Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Vinh danh hai phụ nữ gốc Việt "thay đổi nước Mỹ"


Hai phụ nữ gốc Việt Van Ton-Quinlivan và Minh Dang nằm trong số những người sẽ được Nhà Trắng vinh danh vì có những đóng góp to lớn làm thay đổi nước Mỹ.
 
Ngày 6/5 tới, Van Ton-Quinlivan và Minh Dang cùng 13 người khác sẽ được vinh danh là "Nhà vô địch về sự thay đổi", một danh hiệu dành cho phụ nữ ở các đảo Thái Bình dương và người Mỹ gốc Á (AAPI). Những phụ nữ này được đánh giá là có công việc phi thường, tạo ra một tương lai công bằng, an toàn và thịnh vượng hơn cho cộng đồng và quốc gia.
"15 phụ nữ này đại diện cho sức mạnh và sự đa dạng của cộng đồng AAPI. Các nữ lãnh đạo về kinh doanh, vận động, từ thiện, nghệ thuật, học thuật, là những điển hình xuất sắc cho phụ nữ trẻ trên khắp cả nước", California Forward dẫn lời bà Valerie Jarrett, cố vấn cấp cao cho tổng thống Mỹ, kiêm chủ tịch Hội đồng Phụ nữ Nhà Trắng nói. 
 
Van Ton-Quinlivan. Ảnh: swccd
 
Van Ton-Quinlivan, 44 tuổi, là một trong số 5 phụ nữ đến từ bang California nằm trong danh sách trên. Bà sinh ra ở Việt Nam, đến Mỹ năm 6 tuổi và trải qua thời thơ ấu ở Hawaii. Bà tốt nghiệp đại học Georgetown ở Washington với tấm bằng cử nhân Quản trị Kinh doanh.
Sau đó bà lấy bằng thạc sĩ về Chính sách Giáo dục và Quản trị Kinh doanh ở đại học Stanford năm 1995. Qua những năm tháng ngồi trên giảng đường, tình yêu đối với ngành giáo dục của bà được nhen nhóm và phát triển.
Năm 2000, bà là một trong số 14 phụ nữ trên toàn cầu vinh hạnh được lựa chọn là một Hội viên Lãnh đạo của Diễn đàn Phụ nữ Quốc tế.
Theo Dân Việt, năm 2010, bà Ton-Quinlivan được chọn là một trong 10 lãnh đạo công nghệ để cố vấn cho Hội đồng Cố vấn phục hồi kinh tế của Tổng thống Mỹ. Bà là một trong 5 lãnh đạo công nghệ được mời dự Hội nghị Đại học Cộng đồng được tổ chức lần đầu tiên tại Nhà Trắng.
Tháng 7/2012, bà được nữ Bộ Trưởng Hilda Solis bổ nhiệm vào Ủy Ban Cố vấn về Chương trình học nghề thuộc Bộ Lao Động. Bà hiện là phó hiệu trưởng về phát triển nhân lực và kinh tế của hệ thống gồm 112 trường Cao đẳng Cộng đồng California và đã có một con trai hai tuổi.
"Tôi rất vinh hạnh khi những đóng góp của mình được công nhận, bởi điều đó có nghĩa là mọi người quan tâm đến công việc vất vả mà chúng tôi đang làm ở hệ thống Cao đẳng Cộng đồng California. Thật tuyệt vời!", bà Ton-Quinlivan nói. "Tuy nhiên, đây thực sự là công sức của một tập thể gồm những người trong hệ thống của chúng tôi và những người mà chúng tôi hợp tác cùng để tạo ra những tiến bộ".
 
Minh Dang. Ảnh: wombmagazine
 
Trong khi đó, Minh Dang được vinh danh bởi những nỗ lực chiến đấu chống nạn buôn người và lạm dụng tình dục trẻ em. Cô gái 28 tuổi sống từ nhỏ ở vùng Bay Area sắp tốt nghiệp thạc sĩ ngành Phúc lợi Xã hội ở đại học Berkeley, California.
Theo Daily California, Dang từng trải qua những năm tháng tuổi thơ cay đắng vì bị lạm dụng tình dục. Từ năm 10 tuổi đến 18 tuổi, Dang bị bố mẹ bán cho các nhà chứa.
Cô đã nỗ lực vượt lên bi kịch bằng niềm đam mê với học tập, bóng đá và hoạt động cộng đồng. Minh Dang hiện là giám đốc điều hành của Don’t Sell Bodies, một chiến dịch do diễn viên Jada Pinkett Smith thành lập nhằm hỗ trợ chấm dứt nạn buôn bán trẻ em ở Mỹ.
Cuộc đời của Dang từng là đề tài cho một bộ phim tài liệu của hãng MSNBC năm 2010 mang tên "Những nô lệ tình dục ở Mỹ: câu chuyện của Minh". Dang hy vọng một ngày nào đó có thể tự viết câu chuyện về cuộc đời của riêng cô.
"Việc nhận được giải thưởng này giúp tôi kể cho cả đất nước nghe sự thật về tình trạng nô lệ trẻ em", cô nói. "Sự nô lệ vẫn chưa kết thúc, và trẻ em - cả những bé trai và bé gái ở Mỹ - vẫn còn phải làm nô lệ năm 2013. Mọi trẻ em đều xứng đáng được sống trong tự do".

Người phụ nữ Việt Nam ngày nay


BBC: Khi phụ nữ Việt Nam 'không thỏa mãn'

image
Đi nhảy là một cách tìm niềm vui ngoài sinh hoạt gia đình ở Việt Nam
 
Việt Nam đang có hiện tượng một số phụ nữ đứng tuổi tham gia các câu lạc bộ như CLB nhảy, CLB âm nhạc để giải trí và thậm chí để thỏa mãn nhu cầu tình dục vì nhiều lý do khác nhau.
Theo truyền thông trong nước, có người vì phải sống trong cảnh 'chờ chồng' do công việc làm ăn bận rộn hay chồng có thú vui riêng như ăn nhậu hay chơi tennis sau giờ làm thay vì về nhà với vợ con quanh bữa cơm chiều.
Có người vì cô đơn, thiếu thốn tình cảm, cũng có thể tìm đến đây để được sự quan tâm chăm sóc của các nam vũ sư trẻ, những người có thể đáp ứng các nhu cầu tình cảm và thể xác cho các phụ nữ này.
Người ta cũng thấy xuất hiện những nhóm nam giới, thậm chí cả người nước ngoài, sẵn sàng phục vụ các nhu cầu đó của họ.
Liệu hiện tượng này có thể hiện mối quan hệ vợ chồng trong một gia đình tại Việt Nam đang ngày càng lỏng lẻo hay không?
Nói chuyện với BBC, Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học tại Hà Nội, nói "hiện tượng này chỉ xảy ra ở một bộ phận phụ nữ và nam giới đứng tuổi ở các thành phố lớn như TP. HCM hay Hà Nội. Họ chỉ là nhóm rất nhỏ và câu chuyện của họ không thể đại diện cho quan hệ vợ chồng trong gia đình Việt Nam nói chung được."


Vì chỉ là một số ít nên không thể coi đây là một vấn đề xã hội và hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy nó có ảnh hưởng rõ ràng đối với nhiều người, ông giải thích.

"Tuy nhiên trong khoảng 30 năm qua, gia đình Việt Nam có rất nhiều thay đổi quan trọng và diễn ra khá nhanh. Đó là những thay đổi trong cách người ta đi đến hôn nhân, thay đổi trong hôn nhân và đời sống gia đình," ông nói.
Thay đổi xã hội
Những thay đổi này bao gồm: tuổi kết hôn tăng cao hơn; nam và nữ đi đến hôn nhân qua tự tìm hiểu, tự lựa chọn, và dựa trên tình yêu nhiều hơn là do cha mẹ quyết định; các cặp vợ chồng có ít con hơn (ở TP HCM trung bình một cặp vợ chồng chỉ có 1,3 con trong suốt cuộc đời họ), sớm tạo lập gia đình riêng (không sống cùng cha mẹ chồng hoặc vợ như trước đây) và ít chịu sự chi phối trực tiếp của cha mẹ và họ hàng hai bên.
Một thực tế tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi nhắc tới là "nhu cầu về vật chất và tinh thần trong cuộc sống gia đình tăng lên mạnh mẽ, khiến cho các cặp vợ chồng phải tìm cách lao động kiếm tiền nhiều hơn để thỏa mãn các nhu cầu đó."
"Phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các việc làm công ăn lương thay vì chỉ ngồi nhà hay lao động sản xuất trong hộ gia đình mình."
"Các cặp vợ chồng ở các vùng đô thị nhìn chung bận kiếm sống ngoài gia đình hơn, ít có thời gian dành cho gia đình như trước đây."
Theo ông Lợi, các quan hệ trong gia đình ngày càng dân chủ hơn và dù phụ nữ vẫn có phần thua thiệt so với chồng họ, song họ có tiếng nói quan trọng trong các quyết định chung của gia đình, và trong nhiều trường hợp người vợ là người có tiếng nói quyết định và đặc biệt các nhu cầu cá nhân ngày càng được tôn trọng hơn. 


 
Trong bối cảnh giao lưu quốc tế và các phương tiện thông tin và truyền thông phát triển mạnh như internet, truyền hình cáp, dẫn tới ảnh hưởng của các ý tưởng sống mới từ khắp nơi trên thế giới tác động đến mọi người dân, đặc biệt ở các vùng đô thị.
"Một trong những thay đổi nhanh là cách nhìn và thực hành của mọi người đối với vấn đề tình dục. Trước đây đề tài này không phải là điều người ta có thể thảo luận ở nơi công cộng hay trên phương tiện thông tin đại chúng. Ngày nay, đề tài này đã trở thành bình thường trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày.
"Những người lớn tuổi hơn cũng có xu hướng chú ý nhiều hơn đến nhu cầu của cá nhân về tình yêu và tình dục. Trong những gia đình mà người chồng hoặc người vợ không thỏa mãn nhu cầu về tình cảm hay tình dục, một số người sẽ chọn thỏa mãn nhu cầu đó bên ngoài gia đình hơn là hy sinh nhu cầu cá nhân vì thể diện của gia đình," ông Lợi nói.



 
Chính những thay đổi này đã dẫn tới tình trạng ngoại tình, ly hôn cũng nhiều hơn trước, đặc biệt ở những cặp vợ chồng mà một trong hai người phải đi làm ăn xa nhà lâu ngày (di cư đi tỉnh khác, nông thôn ra đô thị, hoặc đi xuất khẩu lao động, đi học hay làm việc ở nước ngoài, v.v.) Một số người góa cao tuổi cũng tìm bạn đời mới cho phần đời còn lại hơn là ở vậy thờ người vợ hay người chồng đã khuất như trước đây.
Bình đẳng giới


Chuyện tình dục không còn là điều cấm kỵ ít được nói tới tại Việt Nam

Điều đáng nói là khi những chia sẻ cả về mặt tâm lý và thể xác trong quan hệ vợ chồng đã không còn được thỏa mãn, dẫn tới việc phụ nữ phải đi tìm kiếm từ bên ngoài, thì dư luận xã hội không lên án nhiều nếu xảy ra ở người chồng, song khi xảy ra ở phụ nữ thì thường người phụ nữ chịu nhiều chê trách.
"Việt Nam tuy có tiến bộ rất nhiều về bình đẳng giới, song tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá nặng," tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi nói.
Trước câu hỏi liệu việc dùng từ ngữ có tính chất chỉ trích, miệt thị như một số báo viết về đề tài này có phải đã phần nào thể hiện tình trạng kỳ thị đối với phụ nữ, tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi cho rằng quả thực vẫn còn tiêu chuẩn kép đối với quan niệm về tình dục, tình yêu, hôn nhân và gia đình tại Việt Nam.
"Nam có nhiều tự do hành động hơn trong khi nữ không được làm nhiều điều mà nam có thể làm, và nếu nữ có làm những điều đó thì bị chê trách mạnh mẽ trong khi nam cũng làm đúng những việc đó thì lại được 'thông cảm' hơn. Tôi nghĩ rằng tác giả các bài này cũng có cách nhìn thiên lệch về giới, vẫn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ."
Hiện tượng một số phụ nữ tham gia các sinh hoạt giải trí như CLB nhảy và có "trai bao", thậm chí có thể chủ động đi tìm mua vui chốc lát tại nhà nghỉ, khách sạn đang xảy ra tại các thành phố lớn được một số tờ báo đưa tin gần đây, "tuy không phổ biến nhưng nó cho thấy phụ nữ ngày nay đã tự do hơn, không cam chịu như trước đây," ông Lợi nói.
Trong bối cảnh "xã hội Việt Nam đang có nhiều thay đổi về mọi mặt, trong đó có cả những thay đổi về hệ giá trị văn hóa, xã hội", thì "những hiện tượng xã hội mới nảy sinh có hàm ý thách thức hệ thống giá trị hiện có thường gặp phải sự chống đối kịch liệt," nhà xã hội học nhận định.
"Quá trình thay đổi quan niệm sống cần thời gian. Sự thay đổi các quan niệm về giới cũng vậy. Trong lĩnh vực tình dục, hôn nhân và gia đình, sự thay đổi về giá trị khó khăn hơn nhiều nhưng thay đổi vẫn đang diễn ra.
"Trên báo chí bây giờ người ta bắt đầu nói nhiều đến việc nữ thanh niên có thể chủ động tỏ tình, trong hôn nhân người vợ có thể chủ động trong hoạt động tình dục. Những nhu cầu cá nhân chắc sẽ ngày càng được chú ý hơn, và phụ nữ chắc chắn sẽ ngày càng có địa vị so với nam giới và được cải thiện theo hướng bình đẳng hơn."
Thử đọc tin trong nước để xem vài chuyện "tiêu cực" của người phụ nữ Việt Nam ngày nay:



Một nửa tình yêu là tình dục


TrangHa1
 
Có người bạn trên mạng trước giờ giấu mặt đã hỏi tôi rằng, vì sao cô ấy đã lấy người đàn ông này để thay thế cho người đàn ông khác, mà vẫn không làm sao quên được quá khứ?

Tôi không biết cô ấy trẻ hay già, tôi không biết người phụ nữ ngồi trước màn hình máy tính kể về người tình một đêm vừa rời đi sớm nay nhan sắc đẹp tươi hay tầm thường. Nhưng tôi biết, cô ấy chưa lấy chồng. Nên mới có thể, hôm qua nói chia tay, hôm nay lôi lên giường người đàn ông mới. Và tôi đoán, nỗi đau đớn trong trái tim cô quá lớn, đến mức cô sẵn sàng tìm những cách bạo liệt nhất để mong lấy lại thăng bằng cho cuộc đời mình.

Tôi nghĩ rằng, những người đàn ông tình một đêm thật đáng ái ngại, khi họ chỉ là mảnh băng Urgo dán lên vết thương trong tim người đàn bà mà thôi. Hoặc, kể cả người đàn bà không có vết thương trong tâm hồn, không cần đàn ông làm thuốc chữa cô đơn, thì tình một đêm cũng chỉ đơn giản là kiếm một người đàn ông để lấp đầy khoảng trống giữa đôi chân mình.

Tôi từng đọc comment của một cư dân mạng rằng, đàn ông khác gì củ hành tây, chỉ giỏi làm đàn bà chảy nước mắt! Tôi thì nghĩ khác, thực ra đàn bà chúng ta mới là củ hành tây. Khi còn trẻ, chúng ta khoác lên mình rõ lắm thứ!

Thứ đầu tiên là trinh tiết. Sau khi bị lột lớp vỏ trinh tiết ra, cuộc sống tình dục của người phụ nữ trẻ mới thực sự bắt đầu. Nhưng sau trinh tiết là tình yêu. Chúng ta thèm tình yêu đến phát điên, dù chúng ta còn trinh hay đã mất trinh với ai, yêu nhiều lần hay chưa yêu bao giờ, vẫn phải có tình yêu mới lên giường được!



Thế nhưng, bạn còn nhớ chăng, lần đầu tiên bạn cãi cọ người yêu, lần đầu tiên bạn chiến tranh lạnh với ông chồng, lần đầu tiên chúng ta nghiêm túc đặt ra tình huống: Chia tay đi! Và bạn còn nhớ cuộc yêu đương sau đó, với người mình đang còn hờn giận, với ông chồng mình đầy rẫy tội lỗi khó tha thứ, với anh người yêu đầy khiếm khuyết mà mình biết không sớm thì muộn, mình sẽ yêu chàng trai khác tốt đẹp hơn? Tình yêu đã phai nhạt đi nhưng chúng ta vẫn tiếp tục làm tình với nhau đúng không?


Chúng ta vẫn lên giường, như một thói quen, bỏ qua những trò chơi tình yêu đầy mê đắm của thời mới biết đến nhau, bỏ qua những dè chừng có thai và hẹn cưới, bỏ qua cả những lời hứa hẹn sẽ thay đổi, sẽ yêu nhiều hơn, sẽ là một tương lai rực rỡ và hạnh phúc. Chúng ta chỉ cần tình cảm đủ dùng, an toàn vừa đủ, quan hệ đủ sâu, để lên giường cùng nhau! Vào lúc đó, hình như ta vừa tự lột lớp vỏ hành tây mang tên gọi tình yêu, khi tình yêu không còn là yếu tố duy nhất và quan trọng nhất của tình dục nữa.

Không đúng sao? Bạn đã mất bao nhiêu thời gian để từ một cô gái khăng khăng giữ trinh trở thành một cô gái chỉ cần mọi thứ “tạm đủ an tâm” là đồng ý làm tình? Hành trình đó nếu nhìn bề ngoài như thể một sự trượt dài của những giới hạn và điều kiện, ta có vẻ dễ dãi đi, ta có vẻ rẻ rúng thân xác đi. Nhưng không phải, ở nội tâm, chỉ là củ hành tây đã tự lột dần những lớp vỏ ngoài.

Rồi ta thực sự chia tay quá khứ. Đó là lúc, chúng ta thất vọng vì bị phản bội, vì bị chồng bỏ hoặc tự bỏ chồng, hoặc ta đã chịu đựng đủ mọi dày vò của một người đàn ông và nghĩ rằng, tại sao không học lấy cách tự yêu lấy bản thân mình, bằng cách, đừng cặp đôi với người đàn ông nào đòi hỏi ta quá nhiều? 

À há, người đàn ông tình một đêm hình như đâu có đòi hỏi gì bạn tình những thứ như chung thủy, hiền thục, gia thế, chăm sóc, tâm hồn cao thượng, đảm đang và khéo vun vén v.v… như một anh bồ chính hiệu? Hình như, chúng ta chỉ quan tâm đến những thứ làm nên tình dục, từ phía nhau! 
Và ta bóc đi của nhau lớp áo quần, những danh tiếng bề nổi, những sứ mệnh đạo đức, những mối quan hệ xã hội phiền phức. Để đi thẳng tới cốt lõi của một mối quan hệ đàn ông với đàn bà là tình dục. 
Chào bạn, người đàn bà đã bóc tới lớp vỏ cuối cùng của mình, bạn có tìm thấy cái bạn cần không? Hay phát hiện ra nếu bóc mãi, ta sẽ chẳng còn gì, mà cũng chẳng hề tìm thấy gì? Và quan trọng nhất là điều này: Bởi vì bạn là hành tây, nên hành trình cởi bỏ những giá trị và khao khát đời mình, ta sẽ vừa cởi vừa khóc!

Trang Hạ

2013

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA NHỮNG NGÔI SAO



                                   Viết cho hai con Huy, Phương
      


Cha là người không mê tín
Nhưng cuộc đời luôn có những điều huyền nhiệm
Nên cha thử ngồi coi tử vi cho các con
Để xem dưới ánh sáng linh thiêng nào các con đã được sinh ra?

Trên muôn nẻo đường đời nào những ngôi sao
sẽ dẫn các con đến?
Giữa thiện và ác
Giữa hạnh phúc và đắng cay 

Ước gì cha có thể dệt thành tấm lưới

Thanh lọc tất cả các ánh sáng
Chỉ để những gì tốt đẹp đến với các con thôi
Cho các con bình yên sống dưới vòm trời 

Nhưng liệu có không những ngôi sao chiếu mệnh?
 

Có không sự dẫn dắt của bước đi số phận?
Những câu hỏi mà cha không thể trả lời
Cha chỉ biết một điều thật giản dị thôi
Giữa trăm nẻo dọc ngang chi chít

Có con đường không xây bằng cát đá bê tông mà bằng
các con chữ
Nay cha dẫn các con đi 

Dường như hơn cả văn chương
Hơn cả khoa học

Nghề của cha là nghề đưa các con đi học
Cha chở các con mà như chở thời thơ ấu của mình

Không như bao bạn bè thích mò cua bắt ốc thủa nào
Cha cũng có một thời đi gom nhặt từng con chữ

Trong giới hạn chật hẹp mỏng manh của những trang giấy
Chúng ẩn núp khắp nơi
Như những vì sao thấp thoáng dưới vòm trời 

Giữa Sài Gòn mênh mông


Ngày ngày cha chở các con trên những con đường như những
dòng sông luôn dâng lên vô tận
Chi chít người xe
Chi chít số phận
Tất cả bị bó chặt bởi những giới hạn

Nhưng các con có biết không?
Chúng ta đang đi trong giới hạn không phải của lề đường
mà giới hạn của những suy nghĩ
Chúng không thể mở ra bằng xẻng cuốc mà chỉ bằng
những con chữ

Các con của cha!
Thương các con mỏng manh giữa bụi đường, giữa khói xe,
giữa chiều mưa nắng sớm
Nhưng có mùa trái ngọt nào không chắt chiu bằng
chùm rễ cay đắng
 

Dù người đời có tin vào những ngôi sao chiếu mệnh
Dù cuộc đời có nhiều lối tắt dẫn đến sự thành đạt
Nhưng để đến hạnh phúc đích thực
Không có đường tắt đâu các con.


ĐÔNG LA

Luật lệ gà mờ



image


Cái nghị định “phạt vì quấy rối tình dục” ở VN đã ra đời từ mấy tháng nay, nhưng đến đầu tháng 5 năm 2013 này mới có hiệu lực. Đây là lần đầu tiên VN nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình dục tại công sở, nơi làm việc kèm theo một dự thảo nghị định khác về ngoại tình.


image 
Vì vậy tuần này tôi mới đưa ra bàn cùng bạn đọc. Các ông nào buộc phải về VN vì một lý do nào đó cũng nên coi chừng. Bởi cái sự minh xác “ thế nào là quấy rối tình dục” và “ai lợi dụng tình dục ai” không hề dễ dàng như người ta tưởng. Nhiều bạn không đề phòng, mấy cô tiếp viên quán nhậu, quán cà phê, mấy cô chân dài thất nghiệp có dụng ý sẵn, đụng chạm linh tinh làm bạn “tưởng bở” cùng hùa theo với vài cử chỉ lả lơi là có thể quy vào tội quấy rối tình dục bị phạt tới 75 triệu đồng (bằng 4.500 Mỹ kim). Và khi bị lập biên bản, bạn sẽ bị nêu tên tuổi trên các phương tiện thông tin đại chúng, sợ mang tiếng, bị mất thể diện, ảnh hưởng nhiều đến gia đình, đến những mối liên hệ xung quanh, bạn sẽ phải “nộp” hơn nhiều lần như thế để mua lấy sự im lặng. Đó cũng là một kiểu “bắt cóc đòi tiền chuộc” đang rất thịnh hành ở VN.

Ngoài ra trong nghị định này còn có những vấn đề liên quan như phạt tội ngoại tình, tội sàm sỡ với ô-sin (người giúp việc), cán bộ, công chức, viên chức được miễn trừ… Đó là những vấn đề có rất nhiều chuyện để người dân bàn tán xôn xao.


Luật lệ làm ra không lẽ để… treo chơi?

Trước hết, xin tóm tắt sơ lược về cái nghị định Quấy Rối Tình Dục (QRTD) mới toanh có vẻ “văn minh” này cùng những vấn đề rất phức tạp trong việc xử phạt. Từ đây xin viết tắt là QRTD cho “gọn nhẹ”.


image 
QRTD đang được thừa nhận là một vấn đề toàn cầu. Ở Australia, cứ 10 y tá thì có 6 người bị QRTD; ở Mỹ, trên 50% lao động nữ bị QRTD; còn ở Canada, 51% phụ nữ bị QRTD ít nhất một lần. Ở Trung Quốc, một cuộc điều tra vào năm 2009 cho thấy có 20% trong tổng số 1.837 người được phỏng vấn cho biết đã từng bị QRTD, trong đó 1/3 là nam giới. Kể từ 1995 trở lại đây, đã có 50 quốc gia xây dựng hệ thống pháp luật chống QRTD.


Ở VN là lần đầu tiên hành vi QRTD được Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-5-2013), đưa vào luật để điều chỉnh. Trong đó có nêu QRTD tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu bị QRTD. Tuy nhiên, những điều quy định này vẫn còn nửa vời bởi đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thế nào là QRTD, kể cả trong dự thảo nghị định nêu trên.



Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Sài Gòn cho biết QRTD bây giờ rất tinh vi bằng nhiều hình thức, để phân biệt một hành vi là QRTD hay chỉ là một cử chỉ thân thiện cần có hướng dẫn cụ thể mới áp dụng xử phạt được. Nếu không, luật chỉ để treo chơi.


Cần quy định mức độ nặng nhẹ của người bị QRTD

Luật sư Nguyễn Minh Luận, Đoàn Luật sư TP. Sài Gòn, cũng cho rằng cần hướng dẫn cụ thể thế nào là QRTD. Cho xem tranh ảnh nude, một cái nhìn khiêu khích, lời tán tỉnh theo kiểu “vòng một của em hôm nay đẹp quá” hay đụng chạm mông, má... có bị cho là QRTD không?



QRTD là khái niệm rất trừu tượng nếu chưa được định nghĩa các cơ quan chức năng không thể áp dụng xử phạt được. Định nghĩa hành vi rõ ràng nhằm xử phạt đúng hành vi, đồng thời tránh tình trạng lạm dụng sự mập mờ của luật để xử những người vô tình bị gài bẫy.
Cũng theo luật sư Nguyễn Minh Luận, không thể gộp chung một câu rằng hành vi “QRTD tại nơi làm việc bị phạt tiền từ 50 triệu đến 75 triệu đồng” như dự thảo đã ghi. Cần phân loại mức độ nhẹ, nặng của hành vi này để quy định những mức phạt khác nhau. Có những trường hợp QRTD diễn ra trong thời gian dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm nạn nhân bị stress đến mức nhảy lầu tự tử...

Trung tá chống “dâm tặc” bị bắt vì QRTD


Một thí dụ khác như ở Mỹ, ngày 5-5-2013 vừa qua vừa xảy ra một vụ QRTD tai tiếng. Theo cảnh sát Arlington, bang Virginia (Mỹ), Trung tá Jeffrey Krusinski - người đứng đầu chương trình phòng chống tấn công tình dục của không quân Mỹ, vừa bị bắt sáng 5-5. Ông bị cáo buộc “tiếp cận một phụ nữ tại bãi đậu xe và bóp ngực, mông của người này”

Phát ngôn viên Không quân Mỹ cho biết ông Krusinski hiện đã bị cách chức và vừa được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh 5.000 USD. Trước khi xảy ra vụ bê bối, vị trung tá 41 tuổi này được tin là đã quá chén. Tuy nhiên luật lệ của Mỹ rất nghiêm minh điều luật của họ rất rõ ràng. Có tội là phạt.




Ở VN chưa có vụ QRTD nào bị phạt vì chưa có luật, nhưng thật ra những chuyện quấy rối linh tinh này xảy ra như cơm bữa ở hầu hết các công tư sở. Song các bà các cô sợ mắc cỡ, sợ tai tiếng nên đành né tránh hoặc nín nhịn cho qua. Tại nhiều cơ quan công và tư, người bị QRTD có thể bị đổ lỗi như cô ấy ăn mặc hở hang, thái độ khêu gợi, tư cách không đứng đắn, gạ gẫm, lợi dụng đàn ông nên đàn ông mới có cử chỉ đó… Còn ở nông thôn, người bị QRTD có khi lại “gặp nạn” trước bởi điều tiếng. Do đó, những người bị QRTD cắn răng chịu đựng vì cho rằng mình nói ra cũng không được bảo vệ, chỉ thiệt thân.


Vụ nữ giáo viên vùng núi bị cấp trên cưỡng hiếp
image 
Cô giáo La Tố Nh.., một giáo viên tiểu học tại TP. Cao Bằng vẫn không khỏi bàng hoàng khi nói chuyện với phóng viên bị ông Hoàng Đình Thiên, trưởng phòng Giáo Dục Đào Tạo huyện Bảo Lâm, Cao Bằng “làm bậy” khi còn giảng dạy và ở nội trú tại một trường tiểu học tại huyện Bảo Lâm. Sự việc diễn ra cũng đã khá lâu, tuy nhiên, cú sốc tinh thần lần đó vẫn còn in hằn trong trí nhớ cô giáo Nh…. cho tới nay

Không chỉ với cô giáo La Tố Nh…. Sự việc này diễn ra với nhiều giáo viên khác ở địa phương này. Nhưng nhà chức trách hầu như bất lực, khiến nỗi buồn và sự đắng cay không những không giảm bớt mà còn nặng nề hơn theo thời gian.

Những cảnh đau lòng như thế này xảy ra rất nhiều nơi, không thể nào kể hết.

Tại sao cán bộ, công chức, viên chức lại được miễn trừ?

Có chuyện lạ trong nghị định này là ở Điều 2 dự thảo Nghị định có nêu “Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội không thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này”. Như vậy, quy định này chỉ điều chỉnh quan hệ lao động trong phạm vi doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức hành chính được miễn trừ hay sẽ được điều chỉnh theo quy định riêng? Một luật sư giấu tên bất bình: “Tôi không hiểu sao lại có sự phân biệt đối xử như vậy khi mà theo nghiên cứu thì hành vi QRTD diễn ra nhiều nhất ở hai ngành là y tế và giáo dục”.

Tại sao lại có sự miễn trừ này? Không thể hiểu nổi quan điểm của những vị làm ra thứ luật lệ này. Trong mọi trường hợp phạm tội lớn hay nhỏ, công chức hay quan quyền cũng là dân, phải được xử như dân. Không lẽ các ông bà cán bộ, công chức mang nhau vào phòng riêng “xữ kín” vụ này sao? Người dân đang đợi câu trả lời của người thi hành luật QRTD.

Còn một sự bất công nữa trong luật này.

Sàm sỡ ô sin chỉ bị phạt từ 5 đến 10 triệu
image 
Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị phạt tiền 50-75 triệu đồng. Thế nhưng quấy rối tình dục với người giúp việc thì chỉ bị phạt 5-10 triệu đồng. (Bây giờ người giúp việc ở VN đều được gọi là ô sin).
Chị H. là nhân viên của Công ty TNHH Nhân Ái được thuê chăm sóc một bệnh nhân nam khoảng 70 tuổi, nhà ở quận 10, TP.Sài Gòn. Ông này hay yêu cầu chị H. kích dục cho ông nhưng chị từ chối. Ông khách vẫn yêu cầu chị kích dục cho ông mỗi ngày và hứa sẽ trả tiền công. Chị H. đành xin nghỉ việc. Giám đốc công ty đến nhà nói chuyện nhưng thân nhân người bệnh không tin ông cụ có hành vi kỳ lạ đó. Giám
  đốc đành cho nhân viên nghỉ việc.
Giúp việc gia đình dễ bị sàm sỡ

Sau nhiều năm hoạt động, ông Huỳnh Nhân - Giám đốc Công ty Nhân Ái chuyên làm dịch vụ chăm sóc người bệnh, người cao tuổi đã phải rút ra những kinh nghiệm tránh quấy rối tình dục cho nhân viên. Ông Nhân kể: “Trong hợp đồng tôi luôn yêu cầu việc thay đồ phải do bệnh nhân thực hiện nếu bệnh nhân tự làm được, nhân viên chỉ có vai trò quan sát để hỗ trợ bệnh nhân khỏi té... Thế nhưng có bệnh nhân nam ở Phú Mỹ Hưng cứ yêu cầu nhân viên B. phải thay đồ dù ông tự tay làm được. Có lần ông bảo ông đã thay đồ xong và gọi chị B. vào. Vừa mở cửa phòng, chị B. thấy ông nằm trần truồng trên giường. Chị sốc. Chị đóng cửa lại, khóc và gọi cho tôi.”
Theo ông Nhân, tội nghiệp nhất là những người làm việc đơn phương, bị sàm sỡ thì không biết kêu ai vì thường thì gia đình đứng về phía người nhà của họ hơn là bảo vệ người giúp việc”.


image 
Bà Võ Xuân Loan, từng là giám đốc một công ty cung ứng lao động giúp việc gia đình, cho biết bị lạm dụng nhiều nhưng một số chị em nhà nghèo ở quê đi giúp việc thường chọn giải pháp im lặng nghỉ việc, quá lắm thì ông chủ dấm dúi cho tiền rồi cũng thôi. Tôi biết có trường hợp con ông bà chủ thuộc loại cậu ấm, đưa bạn bè về nhà ăn chơi, thường xuyên chọc ghẹo, QRTD người làm. Người thấp cổ bé miệng không dám kiện nên giải pháp tốt nhất là bỏ việc”.
Pháp luật hạ thấp phẩm giá của người giúp việc
Nghị định nêu mức phạt cho hành vi QRTD với người giúp việc gia đình chỉ 5-10 triệu đồng, trong khi hành vi này thực hiện tại công sở thì bị phạt đến 75 triệu đồng. Theo các chuyên gia lao động thì tỉ lệ QRTD với người giúp việc gia đình nhiều hơn là những người làm ở nơi công sở. Một chuyên gia nói: “Tôi không hiểu sao lại có sự chênh lệch như vậy trong khi nếu bị QRTD, người giúp việc ở gia đình thường khó thoát thân hơn là người ở công sở. Trình độ học vấn của họ cũng thấp hơn nên việc đối phó với hành vi này cũng vất vả hơn”.
Hầu hết mọi người dân cho rằng quy định như vậy vô tình pháp luật đã hạ thấp phẩm giá của người giúp việc. Hơn thế, những quy định này được thực thi trên thực tế còn cần phải lập một đường dây nóng riêng cho những người giúp việc, những phụ nữ bị bạo hành nói chung như ở Hàn Quốc, Đài Loan… Nếu không, luật cũng khó được thực thi.
Thực tế, nhiều người giúp việc không những bị QRTD còn bị đối xử tàn nhẫn.

Một vụ hành hạ dã man người giúp việc

Nghi ngờ người giúp việc là Nguyễn Thị Giang có tình ý yêu đương với chồng mình là Phạm Thế Phong, bà Anh đã bắt Giang và chị gái là Nguyễn Thị Lan đưa đến một ngôi nhà hoang để “thẩm vấn” và “tra tấn”.

image 

Chị Giang bị bà chủ nhổ nước bọt vào mặt, rồi tát liên tiếp vào mặt, vào đầu, dùng chân đạp vào người. Cùng lúc đó, vài người phụ nữ khác cũng xông vào để hành hạ chị. Sau đó, bà ta lấy kéo xén tóc và cạo luôn cả đôi lông mày của chị Giang, sau đó cạo trụi tóc trên đầu. Bà chủ còn bắt nhân viên của bà là Nguyễn Thị Trâm ép đưa chị Giang đến tiệm xăm ở đường Hoàng Hoa Thám, TP Vũng Tàu để xăm 3 hình quái vật, 2 con rết và 1 con rồng lớn và đậm. Sau đó chị Giang không biết nhờ cậy vào ai, đành chịu bị đuổi về quê với bộ mặt quái dị.


Ngoại tình bị phạt 1 triệu

Song song với nghị định QRTD còn có dự thảo Nghị định phạt về tội ngoại tình.
Điều 46 Dự thảo Nghị định xử phạt hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, nêu rõ: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với 2 hành vi: “Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với nghi định này còn có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp khác như:Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Tất cả đều chịu chung một mức phạt như ngoại tình chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Dự thảo cũng nâng mức xử phạt hành vi dùng giấy tờ giả mạo để đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn lên từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng (mức xử phạt cũ từ 200.000-500.000 đồng). Đồng thời một số hành vi vi phạm khá nghiêm trọng nhưng trước đây chưa có chế tài để xử phạt thì nay đã được dự thảo đưa vào.

Chẳng hạn: làm cam đoan không đúng về tình trạng hôn nhân gia đình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc để được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sử dụng vào mục đích khác có thể bị xử phạt từ 5-20 triệu đồng. Hành vi kết hôn giả nhằm mục đích xuất cảnh, môi giới kết hôn bất hợp pháp, lợi dụng việc đăng ký kết hôn nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm tình dục, bóc lột sức lao động theo quy định của dự thảo có thể bị xử phạt từ 10-30 triệu đồng.
Nếu được Chính phủ đồng ý ban hành, Nghị định trên sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2013.

Phạt tiền chẳng có ý nghĩa gì
Tuy nhiên, những quy định này đang gặp phải sự tranh cãi chí chóe.
Theo luật sư Nguyễn Bá Ngọc, đoàn luật sư Bắc Giang, mục đích của dự thảo là ngăn chặn, răn đe ngoại tình thì không có tác dụng. Những người ngoại tình người ta thừa tiền rồi, một vài trăm, vài triệu không có ý nghĩa gì. Nếu ban hành sẽ làm xấu đi tình trạng xã hội. Tình trạng ly hôn chắc chắn gia tăng. Vì tình cảm con người, yêu nhau, đến với nhau mà gia đình vợ con không biết thì hoàn toàn êm ấm. Đưa ra xử phạt đôi khi lại làm tan vỡ hạnh phúc gia đình người khác.
LS Ngọc cho rằng, nếu để phân biệt, định nghĩa hành vi quấy rối tình dục là rất khó, không hề đơn giản. Nhưng thực chất mà nói hành vi này trong xã hội cũng ít xảy ra vì vậy quy định thì thế nhưng trên thực tế đã có trường hợp nào bị cơ quan có thẩm quyền phạt đâu. Ngay cả quy định vi phạm chế độ một vợ một chồng cũng vậy. Có chăng chỉ là hình thức phạt hành chính.
Mọi định nghĩa đều không rõ ràng, quy định lại chung chung, nếu vậy thì khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng muốn quy nó về tội nào cũng được, coi tội nào, lên tội đó.
Ở những cơ quan công quyền, chuyện này xảy ra không hiếm. Ngay trong thời gian này, người dân xã Quảng Phong- Thanh Hóa đang “đồn thổi như bão” về chuyện ngoại tình của sếp lớn.

Chủ tịch xã đưa nữ nhân viên vào nhà nghỉ
Vào ngày lễ tình nhân năm 2013, anh Thìn phát hiện ông Khang Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong lái xe hơi đến nhà chở vợ mình là chị Nhung (thủ quỹ xã Quảng Phong) đi chơi. Vốn nghi ngờ hai người có “quan hệ bất chính”, anh Thìn bí mật theo dõi. Sau nhiều giờ chạy lòng vòng, xe của ông chủ tịch Khang tấp vào sân nhà nghỉ (hay nhà ngủ cũng đúng) trên đường Dương Đình Nghệ, TP Thanh Hóa.

image 
Anh Thìn đập cửa xông vào phòng ngủ, nhưng ông Khang đã trèo qua cửa sổ tầng 2, nhảy qua ngọn cây xuống đất bỏ chạy, để lại xe hơi biển số xanh của nhà nước. Trong bản tường trình gửi UBND xã Quảng Phong, nữ thủ quỹ xác nhận: “Ông Khang nhiều lần gọi điện hối thúc đòi gặp tôi và rủ tôi vào nhà nghỉ. Ông ấy nói muốn gặp tôi vì nhớ quá”. Nghe mùi hơn sáu câu vọng cổ!
Bắt quả tang vợ cùng người tình ở phòng ngủ nhưng vẫn chối
Ít ai chịu công nhận là mình ngoại tình như chị thủ quỹ Nhung, kể cả khi bị bắt quả tang như trường hợp mới đây tại Bình Định.
Chắc nhiều bạn đọc đã biết, từ ngày 2-5 vừa qua, trên mạng YouTube xuất hiện ba clip với tiêu đề: “Vụ đánh ghen kinh hoàng ở Bình Định”. Clip này nhanh chóng được cư dân mạng nhân bản, lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Tôi tóm tắt sự việc khá “ngộ nghĩnh” này:
Hình ảnh trong ba đoạn clip cho thấy sự việc xảy ra tại một phòng khách sạn. Nhân vật chính bị quay clip là một đàn ông trung niên chỉ mặc quần đùi, bị ba người đàn ông khác khống chế. Người đàn ông này vừa giằng co, ngăn cản để không bị còng tay vừa luôn miệng van xin: “Chu cha tội em, anh Quốc ơi!”; “Em lạy anh! Em mất hết, anh Quốc ơi”…
Clip cũng thể hiện rõ mặt một phụ nữ mặc quần ngắn đang ngồi trên ghế trong phòng của khách sạn. Trong khi giằng co, một người đàn ông trong clip đã sử dụng một công cụ hỗ trợ bằng điện để khống chế người đàn ông mặc quần xà lỏn và người phụ nữ.
Liên quan đến clip trên, ngày 3.5, một viên chức Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định xác nhận: Người đàn ông bị khống chế trong clip là ông Lê Văn Vương, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định. Người phụ nữ bị ông Quốc chích điện, ngồi trên ghế là bà Hà, vợ ông Lê Anh Quốc.

image 
Trước đó, ông Quốc (44 tuổi, ngụ TP Quy Nhơn, Bình Định) đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng tố cáo ông Vương quan hệ nam nữ bất chính với vợ ông. Ông Quốc cho rằng chiều 23-3, ông cùng một số người khác vào phòng một khách sạn ở TP Quy Nhơn bắt quả tang ông Vương đang ở chung phòng với vợ ông. Với bằng chứng hai người ở cùng phòng trong khách sạn, ông yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm ông Vương vì vi phạm nghiêm trọng tư cách cán bộ, phá vỡ hạnh phúc gia đình ông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của ông và hai con đang đi học
Cả hai “nghi phạm” ngoại tình vẫn chối dài
Vào ngày 4-5 vừa qua, ông Lê Văn Vương, phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Định, khẳng định: “Tôi không quen biết bà Hạ. Khi họ đẩy bà Hạ vào phòng rồi gí dùi cui điện vào người tôi, lấy còng số tám cố còng tay tôi để lột trần truồng nên tôi bối rối, năn nỉ để tìm cách thoát ra ngoài. Tôi đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra làm rõ về những nội dung tố cáo mang tính vu khống và việc tôi bị làm nhục”.

image 
Còn bà Hạ (vợ ông Quốc) cũng phản đối, bà nói: “Vợ chồng tôi đã ly thân hai năm nay. Vụ việc xảy ra tại nhà khách Tỉnh đội rất bất ngờ, tôi bị đẩy vào phòng, khi người nhà của chồng tôi quay phim tôi vẫn ăn mặc kín đáo và vẫn đang đội mũ bảo hiểm nên khẳng định tôi quan hệ nam nữ bất chính bậy bạ là áp đặt, làm tổn thương tôi và con cái. Tôi phản đối và đã gửi đơn kiện”.
Ủy ban Kiểm Tra tỉnh cũng chưa thể đưa ra kết luận
Cùng ngày, một quan chức của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định cho biết: “Vụ việc vẫn đang được làm rõ, song khi tiếp cận với một số trường hợp có liên quan thì thông tin hoàn toàn ngược lại. Người trong cuộc là bà Hà Cẩm Hạ cực lực phản đối chuyện chồng bà vu khống bà ngoại tình. Ngay cả hình ảnh trong video clip cũng không thể hiện rằng họ quan hệ nam nữ bất chính”
Như thế chuyện phạt tội ngoại tình khó tìm ra đúng sự thật. Vả lại còn có rất nhiều nguyên nhân thầm kín sâu xa khác mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Những luật lệ mơ hồ này đang khiến nhiều luật sư băn khoăn, chẳng phải chỉ có người dân. Còn hàng trăm bài viết phản bác về những dự thảo luật lệ mơ hồ như thế này, chẳng lẽ luật làm ra chỉ để “treo chơi”?
 Văn Quang

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Sống là chuẩn bị chết!

 

Lm : Lê Văn Quảng
 

Suy tư về cái chết là suy tư về cái sống. Chết là một phần của sự sống bởi lẽ trong sự sống đã có sự chết. Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa dòng nước vào nguồn biển rộng mênh mông. Nó là người bạn trung thành nhất của chúng ta. Nó là người bạn duy nhất không bao giờ quên chúng ta và nó có thể đến viếng thăm chúng ta bất cứ lúc nào, vào sáng sớm tinh sương hay vào lúc đã về xế chiều.

Chúng ta không cần nói đến những cái chết đến với chúng ta từ những nguyên nhân bên ngoài như do tai nạn, sự mưu sát, hay một nguyên nhân nào khác không cần biết. Chỉ cần nói đến sự chết đang nằm sẵn trong bản tính con người chúng ta. Như một hoa trái đang chín dần, mỗi ngày sống là một bước đi chúng ta đang tiến dần về với cái chết đang chờ đợi mỗi người chúng ta. Bên cạnh đó, trong cuộc sống hằng ngày cũng còn có rất nhiều những mất mát, những thua thiệt khiến chúng ta cũng đã chết đi phần nào trong con người chúng ta như mỗi khi chúng ta phải lựa chọn hay mỗi khi phải ra đi. Mỗi lúc lựa chọn là mỗi lúc phải quyết định từ bỏ. Từ bỏ khiến chúng ta phải mất đi một phần những cái thuộc về chúng ta và điều đó làm chúng ta đau khổ và chết đi không ít. Mỗi khi chúng ta phải lên đường ra đi vì công việc hay vì cuộc sống cũng vậy. Chúng ta phải dứt bỏ tình cảm quen thuộc, dứt bỏ sự quyến luyến tự nhiên mà một khi đã quen nhau chỉ muốn ở gần nhau. Sự ra đi lúc nầy quả thật là một sự thương đau và cũng là một sự chết đi trong lòng không ít cho người phải ra đi, vì không có ra đi nào không làm lòng mình tê tái, cũng không có ra đi nào không để lại nỗi nhớ thương. Nhưng chưa hết, không phải chỉ lúc chúng ta ra đi chúng ta mới cảm thấy đau thương mà cả sự ra đi của những người thân yêu chúng ta cũng để lại những cảm giác thương đau rất nhiều. Mỗi người chúng ta thảy đều có kinh nghiệm nầy: cứ mỗi lần có một người bạn thân hay một người trong gia đình chúng ta vĩnh viễn ra đi, chúng ta thấy gì trong con người chúng ta ? Chúng ta cảm thấy con người chúng ta cũng chết đi với họ, bằng chứng là chúng ta thấy mất hẳn sinh lực, mất hẳn tinh thần, cũng như mất hẳn niềm vui để sống.

Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Đó là định luật chung của con người. Không ai có thể sống mãi mà không chết ngay dầu các vua chúa ngày xưa đã cố gắng đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng không tránh khỏi định luật khắc nghiệt ấy. Vì thế, chối từ sự chết là lừa dối chính mình. Để sống cách trọn vẹn, người ta phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết. Sự sống quá tự nhiên đến nỗi chúng ta không nghĩ đến ngày nó kết thúc. 



Thái độ của con người đối với sự chết luôn là một sự giằng co giữa sự lôi cuốn và sự khước từ. Mọi người đều nhận ra rằng sự sống là mỏng manh, là ngắn ngủi và nó có thể kết thúc bất cứ lúc nào.

Chính những tư tưởng về sự chết đưa chúng ta đến vấn nạn nầy: Cái gì là chính yếu, là trường cửu đối với con người chúng ta ? Chúng ta cần phải làm gì để đối đầu với cái chết đang đến với chúng ta ? Vì thế, phản ảnh về sự chết là học cách chúng ta phải sống hôm nay.

Người xưa đã sống đời sống như có một sự sống khác quan trọng hơn là cuộc sống ở đây và bây giờ, khiến họ sống cách xa cuộc sống hiện tại. Nhưng đối với giới trẻ hôm nay, họ không thể chấp nhận cuộc sống như thế.

Thật vậy, nếu chối từ cuộc sống chúng ta đang sống hiện tại hoặc chỉ chú trọng đến cuộc sống hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai chúng ta sẽ chết, cả hai đều không thực tế. Vì thế, một số các nhà tâm lý học có khuynh hướng KiTô giáo hiện đại đang có khuynh hướng nầy: Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái Chết. Chính tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều người thoát khỏi khủng hoảng trầm trọng khi con người đối diện với cái chết, và nhờ đó cũng đã giúp nhiều người chuẩn bị sẵn sàng để lên đường ra đi cách an bình về với Thiên Chúa và về với những người thân yêu của họ bên kia thế giới. Cũng chính những tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều nhà giàu sang phú quí thực thi đức bác ái, biết dùng của cải đời nầy để mua lấy nước trời bằng cách chia xẻ phần nào những của cải của họ cho những người nghèo khổ và nhờ thế nhiều người bất hạnh đã có được một đời sống tương đối xứng đáng với phẩm giá con người hơn.

Nói đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện về hành vi thiếu bác ái của một người bạn đồng nghiệp của tôi. Câu chuyện xem ra quá bình thường nhưng đã để lại một ký ức không mấy tốt đẹp cũng như đã để lại một sự hối hận suốt đời cho người bạn già của tôi. Hy vọng nó có thể giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm sống cho những ngày còn lại của chúng ta trên trần gian nầy.

Trong chuyến du hành sang Hy Lạp, trên con đường từ Athens đến Kalambaka, người bạn già của tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện của ông như sau:

Chiều hôm đó, khi đi ngang qua một làng nhỏ của người da đen trong sa mạc Sahara. Như thường lệ, khi có một người khách đến, mọi người trong làng chạy ra vây bao quanh xe khách hoặc tò mò, hoặc để giành lấy những thực phẩm mà du khách thường mang theo để tặng họ. Hôm đó, tôi có nhìn thấy một ông lão già đang run lập cập vì lạnh. Nói về cái lạnh trong sa mạc xem ra là khó tin nhưng thực tế là thế. Sahara thường được gọi là xứ lạnh vào đêm nhưng rất nóng dưới ánh quang mặt trời. Mặt trời lặn rồi, ông lão lạnh cóng. Bấy giờ, tôi có ý nghĩ cho ông ta một trong những chiếc mền của tôi, nhưng tôi lại để tư tưởng đó qua đi vì tôi nghĩ đêm đến tôi cũng sẽ cóng lạnh như vậy. Dầu tôi lý luận: ông có thể quen với thời tiết ở đây hơn tôi, nhưng một chút bác ái trong tôi cũng đã khiến tôi suy nghĩ lần nữa, tốt hơn là cho ông ta một chiếc dẫu tôi có lạnh hơn một chút. Tuy vậy, khi tôi rời bỏ ngôi làng, những chiếc mền vẫn còn nằm nguyên vẹn trên chiếc xe của tôi. Bấy giờ, lương tâm tôi bắt đầu cắn rứt.

Khi đến nơi tôi có ý định đến, tôi rảo một vòng đi tìm một chỗ để yên nghỉ và tôi đã tìm được một nơi vừa ý thích. Tôi cố gắng nằm yên tựa chân lên một hòn đá lớn, nhưng rồi tôi vẫn không yên tâm được. Tôi nhớ cách đó một tháng, một người da đen đã bị nghiền nát bỡi một tảng đá to rơi xuống. Nên tôi đã ngồi dậy để xem tảng đá chỗ tôi đang nằm có bảo đảm không. Tôi thấy nó không được cân bằng cho lắm nhưng không đến nỗi nguy hiểm.

Tôi lại nằm xuống. Nếu tôi kể lại điều mà tôi mơ thấy, có lẽ bạn sẽ cảm thấy lạ lùng. Điều đáng buồn cười là tôi mơ thấy tôi đang ngủ dưới một hòn đá lớn và rồi vào một lúc, tôi thấy hòn đá di động và rơi xuống trên tôi. Tôi nghe thấy tiếng xương kêu răng rắc và tôi cảm thấy mình sắp chết vì cả thân xác bị nghiền nát dưới tảng đá ấy. Nhưng tôi ngạc nhiên vì không cảm thấy mình đau đớn gì cả, chỉ có một điều là không thể cử động được. Bấy giờ tôi thấy ông lão đang run rẩy trước mặt tôi. Không do dự một chút nào cả, tôi vội vàng lấy ngay một chiếc mền không được dùng đến đang nằm đàng sau tôi để trao cho ông. Tôi cố gắng giang tay ra để đưa nó cho ông. Nhưng viên đá khổng lồ ấy khiến tôi ngay cả một cử động nhỏ cũng không thể làm được. Tôi sợ quá nên chợt tỉnh giấc. Chính cơn ác mộng ấy đã giúp tôi suy nghĩ và hiểu được luyện ngục là gì, cũng như đã hiểu được nỗi khổ đau của các linh hồn là không còn có thể làm được điều mà trước đây họ có thể và lẽ ra nên làm.

Có ai biết được bao nhiêu năm trời sau đó tôi cứ phải bị ám ảnh và ray rứt trong lương tâm mỗi khi nhìn thấy chiếc mền như một bằng chứng cho sự ích kỷ của tôi cũng như cho sự chưa đủ trưởng thành của tôi để vào nước của Tình Yêu?



Tôi cố gắng nghĩ đến bao lâu tôi đã phải ở dưới hòn đá khổng lồ ấy ? Và có sự đáp trả cho tôi rằng cho đến khi tôi có thể làm được một hành động của tình yêu trọn vẹn. Bấy giờ, tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực.

Tôi đưa mắt hướng nhìn đi nơi khác và tôi đã nhìn thấy những bia đá đang nằm trước mặt tôi không gì khác hơn là những nấm mồ của những người đã nằm xuống. Họ cũng vậy, cũng bị xét xử theo hành động trọn vẹn của tình yêu của họ, và giờ đây họ nằm ở đó đang mong chờ Vị Cứu Thế đến giải cứu họ trong ngày sau hết.

Hành động trọn vẹn của tình yêu là gì ? Là Chúa Giêsu đi lên đỉnh đồi Calvê để chết cho hết thảy chúng ta. Như những phần tử của nhiệm thể, chúng ta cũng sẽ được hỏi để cho thấy chúng ta có đủ tình yêu trọn vẹn ấy để theo Ngài lên đỉnh đồi Calvê không ? Sự khước từ làm những việc bác ái cho những người anh em chúng ta nói lên cho chúng ta thấy rằng chúng ta còn có cả một con đường dài nữa phải đi. Nếu chúng ta đã có thể đi qua một người anh em đang run rẩy vì lạnh, một người anh em đang gặp hoạn nạn bên vệ đường, làm cách nào chúng ta có thể dám chết đi cho những người anh em khác như Chúa đã chết đi cho hết thảy chúng ta.

Nếu chúng ta không muốn nằm lâu bất động dưới những viên đá khổng lồ đó thì bây giờ ngay khi còn sống, hãy làm những gì chúng ta có thể làm được cho những người anh em chúng ta để làm hành trang chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa gọi chúng ta lên đường về bên kia thế giới.

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Thành phố “không giống ai”


Tôi có anh bạn Hàn Quốc đến làm ăn ở TP.HCM được dăm năm, nhưng hễ ai hỏi thì anh ta nói “Tôi là người Sài Gòn” với vẻ tự hào không giấu giếm. Nhiều người đến lập nghiệp ở đây từ khắp mọi miền đất nước cũng không hề bối rối khi xưng mình là người Sài Gòn. Vậy là “người Sài Gòn” nghiễm nhiên trở thành một danh xưng có tính quốc gia và quốc tế.


Ba trong một


Đã có lúc các nhà học giả tranh luận với nhau rằng ai là người “Tràng An”, ai là người Sài Gòn chính gốc. Sinh thời, GS Trần Văn Giàu có lần nói người Sài Gòn cố cựu nào có được mấy ai, nhất là ở cái mảnh đất mới toàn là dân tứ xứ tụ lại. Vậy “người Sài Gòn” không hẳn là danh xưng để gọi ai đó sống thật lâu trên mảnh đất này, mà có lẽ để chỉ những tính cách mà người ta nhiễm phải sau một thời gian sống đủ lâu để thấm vào mình, rồi đeo đẳng họ cho đến khi lìa bỏ trần gian. Thật ra cái chất “người Sài Gòn” không phải là cái gì khác lạ mà chính là sự kết hợp của ba trong một. Đó là con người bản địa, con người Sài Gòn hoá và con người quốc tế hoá.

Thành phố này vốn nổi danh là nơi “đất lành chim đậu”, là vùng đất “tứ hải giai huynh đệ”, nơi hội tụ đủ mặt anh hào đất nước. Mọi người đến đây, mang theo trong hành trang của mình đặc sản văn hoá bản địa nơi mình sinh ra. Lịch sử mảnh đất này cho thấy từ thiết chế nhà nước, đến con người từ xưa đến nay chưa bao giờ tẩy chay ai, miễn họ có tấm lòng và thiện chí. So với các vùng miền khác thì đây là nơi đa dạng văn hoá, đa dạng dân tộc, tôn giáo nhất cả nước. Ai mang gì đến đây cũng được, muốn giữ điều gì cũng được miễn là điều đó không làm phương hại cộng đồng và bản thân không thấy “kỳ” là được. Nặng như tiếng Quảng, nhẹ như tiếng Hà Nội, trau chuốt như tiếng Huế, đồ ăn cay nồng như miền Trung, ngọt như miền Tây, mặn như miền Bắc đều được hoan nghênh ở đất này. Chỉ ở xứ này mới có thể tìm thấy những thứ mà ở nơi khác bị coi là
kỳ dị, kỳ quặc, không giống ai…


Đất lành của mọi giấc mơ

Khí hậu thời tiết, truyền thống cư trú, và cơ chế chuyển động xã hội của mảnh đất này cũng góp phần tạo nên một phần khác trong con người ở đây. Mảnh đất này có cái lạ là chính bản thân đời sống và quan hệ xã hội của nó làm cho con người thay đổi tính cách một cách tự nhiên. Những ai cực đoan quá đến đây sẽ bớt thái quá, những ai bủn xỉn quá đến đây sẽ bớt keo kiệt, những ai ù lỳ, chậm chạp đến đây sẽ năng động, linh hoạt hơn và có một điều ai cũng thấy là nếu ai đó sống ở đây chỉ dăm năm thôi thì nhất định sẽ bị lây nhiễm một thứ “căn tính” được truyền từ đời này qua đời khác là mọi người đều tỏ ra cởi mở hơn, chân thật hơn, phóng khoáng hơn, bớt hẳn đi những thứ phô trương hình thức, màu mè mang từ nơi khác đến. GS.KTS Hoàng Đạo Kính có một nhận xét chí lý là “Chơi với người Sài Gòn có cái sướng là không cần mang mặt nạ, không phải đóng kịch”. Thật ra những sự thay đổi đó diễn ra trong mỗi “người Sài Gòn hai quê” một cách tự nhiên, như nhiên. Khi còn ở quê, có những ước mơ chỉ là ước mơ, những “cá tính” phải giấu đi thì khi sống ở mảnh đất này người ta có thể thực hiện được ước mơ đó, và có điều kiện “bùng nổ tính cách” trở thành những con người vượt trội.


Một Sài Gòn quốc tế hoá

Do hội tụ được tất cả các điều kiện thuận lợi mà Sài Gòn – TP.HCM luôn là nơi tiếp xúc, cọ xát với với thế giới văn minh phương Tây không chỉ sớm nhất cả nước mà còn liên tục chưa bao giờ bị đứt đoạn kể cả khi chiến tranh và bị cấm vận. Chính điều này đã hình thành trong con người Sài Gòn một phần không nhỏ của lối sống quốc tế hoá. Những đặc tính năng động, nhạy bén, sáng tạo, táo bạo không phải là sản phẩm của bao cấp mà chính là sản phẩm của nền kinh tế thị trường và nền công nghiệp tiên tiến.

Người Sài Gòn không bảo thủ, chấp nhận từ bỏ cái cũ cho dù còn tác dụng nhưng hiệu quả thấp, dám thử nghiệm cái mới cho dù mạo hiểm và có cả phiêu lưu. Những cái mới (bền vững hay có tính thời trang) cũng đều xuất phát từ thành phố này. Thật không quá khi nói rằng hầu hết những cái được gọi là đầu tiên sau năm 1975 đều bắt đầu từ thành phố này: khu chế xuất đầu tiên (Tân Thuận, 1991); siêu thị đầu tiên (Maximark, 1996); khu công nghệ cao đầu tiên (SHP, 2000), khu công viên phần mềm đầu tiên (Quang Trung, 2001); bệnh viện tư đầu tiên (Phụ sản quốc tế Sài Gòn, 1996); đại học dân lập đầu tiên (Mở bán công, 1993); hãng phim tư nhân đầu tiên (Phước Sang); sàn chứng khoán đầu tiên (trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, 2007); nhà hát tư nhân đầu tiên (5B Võ Văn Tần, Kịch Phú Nhuận, Idecaf); cao ốc hiện đại đầu tiên (toà nhà Imexco Building 1989); khách sạn 5 sao đầu tiên (New World, 1994)…
Hình như với người Sài Gòn thì không quy trình, sản phẩm nào được coi là hoàn hảo, vì khi đến tay người Sài Gòn rồi chúng cũng bị thêm thắt, cải tiến. Người Nhật kinh ngạc khi thấy những chiếc xe máy được coi là tuyệt hảo đến từng chi tiết, nhưng đến tay người Sài Gòn còn được gắn thêm hàng chục thứ khác nữa.
Đến giữa thế kỷ này, dân số Sài Gòn chắc sẽ lên đến 15 triệu người, người nhập cư, người nước ngoài sẽ nhiều hơn, khi ấy phần nào trong “người Sài Gòn” sẽ tăng lên, phần nào sẽ giảm đi: địa phương hoá, Sài Gòn hoá hay quốc tế hoá? Câu hỏi thật không dễ trả lời.
Theo SGTT


 
Sài Gòn hôm nay đã hiện đại hơn, tiện nghi hơn; không gian của thành phố thì rộng ra với nhiều quận huyện ngoại thành được mở. Nhưng không gian của mỗi cá nhân cư dân lại bị thu hẹp.
Dân số tăng gấp nhiều lần, từ đó Sài Gòn trở nên ồn ào hơn, bụi bặm hơn, nóng hơn, ngột ngạt hơn, ô nhiễm hơn, ngập úng hơn, kẹt xe hơn và bát nháo hơn.
Sài Gòn mất dần cái duyên dáng ngày xưa mà thiên nhiên trao tặng. Cái duyên có từ màu xanh cây lá, màu xanh sông nước, và màu xanh của bầu trời. Hôm nay tìm một chỗ giữa phố để ánh mắt con người ngẫu nhiên chạm được màu xanh bầu trời là việc khá khó khăn. Tầm mắt phải vượt qua nào là những tòa nhà ngất ngưởng, nào là những chùm dây điện rối mù, và khói bụi…


Sự ô nhiễm không chỉ nằm ở bầu không khí con người hít thở, mà còn ở tiếng động chung quanh. Quán xá nào cũng ầm ĩ tiếng nhạc xen lẫn tiếng xe cộ ngoài đường và tiếng người cười nói. Không phải lúc nào con người cũng có nhu cầu thưởng thức âm nhạc. Có lúc con người cần âm thanh để lấp đầy một thứ khoảng-trống-im-lặng trong nội tại, nhưng cũng có lúc con người cần sự im lặng để lấp đầy một thứ khoảng trống khác, khoảng-trống-đầy-tiếng-động.
Với tôi, Sài Gòn hôm nay giống như một bà vợ già, xấu, nhiều chuyện và cáu bẳn, được cái là bà lại rất tốt, rất chung thủy, luôn đáp ứng những nhu cầu cần thiết của mình trong khả năng có thể. Thỉnh thoảng quá chán bà, tôi lại thèm bỏ đi thực hiện các cuộc ngoại tình ngắn hạn ở những nơi chốn xa, rồi trở về với nỗi lòng ngập tràn mặc cảm.
Ngày nay tìm một chỗ yên tĩnh ở trung tâm Sài Gòn để ngơi nghỉ giây lát cũng khó khăn không kém. Nếu có, thì bạn phải trả một giá khá cao. Để có một chỗ ngồi yên tĩnh, có máy điều hòa mát lạnh, có chút cây cỏ mát mắt trong vườn, đại khái một quán nước có những điều như vậy thì bạn phải trả trên 20 ngàn, có nơi đến 50, hay 60 ngàn cho một ly nước – một số tiền khá lớn so với thu nhập bình quân của người dân. Ngoài ra, sự yên tĩnh trong không gian của các quán xá sang trọng này không phải là sự yên tĩnh tự nhiên; nó giả tạo, và bị cố tình cách ly xa rời với đời sống thật đang diễn ra bên ngoài các bức tường bao quanh nó.
Hãy đến công viên Tao Đàn! 


 
Bạn muốn nghe, xem các loại chim kiểng và không ngại tiếng ồn, hãy vào cổng đường Cách Mạng Tháng Tám, vào những buổi sáng, đặc biệt là những sáng cuối tuần. Gởi xe ở cổng xong, vào vài bước sẽ thấy một quán cà phê lộ thiên, bàn ghế nhựa. Ở đây những người nuôi chim kiểng mang chim đến cho chúng “giao lưu” với nhau. Có điều khi bạn nghe tiếng hót của một hai con chim thôi thì khác hẳn với khi nghe cả hàng trăm con tranh tiếng cùng một lúc. Khi đó, chim cũng nhiều chuyện và đố kỵ ganh ghét không kém con người.
Nếu muốn yên tĩnh hơn, bạn hãy bước thêm vài bước lên căn nhà gỗ nằm ngay sau khoảng sân đó. Gian phòng chính trong nhà được thiết kế như một trà thất giản dị, bàn ghế gỗ thấp và xinh xắn, tuy nhiên bạn cũng có thể chọn một trong những chiếc bàn nhỏ bày bên ngoài hàng hiên nếu muốn. Ở đây chỉ phục vụ khách một thức uống duy nhất là trà, nhưng có khá nhiều loại trà để bạn tùy nghi chọn lựa, và giá rất phải chăng. Người thường đứng trông coi trà thất này là một cô gái nhỏ nhắn, luôn mặc chiếc áo tràng màu lam.
Tôi và vài người bạn thỉnh thoảng đến đây ngồi nhìn cây xanh, chim chóc, những người nhàn tản uống cà phê bên dưới, những cặp tình nhân nắm tay tung tăng trong công viên, và một buổi sáng đang lờ lững trôi qua cuộc đời mình.
Đôi khi tôi chọn quán cà phê nằm bên trong cổng ở đường Huyền Trân Công Chúa. Ở đây tôi thường gặp hai người phụ nữ thú vị. Người thứ nhất là chị phụ việc bán cà phê ở quán. Câu chào giọng Bắc của chị là, “Uống gì đây người đẹp?”. Dù nhan sắc của bạn phôi pha đến như thế nào cũng mặc, tất cả mọi người dưới mắt chị đều là người đẹp. Câu chào, kèm luôn câu hỏi thức uống, vui vẻ và ý nhị này có thể làm bạn vui lên ít ra trong một phút.



Người thứ hai là một chị đi bán báo dạo. Qua lời chị nói, mỗi ngày chị phải kiếm cho ra 150 ngàn để vừa sống vừa trả lãi cho một món nợ chừng vài triệu mà chị đã vay khi túng ngặt. Tôi thường mua báo ngày đọc thoáng qua xong thì chị cho tôi đổi lấy một tờ nhật báo khác, cũng đọc lướt qua, rồi tặng lại chị tờ báo để bán cho người khác. Cái gì làm cho người phụ nữ gốc Quảng có gương mặt hồn hậu này tiếp tục bền bỉ, kiên nhẫn sống trước những nghịch lý của đời sống thị dân? Tôi không hiểu!
Nếu mục đích của bạn không phải là ngồi quán thì bạn có thể gởi xe rồi vào công viên theo lối đường Trương Định. Hay đưa người yêu của bạn theo cùng để lang thang trong công viên ngắm những chú sóc chuyền cành trên cao, hoặc ngồi lại một ghế đá rù rì những chuyện chỉ quan trọng với hai bạn, và dù tình hình thế giới có đang rơi vào khủng hoảng như thế nào cũng mặc kệ, để đó tính sau. Theo cách đó, bạn nên mang theo hai chai nước suối và hai ổ bánh mì thì có thể tiêu pha cả ngày ở đây mà khó lòng thấy chán.
Tao Đàn là nơi trú ẩn yên tĩnh và ít tốn kém cuối cùng của tôi trong thành phố này đấy, tôi chỉ nói nhỏ với bạn thôi, dù rằng rất muốn chia sẻ nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi ân hận vì đã tiết lộ nơi chốn của mình!

Nam Đan

Ảnh: Trần Việt Đức


Sài Gòn hôm nay

Đã 35 năm trôi qua, kể từ ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/ 4/ 2010), có rất nhiều đổi thay trên mảnh đất đậm dấu ấn lịch sử này. Những khu đô thị mới, toà cao ốc, khu công nghiệp mới, điểm du lịch,… mọc lên như khoác cho Thành phố Hồ Chí Minh bộ áo mới.




Thành phố Hồ Chí Minh với những khu đô thị nằm ven sông (nhìn từ máy bay).




Nhiều toà cao ốc mọc lên đã giải quyết chỗ ở cho người dân.


Những tiếng nói từ giới truyền thông của nhiều nước trên thế giới ca ngợi về thay đổi nhanh chóng của Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt rất cao và ổn định, qua đó khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

 
 
Nhiều ngành nghề dịch vụ, thương mại tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng 
nhanh,… cho thấy thành phố đang có hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển kinh tế. Những ký ức về một thời khói lửa đã lùi xa, vết thương chiến tranh đang được hàn gắn, thế hệ măng non mới trên thành phố đang được hưởng những thành quả của thời kỳ đổi mới.
Trong dòng người xuôi ngược thành phố mỗi dịp 30-4, còn có rất nhiều người tìm đến những địa danh: Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Địa đạo Củ Chi, Côn Đảo, Phú Quốc,… Khuôn mặt trầm ngâm của người cựu binh, đôi mắt tròn ngơ ngác của các em nhỏ trước hiện vật như một bằng chứng sống về sự khốc liệt của chiến tranh như nhắc nhở mỗi người cùng chung tay xoá bỏ hận thù, xây dựng hoà bình.





Đường Lê Duẩn, nhìn từ Dinh Thống Nhất.




Khách du lịch đến thăm Dinh Thống Nhất.





Tham quan hầm trong dinh.







Phòng trưng bày ảnh, hiện vật trong dinh luôn thu hút rất đông người tham quan.




Bức ảnh nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để chống lại chính sách về Phật giáo của Mỹ - Diệm gây ấn tượng mạnh với khách du lịch nước ngoài.



Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Làm thế nào hất được bạn gái xuống giường?

Thường có các tình huống đại loại thế này:
Chàng vừa gặp nàng đã phải lòng. Rồi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Rồi gái phải hơi giai như thài lài phải cứt chó (!), rồi chữ trinh đáng giá ngàn vàng, rồi đến thề thốt yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Xong, sẽ đến giai đoạn yêu nhau trong sáng – phang nhau trong tối. Rồi đến giai đoạn lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem. Rồi, đến giai đoạn ông ăn chả bà ăn nem, gian phu dâm phụ hay cái gì đại loại mà vốn từ của tôi đã gạn hết kho cũng không thể mô tả nổi! => Đó là phương pháp hất bạn gái xuống giường một cách phổ thông nhất, tức là để bạn ấy tự trèo xuống, sau chục năm hôn nhân mỏi mệt. Hình như đa số chúng ta đều thế này!
Chàng yêu nàng tha thiết, bỗng nhiên hai gia đình thù ghét đâm chém nhau hay vứt rác sang cổng nhà nhau, đứng ở ngõ chửi đổng v.v… đại khái thế khiến tình nhân chia lìa. Hai gia đình trở mặt, đôi trẻ bị tách ra, chàng được gửi vào Sài Gòn bán đinh sắt và tay nắm cửa, nàng bị tống lên thành phố đi bưng phở. Oái oăm thay nàng có mang. Bèn cắn răng không cho gia đình biết, lặng lẽ sinh con một mình, nuôi cho nó lớn. Một ngày kia chàng ở tuổi trung niên ra Hà Nội rình xem rùa Hồ Gươm, bỗng gặp lại nàng năm xưa giờ thành bà chủ quán xôi xéo. Hai người ngỡ ngàng nhìn nhau, và chàng ôm ngực cao huyết áp tăng xông vì biết mình bỗng dưng làm cha. Nàng nắm tay chàng, hai người nước mắt rưng rưng trong tuổi đã về bên kia dốc đời. => Nghe rẻ tiền như kịch bản phim truyền hình trên VTV3 bây giờ. Khốn nỗi, những chuyện thế này đầy rẫy. Chẳng cần đưa nàng xuống giường vì đã bao giờ phải nhọc lòng đưa nàng lên giường đâu. Tình một đêm đâu phải là Tình, chỉ là Một Đêm mà thôi. Vào cái thời táo tợn của tuổi trẻ và điên rồ của “tình cho không”, thì xó xỉnh nào chẳng có thể… Nhưng, bi kịch chỉ ở chỗ, nhiều người đàn bà cứ nghĩ tình một đêm hoàn toàn không phải là Một Đêm, mà là Tình!
Chàng yêu nàng tha thiết nóng bỏng, nàng yêu lại cũng long trời lở đất. Móc chìa khóa của chàng phải là hình nàng cười như hot-girl. Nàng phải đeo dây chuyền có lồng tên cả hai người. Đến nỗi, áo cũng phải mặc áo đôi của tình nhân, đi giầy cùng màu, hòm thư điện tử dùng chung, tên nhau trong máy di động phải là vợ yêu, chồng yêu. Đùng một cái, một ngày chàng biến mất trong không khí. Chàng dằn vặt bao năm, lòng đau như cắt, nghĩ rằng mình đã như thể mất luôn nửa con tim, nửa đời người. Chàng nghĩ mình nên cao thượng ra đi để nàng có cơ hội gặp được người yêu nàng hơn, gặp người con trai xứng đáng hơn, tuyệt vời hơn. Chàng sẵn sàng hy sinh để cho nàng được hạnh phúc! => Chàng nghĩ thế trong lúc xóa tên nàng trong máy di động và vứt cái áo tình nhân cho cún nhá! Còn nàng gọi lại tên chính xác cho người yêu cũ là thằng Sở Khanh! Trách đời mình bạc, “thằng” nào cũng chỉ mặn nồng lúc đầu, đến khi lên giường vài lần là đánh bài chuồn! Lần này, là đàn ông xuống giường, đàn bà ở lại, có muốn xuống hay không, đàn ông cũng chẳng thèm bận tâm nữa. Thật là bẽ bàng.
Nếu yêu một người đàn ông, hãy lôi anh ấy lên giường, thiên đường của bạn!
Nhưng trước lúc đó, hãy nghĩ xem, bạn sẽ xuống khỏi cái giường bằng cách gì, trong tư thế nào!
Trang Hạ

Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim



Mỗi bức ảnh là một câu chuyện cảm động về tình mẹ, nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng những gì mà người đã hy sinh cho mình.

Bức tranh cuộc đời của mẹ
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 1

Bức tranh đã lột tả một cách sinh động cuộc đời của mẹ từ lúc mang thai. Cuộc sống của mẹ từ lúc ấy chỉ còn xoay quanh đứa con bé bỏng. Rồi khi con lớn lên cũng là lúc mẹ lưng còng mắt yếu, phải dựa vào con. Hình ảnh cuối cùng của bức tranh khi người mẹ rời bỏ cõi đời khiến bao người xúc động và bất chợt nhận ra rằng, mẹ mình cũng đã già… Bức tranh cảm động nhận được hơn 14.000 lượt like và hàng trăm bình luận, chia sẻ.

Bức ảnh "Tình mẹ"
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 2

Bức ảnh "Tình mẹ" của tác giả Benjamin Vũ được anh chụp gần nhà người cô của mình ở Sài Gòn. Người mẹ và đứa trẻ trong bức ảnh là hàng xóm của cô anh. Anh đã hỏi xin chị cho chụp lại giây phút mẹ cho con bú dòng sữa ngọt lành. Và thật bất ngờ là chị đã vui vẻ đồng ý. Nhờ đó, nhiếp ảnh gia này đã ghi lại được khoảnh khắc tự nhiên, tuyệt đẹp của bà mẹ Việt.

Bức ảnh mẹ già rơi nước mắt trước tập giấy khen nhàu nát

Bức ảnh nghẹn lòng này từng khiến cộng đồng mạng xôn xao vào cuối năm 2012. Trong ảnh, một bà cụ già tóc bạc trắng, khuôn mặt khắc khổ vì sương gió cuộc đời. Làn da nhăn nheo những vết chân chim đồi mồi và đôi mắt rơi những giọt lệ. Bà ngồi lặng trước nền nhà cũ kỹ, mắt nhìn vào đống giấy khen nhàu nát. Phải nhìn thật kỹ người ta mới nhận ra đó là giấy báo, giấy chứng nhận Tổ Quốc ghi công, giấy khen và thoáng hình ảnh lá cờ Tổ Quốc.
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 3

Mọi người đoán rằng, người con của bà đã hi sinh trong cuộc chiến tranh cứu nước khốc liệt. Mẹ già ở nhà đợi chờ mòn mỏi, mong ngóng nhưng người con không bao giờ có thể trở lại. Anh đã nằm lại dưới đất mẹ để đổi lấy sự bình yên cho Tổ Quốc.

Chắc có lẽ mỗi lần nhớ con bà lại lấy những kỷ vật ấy ra để ngắm nhìn. Biết đâu trong đống giấy mục nát kia là hình ảnh con trở về, là những kỷ niệm về tình mẹ con sâu sắc, đong đầy không thể cạn.

Bức tranh sự hy sinh của mẹ

Bức tranh nhận được hơn 100.000 lượt like và hàng nghìn chia sẻ trên Facebook. Nhiều người bày tỏ sự xúc động trước thông điệp đơn giản nhưng ý nghĩa. Người mẹ khi sinh ra một đứa con phải mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày.
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 4

Thân hình nhỏ nhắn, xinh đẹp bỗng chốc trở nên to béo, nặng nề. Rồi khi sinh con xong, vóc dáng ngày xưa cũng không bao giờ trở lại nữa. Nhưng với mẹ, điều quan trọng nhất là con được chào đời khỏe mạnh. Người mẹ đã tìm được hạnh phúc khi mang đến cho cuộc sống này một thiên thần nhỏ.

Bức ảnh mẹ già ở tuổi “cổ lai hy” chăm con bị tai nạn

Bức ảnh ghi lại tình cảnh rớt nước mắt của người mẹ nghèo Hoàng Thị Tình (SN 1940), ở thôn Sen Đông, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Hơn 7 năm nay, người mẹ già tóc bạc trắng cứ cặm cụi đút từng muỗng cháo cho con. Có những lúc bị con hất tung cả bát cháo vào mặt rồi cười lên sặc sụa, bà vẫn cố nuốt nước mắt vào trong, rồi vỗ về: “Con ơi! cố ăn thêm chút nữa, nhìn con khóc mẹ đau lòng lắm…”
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 5

Bà Tình có đến 7 người con. Chồng mất sớm, bà phải một mình mưu sinh chăm sóc và nuôi nấng các con trưởng thành. Một người con của mẹ đã qua đời khi mới 15 tuổi vì căn bệnh thần kinh. Những người con khác đã sống riêng cả nhưng đều rơi vào cảnh nghèo khó.

Cuộc đời cơ cực của bà Tình thực sự trở nên khốn đốn khi vào năm 2006, trong một lần trên đường đi làm về anh Lê Đăng Duẫn (SN 1971), người con trai thứ 3 của bà bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não.

Từ khi ra viện đến nay, anh Duẫn cứ nằm bất động một chỗ, từ chuyện ăn, uống, vệ sinh cá nhân hằng ngày đều do một tay bà Tình chăm sóc. Dù mái đầu đã bạc trắng nhưng bà Tình chưa có lấy một ngày thảnh thơi, niềm vui của bà chỉ là mỗi ngày thấy con ăn được miếng cơm, miếng cháo, bớt khóc la.

Bức tranh người mẹ đảm đang
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 6

Bức tranh mô tả hình ảnh người mẹ như phật bà nghìn tay khi quán xuyến mọi việc trong gia đình. Người mẹ ấy lo lắng từ chuyện nuôi gia súc, chăm sóc con nhỏ, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng cho đến phụng dưỡng bố mẹ già yếu, người bệnh tật trong nhà… Bức tranh đầy ý nghĩa khi được chia sẻ trên Facebook đã nhận được hàng trăm lượt like và bình luận.

Người mẹ đứt từng khúc ruột khi con gái bị bố giết vì trọng nam khinh nữ

Bức ảnh đau lòng này ghi lại hình ảnh bà mẹ trẻ Reshma Banu, 19 tuổi, người Ấn Độ đã hoàn toàn sụp đổ khi biết mụn con độc nhất của mình đã bị người chồng (cha cháu bé) đánh đập tàn nhẫn đến chết vì trọng nam khinh nữ.
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 7

Bé gái Neha Afreen, 3 tháng tuổi, được đưa vào bệnh viện Vani Vilas ở Bangalore với thương tích nghiêm trọng ở vùng đầu, cổ bị trật khớp, trên người đầy vết cắn và bỏng. Dù các bác sĩ cố gắng chạy chữa song vết thương quá nặng khiến em không thể qua khỏi.

Người gây ra những vết thương này là cha đẻ của bé, Umar Farooq, một công nhân sơn xe. Farooq hành hạ con gái vì mong muốn có con trai mà không được toại nguyện. Bức ảnh này từng khiến dư luận Ấn Độ và thế giới vô cùng phẫn nộ

Bức ảnh “Tháng 7: Thăm con”

Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 8

Bức ảnh có tiêu đề “Tháng 7: Thăm con” của tác giả Huynhdungphoto được đăng trên web Xóm Nhiếp Ảnh. Với lời đề tựa: "Tháng 7, mẹ đón xe đò lên thành phố, vào nghĩa trang liệt sĩ thăm con trai. Những bánh, trái, thuốc lá... ngày nào con vẫn thích mẹ mang cho con cả, kể cả con chó trung thành với con mẹ cũng cho theo cùng...", bức ảnh đã nhận được nhiều like và bình luận của cư dân mạng.

Mặc dù còn nhiều nghi vấn nhưng bức ảnh cũng đã ghi lại được một khoảnh khắc xúc động và đầy tính nhân văn.

Bức ảnh “Dìu dắt”
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 9

Bức ảnh với tựa đề “Dìu dắt” của tác giả Đào Phúc Quang Vũ với lời tựa "Con hãy vững tin trên con đường vì mẹ luôn ở cạnh các con" khiến người xem xúc động. Bức ảnh gửi gắm một thông điệp đầy ý nghĩa: Dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa thì mẹ cũng sẽ luôn là người sát cánh bên con.

Bức ảnh mẹ hy sinh thân mình cứu con trong động đất

Một phụ nữ trẻ đã hy sinh thân mình để che chở và bảo vệ đứa con nhỏ của cô trong trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011. Khi đội cứu hộ tiếp cận đống đổ nát từ ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ thấy thi thể của cô qua các vết nứt. Nhưng tư thế của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện, cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó. Ngôi nhà sập lên lưng và đầu cô.
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 10

Đội trưởng đội cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn khi anh luồn tay mình qua một khe hẹp trên tường để với tới thi thể nạn nhân. Anh hy vọng rằng, người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Thế nhưng cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết. Bỗng nhiên, anh hét lên sung sướng: "Một đứa bé! Có một đứa bé!".

Cả đội đã cùng nhau làm việc, họ cẩn thận dỡ bỏ những cái cọc trong đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Có một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên.

Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của cậu bé. Sau khi mở tấm chăn, ông nhìn thấy một điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn trên màn hình, viết: "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con".