Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Chiến tranh và .. tình nhân loại




Tác giả: Trần Văn Chánh



Có câu chuyện xảy ra gần ba năm trước thật cảm động về hai cựu binh người Úc đã từng tham gia chiến cuộc tại Việt Nam:

Sau nhiều năm trăn trở, nhắn nhe tìm tõi khắp nơi, rồi lặn lội đường xa, sáng ngày 3.4.2012, hai ông Laurens Wildeboer và Derrill De Heer, cựu binh Úc, đã tìm đến được gia đình của một liệt sĩ Việt cộng ở Đồng Nai để trao lại cho bà mẹ già của liệt sĩ này những kỷ vật mà hai ông đã lưu giữ trong suốt 42 năm. Trong cuộc hội ngộ ly kỳ hiếm có này của những người trong thời chiến tranh vốn thuộc hai bên chiến tuyến, ai cũng cố kìm nén để khỏi bật thành tiếng khóc lớn.

Người liệt sĩ nói trên tên Phan Văn Ban, chết trận năm 1970, ba năm trước vẫn còn mẹ già 85 tuổi ngụ tại ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Vào đến nhà rồi, sau phần thủ tục giới thiệu, cựu binh Derrill De Heer bắt đầu nhìn chiếc hộp đựng kỷ vật rồi mở lời: “Đây là những gì mà Laurens đã lưu giữ của liệt sĩ Ban suốt 42 năm qua. Laurens đã day dứt bao nhiêu năm, đến ngày hôm nay mang đến cho mẹ”. Laurens mở hộp, lấy từng kỷ vật trao cho bà mẹ liệt sĩ: “Đây là chiếc khăn choàng kèm với cuốn sổ ghi chép của liệt sĩ Ban mà trong chiến tranh tôi đã giữ được”. Rồi ông nói tiếp, cố kìm nén xúc động: “Xin lỗi mẹ về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Liệt sĩ Ban và những người lính Việt Nam thật tuyệt vời. Họ thật tuyệt khi làm tất cả vì đất nước. Những kỷ vật mang đến hôm nay cho mẹ để mẹ và gia đình thanh thản” (xem báo Tuổi Trẻ, 4.4.2012, trang 18). 

Như chúng ta đều biết, Úc là một nước đồng minh của Mỹ đã cùng với vài đồng minh khác nữa tham gia cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài tại Việt Nam trước đây. Vì nghĩa vụ quân sự, nhiều người lính phải rời bỏ quê hương để tham dự vào một cuộc chém giết mà bản thân họ đều không mong muốn và chủ động, nên có lẽ không ai hiểu rõ tính chất phi nhân tàn bạo chỉ mang đến đau khổ của chiến tranh bằng chính những người lính dự trận bất đắc dĩ mà mạng sống là do những quyết định ở đâu đâu khác. Vì thế khi chiến tranh kết thúc năm 1975, những người lính thoát chết như vậy chỉ biết có vui mừng vô điều kiện mà chẳng chút hận thù, kể cả hận thù đối với những người trong hàng ngũ buộc lòng họ phải coi là đối địch một thời. Các chính phủ của họ cũng chẳng mất công sức làm cái việc tuyên truyền cho lòng thù hận để chờ dịp… phục thù…

Thật ra, từ nhiều năm trước, đã từng có những cựu binh Mỹ cũng đem kỷ vật nhặt được trong lúc giao tranh với chiến sĩ Việt cộng để trao lại cho gia đình kẻ quá cố, với những chi tiết câu chuyện cảm động không kém. Họ làm như vậy vì một nỗi day dứt thấm sâu kéo dài trong lòng do chiến tranh gây ra, và như một cách biểu thị sự ân hận đồng thời giải tỏa tâm lý, cũng như để chia sẻ với số phận không may của người lính trận kém may mắn hơn mình. 

Sau chiến tranh, không ít người lính Việt Nam ở cả hai bên chiến tuyến cũng kể thật rằng khi ra trận thì họ phải đánh, bắn vậy thôi chứ đâu có thù hận chi ai, và thường thì anh nào cũng sợ chết gần giống như nhau, hệt như mấy câu thơ của Phan Xuân Sinh làm để chia sẻ tâm sự với những người lính cộng sản từ Bắc vào, trong dịp tết năm 1972, trong khi hai bên tạm ngừng bắn để ăn tết: 

Thằng lính nào mà chẳng rét lúc ra quân,
Khi xung trận mà không té đái!…

Nói cho chính xác công bằng, thật ra cũng có trường hợp thù hận, nhưng chỉ nhất thời, do bối cảnh đặc biệt bị quy định và xui khiến bởi cuộc chiến tranh nghiệt ngã, nên khi hòa bình lập lại rồi thì hầu như ai cũng có dịp suy đi nghĩ lại… John Merson, tác giả cuốnNhững bài học chiến tranh (War Lessons, bản dịch của Trần Gia Quang, NXB. Thời Đại, 2010) là một trong rất nhiều trường hợp điển hình như thế. Tham gia giai đoạn đầu cuộc chiến tranh Việt Nam từ tháng 4.1966 đến tháng 5.1967 thì được trở về quê hương an toàn, và năm 2008 ông đã viết cuốn sách nêu trên để tỏ lòng ân hận: “Theo kinh nghiệm của tôi, không có người chiến thắng trong chiến tranh, chỉ có những hình thức mất mát khác nhau mà thôi” (tr. 198). Ở một chỗ khác, trong phần “Tái bút” đặt ở cuối sách, ông viết: “Tôi đã bắt đầu không còn xem những người lính Việt Nam là kẻ thù của tôi nữa mà thay vào đó, là những người anh em của tôi” (tr. 212).

John Merson nói như thế hoàn toàn không giả dối, cũng không do sự đột hứng nhất thời, vì sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã nhiều lần trở lại Việt Nam làm tất cả những gì có thể làm được nhằm góp phần xoa dịu hàn gắn vết thương chiến tranh, như một cách để chuộc lỗi…. “Tôi muốn giúp hàn gắn những vết thương tôi chứng kiến ở quanh mình, cũng như những vết thương trong lòng tôi. Tôi hết sức hồ hởi khi gặp lại một đất nước mà tôi nhớ bởi cả vẻ đẹp thiên nhiên xen lẫn sự đau khổ của con người” (tr. 213), tác giả lại viết tiếp. 

***

Cũng khoảng ba năm trước, như một cách để kỷ niệm ngày 30.4.1975 chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam, báo Tuổi Trẻ ngày 30.4.2012 đăng bài “Chuyện hai người lính” của nhà báo Hàng Chức Nguyên, đọc cảm động không kém gì câu chuyện hai cựu binh người Úc đã kể trên kia.

Chuyện người thật việc thật, với nhiều tình tiết sống động, nhưng đại khái: Năm 1972, khi chiến trường diễn ra ác liệt, một người lính Việt cộng đang ở tuổi 19 bị thương nặng, nát cả đôi chân, nằm ướt mẹp thoi thóp bên dòng suối giữa rừng chờ chết. Đồng đội buộc phải đi tiếp vì nếu không sẽ chết chung cả đám, đành treo chiếc võng trên cành cây thấp rồi đặt anh nằm lên đó, ghi dấu lên thân cây để sau còn có thể tìm xác lại được. Một toán quân địch đi tới phát hiện, có người định “cho nó một phát cho rồi” nhưng có một người khác ngăn cản rồi kéo mọi người đi, “để cho anh ta tự chết”. Khi tỉnh dậy, người chiến sĩ thấy trên ngực mình để sẵn một chiếc biđông đầy nước và dưới võng có hai bịch gạo sấy. “Trong cơn khát cháy cả ruột gan, chiếc biđông nước ấy đã giúp tôi kéo dài được sự sống, giúp tôi sống”, người lính kể. Sau đó anh được đưa về trạm xá điều trị và thoát chết. Năm 1974, được dưa ra miền Bắc tiếp tục điều trị và học tập văn hóa, để đến khi hòa bình lập lại, làm hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Quảng Ngãi.

Thời bom đạn đã qua, người cựu chiến binh đó luôn nghĩ về chiếc biđông nước và hai bịch gạo sấy của người lính đối phương đã để lại trên ngực mình. Rồi anh đánh tiếng khắp nơi, nhờ bạn bè giúp đỡ, quyết tìm mọi cách cho ra người lính vô danh ở bên kia chiến tuyến để đền ơn cứu tử, và rốt cuộc đến năm 2005 đã may mắn tìm được. Người lính vô danh này sau trận đó, đến năm 1973, cũng bị thương tại chiến trường Quảng Ngãi, mất một tay, thành thương phế binh. Cuộc trùng phùng thật cảm động: người cựu chiến binh mất một chân này nắm lấy bàn tay còn lại của người kia, ôm nhau mà nước mắt tuôn trào, nhận nhau làm anh em như chung một nhà.

***

“Người mà tôi không giết” là một câu chuyện thật khác (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, in trong quyển Ý cao tình đẹp, NXB. Trẻ, 2004), xa xưa hơn và xảy ra ở một phương trời khác, được người kể chuyện nâng lên bằng những lời bình luận còn sâu sắc hơn nữa về tình nhân loại. Tác giả là André Chamson, một sĩ quan cấp đại úy người Pháp trong cuộc chiến tranh Đức-Pháp hồi Thế chiến thứ II: Sáng hôm đó trời lạnh 28 độ dưới số không, dẫn một toán quân do thám đi, ông phát hiện một người lính Đức ở cách chừng 60-80 mét cũng đang làm công tác do thám cho phía bên kia, và đưa họng súng nhắm ngay vào sau gáy người kia định bóp cò. “Nhưng đang lúc tôi sắp bóp cò thì hắn nhảy lên, lắc lư như một con gấu… Tôi mở cả hai mắt ra, cảm thấy rằng mấy giây trước, hình đó đối với tôi chỉ là cái đích để nhắm thì bây giờ là một người rồi, một người cũng như tôi, bị rét cắt da…, chỉ nghĩ cách chống với cái rét và quên cả chiến tranh… Nòng súng của tôi tự nhiên hạ xuống, và tôi không nhắm lại nữa…”.

Viên đại úy (tức tác giả) còn có dịp nhận dạng ra người lính Đức đó khi anh ta đóng vai trò đứng gác trước mỗi toa xe chở tù binh Pháp đưa vào các trại giam. Ngay lúc ấy, lòng hận thù lại có dịp sôi sục, và ân hận rằng lần đó sao không bắn anh ta một phát cho rồi. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, do một sự tình cờ, viên cựu đại úy Pháp gặp lại người lính Đức kia bấy giờ đã là một học giả cùng dự chung trong một cuộc hội nghị quốc tế: “Nét mặt một học giả, hơi nghiêm, hơi buồn, nhưng bình tĩnh. Như đa số chúng tôi, ông ta có vẻ một người sống sót sau một tai ách ghê gớm… Trong chúng ta, ai là người còn có thể giết kẻ đồng loại được khi biết rõ kẻ đó, biết nhân tính, đời sống của kẻ đó? Người ta có thể hạ sát một tên lính địch, một con người máy không tên tuổi không mặt mũi, nhưng làm sao có thể giết một người thợ mộc, một người thợ tiện, một nông dân, một họa sĩ, một nhà ngôn ngữ học, một người có vợ con, có cha có mẹ, một người có thể đói rét, sống trong cảnh rầu rĩ hoặc trong niềm hi vọng, một người như chúng ta” (tr. 221-222).

Rồi tác giả bình luận, kết thúc câu chuyện: “Hình ảnh người lính do thám Đức mà tôi không nỡ bắn trong ngày mà thời tiết lạnh nhất đó đã làm cho tôi hiểu một cách sâu sắc hơn là dùng trí óc để suy tư, rằng nếu mỗi người trong chúng ta có thể giảng cho những người đồng loại cảm thấy được rõ mỗi đời người có sự trang nghiêm ra sao, mỗi con người chắc chắn có những nhu nhược ra sao, giảng được như vậy thì sẽ không thể có chiến tranh nữa” (tr. 222).

***

Những câu chuyện có thật và cảm động như trên cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu sống động để chiêm nghiệm chính xác hơn về hoàn cảnh thống khổ của con người trong mọi cuộc chiến tranh, từ đó cũng thấy được thế nào là tình đồng loại bộc lộ giữa những con người buộc phải ở hai chiến tuyến đối địch nhau. Đó cũng là những câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc cho vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc của ngày hôm nay. Tất cả đều nói lên được cái mà chúng ta gọi là tình nhân loại hay tình đồng loại, phát ra một cách tự nhiên giữa những con người đồng cảm nhau trong cùng cảnh ngộ ác liệt của chiến tranh đau khổ.

———

Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số 458, tháng 4.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét