Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

....................



Cơn bão đột ngột ập đến khiến chiếc du thuyền của ngài Tể tướng lật nhào. Cái đám cận vệ của ngài cuống cuồng tìm nơi bám víu, mặc cho ngài Tể tướng gào thét kêu cứu. Cơn bão dập vùi, chẳng phút chút ngài Tể tướng đuối sức ngất lịm.

Khi ngài mở mắt, thấy mình nằm trên trên một chiếc giường tre trong một cái chòi lụp xụp.Ngài vui mừng biết mình vẫn còn sống.Đúng lúc đó, ngài nhìn thấy một gương mặt đen đúa. Gương mặt lên tiếng :

- A, ông tỉnh rồi.

- Tôi đang ở đâu?- Ngài Tể tướng lập bập hỏi

- Ai da, cũng may tôi vớt được ông.Thế ông ở đâu?- Gương mặt đen đúa hỏi

Ngài Tể tướng nhớ ra ngài đã bị đắm thuyền và ngài hiểu ngay là người đang ông này đã cứu mình.

Ngài ngồi dậy, nói :

_ Cám ơn nhà ngươi đã cứu ta!

_ Ui dào, có gì đâu. Cũng may là cái số ông chưa tới nên mới khiến hôm nay tôi biển lúc mưa bão thế này ấy chứ!

_ Thế, ta muốn đền ơn cứu mạng của ngươi. Ngươi muốn gì có thể nói.

_ Ơn nghĩa gì. Việc dân chày chúng tôi phải làm thôi.

_ Nhà ngươi đừng ngại, bất cứ ngươi muốn gì ta cũng có thể đáp ứng cho ngươi.

Gương mặt đen đúa nhìn ngài Tể tướng soi mói :

_ Chậc, trông ngài sang trọng hẳn giàu sang lắm.

Ngài Tể tướng cười bảo:

_ Hơn hẳn thế, không chỉ giàu sang mà còn đầy quyền lực. nhà ngươi cần gì cứ nói. Ta là Tể tướng của ngươi đấy!

_ Á- gương mặt đen đúa hốt hoảng kêu lên.

_ Ngươi không tin à?- Ta chính thị là Tể tướng đấy!

Gương mặt đen đúa run lập cập :

_ Ông thật là ...là...Tể tướng

_ Chính ta! ngươi cần gì thì cứ mạnh dạn bảo. Ta đền ơn ngươi đã cứu mạng ta.

Gương mặt lật đật, quỳ xuống

_ Dạ.. dạ... con không dám cầu xin gì cả, chỉ cầu xin cụ ...đừng nói với ai là con đã cứu... sống cụ ạ.

_ Nhà ngươi quả thật là người tốt- ngài Tể tướng cười sảng khoái. ngươi thật sự không cần ta đền đáp ơn cứu mạng à?

_ Dạ, thưa cụ... con chỉ xin cụ như vậy thôi ạ- Gương mặt lấm lét ngó quanh, rồi kề tai ngài Tể tướng nói nhỏ :_ Dân làng chày này nó mà biết con cứu cụ nó đánh con chết ạ...

Hỏi đáp về :TPP Cần nắm những gì?


Cho đến nay với nhiều doanh nghiệp, Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn là một khái niệm mơ hồ, một mặt vì thông tin phân tích nhiều quá, không có điểm nhấn; mặt khác, thông tin chính thức lại hầu như không có, làm các vòng đàm phán mang màu sắc bí ẩn. TBKTSG tổ chức phần hỏi đáp sau như một dạng giải đáp thắc mắc mà nhiều doanh nghiệp từng nêu ra với báo. Đây không phải là các câu hỏi đáp chính thức, nó chỉ nhằm cung cấp thông tin ban đầu mà thôi dựa vào ý kiến tư vấn của các chuyên gia cộng tác viên của TBKTSG.
H: TPP là cái gì mà mọi người xôn xao thế?
Đ: TPP về bản chất là một hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước (Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Úc, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản và Mỹ) trong đó các nước thỏa thuận dỡ bỏ các rào cản để thương mại được tự do tối đa. Lấy ví dụ về xuất nhập khẩu hàng hóa, nếu kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định vào cuối năm nay như tuyên bố chung của 12 nước này vừa được công bố thì sẽ có trên 90% dòng thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 12 nước này được hạ mức thuế nhập khẩu xuống bằng 0%. Thương mại trong các lĩnh vực khác cũng như vậy. Bên cạnh đó là những thay đổi, cải cách bắt buộc chung mà 12 nước cần thực hiện nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh và tự do hơn.
H: Nhưng không phải là trước đây Việt Nam từng ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ rồi gia nhập WTO để hưởng thuế suất thấp rồi sao?
Đ: Các hiệp định thương mại thông thường (như BTA với Hoa Kỳ hay WTO) chỉ cắt giảm thuế suất (hạ thuế suất), còn các hiệp định thương mại tự do như TPP là loại bỏ thuế suất (0%). Lấy ví dụ hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ, sau khi ký hiệp định thương mại song phương thì thuế suất bình quân giảm còn 17,3%; giữ nguyên mức này sau khi vào WTO (vì đây đã là mức thuế MFN mà Mỹ dành cho các nước thành viên WTO). Nay với TPP thuế suất chỉ còn 0%. Nhờ vậy ngành dệt may kỳ vọng sẽ tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, để đạt mức tăng trưởng 20%/năm.
H: Thế thì cứ ký đi chứ còn chần chờ gì nữa?
Đ: Không đơn giản. Cũng lấy lại ngành dệt may làm ví dụ, để hưởng thuế suất thấp như trên, TPP quy định nguyên liệu như sợi, chỉ, vải... phải có xuất xứ từ các nước thành viên. Trong khi hiện nay nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam chủ yếu mua từ Trung Quốc hay Hàn Quốc, đều không phải là thành viên TPP.
Đàm phán là để tìm cách du di cái đòi hỏi này, và nhiều chuyện khác nữa.
H: Như chuyện gì?
Đ: Quan hệ lao động, sở hữu trí tuệ, đối xử với doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ môi trường...
H: Những chuyện này thì đã sao? Dường như cũng giống lộ trình cải cách mà nhiều người từng nói đến?
Đ: Chính xác. Trong lâu dài thì đó là những vấn đề trước sau gì chúng ta cũng phải làm như để công nhân có sự chủ động hơn trong thương lượng với giới chủ về lương tiền, về điều kiện lao động. Bảo vệ môi trường là điều không cần ai gây sức ép, tự chúng ta cũng phải nghiêm khắc hay cải cách doanh nghiệp nhà nước, chúng ta có cả một kế hoạch tái cấu trúc to lớn kia mà. Vấn đề là thay đổi cách tư duy, không xem đó là thử thách mà chúng ta phải đối phó; ngược lại, cần xem đó chính là nhiệm vụ của chúng ta, và xem đàm phán TPP về những vấn đề này như một động lực tốt để chúng ta thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn, hiệu quả hơn và có công cụ kiểm soát đầy đủ hơn.
H: Chúng ta chỉ mới nói về hướng xuất đi mà chưa tính đến hướng nhập về?
Đ: Đúng rồi. Người ta mở cửa cho hàng Việt Nam thì Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa và dịch vụ của họ. Các ngành tài chính, dịch vụ, bán lẻ nước ngoài tràn vào sẽ gây khó cho các doanh nghiệp còn non trẻ của Việt Nam. Hàng nhập khẩu không thuế hay thuế thấp cũng sẽ chạy đua với hàng nội địa ngay trên sân nhà như điện máy, nông sản, chăn nuôi, hàng công nghiệp...
H: Có cách nhìn nào khác, thay vì chỉ tập trung cân nhắc thiệt hơn trước mắt?
Đ: Với TPP, cái thách thức có thể trở thành cơ hội và ngược lại, cơ hội cũng dễ biến thành nguy cơ. Cho nên ảnh hưởng hay tác động là phải nhìn tổng thể, qua lại, trong nguy có cơ và ngược lại. Ví dụ, yêu cầu nguyên liệu phải từ trong nước hay từ nước thành viên có thể sẽ thúc đẩy một làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng cơ hội thuế quan. Nhìn nó là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cũng đúng mà là thách thức cho ngành dệt may thì cũng đúng vì đa phần nguyên liệu tạo ra từ các doanh nghiệp FDI này là để phục vụ cho sản xuất tiếp của chính họ chứ không dành cho doanh nghiệp trong nước. Một ví dụ khác, thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng thì không những nhà đầu tư từ các nước TPP hưởng lợi mà chính doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng nhẹ gánh bị phân biệt đối xử; cả nền kinh tế thở phào không còn phải đổ nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước lãnh phí nữa.
H: Phức tạp nhỉ. Vậy nói tóm lại doanh nghiệp phải làm gì?
Đ: Nói chung trước đã định làm gì thì nay cứ tiếp tục làm thế, với cường độ cao hơn, với tư thế cạnh tranh quyết liệt hơn và tư duy dài hạn hơn. Cái quan trọng là rút kinh nghiệm từ giai đoạn sau gia nhập WTO, nhiều người đã không giữ được mình, bỏ sở trường (năng lực lõi) chạy theo sở đoản (địa ốc, ngân hàng, chứng khoán, tài chính) nên sa chân cho đến giờ chưa rút ra được. Lần này thì phải tuyệt đối tỉnh táo nhưng cũng nhạy bén nắm lấy cơ hội nếu đang hướng đến thị trường nước ngoài và chuẩn bị tinh thần cho cuộc đua khốc liệt hơn nếu đang nhắm vào thị trường trong nước.
H: Vậy mà nhiều người nói, kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hay sắp vào Việt Nam?
Đ: Chứ còn gì nữa, nếu doanh nghiệp ta không có chuẩn bị, có chiến lược, có kế hoạch dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng như họ.
H: Không lẽ chúng ta đi đàm phán để cuối cùng nhà đầu tư nước ngoài hưởng?
Đ: Đúng là với WTO đã có hiện tượng này. Người lạc quan thì suy nghĩ tích cực thế này: doanh nghiệp FDI thành lập ở Việt Nam cũng là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam; doanh nghiệp FDI có mạnh thì mới tạo công ăn việc làm, tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp xây dựng nền công nghệ phụ trợ, giúp nâng kim ngạch xuất khẩu… Dù vậy, song song đó cần phải có những chính sách nghiêm túc để chống chuyển giá, chống trốn thuế, lỗ giả lời thật trong khu vực FDI. Dần dần, hy vọng rằng doanh nghiệp trong nước phục hồi sẽ vươn ra chiếm thị phần trở lại.

Quan trọng hơn, nếu cửa không mở, thương mại không tự do, thì có thể nhà đầu tư nước ngoài không được hưởng gì nhưng chắc chắn là doanh nghiệp nội địa cũng chẳng có cơ hội mới nào cả, dù là cơ hội mong manh.

Bê bối lớn trong lịch sử y khoa hiện đại Đức


Bê bối liên quan tới vụ truyền máu nhiễm HIV: Thập niên 198x có trên 1500 người bệnh bị truyền máu nhiễm virus HIV, đó là vụ bê bối có tên „Bluter-Aids-Skandal“. Sau gần 30 năm, chỉ còn 400 người sống sót và họ vẫn phải đấu tranh cho tới tận ngày nay để đòi lại công lý.

Tất cả khởi đầu bằng một loại thuốc kỳ diệu mà y học cho rằng có thể giúp những người bị bệnh máu từ thập niên 1970 có thể sống lâu hơn. Nhờ đó những người bị bệnh máu có thể được chữa trị dễ dàng hơn và nhanh hơn, thậm chí họ có thể trở về cuộc sống như đời thường bao nhiêu người khác. Niềm vui chẳng được bao ngày, tin dữ lan truyền khắp nơi khi tất cả những thuốc bào chế từ máu đều bị nhiễm virus HIV.

30 phút phim tài liệu, tác giả đã gửi tới người xem sự thật của vụ bê bối y học lớn của Đức. Trong đó tác giả cũng gặp hai anh em ruột bị nhiễm HIV và là nhân vật chính trong phim "Blutgeld" : tiền máu.

Thời điểm đó, HIV được coi là bệnh chỉ truyền trong những người quan hệ đồng tính. Như ông Michael Diederich, khi đó còn là một cậu bé. Bác sĩ căn dặn ông "Không kể với bất kỳ ai, dù là trường học hay ở nhà, kể cả những bạn bè thân nhất.".

Với nạn nhân, bất công ở chỗ cho tới nay, 30 năm sau vẫn không có bất kỳ ai trong số những bác sĩ, những người điều trị hay làm ra thuốc đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nếu nước Mỹ là độc tài cai trị!





Hiến pháp này chẳng khác nào giấy phép cho giới ngoại quốc phá hoại đất nước của tôi. Cho nên hiến pháp này chẳng khác nào là giấy lộn, đất nước tôi sẽ vẫn tiếp tục là độc tài!
Trật tự nào.......... Sao các bạn có vẻ kỳ thị với độc tài như vậy? Các bạn thử tưởng tượng xem nếu nước Mỹ được độc tài cai trị thì sẽ ra sao
- Bạn có thể lấy tài sản của cả đất nước chia cho 1% dân số
- Bạn có thể giúp đỡ những người bạn giàu có của bạn trở nên giàu có hơn bằng cách cắt giảm thuế.
- Bạn có thể giúp họ tài chính khi họ ăn hết tài sản trên thị trường chứng khoán
- Bạn có thể mặc xác mối lo lắng của tầng lớp đa số dân chúng về y tế và giáo dục
- Bạn có thể đánh lừa rằng truyền thông của bạn tự do, nhưng thực ra điều hành bằng một người và gia đình của họ điều hành
- Bạn có thể nghe lén điện thoại
- Bạn có thể tra tấn tù nhân ngoại quốc
- Bạn có thể gian lận bầu cử
- Bạn có thể lừa dối để gây chiến tranh
- Bạn có thể tống khứ một sắc tộc nào đó vào nhà tù và chẳng ai dám lên tiếng
- Bạn có thể sử dụng truyền thông để làm cho người dân sợ hãi tới mức họ sẽ ủng hộ chính sách của các bạn mặc dù nó chẳng đại diện cho quyền lợi của họ
Tôi biết rằng người dân Mỹ rất khó để mà tưởng tượng ra được điều đó, nhưng các bạn hãy cố gắng lên nhé!





karel phùng

Cá Tính Của Dân Tộc Việt Nam



NGUYỄN SỸ TẾ




Nói tới văn hóa là nói tới dân tộc mà nó là biểu thức của nếp sống đặc thù. Lịch sử thế giới đã cho ta thấy rằng: Cuối cùng thì mọi đế quốc cũng sụp đổ, chuyện đại đồng không tưởng bất thành, tinh thần dân tộc ở khắp nơi vẫn là động cơ thúc đẩy mọi sinh hoạt quốc tế. Từ đó chủ nghĩa quốc gia cũng mỗi ngày một chỉnh đốn, tô bồi rạng rỡ hơn. Bởi một chân lý xã hội đơn giản là: Dân tộc là một kích thước xã hội ưu thuận nhất cho việc thành lập một quốc gia, thể hiện một nền văn hóa và xếp đặt mọi mặt của cuộc sống vật chất cũng như tinh thần.

Tìm hiểu một nền văn hóa cho đến nơi đến chốn, người ta không thể chỉ dừng bước ở cái bề ngoài trong cách ăn mặc, nói năng, đi đứng... hay trước các công trình kiến trúc như điện đài thành quách cùng các công trình văn học và nghệ thuật khác. Chiều sâu của văn hóa Việt Nam nằm trong tâm trí của mọi nguời Việt Nam qua mọi thời đại lịch sử của họ. Cái phần sâu xa này, người ta gọi bằng nhiều danh từ khác nhau là thần trí, hồn tính, tâm địa hoặc bằng những nhóm danh từ tinh thần dân tộc, cá tính dân tộc. Và cái sâu thẳm của cá tính dân tộc này, Tây phương gọi là vô thức dân tộc.

Mỗi dân tộc có một cá tính mà người dân nước khác dễ nhận biết trong nếp sống hàng ngày và đường lối cư xử của dân tộc đó. Cá tính này có phần thiên bẩm thuộc bản chất chung của nhân loại, nhưng phần chính yếu là do sự tác động của những điều kiện địa lý lịch sử và xã hội riêng, rồi theo lẽ di truyền mà được nối dõi từ đời này qua đời nọ thành truyền thống dân tộc. Theo đường lối nhận thức này, để tìm hiểu cá tính của dân tộc ta, trước hết xin ghi nhận những nét đại cương về địa lý, lịch sử và xã hội Việt Nam.

A. Điều Kiện Tác Động

1. Nước Việt Nam ta là một nước tương đối nhỏ bé. Diện tích, sau những nỗ lực phát triển liên tục của tổ tiên ta đã dừng ở con số khiêm nhường là 300.000 cây số vuông. Trái lại, dân cư với mức sinh sản mạnh, vào những thập kỷ gần đây, đã đạt tới một con số lớn lao là 72 triệu người. Đất hẹp dân đông, đó cũng là một điều kiện bất thuận lợi cho sự phát triển chung.

Dân tộc ta một phần là những người từ cao nguyên đổ xuống đồng bằng ra biển cả, từ trung tâm lục địa châu Á theo lưu vực con sông Hồng Hà và con sông Cửu Long kéo tới phối hợp vớimột phần khác là những người từ quần đảo Nam Dương theo sóng biển và gió Nam đổ bô lên. Xa xôi hơn nữa, về nguồn gốc của dân tộc ta có thần thoại con Rồng cháu Tiên". Nói bằng hình ảnh: Dân tộc Việt Nam là một lớp người chiến sĩ và hiệp khách, sau thời gian tung hoành, đã rút khỏi chiến trường, khước từ giang hồ, về nghỉ ngơi ở cái giải đồng bằng nhỏ hẹp, kẹp giữa đại dương và đông nam lục địa châu Á. Nơi đây, khí hậu nhiệt đới và chế độ gió mùa, ảnh hưởng của núi rừng xen lẫn biển cả, khắc khổ pha hòa với dịu dàng đã ru người chiến sĩ trong một giấc mộng chập chờn, huyền ảo.

Cho đến nay, nền kinh tế của dân tộc Việt Nam vẫn là nền kinh tế nông nghiệp thô sơ nghèo nàn. Người dân quê phải làm ăn đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương mới kiếm được miếng cơm manh áo. Huyền thoại "ông ba bị" và "con ngoáo ộp" đã nói lên cái thử thách đắng cay về kinh tế mà dân ta hằng chịu đựng.

2. Trên dây, ta vừa nói rằng nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là những người từ cổ xưa và từ nhiều nơi tụ lại trên giải đồng bằng nghèo, bên bờ Thái Bình Dương. Nhưng rồi những con người đó vẫn chưa thực sự tìm được sự nghỉ ngơi trên mảnh đất bội bạc. Lịch sở của họ là lịch sử của những nỗ lực không ngùng để trường tồn và phát triển. Trường tồn trong công cuộc chống kẻ thù lăm le thôn tính đất đai của mình,- ba lần từ Bắc phương xuống, một lần từ Tây phương sang. Phát triển trong công cuộc tiến về phương Nam tìm phương sinh sống.

Trước khi tiếp xúc với Tây phương, Việt Nam đã là sân khấu giao động của hai nền văn minh kỳ cựu là văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ, với ba luồng tư tưởng Đông phương đem tới là Khổng, Phật, Lão. Kịp khi gặp gỡ Tây phương, văn hóa Việt Nam lại phải giải quyết sự va chạm giữa nền văn minh đạo đức tinh thần Đông phương với nền văn minh cơ khí vật chất Tây phương. Vào thời đại ngày nay, người ta còn nhận biết vị trí chiến lược của Việt Nam trên trường quốc tế là cái ngã tư quốc tế từ Âu sang Á, một đồn cảng từ biển Nam xâm nhập lục địa. Đó là một niềm vui nhưng đồng thời cũng là một mối lo cho dân tộc.

3. Vài ghi nhận về xã hội Việt Nam- Nét căn bản cần nhắc nhở ngay là
Xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp. Với tinh thần hiếu học, trọng ngăn nắp trật tự, xã hội nông nghiệp đó cho mãi tới thời kỳ gần đây, vẫn đề xướng một thứ bậc xã hội từ trên xuống là sĩ-nông-công-thương.

Xã hội Việt Nam sống tập hợp thành những đơn vị hành chính nhỏ là xóm làng, khoảng dăm ba trăm người quây quần sau lũy tre xanh kiên cố. Xóm làng đã trở thành một thứ "tổ quốc thứ hai" thường được yêu thương và trọng vọng hơn cả tổ quốc lớn. Tuy nhiên, trong những trường hợp trọng đại hay ngặt nghèo của lịch sử thì xóm làng cũng như gia đình cũng mờ xóa đi một cách dễ dàng.

Mặt khác, làng mạc Việt Nam lại hòa mình vào thiên nhiên bao quanh là ruộng đồng, đồi núi, sông ngòi. Như thế, cuộc sống của người dân quê Việt Nam đã diễn ra trọn vẹn giữa lòng thiên nhiên khiến cho thị thành đô hội chỉ còn là những ngoại lệ hiếm hoi. Cho nên người kẻ chợ vẫn hướng về chốn thôn quê cũng là lẽ bình thường vậy.

B. Những Nét Cơ Bản

Những điều kiện địa lý, lịch sử và xã hội gợi lại trên đây giúp ta giải thích những nét lớn trong cá tính của dân tộc Việt Nam mà ta có thể suy nghiệm sau đây:

1. Một đời sống nội tâm phong phú. Trước hết, ta phải công nhận rằng người Viết Nam có một đời sống nội tâm rất phong phú mà biểu lộ là nét mặt trầm ngâm, cử chỉ chậm chạm, nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng từ tốn.

Cuộc sống nội tâm phong phú này chính là do sự tác động của nền kinh tế cơ cực, của dòng lịch sử gian lao của dân tộc ta. Mệt mỏi và thất vọng về bên ngoài, con người phải quay vào nội tâm của mình để tìm ở đó một nơi nương tựa, một chỗ ẩn náu, một phương dệt mộng giải thoát, lên Niết bàn, lạc vào Tiên cảnh, tới miền Thượng giới. Cũng do cuộc sống nội tâm phức tạp này mà nơi mỗi người Việt Nam có hai con người khác nhau: một con người giao tế xã hội trọng nghi thức, ước lệ cùng phong tục tập quán, và một con người riêng tư tìm đến những giá trị siêu nhiên, những thăng hoa cao cả, khó có trong cuộc đời.

Cái thái độ trầm lặng, hiền hòa, quân bình không cần phải cố gắng và chẳng lúc nào có tính cách giả tạo đó, người Tây phương phải công nhận là một thái độ tự nhiên mà thành hiền triết(une attitude de vie naturellement philosophique). Đây cũng là sự theo đuổi của một thứ triết lý"thiên nhân tương dữ", con người với thiên nhiên nối kết với nhau thành một mối, của dân tộc ta vậy. Và cũng bởi nội tâm phong phú đó mà hầu hết các người Việt Nam đều có khuynh hướng tự nhiên về văn học và nghệ thuật vốn đòi hỏi một cảm quan sâu sắc và bén nhạy.

Tất nhiên cái nếp sống nặng về nội tâm này cũng có cái sở đoản của nó: Quay vào trong, con người dễ lãng quên ngoại giới, giảm hạ những kiến thức khoa học về thiên nhiên, kém tiến thủ trong những công trình chinh phục môi sinh, cải thiện đời sống vật chất. May thay nếp sống nội tâm của đa số chúng ta không đi tới chỗ cực đoan để trở thành tiêu cực.

2. Một bản chất giầu tình cảm. Đời sống nội tâm tự nó đã bao gồm tình cảm bên cạnh nhiều chức vụ tâm lý khác. Tuy nhiên xét riêng tình cảm, ta sẽ có nhiều điều đặc biệt để nói về cá tính của dân tộc ta. Hầu hết, những quan hệ xã hội của người Việt Nam,- với đồng bào hay với người nước khác,- được khởi sự bằng tình cảm để phát huy bằng nghĩa vụ, tình và nghĩa gắn liền với nhau khiến quan hệ được trọn vẹn và lâu bền. Nhờ đó, người ta xử sự với nhau bằng tình (tức tình cảm) hơn là bằng lý (tức lý trí), đúng như một câu trong truyện Kiều của Nguyễn Du:

Bề ngoài là lý song trong là tình.

Và chính vì chữ "tình" buộc lấy chỗ "nghĩa" mà Thúy Kiều hỏi vọng Thúy Vân xem đã giúp mình trả nghĩa Kim Trọng chưa:

Tình sâu mong trả nghĩa dầy,
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?

Có những mối tình cảm sâu xa và vững bền đến độ khiến người ta giữ thái độ câm lặng có khi suốt cả cuộc đời. Tình không nói ra bằng lời mà bằng xử sự, bằng nghĩa.

Khác với nhiều người Tây phương, người Việt Nam chủ trương "ơn đền, oán trả". Đó cũng là một nền công lý thế nhân vậy. Những kẻ lợi dụng tình cảm của người khác, những kẻ vong ân bội nghĩa bị người ta lên án một cách nghiêm khắc. Do đó, để bù đắp lại chuyện ơn phải đền, nên mới có chuyện oán phải trả. Nếu bảo "oán không cần trả" thì đặt ra trừng phạt làm gì? Hơn thế, bắt chuyện với một kẻ tội lỗi ngập trời lại còn ngoan cố chạy tội và không quên tìm cách hại mình, đó là điều không thể nào quan niệm được.

Ca ngợi giá trị của tình yêu, các triết gia ngày nay thường nói: Tình yêu là đường lối chân xác và phong phú nhất để con người nhận thức một đối tượng. Ta có thương yêu một người nào thì người đó mới mở toang bản ngã của mình ra cho ta nhận biết.

3. Một đầu óc tổng hợp và dung nạp. Sớm nhận biết những cực đoan trong vũ trụ và nhân sinh, kinh qua bao thử thách của một nền địa lý khắc khổ, và của một lịch sử gian truân, dân tộc Việt Nam đã tạo được một đường lối kinh nghiệm để giải quyết những xung khắc, những mâu thuẫn giữa các sự vật. Với Tây phương, phân tích thì dễ, tổng hợp mới khó. Và họ đã phải công nhận rằng: Phải nhờ có những tổng hợp tài tình, con người mới tạo nên được những công trình thật sự và vĩ đại.

Cũng xin lưu ý rằng trong khoa học nhân văn, đầu óc tổng hợp không phải là thái độ chiết trung tầm thường và đơn giản chỉ gặt hái được những kết quả nghèo nàn và khả nghi. Tổng hợp là tạo nên một thực thể mới khởi đi từ những dữ kiện tách biệt để cuối cùng thì những dữ kiện này không còn hiện diện nguyên hình trong kết quả nữa.

Bây giờ ta hãy xét xem tiền nhân đã đem lại gì cho con người Việt Nam và cá tính dân tộc. Xin kể ra một số những thành quả của khả năng trí tuệ mẫn tiệp này:

- Ta đã nói ở trên kia là người xưa tổng hợp hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ như thế nào. Tiền nhân đã hòa hợp tam giáo Đông phương để theo đuổi, luôn một lúc hoặc theo thứ tự trước sau, triết lý nhập thế hành đạo và triết lý xuất thế hưởng nhàn trong khi vẫn mở rộng tấm lòng cưu mang những kẻ hoạn nạn. Đó chính là nhờ trí và tâm hợp nhất, tinh thần dung nạp đi song song với tinh thần chống mưu đồng hóa của tha nhân.

- Trong phong cách sống, người Việt Nam có những thái độ tưởng chừng mâu thuẫn (nhất là đối với người Tây phương). Một mặt người Việt Nam vừa mơ mộng, lãng mạn như đã nói trên kia, nhưng mặt khác lại thực tế đến chi li, phũ phàng. Nguời Việt Nam chắt chiu từng miếng cơm manh áo, giữ gìn đồng tiền bát gạo, nhìn vào bất luận một sự vật nào ở ngoại giới cũng nghĩ ngay tới một phương tiện mưu sinh, một cơ may tiến thủ. Có khác chi bảo: Người Việt Nam vừa thực tế lại vừa lý tưởng.

- Sống với hiện tại nhưng người Việt Nam vẫn nhớ tới quá khứ một cách thành khẩn và hướng về tương lai với tính phòng xa, cẩn trọng. Học giả Phạm Quỳnh có nói tới đầu óc "phụng tổ tiên và tôn cổ điển" trong nền luân lý cổ của dân tộc Việt Nam. Tương tự thế, người Việt Nam khéo biết nối kết cái nhất thời với cái trường cửu, cái cao với cái thấp, lý trí với tình cảm, kỷ nhân với tha nhân, lòng ẩn nhẫn chịu đựng với ý chí quật cường... kể ra không hết

4. Một lòng yêu nước mãnh liệt phối hợp với tình gia đình mặn nồng. Trong đời sống giầu tình cảm của người Việt Nam, có một tình cảm vượt trội hẳn lên, đã trải qua nhiều thử thách để mỗi ngày một thêm vững mạnh, đó là lòng yêu nước. Trước hết, đây cũng là một điều thuận hợp với chân lý phổ thông trong nhân loại: đất đai càng cằn cỗi bao nhiêu, thiên nhiên càng bạc đãi bao nhiêu, lịch sử càng gian khổ bao nhiêu thì người con dân lại càng tha thiết với quê hương bấy nhiêu. Riêng về nước ta, lịch sử còn ghi rất nhiều những trang oai hùng, hiển hách trong hơn một lần tranh đấu để phục hồi và giữ gìn nền tự chủ cho mình. Điển hình xưa kia là câu nói của Trần Bình Trọng: "Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc". Và thời nay, câu nói của Nguyễn Thái Học: "Không thành công cũng thành nhân".

Lòng ái quốc mãnh liệt trên tuy chỉ biểu hiện từng lúc trong lịch sử quốc gia nhưng luôn luôn không ngừng được bồi đắp bằng một thứ tình gia đình thâm sâu không thể nào tả xiết. Để rồi hai tình yêu vĩ đại đó phối hợp với nhau, dắt díu nhau để gia đình đồng nghĩa với quê hương và đất nước như trong những câu Kiều của Nguyễn Du:

Đoái thương muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
Xót thay thông cỗi, huyên già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi?



*

Để kết thúc, xin mở rộng vấn đề. Cá tính của một dân tộc nào thì cũng có kẻ khen người chê, không phải là không có lý. Nhưng xin nói ngay rằng đó là một thực thể lịch sử mà con người không có thể phủ nhận và phải ít nhiều chấp nhận và tôn trọng.

Với các bạn trẻ hải ngoại, xin nói thêm rằng: Văn hóa cũng như cá tính của dân tộc không phải là những gì bất biến. Đất đai sẽ còn được nuôi dưỡng, lịch sử sẽ còn mở nhiều trang, con người cũng do đó mà đổi thay theo hướng chân thiện mỹ chung của nhân loại. Những sở đoản trong cá tính dân tộc chắc sẽ phôi pha trong suy ngẫm và cố gắng hành động của tất cả mọi người chúng ta hôm nay và mai hậu. Nhưng có điều chắc chắn là những sở trường, những ý nghĩ những tình cảm đẹp lành trong truyền thống dân tộc là điều vĩnh cửu mà ta phải nhìn cho đúng để mà bảo tồn. Bằng không, sẽ chẳng còn có dân tộc Việt Nam trên cõi đời này nữa.



Vài ý kiến về tính cộng đồng của người Việt dưới góc nhìn văn hóa





HỮU NGỌC

Khái niệm: (Cách hiểu khái niệm “Tính cộng đồng của người Việt”) hiểu theo nghĩa rộng thông thường tiếng Việt, đó là ý thức và tình cảm gắn bó người tộc Việt với nhau (tức là tính cộng đồng dân tộc Việt), là hệ thống tư tưởng yêu nước (Trần Văn Giàu). Theo nghĩa hẹp của bộ môn Nhân học văn hóa (Cultural anthropology), tính cộng đồng chỉ sự gắn bó với từng nhóm trong cộng đồng dân tộc lớn… (in-group: gia đình, thân tộc, tôn giáo…) gần như tính tập thể.

Những kết quả nghiên cứu của G. Hofstede thường được sử dụng làm khung cho những công trình nghiên cứu về các vấn đề văn hóa trong doanh nghiệp và quản lý kinh tế. Khung đó đề ra một số yếu tố khiến cho các nền văn hóa dân tộc khác nhau.

Trong những yếu tố đó, yếu tố so sánh tính cá thể, tính cộng đồng (individualism/collectivism) có tầm quan trọng đặc biệt. Hofstede xếp Bắc Mỹ và Tây Âu vào loại văn hóa đậm tính cá thể, các nước châu Á, châu Phi và Nam Mỹ vào loại đậm tính cộng đồng.

Edward Hall đưa ra khái niệm hai loại hình văn hóa: loại hình văn hóa với giao tiếp có bối cảnh cao (high level context communication culture) và loại hình văn hóa giao tiếp có bối cảnh thấp (low level context communication culture). Loại hình thứ nhất phù hợp với những nền văn hóa đậm tính cộng đồng thiên về cảm xúc, thơ mộng, trực giác, tổng hợp, truyền thống. Loại hình thứ hai đặc trưng cho các nền văn hóa đậm tính cá thể thiên về lô-gíc, lý trí, phân tách.

Không đi sâu vào lý luận, ta có thể xếp văn hóa Việt vào loại hình văn hóa đậm tính cộng đồng. Cũng phải nhắc lại là khái niệm tính cộng đồng này của nhân học văn hóa chỉ sự gắn bó với những nhóm (in-group): như gia đình, làng, xã, tổ chức xã hội, tôn giáo… trong cộng đồng dân tộc lớn, với sự tin tưởng là sẽ được những nhóm ấy che chở cho sự gắn bó ấy. Dù hiểu khái niệm tính cộng đồng theo nghĩa nào, cũng có thể coi “tính cộng đồng” là một nét văn hóa Việt.

Cộng đồng dân tộc Việt: Qua nhiều thiên niên kỷ, dân tộc Việt đã hình thành và tự khẳng định hai quá trình lịch sử tiến triển song song: quá trình chung đúc các tộc người Môngôlôit và Nêgrôit ở bên trong, và quá trình tiếp biến văn hóa với các nền văn hóa từ ngoài vào (acculturation). Mỗi nền văn hóa bao gồm nhiều giá trị được biểu tượng hóa (tín hiệu hóa) chi phối tư duy, ứng xử và giao tiếp trong một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy không giống những cộng đồng khác.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam đều thống nhất là giá trị văn hóa chủ yếu của người Việt là tính cộng đồng với nghĩa là tinh thần cộng đồng dân tộc. Xin điểm qua sự biến diễn của tính cộng đồng Việt qua các thời kỳ lịch sử và dấu ấn tích cực hoặc tiêu cực của nó cho đến nay.

Thời kỳ hình thành cộng đồng Việt với văn hóa Đông Nam Á (Thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên). Bản sắc dân tộc (văn hóa) Việt hình thành ở lưu vực sông Hồng, vào thời kỳ đồ đồng Đông Sơn, thuộc nền văn minh lúa nước Đông Nam Á. Không ít người nước ngoài, một số thanh niên Việt Nam, kể cả một vài người trí thức Việt kiều, cho là không có bản sắc Việt vì trong sinh hoạt ngày nay, ăn, mặc, ở, chữ viết, tín ngưỡng… chỉ thấy tuyền Tây, Tàu, Ấn Độ, Mỹ v.v… kể cả tác phẩm dân tộc: Kiều cũng là của Tàu. Nghĩ như vậy là không đi sâu vào quy luật biến diễn của văn hóa và ảnh hưởng của tiếp biến văn hóa khiến cho không có nền văn hóa nào thuần khiết, kể cả các nền văn hóa lớn.

Do địa lý, lịch sử, người Việt đã phải sớm tập hợp nhau chống thiên tai và ngoại xâm nên tính cộng đồng cao. Tính cộng đồng này, qua hàng nghìn năm, được nuôi dưỡng bởi nhiều giá trị văn hóa tạo ra những truyền thống gắn bó người dân, có những yếu tố văn hóa này, như một nhà nghiên cứu Nhật nhận định: “Giống như gió; chúng ta sống trong gió nhưng không nhìn thấy gió”. Xin điểm qua một vài yếu tố văn hóa từ thời xa xưa vẫn in đậm dấu cho đến ngày nay ít ai ngờ.

Trước tiên là huyền thoại. Nhà huyền thoại Mỹ Joseph Campbell cho là đứng ngay giữa một phố ở New York cũng thấy dấu vết huyền thoại. Huyền thoại phản ánh những hoài bão, những vấn đề sâu sắc và lâu dài của dân tộc. Truyện “Lạc Long Quân - Âu Cơ” đến thời hiện đại vẫn còn có khả năng động viên nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp.

Việt Nam Quốc Dân Đảng và các sĩ phu dùng hình ảnh “con Rồng cháu Tiên”; ở đền Hùng, Hồ Chủ tịch gợi lại chuyện vua Hùng để động viên bộ đội tiến về Thủ đô. Tích Thánh Gióng đến nay vẫn còn biểu trưng cho tính cộng đồng dân tộc trong việc giữ làng, giữ nước, lấy bé chống lớn. Tên Gióng còn được đặt cho phong trào thanh thiếu niên sống khỏe, trong khi rất nhiều làng miền Bắc hàng năm tổ chức lễ hội nhắc nhở chiến công oai hùng của dân gian.

Tính cộng đồng gia đình lấy miếng trầu truyền thống làm biểu trưng. Một đám cưới hiện đại, dù có váy đầm cô dâu, smoking chú rể, hàng loạt xe Toyota, vẫn không thể bỏ lễ trầu và câu nhắc nhở nghĩa tình. Tính cộng đồng dân tộc còn được tăng cường qua ngôn ngữ, tín ngưỡng và lối sống nông dân lúa nước, còn tồn tại cho đến ngày nay mặc dù có những thay đổi về hình thức do vận động nội tại và ảnh hưởng ngoại lai. Cái cốt vẫn không mất.

Ngôn ngữ là công cụ hiệu quả để lưu truyền văn hóa cộng đồng. Có những cộng đồng dân tộc (như Do Thái, Phần Lan) rất lâu không có lãnh thổ ổn định mà vẫn vững bền do ngôn ngữ. Tiếng Việt, tuy bị pha đến 60-70% từ gốc Hán, vẫn là yếu tố văn hóa quan trọng đối với cộng đồng Việt, chống lại Hán hóa, Pháp hóa, Mỹ hóa… Không phải vô cớ mà Hồ Chí Minh dịch Croix Rouge là Chữ Thập đỏ thay cho Hồng Thập tự. Tiếng Việt mang một đặc thù không biết có ngôn ngữ nào khác trên thế giới có không; tính cộng đồng dân tộc (kinship) mạnh đến mức ta không có đại từ ngôi thứ nhất và thứ hai chung cho mọi người (như je, vous tiếng Pháp; I, you tiếng Anh…) mà phải dùng tiếng xưng hô trong thân tộc thay: anh, chị, em, bố, mẹ, chú, bác…

Dĩ chí, ta và mình vẫn dùng chỉ cá nhân và nhiều người. Tín ngưỡng cũng là yếu tố tâm linh gắn bó cộng đồng. Cadière có lý khi nhận định tôn giáo thực của người Việt là tín ngưỡng bản địa từ xa xưa, mang tính vật linh. Ta thờ thần, thánh, ma, quỷ… như Thần đạo Nhật Bản. Nhiều tục thờ cúng tồn tại đến ngày nay (cúng Tổ tiên, thờ Mẫu…) gốc từ thời Thượng cổ… có những làng còn vết tích tín ngưỡng phồn thực.

Lối sống nông dân lúa nước, qua mấy nghìn năm, đã tạo ra cho cộng đồng một phong vị độc đáo, mặc dù có quá trình hiện đại hóa, 80% dân vẫn ở nông thôn. Trồng lúa vẫn là cơ bản, kỹ thuật trồng trọt cải tiến nhiều nhưng vẫn từng ấy khâu.

Văn hóa ẩm thực phát triển, du nhập nhiều cái mới, nhưng những món ăn cổ truyền vẫn được ưa chuộng: nước mắm, mắm tôm, tương, cà, thịt cầy, rau muống, riêu cua, bún ốc… các lễ hội mùa xuân đề cao cộng đồng làng xã. Đặc biệt, Tết thể hiện rõ nét nhất bản sắc dân tộc Việt (ý kiến ông Borje Lunggren, nguyên đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam). Ngày Tết, tất cả các người Việt - ở trong và ngoài nước - đều cảm thấy sâu sắc hòa nhập trong cộng đồng Việt.

Tính cộng đồng của người Việt trong thời kỳ tiếp biến văn hóa Trung Quốc (179 tr.CN-1858)

Ta tiếp biến văn hóa Trung Quốc qua giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc và giai đoạn 900 năm các vương triều độc lập. Khi hai nền văn hóa giao tiếp, nền văn hóa bản sắc yếu hơn bị mất nhiều ít, có thể bị tiêu hủy. Bản sắc văn hóa Việt Đông Sơn đủ mạnh để tồn tại và phát triển. Vậy về tính cộng đồng, ta mất gì và được gì? Cũng nên nhận định ngay là trong lĩnh vực phức tạp con người và văn hóa, cái được, cái mất nhiều khi không thể rạch ròi, cái mất có khi lại là nguyên nhân cái được và ngược lại, do tác động biện chứng.

Sự xâm nhập của văn hóa Hán sông Hoàng Hà là một cú “sốc” đối với văn hóa Việt - sông Hồng. Ta mất nhiều giá trị văn hóa bản địa là chất keo gắn bó dân tộc. Điển hình cho tính chất tàn khốc của chính sách Hán hóa là những biện pháp tiêu diệt văn hóa đời Minh, thế kỷ XV: đốt sách vở thư tịch, đưa sang Trung Quốc những trí thức và thợ giỏi… Nghịch lý là chính sự áp bức bóc lột đã gián tiếp nâng cao tính cộng đồng Việt: hàng chục cuộc chiến và nổi dậy đã khiến cho dân tộc đoàn kết mạnh mẽ. Hơn nữa, qua cuộc cọ xát, xung đột với văn hóa Hán, bản sắc dân tộc Việt đã được mài dũa để tự khẳng định mạnh mẽ, đối lập Nam (Việt) với Bắc (Hán). Khổng giáo và Phật giáo du nhập có mặt phá hoại tín ngưỡng bản địa Việt, nhưng dần dần kết hợp với nó, do vậy mà củng cố thêm tính cộng đồng người Việt.



Khổng học có nhiều tiêu cực do khuynh hướng bảo thủ, tồn cổ. Chính vì vậy mà vua tôi triều Nguyễn, không chịu canh tân đất nước như Nhật (ảnh hưởng Nho ít hơn) khiến cho nước ta bị Pháp chiếm. Nhưng Nho học cũng có phần tích cực đối với cộng đồng Việt. Ta đã tiếp một số khái niệm về lý luận xã hội và tổ chức chính trị, tạo thành một triết lý chính trị bảo vệ cộng đồng củng cố trung ương tập quyền để chống ngoại xâm. Có thể dân Chàm một phần thua ta vì thiếu một triết lý chính trị thiết thực như vậy.

Mặt khác, Nho học tăng cường tính cộng đồng dân tộc do đào tạo những con người có nhân cách, biết đạo làm người, đặc biệt là có tư tưởng yêu nước. Thí dụ, thời Pháp thuộc, có nhiều thế hệ Nho học cương quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc (các thế hệ Văn thân, nhà Nho duy tân lớp trước với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, lớp sau như Hồ Chí Minh - Tân học có Nho học như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện).

Phật giáo cùng cả Tam giáo, kết hợp với tín ngưỡng bản địa, là nền tảng tâm linh tăng cường tính cộng đồng người Việt. Người dân thường không cần hiểu biết triết lý sâu xa về sắc không; họ tìm đến ông Bụt để có nguồn an ủi. Làng nào cũng có đình thấm nhuần trật tự Nho học, chùa thờ Phật từ bi, như vậy thực hiện thăng bằng giữa lý trí và tình cảm. Có một thực tế là mặc dù triết học Phật giáo xa lánh việc đời, tránh sát sinh nhưng các nhà sư và Phật tử tham gia đánh giặc giữ nước, nêu cao tinh thần cộng đồng. Phải chăng do dấu ấn thiền tông hay do ảnh hưởng Nho giáo vào Phật giáo?

Tính cộng đồng Việt trong thời kỳ tiếp biến văn hóa Pháp (1858-1945)

Tính cộng đồng của người Việt thời kỳ Pháp thuộc tăng và giảm thế nào? Đây là thời kỳ hiện đại hóa, tức là Tây phương hóa (westernization) lần thứ nhất, với ảnh hưởng văn hóa phương Tây chủ yếu đối với thị dân. Ít nhiều đô thị hóa và công nghiệp hóa phá vỡ tính cộng đồng, tách riêng thành thị và nông thôn (bị coi là nhà quê lạc hậu). Mới đầu những nhà Nho phản ứng chống lại văn hóa “bút chì” để giữ lại “bút lông”.

Nhưng từ những năm 20, giáo dục và văn hóa “bút chì” với quốc ngữ và tiếng Pháp đã ngự trị, mang thêm ít nhiều tính khoa học và dân chủ cho văn hóa Việt. Chỉ tiếc là cho đến nay gần một thế kỉ, ta bỏ hẳn chữ Nho, cả nghiên cứu Hán Nôm cũng chưa làm được mấy để khai thác thư tịch Hán - Nôm đồ sộ. Ta cũng bỏ nghiên cứu Khổng học đã từng là tinh hoa văn hóa cộng đồng Việt hàng bao thế kỷ và hiện vẫn là động lực phát triển của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v… Nhưng kết cục, qua tiếp biến văn hóa Pháp, cộng đồng Việt vẫn giữ được bản sắc và thêm phong phú.

Trước hết, chính sách thực dân áp bức bóc lột thậm tệ khiến cho các tầng lớp nhân dân (kể cả một bộ phận tư sản, địa chủ) đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước phục vụ cách mạng. Lý tưởng Cách mạng Pháp 1789 và chủ nghĩa Mác du nhập vào Việt Nam đã đổi mới tinh thần yêu nước và vũ trang cho phong trào yêu nước những tư tưởng và đường lối hiện đại.

Tư tưởng dân chủ phương Tây được du nhập bao hàm cả tự do cá nhân. Yếu tố này phá hoại tính cộng đồng thân tộc truyền thống Khổng học, đòi hỏi hôn nhân tự do và chống lại gia đình gia trưởng phong kiến. “Cá nhân” (theo khái niệm triết học) do phương Tây tạo ra. Đưa vào Việt Nam, nó đã tạo ra dòng văn học lãng mạn của cái Tôi và Thơ mới vào những năm 30.

Tiến hóa luận của các trường phái dân tộc học cũ đã được chủ nghĩa thực dân sử dụng để tự biện minh (khai hóa các dân tộc chậm tiến). Ý đồ thực dân chủ yếu là khai thác thuộc địa. Nhưng qua tiếp biến văn hóa, cộng đồng Việt đã tạo ra những giá trị văn hóa mới (khoa học tự nhiên và xã hội, văn nghệ, tổ chức xã hội, chính trị…) để xây dựng một cộng đồng mạnh hơn từ 1945.

Tính cộng đồng của người Việt trong thời kỳ hiện đại (từ 1945)

Thời Pháp thuộc chỉ là hiện đại hóa sơ bộ, Việt Nam vẫn còn là một thuộc địa bán phong kiến. Mãi từ 1945, ta mới thực sự bước vào hiện đại hóa toàn xã hội (công nghiệp hóa và đô thị hóa có hệ thống), do cách mạng và chiến tranh cùng ảnh hưởng thế giới đa dạng và sâu sắc. Thời kỳ này có thể chia hai giai đoạn, trước và sau Đổi mới (1986).

1) Giai đoạn trước Đổi mới (1945-1986) có thể coi là giai đoạn quốc tế hóa Việt Nam với hai cuộc chiến tranh 30 năm mang tính quốc tế. Hồ Chí Minh đã thành công trong công cuộc giành lại độc lập dân tộc do chiến lược đoàn kết cộng đồng Việt và gắn vấn đề Việt Nam với đại cục quốc tế, qua con đường chiến thuật xã hội chủ nghĩa để được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ toàn thế giới.

Tính cộng đồng Việt được gì và mất gì trong giai đoạn này?

Cái được vô cùng lớn là giành và giữ được độc lập, qua cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến. Trong suốt lịch sử 3000 năm, có lẽ không bao giờ cộng đồng Việt cảm thấy gắn bó, hào hùng, bằng thời đó. Đặc biệt từ những ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945 đến đầu những năm 50: người Việt nói chung không còn cảm thấy hố xa cách giàu nghèo, sang hèn, giai cấp. Địa chủ hiến đất, tư sản hiến vàng, gái điếm đi làm cứu thương, kẻ cắp xung phong làm tự vệ, dân công tải gạo, tải đạn, nông dân chia xẻ nhà với người tản cư, trong làng đêm ngủ không cần đóng cửa. Tính cộng đồng Việt lên đến điểm cao qua mấy chục năm xương máu. Trong giai đoạn này cũng hình thành nền văn hóa dân tộc, khoa học và đại chúng (gắn tri thức với đại chúng).

Tiếc thay, trong giai đoạn này, có một số sự việc ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng Việt (đây chỉ là nhận xét khách quan không đánh giá đúng sai). Đó là cải cách ruộng đất, có mặt đánh vào gốc rễ đạo lý cổ truyền và cơ sở làng xã, (Hồ Chủ tịch đã cho sửa sai), chia cắt đất nước sau 1954 (do ý đồ áp đặt của các cường quốc trong khuôn khổ chiến tranh lạnh), việc hai triệu người Việt di cư. Đó là những vết thương cần tiếp tục được hàn gắn nếu muốn tăng tính cộng đồng người Việt trong nước ngoài nước; và giữa trong ngoài.

2) Trong giai đoạn từ Đổi mới (1986) đến nay, Việt Nam được đánh dấu bởi toàn cầu hóa, khu vực hóa (gia nhập ASEM, 1995), và gia nhập khối Pháp ngữ. Sự hòa nhập này khiến cộng đồng người Việt đứng trước khả năng mạnh hơn nhưng sẽ khó khăn.

Thời kỳ hậu chiến (1975) có 2 vấn đề nổi cộm:

1) Khủng hoảng kinh tế xã hội 15 năm (đến 1995) do thiên tai liên tiếp, các vấn đề Khmer đỏ và Trung Quốc ở biên giới, một số chính sách kinh tế xã hội gây ra “thuyền nhân”.

2) Đuổi theo kinh tế các nước Đông Nam Á, không tụt hậu - cạnh tranh trong toàn cầu hóa, chính sách Đổi mới là chìa khóa mở đường giải quyết các vấn đề trên. Toàn cầu hóa nói chung có lợi cho các nước giàu và hại cho các nước nghèo, mặc dù cũng đưa lại cho các nước này những cơ may (do điện tử hóa, thông tin, giao thông phát triển). Muốn gia nhập một thế giới gắn liền văn hóa và kinh tế, cộng đồng Việt phải vừa có khả năng hòa nhập vào cái chung, vừa mang lại được cho cái chung nét riêng của mình. Cộng đồng Việt muốn thành công về kinh tế, phải bảo tồn được và phát triển bản sắc văn hóa Việt.



Vài nhận xét về tính cộng đồng của người Việt (theo nghĩa rộng và hẹp).

Tính cộng động của người Việt (hiểu theo nghĩa rộng: tính cộng đồng dân tộc Việt, lòng yêu nước) là một đặc điểm của bản sắc dân tộc. Ta chưa đi sâu nghiên cứu đặc tính của nó và so với tính cộng đồng của các dân tộc khác. Nghiên cứu cộng đồng Việt kiều ở ngoài nước có thể giúp ta hiểu thêm cộng đồng dân tộc Việt nói chung.

- Trong tính cộng đồng dân tộc Việt, dường như tính cộng đồng gia đình là quan trọng nhất. Điều này thấy rõ ở những gia đình Việt kiều ở Mỹ: Điển hình sự thành công của “thuyền nhân” Việt ở Mỹ là: 5-6 năm đầu bố mẹ đi làm cái lực để cho con cái đi học, con cũng ra sức học tập để đền bù lại; và sau gia đình trở nên khá giả. Tính cộng đồng này thường cũng mở rộng ra gia đình lớn rồi mới đến gia tộc và đồng hương. Theo nghiên cứu của Y. Higuchi, trình tự quan trọng trong quan hệ xã hội của người Việt là: 1) gia đình, 2) bạn bè, 3) trong lao động; của người Nhật là: 1) bạn bè, 2) gia đình, 3) trong lao động.

- Do tính cộng đồng Việt nặng về gia đình - gia tộc, quê hương, nhẹ mở ra đến dân tộc (trừ trường hợp chống ngoại xâm, thiên tai…), nên sự đoàn kết giúp đỡ nhau ở nước ngoài của cộng đồng Việt kiều kém Hoa kiều hay Do Thái (nhất là về mặt làm ăn, doanh nghiệp).

Người Hoa và người Do Thái có kinh nghiệm sống lưu vong, muốn tồn tại phải đặt quyền lợi cộng đồng dân tộc lên trên chính kiến. Người ta kể lại là tại các chợ Tàu ở Mỹ có những cửa hàng cạnh nhau bán sách báo, một bên trưng bày ảnh Mao Trạch Đông, một bên ảnh Tưởng Giới Thạch. Họ buôn bán hòa thuận với nhau, Hoa kiều hai bên có hai tờ báo khác nhau, tổ chức hai ngày Quốc khánh, tránh xô xát để nước chủ nhà chấp nhận. Việt kiều của ta có một số quá ồn ào.

- Riêng cộng đồng Việt ở Mỹ hàng năm gửi về nhà hơn 2 tỷ đôla. Sự đóng góp có thể hơn nữa, ấy là chưa kể về chất xám và vốn doanh nghiệp… Để tranh thủ cộng đồng Việt kiều cần tạo điều kiện để nó thành bộ phận hữu cơ với người Việt trong nước. Ta càng ngày càng có những biện pháp đúng đắn nhưng vẫn chưa đủ, nhất là về mặt tư tưởng - văn hóa (luôn gắn với kinh tế).

Chiến tranh đã qua hơn 30 năm, mặt khác, người dân thường không phải ai cũng có ý thức cách mạng; rất có thể, ai có gia đình ngoài Bắc thì thành Việt cộng, ở trong Nam thì thành Ngụy. Một gia đình thường có cả hai bên. Đã đến lúc xóa bỏ sự khác biệt bằng Đại Đoàn Kết, để Việt kiều và người dân vùng bị chiếm trong Nam hết mặc cảm mà đóng góp về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, khoa học… Thiết nghĩ khi không cần thiết nên dùng “Chế độ Sài Gòn” thay cho từ “Ngụy”. Mặt khác, phải đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa, chống tham ô, và tăng trưởng kinh tế có hiệu quả để người Việt ngoài và cả trong nước tăng thêm lòng tin vào cộng đồng của mình.

“MC Kỳ Duyên đừng nhìn vào vài tiếng chửi thề mà quy kết văn hóa Việt”



Chuyện MC Kỳ Duyên nhận định rằng: Văn hóa Việt ngồi rình để chỉ trích đã nhận được nhiều ‘gạch đá’ của độc giả nhưng cũng nhận được sự đồng tình của một số người trong giới showbiz.

Ông Vũ Tuấn Anh – Viện quản lý Kinh tế chia sẻ rằng, chuyện chỉ trích MC Kỳ Duyên của nhiều độc giả khiến ông liên tưởng đến câu chuyện về bức ảnh mạng dây điện chằng chịt ở Việt Nam trên facebook tỷ phú Bill Gates. Nhận định của MC Kỳ Duyên về văn hóa Việt, cái cách mà cô tự hào là thế hệ ‘banana’ đã được blogger Mõ làng chia sẻ:

“Nhắc đến Nguyễn Cao Kỳ Duyên người ta nghĩ ngay đến người cha của cô – cố phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ. Cũng như những người dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa ngày ấy, Nguyễn Cao Kỳ đã mang theo gia đình, người thân trong cuộc chạy trốn lịch sử sau ngày 30/04/1975 và những người như Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã mang trên mình một danh phận Việt kiều Mỹ và có phần sung sướng, hạnh phúc với cái danh hiệu “cao quý này”.

Cũng chính mang trên mình quốc tịch Mỹ, được học hành và hưởng thụ văn hóa Mỹ nên nhiều lần phát biểu trên các trang mạng nước ngoài, hải ngoại cô đã tự cho mình cái danh hiệu là “banana” (quả chuối) với cách lí giải: “ở ngoài vàng nhưng ở trong lại trắng”.

Trong ý tứ của câu này, cô tự cho rằng, bản thân mình chỉ mang trên mình những ngoại hình, màu tóc, làn da của người Việt nhưng cái tính cách, văn hóa và cả lối sống thì hoàn toàn không mà là của đất nước mà cô đang đứng chân, sinh sống và có cả gia đình ở đó. Hay nói cách khác, dân tộc Việt chỉ cho cô được cái hình hài của một con người nhưng cái làm nên những phẩm chất, bản năng và khí chất là dân tộc Mỹ.

Với những luận giải này, chúng ta không có một hoài nghi nào bởi cái ngày ra đi đó, Kỳ Duyên còn quá nhỏ để thấm đẫm trên mình những nét văn hóa thuần Việt và khi sang một đất nước có nhiều yếu tố tân kỳ như Mỹ thì chuyện phai nhạt đi những thứ vốn có và nhanh chóng tiếp thu những nét văn hóa, lối sống, cách nghĩ tại nước là chuyện rất bình thường. Thậm chí là một trong những yếu tố đảm bảo cho họ có thể sinh tồn và đứng vững nơi đất khách quê người.

Nhưng Nguyễn Cao Kỳ Duyên không nói ra điều này để lí giải việc cô không trở về Việt Nam sinh sống hay có những hoạt động thăm thân, thăm cố quốc mà dường như đó là tiền đề để MC hải ngoại này chuyển tải điều mình muốn nói: Lên án tính cách Việt “ngồi rình để chỉ trích”.

Ngồi nghe Kỳ Duyên trần tình về những lí do mà dẫn đến việc Duyên đưa ra nhận định đó từ việc chính cô sử dụng những tiện ích từ mạng xã hội Facebook. Với những tính năng, tiện ích trong giao lưu, quan hệ bạn bè tình cảm thì không có lí do gì để Kỳ Duyên từ chối không tham gia Facebook và dĩ nhiên với một người nổi tiếng như cô thì việc được cộng đồng mạng để ý đến là chuyện cũng hết sức bình thường, chưa kể có người sẽ kết bạn và dõi theo các hoạt động nghệ thuật, cuộc sống của cô trên chính Facebook.

Nhu cầu được chia sẻ các hoạt động mang tính cá nhân cũng vì vậy mà được diễn ra. Song mọi chuyện chỉ bắt đầu khi: “Cho đến gần đây qua mạng lưới mở rộng và kết hợp của Facebook, tôi mới nếm thử mùi vị của “văn hóa chỉ trích” này. Tôi đã bị không phải một lần mà bao nhiều lần, hầu như mỗi khi tôi post hình đi nghỉ mát, đi chơi, đi ăn hoặc những món ăn lạ (như bao nhiều triệu người khác trên Facebook) thì y rằng cũng có vài người hằn học comment “Sao không để tiền đi làm từ thiện?”, “Có biết là bao nhiều người đang đói khổ không?”

Tôi “phiên dịch” như vậy nghe cho lịch sự chứ thật ra có nhiều câu nghe không được ngọt ngào như vậy đâu”.

Là một người dẫn chính trong chương trình Paris by Night và hành nghề luật sư như Kỳ Duyên thì kinh tế không phải là điều khiến cô bận tâm nhiều vì những khoản thu nhập khổng lồ, thường xuyên từ các hoạt động này. Có tiền nên khi rãnh rỗi, không có những sự kiện lớn thì việc cô đi nghỉ mát, đi chơi, đi ăn hoặc những món ăn lạ là những nhu cầu bình thường, tất yếu và đó như là phần thưởng cho những tháng ngày hoạt động nghệ thuật mệt nhọc và căng thẳng.

Khi rời những lần vui chơi, giải trí đó, điều mà Kỳ Duyên lưu giữ lại chính là những khuôn hình đẹp và Duyên cũng muốn chia sẻ cho những người bạn, cộng đồng mạng biết và đó cũng là một cách PR cho những sự sang trọng, cuộc sống giàu có của chính mình. Những thứ đó, không ai trách Duyên vì đó thực sự là những điều mà biết bao người dân Việt đang mong ước.

Nhưng Duyên cũng không nên vội vàng đưa ra cho mình những nhận định về tính cách Việt chỉ dựa trên một vài nhận xét của một vài người như vậy. Duyên không thể chỉ nhìn vào những tiếng chửi thề, những sự khác biệt giữa những người Việt với một ngôi sao thần tượng Angelina Jolie để đưa ra những quy kết khó hiểu và mang tính mạt sát đến vậy.

Bởi một trong những đặc tính chính làm nên tính cách Việt truyền thống đó chính là tính cộng đồng, tập thể trong những hoạt động sinh hoạt và tình cảm, đây cũng là yếu tố làm nên sức mạnh dân tộc Việt trong đương đầu với thiên tai, giặc ngoại xâm trong quá khứ. Hiện tại, dân tộc Việt không còn đương đầu với những kẻ thù xâm lược trực tiếp nhưng đâu đó trên đất nước hình chữ S thân yêu này vẫn còn có những cảnh tượng đau lòng, những mất mát cần sự sẻ chia, chung tay của cộng đồng.

Những mất mát, thương vong do những đợt bão lũ gây ra cho dải đất Miền Trung đã làm quặn thắt những tấm lòng người Việt xa xứ và họ đã hướng về đồng bào vùng lũ nơi tổ quốc thân yêu bằng những nghĩa cử tình đồng bào: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” với mong muốn làm vơi bớt đi nỗi đau của những người dân nghèo lam lũ.

Những tấm lòng nhân nghĩa, cao cả đã làm thức tỉnh và chi phối những hành động của người dân Việt, những người mang dòng máu Việt tạo nên một hoạt động thu hút nhiều người tham gia… Nguyễn Cao Kỳ Duyên cũng là một người Mỹ (Quốc tịch Mỹ) nhưng cô lại mang trong mình dòng máu Việt, hình hài và một chút ít tính cách Việt nên cộng đồng mạng cũng mong muốn cô không phải là kẻ lạc loài, cho nên khi chứng kiến những hình ảnh về sự vui chơi, giải trí của cô đã khiến những cư dân mạng thấy bất đồng và khó chấp nhận.

Họ không thể lí giải được sự hững hờ, vô tâm của một con dân Việt xa xứ…tất nhiên là họ có cho mình những nhận xét này khi họ chưa hiểu Kỳ Duyên có hoạt động từ thiện hay không (đó là điều đáng trách của cư dân mạng). Từ những điều này cho thấy một điều, chính cái phong cách sống vì tập thể, cộng đồng nên những cư dân mạng trên đã không thể chấp nhận việc Duyên đứng ngoài cuộc.

Đó là lí do để những người này lên mạng để lên án cô và cũng là lí do để nói rằng, quan điểm của cô lẫn Nguyễn Ngọc Ngạn: “Văn hóa phương Tây thiên về khuyến khích, văn hóa Việt Nam thiên về chỉ trích” là hoàn toàn không chuẩn xác.

Cũng nói thêm, kể từ thời điểm năm 2004 khi người cha quá cố của cô trở về thăm lại cố quốc sau bao năm xa cách cùng những động thái xin lỗi dân tộc Việt Nam, những người dân Việt Nam thì dù không nói nhưng với tấm lòng vị tha, những người dân Việt đã đón nhận ông Kỳ cùng gia đình như những người con xa xứ lâu ngày trở về.

Sự kỳ vọng về những hành động đáp lại thịnh tình của người dân Việt cũng lớn hơn, chí ít họ cũng hi vọng là gia đình ông Kỳ, trong đó có Kỳ Duyên dù không làm được gì cho dân tộc thì cũng đừng làm gì có lỗi với dân tộc, đất nước Việt Nam. Cũng chính sự kỳ vọng quá lớn ấy nên khi chứng kiến những hình ảnh thể hiện sự xa hoa, khác hẳn với cuộc sống Việt, nhất là những khó khăn của người dân miền Trung đã khiến họ phật lòng, cho rằng, gia đình ông Kỳ đã không thành tâm trong việc hướng về cố quốc thân yêu, thậm chí có người còn cho rằng, đó chỉ là sự giả tạo.

Chắc chắn Nguyễn Cao Kỳ Duyên không hiểu được ý tứ đó và dẫn đến những quy chụp khó hiểu, không chuẩn xác khi nói về sự khác nhau giữa văn hóa Mỹ và Việt với những dẫn chứng cụ thể và đi đến kết luận: “Nói chung là văn hóa ngoại quốc khi làm điều gì tốt đều được khen ngợi khuyến khích. Còn văn hóa mình thì ngồi rình để chỉ trích. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cách suy nghĩ nhất là đối với lớp trẻ ngày nay để xã hội càng ngày càng tốt đẹp và tích cực hơn”.

Qua câu chuyện này nên chăng chúng ta cũng nên hiểu thêm về tính cách Việt trong con người Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Cô thực sự đã vơi cạn, mất mát đi nhiều tính cách, khí chất Việt trong nguồn huyết quản của chính mình. Đây cũng là nguyên nhân lớn nhất khiến cô lạc lõng trong những dòng chảy cuộc sống hôm nay của dân tộc Việt. Nên chăng, trước khi phê phán một điều gì đó thì việc đầu tiên là cô nên kiếm tìm lại những huyết quản đã mất bởi xưa nay “Con không chê cha mẹ khó…”./.

Theo Giáo dục Việt Nam

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Phía Sau Người Đàn Ông

 

Truyện ngắn
Ngô Thị Ý Nhi



Thằng Hai cưới vợ. Dù đã mong mòi chuyện này từ lâu lắm rồi, vậy mà khi nó đến, đến một cách nghiêm túc thì vợ chồng tôi, chẳng ai bảo ai, cả hai đều ngấm ngầm cảm thấy đôi chút ngỡ ngàng. Chỉ một chút thôi. Thằng con ngót nghét ba mươi rồi còn gì nữa. Ơn trời, mình chỉ một mà nên người. Chẳng tài ba lỗi lạc gì nhưng người ta trình độ Đại học thì nó cũng có bằng Đại học; ngừi ta có xe thì nó cũng có xe; người ta có nhà thì nó cũng xoay xở kiếm miếng đất cất căn nhà tàm tạm. Dù đất và nhà ở khá xa trung tâm thành phố và tậu được bằng cách thế chấp… căn nhà vợ chồng tôi đang ở để vay vốn ngân hàng. Thôi thì cứ để từ từ đi làm trả nợ. Nó còn trẻ, đời còn dài, lại cần cù chăm chỉ. Nói không phải huênh hoang gì, thời buổi này kiếm được một thằng biết ăn biết làm, tư cách như thằng Hai đâu phải là chuyện dễ. Cũng năm bảy cô rồi đó chứ. Lần lượt đến rồi đi. Chẳng qua không phải duyên phải số. Riết rồi tôi chán ngán , không còn để tâm ngắm nghía cô này, chấm điểm cô kia nữa. Đùng một cái, nó tuyên bố cưới. Tôi hoàn toàn bất ngờ. Nhìn lại con bé… Nó là con bé thật, còn trẻ lắm. Váy hoa, giày gót cao, vừa đi vừa tung tẩy một bịch trái cây. Lần ra mắt đầu tiên là như thế đó. Và y như rằng khi mở gói quà ra thì một chục quả hồng giập bảy còn ba. Kiểu này chắc thằng con sắp rước một tiểu thư kẻ hầu người hạ, không hề mó tay đến việc nhà. Rồi làm sao đây? Nhà mình vốn tuềnh toàng quen nếp rồi, con ơi, giàu mà làm gì! Nói điều này với ông xã, ông tỉnh bơ: “Bà sợ giàu à? Tui đâu có sợ. Hồi đó bà mà giàu tui cũng cứ cưới.” Cái giọng ngang phè phè. Tôi quay ngoắt đi, ấm ức. Vợ chồng khắc tuổi nhau là thế đó. Chẳng chia sẻ, bàn bạc với nhau được nửa lời. Mở miệng chỉ có dấm dẳng cải nhau. Tôi dè dặt hỏi thăm cho rõ ngọn nguồn thì thằng con đủng đỉnh “Giàu có gì đâu. Gia đình người ta cũng mua bán thường thôi. Mà mẹ thắc mắc làm gì. Ba mẹ cứ lên thăm một chuyến rồi sắp xếp giùm con. Tụi con quyết định tiến tới. Cũng đã tìm hiểu kỹ rồi mẹ ạ”. Thời buổi này con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy. Vẫn biết vậy nhưng tôi không khỏi băn khoăn. Con bé có cái tên điệu đàng, rất tiểu thư, Lê Quỳnh Châu, thua thằng Hai sáu tuổi. Giật mình, thì tôi cũng thua ông xã sáu tuổi. Nó cũng tuổi Dần giống tôi. Tôi đâu có mong điều này. Vợ chồng tôi suốt đời lận đận chẳng bằng ai. Lấy nhau rồi tiếp theo là một chuỗi dài đầu tắt mặt tối. Đẻ được thằng con ổng hứng chí gọi ngay “thằng Hai”, cười hể hả “Rồi mình sẽ có thêm thằng Ba, thằng Tư, con Năm, con Sáu…” Tính ông xã tôi là vậy. Lạc quan bất cần thực tế. Hơn ba chục năm trời rồi, chúng tôi chỉ dám có mỗi thằng Hai. Chạy vạy chật vật lắm mới được chỗ ở ổn định, ông xã xin được chân bảo vệ cho một trường cấp hai. Có đôi chút chữ nghĩa dần dần ông phấn đấu được làm giám thị rồi tổ trưởng tổ giám thị mà ông vẫn tự phong là Tổng giám thị. Tôi biết, con đường “thăng tiến” của chồng tôi chỉ đến đó là cao. Dù sao thì cũng có “chức sắc” với đời. Mấy bà phụ huynh quanh xóm vẫn gọi tôi bằng “cô”. Học sinh quen biết gặp tôi cũng chào thưa đàng hoàng lễ phép. Một số đồng nghiệp của chồng vẫn coi tôi là chỗ quen biết thân tình. Số là ông xã tôi tuy “chức sắc” vậy đó nhưng thu nhập chẳng đâu vào đâu. Cũng chỉ đủ chi tiêu vặt vãnh. Mọi thứ phải trông chờ vào “cơ sở” vắt sổ và làm khuy nút của tôi. Tôi lại liên hệ được một số vải khúc đem về bán. Vài đầu khúc ngắn có, dài có. Tôi cân ký bán lại giá cực rẽ. Đồng lương giáo viên eo hẹp lắm. Chuyện shopping với hàng hiệu vô cùng hạn chế. Các cô thường ghé tôi, chọn lựa vài khúc vải về xoay xở cũng thành cái áo. Khéo léo một chút cũng mốt này, mốt kia. Tôi vốn biết đôi chút về kỹ thuật cắt may trở thành một tư vấn sáng giá. Thân tình lắm.



Ông xã tôi đi làm về cứ im ỉm làm như tôi là cái thứ không hiểu biết gì, không đáng để ông kể chuyện này chuyện kia. Coi thường nhau quá đấy. Nói thật, cổng trường đó tôi không hề bước vào nhưng tôi biết hết. Cái trường bé chút xíu thế mà cứ sôi lên sùng sục như một chính trường thật sự. Công đoàn đấu tranh. Phát biểu, phê bình, đơn từ kiện cáo… Ông này xuống, ông kia lên. Lên lên xuống xuống đến chóng mặt.



Hôm nay, không hẹn mà gặp, cả ba cô cùng “họp” ở nhà tôi cùng một lúc. Cô Linh dạy Lý, cô Mùi dạy Sử, cô Nga dạy Sinh. Chắc các cô nghe tin có đợt vải mới về. Ai cũng muốn nhanh tay lựa chọn. Căn phòng nhỏ xíu của tôi rôm rã tiếng nói cười quanh “bãi chiến trường” ngổn ngang màu sắc. Tôi đang hoan hỉ tư vấn bán hàng thì cô con dâu tương lai xuất hiện. Quần jean bó sát, áo rộng thùng thình lại thêm cặp kính sậm màu rất đúng mốt. Trông nó cứ y như trong phim Hàn quốc bước ra. Nó gỡ kính chào thưa lễ phép. Mặt hoa da phấn thoang thoảng hương thơm chẳng biết hương gì. Ngây ngất! Nó đưa tôi một xấp hồ sơ bảo là của thằng Hai gởi đem về. Rồi nó rút điện thoại ra quẹt quẹt í ới gọi một hồi mới lên xe phóng vút đi. Các cô thì thào đầy ngưỡng mộ:



- Chắc giàu lắm há chị Năm?



Tôi lắc đầu quầy quậy nhưng hả hê nở từng khúc ruột:



- Tui đâu biết. Mà tui đâu có ham giàu. Cưới vợ giàu đôi khi… khó ăn khó nói.



- Ừ, thì bà chị chê tiền. Mà nó gốc gác bự không? Tiền còn thua thế. Nhất thế nhì tiền..



- Đúng, quá đúng. Cứ xem ông xếp mới của mình. Xếp mình hét ra lửa…



Kênh thời sự đột ngột chuyển đề tài. Tôi quăng cây thước trước mặt ngồi xổm lên đống vải bừa bộn đủ màu há hốc mồm chăm chú tiếp nhận thông tin nóng hổi. Nghe đâu ông xếp mới vốn gốc gác trên phòng Giáo dục, về trường ngồi ghế phó chừng hơn năm đã nhảy lên ngai là nhờ phu nhân gốc gác chi chi đó trên Quận ủy. Nghe vậy biết vậy. Chẳng ai mục sở thị cái chi chi cả. Nhưng từ ngày đăng quang nhậm chức cơ sở vật chất nhà trường được chiếu cố nhiều hơn. Kinh phí được duyệt xây cái này, nâng cấp cái khác. Có tiền, bộ mặt nhà trường thay đổi thấy rõ. Đi kèm vào đó bao nhiêu vấn đề mới phát sinh. Tiền trường đẻ ra trăm thứ để thu. Tội nghiệp tụi nhỏ vốn ở địa bàn con em lao động. Người ta lại kháo nhau những nhập nhằng khuất tất. Lại mâu thuẫn mới phát sinh. Truyền thống trường này vốn dữ dằn mà. Lãnh đạo một tập thể mà tình hình luôn mấp mé ở điểm sôi thì cứ như ngồi trên đống lửa. Đây là đất nghịch. Tâm hồn tôi đang phơi phới bay lên thì cô Linh xùy một tiếng:



- Chuyện đó xưa rồi. Bao nhiêu việc rành rành trước mắt có thấy ai thưa kiện gì đâu. Chẳng qua liệu thế mình thưa không được thì… hổng thưa.



- Cứ việc góp ý, cứ việc phê bình cứ việc họp hành phát biểu. Chúng tôi xin tiếp thu rồi… để đó. Việc tôi, tôi cứ làm. Nghĩa là… đoàn lữ hành cứ đi.



Cả ba cô cười phá lên. Tôi chẳng hiểu gì mấy cũng chống tay lên đống vải cười theo. Cô Hoa với tay lấy túi xách rút ra một tờ báo:



- Thấy cái này chưa? Phía sau người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ.



Hai cô kia nhao nhao lên:



- Biết rồi, người ta chuyền nhau khắp trường.



- Ờ, ai vẽ vô tình mà giống y chang chuyện mình. Mà ở đâu bà có tờ báo đó?



Cô Hoa hươ hươ tờ báo sôi nổi:



- Tui tìm mua. Hay quá mà. Mua về coi cho đã.



Tôi rướn người với lấy tờ báo. Một góc biếm họa nho nhỏ. Một cái ghế bốn chân. Hai chân trước là chân ghế nhưng hai chân sau là… chân người. Chân một phụ nữ thì đúng hơn. Không phải loại chân dài siêu mẫu mà là một cặp giò múp míp, bề thế vững vàng. Tôi há hốc mồm ngồi xem. Thần kỳ! Biếm như thế mới là biếm chứ. Cực kỳ sâu sắc.



Tiếng xe máy ngừng trước cửa. Ông xã về. Tôi nhanh tay gác tờ báo lên nóc tủ. Cô Hoa nháy nhó nhưng tôi lờ đi. Ý chừng mình có làm điều gì không đúng cả ba cô len lén nhìn nhau, giả lả đôi câu rồi rút. Ông xã tôi lầm lì vào thẳng phòng trong. Đang cơn hưng phấn, bất chấp bộ mặt hình sự của chồng, tôi hí hửng rút tờ báo trên nóc tủ chạy theo. Hươ hươ tờ báo trước mặt chồng, mắt tôi sáng lên, giọng tôi lãnh lót:



- Ông coi này, phía sau người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ.



Ông xã tôi thả người đánh phịch xuống giường, vò đầu bứt tóc:



- Biết rồi, khổ lắm. Còn phía sau lưng tôi là một cái chợ chồm hỗm.



*



- Bà chuẩn bị hành lý. Đi bốn ngày.



Tôi quay ngoắt lại, phản ứng không cần suy nghĩ:



- Đi thăm sui gia ở làm chi bốn ngày.



- Thăm một buổi, ở bốn ngày. Ở khách sạn.



- Khách sạn năm sao hả?



Không thèm trả lời câu hỏi móc máy của tôi, ông xã bỏ lên gác. Tôi chợt khựng lại bên mớ áo quần ngổn ngang. Mới hôm bữa đây thôi, mấy cô khúc khích bảo tôi: “Chuyến này ông xã bà xin nghĩ dài ngày, kết hợp hỏi vợ cho con và… hâm nóng ái tình”. Mặt tôi nóng bừng lên. Tôi nhìn chiếc va li đặt ở góc phòng, áo sơ mi ông xã, áo hoa của tôi. Những chiếc áo rẻ tiền mà tôi xoay xở bằng ngân sách eo hẹp của gia đình. Tôi sẽ xếp chúng vào chiếc va li kia. Ừ, lạ thật, từ trước đến giờ chúng tôi rất ít khi đi du lịch với nhau. Bù đầu vì cơm áo. Cuối năm ông xã theo trường đi chơi. Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu… Không bao giờ ông đăng ký cho tôi theo. Đi một mình với bạn bè để còn bù khú nhậu nhẹt. Tôi cũng không đòi hỏi. Ông nói ngược bà nói xuôi, phơi ra trước mắt mọi người khó coi lắm. Tôi có nguồn vui của tôi. Tôi đi chùa. Theo nhóm bạn bè tập thể dục mỗi sáng, nếu có dịp là rủ nhau đi năm bảy chùa. Tha hồ cầu tài, cầu lộc thoải mái Thôi, đàn bà miễn sao có chồng có con là được. Tôi đi coi thầy, mười ông như một đều bảo vợ chồng tôi khắc tuổi. Mà tôi tuổi dần. Con gái tuổi dần xếp hàng đầy ra đó. Ai dám rước. Kêu ca gì nữa. Cũng tội ông xã tôi lận đận cũng bởi tại tôi. Biết đâu cưới một bà khác ông không dại dột đưa đầu vào ngôi trường cấp hai đó để làm ông “quan Tổng”, cuộc đời lại phất lên. Tôi cầm chiếc áo sơ mi sọc xanh, chiếc áo mới giặt xong còn thơm mùi nắng gió. Áp lên mặt, tôi hít một hơi dài nhè nhẹ…



- Nhớ chuẩn bị áo ấm. Mùa này trên đó lạnh lắm đấy.



Tôi quay người thả chiếc áo xuống dấm dẳng:



- Ai chẳng biết. Làm như tôi quê mùa cả đời không biết Đà Lạt.



- Đi bốn ngày.



- Thì bốn ngày. Một tuần, một tháng cũng được miễn có tiền. Mà ông mắc cái chứng gì vậy? Trước giờ ông ôm khư khư cái trường. Vợ đau, con ốm nghĩ một bữa là cắt tiên tiến, cắt khen thưởng, cắt… cắt…



- Cắt cái gì cũng mặc. Có làm có nghĩ.



-Luật lệ ở trong tay ông chắc. Ờ, cứ đóng góp ý kiến, cứ phát biểu, cứ phê bình. Chúng tôi xin tiếp thu rồi để đó. Đoàn lữ hành cứ đi.



Như bị điện giật, ông xã tôi quay ngoắt lại:



- Bà bảo ai là chó?



Tôi ngơ ngác:



- Hay chưa. Ông chưa già đã nghễnh ngãng. Tui đâu nói ai chó. Tui nói đoàn lữ hành mà.

Ông xã tôi thả người xuống giường, nhìn tôi hạ giọng nói chậm rãi, nhấn từng lời như một ông thầy đau khổ kiên trì giảng giải cho một học sinh chậm tiếp thu:



- Này, khổ lắm! Khi nói phải hiểu mình nói cái gì. Đừng nghe ai nói sao mình cũng học nói theo làm vậy. Có ngày mang họa vào thân



Tôi cố chống chế:



- Nghe sao nói vậy thì đã sao. Tui là… dư luận quần chúng mà. Dư luận vậy đó. Nghe được thì nghe, không nghe được, bỏ.



Vứt đống áo quần ngổn ngang đó tôi đi xuống bếp. Đàn bà phải lo trăm thứ chuyện. Lo đến mất ăn mất ngủ. Lần đầu làm sui lại bất ngờ cập rập quá nên chẳng biết phải làm sao. May mà còn có bạn bè quen biết mỗi người một câu góp ý. Họ bày vẽ cho tôi phải ăn nói thế nào, ứng xử ra sao để nắm được thế chủ động. Mình nghèo nhưng người ta phải nể trọng mình.



Tôi mang tất cả mớ hổ lốn đó lên đường. Lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt thật. Cái tổ thể dục của tôi đâu đủ điều kiện rủ nhau lần mò đến đây. Tôi choáng ngợp trước không gian xanh bạt ngàn nắng gió. Xe đi dần vào thành phố. Những ngôi nhà chìm dưới bóng cây. Mỗi ngôi nhà một kiểu. Hoa và hoa. Đâu đó trong những ngôi biệt thự này có biệt thự của chị em tiểu thư Lê Quỳnh Châu. Năm chị em gái. Lê Quỳnh Châu, Lê Quỳnh Lan, Quỳnh Nga, Quỳnh Anh, Quỳnh Chi. Tôi bắt đầu thấy khớp, lo lắng ra mặt len lén nhìn ông xã. Nhưng ổng tỉnh bơ. Cái tỉnh bơ cố hữu lầm lì.



Hai đứa tụi nó đón chúng tôi ở bến xe và đưa chúng tôi về khách sạn.



Ngày đầu tiên, chẳng có gì vội vàng, chỉ để dành thư giản. Buổi sáng, chẳng ai bảo ai, vợ chồng cùng dậy sớm, gởi chìa khóa cho khách sạn rồi đi loanh quanh. Trên con dốc vắng có hai chiếc bóng đi sát vào nhau. Cô gái váy hoa mềm mại, tóc bay, áo bay, khăn quàng bỏ lửng. Và chàng trai, chẳng khó khăn gì để nhận ra vóc dáng to cao quen thuộc đó. Triền đồi thoai thoải, mặt trời phớt hồng hé rạng một ngày vui. Một điều gì lạ lẫm dâng trào lên trong tôi. Tình yêu. Có phải như vậy gọi là tình yêu không?. Ông xã lặng lẽ rẽ vào một lối khác. Cả hai chúng tôi im lặng sóng đôi. Một chiếc lá khô chạm vào vai tôi rồi rơi xuống, khẽ khàng trong màu nắng mới lên. Tôi có cảm giác như mình đang khoác lên người một tà áo mới, lạ lẫm đến bồi hồi. Cả người sóng đôi bên tôi cũng đầy lạ lẫm. Hai tay đút túi, bờ môi mim mím và cái nhìn xa xăm… Một anh chàng lãng tử với mái tóc bồng lên vì gió. Tình yêu… tình yêu… không, tôi lấy chồng khi còn trẻ lắm. Cả nhà lăn lưng ra cuốc đất bữa đói bữa no trên vùng kinh tế mới. Và tôi lấy chồng. Lấy anh nông dân chống cán cuốc nhìn tôi cười mỗi buổi chiều khi tôi lấm lem trên đường trở về từ nương rẫy. Tiệc cưới chúng tôi là vài ba dĩa bánh kẹo, mấy ly nước trà giữa bà con quen biết. Lấy nhau như một mảnh đất cần khai hoang, như thửa ruộng đến mùa gieo gặt. Nhưng ơn trời, ông xã cũng có dăm ba chữ. Lên thành phố tôi động viên anh học thêm được cái bằng Tú tài rồi chen chân vào nơi chữ nghĩa. Việc học dở dang. Tôi thèm chữ đến chừng nào. Lương ba cọc ba đồng, đầu tắt mặt tối, chật vật thiếu đầu này hụt đầu kia, tôi chấp nhận hết, chỉ để được dăm ba đứa học trò gọi mình bằng “cô”. Còn tình yêu. Ôi, đó là thứ xa xỉ, sang trọng, có cũng được không cũng được. Chết ai đâu.. Ờ, nhưng giá cuộc sống lúc nào cũng thoải mái như thế này, ông xã tôi lúc nào cũng trầm tư mặc tưởng như thế này…



Buổi chiều, ông xã gạt hết mọi đề nghị đón đưa của hai đứa nhỏ một mình đưa tôi đến thung lũng Tình Yêu. Một chiếc máy ảnh nhỏ trên tay, ông nhảy lên từng bậc đá, bắt tôi đứng chỗ này, ngồi chỗ kia và bấm máy. Một anh thợ chụp ảnh cở tuổi thằng Hai đột ngột đề nghị:



- Chỗ này cảnh đẹp, cô chú đứng vào kia con chụp cho.



Rồi sợ chúng tôi hiểu lầm, anh tiếp:



- Con chụp bằng máy của chú.



“Thế… thế… cô chú đứng sát vào nhau đi. Chú hơi cúi xuống một chút, cô ngước lên một chút… Con chụp nhé. Rồi. Cô cứ để tóc bay tự nhiên như thế. Chú… quàng tay vào cô đi.”

Chúng tôi ngượng ngập rồi cười bùng vui vẻ. Không phải một tấm mà năm bảy tấm. Khi từ giả chúng tôi cậu ta nhỏ giọng: “ Cô chú cũng cở tuổi ba mẹ con ngoài quê. Cả năm nay con chưa về…” Tôi bùi ngùi nhìn theo. Đất và người. Ở đây sao cái gì cũng đẹp. Buổi tối tôi mở máy xem tới xem lui máy tấm hình. Ông xã giục đi ngủ sớm vì mai mới là ngày quan trọng.



Ngày thứ hai, ngày quan trọng đã đến. Tất cả chóng vánh đến không ngờ. Một chiếc taxi chạy loanh quanh, dừng lại một nơi vắng vẻ. Không cổng rào, không biệt thự.Lúp xúp trong đám lá xanh um một ngôi nhà nhỏ xíu, không biết có thể gọi là nhà cấp bốn được không. Một đám hoa bất tử hồn nhiên mọc tràn lan trước ngỏ. Ở đó có một gian quán xập xệ bán tạp hóa. Hai ba chiếc bàn con, vài chiếc ghế lăn lóc cho các chú xe ôm ghé chân uống cà phê đón khách. “Mua bán thường thôi” là thế này đây. Thế mà tôi cứ tưởng thằng con vốn kín tiếng kiệm lời. Tôi đủ khôn ngoan để thấy mình như một thí sinh trật tủ và bị tủ đè. Chẳng câu cú nào áp dụng được vào tình huống này cả. Tôi chẳng nhớ mình nói những gì, đối đáp ra sao. Chỉ nhớ là mới mở đầu đôi ba câu người ta đã tươi cười thuận gả. Tiễn tôi ra về, bà sui hạ giọng thân tình: “Con Quỳnh Châu nhà tôi còn khờ dại lắm, nhờ chị rộng lượng bảo ban”. Câu này có trong đề cương ôn tập, tôi chộp ngay liền hể hả: “Chị yên tâm, con cái trong nhà cả. Tui đi xin là xin cái dại chớ chẳng ai dám xin cái khôn.” Chúng tôi ra ngỏ. Cô út Quỳnh Chi đang lúi húi trong góc quán với một rỗ hoa bất tử và mấy cái giỏ mây nho nhỏ. Mấy giỏ hoa này tôi thấy người ta bày bán trên vỉa hè, một góc phố đêm.



Cảm giác náo nức của ngày hôm qua biến đâu mất. Sao thế? Mục tiêu đề ra đã đạt được. Thằng Hai được vợ mà nói như các cô thì mình nghèo nhưng người ta vẫn nể trọng mình. Thế nhưng tôi vẫn thấy bứt rứt khó chịu trong người. Cả cái tướng ngồi của ông xã tôi nữa kìa, cái tướng ngồi nông dân cố hữu. Hai chân cho lên nệm, khoanh tay, bó gối, miệng tủm tỉm cười. Ổng cười cái gì? Tôi muốn nổi cáu, đi tới đi lui trong căn phòng hẹp. Không kìm nổi, vẫn cần ai đó để trút hết ra. Tôi ngồi phịch xuống giường:



- Nhà đến năm chị em, ông nhỉ?



- Ờ, ngủ long công chúa.



Tôi lườm mắt:



- Đẻ cho lắm, lấy gì nuôi.



- Ơ, bà hay chưa. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhả mỗi cảnh. Ngày xưa tui bảo bà cứ đẻ bà dứt khoát không. Bà nhịn. Giờ thấy người ta thoải mái lại … ấm ức.



Giọng điệu đổ dầu vào lửa làm tôi tức điên lên. Không tức sao được. Hai cô em kế xuống Sàigòn, đứa Đại học, đứa Trung cấp đang ở nhà trọ. Mai mốt cưới về…



Tôi dấm dẳng:



- Một mình thằng Hai thì mới gầy dựng cái này cái nọ, có cửa có nhà…



- Ừ há, bà nhắc tui mới nhớ. Chuyến này về tui với bà tranh thủ xuống nhà thằng Hai ở chơi mấy bữa. Nhà cao cửa rộng… mấy tháng nữa là cưới rồi đó.



- Ông còn đùa được.



- Bà ngộ chưa. Có gì mà gắt gỏng. Người ta hoan hỉ gả con. Mà bà sợ cái giàu thì được cái … không giàu. Còn đòi gì nữa.



Tôi cố nuốt, nuốt cái gì không biết nữa nhưng nó cứ chực trào lên trong tôi. Tôi nói từng câu, từng chữ, rành rọt đến bất ngờ:



- Ông đừng tưởng tui tham giàu phụ khó. Mình cũng nghèo, đã từng nghèo sát đất. Nhưng nó không giống mình. Gia đình như thế, nhà cửa như thế, mà nó… như thế…



- Ờ, cái đó người ta gọi là “giao diện” đẹp.



- Tui thấy nó tối ngày hết chạy lông nhông thì ôm cái điện thoại quẹt quẹt. Đàn bà mà không biết thu vén, không lo nhà cửa cơm nước chợ búa… Rồi thì nó bỏ đói con mình , ông ơi.



- Thôi, đủ rồi . Thằng Hai dư sức quyết định. Đã đến lúc nó không thích ăn cơm của bà mà thích ăn… cái khác. Đừng nghĩ luẩn quẩn nữa. Thay áo, đi chợ đêm thư giãn.



Đêm xuống lạnh. Tôi đi giữa phố đêm nhấp nháy đèn sao. Lạc vào một khu toàn áo ấm khăn len. Hàng hóa tràn xuống lòng đường. Tôi chen vào. Không chủ tâm mua nhưng cũng ngắm cái này, chọn cái nọ. Hai ba người xô đẩy nhau. Cái túi xách quàng trên vai bị dồn ép kéo ra đằng sau. Tôi quay lại. Chớp nhoáng. Tôi phát hiện ngay chiếc máy chụp hình biến mất.



Ngày thứ ba, trời âm u ngay từ sáng sớm. Rồi mưa. Mưa thật. Lòng dạ rối bời , tôi chẳng thiết đi đâu. Thằng Hai, vì công việc đã về Sàigòn từ sáng sớm. Ông xã cũng đòi về quách nhưng tôi nấn ná. Chẳng lưu luyến gì đất này. Cái tôi tiếc là chiếc máy ảnh, tiếc lắm. Một con nhỏ bán áo gió đã nhiệt tình hứa giúp tôi thương lượng với tụi móc túi chợ này. Tôi chờ điện thoại. Con nhỏ gọi lại “Tụi nó đòi một triệu cô ạ. Thôi, bỏ quách đi cô”.Ông xã tôi trợn tròn mắt: “Một triệu? Tụi nó tưởng mình khùng chắc.” Cái máy ảnh cũ rích chỉ đáng vứt đi. Thì thằng Hai vứt rồi đó. Ông xã tôi lượm xách đi chơi chụp hình cho hách. Bán lại chưa chắc được mấy trăm. Ông đứng dậy dứt khoát: “Bỏ. Tui đi đăng ký vé xe đây. Chuẩn bị, chiều về”



Thì bỏ. Nhưng tôi không đành. Cho đến khi ra bến xe rồi, cầm vé xe trong tay rồi tôi còn ngơ ngẩn. Tiếc cái gì đó. Không hẳn là cái máy ảnh. “Thế… thế… cô chú đứng sát vào nhau đi. Chú hơi cúi xuống một chút. Cô ngước lên một chút… Chú quàng tay vào cô đi…” Những tấm hình vừa gần gũi vừa xa xôi lạ lẫm. Tôi chưa kịp khoe ai, chưa kịp ngắm nhìn thỏa mắt. Tôi ngồi thẩn thờ ngó núi đồi mù mịt mưa, nói như nói với mình:



- Tụi nó đòi tiền triệu vì tui dại dột bảo là trong đó có nhiều tư liệu quan trọng. Tụi nó biết mình cần...



- Chớ cái tư liệu gì mà quan trọng dữ vậy bà?



Tôi nhìn qua ông xã. Vẫn cái kiếu cười cười cố hữu. Như một cô gái mới lớn. Tôi đỏ mặt lên. Ông xã ngó lơ đứng dậy xách va li:



- Lên xe đi, bà. Ngồi dưới này gió lạnh quá.



Tôi bước theo nhưng còn ngoái lại. Mưa nhỏ hạt vậy mà trời đất mịt mù. Vấp phải bậc cửa đau điếng người làm tôi chợt tỉnh. Xe còn vắng lắm. Tôi ngồi bên cửa vén màn ngó xuống. Lòng dạ bồn chồn. Phía dưới áo xanh áo đỏ tới lui nhộn nhịp. Người ta chào hỏi, dặn dò, tiễn đưa nhau. Những khuôn mặt lạ lẫm, những cái nhìn lạ lẫm….



- E hèm, bà nói bà đi xin cái dại mà hình như nảy giờ bà đang đợi… cái khôn..

Tôi lại nghe nóng bừng mặt và cảm thấy rõ ràng mấy ngón tay run lên. Tôi cắn chặt môi, áp mặt vào cửa kính. Một bàn tay đặt lên tay tôi rồi khép lại. Một làn hơi ấm từ từ lan tỏa trong tôi. Giọng ông xã tôi chùng xuống:



- Khôn dại mà làm gì. Đừng đem tụi nó so sánh với mình. Tụi nó có cách nghĩ khác, cách nhìn khác, cách sống khác, cách sử dụng đồng tiền cũng khác…



- …



- Nhà mình nghèo, nhà người ta cũng nghèo. Nhưng điều đáng mừng là gia đình đó giữ được cái nếp, biết trọng cái học. Bà coi, ba chị em đứa Đại học, đứa Cao đẳng rồi. Đứa lớn dìu dắt đứa nhỏ rồi thì sẽ khá… Mình không nên tính toán hẹp hòi bà ạ.



- Thì tui có tính toán gì đâu. Chỉ sợ… nó tuổi dần giống tui. Rồi thằng Hai cả đời lận đận như ông với tui.



- Cầu trời cho tụi nó được như tui với bà. Ngày trước mình cầm cây cuốc. Bây giờ con cái chen chân được vào nơi học thức. Công ty này, cơ quan nọ như ai. Bà đòi gì nữa. Mà tui nói thiệt với bà, đời tui thế này là thỏa mãn. Công việc đàng hoàng, nhà cửa, vợ con vững vàng, đầm ấm. Người đàn ông chỉ cần thế thôi. Xã hội là vậy, việc gì cũng có cấp trên cấp dưới, có va chạm, có mâu thuẫn, có đối đầu. Mệt mỏi lắm… Nhiều lúc chỉ cần một chỗ phía sau mình để tựa vào, để ngả lưng thế này thôi…



Ông xã tôi ngả người vào lưng ghế, lim dim đôi mắt, giọng nhỏ dần…



Ông xã tôi nói đúng. Đàn ông muốn chen chân với đời phải đối đầu bao nhiêu chuyện. Đó, cái trường nhỏ xíu mà đầy bão táp phong ba. Mới rồi quần chúng làm cách mạng lật đổ bà Chủ tịch Công đoàn với bao nhiêu tội danh. Hống hách, lộng quyền, bòn rút phúc lợi, chi thu nhập nhằng. Đại hội Công Đoàn, một ban chấp hành mới toanh được bầu ra. Rồi gợi ý, vận động, lèo lái thế nào không biết, chức Chủ tịch Công đoàn vào luôn tay… bà Hiệu phó. Thôi rồi còn chi đâu em ơi! Đất nghịch! Người ta ngơ ngác rồi chỉ biết ngó nhau … cười, trong khi “thầy Tổng”, linh hồn của cuộc đấu tranh chưng hửng đứng chôn chân tại chỗ như Từ Hải. Đại hội Công nhân viên chức, ký hợp đồng trách nhiệm giữa chính quyền và công đoàn thì Hiệu trưởng và Hiệu phó ký với nhau. Quần chúng vỗ tay. Tội nghiệp ông xã tôi, mắc nghẹn ngang cổ. Người ta đi ra ngó ổng cười, đi vô ngó ổng cười. Nghe các cô xì xầm kháo nhau tôi nóng rát cả mặt. Thì tôi chính là người phụ nữ đứng ngay sau lưng ổng chớ đâu.



Tiếng cửa xe đóng sầm làm tôi bừng tỉnh. Tài xế đã ngồi vào ghế chuẩn bị khởi hành. Một vài hành khách vội vã leo lên xe chộn rộn tìm chỗ ngồi. Bỗng nơi cánh cửa một mái đầu thò vào ngơ ngác dáo dác nhìn quanh. Con bé Quỳnh Châu. Mắt nó sáng rỡ lên khi nhìn thấy chúng tôi. Tay nó xách giỏ đồ nặng trĩu chới với hướng về phía tôi:



- Ba mẹ quyết định về bất ngờ quá. Con chỉ kịp tranh thủ ghé lò mứt mua một ít để mẹ làm quà biếu bà con bạn bè.



- Ơ… mẹ cũng tính lát ghé Bảo Lộc…



Câu nói của tôi bị ngắt nữa chừng vì xe nổ máy. Con bé hấp tấp nhảy xuống. Chiếc xe lăn đi. Cái bóng nhỏ nhoi của nó chìm trong đám đông, trong màn mưa, trong sương mù phố núi. Mắt tôi cay sè. Ông xã đập đập vào tay tôi:



- Chuyến này về tui sẽ để dành tiền mua cái máy ảnh thật xịn. Rồi tui lại đưa bà lên… thung lũng Tình Yêu…/.



CHO MỘT NGÀY







Như cơn gió thổi tung
Một ngày
Hạt bụi lăn tròn
Mĩm cười với vội vã
Ký ức ùa về
Như đám mây che ngang bầu trời
Ngày đầy giông
Em học yêu từ cỏ
Bình yên như chiếc lá đâm chồi

Ngày oi ả
Nắng ban mai
Yêu thương đến yên bình
Khép mắt
Em học bao dung
Để thôi trách cứ mùa thu dịu dàng
Mà người thì hoài niệm
Miên man tháng chín
Mang theo
Lối cũ xa xôi

Mùa vẫn đi qua
Và em đứng lại
Lá vẫn rụng
Niềm đau xin là heo may
Ngày mưa dậy
Em học lãng quên từ lạnh giá
Bước qua khoảng trống chênh chao
An nhiên
Như núi đồi vốn dĩ
Bình yên về trên những ngón tay
Em đi qua bình minh.

 Hạ nhiên Thảo

Cánh chim cô đơn