Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Sửa sang từng mảnh nhỏ




TTCT - 1. Năm 2007, tôi lần đầu vẫy một chiếc taxi ở Anh. Khi lên xe, ngoài việc hỏi địa chỉ nơi đến thì anh tài xế vui miệng còn chuyện qua chuyện lại. Có lẽ vì thấy tôi có vẻ bỡ ngỡ, anh mở đầu câu chuyện bằng một câu hỏi rất cũ: Anh là người nước nào?



Tranh: Lê Thiết Cương


Tôi, tất nhiên vui vẻ trả lời: Tôi là người Việt Nam. Chuyện bình thường, chẳng có gì đáng nhớ nếu không có thêm một khúc sau đó.
Sau khi đã hỏi qua đáp lại một hồi, anh tài hồn nhiên khoe: Anh biết không, cảnh sát vừa tóm một nhóm người Việt “trồng cỏ” ở London. Vụ lớn lắm, rầm rĩ cả tuần nay.
Tôi sững người sau khi kịp hiểu ra “trồng cỏ” là gì. Xưa nay chỉ nghe loáng thoáng lúc trà dư tửu hậu, vào tai nọ rồi ra tai kia như chuyện ở trên trời, ai ngờ có lúc bị giội thẳng vào mặt như vậy. Ngẩn người một lát lâu, tôi chỉ biết im lặng. Cũng không kịp nghĩ xem ông này nhắc khéo gì mình, hay chỉ vui miệng mà đưa chuyện. Anh tài thấy vậy cũng không nhắc gì thêm nữa.
Nhưng nỗi buồn không rõ từ đâu dội đến, mãi không dứt ra được. Từ đó trở đi, cứ mỗi khi nghe thấy chuyện “trồng trọt” ở đâu đó là tôi lại giật thót. Có khi nào người ta “bóng gió” gì mình? Mình đến đây để làm việc đàng hoàng, dõng dạc bình đẳng như tất cả mọi người.
Nhưng xem ra chỉ mình mới thấy vậy, chứ thiên hạ chưa chắc đã tin vậy. Mà làm sao có thể tin được nếu chả mấy tuần đài báo không có bài về các vụ “trồng trọt” công nghệ cao, trộm cắp tinh vi với những cái tên rất quê hương, và tình tiết ly kỳ ngoài sức hình dung của người thường?
Rồi dần dà người bản xứ định hình một nếp nghĩ, cứ nhắc đến người Việt Nam là họ nhớ ra ngay những chuyện đó. Thương hiệu quốc gia bỗng chốc bị nhấn chìm vào mớ thông tin buồn nản ngại ngùng mà không cách nào thanh minh được. Một cá nhân thôi cũng thấy danh dự của mình bị sứt một mảnh tướng.
Cuộc đời sau đó còn đưa đẩy tôi đi qua nhiều vùng đất khác nhau. Nhưng ngoài chuyện chiến tranh đã là quá khứ, thì khi nhắc đến Việt Nam, những câu chuyện gây đỏ mặt như trên vẫn thường xuyên xuất hiện. Tùy nơi mà kiểu chuyện khác nhau, nhưng cảm giác chung khi nghe là ngượng.
Nhiều lúc ngồi nghĩ đành rằng nước mình vẫn còn khó khăn nhưng có truyền thống hào hùng. Vậy mà bao lần giao tiếp với người nước ngoài, họ chỉ biết Việt Nam đã từng có vài cuộc chiến lớn, rồi sau đó là những chuyện vui ít buồn nhiều.
Khó mà trách họ được. Cuộc sống bận rộn. Dòng thông tin cuồn cuộn chảy. Mấy ai có thời gian để lật lại những chuyện từ ngày xửa ngày xưa của một vùng xa lắc. Những gì nổi trên mặt báo thì họ hớt lấy và tin như thế. Vậy cũng đã đủ mệt, và đủ chính đáng với họ rồi.
2. Hôm rồi, tôi lại giật thót mình khi đọc báo thấy tiếp viên của Vietnam Airlines, tức Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, bị nghi tiếp tay tiêu thụ đồ trộm cắp siêu thị ở đất Phù Tang.
Lần đọc tiếp, lại giật thót khi thấy những tấm ảnh chụp biển cảnh báo trộm cắp, biển nhắc nhở ăn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu trong nhà hàng buffet, viết bằng tiếng Việt, nhưng không phải ở nhà mà xa tít xứ người. Rồi một ông thái tử xứ sương mù bỗng dưng lên truyền hình kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã bằng... tiếng Việt.
Sao kỳ lạ vậy? Cảm giác những dòng chữ, tiếng nói Việt bỗng không còn thân thương nữa mà trĩu nặng ngượng ngùng. Bởi chuyện không chỉ là chuyện trong nhà mà đã trở thành mối cảnh giác của người ngoài ở nhiều nơi, nhiều xứ. Những phàn nàn cũng không còn trên mặt giấy mà đã “đi vào thực tế” hùng hổ đến mức người ta phải cắm biển cảnh báo.
Danh dự quốc gia là gì, nếu không phải là tập hợp danh dự của các cá nhân? Câu chuyện tưởng như xa lạ trên mặt báo giờ thật ra là lựa chọn của mỗi người: Phải làm gì trong tình thế oái oăm này? Hẳn chẳng còn cách nào khác, đừng làm xấu đi, đừng nói dối, đừng gây hại thêm, rồi sửa sang từng mảnh nhỏ từ chính bản thân mình.
GIÁP VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét