cho con chiếc áo ấm chân tâm

Con ra đi kiếm tìm mong manh vô định
Một mảnh tình đã mất thuở khai sinh
Thoát lốt yêu tinh làm người lương thiện
Gọi yêu thương nhân quả vẹn luân hồi

Nợ trả chưa xong duyên làm nên tội
Nửa mảnh đời lưu lạc mãi xa xôi
Vẫn đâu đây mùi hương tóc gọi
Quê mẹ bây giờ hoa sứ rụng đầy vơi?

Rượu nhạt môi
Hồn bay chấp chới
Con trở về thăm mẹ quê xưa
Hoa sứ khô nát vỡ trời chiều (1)
Đâu dáng mẹ ngồi phơi sứ ngoài sân…

(1) mượn ý thơ Nguyễn Đình Thi

Giọt sương câm



Đêm về
Ngủ dưới vòm cây
Nghe lành lạnh
Giọt sương khuây
Nỗi lòng

Nẩy mầm vấp vỡ gió đông
Cô đơn, quạnh quẽ sắc không ngậm ngùi

Phía sau góc khuất cuộc đời
Áo sờn vai bạc tóc người trắng sương

Bước chân lạc ngã ba đường
Những bông cỏ dại tiếc thương phận mình

Đóa hồng đẫm giọt sương trinh
Ướt hồn tôi lạnh buốt tình mây giăng

Ngửa tay hứng giọt sương câm
Bình minh đánh thức bật mầm cỏ cây.

Triệu Nguyên Phong

Quan điểm của Phật giáo về chiến tranh và xung đột



Thỉnh thoảng người ta nghĩ rằng Phật giáo ra đời cách nay 2600 năm thì làm sao giáo lý của tôn giáo ấy có thể áp dụng và giải quyết những vấn đề hiện tại. Nhưng khi chúng ta thấy rằng những nguyên nhân của tất cả các rắc rối của xã hội ngày này đều bắt nguồn từ những tư tưởng ô nhiễm của con người thì Phật giáo là tôn giáo duy nhất có thể đưa ra giải pháp hoàn hảo để loại trừ những ô nhiễm ấy và làm cho đầu óc họ trở nên trong sáng và bình yên hơn.



Một hiểu lầm nữa về Phật giáo là một số người nghĩ rằng Phật giáo không liên hệ gì đến đời sống thế tục, mà nó chỉ dành cho những người xuất gia. Nhưng nếu xem xét kỹ lời dạy của đức Phật thì ta thấy rằng chúng liên hệ với nhau rất mật thiết. Cách sống của chư tăng, ni có thể cung cấp một mẫu mực lý tưởng mà người tại gia có thể học tập tùy theo khả năng của họ. Thế nào là đời sống lý tưởng của chư tăng, ni? 

Điều này không ít người đã hiểu lầm. Vào thời đức Phật, một Bà la môn đã nói với con gái ông khi cô gái muốn gia nhập tăng đoàn, rằng, chư tăng là những người lười biếng và không làm gì cả. Họ chỉ sống dựa vào sự ủng hộ của người khác nhưng lại sống một cuộc sống hết sức thoải mái về vật chất. Tại sao con thích họ chứ? Cô gái đã trả lời rằng: “Chư tăng là những người thích làm việc và họ không hề lười biếng. Họ làm việc một cách thích đáng. Họ loại trừ sự tham lam và thù hận. Vì thế con thích họ”. Người ta nên hiểu bản chất thực của Phật giáo và những người theo đạo Phật thì họ mới hiểu được khả năng của Phật giáo trong việc ngăn chặn và giải quyết các vấn nạn của thế giới ngày nay.



Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của cuộc sống bình ổn. Ngài luôn luôn hướng dẫn con người ta hướng đến sự hòa bình. Niết Bàn là mục đích tối cao của tất cả người con Phật. Nơi đó được cho là “con đường thánh thiện và bình yên nhất”. Khi đức Phật còn là một vương tử trẻ, Ngài đã từ bỏ con đường mà có thể dẫn đến chiến tranh và xung đột để đi tìm con đường có thể đem đến hạnh phúc tối cao cho tất cả chúng sanh.


Trong thế giới hiện tại, sở dĩ có chiến tranh và xung đột là do những nguyên nhân sau đây:

1. Tham sân si
2. Thiếu hiểu biết
3. Kinh tế và Chủ nghĩa vật chất
4. Sự nghèo khổ
5. Cuồng tín
6. Quan điểm chính trị


Chiến tranh sinh ra những vấn nạn về kinh tế và xã hội một cách nghiêm trọng cho mỗi quốc gia. Người ta phải chi tiền cho quân đội, quân nhu và đủ loại vũ khí như tên lửa, súng đạn cũng như các loại bom đạn khác nhau... Ngoài sự tốn kém về tiền bạc, chiến tranh còn hủy diệt tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như mạng sống con người. Gia đình tan nát, đạo đức ngã nghiên với các loại trộm cướp, hiếp dâm. Lương thực thì thiếu thốn, bịnh dịch thì tràn lan, cảnh màn trời chiếu đất xảy ra khắp nơi. Những cuộc chiến tranh đã và đang xảy ra ở các nước đều cho ta thấy một bức tranh giống nhau như thế. Tiền bạc thay vì đem đi phục vụ cho chiến tranh, chúng sẽ tốt hơn nếu được dùng vào các công ích xã hội như xây nhà cửa cho người nghèo, đầu tư giáo dục cũng như phát triển các phương tiện y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng.


Nếu quan sát kỷ những nguyên nhân của chiến tranh và xung đột thì chúng ta có thể thấy rằng, chúng đều bắt nguồn từ những hành động như cướp đất, xăm phạm biên giới và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cuồng tín, tham vọng chính trị hoặc là để trả thù...


Ngăn chặn chiến tranh và xung đột là nguyện vọng của tất cả mọi người. Đối với những vấn đề mang tính chất toàn cầu hiện nay, Phật giáo đã đưa ra những lời khuyên thích hợp nhất để ngăn chặn chiến tranh và xung đột. 

Ví dụ như trong kinh Pháp Cú, Phật dạy rằng: Oán thù không thể dập tắt được oán thù, mà chỉ có tình thương mới dập tắt được oán thù mà thôi. Tất cả chúng ta nên có thái độ như thế mà đừng nghĩ đến việc báo thù. Đức Phật luôn luôn khuyên hàng phật tử nên có thái độ hài hòa với người khác vì điều đó dẫn đến sự an lạc từ bên trong mỗi người.

Phật giáo chủ trương không bạo lực. Tín đồ của tất cả các tôn giáo đều có thể áp dụng điều này. Lời Phật dạy cho việc ngăn chặn và chấm dứt chiến tranh và xung đột ở cả hai phương diện, bên trong ý thức con người và bên ngoài xã hội. Một vài tác phẩm sau này đã đưa ra những ý kiến không phù hợp lắm với những gì đức Phật thật sự dạy. 

Ví dụ như những câu chuyện về tiền thân đức Phật được biên soạn vào giai đoạn Kurunagala ở Sri Lanka thế kỷ thứ 13. Theo đó, trong một vài câu chuyện, bồ tát được diển tả như những chiến binh. Tùy theo thời gian và hoàn cảnh mà các tác giả đó đã cố tình tạo ra hình ảnh bồ tát như những vị vua hoặc tướng lĩnh để bảo vệ đất nước trước nạn ngoại xăm. Tuy nhiên đức Phật dạy rằng người nào tham dự vào chiến tranh và xung đột thì họ sẽ rước lấy sự bất hạnh to lớn. Trong King Phạm Võng thuộc Trường Bộ Kinh, đức Phật dạy rằng: “Anh ta là người hòa giải, người mà ở trong tình trạng xung đột có thể khuyến khích người khác đoàn kết, hòa hợp, thụ hưởng hòa bình, yêu hòa bình, vui với hòa bình, anh ta là một người, người mà luôn nói lời ca ngợi sự hòa bình. Từ bỏ sát sanh, bật tu hành Gotama kiềm chế việc sát sanh, Ông ấy sống không có sử dụng gậy và gươm, sống với sự quan tâm, từ ái và thông cảm người khác.”


Theo gương đức Phật, người phật tử đề cao lối sống đạo đức. Họ không bao giờ làm hại người khác, cướp bóc hay tướt đoạt của người khác thứ gì. Trong Trung Bộ Kinh, đức Phật dạy có hai nguyên nhân chính gây ra chiến tranh và xung đột, đó là tham ái và đam mê khoái lạc giác quan. Xem xét nguyên nhân của những cuộc chiến tranh và xung đột trước đây cũng như hiện tại, ta thấy rằng, tham ái và những nhu cầu vật chất chính là những nguyên nhân chính của những cuộc chiến tranh và xung đột đó. Đức Phật giải thích rằng người nào có khả năng làm chủ các giác quan và loại trừ tham ái thì anh ta sẽ không có khuynh hướng đấu tranh hay hay hảm hại kẻ khác, ức hiếp hay lạm dụng, trộm cắp hay tướt đoạt tài sản của kẻ khác.


Trong lời dạy của mình, đức Phật chú trọng đến nguyên nhân của xung đột. Phật giáo không đánh giá cao những giải pháp tạm thời. Bởi vì nếu như những nguyên nhân của chiến tranh và xung đột không được gở bỏ vĩnh viễn thì chiến tranh và xung đột sẽ lại tiếp diễn lần sau và lần sau nữa.


Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống và Kinh Cứu La Đàn Đầu nêu ra một khía cạnh khác của chiến tranh và xung đột. Đó là sự tranh giành tài nguyên thiên nhiên và tài sản vật chất. Khi con người ra sức gom góp của cải thì xãy ra sự tranh giành giữa người này với người kia, nhóm này với nhóm kìa và nước này với nước khác. Sự tranh giành dần dần dẫn đến xung đột, chiến tranh. Vì thế mà Phật giáo khuyên con người nên nghĩ đến sự vô thường của vật chất. Khi người ta thấy được tính chất phù du của vật chất thì người ta có thể đi ra ngoài những cuộc tranh giành khốc liệt.


Trong Kinh Đế thích Sở Vấn, vua trời Đế Thích đến hỏi Phật rằng, các vị trời và loài người luôn luôn muốn sống hài hòa với nhau nhưng tại sao họ cứ phải gây gổ và đấu tranh với nhau không dứt? Đức Phật giải thích rằng có hai yếu tố tâm lý làm phát sinh xung đột. Đó là ganh tỵ và bủn xỉn. Tâm lý muốn vơ vét nhưng lại không chịu đựng được khi thấy người khác hơn mình chính là nguyên nhân trực tiếp của chiến tranh và xung đột.


Theo đức Phật thì các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị có vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn xung đột và chiến tranh. Một nhà lãnh đạo tốt, có trách nhiệm sẽ lãnh đạo đất nước sống trong hòa bình. Nhưng khi đất nước được lãnh đạo bởi một nhà lãnh đạo không chính trực thì đất nước đó thế nào cũng rơi vào tình trạng bi đát. Cho nên trong Tăng chi Bộ Kinh đức Phật dạy rằng: Cũng như con bò đầu đàn đi bậy thì các con bò khác đi bậy theo, một người lãnh đạo đối xử với người khác không đứng đắn thì những người dưới họ cũng làm như vậy. Một nhà lãnh đạo tồi sẽ chối bỏ trách nhiệm sau khi ông ta đẩy tất cả mọi người vào trong chổ nguy hiểm. Vì thế, một nhà lãnh đạo tốt nên hướng dẫn mọi người đi theo con đường chân chính.


Khao khát và kiêu căng cũng là nguyên nhân của chiến tranh và xung đột. Trong lich sử loài người, con người tạo ra chiến tranh và xung đột để bảo vệ sự kiêu căng và tham vọng của họ. Đức Phật khuyên người phật tử nên loại trừ sự kiêu căng như thế ra khỏi cuộc sống của họ. Nhiều cuộc xung đột xã hội, nội chiến, đấu tranh vũ trang nổi lên là do sự lãnh đạo yếu kém của các nhà lãnh đạo. Đức Phật khuyên các nhà lãnh đạo nên tránh bốn khuynh hướng. Đó là cảm tình thiên vị, thù hận, sợ hãi và ảo tưởng. Nhà lãnh đạo không nên quan tâm đến vấn đề như giới tính, tầng lớp xã hội, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc... của đối tượng khi họ sắp quyết định một vấn đề. Nói cách khác, quyết định của họ không nên bị chi phối bởi những yếu tố trên.


Bởi vì tham ái và ý tưởng trả thù mà chiến tranh và xung đột khởi lên liên miên. Đức Phật đề cập đến một nguyên nhân khác của chiến tranh. Đó là có một số người cho rằng bản thân họ, tôn giáo họ hay quốc gia họ cao nhất, còn những người khác, tôn giáo khác, quốc gia khác thì thấp hơn. Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú rằng: Kẻ thắng thì bị thù ghét, người thua thì sống trong đau buồn. Cả hai phía đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Kinh Cullabodhi Jakata nói rằng lòng hận thù và ý muốn trả thù tiêu diệt cuộc sống con người. Cũng như hai cây gậy đập vào nhau, lửa tóe ra tiêu diệt cả hai cây. Theo Phật giáo thì trong chiến tranh, không có ai là kẻ thắng cuộc cả. Thay vào đó, đức Phật nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tự thắng mình trước những ô nhiễm của chính bản thân mình.


Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy rằng, chiến thắng được dục vọng của mình thì vĩ đại hơn thắng ngàn kẻ thù bên ngoài. Ngài luôn luôn khuyên chúng ta là hãy nhìn thấy lỗi của mình thay vì đi tìm lỗi của người khác. Bởi vì khi người ta thấy lỗi của người khác thì xung đột bắt đầu. Đức Phật luôn luôn khuyên chúng ta nên suy tư về bản thân mình để loại bỏ những khuyết điểm của bản thân. Có một lần nọ, khi đức Phật đang ngồi thiền dưới một gốc cây thì một nhóm thanh niên đến hỏi Ngài rằng, Ngài có thấy một phụ nữ đi ngang qua không, thì đức Phật trả lời rằng: Đừng có nghĩ đến những gì người khác làm hay không làm, mà hãy nghĩ về những gì mình đã làm hay chưa làm.


Thông thường , người ta hay đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm cho kẻ khác mà không thấy lỗi và trách nhiệm của mình. Và đó cũng chính là nguyên nhân của mọi xung đột. Cho nên đức Phật khuyên chung ta nên xác định trách nhiệm của mình và đối xử tốt với người khác. Ngài khuyên chúng ta hãy trãi lòng từ, thậm chí đối với kẻ thù. Trong kinh Ví dụ Cái Cưu thuộc Trung Bộ kinh, đức Phật đã khen ngợi tính kiên nhẫn của một vị tăng khi vị này đã trải lòng từ cho những tên cướp dù chúng đã cắt đi một phần cơ thể của vị tăng và làm cho vị tăng đau đớn đến chết.

 Phật giáo giải quyết vấn đề từ căn bản gốc rể của nó. Chiến tranh và xung đột khởi lên là do nhu cầu chính trị, tham vọng của những cá nhân hoặc nhóm người. Đức Phật đã giới thiệu nhiều nguyên tắc để ngăn chặn chiến tranh và xung đột. Chính trực, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ quyền lợi, từ bi, nhẫn nhục, nhu thuận là những nguyên tắc quan trọng rất cần được thực hành vậy.

Tác giả: Polgolle Kusala Dhamma
Trung Hữu lược dịch

ĐỀ NGHỊ THAM KHẢO về CẤU TRÚC QUYỀN LỰC



Cho đến nay, những ai quan tâm tìm hiểu và tham khảo về thời cuộc, về sinh hoạt xã hội chính trị của thế giới khó có thể tránh khỏi kết luận về "nền văn học chính sử" của nhân loại hầu như chỉ là những "câu truyện" được xếp đặt như những truyện cổ tích có hậu giữa "phe thiện" và "ác". Vấn đề hay câu hỏi cần đặt ra là AI thật sự là "tác giả" của những "tập truyện" này? 

Hệ quả này hẳn nhiên không chỉ khởi đi từ chù nghĩa quyền chính quốc gia dân tộc bày đàn của từng nhóm dân với những "huyển sử dân tộc", khi mà bọn quyền chính cần một "bản sắc tự hào giống nòi" để bó nhỏ đầu quần chúng cho mục tiêu "đoàn kết" để cai trị, mà tệ hại hơn ở thời cận đại, khi một thiểu số với tài sản cực giầu có quyền thế bao phủ gần như toàn xã hội do những gian manh cấu kết lừa đảo trong hệ thống quyền lực (như Lã Bất Vi thời xa xưa). Từ đó phát sinh cuồng vọng khống trị toàn cầu. Họ đã thành công trong việc xếp đặt cả một hệ thống NIỀM TIN trong thông tin giáo dục.

Nhận định như thế hẳn cũng không thể tránh được làm đại đa số ngỡ ngàng... bởi nó vượt tầm kiến thức chính qui qui ước nền tảng "trí tuệ" của họ.

Như thế, muốn tìm hiểu xã hội trước mặt, thật mỉa mai, nó lại đòi hỏi một người phải đi ngược truyền thống chính qui, bước ra khỏi ma trận đã được thiết lập để lý giải như các nhóm nghiên cúu và độc lập đang thực hiện. Mỉa mai nhưng thực tế hơn nữa, là muốn hiểu sự thật của lịch sử, sử gia đúng đắn cũng bị buộc phải phá bỏ "truyền thống chính qui", một loại phương pháp được đặt ra để không ai có thể "viết sử" khác những gì đã được "đặt để" mà tưởng như là "chứng sử khoa học"!


Hai nhà đại khoa bảng Anh Mỹ đã buộc phải phá rào để làm chính công việc truy tìm sự thật quá khứ, sự thật mà nếu không thấy nó, biết nó, thì không thể lý giải hợp lý những diễn biến kinh hoàng của nhân loại từ hơn trăm năm qua cho đến hiện nay.

Giáo sư sử học Professor Carroll Quigley của George Town và Antony Suttoncủa viện Hoover, cả hai đều là "đại khoa bảng chính qui" nhưng đã nhận ra được những "trở ngại qui chính" đã tiến hành những nghiên cúu vượt truyền thống chính qui để mở toang những kẽ nứt của chính sử, và giúp những ai thật sự muốn tìm hiểu những diễn biến chính trị hiện tại của nhân loại có những dữ kiện lấp vào khoảng trống "bí ẩn".



Không có những khai mở phi truyền thống này, người ta vẫn cứ chỉ lẩn quẩn lý giải trong vòng "biên giới" của quốc gia với những mẩu kiến thức lặt vặt đã được định sẵn, và chẳng thể hiểu được những tai họa của họ, của hàng tỉ con người trong hàng trăm "quốc gia" hầu như đều là hệ quả toan tính của một nhóm người "vô danh tính" ở ngoài vòng "thông tin" của chính sử.

Thật sự cũng chỉ đơn giản nếu một người biết chất vấn. Lấy thí dụ là tai họa "thực dân" của một "dân tộc" có phải đi từ quyết định của một vài cá nhân quyền chính có "óc thực dân"? Cái gọi là thảm họa nội chiến Việt Nam kéo dài hơn 20 năm với hàng triệu nhân mạng, và kéo dài cho đến hôm nay đây, có phải đi từ quyết định "chính sách bang giao" của một nhóm người Âu Mỹ? Thảm họa của Phi Châu do ai tác tạo? Hay gần nhất, những biến chuyển và những cái gọi là "chính sách quốc gia" hiện nay của Việt, Hoa, Trung Đông v.v là do tác động từ đâu"? Có phải là từ những "lãnh đạo chính trị" những kẻ cầm quyền cũng chỉ có một giai đoạn? 

Quan trọng nhất, vẫn là nếu không hiểu về lịch sử quyền chính cũng như cấu trúc của nó ngay trong hiện tại, một người cũng không thể hiểu được một nguyên lý tự nhiên đơn giản của phi quyền chính. Bởi quyền lực không phải đi từ "nòng súng" như Mao từng ngu xuẩn tuyên bố. Quyền lực là kiểm soát nguồn tài nguyên nhu cầu. Một nhóm nhỏ không thể kiềm soát hay khống trị được nguồn tài nguyên nhu cầu của đại đa số nếu không có sự đồng thuận dù gián tiếp của đa số. Sự gián tiếp đồng thuận này đi từ tín lý, niềm tin. Nghe thật "lạ tai" phải không? Có lạ tai không khi hàng tỉ nhân loại tuân phục một cá nhân giáo chủ? Và từng tin sắt đá rằng địa cầu vuông phẳng? Có lạ tai không khi hàng tỉ nhân loại từng tin vào "quyền con trời" (thiên tử) hay từ "Thiên Chúa" (divinity) và tính "chính đáng" chỉ có từ "chính thống" một "giòng họ"?


Có ai còn nghi vấn những tai họa "kinh tế tài chính" hầu như của toàn nhân loại phải chịu đựng được "dấy động" từ một nhóm người Âu Mỹ mà phố Wall chỉ là "mặt tiền trái hiên" của họ? 

Khi không hiểu được một nguyên lý hiển nhiên và nhỏ bé như thế của quyền lực ngay tại xã hội mình và từ chính bản thân mình như thế, làm sao một người hiểu và thấy được rằng những tai họa và biến chuyển của cả thế giới hôm nay, sinh mạng của hàng tỉ con người, đều được cắt đặt và tác động chỉ từ một nhóm người ẩn nấp?

Nói ngắn gọn lại, quyền lực đi từ khống trị được niềm tin. Niềm tin được kết đặt và củng cố bằng hệ thống "giáo dục" miên tục. Nghĩa là nhồi nhét huân tập. Nếu hiểu được như vậy với những chứng cớ rành mạch, chúng ta, những ai còn tình thức sẽ biết cách thoát nó như thế nào rồi. Thoát hay không, vẫn là quyết định từ tầm nhận thức của mỗi cá nhân.

Những tác phẩm nghiên cứu đúc kết của Sutton và Quigley bổ túc lẫn cho nhau về mặt chứng sử cũng như cho chúng ta những bằng chứng băng hoại tàn độc và bạo ngược của một hệ thống quyền lực, về cấu trúc và vận hành của nó thật "đơn giản" như thế nào nhưng đã cho phép chỉ một nhóm người có thể thao túng sinh hoạt hạnh phúc khổ đau của hàng tỉ con người khác trên thế giới, những cuộc CHIẾN TRANH CHỦNG TỘC, THỰC DÂN, ĐẾ QUỐC, TÔN GIÁO, HAI CUỘC ĐẠI CHIẾN, KHỦNG HOẢNG KINH TẾ , CÁCH MẠNG, THỰC PHẨM CẢI DI TÍNH, LŨNG ĐOẠN MÔI SINH v.v trong đó có bản thân chính chúng ta. Những khám phá của hai giáo sư chính qui này là những viên đá nền tảng không thể không bước qua nếu muốn hiểu về thế giới chính trị kinh tế của chính chúng ta hôm nay. Và càng không thể thiếu nó trước khi tìm hiểu về nguyên lý đơn giản Phi Quyền Chính. Đơn giản, chẳng ai luu tâm nỗ lực tìm kiếm và tìm hiểu về một căn nhà mới khi vẫn chưa thấy được những khuyết tật, tai hại nguy hiểm của căn nhà hiện tại, vẫn hài lòng vui vẻ với căn nhà mình đang cư ngụ!

Nhân Chủ

29-4-2015

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Kỷ Niệm 30/4 : Niềm Vui- Nỗi Buồn.



Kỷ Niệm 30/4 : Niềm Vui- Nỗi Buồn. 










Hôm nay 30-4 năm 2011, 36 năm đã trôi qua, thời gian tưởng là làm nhạt nhòa ký ức, nhưng hình ảnh hệ quả của 30-4 nó còn hiện rõ từng chi tiết trong đầu. Không phải vì Tôi cố nhớ nó, mà 30-4 với những hệ quả kéo dài đến hôm nay, chính nó đã buộc thằng Tôi phải nhớ nó. Và Tôi đã nhớ rất rõ cái cảm xúc của một niềm vui và nỗi buồn của riêng Tôi với ấn dấu 30-4-1975. 



Với Tôi, biến cố 30- 4 đầu tiên là một niềm vui không thể nhầm lẫn. Vui vì cuộc chiến tương tàn, dài đăng đẳng đầy man rợ phi nghĩa đã chấm dứt. Chiến tranh, dù vì bất cứ lý do gì, nguyên nhân nào đều ghê tởm, không chỉ vì nó tàn phá làng mạc, đất đai, tàn sát nhân mạng, mà chính vì nó tàn hủy nhân tính, băng hoại con người. Chiến tranh chỉ có lợi cho bọn bất nhân, vì nó luôn là cái cớ cho não trạng độc tài quân phiệt phát huy bản năng thú vật của loài thượng đẳng hai chân, và cuối cùng chiến tranh muôn đời luôn luôn là trò làm tiền của bọn gian manh bất nhân , đúng như tướng thủy quân lục chiến Mỹ ông Smedley Butler (1881-1940) đã vạch ra trong bài diễn thuyết “chiến tranh là trò làm tiền gian manh” (War is a Racket). Chiến tranh nó ghê tởm đến độ đại tướng Eisenhower, người từng chỉ chỉ liên quân đồng minh trong thế chiến thứ hai và sau này là tổng thống thứ 34 của Mỹ, đã phải thốt ra:

“Tôi căm ghét Chiến Tranh chỉ vì Tôi là một người lính từng sống trong đó có thể ghét, chỉ vì là người đã thấy sự tàn bạo của nó, sư vô ích của nó, sự ngu xuẩn của nó....... Từng khẩu súng được chế tạo, từng chiến hạm ra khơi, từng trái pháo được bắn đi, biểu hiện trong một ý nghĩa cuối cùng là một hành động ăn cắp của những người đói khổ mà không có ăn, của những người chết rét mà không có mặc..(I hate war as only a soldier who has lived it can, only as one who has seen its brutality, its futility, its stupidity.......Every gun that is made, every warship launched, every rocket fired, signifies in the final sense a theft from those who hunger and are not fed, those who are cold and are not clothed. Four Star-General-President of The USA, Dwight D. Eisenhower)
Không những vậy, với tư cách là vị tướng kinh nghiệm dày dạn, nếm đủ mùi chiến tranh tàn bạo, một tổng thống của quốc gia hùng mạnh còn sót lại sau thế chiến, trong bài diễn văn từ biệt hết nhiệm kỳ, giã từ chính trường, Ông đã cảnh báo người Mỹ và thế giới về hiểm họa chiến tranh do bọn đầu cơ kỹ nghệ vũ khí tiến hành. Bọn trục lợi và sùng bái quyền lực sẽ tạo chiến tranh bằng mọi cách.



Vì thế, Tôi không chỉ vui mừng hơn cả những người lính ngoại nhân tham chiến còn sống sót trở về quê hương của họ, mà còn vui mừng chúc lành cho họ, đã còn có thể sống sót trở về đoàn tụ với thân nhân gia đình, dù biết chắc rằng sau cuộc chiến man rợ phi nghĩa đó, nhiều cuộc đời con người đã không thể còn toàn vẹn được nữa.

Đó chính là lý do Tôi vui mừng khi biến cố ngày 30-4-1975 xảy đến. Tôi kinh tởm chiến tranh. Chỉ có vậy thôi.






Tôi không còn là người đần độn bị ám hữu bởi chủ nghĩa ái quốc, quốc gia dân tộc. Bởi hôm nay đây, không chỉ những con người ở những xã hội dân chủ văn minh người ta rời bỏ nơi này để sống ở nơi khác phù hợp với hạnh phúc của họ hơn, rồi đôi lúc quay trở lại thăm quê cũ như là một du khách bình thường và hạnh phúc; mà người Việt nam hôm nay, khi có điều kiện cũng đang hành xử như thế, và cũng rất hạnh phúc chính đáng. Hơn thế nữa, không chỉ ở cương vị cá nhân con người tự tại, thoát khỏi căn bệnh ái quốc ái quần tổ quốc tổ cò, mà ngay cả ở mức độ một cộng đồng xã hội, người ta cũng không nhất thiết bị ràng buộc pháp lý hay tinh thần với mảnh đất hay cái tên của một hiện thể chính trị quốc gia, chỉ vì họ được sinh ra ở đó một cách ngẫu nhiên không có chọn lựa. Như QueBec trưng cầu dân ý để tách ra khỏi Canada, hay Vermont đang tiến hành vận động trưng cầu dân ý tách ra khỏi Mỹ, hoặc Đài Loan muốn độc lập tách hẳn khỏi Trung Quốc v.v Người ta đã tiến xa hơn, tầm nhìn rộng hơn với giá trị NHÂN PHẨM làm nền tảng, và người ta chỉ trân trọng tìm đến mảnh đất nào , liên đới với xã hội nào có chủ trương vinh danh Con Người, chăm chút nhân phẩm và hạnh phúc tự do của thành viên, của công dân, thì đó là đất nước của họ.



  Người ta sáp lại, nối kết với nhau khi nhu cầu cần thiết để cùng xây dựng một xã hội tốt hơn vì nhau và cho nhau, và chỉ bằng sự tự nguyện đồng thuận, chứ không bằng bạo lực cưỡng ép áp đặt. Bạo lực không bao giờ đưa đến điều gì tốt đẹp. 

Ngay sau 30-4-75, cũng nhân danh bảo vệ tổ quốc, an ninh tổ quốc, những kẻ chiến thắng từ mảnh đất phía Bắc đã cai trị  đồng bào bại trận  ở phía Nam như cai trị thuộc địa chiếm đóng. 

Và những thằng bại trận bỏ chạy cũng vậy, cũng vẫn nhân danh ái quốc tổ cò, dù đã thành công dân xứ người, cũng phân chia thành phần vùng miền ngay trong cái thóm hỏm sinh hoạt nơi xứ người, để rồi hành xử co cụm thu hẹp trở thành nhỏ bé , đố kỵ, và hung tợn bạo ngược với lá cờ ba que đã thành tấm giẻ rách. Nhưng đám người bại trận bỏ chạy bày vẫn cứ nhân danh tổ quốc ba que giẻ rách để thành lập một “đại công ty chính nghĩa chống cộng” chuyên phao tin đồn và nhân danh “đại nghĩa chống cộng” hung hăng đòi chỉ đạo can thiệp vào đời sống xã hội người Việt Kiều, dù càng ngày càng yếu đi sau 36 năm. 

Sau 30-4 vài năm, một số lớn người Viêt Nam đi vượt biên, và sự trả thù ti tiện này họ đã không để lại nơi đất nước Viêt Nam cho cái chế độ Độc đảng , họ đem theo và vẫn tiếp tục tiến hành bởi những thằng lính, gã công chức thất trận. Chúng nó đẩy đòn thù lên gần như bất cứ ai không phủ phục chúng nó, từ trên đảo tị nạn tạm cư, cho đến khi đã định cư tại một quốc gia khác. và việc ăn cắp những niềm tin vào tình người , vào nhau, dù nhỏ bé nhất tiếp tục xảy ra, nhân danh tự do, tị nạn, và chống cộng.


Nỗi buồn chính là sự phá sản băng hoại toàn diện nhân trí của những con người có nhãn hiệu Việt Nam. Những gì còn có thể gọi là chân, là thiện là mỹ, còn sót lại trong thời chiến tranh, đặc biệt là niềm hy vọng cuối cùng không chỉ là vào “hòa bình, thống nhất,” mà vào chính phần lương tâm con người tối thiểu của nhau, tất cả cũng đã bị hoàn toàn tiêu hủy .  Xã hội Việt Nam và con người Viêt Nam dù đã bị THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU mở tung ra, và khoác vào cho họ cái áo vật chất văn minh hoành tráng dù là giả tạo,  càng làm lộ rõ nét bán khai vô nhân tính của toàn thể xã hội và con người. Tất cả vội vã, chen lấn, chà đạp lên nhau để gom góp và tích lũy của cải, vội vã luống cuống tiêu thụ ngây ngô và vụng về hưởng thụ.

Trong khi đó, cũng sau 36 năm, những kẻ ra đi sống chung với văn minh và nhân bản, cũng không khá hơn, mà còn băng hoại hơn, cũng chỉ vì bám víu vào hận thù và quyền lực, vào chủ nghĩa ái quốc dân tộc, vào ấn tượng sai lệch và sai lầm của 30-4. Toàn bộ thế hệ đi trước của cả hai phe đối nghịch nhau đã tiêu diệt cơ hội hướng thiện, vươn lên của thế hệ đi sau. 

Việt Nam hôm nay, đã có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn du học sinh, đầu tư nước ngoài, và có một đội ngũ khoa bảng được đào tạo từ các trường đại học hàng đầu của nhân loại, nhưng não trạng trống rỗng và bần tiện hơn, lanh vặt và lưu manh hơn, có phương pháp hơn. Bởi lớp người này chỉ dùng phương tiện khoa bảng để kiếm cơm và tìm quyền lực. Bên ngoài Viêt Nam, thế hệ thứ hai, thứ ba của những kẻ thất trận bỏ chạy và ra đi, cũng có khoảng trên dưới hàng trăm ngàn khoa bảng chuyên gia, nếu chưa muốn nói là tổng quát là con số hàng triệu có cử nhân là căn bản. Thế nhưng tòan bộ sinh hoạt tinh thần xã hội, giá trị dân sự vẫn là con số không!!!

Thế hệ cha mẹ họ, và thể chế chính trị, thật sự hay giả tạo, nếp sống xã hội của cha mẹ họ áp đặt, đã ăn cắp đi đức tính cần thiết đam mê kiến thức, đam mê ý nghĩa, giá trị cuộc sống trong con người của họ mất rồi. Chỉ còn lại QUYỀN và LỢI với cái triết lý ngu ngục hạ cấp “khôn chết, dại chết, biết sống.”


36 năm, dù đã quá chậm trễ để xóa sổ làm lại, nếu tính theo một đời người, một thế hệ. Nhưng với tính nối dài miên tục của một xã hội, một đất nước, và cả tiến trình nhân loại này, thì việc xóa sổ cái sai cũ để khởi đầu tiến hành cái mới tốt đẹp không bao giờ sớm, và chẳng bao giờ muộn màng hết cả. Phải xóa sổ hết những ám hữu của những định kiến cũ để khởi đầu xây dựng nhận thức về một xã hội dân sự của những con người có tên là Viêt Nam. Xây dựng sự nhận thức về chính giá trị tự thân, tức là xây dựng lại NHÂN TRÍ để kiến tạo nền DÂN TRÍ cho xã hội.

Và tất cả cũng vẫn phải khởi đầu bằng những nỗ lực từ những cá nhân đơn lẻ đi trước. Phải can đảm và sáng suốt gác bỏ những ngăn trở do chính mình tự kỷ tạo ra. Thể hiện rốt ráo tính liên đới trách nhiệm của cá nhân Con Người. Mảnh đất Con Người Việt nam đang cần được vun xới bằng quả cảm kiên trì và công chính, để những hạt giống nhân bản có thể nẩy mầm, và rồi sẽ thành những cánh đồng bát ngát giá trị tự thân, nơi đó NỀN DÂN CHỦ có TỰ DO BÌNH ĐẲNG sẽ được xây dựng vững chắc. Hạnh phúc của mỗi cá nhân, của chúng ta, và của cả nhân loại này cũng được xây dựng từ căn bản đó.


NKPTC

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

THÁI CỰC LUẬN Chương 2. Tính danh Thái Cực




Trong tiết này ta sẽ cố tìm cho ra những từ ngữ có thể dùng để chỉ danh Thái Cực.

Chúng ta sẽ áp dụng mấy phương pháp sau đây:

1.Nghiên cứu các đồ bản Dịch Kinh

2. Nghiên cứu thư tịch Nho, Thích, Lão.

3. Áp dụng định luật toán học, nếu A = B

B = C

thì A = C

Ví dụ: Thái Cực = Thiên Địa chi tâm

Thiên Địa chi tâm = Đạo tâm

Thái Cực = Đạo tâm

4. Suy ra những danh hiệu chính yếu của Thái Cực, khi đã hiểu rõ quan niệm của người xưa về Thái Cực. Họa bảnHuỳnh Đình trong Huỳnh Đình Kinh giải của Lưu nhất Minh đã cho ta biết những danh hiệu sau đây tương đương với Thái Cực:

Huỳnh Đình, Trung Thần, Hư Vô, Chân Không Bất Nhị Pháp Môn, Chúng Diệu Chi Môn, Huyền Tẫn Môn, Đạo Nghĩa Chi Môn [1]

Tượng Ngôn Phá Nghi cho rằng Huyền Tẫn Môn tức là Huyền Quan Khiếu [2]

Theo Huỳnh Đình Kinh giải ta thấy Thái Cực là Huyền Tẫn Môn. Như vậy:

Thái Cực = Huyền Tẫn Môn = Huyền Quan Khiếu (Nguyên Quan Khiếu) [3]

Và cứ theo định luật toán học, nếu A = B

B = C

thì A = C

Ta sẽ biết thêm rằng Thái Cực cũng là:

Sinh Tử Hộ, Sinh Sát Thất, Thiên Nhân Giới, Hình Đức Môn, Hữu Vô Khiếu, Thần Khí Huyệt, Hư Thực Địa, Thập Tự Lộ...vì những danh hiệu trên đều là biệt danh của Huyền Quan Khiếu [4]

Dựa vào tài liệu trong quyển Thông thiên bí thư ta biết Thái Cực hay Huyền Tẫn còn có những tên sau đây:


·Thái Cực Chi Đế

- Tiên Thiên Chi Bính

- Hư Vô Chi Hệ

- Tạo Hóa Chi Nguyên

- Hỗn Độn Chi Căn

- Thái Hư Chi Cốc

- Qui Căn Khiếu

- Phục Mệnh Quan

- Mậu Kỷ môn

- Canh Tân Thất

- Giáp Ất Hộ

- Tây Nam Hương

- Chân Nhất Xứ

- Trung Hoàng Cung

- Đan Nguyên Phủ

- Chu Sa Đỉnh

- Long Hổ Huyệt

- Huỳnh Bà Xá

- Dung Lô

- Thổ Phủ

·Thần Thủy

- Hoa Trì

- Đế Ất

- Thần Thất

- Linh Đài

- Giáng Cung [5] v.v...


Thái Cực thường được tượng trưng bằng vòng tròn. Ngoài ra, cổ nhân còn dùng vòng tròn để tượng trưng: Vô Cực,[6] Kim Đơn,[7] Thần,[8] Chu Sa Đỉnh, Pháp Thân,[9] Thử Mễ Châu,[10] Hồng Mông, [11] Thánh Thai [12]

Ta kết luận: Thái Cực cũng là:Vô Cực, Kim Đơn Thần, Pháp Thân, v.v.. Thái Cực chính là nơi Âm Dương tương hợp, Hắc Bạch tương phù, nên cũng chính là: Thiên Địa Chi Tâm, [13]Thiên Địa Chi Tâm là Đạo Tâm, vậy: Thái Cực = Đạo Tâm [14]

Khảo sát các hình: Huyền Tẫn Chi Môn, Nguyên Quan Nhất Khiếu trong Tượng Ngôn Phá Nghi[15] ta thấy rằng Thái Cực còn có thể gọi là:

Âm Dương Chi Môn, Tứ Đại Bất Trước Chi Xứ, Động Tĩnh Chi Quan, Thần Khí Chi Huyệt, Khảm Ly Chi Tinh, Hữu Vô Tương Nhập Xứ.

Thái Cực chính là: Đạo, [16]Trung, [17]Nhất,[18]Lý, [19]Tâm,[20] Tính,[21] Thiên Đạo, [22]Thiên Lý, [23]Thái Nhất,[24]Thái Hòa theo từ ngữ Trương hoành Cừ, [25] Tổ Khiếu theo từ ngữ của các Đạo gia. [26]

Sau khi đã tìm ra được các tính danh Thái Cực, ta có thể tìm hiểu duyên do của ít nhiều danh hiệu của Thái Cực.

I. Thái Cực sở dĩ gọi là Thái Cực vì Thái Cực là Tuyệt Đỉnh.

II. Thái Cực ở tâm điểm các vòng Dịch nên cũng được gọi là: Trung, Hoàng Trung, Ngũ, Ngũ Thập, Mậu Kỷ Môn.

III. Thái Cực là Nhất, vì Nhất có thể sinh Vạn. Thái Cực đứng giữa trục Âm Dương, nên cũng được gọi là Thập Tự Nhai: +

IV. Thái Cực được gọi là Huyền Quan Nhất Khiếu vì người xưa cho rằng Vạn Hữu xuất phát từ Nhất điểm linhquang ở giữa lòng Vô Cực [27]



V. Thái Cực được gọi là Huyền Tẫn Chi Môn vì là ở giữa hai cửa Âm Dương [28]



VI. Thái Cực là tâm điểm sinh trời đất, nhân vật nên cũng gọi là Thiên Địa Chi Tâm:

[29]

VII. Thái Cực là Bản Thể của vũ trụ, là căn nguyên vũ trụ nên cũng được gọi là Tính, là Lý, là Căn Nguyên.

VIII. Thái Cực vì phối hợp được Âm Dương, nên được gọi là: Huỳnh Bà Xá

IX. Thái Cực tạo dựng quần sinh, và là cùng đích Vạn Hữu nên là: Thủy, Chung.

X. Thái Cực là môi giới giữa Vô Cực và Vạn Hữu.

Ta tạm hình dung bằng hình vẽ sau:



Ta thấy rằng Thái Cực đồng thời:

Vừa là Vô Cực, vừa là Vạn Hữu

Không phải Vô Cực, cũng không phải Vạn Hữu.

Bao hàm cả Vô Cực, lẫn Vạn Hữu

Nếu ta gọi Vô Cực là Vô, Vạn Hữu là Hữu, ta có thể nói Thái Cực:

Vừa là Vô, vừa là Hữu

Chẳng phải Hữu chẳng phải Vô

Bao hàm cả Vô lẫn Hữu

Vừa biến thiên, vừa bất biến

XI. Từ Thái Cực, có 2 nẻo đưòng:
Một đường đi ra Vạn Hữu tức là đi ra hữu hình, hữu tướng, đi ra chết chóc, mòn mỏi, biến thiên;

Một đưòng đi vào vô hình, vô tướng, Vô Cực, trường sinh, vì vậy Thái Cực còn đưọc gọi là Sinh Môn, Tử Hộ, Sinh Sát Xá.

XII. Đi ra thời gian truân, đi vào thời sảng khoái vì thế cũng gọi là Hình Thức Môn
XIII. Thái Cực khi chưa có trời đất, thì là Hồng Mông vị phán, Âm Dương tương hợp, Hắc Bạch tương phù, lúc chung cuộc vũ trụ thì lại là nơi Tam Hoa qui đỉnh, Ngũ Khí triều nguyên, Âm Dương hợp hòa đoàn tụ.

XIV. Thái Cực vì trường cửu bất hoại nên được gọi là Kim Đơn, Kim Cương Thân v.v...

XV. Thái Cực sinh xuất muôn Thần, vạn Thánh nên chính là lò cừ Tạo hóa, Chu Sa Đỉnh, Dung Lô v.v...

XVI. Thái Cực ở trung tâm điểm vòng Dịch, vũ trụ và con người nên được gọi là Chân Tâm.

XVII. Thái Cực là biên giới giữa trời người, vào được lòng Thái Cực tức là vào được lòng Trời, ở bên ngoài tâm điểm, ở bên ngoài Thái Cực tức là phàm tục, vì thế Thái Cực được gọi là Thiên Nhân Giới

XVIII. Ở giữa Vạn Hữu và Vô Cực, nên cũng được gọi là: Hư Thực Địa, Hữu Vô Xứ v.v..


Tóm lại ta có thể tìm ra được nguyên do, được ý vị của mỗi danh hiệu Thái Cực.

Thái Cực đã được các vị chân tu đạo Phật sánh với Chánh Pháp Nhãn Tàng, Bản Lai Diện Mục, Chân Như Bản Thể, Pháp Thân vân vân. Từ đó, chúng ta bắt sang đạo Phật, chúng ta thấy Thái Cực còn có rất nhiều danh hiệu tương ứng.[30]

Suy ra, thì Thái Cực có muôn vàn danh hiệu [31] nhưng chung qui vẫn chỉ là Bản Thể của vũ trụ, là Duy nhất, là Tuyệt đối.

CHÚ THÍCH

[1] Cf. Huỳnh Đình Kinh giải trang 3b.

[2] Nguyên Quan tức Nguyên Tẫn chi biệt danh. Nhân kỳ Âm Dương tại thử cố vị Nguyên Tẫn Môn, nhân kỳ nguyên diệu bất trắc cố vị Nguyên Quan Khiếu, kỳ thực giai thử Nhất Khiếu nhĩ. 元 關 即 元 牝 之 別 名. 因 其 陰 陽 在 此 故 謂 元 牝 門. 因 其 元 妙 不 測 故 謂 元 關 竅, 其 實 皆 此 一 竅 耳. — Tượng Ngôn Phá Nghi, Quyển hạ - trang 2a.

[3] Huyền quan giả chí huyền chí diệu chi cơ quan dã, tức nhân thân trung Thái Cực thị dã. 玄 關 者 至 玄 至 妙 之 機 關 也, 即 人 身 中 太 極 是 也.— Tính Mệnh Pháp Quyết, quyển 7 - trang 2.

[4] Nguyên quan giả chí nguyên chí diệu chi quan khẩu. Hựu danh Sinh Tử Hộ, Sinh Sát Thất, Thiên Nhân Giới, Hình Đức Môn, Hữu Vô Khiếu, Thần Khí Huyệt, Hư Thực Địa, Thập Tự Lộ, v.v... 元 關 者 至 元 至 妙 之 關 口. 又 名 生 死 戶, 生 殺 室, 天 人 界, 形 德 門, 有 無 竅, 神 氣 穴, 虛 實 地, 十 字 路. — Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển hạ - trang 2a.

[5] Thông Thiên Bí Thư, quyển IV - trang 9b.

[6] Cf. Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển thượng - trang 5 (hình Thái Không Hư Vô hay Vô Cực).

[7] Ib. Hình Kim Đơn, quyển hạ - trang 1.

[8] Ib. Quyển hạ - trang 1b (hình Chu sa đỉnh).

[9] Ib. trang 6b.

[10] Ib. trang 4a.

[11] Ib. trang 4a.

[12] Ib. trang 5b.

[13] Cf. Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển hạ - trang 1a.

[14] Đạo tâm tức Thiên địa chi tâm 道 心 即 天 地 之 心. — Ib. quyển hạ - trang 1b.

[15] Xem hình Huyền Tẫn Chi Môn. — Nguyên Quan Nhất Khiếu trong Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển hạ - trang 2a.

[16] Hựu viết: Đạo vi Thái Cực. 又 曰 道 為 太 極 . — Tạ Vô Lượng TQTHS, Đệ tam thiên thượng trang 15.

[17] Viết Nhất viết: Trung tức Thái Cực dã. 曰 一 曰 中 即 太 極 也. — Tống Nguyên Học Án, quyển 12 - trang 3.

[18] Viết Nhất viết: Trung tức Thái Cực dã. — Tống Nguyên Học Án, quyển 12 trang 3.

[19] Thái Cực chỉ thị nhất cá Lý tự. 太 極 只 是 一 個 理 字.— Stanislas le Gall - Le Philosophe Tchou - Hi page 97.

[20] Tâm vi Thái Cực 心 為 太 極. — Tạ Vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng - trang 15.

[21] Viết Nhất viết Trung tức Thái Cực. — Tống Nguyên Học Án, quyển 12 - trang 3.

[22] Trung Dung Hoặc Vấn, trang 22 (Xem chú thích trên)

[23] Qui Nguyên Trực Chỉ, quyển Trung trang 380.

[24] Chu Dịch Đại Toàn - trang 34.

[25] Chính Mông khai thủ tức viết Thái Hòa sở vị Đạo. 正 蒙 開 首 即 曰 太 和 所 謂 道. — Tạ Vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng - trang 18.

[26] Chính trung thị tổ khiếu 正 中 是 祖 竅. — TMPQMC - trang 20.

[27] Cf. Xướng Đạo Chân Ngôn, quyển 2 - trang 8a.

[28] Cf. Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển thượng - trang 2a.

[29] Cf. Đồ bản Thiên Địa Chi Tâm trong Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển thượng - trang 6a.

[30] Cf. Xem đồ bản các danh từ tượng ứng với Chân Như trong tập Tinh Hoa Phật giáo của tác giả.

[31] Et appelez - le comme vous voudrez, car pour ceux qui savent. Il est le possesseur de tous les noms. — Cf. Balla'u'llah,Les sept vallées - page 6.

Chiến tranh và .. tình nhân loại




Tác giả: Trần Văn Chánh



Có câu chuyện xảy ra gần ba năm trước thật cảm động về hai cựu binh người Úc đã từng tham gia chiến cuộc tại Việt Nam:

Sau nhiều năm trăn trở, nhắn nhe tìm tõi khắp nơi, rồi lặn lội đường xa, sáng ngày 3.4.2012, hai ông Laurens Wildeboer và Derrill De Heer, cựu binh Úc, đã tìm đến được gia đình của một liệt sĩ Việt cộng ở Đồng Nai để trao lại cho bà mẹ già của liệt sĩ này những kỷ vật mà hai ông đã lưu giữ trong suốt 42 năm. Trong cuộc hội ngộ ly kỳ hiếm có này của những người trong thời chiến tranh vốn thuộc hai bên chiến tuyến, ai cũng cố kìm nén để khỏi bật thành tiếng khóc lớn.

Người liệt sĩ nói trên tên Phan Văn Ban, chết trận năm 1970, ba năm trước vẫn còn mẹ già 85 tuổi ngụ tại ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Vào đến nhà rồi, sau phần thủ tục giới thiệu, cựu binh Derrill De Heer bắt đầu nhìn chiếc hộp đựng kỷ vật rồi mở lời: “Đây là những gì mà Laurens đã lưu giữ của liệt sĩ Ban suốt 42 năm qua. Laurens đã day dứt bao nhiêu năm, đến ngày hôm nay mang đến cho mẹ”. Laurens mở hộp, lấy từng kỷ vật trao cho bà mẹ liệt sĩ: “Đây là chiếc khăn choàng kèm với cuốn sổ ghi chép của liệt sĩ Ban mà trong chiến tranh tôi đã giữ được”. Rồi ông nói tiếp, cố kìm nén xúc động: “Xin lỗi mẹ về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Liệt sĩ Ban và những người lính Việt Nam thật tuyệt vời. Họ thật tuyệt khi làm tất cả vì đất nước. Những kỷ vật mang đến hôm nay cho mẹ để mẹ và gia đình thanh thản” (xem báo Tuổi Trẻ, 4.4.2012, trang 18). 

Như chúng ta đều biết, Úc là một nước đồng minh của Mỹ đã cùng với vài đồng minh khác nữa tham gia cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài tại Việt Nam trước đây. Vì nghĩa vụ quân sự, nhiều người lính phải rời bỏ quê hương để tham dự vào một cuộc chém giết mà bản thân họ đều không mong muốn và chủ động, nên có lẽ không ai hiểu rõ tính chất phi nhân tàn bạo chỉ mang đến đau khổ của chiến tranh bằng chính những người lính dự trận bất đắc dĩ mà mạng sống là do những quyết định ở đâu đâu khác. Vì thế khi chiến tranh kết thúc năm 1975, những người lính thoát chết như vậy chỉ biết có vui mừng vô điều kiện mà chẳng chút hận thù, kể cả hận thù đối với những người trong hàng ngũ buộc lòng họ phải coi là đối địch một thời. Các chính phủ của họ cũng chẳng mất công sức làm cái việc tuyên truyền cho lòng thù hận để chờ dịp… phục thù…

Thật ra, từ nhiều năm trước, đã từng có những cựu binh Mỹ cũng đem kỷ vật nhặt được trong lúc giao tranh với chiến sĩ Việt cộng để trao lại cho gia đình kẻ quá cố, với những chi tiết câu chuyện cảm động không kém. Họ làm như vậy vì một nỗi day dứt thấm sâu kéo dài trong lòng do chiến tranh gây ra, và như một cách biểu thị sự ân hận đồng thời giải tỏa tâm lý, cũng như để chia sẻ với số phận không may của người lính trận kém may mắn hơn mình. 

Sau chiến tranh, không ít người lính Việt Nam ở cả hai bên chiến tuyến cũng kể thật rằng khi ra trận thì họ phải đánh, bắn vậy thôi chứ đâu có thù hận chi ai, và thường thì anh nào cũng sợ chết gần giống như nhau, hệt như mấy câu thơ của Phan Xuân Sinh làm để chia sẻ tâm sự với những người lính cộng sản từ Bắc vào, trong dịp tết năm 1972, trong khi hai bên tạm ngừng bắn để ăn tết: 

Thằng lính nào mà chẳng rét lúc ra quân,
Khi xung trận mà không té đái!…

Nói cho chính xác công bằng, thật ra cũng có trường hợp thù hận, nhưng chỉ nhất thời, do bối cảnh đặc biệt bị quy định và xui khiến bởi cuộc chiến tranh nghiệt ngã, nên khi hòa bình lập lại rồi thì hầu như ai cũng có dịp suy đi nghĩ lại… John Merson, tác giả cuốnNhững bài học chiến tranh (War Lessons, bản dịch của Trần Gia Quang, NXB. Thời Đại, 2010) là một trong rất nhiều trường hợp điển hình như thế. Tham gia giai đoạn đầu cuộc chiến tranh Việt Nam từ tháng 4.1966 đến tháng 5.1967 thì được trở về quê hương an toàn, và năm 2008 ông đã viết cuốn sách nêu trên để tỏ lòng ân hận: “Theo kinh nghiệm của tôi, không có người chiến thắng trong chiến tranh, chỉ có những hình thức mất mát khác nhau mà thôi” (tr. 198). Ở một chỗ khác, trong phần “Tái bút” đặt ở cuối sách, ông viết: “Tôi đã bắt đầu không còn xem những người lính Việt Nam là kẻ thù của tôi nữa mà thay vào đó, là những người anh em của tôi” (tr. 212).

John Merson nói như thế hoàn toàn không giả dối, cũng không do sự đột hứng nhất thời, vì sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã nhiều lần trở lại Việt Nam làm tất cả những gì có thể làm được nhằm góp phần xoa dịu hàn gắn vết thương chiến tranh, như một cách để chuộc lỗi…. “Tôi muốn giúp hàn gắn những vết thương tôi chứng kiến ở quanh mình, cũng như những vết thương trong lòng tôi. Tôi hết sức hồ hởi khi gặp lại một đất nước mà tôi nhớ bởi cả vẻ đẹp thiên nhiên xen lẫn sự đau khổ của con người” (tr. 213), tác giả lại viết tiếp. 

***

Cũng khoảng ba năm trước, như một cách để kỷ niệm ngày 30.4.1975 chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam, báo Tuổi Trẻ ngày 30.4.2012 đăng bài “Chuyện hai người lính” của nhà báo Hàng Chức Nguyên, đọc cảm động không kém gì câu chuyện hai cựu binh người Úc đã kể trên kia.

Chuyện người thật việc thật, với nhiều tình tiết sống động, nhưng đại khái: Năm 1972, khi chiến trường diễn ra ác liệt, một người lính Việt cộng đang ở tuổi 19 bị thương nặng, nát cả đôi chân, nằm ướt mẹp thoi thóp bên dòng suối giữa rừng chờ chết. Đồng đội buộc phải đi tiếp vì nếu không sẽ chết chung cả đám, đành treo chiếc võng trên cành cây thấp rồi đặt anh nằm lên đó, ghi dấu lên thân cây để sau còn có thể tìm xác lại được. Một toán quân địch đi tới phát hiện, có người định “cho nó một phát cho rồi” nhưng có một người khác ngăn cản rồi kéo mọi người đi, “để cho anh ta tự chết”. Khi tỉnh dậy, người chiến sĩ thấy trên ngực mình để sẵn một chiếc biđông đầy nước và dưới võng có hai bịch gạo sấy. “Trong cơn khát cháy cả ruột gan, chiếc biđông nước ấy đã giúp tôi kéo dài được sự sống, giúp tôi sống”, người lính kể. Sau đó anh được đưa về trạm xá điều trị và thoát chết. Năm 1974, được dưa ra miền Bắc tiếp tục điều trị và học tập văn hóa, để đến khi hòa bình lập lại, làm hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Quảng Ngãi.

Thời bom đạn đã qua, người cựu chiến binh đó luôn nghĩ về chiếc biđông nước và hai bịch gạo sấy của người lính đối phương đã để lại trên ngực mình. Rồi anh đánh tiếng khắp nơi, nhờ bạn bè giúp đỡ, quyết tìm mọi cách cho ra người lính vô danh ở bên kia chiến tuyến để đền ơn cứu tử, và rốt cuộc đến năm 2005 đã may mắn tìm được. Người lính vô danh này sau trận đó, đến năm 1973, cũng bị thương tại chiến trường Quảng Ngãi, mất một tay, thành thương phế binh. Cuộc trùng phùng thật cảm động: người cựu chiến binh mất một chân này nắm lấy bàn tay còn lại của người kia, ôm nhau mà nước mắt tuôn trào, nhận nhau làm anh em như chung một nhà.

***

“Người mà tôi không giết” là một câu chuyện thật khác (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, in trong quyển Ý cao tình đẹp, NXB. Trẻ, 2004), xa xưa hơn và xảy ra ở một phương trời khác, được người kể chuyện nâng lên bằng những lời bình luận còn sâu sắc hơn nữa về tình nhân loại. Tác giả là André Chamson, một sĩ quan cấp đại úy người Pháp trong cuộc chiến tranh Đức-Pháp hồi Thế chiến thứ II: Sáng hôm đó trời lạnh 28 độ dưới số không, dẫn một toán quân do thám đi, ông phát hiện một người lính Đức ở cách chừng 60-80 mét cũng đang làm công tác do thám cho phía bên kia, và đưa họng súng nhắm ngay vào sau gáy người kia định bóp cò. “Nhưng đang lúc tôi sắp bóp cò thì hắn nhảy lên, lắc lư như một con gấu… Tôi mở cả hai mắt ra, cảm thấy rằng mấy giây trước, hình đó đối với tôi chỉ là cái đích để nhắm thì bây giờ là một người rồi, một người cũng như tôi, bị rét cắt da…, chỉ nghĩ cách chống với cái rét và quên cả chiến tranh… Nòng súng của tôi tự nhiên hạ xuống, và tôi không nhắm lại nữa…”.

Viên đại úy (tức tác giả) còn có dịp nhận dạng ra người lính Đức đó khi anh ta đóng vai trò đứng gác trước mỗi toa xe chở tù binh Pháp đưa vào các trại giam. Ngay lúc ấy, lòng hận thù lại có dịp sôi sục, và ân hận rằng lần đó sao không bắn anh ta một phát cho rồi. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, do một sự tình cờ, viên cựu đại úy Pháp gặp lại người lính Đức kia bấy giờ đã là một học giả cùng dự chung trong một cuộc hội nghị quốc tế: “Nét mặt một học giả, hơi nghiêm, hơi buồn, nhưng bình tĩnh. Như đa số chúng tôi, ông ta có vẻ một người sống sót sau một tai ách ghê gớm… Trong chúng ta, ai là người còn có thể giết kẻ đồng loại được khi biết rõ kẻ đó, biết nhân tính, đời sống của kẻ đó? Người ta có thể hạ sát một tên lính địch, một con người máy không tên tuổi không mặt mũi, nhưng làm sao có thể giết một người thợ mộc, một người thợ tiện, một nông dân, một họa sĩ, một nhà ngôn ngữ học, một người có vợ con, có cha có mẹ, một người có thể đói rét, sống trong cảnh rầu rĩ hoặc trong niềm hi vọng, một người như chúng ta” (tr. 221-222).

Rồi tác giả bình luận, kết thúc câu chuyện: “Hình ảnh người lính do thám Đức mà tôi không nỡ bắn trong ngày mà thời tiết lạnh nhất đó đã làm cho tôi hiểu một cách sâu sắc hơn là dùng trí óc để suy tư, rằng nếu mỗi người trong chúng ta có thể giảng cho những người đồng loại cảm thấy được rõ mỗi đời người có sự trang nghiêm ra sao, mỗi con người chắc chắn có những nhu nhược ra sao, giảng được như vậy thì sẽ không thể có chiến tranh nữa” (tr. 222).

***

Những câu chuyện có thật và cảm động như trên cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu sống động để chiêm nghiệm chính xác hơn về hoàn cảnh thống khổ của con người trong mọi cuộc chiến tranh, từ đó cũng thấy được thế nào là tình đồng loại bộc lộ giữa những con người buộc phải ở hai chiến tuyến đối địch nhau. Đó cũng là những câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc cho vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc của ngày hôm nay. Tất cả đều nói lên được cái mà chúng ta gọi là tình nhân loại hay tình đồng loại, phát ra một cách tự nhiên giữa những con người đồng cảm nhau trong cùng cảnh ngộ ác liệt của chiến tranh đau khổ.

———

Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số 458, tháng 4.2015

Trang Tử – “ông tổ ngông” trong văn học



Trần Đình Sử


Trang Tử là nhà triết học độc đáo nhất trong bách gia thời Chiến quốc. Trước tác của ông do không nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề đạo đức và chính trị cho nên giàu chất triết học nhất. Cũng do ông phát huy sức mạnh tưởng tượng tài hoa để lý giải các vấn đề trừu tượng, phổ quát mà tác phẩm của ông lại giàu chất nghệ thuật nhất. Với các tính chất đó, Trang Tử đã có ảnh hưởng sâu rộng trong tiến trình văn học Trung Quốc và tác động tới tư tưởng học thuật của các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam.

Các tác giả lớn không chỉ gây ảnh hưởng bằng tư tưởng, học thuật, mà còn gây ảnh hưởng bằng chính phong cách sống, thái độ sống. Trang Tử đã truyền lại cho đời sau một phong cách ngông, tư thế ngông, trở thành “ông tổ ngông” trong văn học.

Cách đây chừng chín năm (1990), trong một bài viết về ý thức cá tính trong văn học cổ Việt Nam, chúng tôi đã sơ bộ nhận xét, xem ngông là một biểu hiện cá tính độc đáo thời trung đại. Theo chúng tôi, tài tử không phải là người tài theo quan niệm thông thường, mà là kẻ lấy ngông làm tài, tài thoát ra thói tục, vì vậy mà nó gắn rất chặt với tài tình. Các tác giả nổi tiếng như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà rồi Nguyễn Tuân sau này,…, không ai là không ngông, mỗi người ngông một vẻ. Vậy cội nguồn văn hoá của hình thức cá tính ấy là ở đâu ? Thiết nghĩ, ngoài các nguyên nhân của đời sống văn hoá dân tộc Việt Nam, còn phải tìm đến những mẫu gốc văn hoá xa xưa từ trong triết học Trung Quốc, một nền triết học đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hoá Đông Á và Việt Nam. Nếu phải tìm ở đó một người tiêu biểu nhất cho tính ngông thì không ai ngoài Trang Tử.

Thật vậy, Trang Tử không chỉ là người sống ở thế kỷ IV – III trước Công nguyên, mà còn là người có nhiều hành vi mang tính giai thoại ngông nhất trong bách gia chư tử. “Ngông” người Trung Quốc gọi là “cuồng”. Ba người ngông nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có lẽ là Khuất Nguyên, Mạnh Tử, Trang Tử. Mạnh Tử là người cao ngạo tự phụ trong việc khẳng định nhân cách lý tưởng của đạo Nho. Khuất Nguyên quá ư luyến chúa nên khi bị xua đuổi đã cho mình là sạch nhất, tỉnh nhất, rồi phẫn uất tự sát, trở thành kẻ ngu trung đệ nhất trong lịch sử. Trang Tử ngông với lý tưởng “thích chí”, độc lập nhân cách, tự do ngao du trong cõi đạo. Ngông của Trang Tử gắn với ý thức khẳng định con người tự tại, tự do cho nên đã có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong văn học.

Người ngông đối lập với đám người trung dung, thuận theo lề thói một cách ngoan ngoãn. Người trung dung hay phụ hoạ theo quần thể, phủ nhận tự do cá nhân, người ngông chạy theo cá tính tự do, thích cực đoan. Người trung dung tự rèn luyện để thành tôi trung con hiếu, nghĩa phu tiết phụ, nhưng cũng tạo ra những kẻ a dua, nói theo giả dối. Người ngông coi khinh lễ, phép, ghét tục, ngạo đời, nói năng ngang tàng. Trong thực tế người ngông là kẻ đã làm tan rã các phép tắc giả tạo trói buộc con người, mở ra một luồng gió mát giàu sinh khí. Chính Khổng Tử là người đầu tiên khẳng định ý nghĩa của người ngông (cuồng, quyến). Trong thiên Tử Lộ ông nói : “Cần phải có bọn ngông cuồng. Bọn cuồng thích tiến thủ, bọn tiết tháo biết những việc không nên làm”. Ông hiểu “cuồng” là có ý ương bướng, ngang tàng, phóng đãng. Bọn này tuy có điều đáng ghét song lại có điều đáng quý là biết nêu ra cái mới, cái khác, mà người đời không hiểu, lại gọi là “cuồng”. Trong triết học trung dung con người chỉ biết những việc không nên làm, theo lối cũ, mà ít có chí tiến thủ, cho nên Khổng Tử mới nghĩ đến bọn ngông. Nhưng trong đám học trò của ông, Tử Lộ, Tăng Tích chỉ là những “tiểu ngông”. Trang Tử mới thực sự là đại ngông.

Trang Tử có nhiều giai thoại ngông nhất. Trang Tử coi thường lệ tục. Vợ Trang Tử mất, Huệ Thi đến viếng thì thấy Trang Tử đang gõ vò mà ca. Trang Tử sang Sở thấy một bộ xương sọ liền lấy roi ngựa gõ vào xương sọ mà trò chuyện, trái với thái độ tôn trọng người chết của mọi người. Trang Tử khinh miệt và từ chối làm quan. Sở Uy Vương mời Trang Tử làm Tể tướng, Trang Tử từ chối, coi ngôi vị Tể tướng như con bò được cho mặc áo gấm để dắt vào làm lễ tế giao ở Thái miếu. Một lần khác Sở Vương cho người mời Trang Tử làm quan thì Trang Tử khinh chức quan như con rùa khô để thờ. Trang Tử coi thường cái chết. Ông từ chối học trò hậu táng, lấy cớ “Ta có trời đất để làm quan quách, mặt trời mặt trăng là ngọc bích, các tinh tú làm ngọc châu, vạn vật sẽ đưa ma ta… Còn phải thêm gì nữa”. Khi học trò lo xác thầy bị quạ rỉa, Trang Tử nói, chôn dưới đất thì bị sâu bọ đục, có khác gì ! Trang Tử coi đời là một cuộc chơi, vô vi, tiêu dao, tốt cho mọi người, mọi vật. Trong bách gia chư tử, Trang Tử là người nói tới chơi (du) nhiều nhất trong trước tác. Có người thống kê nhận xét :Luận ngữ có 5 chữ “du”, Mạnh Tử 8 chữ, Chu dịch 2 chữ, Hàn Phi Tử 39 chữ, còn Trang Tửcó đến 96 chữ “du”, một con số kỷ lục. Hai chữ “tiêu dao” thì hầu như là do Trang Tử sáng tạo, trong chư tử không đâu có. Chơi là một thái độ siêu thoát, tự do, đùa cợt. Ông có thái độ “du thế”  đùa với đời, bên cạnh việc du sơn ngoạn thuỷ, nhưng chính thái độ “du thế” mới là ngông nhất, khiến Trang Tử trở thành ông tổ của quan niệm cợt bỡn nhân sinh. Ngôn ngữ của Trang Tử lại càng ngang tàng. Chính thái độ khinh bỉ cuộc sống xã hội thối nát đã khiến ông ăn nói bộc trực, khác đám người trung dung. Trang Tử mộng hoá thành bướm. Ông nói Trang Chu mộng hoá bướm là đại hạnh, còn bướm mộng hoá thành Trang Chu là bất hạnh, ông dại gì chuốc lấy bất hạnh mà theo giấc mộng của bướm ! Thật là một sự phủ định sảng khoái. Người đời thích sự hữu dụng. Trang Tử lại ca ngợi sự vô dụng, thật là ngược đời !

Trong sách Trang Tử, không chỉ Trang Tử ngông, mà nhân vật của ông cũng ngông. Tống Nguyên Quân cho mời các hoạ sĩ đến vẽ bản đồ. Các hoạ sĩ khác đều đến, vái chào cung kính, mài mực chờ đợi sai phái, chen nhau đứng đầy một sân. Có hoạ sĩ đến sau ra mặt một vái rồi về nhà cởi trần, xoạc cẳng ngồi đợi. Tống Nguyên Quân cho người đi theo dõi và khen : đó mới là hoạ sĩ thật, vì anh ta tự do tự tại, không bị lệ thuộc vào kẻ khác ! Lời đánh giá của Tống Nguyên Quân cũng ngông ! Ông Hồng Mông suốt ngày chỉ chơi như trẻ con. Khi Tướng Vân đến hỏi thì ông khuyên chỉ nên chơi, chớ học gì, chớ tìm biết gì ! Cái đầu lâu của Trang Tử cũng ngông. Khi Trang Tử tỏ ý sẽ xin đắp da thịt cho bộ xương để hắn về nhà thăm lại người thân, thì đầu lâu từ chối : tôi đang sướng như vua, tội gì lại trở về cho khổ !

Ngông của Trang Tử là hình thức siêu quần, xuất chúng, thoát tục nhằm khẳng định một thế giới tự do, tự tại, độc lập, không phụ thuộc vào ngoại vật. Ngoại vật theo ông bao gồm : một nhà sinh mệnh thọ, yểu, bần, phú, quý, tiện, chức quyền ; hai là buồn, vui, giận, hờn ; ba là các tri thức, quan niệm, tư tưởng, lễ tục, khen chê. Các thứ đó đều tạm thời, là kiến thức nhìn qua cái ống, giả tạo và hạn hẹp. Do vậy chỉ có siêu thoát khỏi các thứ đó thì mới được tự do, tự tại, thích chí ! Cái ngông Trang Tử mang tính nghịch lý : bề ngoài trái thường, trái với lẽ phải thông thường, mà bên trong mở ra một chân trời khác. Nhà triết học Trung Quốc đương đại Lý Trạch Hậu khẳng định : “Cái đạo của Trang Tử không hề là bản thể tự nhiên mà là bản thể người. Ông nâng cao con người với tư cách là bản thể lên tầm cao vũ trụ, cũng tức là nêu lên tính đồng nhất tồn tại trong bản thể người với tồn tại tự nhiên của vũ trụ”. Vậy là cái ngông của Trang Tử hướng tới khẳng định tự nhiên con người nên tinh thần của ông tương tự như tư tưởng hiện sinh, khẳng định tồn tại có trước bản chất, nếu hiểu bản chất là toàn bộ sự quy định của ngoại vật. Cho nên cái ngông của Trang Tử là cái ngông của tinh thần triết học, ngông của trí tuệ, cao siêu, khác hẳn cái ngông của kẻ ngu dốt liều lĩnh. Đó có thể coi là hành động nổi loạn chống lại mọi thứ “vi” tạo tác giả tạo, trái tự nhiên làm cho cuộc sống bị gò bó vô ích. Ngông của Trang Tử là cái ngông giải phóng cá tính, “nhậm tính”, “nhậm tình”, buông thả tình cảm, nhằm dưỡng sinh, thích chí. Nó khác cái ngông của Đông Phương Sóc đời Hán, tuy có vẻ bỡn cợt thời thế, mà chỉ một mực trung thành với triều đình. Trái lại, Trang Tử là người đầu tiên trong lịch sử triết học Trung Quốc nhấn mạnh tới tự do cá nhân, tự giác tìm kiếm tự do, khinh đời, ghét tục, ngạo mạn bất quần. Đương thời Trang Tử rất cô độc, không mấy ai hiểu ông.

Mãi đến khi tư tưởng đại nhất thống sụp đổ vào đời Nguỵ Tấn thì Trang Tử là người được tôn xưng, được nhiều người sùng bái, bắt chước. Kẻ sĩ thời Nguỵ Tấn từ chỗ lo vua, lo nước, chuyển sang lo cho mình, trọng cá nhân, trọng tình cảm, trọng dục vọng, thích làm những hành vi độc đáo, và Trang Tử trở thành tấm gương. Nhưng nếu Trang Tử chú trọng tự do tâm hồn thì người thời Nguỵ Tấn vừa trọng tâm hồn lại vừa quý thân. Nguỵ Văn Đế Tào Phi coi khinh lễ tiết, chuộng tự nhiên. Khi Vương Xán chết, Phi cùng mọi người đến viếng và đề nghị : khi sống Xán thích nghe tiếng lừa kêu, mọi người hãy kêu như lừa để đưa tiễn ông ta. Thế là mọi người đều hý như lừa để tỏ lòng tưởng nhớ ! Đới Chấn thị tài, khinh thói tục. Khi mẹ chết vẫn ăn thịt, uống rượu như thường. Lúc mọi người chất vấn trái lễ, Chấn nói : tôi ăn mà không thấy ngon gì cả thì vẫn có hiếu chứ sao ! Chấn xem lễ tục là ngoại vật. Khổng Dung phủ nhận quan hệ huyết thống tôn ty của Nho giáo. Ông nói con đối với mẹ như vật để trong bình, khi đẻ con là dốc bình để đổ vật ra, thì vật còn có quan hệ gì với bình ! Những lời lẽ “vô đạo” ấy muốn mở rộng cách hiểu, giải phóng tư tưởng ! Trương Hủ nêu cao tư tưởng “nhân sinh quý thích ý”, đã trở thành khẩu hiệu cho nhiều người mà sau này Nguyễn Công Trứ sẽ lặp lại. Lưu Linh chỉ thích rượu say. Nguyễn Tịch lên núi Quảng Vũ Sơn, nhìn chiến trường Hán Sở mà nói : “Thời đại không có anh hùng, khiến bọn nhãi ranh trở thành danh !”. Ông khinh cả Lưu Bang, Hạng Vũ. Khi mẹ chết, Tịch ăn hết một con lợn sữa, uống cạn hai vò rượu, nhưng khi mai táng thì đau đớn khóc đến nỗi thổ huyết ra ! Kê Khang thì “vượt danh giáo mà buông thả tự nhiên”, “chê Khang, Vũ mà coi thường Chu, Khổng”.

Đến đời Đường thương nghiệp phát triển, khoa cử mở mang đã tạo điều kiện cho cá tính giải phóng. Lý Bạch là nhà thơ có hoài bão lớn, gặp tiểu nhân gây trắc trở, ông đã tỏ ra khí phách ngông ngạo. Ông đã bắt Dương Quốc Trung mài mực, bắt Cao Lực Sĩ cởi giày, lấy rượu làm phương tiện giải thoát. Ông từng có câu thơ ngạo mạn : “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch – Chỉ hữu ẩm giả lưu kỳ danh”. Đỗ Phủ làm thơ về Lý Bạch lại có câu : “Thiên tử cho gọi chẳng lên thuyền, thưa, thần nhờ rượu đã thành tiên !”. Truyền thuyết nói “Lý Bạch mặc cẩm bào, chơi ở sông Thái Thạch, ngạo mạn tự đắc, không biết có ai, vì say rượu mà ngã xuống sông, bắt ánh trăng mà chết” đã nói lên cái ngông của ông.

Đến đời Minh, kinh tế hàng hoá càng phát triển, xã hội phong kiến thối nát, kẻ sĩ cấp tiến càng ý thức về sự ngột ngạt, càng có những biểu hiện ngông cuồng. Lý Trác Ngô (Lý Chất) coi khoa cử như đùa, ông đi thi nhại theo thời văn mà làm bài, thế mà cũng đỗ được cái cử nhân, được làm quan đang có cơ lên chức thì tự bỏ quan. Ông có câu nói khác thường : thuở bé bị thầy và gia đình quản lý, làm quan lại bị quan trên quản lý, về quê lại bị quan sở tại và tổ phụ mẫu quản lý. Ông đành bỏ nhà phiêu bạt là thoát khỏi cái thân bị cai quản ! Ông bất chấp dư luận nhận sự cung phụng của một bà quả phụ, lại viết thư từ bàn về Phật học với một bà quả phụ khác ! Ông công khai đi theo “dị đoan” là Lão và Phật. Ông nói từ Khổng Tử đến nay, vì lấy thị phi của Khổng Tử làm thị phi, cho nên đã không còn thị phi nữa ! Ông tiếp thụ cái buông thả tự nhiên của Trang Tử, tinh thần “chửi tổ, quát Phật” của đạo Thiền, xô đổ thần tượng, tôn thờ cá tính tự do và cũng hấp thụ cái tiến thủ của đạo Nho. Cuối cùng ông đã mượn dao cạo tự tử.

Kim Thánh Thán càng là một nhân cách ngông ngạo. Ông tự đặt tên mình là Thánh Thán, là lấy câu Khổng Tử “Thán viết” trong Luận ngữ, ngụ ý mình là Khổng Tử. Ông xem khoa cử như đùa. Trong bài thi, trước câu hỏi của đề bài: “Trước tiền bạc, gái đẹp, kẻ trượng phu có động lòng không”, ông viết liền một mạch 39 chữ “động”, ngụ ý “tứ thập nhi bất hoặc”, đến chữ thứ 40 thì không động nữa, giống như Khổng Tử từng nói. Thánh Thán rất thị tài, tự phụ, tự coi là đại tài, coi đời là một cuộc chơi, ông cho là ở đời nên “tận tính”. Tận tính là thế nào? Nghĩa là trời phú cho ta cái tính thế nào thì thể hiện ra bằng hết, thể hiện trọn vẹn, không che đậy, gò bó. Chọn Ly tao, Trang Tử, thơ Đỗ Phủ, Sử ký, Thuỷ hử, Tây sương kýlàm “sáu tài tử thư” và bình theo cách riêng của mình để phát triển ưu phẫn, xưa nay chưa từng có, đặc biệt ông còn dám cắt xén tác phẩm, đổi thay chi tiết cho hợp ý mình, tạo thành tác phẩm “của mình”. Thật là tự do phóng túng. Ông trở thành một hiện tượng lớn, độc đáo của phê bình văn học cổ Trung Quốc. Ông bị chết oan dưới lưỡi đao của quan lại nhà Thanh.

Các hiện tượng ngông ngạo trong lịch sử văn học Trung Quốc còn nhiều, còn có thể kể đến Từ Vị, Cung Tự Trân và nhiều người khác. Tư tưởng của họ đã khác nhiều với Trang Tử, nhưng họ đều yêu mến Trang Tử, chọn hành động siêu quần, khác tục, cao ngạo, khinh đời, đều đề cao tự do tự tại cho con người cá thể, buông thả tình cảm tự nhiên.

Các nhà thơ văn Việt Nam từ Nguyễn Trãi đã có yếu tố ngông, nhưng phải bước sang giai đoạn phong kiến suy tàn thì nhân cách ngông mới thực sự biểu hiện nhiều mặt.

Nhà nghiên cứu Liên Xô trước đây Phêlích Kôn trong công trình Đi tìm cái tôi (1984) có nói : “Bất kể là người trung đại ý thức về chính mình như thế nào, thì anh ta vẫn cảm thấy mình là kẻ phụ thuộc ; phụ thuộc vào ai đó hoặc phụ thuộc vào cái gì đó (gia đình, dòng họ, quan địa phương, đất đai, công xã, giáo phận). Cảm giác phụ thuộc phú cho anh ta một tính xác định xã hội vững bền, nhưng điều đó cũng trói buộc khả năng cá thể và tầm rộng về thế giới quan của anh ta. Người trung đại cảm thấy mình là người đại diện cho ai khác, chứ không phải là chủ thể sống động. Cuối cùng, đối với người trung đại, bất cứ sự khác biệt và đổi thay nào vượt ra thường quy đều là điều không thể chấp nhận”. Đó là một nhận định có phần tuyệt đối hoá. Nếu cứ như thế thì lấy đâu ra hiện tượng Trang Tử? Nhà nghiên cứu A. Ja. Gurevich hiểu một cách khác: “Trở về thời trung đại chúng ta trước hết cần thấy rằng, chính trong thời đại này, khái niệm cá nhân được hình thành một cách trọn vẹn” (Nxb Giáo dục, Hoàng Ngọc Hiến dich, 1996, tr. 321).

Những tính cách ngông nêu trên rõ ràng là phá vỡ thường quy, thói tục, giải phóng cá tính, làm suy yếu cảm giác phụ thuộc để đưa con người lên ngôi chủ thể. Cho dù cái ngông về sau đã biến hoá thế nào thì vị tổ đầu tiên khơi dòng định lối chính là Trang Tử.

Triết học như là nghệ thuật chết


Costica Bradatan



Triết học đôi khi được hiểu như là “nghệ thuật sống” và quả thật, điều này đúng. Nhưng cũng có những lý do để tin rằng triết học có thể còn là “nghệ thuật chết”.


Chuyện này hiếm xảy ra, song khi xảy ra, nó thường phá vỡ tình trạng cân bằng, yên ổn của đời sống: nó thu hút sự chú ý của tất cả, trở thành chủ đề phổ biến của những thảo luận và tranh cãi nơi chợ búa hay quán rượu. Nó thôi thúc người ta phải lựa chọn lập trường, cãi vã và gây gổ. Đối với những thứ vốn được mặc định là kinh viện như triết học, những sự việc bùng nổ như thế quả là rất đặc biệt. Câu chuyện ấy đã xảy ra với Socrates, Hypatia, Thomas More, Giordano Bruno, Jan Patočka1 và một số người khác. Đối diện với một án tử hình không thể hủy bỏ – một vụ hành quyết trước đám đông sắp diễn ra hay phải chịu tra tấn cho đến chết -, những triết gia này thường thấy mình rơi vào một trong những tình huống nghịch lý nhất: là những kẻ yêu logic và sự lập luận duy lý, giờ họ bị buộc phải câm lặng bởi những thế lực tàn nhẫn; là những người tạo lập diễn ngôn chuyên nghiệp, giờ lại bị cấm sử dụng ngôn ngữ; là bậc thầy của tranh luận và phát hiện mâu thuẫn, giờ họ không thể tranh cãi được nữa. Vậy những triết gia này còn lại gì? Chỉ còn sự im lặng và sự hiện diện tuyệt đối của thân xác. Phương tiện biểu đạt duy nhất còn lại của họ chính là thân thể họ – mà lại là những thân thể đang đi đến sự chết.

Tình huống này có sự mai mỉa của nó. Có một tập quán hình thành từ lâu ở các triết gia thuộc nhiều dòng phái khác nhau: anh phải thể hiện một thái độ coi thường nhất định đối với thân thể. Trong truyền thống, ít nhất là trong triết học phương Tây, thân thể, trừ một vài biệt lệ rất ít ỏi, thường được xem là thứ có địa vị thấp kém hơn so với tinh thần, trí tuệ hay tâm hồn – nó là lãnh địa của “xác thịt”, vùng của cái không thể hiểu nổi, của những bản năng mù lòa với những động cơ không trong sạch. Và đây là những triết gia bị kết án: không có lời nói, họ chỉ còn cái thân đang đi đến sự chết để biểu đạt chính mình. Người ta có thể châm biếm một cách chua chát: cuối cùng thì thân xác cũng có cơ hội để báo thù các triết gia.

Nhưng trước hết, làm thế nào họ lại đi đến tình trạng ấy? Dường như có một số triết gia yêu thích và tuyên ngôn một số ý tưởng nào đó thôi thúc họ phải sống theo một cách nào đó. Tuy nhiên, đôi khi cách sống của họ dẫn họ đến một tình huống buộc họ phải lựa chọn giữa việc trung thành với ý tưởng của họ hoặc phải khước từ chúng. Trường hợp đầu có thể được dịch là “chết cho tư tưởng”, trong khi trường hợp sau không đơn thuần chỉ là sự từ bỏ một cách sống của triết gia mà, một cách hàm ẩn, hành động đó còn là sự phi hiệu lực hóa những triết lý đã gợi cảm hứng cho cách sống mà họ từng lựa chọn. Điều này có lẽ là một trong những lựa chọn nghiệt ngã bậc nhất. Theo nghĩa đơn giản hơn, tình huống này có thể tóm tắt lại thành nan đề sau: nếu anh quyết định trung thành với tư tưởng của mình, anh sẽ không còn tồn tại nữa. Cái chết của chính anh sẽ là cơ hội cuối cùng để đưa tư tưởng của anh vào thực tế. Mặt khác, nếu anh lựa chọn “phản bội” tư tưởng của mình (và có lẽ cả chính bản thân anh nữa), anh sẽ sống nhưng không còn niềm tin nào để sống.

Tình huống mà triết gia đối mặt với chọn lựa như thế là cái thường được gọi là “tình huống giới hạn” (limit situation). Song giới hạn này đâu chỉ liên đới với riêng mỗi cuộc đời của nhà triết học không thôi; theo một nghĩa quan trọng, đó chính là giới hạn của bản thân triết học, một ngưỡng nơi triết học gặp gỡ với kẻ khác nó (tức những gì không phải là triết học) và trong quá trình này, nó được đặt vào thử thách.

Từ rất lâu trước khi bị đặt vào tình huống lựa chọn như thế nhờ “sự tử tế” của các cơ quan an ninh chính trị tại Tiệp Khắc năm 1977, Jan Patočka có lẽ đã trực cảm được giới hạn này khi nhận định rằng “triết học đã phát triển đến giai đoạn mà việc nêu những câu hỏi và trả lời chúng, cho dù với nguồn năng lượng cực đoan nhất, cũng sẽ là không đủ; nhà triết học sẽ không đi thêm được bước nào nếu như ông ta không có khả năng đưa ra một quyết định.”2 Quyết định ấy cho dù có thể mang ý nghĩa nào đi nữa trong những ngữ cảnh khác thì hàm ý của Patočka cho cuộc thảo luận này không hề mập mờ. Có một điểm mà vượt qua nó, triết học, nếu không muốn đánh mất khuôn mặt của mình, phải biến thành một cái gì khác: màn trình diễn. Nó phải vượt qua bài kiểm tra ở một mảnh đất xa lạ, một địa hạt vốn không thuộc về nó. Vì bài kiểm tra cuối cùng của nền triết học của chúng ta được diễn ra không phải trong phạm vi của những hoạt động mang tính duy lý nghiêm ngặt (viết, dạy, giảng bài), mà ở chỗ khác: trong sự đối đầu dữ dội với cái chết của chúng ta như một loài thú. Giá trị của triết lý mà một người nào đó xác lập, nếu nằm ở đâu đó, sẽ bộc lộ chính nó ở màn trình diễn của người ấy khi trực diện với cái chết của bản thân mình, qua đó, chúng ta sẽ nhận ra liệu những tư tưởng ấy có ý nghĩa quan trọng nào không hay hoàn toàn phù phiếm. Hãy nói cho tôi biết anh đối diện với nỗi sợ hư vô của mình như thế nào, tôi sẽ nói cho anh về triết lý của anh.

Hơn nữa, cái chết là một sự kiện khủng khiếp, nỗi sợ chết là một tâm lý phổ quát đến nỗi mời mọc nó bằng ý niệm về sự trung thành với tư tưởng của ai đó là một điều cùng lúc vừa hấp dẫn và vừa bất an. Những người làm được điều này là những kẻ mang một khí tiết lạ lùng, một đặc trưng dường như không thuộc về con người; tất cả chúng ta đều đứng trước họ kính nể. Cùng với điều này, xuất hiện một hình thức quyền năng mới. Đó là lý do vì sao, sự tuẫn tiết của một người nào đó (có ý nghĩa như một sự phản kháng chính trị), chẳng hạn, lại có thể có những hiệu ứng về xã hội và chính trị rộng lớn, như ta vừa mới chứng kiến gần đây ở Tunisia, khi người thanh niên 26 tuổi, Mohamed Bouazizi3, tự thiêu. Đó cũng là lý do vì sao cái chết của những triết gia – những người lựa chọn chết cho một tư tưởng lại sớm trở thành phần quan trọng trong trước tác của họ. Trên thực tế, những cái chết của họ thường trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với chính sự sống của họ. Tại sao Socrates lại là một hình tượng quan trọng và nhiều ảnh hưởng như thế? Phần lớn là vì tình huống và cách ông đi đến cái chết. Có thể ông chưa từng viết cuốn sách nào nhưng ông đã kiến tạo nên một trong những cách kết thúc nổi tiếng nhất của mọi thời đại: kết thúc chính sự sống của mình. Bất cứ văn bản triết học nào cũng nhợt nhạt hơn nếu đem so sánh với kết cục ấy. Những trước tác của Hypatia giờ cũng không còn lại: tuy nhiên, màn trình diễn cái chết gây xúc cảm mãnh liệt, tuy thụ động, của bà hồi đầu thế kỷ V vẫn không thôi hấp dẫn chúng ta. Một học giả hiện đại, Maria Dzielska, đã hình dung lại làm thế nào mà từ sự xúi giục của trưởng lão Cyril (sau này được giáo hội phong thánh), một số tín đồ Cơ đốc giáo nhiệt thành ở Alexandria đã khiến bà trở thành người nối tiếp truyền thống tử vì đạo kể từ Socrates:

“Vụ hành quyết trước đám đông diễn ra vào một ngày tháng Ba năm 415, năm thứ 10 dưới thời trị vì của Honorius – Hoàng đế Tây La Mã và là năm thứ sáu dưới thời Hoàng đế Theodosius – Hoàng đế Đông La Mã, đúng thời điểm của mùa chay. Hypatia đang trên đường trở về nhà… sau cuộc đi chơi bằng xe ngựa quanh thành phố như thường lệ. Bà bị người ta lôi khỏi xe ngựa và bị kéo lê đến nhà thờ Caesarion… Tại đó, họ xé váy áo của bà và giết bà bằng cách ném túi bụi “những mảnh đá gốm vỡ” vào bà… Sau đó, họ lôi xác bà ra ngoài thành phố, đến một nơi được gọi là Kinaron để thiêu trên giàn hỏa.”4

Một trong những mô tả về cái chết của Giordano Bruno cũng gây ấn tượng khốc liệt không kém. Biên niên sử ở thời ấy (Thông cáo của thành Roma, 19 tháng Hai, năm 1600) còn ghi: “Vào ngày thứ Sáu, tại Campo di Fiore, người ta đã thiêu sống một tu sĩ dòng Anh Em Thuyết Giáo, người xứ Nola, một kẻ dị giáo cố chấp; lưỡi của y bị làm cho bất động [con la lingua in giova] vì những điều ghê tởm mà y đã nói ra, y ngoan cố không nghe những người khuyên giải cũng như bất cứ ai khác.”5

Con la lingua in giova! Khó có thể tìm được một minh họa nào tốt hơn cho cái gọi là “bịt miệng đối thủ”. Tôi không có ý định công kích Tòa án Giáo hội ở đây, chỉ là tôi thấy rằng đôi khi họ có xu hướng hiện thực hóa diễn ngôn của mình theo đúng nghĩa đen.Phải thừa nhận rằng “chết cho một tư tưởng” là sự kiện hi hữu. Lạy Chúa, các triết gia không thường xuyên bị đẩy vào chỗ chết như vậy. Tuy nhiên, tôi cần phải nói thêm ngay: tuy hiếm hoi, hi hữu như thế, tình huống này không phải là một giải thuyết. Những chuyện như thế đã từng xảy ra và sẽ còn xảy ra. Theo một nghĩa nào đó, khả năng cái chết của một người nào đó có mối liên hệ với suy nghĩ của người ấy chính là hạt nhân trung tâm trong định nghĩa của phương Tây về triết học. Khi Socrates phát biểu trong tác phẩm Phaedo của Plato rằng triết học làmelete thanatou – tức sự thực hiện cái chết một cách mạnh mẽ – có thể ông không chỉ muốn khẳng định mục đích của triết học là giúp chúng ta thích ứng tốt hơn với sự hữu tử của con người, mà còn muốn nói thêm: những người thực hành triết học nên hiểu những nguy cơ của lĩnh vực này. Mà rốt cuộc, định nghĩa về triết học này lại bắt nguồn từ một người bị buộc tội chết bởi những tư tưởng mà ông ta biểu đạt, nó được nói ra trước khi ông bị hành hình mấy tiếng đồng hồ. Bài học gì ư? Phải chăng để trở thành một triết gia, còn hơn cả việc sẵn sàng “chịu đựng” cái chết, người ta còn phải biết chấp nhận nó một cách thụ động ở một thời điểm nào đó không xác định trong thời gian? Nó cũng có thể đòi hỏi người ta phải biết khiêu khích cái chết của chính bản thân mình, gặp gỡ nó – theo cách nào đó – ở giữa đường. Đó chính là sự làm chủ cái chết. Triết học đôi khi được hiểu như là “nghệ thuật sống” và quả thật, điều này đúng. Nhưng cũng có những lý do hay để tin rằng triết học có thể còn là “nghệ thuật chết”.

“Chết cho một tư tưởng” là cái chết của những kẻ tử vì đạo, những nhà triết học chết cho tư tưởng. Tuy nhiên, sự tuẫn tiết cho một tư tưởng không chỉ cần đến cái chết, cho dù có thể rất vĩ đại, của một người nào đó là đã đủ. Chết mới chỉ là một nửa công việc; còn nửa kia là đan dệt một câu chuyện hay về cái chết, về người chết và phải tìm một công chúng cho câu chuyện ấy. Cái chết của một triết gia có thể sẽ không có ý nghĩa nếu như không có người kể chuyện phù hợp, cũng như nếu không gợi được sự day dứt lương tâm của công chúng đón nhận. Một cảm thức dằn vặt tập thể có thể tạo ra những điều phi thường mà một tự sự về một bậc thánh tử vì đạo sắp xuất hiện thường trông đợi. Tôi đã từng có một bài viết nói về tầm quan trọng của nghệ thuật kể chuyện và ký ức tập thể đối với việc kiến tạo những huyền thoại tuẫn tiết vì chính trị. Điều này về cơ bản cũng đúng với những triết gia chết cho tư tưởng. Theo nghĩa nào đó, họ thôi không còn là những con người bằng xương bằng thịt nữa mà trở nên giống như những nhân vật văn chương; những câu chuyện của họ, nếu muốn có hiệu lực, phải tuân theo những luật lệ nhất định, vừa vặn với một thể loại nhất định, đáp ứng những nhu cầu nhất định. Chắc chắn có những sử gia luôn tìm cách xác lập các “sự thực”. Tuy nhiên – tạm thời chưa nói đến việc chép sử, mà như Hayden White từ khá lâu đã chỉ ra, tự nó đã là một hình thức văn chương – những “sự thật” bất lợi hiếm khi có khả năng thách thức được các tự sự thống trị ý thức của đại chúng.

Những tác giả thời Khai Sáng và sau này là các học giả nữ quyền luận ở thế kỷ XX đóng một vai trò lớn trong việc xây dựng hình ảnh Hypatia như một triết gia “chết cho tư tưởng”. Rất nhiều tác giả phản đối tầng lớp tăng lữ và các trí thức cộng đồng cũng đã làm điều tương tự đối với Bruno, cũng như Václav Havel đã làm đối với Patočka6. Tuy nhiên, người kiến tạo hình ảnh triết gia-kẻ tuẫn tiết vì tư tưởng gây ảnh hưởng mạnh nhất cho đến giờ vẫn là Plato. Không phải chỉ vì ông đã xây dựng hình ảnh Socrates như là biểu tượng nguyên mẫu của kiểu triết gia chết cho tư tưởng mà trên thực tế, ông còn là người phát kiến thể loại. Nhìn vào cách Plato diễn dịch lại trường hợp của Socrates, chúng ta có thể tìm thấy hầu hết những thành tố của một câu chuyện hay về sự tuẫn tiết cho tư tưởng: một nhân vật chính, người tự cam kết sống một cuộc đời đạo đức và tìm kiếm những minh triết, do đó, xung khắc với cộng đồng của mình; nhân vật đó sẵn sàng chết cho tư tưởng của mình hơn là chấp nhận những mệnh lệnh của đám đông lầm lạc; một môi trường chính trị thù địch được đặc trưng bởi tinh thần thiếu khoan dung và thiển cận; một tình huống khủng hoảng leo thang thành một chuỗi các sự kiện kịch tính; cao trào của nó mang hình thức của một phiên tòa xử công khai và nhân vật phải đối đầu với đám đông điên cuồng; và cuối cùng, cái chết anh hùng, dẫu bất công của nhân vật, sau đó là sự phong thánh dành cho ông ta.

Xa hơn điều này, trước tác của Plato rõ ràng còn định hình hành vi thực tế của con người khi đối diện với một lựa chọn tương tự như của Socrates. Thí dụ, Thomas More, ngay trước khi bị chém đầu, đã nói: “Ta là người tận tụy với Nhà vua, nhưng hơn hết ta tận trung vơi Chúa”. Câu nói này hiển nhiên quy chiếu đến những lời của Socrates trong phiên tòa xét xử ông, như những gì được ghi lại trong tác phẩmApology: “Thưa các quý vị, tôi là kẻ tận tụy, trung thành đối với các người nhưng tôi vâng mệnh Thượng Đế hơn là vâng mệnh các người.”

Ôi, những triết gia này – họ thậm chí còn không thể chết nếu như không đưa ra một quy chiếu về chữ nghĩa thật xác đáng! Ngay khi nói lên những lời cuối cùng trước khi chết, rất có thể More đột nhiên nhận ra những gì ông sắp sửa làm có vẻ không “thật” như ông muốn nó phải thế; cứ như thể có một cái gì đó “phi thực” – thế giới hư cấu, thế giới của những cuốn sách ông đã từng đọc – giờ len vào chính sự tử đạo của ông. Chắc chắn, chết, tự nó, là một kinh nghiệm thật đến tàn khốc, có lẽ là kinh nghiệm tàn khốc nhất. Thế nhưng, tôi lại e More đã đúng: chết cho một tư tưởng không bao giờ mang một hình thức thuần khiết. Bao giờ cũng thế, một phần nó là hiện thực, một phần nó là hư cấu (theo một tỉ lệ không được biết). Cũng như mọi thứ khác ở đời.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, “Philosophy as an Art of Dying”, http://opinionator.blogs.nytimes.com/2011/06/12/philosophy-as-an-art-of-dying/?_r=0

———————————————————————-

Chú thích:

1. Jan Patočka (1907-1977), nhà triết học quan trọng hàng đầu của trường phái Hiện tượng học Czech. Ông đồng thời còn được ghi nhận như là một trong số những triết gia có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX. Jan Patočka đồng thời còn là một trong số những người khởi xướng Bản Hiến chương 77.

2. Trích từ cuốn sách Vaclav Havel của Eda Kriseova, Caleb Crain dịch sang tiếng Anh (New York: St Martin’s Press, 1993), trang 108

3. Mohamed Bouazizi (1984-2011), một người đàn ông Tunisia bán dạo trên đường phố, đã tự thiêu ngày17-12-2010 để phản đối chính quyền tịch thu hàng hóa đồng thời có những hành vi xúc phạm, lăng nhục nhân cách của anh. Hành động tự thiêu của anh đã châm ngòi cho cuộc Cách mạng Tunisia và Mùa xuân Ả Rập.

4. Dzielska, Maria, Hypatia of Alexandria, bản dịch tiếng Anh của F.Lyra (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1995), trang 93.

5. Firpo, Luigi, Il Processo di Giordano Bruno (Salermo Editrice: Roma, 1998), trang 335-6.6 Václav Havel (1936-2011), được biết đến như một chính trị gia, triết gia, nhà văn người Czech. Ông là lãnh tụ của phong trào Cách mạng Nhung và là người đứng đầu Diễn đàn Dân sự tại Tiệp Khắc cuối thập niên 1980. Havel sau đó đã được bầu làm tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ và sau đó là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech khi Czech và Slovakia chia tách thành hai quốc gia độc lập từ 1993 đến 2003.

Jan Patočka được xem là người có ảnh hưởng quan trọng đến tư tưởng của Václav Havel, đặc biệt là những phân tích của ông về hệ thống hậu toàn trị, điều có thể thấy rõ trong tác phẩm chính trị quan trọng nhất của Havel sau này – Quyền lực của Không quyền lực. Havel về sau đã nói về người thầy, cũng là người đồng chí của mình, người cùng khởi xướng Hiến chương 77 : “Hiến chương 77 và tất cả những gì diễn ra sau đó, toàn bộ phong trào đối lập của chúng tôi dẫn đến cái được gọi là Cách mạng Nhung và Diễn đàn Dân sự chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những nền tảng tinh thần và đạo đức mà giáo sư Patočka đã xác lập. Ông mất không lâu sau khi Hiến chương 77 được ra đời nhưng chất “phóng xạ” của nhân cách Patočka thì sống mãi với nó.”