Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Cá Tính Của Dân Tộc Việt Nam



NGUYỄN SỸ TẾ




Nói tới văn hóa là nói tới dân tộc mà nó là biểu thức của nếp sống đặc thù. Lịch sử thế giới đã cho ta thấy rằng: Cuối cùng thì mọi đế quốc cũng sụp đổ, chuyện đại đồng không tưởng bất thành, tinh thần dân tộc ở khắp nơi vẫn là động cơ thúc đẩy mọi sinh hoạt quốc tế. Từ đó chủ nghĩa quốc gia cũng mỗi ngày một chỉnh đốn, tô bồi rạng rỡ hơn. Bởi một chân lý xã hội đơn giản là: Dân tộc là một kích thước xã hội ưu thuận nhất cho việc thành lập một quốc gia, thể hiện một nền văn hóa và xếp đặt mọi mặt của cuộc sống vật chất cũng như tinh thần.

Tìm hiểu một nền văn hóa cho đến nơi đến chốn, người ta không thể chỉ dừng bước ở cái bề ngoài trong cách ăn mặc, nói năng, đi đứng... hay trước các công trình kiến trúc như điện đài thành quách cùng các công trình văn học và nghệ thuật khác. Chiều sâu của văn hóa Việt Nam nằm trong tâm trí của mọi nguời Việt Nam qua mọi thời đại lịch sử của họ. Cái phần sâu xa này, người ta gọi bằng nhiều danh từ khác nhau là thần trí, hồn tính, tâm địa hoặc bằng những nhóm danh từ tinh thần dân tộc, cá tính dân tộc. Và cái sâu thẳm của cá tính dân tộc này, Tây phương gọi là vô thức dân tộc.

Mỗi dân tộc có một cá tính mà người dân nước khác dễ nhận biết trong nếp sống hàng ngày và đường lối cư xử của dân tộc đó. Cá tính này có phần thiên bẩm thuộc bản chất chung của nhân loại, nhưng phần chính yếu là do sự tác động của những điều kiện địa lý lịch sử và xã hội riêng, rồi theo lẽ di truyền mà được nối dõi từ đời này qua đời nọ thành truyền thống dân tộc. Theo đường lối nhận thức này, để tìm hiểu cá tính của dân tộc ta, trước hết xin ghi nhận những nét đại cương về địa lý, lịch sử và xã hội Việt Nam.

A. Điều Kiện Tác Động

1. Nước Việt Nam ta là một nước tương đối nhỏ bé. Diện tích, sau những nỗ lực phát triển liên tục của tổ tiên ta đã dừng ở con số khiêm nhường là 300.000 cây số vuông. Trái lại, dân cư với mức sinh sản mạnh, vào những thập kỷ gần đây, đã đạt tới một con số lớn lao là 72 triệu người. Đất hẹp dân đông, đó cũng là một điều kiện bất thuận lợi cho sự phát triển chung.

Dân tộc ta một phần là những người từ cao nguyên đổ xuống đồng bằng ra biển cả, từ trung tâm lục địa châu Á theo lưu vực con sông Hồng Hà và con sông Cửu Long kéo tới phối hợp vớimột phần khác là những người từ quần đảo Nam Dương theo sóng biển và gió Nam đổ bô lên. Xa xôi hơn nữa, về nguồn gốc của dân tộc ta có thần thoại con Rồng cháu Tiên". Nói bằng hình ảnh: Dân tộc Việt Nam là một lớp người chiến sĩ và hiệp khách, sau thời gian tung hoành, đã rút khỏi chiến trường, khước từ giang hồ, về nghỉ ngơi ở cái giải đồng bằng nhỏ hẹp, kẹp giữa đại dương và đông nam lục địa châu Á. Nơi đây, khí hậu nhiệt đới và chế độ gió mùa, ảnh hưởng của núi rừng xen lẫn biển cả, khắc khổ pha hòa với dịu dàng đã ru người chiến sĩ trong một giấc mộng chập chờn, huyền ảo.

Cho đến nay, nền kinh tế của dân tộc Việt Nam vẫn là nền kinh tế nông nghiệp thô sơ nghèo nàn. Người dân quê phải làm ăn đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương mới kiếm được miếng cơm manh áo. Huyền thoại "ông ba bị" và "con ngoáo ộp" đã nói lên cái thử thách đắng cay về kinh tế mà dân ta hằng chịu đựng.

2. Trên dây, ta vừa nói rằng nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là những người từ cổ xưa và từ nhiều nơi tụ lại trên giải đồng bằng nghèo, bên bờ Thái Bình Dương. Nhưng rồi những con người đó vẫn chưa thực sự tìm được sự nghỉ ngơi trên mảnh đất bội bạc. Lịch sở của họ là lịch sử của những nỗ lực không ngùng để trường tồn và phát triển. Trường tồn trong công cuộc chống kẻ thù lăm le thôn tính đất đai của mình,- ba lần từ Bắc phương xuống, một lần từ Tây phương sang. Phát triển trong công cuộc tiến về phương Nam tìm phương sinh sống.

Trước khi tiếp xúc với Tây phương, Việt Nam đã là sân khấu giao động của hai nền văn minh kỳ cựu là văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ, với ba luồng tư tưởng Đông phương đem tới là Khổng, Phật, Lão. Kịp khi gặp gỡ Tây phương, văn hóa Việt Nam lại phải giải quyết sự va chạm giữa nền văn minh đạo đức tinh thần Đông phương với nền văn minh cơ khí vật chất Tây phương. Vào thời đại ngày nay, người ta còn nhận biết vị trí chiến lược của Việt Nam trên trường quốc tế là cái ngã tư quốc tế từ Âu sang Á, một đồn cảng từ biển Nam xâm nhập lục địa. Đó là một niềm vui nhưng đồng thời cũng là một mối lo cho dân tộc.

3. Vài ghi nhận về xã hội Việt Nam- Nét căn bản cần nhắc nhở ngay là
Xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp. Với tinh thần hiếu học, trọng ngăn nắp trật tự, xã hội nông nghiệp đó cho mãi tới thời kỳ gần đây, vẫn đề xướng một thứ bậc xã hội từ trên xuống là sĩ-nông-công-thương.

Xã hội Việt Nam sống tập hợp thành những đơn vị hành chính nhỏ là xóm làng, khoảng dăm ba trăm người quây quần sau lũy tre xanh kiên cố. Xóm làng đã trở thành một thứ "tổ quốc thứ hai" thường được yêu thương và trọng vọng hơn cả tổ quốc lớn. Tuy nhiên, trong những trường hợp trọng đại hay ngặt nghèo của lịch sử thì xóm làng cũng như gia đình cũng mờ xóa đi một cách dễ dàng.

Mặt khác, làng mạc Việt Nam lại hòa mình vào thiên nhiên bao quanh là ruộng đồng, đồi núi, sông ngòi. Như thế, cuộc sống của người dân quê Việt Nam đã diễn ra trọn vẹn giữa lòng thiên nhiên khiến cho thị thành đô hội chỉ còn là những ngoại lệ hiếm hoi. Cho nên người kẻ chợ vẫn hướng về chốn thôn quê cũng là lẽ bình thường vậy.

B. Những Nét Cơ Bản

Những điều kiện địa lý, lịch sử và xã hội gợi lại trên đây giúp ta giải thích những nét lớn trong cá tính của dân tộc Việt Nam mà ta có thể suy nghiệm sau đây:

1. Một đời sống nội tâm phong phú. Trước hết, ta phải công nhận rằng người Viết Nam có một đời sống nội tâm rất phong phú mà biểu lộ là nét mặt trầm ngâm, cử chỉ chậm chạm, nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng từ tốn.

Cuộc sống nội tâm phong phú này chính là do sự tác động của nền kinh tế cơ cực, của dòng lịch sử gian lao của dân tộc ta. Mệt mỏi và thất vọng về bên ngoài, con người phải quay vào nội tâm của mình để tìm ở đó một nơi nương tựa, một chỗ ẩn náu, một phương dệt mộng giải thoát, lên Niết bàn, lạc vào Tiên cảnh, tới miền Thượng giới. Cũng do cuộc sống nội tâm phức tạp này mà nơi mỗi người Việt Nam có hai con người khác nhau: một con người giao tế xã hội trọng nghi thức, ước lệ cùng phong tục tập quán, và một con người riêng tư tìm đến những giá trị siêu nhiên, những thăng hoa cao cả, khó có trong cuộc đời.

Cái thái độ trầm lặng, hiền hòa, quân bình không cần phải cố gắng và chẳng lúc nào có tính cách giả tạo đó, người Tây phương phải công nhận là một thái độ tự nhiên mà thành hiền triết(une attitude de vie naturellement philosophique). Đây cũng là sự theo đuổi của một thứ triết lý"thiên nhân tương dữ", con người với thiên nhiên nối kết với nhau thành một mối, của dân tộc ta vậy. Và cũng bởi nội tâm phong phú đó mà hầu hết các người Việt Nam đều có khuynh hướng tự nhiên về văn học và nghệ thuật vốn đòi hỏi một cảm quan sâu sắc và bén nhạy.

Tất nhiên cái nếp sống nặng về nội tâm này cũng có cái sở đoản của nó: Quay vào trong, con người dễ lãng quên ngoại giới, giảm hạ những kiến thức khoa học về thiên nhiên, kém tiến thủ trong những công trình chinh phục môi sinh, cải thiện đời sống vật chất. May thay nếp sống nội tâm của đa số chúng ta không đi tới chỗ cực đoan để trở thành tiêu cực.

2. Một bản chất giầu tình cảm. Đời sống nội tâm tự nó đã bao gồm tình cảm bên cạnh nhiều chức vụ tâm lý khác. Tuy nhiên xét riêng tình cảm, ta sẽ có nhiều điều đặc biệt để nói về cá tính của dân tộc ta. Hầu hết, những quan hệ xã hội của người Việt Nam,- với đồng bào hay với người nước khác,- được khởi sự bằng tình cảm để phát huy bằng nghĩa vụ, tình và nghĩa gắn liền với nhau khiến quan hệ được trọn vẹn và lâu bền. Nhờ đó, người ta xử sự với nhau bằng tình (tức tình cảm) hơn là bằng lý (tức lý trí), đúng như một câu trong truyện Kiều của Nguyễn Du:

Bề ngoài là lý song trong là tình.

Và chính vì chữ "tình" buộc lấy chỗ "nghĩa" mà Thúy Kiều hỏi vọng Thúy Vân xem đã giúp mình trả nghĩa Kim Trọng chưa:

Tình sâu mong trả nghĩa dầy,
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?

Có những mối tình cảm sâu xa và vững bền đến độ khiến người ta giữ thái độ câm lặng có khi suốt cả cuộc đời. Tình không nói ra bằng lời mà bằng xử sự, bằng nghĩa.

Khác với nhiều người Tây phương, người Việt Nam chủ trương "ơn đền, oán trả". Đó cũng là một nền công lý thế nhân vậy. Những kẻ lợi dụng tình cảm của người khác, những kẻ vong ân bội nghĩa bị người ta lên án một cách nghiêm khắc. Do đó, để bù đắp lại chuyện ơn phải đền, nên mới có chuyện oán phải trả. Nếu bảo "oán không cần trả" thì đặt ra trừng phạt làm gì? Hơn thế, bắt chuyện với một kẻ tội lỗi ngập trời lại còn ngoan cố chạy tội và không quên tìm cách hại mình, đó là điều không thể nào quan niệm được.

Ca ngợi giá trị của tình yêu, các triết gia ngày nay thường nói: Tình yêu là đường lối chân xác và phong phú nhất để con người nhận thức một đối tượng. Ta có thương yêu một người nào thì người đó mới mở toang bản ngã của mình ra cho ta nhận biết.

3. Một đầu óc tổng hợp và dung nạp. Sớm nhận biết những cực đoan trong vũ trụ và nhân sinh, kinh qua bao thử thách của một nền địa lý khắc khổ, và của một lịch sử gian truân, dân tộc Việt Nam đã tạo được một đường lối kinh nghiệm để giải quyết những xung khắc, những mâu thuẫn giữa các sự vật. Với Tây phương, phân tích thì dễ, tổng hợp mới khó. Và họ đã phải công nhận rằng: Phải nhờ có những tổng hợp tài tình, con người mới tạo nên được những công trình thật sự và vĩ đại.

Cũng xin lưu ý rằng trong khoa học nhân văn, đầu óc tổng hợp không phải là thái độ chiết trung tầm thường và đơn giản chỉ gặt hái được những kết quả nghèo nàn và khả nghi. Tổng hợp là tạo nên một thực thể mới khởi đi từ những dữ kiện tách biệt để cuối cùng thì những dữ kiện này không còn hiện diện nguyên hình trong kết quả nữa.

Bây giờ ta hãy xét xem tiền nhân đã đem lại gì cho con người Việt Nam và cá tính dân tộc. Xin kể ra một số những thành quả của khả năng trí tuệ mẫn tiệp này:

- Ta đã nói ở trên kia là người xưa tổng hợp hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ như thế nào. Tiền nhân đã hòa hợp tam giáo Đông phương để theo đuổi, luôn một lúc hoặc theo thứ tự trước sau, triết lý nhập thế hành đạo và triết lý xuất thế hưởng nhàn trong khi vẫn mở rộng tấm lòng cưu mang những kẻ hoạn nạn. Đó chính là nhờ trí và tâm hợp nhất, tinh thần dung nạp đi song song với tinh thần chống mưu đồng hóa của tha nhân.

- Trong phong cách sống, người Việt Nam có những thái độ tưởng chừng mâu thuẫn (nhất là đối với người Tây phương). Một mặt người Việt Nam vừa mơ mộng, lãng mạn như đã nói trên kia, nhưng mặt khác lại thực tế đến chi li, phũ phàng. Nguời Việt Nam chắt chiu từng miếng cơm manh áo, giữ gìn đồng tiền bát gạo, nhìn vào bất luận một sự vật nào ở ngoại giới cũng nghĩ ngay tới một phương tiện mưu sinh, một cơ may tiến thủ. Có khác chi bảo: Người Việt Nam vừa thực tế lại vừa lý tưởng.

- Sống với hiện tại nhưng người Việt Nam vẫn nhớ tới quá khứ một cách thành khẩn và hướng về tương lai với tính phòng xa, cẩn trọng. Học giả Phạm Quỳnh có nói tới đầu óc "phụng tổ tiên và tôn cổ điển" trong nền luân lý cổ của dân tộc Việt Nam. Tương tự thế, người Việt Nam khéo biết nối kết cái nhất thời với cái trường cửu, cái cao với cái thấp, lý trí với tình cảm, kỷ nhân với tha nhân, lòng ẩn nhẫn chịu đựng với ý chí quật cường... kể ra không hết

4. Một lòng yêu nước mãnh liệt phối hợp với tình gia đình mặn nồng. Trong đời sống giầu tình cảm của người Việt Nam, có một tình cảm vượt trội hẳn lên, đã trải qua nhiều thử thách để mỗi ngày một thêm vững mạnh, đó là lòng yêu nước. Trước hết, đây cũng là một điều thuận hợp với chân lý phổ thông trong nhân loại: đất đai càng cằn cỗi bao nhiêu, thiên nhiên càng bạc đãi bao nhiêu, lịch sử càng gian khổ bao nhiêu thì người con dân lại càng tha thiết với quê hương bấy nhiêu. Riêng về nước ta, lịch sử còn ghi rất nhiều những trang oai hùng, hiển hách trong hơn một lần tranh đấu để phục hồi và giữ gìn nền tự chủ cho mình. Điển hình xưa kia là câu nói của Trần Bình Trọng: "Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc". Và thời nay, câu nói của Nguyễn Thái Học: "Không thành công cũng thành nhân".

Lòng ái quốc mãnh liệt trên tuy chỉ biểu hiện từng lúc trong lịch sử quốc gia nhưng luôn luôn không ngừng được bồi đắp bằng một thứ tình gia đình thâm sâu không thể nào tả xiết. Để rồi hai tình yêu vĩ đại đó phối hợp với nhau, dắt díu nhau để gia đình đồng nghĩa với quê hương và đất nước như trong những câu Kiều của Nguyễn Du:

Đoái thương muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
Xót thay thông cỗi, huyên già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi?



*

Để kết thúc, xin mở rộng vấn đề. Cá tính của một dân tộc nào thì cũng có kẻ khen người chê, không phải là không có lý. Nhưng xin nói ngay rằng đó là một thực thể lịch sử mà con người không có thể phủ nhận và phải ít nhiều chấp nhận và tôn trọng.

Với các bạn trẻ hải ngoại, xin nói thêm rằng: Văn hóa cũng như cá tính của dân tộc không phải là những gì bất biến. Đất đai sẽ còn được nuôi dưỡng, lịch sử sẽ còn mở nhiều trang, con người cũng do đó mà đổi thay theo hướng chân thiện mỹ chung của nhân loại. Những sở đoản trong cá tính dân tộc chắc sẽ phôi pha trong suy ngẫm và cố gắng hành động của tất cả mọi người chúng ta hôm nay và mai hậu. Nhưng có điều chắc chắn là những sở trường, những ý nghĩ những tình cảm đẹp lành trong truyền thống dân tộc là điều vĩnh cửu mà ta phải nhìn cho đúng để mà bảo tồn. Bằng không, sẽ chẳng còn có dân tộc Việt Nam trên cõi đời này nữa.



2 nhận xét:

  1. ..Cả cuộc đời BÔ MẸ & ÔNG BÀ không có gì để lại cho các con NGOÀI NHỮNG GÌ HIỆN CÓ & số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con TỒN TẠI PHÁT TRIỂN & trở thành những người hữu ích cho xã hội"..

    Trả lờiXóa