Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Vài ý kiến về tính cộng đồng của người Việt dưới góc nhìn văn hóa





HỮU NGỌC

Khái niệm: (Cách hiểu khái niệm “Tính cộng đồng của người Việt”) hiểu theo nghĩa rộng thông thường tiếng Việt, đó là ý thức và tình cảm gắn bó người tộc Việt với nhau (tức là tính cộng đồng dân tộc Việt), là hệ thống tư tưởng yêu nước (Trần Văn Giàu). Theo nghĩa hẹp của bộ môn Nhân học văn hóa (Cultural anthropology), tính cộng đồng chỉ sự gắn bó với từng nhóm trong cộng đồng dân tộc lớn… (in-group: gia đình, thân tộc, tôn giáo…) gần như tính tập thể.

Những kết quả nghiên cứu của G. Hofstede thường được sử dụng làm khung cho những công trình nghiên cứu về các vấn đề văn hóa trong doanh nghiệp và quản lý kinh tế. Khung đó đề ra một số yếu tố khiến cho các nền văn hóa dân tộc khác nhau.

Trong những yếu tố đó, yếu tố so sánh tính cá thể, tính cộng đồng (individualism/collectivism) có tầm quan trọng đặc biệt. Hofstede xếp Bắc Mỹ và Tây Âu vào loại văn hóa đậm tính cá thể, các nước châu Á, châu Phi và Nam Mỹ vào loại đậm tính cộng đồng.

Edward Hall đưa ra khái niệm hai loại hình văn hóa: loại hình văn hóa với giao tiếp có bối cảnh cao (high level context communication culture) và loại hình văn hóa giao tiếp có bối cảnh thấp (low level context communication culture). Loại hình thứ nhất phù hợp với những nền văn hóa đậm tính cộng đồng thiên về cảm xúc, thơ mộng, trực giác, tổng hợp, truyền thống. Loại hình thứ hai đặc trưng cho các nền văn hóa đậm tính cá thể thiên về lô-gíc, lý trí, phân tách.

Không đi sâu vào lý luận, ta có thể xếp văn hóa Việt vào loại hình văn hóa đậm tính cộng đồng. Cũng phải nhắc lại là khái niệm tính cộng đồng này của nhân học văn hóa chỉ sự gắn bó với những nhóm (in-group): như gia đình, làng, xã, tổ chức xã hội, tôn giáo… trong cộng đồng dân tộc lớn, với sự tin tưởng là sẽ được những nhóm ấy che chở cho sự gắn bó ấy. Dù hiểu khái niệm tính cộng đồng theo nghĩa nào, cũng có thể coi “tính cộng đồng” là một nét văn hóa Việt.

Cộng đồng dân tộc Việt: Qua nhiều thiên niên kỷ, dân tộc Việt đã hình thành và tự khẳng định hai quá trình lịch sử tiến triển song song: quá trình chung đúc các tộc người Môngôlôit và Nêgrôit ở bên trong, và quá trình tiếp biến văn hóa với các nền văn hóa từ ngoài vào (acculturation). Mỗi nền văn hóa bao gồm nhiều giá trị được biểu tượng hóa (tín hiệu hóa) chi phối tư duy, ứng xử và giao tiếp trong một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy không giống những cộng đồng khác.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam đều thống nhất là giá trị văn hóa chủ yếu của người Việt là tính cộng đồng với nghĩa là tinh thần cộng đồng dân tộc. Xin điểm qua sự biến diễn của tính cộng đồng Việt qua các thời kỳ lịch sử và dấu ấn tích cực hoặc tiêu cực của nó cho đến nay.

Thời kỳ hình thành cộng đồng Việt với văn hóa Đông Nam Á (Thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên). Bản sắc dân tộc (văn hóa) Việt hình thành ở lưu vực sông Hồng, vào thời kỳ đồ đồng Đông Sơn, thuộc nền văn minh lúa nước Đông Nam Á. Không ít người nước ngoài, một số thanh niên Việt Nam, kể cả một vài người trí thức Việt kiều, cho là không có bản sắc Việt vì trong sinh hoạt ngày nay, ăn, mặc, ở, chữ viết, tín ngưỡng… chỉ thấy tuyền Tây, Tàu, Ấn Độ, Mỹ v.v… kể cả tác phẩm dân tộc: Kiều cũng là của Tàu. Nghĩ như vậy là không đi sâu vào quy luật biến diễn của văn hóa và ảnh hưởng của tiếp biến văn hóa khiến cho không có nền văn hóa nào thuần khiết, kể cả các nền văn hóa lớn.

Do địa lý, lịch sử, người Việt đã phải sớm tập hợp nhau chống thiên tai và ngoại xâm nên tính cộng đồng cao. Tính cộng đồng này, qua hàng nghìn năm, được nuôi dưỡng bởi nhiều giá trị văn hóa tạo ra những truyền thống gắn bó người dân, có những yếu tố văn hóa này, như một nhà nghiên cứu Nhật nhận định: “Giống như gió; chúng ta sống trong gió nhưng không nhìn thấy gió”. Xin điểm qua một vài yếu tố văn hóa từ thời xa xưa vẫn in đậm dấu cho đến ngày nay ít ai ngờ.

Trước tiên là huyền thoại. Nhà huyền thoại Mỹ Joseph Campbell cho là đứng ngay giữa một phố ở New York cũng thấy dấu vết huyền thoại. Huyền thoại phản ánh những hoài bão, những vấn đề sâu sắc và lâu dài của dân tộc. Truyện “Lạc Long Quân - Âu Cơ” đến thời hiện đại vẫn còn có khả năng động viên nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp.

Việt Nam Quốc Dân Đảng và các sĩ phu dùng hình ảnh “con Rồng cháu Tiên”; ở đền Hùng, Hồ Chủ tịch gợi lại chuyện vua Hùng để động viên bộ đội tiến về Thủ đô. Tích Thánh Gióng đến nay vẫn còn biểu trưng cho tính cộng đồng dân tộc trong việc giữ làng, giữ nước, lấy bé chống lớn. Tên Gióng còn được đặt cho phong trào thanh thiếu niên sống khỏe, trong khi rất nhiều làng miền Bắc hàng năm tổ chức lễ hội nhắc nhở chiến công oai hùng của dân gian.

Tính cộng đồng gia đình lấy miếng trầu truyền thống làm biểu trưng. Một đám cưới hiện đại, dù có váy đầm cô dâu, smoking chú rể, hàng loạt xe Toyota, vẫn không thể bỏ lễ trầu và câu nhắc nhở nghĩa tình. Tính cộng đồng dân tộc còn được tăng cường qua ngôn ngữ, tín ngưỡng và lối sống nông dân lúa nước, còn tồn tại cho đến ngày nay mặc dù có những thay đổi về hình thức do vận động nội tại và ảnh hưởng ngoại lai. Cái cốt vẫn không mất.

Ngôn ngữ là công cụ hiệu quả để lưu truyền văn hóa cộng đồng. Có những cộng đồng dân tộc (như Do Thái, Phần Lan) rất lâu không có lãnh thổ ổn định mà vẫn vững bền do ngôn ngữ. Tiếng Việt, tuy bị pha đến 60-70% từ gốc Hán, vẫn là yếu tố văn hóa quan trọng đối với cộng đồng Việt, chống lại Hán hóa, Pháp hóa, Mỹ hóa… Không phải vô cớ mà Hồ Chí Minh dịch Croix Rouge là Chữ Thập đỏ thay cho Hồng Thập tự. Tiếng Việt mang một đặc thù không biết có ngôn ngữ nào khác trên thế giới có không; tính cộng đồng dân tộc (kinship) mạnh đến mức ta không có đại từ ngôi thứ nhất và thứ hai chung cho mọi người (như je, vous tiếng Pháp; I, you tiếng Anh…) mà phải dùng tiếng xưng hô trong thân tộc thay: anh, chị, em, bố, mẹ, chú, bác…

Dĩ chí, ta và mình vẫn dùng chỉ cá nhân và nhiều người. Tín ngưỡng cũng là yếu tố tâm linh gắn bó cộng đồng. Cadière có lý khi nhận định tôn giáo thực của người Việt là tín ngưỡng bản địa từ xa xưa, mang tính vật linh. Ta thờ thần, thánh, ma, quỷ… như Thần đạo Nhật Bản. Nhiều tục thờ cúng tồn tại đến ngày nay (cúng Tổ tiên, thờ Mẫu…) gốc từ thời Thượng cổ… có những làng còn vết tích tín ngưỡng phồn thực.

Lối sống nông dân lúa nước, qua mấy nghìn năm, đã tạo ra cho cộng đồng một phong vị độc đáo, mặc dù có quá trình hiện đại hóa, 80% dân vẫn ở nông thôn. Trồng lúa vẫn là cơ bản, kỹ thuật trồng trọt cải tiến nhiều nhưng vẫn từng ấy khâu.

Văn hóa ẩm thực phát triển, du nhập nhiều cái mới, nhưng những món ăn cổ truyền vẫn được ưa chuộng: nước mắm, mắm tôm, tương, cà, thịt cầy, rau muống, riêu cua, bún ốc… các lễ hội mùa xuân đề cao cộng đồng làng xã. Đặc biệt, Tết thể hiện rõ nét nhất bản sắc dân tộc Việt (ý kiến ông Borje Lunggren, nguyên đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam). Ngày Tết, tất cả các người Việt - ở trong và ngoài nước - đều cảm thấy sâu sắc hòa nhập trong cộng đồng Việt.

Tính cộng đồng của người Việt trong thời kỳ tiếp biến văn hóa Trung Quốc (179 tr.CN-1858)

Ta tiếp biến văn hóa Trung Quốc qua giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc và giai đoạn 900 năm các vương triều độc lập. Khi hai nền văn hóa giao tiếp, nền văn hóa bản sắc yếu hơn bị mất nhiều ít, có thể bị tiêu hủy. Bản sắc văn hóa Việt Đông Sơn đủ mạnh để tồn tại và phát triển. Vậy về tính cộng đồng, ta mất gì và được gì? Cũng nên nhận định ngay là trong lĩnh vực phức tạp con người và văn hóa, cái được, cái mất nhiều khi không thể rạch ròi, cái mất có khi lại là nguyên nhân cái được và ngược lại, do tác động biện chứng.

Sự xâm nhập của văn hóa Hán sông Hoàng Hà là một cú “sốc” đối với văn hóa Việt - sông Hồng. Ta mất nhiều giá trị văn hóa bản địa là chất keo gắn bó dân tộc. Điển hình cho tính chất tàn khốc của chính sách Hán hóa là những biện pháp tiêu diệt văn hóa đời Minh, thế kỷ XV: đốt sách vở thư tịch, đưa sang Trung Quốc những trí thức và thợ giỏi… Nghịch lý là chính sự áp bức bóc lột đã gián tiếp nâng cao tính cộng đồng Việt: hàng chục cuộc chiến và nổi dậy đã khiến cho dân tộc đoàn kết mạnh mẽ. Hơn nữa, qua cuộc cọ xát, xung đột với văn hóa Hán, bản sắc dân tộc Việt đã được mài dũa để tự khẳng định mạnh mẽ, đối lập Nam (Việt) với Bắc (Hán). Khổng giáo và Phật giáo du nhập có mặt phá hoại tín ngưỡng bản địa Việt, nhưng dần dần kết hợp với nó, do vậy mà củng cố thêm tính cộng đồng người Việt.



Khổng học có nhiều tiêu cực do khuynh hướng bảo thủ, tồn cổ. Chính vì vậy mà vua tôi triều Nguyễn, không chịu canh tân đất nước như Nhật (ảnh hưởng Nho ít hơn) khiến cho nước ta bị Pháp chiếm. Nhưng Nho học cũng có phần tích cực đối với cộng đồng Việt. Ta đã tiếp một số khái niệm về lý luận xã hội và tổ chức chính trị, tạo thành một triết lý chính trị bảo vệ cộng đồng củng cố trung ương tập quyền để chống ngoại xâm. Có thể dân Chàm một phần thua ta vì thiếu một triết lý chính trị thiết thực như vậy.

Mặt khác, Nho học tăng cường tính cộng đồng dân tộc do đào tạo những con người có nhân cách, biết đạo làm người, đặc biệt là có tư tưởng yêu nước. Thí dụ, thời Pháp thuộc, có nhiều thế hệ Nho học cương quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc (các thế hệ Văn thân, nhà Nho duy tân lớp trước với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, lớp sau như Hồ Chí Minh - Tân học có Nho học như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện).

Phật giáo cùng cả Tam giáo, kết hợp với tín ngưỡng bản địa, là nền tảng tâm linh tăng cường tính cộng đồng người Việt. Người dân thường không cần hiểu biết triết lý sâu xa về sắc không; họ tìm đến ông Bụt để có nguồn an ủi. Làng nào cũng có đình thấm nhuần trật tự Nho học, chùa thờ Phật từ bi, như vậy thực hiện thăng bằng giữa lý trí và tình cảm. Có một thực tế là mặc dù triết học Phật giáo xa lánh việc đời, tránh sát sinh nhưng các nhà sư và Phật tử tham gia đánh giặc giữ nước, nêu cao tinh thần cộng đồng. Phải chăng do dấu ấn thiền tông hay do ảnh hưởng Nho giáo vào Phật giáo?

Tính cộng đồng Việt trong thời kỳ tiếp biến văn hóa Pháp (1858-1945)

Tính cộng đồng của người Việt thời kỳ Pháp thuộc tăng và giảm thế nào? Đây là thời kỳ hiện đại hóa, tức là Tây phương hóa (westernization) lần thứ nhất, với ảnh hưởng văn hóa phương Tây chủ yếu đối với thị dân. Ít nhiều đô thị hóa và công nghiệp hóa phá vỡ tính cộng đồng, tách riêng thành thị và nông thôn (bị coi là nhà quê lạc hậu). Mới đầu những nhà Nho phản ứng chống lại văn hóa “bút chì” để giữ lại “bút lông”.

Nhưng từ những năm 20, giáo dục và văn hóa “bút chì” với quốc ngữ và tiếng Pháp đã ngự trị, mang thêm ít nhiều tính khoa học và dân chủ cho văn hóa Việt. Chỉ tiếc là cho đến nay gần một thế kỉ, ta bỏ hẳn chữ Nho, cả nghiên cứu Hán Nôm cũng chưa làm được mấy để khai thác thư tịch Hán - Nôm đồ sộ. Ta cũng bỏ nghiên cứu Khổng học đã từng là tinh hoa văn hóa cộng đồng Việt hàng bao thế kỷ và hiện vẫn là động lực phát triển của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v… Nhưng kết cục, qua tiếp biến văn hóa Pháp, cộng đồng Việt vẫn giữ được bản sắc và thêm phong phú.

Trước hết, chính sách thực dân áp bức bóc lột thậm tệ khiến cho các tầng lớp nhân dân (kể cả một bộ phận tư sản, địa chủ) đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước phục vụ cách mạng. Lý tưởng Cách mạng Pháp 1789 và chủ nghĩa Mác du nhập vào Việt Nam đã đổi mới tinh thần yêu nước và vũ trang cho phong trào yêu nước những tư tưởng và đường lối hiện đại.

Tư tưởng dân chủ phương Tây được du nhập bao hàm cả tự do cá nhân. Yếu tố này phá hoại tính cộng đồng thân tộc truyền thống Khổng học, đòi hỏi hôn nhân tự do và chống lại gia đình gia trưởng phong kiến. “Cá nhân” (theo khái niệm triết học) do phương Tây tạo ra. Đưa vào Việt Nam, nó đã tạo ra dòng văn học lãng mạn của cái Tôi và Thơ mới vào những năm 30.

Tiến hóa luận của các trường phái dân tộc học cũ đã được chủ nghĩa thực dân sử dụng để tự biện minh (khai hóa các dân tộc chậm tiến). Ý đồ thực dân chủ yếu là khai thác thuộc địa. Nhưng qua tiếp biến văn hóa, cộng đồng Việt đã tạo ra những giá trị văn hóa mới (khoa học tự nhiên và xã hội, văn nghệ, tổ chức xã hội, chính trị…) để xây dựng một cộng đồng mạnh hơn từ 1945.

Tính cộng đồng của người Việt trong thời kỳ hiện đại (từ 1945)

Thời Pháp thuộc chỉ là hiện đại hóa sơ bộ, Việt Nam vẫn còn là một thuộc địa bán phong kiến. Mãi từ 1945, ta mới thực sự bước vào hiện đại hóa toàn xã hội (công nghiệp hóa và đô thị hóa có hệ thống), do cách mạng và chiến tranh cùng ảnh hưởng thế giới đa dạng và sâu sắc. Thời kỳ này có thể chia hai giai đoạn, trước và sau Đổi mới (1986).

1) Giai đoạn trước Đổi mới (1945-1986) có thể coi là giai đoạn quốc tế hóa Việt Nam với hai cuộc chiến tranh 30 năm mang tính quốc tế. Hồ Chí Minh đã thành công trong công cuộc giành lại độc lập dân tộc do chiến lược đoàn kết cộng đồng Việt và gắn vấn đề Việt Nam với đại cục quốc tế, qua con đường chiến thuật xã hội chủ nghĩa để được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ toàn thế giới.

Tính cộng đồng Việt được gì và mất gì trong giai đoạn này?

Cái được vô cùng lớn là giành và giữ được độc lập, qua cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến. Trong suốt lịch sử 3000 năm, có lẽ không bao giờ cộng đồng Việt cảm thấy gắn bó, hào hùng, bằng thời đó. Đặc biệt từ những ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945 đến đầu những năm 50: người Việt nói chung không còn cảm thấy hố xa cách giàu nghèo, sang hèn, giai cấp. Địa chủ hiến đất, tư sản hiến vàng, gái điếm đi làm cứu thương, kẻ cắp xung phong làm tự vệ, dân công tải gạo, tải đạn, nông dân chia xẻ nhà với người tản cư, trong làng đêm ngủ không cần đóng cửa. Tính cộng đồng Việt lên đến điểm cao qua mấy chục năm xương máu. Trong giai đoạn này cũng hình thành nền văn hóa dân tộc, khoa học và đại chúng (gắn tri thức với đại chúng).

Tiếc thay, trong giai đoạn này, có một số sự việc ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng Việt (đây chỉ là nhận xét khách quan không đánh giá đúng sai). Đó là cải cách ruộng đất, có mặt đánh vào gốc rễ đạo lý cổ truyền và cơ sở làng xã, (Hồ Chủ tịch đã cho sửa sai), chia cắt đất nước sau 1954 (do ý đồ áp đặt của các cường quốc trong khuôn khổ chiến tranh lạnh), việc hai triệu người Việt di cư. Đó là những vết thương cần tiếp tục được hàn gắn nếu muốn tăng tính cộng đồng người Việt trong nước ngoài nước; và giữa trong ngoài.

2) Trong giai đoạn từ Đổi mới (1986) đến nay, Việt Nam được đánh dấu bởi toàn cầu hóa, khu vực hóa (gia nhập ASEM, 1995), và gia nhập khối Pháp ngữ. Sự hòa nhập này khiến cộng đồng người Việt đứng trước khả năng mạnh hơn nhưng sẽ khó khăn.

Thời kỳ hậu chiến (1975) có 2 vấn đề nổi cộm:

1) Khủng hoảng kinh tế xã hội 15 năm (đến 1995) do thiên tai liên tiếp, các vấn đề Khmer đỏ và Trung Quốc ở biên giới, một số chính sách kinh tế xã hội gây ra “thuyền nhân”.

2) Đuổi theo kinh tế các nước Đông Nam Á, không tụt hậu - cạnh tranh trong toàn cầu hóa, chính sách Đổi mới là chìa khóa mở đường giải quyết các vấn đề trên. Toàn cầu hóa nói chung có lợi cho các nước giàu và hại cho các nước nghèo, mặc dù cũng đưa lại cho các nước này những cơ may (do điện tử hóa, thông tin, giao thông phát triển). Muốn gia nhập một thế giới gắn liền văn hóa và kinh tế, cộng đồng Việt phải vừa có khả năng hòa nhập vào cái chung, vừa mang lại được cho cái chung nét riêng của mình. Cộng đồng Việt muốn thành công về kinh tế, phải bảo tồn được và phát triển bản sắc văn hóa Việt.



Vài nhận xét về tính cộng đồng của người Việt (theo nghĩa rộng và hẹp).

Tính cộng động của người Việt (hiểu theo nghĩa rộng: tính cộng đồng dân tộc Việt, lòng yêu nước) là một đặc điểm của bản sắc dân tộc. Ta chưa đi sâu nghiên cứu đặc tính của nó và so với tính cộng đồng của các dân tộc khác. Nghiên cứu cộng đồng Việt kiều ở ngoài nước có thể giúp ta hiểu thêm cộng đồng dân tộc Việt nói chung.

- Trong tính cộng đồng dân tộc Việt, dường như tính cộng đồng gia đình là quan trọng nhất. Điều này thấy rõ ở những gia đình Việt kiều ở Mỹ: Điển hình sự thành công của “thuyền nhân” Việt ở Mỹ là: 5-6 năm đầu bố mẹ đi làm cái lực để cho con cái đi học, con cũng ra sức học tập để đền bù lại; và sau gia đình trở nên khá giả. Tính cộng đồng này thường cũng mở rộng ra gia đình lớn rồi mới đến gia tộc và đồng hương. Theo nghiên cứu của Y. Higuchi, trình tự quan trọng trong quan hệ xã hội của người Việt là: 1) gia đình, 2) bạn bè, 3) trong lao động; của người Nhật là: 1) bạn bè, 2) gia đình, 3) trong lao động.

- Do tính cộng đồng Việt nặng về gia đình - gia tộc, quê hương, nhẹ mở ra đến dân tộc (trừ trường hợp chống ngoại xâm, thiên tai…), nên sự đoàn kết giúp đỡ nhau ở nước ngoài của cộng đồng Việt kiều kém Hoa kiều hay Do Thái (nhất là về mặt làm ăn, doanh nghiệp).

Người Hoa và người Do Thái có kinh nghiệm sống lưu vong, muốn tồn tại phải đặt quyền lợi cộng đồng dân tộc lên trên chính kiến. Người ta kể lại là tại các chợ Tàu ở Mỹ có những cửa hàng cạnh nhau bán sách báo, một bên trưng bày ảnh Mao Trạch Đông, một bên ảnh Tưởng Giới Thạch. Họ buôn bán hòa thuận với nhau, Hoa kiều hai bên có hai tờ báo khác nhau, tổ chức hai ngày Quốc khánh, tránh xô xát để nước chủ nhà chấp nhận. Việt kiều của ta có một số quá ồn ào.

- Riêng cộng đồng Việt ở Mỹ hàng năm gửi về nhà hơn 2 tỷ đôla. Sự đóng góp có thể hơn nữa, ấy là chưa kể về chất xám và vốn doanh nghiệp… Để tranh thủ cộng đồng Việt kiều cần tạo điều kiện để nó thành bộ phận hữu cơ với người Việt trong nước. Ta càng ngày càng có những biện pháp đúng đắn nhưng vẫn chưa đủ, nhất là về mặt tư tưởng - văn hóa (luôn gắn với kinh tế).

Chiến tranh đã qua hơn 30 năm, mặt khác, người dân thường không phải ai cũng có ý thức cách mạng; rất có thể, ai có gia đình ngoài Bắc thì thành Việt cộng, ở trong Nam thì thành Ngụy. Một gia đình thường có cả hai bên. Đã đến lúc xóa bỏ sự khác biệt bằng Đại Đoàn Kết, để Việt kiều và người dân vùng bị chiếm trong Nam hết mặc cảm mà đóng góp về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, khoa học… Thiết nghĩ khi không cần thiết nên dùng “Chế độ Sài Gòn” thay cho từ “Ngụy”. Mặt khác, phải đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa, chống tham ô, và tăng trưởng kinh tế có hiệu quả để người Việt ngoài và cả trong nước tăng thêm lòng tin vào cộng đồng của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét