" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015
Học làm quan (Trích Luận ngữ tân thư)
Chuyện cũ đọc xong rồi… tỉnh bơ thì: hoặc là chuyện sắp vứt vào sọt rác, hoặc là người sắp quy tiên (sắp toi). Cũ/mới xin không bàn đến; “người“/“ngợm“ xin cũng miễn bàn. Song, chuyện cũ đọc xong mà… giật mình thì chắc chắn là chuyện chưa thể vứt vào sọt rác, và người… cũng chưa đến nỗi liệt vào hạng bỏ đi.
Kẻ khoác lác há to mồm mà tắc tị. Bậc Thiền sư ngậm miệng mà thông suốt mọi điều. Kẻ dối trá suốt đời lo gào thét để nhồi sọ thiên hạ. Bậc Vạn Thế Sư chỉ cần im lặng mà vẫn truyền được đạo lý cho đời…
Trên đây vẫn “Lời tựa“ trong Luận ngữ tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:
Khổng Tử rời nước Lỗ đến nước Vệ. Ngài cùng các học trò ở nhờ trong phủ quan đại phu nước Vệ là Cừ Viên. Người nước Vệ nghe tin, nhiều kẻ tìm đến khấn lễ với Cừ Viên, xin được làm học trò Khổng Tử. Cừ Viên hỏi:
“Chẳng hay các người muốn học Phu Tử để làm gì?“.
Đám kia trả lời:
“Chúng tôi học để làm quan“.
Cừ Viên bảo:
“Bình sinh ta nghe nói Phu Tử chỉ dạy làm người, chưa hề nghe nói Ngài dạy làm quan bao giờ. Phu Tử từng bôn ba khắp thiên hạ, cũng chưa gặp một người nào muốn học làm quan. Nay các người đòi hỏi một việc chưa hề có tiền lệ như thế, dẫu ta thân đứng ra nói, chắc gì Phu Tử đã nhận lời“.
Đám kia liền năn nỉ:
“Ấy, chính vì thế mà nước Vệ ta xưa nay luôn tự hào là một dân tộc độc nhất vô nhị. Ai ai cũng không thèm làm người, chỉ nhăm nhăm muốn làm quan. Chúng tôi vẫn biết Khổng Phu Tử khi làm quan cũng không được bề trên tín nhiệm cho lắm. Chẳng qua là dao sắc không gọt được chuôi đấy thôi. Song làm thầy thì lừng lẫy thiên hạ. Phu Tử dạy vua còn được, huống hồ chỉ dạy làm quan. Ngài cứ đứng ra nói hộ chúng tôi. Biết đâu Phu Tử sẽ chẳng vì nể ngài mà nhận lời. Sau này chúng tôi học xong sẽ ra làm quan, kiếm được bổng lộc, phú quý, nhất định không quên ơn ngài“.
Cừ Viên bất đắc dĩ phải vào gặp Khổng Tử, nói lại yêu cầu của bọn người nước Vệ kia, đề nghị Khổng Tử hãy vì họ mà mở lớp dạy làm quan. Quả nhiên Khổng Tử vừa nghe nói đã vội đưa hai tay lên bịt chặt tai lại, lắc đầu ra hiệu từ chối. Đến lượt Cừ Viên phải năn nỉ:
“Làm người với làm quan thì có gì phân biệt? Vậy thì dạy làm người với dạy làm quan chắc cũng không khác nhau là mấy. Thiết tưởng với kiến thức của Phu Tử, việc đó cũng chẳng khó khăn gì. Hay là Phu Tử cứ thử dạy họ một phen xem sao“.
Khổng Tử nhã nhặn bảo:
“Khâu này xưa nay chỉ dạy làm người. Tuy chẳng lạ gì việc làm quan. Song làm người với làm quan là hai việc khác nhau xa lắm, không thể ví với nhau được. Vì thế, dạy làm người tất có chỗ khác với dạy làm quan. Đó là điều mà một kẻ làm thầy như Khâu này không thể tùy tiện bạ đâu hay đấy được“.
Cừ Viên hỏi: “Khác ở chỗ nào?“.
Khổng Tử bảo:
“Dạy làm người mà không đến nơi đến chốn thì học trò khó có thể thành người. Song dạy làm quan thì chả cần đến nơi đến chốn mà học trò vẫn có thể thành quan. Đó là chỗ khác nhau căn bản. Từ xưa tới nay vẫn vậy“.
Cừ Viên lại hỏi: “Thế từ nay về sau thì thế nào?“.
Khổng Tử bảo:
“Càng những đời sau càng như vậy. Thiên hạ rồi sẽ đến lúc, khối kẻ chẳng cần học hành gì, hoặc học giả vờ, mà vẫn có thể làm quan, thậm chí làm quan to, rất to…“.
Cừ Viên nghe nói thì trợn mắt tỏ vẻ không tin. Thế rồi chợt nghĩ ra điều gì, bèn nhân đó mà năn nỉ:
“Đã vậy Phu Tử cứ nhận lời dạy họ đi. Đằng nào cũng thế rồi. Họ có học đến nơi đến chốn hay không thì cũng thế thôi, Phu Tử xem ra chả mất gì…“.
Lúc bấy giờ đang có Tử Lộ đứng bên cạnh. Tử Lộ thấy thế cũng lên tiếng:
“Nước Vệ vô đạo đã bảy tám chục năm nay. Kẻ sĩ rặt một lũ hèn hạ, đội đít đội trôn chính trị, đã tham lam như chó, lại kiêu ngạo, càn rỡ. Kẻ làm dân vì bị tuyên truyền, nhồi sọ từ tấm bé thành ra mê muội, suốt đời chỉ biết tin theo những sự dối trá. Nay quan đại phu đã có ý như vậy, âu cũng là một cơ hội để Phu Tử chứng tỏ cái đạo lý của mình. Nếu không thế, chẳng lẽ người quân tử lại có thể khoanh tay ngồi nhìn lũ vô đạo hoành hành hay sao?“.
Khổng Tử bảo:
“Ta không phải không biết đến điều đó. Song chính trị nước Vệ bây giờ sở dĩ tồn tại là nhờ bám vào một thứ học thuyết lưu manh. Vua quan nước Vệ vì thế sợ đạo lý như kẻ cướp sợ người ngay. Ta nương thân ở đây cũng đã là một cái gai trong mắt họ rồi. Nay lại còn đem đạo lý ra dạy nữa, thì có khác gì mắng vào mặt họ. Họ ngán gì mà không sai quân đến bắt ta, khóa miệng ta lại… Nếu không thì cũng vu vạ cho ta, đặt điều bôi xấu ta, hoặc thuê du côn ném đất ném đá vào nhà ta… Không khéo vạ lây cả đến quan đại phu đây thì làm thế nào?“.
Tử Lộ vẫn cố thuyết phục:
“Không đi đường thẳng thì đi đường vòng, không giảng trực tiếp thì giảng xa xôi. Phu Tử cứ nhận lời đi, rồi tìm cách nào đó mà dạy cho họ. Miễn sao những kẻ cầm quyền không có cớ gì để bắt lỗi Phu Tử là được rồi“.
Khổng Tử phần vì nghe Tử Lộ thuyết đến thế thì cũng động lòng quân tử, phần vì nể Cừ Viên quá, bèn nhận lời. Cừ Viên cả mừng, liền ra tuyển được ngay một trăm kẻ hăng hái. Lập tức sai chuẩn bị một phòng thật lớn, kê đủ trăm chiếc ghế rồi định ngày khai giảng.
Trước hôm khai giảng, Khổng Tử thân đến xem xét. Ngài chê phòng lớn quá, lãng phí. Chỉ yêu cầu dọn cho một phòng bé bằng nửa, kê vừa đúng 50 chiếc ghế thôi. Cừ Viên cứ phải nhất nhất làm theo mà không hiểu ý Khổng Tử định dạy bằng cách nào.
Đúng ngày khai giảng, 100 kẻ xin học tề tựu đông đủ. Khổng Tử thong thả đi đến, dẫn theo cả Tử Lộ. Ngài ghé tai Tử Lộ bảo cứ như thế, như thế… Tử Lộ bèn cầm danh sách, đọc từ trên xuống dưới, lần lượt 50 người vào ngồi kín các ghế. Tử Lộ tiếp tục gọi kẻ tiếp theo. Thấy thế, 50 kẻ còn lại thắc mắc:
“Ghế đã hết rồi. Vậy mà thầy cứ gọi tiếp thì chúng tôi ngồi vào chỗ nào?“.
Tử Lộ bèn trỏ vào 50 kẻ đang yên vị trong phòng bảo:
“Chẳng phải vai họ vẫn còn trống đấy là gì?“.
Năm mươi kẻ còn lại hiểu ngay ra thấy khoái quá, lập tức nối nhau chen vào, cứ thế lần lượt trèo lên vai những kẻ vào trước. Rốt cuộc, cả trăm người đều có chỗ ngồi.
Yên vị xong đâu đấy, Khổng Tử khoan thai bước lên bục, ngồi xếp bằng tròn, nhắm mắt lại rồi ung dung… đánh một giấc. Phía dưới, những học trò phải cõng trên vai kẻ khác lúc đầu vì hăng hái nên chưa cảm thấy gì. Song càng về sau càng thấy nặng, như phải đeo trên cổ một khối đá ngàn cân. Dần dần không thể chịu nổi, người nào người nấy mặt mũi đỏ gay, sùi cả bọt mép, xương sống như muốn rời ra, hai vai tê dại. Những kẻ ấy muốn gào lên mà không dám, sợ thầy quở, đành cứ phải è cổ chịu đựng. Thế rồi cũng đến lúc sức lực có hạn, không giữ lễ nổi nữa, lần lượt từng người, từng người một gục xuống, làm cho những kẻ ngồi trên cũng ngã giúi ngã giụi, va vào nhau bươu đầu mẻ trán. Cả năm chục chiếc ghế gãy đổ liểng xiểng. Lớp học biến thành một đống người, ghế ngổn ngang.
Bầy giờ Tử Lộ mới vào. Thầy ra lệnh cho những kẻ ngồi trên đổi chỗ cho kẻ ngồi dưới, kẻ ngồi dưới lại trèo lên trên, rồi sắp xếp lại trật tự, tiếp tục chờ nghe giảng. Phía trên bục, Khổng Phu Tử vẫn ngưng thần nhập định, dường như còn lâu Ngài mới ra khỏi giấc nồng.
Chẳng mấy chốc thì tình trạng lại diễn ra y như trước, lại ngã giúi ngã giụi, ghế ghiếc lại đổ liểng xiểng. Lớp học một lần nữa biến thành đống người ghế lộn xộn. Bấy giờ Khổng Tử mới từ từ mở mắt ra. Ngài đứng dậy, rũ mạnh tay áo một cái, đoạn quay người bước ra cửa đi thẳng một mạch. Kết quả suốt cả buổi, Ngài im thin thít, không hề hé răng lấy nửa tiếng.
Cừ Viên thấy Khổng Tử đã trở về phòng, liền chạy đến hỏi:
“Bài giảng hôm nay thế nào?“.
Khổng Tử bảo:
“Xong rồi“.
Cừ Viên trợn mắt kinh ngạc:
“Chẳng lẽ học làm quan… nhanh đến thế hay sao?“.
Khổng Tử bảo:
“Làm quan cốt ở chỗ phải biết thế nào là kẻ làm dân. Nay chỉ trong vòng một buổi, họ đã tự cho nhau nếm mùi của kẻ làm dân rồi. Khâu này cần gì phải giảng thêm câu nào nữa“.
Phạm Lưu Vũ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét