Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Người mẫu





Bernard Malamud (1914 - 1986) sinh ở New York - Mỹ, cha mẹ là dân nhập cư Nga gốc Do Thái. Qua các tác phẩm của mình ông thể hiện một ý thức về hiện tại và quá khứ mang màu sắc Do Thái, cái thực và siêu thực, sự kiện và huyền thoại. Trong nhiều tác phẩm của mình, Malamud luôn nhấn mạnh sự chịu đựng của các nhân vật, cuộc đấu tranh chống lại mọi trở ngại để tồn tại. Những tác phẩm chủ yếu của Bernard Malamud là các tập truyện: “Chiếc thùng màu nhiệm”, “Ưu tiên kẻ ngốc”, “Chiếc mũ của Rembrandt”...

.Bernard Malamud (Mỹ)


Sáng sớm, Ephraim Elihu gọi điện đến Liên đoàn sinh viên mỹ thuật, ông nói với cô gái trực điện thoại làm sao có thể giúp ông tìm được một người mẫu chuyên nghiệp để ông vẽ tranh khỏa thân. Ông nói là cần tìm một cô người mẫu khoảng trên dưới ba mươi tuổi.

Tôi không nhớ tên của ông, cô gái trực điện thoại bảo, trước đây ông đã liên lạc với chúng tôi bao giờ chưa? Chúng tôi có một số học sinh sẵn sàng làm người mẫu, nhưng chủ yếu là dành cho những họa sỹ mà chúng tôi quen thôi. Elihu nói không, ông không muốn cho người ta biết mình chỉ là một họa sỹ nghiệp dư, trước đã từng học ở Liên đoàn này.

Ông có xưởng vẽ không? - cô gái hỏi thêm. Tôi có một phòng khách tràn ngập ánh sáng, tôi không phải là một người mới tập vẽ nhưng bỏ bao nhiêu năm giờ mới quay lại vẽ, tôi muốn vẽ mấy bức tranh khỏa thân để tìm lại cảm giác về hình thể. Nếu như cô cần tài liệu về thông tin cá nhân, tôi có thể gửi cô xem.

Ông hỏi cô gái giá thuê người mẫu hiện giờ, ngập ngừng giây lát cô gái nói sáu đô la một giờ.

Elihu nói giá này rất thỏa đáng với ông, ông muốn nói chuyện lâu hơn nữa nhưng cô gái không nhiệt tình lắm. Cô ghi lại tên, địa chỉ của ông và nói có thể giúp tìm một người, nhưng phải chờ đến ngày kia mới đến được. Ông cảm ơn sự giúp đỡ đó.

Hôm đó là thứ Tư, cô người mẫu có mặt vào buổi sáng thứ Sáu. Từ tối hôm trước cô ấy gọi điện đến để hẹn ông giờ đến. Qua chín giờ một chốc, cô bấm chuông cửa, Elihu đã đứng đợi ở cửa, ông đã bảy mươi tuổi, sống trong một tòa nhà xây bằng đá gần đại lộ Thứ Chín. Ông thực sự hưng phấn được khai thác khả năng hội họa của mình từ cơ thể của cô gái trẻ này.

Nhan sắc cô người mẫu trông bình thường, cô chừng hai bảy tuổi. Nét đẹp nhất trên khuôn mặt của cô là đôi mắt. Cô gái mặc chiếc áo mưa màu xanh, mặc dù tiết trời mùa xuân trong sáng. Ông thấy có cảm tình nhưng ông cố giữ điều đó cho riêng mình. Cô gái liếc nhìn ông rồi đi thẳng vào trong phòng.

“Chúc một ngày tốt lành.”

“Chào ông.”

“Hình như mùa xuân đã về, cành lá đang bắt đầu đâm chồi, nảy lộc.”

“Ông muốn tôi thay đồ ở đâu?” Cô gái hỏi.

Ông hỏi tên cô gái, cô nói cô tên là Perry.

“Cô có thể thay trong phòng tắm, à không, Perry, nếu thích em vào phòng của tôi ở phía cuối hành lang mà thay, không có ai đâu. Em thay ở đó sẽ ấm hơn ở phòng tắm.”

Cô nói ở đâu cũng không có gì khác biệt, nên cô thay đồ trong phòng tắm.

“Em cứ làm theo ý thích.”

“Vợ ông ở gần đây?” Cô gái liếc mắt nhìn vào trong phòng.

“Không, tôi là người góa vợ.”

Ông nói ông có một đứa con gái nhưng đã mất trong một vụ tai nạn giao thông.

Cô gái xin lỗi đã làm ông buồn, “Tôi thay đồ và quay lại ngay.”

“Không vội gì cả.” Trong lòng ông khấp khởi mừng thầm được vẽ cô gái ngay bây giờ.

Cô gái vào phòng tắm, cởi đồ ở đó và rất nhanh quay trở lại. Cô tuột chiếc áo choàng tắm xuống đất, cái cổ và bờ vai của cô thon thả, nõn nà.



Minh họa: arodrigue

Cô hỏi ông muốn cô ngồi trong tư thế như thế nào. Ông đứng cạnh chiếc bàn ăn tráng men gần cửa sổ lớn. Ông bóp hai tuýp màu vẽ lên mặt bàn và bắt đầu pha trộn. Còn ba tuýp màu kia ông không động đến. Cô gái rít một hơi xì gà cuối cùng rồi dụi mẩu thuốc lên nắp hộp cà phê trên bàn.

“Tôi mong ông sẽ không phiền nếu thỉnh thoảng cho tôi hút một hơi.”

“Không sao, khi nào em hút thì chúng ta nghỉ giải lao.”

“Tôi cũng nghĩ vậy.”

Rồi cô ngồi xem ông chầm chậm pha màu.

Elihu không vội vàng ngắm nhìn cơ thể lõa trần, ông nói muốn cô ngồi ở chiếc ghế đặt cạnh cửa sổ. Ngoài sân sau có một cây xuân mộc đang nảy lộc ra lá.

“Ông muốn tôi ngồi như thế nào, có vắt chân lên hay không?”

“Tùy em thôi, miễn sao em thấy thoải mái, vắt chân hay duỗi chân không khác gì nhiều lắm.”

Cô gái ngạc nhiên vì điều này. Cô đến bên chiếc ghế màu vàng cạnh cửa sổ, ngồi xuống, vắt chân này lên chân kia.

“Như thế này được chưa ông?”

Elihu gật gật đầu: “Đẹp, đẹp lắm!”

Ông chấm cọ vẽ vào chỗ màu đã trộn trên bàn, ông liếc mắt lên cơ thể lõa trần của cô gái rồi bắt đầu đặt bút vẽ. Ông cứ nhìn cô, rồi lại quay nhanh sang chỗ khác cứ như sợ mạo phạm với cô. Ông tỏ ra rất tập trung, thỉnh thoảng ông chăm chú nhìn cô nhưng lại tảng lờ như không nhìn. Còn cô cũng chẳng cần quan tâm đến ông. Một lần cô quay ra ngắm cây xuân mộc, ông nhìn kỹ cô một lúc lâu, rồi hỏi chuyện xem cô thấy gì ở cái cây đó.

Sau đó cô bắt đầu quan sát ông. Cô nhìn vào mắt ông, nhìn vào đôi tay ông, ông bối rối không biết mình làm gì sai. Chừng sau một giờ đồng hồ, cô gái sốt ruột, đứng phắt dậy khỏi cái ghế vàng.

“Em mệt?”

“Không phải vậy.” Cô gái trả lời, “Chúa ơi, tôi thực sự muốn biết, ông đang làm cái gì thế? Nói thật nhé, tôi thấy ông chẳng biết một tý gì về hội họa.”

Ông giật mình, ngạc nhiên rồi lập tức vơ lấy chiếc khăn phủ trùm che tấm toan lại.

Sau một lúc lâu, Elihu mới từ từ liếm cặp môi khô và nói, ông không tự nhận mình là họa sỹ. Điều này khi ông gọi điện đến Liên đoàn, ông đã nói hết với cô trực điện thoại. Rồi ông nói: “Tôi có lỗi vì đã mời em đến nhà tôi hôm nay, tôi nghĩ mình cần phải tập nhiều trước đã, để không làm lãng phí thời gian của người khác. Có lẽ tôi chưa sẵn sàng chuẩn bị để làm những điều tôi muốn.”

“Tôi chẳng quan tâm ông cần phải tập trước bao lâu. Nói thẳng ra, tôi thấy ông đâu có vẽ tôi. Thực tình, tôi cảm thấy ông chẳng có hứng thú gì để vẽ tôi cả. Ông chỉ có hứng kiếm cớ để đôi mắt lướt qua lướt lại trên cơ thể lõa trần của tôi. Tôi không biết ông cần gì nhưng tôi chắc chắn rằng tất cả những gì ông đã làm chẳng có gì liên quan đến vẽ tranh.”

“Có lẽ tôi đã có lỗi.”

“Tôi nghĩ đúng như thế.” Cô gái vừa nói vừa khoác chiếc áo choàng tắm và buộc chặt dây đai lại.

“Tôi là một họa sỹ, chỉ vì túng thiếu mà tôi phải làm người mẫu. Chỉ cần nhìn qua là tôi biết đâu là giả mạo.”

“Tôi không nghĩ lại tệ đến mức ấy. Tôi chủ quan không nói rõ sự thực với cô gái trực điện thoại ở Liên đoàn. Tôi thực sự xin lỗi về những chuyện vừa qua,” giọng Elihu khàn đặc, “Tôi nên suy nghĩ thấu đáo hơn về những việc mình đã làm. Năm nay tôi đã bảy mươi tuổi rồi, tôi luôn luôn yêu phụ nữ và mọi mất mát ấy là nỗi đau lớn của cuộc đời tôi. Cho đến giờ, ngần này tuổi đầu, tôi vẫn chưa có một người con gái nào thân thiết. Đó là một trong những lý do để tôi muốn quay lại vẽ tranh cho dù tôi chẳng có tài nghệ gì ghê gớm. Vả lại, tôi không nghĩ rằng mình đã quên hội họa quá nhiều, không chỉ có vậy mà tôi không còn nhớ được thân thể người đàn bà như thế nào. Tôi không nhận ra rằng mình thực sự bị thân thể em hút hồn, cuộc đời trôi đi nhanh quá. Tôi muốn được vẽ lại để tìm cảm giác mới trong cuộc sống. Tôi rất ân hận vì đã quấy rầy, làm phiền em.”

“Tôi được trả tiền cho sự quấy rầy đó nhưng để tôi phải đến đây, phải chịu ánh mắt của ông quét qua quét lại khắp thân thể tôi, sự sỉ nhục đó ông không thể đền được.”

“Tôi không nghĩ rằng đó là sự sỉ nhục.”

“Nhưng tôi cảm thấy thế.”

Sau đó, cô gái bắt ông phải cởi quần áo.

“Tôi á?” Ông hoảng hốt. “Để làm gì vậy?”

“Tôi muốn ký họa ông, ông cởi quần và cởi áo ra đi.”

Ông nói chưa bao giờ mặc mỗi đồ lót, nhưng cô gái vẫn tỉnh bơ.

Ông cởi quần áo và cảm thấy vô cùng xấu hổ khi phải nhìn cô gái, với vài nét cọ rất nhanh cô đã ký họa xong hình thể của ông. Ông đâu có xấu, nhưng ông cảm thấy bị vẽ rất xấu. Cô gái hoàn thành xong bức ký họa, cô bóp sơn đen từ trong tuýp ra, nhúng cọ bôi chằng chịt lên khắp chỗ vẽ mặt của ông, để lại một mảng đen sì.

Ông thấy cô thù ghét ông nhưng ông chỉ im lặng.

Cô gái vứt cọ vẽ vào sọt rác rồi quay về phòng tắm thay quần áo.

Ông viết số tiền theo thỏa thuận trước đó lên tấm séc, ông xấu hổ khi viết tên của mình, nhưng ông vẫn ký và đưa tấm séc cho cô gái. Cô dúi tờ séc vào trong chiếc ví rồi ra về.

Ông nghĩ dẫu sao cô cũng không phải là người đàn bà xấu cho dù cô không tử tế. Ông tự hỏi mình: “Không còn gì tốt đẹp hơn lúc này cho cuộc đời của ta sao? Những thứ này có phải là để dành cho ta?”

Dường như các câu trả lời đều là như vậy. Ông đã khóc vì tuổi già của mình đến nhanh quá.

Ông kéo chiếc khăn phủ ra khỏi tấm toan, cố gắng vẽ nốt khuôn mặt cô gái đang vẽ dở, nhưng thực sự ông đã quên mất rồi.

Ngọc Lê dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét