Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Khóc trên vai người tình




LÊ MAI DUNG





“Trong xấp tiền cầm trên tay
Nếu có một tờ rách
Ta sẽ luôn muốn tiêu cái tờ rách đó trước
để tất cả còn lại được lành lặn.
Đời cũng thế
cái gì rách, có thể bỏ đi thì bỏ đi
để những cái còn lại được lành lặn, tròn trịa”



Khi gặp em tôi đã là một người đàn ông từng trải.
Một gã từng trải không hề lơ ngơ trước một người đàn bà như em, người đàn bà khiến tính đàn ông trong tôi bùng nổ.
Nàng mặc chiếc áo len tím nhạt, chiếc váy xòe ôm lấy đôi bàn chân nhỏ nhắn đi dép xỏ ngón, những ngón chân tinh tế có màu móng tự nhiên không sơn phết khiến tôi xúc động đến nao lòng. Một người đàn bà đẹp ít để móng chân tự nhiên, họ dùng đủ thứ màu mè che phủ đi cái màu hồng nhạt chân thật, lấp liếm cái móng chân nhỏ nhắn bằng đủ các loại sơn; những có khi vẫn chưa đủ, họ còn vẽ lên đó như một dạng nghệ thuật Graffini trên một diện tích tính bằng cm2. Nàng nhợt nhạt, nhỏ nhắn và tinh tế trong cái lạnh se se. Chắc đôi vai ấy sẽ rất mỏng manh, ấy là tôi nghĩ thế, sau lần sợi len thô phủ ngoài vẫn cảm giác xương bả vai của nàng nhô lên, bàn tay có những sợi gân tia tía nhạt màu, bàn tay với những móng tay cắt ngắn sạch sẽ. Nàng ngồi trước tôi gần như đối diện hai cái bàn rất gần nhau, nàng ngồi một mình trong một góc nhỏ nhoi ở Thủy Tạ, nhạc khe khẽ rung trong không gian trắng, trăng khe khẽ rung trên mặt hồ lăn tăn sóng. Tôi chợt rùng mình; khung cảnh liêu trai trên mặt nước hồ rờn rợn, nàng có thể chỉ là một cô ma nữ xinh đẹp đi săn đàn ông trong một ngày rằm; lẽ nào tôi là một trong những gã đàn ông mà nàng chọn làm con mồi tình ái.
Nàng lắng nghe tiếng đàn Piano, bàn tay xoay xoay chiếc nhẫn trên ngón giữa, có thể nàng chưa có chồng ngón tay nàng nói lên điều đó. Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy, ngón tay người đàn bà chẳng mấy khi trung thực, họ có thể chuyển cái nhẫn đi khắp các ngón tay nếu tất cả đều có thể nhét vừa một chiếc nhẫn. Một khi chiếc nhẫn không nói lên được điều gì thì khuôn mặt và trạng thái có thể nói lên đôi chút, tôi có thể ngồi và quan sát từ nàng mãi nếu như không có ai đó vô duyên kéo một chiếc ghế ồn ào ngay bên cạnh tôi.
- Chào em... một giọng đàn ông cực kì vô duyên.
Tôi thấy nàng nhướng mắt nhìn lướt qua mặt tôi đọng lại sau vai tôi như con bướm rung rinh trên một nhành hoa. Nàng cười rất tươi, hàm răng ngô non đều đặn trắng sữa, cánh môi run run khiến tôi thấy sự ghen tuông ngấm ngầm lộ ra. Nàng khẽ đưa ngón tay lên duyên dáng ngoắc ngoắc ai đó đằng sau tôi, sẽ rất mất lịch sự nếu tôi ngoái lại nhìn; tôi chẳng thể làm thế vì sĩ diện đàn ông nên dù rất rất muốn tôi vẫn cố gắng làm như không quan tâm gì đến toàn bộ những gì diễn ra xung quanh mình.
Một cái lưng đàn ông chắn trước mặt tôi.
Một cái lưng to bè ngang nhiên chặn tất cả mọi ánh nhìn của tôi về hướng nàng, tấm lưng như sở hữu người đàn bà đó, nó khẳng định chủ quyền đồng thời ngăn cấm tất cả những gã đàn ông manh nha tìm hiểu những gì thuộc về người đàn bà thuộc về nó. Tôi vốn không ưa những tấm lưng như vậy, nó độc quyền và mang tính sở hữu cao quá đối với người khác, những tấm lưng đàn ông uy quyền và vững chãi.
Đó là tất cả những gì tôi biết về người đàn ông của nàng.
Nàng dựa vào thành ghế, quay đầu nghiêng nghiêng như con chim nhỏ nhắn duyên dáng. Lần đầu tiên trong đời tôi có thể biết được những người đàn bà có sức hút mạnh mẽ khiến tất cả máu trong người tôi dồn xuống.
Đến tận khi chúng tôi trở thành tình nhân rồi thành vợ chồng nàng vẫn không hé răng nói về chủ nhân tấm lưng to bè và uy lực ấy. Nàng phủ một tấm mạng lên tất cả quá khứ của nàng và tôi cũng không cố làm nàng khó xử vì những câu hỏi đê tiện đang âm thầm trong lòng. Nhưng thực lòng tôi chưa bao giờ quên tấm lưng người đàn ông đã che mất khoảng khắc tôi nhìn nàng trong một giây lát của buổi tối hôm đó; nụ cười và cái ngoắc tay của nàng đủ để tôi hiểu là quá khứ của nàng và tấm lưng ấy không đơn giản chút nào.
Chúng tôi quen nhau không phải từ buổi tối đầu tiên tôi nhìn thấy nàng. Dĩ nhiên sau này tôi có nói về buổi tối hôm ấy, tôi biết tiếng sét ái tình có thể là rất ngớ ngẩn với một thằng đàn ông từng trải nhưng cũng không có nghĩa một thằng từng trải không thể có tiếng sét ái tình trong đời. Trong quá khứ của tôi những người đàn bà đều gợi nên cho tôi một cảm giác rất thèm khát, rất đàn ông tính và có thể nói cách khác là họ đều gợi tình theo một hình thức nào đó, tuy nhiên sự gợi tình và gắn bó nó lại không đi cùng nhau. Các cuộc tình cứ lướt qua tuổi trẻ một cách ồ ạt, tôi chưa kịp nhận ra mình ở thể loại nào trong những loại đàn ông thì đã quên mất đi câu hỏi ấy. Những người đàn bà của tôi cũng chưa kịp đau khổ thì chúng tôi đã vướng vào những mối quan hệ khác, các cuộc chia tay đều không bi lụy; chúng tôi đều là thanh niên của thế kỉ 21 chả có lí do gì khóc than cho những cuộc chia tay vô nghĩa trong khi đằng trước còn khối những cuộc chia tay khác còn đang chờ đợi.
Có nàng ở đó, con đường tình ái của tôi liền chấm dứt. Tôi có thể lũn cũn theo nàng, có thể chờ đợi và không thể nhẫn nại hơn được nữa để có những buổi hẹn với nàng, tôi không muốn phiêu lưu với bất cứ người đàn bà nào khác cho đến hết đời mình. Tôi không còn thấy quá khứ của mình là đáng tự hào, tôi có thể nhận thấy quá khứ của mình thật vô trách nhiệm và lãng phí biết bao nhiêu trước khi gặp nàng.
Nếu cuộc đời không nát đến thế, liệu tôi có thể biết được giá trị của nàng đối với mình hay không?
Em và người tình
Tôi gặp anh ấy khi ngồi đợi một người đàn ông khác, anh nhìn tôi như nhìn một cô bé thiếu người giám hộ, khuôn mặt anh có nét gì đó rất trẻ thơ có một chút háo hức và hăm hở mà tuổi trẻ của anh vẫn còn cho phép. Tôi cũng không thực chú ý đến anh, không thực lòng quan tâm đến người nào khác ngoài người đàn ông lúc này tôi đang chờ đợi. Nhưng vì cách anh nhìn khiến cho tôi thấy mình có một chút gì đó bí mật, quyến rũ và vẫn còn sức hút với đàn ông. Tôi cũng không còn ngây thơ, rất khó có thể tìm được một người đàn bà ba mươi tuổi vẫn còn thơ ngây như vẻ ngoài tỏ ra, nhưng dáng vẻ xanh xao của tôi vẫn đánh lừa được những người đàn ông từng trải.
Tôi tình cờ gặp lại, tình cờ ngồi cùng nhau trên một chuyến bay dài. Tình cờ có chung một điểm đến với anh và mọi thứ bắt đầu từ một sự cô đơn quá lứa của người đàn bà ngoài ba mươi khát khao một tình yêu bền vững. Tôi không muốn anh nói về quá khứ của anh, cũng không muốn quá khứ của mình lồ lộ ra trước những cặp mắt soi mói đến lạnh người của các cô gái vây quanh anh. Quá khứ của người đàn bà thuộc về người đàn ông đa tình sẽ là miếng mồi ngon cho các câu chuyện ngồi lê đôi mách. Gặp tôi anh vẫn có người tình, người tình của anh tôi chưa từng gặp, cũng không mong muốn gặp cô ta. Tôi không ghen, ai đó chẳng có một quá khứ rối bời. Những buổi hẹn hò của chúng tôi bị vẩn đục bởi ám ảnh của những người từ quá khứ. Tôi khó có thể nói với người khác là tôi đã rất may mắn khi gặp người đàn ông có thể yêu mình đến mức hy sinh tất cả chỉ để có được mình. Người tình của mình đâu phải là người đàn ông trinh trắng, anh ta cũng đã từng như một khu giải trí công cộng, nhiều khi chúng tôi đụng mặt người tình cũ của anh còn nhiều hơn cha mẹ mình. Cuộc sống biến thiên, thay đổi, tráo trở bao nhiêu trước khi chúng tôi tìm thấy nhau, và những nỗi day dứt quá khứ mang lại khiến hiện tại cũng đau đớn không khác gì so với tương lai về sau.
Anh nói là chúng tôi cần kết hôn, kết hôn ngoài sự ràng buộc về luật pháp nó cũng có ý nghĩa lớn lao về tinh thần. Tôi thì hoài nghi hôn nhân, hôn nhân có đáng để người ta hy sinh nhiều tự do đến thế? Thực ra đôi khi có đôi chút nhầm lẫn trước khi bước vào cuộc đời nhau, anh không biết và tôi cũng không biết chỉ đến khi nào sự sai lầm ấy gây nên hậu quả thì mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng. Cuộc hôn nhân bắt đầu từ tình yêu sét đánh của chúng tôi vô cùng mĩ mãn, không ai được phép nói về quá khứ, không ai được lôi quá khứ của người kia ra dằn vặt đó là một trong những nguyên tắc đầu tiên mà chúng tôi đặt ra trong hôn nhân. Nhưng quá khứ là thứ không thể dùng lửa mà đốt, không thể cho vào mồm nhai rồi tiêu hóa nó đi như những món ăn thông thường. Quá khứ là dấu ấn, là một dấu vết lờ mờ trong đời một con người, chỉ cần khơi dậy thì nó sẽ rõ ràng không thể che giấu. Nó nằm trong kí ức tiềm thức mỗi con người, thậm chí quá khứ có thể còn được di truyền được mã hóa đâu đó trong bộ gene con người, làm sao có thể xóa bỏ quá khứ như xé bỏ một tờ giấy kết hôn. Cuộc hôn nhân mới không thể che giấu được kí ức cũ, mọi thứ chỉ được lấp lên bởi một lớp bụi mờ thời gian và sau đó thì bùng lên như một đám sương mù mờ ảo. Mỗi khi quá khứ vùng dậy tôi lại mơ hồ cảm nhận gương mặt một người đàn ông, mùi cơ thể của anh ta khiến tôi ngây ngất sốt; mọi thứ không thể nào chỉ là một cơn mơ vì cảm giác của tôi vẫn còn nguyên vẹn, không phải là cảm giác với chồng không phải là tình yêu dành cho chồng. Chỉ là một cảm giác mơ hồ ngây ngất, một gương mặt không rõ nét, một mùi hương cơ thể không định vị được là ai vẫn ám ảnh tôi trong suốt bao năm, khiến tôi yêu nhưng không yêu, quen nhưng không quen.
Trước khi gặp Nguyễn Nguyên chồng tôi bây giờ, anh đã từng và tôi cũng biết anh có biết chuyện tôi có một người đàn ông. Người đàn ông ấy ngồi cùng tôi trước mặt anh trong một quán café Thủy Tạ lãng đãng sương, nước mấp mé dưới gầm Thủy Tạ và có tiếng Piano. Nguyễn Nguyên không hỏi, tôi không nói nhưng đó là người đàn ông tôi từng yêu và chờ đợi suốt một thời con gái, hy sinh tất cả những điều mong ước tầm thường để chờ đợi một người đàn ông ở xa mình đến nửa vòng trái đất. Đêm đó chúng tôi chờ nhau, anh vẫn là người đàn ông hấp dẫn dù không đẹp nhưng tao nhã và thông minh. Tôi nghĩ đó là một kết thúc vô cùng tốt cho sự chờ đợi, mọi thứ tuyệt vời trong một đêm không thể quên. Đôi mắt đăm đắm của người đàn ông đối diện lúc đó chỉ làm tôi thêm thích thú, tôi thích được ngắm nghía vuốt ve bằng ánh mắt, nhưng anh ta chỉ là một gã đàn ông vô vị đối với tình yêu của tôi.
Tôi vẫn mặc chiếc áo len màu tím nhạt ưa thích, vẫn đi đôi xăng-đan xỏ ngón mà năm năm trước chúng tôi gặp nhau anh đã khen xinh. Tôi đã chờ cuộc hẹn này đến bao lâu, chờ đến héo hon trái tim người con gái, chờ suốt một người đàn ông từ khi mới hai mươi lăm tuổi cho đến tận ba mươi tuổi, quanh mắt đã có nếp nhăn, môi đã không còn căng mọng nhưng trái tim vẫn thế, vẫn muốn theo về một người đàn ông của năm năm trước.
Anh về phòng, người đàn ông đối diện cũng đi theo, tôi muốn một chút hơi thở sau năm năm chờ đợi nên về phòng riêng. Khách sạn là một khu liên hợp bao gồm những khu biệt thự riêng biệt, mỗi ngôi biệt thự là một ngôi nhà dành cho những cặp tình nhân nằm rải rác xen những đồi thông. Không khí đã loãng ra sau năm năm chờ đợi đậm đặc. Một chút hoang mang sau khi uống rượu, tôi vẫn ngây ngất theo bóng dáng anh về hướng bungalow nằm cạnh lối đi, căn nhà gỗ nằm cạnh một gốc cây ngọc lan, hương thơm dịu tỏa vào cái lạnh. Tôi cố gắng hà hơi cho tỉnh rượu rồi đánh thêm chút má hồng để trông tươi tắn hơn. Cơ thể sau năm năm chờ đợi cũng nhức nhối như tình yêu tôi dành cho người đàn ông của mình, cánh cửa chỉ khép hờ tiếng nói của anh lọt qua khe cửa, trái tim tôi ngừng lại.
“Anh nhớ hai mẹ con lắm, anh sẽ về ngay sau đại hội. Yêu em nhiều!”. Sau đó là những tiếng hôn gió như những tiếng búa dội vào lồng ngực tôi.
Chỉ một phút nữa thôi là tôi sẽ được nằm trọn trong vòng tay người mình yêu. Một tiếng dập máy khô khan. Tôi nghẹn ngào không nói thêm được nữa, bên cạnh chỉ cách một ban công nhỏ cửa phòng hé mở, mùi hương ngọc lan ngây ngất khó chịu, cơ thể nhức buốt bỗng nguội lạnh. Đau đớn và thất bại não nề, tình yêu như một cơn gió nóng bỗng bật lại táp vào tôi bỏng rát. Chờ đợi, tốt nhất không nên chờ đợi!
Tôi vẫn còn ngây ngất hơi men, cánh cửa phòng khép hờ của căn bungalow bên cạnh hắt một ánh đèn vàng nhạt, tiếng dương cầm nhẹ nhàng réo rắt từ trong vang ra. Tôi muốn đánh cuộc với cuộc đời một lần. Đằng sau cánh cửa đó nếu là đàn ông tôi sẽ mua anh ta, nếu là đàn bà tôi sẽ là bạn của cô ta. Tôi đẩy cửa, căn phòng vẫn mờ mờ ảo ảo, mọi thứ như sương mù. Tôi không biết người đàn ông đó là ai, tôi chỉ muốn biết được cơ thể một người xa lạ một người không cần sự chờ đợi và không cần biết đến tôi, nếu có thể dùng tiền mua được đàn ông, tôi sẽ quy đổi năm năm chờ đợi của tôi thành tiền dùng để mua hết những gã đàn ông phụ bạc và bắt họ phải chờ đợi.
Người đàn ông có mùi thơm rất lạ, một mùi mà tôi không mong là mình sẽ được hưởng qua một đêm ngắn ngủi xa lạ. Tôi nhắm mắt cảm nhận sự run rẩy của mình, sự đau đớn của tôi tràn qua anh ta. Khuôn mặt người đàn ông đó có lẽ rất đẹp, hơi thở anh ta thơm mùi rượu quế, sống mũi anh ta cọ trên cơ thể tôi thành những đường vạch thẳng tắp. Không cần chờ đợi, không cần tình yêu tôi có thể mua được sự khoái cảm cho lần gần gũi đầu tiên, sự nhức nhối của cơ thể và cái đau đớn lặng lẽ được trộn lẫn vào nhau đem lại sự giải phóng cho tôi.
Mọi thứ là ám ảnh, tôi rút tiền trong túi và đặt xuống gối, đặt một nụ hôn nhẹ nhàng lên người đàn ông đầu tiên và chấm dứt quá khứ tình yêu với một người đàn ông xa lạ. Tôi không còn chờ gì ở tương lai, không còn ám ảnh về người đàn ông trong quá khứ, căn hộ bên cạnh của người yêu cũ sau năm năm không gặp đã khóa ngoài, có lẽ anh ta đã bỏ đi sáng nay vì không gặp tôi đêm qua như mong đợi. Tôi cũng rời khỏi nơi đó, dứt bỏ toàn bộ quá khứ ở vùng mây mù phố núi cùng người tình một đêm xa lạ mua bằng tiền.
Chồng tôi là người đàn ông tuyệt vời, quá khứ của tôi anh cũng không lật lại, người đàn ông ngồi với tôi đêm đó anh cũng cố gắng không nhắc đến. Nhưng có lẽ nỗi khắc khoải khi thỉnh thoảng trong lòng tôi day dứt về người đàn ông tôi đã từng gặp, tôi vẫn nhớ khắc khoải về người đàn ông đó, nhớ đến đau lòng. Mỗi lần tôi rơi vào tình trạng trầm cảm đó, Nguyễn Nguyên dường như còn đau đớn hơn tôi, anh kìm hãm và dồn nén cơn ghen tuông và để cho tôi một khoảng trống mênh mông dành cho nỗi nhớ.
Sau năm năm, tôi và Nguyễn Nguyên vẫn không thoát khỏi bi kịch hôn nhân như mọi cuộc hôn nhân khác, vấn đề của chúng tôi không giải quyết được. Tôi liên tục rơi vào những cơn trầm mặc dài dặc thoát khỏi tình yêu của chồng, tôi yêu Nguyễn Nguyên theo kiểu con chó nhỏ yêu ông chủ tốt bụng; vẫn trung thành nhưng không hiểu nhau. Tôi muốn một lần quay lại nơi đó, gặp người đàn ông ấy, gặp sự ám ảnh không dứt nổi để quay về làm vợ Nguyễn Nguyên một cách trọn vẹn không mang theo nỗi hối hận mơ hồ. Nếu quá khứ không dứt bỏ, tôi sẽ phải ra đi. Sự khắc khoải năm năm sau không phải là sự chờ đợi mà là một nỗi ân hận mơ hồ, nếu đêm đầu tiên đã tuyệt vời đến thế, tôi đã bỏ lỡ điều gì cho năm năm vừa qua???
Tôi bỏ đi một mình, tôi muốn thoát ra khỏi tình yêu ngột ngạt mà Nguyễn Nguyên dành cho tôi, muốn đi tìm một chút không gian cho người đàn bà năm năm cũ. Căn phòng tôi thuê là căn phòng bên cạnh, vì phòng kia luôn có người đặt. Đáng lẽ ra cái đêm đó được xảy ra ngay tại căn phòng tôi đang ở nhưng định mệnh chỉ xoay nhẹ bằng một cái nhúc nhích tôi đã bắt đầu ở phòng bênh cạnh. Vẫn sương mù ấy, vẫn mùi hương hoa ngọc lan ấy và rượu, tôi đã nốc gần hết một chai rượu vang của xứ này, rượu ngọt trong cổ làm ấm cả cơ thể khiến tôi không thể nào tự chủ được. Không khác gì năm năm trước, vẫn tiếng nhạc đó, vẫn ánh đèn màu mờ mờ đó, tôi không đi xandan xỏ ngón, tôi đi chân trần sang căn hộ liền kề bên cạnh, chỉ cần leo qua ban công rồi đặt chân xuống và đẩy cửa vào.
Khung cảnh vẫn như cũ, nhưng căn phòng không có người.
Rượu ngấm vào mạch máu, mùi hương cũ không thay đổi, tôi vùi đầu vào trong gối cảm nhận thân quen đến vô cùng.
Trong bóng đêm, một vòng tay thật ấm, một nụ hôn thật nồng nàn, một giọng nói khàn khàn.
“Em đã trở về rồi!”
Tôi vùi đầu vào lồng ngực đó, mơ màng say trong men rượu.
“Vâng, em đã trở lại”
Cơ thể anh, cơ thể dường như quen lắm, ấm áp vô cùng. Mọi thứ triền miên, không có năm năm xa cách. Anh đi vào người tôi, lặng lẽ, âu yếm và dịu dàng. Những đợt nhớ cứ ào tới rồi lại trôi đi, dội vào lồng ngực tôi thấp thỏm. Đầu anh gục trên ngực tôi như con ngựa gục trên thảm cỏ xanh thơm mát. Bàn tay miết trên môi day dứt, nước mắt tôi chảy ra, mỗi lần anh chạm vào là mỗi lần tôi nức nở. Không phải vội vàng trốn chạy, không phải đau khổ để chia tay. Một đêm thật trọn vẹn, không cần trả tiền. Tôi ngủ vùi như chưa bao giờ được ngủ, sáng rọi vào mặt, đôi môi ai da diết trên mắt, tôi ôm lấy anh vẫn chưa mở mắt, chỉ sợ giấc mơ sẽ vụt biến mất. Có gì đó quen thuộc quá.
- Anh......!!!!
- Em.......!!!!
Tôi bỏ chạy, Nguyễn Nguyên, không thể nào là anh ấy!
- Em đừng chạy nữa, đừng bỏ chạy nữa em, anh chỉ không muốn mất em thôi.
Tiếng Nguyễn Nguyên với theo đằng sau rơi tõm trong không gian.
Tôi li hôn với Nguyễn Nguyên với lí do tôi phản bội chồng và yêu người đàn ông khác. Mọi thứ diễn ra rất nhanh chóng dù Nguyễn Nguyên nói với tôi là anh ấy vẫn giữ những đồng tiền tôi để lại trên gối. Anh vẫn cất vào trong cái ngăn tủ tài liệu trên cơ quan. Tôi không thể nói với Nguyễn Nguyên là tôi yêu người đàn ông kia biết bao nhiêu, bao năm sống với anh cộng lại không bằng hai đêm đi mua và vụng trộm với chính anh.
Tôi không gặp lại Nguyễn Nguyên.
Tôi đã phản bội chồng mình với chính anh ấy! Sự tự trọng của một người đàn bà khiến tôi không thể nào quay lại được với chồng mình. Tôi hiểu ra một điều với tình yêu thì không nên phản bội dù với bất cứ ai. Cho dù tôi phản bội chồng với hình bóng đàn ông khác trong chính con người chồng mình.

Vĩ Thanh
Nàng trốn khỏi tôi sau đêm đó, tôi biết nàng cần thời gian và tôi cũng cần thời gian. Nàng trốn chạy khỏi cái đêm thất bại với người đàn ông có tấm lưng oai vệ mà tôi ghen tuông ngấm ngầm để ám ảnh về chính tôi. Bao nhiêu năm sống với nàng tôi biết nàng khắc khoải, nhưng tôi không biết là nàng khắc khoải với người đàn ông đã vô tình đón nhận được món quà của thượng đế chỉ sau một giây phút thoáng qua.
Tôi đã theo nàng, đã vờ như chạm mặt nàng một cách vô tình nhưng hoàn toàn không phải thế. Khi thấy nàng trả tiền cho đêm tình yêu, tôi đã biết là tôi không thể có ai khác, chỉ duy nhất có một người con gái mà đêm đầu tiên trong đời mình nàng đã dùng tiền để hủy hoại. Tôi chỉ không muốn đào bới quá khứ của nàng, tôi chỉ muốn nàng được sống trong tình yêu và hưởng thụ.
Và tôi biết, năm năm sau rồi nàng sẽ quay trở về, tôi sẽ mãi chờ đợi nàng trong căn nhà gỗ trong khu nghỉ dưỡng đó...
Tình yêu, không thiếu được sự chờ đợi.

L.M.D




Những gương mặt đồng dạng- Thơ Du Nguyên


Chùm thơ của Du Nguyên



Tác giả  Du Nguyên

Của ngày xưa


Trên chiếc ghế mục
Mùa thu qua và đặt chiếc hôn thoang thoảng mùi hoa sữa
Lên môi mùa hạ
Buổi sáng tháng Tám
Những chùm hoa đặt nghiêng trong trí nhớ.

Anh chưa bao giờ nhìn sâu vào đôi mắt em
Để tháng năm rân rấn những buổi sáng đầy sương
Giăng một ngõ đi về
tháng Tám hoài niệm

Trên chiếc ghế lúc la lúc lắc những câu thơ buồn của người con gái đi ra từ cánh đồng bông cỏ phất phơ loài gió nhạt màu khát nước, em đã ngồi hát ê ẩm cả con tim. Yêu dấu của em, chỉ có bấy nhiêu là khói sương...

Rồi mùa hạ khô choong trên những tàn cây mà mùa thu đã mang gió đi xa quên trở về ngày mỏng. Lối về tháng Tám cũng chẳng còn chi chít những chiếc hôn thơm mùi hoa sữa nơi con đường hò hẹn. Anh xa rồi. Như tóc em, ngắn mãi...

Chỉ còn vương vãi trên chiếc ghế mục sáng nay
Là hai dấu chân cơn gió đi xa vừa trở về
mùi hoa khô và câu chuyện cũ
ngày xưa.


Thoại XYZzzz


Tôi cắt xén giấc mơ thành những mẩu nhỏ
Một, hai, ba, bốn, năm
Xới xáo vài ngăn trong chiếc áo ngoại cỡ
Đủ giấu mình vào trong
Rồi biến mất
Như chưa từng tồn tại
Chưa từng một lần đi qua đám đông
Chưa từng một ngày biết hát, biết nhớ, biết gặm nhấm nỗi cô đơn

Tin ta đi, ngày gió rối
Giấc mơ kia là trò giả định
Của tình yêu qua bao ngày meo mốc
Nỗi buồn đang trú ngụ nơi mười đầu ngón tay buốt lạnh
Cũng chỉ là trò giả định của niềm vui chưa kịp chạm môi người.

Sáng nay mùa đông về muộn
Kỉ niệm ủ ê như căn phòng người ốm
Tôi biết làm gì
Ngoài những giọt nước mắt?

Em không biết những giọt nước mắt của gió nhanh khô
Nên buồn đúng không?

Sáng nay câu hát gì chạm vào tiếng thở dài của lá
Mà đám chuồn chuồn rũ cánh trước hiên nhà
Thành những sợi li ti đỏ
Rơi đầy sân tháng Mười Hai khô?

Chỉ là ngày nỗi buồn thoảng qua đọng lại nơi đuôi mắt
Và em là cô gái thành thật trên đời
Mà thôi.
.
.
Thôi mà em
Buồn đồ rê mi pha son la xi đô tê rê.


Niệm

Nơi con đường mùa mưa cây cơm nguội rắc vàng xuống phố
Tháng Ba hoe xanh sũng mắt cào cào
Sầu đông tím chở quạnh buồn lang thang trên dốc gió
Rưng rức heo may.

Nơi cơn giông màu đỏ tháng Ba chưa tắt
Anh đi ngược phía em
Cầm chiếc ô ố màu mận chín
Tìm cỏ cô niệm.

Nơi con đường xập xòe loài sẻ nâu líu ríu
Ta đi tìm nhau dưới gốc thược dược già
Đã mấy mùa rồi cúc chẳng bung tiếng hát
Trong veo xưa.

Có một ngày sau những tháng năm cạn khô như xác mướp
Em quên mất khuôn mặt anh
khi chạm vào ánh mắt của người đàn ông xa lạ
Em thôi nhắc về ngày cũ
Mùa gió chiều run rút hoang liêu.

Chúng ta đã không tìm thấy nhau dưới gốc thược dược già
Tháng Ba vẫn thế
Xanh xưa trong ánh mắt veo tròn.


Ngày quên điều độ

Trôi diệp lục
Rớt xuống tình yêu thừa thãi nỗi cô đơn màu đỏ
Căn phòng lưu vết chiếc hôn nói dối

Một sớm mùa đông luơ khuơ
Nhức nhối tiếng kiến đục miếng bánh mì nhai dở
Ngày quên điều độ.

Đã lâu rồi chủ nhân ngôi nhà này quên quét nhà
Từng mảng bụi mỏng in vệt chân người vừa đi qua
Những con cá cảnh nhô len đớp từng đụn không khí
Trôi từng váng li ti li ti
Vỡ ỉu xìu.

Mùa này là mùa gì?
Sao có người khoác áo ấm mặc quần lửng chân đi tất?
Cười nói lung ta lung tung như bức tranh biếm họa bẹp dí trên tường
Đừng nhìn ta nữa mà ngày khác
Hôm nay là một ngày rất hay
Hay hay ngồ ngộ ghê ghê
Như nụ cười sằng sặc của gió mơn trớn ngoài mùa.

Trong này là một mùa khác
Nơi mà tiếng tích tắc lắc rắc theo nỗi cô đơn
xám hoét
những ngày không điều độ.




Không đề phố


Hôm nay đang đi tự nhiên muốn ngồi bệt lại giữa đường
Nhìn dòng người đưa tiễn nhau về nơi mười đầu ngón tay
Roang roác ruệch roạc ròng rọc rươn rướt
Phố ế ẩm
Người đàn bà điên cầm xác con cào cào khô
Cười hi hi ha ha ho ho
Không một ý nghĩ nào tồn tại cả
Phố không hỏi tôi đến từ đâu.

Trong phút chốc tôi thấy khuôn mặt mình nhợt nhạt
Khi người đàn bà ấy lao ra giữa đường
Trên tay là xác con cào cào khô quắp quằm quặp
Cười ngô nghê nghê ngô ngôôôôôô….

Ở cái thành phố nhoàm nhoạp nhuếch nhoáp nhoằng nhuỵt rác và bụi này
Sự cô đơn, thất bát, bạc bẽo rẻ rúng như cái búng tay lơ đễnh
Chẳng người nào hỏi nơi tôi đến nhiều gió không
Phố xá đông hơn bởi nỗi cô đơn người ta thả vào không khí
Ai cũng có thể ngửi được mùi mồ hôi của nhau
Mà không ngửi được lòng nhau.

Phía trước tôi có mấy người đã ngồi bết bền bệt lại nơi vệ đường
Mếu máo máo mếu mon men moan moen
Phố xá đông dần lên bởi những khuôn mặt cô đặc
Vị khét lèn lẹt cào cào khô.


Những khuôn mặt đồng dạng


những khuôn mặt bị bỏ qua
trôi láng lênh luênh loáng trên phố
những khuôn mặt dẫm vết nhau đi trên cùng
một trục đường biến dạng những khuôn mặt.
những khuôn mặt đồng dạng dạng dạng dạngggggg những khuôn mặtttttttt
người qua đường dẫm lên các khuôn mặt
người lao công quét những khuôn mặt
những khuôn mặt vui cười nháo nhào.

có một buổi tối tôi đang đi lơ đễnh
một khuôn mặt nhảy lên từ chiếc cống phía sau tuổi hai ba gầy gọc
cười ha ha ha.


phố xá méo xì
bởi những khuôn mặt đồng dạng dạng dạngggggggggggg
…..g/.

Dân chủ đến từ sự khiêm tốn?



Dân chủ thường được kỳ vọng như là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển, vì một thực tế hiển nhiên: Những nước phát triển trên thế giới đều là những nước theo thể chế dân chủ.
TS Giáp Văn Dương


Thay vì mắc kẹt trong câu hỏi: “Dân chủ là gì?”, cần đẩy nó đi một bước xa hơn về phía cội nguồn qua thông qua một câu hỏi mới: “Dân chủ đến từ đâu?”. Khi biết được dân chủ đến từ đâu thì bản chất của dân chủ sẽ được sáng tỏ.


Nghịch lý dân chủ

Dân chủ thường được kỳ vọng như là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển, vì một thực tế hiển nhiên: Những nước phát triển trên thế giới đều là những nước theo thể chế dân chủ.

Nhưng dân chủ là gì lại là một vấn đề gây tranh cãi. Do ảnh hưởng của những yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, hoàn cảnh sống… mà mỗi người, nhóm người, thậm chí quốc gia, hiểu dân chủ một cách khác nhau. Vì thế, tìm cách trả lời rốt ráo câu hỏi dân chủ là gì là một việc làm tối cần thiết.

Tối cần thiết, nhưng không dễ. Vì ở đây có một nghịch lý, có thể gọi là nghịch lý dân chủ: Bản thân việc định nghĩa hoặc diễn giải dân chủ là gì, từ bất kì chủ thể nào, đều đã chứa đựng trong nội tại của nó những yếu tố áp đặt, phi dân chủ. Nói cách khác, càng nhân danh dân chủ, anh càng trở nên phản dân chủ.

Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cho đến nay vẫn chưa có được sự thống nhất về cách hiểu dân chủ là gì giữa Đông và Tây, quốc gia và quốc gia, cá nhân và cá nhân. Lý do là bản thân mỗi diễn giải này đều mang trong nó những chủ kiến ít nhiều mang tính áp đặt phi dân chủ, nên không được chấp nhận bởi kẻ khác.

Mỗi người, hoặc nhóm người, hiểu dân chủ một cách khác nhau và ra sức bảo vệ, thậm chí áp đặt cách hiểu của mình cho những người còn lại. Những cuộc thảo luận về dân chủ, dù là trong giới học thuật, chính trị gia hay quần chúng, vì thế đều có nguy cơ kéo dài bất tận mà không thu được sự đồng thuận.

Cho nên, thay vì mắc kẹt trong câu hỏi: “Dân chủ là gì?”, cần đẩy nó đi một bước xa hơn về phía cội nguồn qua thông qua một câu hỏi mới: “Dân chủ đến từ đâu?”.

Khi biết được dân chủ đến từ đâu thì bản chất của dân chủ sẽ được sáng tỏ. Quan trọng hơn, khái niệm dân chủ khi đó sẽ trở nên khả dụng vì mỗi người đều thấu hiểu nguồn gốc hình thành của nó, vì thế có thể làm chủ và chủ động khai thác nó, thay vì là đặt nó làm đối tượng cho những tranh luận mơ hồ bất tận ồn ào.

Dân chủ ở hành vi

Ở mức độ cơ bản nhất, dân chủ biểu hiện trong hành vi của chủ thể đang xem xét. Một cá nhân, một cộng đồng, hay một nhà nước, có được coi là dân chủ hay không phải được xét trên chính tập hợp những hành vi của cá nhân, cộng đồng hay nhà nước đó.

Hành vi chính là cơ sở duy nhất để đánh giá mức độ dân chủ của chủ thể. Một tuyên ngôn đẫy rẫy những mỹ từ về dân chủ nhưng đi kèm với một hành động áp đặt thì về bản chất, chủ thể của tuyên ngôn đó là phi dân chủ.

Mức độ dân chủ trong hành vi, vì thế, là thước đo mức độ dân chủ của chủ thể hành vi, dù chủ thể đó là ai, cá nhân hay bất kỳ tổ chức nào đi chăng nữa.

Do đó, hành vi phi dân chủ, và rộng hơn là tất cả những phương tiện phi dân chủ, không thể là, hoặc được biện minh là, biểu hiện của một mục đích dân chủ. Ở đây, mục đích không được phép biện minh cho phương tiện.

Nhưng hành vi lại xuất phát từ nhận thức. Vậy nhận thức nào sẽ mang lại hành vi dân chủ cho mỗi chủ thể?

Để trả lời câu hỏi này, hãy xem xét một cuộc thảo luận có tính dân chủ.

Nguyên tắc khiêm tốn

Trong cuộc thảo luận này, những người tham gia thảo luận trình bày, lắng nghe, thảo luận và phản biện ý kiến của nhau một cách tôn trọng, ôn hòa.

Mục đích của thảo luận dân chủ là để tìm ra ý tri thức đúng đắn nhất, lựa chọn hợp lý nhất trong số những đề xuất của những người tham gia thảo luận.

Nhưng vì sao những người tham gia thảo luận lại phải mất thời gian như vậy? Vì sao người có ưu thế cao nhất về kinh nghiệm, tri thức hoặc quyền lực không áp đặt ý kiến của mình cho những người còn lại?

Vì họ biết rằng, tri thức và lý tính có giới hạn và khiếm khuyết về bản chất.

Sự giới hạn và khiếm khuyết này không nằm ở sự yếu kém của cá nhân, mà thuộc về bản chất của tri thức, được minh họa hùng hồn qua Nguyên lý bất toàn của Toán học – tên nguyên thủy là Định lý bất toàn – và Nguyên lý bất định của Vật lý.



Để khắc phục chúng, họ phải nhờ đến sự giúp đỡ của một nguyên lý khác, cũng cơ bản không kém. Đó là nguyên lý bổ sung củaVật lý, được phát biểu ngắn gọn rằng: Đối lập là bổ trợ. Nói cách khác, đối lập không phải là triệt tiêu nhau, mà là bổ trợ cho nhau.

Bộ ba nguyên lý này tạo ra ý thức khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau một cách cầu thị giữa những người tham gia thảo luận.

Như thế, vô hình trung, trong suốt quá trình thảo luận, họ đã cùng nhau thực hành một nguyên tắc, có thể gọi là nguyên tắc khiêm tốn, như sau: Mỗi người tham gia thảo luận đều khiêm tốn và cầu thị một cách có ý thức vì biết rằng bản chất của tri thức và lý tính là có giới hạn và khiếm khuyết về bản chất.Và để khắc phục sự giới hạn và khiếm khuyết này, đối lập và khác biệt cần phải được tôn trọng vì chúng là nguồn bổ trợ cho tri thức và lý trí của bản thân mình.

Chính nguyên tắc khiêm tốn này đóng vai trò nhạc trưởng, chỉ huy cuộc thảo luận dân chủ đi đến đồng thuận cuối cùng mà không bị đổ vỡ giữa chừng vì những khác biệt.

Nhạc trưởng


Bây giờ mở rộng cuộc thảo luận dân chủ sang một trường hợp khác rộng hơn, như sự điều hành của một chính phủ dân chủ chẳng hạn.

Người quan sát ở đây sẽ thấy, sự điều hành của một chính phủ dân chủ có sự tương tự về bản chất so với một cuộc thảo luận có tính dân chủ.

Ở đó, chính phủ và những đại diện của dân chúng sẽ trình bày, lắng nghe, thảo luận và phản biện ý kiến của nhau một cách tôn trọng, ôn hòa.

Mục đích của việc này là để tìm ra những tri thức và lựa chọn, cụ thể là những kế hoạch, phương án, chiến lược phát triển hay quản lý và điều hành đất nước… tốt nhất.

Nhưng vì sao chính phủ dân chủ lại phải làm như vậy, trong khi họ có đủ phương tiện, thậm chí cả súng, để áp đặt ý kiến của mình?

Vì chính phủ dân chủ, cũng giống như những người tham gia cuộc thảo luận ở trên kia, biết được giới hạn và sự khiếm khuyết mang tính bản chất về tri thức và lý trí của mình. Do đó, họ khiêm tốn và cầu thị tham gia đối thoại với nhân dân để tìm ra những tri thức và lựa chọn tốt nhất có thể, nhằm giải quyết những vấn đề họ phải đương đầu.

Nói cách khác, chính phủ dân chủ cũng thực hành nguyên tắc khiêm tốn đã nêu trên.

Nếu đi xa hơn, mở rộng sự điều hành của một chính phủ dân chủ sang sự vận hành của một thiết chế dân chủ thì sao?

Người quan sát sẽ thấy nguyên tắc khiêm tốn vẫn đóng vai trò nhạc trưởng chỉ huy mọi hoạt động của thiết chế này.

Vì nhận thức được rằng, tri thức của con người nói chung và cá nhân nói riêng là có giới hạn và khiếm khuyết về bản chất, nên một thiết chế dân chủ sẽ được thiết kế sao cho có khả năng huy động tốt nhất trí tuệ của tập thể trong việc thu nhận tri thức, lựa chọn và ra quyết định.

Thiết chế đó sẽ đảm bảo sao cho mỗi người dân có quyền và trách nhiệm nói lên ý kiến của mình cũng như tham dự vào hoạt động của chính quyền ở mức độ thích hợp nhất.

Thiết chế đó sẽ đảm bảo cho người lãnh đạo là người có tài năng và uy tín nhất; mỗi quyết sách được đưa ra sẽ là quyết sách tối ưu nhất.

Dân chủ đến từ sự khiêm tốn

Như thế, nguyên tắc khiêm tốn đóng vai trò nền tảng chi phối sự vận hành của một thiết chế dân chủ, hoạt động của một chính phủ dân chủ hay đơn giản là diễn tiến của một cuộc thảo luận dân chủ.

Nói cách khác, nguyên tắc khiêm tốn là nền tảng cho mọi hoạt động mang tính dân chủ. Thiếu sự chỉ huy của nguyên tắc này, sự áp đặt và độc đoán sẽ bành trướng làm cho mọi diễn tiến sau đó trở thành áp đặt, phi dân chủ.

Như thế có kết luận: Nguồn gốc sâu xa của dân chủ là sự khiêm tốn một cách có ý thức về tri thức và lý tính của con người. Sự khiêm tốn này xuất phát từ nhận thức một cách khoa học về sự bất định và bất toàn của bản thân tri thức và lý tính.

Và để khắc phục sự bất toàn và bất định này, con người cần phải thực hành một nguyên lý khác là Nguyên lý bổ sung: Tôn trọng và chấp nhận những tri thức trái ngược như một sự bổ sung cho tri thức và lý trí của bản thân mình.

Làm được như thế, dân chủ sẽ tự đến, sống động và sáng rõ.

Nguồn: TVN

Sửa sang từng mảnh nhỏ




TTCT - 1. Năm 2007, tôi lần đầu vẫy một chiếc taxi ở Anh. Khi lên xe, ngoài việc hỏi địa chỉ nơi đến thì anh tài xế vui miệng còn chuyện qua chuyện lại. Có lẽ vì thấy tôi có vẻ bỡ ngỡ, anh mở đầu câu chuyện bằng một câu hỏi rất cũ: Anh là người nước nào?



Tranh: Lê Thiết Cương


Tôi, tất nhiên vui vẻ trả lời: Tôi là người Việt Nam. Chuyện bình thường, chẳng có gì đáng nhớ nếu không có thêm một khúc sau đó.
Sau khi đã hỏi qua đáp lại một hồi, anh tài hồn nhiên khoe: Anh biết không, cảnh sát vừa tóm một nhóm người Việt “trồng cỏ” ở London. Vụ lớn lắm, rầm rĩ cả tuần nay.
Tôi sững người sau khi kịp hiểu ra “trồng cỏ” là gì. Xưa nay chỉ nghe loáng thoáng lúc trà dư tửu hậu, vào tai nọ rồi ra tai kia như chuyện ở trên trời, ai ngờ có lúc bị giội thẳng vào mặt như vậy. Ngẩn người một lát lâu, tôi chỉ biết im lặng. Cũng không kịp nghĩ xem ông này nhắc khéo gì mình, hay chỉ vui miệng mà đưa chuyện. Anh tài thấy vậy cũng không nhắc gì thêm nữa.
Nhưng nỗi buồn không rõ từ đâu dội đến, mãi không dứt ra được. Từ đó trở đi, cứ mỗi khi nghe thấy chuyện “trồng trọt” ở đâu đó là tôi lại giật thót. Có khi nào người ta “bóng gió” gì mình? Mình đến đây để làm việc đàng hoàng, dõng dạc bình đẳng như tất cả mọi người.
Nhưng xem ra chỉ mình mới thấy vậy, chứ thiên hạ chưa chắc đã tin vậy. Mà làm sao có thể tin được nếu chả mấy tuần đài báo không có bài về các vụ “trồng trọt” công nghệ cao, trộm cắp tinh vi với những cái tên rất quê hương, và tình tiết ly kỳ ngoài sức hình dung của người thường?
Rồi dần dà người bản xứ định hình một nếp nghĩ, cứ nhắc đến người Việt Nam là họ nhớ ra ngay những chuyện đó. Thương hiệu quốc gia bỗng chốc bị nhấn chìm vào mớ thông tin buồn nản ngại ngùng mà không cách nào thanh minh được. Một cá nhân thôi cũng thấy danh dự của mình bị sứt một mảnh tướng.
Cuộc đời sau đó còn đưa đẩy tôi đi qua nhiều vùng đất khác nhau. Nhưng ngoài chuyện chiến tranh đã là quá khứ, thì khi nhắc đến Việt Nam, những câu chuyện gây đỏ mặt như trên vẫn thường xuyên xuất hiện. Tùy nơi mà kiểu chuyện khác nhau, nhưng cảm giác chung khi nghe là ngượng.
Nhiều lúc ngồi nghĩ đành rằng nước mình vẫn còn khó khăn nhưng có truyền thống hào hùng. Vậy mà bao lần giao tiếp với người nước ngoài, họ chỉ biết Việt Nam đã từng có vài cuộc chiến lớn, rồi sau đó là những chuyện vui ít buồn nhiều.
Khó mà trách họ được. Cuộc sống bận rộn. Dòng thông tin cuồn cuộn chảy. Mấy ai có thời gian để lật lại những chuyện từ ngày xửa ngày xưa của một vùng xa lắc. Những gì nổi trên mặt báo thì họ hớt lấy và tin như thế. Vậy cũng đã đủ mệt, và đủ chính đáng với họ rồi.
2. Hôm rồi, tôi lại giật thót mình khi đọc báo thấy tiếp viên của Vietnam Airlines, tức Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, bị nghi tiếp tay tiêu thụ đồ trộm cắp siêu thị ở đất Phù Tang.
Lần đọc tiếp, lại giật thót khi thấy những tấm ảnh chụp biển cảnh báo trộm cắp, biển nhắc nhở ăn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu trong nhà hàng buffet, viết bằng tiếng Việt, nhưng không phải ở nhà mà xa tít xứ người. Rồi một ông thái tử xứ sương mù bỗng dưng lên truyền hình kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã bằng... tiếng Việt.
Sao kỳ lạ vậy? Cảm giác những dòng chữ, tiếng nói Việt bỗng không còn thân thương nữa mà trĩu nặng ngượng ngùng. Bởi chuyện không chỉ là chuyện trong nhà mà đã trở thành mối cảnh giác của người ngoài ở nhiều nơi, nhiều xứ. Những phàn nàn cũng không còn trên mặt giấy mà đã “đi vào thực tế” hùng hổ đến mức người ta phải cắm biển cảnh báo.
Danh dự quốc gia là gì, nếu không phải là tập hợp danh dự của các cá nhân? Câu chuyện tưởng như xa lạ trên mặt báo giờ thật ra là lựa chọn của mỗi người: Phải làm gì trong tình thế oái oăm này? Hẳn chẳng còn cách nào khác, đừng làm xấu đi, đừng nói dối, đừng gây hại thêm, rồi sửa sang từng mảnh nhỏ từ chính bản thân mình.
GIÁP VĂN

GIÁ EM ĐỪNG YÊU ANH










GIÁ EM ĐỪNG YÊU ANH

Sáng tác: Phạm Tuyên
Thơ: Bùi Văn Dung
*********************



Giá em đừng yêu anh
Bằng tình yêu vội vã
Như màu xanh chiếc lá
Chìa vội ra khỏi cành.

Giá em đừng yêu anh
Thiết tha nhiều đến vậy
Như lời nói đưa đẩy
Trong những đêm hẹn hò.

Anh yêu em suốt đời
Bằng tình yêu không nói
Anh đi dài năm tháng
Để mình em đợi chờ.

Đừng yêu anh bao giờ
Hai phương trời bão nổi
Biết lòng em bối rối
Con tằm dứt lứa tơ.

Đừng yêu anh làm gì
Chiến tranh dài lắm đấy
Chờ anh nhiều như vậy
Mùa Xuân nào chịu yên.

Anh muốn để em quên
Như chưa hề hò hẹn
Như thuyền chưa đến bến
Em đợi anh làm gì.

Anh sẽ còn phải đi
Đến chân trời bão nổi
Bảo vệ cuộc đời mới
Của Tổ quốc yêu thương.

Anh sống nơi chiến trường
Bằng tình yêu đồng chí
Ôm bạn mình yên nghỉ
Nước mắt tuôn đầm đìa.

Cái hèn yếu hay lừa
Kẻ nào buông vũ khí
Nước mắt thương đồng chí
Nâng cuộc đời anh lên.

Giờ có thể yêu em
Rất công bằng, sòng phẳng
Hai phương trời đầy nắng
Đợi anh về nghe em.

Giờ có thể yêu em
Đắm say và nồng thắm
Hai phương trời rực sáng
Đợi anh về em nghe.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Lời lời châu ngọc






NGUYÊN THANH

Ca dao người Việt có câu  : "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe". Ấy là dân gian muốn đề cao thứ ngôn ngữ đời thường trong sáng, nhẹ nhàng, đi vào lòng người. Các nhà thơ lớn đều ca ngợi thứ ngôn ngữ bác học đẹp, sang trọng: Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu… (Kiều). Cụ Nguyễn Du còn cho nhân vật nói những lời “ném châu gieo vàng”, “hoa cười ngọc thốt”... Như vậy xem ra người Việt ta đều thích cách ăn nói lịch sự, bóng bẩy. Hình như cả phương Đông đều thích cái đẹp trong văn chương, phải vậy chăng mà nghĩa của từ này đều là đẹp cả (chữ “văn” có nghĩa là đẹp, “chương” nghĩa là rực rỡ, văn chương là vẻ đẹp rực rỡ). Mà có lẽ cả phương Tây cũng thích thế, bằng chứng là cụ Marx cũng nói “con người nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp”. Con người viết văn hay làm thơ cũng là việc “nhào nặn theo quy luật của cái đẹp”.

Thực ra các cách hiểu trên xét đến cùng lại là một vì đều hướng đến con người, coi con người là cái đẹp hoàn hảo nhất. Từ ngàn xưa người Việt ta đã nói người ta là hoa đất, hoa là đẹp, là thơm, là quý. Triết lí sâu sắc của người Việt là nâng niu quý trọng con người, chả thế mà có câu: Ra đường nhặt cánh hoa rơi/ Hai tay nâng lấy cũ người mới ta. Đã là con người thì dù ở đâu, ở hoàn cảnh nào cũng phải “hai tay nâng lấy” như vậy.

Có người coi lí luận văn học hiện đại là sự chiết trung của nhiều cách hiểu trên nên mới đưa ra định nghĩa: Văn học là một hình thái ý thức phản ánh thẩm mĩ. Có nghĩa là nó phản ánh theo quy luật của cái đẹp. Phản ánh thẩm mĩ phải là sự phản ánh trong tình cảm thẩm mĩ. Tình cảm thẩm mĩ luôn tìm đến cái biểu hiện tương ứng là một hình thức đẹp. Chẳng hạn khi miêu tả Kiều tắm, nhà nhân đạo Nguyễn Du có câu: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên. Có lẽ đây là bức tranh “nuy” (nude) hoàn toàn xuất hiện đầu tiên trong văn học xứ ta, nhưng đọc lên ai cũng thấy một tình cảm trân trọng con người, “nuy” mà không hề gợi dục tầm thường. Ấy là nhờ cụ Nguyễn có những ẩn dụ, so sánh thật đắt: trong ngọc trắng ngà, toà thiên nhiên. Ngọc, ngà đều là những thứ đẹp và quý hiếm (dân gian có câu Cổ tay em trắng như ngà…). Nhất là với ẩn dụ “một toà thiên nhiên” được dùng theo lối ước lệ, nàng Kiều được tôn quý ngang tầm vóc, vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên, tạo hoá.

Cũng là tả phụ nữ, mà trong thơ của con cháu cụ Nguyễn thời nay có những câu chẳng có chút gì trân trọng đối tượng miêu tả. Hãy thử đọc những câu sau (có lẽ không cần thiết phải nêu tên chủ nhân của chúng):

- Mùi gạch non và mùi nách
đàn bà.

- Em đi đùi mọng, vú mọng.

- Em đi mủ đêm, nhớt đêm.

Thơ sáng tạo hình ảnh mới lạ để hướng bạn đọc tới cái đẹp cao cả, nhân văn chứ quyết không là sự làm lạ bằng những liên tưởng vật hoá. Xin miễn bình luận nhiều về những câu thơ này, chỉ muốn nói rằng, nếu phụ nữ xưa nay vẫn được coi là biểu tượng của cái đẹp thì ở những thi phẩm này đã bị hạ thấp. Đi theo những liên tưởng quái gở ấy, còn đâu vẻ đẹp lung linh của người con gái từng được đề cao đến tuyệt đỉnh như trong Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm: "Có nhớ từng khuôn mặt búp sen/ Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu toả nắng..."

Gần đây một số ít nhà thơ và nhà tiểu thuyết xứ ta lấy những cảnh gợi dục tầm thường và những hình ảnh rất tục đưa vào trang sách. Họ “lí luận”: văn học là cuộc đời, cuộc đời có gì thì văn học có nấy, có cả cái thiêng liêng của tình yêu và cái tục tằn của cuộc sống. Đấy là nguỵ biện. Cái sai ở chỗ này: họ cố tình đồng nhất tình cảm tự nhiên và tình cảm thẩm mĩ. Tình cảm tự nhiên chỉ là sự phản ứng trước các kích thích của ngoại giới. Một nhà mĩ học người Mĩ - ông Susanne Langer phân biệt tình cảm của một đứa trẻ gào khóc mạnh hơn nhiều tình cảm cá nhân phát ra của một nhạc sĩ. Nhưng tình cảm của đứa trẻ là tình cảm tự nhiên còn tình cảm của nhạc sĩ là tình cảm thẩm mĩ. Người ta chỉ nghe âm thanh của tình cảm thẩm mĩ chứ chả ai bỏ tiền ra để nghe đứa trẻ khóc. Có nghĩa là tình cảm thẩm mĩ được hình thành trên cơ sở thanh lọc, thăng hoa từ những trải nghiệm cá nhân nâng lên thành tình cảm chung phổ quát của loài người.

Chuyện tình dục và cái tục vẫn có thể là chất liệu của văn học miễn nó là phương tiện để nhà văn khái quát một vấn đề nào đó của cuộc sống. Truyện tiếu lâm dân gian của bất kỳ nước nào cũng có những chuyện tục nhưng đó chỉ là cái cớ để tác giả khái quát về một nét tính cách đáng lên án, đáng cười như dốt nát, bậy bạ, dâm đãng, học đòi làm sang…

Một cuốn sách chỉ thích thú với những chuyện sex, chuyện tục, người ta xếp vào chủ nghĩa tự nhiên vốn đã có trong văn học Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Chủ nghĩa này lại chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa thực chứng của Ô. Côngtơ vốn là một thứ triết học phủ nhận bản chất và nguồn gốc của sự vật, chỉ chăm chú với việc trình bày cái thế nào (le comment) mà bỏ qua cái tại sao (le pourquoi). Chính vì thế mà nhân vật trung tâm của chủ nghĩa tự nhiên là con vật - người (bête - humaine) bị chi phối bởi các hoạt động sinh lí. Với những hạn chế, nhất là coi thường, hạ thấp con người mà chủ nghĩa này đã vĩnh viễn bị phủ nhận và đi vào lịch sử văn học thế giới với tư cách là những gì lạc hậu, đen tối, lỗi thời.

N.T

Nghệ sĩ – tư chất và tư cách





THANH NGUYÊN

Nghệ thuật luôn là sự sáng tạo ra một mô hình đời sống mới. Mô hình này thoát thai từ đời sống thực nhưng không phải là đời sống thực. Chân lí nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với chân lí đời sống có nghĩa là như vậy. Cũng chính vì thế mà người nghệ sĩ luôn có hai đời sống, một ở đời sống thực và một ở đời sống trong thế giới nghệ thuật mà anh ta tạo ra. Đang sướng khổ cùng nhân vật, đang đắm say với không gian trong tác phẩm, anh ta lại ngơ ngác trở về với trần tục đời thường. Cho nên người nghệ sĩ đích thực có gì đấy “không bình thường”. Mà sự không bình thường là một dấu hiệu của tài năng.

Nhìn ở tư cách tác giả, nghệ sĩ là những người tạo ra cái mới, những giá trị nghệ thuật mới. Họ phát ngôn một tư tưởng mới, quan niệm mới, cách hiểu mới về các hiện tượng đời sống, bày tỏ một lập trường xã hội và công dân nhất định. Những cái mới này phải phù hợp với quy luật tiến bộ xã hội, phù hợp với thị hiếu, lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nếu nghệ sĩ đi ngược lại những điều này, cần xem xét lại tư cách công dân của họ.

Từ góc độ đặc trưng, nghệ sĩ phải tạo ra những hình tượng nghệ thuật có giá trị nhân văn. Nhà văn thì phải có tác phẩm văn học. Họa sĩ phải có tác phẩm hội họa. Có lĩnh vực nghệ thuật đặc thù như xiếc, múa thì người nghệ sĩ phải lấy chính cơ thể mình để sáng tạo ra tác phẩm. Dĩ nhiên phải là tác phẩm đẹp. Nếu có nghệ sĩ lại lấy chính cơ thể mình để “khoe hàng” nhằm mục đích lôi kéo, câu khách, quảng cáo… để nổi tiếng, thì cần chịu trách nhiệm về tội truyền bá văn hóa phẩm độc hại.

Xét về mặt nghề nghiệp, nghệ sĩ phải xác lập cho mình một phong cách riêng. Tài năng nghệ sĩ phải được đo bằng chính cái riêng này. Có trường hợp người trong nghề thì phủ nhận còn dư luận lại đề cao hoặc ngược lại. Đó cũng là sự bình thường và chỉ có thời gian trả lời. Nghệ thuật đích thực luôn là của hiếm. Nghệ thuật đích thực luôn đi cùng thời gian.

Từ thời cổ đại cho đến tận thế kỉ XVIII, thuyết bắt chước của Aristote vẫn thống trị quan niệm về bản chất nghệ thuật. Người ta cho rằng để đạt tới chân lí nghệ thuật chỉ có cách kết hợp sự giống thực cùng với sự biểu đạt của những ý niệm phổ quát về vũ trụ, thiên nhiên, về lí trí, tình cảm… Ở thời Phục hưng, chân lí nghệ thuật được khẳng định là sự thống nhất của cái đẹp và cái thật. Vì thế mĩ học Phục hưng quan niệm nghệ sĩ phải như tấm gương nhưng không phải là sự sao chép nguyên xi mà phải có suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn, phân tích. Người nghệ sĩ phải dựa vào những tri thức về bản chất, bản tính của sự vật. Điều này lí giải tại sao có họa sĩ thiên tài cũng lại là bác sĩ phẫu thuật. Thậm chí khán giả nhìn vào bức tranh khỏa thân thời ấy còn thấy cả những mạch máu như đang phập phồng.

Chưa bàn đến sự tiến bộ và hạn chế nghệ thuật của chủ nghĩa cổ điển (đỉnh cao của mĩ học Phục hưng) nhưng phải khẳng định nó là bài học cho hôm nay: nghệ thuật trước hết là sự tôn trọng ở mức cao nhất đối tượng miêu tả; nghệ thuật là công phu và là địa hạt của tài năng và kiên nhẫn. Ngoài những phép tắc cơ bản thì nhà họa sĩ muốn vẽ người phải học giải phẫu sinh lí người, muốn vẽ phong cảnh phải hiểu cặn kẽ thế giới sinh vật… Cho nên rất có lí, ngày nay có bức tranh của họa sĩ Phục hưng được bán đấu giá lên tới hàng trăm triệu Mĩ kim.

Đến thế kỉ XVIII mĩ học Khai sáng lên tiếng phủ nhận mĩ học Phục hưng và cho rằng sự thật của tự nhiên là cơ sở cho tính giống thực ở nghệ thuật. Sang thế kỉ XIX lại một bước tiến mới của mĩ học khi xác lập nghệ thuật như là những hình thức hoạt động tinh thần - thực tiễn và là những hình thức phản ánh thực tại đặc thù. Từ đó đến nay chân lí nghệ thuật được nhìn nhận trong mối quan hệ mật thiết với tư tưởng, quan niệm, vốn sống, tài năng người nghệ sĩ.

Nghệ thuật là tài năng. Nếu không đủ tài làm nghệ thuật sẽ rất khổ, sẽ cho ra những sản phẩm không phải nghệ thuật hoặc dở dang. Không có năng khiếu bẩm sinh - điều kiện tiên quyết để làm nghệ thuật, thì nên đi làm nghề khác. Sau năng khiếu là cần cù, tâm huyết, say mê. Nhiều nghệ sĩ lớn khẳng định để làm nên một tài năng nghệ thuật thì cần đến 99% là cần cù và 1% là năng khiếu. Điều ấy có lí, nhưng nên nhớ nếu không có dù chỉ 1% năng khiếu này sẽ không có tài năng nghệ thuật. Bồi dưỡng năng khiếu là rất cần thiết nhưng cần thiết hơn là giáo dục tinh thần lao động nghệ thuật, trách nhiệm với đời sống cho người nghệ sĩ. Bài học của một họa sĩ thời Phục hưng: để vẽ người cho đẹp, cho đúng, hàng đêm người họa sĩ ấy phải mò vào nhà xác, mổ trộm các tử thi để tìm hiểu từng đốt xương cơ…

Bổ sung cho tài năng là vốn sống. Vì nghệ thuật là sự kết tinh của những mối quan hệ đời sống nên người nghệ sĩ không hiểu sâu biết rộng về đời sống dứt khoát sẽ không tạo ra những hình tượng đậm đà chất muối của cuộc đời.

Chân lí nghệ thuật là chân lí về quan hệ. Người nghệ sĩ không có một quan hệ mật thiết với nhân dân, không vì nhân dân, vì đất nước, vì một quan niệm nhân sinh tiến bộ nâng đỡ con người chắc chắn sẽ không tạo ra những hình tượng mang giá trị nhân bản, nhân văn.

Như vậy ở người nghệ sĩ, tư chất và tư cách là sự thống nhất, tuy hai nhưng là một.

T.N

Người mẫu





Bernard Malamud (1914 - 1986) sinh ở New York - Mỹ, cha mẹ là dân nhập cư Nga gốc Do Thái. Qua các tác phẩm của mình ông thể hiện một ý thức về hiện tại và quá khứ mang màu sắc Do Thái, cái thực và siêu thực, sự kiện và huyền thoại. Trong nhiều tác phẩm của mình, Malamud luôn nhấn mạnh sự chịu đựng của các nhân vật, cuộc đấu tranh chống lại mọi trở ngại để tồn tại. Những tác phẩm chủ yếu của Bernard Malamud là các tập truyện: “Chiếc thùng màu nhiệm”, “Ưu tiên kẻ ngốc”, “Chiếc mũ của Rembrandt”...

.Bernard Malamud (Mỹ)


Sáng sớm, Ephraim Elihu gọi điện đến Liên đoàn sinh viên mỹ thuật, ông nói với cô gái trực điện thoại làm sao có thể giúp ông tìm được một người mẫu chuyên nghiệp để ông vẽ tranh khỏa thân. Ông nói là cần tìm một cô người mẫu khoảng trên dưới ba mươi tuổi.

Tôi không nhớ tên của ông, cô gái trực điện thoại bảo, trước đây ông đã liên lạc với chúng tôi bao giờ chưa? Chúng tôi có một số học sinh sẵn sàng làm người mẫu, nhưng chủ yếu là dành cho những họa sỹ mà chúng tôi quen thôi. Elihu nói không, ông không muốn cho người ta biết mình chỉ là một họa sỹ nghiệp dư, trước đã từng học ở Liên đoàn này.

Ông có xưởng vẽ không? - cô gái hỏi thêm. Tôi có một phòng khách tràn ngập ánh sáng, tôi không phải là một người mới tập vẽ nhưng bỏ bao nhiêu năm giờ mới quay lại vẽ, tôi muốn vẽ mấy bức tranh khỏa thân để tìm lại cảm giác về hình thể. Nếu như cô cần tài liệu về thông tin cá nhân, tôi có thể gửi cô xem.

Ông hỏi cô gái giá thuê người mẫu hiện giờ, ngập ngừng giây lát cô gái nói sáu đô la một giờ.

Elihu nói giá này rất thỏa đáng với ông, ông muốn nói chuyện lâu hơn nữa nhưng cô gái không nhiệt tình lắm. Cô ghi lại tên, địa chỉ của ông và nói có thể giúp tìm một người, nhưng phải chờ đến ngày kia mới đến được. Ông cảm ơn sự giúp đỡ đó.

Hôm đó là thứ Tư, cô người mẫu có mặt vào buổi sáng thứ Sáu. Từ tối hôm trước cô ấy gọi điện đến để hẹn ông giờ đến. Qua chín giờ một chốc, cô bấm chuông cửa, Elihu đã đứng đợi ở cửa, ông đã bảy mươi tuổi, sống trong một tòa nhà xây bằng đá gần đại lộ Thứ Chín. Ông thực sự hưng phấn được khai thác khả năng hội họa của mình từ cơ thể của cô gái trẻ này.

Nhan sắc cô người mẫu trông bình thường, cô chừng hai bảy tuổi. Nét đẹp nhất trên khuôn mặt của cô là đôi mắt. Cô gái mặc chiếc áo mưa màu xanh, mặc dù tiết trời mùa xuân trong sáng. Ông thấy có cảm tình nhưng ông cố giữ điều đó cho riêng mình. Cô gái liếc nhìn ông rồi đi thẳng vào trong phòng.

“Chúc một ngày tốt lành.”

“Chào ông.”

“Hình như mùa xuân đã về, cành lá đang bắt đầu đâm chồi, nảy lộc.”

“Ông muốn tôi thay đồ ở đâu?” Cô gái hỏi.

Ông hỏi tên cô gái, cô nói cô tên là Perry.

“Cô có thể thay trong phòng tắm, à không, Perry, nếu thích em vào phòng của tôi ở phía cuối hành lang mà thay, không có ai đâu. Em thay ở đó sẽ ấm hơn ở phòng tắm.”

Cô nói ở đâu cũng không có gì khác biệt, nên cô thay đồ trong phòng tắm.

“Em cứ làm theo ý thích.”

“Vợ ông ở gần đây?” Cô gái liếc mắt nhìn vào trong phòng.

“Không, tôi là người góa vợ.”

Ông nói ông có một đứa con gái nhưng đã mất trong một vụ tai nạn giao thông.

Cô gái xin lỗi đã làm ông buồn, “Tôi thay đồ và quay lại ngay.”

“Không vội gì cả.” Trong lòng ông khấp khởi mừng thầm được vẽ cô gái ngay bây giờ.

Cô gái vào phòng tắm, cởi đồ ở đó và rất nhanh quay trở lại. Cô tuột chiếc áo choàng tắm xuống đất, cái cổ và bờ vai của cô thon thả, nõn nà.



Minh họa: arodrigue

Cô hỏi ông muốn cô ngồi trong tư thế như thế nào. Ông đứng cạnh chiếc bàn ăn tráng men gần cửa sổ lớn. Ông bóp hai tuýp màu vẽ lên mặt bàn và bắt đầu pha trộn. Còn ba tuýp màu kia ông không động đến. Cô gái rít một hơi xì gà cuối cùng rồi dụi mẩu thuốc lên nắp hộp cà phê trên bàn.

“Tôi mong ông sẽ không phiền nếu thỉnh thoảng cho tôi hút một hơi.”

“Không sao, khi nào em hút thì chúng ta nghỉ giải lao.”

“Tôi cũng nghĩ vậy.”

Rồi cô ngồi xem ông chầm chậm pha màu.

Elihu không vội vàng ngắm nhìn cơ thể lõa trần, ông nói muốn cô ngồi ở chiếc ghế đặt cạnh cửa sổ. Ngoài sân sau có một cây xuân mộc đang nảy lộc ra lá.

“Ông muốn tôi ngồi như thế nào, có vắt chân lên hay không?”

“Tùy em thôi, miễn sao em thấy thoải mái, vắt chân hay duỗi chân không khác gì nhiều lắm.”

Cô gái ngạc nhiên vì điều này. Cô đến bên chiếc ghế màu vàng cạnh cửa sổ, ngồi xuống, vắt chân này lên chân kia.

“Như thế này được chưa ông?”

Elihu gật gật đầu: “Đẹp, đẹp lắm!”

Ông chấm cọ vẽ vào chỗ màu đã trộn trên bàn, ông liếc mắt lên cơ thể lõa trần của cô gái rồi bắt đầu đặt bút vẽ. Ông cứ nhìn cô, rồi lại quay nhanh sang chỗ khác cứ như sợ mạo phạm với cô. Ông tỏ ra rất tập trung, thỉnh thoảng ông chăm chú nhìn cô nhưng lại tảng lờ như không nhìn. Còn cô cũng chẳng cần quan tâm đến ông. Một lần cô quay ra ngắm cây xuân mộc, ông nhìn kỹ cô một lúc lâu, rồi hỏi chuyện xem cô thấy gì ở cái cây đó.

Sau đó cô bắt đầu quan sát ông. Cô nhìn vào mắt ông, nhìn vào đôi tay ông, ông bối rối không biết mình làm gì sai. Chừng sau một giờ đồng hồ, cô gái sốt ruột, đứng phắt dậy khỏi cái ghế vàng.

“Em mệt?”

“Không phải vậy.” Cô gái trả lời, “Chúa ơi, tôi thực sự muốn biết, ông đang làm cái gì thế? Nói thật nhé, tôi thấy ông chẳng biết một tý gì về hội họa.”

Ông giật mình, ngạc nhiên rồi lập tức vơ lấy chiếc khăn phủ trùm che tấm toan lại.

Sau một lúc lâu, Elihu mới từ từ liếm cặp môi khô và nói, ông không tự nhận mình là họa sỹ. Điều này khi ông gọi điện đến Liên đoàn, ông đã nói hết với cô trực điện thoại. Rồi ông nói: “Tôi có lỗi vì đã mời em đến nhà tôi hôm nay, tôi nghĩ mình cần phải tập nhiều trước đã, để không làm lãng phí thời gian của người khác. Có lẽ tôi chưa sẵn sàng chuẩn bị để làm những điều tôi muốn.”

“Tôi chẳng quan tâm ông cần phải tập trước bao lâu. Nói thẳng ra, tôi thấy ông đâu có vẽ tôi. Thực tình, tôi cảm thấy ông chẳng có hứng thú gì để vẽ tôi cả. Ông chỉ có hứng kiếm cớ để đôi mắt lướt qua lướt lại trên cơ thể lõa trần của tôi. Tôi không biết ông cần gì nhưng tôi chắc chắn rằng tất cả những gì ông đã làm chẳng có gì liên quan đến vẽ tranh.”

“Có lẽ tôi đã có lỗi.”

“Tôi nghĩ đúng như thế.” Cô gái vừa nói vừa khoác chiếc áo choàng tắm và buộc chặt dây đai lại.

“Tôi là một họa sỹ, chỉ vì túng thiếu mà tôi phải làm người mẫu. Chỉ cần nhìn qua là tôi biết đâu là giả mạo.”

“Tôi không nghĩ lại tệ đến mức ấy. Tôi chủ quan không nói rõ sự thực với cô gái trực điện thoại ở Liên đoàn. Tôi thực sự xin lỗi về những chuyện vừa qua,” giọng Elihu khàn đặc, “Tôi nên suy nghĩ thấu đáo hơn về những việc mình đã làm. Năm nay tôi đã bảy mươi tuổi rồi, tôi luôn luôn yêu phụ nữ và mọi mất mát ấy là nỗi đau lớn của cuộc đời tôi. Cho đến giờ, ngần này tuổi đầu, tôi vẫn chưa có một người con gái nào thân thiết. Đó là một trong những lý do để tôi muốn quay lại vẽ tranh cho dù tôi chẳng có tài nghệ gì ghê gớm. Vả lại, tôi không nghĩ rằng mình đã quên hội họa quá nhiều, không chỉ có vậy mà tôi không còn nhớ được thân thể người đàn bà như thế nào. Tôi không nhận ra rằng mình thực sự bị thân thể em hút hồn, cuộc đời trôi đi nhanh quá. Tôi muốn được vẽ lại để tìm cảm giác mới trong cuộc sống. Tôi rất ân hận vì đã quấy rầy, làm phiền em.”

“Tôi được trả tiền cho sự quấy rầy đó nhưng để tôi phải đến đây, phải chịu ánh mắt của ông quét qua quét lại khắp thân thể tôi, sự sỉ nhục đó ông không thể đền được.”

“Tôi không nghĩ rằng đó là sự sỉ nhục.”

“Nhưng tôi cảm thấy thế.”

Sau đó, cô gái bắt ông phải cởi quần áo.

“Tôi á?” Ông hoảng hốt. “Để làm gì vậy?”

“Tôi muốn ký họa ông, ông cởi quần và cởi áo ra đi.”

Ông nói chưa bao giờ mặc mỗi đồ lót, nhưng cô gái vẫn tỉnh bơ.

Ông cởi quần áo và cảm thấy vô cùng xấu hổ khi phải nhìn cô gái, với vài nét cọ rất nhanh cô đã ký họa xong hình thể của ông. Ông đâu có xấu, nhưng ông cảm thấy bị vẽ rất xấu. Cô gái hoàn thành xong bức ký họa, cô bóp sơn đen từ trong tuýp ra, nhúng cọ bôi chằng chịt lên khắp chỗ vẽ mặt của ông, để lại một mảng đen sì.

Ông thấy cô thù ghét ông nhưng ông chỉ im lặng.

Cô gái vứt cọ vẽ vào sọt rác rồi quay về phòng tắm thay quần áo.

Ông viết số tiền theo thỏa thuận trước đó lên tấm séc, ông xấu hổ khi viết tên của mình, nhưng ông vẫn ký và đưa tấm séc cho cô gái. Cô dúi tờ séc vào trong chiếc ví rồi ra về.

Ông nghĩ dẫu sao cô cũng không phải là người đàn bà xấu cho dù cô không tử tế. Ông tự hỏi mình: “Không còn gì tốt đẹp hơn lúc này cho cuộc đời của ta sao? Những thứ này có phải là để dành cho ta?”

Dường như các câu trả lời đều là như vậy. Ông đã khóc vì tuổi già của mình đến nhanh quá.

Ông kéo chiếc khăn phủ ra khỏi tấm toan, cố gắng vẽ nốt khuôn mặt cô gái đang vẽ dở, nhưng thực sự ông đã quên mất rồi.

Ngọc Lê dịch

Cuộc thi “Nhịp sống mới trong thơ”: chưa thấy giọng thơ vượt trội



Ngày 27/3, tại Thư viện Hà Nội, Báo Người Hà Nội tổ chức Lễ trao giải cuộc thi “Nhịp sống mới trong thơ”. Cuộc thi đã ghi nhận gần 5000 tác phẩm tham dự và có 13 tác giả đạt giải.



Đến dự lễ trao giải có nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Nhà thơ Bằng Việt, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Nhà báo Trần Gia Thái, Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam;... cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và các độc giả.

Trong 6 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được gần 5000 bài thơ của các tác giả trong cả nước và đã chọn in 400 bài thơ của 180 tác giả từ số báo 27 năm 2013 đến số 1+2 năm 2014. Đa dạng về nội dung, phong phú về thể loại và đề tài sáng tác rộng, tuy nhiên, theo đánh giá của Ban tổ chức, cuộc thi vẫn chưa tìm được một giọng thơ nổi bật. Bằng chứng là cuộc thi không có giải nhất, chỉ có 3 giải nhì, 5 giải ba và 5 giải khuyến khích.

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ đọc báo cáo tổng kết về cuộc thi


Theo nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Tổng biên tập báo Người Hà Nội thì ba nhà thơ đạt giải nhì có sắc thái, giọng điệu và cá tính riêng, tạo nên một bình diện thơ mới. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, chưa có một tác giả vượt trội nên không có giải nhất. Ngoài ra, cũng có những tác giả còn sa đà và kể lể, thể hiện ngôn ngữ còn rườm rà. Ông nói: “Cuộc thi thơ năm nay đã dùng những hình thức mới để truyền tải nội dung mới, có thể một hình thức mới về nghệ thuật đã manh nha xuất hiện nhưng một nội dung mới còn chưa được phát hiện. Những tìm tòi về thơ ca chưa tìm ra được nhịp sống mới của cuộc sống hôm nay. Hy vọng rằng chuyển động của cuộc sống sẽ phát hiện ra nội dung thơ mới và thành công của giải sẽ làm nên gương mặt của những nhà mới trong tương lai”.

Nhà thơ Bằng Việt, Trưởng ban chung khảo cuộc thi nói: “Tích chất quảng bá đã làm cho xã hội trong thơ bị thu hẹp. Các tác giả thiên về cách tìm tòi cá nhân, như cố vẽ ra một bài thơ tinh tế, khó hiểu để thỏa mãn nhu cầu mỹ cảm của mình. Gần 5000 bài thơ tham dự là một hồi chuông cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng để nhắc rằng, thơ cần gắn với cuộc sống mới, con người mới, thể hiện con người đương đại chứ không vùi sâu vào chủ nghĩa cá nhân”.

Có thể thấy rằng, kết quả cuộc thi cũng như những tác phẩm tham dự đã không chỉ đem đến cho độc giả những góc nhìn khác nhau về cuộc sống mới, con người mới mà còn giúp chính các nhà thơ nhận định được con đường mình cần hướng tới cũng như những giá trị thẩm mỹ đem lại cho bạn đọc.

Từ trái sang: Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - dẫn chương trình, giải khuyến khích, tác giả Phùng Hương Ly; giải ba, tác giả Lưu Đình Hùng; giải nhì, tác giả Ngô Thế Trương và Đặng Cương Lăng


Sau lễ trao giải, một cuộc giao lưu nhỏ với một số nhà thơ đoạt giải đã được tổ chức.

Nói về những tác phẩm viết về chủ đề biển đảo đoạt giải ba của mình, nhà thơ Ngô Thế Trường: “Tôi muốn nói tới văn hóa biển. Bởi tôi thấy những người ngư dân, những người gắn bó với biển đã đổ rất nhiều mồ hôi, xương máu khi mà “Bão và biển đua nhau về bến”. Và đề tài về tình yêu thương, tự hào về quê hương, Tổ quốc là đề tài sáng tác vô tận”.

Là tác giả trẻ nhất tham gia và đoạt giải của cuộc thi, Phùng Hương Ly sinh năm 1990, đã có hai bài thơ đoạt giải. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã thực sự thích thú với sự mới lạ trong thơ cô, ông miêu tả thơ của Phùng Hương Ly mới đến bình dị và bình dị tạo nên cái mới. Phùng Hương Ly khiêm tốn chia sẻ rằng, mỗi tác giả có cách cảm nhận về thơ khác nhau và cô muốn lưu vào trí nhớ của độc giả bằng những hình ảnh, cảm xúc mới của mình.

Nhà thơ Đặng Cương Lăng cho rằng mình là người yêu Hà Nội và muốn tìm được những áng thơ miêu tả Hà Nội “không bị trùng với cách nghĩ của người đi trước”. Theo ông, cách làm mới thơ truyền thống phải xuất phát từ tình yêu của mỗi tác giả, cảm nhận của mỗi tác giả về mỗi chủ đề. Ông cũng tự thấy mình có trách nhiệm trong việc đi tìm cái đẹp mới mẻ trong cuộc sống để truyền tải tới độc giả.

“Nếp váy đong đưa” trong Đường lên hội tình của Lưu Đình Hùng đã được nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đánh giá là một chi tiết “cực kì đắt”. Là người về hưu để làm thơ, tác giả Lưu Đình Hùng đã nói: “Tôi thấy mình như cục pin cần nạp năng lượng và tôi đi. Trải nghiệm cho tôi thấy mình đặc biệt thích âm hưởng của miền múi và thích ngôn ngữ, hình ảnh nơi đây”.

Chùm ảnh các tác giả nhận giải:

Giải nhì: tác giả Nguyễn Anh Tuấn, Đặng Cương Lăng và Ngô Thế Trường


Giải ba: tác giả Vũ Nuôi, Phùng Trung Tập, Nguyễn Thanh Tùng, Lưu Đình Hùng, Bình Nguyên


Giải khuyến khích: tác giả Trương Công Ban, Nguyễn Hồng Công, Nguyễn Dũng, Chung Tiến Lực và Phùng Hương Ly


THANH AN

Lục bát Bình Địa Mộc






1. Vài nét về tác giả:
Tác giả: Bình Địa Mộc
Họ tên thật: Đỗ Thanh Toàn
Sinh ngày: 12- 06 - 1955

Quê quán: Quế Lộc – Quế Sơn – Quảng Nam
Trình độ : Đại học Quản trị Kinh doanh
Nơi ĐKTT: An Xuân – Thành phố Tam Kỳ- Quảng Nam
Chỗ ở hiện nay: 261/27/21D Hà Huy Giáp – Ph. Thạnh Lộc – Quận 12 – TP. Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 0937.390.074
Quá trình sáng tác: Có thơ và truyện ngắn đăng trên các báo: Tiền Phong - Giáo Dục Thời Đại- - Quảng Nam Đà Nẵng - Quảng Nam - tạp chí Đất Quảng từ những năm 1990. Hiện nay tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ sáng tác thơ Cung Văn Hoá thành phố - Câu lạc bộ Lục Bát Sài Gòn - các nhóm blogspot - netlog …





CÂU HỎI CUỐI NĂM



còn nơi nào để ta đi
đó quen, đó lạ, đó thi thoảng, à
cô hàng nước áo bà ba
xuống câu vọng cổ diết da sông Tiền
khách chiều bấu góc bàn nghiêng
cho mỗi người một ưu phiền bung bay


còn nơi nào để ta say
kìa cơm, kìa áo, kìa loay hoay, ừ
cuốc xe số phận dường như
rước nhầm ta kẻ sắp từ giã ta
mùa xuân chuẩn bị ghé qua
thêm lần nữa bước chân xa âm thầm


còn nơi nào để bình tâm
đây cha, đấy mẹ, đầy mâm cỗ nghèo
ngoài sân thẳng đụt cây neo
lơ phơ giấy đỏ viết ngoèo ngoằng niên
chậu hoa cúc trước thềm hiên
tròn hynh dấu hỏi, chấm biêng biếc, ồ.








LÃNG QUÊN



một ngày tôi lãng quên tôi
thấy thằng con nít đang ngồi bắn bi
vuông sân mẹ quét phẳng lì
kế bên gốc mít rể chi chít bò
con gà đập cánh rõ to
ngẩng đầu gáy ó ò o ba lần

mười năm sau, những bâng khuâng
vẫn tôi nhưng bắt đầu dần lớn lên
lại gần như đã lãng quên
một thanh niên đứng lặng thềm hiên trông
hàng dâm bụt bỏ bê bông
không ai bứt cũng không trồng thêm cây

bây giờ tôi với tôi đây
nhặt vườn rau mẹ chăm đầy luống xanh
đập con muỗi cắn da lành
đau như cắt một cọng tranh sau đồi
lạnh lùng tôi lãng quên tôi
chân vừa chạm ngõ, bóng lôi tụt chiều ...







LÒNG VÒNG



có rồi, lại mất như không
à quên, buồn quá nói lòng vòng chơi
ngày xưa một tiếng mưa rơi
làm ta giật thót mình rời mắt khuya
ấy là, củ sắn sẻ chia
củ khoai bẻ nửa ơ kìa cầm luôn


nhà quê bỏ ruộng đi buôn
ly nông, ừ cũng được đừng ly hương
ly hôn, sao thế còn thương
còn tình nghĩa với bao vương vấn mà
còn con cái nữa hay là
ra ngoài sân chửi tổ cha đứa nào


yêu rồi lại ghét thế sao
thế khi yêu có biết bao nhiêu lời
này môi, này mắt, ngọt ngời
lấy nhau đi kẻo hết thời còn duyên
giờ ngồi đây nói huyên thuyên
chuyện vầng trăng chú cuội quyền lợi ai


hôm nay nghĩ đến ngày mai
à ơi, quá khứ tương lai đánh đồng
tiền lương cộng với tiền công
dắt nhau ra quán, à không, nói đùa
đêm về soong chảo lua khua
nghe phòng bên ấy, nhờ mua ... gói mì!





Nguồn :http://lucbat.com/news.php?id=13324