Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

“Con dao” mạng



Giáng Hương

Một trang web vốn lâu nay không có nhiều người xem nhưng mấy ngày nay lại dậy sóng, bởi hôm 21-10 đã tung ra một bài viết hết sức ly kỳ: “Sự thật kinh hoàng về những xe hủ tiếu gõ”.

Nội dung bài viết kể chuyện tác giả theo chân chiến sĩ cảnh sát hình sự của TP.HCM để bắt cướp. Họ đã phát hiện một vụ cướp trên đường Cách Mạng Tháng Tám, rồi rượt đuổi đến đường Nguyễn Chí Thanh thì bắt được. Kẻ cướp đã ném tang vật vào một thùng nước lèo của xe hủ tiếu gõ bên đường. Thế rồi khi cảnh sát vớt tang vật thì lòi ra mấy chú chuột cống trong nồi nước lèo!

Nếu là những người tỉnh táo, ắt phải nhận ra ngay một số chi tiết phi lý trong bài viết, ví dụ như tác giả kể rằng mình đi theo vụ việc này, nhưng lại minh họa bằng những hình ảnh các xe hủ tiếu ở đâu đâu, chẳng dính dáng đến nội dung. Địa chỉ xảy ra vụ việc cũng mơ hồ. Chính vì vậy, nhiều người dân Sài Gòn lớn tuổi đã cười khẩy cho biết: ”Trước giải phóng cũng đã có câu chuyện tương tự, đó là trong quá trình diễn ra một vụ đuổi bắt cướp, đã đụng vào xe hủ tiếu làm thùng nước lèo đổ tung tóe, lòi ra mấy chú chuột. Bây giờ hết chuyện để giật gân, moi lại chuyện xưa thêm mắm thêm muối để câu khách”.

Và đúng như cảm nhận, các cơ quan công an liên quan đến địa bàn xảy ra vụ việc đều đã khẳng định hoàn toàn không có một vụ bắt cướp nào dẫn đến phát hiện chuột cống trong nồi hủ tiếu.

Chuyện linh tinh như thế, vậy mà đau làm sao. Nó đã lan truyền rất dữ dội trên thế giới mạng, dẫn đến việc những người nghèo mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu gõ xất bất xang bang.

Từ ngày thế giới mạng phát triển mạnh mẽ, xã hội đã có vô số chuyện cười ra nước mắt, xoay quanh mục tiêu câu view (tìm mọi cách thu hút nhiều người xem, và điều này liên quan đến quảng cáo – NV). Ví dụ như mới đây, dân miền Trung kiệt quệ vì liên tiếp hai cơn bão số 10, 11 thì đã rụng rời khi nghe tin bão số 12 cực mạnh đang hình thành. Nhưng hỡi ôi, chẳng có bão 12 nào cả, chẳng qua là cơn bão 12 cách đây ba năm đã được người ta lôi lại đưa lên mạng. Rồi cũng vì mục đích câu view, người ta “say” đến độ vượt qua lằn ranh đạo đức nghề nghiệp, như mới đây là lùng sục về quê của vị bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông để chụp ảnh bà mẹ già. Săn lùng bằng được hình ảnh nạn nhân để đưa vào bài viết, tàn nhẫn chọc vào nỗi đau của gia đình người xấu số. Hay tại phiên tòa xử vụ cô hoa hậu bán dâm, người ta cũng không ngần ngại khai thác cả bà mẹ và cô em gái chẳng liên quan…

Thế giới mạng thật chẳng khác nào một con dao. Dao vào tay người lương thiện thì nó có ích, còn dao vào tay kẻ bất lương thì trở thành hung khí.

Làm sao để người đưa thông tin trên mạng biết đâu là lằn ranh để không bước qua? Làm sao để người đọc thông tin trên mạng đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là sự thật, đâu là lời dối trá? Trả lời hai câu hỏi này là một thử thách lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, của ngành giáo dục, của gia đình, hay nói cách khác là của toàn xã hội.

Theo TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét