Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Lời lời châu ngọc






NGUYÊN THANH

Ca dao người Việt có câu  : "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe". Ấy là dân gian muốn đề cao thứ ngôn ngữ đời thường trong sáng, nhẹ nhàng, đi vào lòng người. Các nhà thơ lớn đều ca ngợi thứ ngôn ngữ bác học đẹp, sang trọng: Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu… (Kiều). Cụ Nguyễn Du còn cho nhân vật nói những lời “ném châu gieo vàng”, “hoa cười ngọc thốt”... Như vậy xem ra người Việt ta đều thích cách ăn nói lịch sự, bóng bẩy. Hình như cả phương Đông đều thích cái đẹp trong văn chương, phải vậy chăng mà nghĩa của từ này đều là đẹp cả (chữ “văn” có nghĩa là đẹp, “chương” nghĩa là rực rỡ, văn chương là vẻ đẹp rực rỡ). Mà có lẽ cả phương Tây cũng thích thế, bằng chứng là cụ Marx cũng nói “con người nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp”. Con người viết văn hay làm thơ cũng là việc “nhào nặn theo quy luật của cái đẹp”.

Thực ra các cách hiểu trên xét đến cùng lại là một vì đều hướng đến con người, coi con người là cái đẹp hoàn hảo nhất. Từ ngàn xưa người Việt ta đã nói người ta là hoa đất, hoa là đẹp, là thơm, là quý. Triết lí sâu sắc của người Việt là nâng niu quý trọng con người, chả thế mà có câu: Ra đường nhặt cánh hoa rơi/ Hai tay nâng lấy cũ người mới ta. Đã là con người thì dù ở đâu, ở hoàn cảnh nào cũng phải “hai tay nâng lấy” như vậy.

Có người coi lí luận văn học hiện đại là sự chiết trung của nhiều cách hiểu trên nên mới đưa ra định nghĩa: Văn học là một hình thái ý thức phản ánh thẩm mĩ. Có nghĩa là nó phản ánh theo quy luật của cái đẹp. Phản ánh thẩm mĩ phải là sự phản ánh trong tình cảm thẩm mĩ. Tình cảm thẩm mĩ luôn tìm đến cái biểu hiện tương ứng là một hình thức đẹp. Chẳng hạn khi miêu tả Kiều tắm, nhà nhân đạo Nguyễn Du có câu: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên. Có lẽ đây là bức tranh “nuy” (nude) hoàn toàn xuất hiện đầu tiên trong văn học xứ ta, nhưng đọc lên ai cũng thấy một tình cảm trân trọng con người, “nuy” mà không hề gợi dục tầm thường. Ấy là nhờ cụ Nguyễn có những ẩn dụ, so sánh thật đắt: trong ngọc trắng ngà, toà thiên nhiên. Ngọc, ngà đều là những thứ đẹp và quý hiếm (dân gian có câu Cổ tay em trắng như ngà…). Nhất là với ẩn dụ “một toà thiên nhiên” được dùng theo lối ước lệ, nàng Kiều được tôn quý ngang tầm vóc, vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên, tạo hoá.

Cũng là tả phụ nữ, mà trong thơ của con cháu cụ Nguyễn thời nay có những câu chẳng có chút gì trân trọng đối tượng miêu tả. Hãy thử đọc những câu sau (có lẽ không cần thiết phải nêu tên chủ nhân của chúng):

- Mùi gạch non và mùi nách
đàn bà.

- Em đi đùi mọng, vú mọng.

- Em đi mủ đêm, nhớt đêm.

Thơ sáng tạo hình ảnh mới lạ để hướng bạn đọc tới cái đẹp cao cả, nhân văn chứ quyết không là sự làm lạ bằng những liên tưởng vật hoá. Xin miễn bình luận nhiều về những câu thơ này, chỉ muốn nói rằng, nếu phụ nữ xưa nay vẫn được coi là biểu tượng của cái đẹp thì ở những thi phẩm này đã bị hạ thấp. Đi theo những liên tưởng quái gở ấy, còn đâu vẻ đẹp lung linh của người con gái từng được đề cao đến tuyệt đỉnh như trong Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm: "Có nhớ từng khuôn mặt búp sen/ Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu toả nắng..."

Gần đây một số ít nhà thơ và nhà tiểu thuyết xứ ta lấy những cảnh gợi dục tầm thường và những hình ảnh rất tục đưa vào trang sách. Họ “lí luận”: văn học là cuộc đời, cuộc đời có gì thì văn học có nấy, có cả cái thiêng liêng của tình yêu và cái tục tằn của cuộc sống. Đấy là nguỵ biện. Cái sai ở chỗ này: họ cố tình đồng nhất tình cảm tự nhiên và tình cảm thẩm mĩ. Tình cảm tự nhiên chỉ là sự phản ứng trước các kích thích của ngoại giới. Một nhà mĩ học người Mĩ - ông Susanne Langer phân biệt tình cảm của một đứa trẻ gào khóc mạnh hơn nhiều tình cảm cá nhân phát ra của một nhạc sĩ. Nhưng tình cảm của đứa trẻ là tình cảm tự nhiên còn tình cảm của nhạc sĩ là tình cảm thẩm mĩ. Người ta chỉ nghe âm thanh của tình cảm thẩm mĩ chứ chả ai bỏ tiền ra để nghe đứa trẻ khóc. Có nghĩa là tình cảm thẩm mĩ được hình thành trên cơ sở thanh lọc, thăng hoa từ những trải nghiệm cá nhân nâng lên thành tình cảm chung phổ quát của loài người.

Chuyện tình dục và cái tục vẫn có thể là chất liệu của văn học miễn nó là phương tiện để nhà văn khái quát một vấn đề nào đó của cuộc sống. Truyện tiếu lâm dân gian của bất kỳ nước nào cũng có những chuyện tục nhưng đó chỉ là cái cớ để tác giả khái quát về một nét tính cách đáng lên án, đáng cười như dốt nát, bậy bạ, dâm đãng, học đòi làm sang…

Một cuốn sách chỉ thích thú với những chuyện sex, chuyện tục, người ta xếp vào chủ nghĩa tự nhiên vốn đã có trong văn học Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Chủ nghĩa này lại chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa thực chứng của Ô. Côngtơ vốn là một thứ triết học phủ nhận bản chất và nguồn gốc của sự vật, chỉ chăm chú với việc trình bày cái thế nào (le comment) mà bỏ qua cái tại sao (le pourquoi). Chính vì thế mà nhân vật trung tâm của chủ nghĩa tự nhiên là con vật - người (bête - humaine) bị chi phối bởi các hoạt động sinh lí. Với những hạn chế, nhất là coi thường, hạ thấp con người mà chủ nghĩa này đã vĩnh viễn bị phủ nhận và đi vào lịch sử văn học thế giới với tư cách là những gì lạc hậu, đen tối, lỗi thời.

N.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét