Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Thành phố “không giống ai”


Tôi có anh bạn Hàn Quốc đến làm ăn ở TP.HCM được dăm năm, nhưng hễ ai hỏi thì anh ta nói “Tôi là người Sài Gòn” với vẻ tự hào không giấu giếm. Nhiều người đến lập nghiệp ở đây từ khắp mọi miền đất nước cũng không hề bối rối khi xưng mình là người Sài Gòn. Vậy là “người Sài Gòn” nghiễm nhiên trở thành một danh xưng có tính quốc gia và quốc tế.


Ba trong một


Đã có lúc các nhà học giả tranh luận với nhau rằng ai là người “Tràng An”, ai là người Sài Gòn chính gốc. Sinh thời, GS Trần Văn Giàu có lần nói người Sài Gòn cố cựu nào có được mấy ai, nhất là ở cái mảnh đất mới toàn là dân tứ xứ tụ lại. Vậy “người Sài Gòn” không hẳn là danh xưng để gọi ai đó sống thật lâu trên mảnh đất này, mà có lẽ để chỉ những tính cách mà người ta nhiễm phải sau một thời gian sống đủ lâu để thấm vào mình, rồi đeo đẳng họ cho đến khi lìa bỏ trần gian. Thật ra cái chất “người Sài Gòn” không phải là cái gì khác lạ mà chính là sự kết hợp của ba trong một. Đó là con người bản địa, con người Sài Gòn hoá và con người quốc tế hoá.

Thành phố này vốn nổi danh là nơi “đất lành chim đậu”, là vùng đất “tứ hải giai huynh đệ”, nơi hội tụ đủ mặt anh hào đất nước. Mọi người đến đây, mang theo trong hành trang của mình đặc sản văn hoá bản địa nơi mình sinh ra. Lịch sử mảnh đất này cho thấy từ thiết chế nhà nước, đến con người từ xưa đến nay chưa bao giờ tẩy chay ai, miễn họ có tấm lòng và thiện chí. So với các vùng miền khác thì đây là nơi đa dạng văn hoá, đa dạng dân tộc, tôn giáo nhất cả nước. Ai mang gì đến đây cũng được, muốn giữ điều gì cũng được miễn là điều đó không làm phương hại cộng đồng và bản thân không thấy “kỳ” là được. Nặng như tiếng Quảng, nhẹ như tiếng Hà Nội, trau chuốt như tiếng Huế, đồ ăn cay nồng như miền Trung, ngọt như miền Tây, mặn như miền Bắc đều được hoan nghênh ở đất này. Chỉ ở xứ này mới có thể tìm thấy những thứ mà ở nơi khác bị coi là
kỳ dị, kỳ quặc, không giống ai…


Đất lành của mọi giấc mơ

Khí hậu thời tiết, truyền thống cư trú, và cơ chế chuyển động xã hội của mảnh đất này cũng góp phần tạo nên một phần khác trong con người ở đây. Mảnh đất này có cái lạ là chính bản thân đời sống và quan hệ xã hội của nó làm cho con người thay đổi tính cách một cách tự nhiên. Những ai cực đoan quá đến đây sẽ bớt thái quá, những ai bủn xỉn quá đến đây sẽ bớt keo kiệt, những ai ù lỳ, chậm chạp đến đây sẽ năng động, linh hoạt hơn và có một điều ai cũng thấy là nếu ai đó sống ở đây chỉ dăm năm thôi thì nhất định sẽ bị lây nhiễm một thứ “căn tính” được truyền từ đời này qua đời khác là mọi người đều tỏ ra cởi mở hơn, chân thật hơn, phóng khoáng hơn, bớt hẳn đi những thứ phô trương hình thức, màu mè mang từ nơi khác đến. GS.KTS Hoàng Đạo Kính có một nhận xét chí lý là “Chơi với người Sài Gòn có cái sướng là không cần mang mặt nạ, không phải đóng kịch”. Thật ra những sự thay đổi đó diễn ra trong mỗi “người Sài Gòn hai quê” một cách tự nhiên, như nhiên. Khi còn ở quê, có những ước mơ chỉ là ước mơ, những “cá tính” phải giấu đi thì khi sống ở mảnh đất này người ta có thể thực hiện được ước mơ đó, và có điều kiện “bùng nổ tính cách” trở thành những con người vượt trội.


Một Sài Gòn quốc tế hoá

Do hội tụ được tất cả các điều kiện thuận lợi mà Sài Gòn – TP.HCM luôn là nơi tiếp xúc, cọ xát với với thế giới văn minh phương Tây không chỉ sớm nhất cả nước mà còn liên tục chưa bao giờ bị đứt đoạn kể cả khi chiến tranh và bị cấm vận. Chính điều này đã hình thành trong con người Sài Gòn một phần không nhỏ của lối sống quốc tế hoá. Những đặc tính năng động, nhạy bén, sáng tạo, táo bạo không phải là sản phẩm của bao cấp mà chính là sản phẩm của nền kinh tế thị trường và nền công nghiệp tiên tiến.

Người Sài Gòn không bảo thủ, chấp nhận từ bỏ cái cũ cho dù còn tác dụng nhưng hiệu quả thấp, dám thử nghiệm cái mới cho dù mạo hiểm và có cả phiêu lưu. Những cái mới (bền vững hay có tính thời trang) cũng đều xuất phát từ thành phố này. Thật không quá khi nói rằng hầu hết những cái được gọi là đầu tiên sau năm 1975 đều bắt đầu từ thành phố này: khu chế xuất đầu tiên (Tân Thuận, 1991); siêu thị đầu tiên (Maximark, 1996); khu công nghệ cao đầu tiên (SHP, 2000), khu công viên phần mềm đầu tiên (Quang Trung, 2001); bệnh viện tư đầu tiên (Phụ sản quốc tế Sài Gòn, 1996); đại học dân lập đầu tiên (Mở bán công, 1993); hãng phim tư nhân đầu tiên (Phước Sang); sàn chứng khoán đầu tiên (trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, 2007); nhà hát tư nhân đầu tiên (5B Võ Văn Tần, Kịch Phú Nhuận, Idecaf); cao ốc hiện đại đầu tiên (toà nhà Imexco Building 1989); khách sạn 5 sao đầu tiên (New World, 1994)…
Hình như với người Sài Gòn thì không quy trình, sản phẩm nào được coi là hoàn hảo, vì khi đến tay người Sài Gòn rồi chúng cũng bị thêm thắt, cải tiến. Người Nhật kinh ngạc khi thấy những chiếc xe máy được coi là tuyệt hảo đến từng chi tiết, nhưng đến tay người Sài Gòn còn được gắn thêm hàng chục thứ khác nữa.
Đến giữa thế kỷ này, dân số Sài Gòn chắc sẽ lên đến 15 triệu người, người nhập cư, người nước ngoài sẽ nhiều hơn, khi ấy phần nào trong “người Sài Gòn” sẽ tăng lên, phần nào sẽ giảm đi: địa phương hoá, Sài Gòn hoá hay quốc tế hoá? Câu hỏi thật không dễ trả lời.
Theo SGTT


 
Sài Gòn hôm nay đã hiện đại hơn, tiện nghi hơn; không gian của thành phố thì rộng ra với nhiều quận huyện ngoại thành được mở. Nhưng không gian của mỗi cá nhân cư dân lại bị thu hẹp.
Dân số tăng gấp nhiều lần, từ đó Sài Gòn trở nên ồn ào hơn, bụi bặm hơn, nóng hơn, ngột ngạt hơn, ô nhiễm hơn, ngập úng hơn, kẹt xe hơn và bát nháo hơn.
Sài Gòn mất dần cái duyên dáng ngày xưa mà thiên nhiên trao tặng. Cái duyên có từ màu xanh cây lá, màu xanh sông nước, và màu xanh của bầu trời. Hôm nay tìm một chỗ giữa phố để ánh mắt con người ngẫu nhiên chạm được màu xanh bầu trời là việc khá khó khăn. Tầm mắt phải vượt qua nào là những tòa nhà ngất ngưởng, nào là những chùm dây điện rối mù, và khói bụi…


Sự ô nhiễm không chỉ nằm ở bầu không khí con người hít thở, mà còn ở tiếng động chung quanh. Quán xá nào cũng ầm ĩ tiếng nhạc xen lẫn tiếng xe cộ ngoài đường và tiếng người cười nói. Không phải lúc nào con người cũng có nhu cầu thưởng thức âm nhạc. Có lúc con người cần âm thanh để lấp đầy một thứ khoảng-trống-im-lặng trong nội tại, nhưng cũng có lúc con người cần sự im lặng để lấp đầy một thứ khoảng trống khác, khoảng-trống-đầy-tiếng-động.
Với tôi, Sài Gòn hôm nay giống như một bà vợ già, xấu, nhiều chuyện và cáu bẳn, được cái là bà lại rất tốt, rất chung thủy, luôn đáp ứng những nhu cầu cần thiết của mình trong khả năng có thể. Thỉnh thoảng quá chán bà, tôi lại thèm bỏ đi thực hiện các cuộc ngoại tình ngắn hạn ở những nơi chốn xa, rồi trở về với nỗi lòng ngập tràn mặc cảm.
Ngày nay tìm một chỗ yên tĩnh ở trung tâm Sài Gòn để ngơi nghỉ giây lát cũng khó khăn không kém. Nếu có, thì bạn phải trả một giá khá cao. Để có một chỗ ngồi yên tĩnh, có máy điều hòa mát lạnh, có chút cây cỏ mát mắt trong vườn, đại khái một quán nước có những điều như vậy thì bạn phải trả trên 20 ngàn, có nơi đến 50, hay 60 ngàn cho một ly nước – một số tiền khá lớn so với thu nhập bình quân của người dân. Ngoài ra, sự yên tĩnh trong không gian của các quán xá sang trọng này không phải là sự yên tĩnh tự nhiên; nó giả tạo, và bị cố tình cách ly xa rời với đời sống thật đang diễn ra bên ngoài các bức tường bao quanh nó.
Hãy đến công viên Tao Đàn! 


 
Bạn muốn nghe, xem các loại chim kiểng và không ngại tiếng ồn, hãy vào cổng đường Cách Mạng Tháng Tám, vào những buổi sáng, đặc biệt là những sáng cuối tuần. Gởi xe ở cổng xong, vào vài bước sẽ thấy một quán cà phê lộ thiên, bàn ghế nhựa. Ở đây những người nuôi chim kiểng mang chim đến cho chúng “giao lưu” với nhau. Có điều khi bạn nghe tiếng hót của một hai con chim thôi thì khác hẳn với khi nghe cả hàng trăm con tranh tiếng cùng một lúc. Khi đó, chim cũng nhiều chuyện và đố kỵ ganh ghét không kém con người.
Nếu muốn yên tĩnh hơn, bạn hãy bước thêm vài bước lên căn nhà gỗ nằm ngay sau khoảng sân đó. Gian phòng chính trong nhà được thiết kế như một trà thất giản dị, bàn ghế gỗ thấp và xinh xắn, tuy nhiên bạn cũng có thể chọn một trong những chiếc bàn nhỏ bày bên ngoài hàng hiên nếu muốn. Ở đây chỉ phục vụ khách một thức uống duy nhất là trà, nhưng có khá nhiều loại trà để bạn tùy nghi chọn lựa, và giá rất phải chăng. Người thường đứng trông coi trà thất này là một cô gái nhỏ nhắn, luôn mặc chiếc áo tràng màu lam.
Tôi và vài người bạn thỉnh thoảng đến đây ngồi nhìn cây xanh, chim chóc, những người nhàn tản uống cà phê bên dưới, những cặp tình nhân nắm tay tung tăng trong công viên, và một buổi sáng đang lờ lững trôi qua cuộc đời mình.
Đôi khi tôi chọn quán cà phê nằm bên trong cổng ở đường Huyền Trân Công Chúa. Ở đây tôi thường gặp hai người phụ nữ thú vị. Người thứ nhất là chị phụ việc bán cà phê ở quán. Câu chào giọng Bắc của chị là, “Uống gì đây người đẹp?”. Dù nhan sắc của bạn phôi pha đến như thế nào cũng mặc, tất cả mọi người dưới mắt chị đều là người đẹp. Câu chào, kèm luôn câu hỏi thức uống, vui vẻ và ý nhị này có thể làm bạn vui lên ít ra trong một phút.



Người thứ hai là một chị đi bán báo dạo. Qua lời chị nói, mỗi ngày chị phải kiếm cho ra 150 ngàn để vừa sống vừa trả lãi cho một món nợ chừng vài triệu mà chị đã vay khi túng ngặt. Tôi thường mua báo ngày đọc thoáng qua xong thì chị cho tôi đổi lấy một tờ nhật báo khác, cũng đọc lướt qua, rồi tặng lại chị tờ báo để bán cho người khác. Cái gì làm cho người phụ nữ gốc Quảng có gương mặt hồn hậu này tiếp tục bền bỉ, kiên nhẫn sống trước những nghịch lý của đời sống thị dân? Tôi không hiểu!
Nếu mục đích của bạn không phải là ngồi quán thì bạn có thể gởi xe rồi vào công viên theo lối đường Trương Định. Hay đưa người yêu của bạn theo cùng để lang thang trong công viên ngắm những chú sóc chuyền cành trên cao, hoặc ngồi lại một ghế đá rù rì những chuyện chỉ quan trọng với hai bạn, và dù tình hình thế giới có đang rơi vào khủng hoảng như thế nào cũng mặc kệ, để đó tính sau. Theo cách đó, bạn nên mang theo hai chai nước suối và hai ổ bánh mì thì có thể tiêu pha cả ngày ở đây mà khó lòng thấy chán.
Tao Đàn là nơi trú ẩn yên tĩnh và ít tốn kém cuối cùng của tôi trong thành phố này đấy, tôi chỉ nói nhỏ với bạn thôi, dù rằng rất muốn chia sẻ nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi ân hận vì đã tiết lộ nơi chốn của mình!

Nam Đan

Ảnh: Trần Việt Đức


Sài Gòn hôm nay

Đã 35 năm trôi qua, kể từ ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/ 4/ 2010), có rất nhiều đổi thay trên mảnh đất đậm dấu ấn lịch sử này. Những khu đô thị mới, toà cao ốc, khu công nghiệp mới, điểm du lịch,… mọc lên như khoác cho Thành phố Hồ Chí Minh bộ áo mới.




Thành phố Hồ Chí Minh với những khu đô thị nằm ven sông (nhìn từ máy bay).




Nhiều toà cao ốc mọc lên đã giải quyết chỗ ở cho người dân.


Những tiếng nói từ giới truyền thông của nhiều nước trên thế giới ca ngợi về thay đổi nhanh chóng của Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt rất cao và ổn định, qua đó khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

 
 
Nhiều ngành nghề dịch vụ, thương mại tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng 
nhanh,… cho thấy thành phố đang có hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển kinh tế. Những ký ức về một thời khói lửa đã lùi xa, vết thương chiến tranh đang được hàn gắn, thế hệ măng non mới trên thành phố đang được hưởng những thành quả của thời kỳ đổi mới.
Trong dòng người xuôi ngược thành phố mỗi dịp 30-4, còn có rất nhiều người tìm đến những địa danh: Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Địa đạo Củ Chi, Côn Đảo, Phú Quốc,… Khuôn mặt trầm ngâm của người cựu binh, đôi mắt tròn ngơ ngác của các em nhỏ trước hiện vật như một bằng chứng sống về sự khốc liệt của chiến tranh như nhắc nhở mỗi người cùng chung tay xoá bỏ hận thù, xây dựng hoà bình.





Đường Lê Duẩn, nhìn từ Dinh Thống Nhất.




Khách du lịch đến thăm Dinh Thống Nhất.





Tham quan hầm trong dinh.







Phòng trưng bày ảnh, hiện vật trong dinh luôn thu hút rất đông người tham quan.




Bức ảnh nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để chống lại chính sách về Phật giáo của Mỹ - Diệm gây ấn tượng mạnh với khách du lịch nước ngoài.



1 nhận xét: