Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Sáng tạo nghệ thuật đích thực – Không có khôn và dại





Mới đây, qua những thử nghiệm nghệ thuật của một số nghệ sĩ, dư luận có nhiều bình phẩm về lựa chọn “khôn” và “dại” của họ. Tiêu chuẩn của “khôn” được đặt ra là tác giả ấy tạo ra những tác phẩm được lòng công chúng và giới chuyên môn. Còn “dại” thì là những tác giả sáng tác các tác phẩm không gây được chú ý hoặc bị dư luận cũng như giới chuyên môn phản đối. Nhưng cách đánh giá nghệ sĩ và các tác phẩm như vậy có phần bị ảnh hưởng bởi cách đánh giá thị trường. Đành rằng ngày nay, nghệ sĩ sáng tác để có thể sống được bằng nghề thì tác phẩm không chỉ có tính nghệ thuật mà còn phải có tính thương mại; nhưng nếu tiêu chí thương mại lấn át mọi giá trị khác thì đời sống nghệ thuật sẽ hoàn toàn bị thui chột. Tôi không có ý bênh vực những lựa chọn “dại”, bởi “dại” chưa chắc đã mang đến tác phẩm hay, tôi chỉ muốn đặt ra một vấn đề mà bấy lâu nay các nghệ sĩ đều băn khoăn trăn trở: nghệ thuật đích thực hay sản phẩm giải trí, đâu mới là giá trị cần được tôn vinh?

Trước hết cần phải làm rõ đâu là ranh giới khác biệt giữa nghệ thuật đích thực và sản phẩm giải trí? Nếu bàn luận ở góc độ triết học thì sẽ rất mất thời giờ, vậy nên tôi xin phép được đưa ra sự phân biệt của riêng mình. Đó có thể chỉ là tiêu chí của riêng tôi mà thôi. Điểm cốt yếu để phân biệt nghệ thuật đích thực và sản phẩm giải trí nằm ở sự sáng tạo. Nghệ sĩ sáng tạo thì tạo ra tác phẩm nghệ thuật (bất kể hay dở thế nào) nhưng các sản phẩm giải trí thì chỉ có thể được sản xuất chứ không có sự sáng tạo trong đó. Vấn đề đặt ra tiếp theo là: đâu là sự khác biệt giữa sáng tạo và sản xuất?

Sáng tạo không phải là những ý tưởng mới nảy sinh trong đầu, sáng tạo đến từ những ý tưởng nảy sinh và rồi được hiện thực hóa qua quá trình tư duy, tạo tác biến ý tưởng đó trở nên nhận biết được và có thể tiếp cận được bởi công chúng. Ý tưởng có thể hay nhưng sáng tạo chưa chắc đã hay. Bởi để có thể hiện thực hóa được, ý tưởng và niềm đam mê chưa đủ, mà cần lý trí sắc nét, rõ ràng với khả năng tổng thể cao. Các nghệ sĩ Việt Nam ta ý tưởng không thiếu, đam mê cũng không thiếu nhưng phần lý trí dường như bị lơ là. Điều này khiến cho các tác phẩm ra đời vẫn có gì đó còn non, không hoàn thiện như một chỉnh thể mà giống những công trình ráp nối vụng về nhiều hơn. Tất cả những sự vụng về này được biện minh bằng các cụm từ “phá cấu trúc”, “đột phá”, “bản năng”… Có lẽ đã đến lúc các nghệ sĩ tách ra khỏi sự say mê ý tưởng để hoàn thiện khả năng tạo tác của mình.

Sản xuất là một quá trình khác. Sản xuất không còn có dấu vết của ý tưởng mới nữa mà các sản phẩm được ra lò một cách đồng loạt. Không nhất thiết chúng phải giống nhau như hệt, nhưng bất cứ ai cũng thấy rằng chúng có chung công thức. Hiện trạng này ta có thể thấy nhiều đặc biệt trong lĩnh vực hội họa và âm nhạc thị trường. Thậm chí đến phim ảnh, sân khấu giờ đây cũng thấy hiện trạng sản xuất lan tràn.

Tôi vẫn luôn dị ứng mỗi khi các kênh truyền thông chính thống cứ lặp đi lặp lại cụm từ “công nghiệp giải trí”. Sáng tạo nghệ thuật mang tính chất cá nhân, nhưng sản xuất sản phẩm giải trí mang tính chất đám đông, giống một sự nhồi sọ nhiều hơn. Các mô thức, các công thức, các phong cách… cứ lặp đi lặp lại đến mức tạo một thói quen cho khán giả, quen đến nỗi mà nó ẩn sâu vào vô thức và khi tiếp xúc với bất cứ cái gì mới hoặc khác lạ đều không thể tiếp nhận. Phát triển công nghiệp giải trí, đáng buồn thay, đang hủy diệt rất nhiều sáng tạo cá nhân. Tôi xin được kể một chuyện thế này, tôi hay ngồi café ở một quán khá có gu ở khu vực hồ Hale, chủ quán chọn nhạc rất tao nhã và thể hiện trình độ văn hóa cao. Một buổi tối tôi ngồi một mình ở quán, đang nghe bản nhạc Claire de lune của De Bussy, một nhóm khách ăn mặc cũng không đến nỗi nào, lại còn có vẻ tay chơi, bước vào quán. Sau màn gọi đồ uống thì một thanh niên trong nhóm đó yêu cầu chủ quán đổi nhạc vì lý do “nhạc gì mà nghe đau đầu thế”. Thay thế bản nhạc êm đềm của De Bussy, tôi phải chịu đựng bài “Con bướm xinh” để cho vừa tai một lượng khách đông đảo hơn. Khi khách về hết, tôi hỏi chủ quán thì chủ quán cho biết tình trạng này là phổ biến tại đây.

Công nghiệp sản xuất sản phẩm giải trí đang phá hoại óc thẩm mỹ của khán giả, mà có khi còn cả óc thẩm mỹ của nghệ sĩ. Bởi thế, chuyện khen chê khôn dại của giới chuyên môn hay dư luận giờ đây cũng chẳng còn chính xác nữa. Chúng ta hãy để phần đánh giá khôn dại ấy cho các sản phẩm giải trí chứ không nên sử dụng để soi xét các sáng tạo nghệ thuật. Tiêu chí nào để có thể đánh giá một tác phẩm nghệ thuật? Chỉ có thể bằng sự thỏa mãn: Tác giả có thỏa mãn trong quá trình sáng tạo hay không? Khán giả có thỏa mãn trong quá trình chiêm ngưỡng hay thưởng thức tác phẩm nghệ thuật hay không? Vấn đề ở chỗ chuyện thỏa mãn này nó “hên xui” lắm! Thỏa mãn với một tác phẩm nghệ thuật không khác nào thỏa mãn với một người tình, và quá trình thưởng thức không khác nào một cuộc làm tình. Độ thỏa mãn không phải lúc nào cũng giống nhau: nhanh chóng thỏa mãn thì ấn tượng cũng qua nhanh; phải sử dụng các giác quan một cách tối đa mới thưởng thức được thì quá trình dẫn đến sự thỏa mãn sẽ lâu hơn, nhưng lại sâu đậm và khó quên hơn. Các tác phẩm nghệ thuật không tạo được sự thỏa mãn nguyên nhân đều chỉ bởi khán giả tìm mãi không thấy được ấn tượng đọng lại, hay nói một cách đầy nhục cảm, không tìm được điểm cực khoái trong đó. Nhưng khi công nghiệp giải trí tràn lan và chiếm lĩnh thì người ta cũng quên mất sự tinh tế trong các tác phẩm nghệ thuật. Xem hoặc nghe các sản phẩm giải trí thật chẳng khác nào như làm tình với điếm. Bởi thế các sản phẩm ấy không để lại bất cứ ấn tượng nào, chỉ đơn giản là giải phóng sự ức chế hay giảm bớt căng thẳng. Tôi không phủ nhận giá trị của giải trí, nhưng nếu giải trí được đặt vị trí quan trọng hơn cả nghệ thuật thì không khác nào điếm được đặt vị trí cao hơn người tình.

Nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật phải chấp nhận rằng tác phẩm ra đời có hay, có dở, có tác phẩm vừa ra đời đã được đón nhận, nhưng có những tác phẩm sẽ bị chửi bới, hay thậm chí chìm vào quên lãng. Người nghệ sĩ tài năng là những nghệ sĩ tạo ra một cơn hưng phấn cho công chúng của mình, nhưng giống như chuyện tình yêu, nghệ sĩ cần những công chúng thích hợp. Điều đó lý giải trường hợp một số nghệ sĩ bị vùi dập hoặc lãng quên trong thời đại của họ nhưng lại là những nghệ sĩ thiên tài và vĩ đại. Trò khen chê khôn dại ở đây trở thành thứ vớ vẩn buồn cười, chỉ là câu chuyện nói lúc “trà dư tửu hậu” để ai đó tỏ ra mình có khả năng thẩm định tốt và hiểu biết hơn người.

Một nghệ sĩ đích thực thông qua quá trình sáng tạo được trải nghiệm sức mạnh của Thượng Đế. Cả thế giới chúng ta đang sống đây là tác phẩm của Thượng Đế, chúng ta có thể hài lòng hoặc không, nhưng không ai dám chê Thượng Đế là khôn hay dại. Vậy thì tại sao chúng ta tự cho mình cái quyền đánh giá ai đó đang sáng tạo là khôn hay dại. Bởi thế, với một nghệ sĩ thực thụ, họ sẽ không mất thời gian với việc thuyết phục đám đông chạy theo mình, mà họ sẽ tiếp tục con đường nghệ thuật không bao giờ có hồi kết. Thế nên ngay cả bài viết này của tôi cũng chỉ là thứ nhảm nhí với họ, nhưng vẫn cần phải viết, ít ra để các bạn có thể dựa vào đó để nhận biết được đâu là sáng tạo nghệ thuật và đâu là sản xuất sản phẩm giải trí hàng loạt, để rồi qua đó biết được cuộc hành xác gian khổ của các tác giả.

Hà Thủy Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét