Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Học làm quan (Trích Luận ngữ tân thư)


Chuyện cũ đọc xong rồi… tỉnh bơ thì: hoặc là chuyện sắp vứt vào sọt rác, hoặc là người sắp quy tiên (sắp toi). Cũ/mới xin không bàn đến; “người“/“ngợm“ xin cũng miễn bàn. Song, chuyện cũ đọc xong mà… giật mình thì chắc chắn là chuyện chưa thể vứt vào sọt rác, và người… cũng chưa đến nỗi liệt vào hạng bỏ đi.

Kẻ khoác lác há to mồm mà tắc tị. Bậc Thiền sư ngậm miệng mà thông suốt mọi điều. Kẻ dối trá suốt đời lo gào thét để nhồi sọ thiên hạ. Bậc Vạn Thế Sư chỉ cần im lặng mà vẫn truyền được đạo lý cho đời…

Trên đây vẫn “Lời tựa“ trong Luận ngữ tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:

Khổng Tử rời nước Lỗ đến nước Vệ. Ngài cùng các học trò ở nhờ trong phủ quan đại phu nước Vệ là Cừ Viên. Người nước Vệ nghe tin, nhiều kẻ tìm đến khấn lễ với Cừ Viên, xin được làm học trò Khổng Tử. Cừ Viên hỏi:

“Chẳng hay các người muốn học Phu Tử để làm gì?“.

Đám kia trả lời:

“Chúng tôi học để làm quan“.

Cừ Viên bảo:

“Bình sinh ta nghe nói Phu Tử chỉ dạy làm người, chưa hề nghe nói Ngài dạy làm quan bao giờ. Phu Tử từng bôn ba khắp thiên hạ, cũng chưa gặp một người nào muốn học làm quan. Nay các người đòi hỏi một việc chưa hề có tiền lệ như thế, dẫu ta thân đứng ra nói, chắc gì Phu Tử đã nhận lời“.

Đám kia liền năn nỉ:

“Ấy, chính vì thế mà nước Vệ ta xưa nay luôn tự hào là một dân tộc độc nhất vô nhị. Ai ai cũng không thèm làm người, chỉ nhăm nhăm muốn làm quan. Chúng tôi vẫn biết Khổng Phu Tử khi làm quan cũng không được bề trên tín nhiệm cho lắm. Chẳng qua là dao sắc không gọt được chuôi đấy thôi. Song làm thầy thì lừng lẫy thiên hạ. Phu Tử dạy vua còn được, huống hồ chỉ dạy làm quan. Ngài cứ đứng ra nói hộ chúng tôi. Biết đâu Phu Tử sẽ chẳng vì nể ngài mà nhận lời. Sau này chúng tôi học xong sẽ ra làm quan, kiếm được bổng lộc, phú quý, nhất định không quên ơn ngài“.

Cừ Viên bất đắc dĩ phải vào gặp Khổng Tử, nói lại yêu cầu của bọn người nước Vệ kia, đề nghị Khổng Tử hãy vì họ mà mở lớp dạy làm quan. Quả nhiên Khổng Tử vừa nghe nói đã vội đưa hai tay lên bịt chặt tai lại, lắc đầu ra hiệu từ chối. Đến lượt Cừ Viên phải năn nỉ:

“Làm người với làm quan thì có gì phân biệt? Vậy thì dạy làm người với dạy làm quan chắc cũng không khác nhau là mấy. Thiết tưởng với kiến thức của Phu Tử, việc đó cũng chẳng khó khăn gì. Hay là Phu Tử cứ thử dạy họ một phen xem sao“.

Khổng Tử nhã nhặn bảo:

“Khâu này xưa nay chỉ dạy làm người. Tuy chẳng lạ gì việc làm quan. Song làm người với làm quan là hai việc khác nhau xa lắm, không thể ví với nhau được. Vì thế, dạy làm người tất có chỗ khác với dạy làm quan. Đó là điều mà một kẻ làm thầy như Khâu này không thể tùy tiện bạ đâu hay đấy được“.

Cừ Viên hỏi: “Khác ở chỗ nào?“.

Khổng Tử bảo:

Dạy làm người mà không đến nơi đến chốn thì học trò khó có thể thành người. Song dạy làm quan thì chả cần đến nơi đến chốn mà học trò vẫn có thể thành quan. Đó là chỗ khác nhau căn bản. Từ xưa tới nay vẫn vậy“.

Cừ Viên lại hỏi: “Thế từ nay về sau thì thế nào?“.

Khổng Tử bảo:

“Càng những đời sau càng như vậy. Thiên hạ rồi sẽ đến lúc, khối kẻ chẳng cần học hành gì, hoặc học giả vờ, mà vẫn có thể làm quan, thậm chí làm quan to, rất to…“.

Cừ Viên nghe nói thì trợn mắt tỏ vẻ không tin. Thế rồi chợt nghĩ ra điều gì, bèn nhân đó mà năn nỉ:

“Đã vậy Phu Tử cứ nhận lời dạy họ đi. Đằng nào cũng thế rồi. Họ có học đến nơi đến chốn hay không thì cũng thế thôi, Phu Tử xem ra chả mất gì…“.

Lúc bấy giờ đang có Tử Lộ đứng bên cạnh. Tử Lộ thấy thế cũng lên tiếng:

“Nước Vệ vô đạo đã bảy tám chục năm nay. Kẻ sĩ rặt một lũ hèn hạ, đội đít đội trôn chính trị, đã tham lam như chó, lại kiêu ngạo, càn rỡ. Kẻ làm dân vì bị tuyên truyền, nhồi sọ từ tấm bé thành ra mê muội, suốt đời chỉ biết tin theo những sự dối trá. Nay quan đại phu đã có ý như vậy, âu cũng là một cơ hội để Phu Tử chứng tỏ cái đạo lý của mình. Nếu không thế, chẳng lẽ người quân tử lại có thể khoanh tay ngồi nhìn lũ vô đạo hoành hành hay sao?“.

Khổng Tử bảo:

“Ta không phải không biết đến điều đó. Song chính trị nước Vệ bây giờ sở dĩ tồn tại là nhờ bám vào một thứ học thuyết lưu manh. Vua quan nước Vệ vì thế sợ đạo lý như kẻ cướp sợ người ngay. Ta nương thân ở đây cũng đã là một cái gai trong mắt họ rồi. Nay lại còn đem đạo lý ra dạy nữa, thì có khác gì mắng vào mặt họ. Họ ngán gì mà không sai quân đến bắt ta, khóa miệng ta lại… Nếu không thì cũng vu vạ cho ta, đặt điều bôi xấu ta, hoặc thuê du côn ném đất ném đá vào nhà ta… Không khéo vạ lây cả đến quan đại phu đây thì làm thế nào?“.

Tử Lộ vẫn cố thuyết phục:

“Không đi đường thẳng thì đi đường vòng, không giảng trực tiếp thì giảng xa xôi. Phu Tử cứ nhận lời đi, rồi tìm cách nào đó mà dạy cho họ. Miễn sao những kẻ cầm quyền không có cớ gì để bắt lỗi Phu Tử là được rồi“.

Khổng Tử phần vì nghe Tử Lộ thuyết đến thế thì cũng động lòng quân tử, phần vì nể Cừ Viên quá, bèn nhận lời. Cừ Viên cả mừng, liền ra tuyển được ngay một trăm kẻ hăng hái. Lập tức sai chuẩn bị một phòng thật lớn, kê đủ trăm chiếc ghế rồi định ngày khai giảng.

Trước hôm khai giảng, Khổng Tử thân đến xem xét. Ngài chê phòng lớn quá, lãng phí. Chỉ yêu cầu dọn cho một phòng bé bằng nửa, kê vừa đúng 50 chiếc ghế thôi. Cừ Viên cứ phải nhất nhất làm theo mà không hiểu ý Khổng Tử định dạy bằng cách nào.

Đúng ngày khai giảng, 100 kẻ xin học tề tựu đông đủ. Khổng Tử thong thả đi đến, dẫn theo cả Tử Lộ. Ngài ghé tai Tử Lộ bảo cứ như thế, như thế… Tử Lộ bèn cầm danh sách, đọc từ trên xuống dưới, lần lượt 50 người vào ngồi kín các ghế. Tử Lộ tiếp tục gọi kẻ tiếp theo. Thấy thế, 50 kẻ còn lại thắc mắc:

“Ghế đã hết rồi. Vậy mà thầy cứ gọi tiếp thì chúng tôi ngồi vào chỗ nào?“.

Tử Lộ bèn trỏ vào 50 kẻ đang yên vị trong phòng bảo:

“Chẳng phải vai họ vẫn còn trống đấy là gì?“.

Năm mươi kẻ còn lại hiểu ngay ra thấy khoái quá, lập tức nối nhau chen vào, cứ thế lần lượt trèo lên vai những kẻ vào trước. Rốt cuộc, cả trăm người đều có chỗ ngồi.

Yên vị xong đâu đấy, Khổng Tử khoan thai bước lên bục, ngồi xếp bằng tròn, nhắm mắt lại rồi ung dung… đánh một giấc. Phía dưới, những học trò phải cõng trên vai kẻ khác lúc đầu vì hăng hái nên chưa cảm thấy gì. Song càng về sau càng thấy nặng, như phải đeo trên cổ một khối đá ngàn cân. Dần dần không thể chịu nổi, người nào người nấy mặt mũi đỏ gay, sùi cả bọt mép, xương sống như muốn rời ra, hai vai tê dại. Những kẻ ấy muốn gào lên mà không dám, sợ thầy quở, đành cứ phải è cổ chịu đựng. Thế rồi cũng đến lúc sức lực có hạn, không giữ lễ nổi nữa, lần lượt từng người, từng người một gục xuống, làm cho những kẻ ngồi trên cũng ngã giúi ngã giụi, va vào nhau bươu đầu mẻ trán. Cả năm chục chiếc ghế gãy đổ liểng xiểng. Lớp học biến thành một đống người, ghế ngổn ngang.

Bầy giờ Tử Lộ mới vào. Thầy ra lệnh cho những kẻ ngồi trên đổi chỗ cho kẻ ngồi dưới, kẻ ngồi dưới lại trèo lên trên, rồi sắp xếp lại trật tự, tiếp tục chờ nghe giảng. Phía trên bục, Khổng Phu Tử vẫn ngưng thần nhập định, dường như còn lâu Ngài mới ra khỏi giấc nồng.

Chẳng mấy chốc thì tình trạng lại diễn ra y như trước, lại ngã giúi ngã giụi, ghế ghiếc lại đổ liểng xiểng. Lớp học một lần nữa biến thành đống người ghế lộn xộn. Bấy giờ Khổng Tử mới từ từ mở mắt ra. Ngài đứng dậy, rũ mạnh tay áo một cái, đoạn quay người bước ra cửa đi thẳng một mạch. Kết quả suốt cả buổi, Ngài im thin thít, không hề hé răng lấy nửa tiếng.

Cừ Viên thấy Khổng Tử đã trở về phòng, liền chạy đến hỏi:

“Bài giảng hôm nay thế nào?“.

Khổng Tử bảo:

“Xong rồi“.

Cừ Viên trợn mắt kinh ngạc:

“Chẳng lẽ học làm quan… nhanh đến thế hay sao?“.

Khổng Tử bảo:

Làm quan cốt ở chỗ phải biết thế nào là kẻ làm dân. Nay chỉ trong vòng một buổi, họ đã tự cho nhau nếm mùi của kẻ làm dân rồi. Khâu này cần gì phải giảng thêm câu nào nữa“.


Phạm Lưu Vũ

Tiểu luận về cái sự “Nhậu“




Cái chõng tre (hoặc cái bàn mộc cũ kĩ) giữa lòng Hà nội, trên đó bày mấy lọ kẹo lạc, kẹo vừng, chai rượi trắng, chiếc điếu cày, ống đóm, ngọn đèn dầu… và một cái ủ tích lúc nào cũng sẵn sàng rót ra những cốc nước trà đặc quánh, nghi ngút hương thơm. Tất nhiên không thể thiếu chiếc ghế băng cũ kĩ, đã lên nước nâu bóng nằm hờ hững phía bên ngoài, dăm chiếc ghế nhựa oắt con, cơ động mà kích thước và sức chịu lực được tính toán vừa đủ với kích cỡ và trọng lượng của giống người mũi tẹt, da vàng… Đấy là vật.

Còn người thì bên trong cái chõng (hoặc cái bàn) cổ kính ấy, thế nào cũng có hoặc một ông già, hoặc một bà lão răn reo phúc hậu, sẵn sàng lặng thinh trước thời cuộc mà cũng sẵn sàng góp vào đôi ba câu chuyện… Khỏi nói thì ai cũng biết đó là một trong vô vàn quán nước trà ở Thủ đô. Và gần đấy, thế nào cũng có một hàng phở, hàng bánh cuốn hay bún ốc, bún riêu gì đó, đại loại là một hàng quà sáng…

Sở dĩ có sự “cộng sinh” muôn đời ấy giữa “ăn” và “uống” bởi quán ăn ở Hà thành thường chỉ phục vụ ăn với lau mồm qua loa bằng những mảnh giấy đủ màu trắng đục, xanh, vàng, tím… (không thể trắng tinh bởi chúng được tái chế bằng giấy loại), cắt vuông vắn mỗi chiều năm xăng ti mét. Còn súc miệng xỉa răng ư? Xin mời bước đi chỗ khác. Người Thủ đô vốn thong thả, đường hoàng, súng bắn đến đít cũng không việc gì phải vội. Còn gì lý tưởng hơn là sáng nào điểm tâm xong cũng lê đến gọi một cốc trà nghi ngút ấy, ngắm phố phường mà thả ra mấy câu chuyện gẫu, lạ quen gì thì cũng sẵn sàng góp mỗi người vài câu, từ chuyện thế sự trên trời đến chuyện bóng đá, chuyện yêu đương, ngoại tình… Nhất là chuyện ăn cắp, ăn trộm của thiên hạ thì có mà “bàn” đến cả trăm năm cũng không hết. Thế rồi hờ hững ngó đồng hồ, thế rồi uể oải đứng lên… thế rồi lừ lừ trôi đến cơ quan có khi lại bắt đầu một câu chuyện gẫu khác…

Cách Thủ đô một ngàn rưởi cây số về phía Nam là Sài gòn thì bói không ra một quán nước trà như thế. Thay vào đó là nhan nhản quán cà phê. Những nơi này với ưu thế đèn mờ, tranh tối tranh sáng lại có âm nhạc xập xình dậm dựt, được sinh ra chủ yếu để phục vụ các cặp tình nhân, hoặc là nơi thả hồn của các thi sĩ giữa lúc nghĩ hai bài thơ không đầu không cuối, không để làm gì, hoặc có khi là nơi định thần, âm u tưởng tượng của những nhà văn đang bị khủng hoảng (thừa) các đề tài ca ngợi, yêu đương, hay thất tình tay ba tay bốn… đến nỗi không thèm viết thì thôi, cứ động viết ra là y như chữ nào, chữ nấy cứ… rối rít cả lên. Ngoài những công dụng cực kì nhân sinh, tràn trề lãng mạn như thế, các quán cà phê kiểu ấy còn là một chốn lý tưởng để cho những hạng con buôn hẹn hò, chụm đầu bàn bạc những áp phe không thể nào minh bạch…

Sài gòn không cần sự “cộng sinh” giữa “ăn” và “uống” như Thủ đô ngàn năm văn vật, bởi các quán ăn sáng phục vụ luôn việc súc miệng, xỉa răng với cả lau mồm. Cũng vẫn cuộn giấy (…) xinh xắn, mềm mại và tròn xoe mua ở chợ hay siêu thị ấy thôi, nhưng dùng để chùi mồm thì nó được đựng trong những chiếc hộp nhựa dựng đứng, khách cứ việc thò ngón tay rút từ giữa lõi ra cho có vẻ ngược lại với quy trình diễn ra trong nhà vệ sinh. Đừng có dại mà liên tưởng, kẻo lại bảo là ghê mồm(!). Người Sài gòn vốn có tác phong công nghiệp, biết thời gian là vàng ngọc nên phải tranh thủ thời gian. Khách ăn xong làm thủ tục vệ sinh mồm mép cho nhanh rồi hối hả đến sở làm. Rất hiếm một câu chuyện gẫu diễn ra trong cái chốn sì soạp húp, chan, đỏ mặt tía tai, cắm đầu cắm cổ ấy… Nhu cầu tán gẫu nếu có thì dành đến chiều tối, lúc hết giờ làm việc. Bấy giờ là thời điểm của nhậu! Phố phường ê hề quán nhậu, cả một thế gian nhậu. Nhậu hoành tráng, nhậu mênh mông, nhậu “mát trời ông Địa”.

Nhưng đã nói đến “nhậu” thì chẳng cứ Sài gòn. Hà thành và… cả nước bây giờ, đâu đâu cũng thế. Từ đây trở xuống xin chỉ bàn về nhậu mà thôi. Phải gọi đây là cả một nền văn hoá nhậu mới xứng. Một nền văn hoá phát triển cao tới mức làm con người ta lúc chưa ra quán thì nhớ nhau như những cặp tình nhân, ra đến quán rồi thì kiên cường bên nhau như một đám biểu tình ngồi. Thật là ồn ã, náo nhiệt, tưng bừng bằng mấy chục cái chợ nhà quê…

Nghĩ kể cũng lạ. ở những chốn “fẹs-ti-van” nhậu ấy, thức nhắm nào có ra gì. Nhưng các biển hiệu thì bao giờ cũng được vẽ to tổ bố, nom vừa sinh động, vừa hấp dẫn như thật. Từ đặc sản dái dê, vú dê, rồi “phụ tùng” (có nơi gọi là súng đạn) bò đực, (không thấy “cái ấy” của bò cái) đến mu ba ba, trôn ốc nhồi… cùng với đủ các kiểu danh xưng đại ngôn, láo toét. Nào là nướng cả phố (phố nướng), nào là nướng cả làng (làng nướng), có khi nướng ráo cả… tổ tông (tổ nướng)… Thực đơn trình bày đến mấy trang ép ni lông lòe loẹt… Song cái sự ngon lành thì hầu hết đều… dở hơi như nhau. Thực khách dễ tính đến không ngờ, bởi nơi đây hấp dẫn chủ yếu là cái không khí chứ có phải vì món ăn đâu. Người ta sở dĩ kéo đến không phải vì nhu cầu thưởng thức mà vì nhu cầu xả. Có bao nhiêu thứ cần xả. Từ xả sì-trét (căng thẳng), xả xui (vận rủi), xả buồn… đến xả bớt một phần cái kiếp người vốn (hình như) chưa bao giờ vô nghĩa lý như cái thời buổi văn minh nhốn nháo này…

Cần phải nói rằng nền “văn hoá nhậu” đang kể ra đây là một thứ nhậu bình dân, hết sức giản dị, dân dã. Nó diễn ra tưng bừng từ trong nhà, ra ngoài sân, từ trong hẻm, ra vỉa hè… Nó không cầu kì từ ăn mặc đến lễ nghi, từ ghế ngồi đến ánh sáng, từ đồ uống đến thức ăn… và nhất là không đòi hỏi mỗi người phải có thật nhiều tiền. Mặc dù cũng không thiếu những chốn nhậu cao cấp, thơm tho diễn ra cùng thời điểm, trong những nhà hàng sang trọng, kín mít như bưng… Nhưng phân biệt hai “thế giới” nhậu song song tồn tại này cũng đơn giản thôi, chỉ bằng cách tên gọi là đủ. Ví dụ chốn người sang được gọi là “tiệc tùng”, thì chốn bình dân phải gọi là “nhậu nhẹt”. Song tiệc tùng, dù có lớn đến đâu cũng chỉ đáng coi là “tiểu nhậu”, cùng lắm là “trung nhậu”. Chỉ có nhậu nhẹt kia, mới thực là đã đạt tới quy mô của “đại nhậu” mà thôi.

Dân “nhậu nhẹt” phần lớn bình dân, tuyệt đại đa số bình dân. Tuy đâu đó cũng có lẫn một vài kẻ sang, nhưng chẳng qua chỉ là… lốm đốm. Bình dân đấy, nhưng cơ mà (em ơi), lại sở hữu tới sáu đức (lục đức) “dễ thương” của người quân tử. Xin được kể ra như sau:

Thứ nhất, dẫu chẳng ngon, chẳng đắt tiền thì cũng cứ là những “miếng giữa đàng”, dù có tối trời thì cũng coi như thanh thiên bạch nhật, bởi chẳng bao giờ phải che mặt với ai. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức quang minh chính đại.

Thứ hai, người quân tử vốn không ưa cái sự sát sinh, nên dân nhậu rất ít khi chui đầu vào bếp. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “nhân”.

Thứ ba, một kẻ có gì vui hay buồn thì cả đám chỉ chờ cơ hội đó để kéo nhau đi, buồn cũng uống mà vui cũng uống, kiểu như: “một con ngựa đau, cả tàu… no cỏ”. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “nghĩa”.

Thứ tư, người quân tử ngồi không kén ghế, ăn chẳng cần no, mặc không cần đẹp… dân nhậu vốn đã coi những chuyện ấy nhẹ tựa lông bò. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “lễ”.

Thứ năm, luôn luôn biết chọn bạn hợp mà rủ rê, chọn quán quen mà ngồi lỳ, chọn mồi lạ mà đưa đẩy… Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “trí”.

Thứ sáu, chỉ nhậu vào những giờ nhất định trong ngày, đến giờ ấy mà không ra quán thì toàn thân ngứa ngáy, thần trí nhẹ tênh, nhất là đã hẹn rồi thì đố dám sai, lần sau dễ bị “phạt” như chơi. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “tín”.

Vừa “quang minh chính đại”, vừa có đủ “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, đạo lý “nhậu” xem ra cũng khối điều ghê. Thế mới có câu: “phi nhậu nhẹt bất thành quân tử” (không nhậu nhẹt không thể thành quân tử), lại có câu: “phi nhậu nhẹt bất trượng phu” (không nhậu nhẹt không phải đấng trượng phu), lại còn có thơ:

“Bất thị quan trường, vi đạo tặc
bất tri tửu đạo, bất hiền nhân”


(Có thể không làm quan mà vẫn là kẻ cướp. Nhưng nếu không hiểu đạo lý của rượu, thì không phải bậc hiền nhân).

Thậm chí còn sáng tác cả ca dao, tục, thanh lẫn lộn nói về cái “đạo lý” ấy:

“Gặp nhau có chén rượu tăm
gọi là một chút hỏi thăm lòng người”.

Rồi:

“Rượu hay phải biết chửi thề
biết đi nửa buổi, biết về… nửa đêm”


hay:

“Đã nhậu là cậu ông Giời
nên người quân tử chẳng mời cũng… dzô”




Tóm lại là nếu muốn tìm quân tử, ai ơi chẳng cần phải lặn lội tới những chốn cao sang làm gì cho phí công vô ích, thậm chí tới đó mà vô phúc, bị lầm lẫn thì dễ mắc họa như chơi. Xin mời cứ đợi chiều chiều, chỉ việc ra bất kì một nơi “đại nhậu” là khắc gặp đầy.



Phạm Lưu Vũ

sự chết – và vài đề tài lân cận (phần cuối)



Nguyễn Nhân Trí

Sau đây là đoạn kết của Tiểu Luận 2 SỰ SỐNG SAU KHI CHẾT?

Xuất Hồn

Hiện tượng “xuất hồn” nói chung là khi một người thật sự cảm thấy mình đã thoát ra khỏi cơ thể của họ. Đã có nhiều khoa học gia Tây Phương nghiên cứu về hiện tượng nầy; họ gọi nó là “out-of-body experience” (nghĩa là “trải nghiệm khi bên ngoài cơ thể”, và thường viết tắt là OBE).

“Xuất hồn khi sắp chết” (“near death experience” hay NDE) chỉ là một trường hợp đặc biệt của hiện tượng xuất hồn nói chung.

Trong trường hợp tiêu biểu, một người thấy họ “bay”ra khỏi và lơ lửng bên trên cơ thể mình; họ thường có thể nhìn thấy chính cơ thể họ cũng như mọi cảnh trí chung quanh. Hầu hết mọi thứ họ diễn tả lại đều đúng với cảnh trí thật sự. Tuy nhiên thường có vài chi tiết không chính xác, thí dụ như họ thấy cánh cửa phòng đang đóng trong khi nó thật sự đang mở. Có người thấy cơ thể hiện tại của mình đang nằm đó, cũng có những người kể lại họ thấy cơ thể lúc còn trẻ của họ. Thường họ chỉ nhìn thấy sự vật nhưng có người kể lại họ cũng có thể nghe âm thanh. Điểm chính yếu nhất là họ có cảm giác rất rõ rệt là họ đang nghe và thấy từ một vị trí nằm hẳn bên ngoài cơ thể của họ.



Có người tường thuật khi xuất hồn họ có thể du hành đến những thế giới khác, đi qua một đường hầm tối đến một nơi có ánh sáng rực rỡ và thanh bình, gặp những linh hồn của những người quen biết đã qua đời. Có người kể lại họ đi lên đến các hành tinh khác như Hỏa Tinh, v.v.

Người ta biết rằng các cảm giác giống như trạng thái xuất hồn có thể xảy ra vì nhiều lý do: não bộ bị thương tổn, giác quan bị rối loạn, mất ngủ lâu ngày, đói khát cực độ, ảnh hưởng của một số dược phẩm và ma túy, não bộ bị kích động bằng điện, v.v.Thống kê cũng cho biết khoảng một trong mười người vì lý do gì đó có thể trải qua trạng thái dạng nầy dưới nhiều mức độ khác nhau ít nhất một lần trong đời.

Nói chung có rất nhiều lý thuyết về hiện tượng nầy. Nhiều người cho rằng đây là bằng chứng cho thấy sự hiện hữu của thần thể hay linh hồn. Nhiều nhà khảo cứu cho rằng khi so sánh cách điều hành của não bộ, hiện tượng xuất hồn có liên hệ với hiện tượng chiêm bao, nhất là hiện tượng chiêm bao trong đó người đang ngủ nhận biết mình đang chiêm bao và có thể điều khiển diễn tiến của giấc chiêm bao đó ra sao (một hiện tượng gọi là “lucid dreaming”, tạm dịch là là “chiêm bao tỉnh táo”). Tuy nhiên chúng khác nhau ở chỗ khi một người xuất hồn họ cho rằng những gì họ đang nhìn thấy đang xảy ra thật sự. Thống kê có vẻ hỗ trợ quan điểm xuất hồn liên hệ với chiêm bao. Khi phỏng vấn những người đã từng xuất hồn, 85% cho biết họ xuất hồn trong lúc hoặc đang ngủ, hoặc đang nghỉ ngơi nhắm mắt, hoặc đang chiêm bao, hoặc đang nằm trên giường, hoặc đang đau bệnh; một số nhỏ cho biết họ đang dưới ảnh hưởng dược phẩm hay ma túy.

Cảm giác lạ lùng khi xuất hồn lần đầu tiên có thể vừa hứng khởi vừa kinh ngạc. Điều nầy phối hợp với những hình ảnh một người có thể nhìn thấy rõ rệt trong khi xuất hồn làm họ dễ dàng tin chắc chắn rằng “đây không thể nào là chiêm bao được”. Điều cần biết là những gì một người nghe thấy trong chiêm bao thường cũng có thể rất rõ rệt và chi tiết, nếu họ có lý do nhớ đến chúng. Thường thường chúng ta không nhớ mấy về chiêm bao của mình sau khi thức dậy, vì thế chúng có vẻ như “không thật”. Đời sống hàng ngày cũng vậy, chúng ta thường trải qua trọn mỗi ngày thức dậy, đánh răng rửa mặt, ăn sáng, đi làm, ăn trưa, lái xe về nhà, ăn tối, v.v. mà không hề để ý đến chi tiết nào rõ rệt cả, nếu không có lý do gì để cần phải nhớ đến chúng. Chỉ khi nào có chuyện bất thường gì xảy ra thì chúng ta sẽ lập tức thu nhận tích cực những gì chúng ta nghe thấy và do đó chúng ta sẽ có thể nhớ lại diễn biến nầy rành mạch trong tương lai. Những giấc mơ tuyệt vời hay những ác mộng cũng vậy, chúng ta thường nhớ rất kỹ càng mọi chi tiết và có cảm tưởng như chúng đã xảy ra thật sự.

Hiện tượng xuất hồn thường xảy ra đến một người đột ngột không báo trước. Tuy nhiên cũng có một số người có thể tự điều khiển mình vào trạng thái nầy bất cứ lúc nào họ muốn. Có những phương pháp thiền với mục đích chính là để xuất hồn.

Thống kê cho thấy những người đã từng xuất hồn phần đông là những người có khuynh hướng ưa thích chuyện tưởng tượng và hay tin vào những điều thần thoại, huyền bí hơn những người không bao giờ xuất hồn. Tuy thế không phải ai cũng vậy.

Năm 2012 có một nữ sinh viên ngành tâm lý học tại Đại Học Ottawa cho biết cô có thể tự ý xuất hồn bất cứ lúc nào từ khi còn bé. Cô cho biết mỗi khi xuất hồn cô thấy mình nằm lơ lửng trên không và có thể hoặc lật úp xuống nhìn thấy cơ thể của mình, hoặc xoay vòng vòng như chong chóng song song với mặt đất, hoặc bay thẳng lên xuống nhiều độ cao thấp khác nhau. Cô kể lại lúc nhỏ ở mẫu giáo cô rất ghét giờ ngủ trưa, một hôm cô khám phá mình có thể làm được điều nầy nên từ đó thường xuyên xuất hồn như một cách giải trí trong lúc bị bắt buộc nằm ngủ chung với các đứa bé khác. Khi lớn lên cô vẫn tiếp tục thỉnh thoảng xuất hồn, luôn luôn do tự ý mình một cách dễ dàng, thường là để dỗ ngủ. Trong khi người khác đếm cừu thì cô xuất hồn ra khỏi cơ thể. Cô cũng cho biết cô tưởng ai cũng làm việc nầy được.



Như đã nói, tường thuật hiện tượng xuất hồn rất phổ biến nhưng hầu như chưa mấy khi xảy ra trong môi trường thí nghiệm khoa học được kiểm soát chặt chẽ. Cơ hội nghiên cứu một người mạnh khỏe có thể tự ý xuất hồn bất cứ lúc nào chưa bao giờ xảy ra, cho đến lúc nầy.

Người dẫn đầu cuộc thí nghiệm về cô sinh viên trên, giáo sư Claude Messier và phụ tá Andra Smith cho biết không có gì đặc biệt về cô gái nầy chỉ trừ cô thường rất khó ngủ. Đối với cô, cô không cảm thấy đây là một việc bất thường hay liên quan đến tâm linh. Đối với cô đây chỉ là một việc cô làm rất bình thường. Cô cho biết mỗi khi xuất hồn tuy cô có thể điều khiển sự di chuyển của mình nhưng đồng thời biết là cơ thể “thật sự” của cô không hề chuyển động. Tuy vậy mọi cảm giác đều rất rõ ràng và “thật”. Thí dụ như cô cho biết nếu cô xoay vòng vòng quá lâu thì cô sẽ bị chóng mặt.

Người ta chụp ảnh (fMRI scan) hoạt động trong não bộ cô trong khi cô đang xuất hồn và thấy rằng hầu như mọi hoạt động chỉ xảy ra ở não cầu bên trái thay vì ở cả hai bên như trong khi một người đang tưởng tượng điều gì. Mọi điều khiển về sự di chuyển của cơ thể đều nằm trong não cầu bên trái. Đây là nơi hệ thần kinh định vị giúp chúng ta cảm giác được cơ thể mình đang ở vị trí nào trong khoảng không gian chung quanh. Thí nghiệm cũng cho thấy phần não bộ điều khiển thị giác của cô trong lúc đó hầu như ngưng hoạt động.

Kết luận của cuộc thí nghiệm trên cho thấy cô không hề tưởng tượng; những gì cô thấy và cảm nhận đều thật sự xảy ra trong não bộ cô. Phản ứng của não bộ cô giống hệt như khi cơ thể cô đang thật sự trải nghiệm qua những chuyển động cô diễn tả. Tuy nhiên điều nầy không có nghĩa là linh hồn cô đã rời khỏi cơ thể cô. Đây chỉ là kết quả của cách thức não bộ cô làm việc và không phải là một hiện tượng tâm linh gì cả. Đây chỉ là một khả năng đặc biệt mà chẳng qua cô có được. Có thể nói điểm khác biệt duy nhất giữa cô và vô số người xuất hồn khác là cô có thể tự ý làm chuyện nầy xảy ra một cách dễ dàng bất cứ lúc nào cô muốn. Hơn nữa, đối với cô đây là một việc bình thường hàng ngày chớ không có gì đặc biệt hay huyền bí cả.

Một thí nghiệm nổi tiếng và khá lý thú khác về hiện tượng xuất hồn xảy ra năm 1968 khi chuyên gia tâm thần Mỹ Charles Tart của Hội Nghiên Cứu Tâm Thần Hoa Kỳ (American Society for Psychical Research) quan sát một người được gọi là Miss Z qua 4 đêm trong phòng thí nghiệm của ông. Miss Z là một người được biết có thể xuất hồn hầu như hàng đêm. Charles Tart muốn dùng trường hợp Miss Z để chứng minh thật sự linh hồn cô có xuất khỏi cơ thể và nhìn thấy mọi vật chung quanh mình hay không.

Mỗi đêm khi Miss Z ngủ, đầu của cô được nối liền với một chiếc máy có thể ghi nhận mọi hoạt động trong não bộ. Chính Charles Tart đích thân theo dõi các điện não đồ suốt đêm từ căn phòng kế bên. Trên kệ tủ cao trong phòng Miss Z ngủ có đặt một tấm bảng mang 5 điện số thay đổi khác nhau mỗi đêm. Cô không biết những con số nầy là gì. Từ nơi Miss Z nằm, cô không thể nào nhìn thấy chúng. Người ta muốn thử xem Miss Z có đọc được các con số nầy khi cô xuất hồn hay không.



Sau ba đêm đầu, Miss Z không thấy gì cả. Sau đêm thứ tư (đêm cuối cùng) cô nói trúng các con số nầy. Charles Tart cho rằng đây là bằng chứng cho thấy Miss Z đã xuất hồn trong đêm nên mới đọc được các con số nằm trên cao.

Cuộc thí nghiệm nầy gây một tiếng vang khá lớn lúc bấy giờ trong giới nghiên cứu về tâm thần và tâm linh. Nhiều người cho rằng đây là một bước ngoặc quan trọng vì quan niệm linh hồn là một vật thể phi vật chất riêng biệt hiện hữu song song với thân thể vật chất đã được kiểm chứng và xác nhận bởi khoa học. Tuy nhiên những nghiên cứu gia khác sau khi đọc kỹ bản tường trình của cuộc thí nghiệm nầy đã có các nhận xét và chỉ trích sau đây.

Trước hết thí nghiệm nầy đã không được tổ chức cẩn thận do đó không có những phương thức kiểm soát đầy đủ để phòng ngừa và loại bỏ tất cả sự kiện có thể xảy ra đưa đến việc nghi ngờ giá trị về kết quả của nó. Trong suốt 4 đêm thí nghiệm, Miss Z nằm trên giường trong một căn phòng cách biệt hẳn với người kiểm soát. Tuy giữa hai căn phòng có một khung cửa kính nhưng nơi Miss Z nằm chỉ có gắn máy ghi âm (với mục đích theo dõi xem cô có nói mớ hay không) chớ không có máy thu hình. Cách kiểm soát chính của cuộc thí nghiệm nầy là những dây điện nối giữa đầu Miss Z và máy điện não đồ được thu ngắn lại để nếu cô muốn đứng dậy trên giường thì cô sẽ phải lôi kéo các dây điện nầy, và làm như thế sẽ gây ra những xáo động dễ thấy trên điện não đồ.

Bản tường trình kết quả của Charles Tart cho thấy có một sự xáo động trên điện não đồ nhưng vì lý do gì đó ông cho rằng đây chỉ là vì trục trặc tạm thời của máy. Ngay chính ông cũng ghi chú rằng ông đã có những lúc ngủ gật trong các đêm đó. Và một điểm quan trọng khác nữa là chính Charles Tart ghi chú rằng trước đêm thứ tư (tức là đêm cuối cùng) Miss Z “rất bực tức vì ba đêm rồi không có kết quả gì cả và nhất định đêm nay phải xuất hồn bay cao lên để đọc được những con số đó cho bằng được”.

Từ các nhận xét trên, những người phê bình cho rằng không có gì bảo đảm trong đêm cuối cùng Miss Z đã không tự sắp xếp các dây điện lại để có thể đứng dậy trên giường lén nhìn xem các con số trên tủ cao là gì. Charles Tart ngồi ở phòng kế bên có thể không nhìn thấy gì cả vì ông đang ngủ gục. Chi tiết đáng kể nhất là theo chính ghi chú của Charles Tart thì sau 3 đêm vẫn chưa đọc được các con số Miss Z lúc ấy rất bực tức vì đó vì điều nầy ảnh hưởng đến danh tiếng của cô.

Những người phê bình đặt câu hỏi tại sao Charles Tart khi nhận thấy rằng những xáo trộn trên điện não đồ đêm ấy ông lại chỉ cho là vì máy trục trặc mà thôi. Nếu thế thì tại sao ông không tiếp tục cuộc thí nghiệm thêm một vài đêm nữa để có được kết quả chắc chắn?

Những chuyên gia nghiên cứu khác cũng chỉ trích thí nghiệm của Charles Tart chỉ dựa trên một kết quả duy nhất từ một người duy nhất (Miss Z) và chỉ của 1 trong 4 đêm thí nghiệm. Do đó ông không có đủ dữ liệu cần thiết để phân tích, so sánh trước khi đi đến một kết luận có giá trị khoa học. Họ cũng đưa ra vấn đề rằng kết quả thí nghiệm nầy không hề được kiểm nghiệm chính thức bởi các học giả kinh nghiệm cùng ngành khác (peer review), và đây là một điều kiện cần thiết mà mọi thí nghiệm, mọi giả thuyết, mọi lý thuyết khoa học đều phải có để bảo đảm giá trị của nó.

Người ta cũng phê bình về việc Hội Nghiên Cứu Tâm Thần Hoa Kỳ (American Society for Psychical Research) không phải là một tổ chức khoa học được chính thức công nhận bởi mọi khoa học gia mà chỉ là một tổ chức vô vụ lợi được tài trợ bởi tư nhân. Tương tự, việc bản tường trình về thí nghiệm được Charles Tart đăng trên Đặc San Hội Nghiên Cứu Tâm Thần Hoa Kỳ cũng cần được chú ý đến. Đây là một đặc san chủ trương đón nhận bài đăng của bất cứ ai và hầu như không có mối liên hệ gì với cộng đồng khoa học gia Mỹ.

Một thí nghiệm vào năm 2007 bởi Henrik Ehrsson của Học Viện về Não của Đại Học London (Institute of Neurology at University College of London) cho thấy ai cũng có thể bị “lừa” để có cảm giác xuất hồn một cách hoàn toàn máy móc.

Người tham dự thí nghiệm nầy được ngồi trên một chiếc ghế và đeo vào mặt hai màn ảnh nhỏ, mỗi màn ảnh chụp riêng lên một con mắt. Mỗi màn ảnh nầy được nối liền với một máy quay phim; hai máy quay phim nầy được đặt kế bên nhau và nằm khoảng 2 mét đàng sau lưng người nầy. Màn ảnh nằm bên trái chụp lên con mắt trái nối liền với máy quay phim nằm bên trái, màn ảnh nằm bên phải chụp lên con mắt phải nối liền với máy quay phim nằm bên phải. Với cách sắp xếp trên, người nầy có thể nhìn thấy hình ảnh của chính mình giống như một người khác đang đứng cách 2 m đàng sau lưng họ có thể nhìn thấy. Những gì họ nhìn thấy có độ sâu 3 chiều giống y như trong không gian thật sự. Họ sẽ có cảm giác lạ lùng là giác quan của họ (trong trường hợp nầy, thị giác) có vẻ như không còn nằm trên cơ thể thật sự của họ nữa. Họ do đó sẽ có cảm tưởng như đã bị tách rời ra khỏi cơ thể thật sự của họ.

Khi một người khác đứng kế bên người trên dùng một cây gậy chạm nhẹ vào ngực anh ta thì ảo giác trên càng rõ ràng hơn nữa vì mắt anh ta nhìn thấy “cơ thể” anh ta cách đó 2 mét đang bị cây gậy đụng đến trong khi đồng thời ngực anh ta ở đây cũng có cảm giác bị cái gì đụng vào.



Thí nghiệm trên minh chứng một điều nhiều nhà nghiên cứu đã biết; đó là khi một người xuất hồn họ có thể nghe thấy mọi sự việc chung quanh họ nhưng những tín hiệu trên không còn đến từ giác quan của họ nữa. Nói cách khác, người nầy lúc ấy dường như vẫn có đầy đủ cảm giác của một cơ thể nhưng những cảm giác nầy không còn nhận được từ các giác quan của họ. Cảm giác lạ lùng nầy thật ra chỉ là kết quả từ khả năng tuyệt diệu của bộ óc có thể sản xuất ra những hình ảnh âm thanh rõ ràng giống như thật ngay cả khi nó không nhận được tín hiệu nào gởi đến từ các giác quan. Sự kiện nầy cũng xảy ra mỗi lần chúng ta chiêm bao vì chiêm bao chính là khi chúng ta nghe thấy những cảnh trí và cảm nhận những tác động cơ thể của mình trong lúc chúng thật ra đang không hề xảy ra.

Sam Pamia, một phó giáo sư y khoa của Đại Học New York, nghĩ rằng nếu phần nhiều những trường hợp xuất hồn xảy ra trong các phòng giải phẩu (nơi người ta kể lại họ rời cơ thể mình bay lên gần trần nhà nhìn xuống thấy mọi sự việc trong phòng kể cả việc các bác sĩ đang cố làm hồi sinh trên thân thể họ) thì đây là nơi tốt nhất để làm thí nghiệm kiểm chứng. Năm 2008, ông hợp tác với 25 bệnh viện ở Âu Châu, Canada và Mỹ cùng sự điều động của trường Đại Học Southampton để tiến hành một cuộc thí nghiệm được đặt tên là AWARE (viết tắt cho AWAreness during REsuscitation). Trong các phòng giải phẩu, họ đặt những tấm bảng treo lơ lửng từ trần nhà. Bề mặt của các tấm bảng nầy có những hình vẽ quay lên trên trần nên không ai đứng dưới nhà có thể nhìn thấy chúng được. Họ lý luận rằng nếu các người xuất hồn thật sự thấy những gì đang diễn tiến trong phòng khi đang bay lơ lửng trên trần nhà thì họ sẽ phải thấy và có thể diễn tả lại các hình vẽ trên những tấm bảng nầy là gì.

Cho đến nay, kết quả chính thức của cuộc thí nghiệm nầy vẫn còn đang được duyệt thảo qua một quá trình kiểm nghiệm chính thức bởi các đồng nghiệp kinh nghiệm và độc lập khác (peer review). Tuy vậy ông Pamia đã tường trình kết quả sơ khởi về cuộc thí nghiệm AWARE tại một buổi hội thảo ở American Heart Association vào cuối năm 2013. Ông cho biết tất cả đã có 152 bệnh nhân (dưới 15% tổng số bệnh nhân giải phẩu) tường thuật là họ đã xuất hồn trong thời gian đang được giải phẩu ở các bệnh viện trên. Tuy nhiên chỉ có 2 người kể lại họ đã nhìn thấy cảnh vật trong phòng, và chỉ một trong 2 người nầy diễn tả có vẻ đúng như những gì đã xảy ra. Điều cần chú ý là cho đến nay không có ai đã nhìn thấy các hình vẽ trên những tấm bảng treo trên trần nhà cả.



Thống kê gần đây cho thấy không dưới 80% dân Mỹ tin rằng linh hồn họ sẽ tiếp tục sống còn sau khi cơ thể vật chất của họ đã chết. Con số nầy gia tăng hơn nữa sau sự phổ biến rộng rãi của vài quyển sách kể lại nhiều câu chuyện xuất hồn của những người từ đủ thành phần giai cấp trong xã hội, kể cả một khoa học gia và bác sĩ chuyên khoa về não của Đại Học Harvard, ông Eben Alexander, người trước đây đã từng đặt nghi vấn về vấn đề xuất hồn.

Ông Alexander bây giờ quả quyết rằng sau khi não bộ của một người ngừng hoạt động, linh hồn của họ sẽ xuất ra khỏi thân xác và bay về một nơi tốt đẹp hơn. Trong một buổi phỏng vấn với báo New York Times, ông nói “Tri thức và linh hồn của chúng ta không lệ thuộc vào não bộ hay cơ thể chúng ta; nó sống mãi mãi, và không ai có một bằng chứng cụ thể nào cho thấy rằng điều nầy không đúng”.

Đây là một quan niệm vô cùng quyến rũ cho những người lo nghĩ về sự ngắn ngủi của đời sống và là một niềm an ủi to lớn cho những ai vừa mất người thân yêu của họ. Nhiều người tin rằng đây là một vấn đề nằm xa khỏi hẳn khả năng và lãnh vực khoa học, và đó là lý do tại sao không thể nào đem những lý lẽ và kiến thức khoa học ra để chứng minh hiện tượng trên.

Tuy vậy, một điều cần biết là trong khi chúng ta có thể chứng minh sự hiện hữu của một sự vật gì đó, chúng ta không thể nào chứng minh tuyệt đối rằng một sự vật không hiện hữu. Muốn chứng minh một sự vật hiện hữu, người ta chỉ cần tìm ra một thí dụ, một trường hợp người ta đã tìm gặp sự vật ấy. Trong khi đó, nếu muốn chứng mình một sự vật không hiện hữu, chúng ta cần phải tìm kiếm ở mọi nơi trong vũ trụ, mọi lúc trong dòng thời gian kể cả ở tương lai, khảo nghiệm mọi điều kiện, mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, v.v. để gạt bỏ tất cả mọi khả dĩ về sự hiện hữu của nó. Rõ ràng là không ai có thể làm điều trên được. Tuy nhiên nhiều người không hiểu được nguyên lý nầy. Điều đáng tiếc là đôi khi ngay cả một khoa học gia xuất thân từ Havard như ông Alexander vẫn không tránh được lỗi lầm trên khi tuyên bố rằng không ai có thể chứng minh cho thấy không có linh hồn sau khi chết.

Những người như ông Alexander đáng lẽ phải nhận thấy rằng vì họ quả quyết về sự hiện hữu của linh hồn nên chính họ mới có trách nhiệm để chứng minh điều nầy. Họ không thể nào đổ trách nhiệm cho người khác phải chứng minh rằng họ không đúng. Theo nguyên tắc lý luận cơ bản, khi một người đưa ra một sự kiện thì họ là người cần phải biện chứng sự hiện hữu của sự kiện đó; trong khi ấy một người tuyên bố không tin vào một sự kiện không cần phải (và nếu muốn cũng không thể) biện minh cho sự không hiện hữu của nó.

Hơn nữa, nếu muốn chứng minh một định luật có giá trị, người ta cần phải cho thấy định luật nầy áp dụng đúng cho mọi trường hợp. Thí dụ không ai có thể phủ nhận các định luật về trọng lực. Tất cả mọi vật trong đời sống bình thường chung quanh chúng ta đều tuân theo các định luật nầy. Từ một quả táo bị sức hút của địa cầu cho đến sự hấp dẫn giữa hai tinh tú trong ngân hà, tất cả đều luôn luôn xảy ra, luôn luôn lập lại giống y hệt như nhau và luôn luôn có thể kiểm chứng, đo lường, tiên đoán.

Nếu muốn nói rằng linh hồn của con người sẽ sống còn mãi mãi sau khi cơ thể ngừng hoạt động và bị hủy diệt thì tại sao chúng ta không thấy sự kiện nầy xảy ra đối với mọi người, mọi nơi, mọi lúc? Thí dụ như những câu chuyện xuất hồn trong lúc gần chết (near death experience – NDE) chỉ xảy ra với một phần rất nhỏ so với tất cả những người đã trải qua trạng thái đã chết và sống lại. Có nghĩa là quan điểm trên không đúng với thực tại trong đại đa số trường hợp.

Những câu chuyện xuất hồn nói chung được người ta thích thú tìm đọc say mê chỉ vì nó rất kỳ lạ và hiếm hoi chớ không xảy ra hàng ngày đến mọi người. Không ai bận tâm đến câu chuyện một quả táo rụng từ trên cành rơi xuống đất. Do đó chúng ta không nên quả quyết rằng con người có một linh hồn sẽ sống còn mãi mãi sau khi thân xác họ đã chết. Đó là chưa kể đến việc cho đến nay không có trường hợp xuất hồn nào có thể được chứng minh rằng nó luôn luôn xảy ra, luôn luôn lập lại giống y hệt như nhau và luôn luôn có thể kiểm chứng, đo lường, tiên đoán. Và vì không thỏa điều kiện cần thiết trên, vấn đề nầy không nên được xem là có giá trị bất khả phủ nhận.

Trong khi đó, như đã nói, mặc dù không ai có thể chứng minh tuyệt đối rằng tri thức của một người là sản phẩm của não bộ cũng như giác quan của họ, có rất nhiều sự kiện có vẻ như hỗ trợ điều nầy.

Một trong những sự kiện có thể nói rằng hầu như “luôn luôn xảy ra, luôn luôn lập lại giống y hệt như nhau và luôn luôn có thể kiểm chứng, đo lường, tiên đoán” liên quan đến vấn đề thương tích não.

Kỹ thuật khám nghiệm và phân tích hoạt động của não bộ ngày nay cho phép chúng ta thấy rõ nhiệm vụ riêng biệt của của từng phần, từng vùng não bộ. Khi một vùng não bộ bị thương tíchhay bị cắt bỏ đi thì những chức năng của một người thường ngày được chỉ huy và điều khiển bởi vùng não bộ đó sẽ bị ảnh hưởng. Trong đa số trường hợp, bác sĩ có thể tiên đoán được những ảnh hưởng nầy và thảo luận với bệnh nhân trước khi giải phẩu. Không những chỉ các chức năng vật chất liên quan đến cơ bắp hay sự vận hành của chân tay, thị giác, xúc giác, v.v mà cả những chức năng nằm trong lãnh vực tinh thần, tâm trí, cá tính, cá thể của người ấy.



Có vô số trường hợp sau khi bị tai biến mạch máu não, bệnh nhân trở thành một con người khác hẳn về mặt tâm tính và tình cảm. Có những người trở thành khó tính, lạnh lùng, vô cảm xúc, khắc nghiệt, tàn ác trong khi có những người trở thành dễ dãi, hiền lành, hiếu hòa, nhân ái. Có nhiều trường hợp sau giải phẩu não bệnh nhân mất hẳn khả năng quyết định, họ trở thành một người không có lập trường, ai nói gì cũng nghe, không thể lý luận và giải quyết điều gì, trở thành hèn yếu, dễ tin, dễ nhát sợ. Có một trường hợp sau khi giải phẩu bướu não bệnh nhân mất tất cả tính chất đạo đức đã có sẵn trước đây; ông trở thành một người vô trách nhiệm có khuynh hướng làm những điều hoàn toàn trái ngược với khuôn phép xã hội và tiêu chuẩn luân lý.

Những chức năng kể trên xác định cá tính, bản chất, nhân cách của một người. Chúng là cơ cấu của cảm xúc, sự suy nghĩ, lý luận, v.v. dẫn đến những thương ghét vui buồn sâu kín nhất lẫn các hành vi, tư cách bộc lộ rõ rệt trong đời sống hàng ngày. Nói cách khác đây là định nghĩa cơ bản của tri thức.

Nếu cho rằng linh hồn của một người có thể sống còn sau khi chết thì tri thức của họ cũng phải được giữ nguyên vẹn sau khi thân thể đã bị hủy hoại. Tuy vậy, vô số các thí dụ tương tự như trên cho thấy tri thức và cá tính của một người bị biến đổi hay tiêu tan sau khi não bộ của họ bị thương tích. Nếu mỗi người chúng ta có một linh hồn có thể cho phép chúng ta nghe thấy, suy nghĩ và cảm nhận sau khi cơ thể chúng ta đã bị hủy diệt thì tại sao linh hồn nầy lại không thể cho phép chúng ta tiếp tục làm những điều trên một cách bình thường sau khi một phần não bộ (tức là một phần cơ thể) chúng ta ngừng hoạt động?

Cách đây hơn 750 năm, nhà thần học nổi tiếng Saint Thomas Aquinas cũng đã nhận ra điều nầy phần nào. Ông cho rằng khi không còn cơ thể nữa, tức là không còn mắt, tai, mũi, v.v. thì linh hồn sẽ không có những cảm quan thấy, nghe, ngữi, v.v. nữa và sẽ chỉ biết chờ đợi trong vùng bóng tối vô cảm giác cho đến ngày Phán Xét khi thân xác được Thiên Chúa làm cho sống lại. Ông cũng cho rằng linh hồn không có thân xác chỉ có thể còn giữ được những đặc tính như khả năng suy luận, hiểu biết và cảm nhận đạo đức (tức là những đặc tính không lệ thuộc vào các bộ phận vật chất của cơ thể). Tuy vậy như vừa thấy từ những thí dụ kể trên, ngày nay người ta đã có thể xác định rõ ràng phần não bộ nào chịu trách nhiệm cho loại tư tưởng và hành vi nào của con người. Do đó những đặc tính cá thể mà Aquinas thuở xưa, và nhiều người khác ngay cả bây giờ, cho rằng thuộc về linh hồn có vẻ như đều sẽ bị tiêu hủy khi các phần não bộ tương ứng trên bị tiêu hủy.

Có những người sẽ lý luận rằng linh hồn chỉ cần một thân xác để vận hành trong cõi sống hiện tại nhưng không cần một thân xác trong thế giới sau khi chết. Họ so sánh linh hồn như tín hiệu sóng radio truyền ra từ một đài phát thanh và thân xác vật chất như một chiếc radio; khi chiếc radio được mở đúng băng tần sóng nào đó thì nó trở thành sống động với những tiếng nói, ca nhạc, v.v. và khi chiếc radio bị hư hại thì không còn âm thanh gì phát ra được nữa tuy nhiên tín hiệu sóng vẫn còn hiện hữu.

Cách so sánh trên thiếu sót một điểm rất quan trọng, đó là sự tương tác giữa chiếc radio và môi trường chung quanh nó; hay nói rõ hơn là về những giác quan của một người. Giác quan là cửa sổ thông thương tri thức, tâm thức của một người với thế giới chung quanh họ. Những dữ kiện, tín hiệu thu nhận từ giác quan được phối hợp với những bản chất, tính khí, khả năng suy luận, kiến thức có sẵn trong tiềm thức và trong cấu trúc cơ bản có sẵn để tạo nên tâm thức, tri thức, bản thể và tất cả những gì khác để làm người đó thành một cá thể khác biệt với mọi cá thể đồng loại.

Có thể nói rằng giác quan không những là cửa sổ của linh hồn mà còn đóng một vai trò trọng yếu trong việc sản xuất ra linh hồn. Nếu có phải so sánh thì con người có thể tạm thời so sánh với một chiếc máy hát nhạc thường thấy ở các bar rượu. Trong máy đã có sẵn một số dĩa nhạc, tùy người ta bỏ tiền vào và nhấn nút nào thì chiếc máy nầy sẽ phát ra bài nhạc gì đó tương ứng. Tiếng hát, âm nhạc không được truyền đến từ một đài phát thanh ở đâu cả mà chỉ xuất phát từ bên trong chính chiếc máy (các dĩa nhạc) cộng với tác động của môi trường chung quanh nó (tùy người bỏ tiền vào bấm nút lựa bản nhạc nào). Khi chiếc máy bị hư thì không còn âm thanh gì phát ra nữa.

Linh Hồn là một Cá Thể Độc Lập và Trường Cửu?

Một lý thuyết thường được đề cập đến, đó là mỗi người có hai hệ thống vận hành cơ yếu. Hệ thống thứ nhất là cơ thể vật chất của họ. Hệ thống thứ hai là thành phần vô vật chất trong đó tập hợp những tri thức, tâm thức, nhân cách và cá tính của họ. Hai hệ thống nầy hiện hữu và vận hành song song với nhau, trong khi người nầy còn sống và sau khi họ đã chết. Lý thuyết nầy có vẻ giải thích được nhiều hiện tượng mà hiện nay khoa học phổ thông cổ điển không giải thích được.

Tuy vậy, ngay cả nếu như chúng ta chấp nhận vềhệ thống thứ hai nầy thì có một câu hỏi khác sẽ được đưa ra lập tức: hệ thống thứ hai có thể hiện hữu độc lập không cần sự hiện hữu của hệ thống thứ nhất hay không? Nói cách khác, linh hồn có thể hiện hữu sau khi thân xác đã bị hủy diệt hay không?

Có vô số câu chuyện về xuất hồn, nhập xác, ma quỷ, v.v. có vẻ cho thấy rằng hệ thống thứ hai chẳng những hiện hữu không cần hệ thống thứ nhất mà còn đôi khi có thể tương tác với môi trường vật chất không khác gì hệ thống thứ nhất. Có nghĩa là đôi khi phần linh hồn của một người chẳng những có thể sinh tồnsau khi chết mà còn có thể giao tiếp được với những người còn sống khác.

Tuy nhiên, một điều cần phải nhìn nhận lànhững gì được xem là bằng chứng về các trường hợp sinh tồn sau khi chết xảy ra vô cùng hiếm hoi. Nếu chỉ xét về phương diện sinh vật học mà thôi thì sau hơn 150 triệu năm từ khi các động vật hữu nhũ bắt đầu tiến hóa, tổng lượng tất cả sinh vật kể cả loài người đã từng sống và chết trên địa cầu nầy đã đạt đến một con số cực kỳ to lớn vượt xa hẳn khả năng ước lượng của bất cứ ai. Vậy mà tất cả chúng đều đã biến mất không hề để lại dấu vết gì cả.

Đây có thể là vì các lý do (hay nói đúng ra, giả thuyết) sau đây.

Thứ nhất, có thể là vì sinh vật kể cả loài người không hề có một hệ thống thứ hai nào cả. Chúng ta có thể thấy đây là cách giải thích tiêu biểu của những người vô thần, họ không tin vào sự hiện hữu của thần thể hay linh hồn gì cả. Như đã nói, không ai có thể chứng minh được sự không hiện hữu của một sự vật. Tuy nhiên, đại đa số mọi trường hợp liên quan đến sự chết chung quanh chúng ta đều có vẻ đồng nhất với cách lập luận nầy. Do đó xét trên bình diện xác suất thống kê thì lý lẽ nầy có giá trị thực tế nhất.

Lý do thứ nhì, có thể là những hệ thống thứ hai của mọi sinh vật, nếu hiện hữu lúc cơ thể chúng còn sống, đều đã tàn lụn và tan biến mất sau khi chúng chết đi. Lý do nầy dựa trên lý luận khoa học (như vừa được đề cập ở các bài trước đây) cho rằng tri thức của một người là sản phẩm của não bộ của họ. Tri thức lệ thuộc và phát xuất từ não bộ. Nếu có một hệ thống thứ hai thì hệ thống nầy cần năng lượng từ thân xác vật chất để hiện hữu và vận hành. Do đó khi thân xác của một người bị tiêu hủy thì tri thức (hay linh hồn, hay hệ thống thứ hai) của họ cũng tan biến theo, nếu không lập tức thì cũng không lâu sau đó. Cho đến nay đây chỉ có thể được xem là một giả thuyết vì chưa có chứng minh nào tuyệt đối dẫn đến kết luận nầy. Tuy nhiên trên phương diện xác suất thì giả thuyết nầy cũng rất khả dĩ.

Lý do thứ ba, có thể tri thức của mọi sinh vật sau khi chết có khả năng sống dưới một cấu trúc khác hẳn với cấu trúc thế giới của chúng ta nên chúng ta không thể cảm nhận được. Giả thuyết nầy cho rằng ngay khi một người còn sống thì hệ thống thứ hai, hay phần hồn, của họ vẫn hiện hữu và có cấu trúc khác hẳn với những phân tử, nguyên tử của thân xác vật chất của họ. Do đó sau khi người nầy chết thì phần hồn của họ chỉ cần tách lìa ra khỏi thân xác và tiếp tục sinh tồn như một cá thể độc lập trong thế giới riêng của nó. Vì cấu trúc của thế giới nầy khác hẳn với thế giới của người sống nên tuy cả hai chiếm đóng cùng một không gian chung nhưng không hề cảm nhận được lẫn nhau. Giả thuyết nầy giải thích thêm rằng thỉnh thoảng có những xáo động ở bờ biên giới giữa hai hệ thống nên một phần của thế giới nầy có thể tương tác tạm thời với một phần của thế giới kia. Đây là những lúc mà người sống có thể nghe thấy được người đã chết, và ngược lại. Giả thuyết nầy rất lý thú và có thể dùng để giải thích được nhiều hiện tượng. Tuy nhiên cho đến nay không có bằng chứng xác đáng nào cho thấy điều nầy thật sự xảy ra.

Lý do thứ tư, có thể là các hệ thống thứ hai trên đã di chuyển qua một nơi nào khác. Lý do nầy được một số người xem là phù hợp với cảm nghĩ tâm linh và niềm tín ngưỡng cho rằng người chết sẽ hoặc được lên thiên đàng hoặc bị xuống địa ngục hoặc một cõi thế giới nào khác. Có thể nói giả thuyết nầy là một trường hợp đặc biệt của giả thuyết thứ ba kể trên. Và tương tự, cho đến nay không có bằng chứng thỏa đáng (có nghĩa là thí nghiệm khoa học với sự kiểm soát chặt chẽ và nghiêm túc) nào cho thấy điều nầy thật sự xảy ra.

Và lý do thứ năm, có thể các hệ thống thứ hai đã hoàn trở lại để tiếp tục sống trong cơ thể của những sinh vật mới. Lý do nầy có thể được dùng để giải thích quan niệm đầu thai, hay những hiện tượng nhập hồn vào xác, hay quỷ ám. Cũng vậy, mặc dù có vô số câu chuyện xưa nay kể về điều nầy nhưng chưa bao giờ có trường hợp nào được kiểm chứng thỏa đáng theo phương cách khoa học cả.

Chúng ta cũng có thể kết hợp các giả thuyết vừa kể trên để đưa ra bất cứ giả thuyết nào chúng ta muốn. Dưới đây là một thí dụ mà tôi cho rằng không hoàn toàn ngoài vòng tưởng tượng bất khả dĩ.

– Trong cơ thể sinh vật có hai hệ thống vận hành: hệ thống thứ nhất là cơ thể vật chất, hệ thống thứ hai phi vật chất và nhiều người còn gọi là thần thể (spirit) hay linh hồn (soul). Hệ thống thứ hai sử dụng năng lượng của hệ thống thứ nhất để hiện hữu và vận hành.

– Hệ thống thứ hai có thể hiện hữu tạm thời sau khi cơ thể ngừng hoạt động. Nó cũng có thể tách rời ra khỏi cơ thể sau khi não bộ đã chết.

– Tuy nhiên hệ thống thứ hai nầy vẫn cần có một nguồn năng lượng để tiếp tục sống còn và sinh hoạt bên ngoài hệ thống thứ nhất. Nguồn năng lượng nầy có thể lấy được từ những nguyên tử, phân tử trong không gian và vũ trụ.

– Nếu thần thể của một người có thể tiếp nhận được nguồn năng lượng nầy thì nó có thể tiếp tục sống còn như một cá thể riêng biệt và độc lập dưới dạng vô vật chất. Tuy vậy đây chỉ là những ngoại lệ cực kỳ nhỏ chớ không phải là một quy luật tổng quát áp dụng cho mọi người, mọi hoàn cảnh.

– Hơn nữa, trong hầu như tất cả mọi trường hợp, hệ thống thứ hai của một người sau khi chết đi vì không tiếp tục thu nhận được (hay đầy đủ) năng lượng cần thiết, hoặc từ vũ trụ hoặc từ một nguồn nào khác, nên đều dần dần tan biến đi không lâu sau khi cơ thể vật chất của họ ngừng hoạt động. Thời gian từ khi chết đến lúc tan biến hoàn toàn của mỗi người đều khác nhau.

– Trong khi hệ thống thứ hai của một người đang tan rả dần dần, cấu trúc cũng như các đặc điểm riêng biệt như tâm thức hay tính khí của người đó cũng biến đổi. Do đó nếu thần thể của một người vẫn còn tồn tại được sau khi họ chết thì thần thể nầy cũng không còn giống chính xác như thần thể của họ lúc còn sống. Có nghĩa là họ không hẳn còn là họ nữa.

– Một nguồn năng lượng khác dễ tìm thấy và thích hợp nhất có lẽ là một cơ thể của một sinh vật khác. Một bào thai vừa mới tượng hình thường dễ được sử dụng nhất vì nó cũng giống như một căn nhà còn trống chưa có chủ. Đây có thể là một số trường hợp đầu thai. Cũng có khi cơ thể của một sinh vật, hay một người, còn đang sống cũng được sử dụng. Đây là một số những trường hợp được gọi là bị ma nhập, quỷ ám.

– Thế giới của những thần thể vẫn hiện hữu sau khi chết có thể lẫn lộn giữa thế giới người sống. Tuy nhiên cả hai thế giới không thể cảm nhận nhau được trừ những khi vì lý do gì đó mà những băng tần sóng của hai trường năng lượng ảnh hưởng và tương tác tạm thời với nhau. Thế giới của người sống và người chết cũng có thể hoàn toàn cách biệt trên phương diện không gian lẫn thời gian. Và có thể có nhiều thế giới người chết khác nhau; tùy điện lực cũng như băng tần sóng của mỗi cá thể mà họ có thể sinh sống ở các thế giới nào.



Tôi xin nhấn mạnh là thí dụ ở trên hoàn toàn chỉ là lý thuyết thuần túy chưa hề được kiểm chứng bởi khoa học. Nó có thể giải thích được nhiều hiện tượng xảy ra mà khoa học hiện tại không giải thích thỏa đáng được. Đồng thời nó cũng không cần sử dụng đến những khái niệm tín ngưỡng tôn giáo tưởng tượng vô căn cứ.

Như vừa thấy, chúng ta có thể hoàn toàn dựa lên trí tưởng tượng của mình để phối hợp và diễn giải từ những giả thuyết đã sẵn cóđể đưa đến bất cứ cách giải thích cho bất cứ hiện tượng nào. Mỗi người có thể lựa chọn những gì họ muốn cho là sự thật tùy theo khả năng suy luận hay nhu cầu tâm lý và tâm linh của họ mà không cần quan tâm đến việc cách giải thích nầy có phản ảnh thực tế hay không.

Điều nầy theo tôi rất lý thú trên phương diện thảo luận lý thuyết. Nó có thể mở ra những cánh cửa mà khoa học cổ điển thường không có khuynh hướng hay cơ hội nhìn đến. Tuy nhiên, điều nầy có thể trở thành tai hại khi người ta áp dụng những giả thuyết trên vào đời sống hằng ngày như những định luật có giá trị thật sự. Và nhất là luôn luôn có những người lợi dụng các giả thuyết vô căn cứ với mục đích kiểm soát, kềm chế, lường gạt, bóc lột người khác. Và khi được hứa hẹn một đời sống vĩnh cửu thì luôn luôn có vô số người sẵn sàng chịu bị kiểm soát, kềm chế và ngay cả lường gạt, bóc lột chỉ để bám víu vào cái ảo tưởng được sinh tồn mãi mãi sau khi chết.



Kiểm Chứng Khoa Học

Trước khi chấm dứt, tôi có vài lời phụ chú sơ lược về phương cách kiểm chứng khoa học.

Thí nghiệm khoa học là một cách trung thực nhất để kiểm chứng một lý thuyết có phản ảnh thực tế hay không. Tuy nhiên không phải thí nghiệm khoa học nào cũng có giá trị ngang nhau.

Nhiều người cho rằng phương cách kiểm chứng khoa học vì quá hạn hẹp và cứng ngắt nên thể nào nhìn thấy những gì cần nhìn thấy trong phạm trù tâm linh. Chẳng hạn như họ cho rằng khoa học hiện tại chỉ có khả năng tương tác với không gian 3 chiều trong khi vấn đề tâm linh nằm trong những không gian lớn hơn 3 chiều; và do đó dụng cụ khoa học không thích hợp cho mục đích cần dùng. Họ thí dụ cũng giống như một người lấy cây thước để đo lường tình cảm vui buồn của người khác. Họ cũng cho rằng vì khoa học gia tìm kiếm những sự vật mà họ không nhận biết nên họ không thể nào nhìn thấy được.

Lập luận trên có phần đúng. Như đã nói, khoa học có những giới hạn của nó; và con người luôn luôn có khuynh hướng muốn giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức và thành kiến sẵn có của mình. Đó là nguyên tắc sinh tồn phát xuất từ quá trình tiến hóa của nhân loại nên không ai miễn nhiễm được vấn đề nầy ngay cả những khoa học gia nhiều kinh nghiệm nhất. Có thể vì những nghiên cứu gia không có khuynh hướng tâm linh thường không nhìn thấy những gì cần thấy. Ngược lại, kiến thức và thành kiến sẵn có cũng thường hiện diện trong những cái gọi là “thí nghiệm khoa học” khi các nghiên cứu gia có khuynh hướng tâm linh muốn “chứng minh” quan điểm tâm linh của mình. Họ thường “tìm thấy” những gì mà họ mong muốn tìm thấy.

Do đó trong các thí nghiệm khoa học người ta đặt ra những quy chế, phương cách và luật lệ rất nghiêm khắc để cố gắng loại bỏ những thành kiến sẵn có trong các người tham dự cuộc thí nghiệm. Những quy chế, phương cách và luật lệ trên cách ly các phản ứng và phán xét của con người ra khỏi những gì xảy ra trong cuộc thí nghiệm.

Một phương cách thường dùng nhất gọi là “double-blind” (tạm diễn nghĩa là “bịt mắt đôi bên”). Trong một cuộc thí nghiệm theo phương cách nầy, người điều hành cuộc thí nghiệm lẫn đối tượng được thí nghiệm không được cho biết những chi tiết trọng yếu của cuộc thí nghiệm là gì. Đây là để tránh việc các kiến thức, tín ngưỡng lẫn định kiến (nếu có) của những người tham dự vô tình làm ảnh hưởng đến kết quả của cuộc thí nghiệm. Phương cách nầy cũng để tránh hiện tượng “ảnh hưởng placebo” lên đối tượng được thí nghiệm.

Một thí dụ về ảnh hưởng placebo: Người ta chọn ra 3 nhóm bệnh nhân, một nhóm được cho uống những viên thuốc làm bằng bột mì và nói rằng đây là loại thuốc mới và hữu hiệu nhất, một nhóm uống thuốc thật sự và một nhóm không được uống thuốc gì cả. Phần đông nhóm thứ nhất (uống thuốc bột mì) thuyên giảm rõ rệt tương tự như nhóm thứ hai (uống thuốc thật sự) và hơn hẳn so với nhóm thứ ba (không được uống thuốc gì cả). Khoa học không hiểu rõ hoàn toàn cách làm việc của ảnh hưởng placebo ra sao nhưng hiện tượng nầy xảy ra thường xuyên và có thể kiểm chứng được. Một thí dụ khác: một nhóm tín đồ được cho phép sờ một “thánh vật” tường trình cảm thấy khỏe mạnh, may mắn và thành công trong công việc làm ăn hơn một nhóm tín đồ khác không được phép tiếp cậnvới “thánh vật” ấy. Tuy nhiên, “thánh vật” trên thật ra chỉ là một món vật bình thường mượn tạm của ai đó. Có thể nói rằng đây là một dạng tự kỷ ám thị khi mà tâm thức của một người điều khiển và thay đổi được khả năng hoạt động trong cơ thể vật chất của họ.

Trong một cuộc thí nghiệm “double-blind” kể trên, người điều hành cuộc thí nghiệm khi phân phát thuốc cũng như khi so sánh, phân tích và tóm lược kết quả sẽ không biết ai được uống thuốc giả, ai uống thuốc thật và ai không được uống thuốc. Điều nầy để tránh việc người điều hành có những cử chỉ, hành vi vô tình làm những đối tượng được thí nghiệm (các bệnh nhân) đoán biết được mình đang thuộc nhóm nào. Để cho người tham dự thí nghiệm có được phản ứng hoàn toàn tự nhiên, những nghiên cứu gia không cho họ biết mục tiêu thật sự của cuộc thí nghiệm là gì trước khi mọi việc hoàn tất.

Trong một thí nghiệm xếp hạng phẩm chất máy hát dĩa CD trên thị trường, phần lớn những người “giám khảo” chấm điểm cao cho những chiếc máy hát đắc tiền và có nhãn hiệu danh tiếng. Đó là khi họ được cho nhìn thấy nhãn hiệu của các chiếc máy họ đang nghe thử. Người ta lập lại cuộc thí nghiệm nhưng không cho các giám khảo biết nhãn hiệu máy nào họ đang thử. Kết quả lần nầy cho thấy nhiều máy rẻ tiền và không có danh tiếng vẫn được đánh giá ngang hang hay có khi còn cao hơn những chiếc máy đắc tiền và nổi tiếng.

Trong một thí nghiệm khác về cách học hỏi bằng tiềm thức, một số băng ghi âm được phân phát cho một nhóm người. Các băng trên phát ra những âm thanh rất nhỏ nên nhĩ lực con người không thể nào nghe hiểu được nội dung của chúng là gì. Nhóm người nầy được bảo rằng các băng ghi âm trên sẽ giúp phát triển các tiềm năng nằm sẵn trong họ. Phân nửa số băng ghi âm có ghi tựa đề “Giúp Phát Triển Trí Nhớ”, phân nửa số băng có ghi tựa đề “Giúp Phát Triển Sự Tự Tin trong Việc Giao Tế”. Sau một tháng lắng nghe các băng ghi âm trên hàng đêm trong khi ngủ đúng theo lời chỉ dẫn, nhiều người trong nhóm nghe băng “phát triển trí nhớ” tường trình những “tiến bộ rõ rệt” với trí nhớ của họ, nhiều người trong nhóm nghe băng “phát triển tự tin” tường trình những “tiến bộ rõ rệt” với sự tự tin của họ. Tuy nhiên, sự thật là tất cả các băng ghi âm trên đều giống hệt nhau và chúng chỉ ghi lại tiếng động của xe cộ chạy ngang trước phòng thí nghiệm.

Hầu như tất cả những cái gọi là “thí nghiệm khoa học” để chứng minh các hiện tượng siêu nhiên đều không dùng phương cách “bịt mắt đôi bên” kể trên. Do đó những kết luận của các thí nghiệm trên hầu như đều không có giá trị gì cả.

Ngoài ra, các thí nghiệm về khoa học siêu nhiên cũng thường phạm những lỗi lầm cơ bản sau đây:

– Chỉ dựa trên một số lượng đối tượng thí nghiệm rất nhỏ do đó kết quả không thể đại diện trung thực cho nhiều trường hợp khác.

– Không thể lập lại các thí nghiệm trên để có cùng một kết quả mỗi lần đều giống nhau. Điều nầy cho thấy có vấn đề gì trục trặc trong quá trình thí nghiệm mà người nghiên cứu không thấy cần thiết hoặc không muốn điều tra cặn kẽ để sửa đổi hay giải quyết.

– Bản tường trình không được kiểm chứng và đối chứng bởi những khoa học gia chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm cùng ngành (peer review). Vì thế những lỗi lầm về lý luận cũng như sắp xếp, tổ chức, v.v. của các thí nghiệm trên không được phát giác để sửa đổi.

Trước khi một loại dược phẩm mới được tung bán ra thị trường, nó phải trải qua những thí nghiệm thỏa tất cả những quy luật cơ bản kể trên, và nhiều quy luật khảo nghiệm khác nữa. Nếu chỉ cần một điều kiện trên không thỏa thì người ta sẽ rất ngần ngại phát hành loại dược phẩm đó.

Cho đến nay, tôi chưa hề thấy có trường hợp “siêu hình” nào, ngay cả những thí nghiệm, những hiện tượng, những trường hợp nổi tiếng nhất, thỏa tất cả những quy luật trong phương cách khảo nghiệm khoa học kể trên.

TỨ TƯỢNG Chương 8. Kết luận




Khảo sát về Tứ Tượng, ngoài những hiểu biết thêm về phương diện lý thuyết, chúng ta còn lĩnh hội được một bài học thực tiễn về đời sống. Đó là phải sống theo tuổi tác của chúng ta. Chúng ta có 4 lứa tuổi: thiếu niên, thanh niên, thành niên, lão thành.

Vậy chúng ta phải tùy thời, tùy tuổi tác mà hành sự, mà nhận lãnh những vai trò, mà thực hiện những công trình đã dành cho mỗi lứa tuổi, có như vậy, sự phát triển của cơ thể, và các quan năng của chúng ta mới được toàn bích.

Thế mới hay:

Năm kia có bốn mùa trời,
Con người bốn lứa, khúc nhôi phân trình,
Mùa trời lộn lạo, đảo khuynh,
Đông thời oi ả, Hạ đành tuyết sương.
Xuân, Thu tráo trở cương thường,
Núi long, đất lở, tai ương chập chùng.
Tuổi người lộn lạo, rối tung,
Dĩ nhiên tai ách, khốn cùng một thân.
Lẽ trời phản phúc, khuất thân,
Âm Dương thuận nghịch phải lần cho ra.
Cương Nhu, tùy tiện mới là,
Tùy theo tuổi tác mà xa, gần Trời.
Có cao, có thấp, mới vui,
Tinh thần, vật chất, tùy thời chắt chiu.
Âm Dương tiêu tức chu lưu,
Bao la trời đất kinh phiêu mặc tình...

Sứ mệnh của nghệ sỹ







Bạn thân mến!


Khi tôi gọi bạn là bạn, nghĩa là giữa tôi và bạn có một sự đồng cảm sâu sắc. Đồng cảm vì chúng ta sinh ra đã lỡ đa mang trong mình dòng máu nghệ sỹ tính. Cái dòng máu này khiến chúng ta tự mặc định mình khác mọi người, từ cách sống cho đến cách nhìn cuộc sống, từ cách cảm thụ cuộc sống đến cách diễn đạt nhận thức cuộc sống cho người khác hiểu... Chúng ta là những kẻ khác người.


Những người bình thường, tôi tạm gọi thế, cuộc sống của họ thật nhẹ nhàng, thật bình yên. Có khi chỉ là một công việc tạp vụ với số lương đủ sống qua ngày, có khi phải kiếm thật nhiều tiền, có khi muốn tất cả thiên hạ phải biết đến mình... Nhưng dù mong ước của họ có như thế nào đi chăng nữa, cái đích cuối cùng của họ vẫn là bình yên, vẫn là hạnh phúc.


Còn chúng ta thì sao? Chúng ta mong hạnh phúc không?? Có, chúng ta cũng như họ, cũng mong có được bình yên, có được hạnh phúc. Nhưng thứ hạnh phúc của chúng ta không phải là thứ hạnh phúc của sự bình yên, cũng chẳng phải là hạnh phúc của sự đạt được. Hạnh phúc của chúng ta chỉ là... khi nào cái chết gõ cửa, ta mới chợt nhận ra rằng ta đã từng có hạnh phúc.


Bạn ạ!


Là một người mang trong mình dòng máu nghệ sỹ, chất liệu duy nhất để sáng tạo là đau thương. Không có đau thương, hoặc họ sẽ chết, hoặc họ sẽ cố tình tạo ra đau thương. Van Gogh đã chẳng phải tự cắt tai của mình chỉ để tự họa cho hình ảnh của mình một cách chân thực nhất đấy sao?! Và còn rất nhiều, rất nhiều nữa những nghệ sỹ tự cổ chí kim... dường như chưa bao giờ họ chịu sống trong cảnh bình yên cả. Đau thương là một khoái cảm - đó là số phận của chúng ta - bạn tôi ạ.


Là một người mang trong mình dòng máu nghệ sỹ, trái tim họ mong manh lắm. Một chiếc lá rơi khi chiều về, một dòng sông lặng lẽ trôi, một cánh bèo thất lạc giữa dòng đời... Tất cả đều khiến cho cái tâm hồn vốn đã mong manh của họ thêm phần yếu đuối. Chẳng phải tìm cảm hứng từ đâu xa lạ cả, mọi thứ vốn có sẵn trong tâm mình. Chỉ nhẹ nhàng buông mình chạy theo mọi thứ vô thường của cuộc sống, là ngay lập tức tâm hồn chúng ta cũng vô thường theo ngay. Vui đấy, buồn đấy, khóc đấy, đớn đau đấy... Tâm hồn chúng ta là tấm gương phản chiếu thực tại một cách ngay lập tức.


Là một người mang trong mình dòng máu nghệ sỹ, trái tim chúng ta không chỉ mong manh, mà còn nhấn mạnh hơi quá những gì chúng ta cảm thụ được. Một giọt nước mắt rơi khẽ, ta cũng đã tưởng đến cả trời đau khổ. Một giọt máu xước trên tay, ta cũng vội nghĩ đến tang tóc chia lìa... Con tim của nghệ sỹ yếu ớt như tơ trời mà nỗi buồn thì thường trực trên ánh mắt. Chúng ta hấp thụ nỗi buồn nhân thế, phóng chiếu nó bằng xúc cảm bi thương... vậy mà dẫu có con đường đi ra khỏi hố đau tuyệt vọng, chúng ta cũng kiên quyết chối từ.


Bạn ơi!


Ai trong chúng ta cũng có nỗi buồn hết. Nỗi buồn của thiên hạ cũng là nỗi buồn của chúng ta. Nhưng với người bình thường, họ khóc một trận đã đời là mọi thứ sẽ bình yên trở lại. Họ cố gắng thoát khỏi nỗi buồn bằng rất nhiều cách thức khác nhau, vì họ sợ buồn đau, họ mệt mỏi với buồn đau. Còn chúng ta, cũng đau buồn như họ, nhưng chúng ta lại không chịu thoát ra khỏi nó. Chúng ta chìm đắm trong nó. Chúng ta thăng hoa trong nó. Chúng ta thích thú tận hưởng nỗi buồn như là một trò chơi đầy thú vị mà cuộc đời này ban tặng. Và vì thế, sống chung với nỗi buồn, có lẽ chẳng là gì ghê gớm với những người nghệ sỹ cả.


Ai trong chúng ta cũng phải đối mặt với những hoàn cảnh sống như nhau. Tôi cũng như bạn, bạn cũng như những người khác, người khác cũng như tôi. Hoàn cảnh là như nhau với tất cả mọi người. Nhưng với người bình thường, họ chấp nhận nó như là điều tất nhiên phải thế, nếu cần thay đổi, họ sẽ tính toán thiệt hơn và khả dĩ có thể thực hiện được, nên ước mơ của họ dễ dàng khiến họ toại ý. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta bay cao và bay xa quá. Ước mơ của chúng ta hoàn hảo và lý tưởng quá. Và vì tổng hợp quá nhiều thứ "quá" như vậy nên ước mơ mãi chỉ là ước mơ. Những ước mơ không bao giờ thực hiện được. Và vì thế mà chúng ta khổ. Chúng ta không chấp nhận hiện thực cũng như hoàn cảnh đang vây bủa lấy ta, nhưng ước mơ của chúng ta lại chẳng có con đường nào để đi đến đích. Và vì thế mà chúng ta cứ sống chênh vênh mãi như thế, cứ sống bất định mãi như thế...


Ai trong chúng ta cũng cần giao tiếp với tự nhiên, vớixã hội, với tha nhân. Ta không thể sống câm lặng từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Sự giao tiếp giữa người với người có thể qua ánh mắt, qua nụ cười, qua lời nói... đôi khi chỉ là tụ tập ăn uống nhậu nhẹt là mọi người đã đủ cảm nhận được sợi dây liên kết giữa họ với mọi người. Còn chúng ta thì sao? Ôi, thương thay cho những số phận thất lạc, chúng ta chẳng bao giờ coi tất cả những cái đó là kênh giao tiếp đích thực cả. Gặp gỡ, nói năng, cười cợt... đều chỉ là những vở kịch mà chúng ta đóng cho người khác xem. Còn với chúng ta, ngôn ngữ hội thoại bất lực trong việc diễn đạt nội tâm, chúng ta thả hồn vàothơ caâm nhạc, chúng ta thả hồn vào màu sắc và hình khối... Chúng ta coi đó mới là điều mà chúng ta muốn giao tiếp với mọi người. Nhưng, bao nhiêu người cảm thụ được nó? bao nhiêu người hiểu được tiếng nói của nó?... Cứ thế, chúng ta như đang chất chứa trong mình một quả bom chờ được kích hoạt, mà chìa khóa mở nó thì luôn lạc lõng giữa cuộc đời. Những chất chứa nội tâm cần được phóng thích mà lớp tường che dấu nó quá dày, chúng ta đành tự mình vật vã, đành tự mình đấu tranh, đành tự mình cảm thụ...


Bạn thân của tôi!


Bạn đang khóc... Và tôi chúc mừng bạn. Bạn khóc được là tốt. Và nếu nỗi đau trong bạn quá lớn đến mức không thể khóc được, tôi cũng xin chúc mừng bạn. Vì tôi cũng như bạn, và vì tôi cũng tin rằng, nỗi đau ấy, sự cô đơn ấy... chính là chất liệu tuyệt vời nhất để bạn được thăng hoa trong những tác phẩm của mình. Hãy tận hưởng nỗi đau ấy đi, nó lạnh lẽo lắm, nhưng nó cũng ngọt ngào lắm.


Bạn đang đau... Và tôi chúc mừng bạn. Số phận của chúng ta đã được quy định như thế rồi. Hãy chấp nhận nỗi đau, hãy tư duy về nỗi đau, hãy nhận diện về nỗi đau mà bạn đang trải nghiệm, hãy vật vã đấu tranh cùng nó... và hãy phóng thích nó ra qua bàn tay tài hoa của bạn, qua màu sắc và âm thanh, qua ánh sáng và ngôn từ... Sẽ không ai hiểu được bạn đâu, bây giờ và sau này cũng thế, nhưng những sáng tạo ấy sẽ cứu chuộc bạn, sẽ giúp bạn tái sinh. Hãy thể hiện và sáng tạo nỗi đau của bạn đi, tôi đồng hành cùng bạn.




Tôi không biết nói gì hơn, ngoài việc nghe bạn kể, nhìn bạn khóc
Vì sứ mệnh của chúng ta là đón nhận và thể hiện tất cả nỗi đau mà loài người đang đối mặt
Vậy thì hãy viết lên thành bài thơ, ca lên thành bài hát, vẽ lên thành bức tranh...
Tác phẩm sẽ cứu chuộc ta, và đồng thời sẽ cứu chuộc cả nhân loại


Read more:http://www.suynghiem.vn/2015/08/su-menh-cua-nghe-sy.html#ixzz3jFVCIAo5

Sáng tạo nghệ thuật đích thực – Không có khôn và dại





Mới đây, qua những thử nghiệm nghệ thuật của một số nghệ sĩ, dư luận có nhiều bình phẩm về lựa chọn “khôn” và “dại” của họ. Tiêu chuẩn của “khôn” được đặt ra là tác giả ấy tạo ra những tác phẩm được lòng công chúng và giới chuyên môn. Còn “dại” thì là những tác giả sáng tác các tác phẩm không gây được chú ý hoặc bị dư luận cũng như giới chuyên môn phản đối. Nhưng cách đánh giá nghệ sĩ và các tác phẩm như vậy có phần bị ảnh hưởng bởi cách đánh giá thị trường. Đành rằng ngày nay, nghệ sĩ sáng tác để có thể sống được bằng nghề thì tác phẩm không chỉ có tính nghệ thuật mà còn phải có tính thương mại; nhưng nếu tiêu chí thương mại lấn át mọi giá trị khác thì đời sống nghệ thuật sẽ hoàn toàn bị thui chột. Tôi không có ý bênh vực những lựa chọn “dại”, bởi “dại” chưa chắc đã mang đến tác phẩm hay, tôi chỉ muốn đặt ra một vấn đề mà bấy lâu nay các nghệ sĩ đều băn khoăn trăn trở: nghệ thuật đích thực hay sản phẩm giải trí, đâu mới là giá trị cần được tôn vinh?

Trước hết cần phải làm rõ đâu là ranh giới khác biệt giữa nghệ thuật đích thực và sản phẩm giải trí? Nếu bàn luận ở góc độ triết học thì sẽ rất mất thời giờ, vậy nên tôi xin phép được đưa ra sự phân biệt của riêng mình. Đó có thể chỉ là tiêu chí của riêng tôi mà thôi. Điểm cốt yếu để phân biệt nghệ thuật đích thực và sản phẩm giải trí nằm ở sự sáng tạo. Nghệ sĩ sáng tạo thì tạo ra tác phẩm nghệ thuật (bất kể hay dở thế nào) nhưng các sản phẩm giải trí thì chỉ có thể được sản xuất chứ không có sự sáng tạo trong đó. Vấn đề đặt ra tiếp theo là: đâu là sự khác biệt giữa sáng tạo và sản xuất?

Sáng tạo không phải là những ý tưởng mới nảy sinh trong đầu, sáng tạo đến từ những ý tưởng nảy sinh và rồi được hiện thực hóa qua quá trình tư duy, tạo tác biến ý tưởng đó trở nên nhận biết được và có thể tiếp cận được bởi công chúng. Ý tưởng có thể hay nhưng sáng tạo chưa chắc đã hay. Bởi để có thể hiện thực hóa được, ý tưởng và niềm đam mê chưa đủ, mà cần lý trí sắc nét, rõ ràng với khả năng tổng thể cao. Các nghệ sĩ Việt Nam ta ý tưởng không thiếu, đam mê cũng không thiếu nhưng phần lý trí dường như bị lơ là. Điều này khiến cho các tác phẩm ra đời vẫn có gì đó còn non, không hoàn thiện như một chỉnh thể mà giống những công trình ráp nối vụng về nhiều hơn. Tất cả những sự vụng về này được biện minh bằng các cụm từ “phá cấu trúc”, “đột phá”, “bản năng”… Có lẽ đã đến lúc các nghệ sĩ tách ra khỏi sự say mê ý tưởng để hoàn thiện khả năng tạo tác của mình.

Sản xuất là một quá trình khác. Sản xuất không còn có dấu vết của ý tưởng mới nữa mà các sản phẩm được ra lò một cách đồng loạt. Không nhất thiết chúng phải giống nhau như hệt, nhưng bất cứ ai cũng thấy rằng chúng có chung công thức. Hiện trạng này ta có thể thấy nhiều đặc biệt trong lĩnh vực hội họa và âm nhạc thị trường. Thậm chí đến phim ảnh, sân khấu giờ đây cũng thấy hiện trạng sản xuất lan tràn.

Tôi vẫn luôn dị ứng mỗi khi các kênh truyền thông chính thống cứ lặp đi lặp lại cụm từ “công nghiệp giải trí”. Sáng tạo nghệ thuật mang tính chất cá nhân, nhưng sản xuất sản phẩm giải trí mang tính chất đám đông, giống một sự nhồi sọ nhiều hơn. Các mô thức, các công thức, các phong cách… cứ lặp đi lặp lại đến mức tạo một thói quen cho khán giả, quen đến nỗi mà nó ẩn sâu vào vô thức và khi tiếp xúc với bất cứ cái gì mới hoặc khác lạ đều không thể tiếp nhận. Phát triển công nghiệp giải trí, đáng buồn thay, đang hủy diệt rất nhiều sáng tạo cá nhân. Tôi xin được kể một chuyện thế này, tôi hay ngồi café ở một quán khá có gu ở khu vực hồ Hale, chủ quán chọn nhạc rất tao nhã và thể hiện trình độ văn hóa cao. Một buổi tối tôi ngồi một mình ở quán, đang nghe bản nhạc Claire de lune của De Bussy, một nhóm khách ăn mặc cũng không đến nỗi nào, lại còn có vẻ tay chơi, bước vào quán. Sau màn gọi đồ uống thì một thanh niên trong nhóm đó yêu cầu chủ quán đổi nhạc vì lý do “nhạc gì mà nghe đau đầu thế”. Thay thế bản nhạc êm đềm của De Bussy, tôi phải chịu đựng bài “Con bướm xinh” để cho vừa tai một lượng khách đông đảo hơn. Khi khách về hết, tôi hỏi chủ quán thì chủ quán cho biết tình trạng này là phổ biến tại đây.

Công nghiệp sản xuất sản phẩm giải trí đang phá hoại óc thẩm mỹ của khán giả, mà có khi còn cả óc thẩm mỹ của nghệ sĩ. Bởi thế, chuyện khen chê khôn dại của giới chuyên môn hay dư luận giờ đây cũng chẳng còn chính xác nữa. Chúng ta hãy để phần đánh giá khôn dại ấy cho các sản phẩm giải trí chứ không nên sử dụng để soi xét các sáng tạo nghệ thuật. Tiêu chí nào để có thể đánh giá một tác phẩm nghệ thuật? Chỉ có thể bằng sự thỏa mãn: Tác giả có thỏa mãn trong quá trình sáng tạo hay không? Khán giả có thỏa mãn trong quá trình chiêm ngưỡng hay thưởng thức tác phẩm nghệ thuật hay không? Vấn đề ở chỗ chuyện thỏa mãn này nó “hên xui” lắm! Thỏa mãn với một tác phẩm nghệ thuật không khác nào thỏa mãn với một người tình, và quá trình thưởng thức không khác nào một cuộc làm tình. Độ thỏa mãn không phải lúc nào cũng giống nhau: nhanh chóng thỏa mãn thì ấn tượng cũng qua nhanh; phải sử dụng các giác quan một cách tối đa mới thưởng thức được thì quá trình dẫn đến sự thỏa mãn sẽ lâu hơn, nhưng lại sâu đậm và khó quên hơn. Các tác phẩm nghệ thuật không tạo được sự thỏa mãn nguyên nhân đều chỉ bởi khán giả tìm mãi không thấy được ấn tượng đọng lại, hay nói một cách đầy nhục cảm, không tìm được điểm cực khoái trong đó. Nhưng khi công nghiệp giải trí tràn lan và chiếm lĩnh thì người ta cũng quên mất sự tinh tế trong các tác phẩm nghệ thuật. Xem hoặc nghe các sản phẩm giải trí thật chẳng khác nào như làm tình với điếm. Bởi thế các sản phẩm ấy không để lại bất cứ ấn tượng nào, chỉ đơn giản là giải phóng sự ức chế hay giảm bớt căng thẳng. Tôi không phủ nhận giá trị của giải trí, nhưng nếu giải trí được đặt vị trí quan trọng hơn cả nghệ thuật thì không khác nào điếm được đặt vị trí cao hơn người tình.

Nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật phải chấp nhận rằng tác phẩm ra đời có hay, có dở, có tác phẩm vừa ra đời đã được đón nhận, nhưng có những tác phẩm sẽ bị chửi bới, hay thậm chí chìm vào quên lãng. Người nghệ sĩ tài năng là những nghệ sĩ tạo ra một cơn hưng phấn cho công chúng của mình, nhưng giống như chuyện tình yêu, nghệ sĩ cần những công chúng thích hợp. Điều đó lý giải trường hợp một số nghệ sĩ bị vùi dập hoặc lãng quên trong thời đại của họ nhưng lại là những nghệ sĩ thiên tài và vĩ đại. Trò khen chê khôn dại ở đây trở thành thứ vớ vẩn buồn cười, chỉ là câu chuyện nói lúc “trà dư tửu hậu” để ai đó tỏ ra mình có khả năng thẩm định tốt và hiểu biết hơn người.

Một nghệ sĩ đích thực thông qua quá trình sáng tạo được trải nghiệm sức mạnh của Thượng Đế. Cả thế giới chúng ta đang sống đây là tác phẩm của Thượng Đế, chúng ta có thể hài lòng hoặc không, nhưng không ai dám chê Thượng Đế là khôn hay dại. Vậy thì tại sao chúng ta tự cho mình cái quyền đánh giá ai đó đang sáng tạo là khôn hay dại. Bởi thế, với một nghệ sĩ thực thụ, họ sẽ không mất thời gian với việc thuyết phục đám đông chạy theo mình, mà họ sẽ tiếp tục con đường nghệ thuật không bao giờ có hồi kết. Thế nên ngay cả bài viết này của tôi cũng chỉ là thứ nhảm nhí với họ, nhưng vẫn cần phải viết, ít ra để các bạn có thể dựa vào đó để nhận biết được đâu là sáng tạo nghệ thuật và đâu là sản xuất sản phẩm giải trí hàng loạt, để rồi qua đó biết được cuộc hành xác gian khổ của các tác giả.

Hà Thủy Nguyên

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

chén đắng


Luận về… cái sự học (Trích Luận ngữ tân thư)



Đã gọi là thầy (sư) thì không phân biệt cao thấp, cứ hơn một tí tẹo là có thể làm thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư). Chung quy chia làm hai hạng. Hạng tiên sư và hạng tục sư.
Hạng tiên sư vì người mà dạy cách làm người. Hạng tục sư vì tiền mà dạy cách làm tiền. Hạng tiên sư “lôi“ kiến thức (vốn có sẵn) trong bụng học trò ra. Hạng tục sư “nhét“ kiến thức từ ngoài vào. Tin theo tiên sư thì con người là tiểu vũ trụ. Tin theo tục sư thì con người là cái thùng chứa sách.

Hạng tiên sư chỉ cho học trò thấy cái chỗ thiếu của mình. Hạng tục sư chỉ cho học trò thấy cái chỗ giỏi của mình. Thấy thiếu thì lo lắng, muốn được bổ sung, vì thế kiến thức tăng tiến. Thấy giỏi thì hung hăng, muốn được thi thố, vì thế kiến thức dừng lại. Hạng tiên sư nương theo con người mà hành đạo. Hạng tục sư nương theo chính trị mà hành nghề.

Nước có đạo lý thì tiên sư nhiều hơn tục sư. Nước vô đạo lý thì tục sư nhan nhản, có khi bói không ra một mống tiên sư nào. Chính trị đứng đắn chú trọng đến tiên sư. Chính trị lưu manh chú trọng đến tục sư. Bởi thiên hạ ai cũng quan tâm đến việc làm người thì chính trị khó bịp, ngôi vua nguy như đèn ra trước gió, phải tử tế lắm mới mong giữ được. Thiên hạ ai cũng quan tâm đến việc làm tiền thì chính trị tha hồ bịp, ngôi vua chả cần tử tế vẫn có thể muối mặt mà cố đấm ăn xôi.

Giáo dục cốt làm thay đổi dân trí. Song không phải bao giờ cũng theo hướng nâng cao. Giáo dục vì dân nhằm vào cái chỗ sáng suốt của dân. Giáo dục lừa dân nhằm vào cái chỗ mê lú của dân. Huống chi cái việc học làm người kia lại vô cùng khó khăn. Bậc tiên sư dù cố đến mấy, rốt cuộc chỉ mang tiếng vẽ đường cho hươu chạy. Mấy ngàn năm càng vắng ngắt bóng người…

Vẫn “Lời tựa“ trong “Luận ngữ tân thư“. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:

Khổng Phu Tử một hôm đang thư thái, bỗng buột mồm nói ra câu: “Hành tương tựu mộc tác nhân nan“ (Người ta thường sắp chui vào quan tài rồi, mới biết làm người là một việc khó). Các học trò nhao nhao thắc mắc. Ai cũng cho rằng Ngài nói vậy là hơi bi quan. Làm người mà khó đến như thế, thì chẳng lẽ cuộc đời này toàn… khỉ hết hay sao? Rằng cứ theo cái thuyết chữ “Nhân“ của Ngài, thì miễn sao sống cho tử tế, có hiếu với bố mẹ, ông bà, không ăn cắp ăn trộm, không lừa đảo hay hại ngấm hại ngầm ai… là thành người được rồi. Chứ có gì ghê gớm mà Ngài phải kêu khó.

Khổng Tử bèn thuyết liền một hồi:

-Các ngươi chỉ biết một mà chưa biết hai. Làm người trước tiên cần phải biết phân biệt. Mà phân biệt đâu phải là một kiến thức đơn giản. Không biết phân biệt sẽ không bao giờ cho ra cái hồn người. Kẻ không biết phân biệt có ba việc mù mờ (nguyên văn: tam sự bất tri) như sau: Thứ nhất, ăn không biết thế nào là ngon, uống chẳng biết thế nào là dở… như thế gọi là: “thực bất tri kì vị“. Thứ hai, nói không biết nên nói với ai, nghe chẳng biết nên nghe ai nói… như thế gọi là: “xử bất tri kì nhân“. Thứ ba, đi không biết nên đi theo đường nào. Ngồi chẳng biết nên ngồi chỗ nào cho đúng… như thế gọi là: “hành bất tri kì đạo“.

Huống chi các ngươi chỉ biết nghe theo một chiều, hiểu theo một chiều, tin theo một chiều… duy nhất. Trên đời này không cái ngu nào sánh bằng ngu đó. Không cái lười nào sánh bằng lười đó… Vừa ngu, vừa lười đến tận cùng như thế, thì làm sao có thể tự hiểu được mình. Kẻ không hiểu được mình thì đứng không biết mình đang đứng chỗ nào, đi chẳng biết mình sẽ đến đâu… Thế rồi tự cao tự đại, thế rồi vỗ ngực xưng danh… tự cho là mình khôn nhất thiên hạ. Lời nói hay chẳng bao giờ lọt vào tai nữa, cứ một mực tin theo những hạng đểu giả. Kiến thức như thế thì dẫu cao mấy, thực chất cũng chẳng khác gì kiến thức của một anh hoạn lợn. Không những tự gây họa cho mình, mà còn gây họa cho người khác. Có khi gây họa cho cả thiên hạ chưa biết chừng.

Các học trò nghe đến đó thì sợ toát mồ hôi. Bèn hỏi:

-Thế nào là tự gây họa cho mình?

Khổng Tử bảo:

-Người ta vạch ra cái chỗ dở của mình để mong mình sửa, thì lại tưởng là người ta chửi. Người ta nịnh cái chỗ đểu của mình để hòng kiếm chác, thì lại tưởng là người ta khen… Rốt cuộc người đáng lẽ là bạn, thì lại nghĩ là thù. Kẻ đáng lẽ là thù, thì lại cho là bạn… Lẫn lộn, u tối đến như thế mà không gặp họa thì xưa nay chưa ai từng nghe nói đến bao giờ.

Các học trò nghe thấy thế thì càng sợ hơn nữa. Lại hỏi tiếp:

-Thế nào là gây họa cho thiên hạ?

Khổng Tử bảo:

-Hạng người ấy mà làm tướng thì mất toi thành. Làm quan phủ, quan huyện nào thì dân trong phủ, huyện ấy điêu đứng. Làm vua thì cả nước khốn nạn, thậm chí còn mất nước vào tay ngoại bang. Làm thầy thì ngu đến cả trăm đời sau… Thế gọi là gây họa cho thiên hạ.

Các học trò hỏi tiếp:

-Vậy cứ theo ý Phu Tử thì bao giờ chúng tôi mới có thể học thành người?

Khổng tử trả lời:

-“Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lẽ đời (nhi bất hoặc – hết ngờ vực). Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời (tri thiên mệnh – biết mạng trời).

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người (nhi nhĩ thuận – nghe thuận tai).

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng mình (tòng tâm kì dục, bất du củ – tùy lòng muốn mà vẫn không thay đổi quy củ).

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng mình. Song không thể dạy các ngươi khiến được lòng mình (lạc dĩ vong ưu – vui (theo đạo lý) mà quên hết buồn phiền).

Ta có thể dạy các ngươi khiến được lòng mình. Song không thể dạy các ngươi (thấu suốt đạo lý) đến nỗi quên đi cả sự tồn tại của mình (bất tri lão chi tương chí – không hề biết tuổi già của mình sắp đến)…

Xem thế thì biết, cái sự học làm người kia là… không biết đến bao giờ“.

Các học trò nghe như vịt nghe sấm. Bèn đề nghị:

-Phu Tử có thể giảng kĩ hơn một chút được không? Vẫn biết học làm người là một việc khó khăn, lâu dài. Song cớ sao lại rắc rối như thế?

Khổng Tử bảo:

-Đó là những thang bậc từ thấp đến cao của cái sự học (hạ học nhi thượng đạt). Cũng là những điểm “chết“ (nguyên văn: tắc tử) của kiến thức. Vượt qua được những mốc ấy là một việc khó khăn nhất trong cái sự học của muôn đời. Dừng lại ở bất cứ mốc nào cũng lập tức biến thành người ngu.

Các học trò lại hỏi:

-Thế nào là biến thành người ngu?

Khổng Tử bảo:

-Kẻ ngu nhất trên đời là kẻ tự bằng lòng với kiến thức của mình. Dẫu đã thấu hết lẽ đời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng trời. Dẫu đã thấu được lòng trời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng người. Dẫu đã thấu được lòng người thì cũng không bao giờ hiểu được lòng mình… Từ khi làm thầy, ta kị nhất loại học trò học đến đâu giỏi đến đó. Học kiểu ấy nguy như trứng để đầu gậy. Bởi kiến thức có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Kiến thức đã dừng lại, thì hậu quả tai hại sẽ không biết đâu mà lường được. Có khi còn biến thành một kẻ lưu manh trí thức lúc nào không hay.

Nói đến đó, Khổng Tử bỗng buột mồm thốt ra một câu than thở:

-Ôi! Kẻ học giả lúc nào cũng có sẵn sàng một cơ hội lớn để trở thành một tên… thậm ngu ngốc, thậm lưu manh.

Các học trò nghe vậy thì không ai bảo ai, tất cả đều nhất tề thở dài đánh sượt một cái. Lại hỏi tiếp:

-Phu Tử nói thế thì chúng tôi cũng đành cố gắng học được đến đâu hay đến đó, học mãi không dám dừng lại. Chứ còn biết làm thế nào. Không hiểu những đời sau này không có Phu Tử, thì rồi có ăn thua gì không? Hay là chỉ sinh ra rặt những hạng bịp bợm, kiến thức đã như anh hoạn lợn, mà đểu giả, bất lương thì không ai sánh bằng. Nhưng chẳng hay Phu Tử có thể lấy ví dụ về cái việc học làm người là rất khó ấy, cho chúng tôi nghe được không?

Khổng Tử bèn ví dụ bằng mấy câu chuyện sau đây:

Câu chuyện thứ nhất:

Ta (Khổng Tử) từng có một học trò xưng là Tử Hư. Y là một người rất say mê cây cối. Cây càng cổ thụ, y càng mê mẩn. Không ngày nào là y không tìm đến một nơi có cây cao bóng cả, có tán rộng như những chiếc dù vĩ đại, che rợp cả một vùng, cành lá xanh tốt sum xuê để ngắm nghía, xuýt xoa… Ngắm mãi không biết chán, xuýt xoa mãi không mỏi mồm. Lại tưởng tượng mỗi tán cây như một nước, mỗi nhánh, cành như một phủ, huyện, mỗi lá cây như một kiếp người… còn thân cây như một vị hoàng đế. Sự hâm mộ kể cũng đến thế là cùng.

Một hôm, y chợt phát hiện thấy từ một thân cây to lớn mà xưa nay y vẫn hâm mộ, vẫn ngắm nghía ấy bỗng nhú ra những mẩu gì tròn tròn, xam xám, mềm mại như lông thú. Những mẩu ấy cứ mỗi ngày lại thò dần ra. Vài hôm sau thì rõ là những cái đuôi chồn. Những cái đuôi chồn vắt vẻo, ngoe nguẩy ở thân cây nom đến kinh. Cây không mọc cành, đơm lá… mà lại mọc ra những cái đuôi chồn? Đó là điều mà y không thể chấp nhận, không thể tin được.

Y quyết tâm giữ gìn sự hâm mộ, còn hơn giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nhưng những cái đuôi chồn thì cứ sờ sờ ra đấy, làm y không chịu nổi. Y bèn thắc mắc với ta. Ta bảo: “Ngươi đã có thể tin được rằng mỗi thân cây như một vị vua, thì tại sao lại không tin được rằng từ đó có thể mọc ra những cái đuôi chồn? Chớ vì sự hâm mộ mà sinh ra lú lẫn. Kiến thức của ngươi một khi đã cố chấp như thế thì khó có thể làm người được“.

Câu chuyện thứ hai:

Ông Mỗ làm quan tể ở ấp Trâu là một người có tiếng ngay thẳng, thanh liêm, rất ghét thói nịnh bợ. Vì thế pháp luật được thi hành. Dân ấp Trâu vui vẻ làm ăn, không tranh giành, đểu cáng với nhau. Trẻ con biết kính trọng người lớn, người lớn thương yêu, đùm bọc trẻ con. Ban ngày ra đường không ai nhặt của rơi. Tối về nhà không phải khóa cổng. Con trai, con gái đi riêng hai bên đường, không bậy bạ, sàm sỡ với nhau… Tất cả nhờ ở cái đức của ông quan Mỗ ấy mà có được như thế.

Tưởng làm người mà được như ông Mỗ thì ai còn nghi ngờ gì nữa. Tất nhiên xung quanh ông cũng không thiếu những kẻ xấu, những kẻ cơ hội, bất lương. Chúng tìm mọi cách để nịnh nọt, lung lạc cái đức của ông hòng kiếm chác này nọ. Song ông Mỗ không những không hề lay chuyển, mà còn thẳng tay trừng trị, khiến chúng không dám ho hoe gì nữa. Ấp Trâu ngày càng thịnh vượng.

Thế mà cũng chẳng được bao lâu. Có ai ngờ một người như ông Mỗ cũng đến lúc thay đổi. Ông bắt đầu thích những lời tâng bốc, ca ngợi. Ông bằng lòng và kiêu ngạo với những gì mình đạt được. Ông nhắm mắt, bịt tai trước những lời nói thẳng, những kẻ can gián. Thậm chí còn sai người bắt bớ, bỏ tù họ. Dần dần, ông biến hẳn thành một ông quan bịp bợm, lèo lái, vừa thích nịnh, vừa ăn của đút như ranh. Đám tay chân cũng nhanh chóng a dua theo. Chúng tha hồ nhân danh pháp luật để ăn cắp trắng trợn mọi thứ của dân, không cho dân được kêu ca, oán thán gì…

Ấp Trâu trở thành một nơi tăm tối nhất thiên hạ, chính trị đểu giả, lưu manh không nơi nào sánh bằng. Dân chúng bị cưỡi lên đầu lên cổ đã đành, lại còn không dám hó hé, suốt ngày phải ca ngợi, mở mồm ra là phải nói lời biết ơn cái lũ đầu trâu mặt ngựa, cầm đầu là ông quan Mỗ ấy(!). Biết ơn lũ kẻ cướp là một việc xưa nay chưa từng có. Chắc chỉ diễn ra ở nơi có cái thứ chính trị đã biến thành lưu manh như kiểu ấp Trâu mà thôi.

Tại sao ông Mỗ lại thay đổi nhanh chóng, lại trở thành một kẻ thối nát ghê tởm như vậy? Trong khi ông từng có tiếng là một người ngay thẳng, ghét cay ghét đắng bọn nịnh hót kia mà. Ai đã bỏ bùa mê thuốc lú cho ông?

Nguyên nhân té ra rất đơn giản. Tất cả chỉ tại lũ chó nhà ông. Trong nhà ông Mỗ nuôi một đàn chó, gầy, béo, đốm, khoanh, vàng, vện… đủ cả. Hàng ngày đi làm về, chúng tranh nhau vẫy đuôi mừng ông rối rít. Con thì liếm chân, liếm tay, con thì ngửi quần áo, con thì cố tru lên những tiếng sủa ra vẻ hớn hở, vui mừng… Chúng thi nhau nịnh ông bằng đủ các động tác, cử chỉ làm ông vô cùng hả hê.

Ông Mỗ từ chỗ thích cái sự nịnh nọt ấy của lũ chó, dần dần đâm ra thích được cả người nịnh. Nhất là những kẻ có cái lối nịnh cũng na ná như lũ chó kia thì ông lại càng thích. Mà những kẻ đó nào có thiếu gì. Tài bắt chước chó của họ thì không chê vào đâu được. Họ không những nịnh bằng giọng lưỡi, động tác, bằng sự liếm láp y hệt loài chó… mà còn nịnh bằng cả văn chương, nhạc, họa… Thậm chí sẵn sàng bóp méo cả sử sách để làm hài lòng ông…

Thế mới biết làm người quả là một việc khó khăn. Duy trì sự tử tế quả là một công phu nan giải. Có khi bị hỏng, bị dang dở giữa chừng chỉ vì lũ chó nuôi trong nhà. Vì thế, kẻ đã quyết chí làm người thì phải cảnh giác với từ con chó trở đi.

Những điều trên đây rút ra từ ghi chép của Nhan Hồi -một học trò yêu của Khổng Tử. Khổng Tử có lần đã nói: “Này Hồi! ta sở dĩ thích ngươi, chính bởi ngươi là một học trò học đến đâu thấy thiếu đến đó. Vì thế kiến thức không bao giờ dừng lại, cái ngu, cái xấu không có cơ hội đến gần được với ngươi…“. (nguyên văn: tri nhi bất hạn, ngu xú bất cận).



Phạm Lưu Vũ


văn chương việt đang thiếu đi hiện thực



Lê Anh Hoài






Có nhiều tranh cãi khi Alice Munro được tuyên xưng cho giải Nobel Văn học danh giá. Phần tôi, nghĩ rằng những người quyết định giải này có lý bởi cả một quá trình sáng tác với truyện ngắn của Alice Munro, bà đã để lại một thành tựu về khám phá bằng văn chương tâm hồn con người. Nhiều tác phẩm của bà để lại cho người đọc nỗi bàng hoàng vì chúng phát lộ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại thuộc về bản nguyên người. Và vẻ đẹp của những điều này, mà tôi nghĩ có thể dùng cụm từ “số phận con người,” được chuyển tải thông qua một văn phong và ngôn ngữ tinh tế, chính xác có thể thuyết phục mọi bạn đọc khó tính. Dài hay ngắn hay những phân chia về thể loại (tiểu thuyết hay truyện ngắn) lúc này đâu còn có ý nghĩa gì! Cũng cần nói thêm, Alice Munro đã cách tân thể loại truyện ngắn, hoặc giả, bà không chủ trương cách tân gì hết mà viết theo cảm quan của bà. Một cảm quan sáng tạo đồng cảm với con người, đến mức trở thành “khách quan.” Bà viết về phụ nữ và những người đàn ông của họ, như họ là thế, bởi họ là thế.

Dẫu sao, truyện ngắn vẫn có những đặc trưng nội tại. Tác phẩm của Alice Munro, dù rất độc đáo và tự do, nhưng vẫn có thể thấy, (trong đa số tác phẩm) có những giới hạn về số lượng nhân vật, ở số lượng bối cảnh/ văn cảnh, cả ở thời gian (trong) truyện… Alice Munro khai triển trong các giới hạn ấy đến mức độ cùng kiệt mà vẫn để lại dư âm; truyện của bà có bố cục rất gọn gàng nhưng bay bổng, khiến nhiều truyện khá dài nhưng không hề gây chán… Có vẻ Alice Munro không mấy quan tâm đến sự phân chia thể loại do các nhà nghiên cứu, phê bình đặt ra.

Về người đọc trong nước, tôi cần phải nói ngay rằng, năm 2012 khi Nhã Nam và nhà xuất bản Văn học xuất bản tập truyện ngắn “Trốn chạy” của Alice Munro, nó hầu như không được ai quan tâm, kể cả nhiều nhà văn. Được biết danh tiếng của bà từ trước, tôi là người “tuyên truyền” cho bà với một số bạn bè thân quen. Bên cạnh một số người thích, số khác nhận xét bà đi vào những đề tài “không có tầm vóc” (chuyện đàn bà, sic!). Ít ra, trong phạm vi quan sát của tôi, như là một nhà báo và như là một người viết văn, thì là vậy. Sau khi bà được vinh danh với giải Nobel, việc đọc bà được quan tâm hơn. Nhưng khi đang viết bài này, tôi gặp một bạn văn ít tuổi hơn, cô tốt nghiệp khoa Sáng tác – Lý luận – Phê bình, Đại học Văn hóa Hà Nội – nơi tôi có dịp vào dạy một số tiết như một người được mời thỉnh giảng. Tôi hỏi, đã đọc cuốn “Trốn chạy” của Alice Munro chưa, cô hơi lúng túng nói chưa và hỏi bà là người nước nào. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là cô không chịu đọc văn chương nói chung, mà chỉ có nghĩa là Alice Munro dường như ít được quan tâm ở Việt Nam.

Gần đây, các nhà văn trong nước có vẻ hơi coi thường truyện ngắn. Cái họ đang muốn hướng tới là những cuốn ghi ở ngoài bìa là “tiểu thuyết.” Trong tâm thế này, họ cũng loại luôn truyện vừa, vì như một vài người trao đổi với tôi: Truyện vừa không đăng được báo, ngay cả tạp chí chuyên ngành cũng không mặn mà với chúng. Mà nếu có thể viết dài, thì sao lại không cố thêm cho thành tiểu thuyết(?!).

Những năm gần đây, rất ít tập truyện vừa được xuất bản (dĩ nhiên, phải trừ ra số những cuốn sách thực chất là truyện ký hay là một thứ truyện vừa kéo dài ra thêm nữa nhưng lại được ghi là “tiểu thuyết”). Trong một dịp làm việc với vài nhà xuất bản và công ty sách , tôi được biết thêm, các cuốn tuyển truyện ngắn giờ đây đang rơi vào sự thờ ơ của độc giả và nhiều cơ sở xuất bản hầu như không còn mặn mà với chúng nữa. Thay thế vị trí này là những cuốn tập hợp các bài viết đã đăng tải trên facebook của những hot blogger, đứng thứ hai là những cuốn tập hợp những bài tản văn và tạp văn – những thứ á văn chương.

Thế cho nên, với câu hỏi về số mệnh truyện ngắn trong giới văn học Việt trong nước thời gian gần đây, tôi cho rằng nó đang trong quá trình bị bỏ rơi. Truyện ngắn dĩ nhiên được giới độc giả Việt thích hơn truyện vừa, nhưng cách đánh giá này không hề liên quan đến nghệ thuật mà chỉ vì đa số độc giả chỉ cần giải trí theo cách mà họ cảm thấy có văn hóa. Trong lựa chọn đó, truyện ngắn dĩ nhiên là chiếm ưu thế. Nhưng giờ đây, truyện ngắn còn bị ghẻ lạnh dần như thế, truyện vừa còn thế nào?

Nhiều năm nay, ở trong nước, truyện vừa thành công nhất, đem lại vinh quang cho tác giả của nó là “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng theo tôi, đây là một tác phẩm mang dáng dấp của một tiểu thuyết rút gọn nhiều hơn. Trong tác phẩm này, Nguyễn Ngọc Tư tạo ra được một không gian nghệ thuật rất đặc biệt. Nhưng tính luận đề khiến tôi không thích, bởi nó khiến tác phẩm bị bó lại. Bên cạnh đó, một số diễn biến tâm lý và hành vi của nhân vật khá khiên cưỡng. 

Yếu tố nào là yếu tố chung của các nhà văn viết truyện ngắn đã tạo ra sự chú ý từ độc giả? Tôi nghĩ, đó là những chi tiết độc đáo. Nhưng điều gì tạo nên sự độc đáo? Chính là nhờ nhãn quan riêng, cái không gì khác, là năng lực riêng có của nhà văn. Là sự cảm nhận, linh giác độc lập. Đây cũng là yếu tố đầu tiên khiến một nhà văn trở thành cá biệt. Nhưng điều quan trọng hơn, truyện ngắn cần có một bối/ văn cảnh đủ ám ảnh (dường như, có người gọi nó là “lát cắt cuộc sống”). Bối/ văn cảnh này giúp nhân vật và toàn bộ truyện ngắn tỏa ra ánh sáng và mùi hương riêng. Alice Munro làm được điều này, Raymond Carver – dĩ nhiên, và tôi còn nhớ tới A. Chekhov hay Ivan Bunin…

Tôi nghĩ, Việt Nam là một xứ sở có rất nhiều điều chẳng giống bất cứ đâu trên thế giới. Có một số vấn đề chỉ na ná về đại thể, nhưng khi đi vào chi tiết của thực tại thì lại thấy rất khác. Chính vì thế, nên tôi nghĩ những nhận định của Alice Munro hay của Gabriel García Marquez đều đáng suy nghĩ nhưng để coi như một tiêu chí dùng soi xét cho thực tại sáng tác Việt Nam thì đều khập khiễng. Có thể thấy nhiều nhà văn nữ không quan tâm “điều quái dị hoặc chuyện bên lề,” cũng như nhiều nhà văn nam giờ đây không “viết về những đề tài vĩ đại.” Nhiều người viết theo thể hiện thực huyền ảo như một cách theo mốt thì tôi thấy đúng (giờ đây, nhà văn đang gây ảnh hưởng cho nhiều người là Haruki Murakami – với rất nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Việt).

Có thể, thủ pháp hiện thực huyền ảo đang được nhiều người viết ở Việt Nam lao vào, vì họ muốn né tránh hiện thực – điều mà Alice Munro đi tới cùng. Có cả thái độ e sợ kiểm duyệt. Có cả thái độ né tránh bộc lộ bản thân. Tôi muốn nói kỹ hơn về điều này: Ai viết ở Việt Nam cũng đều phải đối diện với áp lực ngay từ gia đình, người thân, bạn bè… Vì người đọc Việt Nam khá “thật thà,” họ luôn đồng nhất đời sống trong văn chương với đời sống tác giả. Có chuyện hoàn toàn thật, nhưng xin được giấu tên, một nhà văn viết về cuộc sống trong một ngõ nhỏ ở Hà Nội. Sau khi tập truyện ngắn của ông in ra, có người hàng xóm đọc và tin đồn lan ra, rằng nhà văn “nói xấu” những cư dân nơi mình cư trú. Thậm chí có người “đứng đắn” đến “góp ý” với nhà văn. Ở một tỉnh phía Bắc, còn có một vụ kiện. Nguyên đơn nói nhà văn “bêu riếu” chuyện gia đình họ, dù trong truyện ngắn kia không hề giống tên, địa chỉ… Tòa án đã phải hòa giải, và vụ việc chỉ dừng lại khi bị đơn nhà văn xin lỗi phía nguyên đơn rằng “vô ý”…

Người đọc Việt Nam thì “thật thà” như nói trên, còn khá nhiều người viết ở Việt Nam thì lại muốn làm “người tốt.” Cộng thêm với lá bùa “văn dĩ tải đạo,” kết quả là rất nhiều những tác phẩm làng nhàng, rao giảng, minh họa cho cái được gọi là “đạo đức” ra đời.

Một điều nữa cũng cần nói, đó là một số người viết ở Việt Nam trốn vào thể loại huyền ảo chỉ vì họ ngộ nhận rằng khi viết theo kiểu đó thì muốn viết gì cũng được, bất chấp logic nội tại cần có của tác phẩm.

Về phía người viết thì như vậy, còn độc giả Việt Nam có hợp tạng với Murakami hay không? Nói chung thủ pháp hiện thực huyền ảo thu hút người đọc Việt hơn các thủ pháp khác hay không? Tôi không thể trả lời được những câu hỏi này. Tôi chỉ biết văn chương Việt đang thiếu đi hiện thực

Với việc “Alice Munro thố lộ bà đã bị băn khoăn/phiền não khi đọc D.H. Lawrence lần đầu tiên trong đời. Bà thường bị xáo động bởi cách các nhà văn đàn ông định nghĩa khái niệm tình dục của phụ nữ,” tôi cho rằng ở đây là vấn đề giới. Nói rõ hơn, đây là khoảng cách không bao giờ có thể lấp đầy trong việc thấu hiểu giữa đàn ông và đàn bà. Và dù là nhà văn lớn thì khoảng cách này cũng chỉ ngắn lại đôi chút. Một người đàn ông làm cách nào có thể hiểu rõ cảm giác tình dục của phụ nữ, cũng như phụ nữ làm sao để hiểu vấn đề tương tự ở đàn ông? Hơn nữa, là các vấn đề mật thiết đến tình dục, như là tình yêu và vô số các trạng thái tinh thần – tâm lý liên quan? Vấn đề khác biệt trong cấu tạo cơ thể, hoạt động của các hoóc môn (nội tiết tố) cũng rất quyết định. Nói một cách giản dị, liệu có thể cảm nhận được điều gì thực sự, khi ta chỉ có những thứ “của ta,” mà không bao giờ có được thứ “của họ?”

Tôi thực sự băn khoăn khi cố hiểu Alice Munro đã nghĩ gì khi bà nói: “làm sao tôi có thể thành một người viết khi tôi là đối tượng [tình dục] của các nhà văn khác.” Có thể bà đã quá nhạy cảm, thậm chí mặc cảm, khi tự chất vấn như vậy? Có thể vấn đề giới tính trong văn chương và giới tính khi là một người đàn bà) là rất quan trọng với bà? Dù sao mặc lòng, các nhà văn lớn, khi viết về tình dục, điều khả tín chính là phần họ viết về giới tính mà họ thuộc về, thông qua kinh nghiệm cá nhân.

Đề tài tình dục trong văn học Việt Nam ở hải ngoại và trong nước càng lúc càng nở rộ. Ở hải ngoại, do không chịu nhiều cấm kỵ nên đề tài này được đề cập phong phú và nhiều sắc thái hơn. Theo quan sát của tôi, khi nhà văn nữ mô tả tình dục thì nhiều người (cả trong và ngoài nước) có phần bạo liệt hơn nhà văn nam. Chi phối điều này có thể là ẩn ức cá nhân và giới, là đấu tranh nữ quyền. Và không loại trừ, đây cũng là một cách để được chú ý. Vì một nhà văn nữ (Việt) dám xông vào những đề tài cấm kỵ thì luôn gây ra dư luận, khen chê đủ mọi chiều kích, đôi khi ra ngoài văn chương rất xa.

Về chủ đề sự “ảm đạm” trong truyện của Alice Munro, cá nhân tôi thấy cuộc sống qua văn chương của bà là chân thực. Có cái “bi” toát ra dưới từng câu chữ của bà, nhưng chẳng phải cuộc sống vốn là vậy sao? Raymond Carver thì khác, bên cạnh cái phân ly, rời rã của đời sống, ông vẫn dành lại một nụ cười kín đáo, nhuốm màu chua xót. Tôi cũng nhớ đến Milan Kundera… Nhưng Alice Munro thì khác, và có điều này không phải bởi bà là phụ nữ, bà là Alice Munro.

trở lại



Thường Quán







Tráng lên mặt gỗ, bụi, một trải đều, phẳng, những ngày đi vắng
Căn phòng, chiếc cửa, màn mành, một nửa,
Những tờ tin cũ, thế kỷ nhật trình—
Đã đi qua lúc nào? Góc bàn những trầy xước, móng
Của một khách tạm trú, một gã mèo rình rập
Trong bóng tối đêm, những đêm, khum lại mắt rợn xanh nhìn ra lưỡi kiếm liễu cong.
Những chiếc răng non, đứa trẻ quay lưng, nó thơ thới gặm nhấm, giấy,
Mùi dâu trên chiếc đĩa con, tiếng còi ga muộn, trong bó bản thảo kề bên
Đã tránh được cú vồ chụp, đã để lại những vụn phân bông đùa
Đã thoắt một cái chạy hình chữ chi, như tránh đạn.
Thế là mười mấy năm? Có gì còn đáng để tâm? Tiếng buột thốt bất ngờ
Như bị trúng một hình ảnh:
Một đám mây hình nấm
một chiếc dép trên đá sạm
một album vuông vuông như bánh lá gói, giữa tro tàn
Hay một người đàn bà ngồi im, một đắm chìm như thể
Ba sinh không lìa bước đã thấy ở một quán nước bên Vườn Bách Thảo Tokyo.
Trở về trong ánh sáng, đặt chiếc chìa khóa, cạnh ngòi bút rong, hư dụng
Hút một ngòi mực, gạch xuống những đường thẳng, không quá nặng tay
Có thể đứng, năm phút thôi, tia nắng mùa Đông đầu tiên sẽ tới từ hướng núi
Có thể để chiếc kim trên vòng đĩa một khúc dạo rè
Hay ngồi xuống, gọi không khí
Cho chiếc tách, cũng bụi, cũng cần một lau sạch
Và bắt đầu trở lại, như bên ngoài, một ngày.