Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Hãy biết sống yêu thương




Không thấy ai ở bên
Sau một đêm nằm sốt
Tôi miên man với cái đầu lửa đốt
Những người thương giờ ở nơi đâu?

Tôi tìm về ký ức tuổi chăn trâu
Như đứa trẻ nô đùa trên đồng cỏ
Như cánh diều căng mình đón gió
Những đứa trẻ nhà nghèo đùm bọc lấy nhau!

Giờ đây khi cuộc sống sang giàu
Nơi đô thành cửa cao nhà kín cổng.
Sau bao năm mỏi mòn kiếm sống
Bây giờ ai cũng tự hào với cửa rộng, nhà cao.

Nhưng sao
Thật lạnh lùng, tẻ nhạt?
Những buổi tối bên mâm cơm chỉ toàn thấy bát,
Vài câu nói nhát gừng…
Những kênh truyền hình kín bưng
Toàn chương trình quảng cáo,
Những tin tức toàn cầu về đánh bom, hay giết người thô bạo…
Sao con người chẳng thể sống yên vui
Khi đã có rất nhiều những tiện nghi vật chất?
Có nên trách sự rủi may số phận
Hay trách mình không được cậy nhờ con?
Sẽ còn rất nhiều những tuổi già cô đơn
Khi “vật chất lên ngôi, tình người xuống cấp”
Những bài học vỡ lòng về đạo đức
Người ta đang xem như trò đùa
Sao con người lại chẳng được như xưa
Như “Từ Thứ” bỏ quan về quê chăm mẹ?
Hãy biết sống yêu thương ngay từ khi còn trẻ
Để lúc về già ta sẽ nhận thương yêu!


Hồng Hoa NTT

Sân hận luôn làm khổ tôi



 JAN WILLIS NGUYỄN VĂN NGHỆ dịch

Trong số tất cả những cảm xúc tiêu cực tai hại của chúng ta, sân hận rõ ràng là cái càm xúc nguy hiểm nhất vì nó không chỉ gây hại cho người khác mà có lẽ nó gây hại cho chính chúng ta nhiều nhất. Phật giáo từ xưa dạy chúng ta rằng để trở thành một chiến sĩ thật sự, một người chiến thắng, chúng ta phải đặc biệt khống chế được kẻ địch này. Phật giáo dạy ta rằng, một vị A-la- hán là một vị đã hoàn toàn diệt được những kẻ thù tham, sân, si (hay là lòng ham muốn, sân hận và sự ngu dốt) của mình và vị đó – khi diệt những kẻ thù đó – đã đập vỡ tan được chính cái cốt lõi và cái gốc của luân hồi, cái thế giới của khổ đau. Tại sao lại nói mạnh mẽ như vậy? Bởi vì trong tất cả mọi thứ trong thế giới luân hồi, chỉ có lòng sân hận là có duy nhất một ý định là làm hại chúng ta và người khác. Đó là cái bản chất và là lý do tồn tại của nó. Tôn giả Tịch Thiên (Shantideva), một nhà thơ lớn của thế kỷ thứ 8 đã hiểu rất rõ điều đó. Trong tuyệt tác Bồ-tát hạnh, ở chương 6 nổi tiếng – ‘Nhẫn’– đoạn 7 và 8, Ngài đã viết:

Được những điều tôi không muốn, Và tất cả những điều cản trở ham muốn của tôi – Trong sự không như ý của tôi, cơn giận tìm được nhiên liệu.

Từ đó nó lớn lên và quật ngã tôi. Vì vậy tôi sẽ tiêu diệt hoàn toàn

Những gì nuôi dưỡng cái kẻ thù đó của tôi, Cừu nhân của tôi, kẻ chỉ có một mục đích duy nhất

Là làm tổn thương tôi, làm khổ tôi.

Sân hận không có mục đích nào khác hơn là làm khổ và làm tổn thương tôi.

Những cảm xúc tiêu cực như sân hận, thù hằn, ganh ghét, cao ngạo v.v. được gọi là những phiền não, nghĩa là những loại cảm xúc tấn công hoặc gây tai hại cho ta và cho người khác. Không có phiền não hiền lành. Không có một thứ phiền não nào là bất bạo động. Tất cả đều muốn làm tổn thương và làm hại và tên thủ phạm tồi tệ nhất trong những phiền não ấy là lòng sân hận. Vậy chúng ta hiểu như thế nào hay có thể hiểu được cái gọi là “sân hận chính đáng” không? Câu hỏi này là một câu hỏi thường được đặt ra cho tôi. Tôi tin rằng câu hỏi này được đặt ra cốt để khẳng định một cách mạnh mẽ rằng chắc hẳn phải có những ngoại lệ đối với cái ý niệm rằng sân hận là luôn tai hại; để gợi ý rằng trên thực tế, trong một số điều kiện nào đó, sân hận có thể là có ích, thậm chí là mang lại cho ta sức mạnh. Tôi có thể hiểu được lý do tại sao mà người ta có suy nghĩ như vậy. Chẳng hạn như người ta mong muốn không cho phép, một cách thụ động, một tình hình sai trái nào đó tiếp diễn. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng không đánh trả lại không có nghĩa, hoặc ít nhất là không nhất thiết có nghĩa là thụ động hay phục tùng. Hòa bình chủ nghĩa không có nghĩa là thụ động. Chúng ta có thể bất bạo động và vẫn chống lại. Thật vậy, chúng ta phải bất bạo động để có thể hoạt động hữu hiệu cho phúc lợi của chính mình và của những người khác. Chúng ta cần phải rõ ràng, sáng tạo và có tính đổi mới để có thể tạo ra sự thay đổi. Nhưng trong lúc rối trí do giận hờn và căm ghét, chúng ta không thể suy nghĩ rõ ràng được. Do đó những nỗ lực của chúng ta, hết lần này đến lần khác, cứ bị thất bại mãi. Tôi biết những chuyện này người ta đã nói nhiều và thành sáo mòn rồi. Tuy nhiên ở đây tôi nói xuất phát từ trải nghiệm của chính mình.

Lúc đang còn là một thiếu niên, tôi đã đi tuần hành cùng Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King, Jr. trong Chiến dịch Nhân quyền Birmingham năm 1963. Đôi lúc tôi sợ mấy con chó bẹc-giê Đức của ông cảnh sát trưởng Bull Connor nhưng thường là tôi lấy làm hồ hởi vì có được cơ hội tham gia vào một phong trào vẻ vang về mặt đạo đức và tinh thần như thế. Dĩ nhiên, bất bạo động và tình thương chính là trọng tâm của phong trào. Mục tiêu của chúng tôi là một mục tiêu kép, vì chúng tôi muốn mang lại chiến thắng cho chính chúng tôi và cho cả những người chống lại chúng tôi. Và cuộc phản kháng hòa bình và bất bạo động đó rốt cuộc đã thành công khi trong năm tiếp sau đó Đạo luật Nhân quyền được phê chuẩn trở thành luật. Nhưng động lực nuôi dưỡng phong trào đó là bất bạo động và tình thương. Đó là tình thương yêu, không phải lòng căm thù.

Vài năm sau, tôi bị lôi kéo vào trong một tình huống làm cho tôi thấy rõ rằng giữ cho được cái tâm nhẫn nhục là rất khó. Tôi giận dữ, tôi như phát sốt, tôi giận đỏ mặt. Tôi hoàn toàn không kềm chế được và nói cụ thể là tôi giận sục sôi trong nhiều ngày, không ngủ được và đầu óc rối bời. Những lý do gây ra cơn giận của tôi không quan trọng, mặc dù người ta có thể gọi cơn giận của tôi là “chính đáng” và tôi cũng cho là vậy. Tuy nhiên, điều tôi biết rõ nhờ trải nghiệm của chính mình là những ngày giận dữ đó đau khổ lắm, cả về thể chất lẫn tinh thần. Tất cả cũng là vì cơn giận của tôi, kẻ thù của tôi chỉ có mục đích duy nhất là làm khổ tôi, làm tổn thương tôi. Cho dù chuyện xảy ra cho đối tượng giận dữ của bạn là gì đi nữa, bạn khổ sở vì sự giận dữ luôn làm tổn thương bạn

Nhưng làm sao chúng ta có thể diệt được cơn giận? Làm sao chúng ta có thể làm cho cơn giận, ngay cả cơn giận “chính đáng”, nguôi ngoai đi? Làm sao chúng ta chấm dứt được cái vòng luẩn quẩn của sự căm ghét? May thay, nhiều lời dạy của Đức Phật và riêng đối với tôi, một Phật tử Báp-tít, nhiều bài thuyết giáo của Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King đã mang lại những phương pháp hữu hiệu để chiến thắng cơn giận, những phương pháp vốn thừa nhận rằng không có những giải pháp nhanh chóng cho những thói quen lâu đời này và rằng sự thay đổi cần phải có thời gian.

Trong tác phẩm Bồ-tát hạnh của Tôn giả Tịch Thiên, toàn bộ chương về “nhẫn nhục” được dành để đưa ra nhiều phương pháp khác nhau để đối phó và để làm nguôi ngoai cơn giận. Một số phương pháp liên quan đến việc “trao đổi cái ngã với người khác” hay quán xét mình khi ở trong hoàn cảnh của người khác. Một số phương pháp khác đòi hỏi chúng ta hãy nghĩ rằng chuyện gì xảy ra cũng do những nguyên nhân và điều kiện và phải nhận ra rằng những hành động trong quá khứ của chúng ta đã tạo ra cái hoàn cảnh hiện tại như thế nào. Một số phương pháp khác nữa yêu cầu chúng ta suy nghĩ về lợi lạc của những cảm xúc vụn vặt khi mà tất cả chúng ta đều sẽ chết; và các phương pháp khác, hình dung ra những niềm vui hơn là nỗi buồn ta có được khi tạo ra hạnh phúc cho người khác. Bồ-tát hạnh là một kiệt tác thơ ca làm xúc động lòng người.

Có lần Tiến sĩ King thuyết giảng một bài tập trung riêng về chủ đề “Yêu thương kẻ thù của bạn”. Ông mở đầu bằng câu nói, “Chắc hẳn không có lời khuyên răn nào của Đức Giê-su khó thực hiện hơn là lời dạy bảo “hãy yêu thương kẻ thù của con”. Tuy vậy, gọi Chúa Giê-su là một người có đầu óc thực dụng, ông tiếp tục nói rằng “trách nhiệm của những người Ki-tô giáo chúng ta là khám phá ý nghĩa của lời dạy bảo này và cố gắng thực hiện một cách thiết tha lời dạy này trong cuộc sống hằng ngày. Sau đó Mục sư King trình bày ba bước để thực hiện phương pháp yêu thương kẻ thù của mình. Ông ta nói trước hết “chúng ta phải phát triển và duy trì khả năng tha thứ”. Thứ hai là “chúng ta phải thừa nhận rằng hành động xấu xa của kẻ thù… không bao giờ hoàn toàn biểu lộ bản chất của người đó” và thứ ba là, chúng ta phải cố gắng hòa giải và “tranh thủ được thân tình và sự thấu hiểu (của kẻ thù)”. Rất đơn giản mà cũng đầy thách thức.

Tôi tin rằng điều vô cùng quan trọng trong hai cách tiếp cận nêu trên là sự hiểu biết rằng trong khi chính những cảm xúc dữ dội và thiếu đắn đo suy nghĩ của chúng ta khiến cho chúng ta phiền não, thì cách duy nhất để chế ngự những cảm xúc đó là phải dùng đến một sự phân tích hữu lý rộng rãi, cởi mở, bền bỉ và đầy tình thương yêu. Chúng ta phải sử dụng cùng lúc con tim và khối óc của mình.

Jan Willis là Giáo sư môn Tôn giáo tại Wesleylan University, bang Connecticut, Hoa Kỳ. Bà đã nghiên cứu và giảng dạy về Phật học trong hơn bốn thập niên qua, là tác giả của nhiều cuốn sách về tôn giáo và tâm linh.

Trong thế giới vội vã



SAKYONG MIPHAM RINPOCHE- THỊ GIỚI dịch

Thế giới đang trở nên đông đúc, vội vã bất an và sôi nổi hơn bao giờ hết. trong những điều kiện đó, con người có khuynh hướng giảm bớt lòng từ bi và tăng thêm tâm gây gổ, kiêu căng. Tôi nghĩ việc rèn luyện tâm bình an là cách duy nhất để loài người có thể sống còn.

Làm thế nào để chúng ta có một cuộc sống bình an? – Đó là nhận ra tính chất bình an của chúng ta, trong trạng thái “an trú” hay dừng lại, chúng ta tập trung vào một đối tượng, như hơi thở. Chúng ta đưa tâm vào những mức độ tập trung sâu hơn để được nghỉ ngơi trong trạng thái bình an, một trạng thái ồn cố sáng sáng tự tại.

Giữ tâm an trú không có nghĩa là xa lìa thực tế. Ngược lại tâm an trú đó chính là một thực tại. Chỉ những người điên rồ mới nghĩ rằng có thể tìm thấy giải thoát ở bên ngoài chính mình. Khi không tin tưởng vào bản tánh chân thật của mình, con người trở nên hụt hẫng. Từ đó họ sinh ra trách cứ người khác, trả thù và phá hoại. Và khi chúng ta có hành động phá hoại kết quả chỉ là chất chứa thêm sự tiêu cực vào tâm. Con đường bình an là con đường rèn luyện tâm đòi hỏi sự nhẫn nại và chuyên cần.

Chúng ta nghe nói tâm của chúng ta luôn chạy rong trong sáu đường vì trong sáu cách nhận biết – thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm và biết – mỗi cách đều có nhận biết riêng. Và trên cùng là sự tưởng tượng hay vọng tưởng sợ hãi làm cho tâm bấn loạn đẩy tâm ra khỏi phạm vi nhận biết của chúng ta. Vì thế mà chúng ta phải chuyên cần tu tập để kéo tâm trở lại hơi thở.

Shamatha (chỉ hay dừng tâm) cho chúng ta những phương tiện khéo léo trong việc điều khiển tâm, giống như chúng ta đang huấn luyện một con ngựa hoang. Bước đầu tiên là phát triển một sự quan hệ với nơi chốn chúng ta đang hiện hữu. Nếu chúng ta chỉ ngồi xuống và ghì giữ tâm chúng ta, nó sẽ chống cự lại. Do đó chúng ta không nên vội vàng lao ngay vào việc tu tập thiền định, vì điều đó chỉ giống như ta đặt ra chiếc yên trên lưng một con ngựa chưa thuần thục. Trước hết sự phát triển tính chất tự giác – biết chúng ta là ai và chúng ta đang làm gì – là việc rất quan trọng.

Do đó, khi ngồi vào bồ đoàn để tham thiền, chúng ta bắt đầu việc nhìn vào điều gì đang xảy ra trong đời sống chúng ta, và đó chỉ mới chỉ là vòng ngoài của sự tu tập. Shamatha trong đời sống hàng ngày là một thức giác về một sự việc đang xảy ra về trật tự, sự trôi chảy và vắng bóng của những xung đột. Không có một mức độ an trú trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ luôn luôn ở trong tình trạng vùng vẫy. Sự vùng vẫy này sẽ ngăn chúng ta tiến sâu hơn trong thiền quán.

Vòng tiếp theo của shamatha là soi rọi vào chính mình. Đây là giai đoạn đầu trong việc tu tập chính thức. Chúng ta bắt dầu bằng việc quán sát những cảm nhận của mình. Chúng ta có thể hỏi: “Tôi cảm thấy vui hay buồn? tôi cảm thấy lo lắng hay không? Trạng thái căn bản tâm của tôi ra sao trước khi tôi bắt đầu tu tập?” khi chúng ta có những cảm xúc khó khăn, lý do thường là chúng ta không dể ý đến chúng ta là ai. Chúng ta có thể nghĩ chúng ta là những hành giả cừ khôi, trong khi thực tế chỉ là chứng loạn thần kinh trước kia đang bày trò trong tâm chúng ta. Nếu chúng ta muốn biết những khía cạnh vi tế của tâm hoặc giữ một đối tượng để quan sát, ít nhất chúng ta cần có khả năng nhận ra chúng ta cảm thấy gì.

Tự quán chiếu cũng có thể bao gồm suy nghĩ. Là những người tu thiền, chúng ta thường có cái nhìn cho rằng suy nghĩ là xấu. Thực tế là chúng ta ngồi trên bồ đoàn và suy nghĩ. Tại sao lại không suy nghĩ về thứ gì đó giúp chúng ta tiến theo hướng đúng? Đây là cơ hội rèn luyện tâm của tôi. Tôi có 20 phút và tôi sẽ để 20 phút đó cho tâm và cố gắng rèn luyện nó, giống như rèn luyện một con ngựa”.

Ngay vả khi chúng ta giữ được sự ổn định và đặt được tâm trên hơi thở, tâm của chúng ta có thể vẫn còn hoang dã. Những sự việc như tìm tòi hay ăn uống vẫn còn lãng vãng trong tâm chúng ta. Hoặc chúng ta vẫn còn bị dính chặt vào lòng tức giận hay ham muốn, cảm xúc của chúng ta hầu như còn cứng như đá. Tưởng tượng và cảm xúc là những niệm tưởng có sức mạnh mang chúng ta đi xa, và tìm cách hiểu được những niệm tưởng đó là một phần làm trong tiến trình làm lắng dịu chúng ta. Nhưng nếu chúng ta trải rộng và để cho tâm chúng ta rong ruổi tự do, chúng ta không thực sự thực hành thiền quán, khi đó chúng ta không làm việc gì với tâm cả. Giống như chúng ta cho ngựa thêm lúa và để nó chạy vòng vòng, nghĩ rằng việc đó sẽ làm cho nó thuần phục.

Chúng ta phải quan sát xem chúng ta điều khiển chính mình như thế nào. Đây là một mức độ khác trong việc thức giác về chính mình – biết chúng ta đang thiền quán như thế nào. Rồi khi chúng ta để ý thấy rằng chúng ta bị đẩy ra xa. Thời gian đó không trôi qua một cách vô ích vì khi chúng ta theo dõi những hình thái hoạt động của tâm, nó cho phép chúng ta nhận ra những hình thái hoạt động đó một cách dễ dàng hơn.

Ở mức độ này chúng ta cũng có rất nhiều niệm trung tính (vô ký). Những thứ này có thể là những thứ nguy hiểm nhất trong việc tu thiền của chúng ta. Bởi vì chúng không tàn phá chúng ta như những đam mê hay sự gây gổ, chúng ta dần dần quen thuộc với chúng hơn. Chúng ta nghĩ: “Không có gì xấu; nó không lan trải rộng ra”. Giống như nói: “Nhà tôi chưa hẳn là hoàn toàn sạch, nhưng cũng đủ sạch”. Chúng ta không muốn tiêu dùng thêm năng lượng đó, do đó, chúng ta quen dần việc sống chung với bụi.

Còn có những niệm tưởng lan man, không mạch lạc, biểu hiện ra dưới hinh thức khích động hay một dòng lao xao. Để đối phó với những niệm tưởng lan man, điều quan trọng là đừng nghĩ: “Tâm của tôi thực sự là hoang dã, tôi có rất nhiều tưởng niệm, vì vậy tôi là người tồi”. Chúng ta nên thức giác những điều đang xảy ra trong những ý nghĩ lan man của mình, và chúng ta đừng cố gắng triệt tiêu chúng. Nếu chúng ta quá khắt khe trong việc tu tập thiền quán, cố gắng nhứt tâm trong mọi lúc, chúng ta tiêu dùng quá nhiều nỗ lực làm cho chúng ta bị dội ngược ngay vào trạng thái nhiều lan man hơn.

Thay vì vậy, chúng ta hãy thực hành việc nhìn vào tâm và thấy cách nó đi đến mọi nơi mọi chốn. Nó chạy tán loạn và không thể dừng lại, hoặc dừng lại trên một ý tưởng; nó không ngừng đem hết việc này đến việc khác vào. Dĩ nhiên có một mức độ nghĩ nhớ lan man. Thật sự chúng ta có thể có một buổi tham thiền tốt đẹp trong nửa giờ đồng hồ, có chút đỉnh những ý nghĩ lan man nhưng không bao giờ thật sự đánh mất đối tượng thiền quán.

Một khía cạnh của việc biết chúng ta đang ở chỗ nào và giữ những hướng vọng của chúng ta một cách hợp lý. Nếu chúng ta nói: “Tôi có một ngày bận rộn. Tôi hoàn toàn chưa thuần phục, nhưng giờ đây tôi ngồi xuống và gắn kết vào hơi thở” điều đó sẽ không xảy ra. Thay vì vậy, chúng ta sử dụng sự thông minh của chúng ta: “Nếu tôi chỉ có thể cảm thấy không gian của căn phòng và có một cảm nhận về hơi thở của tôi trong nửa giờ đồng hồ, đó sẽ là một bước tiến bộ”. Sau đó khi chúng ta lắng xuống được một chút, chúng ta có thể nghĩ: “Giờ đây tôi có thể tập trung hơn vào hơi thở”.

Mức độ kế tiếp của niệm tưởng mà chúng ta gặp phải rất vi tế, những niệm tưởng này không phải là những niệm tưởng đem chúng ta đến một tiệm ăn mới hay chuẩn bị cho buổi tu tập theo sau, chúng không phải là những ý nghĩ lan man tạo ra sự lao xao trong tâm; chúng chỉ là những ý niệm nhỏ, nhẹ như bong bóng. Tâm như hòa trong đó. Nhưng sau khi thực hành shamatha một thời gian, chúng ta có thể đạt đến giai đoạn ổn cố của tâm trong sự an bình, ơ đó, những niệm tưởng nhỏ nhiệm này tiêu tán giống như những lọn tuyết dưới ánh mặt trời.

Ý tưởng về sự thành tựu trong thiền quán nơi tôi luôn luôn tồn tại và không gián đoạn, chúng ta có thể tham thiền trong một ngày và có kinh nghiệm hoàn toàn về nhất tâm, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta đã thuần thục được tâm của mình. Cách chúng ta gắn bó với việc tu tập là hiểu chúng ta là ai, chúng ta đang làm gì, và vì sao chúng ta làm việc đó. Tâm là một cái gì lạ lùng. Vui và buồn, tất cả mọi cảm nhận của chúng ta xuất hiện nơi tâm. Và khi chúng ta cảm nhận những thứ đó, chúng ta cần cố gắng làm cho chúng ta dừng nghỉ. Khi có được sự dừng nghỉ, chúng ta sẽ cảm nhận được sự trong sạch cố hữu của chúng ta, cho chúng ta sức mạnh, tình thương và lòng từ bi.

Đường thi: Thế nào là thơ thiền




VŨ TH Ế NGỌC

1. Thế nào là thơ thiền?

Về mặt lịch sử, Phật giáo có nhiều tương quan với ngôn ngữ thi ca. Khi còn tại thế, Đức Phật luôn luôn khuyến khích các đệ tử dùng các ngôn ngữ địa phương để diễn dịch, truyền đạt giáo pháp của Ngài. Các bản kinh còn lại cũng hay dùng các thể văn vần, với lý do duy nhất để dể đọc dễ nhớ. Nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, người ta vẫn chỉ lưu truyền lời Phật (kinh) bằng cách truyền khẩu. Nên có thể nói ngay từ nguyên thủy Phật giáo đã dùng thơ làm phương tiện giáo hóa. Cho đến Thiền tông sau này, dù chủ trương “trực chỉ nhân tâm kiến tính thành Phật”, dõng dạc tuyên bố “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” coi thường ngôn ngữ kể cả kinh điển, thì sừng sững trong văn học Thiền tông vẫn là các bài thơ trong các ngữ lục danh tiếng của các tổ Thiền tông.

Thi ca thường được coi là có thể diễn tả được những gì không thể diễn tả bằng văn xuôi. Như cách nói “một bài thơ nói được nhiều hơn tổng số ngôn từ trong bài thơ đó”, thơ có khả năng chuyên chở phần nào kinh nghiệm “bất khả tư nghị” không thể nghĩ bàn. Đó là kinh nghiệm thiền định mà ngôn ngữ bình thường của thế giới nhị nguyên không những bất lực mà còn làm người ta hoang mang hiểu lầm, như các thiền giả thường nhấn mạnh. Cho nên trong thiền học thơ cũng thường được dùng như một phương tiện thiện xảo, một “công án trong công án” để hướng dẫn người học đi vào thực nghiệm cái kinh nghiệm “bất khả tư nghị, bất khả ngôn thuyết” – Dù biết rằng “chín mươi chín phần trăm chính xác của thơ cũng không bằng ngôn ngữ của im lặng”.

2. Gần đây đã có những người dễ dãi sưu tập các bài thi kệ (thơ!) của các tăng sĩ (thiền?) và gọi đó là “thơ thiền”. 

Thật sự chưa nói đến các bài thơ dịch quá khiên cưỡng, tự thân đại đa số các bài thơ được sưu tập đó cũng chỉ là những bài văn vần dạy đạo hay các bài kệ diễn tả kinh nghiệm thiền của các tác giả. Các thiền sư không có mục đích làm văn chương. Cũng như có cả một ‘phong trào thời thượng’ của một số người làm tập tành làm thơ thường hay mang những Phật ngữ, thiền từ vào thơ và nghĩ đó là thơ thiền. Thật ra đó cũng chỉ là trò chơi ráp chữ mua vui. Các thiền sư thật sự chưa bao giờ thích dùng ngôn ngữ để diễn giải về chân lý siêu việt “bờ bên kia”. Dù đôi khi các ngài chỉ bất đắc dĩ phải dùng loại loại ngôn ngữ thi ca để làm phương tiện gợi tỏ, ‘viên đá dẫn đường’. Nên đâu đó, trong các ngữ lục của các thiền sư thường có lẫn ít nhiều câu thơ. Các câu thơ hay các bài thơ đó được các ngài thuận miệng nói ra, thuận tay chép lại theo thủ thuật nhà thiền “nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân” chẳng bao giờ chú thích xuất xứ. Và các ngữ lục của các thiền sư thường chỉ do hậu bối nhớ lại và ghi chép, nên vẫn thường có thể lẫn các câu thơ của nhiều thi nhân khác. Các thiền sư chỉ tức thời mượn câu thơ văn có vần có điệu dễ nhớ dễ nghe để trình bày một vấn đề uyên áo ‘bất khả tư nghị, bất khả ngôn thuyết’. Các “thi phẩm” này hoàn toàn không có mục đích thi ca trừ trường hợp các tu sĩ cũng là thi sĩ – Đây lại là vấn đề khác. Đó là trường hợp của 116 thi nhân và cũng là tăng sĩ trong Toàn Đường Thi và các tu sĩ làm thơ khác đời sau.

Đối với các thiền sư, dù có những bài thơ là những bài thật sự có giá trị thi ca thì cũng chỉ là tình cờ. Chúng ta nên nhớ các “bài thơ” này vẫn chỉ có mục đích mượn bè qua sông, một phương tiện “tải đạo.” Thiền sư Lai Quả từng nói rõ: “Người xưa việc lớn đã sáng tỏ, là người trước đã tỏ ngộ sau đó mới quan sát căn cơ mà lập giáo, dùng văn để tiếp người trí thức, dùng thơ để tiếp người học rộng hiểu sâu. Chỉ lấy thơ văn làm phương tiện đưa người nhập đạo, tất cả không ngoài lòng từ bi làm lợi ích cho thế gian, chứ chẳng phải như bọn người phù phiếm ưa thích ý vị thi văn”.

Vì vậy đối với các thiền sư dù có làm thơ thì mục đích của những bài thơ đó cũng không khác các câu nói mộc mạc tùy tiện như “ba cân mè”, “cây tùng trước sân”, “uống trà đi”,… hay có khi sỗ sàng như “càn thỉ quyết”, “phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ”… chỉ với mục đích tải đạo. Đó cũng là trường hợp các tu sĩ dùng các bài kệ bài vè để truyền giáo vào đại đa số quần chúng, như các “ông đạo” ở miền Nam Việt Nam trước đây. Các ngài không bao giờ nhắm mục đích ‘làm văn chương’.

3. Tuy nhiên trong bình diện phổ thông người ta vẫn có thể gọi là “thơ thiền” theo ý nghĩa dung tục:

Đó là những bài thơ thoáng gợi một nhân sinh quan thiền học nhất định nào đó hay diễn tả một trạng thái xuất thần phảng phất một kinh nghiệm thực chứng của giáo lý vô ngã của kinh nghiệm thiền quán.

Nói là ‘phảng phất ít nhiều nhân sinh quan thiền học’ mà không nói ‘mang nội dung thiền học’.

Nhưng vấn đề cơ bản của bất cứ bài “thơ thiền” nào thì cũng phải là một bài thơ – một bài thơ hay. Một thi sĩ có thể không phải là thiền giả nhưng vẫn có thể có những bài thơ những câu thơ “rất thiền,” và một vị thiền sư có thể có những bài thi bài kệ dạy đạo rất sâu sắc nhưng không có nghĩa đó là những bài “thơ thiền” nếu từ cơ bản nó không phải là bài thơ hay.

Đó chính là một tiêu chuẩn để được chọn lựa vào tuyển tập Toàn Đường Thi, Đường Thi Tam Bách Thủ, Thiên Gia Thi hay các thi tuyển tương tự.

4. Thưởng thức thơ, làm thơ là một hoạt động trí tuệ thanh cao. 

“Thơ thiền” lại là một hoạt động cao nhã hơn nữa. Nhưng nên nhớ trò chơi lao tâm chọn chữ theo lời cũng là một chướng ngại của người tu thiền. Thiền sư Hiệu Nhiên (730-799) là một thi nhân lỗi lạc đời Đường với bảy thi tập còn ghi trong Toàn Đường Thi và cũng là một nhà phê bình thi ca nổi tiếng với quyển Thi Thức. Tuy nhiên đến cuối đời ông không làm thơ nữa vì tự nhận thấy nỗi đam mê này cũng là một chướng ngại của thiền nhân. Đúng như các thiền sư xưa nhận định, người tu thiền tâm còn mải miết buông thả theo cảnh huyễn lấy thi thơ làm nghiệp, phung phí thời giờ đuổi theo vần điệu chỉ là tạo ra nghiệp xấu của thi tăng. Đó là những kinh nghiệm mà thiền nhân chân chính tự hiểu.

Truyện ngắn của HỒ ANH THÁI



Tôi nghỉ nhờ trong một Thiền viện Phật giáo Nepal. Lang thang cả tháng trời trên dãy Himalaya, loanh quanh ở vùng biên giới Nepal – Ấn Độ, tôi tình cờ tìm ra cái thiền viện này và xin tá túc. Chùa Nepal nhưng có ảnh hưởng phong cách Tây Tạng. Vùng này người Tây Tạng sống lưu vong khá nhiều, giống như vùng Dharamshala bên Bắc Ấn. Bên ấy có cả thiền viện trung ương của người Tây Tạng. Tôi có lần ghé lại mấy ngày, có lần nghe Ðà Lai Lạt Ma giáo chủ giảng bài. Một thứ tiếng Anh truyền cảm, trong vắt. Chuyện đã lâu rồi, nhưng nhớ mãi cái giọng ngài.

Còn ở vùng này, đất Nepal, nóc chùa Phật là bảo tháp hình bán cầu, đặt trên bán cầu là một kiến trúc hình vuông, vẽ cặp mắt Phật. Đấy là kiến trúc điển hình chùa Phật của Nepal. Nhưng dấu ấn Tây Tạng lại ở những cái bánh xe cầu nguyện kinh luân khắp xung quanh chùa. Người đến chùa vừa cầu nguyện vừa đẩy cho bánh xe kinh luân quay tít. Dòng chữ Phạn khắc trên ấy cứ thế mà quay. Om mani padme hum. Quay mãi.

Bên trong thiền viện có hai nhà sư Nepal đang tỉ mẩn dựng một bức tranh bằng bơ. Thêm một nét Tây Tạng. Thông thường tranh bằng bơ chỉ có người Tây Tạng làm. Xứ lạnh cao nguyên. Nước còn đóng băng chứ chưa kể đến bơ. Bơ cất từ sữa bò, người ta đem nhuộm, nhuộm nhiều màu, rồi dùng thứ bơ đặc sền sệt làm chất liệu để tạo tác những bức tranh. Tôi chỉ mới biết đến nghệ thuật tạo tác mandala bằng cát nhuộm màu của Tây Tạng. Tranh bằng bơ là một điều mới lạ. Thế là tôi sà ngay vào.

Đúng lúc ấy nhà sư Tây Tạng đến. Áo choàng màu nâu đỏ, gần như màu mận chín, tay nải trên vai. Nhà sư đang ở tuổi thanh niên. Ông chắp hai tay trước ngực chào hai vị sư Nepal, xin được nghỉ lại. Xong thủ tục chào hỏi và nhận lời chỉ trong vài phút. Nhà sư Tây Tạng bỏ tay nải xuống, cũng sà ngay đến bên bức tranh đang dựng. Ông lấy cái bút chứa bơ màu trắng, tỉ mỉ bơm nó lên trên nền xanh dòng sông có bóng một con thuyền. Những làn sóng nước màu trắng cứ thế mà lăn tăn chạy ra từ tay ông. Sóng nhấp nhô.

Ngày hôm sau tôi đã thân với nhà sư Tây Tạng. Ông dạy tôi những động tác rèn luyện thân thể. Nằm ngửa, dùng lực của thân dưới, đẩy cho hai chân duỗi thẳng bật lên chỉ hướng lên trời. Đấy là tập cho khớp hông và xương sống. Hai tay dang ngang bằng vai, cứ thế mà quay toàn thân theo chiều kim đồng hồ. Đấy là tập cho các luân xa trong thân bừng thức và chuyển động trở lại sau một giấc ngủ. Quay. Điều cốt yếu là trong khi quay phải luôn ngắm vào một điểm nào đó làm mốc. Vừa quay vừa nhớ luôn đưa mắt tìm về cái mốc ấy. Để tránh mất phương hướng. Để tránh mất thăng bằng. Để tránh chóng mặt và ngã. Quay bảy vòng. Quay chín vòng. Quay mười lăm vòng. Quay đến hăm mốt vòng. Phải nhớ luôn để mắt xác định được điểm mốc.

Buổi chiều có năm nhà sư Tây Tạng tìm đến chùa. Những bóng áo cà sa nâu đỏ đi khắp nơi trong thiền viện. Họ được phép tìm kiếm khắp nơi. Bấy giờ tôi mới nhận ra nhà sư kia đã biến đâu mất. Năm nhà sư này thuộc đội duy trì giới luật của một ngôi chùa Tây Tạng, công việc của họ ở chùa cũng giống như đội quy tắc, đội trật tự trị an trong các làng xóm phường phố. Không ai hỏi, nhưng đều biết nhà sư đến chùa hôm qua đã phạm giới luật. Năm nhà sư này đang lùng tìm ông ta.

Các nhà sư vào chùa thỉnh một tiếng chuông bằng chiếc chuông to. Kính báo về sự hiện diện của họ. Kính báo về việc họ đang làm. Rồi họ tản đi khắp chính điện, khắp khu giảng đường, khắp khu trai phòng, ký túc xá. Không rón rén theo kiểu đội đặc nhiệm. Không khom người trước một cánh cửa hoặc sau một bức tường. Không đưa mắt láo liêng hoặc dỏng tai nghe ngóng.

Mỗi người một chiếc chuông nhỏ và một cái chày nhỏ bằng gỗ. Nhà sư cầm chuông trên tay, dùng cái chày miết thành vòng tròn xung quanh vành chuông. Một âm thanh tròn đều, ban đầu nhỏ, sau to dần lên, cao vút lên, cho đến khi nó rít lên như một mũi kim đâm thẳng vào màng nhĩ. Không phải là tiếng chuông binh boong. Không khoan nhặt từng tiếng. Âm thanh dài, mảnh, triền miên, kéo dài mãi không dứt. Tạo ra tiếng chuông ấy cũng phải là người trong trạng thái thiền. Chỉ cần nhãng đi một tí, chỉ cần không đều tay, tiếng chuông căng dài sẽ đứt. Khực một cái. Lúc ấy người ta phải khởi động lại tay quay xung quanh vành chuông, từ đầu.

Tiếng chuông của năm nhà sư này thì đã thành thiện nghệ. Không một vết đứt. Nó cứ vi vút quay đều. Cứ kéo căng ra. Ðó là công cụ tìm kiếm. Nói cho chính xác, đó chỉ là cái chuông cầu nguyện, nhưng các nhà sư đã phát minh ra cho nó cái tính năng tìm kiếm. Cái sợi dây âm thanh ấy đang kéo căng ra, nếu vướng phải một vật thể nào đó, một người đang nấp đâu đó trong góc tối chẳng hạn, âm thanh sẽ mắc lại. Các nhà sư sẽ nhận được sóng âm thanh dội lại mà phán đoán được chỗ nấp của kẻ bị truy lùng. Ở đây có cái gì giống như cách loài dơi bay trong đêm tối, vừa bay vừa phóng ra những sóng âm thanh dò đường, nếu gặp vật cản, âm thanh sẽ dội ngược lại, con dơi nhận được sóng dội lại mà bay tránh đi, không đâm vào vật cản.

Vi vút vi vút. Những chùm âm thanh cứ thế được phóng ra. Viiiiiiiii. Vuuuuuuuuu. Từng sợi dây một được thả ra, kéo căng ra. Tiếng chuông chạm vào tượng vào chuông vào nến. Tiếng chuông dội lại khi chạm vào những bức tường là bích họa kể chuyện đời Phật. Chuông chạm vào vật bằng gỗ, bằng kim khí, vào tường gạch tường đá, vào lá vào cây. Mọi vật thể đều được xác định. Mọi thứ đều không qua được mắt năm nhà sư. Không qua được thính giác họ. Viiiiiiiii. Vuuuuuuuuu.

Cuộc tìm kiếm kết thúc. Nhà sư kia đã biến mất. Năm nhà sư vào chính điện, đánh một tiếng chuông kính cáo rồi xin phép ra đi.

Nửa giờ sau khi đội giới luật đã đi rồi, nhà sư kia xuất hiện. Ông đã thay chiếc áo cà sa bằng bộ trang phục của thường dân, trông như một thanh niên Tây Tạng hoặc Nepal. Chiếc áo cà sa ông vừa giặt đang phơi phía sau chùa. Chắc là ông vừa nấp ở một chỗ ô uế lắm và sau khi chui ra, ông phải đi giặt ngay.

Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông bảo một nhà sư không có gì phải nấp phải trốn, nhưng một khi buộc phải nấp trong một nơi dù ướp đầy mùi trầm chẳng hạn, thì chiếc áo khi ấy không còn sạch nữa. Phải giặt. Thân thể khi ấy không sạch nữa. Phải tắm gội. Tâm khi ấy phải được tự thanh tẩy.

Vậy là lúc nãy ông đã trốn trong một nơi đặc biệt lắm, đến mức tiếng chuông nọ đã không thể len vào ngóc ngách ấy được? Nói cho đúng, có hai vị sư đã đi qua cái ngách ấy, đã đều tay quay chuông, ông phải nằm im như một tử thi trong ngách tối. Hầu như không còn hơi thở, không còn sự sống trong mấy phút ấy.

Tôi lại hỏi chắc ông phạm lỗi gì nghiêm trọng lắm, khiến cả một nửa tiểu đội giới luật phải lùng tìm?

Có đấy, nhà sư thừa nhận thành thực. Ông chỉ tay vào ngọn tháp chùa bảo, sáng nay khi hướng dẫn tôi cách tập quay nhiều vòng, ông thấy tôi ngắm vào ngọn tháp. Lấy cặp mắt Phật phía trên tháp làm mốc. Phía trên cái kiến trúc hình vuông vẽ cặp mắt Phật “nhìn thấu mọi lẽ đời” là ngọn tháp hình xoáy trôn ốc mười ba nấc, tượng trưng cho mười ba bậc đi tới giác ngộ. Nhưng ở phía dưới ngọn tháp, cùng với hình vẽ cặp mắt Phật có một nét vẽ mà ai cũng tưởng là mũi Phật. Tôi cũng tưởng vậy. Nhà sư bây giờ mới cười bảo không phải. Cặp mắt Phật đã được vẽ theo phương pháp cách điệu, không cần vẽ miệng, thế thì việc gì người ta lại phải vẽ thêm cái mũi. Vậy, đó không phải là cái mũi. Ðó là số một theo mẫu tự Nepal. Số một. Hàm ý con đường duy nhất để được khai minh là con đường mà Ðức Phật đã chỉ ra.

Tôi đã lấy con số một ấy làm mốc khi tập quay tròn. Còn nhà sư này, trong một cuộc thảo luận lý thuyết tại thiền viện của mình, ông đã sa vào tranh luận nảy lửa với các pháp hữu. Một cái gì nghiêm túc lắm, nghiêm trọng lắm mà ông không diễn đạt ra với tôi. Chỉ là tranh luận mà một người phải bỏ ra đi. Chỉ là lời lẽ mà một người phải bỏ ra đi. Không có xúc phạm, không có khiêu khích, không có gây tổn thương. Chỉ là người đi thấy rằng mình phải tự trừng phạt, phải tự lấy làm hổ thẹn mà ra đi.

Sáng hôm sau tôi rời chùa. Trùng hợp, nhà sư nọ cũng tay nải ra đi. Ông mặc lại chiếc áo cà sa màu nâu đỏ đã giặt sạch. Chúng tôi đi bộ một đoạn đường xuống núi.

Từ đấy mới bắt xe khách đi tiếp. Ông kể rằng hôm qua lúc nằm trốn trong một ngách chùa, ông biết có hai nhà sư giới luật đã tìm kiếm xung quanh cái ngách ấy. Họ đi qua và đều tay quay chuông. Viiiiiiiii. Vuuuuuuuuu. Tiếng chuông đã va phải người ông. Khực một cái. Ông nằm trốn vẫn nghe thấy. Vị sư thứ hai ở cách đó một quãng cũng nghe thấy. Vị sư quay chuông đi ra lẩm bẩm với người kia, xin pháp hữu thứ lỗi, ta phân tâm, làm lỡ một nhịp chuông. Vị sư thứ hai không nói gì, bước vào thay, lại đều tay quay chuông. Viiiiiiiii. Vuuuuuuuuu. Tiếng chuông này cũng va phải người đang trốn. Khực một cái. Ông ta lại quay ra, nói như xin lỗi, ta cũng phân tâm, ta cũng lỡ một nhịp chuông.

Người nằm trốn thì biết. Không có chuyện lỡ nhịp gì ở đây cả. Hai vị sư kia đã tìm ra. Nhiệm vụ của đội giới luật là phải đi tìm. Có người bỏ trốn thì phải có người đi tìm. Tìm bằng được. Nhưng ngay cả khi tìm được thì tìm được cũng không có nghĩa là bắt.

Con đường xuống núi thênh thang. Dãy Himalaya những đỉnh núi tuyết vĩnh cửu sáng bừng trong nắng vàng mật ong. Chuyện trò nhiều nên đường ngắn lại.

Nhà sư lại nhắc tôi khi mới tập quay vòng tròn phải luôn nhớ xác định một điểm mốc. Không thì sẽ ngã. Hôm qua tôi đã phải lấy mốc là con số một trên tháp chùa mà tôi tưởng là mũi Phật. Con số một. Nhưng nhà sư bảo nhiều người đã tập cho đến khi không còn nhìn thấy một nữa. Không cần mốc nữa. Họ đã quay quanh thân, khi ấy họ lấy thân mình làm trụ, mắt vẫn mở mà không cần tìm về điểm mốc. Không nhìn con số một nữa. Không còn cái duy nhất nữa. Chỉ còn không.

Tôi định hỏi nhà sư bỏ đi rồi thì sẽ đi đâu. Rồi tôi không hỏi, câu trả lời sẽ không có gì lạ. Phật tử dù có đi bất cứ nơi đâu thì dưới gầm trời này cũng không có chỗ nào ở bên ngoài cửa Phật.

Đến bến xe ở chân núi, chúng tôi chia tay.■

Lặng nghe đá nói ngây ngô…









1- Tâm thức vô danh – đá lặng lẽ thấm hồng
Trên đường của từ xã hội nguyên thủy bước sang xã hội văn minh, đá là chất liệu đầu tiên gắn bó với những bước chân chập chững, đầy ấp ước mơ và lắm nỗi lo âu của con người.

Trong buổi bình minh lịch sử nhân loại con người sinh ra và về lại từ hang (đá), làm ra công cụ sản xuất từ đá, ta sàng đực đánh lên từ đá, cho con người lửa (mặt trời – lửa bếp – lửa lòng) người phương Tây trong thần thoại Hy Lạp tự hào lên trên đỉnh Olympe với ngọn lửa Prômêtê – “vị thánh đấu tiên, người tuẩn tiết đầu tiên trong lịch sử triết học” (Marx), và họ tin “có các loại đá vẫn giữ được hơi người”. Người phương Đông trong thần thoại Ấn Độ vẫn mãi giữ ngọn lửa thần Anhi trên đỉnh Hymalaya, hướng tới sự cao thượng tự do và minh triết tinh anh. Con người cầm – Viên đá lạnh vô tri – Và tia lửa – Tự do lóe (Chớp trong tay – Robert Rozhdestvensky).

Thời đại từ đồ đá – thời đại dài nhất trong lịch sử loài người – đến nay, dù tín ngưỡng dân gian biến đổi và trầm tích nhiều lớp đá văn hóa, nhưng ấn tượng về đá đã hết sức sâu sắc trong tâm thức. Giản dị như tâm hồn Việt Nam, lặng lẽ mà nồng nàn thắm hồng trong hòa quyện Trầu Cau.

Ngày nay, không mấy ai không mấy ai ăn trầu nhưng ai cũng biết chuyện “Sự tích Trầu Cau”, đó là một câu chuện đẹp và cảm đông về phong tục tập quán, hôn nhân một vợ một chồng, tình thương gia tộc và tình yêu đôi lứa trong ước vọng thắm đỏ trầu cau. Và người ta cũng chỉ nhớ đến hai chủ thể Trấu – Cau: Lưu luyến tình xưa âu yếm trầu leo quanh thân cau …Ấy còn là chuyện ngã ái, mình là người khác, mình là mình, mình là ai: Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu…(Trầu Cau – Phan Huỳnh Điểu). Không có chút vôi trắng lặng lẽ tinh luyện từ đá, liệu có tạo nên màu thắm hồng hòa. Từ ngàn đời tự đá lặng lẽ không tên, mang cái mà Krishnamurti gọi là “tâm thức vô danh” vào đời.

2- Từ ải Nam Quan …vỗ cánh chín con long
Bản đồ hình chữ S mỏng manh lưng tựa núi, mắt ngóng biển cứ như người con gái gồng vai quang gánh ải Bắc, lưng e thon thả miền Trung và “Hành phương Nam chân duỗi dài đến chân mũi Cà Mau. Nào có riêng gì những năm tháng kháng chiến trường kỳ ác liệt, mà mấy nghìn năm Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa kia đã tạo nên bao dáng đá chờ chồng. Dân tộc ấy có gì kỳ lạ – Một nước bao nhiêu là đá Vọng Phu (Phạm Tiến Duật). Người con gái bồng con hóa đá. Người con trai có về cho đá lại là em.

Tình yêu nằm ở tâm đá – những trái tim giản dị hằng thường vô lượng của người con gái hóa đá.Người ra đi chắc gì quay lại nữa – Trên đầu non lòng đá vẫn kiên trinh (Chế Lan Viên). Người ta quen thuộc với hình tượng Sóng- một ẩn dụ tình yêu giàu nữ tính. Nhưng Đá, Kể từ lúc ấy (Thu Nguyệt), cũng là một hình tượng nghệ thuật gắn bao cung bậc tình yêu của một trái tim giàu nữ tính. Em ngồi hóa đá thành thơ- Trả anh ngày tháng anh chờ lúc yêu – Em ngồi hóa đá thành chiều – Trả anh cái nụ hôn liều ngày xưa – Em ngồi hóa đá thành mưa – Trả anh cái phút anh đưa qua cầu – Xa nào anh có hay đâu – Đá từ lúc ấy bây giờ hóa em. Hay, lạ và diệu thay một tấc lòng giàu nữ tính từ hóa đá giờ thành hóa em. Người con gái giàu về tính nhạy cảm diệu tường của trái tim, người con trai mạnh về tình lý trí của khối óc. Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng- Anh trở về hóa đá phía bên kia (Thu Bồn). Tư tưởng nằm ở đầu đá- những cái đầu nóng lạnh đầy tính triết luận nhân sinh hữu hạn – vũ trụ vô cùng xuất xứ – hành tàng… của người con trai biến thiên …theo đá. Giữa đời hiện hữu như vô ngã- Giữa hồng trần đá có vô tri (Kim Tuấn). Nếu có gắn với một chữ Tình –rơi, rớt, rụng…thì chấp nhận trong đá trắng lặng im. Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ – Em lấy chồng rồi hết ước mơ – Tôi sẽ đi tìm mõm đá trắng – Ngồi lên để thả cái hồn thơ (Hàn Mặc Tử).

Từ ngàn xưa, mãi thương cảm cho những lỗi lầm của trái tim tình yêu cao thượng trong trắng. Em hóa đá trong truyền thuyết – Cho bao cô gái sau em – KHông còn phải hóa đá trong đời (Trước đá Mỵ Châu – Trần Đăng Khoa). Bài hai trong chùm 3 bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương mang bi cảm con tim Chín con long…

3- Trong hằng sinh, đá lặng lẽ cho đời

Chỉ có đá mới không tách bạch giữa xác và hồn, tâm và trí. Đó là một dòng sông mãi chảy của vô bờ bồi –l ở, hợp – tan, tụ – tán , thịnh – suy…kéo theo bao luật giả thị phi của những ái, ố, bi, hỉ, nô , khổ…Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt – Nước còn cau mặt với tang thương (Bà Huyện Thanh Quang). Giữa trời - mây – non – nước kia, vẫn là dáng đá lẻ loi một mảnh tình riêng.

Đá và nước là mô típ chạy sóng đôi. Đá thường lặng lẽ nhìn xuống sông trôi. Nhân giả mạo sơn, trí giả nhạo thủy. Không ai có khả năng ngồi như đá – như vô ích, vô sự, vô tâm – vì không ai thừa nhận tính nguyên sơ, chân thật, căn bản hoàn hảo vốn có. Quá giản dị, người ta dễ xem thường và chán ghét. Không gì nguyên sơ chân chất hòa hảo hơn trong toàn thể đá – không thể chia cắt quy chiếu. Nên đá là đá, chẳng thức, chẳng ngủ, nên đá không chấp nê kinh nghiệm, không mê – ngộ, không sáng suốt – tối tăm…mà đá mãi ngây ngô …như đá…Hãy ngồi xuống…như đá. Chẳng để làm gì. Rồi đứng dậy – trong cuộc sống – tỉnh giác, giản dị – mọi cái qua đi: Sáng lên Hoàng Sơn trăng – Chiều xuống Bàn Thạch tắm – Nhặt hòn đá hai nơi- Núi sông không đầy nắm (Cao Bá Quát). Đá ngồi là không ngồi – Nó sống. Hóa ra, hành động đã quá nhiều, mà người ta thấy chưa đủ, không bao giờ đủ, cần hành động. Đá buông bỏ hành động. Đó chính là hành động giác ngộ của sự an nhiên – sáng tạo – tình yêu lớn lao. Chả trách ai cũng thấy ngu …như đá.

Thực ra, tâm đá mang hạnh Nhẫn, không lụy theo cảm giác, chấp nhận hay không chấp nhận, không bị lôi theo điều vui hoặc né tránh diều buồn. Nhưng đã không thụ động trơ lý. Ngồi xuống, lắng nghe, thấu hiểu. và cười như đá. Không ai cảm nhận tự nhiên như đá. Ấy là nghiệp lành đất đá. Cảm nghiệm được chân không hiện hữu và hiện hữu trong chân không, , nhờ cả hai ta tìm thấy bình an sống. Nhẫn Thạch – tác phẩm đoạt giải của Goncourt 2008 của Atiq Rahimi…”Là tụng ca về tự do tình ái. Nhẫn thạch bung ra như một khúc nguyện cầu, dụ hoặc, ám ảnh.Kỳ diệu như một hòn đá kiên nhẫn” (télérama).

Đá nằm trong lòng nước, đá tựa lưng cho nước chảy, đá dựng lòng cho nước nằm, đá mở cửa cho nước đi, đá soi mình vào nước. Nước là dây tơ cho cung đàn đá ngân. Mới có một Nguyễn Trãi – người anh hùng làm nên sự nghiệp bình Ngô, người đời thường. Côn Sơn mang một tâm hồn giàu nhạc cảm mới nghe được cung đàn ấy.. Mới có một Trần Nhân Tông, yên việc binh đao, gác kiếm: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim du. Hòn đá tảng yên dần bờ cõi của vị vua anh hùng và hòn đá tảng lặng yên Trúc Lâm Yên Tử là một.

Không ai thoát khỏi vòng tay đầy ám ảnh của hai trục không – thời gian. Lá cứ rơi, hoa cứ nở, muôn việc đầy trước mắt, bốn mùa cứ luân chuyển, vừa gợi bao xao động, vừa vượt lên mọi thứ xao động của tâm kính như tự – nó. Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự – Từ thời tâm kính tự Như Như (Nguyễn Du). Đó là tâm của đá…như như…khóc cười …Tự mình biết riêng mình …(Trịnh Công Sơn).

4- Đời không tâm điểm …đá lên trong mình.

Trịnh Công Sơn từ tiền kiếp đã mang sẵn trong mình một Phúc âm buồn mờ tạc trong Thạch Kinh vô tự. Người còn đứng như tượng đá trong rừng cây già. Người còn đứng như trăm năm vết thương chưa mờ. Như từ bờ tiền sử hoang sơ bước ra Dấu chân địa đàng…lắng nghe vô thanh: Tiếng ca bắt nguồn từ đá khô – từ mưa gió – Từ vào trong đá xưa…Muôn vàn Cát bụi hoá thân từ đá trên hành trình cát bụi trần ai ngược sáng để làm người – để yêu và để mòn đi , rồi để một mai về lại cát bụiMặt trời nào soi sáng tim tôi – để tình yêu xay mòn thành đá cuội.

Trên hành trình ấy, đá mang đủ mọi cung bậc. Có những tự nguyện: Tôi xin làm đá cuội – Và lăn theo gót hài. Một duyên hai nợ ba tình. Biết đâu nguồn cội, có những Ngẫu nhiên bất chợt hiệu ứng đẹp và hệ lụy tự nhiên – Hòn đá lăn trên đồi – Hòn đá rớt xuống cành mai – Rụng cánh ho mai gầy…Nên biệt ly Biển nhớ…Ngày mai em đi, cồn đá rêu phong rũ buồn…Để rồi, riêng mình lặng lẽ nơi này tữ ngã – tha nhân: Em đi về nơi ấy, nơi đâu, nơi đâu, sông cạn đá mòn. Trăng treo đầu con sóng. Trong lặng lẽTình nhớ là những diệu âm Những bước chân mềm mại – Đã đi vào đời người – Như từng viên đá cuội – Rớt vào lòng biển khơi. Đời mang gam màu Chiếc lá thu phai, Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay…Ấy là chuyện muôn đời ai cũng hiểu,. mòn như đá, xưa ..như Diễm trong khát vọng tình người, nương tựa cho nhau: Làm sao em biết bia đá không đau – Xin hãy cho mưa qua miển đất rộng – Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…

Như đá …cũng chưa phải là đá. Từ nhu cầu và lòng tin mà người ta tìm về nơi nương tựa. Ba đinh khép kín, người ta thường xác định tâm điểm tựa vào tiền – quyền – sắc. dầu có vượt thoát theo kiểu văn hóa ẩn dật. Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ…thì chỉ là tìm về một nơi nương tựa. Mà nương tựa vào đâu rồi cũng phải chấm dứt trong cái sự hữu hoàn vô.

Tìm về trên đỉnh cô phong. Những tưởng tựa vào rừng nhưng Rừng đã bỏ hoang…Người tìm về đầu non, còn chấp nê hệ lụy ngoại cảnh thì tất yếu còn buốn đau, còn loay hoay tim đường, tìm nơi nương khác…Tỉnh giác đối diện với chính mình, tự tựa vào mình tự mình là đá…Rồi mình bỗng hết buồn – đã hết buồn – Người lặng nghe đá lên trong mình…Bỗng là tia chớp sát-na của đốn, đã là trải nghiệm đời mình – một đời Du mục – biết lắng nghe mà đạt đến chân lý vô thanh của ngộ . Tàn thu nắng tắt đông sang – Tìm nơi ấm chữ trong trang đá rời – Vui bay buồn đọng chân trờ i- Đá hoàn kiếp đá một đời vô thanh. Đó là một trong cái tổng thể cả ba trạng thái thức – mộng và Thụy miên, nên nói như Krishnamurti, Đời không tâm điểm…đá là …đá thôi.

LÊ TƯ HIỀN

Hoa không quên (Thơ Nga)






Незабудка là tên tiếng Nga của hoa Forget-me-not – Xin đừng quên tôi.Cái tên ấy xuất phát từ chuyện tình bi thảm của cặp tình nhân: chàng trai vì cố hái cho người yêu bông hoa xanh bên dốc đã ngã xuống vực và bị nước cuốn trôi, chỉ kịp kêu lên nhắn gọi người tình: đừng quên tôi nhé!.....
Tên tiếng Việt của hoa là “lưu ly” có lẽ cũng xuất phát từ truyền thuyết của người Âu.
Với bài hát mà tôi dịch dưới đây mà dùng tên gọi “lưu ly” hay “xin đừng quên tôi” đều không chuyển tải được cảm xúc của chàng trai: Anh không bao giờ quên khoảnh khắc đã gặp em, người mà suốt đời anh muốn gọi là “hoa không quên” bé nhỏ.
Và vì vậy, tôi đã dịch là “hoa không quên”, đơn thuần như tên tiếng Nga của loài hoa ấy.
(Lưu Minh Phương)
Mời bạn cùng thưởng thức bài hát Незабудка do nghệ sĩ Ion Suruceanu người Moldova (Bấm vào link để nghe bài hát)Bài hát do Lưu Minh Phương trình bày.


Незабудка
Добрынин Вячеслав
слова: Рябинин М.

Мы с тобою встретились посредине лета,
Были голубыми небо и цветы.
Я скажу спасибо случаю за это,
Что передо мною появилась ты.

Я свое смущенье приукрасил шуткой,
И еще подумал про себя тайком,
Что тебя назвал бы только незабудкой,
Голубым и нежным солнечным цветком.

Незабудка, незабудка, иногда одна минутка,
Иногда одна минутка значит больше чем года.
Незабудка, незабудка, в сказке я живу как будто,
И тебя я, незабудка, не забуду никогда.

Так судьбa нам выпалa, что пришлось расстаться,
Даже твое имя неизвестно мне.
Только остается мне с тобой встречаться
Звездными ночами, да и то во сне.

Я стою, волнуясь, в телефонной будке,
Телефон твой где-то мне нашли друзья.
Набираю номер, здравствуй, незабудка,
Так всю жизнь хотел бы звать тебя лишь я.

Незабудка, незабудка, иногда одна минутка,
Иногда одна минутка значит больше чем года.
Незабудка, незабудка, в сказке я живу как будто,
И тебя я, незабудка, не забуду никогда. Hoa không quên
Lời: Riabinin M. – Nhạc: Dobrưnin V.

Anh đã gặp em vào giữa mùa hè
Trời khi ấy cùng muôn hoa xanh ngắt
Anh sẽ mãi cảm ơn về khoảnh khắc
Khi trước anh hiển hiện dáng hình em

Anh bông đùa để che phút rối lòng
Và còn nữa: anh đã thầm nghĩ lén
Rằng chỉ gọi em là "hoa không quên"
Đóa hoa nhỏ, dịu mềm, ngời trong nắng.

Hoa không quên, ơi bông hoa không quên
Có đôi khi dù chỉ là một phút
Có đôi khi dù chỉ là khoảnh khắc
Có nghĩa hơn là cả những tháng năm
Hoa không quên, ơi bông hoa không quên
Anh dường như đang sống trong truyện cổ
Và em nhé, hoa không quên bé nhỏ
Không bao giờ anh có thể quên đâu

Số phận thôi đành mình phải xa nhau
Cả đến tên em – anh còn chưa rõ
Chỉ còn được cùng với em gặp gỡ
Những đêm sao, nhưng trong giấc mơ thôi….

Anh đứng trong buồng điện thoại, bồi hồi
Bạn bè đã tìm cho anh số của em đâu đó
Anh quay số - Chào hoa không quên bé nhỏ
Mong gọi em cả đời như thế chỉ mình anh.

(Bản dịch của Lưu Minh Phương)


***

Ta gặp nhau giữa mùa hè rực nắng
Cả bầu trời và hoa cùng xanh thắm.
Anh muốn nói một lời: cảm ơn em thầm lặng,
Cảm ơn ngày em xuất hiện trước anh.

Anh nhầm lẫn bởi trò đùa tinh quái,
Và thầm mong giữ bí mật cho mình,
Rằng sẽ gọi em là hoa-không-quên,
Bông hoa nhỏ xanh tươi sáng dịu hiền

Hoa không quên, ơi bông hoa không quên,
Có đôi khi chỉ là một phút,
Có đôi khi chỉ là khoảnh khắc
Mà ý nghĩa hơn nhiều năm.
Hoa không quên, ơi bông hoa không quên,
Dường như anh được sống trong cổ tích,
Và em yêu, hoa không quên tinh nghịch,
Anh sẽ không bao giờ quên em.

Số phận an bài, bắt ta phải chia xa,
Tên của em, anh cũng không biết rõ,
Chỉ còn lại buổi ban đầu gặp gỡ
Đêm đầy sao vào những giấc chiêm bao.

Anh hồi hộp đứng trong buồng điện thoại
Số của em, nhờ bạn cũ kiếm tìm
Anh quay số, xin chào, hoa-không-quên,
Suốt cuộc đời, chỉ mình anh mãi gọi em như thế.

Hoa không quên, ơi bông hoa không quên,
Có đôi khi chỉ là một phút,
Có đôi khi chỉ là khoảnh khắc
Mà ý nghĩa hơn nhiều năm.
Hoa không quên, ơi bông hoa không quên,
Dường như anh được sống trong cổ tích,
Và em yêu, hoa không quên tinh nghịch,
Anh sẽ không bao giờ quên em.

(Thu Hà dịch)

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Đi qua người đàn bà

Thơ Nguyễn Thị Minh Thắng



Chiến tranh đi qua
thời gian đi qua

Người đàn ông nằm lại chiến trường
lặng yên trong vòng tay ấm êm đất mẹ
lặng yên ủ mầm hoa trái dâng hương

Người đàn bà
vẫn không thôi
chờ đợi
nỗi cô đơn câm lặng - bão dông
oằn tuổi tác trên đôi vai gầy guộc

Ngày ngày
từng lớp trẻ lớn lên
nối nhau
đi qua
đời người đàn bà
như chùm bong bóng màu ngày hội…


Anh đang ở đâu?

Anh đang ở đâu?
ở đâu?
Về với em
kẻo nắng thu đã nhạt
cánh buồm nâu
lắt lay
khắc khoải bến sông quê
về ủ ấm bàn tay em
bàn tay khô như gọng cỏ khô
buốt lạnh
về sưởi ấm mắt em
mắt u mờ, ảo vọng
Về dìu em
mình dìu nhau đi
chiều tim tái hoang liêu
một mình
tội lắm

Về đi anh!
Về với em đi anh!

Tiếng gọi vọng vào đêm
xuyên lên vòm trời cao
thắp lửa
rọi muôn phương
tìm anh

Anh đang ở đâu?
ở đâu
ở. đ ..â…u?

Tiếng gọi khàn vách đá
tiếng gọi va chuông chùa
dóng lên những hồi chuụng dài nức nở
gió uu…

Tiếng gọi xoáy đêm
đêm dằng dặc
đêm như lưỡi rắn
liếm lên da thịt

gió hú lên những cơn dài
khóc u oa

sao em không khóc!

Chỉ tiếng nấc trầm của đất
dội lên…..

Câu chuyện trồng hoa


“Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi…”
(G. Apollinaire)

Vũ Thế Thành

Tôi dốt về hoa lá cỏ cây, dốt bẩm sinh, dốt tận cùng bằng số… Nếu ai đó chỉ cho tôi một loài hoa, nói tên, kể chuyện về nó, quay đi quay lại là tôi quên sạch. Trong võng mô và tâm trí tôi coi như chưa bao giờ ghi nhận hình ảnh và câu chuyện về loài hoa đó. Chẳng có ai dốt toán lại thích làm toán bao giờ. Tôi cũng thế, hoa dù có đẹp, có thơm, có đài các, có được thi vị bởi văn thơ ca nhạc hay gì gì đi nữa, tôi vẫn dửng dưng. Nói với tôi về hoa chẳng khác nào đàn khảy tai trâu.

Nhưng cũng có ngoại lệ. Hồi nhỏ tôi thích cây xấu hổ, thích những lá kép của nó khép khép mở mở. Tôi thường “ghẹo” nó bằng cách chạm vào lá này, rồi lá kia, xem đứa nào… xấu hổ lâu hơn. Chòng ghẹo hoa mà không phải bận tâm đến những cái lườm nguýt chẳng phải là điều thú vị hay sao? Ấy thế mà đôi khi cũng phiền, không cẩn thận, những gai li ti của hoa đâm vào tay cũng đau phết. Khi lớn, dù không còn thú “ghẹo” hoa nữa, nhưng tôi vẫn thích loài hoa dại đó – thích vì cái tên hoa. Đôi khi tôi bật cười: hoa mà cũng biết… xấu hổ!

Tôi mới mua căn nhà ở Đà Lạt để về dưỡng sức, dưỡng già, và chết… già ở đó cũng không chừng. Đà Lạt là xứ sở ngàn hoa, đường phố ngập hoa, ngõ hẻm cũng hoa, nhà nào cũng hoa. Nhà tôi, sân trước, sân sau, bên hông còn rộng. Tôi nghĩ thầm, hay mình thử trồng hoa cho nó giống người ta. Khi ý nghĩ thầm kín này bộc lộ, tôi nhận được cả đống tư vấn từ các bạn ở Sài Gòn, hầu hết đến từ các cô bạn… già. Tôi kính cẩn lắng nghe, nhưng để đó. Trước tiên phải trồng một dàn cây tùng ngay sau hàng rào để ra cái điều mình đang ở xứ lạnh.

Dịp festival hoa vừa qua, đám bạn kéo nhau lên Đà Lạt. Tôi khoe cái biểu tượng xứ lạnh sát hàng rào. Một cô bạn (già) gật gù: “Đó là cây trắc bá diệp”. Tôi ngẩn người, tên gì nghe sặc mùi kiếm hiệp. “Lá thuộc bài đó!”, cô bạn cắt nghĩa. À! Lá thuộc bài thì tôi biết. Hồi nhỏ, học trò đứa nào yếu vía thường ép lá thuộc bài vào vở. Tôi thì không bao giờ xài tới thứ bùa đó. Thầy cô khảo bài, gọi đứa trước đọc đoạn trên, tôi ngồi dưới lảm nhảm đoạn kế. Trí nhớ tôi ngon lành, nên trót lọt hết. Tên tôi vần T, họ vần V, xui lắm mới bị “nhón” lên đầu tiên, nếu thế thì coi như… thua. Thắng thua là chuyện thường. Trả bài cũng giống như chơi cờ bạc, thắng hoài cũng khó coi. Có điều, nhớ lẹ thì quên mau. Bây giờ ở tuổi “tiêu rắc lên muối”, trí nhớ càng thảm hại, quên trước quên sau, quên cái lẽ ra nên nhớ, nhưng lại nhớ cái lẽ ra nên quên. Bi kịch!

Đám bạn kéo tôi đi festival hoa, áng chừng để tôi mắt thấy tai nghe, để cụ thể hóa những gì họ tư vấn, cơ hội vàng để họ dạy (dỗ) kẻ cứng đầu về hoa như tôi. Dọc đường, tôi chỉ vào bông hoa vàng mọc dại bên đường:

- Hoa gì thế?

- Hoa dã quỳ

- Tôi trồng được không?

Nghe thế, bọn họ đồng thanh rú lên… “Đừng trồng dã quỳ! Tuyệt đối không!”

- Sao thế? Tôi thấy hoa cũng được mà…

- Đừng… Đừng… dã quỳ là… quỷ già. Đừng trồng nó!

Tôi chột dạ… Về nhà soi gương, thấy mặt mình cũng tệ, nhưng đâu đến nỗi quá… tệ. Chắc họ ám chỉ “dã quỳ” là ai đó của riêng họ. Hôm qua, nhà văn Nhật Chiêu hỏi tôi: “Dã quỳ đã nở ở Đà Lạt chưa?” Hỏi thế là mong đợi. Hoa dã quỳ mọc dại, mọc lung tung khắp nơi ở Đà Lạt, ra ngõ là gặp. Ông nhà văn lè phè này bỗng nhiên mong đợi loài hoa dại, biểu tượng của cái nóng hâm hấp lúc trưa, lạnh thấu da về tối. Dã quỳ ở đô thị du lịch này đã vương mùi khói xe và barbecue từ lâu rồi. Chắc Nhật Chiêu mượn dã quỳ để chờ đợi cái khác, ai biết được?

Rồi cái vườn nhỏ bé nhà tôi cũng tràn ngập những hoa, đủ màu, đủ sắc, nhỏ to đủ cỡ, nào là cẩm tú cầu, cẩm tú mai, cúc mặt trời, cúc nút, hoa lài Nhật Bản, hoa ngọc thảo, hoa tướng quân, hoa hải đường,… Nhớ được bằng đó tên hoa là tôi phục… tôi rồi. Chỉ có trục trặc nhỏ là tôi thường lộn tên hoa này với tên hoa khác.

Một người bạn Sài Gòn gọi điện cho thằng đệ tử ở Đức Trọng vác lên cho tôi ba bụi trúc. Cô bạn (già) trịnh trọng qua phone: “Cây trúc tượng trưng cho sự ngay thẳng, là cây của người quân tử. Ông rửa tay gác kiếm rồi, thì phải trồng cây này”. Ẩn ý thế nào chưa cần biết, nhưng nghe thế cũng đủ sướng. Tôi trồng hai cây trúc ở cửa trước, một cây ở cửa sau. Có quân tử gác nhà, sợ gì tiểu nhân!


Hồ Xuân Hương thơ mộng một thuở.

Gần nhà tôi có cậu thanh niên, Tuyên, ngoài 30 tuổi, làm thợ xây. Tuyên kể, thuở nhỏ ham vui, lại gặp thời buổi khó khăn, học tới lớp 7 thì nghỉ, vào rừng kiếm củi, bẫy chim, câu cá. Rừng chỉ cách trung tâm Đà Lạt mười mấy hai chục cây số… Ven Đà Lạt hồi đó tương đối còn hoang sơ, chỉ có rừng là rừng, vào sâu một chút có khi còn gặp dấu chân cọp. Cả tuổi thơ của Tuyên là thiên nhiên, là hoa lá, là núi rừng, là suối, là hồ, là thác, là bẫy chim bẫy thú,… Người thành thị như tôi chỉ có thể nghe được, nhưng chưa từng sống qua, vào rừng thiếu la bàn, thiếu đồng hồ, thiếu quẹt gas, thì trình độ văn minh cũng vứt.

Tuyên yêu rừng, yêu hoa, yêu cây cỏ không dứt bỏ được. Tính nó cần cù, khéo tay. Tôi xây hồ nước nhỏ ở cuối sân, nuôi cá trồng bèo nhìn cho đã mắt. Trên đường đi làm về, Tuyên lấy đá cuội, đá tảng để lên xe máy chở về biếu tôi, để chưng trong hồ, vài ngày như thế, khi thì tảng to, khi thì hòn cuội nhỏ. Tuyên nói: “Để sau Tết rảnh, cháu sẽ lấy đá rối, đá tảng làm cái thác nước cho chú”. Tôi gật gù, “ Ừ, thì sau Tết. Mà thác phải kêu ầm ầm mới được, chứ đừng nghe róc rách, chán chết! Tối tối ngồi nghe thác đổ, ngẫm chuyện đời, nhâm nhi ly rượu mới sướng”. Tuyên cười, nó hứa với tôi, thác sẽ kêu ầm ầm, sẽ có rong rêu, có vài bông hoa nhỏ mọc nhô ra từ khe thác.

Tôi muốn trồng hoa thiên lý, hoa tường vi để chúng leo hàng rào, mà thú thiệt, tôi không biết mặt mũi mấy cái hoa này đẹp xấu ra sao, chỉ biết chúng qua văn học. Muốn trồng chẳng qua để ra cái điều mình cũng… lãng mạn, sau này có viết văn viết báo cũng không đến nỗi quê mùa. Tôi hỏi Tuyên: “Hoa thiên lý có đẹp không?” Mặt nó ngớ ra. Tôi lại hỏi: “Hoa tường vi có đẹp không?” Nó cũng ngớ mặt. Trời đất! Văn thơ ca nhạc rên rỉ tên mấy loại hoa này hàng ngày, một người mê thiên nhiên như Tuyên mà không biết. Thế là thế nào? Tôi bắt đầu nghi ngờ tài nghệ của nó. Tôi hỏi vớt vát: “Chỗ nào bán hai loại hoa này?” Tuyên ngập ngừng… “Chắc mấy nơi bán hoa có”.

Tôi và Tuyên ra shop hoa ở chợ Đà Lạt. Cô gái bán hoa trẻ măng. Cô giảng giải cho tôi tường tận về hoa tường vi được lai tạo cấy ghép thế nào để chúng thích nghi với Đà Lạt và ra nhiều hoa, phải trồng thế nào và trồng bao nhiêu bụi để chúng quấn vào nhau. Cô nói ngoài Bắc gọi là hoa thiên lý, còn trong Nam gọi là hoa xác pháo leo.

Cô còn kể tường vi và thiên lý đã đi vào văn thơ nhạc thế nào, về nguồn gốc, về ý nghĩa, về sứ điệp của loài hoa,…Những lời nói thông thái về hoa đó tôi quên sạch hết rồi, chỉ nhớ nơi đó có bán hoa tường vi và thiên lý.

Tuyên bỗng xen vào: “Cho tôi xem hoa thiên lý và tường vi”. Cô bán hoa đưa ra cả chục bịch, chỉ có cây lá và đất, không thấy hoa. Tuyên chăm chú quan sát, rồi khều tôi. Hiểu ý, tôi nói thêm vài ba câu rồi cáo biệt.

Ra ngoài, Tuyên nói: “Hoa tường vi là hoa hồng dại, mọc đầy ở Đà Lạt. Còn hoa mà cô ta gọi là hoa thiên lý là hoa xác pháo leo, nhưng cháu nghe ba cháu nói nói hoa thiên lý màu xanh, chứ không phải đỏ hồng như xác pháo. Nếu chú thích xác pháo leo, thì gần xóm mình có cả đống để cháu ươm rồi trồng cho chú, khỏi phải mua. Cháu chẳng lạ gì các loại hoa Đà Lạt, cháu chỉ không biết những tên đẹp đẽ mà dân Sài Gòn đặt cho nó”. Tội nghiệp cho người Sài Gòn ! Mấy ông văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ ở mãi đâu đâu, rỗi chuyện, ngồi mơ mộng đặt tên hoa cho ra vẻ kiêu sa đài các, chứ dân Sài Gòn sức mấy mà mộng mơ nổi.

“Bây giờ người ta cấy ghép lai tạo, rồi phun thuốc kích thích cho ra nhiều hoa màu sắc đẹp lắm, nhưng chóng tàn. Hoa đẹp, nhưng thấy kỳ kỳ làm sao ấy, không như những hoa hồi nhỏ cháu thấy”, Tuyên nói giọng buồn buồn. “Để bữa nào rảnh, cháu dắt chú vào rừng tìm hoa về trồng”.

Rồi tôi và Tuyên vào rừng. Đường có lúc chạy êm ái, có lúc chỉ là con đường mòn gập ghềnh nín thở. Một cái hồ rộng được bao bọc giữa núi rừng. Đẹp quá! Tuyên nói: “Hồ này là hồ Xanh, ngày xưa tụi cháu hay vào đây câu cá, có lần bơi ở đây bị vọp bẻ, suýt chết đuối. Bây giờ người ta không cho vào nữa”. “Sao vậy?” “Chú có thấy cái biệt thự ở gần đó không, có cả nhà thủy tạ, người ta đang làm đường nhựa để dẫn vào biệt thự đó. Cái gì người ta cũng bán”, Tuyên hậm hực như thể tuổi thơ của nó bị ai lấy mất.

Chỉ có núi đồi, thung lũng, cây xanh, và tiếng thông reo. Tôi chỉ một vạt nâu nâu trên sườn đồi:

- Đang cả một màu xanh, sao tự nhiên lại có một mảng nâu trên đồi vậy?

- Chẳng biết người ta phun cái thuốc gì để giết cây thông, rồi họ sẽ đốt những cây chết lấy đất trồng cà phê. Những cây mọc thấp thấp ở đồi bên cạnh là cây cà phê đó chú. Cà phê ở Đà Lạt cao giá hơn cà phê Bảo Lộc.

Chỉ có những người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, đùa giỡn với núi rừng, với hoa lá cỏ cây mới thấy thương, mới cảm thấy tiếc nuối vẻ đẹp của thiên nhiên.

Tuyên chỉ cho tôi những trái nhỏ lủng lẳng dưới dàn lá xanh:

- Cây này là cây chua chát. Bắc dàn cho nó leo, mát lắm. Trái của nó ăn được.

- Ừ thì mình sẽ làm dàn trồng cây chua chát, nhưng tại sao lại gọi là chua chát?

- Hồi nhỏ tụi cháu vào rừng, hay hái trái này ăn, thấy chua và chát, nên gọi là cây chua chát.

Tôi cười, văn học dân gian là đây rồi, tìm đâu cho xa. Chua chát hiểu theo nghĩa cao siêu như thân phận của con người, hay hiểu theo kiểu “ẩm thực” như tụi nhỏ cũng đâu có gì là trật. Hiện thực quá đi ấy chứ! Con người vốn phức tạp, càng có học càng phức tạp, nghĩ ra đủ thứ chuyện phức tạp, phức tạp chồng lên phức tạp. Ăn thấy chua chát thì gọi là cây chua chát. Tụi nhỏ đẻ ra triết lý, chứ triết lý đẻ ra tụi nhỏ hồi nào đâu?

Tôi buột miệng hỏi Tuyên:

- Đà Lạt còn hoa xấu hổ không?

- Hồi trước nó mọc dại khắp nơi ở Đà Lạt, bây giờ tự nhiên không thấy nữa.

- Ở Sài Gòn cũng vậy. Cuộc sống đô thị, cuộc sống công nghiệp làm hoa xấu hổ chạy mất tiêu. Không chừng con người hết biết xấu hổ rồi. Trong rừng chắc còn, cháu tìm thử xem.

Tuyên đi loanh quanh một hồi, rồi mang về một nhúm cọng xấu hổ. Nó nhìn tôi nghi ngờ:

- Chú định trồng hoa xấu hổ à?

- Chẳng lẽ cất công đi tìm, ngó một cái rồi vất đi.

- Ai lại đi trồng thứ hoa dại này?

- Thì người ta không trồng, mình trồng, thiên hạ mới nể, tôi trả lời bựa…

- Mà chú định trồng hoa xấu hổ ở đâu?

- Trồng dưới chân mấy bụi trúc.

- Sao lại dưới chân bụi trúc? Trông đâu có đẹp…

- Cây trúc tượng trưng cho người quân tử, tôi lý sự với Tuyên bằng một thứ triết lý bụi bặm. Người quân tử không phải lúc nào cũng đúng, có khi họ nghĩ sai, làm sai, nhưng người quân tử biết xấu hổ khi họ sai. Xấu hổ là dấu hiệu khởi đầu của sự phản tỉnh…, à…à,… Phản tỉnh là… ngẫm ra thấy mình sai thì dũng cảm thừa nhận mình sai, rồi nghĩ lại cho đúng, hành động cho đúng. Xấu hổ lúc nào cũng gắn liền với người quân tử. Hoa xấu hổ không bám vào rễ, vào gốc cây trúc, thì bám chỗ nào?

Tuyên trố mắt nhìn tôi ngưỡng mộ, như thể tôi là nhà bác vật bên Tây mới về.


Đà Lạt năm xưa.

Trời đã chạng vạng tối. Khi về ngang qua lăng Quận công Nguyễn Hữu Hào, đột nhiên Tuyên dừng xe lại, bước đến một cây cao chừng 8 tấc, mọc khẳng khiu bên đường, chỉ có một cây vươn giữa đám cỏ dại, trên đỉnh cây là một cụm hoa màu hồng nhạt, nhiều hoa, nhiều cánh bé xíu. “Chú thích hoa này không?” Tuyên hỏi. Tôi ngước nhìn lên lăng, âm u và hoang phế: “ Ừ thì mang về trồng cũng được, mà tên hoa là gì?” “Cháu không biết, chắc nó là một loại hoa hồng”.

Tuyên xuống… tấn, rồi nhẹ nhàng nhổ phăng cây như Lỗ Trí Thâm nhổ cây liễu ở sân chùa. Tôi bước tới đỡ lấy cây, Tuyên cảnh báo: “Chú cẩn thận, cầm hoa hồng phải cầm ở rễ, cầm ở thân gai đâm”. Tôi bật cười ha hả: “Đúng thế! Muốn kiểm soát hoa hồng, phải nắm chặt lấy gốc rễ”. Đơn giản thế mà cả đời nghĩ không ra để phải chuốc lấy bao phiền toái. Tuyên ngơ ngác nhìn tôi. Nó không hiểu vì sao tôi lại cười sảng khoái với một chân lý đơn giản như thế. Thằng nhỏ này đúng là thầy tôi. Cái ngơ ngác của nó đạt tới mức…thiền, như câu chuyện nhà sư cõng cô gái qua sông.

Ngồi sau xe, tôi hào hứng: “Tiếc nhỉ! Không biết nó là hoa hồng gì?” Tuyên im lặng, nó chạy thẳng ra chợ, gặp cô bán hoa thông thái, hỏi chuyện loanh quanh, rồi chỉ vào hoa hồng đang cầm trên tay, “Chị biết hoa này tên gì không?” Cô gái ngẫm nghĩ một chút, rồi bật ra: “Hoa hồng ri”. Tuyên nhìn tôi, nháy mắt, tên nó là hồng ri.

Tôi trồng cây hồng ri trong vườn, trông nó cao lêu nghêu và buồn bã giữa những loài hoa khác. Bước ra vườn là tôi nhìn nó trước tiên. Tôi quan tâm tới sự sống chết của nó hơn những loài hoa khác. Tôi tưới nước, tôi nhìn nó âu lo, vậy mà lá héo đi, các cánh hoa nhỏ xíu rủ xuống thảm hại. Đang tự do từ nơi hoang dã, bỗng nhiên bị nhốt trong vườn, giữa những loài hoa xa lạ phấn son, không buồn sao được. Tôi thoáng nghĩ, hay trả nó về… rừng. Người ta chở củi về rừng, thả động vật về rừng, thả cá về biển, chứ ai lại thả hoa về rừng.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện Hương phi của vua Càn Long. Nhà Thanh đem quân đánh vùng Trung Á, bắt được công chúa xứ Hồi Hột, đem về dâng Càn Long. Nàng đẹp, người toát hương thơm kỳ lạ, được vua phong làm Hương phi. Nàng buồn, nhớ cố quốc. Vua cho xây cả cung điện thu nhỏ giống như ở kinh đô Hồi Hột để nàng khuây khỏa. Hương phi vẫn u uất nhớ quê, nhớ chồng. Sau cùng, nàng chọn dải lụa để chết.

Tôi không phải là vua để vung tay chơi nổi cả khu rừng sinh thái. Tôi là thằng ngớ ngẩn về hoa. Hồng ri cũng ngớ ngẩn giữa bầy hoa đô thị. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Không chừng hồng ri sẽ sống. Vậy mà nó sống thiệt! Tuần sau, những cánh hoa bé xíu đã ngẩng lên, lá héo đã thay bằng lá non… Tôi tự thưởng cho mình ly rượu vang, hả hê: Càn Long chẳng là cái đinh gì so với thằng ngớ ngẩn như tôi.

Hàng ngày tôi tập tưới cây, tập ngắm hoa. Tôi cố gắng nhớ những tên gọi nên thơ đài các của hoa, cố nhìn cho ra vẻ đẹp muôn màu muôn sắc của hoa, ráng hít hà hương thơm của hoa. Tập tành cái gì thì được, chứ tập tành… yêu coi bộ khó quá! Sự miễn cưỡng làm tôi bối rối.

Cả đời chạy theo… hoa-biết-nói, lời nói bay lên lượn xuống, rồi trôi đi tuốt luốt. Bây giờ tôi lại chạy theo những loài hoa-không-biết-nói, ngắm nghía sự im lặng của chúng. Nhà văn Nhật Chiêu đọc thơ Han Yong-Un và Hàn Mặc Tử, hứng lên nói rằng, im lặng là thứ ngôn ngữ ẩn giấu, hiểu được cái ẩn giấu đó, thì niềm im lặng sẽ cất lên tiếng hát. Tôi ngờ cha nội nhà văn này chỉ vẽ chuyện. Im lặng là im lặng, im lặng còn hát với hò thì coi sao được. Mà không chừng chả lại… đúng. Tôi đã chẳng từng lên rừng, mượn hoa xấu hổ, mượn đóa hồng ri để đi tìm một cái gì đó hay sao? Biết đâu trong rừng tôi lại bắt gặp ông bạn văn sĩ lè phè đang lom khom vác tâm tư Hermann Hess đi tìm cái gì đó. Chẳng lẽ lại tìm giống cái tôi đang tìm? Nếu gặp Nhật Chiêu trong rừng, tôi sẽ vẫy tay từ xa hello, tôi sẽ chụm hai tay làm loa hú to về phía chả: “Same same but…different”.

Tôi nhìn hoa xấu hổ dưới chân bụi trúc, ngẫm nghĩ về lòng tự trọng. Tôi nhìn hồng ri, hoa đứng chơi vơi giữa đám hoa đài các kiêu sa, giữa những bông hoa hương sắc đã vào thẩm mỹ viện từ thưở hoài thai. Trông hồng ri bi tráng, mộc mạc và chân thật biết bao! Hình như tôi vừa nhận ra vẻ đẹp của nó.

Mà chân thật chẳng lẽ không phải là cái đẹp hay sao?

Theo SGTT

“Con dao” mạng



Giáng Hương

Một trang web vốn lâu nay không có nhiều người xem nhưng mấy ngày nay lại dậy sóng, bởi hôm 21-10 đã tung ra một bài viết hết sức ly kỳ: “Sự thật kinh hoàng về những xe hủ tiếu gõ”.

Nội dung bài viết kể chuyện tác giả theo chân chiến sĩ cảnh sát hình sự của TP.HCM để bắt cướp. Họ đã phát hiện một vụ cướp trên đường Cách Mạng Tháng Tám, rồi rượt đuổi đến đường Nguyễn Chí Thanh thì bắt được. Kẻ cướp đã ném tang vật vào một thùng nước lèo của xe hủ tiếu gõ bên đường. Thế rồi khi cảnh sát vớt tang vật thì lòi ra mấy chú chuột cống trong nồi nước lèo!

Nếu là những người tỉnh táo, ắt phải nhận ra ngay một số chi tiết phi lý trong bài viết, ví dụ như tác giả kể rằng mình đi theo vụ việc này, nhưng lại minh họa bằng những hình ảnh các xe hủ tiếu ở đâu đâu, chẳng dính dáng đến nội dung. Địa chỉ xảy ra vụ việc cũng mơ hồ. Chính vì vậy, nhiều người dân Sài Gòn lớn tuổi đã cười khẩy cho biết: ”Trước giải phóng cũng đã có câu chuyện tương tự, đó là trong quá trình diễn ra một vụ đuổi bắt cướp, đã đụng vào xe hủ tiếu làm thùng nước lèo đổ tung tóe, lòi ra mấy chú chuột. Bây giờ hết chuyện để giật gân, moi lại chuyện xưa thêm mắm thêm muối để câu khách”.

Và đúng như cảm nhận, các cơ quan công an liên quan đến địa bàn xảy ra vụ việc đều đã khẳng định hoàn toàn không có một vụ bắt cướp nào dẫn đến phát hiện chuột cống trong nồi hủ tiếu.

Chuyện linh tinh như thế, vậy mà đau làm sao. Nó đã lan truyền rất dữ dội trên thế giới mạng, dẫn đến việc những người nghèo mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu gõ xất bất xang bang.

Từ ngày thế giới mạng phát triển mạnh mẽ, xã hội đã có vô số chuyện cười ra nước mắt, xoay quanh mục tiêu câu view (tìm mọi cách thu hút nhiều người xem, và điều này liên quan đến quảng cáo – NV). Ví dụ như mới đây, dân miền Trung kiệt quệ vì liên tiếp hai cơn bão số 10, 11 thì đã rụng rời khi nghe tin bão số 12 cực mạnh đang hình thành. Nhưng hỡi ôi, chẳng có bão 12 nào cả, chẳng qua là cơn bão 12 cách đây ba năm đã được người ta lôi lại đưa lên mạng. Rồi cũng vì mục đích câu view, người ta “say” đến độ vượt qua lằn ranh đạo đức nghề nghiệp, như mới đây là lùng sục về quê của vị bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông để chụp ảnh bà mẹ già. Săn lùng bằng được hình ảnh nạn nhân để đưa vào bài viết, tàn nhẫn chọc vào nỗi đau của gia đình người xấu số. Hay tại phiên tòa xử vụ cô hoa hậu bán dâm, người ta cũng không ngần ngại khai thác cả bà mẹ và cô em gái chẳng liên quan…

Thế giới mạng thật chẳng khác nào một con dao. Dao vào tay người lương thiện thì nó có ích, còn dao vào tay kẻ bất lương thì trở thành hung khí.

Làm sao để người đưa thông tin trên mạng biết đâu là lằn ranh để không bước qua? Làm sao để người đọc thông tin trên mạng đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là sự thật, đâu là lời dối trá? Trả lời hai câu hỏi này là một thử thách lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, của ngành giáo dục, của gia đình, hay nói cách khác là của toàn xã hội.

Theo TTO