Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Kỷ Niệm 30/4 : Niềm Vui- Nỗi Buồn.



Kỷ Niệm 30/4 : Niềm Vui- Nỗi Buồn. 










Hôm nay 30-4 năm 2011, 36 năm đã trôi qua, thời gian tưởng là làm nhạt nhòa ký ức, nhưng hình ảnh hệ quả của 30-4 nó còn hiện rõ từng chi tiết trong đầu. Không phải vì Tôi cố nhớ nó, mà 30-4 với những hệ quả kéo dài đến hôm nay, chính nó đã buộc thằng Tôi phải nhớ nó. Và Tôi đã nhớ rất rõ cái cảm xúc của một niềm vui và nỗi buồn của riêng Tôi với ấn dấu 30-4-1975. 



Với Tôi, biến cố 30- 4 đầu tiên là một niềm vui không thể nhầm lẫn. Vui vì cuộc chiến tương tàn, dài đăng đẳng đầy man rợ phi nghĩa đã chấm dứt. Chiến tranh, dù vì bất cứ lý do gì, nguyên nhân nào đều ghê tởm, không chỉ vì nó tàn phá làng mạc, đất đai, tàn sát nhân mạng, mà chính vì nó tàn hủy nhân tính, băng hoại con người. Chiến tranh chỉ có lợi cho bọn bất nhân, vì nó luôn là cái cớ cho não trạng độc tài quân phiệt phát huy bản năng thú vật của loài thượng đẳng hai chân, và cuối cùng chiến tranh muôn đời luôn luôn là trò làm tiền của bọn gian manh bất nhân , đúng như tướng thủy quân lục chiến Mỹ ông Smedley Butler (1881-1940) đã vạch ra trong bài diễn thuyết “chiến tranh là trò làm tiền gian manh” (War is a Racket). Chiến tranh nó ghê tởm đến độ đại tướng Eisenhower, người từng chỉ chỉ liên quân đồng minh trong thế chiến thứ hai và sau này là tổng thống thứ 34 của Mỹ, đã phải thốt ra:

“Tôi căm ghét Chiến Tranh chỉ vì Tôi là một người lính từng sống trong đó có thể ghét, chỉ vì là người đã thấy sự tàn bạo của nó, sư vô ích của nó, sự ngu xuẩn của nó....... Từng khẩu súng được chế tạo, từng chiến hạm ra khơi, từng trái pháo được bắn đi, biểu hiện trong một ý nghĩa cuối cùng là một hành động ăn cắp của những người đói khổ mà không có ăn, của những người chết rét mà không có mặc..(I hate war as only a soldier who has lived it can, only as one who has seen its brutality, its futility, its stupidity.......Every gun that is made, every warship launched, every rocket fired, signifies in the final sense a theft from those who hunger and are not fed, those who are cold and are not clothed. Four Star-General-President of The USA, Dwight D. Eisenhower)
Không những vậy, với tư cách là vị tướng kinh nghiệm dày dạn, nếm đủ mùi chiến tranh tàn bạo, một tổng thống của quốc gia hùng mạnh còn sót lại sau thế chiến, trong bài diễn văn từ biệt hết nhiệm kỳ, giã từ chính trường, Ông đã cảnh báo người Mỹ và thế giới về hiểm họa chiến tranh do bọn đầu cơ kỹ nghệ vũ khí tiến hành. Bọn trục lợi và sùng bái quyền lực sẽ tạo chiến tranh bằng mọi cách.



Vì thế, Tôi không chỉ vui mừng hơn cả những người lính ngoại nhân tham chiến còn sống sót trở về quê hương của họ, mà còn vui mừng chúc lành cho họ, đã còn có thể sống sót trở về đoàn tụ với thân nhân gia đình, dù biết chắc rằng sau cuộc chiến man rợ phi nghĩa đó, nhiều cuộc đời con người đã không thể còn toàn vẹn được nữa.

Đó chính là lý do Tôi vui mừng khi biến cố ngày 30-4-1975 xảy đến. Tôi kinh tởm chiến tranh. Chỉ có vậy thôi.






Tôi không còn là người đần độn bị ám hữu bởi chủ nghĩa ái quốc, quốc gia dân tộc. Bởi hôm nay đây, không chỉ những con người ở những xã hội dân chủ văn minh người ta rời bỏ nơi này để sống ở nơi khác phù hợp với hạnh phúc của họ hơn, rồi đôi lúc quay trở lại thăm quê cũ như là một du khách bình thường và hạnh phúc; mà người Việt nam hôm nay, khi có điều kiện cũng đang hành xử như thế, và cũng rất hạnh phúc chính đáng. Hơn thế nữa, không chỉ ở cương vị cá nhân con người tự tại, thoát khỏi căn bệnh ái quốc ái quần tổ quốc tổ cò, mà ngay cả ở mức độ một cộng đồng xã hội, người ta cũng không nhất thiết bị ràng buộc pháp lý hay tinh thần với mảnh đất hay cái tên của một hiện thể chính trị quốc gia, chỉ vì họ được sinh ra ở đó một cách ngẫu nhiên không có chọn lựa. Như QueBec trưng cầu dân ý để tách ra khỏi Canada, hay Vermont đang tiến hành vận động trưng cầu dân ý tách ra khỏi Mỹ, hoặc Đài Loan muốn độc lập tách hẳn khỏi Trung Quốc v.v Người ta đã tiến xa hơn, tầm nhìn rộng hơn với giá trị NHÂN PHẨM làm nền tảng, và người ta chỉ trân trọng tìm đến mảnh đất nào , liên đới với xã hội nào có chủ trương vinh danh Con Người, chăm chút nhân phẩm và hạnh phúc tự do của thành viên, của công dân, thì đó là đất nước của họ.



  Người ta sáp lại, nối kết với nhau khi nhu cầu cần thiết để cùng xây dựng một xã hội tốt hơn vì nhau và cho nhau, và chỉ bằng sự tự nguyện đồng thuận, chứ không bằng bạo lực cưỡng ép áp đặt. Bạo lực không bao giờ đưa đến điều gì tốt đẹp. 

Ngay sau 30-4-75, cũng nhân danh bảo vệ tổ quốc, an ninh tổ quốc, những kẻ chiến thắng từ mảnh đất phía Bắc đã cai trị  đồng bào bại trận  ở phía Nam như cai trị thuộc địa chiếm đóng. 

Và những thằng bại trận bỏ chạy cũng vậy, cũng vẫn nhân danh ái quốc tổ cò, dù đã thành công dân xứ người, cũng phân chia thành phần vùng miền ngay trong cái thóm hỏm sinh hoạt nơi xứ người, để rồi hành xử co cụm thu hẹp trở thành nhỏ bé , đố kỵ, và hung tợn bạo ngược với lá cờ ba que đã thành tấm giẻ rách. Nhưng đám người bại trận bỏ chạy bày vẫn cứ nhân danh tổ quốc ba que giẻ rách để thành lập một “đại công ty chính nghĩa chống cộng” chuyên phao tin đồn và nhân danh “đại nghĩa chống cộng” hung hăng đòi chỉ đạo can thiệp vào đời sống xã hội người Việt Kiều, dù càng ngày càng yếu đi sau 36 năm. 

Sau 30-4 vài năm, một số lớn người Viêt Nam đi vượt biên, và sự trả thù ti tiện này họ đã không để lại nơi đất nước Viêt Nam cho cái chế độ Độc đảng , họ đem theo và vẫn tiếp tục tiến hành bởi những thằng lính, gã công chức thất trận. Chúng nó đẩy đòn thù lên gần như bất cứ ai không phủ phục chúng nó, từ trên đảo tị nạn tạm cư, cho đến khi đã định cư tại một quốc gia khác. và việc ăn cắp những niềm tin vào tình người , vào nhau, dù nhỏ bé nhất tiếp tục xảy ra, nhân danh tự do, tị nạn, và chống cộng.


Nỗi buồn chính là sự phá sản băng hoại toàn diện nhân trí của những con người có nhãn hiệu Việt Nam. Những gì còn có thể gọi là chân, là thiện là mỹ, còn sót lại trong thời chiến tranh, đặc biệt là niềm hy vọng cuối cùng không chỉ là vào “hòa bình, thống nhất,” mà vào chính phần lương tâm con người tối thiểu của nhau, tất cả cũng đã bị hoàn toàn tiêu hủy .  Xã hội Việt Nam và con người Viêt Nam dù đã bị THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU mở tung ra, và khoác vào cho họ cái áo vật chất văn minh hoành tráng dù là giả tạo,  càng làm lộ rõ nét bán khai vô nhân tính của toàn thể xã hội và con người. Tất cả vội vã, chen lấn, chà đạp lên nhau để gom góp và tích lũy của cải, vội vã luống cuống tiêu thụ ngây ngô và vụng về hưởng thụ.

Trong khi đó, cũng sau 36 năm, những kẻ ra đi sống chung với văn minh và nhân bản, cũng không khá hơn, mà còn băng hoại hơn, cũng chỉ vì bám víu vào hận thù và quyền lực, vào chủ nghĩa ái quốc dân tộc, vào ấn tượng sai lệch và sai lầm của 30-4. Toàn bộ thế hệ đi trước của cả hai phe đối nghịch nhau đã tiêu diệt cơ hội hướng thiện, vươn lên của thế hệ đi sau. 

Việt Nam hôm nay, đã có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn du học sinh, đầu tư nước ngoài, và có một đội ngũ khoa bảng được đào tạo từ các trường đại học hàng đầu của nhân loại, nhưng não trạng trống rỗng và bần tiện hơn, lanh vặt và lưu manh hơn, có phương pháp hơn. Bởi lớp người này chỉ dùng phương tiện khoa bảng để kiếm cơm và tìm quyền lực. Bên ngoài Viêt Nam, thế hệ thứ hai, thứ ba của những kẻ thất trận bỏ chạy và ra đi, cũng có khoảng trên dưới hàng trăm ngàn khoa bảng chuyên gia, nếu chưa muốn nói là tổng quát là con số hàng triệu có cử nhân là căn bản. Thế nhưng tòan bộ sinh hoạt tinh thần xã hội, giá trị dân sự vẫn là con số không!!!

Thế hệ cha mẹ họ, và thể chế chính trị, thật sự hay giả tạo, nếp sống xã hội của cha mẹ họ áp đặt, đã ăn cắp đi đức tính cần thiết đam mê kiến thức, đam mê ý nghĩa, giá trị cuộc sống trong con người của họ mất rồi. Chỉ còn lại QUYỀN và LỢI với cái triết lý ngu ngục hạ cấp “khôn chết, dại chết, biết sống.”


36 năm, dù đã quá chậm trễ để xóa sổ làm lại, nếu tính theo một đời người, một thế hệ. Nhưng với tính nối dài miên tục của một xã hội, một đất nước, và cả tiến trình nhân loại này, thì việc xóa sổ cái sai cũ để khởi đầu tiến hành cái mới tốt đẹp không bao giờ sớm, và chẳng bao giờ muộn màng hết cả. Phải xóa sổ hết những ám hữu của những định kiến cũ để khởi đầu xây dựng nhận thức về một xã hội dân sự của những con người có tên là Viêt Nam. Xây dựng sự nhận thức về chính giá trị tự thân, tức là xây dựng lại NHÂN TRÍ để kiến tạo nền DÂN TRÍ cho xã hội.

Và tất cả cũng vẫn phải khởi đầu bằng những nỗ lực từ những cá nhân đơn lẻ đi trước. Phải can đảm và sáng suốt gác bỏ những ngăn trở do chính mình tự kỷ tạo ra. Thể hiện rốt ráo tính liên đới trách nhiệm của cá nhân Con Người. Mảnh đất Con Người Việt nam đang cần được vun xới bằng quả cảm kiên trì và công chính, để những hạt giống nhân bản có thể nẩy mầm, và rồi sẽ thành những cánh đồng bát ngát giá trị tự thân, nơi đó NỀN DÂN CHỦ có TỰ DO BÌNH ĐẲNG sẽ được xây dựng vững chắc. Hạnh phúc của mỗi cá nhân, của chúng ta, và của cả nhân loại này cũng được xây dựng từ căn bản đó.


NKPTC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét