THANH NGUYÊN
Nghệ thuật luôn là sự sáng tạo ra một mô hình đời sống mới. Mô hình này thoát thai từ đời sống thực nhưng không phải là đời sống thực. Chân lí nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với chân lí đời sống có nghĩa là như vậy. Cũng chính vì thế mà người nghệ sĩ luôn có hai đời sống, một ở đời sống thực và một ở đời sống trong thế giới nghệ thuật mà anh ta tạo ra. Đang sướng khổ cùng nhân vật, đang đắm say với không gian trong tác phẩm, anh ta lại ngơ ngác trở về với trần tục đời thường. Cho nên người nghệ sĩ đích thực có gì đấy “không bình thường”. Mà sự không bình thường là một dấu hiệu của tài năng.
Nhìn ở tư cách tác giả, nghệ sĩ là những người tạo ra cái mới, những giá trị nghệ thuật mới. Họ phát ngôn một tư tưởng mới, quan niệm mới, cách hiểu mới về các hiện tượng đời sống, bày tỏ một lập trường xã hội và công dân nhất định. Những cái mới này phải phù hợp với quy luật tiến bộ xã hội, phù hợp với thị hiếu, lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nếu nghệ sĩ đi ngược lại những điều này, cần xem xét lại tư cách công dân của họ.
Từ góc độ đặc trưng, nghệ sĩ phải tạo ra những hình tượng nghệ thuật có giá trị nhân văn. Nhà văn thì phải có tác phẩm văn học. Họa sĩ phải có tác phẩm hội họa. Có lĩnh vực nghệ thuật đặc thù như xiếc, múa thì người nghệ sĩ phải lấy chính cơ thể mình để sáng tạo ra tác phẩm. Dĩ nhiên phải là tác phẩm đẹp. Nếu có nghệ sĩ lại lấy chính cơ thể mình để “khoe hàng” nhằm mục đích lôi kéo, câu khách, quảng cáo… để nổi tiếng, thì cần chịu trách nhiệm về tội truyền bá văn hóa phẩm độc hại.
Xét về mặt nghề nghiệp, nghệ sĩ phải xác lập cho mình một phong cách riêng. Tài năng nghệ sĩ phải được đo bằng chính cái riêng này. Có trường hợp người trong nghề thì phủ nhận còn dư luận lại đề cao hoặc ngược lại. Đó cũng là sự bình thường và chỉ có thời gian trả lời. Nghệ thuật đích thực luôn là của hiếm. Nghệ thuật đích thực luôn đi cùng thời gian.
Từ thời cổ đại cho đến tận thế kỉ XVIII, thuyết bắt chước của Aristote vẫn thống trị quan niệm về bản chất nghệ thuật. Người ta cho rằng để đạt tới chân lí nghệ thuật chỉ có cách kết hợp sự giống thực cùng với sự biểu đạt của những ý niệm phổ quát về vũ trụ, thiên nhiên, về lí trí, tình cảm… Ở thời Phục hưng, chân lí nghệ thuật được khẳng định là sự thống nhất của cái đẹp và cái thật. Vì thế mĩ học Phục hưng quan niệm nghệ sĩ phải như tấm gương nhưng không phải là sự sao chép nguyên xi mà phải có suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn, phân tích. Người nghệ sĩ phải dựa vào những tri thức về bản chất, bản tính của sự vật. Điều này lí giải tại sao có họa sĩ thiên tài cũng lại là bác sĩ phẫu thuật. Thậm chí khán giả nhìn vào bức tranh khỏa thân thời ấy còn thấy cả những mạch máu như đang phập phồng.
Chưa bàn đến sự tiến bộ và hạn chế nghệ thuật của chủ nghĩa cổ điển (đỉnh cao của mĩ học Phục hưng) nhưng phải khẳng định nó là bài học cho hôm nay: nghệ thuật trước hết là sự tôn trọng ở mức cao nhất đối tượng miêu tả; nghệ thuật là công phu và là địa hạt của tài năng và kiên nhẫn. Ngoài những phép tắc cơ bản thì nhà họa sĩ muốn vẽ người phải học giải phẫu sinh lí người, muốn vẽ phong cảnh phải hiểu cặn kẽ thế giới sinh vật… Cho nên rất có lí, ngày nay có bức tranh của họa sĩ Phục hưng được bán đấu giá lên tới hàng trăm triệu Mĩ kim.
Đến thế kỉ XVIII mĩ học Khai sáng lên tiếng phủ nhận mĩ học Phục hưng và cho rằng sự thật của tự nhiên là cơ sở cho tính giống thực ở nghệ thuật. Sang thế kỉ XIX lại một bước tiến mới của mĩ học khi xác lập nghệ thuật như là những hình thức hoạt động tinh thần - thực tiễn và là những hình thức phản ánh thực tại đặc thù. Từ đó đến nay chân lí nghệ thuật được nhìn nhận trong mối quan hệ mật thiết với tư tưởng, quan niệm, vốn sống, tài năng người nghệ sĩ.
Nghệ thuật là tài năng. Nếu không đủ tài làm nghệ thuật sẽ rất khổ, sẽ cho ra những sản phẩm không phải nghệ thuật hoặc dở dang. Không có năng khiếu bẩm sinh - điều kiện tiên quyết để làm nghệ thuật, thì nên đi làm nghề khác. Sau năng khiếu là cần cù, tâm huyết, say mê. Nhiều nghệ sĩ lớn khẳng định để làm nên một tài năng nghệ thuật thì cần đến 99% là cần cù và 1% là năng khiếu. Điều ấy có lí, nhưng nên nhớ nếu không có dù chỉ 1% năng khiếu này sẽ không có tài năng nghệ thuật. Bồi dưỡng năng khiếu là rất cần thiết nhưng cần thiết hơn là giáo dục tinh thần lao động nghệ thuật, trách nhiệm với đời sống cho người nghệ sĩ. Bài học của một họa sĩ thời Phục hưng: để vẽ người cho đẹp, cho đúng, hàng đêm người họa sĩ ấy phải mò vào nhà xác, mổ trộm các tử thi để tìm hiểu từng đốt xương cơ…
Bổ sung cho tài năng là vốn sống. Vì nghệ thuật là sự kết tinh của những mối quan hệ đời sống nên người nghệ sĩ không hiểu sâu biết rộng về đời sống dứt khoát sẽ không tạo ra những hình tượng đậm đà chất muối của cuộc đời.
Chân lí nghệ thuật là chân lí về quan hệ. Người nghệ sĩ không có một quan hệ mật thiết với nhân dân, không vì nhân dân, vì đất nước, vì một quan niệm nhân sinh tiến bộ nâng đỡ con người chắc chắn sẽ không tạo ra những hình tượng mang giá trị nhân bản, nhân văn.
Như vậy ở người nghệ sĩ, tư chất và tư cách là sự thống nhất, tuy hai nhưng là một.
T.N
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét