" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017
Luật an ninh mạng: Đừng tự mình trói mình vào lạc hậu, lạc lõng
Ls. Trần Hồng Phong
Pháp luật nào cũng cần bảo đảm tính khả thi, vì lợi ích lâu dài của quốc gia, vì sự phát triển kinh tế xã hội và hoà nhập với thế giới. Trong đó bao gồm tăng cường và bảo vệ quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà Hiến pháp đã quy định và Việt Nam cũng đã tham gia trong các công ước quốc tế. Dự thảo Luật an ninh mạng hiện tại cho thấy phải chăng chúng ta đang đi theo một hướng khác, tự trói mình vào lạc hậu, lạc lõng và cũng không thực sự có lợi cho đất nước, người dân.
Google, với các dịch vụ miễn phí như Gmail, rõ ràng đang là phương tiện kỹ thuật tốt nhất và thông dụng nhất để liên lạc, gửi thông tin mà hầu hết mọi doanh nghiệp, người dân tại Việt Nam đang sử dụng (ảnh minh hoạ)
Quyền biểu đạt, tự do ngôn luận cần được bảo đảm
Có thể thấy nội dung xuyên suốt của dự luật bộc lộ và thể hiện mối quan ngại của cơ quan soạn thảo về các vấn đề mang tính chính trị, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, cùng các biện pháp ngăn chặn cả về hành chính và kỹ thuật theo hướng cấm đoán, ngăn chặn hoặc gây khó khăn, nặng nề cho người dùng và nhà cung cấp dịch vụ. Một số điều khoản thậm chí là sự vô lý, bất khả thi và không phù hợp với tính năng và xu thế công nghệ liên quan đến mạng internet trên thế giới hiện nay.
Trong dự luật đã đưa ra nhiều khái niệm, quy định mà theo tôi đã được quy định hay điều chỉnh trong nhiều luật khác, nhưng lại theo hướng khó khăn, cấm đoán nặng nề hơn. Chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp, các quyền dân sự trong Bộ luật dân sự, Luật báo chí ...vv.
Đơn cử như tại Điều 22 quy định về việc xử lý thông tin trên không gian mạng "có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Tuy nhiên đây rõ ràng là những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều luật khác, như Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính hay Bộ luật hình sự ... Theo đó, trước khi xử lý phải tiến hành thẩm định, giám định làm rõ một bài viết hay ý kiến của ai đó có phải là "vu khống", hay "chống phá Nhà nước" không - thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chứ không thể chỉ từ đánh giá cảm tính là cơ quan an ninh có quyền "chặn", "xoá" ... vv.
Chúng ta cần nhớ rằng tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền công dân được Hiến pháp bảo đảm. Và chính nhờ thông tin của người dân trên mạng xã hội, mà đã khám phá, phanh phui ra nhiều vụ tham ô, tham nhũng, phát hiện rất nhiều trường hợp cán bộ sa đoạ, giàu bất chính ... và bị cơ quan chức năng xử lý.
Yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam không khả thi
Một trong những nội dung gây tranh luận nhiều nhất, là tại Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ VN".
Quy định như trên trực diện đích danh đến những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay và dịch vụ của họ. Đó là Facebook, Google, Microsoft, Apple ... - với hàng tỷ người đang sử dụng trên toàn thế giới, và hàng trăm ngàn doanh nghiệp, nhiều chục triệu người tại Việt Nam đang sử dụng miễn phí, với rất nhiều tiện ích, hữu dụng.
Rõ ràng hàng chục triệu người VN đang sử dụng miễn phí các dịch vụ như gmail, tin nhắn, không gian lưu trữ và các ứng dụng văn phòng của Google, hay Microsoft, Apple ... Đây đã và đang là những các "phương tiện kỹ thuật" không thể thiếu trong kinh doanh của hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu cá nhân tại Việt Nam. Hãy thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu gmail hay internet bị cấm đoán hay không còn nữa? Đó chính là sự tê liệt về thông tin liên lạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế đất nước...
Theo tôi, việc trong dự luật An ninh mạng đặt vấn đề các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như Google hay Microsoft phải đặt "máy chủ" tại Việt Nam là một ý tưởng bất khả thi, trên cơ sở nhận thức có phần lạc hậu, chưa hiểu rõ về tính năng cũng như xu hướng công nghệ, không gian lưu trữ dữ liệu số trên thế giới hiện nay. Vì hiện nay hầu như tất cả các dịch vụ, ứng dụng đều lưu trữ theo mô hình "đám mây" (cloud), tức là phải bảo đảm luôn thông suốt trên mạng internet, với không gian lưu trữ khổng lồ là các Trung tâm dữ liệu (Cloud Campus), kinh phí đầu tư lên tới hàng tỷ USD, dùng chung và kết nối toàn thế giới. Việc mở một Cloud Campus hoàn toàn không đơn giản, phục thuộc vào rất nhiều yếu tố, chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư. Việc "bắt" các tập đoàn khổng lồ như Google hay Apple phải đầu tư Cloud Campus vào VN trong bối cảnh hiện nay rõ ràng là không thể và cũng không theo nguyên tắc nào.
Với quy định như vậy, không gì khác hơn là chúng ta đẩy hoạt động của Google, Facebook ... vào thế "bất hợp pháp" mà không thể xử lý. Hoặc tệ hơn, dẫn đến việc Google, Facebook ... phải rút khỏi Việt Nam, cùng đó là những thiệt hại khổng lồ và không thể lường hết về hậu quả.
Hãy thử hình dùng trường hợp một doanh nghiệp VN mua bán háng hoá quốc tế, trao đổi tài liệu, ký kết hợp đồng qua Email, Messenger. Nếu không có Google thì làm sao liên lạc được, trong khi cũng không có lựa chọn nào khác! Và các doanh nghiệp VN thì có lẽ vài chục năm nữa cũng không thể có được những dịch vụ tương tự như vậy.
Đó là chưa kể quy định trên cũng không phù hợp với nội dung Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chương Thương mại điện tử, khoản 2 Điều 14.13 có quy định: “Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của Chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó”. Mà Việt Nam đang là một bên tham gia đàm phán gia nhập. Cũng như các nguyên tắc về tự do thương mại của WTO mà VN là một thành viên.
Không nên tự trói mình vào lạc hậu, lạc lõng
Bất kỳ quốc gia nào cũng cần có hệ thống pháp luật chặt chẽ và đủ mạnh, bảo đảm an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đó là điều không có gì phải bàn cãi. Điều quan trọng hơn, là pháp luật ấy phải khả thi, áp dụng được trong đời sống hiện thực.
Mặt khác, an ninh chủ quyền dân tộc không đơn thuần và không chỉ là vấn đề "an ninh mạng", mà liên đới, có quan hệ mật thiết với nhiều vấn đề khác. Trong đó có việc phải bảo đảm vì lợi ích lâu dài của quốc gia lâu, vì sự phát triển kinh tế xã hội và hoà nhập với thế giới. Bao gồm tăng cường và bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ mà Hiến pháp đã quy định và Việt Nam đã tham gia trong các công ước quốc tế. Đó cũng chính là mục tiêu và mục đích mà pháp luật hướng tới.
Với Dự thảo Luật an ninh mạng như hiện tại, phải chăng chúng ta đang đi theo một hướng khác biệt so với xu hướng chung trên toàn thế giới, so với xu hướng của nền khoa học, công nghệ ngày càng phát triển? Phải chăng chúng ta đang tự trói mình vào lạc hậu, lạc lõng với thế giới? Điều này cũng hoàn toàn không có lợi cho lợi ích quốc gia, cho người dân. Nếu không muốn nói là ngược lại.
.....
Google, Facebook ... lưu trữ dữ liệu ở đâu?
Để cung cấp các dịch vụ và không gian lưu trữ, các công ty công nghệ lớn thường xây dựng trung tâm dữ liệu của riêng mình (Cloud Campus), nơi tập trung sức mạnh lưu trữ và xử lý khổng lồ. Cloud Campus được coi là biểu hiện vật chất của Internet, thường được xây dựng ở khu vực xa trung tâm, giá điện rẻ, thoáng mát. Dưới đây là Cloud Campus của một số công ty công nghệ hàng đầu hiện nay.
Facebook: Gồm hai trung tâm dữ liệu khổng lồ, diện tích mỗi điểm gần 28 nghìn mét vuông, phục vụ cho khoảng 2 tỷ người dùng. Facebook đã đầu tư hơn 780 triệu USD vào đây và thu hút các công ty công nghệ khác cùng đặt hệ thống máy chủ.
Apple: Apple đã đầu tư 1 tỷ USD để tạo nên một Cloud Campus rộng hơn 46 nghìn mét vuông ở Maiden, Carolina (Mỹ). Ngoài ra, Apple hiện nay còn có trung tâm dữ liệu ở Oregon, Nevada, Ireland và Đan Mạch để cung cấp cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ như iTunes và iCloud.
Google: Công ty hiện chi hơn 2 tỷ USD mỗi quý để phát triển cơ sở hạ tầng Cloud Campus đặt tại Council Bluffs (Mỹ).
Microsoft: Microsoft có nhiều cụm máy chủ tập trung chủ yếu ở Virginia (Mỹ). Được triển khai từ năm 2011 với tổng mức đầu tư vào khoảng 1,7 tỷ USD.
Từ Bình An-Thủ Dầu Một đến Bình Dương
Phạm Đình Lân
Nam Kỳ chạy dài từ Biên Hòa đến mũi Cà Mau trên một diện tích rộng 65,000 km2. Dưới triều vua Gia Long Nam Kỳ có ngũ trấn. Từ triều đại vua Minh mạng đến đời vua Tự Đức Nam Kỳ có lục tỉnh.
Pháp xâm chiếm Nam Kỳ và biến vùng đất này thành thuộc địa của họ trước khi biến Trung và Bắc Kỳ thành đất bảo hộ. Để tiến đến việc kiểm soát an ninh lãnh thổ họ chia Nam Kỳ ra làm 21 tỉnh. Nam Kỳ có tổ chức hành chánh hoàn toàn khác với hai vùng đất bảo hộ ở Trung và Bắc Kỳ. Các đơn vị hành chánh địa phương là: tỉnh, quận, tổng, xã (làng).
Đứng đầu guồng máy cai trị Nam Kỳ có thống đốc người Pháp (gouverneur de la Cochinchine). Các thống đốc Nam Kỳ đầu tiên đều là các tướng lãnh Hải Quân. Đến năm 1879 Le Myre de Villers là thống đốc dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ
Đứng đầu tỉnh vào thập niên 1860 là các sĩ quan Hải Quân Pháp. Danh tước thời bấy giờ là Inspecteur des Affaires Indigènes (Thanh Tra Bản Xứ Vụ) về sau gọi là Chánh Tham Biện (tỉnh trưởng) có một phó tham biện phụ giúp. Sau này có chánh tham biện dân sự tốt nghiệp ENA. Dưới thời quốc trưởng Bảo Đại (1949- 1955) người đứng đầu tỉnh ở Nam Việt là tỉnh trưởng. Chức vụ này nằm trong tay các đốc phủ sứ.
Đứng đầu quận có vị quận trưởng. Quận trưởng có khi là một người Pháp tốt nghiệp ENA. Có khi là người Việt Nam. Từ năm 1949 về sau tỉnh trưởng và quận trưởng ở Nam Việt do các nhà hành chánh Việt Nam đảm trách.
Đứng đầu tổng có cai tổng (chef de canton) do người Việt đảm nhận.
Trông coi việc hành chánh xã có ban hội tề (Conseil des Notables) gồm có 12 vị . Ban Hội Tề như một nội các nhỏ ở đơn vị hành chánh căn bản trong nước. Ông Cả, ông Chủ đứng đầu ban Hội Tề thực sự chỉ là người lớn tuổi chớ không có thực quyền. Người thực sự có thực quyền là ông xã (maire) trong ban Hội Tề.
Người Pháp tách rời huyện Bình An thuộc tỉnh Biên Hòa để thành lập ra tỉnh Thủ Dầu Một. Trước kia hai tỉnh phía bắc Nam Kỳ là Biên Hòa và Gia Định phân cách nhau bằng sông Sài Gòn. Phần đất bên hữu ngạn sông Sài Gòn thuộc tỉnh Gia Định tức Phiên Trấn dưới triều vua Gia Long. Phần đất bên tả ngạn sông Sài Gòn thuộc tỉnh Biên Hòa. Theo tổ chức hành chánh cũ Thủ Đức thuộc Biên Hòa chớ không thuộc về Gia Định như sau này vì Thủ Đức nằm về phía tả ngạn sông Sài Gòn. Tỉnh Gia Định thời nhà Nguyễn bị mất đất vì người Pháp lập ra tỉnh Tây Ninh, Chợ Lớn, Gò Công, Tân An nên phải an ủi tỉnh Gia Định bằng cách đưa Thủ Đức và Dĩ An thuộc Biên Hòa cho Gia Định.
Thủ Dầu Một xưa
Huyện Bình An đã trở thành tỉnh Thủ Dầu Một, nơi Pháp đặt chân lên sau khi chiếm đồn Kỳ Hòa (1860). Thành Công Binh sau này do người Pháp xây dựng lên. Người đương thời gọi là thành Pháo Thủ (artilleur) hay thành Săn Đá do chữ soldat (lính; chiến sĩ) mà ra. Thành xây dựng nơi uốn khúc của sông Sài Gòn. Gần đó có một cây dầu đơn độc cao ngất. Có một người leo bắt ổ diệc và bị té chết nên ca dao địa phương có câu:
Ngó lên chợ Thủ cây dầu (1)
Có thằng bắt diệc (2) té nhào lộn xương.
Thoát thai từ một huyện của tỉnh Biên Hòa, tỉnh Thủ Dầu Một phải nhường bước trước Biên Hòa về nhiều phương diện: dân số nhỏ hơn, sinh hoạt kinh tế kém hơn Biên Hòa đôi chút. Cho đến năm 1960 Bình Dương (tên mới của Thủ Dầu Một) chưa có tòa án. Vì vậy muốn lục khai sinh phải đi Biên Hòa.
Dưới thời Pháp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một gồm Lái Thiêu, quận Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng, Lộc Ninh.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt- Pháp hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên. Vai trò chiến lược của tỉnh Thủ Dầu Một có vẻ quan trọng hơn Biên Hòa. Vì Thủ Dầu Một nằm gọn trong Chiến Khu D tiếp giáp với Chiến Khu C ăn thông qua biên giới Việt- Cambodia.
– Năm 1954 Việt Nam bị qua phân. Phía bắc vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải- cầu Hiền Lương) là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và phía nam vĩ tuyến 17 là Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1956 tỉnh Thủ Dầu Một được cải danh thành tỉnh Bình Dương. Lộc Ninh- Hớn Quản nơi có nhiều đồn điền cao su tách rời khỏi Bình Dương để trở thành tỉnh Bình Long. Bù lại một phần lãnh thổ ở hữu ngạn sông Sài Gòn, vùng Phú Hòa Đông được sáp nhập vào tỉnh Bình Dương. Năm 1957 ba quận của tỉnh Biên Hòa là Hiếu Liêm, Tân Uyên và Phú Giáo hợp lại thành một tỉnh mới: Phước Thành. Đến năm 1965 tỉnh Phước Thành giải thể. Hai quận Hiếu Liêm và Tân Uyên trở về với Biên Hòa. Tỉnh Phước Thành trở thành quận Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương. Nói một cách vắn tắt từ năm 1956 đến 1975 Bình Dương có 06 quận: Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Phú Hòa Đông. Bình Dương càng quan trọng hơn trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam II vừa qua. Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Phú Hòa Đông được xem là vùng mất an ninh trầm trọng. Bến Cát nằm trong vùng tam giác sắt liên hệ với Củ Chi, cửa ngõ tiến về Sài Gòn.
Từ thập niên 1960 Bình Dương có tòa án nên cư dân không phải vất vả đi Biên Hòa khi có chuyện kiện tụng hay sao lục khai sinh hay xin tư pháp lý lịch.
Dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, Nam Việt (danh xưng của Nam Kỳ dưới thời quốc trưởng Bảo Đại) được đổi thành Nam Phần. Chức Thủ Hiến được thay thế bằng chức Đại Biểu Chánh Phủ. Ít lâu sau, vì tình hình bất an ninh, chức Đại Biểu Chánh Phủ được chia ra làm hai:
– Đại Biểu Chánh Phủ miền đông Nam Phần
– Đại Biểu Chánh Phủ miền tây Nam Phần.
Như đã nói, tỉnh Bình Dương càng lúc càng quan trọng hơn so với Biên Hòa khi văn phòng toà Đại Biểu Chánh Phủ miền Đông Nam Phần và Bộ Tư Lịnh Sư Đoàn V Bộ Binh di chuyển từ Biên Hòa về Bình Dương (Phú Lợi rồi Lai Khê).
Sau năm 1975 tỉnh Bình Dương được cải danh thành Bình Thủ tức Bình Long- Thủ Dầu Một rồi Sông Bé. Mãi đến năm 1997 mới trở lại tên cũ trước năm 1975: Bình Dương.
Bình Dương sau năm 1997 gồm 09 (chín) huyện: Thuận An (Lái Thiêu), Châu Thành Thủ Dầu Một, Dĩ An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Bầu Bàng, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo. Phú Hòa Đông nằm bên hữu gần sông Sài Gòn được trở về với Thành Phố Hồ Chí Minh. Bình Dương bây giờ có Tân Uyên, Bắc Tân Uyên và Dĩ An. Ba huyện này trước kia là hai quận (Dĩ An & Tân Uyên) của tỉnh Biên Hòa. Như vậy tỉnh Bình Dương bây giờ rộng, đông dân và phú túc về mặt kinh tế hơn Bình Dương trước 1975. Tỉnh Bình Dương có sông Sài Gòn, sông Bé, sông Thị Tính và một phần hữu ngạn sông Đồng Nai. Núi Châu Thới nằm trong tỉnh Bình Dương.
Tên Năm Diện Tich
Bình Dương trước 1975 2,000 km2
Bình Dương bây giờ 2,695 km2
****
Dưới thời Pháp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một nổi tiếng về các trại mộc (Thủ Dầu Một, Lái Thiêu), sơn mài (Phú Cường, Tương Bình Hiệp), đồ gốm (Bình Nhâm, Hưng Định, Thuận Giao, Phú Cường, Tân Khánh), nhà máy ép dầu (Phú Cường, Tân Thới, Tân Khánh), đồn điền cao su (Dầu Tiếng, Lộc Ninh), đất sét (Bình Chuẩn, Thuận Giao, Tân Khánh, Phú Chánh).
Lái Thiêu có sông Sài Gòn và nhiều rạch (arroyos), đất mùn rất tốt cho việc trồng cây ăn trái miền nhiệt đới. Những vườn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt ở Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn do các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo học ở Penang đem giống từ Mã Lai về trồng. Bình Nhâm, Nhị Bình (Gia Định), Cái Mơn (Bến Tre) nổi tiếng về các vườn sầu riêng, măng cụt, chôm chôm vì đó là những địa danh có tỷ lệ tín đồ Thiên Chúa Giáo cao ở Nam Kỳ vào thế kỷ XIX. Các lò gốm ở địa phương đều do người Hoa làm chủ. Nghề mộc phát triển. Ở Phú Long có Mộc Tổ Miếu để các thợ mộc đủ mọi ngành đến cúng Tổ ngành mộc hàng năm.
Bến Cát có trại chăn nuôi và trường nông lâm nghiệp đào tạo kiểm lâm (contolleur forestier) và cán bộ canh nông. Từ Lai Khê lên Lộc Ninh, Hớn Quản đất đỏ màu mỡ thích hợp cho cây cao su, cà phê, hồ tiêu, và cây ăn trái không cần nhiều nước như mít, điều.
Ở Chơn Thành có Viện Nghiên Cứu Cao Su Đông Dương (IRCI: Institut de Reserche du Caoutchouc de l’Indochine).
Dầu Tiếng nổi tiếng với đồn điền cao su Michelin, tên Công Ty sản xuất vỏ ruột xe hơi nổi tiếng trên thế giới.
Thủ Dầu Một sản xuất nhiều đậu phọng, đậu đen, đậu xanh, thuốc lá, mía trên những cánh đồng khô hạn ở Bình Chuẩn, An Mỹ, Phú Chánh, Phú Hữu, Chánh Lưu. Hai xã Phú Chánh và Phú Hữu còn nổi tiếng về việc trồng nghệ và ớt.
Năm 1905 chánh tham biện tỉnh Thủ Dầu Một ra lịnh cho thợ mộc dùng gỗ trong tỉnh làm một căn nhà dựa vào kiến trúc của đình Bà Lụa để đem sang Pháp dự cuộc Đấu Xảo Thuộc Địa ở Marseille. Ngôi nhà này được gọi là Maison de Thudaumot (Nhà Thủ Dầu Một). Có người gọi là Temple de Thudaumot (Đình Thủ Dầu Một vì ngôi nhà phỏng theo kiến trúc của đình Bà Lụa). Năm 1907 ngôi nhà theo kiến trúc đình miếu này được đưa về Jardin Colonial (Vườn Thuộc Địa) ở Nogent sur Marne cách trung tâm Paris 10.6 km. Sau khi đệ nhất thế chiến chấm dứt người ta xây tại Đình Thủ Dầu Một này một cái Đền dành cho các công nhân và lính Việt Nam tử trận dưới lá cờ của Pháp trong đệ nhất thế chiến. Đó là Đền Kỷ Niệm Đông Dương (Temple du Souvenir Indochinois) tưởng niệm 1,548 người Việt Nam gồm các công nhân phục vụ chiến trường (ouvrier non spécialisé- công nhân không chuyên nghiệp) và lính Việt Nam chiến đấu chống quân Đức và tử trận. Đền được khánh thành ngày 09-06-1920 với sự hiện diện của thống chế Joffre (1852- 1931) , Albert Sarraut (1872- 1962), cựu toàn quyền Đông Dương và tổng trưởng bộ Thuộc Địa lúc bấy giờ, Alexandre Millerand (1859- 1943), thủ tướng sau là tổng thống Pháp. Về phía Việt Nam, đại diện cho vua Khải Định có ông Đặng Ngọc Oánh (1871- 1922). Ông Đặng Ngọc Oánh đọc diễn văn khánh thành Đền Kỳ Niệm Đông Dương. Ông là người Biên Hòa, giỏi tiếng Pháp, làm việc cho triều đình Huế. Ông là ngoại tổ của ông Tôn Thất Thiện, cựu tổng trưởng bộ Thông tin, và nội tổ của nữ sĩ Đặng Ngọc Lệ Khánh. Năm 1922 trong chuyến tây du Pháp Quốc vua Khải Định và hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này) có đến viếng thăm Đền Kỷ Niệm Đông Dương từng được gọi là Đình Thủ Dầu Một này. Cũng năm 1922 Miếu Tử Trận được khánh thành ở Thủ Dầu Một.
Cho đến ngày đất nước qua phân Thủ Dầu Một chưa có trường trung học mà chỉ có hai trường tiểu học lớn dành cho Nam và Nữ học sinh riêng biệt tại tỉnh lỵ. Trường tiểu học nữ học sinh sau này là Tòa Án Bình Dương và văn phòng toà Đại Biểu Chánh Phủ Miền Đông. Học sinh muốn học trung học phải qua một kỳ thi tuyển gay go vào trường Pétrus Ký hay Chasseloup Laubat. Trường Chasseloup Laubat là trường dành cho con cái các viên chức Pháp hay con của các quan và các nhà kinh thương Việt Nam giàu có học. Tại địa phương có trường trung học tư thục Tân Ánh Mai hoạt động yếu ớt vì thiếu thầy và học sinh. Vào đầu thập niên 1950 có trường trung học tư thục Nguyễn Trãi. Trường nầy tồn tại đến năm 1975 và có dạy đến lớp 12 để thi tú tài II. Sau năm 1954 có trường bán công. Ông Trần Văn Trai lập trường trung học An Mỹ, xã sinh quán của ông. Mãi đến sau nầy trường An Mỹ mới được bộ Quốc Gia Giáo Dục công nhận. Đến thập niên 1970 trường có đầy đủ các lớp đệ nhị cấp.
Vào cuối thập niên 1940 thầy giáo dạy các lớp trung học đệ nhất cấp (từ lớp 1ère année đến 4ème année) đã mang danh hiệu ‘professeur’. Những nhà giáo tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội chỉ dạy các lớp đệ nhất cấp (1er Cycle). Học đến năm thứ tư trung học và đậu DEPSI gọi nôm na là bằng Thành Chung (Diplôme de fin d’étude) nghĩa là đậu rồi thì xem như học xong, thành công rồi nên đi tìm việc làm và cưới vợ, gả chồng. Việc làm lý tưởng và được người đương thời trông đợi là có bằng DEPSI và được đậu trong kỳ thi tuyển để được làm thơ ký hành chánh cho chánh phủ (secrétaire du gouvernement). Từ đó nếu có tinh thần hiếu học và cầu tiến sẽ được chấm đậu vào ngạch cò- mi (commis), huyện và cao tột đỉnh là đốc phủ. Người có cử nhân luật muốn theo ngành hành chánh sẽ được cho vào ngạch huyện.
Sau năm 1954 Hoa Kỳ giúp đỡ xây dựng trường Trung Học Trịnh Hoài Đức và trường Cộng Đồng sau này là trường Nông Lâm Súc Bình Dương. Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức được xây dựng xa thành phố. Trường nằm trên Quốc Lộ 13 trong xã An Thạnh (Búng) giữa Lái Thiêu và Phú Cường (xa tỉnh lỵ Bình Dương). Trường Nữ nằm cách xa Quốc Lộ 13 lối 500 m. Trường trở thành trung tâm văn hóa của tỉnh. Trường thuận lợi cho cư dân Phú Cường và Lái Thiêu hơn là các quận xa xôi hẻo lánh khác như Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Phú Hòa Đông. Từ sau 1965 nhu cầu giáo dục của tỉnh được đáp ứng viên mãn. Nhiều trường trung học công lập và tư thục Phật Giáo, tư nhân hay Thiên Chúa Giáo ra đời đáp ứng nhu cầu giáo dục của cư dân trong tỉnh. Đó là một cố gắng rất lớn của chánh phủ Sài Gòn nhờ sự viện trợ của Hoa Kỳ trong tình trạng chiến tranh.
Thời Pháp thuộc có thiết lộ nối liền Sài Gòn- Thủ Dầu Một, Sài Gòn- Lộc Ninh. Thiết lộ Sài Gòn- Lộc Ninh đi ngang qua Thủ Dầu Một đổi hướng không đi ngang qua thành phố Lái Thiêu sau khi cầu sắt nối liền Thạnh Lộc và Phú Long bị giựt sập năm 1949. Sau năm 1954 đường sắt này bị hủy bỏ vì hoạt động yếu ớt của các đồn điền cao su do người Pháp làm chủ và vì Chiến Tranh Việt Nam II bùng nổ. Trong thời gian 1954- 1957 đường xe lửa Sài Gòn- Lộc Ninh thường xảy ra những trận đánh cướp táo bạo nhằm vào tiền lương phát cho công nhân đồn điền hàng tháng.
Sau năm 1954 hoạt động của các đồn điền cao su do Pháp làm chủ ở Lai Khê, Dầu Tiếng sụt giảm. Ảnh hưởng chánh trị của Pháp ở miền Nam sụt giảm trước ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Tình hình an ninh trong tỉnh bắt đầu có những dấu hiệu xấu từ năm 1957 về sau. Các tỉnh trưởng và quận trưởng được thay thế bằng những quân nhân. Các phó tỉnh trưởng đều là dân sự. Một ít trong số nầy tốt nghiệp Trường Quốc Gia Hành Chánh Đà Lạt do tiến sĩ Trần Cửu Chấn làm Giám Đốc. Về sau có chức phó quận trưởng để đặt những phó đốc sự tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh trông coi việc hành chánh bên cạnh các quận trưởng quân nhân.
Dưới thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà công nghiệp ép dầu, ép mía làm đường sụt giảm. Nhà máy đường Vĩnh Phú (Lái Thiêu) được thay thế bằng nhà máy đường Bà Lụa với máy móc và kỹ thuật sản xuất tối tân như các nhà máy sản xuất đường trên thế giới. Xưởng sản xuất sơn mài Thành Lễ được danh tiếng quốc tế vì các quốc khách thăm viếng VNCH đều được tổng thống Ngô Đình Diệm tặng một bức tranh sơn mài Thành Lễ Bình Dương. Trường Mỹ Nghệ Bình Dương đã có từ thời Pháp thuộc cũng được nổi danh với các giáo sư Báu và Yến, tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội cuối thập niên 1930.
Sau năm 1954 ông Trần Văn Thành có công phát triển chăn nuôi heo, gà và sản xuất thực phẩm gia súc ở các xã Tân Thới, Phú Long, Hưng Định trong quận Lái Thiêu. Ông sáng lập ra Hợp Tác Xã Đồng Tiến và là thành viên Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia dưới thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hưng Định phát triển việc nuôi cá nhưng kết quả không khả quan. Việc nuôi cá phi vào những năm 1953, 1954, 1955 thất bại nặng nề vì có dư luận cho rằng ăn cá phi bị cùi!
Thủ Dầu Một là nơi đào luyện thiếu úy Dương Văn Minh sau này là đại tướng quốc trưởng rồi tổng thống 02 ngày của VNCH. Cùng thời này có ông Nguyễn Văn Theo (Xuyên Sơn) sau này là đại tá trong Quân Đội Nhân Dân ở miền Bắc. Dưới thời Pháp, Phú Lợi là nơi huấn luyện kỵ binh và pháo binh. Kỵ binh và pháo binh Thủ Dầu Một đều có mặt trong các cuộc diễn binh trên đường Norodom (Thống Nhất; Lê Duẩn) hàng năm vào ngày Quốc Khánh 14-07 của Pháp.
Trong một cuộc nói chuyện với Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh tại nhà của ông ở San José năm 2000 người viết được Giáo Sư Vinh cho biết ông Nguyễn Văn Nghĩa, người Thủ Dầu Một, là người tốt nghiệp Không Quân Pháp trước ông Vinh, vị Tư Lịnh Không Quân đầu tiên của VNCH trong thời kỳ độc lập và qua phân. Đại tá Trần Văn Hổ, người gốc Thủ Dầu Một, là tư lịnh Không Quân thời quốc trưởng Bảo Đại khi Pháp chuyển giao Không Quân cho chánh phủ Quốc Gia nhưng ông Hổ không phải là sĩ quan của ngành này. Một người Thủ Dầu Một khác tốt nghiệp trường Không Quân Salon de Provence là ông Lưu Văn Đức.
Thủ Dầu Một nổi tiếng về võ thuật với võ Tân Khánh- Ba Trà. Đó là võ Bình Định theo chân người miền Trung vào miền Nam lập nghiệp. Những võ sư khét tiếng trong tỉnh vào đầu thế kỷ XX là các ông Võ Văn Đẳng (Tân Khánh), ngoại tổ của bác sĩ Đặng Như Tây, thầy năm Dục (An Phú), ông cả Đại (An Sơn) v.v. Ông giáo Khai ở Tân Ba, Biên Hòa, nổi tiếng về gồng và võ thuật vào thập niên 1920 là võ sinh do ông năm Dục đào tạo. Đông Phương Sóc một thời làm sống dậy tên tuổi sinh quán Thủ Dầu Một của ông trên võ đài. Như vậy Thủ Dầu Một tức Bình Dương sau này cũng có chút truyền thống võ nghiệp. Dù vậy chưa có một cư dân Thủ Dầu Một (Bình Dương) nào là tướng bốn sao cả. Ông Đặng Thanh Liêm là trung tướng được cho về hưu non năm 1965 khi ông mới 40 tuổi. Đại tướng Đỗ Cao Trí là cháu rể của ông Võ Văn Vân không phải là người Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ông được thụy phong đại tướng sau khi mất năm 1971. Những sĩ quan được đào tạo thời Pháp thuộc và có chức vụ khá quan trọng quân đội VNCH gồm có: tướng Nhảy Dù Lê Quang Lưỡng, chuẩn tướng Nguyễn Văn Tý (Tổng Cục Truyền Tin), đại tá Nguyễn Trí Hanh, Tư Lịnh phó Quân Đoàn III, đại tá Nguyễn Duy Ninh (Không Quân), đại tá Nguyễn Văn Tường, chỉ huy pháo binh của binh chủng Nhảy Dù, đại tá Nguyễn Hữu Phước (cựu phó đô trưởng Sài Gòn thời đệ nhất Cộng Hoà), đại tá Dương Văn Tảo, đại tá Nguyễn Hoà Phùng, con của ông Nguyễn Hòa Hiệp tức Giang Đông (VNQDD miền Nam), trung tá Nguyễn Văn Hội, vô địch kiếm thuật Việt Nam . Cha ông là Nguyễn Văn Hia, giám đốc Cercle Sportif Saigonnais, đồng sáng lập Hội Khuyến Lệ Cổ Ca với ông Đỗ Văn Rổ, quốc vụ khanh đặc trách Văn Hoá.
Tuy là một tỉnh tân lập thời Pháp chiếm đóng, Thủ Dầu Một rồi Bình Dương sớm tiếp thu văn hóa Tây Phương và có tên tuổi trong nước trước và sau năm 1975 với các ông Trần Văn Trai (Lưỡng tiến sĩ Luật & Văn Chương, chánh văn phòng đức Quốc Trưởng Bảo Đại, dân biểu đệ nhất Cộng Hòa, luật sư); Nguyễn Lâm Sanh (luật sư, chủ tịch Liên Minh Á Châu Chống Cộng); Lê Văn Hai (tốt nghiệp ENS .<.École Normale Supérieure.>., dạy Triết ở Chasseloup Laubat sau cải thành Jean Jacque Rousseau), Trần Công Vàng (Tiến sĩ Dược Khoa); Trần Tấn Thông (tiến sĩ Dược Khoa, dân biểu đệ nhất Cộng Hoà; giáo sư đại học Dược Khoa); Phạm Đình Hưng (thẩm phán, tham chánh văn phòng phủ Tổng Thống .<.đệ nhất Cộng Hoà.>., chánh văn phòng bộ Nội Vụ, dân biểu, giám sát viên); Đặng Như Tây (bác sĩ giải phẫu nổi tiếng); Phan Kiều Dương (kỹ sư Kiều Lộ .<.Ingénieur de Ponts et Chaussées.>., con của ông Phan Văn Hùm).
Trường Trịnh Hoài Đức chào đời sau năm 1954 nhưng đã có Ph.D Cao Văn Hở (dạy Học Viện Quốc Gia Hành Chánh), Ph.D Nguyễn Viết Đức (Tâm Trị liệu California), Tam tiến sĩ Phạm Quốc Kiệt (Giáo Sư ENS .<. École Normale Supérieure.>. ở Paris) v.v. Thế hệ sau 1975 không thuộc trường Trịnh Hoài Đức có Ph.D Phạm Đình Khôi Nguyên (Harvard & Vanderbilt). Danh sách này có thể thiếu sót xin người Bình Dương bổ túc thêm.
Bây giờ Bình Dương không còn là Bình Dương Lục Quận (Lái Thiêu, Châu Thành, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Hòa Đông) mà là Bình Dương Cửu Huyện (Thuận An (Lái Thiêu), Dĩ An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, thị xã Thủ Dầu Một, Bến Cát, Phú Giáo, Bầu Bàng, Dầu Tiếng).
Tân Uyên vừa phồn thịnh về kinh tế vừa là nơi có nhiều nhân vật nổi tiếng trong nước như nhà văn Bình Nguyên Lộc (Tô Văn Tuấn), tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy Giáo Sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, tổng thơ ký đảng Tân Đại Việt và Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, tác giả tập thơ Hồn Việt và nhiều tác phẩm chánh trị bằng Việt, Pháp, Anh ngữ có giá trị khác); Lê Văn Khoái (Đại Biểu Chánh Phủ miền Đông Nam Phần, glam sát viên), Trần Văn Linh (thẩm phán Tối Cao Pháp Viện), Huỳnh Văn Nghệ (quân nhân thuộc Quân Đội Nhân Dân miền Bắc. Ông nổi tiếng trong thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng cấp bậc của ông chỉ là thượng tá nghĩa là thấp hơn đại tá! Năm 1975 ông về miền Nam và giữ chức thứ trưởng bộ Lâm Nghiệp).
Dĩ An là sinh quán của thiếu tướng Cộng Sản Đào Sơn Tây.
Bến Cát là sinh quán của ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam từ năm 2006 đến 2011.
Ông Võ Văn Vân nổi tiếng với nhà thuốc Đông Y. Thuốc của ông được bán khắp bán đảo Đông Dương. Hai con ông là Võ Văn Thêm và Võ Văn Ứng là hai nhà kinh doanh có tiếng. Ông Võ Văn Ứng là bầu của hội Ngôi Sao Bà Chiểu (Étoile de Bà Chiểu), chủ nhà hàng Nam Đô và hãng mực Song Long. Ông còn là chủ nhiệm nhật báo Bình Minh. Ông Võ Văn Thêm là nhạc phụ của đại tướng Đỗ Cao Trí. Ông cũng có nhiều cổ phần trong hãng mực Song Long.
Ông Trần Văn Thành là một nhà kinh doanh có tầm vóc lớn. Ông là người đầu tiên lập trại chăn nuôi qui mô ở ấp Đông Ba, Tân Thới, sau năm 1954. Ông sáng lập Hợp Tác Xã Đồng Tiến và là hội viên Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia. Con ông là Trần Quang Minh, thủ trưởng bộ Canh Nông.
Hai nhà kinh doanh nữ có tầm vóc quốc gia gốc người Thủ Dầu Một là bà Nguyễn Thị Giàu và bà bảy Lình tức Trần Kim Liên (gốc người Hoa).
Bà bảy Lình là nhà tỷ phú (tiền Việt Nam- piastres) trong tỉnh Bình Dương cho đến năm 1975. Con bà là tiến sĩ Trần Tấn Thông có phòng thí nghiệm và viện bào chế thuốc Trần Tấn. Sau năm 1975 bà chết trong khám. Ông Thông chết trong trại học tập cải tạo Nhà Đồ, Sông Bé (tên của Bình Dương lúc bấy giờ).
Bà Nguyễn Thị Giàu là chủ nhà máy dệt Liên Phương ở Thủ Đức. Sau năm 1975 bà định cư ở Canada và mất ở đó.
Thủ Dầu Một là địa bàn hoạt động của Thiên Địa Hội, Hội Kín Nguyễn An Ninh, Giáo Hội Cao Đài (Phú Văn, Tân Khánh, Phú Chánh, Thuận Giao, Chánh Lưu v.v.). Ông Nguyễn Hòa Hiệp, một tín hữu Cao Đài, theo Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1965 ông là tổng trưởng bộ Nội Vụ trong nội các Phan Huy Quát.
Ông Phan Văn Hùm cùng với Nguyễn An Ninh họp dân để diễn thuyết chống Pháp. Ông Hùm gốc ở Búng làm cán sự Công Chánh (đốc công) ở Huế. Sau khi gặp nhà cách mạng Phan Bội Châu an trí ở Bến Ngự ông từ chức và dấn thân vào đường cách mạng gặp lúc ông Nguyễn An Ninh từ Pháp về. Phương tiện đấu tranh của Nguyễn An Ninh lúc bấy giờ là sản xuất và bán dầu cù là theo toa của cha ông là Đông y sĩ ái quốc Nguyễn An Khương (người chủ trương tờ Nông Cổ Mín Đàm và dịch truyện Tàu ra quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX) và tờ báo Pháp ngữ La Cloche Félée (Chuông Nứt). Lợi dụng lúc bán dầu cù là ông lớn tiếng chỉ trích chánh sách của người Pháp ở Đông Dương. Sau khi ra khỏi khám lớn Sài Gòn (khuôn viên Thư Viện Quốc Gia và Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hoá sau này) ông Hùm sang Pháp học và lấy cử nhân triết học. Về nước ông trở thành người Cộng Sản thuộc khuynh hướng Đệ Tứ Quốc Tế của Trotsky.
Bình Dương là đất chuộng tâm linh. Đó là nơi có giáo đường cổ kính ở Nam Kỳ (giáo đường Bình Nhâm, Hưng Định, Phú Cường).
Bình Nhâm là sinh quán của Á Thánh Gầm (mộ nằm trên đường Frères Louis; Võ Tánh). Đó là nơi xuất phát nhiều linh mục Thiên Chúa Giáo trong nước như Nhị Bình (Gia Định) và Cái Môn (Bến Tre).
Các chùa cổ kính trong tỉnh Bình Dương là chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng, chùa trên núi Châu Thới, chùa Thầy Sửu, chùa Giác Nguyên sau được gọi là chùa bà Tám v.v. Chùa Hội Khánh đã có từ năm 1741 trước khi dân tộc Việt Nam hoàn tất cuộc Nam tiến ở phần đất cực nam của đất nước. Trong thời đại Xã Hội Chủ Nghĩa, Bình Dương có Đại Nam Quốc Tự xây từ năm 1999 đến năm 2010 mới hoàn thành. Đại Nam Quốc Tự chiếm 450 ha (4.5 triệu m2) đất với khách sạn dài 13 km với 5,000 phòng, chuồng nuôi dã thú và thú hiếm lạ, hồ nhân tạo v.v! Tất cả chi phí xây cất Đại Nam Quốc Tự để thờ Phật kể cả “phật” Hồ Chí Minh, anh hùng dân tộc, chiến sĩ trận vong lên đến 4,000 tỷ tiền Việt Nam (tức 4 cải đồng hay 4 trillion đồng tương đương 170 triệu Mỹ Kim) đều do đại gia Dũng Lò Vôi đài thọ.
Phú Văn, Phú Long có Thánh Thất Cao Đài.
Người Hoa ở Bình Dương có chùa Ông, chùa Bà và trường học. Chùa Ông thờ Guan Gong (Quan Công). Chùa Bà thờ bà Tianhou (Thiên Hậu). Họ có truyền thống :
– rước Ông Bốn tức đô đốc Zheng He hay Cheng Ho (1371- 1433) tức Trịnh Hòa, người chỉ huy đoàn tàu Trung Hoa xuống Nam Dương và sang Ấn Độ Dương để đến vùng Trung Đông và Đông Phi năm 1405
– rước cộ Bà (bà Tianhou (Thiên Hậu: hoàng hậu Thiên Đình) hàng năm rất trọng thể. Người Hoa ở các tỉnh khác đổ xô về Phú Cường, xa tỉnh lỵ Bình Dương, để tham dự lễ rước cộ Bà. Vào ngày nầy các phú thương người Hoa tranh nhau đốt pháo để rước Bà và để phô trương sự giàu có của mình. Nhang khói mịt mù ở Chùa Bà, chùa Linh Không Dàn vào ngày rước cộ Bà (rằm tháng giêng hàng năm). Người ta đến khấn vái Bà và vay mượn tiền tượng trưng để được may mắn trong việc làm ăn trong năm mới. Vay tượng trưng $1 tiền cúng trả lễ có thể là $1 triệu đồng nếu công việc làm ăn được may mắn, hưng vượng như lời khấn nguyện.
Bình Dương là đất lành đãi khách phương xa.
Ông Dương Văn Minh khởi nghiệp ở Thủ Dầu Một, sau này là đại tướng, quốc trưởng và tổng thống VNCH trong hai ngày.
Ông Lê Công Chất làm phó tỉnh trưởng Bình Dương trở thành tổng trưởng bộ Nội Vụ trong nội các Trần Thiện Khiêm.
Ông Nguyễn Thanh Liêm là hiệu trưởng thứ nhì của trường Trịnh Hoài Đức sau ông Trương Văn Di đã trở thành thứ trưởng bộ Giáo Dục và Thanh Niên.
Khi Lộc Ninh, Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch còn nằm trong tỉnh Thủ Dầu Một, vùng đất đỏ trên (Terre Rouge) là vùng đồn điền cao su. Một người Huế làm việc trong đồn điền Quản Lợi đã trở thành chủ tịch CHXHCNVN từ năm 1992 đến 1997. Đó là đại tướng Lê Đức Anh (1920- ). Ông hoạt động ở Nam Bộ suốt thời kỳ kháng Pháp. Vào thập niên 1980 ông chỉ huy bộ đội Việt Nam tấn công Khmer Đỏ theo chủ nghĩa Maoist trên chiến trường Cambodia. Nhưng ông được xem là người thân Beijing (Bắc Kinh).
Bình Dương Lục Quận là Bình Dương nổi tiếng trong chiến tranh với những trận đánh đẫm máu như trận Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Thới Hòa, Bố Lá, Bình Mỹ, An Nhơn Tây, Hố Bò, Rạch Bắp, khu Tam Giác Sắt, trận đột kích Gò Dầu (Phú Văn) v.v. Hàng ngàn cư dân Bến Súc được đưa về định cư ở Bình Hòa (Lái Thiêu) năm 1967. Sau năm 1975 nhiều người trở về quê quán. Hiện nay Bình Hòa trở thành một xã thành phố với đầy đủ tiện nghi của một thành phố tân tiến.
Trong cuộc chiến tranh vừa qua chỉ có Lái Thiêu là quận tương đối an ninh hơn 05 quận còn lại. Bù lại những vùng kém an ninh có sự hiện diện của quân sĩ Hoa Kỳ. Snack Bar mọc lên như nấm từ năm 1965 đến 1973. Cư dân địa phương phát đạt nhờ buôn bán hàng Mỹ hay là buôn đô la xanh và đỏ là đô la dành cho các quân nhân Mỹ chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Đó là sự phồn vinh giả tạo trong chiến tranh. Bình Dương không còn nhà lá. Nhiều nông dân có sân phơi lúa, phơi đậu và chuồng nuôi gia súc tráng xi măng sạch sẽ. Hầu hết nhà nào cũng có một xe Honda gắn máy. 60% thị dân trong tỉnh có TV, ra-dio, tủ lạnh. Năm 1973 quân Hoa Kỳ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, sự ‘phồn vinh’ trên như vụt tắt. Các snack bar bị bỏ hoang tạo cảnh vắng vẻ, hoang tàn dù không bị bom đạn tàn phá.
Năm 1973 Lộc Ninh là địa điểm trao đổi tù binh giữa VNCH và MTDTGP. Đó là địa điểm gần Sài Gòn nhất do MTDTGP chiếm giữ và được xem như thủ đô của chánh phủ Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Những năm 1973 và 1974 vài vùng đất gò trong tỉnh Bình Dương chịu ảnh hưởng văn hóa trồng cây lương thực của Lộc Ninh. Diện tích trồng khoai mì (sắn: cassava; manioc .<.Pháp.>.) Manihot dulcis được nới rộng đáng kể. Đó là dấu hiệu báo động sự sụp đổ của miền Nam và tình trạng thiếu thực phẩm cho những ngày sắp tới như câu sấm ký Phật Giáo Hòa Hảo đã ghi:
Khoai lang rồi lại khoai mì
Đến khi Tần (3) khởi độ thì khẩu ta.
Khi mang tên Bình Thủ và Sông Bé cư dân Bình Dương lâm vào sự lo âu, sợ sệt cho sự sống trong tương lai. Về vật chất họ lâm vào tình trạng thiếu lương thực và thiếu dinh dưỡng nhưng chưa đến nỗi chết đói. Sông Bé lại là nguồn sống tạm bợ và bấp bênh cho những cựu quân nhân chở than, củi từ Lai Khê, Chơn Thành, Bến Cát và lu, hủ, chén từ Lái Thiêu về bán ở Sài Gòn hay các tỉnh trên đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày nay Bình Dương Cửu Huyện có vẻ tân tiến và phú túc nhờ có hòa bình, thực thi kinh tế thị trường nên có nhiều quốc gia như Đại Hàn, Taiwan, Nhật Bản, Singapore đầu tư hay mở nhiều nhà máy kỹ nghệ trong tỉnh. Bình Dương Cửu Huyện được đô thị hóa và đứng trước ngưỡng cửa kỹ nghệ hóa của thời kỳ tiền tư bản Âu Châu vào thế kỷ XIX. Dù chậm trễ nhưng có vẫn hơn không dẫu biết rằng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa sản xuất được một con vít (vis) đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bình Dương là một tỉnh của Việt Nam nên tỉnh cũng rơi vào mâu thuẫn kinh tế- chánh trị của quê hương:
1. Ấm no trong chinh chiến (miền Bắc có viện trợ Liên Sô, Trung Quốc và các nước Cộng Sản Đông Âu. Miền Nam có viện trợ Hoa Kỳ)
2. Nghèo khổ, thiếu thốn khi hòa bình (không còn viện trợ; không thể có một nền kinh tế phồn vinh trong một quốc gia Cộng Sản đề cao kinh tế chỉ huy).
3. Việt Nam là một nước Cộng Sản. Dân chúng Việt Nam lại no cơm ấm áo từ khi CHXHCNVN theo kinh tế tự do hay kinh tế thị trường hay nói rõ hơn kinh tế tư bản.
4. Một số người no cơm ấm áo nhờ bán đất đai cho các công ty ngoại quốc. Một số người khác bỏ ruộng nương ra thành phố tìm công việc trong các hãng xưởng, xí nghiệp. Công nhân có lương cố định hàng tháng. Công nhân không phải dải nắng dầm mưa như nông dân và được tiếp xúc với ánh sáng văn minh đô thị. Lợi tức của nông dân biến thiên bất định tùy theo thời tiết, giá bán ngoài thị trường. Thanh niên nam, nữ ở nông thôn ước muốn rời bỏ đời sống nông thôn để thay vào đó là nếp sống thành thị hay xa hơn nếp sống ngoài nước Việt Nam. Nông nghiệp dễ bị quên lãng giữa lúc đất nước chưa thực sự kỹ nghệ hóa.
Đó là vài suy nghĩ thô thiển về sự nghịch lý kinh tế- chánh trị, tâm lý nông thôn, thành thị và hướng ngoại và tiến trình phát triển của tỉnh sinh quán của người viết trong lòng cố hương Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI.PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Chú Thích
(1) Cây dầu là một loại cây to không nhánh. Thân đốt có dầu. Tên khoa học làDipterocarpus alatus. Trái có hai cánh. Ngày nay trong khuôn viên tòa hành chánh tỉnh Bình Dương vẫn còn nhiều cây dầu cổ thụ.
(2) Con diệc là con cò trắng heron hay egret tên khoa học là Ardea alba modesta (alba: trắng). Những địa danh, Thủ Dầu Một, Dầu Tiếng, Gò Dầu Hạ cho thấy sự hiện diện phong phú của loại cây to và có nhiều nhựa dầu này.
(3) Tần ở đây ám chỉ nước Cambodia chớ không phải nước Tần bên Trung Hoa.
Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017
Rất người
Ông R là một người cao tuổi có gia sản bề thế, đến thăm một học giả trẻ tuổi là tiến sĩ F. Chuyện trò hồi lâu, ông R nói:
-Robot thì cũng tốt rồi, nhưng có thể nào làm cho khá hơn một chút được không? Ở nhà tôi cũng đã có sử dụng robot từ lâu rồi, nhưng không vừa ý lắm.
Tiến sĩ F bèn hỏi lại:
-Bác không vừa ý về điểm nào ạ? Cháu cũng là một chuyên gia về ngành này, nên cũng muốn biết để tham khảo ạ.
- Nói tóm lại là nhạt nhẽo vô vị. Quả là robot rất chính xác, là một thứ tiện lợi thật đấy, nhưng bảo gì cũng đáp vâng hiểu ạ, rồi chỉ biết làm đúng y như thế. Làm thật đúng một cách máy móc. Tôi hiểu là phải biết ơn thành quả này của khoa học, nhưng vẫn thấy chán làm sao ấy.
Những tưởng sẽ bị phản luận là chỉ được voi đòi tiên, nào ngờ tiến sĩ F gật đầu nói:
-Cháu hiểu được tâm trạng ấy. Từ lâu rồi, cháu đã đoán là thế nào cũng sẽ đến lúc có người đưa ra ý kiến này.
-Thật không ngờ lại được nghe những lời như vậy thốt ra từ một học giả về robot. Cậu nói thế, hẳn là đang nghiên cứu cách giải quyết, phải không?
-Vâng đúng thế. Thật ra là cháu cũng mới chế thử một robot kiểu mới. Và đã cho đi tu tập làm người rồi ạ.
-Tu tập làm người là làm sao? Tôi chưa bao giờ nghe nói tới chuyện cho robot đi tu bao giờ cả. Như thế là thế nào?
Ông R rất đỗi ngạc nhiên, mắt trợn tròn cả lên. Tiến sĩ F bèn giải thích:
-Robot từ trước đến nay khi được chế tạo thì đồng thời cũng được cài sẵn những ký ức cơ bản. Tuy nhiên đó chỉ là những ký ức đủ dùng sau này khi cần đến. Nhưng robot mới lần này thì khác. Bộ phận ký ức được chừa lại một khoảng, rồi cho sống chung với người. Vì thế so với robot từ trước đến nay thì có thêm phần trội hơn này.
-Ra là vậy, nghĩa là robot sẽ mang tính người hơn. Thế kết quả ra sao rồi?
-Dạ, chưa biết có thể nói như thế nào ạ. Là vì robot đi tu vừa mới trở về vào ngày hôm qua. Giai đoạn sắp tới là dùng thử để quan sát xem robot làm trò trống ra sao.
Vừa nghe tiến sĩ F nói xong, ông R đã hăm hở nói:
-Vậy thì cậu cho tôi đem về nhà dùng thử có được không. Tôi sẽ viết báo cáo về cảm tưởng khi sử dụng. Tôi đã chán ngấy, không còn chịu nổi những robot lâu nay, chỉ được mỗi một cái là bảo sao làm vậy. Robot mới này không có gì nguy hiểm chứ nhỉ.
-Về điểm đó thì xin bác yên tâm. Robot này đã được thiết kế để tuyệt đối không làm hại người. Thế nhưng, robot đã lĩnh hội được tính nết gì từ người, thái độ làm việc ra sao, thì hiện hoàn toàn chưa rõ ạ.
-Như thế mới là hay cậu ạ. Cậu cho tôi mượn đi. Nếu phải trả lệ phí sử dụng, tôi cũng xin trả.
Ông R cố hỏi mượn cho bằng được nên cuối cùng cũng khiến tiến sĩ F phải xiêu lòng. Thế là ông mượn được robot của tiến sĩ F và đem về nhà.
-Xem nào..
Ông R vừa buông mình xuống ghế và nói thế, thì robot đã đáp ngay:
-Dạ thưa ngài, có việc gì ạ?
-Xem ra thì chú mày cũng chẳng khác những robot từ trước đến giờ là bao. Nhưng thôi cũng được vậy. Ta muốn uống rượu. Hãy pha cho ta một ly cốc tay Blue Nova. Nếu không biết cách pha thì có trong sách để trên giá đấy.
Nếu là những robot từ trước đến nay thì đã bắt tay vào việc ngay, nhưng robot lần này vẫn cứ đứng yên. Ông R giục:
-Ơ kìa, sao không pha đi hả? Chú mày không pha được à?
-Dĩ nhiên là được ạ. Nhưng uống rượu là không nên. Không tốt cho sức khỏe. Hoàn toàn không có lợi lộc gì cho cả ruột gan lẫn trí óc.
-Không phải lo. Nếu đau dạ dày thì đã có thuốc uống.
-Chính vì thế nên mới là không ích lợi gì cả. Ngài nên bỏ rượu ạ. Dĩ nhiên là nếu ngài không quyết chí bỏ được, thế nào cũng bảo phải pha rượu thì robot tôi sẽ pha thôi.
-Thôi được, ta hiểu rồi. Chú mày làm ta chẳng còn hứng thú đâu mà uống rượu. Để khi nào ta tự pha lấy mà uống vậy. Thôi, thay vì uống rượu, bây giờ lái xe ra ngoại ô dạo mát vậy. Chú mày hãy lái xe cho ta.
Ông R bèn sai việc khác, nhưng robot vẫn đứng ì một chỗ. Ông R càu nhàu thì robot đáp:
-Dạo này tai nạn xe cộ ngày càng tăng, là vì phải chi giao cho robot lái thì an toàn xong vẫn có những người thích tự mình lái xe. Hễ đụng phải những hạng ấy thì không biết làm sao. Ngài nên ở yên trong nhà cho được an toàn. Nếu muốn ngắm cảnh thì xin hãy dùng tivi mầu lập thể. Nếu muốn hít thở không khí mới thì vặn nút thiết bị điều chỉnh không khí. Trừ phi ngài bảo dù có bị tai nạn cũng không sao, cứ lái xe đi thay đổi không khí, thì dĩ nhiên là tôi xin tuân lệnh. Cơ thể tôi thì dù có thế nào cũng không hề gì, không hỏng được.
-Chỉ nói toàn những chuyện dở hơi làm người ta chẳng còn muốn đi đâu nữa. Ta đi ngủ đây. Chú mày hãy dán giấy tường mới cho căn phòng này.
Thế nhưng robot lại đáp:
-Nếu vậy, ngài nên đợi thêm ít lâu nữa thì hơn ạ. Là vì chẳng bao lâu nữa người ta sẽ phát minh ra loại giấy dán tường mới, so với các loại giấy từ trước đến nay thì bền, không bẩn, tuyệt hảo về mọi mặt như màu sắc hay âm hưởng. Nếu thay giấy dán tường bây giờ thì sẽ phí đi, vì rồi sẽ dán lại ngay thôi.
-Chú mày không phải lo về chuyện tiền bạc.
-Dạ vâng. Nếu ngài đã biết rõ là phí phạm vô ích mà vẫn ra lệnh thì..
-Thôi được. Không làm nữa. Chú mày hãy ở đấy mà nghỉ đi.
Ông R chán nản không sai robot làm gì nữa. Ông cũng gọi điện thoại cho công ty sản xuất giấy dán tường để hỏi thử xem sao, thì quả đúng như lời robot, công ty này dự định chỉ trong may mai sẽ bán ra loại giấy mới.
Ngày hôm sau, ông R đem robot đến chỗ tiến sĩ F. Tiến sĩ hỏi:
-Bác dùng thấy thế nào ạ?
-Quả là có vẻ như người, khác với những robot từ trước đến nay. Nhưng lại có vẻ người quá. Hễ mình ra lệnh sai bảo điều gì thì nó lại khuyên bảo mình, nào là không tốt cho cơ thể, nào là nguy hiểm hay vô ích. Như thế cũng là trung thành với chủ đấy, nhưng mà khó dùng quá. Hình như nó đã học được khi đi tu làm người hay ở đâu đấy, cái thói dậy đời thì phải.
-Nhưng mà có cho nó đi tu ở những chỗ hay dậy đời đâu chứ.
-Thế nhưng thực tế là như vậy. Cậu hãy xem kỹ lại cho.
Tiến sĩ F lấy làm lạ, bèn xét nghiệm thật kỹ, rất tốn thì giờ. Ông R tò mò muốn biết kết quả, thì chẳng bao lâu được tiến sĩ F cho biết:
-Ra là vậy, đúng là khác với những robot từ trước đến nay, robot này đã có tính người.
-Chắc là vậy rồi. Nhưng mà, tại sao lại có cả cái thói hay dậy đời thế chứ?
-Thưa bác, đấy không phải là thói dậy đời đâu ạ.
-Thế thì là cái gì?
-Đấy là tính lười, chỉ giỏi nại cớ để trốn việc.
(22/10/2017)
Quỳnh Chi dịch “Ningen teki” của Hoshi Shinichi
Sinh sản vô tính
Một hôm các vì sao trên trời bàn chuyện của người dưới thế.
Đó là chuyện chính phủ của một nước nọ đã nghe lời các chuyên gia của họ, một mực cấm đoán việc giải phẫu cấy ghép nội tạng. Họ e sợ làm như thế sẽ đưa đến việc buôn bán thân xác, coi rẻ tính mạng con người. Nhiều người nghĩ rằng điều này xúc phạm đến sự cao quý của con người. Cũng có người cảm thấy như là các bộ phận trong thân thể cũng có một phần hồn, mà điển hình là như trái tim. Đối với họ, ghép tim người này cho người kia cũng tương tự như chuyện hồn Trương Ba da hàng thịt.
Vì sự cấm đoán này, có một gia đình kia có người bệnh đã phải tạm di cư sang nước khác, nơi mà luật pháp cho phép những cuộc giải phẫu cấy ghép như thế. Nhưng một nước đi tiên phong chấp nhận những điều mới mẻ, thì thường thường họ cũng tiên tiến về mọi mặt. Các bác sĩ của nước này có thể chữa lành bệnh cho hầu hết mọi bệnh nhân. Ai ai cũng có công ăn việc làm nên không mấy ai bị thất nghiệp. Dân chúng của họ đều biết tôn trọng luật lệ. Tóm lại là chẳng dễ gì mà có người chết đột ngột vì tai nạn giao thông, hay vì một vụ nổ súng đánh cướp ngân hàng, hoặc bị giết chết vì có ai đó thất nghiệp sinh hận đời mà gây ra án mạng. Cũng chẳng có ai nhẩy bừa xuống đường tàu tự tử v.v.. Không có ai đang khỏe mạnh mà chết vì một trong những trường hợp như thế để có sẵn bộ phận nội tạng mà giải phẫu thay ghép cho người khác.
Vì phải chờ đợi lâu quá, người bệnh của gia đình ấy lại đành đến một nước thứ ba, nơi thường hay có những nạn nhân thiệt mạng như trong các trường hợp vừa kể, nên có sẵn nhiều bộ phận để cấy ghép cho bệnh nhân hơn. Nhưng người ta đã quên khuấy trình độ và trang bị y tế yếu kém ở nước này. Tai nạn xảy ra khiến bệnh nhân bị thiệt mạng ngay trên bàn mổ. Gia đình của bệnh nhân oán trách chính phủ nước họ cũng vì ở nước của họ thì thiếu gì những trường hợp người chết như vừa kể ở trên, và muốn cấy ghép đâu có khó khăn gì, vì trình độ và thiết bị y tế của họ cũng khá hiện đại..Thật là một cái chết oan uổng !
Ở cương vị nhà trời, dường như người ta cũng khó nêu ý kiến về một vấn đề thật là tế nhị như thế. Vì sao có chòm râu bạc phơ như tiên ông lên tiếng trước tiên:
-Con người phải nhớ giữ gìn cẩn thận những gì Trời đã ban cho trong cơ thể . Đó là một tuyệt tác của Thương đế, lỡ làm hỏng một bộ phận nào rồi thì không dễ gì tìm được phụ tùng thay thế.
Có một vì sao khác còn ra chiều lo âu nhắc nhở:
-Con người đang định dùng nguyên tác của Thương Đế để chế ra phiên bản đấy. Họ đã thử ở động vật, và đặt tên cho tác phẩm làm thử đầu tiên là Dolly. Họ gọi đó là sinh sản vô tính.
Các vì sao chăm sóc các vườn hoa liền lên tiếng đáp lại như thở than :
-Ồ, trong giới thực vật thì họ đã làm chuyện đó lâu rồi. Họ đã dùng phương pháp ấy để tạo ra những củ khoai tây mà củ nào củ nấy giống hệt nhau. Họ nhân giống hoa lan khiến cành hoa nào cũng giống cành nào, chợt nhìn cứ tưởng là hoa nylon !
Lẽ ra phải trân trọng từng gốc hoa lan, chờ nắng gió bốn mùa cho gốc hoa đủ lớn, rồi hàng năm chia gốc, ươm thêm từ từ từng bụi hoa mới. Họ đã quên khuấy rằng những năm tháng chờ mong cũng chính là niềm hạnh phúc. Một ngày nào đó vườn hoa của họ dần dần chẳng còn gì là thơ mộng nữa. Hoa lá gì mà như sản phẩm sản xuất hàng loạt, đại trà !
Cuối cùng, hình như là Thượng Đế, đã ôn tồn lên tiếng.
-Cứ để con người tự do làm theo ý họ. Xưa kia họ cũng đã tự ý ăn trái cấm, từ chối hạnh phúc trong vườn Địa đàng.
Sinh sản vô tính à ?
Trần gian rồi sẽ tràn ngập những con người ích kỷ, bởi từng tế bào trong cơ thể họ đều sinh ra từ một tế bào của chỉ một người, mà không phải là từ một phôi thai kết hợp với tha nhân. Vì vậy, mỗi người sẽ chỉ còn biết có cái tôi của họ mà chẳng biết đến người khác. Con người sinh sản vô tính vẫn có hai tay hai chân mà giống như là chỉ có một, nên họ đi xiêu vẹo về một bên. Tương lai của nhân loại rồi chẳng biết sẽ về đâu nếu người sinh sản vô tính chiếm đa số, bởi đầu óc họ cũng đầy những tế bào thần kinh chỉ biết tiếp thu ý kiến một chiều. Họ sẽ như những con thuyền luôn đi lạc vì chỉ biết chèo về một hướng.
Quỳnh Chi (8/6/2009)
Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017
BỐN NĂM
Bốn năm ẩn trú cội nguồn
chờ tàn phai đến gửi buồn nợ vay
gom hồn vào lá lắt lay
giữ tình trong chén đắng cay sưởi lòng
Đêm mang dạ chửa gọi chồng
gió mon men chém mùa đông guộc gầy
bốn năm ta vẫn còn đây
cơn say ảo mộng dâng đầy trăng khuya
Bốn năm trọn một chu kỳ
xuân cầu hạ đón thu đi đông về
riêng ta ở giữa hương quê
chờ duyên trả lại đam mê cõi người
Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017
SỐ MỆNH
Nguồn gốc của “số mệnh”
Vì không thể phủ nhận “số mệnh”, nên câu hỏi kế tiếp là “số mệnh” do đâu mà có?
Đây là đề tài được nhiều tôn giáo, nhiều đạo gia, nhiều triết gia quan tâm. Hiện chúng ta có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng có thể quy tất cả vào hai quan điểm chính.
1- Số mệnh do một thế lực bên ngoài tạo ra. Như có tôn giáo cho rằng, số mệnh là do trời hay một vị thượng đế sắp đặt.
2- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo ra. Quan điểm này lại được phân thành hai:
- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo lấy trong đời này.
- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo lấy qua nhiều đời trong quá khứ và đang tiếp tục tạo ra trong đời này. Có thể xem đây là quan điểm của nhà Phật. Thật ra, nhà Phật không gọi là số mệnh mà gọi là nhân quả nghiệp báo. Vì cuộc đời là một chuỗi nhân quả nghiệp báo tương tục không gián đoạn.
“Số mệnh” của mỗi người mang tính tất định hay bất định?
Chúng ta có thể xem số mệnh là một chuỗi thăng trầm đổi thay trong cuộc đời của một người. Nếu chuỗi đổi thay ấy được xác định một cách rõ ràng theo thời gian, chúng ta có thuyết định mệnh. Trong trường hợp này, số mệnh mang tính tất định.
Thông thường quan điểm cho rằng số mệnh do trời sắp đặt, dễ được diễn dịch thành thuyết định mệnh. Thuyết này có một nhược điểm: Nếu số mệnh là định mệnh, không thể thay đổi thì mọi tạo tác của ta trong đời này trở thành vô nghĩa. Thật ra, đối với một số tôn giáo lớn, dù vẫn cho số mệnh do trời hay thượng đế sắp đặt, nhưng nếu chúng ta sống thuận ý trời, đẹp ý Chúa thì vẫn được những tưởng thưởng xứng đáng. Nói vậy là đã thừa nhận số mệnh có phần bất định.
Với quan điểm cho rằng, số mệnh do chính chúng ta tự tạo ngay trong đời này, vậy khi chưa có ý thức tạo lập cuộc đời, số mệnh hoàn toàn bất định. Nhiều triết gia phương Tây, dù không đề cập đến số mệnh, nhưng vô tình họ đã ủng hộ quan điểm này, khi cho rằng con người chỉ sinh ra một lần trong đời, không có quá khứ, không bị ràng buộc bởi quá khứ. “Thượng đế đã chết rồi”(1) nên không còn ai sắp đặt cho ta một số mệnh. Yếu tính của con người là tự do. “Người nào tự mình tự do lựa chọn, tự mình tạo nên mình, tự mình là thành quả của mình, kẻ ấy mới đích thực hiện hữu”(2). Việc cho rằng, chúng ta sinh ra với một số mệnh như tờ giấy trắng, hoàn toàn bất định, số mệnh trở thành thế này hay thế kia tùy theo sự tạo tác của ta, sẽ vấp phải các nhược điểm như đã nói ở phần I.
Với quan điểm cho rằng, số mệnh do chính ta tạo ra trong quá khứ và đang tiếp tục tạo ra trong hiện tại thì số mệnh này không hẳn là tất định cũng không hẳn là bất định. Quan điểm này của nhà Phật không vấp phải các nhược điểm trên và cho ra một lý giải hoàn toàn phù hợp với thực tế. Quan điểm này được trình bày đầy đủ qua lý Nhân quả Nghiệp báo.
Theo lý Nhân quả, bất kỳ một sự kiện nào xuất hiện trong đời đều có nguyên nhân của nó. Các nguyên nhân này do mỗi người tự tạo lấy, thông qua ba nghiệp thân, khẩu, ý nên gọi là "nghiệp nhân". Trong ba nghiệp, ý đóng vai trò chủ đạo.
Những nghiệp nhân thời quá khứ khi đủ duyên cho ra quả thời hiện tại.
Những nghiệp nhân thời quá khứ và đang được tạo ra ở thời hiện tại, khi đủ duyên sẽ cho ra quả ở thời vị lai.
Quả là những sự kiện xuất hiện trong đời sống của ta.
Những nghiệp nhân thời quá khứ và hiện tại liên tục cho ra quả thời hiện tại và vị lai. Những quả ấy nối tiếp nhau tạo thành dòng sống của mỗi người. Do không thể truy tìm dược chỗ khởi đầu của dòng sống, nên nói rằng dòng sống đã xuất hiện từ vô thủy(3). Đời người chỉ là một đoạn ngắn trên dòng sống dài như vô tận ấy. Như vậy, chúng ta, ai cũng trải qua vô lượng đời kiếp, trôi lăn trong sanh tử luân hồi cho đến ngày hôm nay. Đời sống hiện tại, là cái quả nối tiếp của những đời quá khứ và là nhân của các đời vị lai.
Các nghiệp nhân được phân thành hai loại, thiện và ác(4). Nghiệp nhân thiện cho ra quả tốt. Nghiệp nhân ác cho ra quả xấu. Nếu quá khứ tạo được nhiều nghiệp nhân thiện thì hiện đời sẽ có nhiều sự kiện tốt xuất hiện trong đời sống của ta. Ngược lại, sẽ có nhiều sự kiện xấu xuất hiện trong đời. Trong quá khứ, chúng ta đã tạo nhiều nghiệp nhân, thiện ác lẫn lộn, nên hiện đời cuộc sống có lúc tốt, lúc xấu, lúc thăng, lúc trầm… Chính điều này đã làm nên ý nghĩa của số mệnh.
Như vậy số mệnh không do một vị thượng đế hay một ông trời sắp đặt mà do chính mỗi người tự tạo lấy trong quá khứ và đang được tiếp tục tạo ra trong hiện tại.
Do cuộc sống ở hiện đời là cái quả của những gì chúng ta đã gây tạo từ những đời trước, nên khi sinh ra chúng ta phải thừa hưởng những nghiệp nhân mà chính mình đã tạo ra trong quá khứ. Như vậy chúng ta không sinh ra với một số mệnh hoàn toàn bất định, mà vẫn có một “số mệnh” chi phối đời sống của chúng ta. Chính “số mệnh” này đã quy định hoàn cảnh, tố chất của mỗi ngươi khi được sinh ra. Do mỗi người đều tạo ra những nghiệp nhân riêng, nên hoàn cảnh của mỗi người khi ra đời cũng riêng khác.
Dù “số mệnh” đã có khi ra đời, nhưng “số mệnh” đó lại do ta tạo ra dưới sự chi phối của lý Nhân quả, nên nó không phải là định mệnh không thể thay đổi. Nếu “số mệnh” là định mệnh thì mọi hành vi tư tưởng của ta trong đời này hoàn toàn vô nghĩa. Sống đạo đức hay phi đạo đức, sống vị kỷ hay vị tha, sống lười biếng hay siêng năng v.v… đều như nhau. Điều này không phù hợp với thực tế. Cho nên, “số mệnh” vẫn có phần bất định.
Ta có thể làm gì với “số mệnh” của chính mình?
Do “số mệnh” có phần bất định, nên chúng ta có thể chỉnh sửa thay đổi “số mệnh” của chính mình. Vì “số mệnh” chịu sự chi phối của lý Nhân quả, nên muốn thay đổi “số mệnh”, chúng ta phải biết cách vận dụng lý Nhân quả.
Như đã nói, chúng ta tạo ra các nghiệp nhân thông qua thân, khẩu và ý. Vì thế chúng ta cũng phải nương nơi thân, khẩu, ý của chính mình mà sửa đổi “số mệnh” của mình. Muốn “số mệnh” tốt đẹp hơn, chúng ta cần làm các việc thiện, hạn chế các việc ác. Do từ nhân tới quả phải mất một khoảng thời gian, nên những việc làm tốt có thể chưa cho quả tốt liền. Lại nữa, nếu những nhân ác ở quá khứ còn nhiều và mạnh, nó sẽ ngăn trở các nghiệp nhân tốt vừa tạo ra cho quả sớm. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy mình đã làm nhiều việc tốt mà hoàn cảnh vẫn chưa thay đổi. Ở đây đòi hỏi chúng ta phải có niềm tin vào lý Nhân quả, kiên trì thực hành, kết quả sẽ đến.
Cách làm trên, là hướng ra ngoài làm các việc thiện thông qua thân và khẩu. Do ý đóng vai trò chủ đạo, nên muốn sửa đổi “số mệnh” một cách tích cực, chúng ta phải hướng vào trong sửa đổi tâm ý của chính mình. Ngoài làm các việc thiện, trong sửa đổi tâm ý sao cho phù hợp với đạo lý, chúng ta sẽ thay đổi được “số mệnh” của chính mình và thành quả sẽ đến ngay trong hiện đời.
Một câu chuyện thời quá khứ
Liễu phàm tiên sinh, tác giả cuốn Liễu phàm tứ huấn, khi còn nhỏ đã mất cha. Thay vì như số đông, đi học để ra làm quan, ông nghe lời mẹ theo nghề thuốc.
Một hôm, tiên sinh lên chùa Từ Vân chơi, gặp một cụ già, râu dài, tướng mạo như tiên. Tiên sinh ngưỡng mộ, tới chào hỏi. Cụ già hỏi:
- Người có mạng làm quan, năm tới sẽ đậu tú tài. Sao giờ còn lang thang ở đây, không lo học?
Tiên sinh trình bày nguyên do. Rồi hỏi thăm tên họ, quê quán cụ già. Được biết, cụ họ Khổng, người Vân Nam, là người được chân truyền cuốn Hoàng cực kinh thế thư của Thiệu Khang Thiết. Sách này căn cứ Kinh dịch và số học để bói về thời thế đất nước và vận mệnh con người. Nghe vậy, tiên sinh mời cụ về nhà gặp mẹ và nhờ xem số cho mình.
Cụ bói cho tiên sinh không việc nào không đúng, từ việc nhỏ đến việc lớn. Năm nào thi đậu cấp gì, thứ hạng bao nhiêu, năm nào làm quan, bao lâu v.v… cụ đều nói rất chính xác. Tiên sinh ghi chép đầy đủ những gì cụ Khổng đã bói cho: Tuy có làm quan nhưng không đậu được tới cử nhân. Năm 53 tuổi ngày 18 tháng 3 giờ Sửu mất tại nhà. Không có con nối dõi…
Do thấy đời mình diễn ra đúng y những gì mà cụ Khổng đã bói, ngay cả những việc lúc đầu tưởng chừng sai, rốt cuộc cũng không thể sai, nên tiên sinh tin chắc rằng, con người đã có một số mệnh an bài. Việc thăng quan tiến chức, giàu sang hay phú quý đều có thời có lúc của nó, đã được trời ấn định.
Năm 35 tuổi, Tiên sinh có duyên gặp Thiền sư Vân Cốc Pháp Hội trên núi Thê Hà. Ngồi thiền với Thiền sư suốt ba ngày. Sau buổi tọa thiền, Sư hỏi:
- Sở dĩ con người không thể trở thành thánh nhân, vì bị những vọng niệm lăng xăng quấy rối. Ngươi ngồi ba ngày mà không thấy khởi lên môt niệm nào, làm sao được vậy?
Tiên sinh trả lời:
- Sau khi cụ Khổng lấy số mạng cho con, con thấy cuộc đời sống chết vinh nhục đều do trời sắp đặt. Dù muốn dù không cũng chẳng thay đổi được gì. Suy nghĩ thêm cũng vậy thôi, nên không còn suy nghĩ.
Thiền sư Vân Cốc bật cười nói:
- Ta tưởng ngươi là kẻ xuất chúng, nào ngờ chỉ là kẻ phàm phu.
Tiên sinh không hiểu, hỏi lại.
Sư đáp:
- Tâm người nếu còn lăng xăng thì còn bị âm dương khí số trói buộc, làm sao bảo là không có số mệnh? Nhưng số mệnh chỉ chi phối người thường, là người sống suốt đời chìu theo tánh mình(5), không biết thay đổi. Còn đối với người có sự chuyển biến mạnh mẽ, số mệnh không thể chi phối. 20 năm nay, Khổng tiên sinh chỉ cho ngươi thấy số mệnh mà ngươi không thể thay đổi số mệnh chút nào. Vậy không phải phàm phu là gì?
Liễu Phàm thắc mắc:
- Không lẽ người ta có thể thoát khỏi sự chi phối của số mệnh hay sao?
Thiền sư Vân Cốc đáp:
- Mạng do ta tạo, phước do mình tìm. Kinh thư, Kinh thi đã dạy rõ ràng như vậy. Kinh Phật cũng dạy: “Mong cầu giàu sang sẽ giàu sang. Mong cầu sinh trai gái sẽ sinh trai gái. Mong cầu sống lâu sẽ sống lâu”.
Tiên sinh không đồng ý:
- Mạnh Tử nói: “Không tìm thì thôi, tìm sẽ được. Tìm như vậy có lợi ích vì tìm được. Đó là tìm bên trong. Còn tìm không đúng cách thì kết quả phụ thuộc vào số mệnh, tìm như thế vô ích. Vì đó là tìm bên ngoài ta”. Như nhân nghĩa đạo đức, đó là những gì ở trong ta, ta có thể đạt được bằng sức mình. Còn tìm công danh phú quý là cái ở bên ngoài ta, tìm như vậy làm sao tìm được.
Sư trả lời:
- Mạnh Tử nói rất đúng. Chỉ vì ngươi hiểu chưa đúng. Ngươi không nghe Lục tổ nói: “Tâm ta như miếng ruộng, phước họa do mình trồng”, phải ở trong lòng mà gieo thì không gì là không được. Tìm do ta, không riêng nhân nghĩa đạo đức mà công danh phú quí cũng sẽ được hết. Trong và ngoài đều được, tìm như vậy, mới có lợi ích vì tìm được. Ngược lại, nếu không xem xét trong lòng, chỉ một mực hướng ra ngoài tìm cầu, xem thì thấy có vẻ đúng cách nhưng được hay không thì tùy số mệnh. Cuối cùng trong ngoài đều mất, nên Mạnh Tử nói vô ích là vậy.
Thiền sư Vân Cốc hỏi tiếp:
- Ngươi tự xét lại xem, ngươi có xứng đáng đậu tiến sĩ hay không? Có xứng đáng có con nối dõi hay không?
Tiên sinh kiểm điểm khá lâu, rồi đáp.
- Dạ con không xứng. Vì những người thi đậu làm quan là người có phước, con không phước. Con không lo xây dựng đức hạnh để tiếp nhận phước lớn. Tánh con thường bực bội bồn chồn, chịu không nổi những phiền toái vụn vặt xảy ra trong đời sống. Lòng hẹp hòi không thể bao dung, thường lấy tài mình chèn ép người. Lại hay thích sao làm vậy, không suy nghĩ cặn kẽ. Lời nói không thận trọng, thường nói bậy. Những điều như thế là tánh vô phước, làm sao xứng đáng với con đường khoa cử. Con cũng không đáng có con, vì chỗ nào càng dơ thì càng nhiều sinh vật, nước trong ít tôm cá. Con có tật thích sống sạch cho riêng mình. Đó là nguyên nhân thứ nhất không con. Bầu không khí hòa thuận sẽ làm cho mọi loài sinh sôi, mà tánh con hay nóng giận bực bội, đó là nguyên nhân thứ hai không con. Yêu thương là nền tảng của sự sinh sôi, còn khắt khe ích kỷ là nguồn gốc của sự không sinh dục. Con chỉ biết yêu quý danh vọng tiết tháo của mình, thường không thể hy sinh giúp đỡ người khác… ngoài ra còn nhiều lỗi lầm không sao nói hết.
Thiền sư Vân Cốc nghe xong, nói:
- Đâu phải chỉ có vấn đề thi cử mới như vậy. Những cái khác cũng vậy. Người thấy lý lẽ, biết đó là phước báu của mình. Người không biết, sẽ giải thích bằng định mệnh trời kêu ai nấy dạ. Thật ra trời chỉ xử lý trên những gì con người có. Có bao giờ thêm bớt chút nào theo ý riêng của mình đâu(6).
Thiền sư nói tiếp:
- Nay ngươi đã biết được nguyên nhân không đậu tiến sĩ, không có con, thì cứ nhắm vào nguyên nhân đó mà sửa chữa. Phải tích bồi công đức. Phải bao dung lỗi lầm của người khác. Phải hòa thuận yêu thương mọi người. Phải giữ gìn sức khỏe. Khổng tiên sinh đoán ngươi không đậu Tiến sĩ, không có con. Đó là số trời đã định. Nhưng ta vẫn có thể không tuân theo. Từ nay về sau, ngươi phải trau dồi tánh hạnh đạo đức cho nhiều. Hết lòng làm thiện. Tích bồi âm đức. Phước này do mình tạo, không thể không hưởng.
Tiên sinh theo đó mà thực hành.
Đúng như lời của Thiền sư Vân Cốc nói. Cuộc đời của ông không còn diễn biến theo số mệnh mà Khổng tiên sinh đã bói cho. Thay vì sống 53 tuổi, ông sống tới 74 tuổi. Thay vì không đậu cử nhân, ông đậu tới tiến sĩ. Thay vì không có con, ông có một người con trai, sau này cũng đậu tiến sĩ. Vì thế ông đã viết ra cuốn Liễu phàm tứ huấn để dạy con. Trong đó có nói: “Ai cho họa phúc do mình tạo, là lời thánh hiền. Còn cho trời định, là lập luận của hạng phàm tục”.
Như vậy dù sinh ra với một số mệnh, nhưng nếu biết vận dụng lý Nhân quả nghiệp báo một cách đúng đắn, ngoài làm thiện, trong sửa ý, chúng ta vẫn sửa đổi được số mệnh của chính mình.
Chánh Tấn Tuệ
(Thư Viện Hoa Sen)
___________________________
(1) Lời của Nietzsche (1844-1900), một triết gia người Phổ.
(2) Quan điểm của Heidegger và J.P Sartre trong cuốn Chủ nghĩa hiện sinh - P. Foulquié. Thụ Nhân dịch.
(3) Thành Duy Thức Học ghi: “Khế kinh Đại thừa A-tì-đạt-ma nói “Giới từ vô thủy lại, hết thảy pháp đều nương...”.
(4) Kinh phân thành 3 loại: Thiện nghiệp, ác nghiệp, tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp thuộc phần xuất thế, nên đây không bàn đến.
(5) Tánh, nói đủ là tâm tánh, ở đây chúng ta hiểu là tâm ý, nhưng là cái ý đã được huân tập rất lâu, trải qua nhiều đời. Nó trở thành kiên cố cứng ngắt, tưởng chừng như không thể thay đổi, nên gọi là tánh. Cái tánh ý này đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra tư tưởng và hành vi của một người. Các nghiệp nhân theo đó mà hình thành và làm nên số mệnh của con người. Nếu sửa được tánh ý này, con người sẽ thay đổi được số mệnh của mình.
(6) Do tùy thuận theo chỗ hiểu của Tiên sinh, nên Thiền sư Vân Cốc cũng nói Trời, nói số mệnh. Qua đó hiển bày nhân quả nghiệp báo chi phối đời sống con người.
Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017
LUẬT BIỂU TÌNH CHƯA CÓ THÌ TRÌ TRỆ VẪN TIẾP DIỄN
Ông Lê Minh Thông-Phó chủ nhiệm UB Pháp luật- cho biết, luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình cho ý kiến từ kỳ họp thứ 11, QH khoá 13 nhưng liên tiếp bị lùi do đây là dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc- Tổng thư ký Quốc Hội phát biểu "Luật Biểu tình rất quan trọng để quản lý nhà nước về vấn đề này chứ không phải không. Nhưng Thường vụ thấy không ổn thì trả lại để Chính phủ nghiên cứu, khi nào Chính phủ trình thì Quốc hội sẽ xem xét" Nnưng Ông Phúc cũng không quên : "Còn xem bối cảnh hoàn cảnh để đảm bảo về an ninh quốc phòng, trật tự xã hội " Điều này cũng có nghĩa Luật biểu tình ra đời hay không là " tùy thuộc vào bối cảnh hoàn cảnh để đảm bảo An ninh quốc phòng. Dưới con mắt của Quốc hội Việt Nam chừng như Luật biểu tình ( việc người dâ biểu tình phản đối hay ủng hộcác chủ trương, chính sách,...của chính phủ) trực tiếp đe dọa đến An ninh Quốc Phòng của đất nước. Thật là kỳ quặc, đất nước này không biết ai đang sống, Người biểu tình đe dọa an ninh của người biểu tình chăng?
Khi nước Việt Nam giành được độc lập 1945 từ thực dân Pháp, cùng với việc áp dụng chế độ nhà nước Cộng Hòa, quyền biểu tình đã được ghi vào hiến pháp và công nhận. Ngày 13/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 31 công nhận quyên biểu tình của người dân. "Điều thứ 1: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này" [5].Trong giai đoạn 1954 đến 1975, khi Việt Nam bị chia cắt với hai chế độ xã hội khác nhau. Miền Bắc theo chủ nghĩa xã hội, do điều kiện chiến tranh và xã hội, sau cải cách ruộng đất, chưa có cuộc biểu tình nào được ghi nhận. Ngược lại, tại miền nam, với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, người dân được quyền Biểu tình. Các phong trào biểu tình chống chế độ, chống chiến tranh của các tầng lớp Tăng lữ, Sinh viên, trí thức... đã góp phần làm thay đổi xã hội, thay đổi nhận thức của cộng đồng quốc tế về cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cuộc biểu tình lớn trong thời kỳ này phải kể tới Biến cố Phật giáo, 1963 làm thay đổi chính trị tại Việt Nam Cộng Hòa năm 1963. Uy tính của chính quyền Ngô Đình Diệm bị suy giảm nghiêm trọng do sự đàn áp các đợt biểu tình của giới Phật giáo, dẫn tới đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm chấm dứt nền Đệ nhất Cộng hoà ở miền Nam Việt Nam.
Đệ Nhất, đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa là những chính phủ " bù nhìn" thì "sợ biểu tình đe dọa An ninh quốc phòng" là điều dễ hiểu nhưng sau ngày thống nhất đất nước , cho đến nay một Chính phủ do dân bầu ra mà hơn 40 năm vẫn chưa có " Luật biểu tình " thì quả thật là khó hiểu !
Không có " Luật biểu tình " người dân cũng vẫn biểu tình và vì không có Luật biểu tình nên người tham gia biểu tình dễ dàng vi phạm " luật pháp " và bị Chính quyền sở tại xử lý.Anh ninh quốc phòng bị đe dọa đâu không thấy chỉ thấy Người biểu tình bị thiệt hại cho dù họ biểu tình để bày tỏ nguyện vọng chính đáng!
Vậy là người dân phải vận dụng cái quyền biểu tình của mình bằng hính thức khác.
Điển hình là việc các tài xế " dùng tiền lẻ" để qua trạm thu phí BOT và hiện nay là " dự án 25-1 " đang xãy ra ở tram thu phí BOT Cai Lậy Tiền Giang đang là một "cuộc chiến giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp". Thế nhưng Doanh nghiệp thì lại đang được các lực lượng hành pháp ủng hộ bất chấp sự " bất hợp lý" do doanh nghiệp gây ra dẫn đến cuộc chiến này
Chưa có Luật biểu tình thì đất nước vẫn mãi trong tình trạng trì trệ, kém phát triểu bởi do " Dân chủ nửa vời" tạo ra
Ai cũng hiểu, lẽ nào Quốc hội không hiểu?
Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017
MÙI LỒN- THƠ VÔ LỐI HOÀNG VŨ THUẬT ( ĐỖ HOÀNG
MÙI là tên một bài thơ trong tập thơ " Mùi' của Tác giả Hoàng Vũ Thuật. Tập thơ được khá nhiều người khen ngợi, đặc biệt là với bài thơ MÙI.
Hoàng Thùy Anh đã nhận định : " Mùi chứa đựng trong nó những góc nhìn mới, chiêm nghiệm mới về thế giới, con người và thơ ca. Giọng điệu trầm tư, sâu lắng, đậm chất suy tưởng, liên tưởng đan cài với kiểu kết cấu mới lạ trên cái nền không - thời gian vừa trần tục vừa hư ảo tạo nên những thi ảnh phức hợp, đa nghĩa, tạo nên sức hấp dẫn, cuốn hút riêng cho Mùi. Khó khái quát hết ý đồ nghệ thuật mà Hoàng Vũ Thuật gửi gắm qua bài viết ngắn này, nhưng có thể khẳng định, Mùi giàu tính hàm súc, đa nghĩa, hứa hẹn nhiều sáng tạo độc đáo ở người đọc". ( Mùi - Khát vọng trong thơ Hoàng Vũ Thuật-VNTP HCM)
Về bài thơ Mùi, TS Trần Hoài Anh đã viết " ...Và đây chính là mùi hiện sinh, một cảm thức chủ đạo tan chảy trong thơ Hoàng Vũ Thuật, cái mùi mà bằng sự cảm nhận tinh tế của một thi nhân luôn khắc khoải trước số phận con người, anh đã nhìn thấy sự “lây nhiễm” của nó đối với nhân tính, khi con người ngày càng tha hóa khủng khiếp trước quyền lực, dục vọng, tiền tài...
Mùi...
có thể viêm nhiễm sau cuộc giải phẫu
có thể mới ra đời đã biến mất
có thể từ trời cao đổ xuống từ dưới đất trồi lên
....
mùi mưa mùi nắng mùi gió mùi cáu bẩn
mùi nguyên trinh
mùi kiệt quệ mùi phục sinh mùi mùa
mùi của mùi.
(Mùi)
( Mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật- VNTP HCM)
Thế nhưng với sự bộc trực vốn có , Đỗ Hoàng đã thẳng thắn chỉ trích bài thơ " Mùi", cho đây là một bài thơ "Vô Lối" và ông đã " dịch" bài thơ đặt cho nó cái tựa thực với chính nó " Mùi Lồn".
Hẳn nhiên có người đồng tình với Đỗ Hoàng cũng có người không. " Cái mùi đàn bà" đã tạo ra biết bao biết bao thi phẩm tuyệt đẹp nhưng giờ cái " Mùi hương " ấy chỉ toát ra từ một nơi rất "tế nhị" .
MÙI
thơ Hoàng Vũ Thuật
ở đâu đó rất xa vừa nhìn thấy vừa không nhìn thấy
nghe được sờ được
dòng thác nóng ran hai bờ đêm
nguyên bản cuộc sống vốn thế
cơn sốt bất thần run bần bật
có thể viêm nhiễm sau cuộc phẫu có thể mới ra đời đã biến mất
có thể từ trời cao đổ xuống từ dưới đất trồi lên
mằn mặn nhàn nhạt hương một loài
hoa không tên gọi
mùi mưa mùi nắng mùi gió mùi cáu bẩn mùi nguyên trinh
mùi kiệt quệ mùi phục sinh mùi mùa
mùi của mùi
29/12/2010
Đỗ Hoàng dịch ra thơ Việt
MÙI LỒN!
ở nơi nào đó rất xa,
vừa nhìn thấy bóng ta bà vừa không.
nghe sờ được một dòng thác nóng
hai bờ đêm cháy bỏng râm ran.
nguyên sơ cuộc sống trần gian
bất thần cơn sốt lan tràn bật run.
sau phẫu thuật nhiễm trùng có thể
cái mới ra nhỏ bé đi tong.
từ trời đổ xuống khoảng không
từ đất nảy nở một dòng trồi lên
hương loài hoa chẳng có tên
mằn mặn nhạt nhạt mắm nêm quê nhà.
muì mưa nắng, mùi bùn sa
mùi trinh bạch, mùi thối tha…
mùi mùi!
Vỹ thanh:
Cuối cùng còn lai mùi tui (*)
Cái mùi vô lối mần đui mũi người!
(*) Tôi – tiếng Quảng Bình
Hà Nội ngày 4 – 1- 2016
Đ - H
Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017
Văn chương nước Việt bét nhè bởi ông Nguyễn Lộc bút đè giáo khoa...(*)
Tran Manh Hao
SUỐT HÀNG CHỤC NĂM TRỜI, SÁCH GIÁO KHOA VĂN LỚP 10 CỦA BỘ GIÁO DỤC TỪNG DẠY SAI, DẠY BẬY VỀ THƠ NGUYỄN KHUYẾN, BIẾN NGUYỄN KHUYẾN THÀNH CHÍ PHÈO SUỐT NGÀY SAY LÈ NHÈ.
Trần Mạnh Hảo.
Là người Việt Nam từng được cắp sách đến trường, chắc ai trong chúng ta thảy đều yêu thích và thuộc ba bài thơ : "Thu vịnh", "Thu điếu" và "Thu ẩm" của thi hào Nguyễn Khuyến ? Sách giáo khoa văn học lớp 11 tập 1 do Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn cho học sinh các tỉnh miền Nam, cụ thể phần thơ Nguyễn Khuyến do Phó Giáo sư Nguyễn Lộc viết, được nhà xuất bản Giáo dục tái bản lần thứ ba năm1993, đến nay 1998 đã được tái bản tới bảy, tám lần đều có dạy ba bài thơ viết về mùa thu của Nguyễn Khuyến. Ngoài sách giáo khoa Văn học dành cho học sinh, nhóm biên soạn trên còn biên soạn thêm một sách giáo khoa Văn học dành cho giáo viên đi kèm, cốt ý chỉ giáo, hướng dẫn giáo viên cách hiểu và cách giảng dạy các bài thơ văn. Rất tiếc, bên cạnh những chỉ dẫn, những gợi ý khá đúng đắn cho giáo viên và học sinh hiểu và cảm được ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, còn một số điều bất cập mà người soạn sách mắc phải. Để giáo viên và học sinh hiểu đúng ba bài thơ trên của Nguyễn Khuyến, chúng tôi xin góp ý với người soạn sách và nhà xuất bản Giáo dục đôi điều sau đây.
Giải thích câu thơ " Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái " trong bài "Thu vịnh", PGS Nguyễn Lộc viết trong phần chú thích trang 52, sách Văn học lớp 11, tập 1 dành cho học sinh các tỉnh miền Nam như sau :" Hoa năm ngoái : hoa đã nở từ năm trước khô đi và còn lại đến bây giờ. Đây là cảnh tả thực ". Người soạn sách đã hiểu sai câu thơ này của Nguyễn Khuyến nên cũng bắt giáo viên và học sinh dạy và học sai câu thơ. " Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái ", Nguyễn Khuyến muốn nhắc lại ý của câu thơ Sầm Tham " Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa " ( Xuân nay lại nở hoa năm ngoái) và cũng nhắc lại ý câu thơ của Thôi Hộ :" Đào hoa y cựu tiếu đông phong" mà Nguyễn Du đã chuyển thành Việt ngữ tuyệt vời như sau :" Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông". Mùà thu, Nguyễn Khuyến nhìn những bông hoa trước giậu vừa nở, tưởng hoa năm ngoái lại về, sao lại giải thích sai câu thơ cho giáo viên dạy và học trò học rằng :" hoa đã nở từ năm trước khô đi và còn lại tới bây giờ ". Phàm những hoa nở trong mùa thu, khi tàn sẽ bị những trận gió mùa đông bấc dữ dội quật nát tan, chứ làm sao còn được "ép khô " mà đứng giữa trời như Nguyễn Lộc viết. Hoá ra Nguyễn Khuyến vịnh hoa khô chứ không phải hoa thật ư ? Vả lại, ý niện "năm ngoái" Nguyễn Khuyến dùng đây chỉ thời gian ước lệ, thuở nước chưa mất, hồn nước xưa còn hiện về trong hồn hoa.
Trong sách Văn học lớp 11, tập 1, dành cho giáo viên, xuất bản năm 1991 vẫn dùng cho niên học 1998-1999 này, PGS Nguyễn Lộc giải thích câu thơ thứ 3 trong bài "Thu vịnh " như sau :" Nước biếc trông như tầng khói phủ ", thì không phải là khói đang phủ dần mặt nước, mà nó đã phủ rồi" ( tr. 50). Quả là tác giả sách giáo khoa chưa hiểu đúng câu thơ trên của Nguyễn Khuyến. Nước ao hồ mùa thu trong câu thơ kia xanh quá trông giống như khói, chứ không phải ao hồ đã bốc khói như sách giáo khoa giải thích. " Nướùc biếc TRÔNG NHƯ tầng khói phủ ". Nguyễn Khuyến dùng chữ TRÔNG NHƯ, tức là không phải như thế, trông như khói nhưng không phải khói. Giống như ta ví von rằng cô X. trông như vợ tôi, tức là cô X. không phải vợ tôi và ngược lại. Hoặc hoa phượng trông như lửa cháy thì sao hoa phượng có thể biến thành lửa cháy được ? Vậy nên khi sách giáo khoa bảo rằng " Không phải là khói đang phủ dần mặt nước mà nó đã phủ rồi" là sai với tinh thần câu thơ của Nguyễn Khuyến. Cũng cần phải nói thêm ở trang 53 sách Văn học giáo viên, tác giả còn trích sai câu thơ này như sau :" Mặt nước trông như tầng khói phủ "
Khi giải thích hai câu cuối cùng của bài "Thu ẩm", trong sách Văn học dành cho giáo viên trang 52, PGS Nguyễn Lộc viết :"" Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy / Độ năm ba chén đã say nhè ". Câu 7 không có một động từ nào. Câu 8 thì có động từ say, nhưng ở đây là say nhè. Say nhè là say nói lè nhè chứ không phải say mặt đỏ bừng bừng đi quệnh quạng, lảo đảo rồi ngã dúi ngã dụi giống như trong câu thơ của Tản Đà :"Đất say đất cũng lăn quay / Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười ?". Người viết sách giáo khoa này không chỉ hiểu sai câu thơ của Tản Đà, mà hiểu rất sai bài thơ " Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến khi ông giải thích hai câu cuối cùng của bài thơ như trên. Qua câu 7 của bài thơ, Nguyễn Khuyến đã cho người đọc hiểu rằng ông là người uống rượu kiểu tiên tửu, tâm tữu chứ không phải tục tửu kiểu Lưu Linh ; rằng ông mang tiếng hay rượu nhưng khả năng uống rượu lại rất hạn chế, chẳng qua mượn rượu làm cái cớ, làm chất xúc tác thôi, chứ rượu và say không phải mục đích của mình :" Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy ". Tiếp theo là câu 8 :" Độ năm ba chén đã say nhè ". Câu thơ này là một vế chưa nói hết của câu thứ 7 ; rằng tôi chỉ uống độ năm ba chén thôi là đã có thể say rồi đó nha, đó nhe, hoặc là uống độ năm ba chén là say nhè đấy ! " Độ năm ba chén đã say nhè" là một cách nói ví phỏng về sự uống rượu của mình chứ không phải tác giả bảo mình đã uống tới "năm ba chén đã say nhè " như sách giáo khoa giải thích.
Ta cần chú ý từ "Độ" ở đây có ý phỏng chừng chứ không phải có ý khảng định rằng mình đã xới tới "năm ba chén". Mà ngay cả " năm ba chén " ở đây cũng chỉ là con số áng chừng, không cụ thể. Kết hợp câu 7 lại với câu 8 của bài "Thu ẩm" cho chúng ta một cách hiểu biểu trưng, rất quy ước chứ không hề cụ thể như sách giáo khoa giải thích ; rằng có thể nhà thơ mới chỉ nhấm nháp chút rượu lấy hứng thôi, chứ thực ra chưa uống tới " năm ba chén" đâu. Nếu cứ hiểu ép, hiểu lấy được, bất chấp bút pháp ước lệ của nhà thơ mà cho rằng ông đã uống tới "năm ba chén " để đến mức " say nhè" thì cái sự " nhè " ở đây hoàn toàn không phải sự "say nhè " mà sách giáo khoa phân tích rằng " say nhè là say nói lè nhè", say kiểu Chí Phèo uống rượu.
Hiểu như thế quả tình đã giết chết tinh thần ung dung tự tại, tinh thần tiên phong đạo cốt của bậc túc nho Nguyễn Khuyến đang mượn ly rượu nhỏ mà uống cả hồn mùa thu tĩnh lặng, tuyệt vời trong chiếc ao con. Cần phải biết rằng trong thơ luật Đường mà Nguyễn Khuyến xử dụng ở đây với tinh thần " thi tại ngôn ngoại", rằng nói vậy nhưng không phải vậy đâu. Người soạn sách giáo khoa đã bị chữ "say nhè" úm, thành ra không còn tỉnh táo, mới bảo lão ẩm trong bài thơ đã say đến mức nói lè nhè thì còn gì là mùa thu Nguyễn Khuyến nữa. Hãy đọc kỹ bài "Thu ẩm" xem, Nguyễn Khuyến đâu có nói lè nhè mà ông rất tỉnh táo, thông qua ngôn ngữ thơ hết sức chính xác và tinh tế, nhà thơ đã mang toàn bộ hồn vía của mùa thu vào giấu trong ly rượu nhỏ, để biến ao thu thành nỗi say người. Vả lại, một người đã say nhè, say nói lè nhè như sách giáo khoa hiểu, không bao giờ tự nhận mình say.
Cho nên chỉ có người tỉnh táo mới bảo rằng tôi mang tiếng uống rượu hay, nhưng tửu lượng rất kém, uống độ "năm ba chén đã say nhè" đấy bạn ạ. Nghĩa là trong bài thơ " Thu ẩm", Nguyễn Khuyến chưa hề uống tới " năm ba chén" và chưa hề " say nói lè nhè " như sách giáo khoa áp đặt. Trong câu hỏi hướng dẫn học tập trang 53, sách Văn học cho học sinh, tác giả đã hướng dẫn sai tinh thần bài "Thu ẩm" như sau :"Đọc bài thơ có ấn tượng nhà thơ nhìn cảnh vật qua cảm giác chếnh choáng của người say. Em có cảm thấy như thế không ? Do những yếu tố nào mà có cảm giác ấy ?".
Tác giả phần sách giáo khoa này đã hướng dẫn chưa đúng tinh thần bài thơ " Thu ẩm " trong sách Văn học dành cho giáo viên ở trang 54 như sau :"Đặc biệt trong bài "Thu ẩm" thì cách cảm nhận thiên nhiên rõ ràng là của một người say, của một ông già say. Cố nhiên ở đây say mà vẫn tỉnh nên nhà thơ mới quan sát được, mới làm thơ được. Nhưng chính qua cái nhìn của một người say nên mọi cái trong bài thơ dường như cũng chếnh choáng, cũng nhòe nhoẹt, nghiêng ngả." Cả bài "Thu ẩm" dù tìm đến nổ mắt cũng chẳng thấy chỗ nào, cảnh nào " chếnh choáng, nhòe nhoẹt, nghiêng ngả" như sách giáo khoa áp đặt. Đến đây, tác giả sách giáo khoa này có thể sẽ dùng câu thơ thứ 6 trong bài :" Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe" để biện bác rằng nhà thơ không say rượu sao mắt lại, "đỏ hoe"? Nếu Nguyễn Khuyến chỉ cốt khoe sự mắt " đỏ hoe" của mình là vì say rượu thì bài thơ thường quá, xoàng quá, cần gì phải dạy trong nhà trường.
Cái sự " Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe" có thể có một chút nguyên nhân do hơi rượu, nhưng ai bảo nguyên nhân chính của sự mắt "đỏ hoe" kia nơi nhà thơ không phải là do lòng cảm động, xúc động trước vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc giấu trong hồn thu quanh nhà tạo nên ? Mà giang sơn ấy nay đã mất rồi, đã không còn hồn nước cũ nữa nên ông phải từ quan về ở ẩn, đau đớn mà lặng thinh ngồi cô đơn một mình ngắm mùa thu, hồn thu, như ngắm hồn nước cũ. Tâm trạïng ấy nhà thơ đã thể hiện trong toàn bộ thơ văn của mình mà cụ thể nhất nơi bài thơ "Cuốc kêu cảm hứng ". Một trí thức lớn, một tâm hồn thơ lớn, một nhân cách lớn như Nguyễn Khuyến, ai bảo ông không có thể ứa nước mắt, "đỏ hoe " con mắt vì những điều hệ trọng, thiêng liêng này chứ không hẳn chỉ vì một ly rượu nhạt ?
Chính vì chưa hiểu được tâm thức nơi hồn thơ Nguyễn Khuyến khi ông viết ba bài thơ tuyệt tác về mùa thu mà PGS Nguyễn Lộc ở trang 54 sách Văn học dành cho giáo viên như đã dẫn mới viết như sau :" Trong hai bài "Thu vịnh " và "Thu điếu" là cách cảm nhận thiên nhiên tinh tế của một người nhàn nhã, lòng thư thái." Không, cái nhàn nhã, cái thư thái chỉ là hiện tượng, chỉ là bề mặt của hai bài thơ trên chứ bản chất của hồn thơ Nguyễn Khuyến chừng như không một chút thư nhàn. Tức cảnh, sinh tình, mượn cảnh vật, mượn mùa thu, ao thu để nói lên tâm trạng u uẩn, u hoài, u tịch, cô đơn, thương nước nhớ nước cũ đã mất về tay giặc chính là chiều sâu tâm thức của hồn thơ Nguyễn Khuyến. Hồn thơ ấy núp vào mùa thu mà bàng bạc cảm thương một nỗi quan hoài, một niềm canh cánh khôn khuây về nước cũ, vua cũ không còn thực quyền trên đất nước mình nữa. Nhà thơ ngồi vịnh cảnh mùa thu mà hồn vía hầu như toàn hướng về "hoa năm ngoái", "ngỗng nước nào", vừa cất bút lên đã thẹn vời ông Đào Tiềm đời Tấn. Nỗi thẹn, nỗi xưa, nỗi buồn thu man mác mà sâu thăm thẳm hơn cả trời đất kia chính là tấm lòng thương nước, nhớ nước đến tím ruột bầm gan nơi nhà thơ, sao sách giáo khoa dám bảo ông vịnh cảnh thu với lòng thư thái, nhàn nhã được ?
Việc sách giáo khoa giảng giải chưa đúng tinh thần ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, thành ra giáo viên cứ thế mà giảng sai, học sinh cứ thế mà học sai suốt cả chục năm, suốt cả hàng bảy tám lần tái bản, thử hỏi có phải là việc quá ư hệ trọng hay chỉ là việc bình thường ? Chúng tôi muốn thông qua bài báo này để đánh động dư luận toàn xã hội hãy chú ý đến con em mình hơn nữa; bằng cách chú ý đến những gì các em đang học trong nhà trường từ mẫu giáo đến đại học, ít nhất cũng cần kiểm tra lại sách giáo khoa, để xem trường hợp dạy sai thơ Nguyễn Khuyến như trên chắc chưa phải là trường hợp duy nhất .,.
Sài Gòn ngày 7-10-1998
T.M.H.
* Tựa do chủ blog đặt
Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017
ĐẶT TÊN ...
Đỗ Hàn
Phòm phớn phở bước vào nhà cụ Tén.
Cụ đang ngồi thư thái thưởng trà. Phòm cất giọng:-“ Thưa cụ, con thay mặt dân làng cảm tạ cụ đã hiến trên 1000 mét vuông đất để dân làng làm sân sau của nhà đền ạ!”Cụ Tén xua tay: Chuyện có gì đâu bác Phòm. Đấy là đất tôi chớp thời cơ mua được, còn như bác hiến cả đất hương hỏa của các cụ để làm đường dân sinh mới đáng phục.
- Dạ, cháu là ….
- Vưỡn biết bác làm cán bộ. Cán bộ làm gương thế, dân ai dám không theo!
- Thưa cụ, chúng con đang tính xin ý kiến dân làng và Ủy ban Xã, đặt tên cái cầu sau đền, chỗ đất cụ hiến , là cầu cụ Tén ạ! -Cụ giãy nảy: - “Ấy chết, bác đừng làm tôi tổn thọ!”Rồi cụ nghiêm mặt: - Bác Phòm ạ, cái tên Tén là tên cha mẹ đặt cho tôi. Tôi không muốn lúc nào cũng có người réo tên cúng cơm của tôi. Bác hiểu không!?
- Dạ! Cháu xin lỗi vì sự ngu dốt ạ!
- Đó là các bác chưa nghĩ đến thôi. Chứ bác để ý mà xem. Cuối phố huyện mình có cái cầu cô Hương. Chẳng biết từ xa xưa dân ở đó quý trọng cô như thế nào. Nhưng nghe lũ trẻ nó nói: “ Cướp trên đầu cô Hương!”, rồi “ Có đái qua đầu cầu cô Hương mà đái!!!” Rồi chúng hẹn nhau lên cầu cô Hương hôn hít sờ mó nhau, ô uế cả cầu, hổ cả tên cô.
- Thế ý cụ thì đặt tên các cầu, các phố, các đường phố thì…
- Tôi chẳng dám Gái góa bàn chuyện triều đình. Nhưng cũng thế cả thôi!
Theo tôi thì đừng nên lấy tên cúng cơm đặt tên đường, chỉ lấy công tích hay địa danh phát tích của Người đó thôi. Ví như Đường Hai bà Trưng thì tên là Mê Linh, Đường Trần Hưng Đạo thì tên là Chí Linh, Đường Nguyễn Trãi thì tên là Côn Sơn, đường Lê Lợi thì là Lam Sơn…
Phòm gật gù. Tán thưởng. Rồi bỗng dưng đứng phắt dậy: Vậy thì đường Lê Lai tên là đường Cứu chúa, đường Phạm Ngũ Lão là đường Đan sọt, đường Yết Kiêu là đường Đục thuyền, đường Trịnh Văn Bô là đường 5000 lượng vàng…
Phòm bỗng lắc đầu: - Không ổn, không ổn cụ ạ! Nếu thế thì đường La Văn Cầu tên là đường Lựu đạn, Đường Bế văn Đàn là đường Giá súng, đường Phan Đình Giót là đường Lỗ Châu mai à? Ghê quá! Ghê quá! Rồi đường Nguyễn Bính là đường Lỡ bước sang ngang, đường Chế Lan Viên là đường Điêu tàn, Đường Trần Mai Ninh là đường Nhớ Máu à…Nghe sợ!
- Thế ý bác Phòm thì nên thế nào?
- Theo cháu thì Thủ đô và các thành phố lớn, ngoài các phố cổ Hàng Nón, hàng Đào, hàng Thùng… ra thì nên lấy tên các tỉnh thành cả nước. Có đường Lạng sơn, đường Phú Thọ, đường Trà vinh, đương Cà Mau…Rồi lấy đến cấp huyện, có đường Tam Quan, đường Củ Chi, đường Phù Ninh, đường Quảng xương, đường Thuận Thành… Có những con phố mang tên Độc lập, Tự do, Hạnh Phúc, phố Tình yêu, Thân ái, Thương yêu… Rồi phố Sao Hỏa, phố Sao Kim, phố Sao Thổ… Còn các phố Hoa nữa, phố Hoa Cúc, Phố Hoa Hồng, Phố Hoa Lan…Chao ôi! Thành phố sẽ tràn ngập hoa!!! Còn ở thôn quê, cần ghi công đức ai thì lấy họ và tên đệm của người đó đặt cho công trình ạ.
Cụ Tén chưa hiểu, vẫn ờ ờ… thì Phòm nói luôn: “ – Ví như cụ họ Lê Hữu, chúng con xin đặt tên cầu là CẦU LÊ HỮU, vừa nhớ ơn cụ Lê Hữu Tén, vừa nhắc nhở cả dòng họ Lê Hữu luôn noi gương và phải làm gương như cụ ạ!
Cụ Tén cười móm mém: “ Bác giỏi, giỏi…”. Mũi Phòm cũng phập phồng theo hơi thở và tiếng cười khộc khộc cố nén trong họng!
Làm trưởng thôn phải thế đấy!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)