" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015
Nhận xét và Phán xét?
Ngôn ngữ không chỉ là cách thức mà tôi muốn chia sẻ tâm tư gửi cho những ai đồng điệu, mà nó còn là sinh thể cho những gì tôi cần phóng thể. Trước tờ giấy trắng, tôi như một đứa trẻ vẽ lên sắc màu thế giới theo cách mà tôi có thể nhìn, cũng như trước phông nền của tâm thức, tôi như một đấng hóa công toàn năng, tùy biến mọi hình hài. Ai cần phải biết nó đúng hay sai so với thế giới bên ngoài cơ chứ?!
Tôi đã đi vào đời theo một cách như vậy...
Đã có nhiều loại hình ngôn ngữ từng tồn tại song hành cùng sự tồn tại củacon người. Có người dùng những ký hiệu hay dùng những con số để tiếp cận thực tại, cái mà người ta tạm gọi là khoa học. Bên cạnh đó, có người dùng những con chữ bay bổng, lấp lánh, phiêu bồng để vẽ lên thế giới, cái mà người ta tạm gọi là nhà thơ. Rồi giữa thi ca và khoa học là chiếc cầu nối của ngôn ngữ tôn giáo, ngôn ngữ của những biểu tượng, của sự lặng im, của nghệ thuật, của logic, của khoa học tâm linh và nếu cần thì có cả khoa học về Chúa trời.
Đã có nhiều loại hình ngôn ngữ như vậy, thì cũng đồng thời tồn tại nhiều con đường khác nhau để nối kết. Có những con đường đi từ não bộ đến não bộ và có cả những con đường đi từ trái tim đến trái tim, rồi lại có cả những con đường đi từ não bộ đến trái tim và ngược lại. Tùy theo ngôn ngữ mà con đường có mặt, và cũng tùy theo con đường mà loại hình ngôn ngữ nào đó được sử dụng.
Tôi đã chơi với ngôn ngữ trên những lộ trình như vậy...
Bạn hỏi tôi về PHÁN XÉT, và bạn tự đặt định cho mình một GIÁ TRỊ:"người tu thì không phán xét".Nhưng rồi lại tiếp tục một sự an ủi nhẹ nhàng:"nhưng mình chưa là Phật thì cũng cần phải phán xét".
Đấy có thể được coi là câu hỏi về phán xét hay không? Không! Theo cách tôi hiểu thì đó không phải là câu hỏi. Nó chỉ có thể là một lời mời gọi tìm kiếm sự đồng minh cho những gì bạn đã khẳng định.
Phán xét là gì???Nếu ta chưa hiểu gì về phán xét, thì giá trị của nó chỉ có thể là cái đến sau, sau khi ta đã hiểu hết về nó. Còn một khi mặc định là: người tu thì không phán xét, thì hẳn bạn đã tiếp cận "phán xét" theo một chiều hướng không tích cực, nếu ta tạm coi "người tu" là một định nghĩa tích cực, còn ngược lại, nếu nhìn phán xét theo chiều hướng tích cực, hẳn người tu lại nằm ở vế đối lập?
Người tu là gì???Đây cũng lại là một khái niệm đáng để quan tâm, nếu ta bỏ đi những yếu tố thuộc về hình dáng bên ngoài, hay những gì mà di sản lịch sử để lại. Tôi không biết bạn có coi Phật là một người tu hay những đệ tử của ông ta mới được coi là người tu? Đấy là chưa kể các tu sỹ ở các tôn giáo khác thì sao?? Và còn một câu hỏi khác quan trọng hơn đằng sau câu hỏi: người tu là gì? Ý tôi muốn bạn hoài nghi: Tôn giáo là gì? Giá trị của tôn giáo đem lại cho nhân sinh là gì?... Những câu hỏi này mới là gốc, thầy tu là gì chỉ là phái sinh cho vấn đề mà ta tạm gọi tên là tôn giáo.
Phật là gì?Tại sao là Phật thì không phán xét? Tại sao biết Phật không phán xét? Nếu bạn chưa từng là Phật thì việc nói "Phật thì không phán xét" là một câu nói dối, nếu không muốn nói là thấy người ta bảo sao thì mình bảo vậy. Nếu bạn đã là Phật, như bạn nói 'là Phật thì không phán xét" thì vế sau của câu hỏi "khi chưa là Phật thì vẫn có thế chấp nhận phán xét" lại trở thành một sự biện minh thừa thãi.
Mình chưa là Phật thì mình có quyền phán xét?Đấy là vấn đề bạn đặt ra. Và từ vấn đề đó, ta có thể suy xét theo vài chiều hướng: một, Phật thì không có quyền phán xét? hai, ta chưa là Phật nên phán xét có thể chấp nhận được? ba, nếu muốn phán xét thì không là Phật, nếu muốn là Phật thì đừng phán xét? bốn, vì được phán xét là đặc quyền của ta mà không phải là Phật nên vì ta còn thích phán xét, nên ta tu mà không thích là Phật?
Bạn thấy tôi phân tích câu hỏi của bạn được chứ? Ồ, tôi xin lỗi nếu tôi đưa bạn vào ma trận của trò chơi ngôn ngữ, nhưng trước một câu hỏi mà ở đó bạn đã khẳng định rồi, thì dù tôi có trả lời gì đi chăng nữa cũng chẳng thay đổi được chi, nếu không muốn nói là chỉ khiến bạn thêm bối rối. Vì thế, nếu bạn coi phán xét là đúng thì cứ phán xét, nếu bạn thấy nó sai thì tự nhiên bạn sẽ không phán xét nữa, mà chẳng cần quan tâm quái gì đến chuyện ông Phật có phán xét hay không, hoặc chưa là Phật thì vẫn chấp nhận được phán xét người khác...v..v... Trong mắt tôi, ý tưởng về câu hỏi không gì khác hơn chỉ là trò chơi khăm củacảm xúcmà vẫn mong muốn được bảo bọc bởi một nền tảng lý luận vững vàng.
Bây giờ thì bạn đã có thể cùng tôi đi vào tìm hiểu "phán xét" mà không cần quá quan tâm xem ông Phật có còn phán xét hay không, người tu còn phán xét hay không, người chưa thành Phật còn phán xét hay không... hay đại loại thế chưa?!
Hãy thử tưởng tượng mối quan hệ giữa hai đối tượng là A và B. Mối quan hệ giữa A và B là mối quan hệ giữa haicon ngườicá thể, hoặc là đám đông với đám đông, hoặc là cá thể với đám đông, hoặc là đám đông với cá thể. Còn trường hợp nào khác nữa không?.. Nếu còn thì tự bạn thêm vào nhé.
Hãy thử tưởng tượng tiếp:... Có khi nào A không cần quan hệ với B mà vẫn tồn tại được không? Tôi e rằng không, chỉ trừ một số trường hợp là vừa sinh ra đã chết, hoặc bị bỏ vào rừng sâu ngay từ khi mới chào đời, hoặc bị cách ly khỏi cộng đồng người trong một vài trường hợp tương tự. Trong trường hợp của bạn, bạn có thể cách ly bạn khỏixã hộihoặc với cá nhân khác được không?... Bạn tự trả lời nhé.
Hãy đi tiếp... Quan hệ giữa A và B có thể là những quan hệ nào? Đó là quan hệ kinh tế nếu nó liên quan đến vật chất, là quan hệ chính trị nếu nó liên quan đến quyền và trách nhiệm, là quan hệ tình cảm nếu nó xuất phát từ tình cảm, là quan hệ tôn giáo nếu nó xuất phát từ niềm tin.... và còn cả thứ quan hệ cộng đồng, nếu nó có chung lợi ích... Nếu còn nữa thì bạn cứ điền vào dấu... dùm tôi nhé.
Hãy đặt khái niệm "quan hệ" trong mối tương tác hai chiều: A tác động đến B và B tác động đến A. Theo khoa học vật lý, mỗi một sự tác động đều tạo ra một lực nhất định, và do vậy hẳn chúng đem đến những thay đổi và những phản ứng khác nhau lên đối tượng bị tác động. Các hình thức tác động có thể có là: nghĩ về người khác, nói về người khác, và đánh vào người khác.
Vậy khái niệm phán xét được sử dụng trong trường hợp nào? Đó là A "nói về" B. Khái niệm phán xét còn được dùng bằng những khái niệm tương đương: đánh giá, nhận định, thẩm tra, suy xét... Mỗi khái niệm được sử dụng trong những ngữ cảnh khác nhau, nhưng đều chỉ chung một dạng tác động: nói về.
Ngữ cảnh của khái niệm "phán xét" được sử dụng trong trường hợp nào? Từ "phán" là một động từ, chỉ một nhận định chắc chắn và tuyệt đối, bất kể sự phản ứng của đối tượng bị phán xét. "Phán xét" tương đương với "Nhận xét" nhưng sự khác biệt của nó là: nhận xét là nhận thấy nên xét đoán, còn phán xét là phán bảo. Mối quan hệ giữa A và B trong "nhận xét" có thể là cao hơn, thấp hơn và bằng nhau; trong khi đó mối quan hệ giữa A và B trong "phán xét" bao giờ cũng là mối quan hệ giữa kẻ cao dành cho người thấp, bởi nó khước từ khả năng phản cung của kẻ thấp hơn.
Trong cuộc sống, bạn - với tư cách vừa là A vừa là B - luôn nằm trong mối quan hệ đa dạng và nhiều chiều: khi thì với tư cách cá nhân, khi thì với tư cách cộng đồng... Bạn nghĩ về người khác, nói về người khác và đôi khi đánh cả người khác... đồng thời bạn cũng được người khác nghĩ về, nói về, và có khi đánh cả bạn. Bạn có thể thoát ra khỏi mối quan hệ này không? Tôi e là không.
Khi chúng ta nằm trong mối quan hệ như vậy, sự tác động lẫn nhau hiển nhiên không thể tránh khỏi như vậy. thế thì việc chúng ta nhận xét về ai đó, về cá nhân nào đó, về cộng đồng nào đó, về đám đông nào đó... là chuyện quá ư bình thường. Nhận xét của bạn đúng hay sai, chân thật hay bịa đặt, có ý tốt hay xấu, vì mục đích xây dựng hay phá hoại... phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ văn hoá, năng lực tri thức cũng như mặt bằng đạo đức của bạn.
Theo một chiều ngược lại, khi bạn nằm trong mối quan hệ mà sự tác động qua lại là hiển nhiên, thì việc người khác, đám đông hay cộng đồng... nhận xét về bạn cũng là chuyện quá ư bình thường. Bạn có thể đúng hoặc sai trong những nhận xét về người khác thì chuyện người khác nhận xét về bạn hoặc sai hoặc đúng, hoặc chân thật hoặc bịa đặt, hoặc dụng ý tốt hay xấu, hoặc muốn xây dựng hoặc muốn phá hoại... cũng là chuyện quá ư bình thường. Nhưng đón nhận và phản ứng trước những nhận xét như vậy lại cũng phụ thuộc vào phông văn hoá, tri thức và đạo đức của bạn.
Đấy là "nhận xét" - một quan hệ tương đối bình đẳng, chẳng có gì đáng để ngạc nhiên cả. Nhưng "phán xét" lại là một vấn đề khác - mối quan hệ này không còn là mối quan hệ bình đẳng nữa, chúng trở thành một quan hệ giữa cao và thấp, bác bỏ luôn khả năng biện bạch của đối tượng bị phán xét.
Khi bạn phán xét một ai đó - là tốt hay là xấu, là đúng hay là sai - nghĩa là bạn tự đặt mình ở một cương vị cao hơn người bị phán xét, nếu như không muốn nói bạn tự nhận mình là Chúa trời. Trong nhận xét, chí ít bạn còn thừa nhận yếu tố chủ quan: "tôi nhận thấy là bạn...". Nhưng trong phán xét, bạn không cần đến việc bạn có nhìn thấy, suy xét thấy hay không nữa, bây giờ nó hoàn toàn chỉ còn là: "Tao phán mi là người tốt, Tau cho mi là tên đểu...".
Tốt hay xấu, đúng hay sai... có tính lịch sử. Nó đúng ở lúc này nhưng không đúng ở lúc khác, nó tốt giai đoạn này nhưng lại là xấu ở thời điểm khác. Điều đó cho thấy những gì được nhận xét cũng có tính lịch sử, bị giới hạn trong một bối cảnh nhất định.
Nhận xét và Phán xét đều có những hình thức tương tự, nhưng trong "Nhận xét" thừa nhận yếu tố lịch sử của điều được kết luận, nghĩa là trong nội hàm của nhận xét chấp nhận yếu tố có thể sai. Còn trong "phán xét", bạn khước từ yếu tố lịch sử này, nghĩa là bạn cho nó luôn đúng ở mọi thời gian, vì thế bạn khước từ luôn khả năng phản cung của đối tượng.
Nhìn dưới lăng kính của đạo đức học, tôi cho việc nhận xét là chuyện bình thường trong quan hệ giữa người với người, nhưng trong phán xét lại là mối quan hệ bất bình thường. Bạn phán xét một ai đó, nghĩa là bạn tự cho mình cao hơn người khác -một dạng thức kiêu ngạo tiềm ẩn. Bạn phán xét một ai đó, nghĩa là bạn khước từ tính lịch sử trong nội dung phán xét -một dạng thức của ngu si dốt bền khó đào tạo.Bạn phán xét một ai đó, nghĩa là bạn khước từ khả năng phản cung của người bị phán xét - nghĩa là bạn chấp nhận nếu chưa là bạn ta, hẳn kẻ đó là kẻ thù của ta -một cuộc chơi mà không là bạn tất là thù....
Tôi không biết ông Phật còn phán xét hay không, người tu còn phán xét hay không, người chưa thành Phật còn phán xét hay không.... bởi đó không phải là đối tượng tôi quan tâm. Tôi chỉ quan tâm việc bạn có tiếp tục phán xét người khác hay không, hay giản đơn hơn, chỉ là nhận xét người khác trong tính chủ quan riêng của bạn.
Bạn cứ phán xét nếu bạn chấp nhận chuyện đó là bình thường
Thế thì khi bạn bị người khác phán xét, tôi mong bạn cũng coi chuyện đó là bình thường
Nhưng trước một lời nhận xét, nhất định tôi sẽ lắng nghe một cách chân thành.
(9/10/14)
Tái bút
Tặng bạn đôi dòng tự sự của Trịnh Công Sơn đọc chơi nhé:
Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ. Có khi bày tỏ được thì cũng là những tiếng nói dở dang. Có người giấu bặt. Tôi chưa hề quên cái hiệu lệnh muôn đời: "Cái ta đáng ghét". Tuy nhiên trong cuộc sống thường nhật nơi đây, ngoài những ngày hét la to đầy nộ khí, vẫn có những giây phút lui về muốn thở than. Phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người.
Mỗi đời sống ẩn giấu một định mệnh. Có những định mệnh đời đời là cây kiếm sắc. Một đôi lần trong giấc mơ tôi, bừng lên những ánh thép đó. Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau. Không ai muốn mình là kẻ tuyệt vọng. Nhưng tôi tự nguyện làm tên tuyệt vọng. Bởi nhiều khi sớm mai tôi thức dậy không thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người (...)
Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã yên ngủ. Và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh.
Mỗi ngày sống tới, mỗi ngày tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm. Ðời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ. Có lẽ vì thế, vì sự quen mặt mỗi lúc mỗi gần gũi, thắm thiết hơn, nên tôi càng thấy yêu mến cuộc đời. Như đứa con ngoan không tuyệt tình nổi với rẫy sắn nương khoai, nơi có bà mẹ suốt đời mắt không sáng nổi một ngày trẩy hội.
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọn g và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường.
Tôi đang bắt đầu những ngày học tập mới. Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Ðôi khi tôi là người tình. Chúng tôi cùng học vẽ lại chân dung của nhân loạị Vẽ lại con tim khối óc. Trên những trang giấy trắng tinh khôi chúng tôi không bao giờ còn thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc nghiệt. Chúng tôi vẽ những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực.
Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm. (...)
Trí Khôn
g
Thư gửi Mẹ
Thư gửi Mẹ
Đêm thắp nến tri ân, tôi đã không muốn tham gia, vì nó khiến tôi trở nên mong manh và yếu đuối hơn. Những giọt nước mắt rơi trộm trong đêm, dưới ánh nến lung linh, cùng những dòng thư viết vội gửi về cho cha mẹ...khiến tôi ngại rằng chính tôi cũng chẳng kìm được dòng nước mắt. Và thế là, tôi chọn cho mình cách ứng xử thông minh: nằm cuộn tròn trên phòng, cho thần trí phiêu lãng cùng mây trời.
Ấy vậy mà âm thanh từ đâu cứ len lỏi qua khe cửa, chạm vào tai tôi, chạm vào lòng tôi... "Con trai của mẹ, mẹ yêu thương con biết bao...". Giọng hát đó, lời ca đó, tiết điệu đó... cứ như một cuộn phim quay chậm, đưa tôi về dĩ vãng, đưa tôi về quá khứ xa xưa, mở cho tôi một cánh cửa vượt mọi giới hạn của không gian và thời gian, về những tháng ngày như chưa từng đi qua...
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi...
Ngài Nhất Hạnh mồ côi từ khi còn rất nhỏ, và tôi cũng thế. Nhưng có lẽ tôi còn nhỏ hơn cả Ngài nên tôi vẫn chưa hiểu được đích xác của hai tiếng "mồ côi". Tôi còn tò mò xen lẫn chút háo hức khi ai đó cài lên đầu tôi chiếc khăn tang trắng, tôi còn nhảy lon ton cùng mấy đứa hàng xóm cầm phướn cầm phan chạy nhảy dẫn đường. Tuổi thơ hồn nhiên của tôi kéo dài vô tận...
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...
Nhưng tôi có biết mất mẹ là khổ đâu. Tôi chỉ thấy bố tôi khóc, anh chị em tôi khóc, nhà tôi ai cũng khóc... nên tôi cũng khóc. Tiếng khóc không vang lên từ nỗi khổ, từ cảm nhận về sự mất mát... mà chúng đơn thuần chỉ là thấy mọi người cùng khóc nên tôi khóc. Tiếng khóc a dua, tiếng khóc phong trào... Tôi còn bé quá để hiểu hai tiếng "mẹ mất" là như thế nào. Tôi còn nhỏ quá để hiểu đằng sau đó là khoảng không mênh mông dường nào...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời
Mỗi lần về thăm quê, tôi đều cùng anh chị lên thắp nhang cho mẹ. Nén nhang theo gió bay xa, những ký ức về mẹ tôi cũng nhạt dần theo năm tháng. Tôi không hình dung được dáng mẹ tôi mỗi trưa đi chợ về như thế nào, mỗi lần người lấy ráy tai cho tôi, khuôn mặt đó hốc hác ra sao... Ký ức về Người cứ vậy, theo tháng theo năm lan lan theo khói chiều dịu nhẹ... Và mỗi lần như thế, nhìn những đứa trẻ quẩn quanh bên chân mẹ, lòng tôi đôi khi tự hỏi: nếu mẹ mình còn đây, mình sẽ như thế nào nhỉ?? Hỏi chỉ để hỏi thế thôi, chứ chính tôi cũng chẳng thể trả lời nổi.
Trong những dịp chùa tổ chức Lễ tri ân hay Rằm Vu lan báo hiếu, công việc của tôi cũng bận bịu đến mức chẳng có thời gian nào dành riêng cho mình cả. Những lễ lạc đó cứ cuốn tôi đi, đôi khi, tôi còn chẳng biết thế nào là bầu trời cho riêng mình, để được gọi là "mất"... Những lúc chênh vênh, những khi buồn tủi... tôi cứ một mình lặng lẽ, tự ôm ấp nó, tự gặm nhấm nó, tự giải phóng nó... cho đến ngày thành thói quen, cho đến khi thành sứ mệnh.
"Con trai của mẹ
Mẹ tin con đã khôn lớn
Hãy sống cho mẹ được thấy tự hào về con
Có thể một ngày nào đó
Con sẽ gặp nhiều gian khó, trên con đường dài phía trước
Vắng đi những người từng yêu thương
Chất thêm những muộn phiền lo toan
Nghĩ suy những điều mà đúng sai không nhận ra...
Thế nhưng vẫn còn mẹ tin con sẽ luôn vững vàng để vượt qua
Trái tim của mẹ luôn dõi theo bước chân của con
Một ngày nào đó có khó khăn gì
Khi những bước chân của con đã mỏi mệt
Hãy trở về bên mái nhà
Còn mẹ và vòng tay của cha..."
...
Lời ca của bài hát cứ thế lách qua khung cửa hẹp, đưa tôi về quá khứ, tràn qua hiện tại... để rồi giờ đây, dư vang của nó không chỉ là bài hát vọng giữa thinh không, mà còn là người mẹ năm xưa của tôi quay về, mở rộng vòng tay ôm tôi vào lòng, xoa đầu trìu mến...
Mẹ của con ơi
Con biết mẹ thương con rất nhiều
Từ lúc chào đời cho đến hôm nay không hề thay đổi
Dù mẹ ở gần hay mẹ đã xa
Mẹ của con ơi
Con biết trái tim Mẹ hiền luôn dõi theo con
Trong từng dấu chân
Trong những lần vấp ngã
Trong những lúc chênh vênh
Trong những khi mỏi mệt
Nên con đang tập đứng
Đứng trên đôi chân mình
Nên con đang tập đi
Đi tìm con đường ý nghĩa
Mẹ của con ơi
Tháng năm đã quá dài để nhạt phai tất cả
Năm tháng đã quá xa để mọi thứ quay về
Nhưng có một điều không hề thay đổi
Mẹ yêu Con
Và Con yêu Mẹ
Mẹ bây giờ không còn nữa
Con cũng một ngày nào đó ra đi
Chỉ cònTình yêulà ở lại
Và mẹ có tự hào về "Tình yêu" mà con đang tự hào?
Và mẹ có thấy con đang lớn dần trong hai chữ "Tình yêu"?
...
Có những thứ không nên nói ra thành lời. VàTình yêulà một trong những thứ như thế
Phải không Người Mẹ của Con?
Read more:http://www.suynghiem.vn/2015/07/thu-gui-me.html#ixzz3gu45bTyT
Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015
ÂM DƯƠNG Chương 6. Âm Dương với thuật luyện đan hay tu tiên của đạo Lão
Bàn về Âm Dương, không thể không nói qua về khoa luyện đơn của đạo Lão.
Khoa luyện đơn của đạo Lão cũng y thức như khoa luyện đơn ở Âu Châu thời cổ, chủ trương con người là lò bát quái, để tinh luyện những huyền lực phát xuất từ Nhất đến Vạn, rồi lại Vạn về Nhất. Quay về được tới Nhất sẽ là Chân Nhân hay Thiên Nhân. [1]
Muốn hiểu khoa luyện đơn phải hiểu Dịch.
Dịch chủ trương Thái Cực sinh Âm Dương. Sau khi đã phân Cực, Âm Dương có thể phân kỳ để sinh biến hóa, nhưng cũng có thể hòa hợp lại để tái tạo thành Thái Cực. Nhân đó, khoa luyện đơn cũng cho rằng nơi con người, Đạo thể hay Bản thể cũng phân hóa thành Đạo tâm và Nhân tâm.
Nhân tâm và Đạo tâm bao lâu còn chia rẽ, bao lâu tâm hồn con người còn ngỡ rằng Đạo ở ngoài mình, ở xa mình; thì bấy lâu con người còn sống trong khắc khoải và khổ cực.
Nhưng một khi nhân tâm đã nhận thức được rằng Đạo tâm thực sự chẳng hề lìa xa mình, vẫn đã ẩn ngụ sẵn trong lòng mình, lúc ấy sẽ ra công tu luyện Nhân Tâm ngõ hầu có thể kết hợp được với Đạo tâm để trở thành một thực thể duy nhất. Nếu công phu này mà đi đến chỗ thành toàn, thì con người sẽ thực hiện được Trời, được Đạo, đã luyện xong được Kim đơn, và sẽ sống vĩnh cửu cùng trời đất.
Khẩu quyết của Đạo Lão chính là Tâm là Đạo, Đạo là Tâm. Tâm mà lìa Đạo, sẽ nhập vào lục đạo, tam đồ. Tâm cùng Đạo hợp, sẽ tạo được Bồng Lai, Tam Đảo. (Tâm tức thị Đạo; Đạo tức thị Tâm. Tâm dữ Đạo ly, tắc nhập Lục Đạo Tam Đồ. Tâm dữ Đạo hợp, tắc tạo Bồng lai, Tam đảo.) (Thái Thượng Bảo Phiệt, trang 16)
Khoa luyện đơn trở nên phức tạp, kỳ bí chính tại là thay vì dùng những danh từ như Thần, Hồn, Đạo tâm, Nhân tâm, các Đơn gia lại ưa dùng những danh từ bóng bảy, hiểm hóc, có lẽ là để đánh lạc hướng, hay ngăn chặn những người không đủ căn duyên. Chúng ta có thể thu thập ít nhiều từ ngữ dùng để chỉ Âm Dương, Tâm Thần vào đồ bản sau:
Dương
|
Âm
|
Thần
Đạo tâm
Huyền
Bạch kim
Hống
Kim công
Khảm
Chu sa
Kim ô, Nhật tinh
Chân tri
Thương qui, Long v.v...
|
Hồn
Nhân tâm
Tẫn
Hắc ngân
Diên
Xá nữ
Ly
Thủy ngân
Ngọc thố, Nguyệt hoa
Linh tri
Xích xà, Hổ v.v...
|
Những danh từ nói trên, có khi về phương diện Âm Dương có thể ngược nhau, tùy theo tác giả. Nhưng bao giờ Đạo Tâm cũng phải là Dương, Nhân Tâm bao giờ cũng phải là Âm, Thần bao giờ cũng là Dương, Hồn bao giờ cũng là Âm.
Phương trình tổng quát của Khoa Luyện Đơn là:
Âm + Dương = Thái Cực; Kim Đơn
Đạo tâm + Nhân tâm = Chân Nhân; Kim Đơn
Gọi là Kim, vì vàng tượng trưng cho sự bất hoại. Gọi là Đơn vì chữ Đơn đầu là Nhật, chân là Nguyệt. Vậy Đơn tức là Thống thể, Toàn thể, bao quát cả Âm lẫn Dương, cả Đạo tâm lẫn Nhân tâm.
Nói theo những từ ngữ bóng bảy của Khoa Luyện Đơn thì:
1/ Chất liệu, Dược liệu để luyện đơn chính là Diên Hống, chính là Đạo tâm và Nhân tâm.
2/ Lò để luyện đơn tức là vũ trụ, và xác thân con người.
3/ Lửa dùng để luyện cho Đơn Thành hay Hỏa Hầu chính là ý chí, chính là bầu nhiệt huyết, nhiệt tâm của mình.
4/ Luyện đơn tức là phải khử cặn bã, để lọc lõi lấy tinh hoa.
Đó là phương pháp Sưu (Bớt), Thiêm (thêm). Phải lọc, phải bỏ cho hết những cặn bã của nhân tâm. Phải thêm, phải chau chuốt cái tinh hoa là Đạo tâm.
So sánh Khoa Luyện Đơn của đạo Lão với Khoa Luyện Đơn của Âu Châu ta thấy các Đơn gia Đông Tây đều đề cao chân lý vĩnh cửu này là vũ trụ hữu hình và tâm linh, đều là sự biến hóa của Thần, của Thượng Đế, mà sự biến hóa vĩ đại nhất của Thần, của Thượng Đế được thực hiện ngay trong lòng con người. Thần con người, sẽ trở về được Thiên vị, nếu các tầng lớp các khả năng hạ đẳng nơi con người biết hi sinh cho mục đích cao cả ấy... [2]
Thế là chết để mà sống... [3] Phàm nhân chết đi, cho thần nhân hoạt động. [4]
Luyện đơn cốt chỉ vẽ cho con người định luật rằng nhờ sự biến hóa, nhờ sự tinh luyện, con người có thể trở thành thần minh. [5]
Mới hay muôn thủa tinh anh,
Lòng trời, gồm sẵn trong mình xa đâu... [6]
CHÚ THÍCH
[1] Paracelse, comme tous les Hermétistes, considérait l'être humain comme l'alambic où s'opère la distillation et la sublima- tion des énergies qui de l'Unique descendent au multiple, pour retourner à l'Unique, en tant que l'homme parfait revêtu de sa divinité. — M. Sénart, Le Zodiaque, p. 490.
[2] L'Alchimie met l'accent sur cette vérité éternelle base de toutes les autres: L'Univers sensible et psychique est une métamorphose de l'Esprit et sa métamorphose majeure s'accomplit par la cons- cience humaine renaissant à son état divin par le moyen et le sacrifice de ses facultés inférieures. — M. Sénart, Le Zodiaque, p. 482.
[3] Et de ta propre extermination, tu vivras. (La Langue Hébraique Restaurée, tome I, note, p. 23) — M. Sénart, Le Zodiaque, p. 482.
[4] Tâm tử thần hoạt. 心 死 神 活 .
[5] La science alchimique s'efforce de révélér à l'homme la loi qui, par la transmutation, fait de lui un dieu. — M. Sénart, Le Zodiaque, p. 482
.... Malgré son apparence chimique, l'opus alchymicum fut toujours considéré comme un acte culturel, au sens d'œuvre divine. — C.G. Jung, Paracelsica, p. 63 và Le Zodiaque, p. 492.
[6] Phỏng theo bài thơ của Tứ bách tự giải, tr. 2b.
Dược vật sinh Huyền khiếu, 藥 物 生 玄 竅
Hỏa hậu phát Dương lô. 火 侯 發 陽 爐
Long Hổ giao hội bãi, 龍 虎 交 會 罷
Kim đỉnh sản Huyền châu. 金 鼎 產 玄 珠
Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015
TRIẾT HỌC - LỊCH SỬ: ĐẠO ĐỨC HỌC DIỄN NGÔN (BÙI VĂN NAM SƠN)
- Đạo đức học: khác với luân lý (moral) chuyên đề ra một danh mục những điều nên làm và không nên làm, và với tính luân lý hay đạo đức (morality), nói lên động cơ thực hành luân lý, đạo đức học (ethics) là môn học bàn về mối quan hệ giữa luân lý và tính luân lý (đạo đức), nhất là bàn vềcơ sở của luân lý. Như thế, đạo đức học là nghị luận về luân lý, là triết học về luân lý. Người góp phần làm rõ điều này là Cicero (106-43 TCN) khi ông dịch từ Hy Lạp ethike sang từ Latinh là philosophia moralis. Đạo đức học (và các môn phái sinh như triết học xã hội, triết học pháp quyền và nhà nước…) còn được gọi theo nghĩa rộng là triết học thực hành, vì nó bàn về hành động của con người (khác với triết học lý thuyết, gồm các môn cổ điển như lô gíc học, nhận thức luận, siêu hình học…)
- Diễn ngôn (discourse / Diskurs): thuật ngữ thịnh hành từ thập kỷ 60 thế kỷ trước, có rất nhiều nghĩa. Ở đây xin hiểu theo nghĩa hẹp của Đạo đức học diễn ngôn: không phải lời nói hay hành vi truyền thông nào cũng là “diễn ngôn”. “Diễn ngôn” là hình thức truyền thông đặc biệt: bằng lập luận, bàn về cơ sở và tính chính đáng của những yêu sách khả nghi, có vấn đề. “Diễn ngôn” không trao đổi thông tin, trái lại, trao đổi những luận cứ nhằm biện hộ (hoặc bác bỏ) những yêu sách muốn có giá trị hiệu lực phổ biến. Định nghĩa còn khá tối tăm này sẽ dần sáng tỏ ở các phần sau. Trong khuôn khổ dẫn nhập, ta sẽ không đi vào các vấn đề kỹ thuật quá chuyên sâu với những trích dẫn nặng nề.
1. Cầm tóc nhấc mình ra khỏi đống bùn?
- Bây giờ, nếu tôi nói: “hôm nay, tôi sẽ không nói một lời nào cả!”, ắt có người nghĩ chắc có điều gì xảy ra! Thưa không, chẳng có gì xảy ra hết! Tôi chỉ muốn cho thấy sự tự mâu thuẫn của lời nói ấy. Khi tôi nói, tức là tôi đang làm một điều gì đó qua việc nói. Khi nói: “Xin quý vị lưu ý…”, tôi đưa ra một đề nghị, một yêu cầu v.v… Vậy, bên cạnh “nội dung mệnh đề”, còn có phương diện khác: phương diện “thực hiện” điều tôi làm, bằng cách nói ra điều ấy.
Trở lại với câu nói nghịch lý: “Hôm nay, tôi sẽ không nói một lời nào cả!”. Với câu này, tôi đã làm một điều gì đó, tức nói ra một câu gồm nhiều từ. Thế nhưng, chính hành vi nói ấy đã phủ định chính nội dung lời tôi nói, đó là hôm nay sẽ không nói lời nào cả. Điều được khẳng định bị chính hành vi khẳng định bác bỏ. Chuyện đơn giản vậy, nhưng người ta dành cho nó một thuật ngữ chuyên môn: “sự (tự) mâu thuẫn ngôn hành” (performativer (Selbst)Widerspruch / performative contradiction). (“Performance”, theo nghĩa quen thuộc, là trình diễn; ở đây, theo nghĩa ngôn ngữ học, chỉ tiến trình sử dụng ngôn ngữ trong một hoàn cảnh nói cụ thể nào đó: nói là làm một điều gì bằng cách nói ra). Nhưng, thuật ngữ ấy có thật là “đơn giản” không, và nhất là, có liên quan gì đến triết học? Xin nói ngay: nó chính là chỗ bí mật, thậm chí là bí quyết để xây dựng nên môn Đạo đức học diễn ngôn mà ta đang bàn!
Karl Otto Apel (1922 - ), bên cạnh Jürgen Habermas (1929 - ), một trong hai triết gia và nhà đạo đức học diễn ngôn hàng đầu hiện nay, sử dụng nó như là chìa khóa để giải quyết một vấn đề cực lớn: đặt cơ sở tối hậu về triết học (philosophische Letztbegründung / philosophical ultimate justification) cho các nguyên tắc luân lý.
- “Đặt cơ sở tối hậu” là tham vọng cố hữu của triết học. Tuy nhiên, trong thế kỷ 20, Hans Albert, nhà duy lý phê phán, nghi ngờ khả năng ấy bằng lập luận nổi tiếng, gọi là “thế tam nan Münchhausen”. “Tam nan” hay “tam bất khả” (Trilemma) là thế… lưỡng nan (Dilemma), nhưng có tới ba ngõ cụt thay vì chỉ có hai.
Theo Albert, khi muốn “đặt cơ sở tối hậu”, ta có ba con đường, nhưng con đường nào cũng dẫn đến bế tắc. Để dễ hình dung, ta nghĩ đến các câu hỏi nhì nhằng của trẻ em. Sau mỗi câu trả lời, chúng lại hỏi tiếp tại sao như thế. “Đặt cơ sở tối hậu” là đưa ra câu trả lời sau cùng, làm chúng thỏa mãn, không còn lý do để tiếp tục hỏi nữa. Thế nhưng, trong thực tế, chỉ có ba cách:
1. quy thoái đến vô tận: câu trả lời này làm nảy sinh câu hỏi khác đến vô tận, không có “cơ sở tối hậu” nào cả;
2. lẩn quẩn, đặt cơ sở bằng cái mà bản thân nó cũng cần được đặt cơ sở, tức xoay quanh một vòng tròn không lối thoát;
3. cắt đứt câu hỏi: đến một lúc nào đó, câu hỏi bị cắt đứt đột ngột bằng một khẳng định võ đoán, giáo điều (chẳng hạn: “trời sinh ra thế!”…)
- Truyền thuyết về vị bá tước Münchhausen khoe rằng đã tự nắm tóc để nhấc mình và con ngựa ra khỏi bãi lầy được dùng để đặt tên cho cái “tam nan” này. Và chính sự “tự-mâu thuẫn ngôn hành” nói trên đã được Apel sử dụng như bí quyết để kéo những nhà đạo đức học Münchhausen hiện đại ra khỏi bãi lầy của tính tương đối và sự hoài nghi về khả năng đặt cơ sở có giá trị phổ quát cho các quy phạm luân lý. Để dễ hiểu cương lĩnh nghiên cứu đầy tham vọng này, ta buộc phải lược qua ba mô hình nổi tiếng trong lịch sử, trước khi đi đến mô hình thứ tư gắn liền với tên tuổi của Apel và Habermas: đặt cơ sở cho đạo đức học hiện đại từ tinh thần của đối thoại. Bốn mô hình nổi tiếng ấy là:
1. truyền thống đối thoại của Socrates với nghệ thuật “hộ sinh” tinh thần;
2. triết học siêu nghiệm của Kant cùng với “mệnh lệnh nhất quyết” như là hình mẫu cho một đạo đức học phổ quát với một Nguyên lý cơ bản mang tính hình thức (có ảnh hưởng sâu đậm, đồng thời được cải biến trong “Đạo đức học diễn ngôn”);
3. Diễn ngôn “tương đối luận” của thời Hiện đại và nhất là Hậu-hiện đại, khởi nguồn từ việc đưa kích thước lịch sử vào trong nghị luận đạo đức học của Hegel;
4. Sự thay đổi hệ hình (paradigm shift) trong thế kỷ 20 của Apel và Habermas thành triết học về ngôn ngữ và tính liên-chủ thể (thay cho triết học cổ đại về Tồn tại và triết học cận đại về Ý thức).
2. SOCRATES
- Socrates đưa người đối thoại vào những câu hỏi tưởng như đơn giản: dũng cảm là gì? công chính là gì? đức hạnh là gì? v.v… Bằng câu hỏi và lập luận khéo léo, cuộc đối thoại trở thành cuộc đi tìm sự thật hay chân lý. Lập luận của Socrates mạnh mẽ, nhưng không phải là những khẳng quyết quyền uy, không dùng áp lực, lừa dối hay mánh lới, trái lại, là “sự cưỡng bách không mang tính cưỡng bách của luận cứ tốt hơn” như cách nói của Habermas sau này về một diễn ngôn lý tưởng. Khác với các biện sĩ, Socrates không nhằm mục tiêu thuyết phục (persuation) cho bằng tạo nên sự tự xác tín (conviction) nơi chính người tham gia đối thoại. Nghệ thuật ấy nổi danh là nghệ thuật hộ sinh tinh thần. “Hộ sinh”, đúng như tên gọi, là giúp cho người khác “đẻ”, chứ không phải bản thân mình “đẻ”!
- Socrates, như đặc tính chung của người Hy Lạp cổ đại, yêu thích sự nhàn rỗi và trò chuyện. Vì thế, với họ, đối thoại là thư giản, vui vẻ, là được giải phóng khỏi gánh nặng hành động, là thuần lý và tạo nên một không gian tự do, trong đó tư tưởng, luận cứ, phản luận cứ, khẳng định và nghi vấn đều có thể được triển khai mà không chịu một sức ép nào. Trong tinh thần ấy, đối thoại triết học khác về chất với sự tranh cãi của các nhà chính trị và sự tranh tụng trước tòa: những người này không nhắm đến lẽ phải mà muốn giành lẽ phải về chính mình, họ dùng lời nói để theo đuổi lợi ích chứ không phải chân lý. Nói khác đi, hành động của họ mang tính chiến lược trong một thứ lý tính được tận dụng cho những mục đích vị kỷ. Socrates lưu lại một sự phân biệt quan trọng như một di sản quý báu cho Đạo đức học diễn ngôn hiện đại: sự phân biệt giữa một bên là hành động chiến lược (strategisches Handeln/ strategic action), và bên kia là hành động tương giao (hay thông giao) (kommunikatives Handeln / communicative action). Một bên theo đuổi lợi ích bằng chiến lược khôn ngoan, còn một bên cùng nhau đi tìm sự thật, chân lý trong sự thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau. Con người không thể từ bỏ cái trước, nhưng không được xem nhẹ cái sau!
3. KANT
- Vượt qua khoảng cách hơn 20 thế kỷ kể từ Socrates, Kant để lại di sản gì cho Đạo đức học diễn ngôn ngày nay? Có hai di sản quan trọng:
3.1. Triết học siêu nghiệm: Nơi Kant, “siêu nghiệm” (transzendental) có nghĩa là tiền đề, là điều kiện khả thể cho bất kỳ kinh nghiệm hiện thực nào. Theo đó, chính các phạm trù của giác tính và các mô thức của trực quan là những điều kiện siêu nghiệm cấu tạo nên kinh nghiệm của ta. Apel tiếp thu cách hiểu này, nhưng đã cải biến ý tưởng về “điều kiện khả thể” có tính chủ quan, độc thoại thành điều kiện khả thể mang tính đối thoại, liên-chủ thể. Để đặt cơ sở cho Đạo đức học diễn ngôn của mình, Apel xuất phát từ những điều kiện cho khả thể của lập luận nói chung, nghĩa là, từ những quy tắc của việc lập luận, đi trước và làm tiền đề cho bất kỳ lập luận cụ thể nào. Chính vì thế, Apel gọi Đạo đức học diễn ngôn của mình là “(ngữ) dụng học siêu nghiệm” (Transzendentalpragmatik).
3.2. Mệnh lệnh nhất quyết về luân lý có giá trị phổ quát, độc lập với không gian, thời gian, với bối cảnh lịch sử và văn hóa cụ thể. Từ đó mới có thể thiết lập một Nguyên lý nền tảng của luân lý, lấy năng lực phổ quát hóa của nó làm tiêu chuẩn của mọi quy phạm hành động: Mệnh lệnh nhất quyết ấy phát biểu như sau: “Hãy hành động sao cho châm ngôn ý chí của bạn bất kỳ lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị hiệu lực như là nguyên lý của một sự ban bố quy luật phổ biến”.
Nguyên lý hay Quy luật luân lý tối cao này ghi nhận nhưng không thừa nhận những thứ luân lý đặc thù, khu vực, bởi chúng không thể phổ quát hóa được. Bởi, theo Kant, có một Quy luật luân lý phổ quát như là Sự kiện-hiển nhiên của lý tính (Faktum der Vernunft) luôn hiện diện trong tâm thức con người, và mọi trường hợp đặc thù, cá biệt… phải nhường bước trước nó, nếu muốn hành vi của ta đích thực là hành vi luân lý. Trong trường hợp ngược lại, luân lý sẽ sụp đổ và chỉ còn lại những tập quán đặc dị.
4. Tương đối luận:
Con người không chỉ là “công dân” của thế giới luân lý, khả niệm mà còn sống cụ thể trong những truyền thống và cộng đồng nhất định trong lịch sử. Một truyền thống triết học khác đã hình thành, nhấn mạnh đến đời sống hiện thực trong những định chế xã hội, phản bác một “thuyết phổ quát” với xu hướng cào bằng mọi sự khác biệt. Thay cho nền luân lý phổ quát, hình thức, trừu tượng, người ta chủ trương mộtnền đạo đức cụ thể, mang tính lịch sử, xuất phát từ cách đặt vấn đề của Hegel cho đến “thuyết cộng đồng” ngày nay.
Một biến thể cực đoan hơn của truyền thống này quá nhấn mạnh đến tính dị biệt của các thời đại, dân tộc và văn hóa: không có cái Thiện nói chung, và chỉ có những gì được xem là thiện trong bối cảnh văn hóa-lịch sử nhất định, liên quan đến một cộng đồng cụ thể với những phong tục, tập quán đặc thù của nó.
Trào lưu hậu-hiện đại gần đây cũng tung hô sự suy tàn của chân lý và luân lý có giá trị phổ quát trong “trò chơi vô tận của những sự khác biệt”. Derrida, Lyotard… (đại biểu cho tư tưởng hậu-hiện đại) xem thuyết phổ quát Tây phương thực chất là chủ nghĩa vị chủng, lấy Châu Âu làm trung tâm v.v… Nói không quá lời và cũng thật mỉa mai, chính thuyết tương đối luận về luân lý, văn hóa hậu-hiện đại vô hình trung cũng là cơ sở biện minh cho những cái gọi là “giá trị Châu Á”, “nhân quyền mang màu sắc…” v.v…
Nhan đề một bài viết nổi tiếng của Habermas nói lên ưu tư và dự phóng nghiên cứu của ông: “Sự thống nhất của lý tính và sự đa dạng những giọng nói của nó” (1988)*. “Sự thống nhất của lý tính” nhằm bảo vệ di sản của Khai minh, ngăn ngừa sự tùy tiện. “Sự đa dạng những giọng nói của nó” là đặc điểm mới mẻ của thời đại cần phải tính tới. Do đó, bảo vệ và khôi phục sự thống nhất của lý tính không thể bằng cách làm hồi sinh lại nền siêu hình học cổ truyền với giả định giáo điều về một thế giới tinh thần hay tín ngưỡng thống nhất làm cơ sở tuyệt đối cho những quy phạm luân lý. Cũng không thể đơn giản tiếp tục nền triết học về ý thức của Descartes hay Kant.
Vậy, phải làm gì? Apel và Habermas tìm cách cải biến Kant bằng phương tiện mới: triết học ngôn ngữ. Hai ông nói về một sự thay đổi hệ hình (paradigm shift) (theo thuật ngữ của Thomas Kuln).
5. Thay đổi hệ hình:
Đại thể, ta có thể hình dung ba giai đoạn hay ba hệ hình trong lịch sử triết học: 1. sự tồn tại là đối tượng trung tâm của sự xem xét; 2. rồi đến ý thức, chủ thể; và bây giờ 3. tính liên-chủ thể với ngôn ngữ như là tổng thể và môi trường của nó, còn gọi là bước ngoặt triết học ngôn ngữ (linguistic turn).
5.1. Siêu hình học cổ điển từ thời cổ đại là đặc trưng của hệ hình thứ nhất, lấy vấn đề Tồn tại (câu hỏi: “Là gì?”) làm trung tâm. Từ cấu trúc khách quan của thế giới mà chủ thể rút ra hình dung của mình về một thế giới tinh thần cao hơn hay về Thương đế…
5.2. Từ Descartes, ta có bước ngoặt quyết định sang triết học về ý thức. Cơ sở tối hậu cho sự xác tín của con người là cái Cogito, cái “Tôi-tư duy”, để từ sự xác tín đầu tiên ấy, ta xây dựng toàn bộ thế giới trong tư tưởng. Bên cạnh nhiều điểm tích cực, nguy cơ của hệ hình này là hố thẳm của thuyết duy ngã, của cái Tôi cô đơn, là sự hoài nghi không biết thế giới bên ngoài ta có thực sự hiện hữu hay không. Đỉnh cao của hệ hình này là Kant: tính chủ thể không thể biết chắc mình có thâm nhập được vào thế giới của “vật-tự thân” hay không hay chỉ nắm bắt được những gì thế giới xuất hiện ra cho ta như là hiện tượng, thông qua các điều kiện siêu nghiệm đã nói trên: các phạm trù của giác tính và các mô thức của trực quan. Càng triệt để hơn nữa là Fichte: cái Tôi-tuyệt đối là cái thứ nhất chứ không phải thế giới, không phải tính đối tượng khách quan.
5.3. Bước thay đổi cần thiết: từ tính khách quan thuần túy (hệ hình 1) rồi chủ thể cô đơn, cá biệt hóa (hệ hình 2) chuyển sang tính liên-chủ thể, sang ngôn ngữ và sự truyền thông, tương giao như là sợi dây nối kết người với người. Song hành với các triết gia dụng hành và ngôn ngữ của truyền thống Anh-Mỹ, Apel và Habermas đề xướng thuyết đồng thuận về chân lý và, cùng với nó, là Đạo đức học diễn ngôn.
Bước ngoặt hệ hình này giúp:
- phá vỡ khuôn khổ chật hẹp của triết học về ý thức xem tư duy cô đơn và chủ thể cô lập là cơ sở cho toàn bộ thế giới và luân lý.
- tạo nên sự thống nhất hóa từ việc cùng đi tìm sự đồng thuận chung trong một diễn ngôn, nơi đó có mặt sự đa tạp của những cá nhân với nhiều lập trường khác nhau. Cái riêng và cái chung, sự thống nhất và sự đa tạp được hợp nhất trong đối thoại đa nguyên hướng tới sự thông hiểu lẫn nhau.
- Theo Habermas, trong hệ hình mới, hai lý tưởng đạo đức có thể được hợp nhất với nhau: sự tự do và sự đoàn kết. Mỗi cá nhân được tự do tham gia vào diễn ngôn, nhưng không phải như một chàng Robinson ngoài hoang đảo, trái lại ở trong một cộng đồng ngôn ngữ và lập luận, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, hướng đến sự thông hiểu và vượt bỏ quan điểm và lợi ích thiển cận.
6. Diễn ngôn:
Khi ta đặt điều gì đó thành vấn đề (có thật như thế không, như trong diễn ngôn lý thuyết, hoặc hành vi ấy, nguyên tắc ấy có đúng không, có chấp nhận được không, trong diễn ngôn thực hành), bao giờ ta cũng tạm thời tách mình ra khỏi sự hối hả của đời sống vốn buộc ta phải phản ứng và hành động nhanh chóng. Nói cách khác, ta phải biết giữ khoảng cách với chính ta, với sự vật, sự việc mới có thể thảo luận được. Diễn ngôn lý tưởng trong trường hợp này là những cuộc đàm thoại triết học như trong tác phẩm“Tiệc rượu” (Symposium) của Platon, như trong những “hội thảo khoa học” đúng nghĩa. Habermas xem đó là cách hành xử mang phẩm chất người tiêu biểu.
Vậy, trong “diễn ngôn”, ta bàn về những vấn đề có tính nguyên tắc, không trao đổi thông tin như trong đối thoại hàng ngày, trái lại, trao đổi những lập luận để tán đồng hoặc bác bỏ những yêu sách muốn có giá trị hiệu lực phổ biến.
Trong “diễn ngôn” như thế, ta buộc phải tiền-giả định một số điều cơ bản, dù chúng có thể diễn ra ngược lại trong thực tế:
• giả định rằng ta quan tâm đến sự đúng đắn của sự việc chứ không vì những lợi ích riêng tư;
• giả định rằng tầm quan trọng của lời nói là ở nội dung của nó chứ không ở quyền uy của người nói;
• giả định rằng mục đích không phải để giành phần phải về mình mà để khẳng định lẽ phải khách quan;
• giả định rằng lập luận sẽ dẫn đến sự xác tín chứ không nhằm thuyết phục người khác bằng sức ép hay mánh lới lừa đảo.
Ngay trong tranh luận chính trị hay kinh doanh, ta vẫn phải tiền-giả định như thế, nếu không, mọi cuộc hội họp, trao đổi, bàn bạc đều vô nghĩa ngay từ khởi điểm.
Vậy, chính sự tiền-giả định ấy - có thể trái với thực tế - là những tiền đề, những điều kiện khả thể cho diễn ngôn. Chúng giữ vai trò như một chân trời “không tưởng” quy định mọi diễn ngôn, và được Habermas gọi là “hoàn cảnh nói lý tưởng” (ideale Sprechsituation).
7. “Hoàn cảnh nói lý tưởng”
“Hoàn cảnh nói lý tưởng” giả định bốn tính chất:
• sự bình đẳng (mọi người tham gia diễn ngôn đều có cơ hội trình bày, diễn giải, biện minh, đề nghị… như nhau).
• sự cởi mở và minh bạch
• sự trung thực, chân thật
• sự tử tế
Habermas: Hoàn cảnh nói lý tưởng không phải là một hiện tượng thường nghiệm, cũng không phải là một sản phẩm tưởng tượng đơn thuần mà là một sự giả định dành cho nhau một cách không thể tránh khỏi trong diễn ngôn. Nó là sự “dự đoán”, là một “ý niệm điều hướng”, nếu không, mọi diễn ngôn đều vô ích, không thể có hy vọng đạt đến một sự đồng thuận sáng suốt. “Diễn ngôn lý tưởng”, do đó, là nơi chân lý và sự đúng đắn về luân lý hình thành thông qua sự đồng thuận sáng suốt của mọi người tham dự.
8. Apel: “(Ngữ) Dụng học siêu nghiệm” đặt cơ sở tối hậu cho đạo đức học
Phải chăng trong những vấn đề luân lý, yêu sách về sự đồng thuận phổ biến và giá trị hiệu lực phổ quát chỉ là ảo tưởng? Phải chăng những quy phạm luân lý rút cục chỉ dựa vào những truyền thống văn hóa đặc thù (tùy theo từng thời điểm, địa phương, dân tộc…) như là cơ sở tối hậu của chúng? Chống lại thuyết hoài nghi và tương đối luận về luân lý như thế, Apel đề xướng môn “(ngữ) dụng học siêu nghiệm” (Transzendentalpragmatik). Trong ngôn ngữ học, người ta phân biệt cú pháp học (syntax) chuyên nghiên cứu về quan hệ hình thức giữa những ký hiệu ngôn ngữ với nhau; ngữ nghĩa học (semantics) là học thuyết về ý nghĩa, phân tích mối quan hệ giữa ký hiệu và đối tượng, và, sau cùng là ngữ dụng học (pragmatics), phân tích quan hệ giữa ký hiệu ngôn ngữ và người sử dụng ký hiệu. Vì thế, lý thuyết về hành vi nói nhấn mạnh đến tính cách hành động của những lời nói: khi tôi nói, tức tôi đang làm một điều gì (hứa hẹn, yêu cầu, ra lệnh v.v…). Trong hành vi nói, ta phân biệt nội dung nói với ý đồ nói, còn gọi là yếu tố “hành động ngôn trung” (illocutionary act). Vậy, (Ngữ) Dụng học” là học thuyết về những hoàn cảnh nói cụ thể, về tình hình tương giao hay truyền thông của hành động nói liên-chủ thể. Còn “siêu nghiệm”, như đã nói, là suy nghĩ về những tiền đề cơ bản, những điều kiện khả thể của nhận thức, lập luận, thấu hiểu… Vậy, giống như Kant đã đặt câu hỏi về điều kiện khả thể tối hậu của nhận thức và kinh nghiệm, Apel cũng tra hỏi về những tiền đề, những điều kiện khả thể tối hậu của việc lập luận, tức của diễn ngôn. Khác chăng là: nếu Kant xuất phát từ kinh nghiệm của chủ thể cá biệt, cô lập thì Apel - sau bước ngoặt ngôn ngữ và liên-chủ thể - tập trung vào sự truyền thông / tương giao như là hình thức của việc đi tìm sự thật một cách liên-chủ thể.
Chính ở đây, Apel sử dụng sự “tự-mâu thuẫn ngôn hành” đã được giới thiệu ngay từ đầu như là bí quyết để xác lập việc đặt cơ sở tối hậu.
Ý tưởng khá đơn giản: ngay một nhà hoài nghi triệt để nhất, không tin điều gì cả, cũng phải bảo vệ quan điểm hoài nghi của mình bằng lập luận, tức bằng hành động, nghĩa là mặc nhiên thừa nhận một số tiền-giả định nào đó. Khi nói “không có chân lý” thì mặc nhiêu đã đề ra một yêu sách về chân lý và, như thế, phủ định chính nội dung của yêu sách này. Rồi ngay trong một diễn ngôn thực hành về quy phạm luân lý, ta cũng mặc nhiên phải thừa nhận một số quy tắc, nếu không, không thể tiến hành lập luận được. Vậy, có thể nói: tiền đề của lập luận thì không thể bị đặt thành vấn đề bằng lập luận được!
- Tóm lại, khi lập luận, ta buộc phải chấp nhận những tiền đề tối hậu. Ta không chỉ vận động trong môi trường của ngôn ngữ mà còn quan hệ với một cộng đồng mà, về nguyên tắc, là vô giới hạn, gồm mọingười lập luận. Apel gọi đó là “cái tiên nghiệm của ngôn ngữ” và “cái tiên nghiệm của cộng đồng truyền thông / tương giao”. “Tiên nghiệm” (a priori) có nghĩa là có từ trước: những tiền đề ấy có trước mọi lập luận, đi trước và độc lập với nội dung cụ thể của lập luận. Nó không thể chứng minh được, nhưng lại không thể phủ nhận được, bởi nếu không, ta sẽ rơi vào sự tự-mâu thuẫn (ngôn hành). Đó là cách Apel đi vòng để tránh cái “tam nan” Münchhausen!
- Ta nhớ lại những điều kiện khung cho một “hoàn cảnh nói lý tưởng”:
- ai cũng có quyền tham gia vào diễn ngôn;
- ai cũng có quyền đặt nghi vấn về bất kỳ vấn đề gì;
- ai cũng có quyền đưa ra luận cứ hay luận điểm của mình;
- ai cũng có quyền bày tỏ mong muốn và nguyện vọng;
- không ai có thể bị ngăn cản trong việc thực hiện những quyền hạn ấy;
Như thế, không chỉ một số quy tắc lập luận tối thiểu về mặt lôgíc là tiền đề của diễn ngôn, mà bao gồm cả những tiền đề mang nội dung quy phạm, tức luân lý: khi đi vào diễn ngôn nghiêm chỉnh, ta mặc nhiên chấp nhận những nghĩa vụ không cần nói ra: tự trọng, tôn trọng người khác, xem nhau là chân thật và sẵn lòng hợp tác.
- Bên cạnh yêu cầu bình đẳng giữa mọi thành viên tham gia diễn ngôn, một điều kiện khả thể khác nữa sẽ là việc cùng chịu trách nhiệm đối với giải pháp (được đồng thuận) cho những vấn đề luân lý hệ trọng trong cuộc sống
- Do đó, đạo đức học diễn ngôn, theo Apel, không chỉ là một đạo đức học dành riêng cho diễn ngôn, theo nghĩa một đạo đức học chuyên biệt (chẳng hạn, bên cạnh đạo đức học kinh doanh, đạo đức học của nghề báo, nghề thầy thuốc…) mà là việc đặt cơ sở tối hậu và phổ quát cho đạo đức học nói chung, từ tinh thần của diễn ngôn.
9. Habermas với (Ngữ) Dụng học phổ quát (Universalpragmatik)
- Habermas không đi xa như Apel và chỉ muốn tập trung vào việc hình thành các quy phạm theo nghĩa thao tác, phương thức. Tiền đề tối hậu của lập luận trong diễn ngôn chính là năng lực phổ quát hóa của nó đúng theo yêu cầu của một quy phạm luân lý. Habermas đề ra Nguyên lý phổ quát hóa như sau:
• Bất kỳ quy phạm có giá trị nào cũng phải đáp ứng điều kiện sau đây: những hậu quả đối với mỗi cá nhân từ việc theo đuổi nó phải được mọi người chấp nhận.
Từ đó, Nguyên lý của Đạo đức học diễn ngôn có thể rút gọn như sau:
• Một quy phạm chỉ được phép yêu sách có giá trị hiệu lực, khi mọi người tham gia vào một diễn ngôn thực hành cùng đạt được sự nhất trí rằng quy phạm này có giá trị hiệu lực.
- Với hai Nguyên lý ấy, Habermas muốn bảo vệ Đạo đức học diễn ngôn trước hàng loạt nguy cơ:
- nguy cơ của sự giáo điều, quen tin tưởng mù quáng vào quyền uy như trong các trật tự thứ bậc tiền khai minh và phản khai minh (không ai được có đặc quyền, không ai bị loại trừ trong nền dân chủ diễn ngôn);
- nguy cơ của sự tùy tiện hậu-hiện đại, chối bỏ khả thể của những chân lý và quy phạm phổ quát;
- nguy cơ của xu hướng tân-bảo thủ, chỉ dựa vào những quy ước, tập quán được vận dụng vào từng trường hợp, dựa vào “lương năng” của cá nhân riêng lẻ, thay vì bàn bạc thấu đáo mọi yêu sách về quy phạm.
Nói khác đi, Đạo đức học diễn ngôn bảo vệ di sản của Kant về thuyết phổ quát đạo đức học, vững tin vào lý tính có giá trị phổ biến, nhưng thông qua con đường đồng thuận liên-chủ thể. Trọng tâm chuyển từ chỗ mỗi cá nhân riêng lẻ khẳng định ý chí tự do của mình như là quy luật phổ quát chuyển sang chỗ tất cả mọi người đều bày tỏ ý chí, thừa nhận quy phạm phổ quát thông qua sự đồng thuận.
Chân lý và sự đúng đắn luân lý không chỉ được làm rõ thông qua diễn ngôn, mà còn thực sự được hình thành ngay từ đây. Habermas gọi đó là thuyết đồng thuận (Konsenstheorie) về chân lý và luân lý.
10. Nguyên lý bổ sung của Apel
Apel muốn bổ sung cho cách tiếp cận có tính thao tác ấy của Habermas bằng một mục đích (telos) đạo đức nhất định.
- Trước thực tế khắc nghiệt là “hoàn cảnh nói lý tưởng” hiếm khi có thể diễn ra trong thực tế, bởi tác động của các hình thức quyền uy và bạo lực có thể diễn ra (ngay trong diễn ngôn khoa học, triết học!), với những hệ quả đối với mỗi thành viên tham dự, vì thế, theo Apel, cần rút ra quy phạm hành động từ Nguyên lý phổ quát hóa trên đây:
• Hãy hành động theo châm ngôn: bạn có thể giả định rằng những hậu quả dự kiến từ việc tham gia diễn ngôn hiện thực của mỗi cá nhân có thể được mọi thành viên chấp nhận một cách tự nguyện.
Khi tham gia diễn ngôn, khó loại trừ trường hợp kẻ thì chân thành tuân thủ các quy tắc tương giao, trong khi người khác lại theo đuổi những tính toán chiến lược một cách tinh vi, thâm hiểm. Vì thế, Apel đề nghịNguyên lý bổ sung trong Đạo đức học diễn ngôn:
• Chúng ta phải hành động sao cho những điều kiện phi bạo lực và phi quyền lực của một diễn ngôn lý tưởng ngày càng trở thành thực tế.
Đưa “hoàn cảnh nói lý tưởng” dần dần trở thành hoàn cảnh nói hiện thực, hay, ngược lại, đưa hoàn cảnh nói hiện thực ngày càng tiệm cận hoàn cảnh nói lý tưởng không chỉ là cương lĩnh đấu tranh cho nền dân chủ hiện đại mà còn là một nghĩa vụ luân lý, bởi nó song hành với một Nguyên lý khác nữa: Nguyên lý bảo tồn. Nguyên lý bảo tồn buộc ta phải quan tâm đến việc duy trì điều kiện khả thể có tính sống cònthuộc về nền tảng của con người: - bảo tồn bản thân cộng đồng tương giao, tức bản thân sự tồn tại của con người xét như giống loài theo cả hai phương diện: phương diện tinh thần, đó là bảo vệ những thành tựu văn hóa không thể thay thế, và phương diện vật chất, theo nghĩa của một Đạo đức học trách nhiệm về sinh thái (theo tinh thần của Hans Jonas trong “Nguyên lý trách nhiệm”).
11. Chung quanh Đạo đức học diễn ngôn
Nhiều cuộc trao đổi, tranh luận sôi nổi và sâu rộng đã và đang tiếp tục diễn ra chung quanh việc tiếp thu và vận dụng Đạo đức học diễn ngôn của Apel và Habermas. Xin ghi nhận một vài chủ đề tranh luận đáng chú ý:
- Đạo đức học diễn ngôn và Đạo đức học Kant:
- việc phê phán thuyết duy ngã trong Đạo đức học Kant có chính đáng không? Khi Kant đặt câu hỏi về “tính phổ quát và tất yếu của nhận thức”, chẳng phải Kant đã nêu rõ mối quan hệ với người khác trong sự tương giao? Trong nghị luận luân lý, việc quy định ý chí luân lý nơi Kant đã là một hành vi tự do, thừa nhận sự tự do của người khác, trong đó cái Tôi thừa nhận chính mình ngay trong cái Tôi khác?
- Đạo đức học diễn ngôn là bước tiến hay bước lùi so với yêu sách của Kant? Việc chuyển từ thuyết hình thức (Kant) sang thuyết thao tác (Đạo đức học diễn ngôn), tức từ Lôgíc học siêu nghiệm (Kant) sang dụng học siêu nghiệm (Apel) và dụng học phổ quát (Habermas) có hậu quả gì đối với chủ thể tự trị? Đạo đức học diễn ngôn đặt cơ sở cho nhân quyền, nhưng thiếu các hướng dẫn hành động cho chủ thể luân lý riêng lẻ? Vì lẽ diễn ngôn hiện thực không phản ảnh được sự đồng thuận về một cộng đồng diễn ngôn lý tưởng, phải chăng vẫn cần ý chí thiện luân lý (Kant), bởi nếu không có thước đo này, sẽ khó có định hướng trong đời sống hiện thực?
- Habermas dường như muốn thay thế sự thức nhận luân lý bằng các quy tắc ràng buộc của pháp lý? Nhưng, việc giới hạn vào nỗ lực đặt cơ sở cho quy phạm có đủ để đặt cơ sở cho luân lý? Phải chăng ở đây có sự lẫn lộn giữa ý chí luân lý và ý chí chính trị, trong khi chính “ý chí thiện” trong luân lý mới là bảo đảm sự đúng đắn của hành vi luân lý? Đạo đức học diễn ngôn quá đặt nặng yếu tố “lý tính” và còn xem nhẹ yếu tố “xúc cảm”, nhân tố không thể thiếu trong ý hướng và hành động luân lý?
- Đồng thuận và bất đồng thuận:
- “Đồng thuận đã trở thành một giá trị lỗi thời và khả nghi. Trong khi đó, sự bình đẳng thì khác. Vì thế, ta phải đạt đến ý tưởng và thực hành về sự bình đẳng, không bị ràng buộc với ý tưởng và thực hành về sự đồng thuận”. Nhận xét ấy của J. F. Lyotard (đại biểu của tư tưởng hậu-hiện đại) đặt ra nhiều vấn đề quan trọng. Theo cách hiểu của Lyotard, bình đẳng là phải thừa nhận tính dị loại của những trò chơi ngôn ngữ trong nhiều loại diễn ngôn khác nhau, khiến cho chúng không thể được giải quyết mà chỉ có thể chấp nhận và tôn trọng. Quan hệ với người khác không chỉ là thừa nhận sự tự do của mỗi bên mà còn biết “chịu đựng” quan điểm khác mình. Vì thế, việc phổ quát hóa một quan điểm là bất khả thi, bởi không có một siêu-nguyên lý nào phân xử và giúp đi tìm sự đồng thuận trước tính đa tạp của những loại diễn ngôn khác nhau về nguyên tắc, như trong các diễn ngôn có yêu sách tuyệt đối, chẳng hạn về tín ngưỡng (hữu thần hoặc vô thần), lập trường triết học (duy tâm hoặc duy vật), xác tín về giá trị tự thân của dân tộc, chủng tộc v.v… khác với việc có thể “phân xử” trong nội bộ một loại diễn ngôn nhất định? Tham vọng và mưu đồ “phân xử” hầu đạt được sự đồng thuận trong các diễn ngôn tuyệt đối này tất yếu chỉ dẫn đến sự xung đột, khủng bố, hủy diệt, bất công và tội ác (xung đột giữa Phát xít Đức và Do Thái là một ví dụ điển hình).
Apel một mặt thừa nhận rằng Đạo đức học diễn ngôn không được phép trở thành lối nghị luận “gia trưởng” bởi nó sẽ dẫn đến chủ nghĩa toàn trị, mặt khác cho rằng: “Thật phi lý khi đứng trước sự thách thức toàn cầu về khủng hoảng sinh thái và trước sự bức bách như một tất yếu sống còn là phải chung sống giữa những hình thức văn hóa-xã hội khác nhau mà lại quy kết việc tạo đồng thuận thông qua đạo đức diễn ngôn là mối nguy cho sự đa dạng và khác biệt giữa những cá nhân”.
So sánh với các quan niệm đạo đức học đang thịnh hành (thuyết khế ước, thuyết cộng đồng, đạo đức học đức hạnh hay thuyết công lợi v.v…), Apel vẫn tin rằng: “Đạo đức học diễn ngôn là quan niệm đạo đức học duy nhất hầu như có thể đáp ứng đòi hỏi về một nền đạo đức học vĩ mô hậu-quy ước về cộng đồng trách nhiệm phổ quát”
Nhận định này của Apel hàm ngụ hai ý:
- nguyên lý diễn ngôn buộc mỗi cá nhân tham gia phải chịu trách nhiệm về sự thành bại của diễn ngôn, gắn liền với việc thừa nhận phần trách nhiệm của người khác.
- ý tưởng về diễn ngôn – khác với đạo đức học cá nhân – là công cụ hiện đại để phân phối và điều chỉnh việc cùng chịu trách nhiệm, tức, bằng tư duy thao tác, có năng lực hướng dẫn những hoạt động tập thể “trên quy mô toàn cầu”.
- Đạo đức học diễn ngôn, bên cạnh yêu cầu phải tiếp tục đào sâu và cải tiến, với tính dân chủ khai phóng, đang phát huy tác động rõ rệt và nhiều mặt của nó trong đời sống khoa học và sinh hoạt chính trị (quốc gia và quốc tế), nhất là trong việc giải quyết xung đột và thực hiện hòa giải một cách văn minh. Có người đã gọi Apel và Habermas là “Sepp Herberger” của diễn ngôn: nếu Herberger (huấn luyện viên bóng đá huyền thoại của Đức) bảo “Quả bóng thì tròn”, nhà đạo đức học diễn ngôn sẽ nói: “Cái bàn thì tròn”. Hãy bỏ súng xuống, cùng nhau ngồi vào bàn tròn mà… diễn ngôn!
* “Die Einheit der Vernunft in der Vielheit ihrer Stimmen” / The Unity of Reason and the Diversity of its Voices”, trong Nachmetaphysisches Denken / Tư duy hậu-siêu hình học, Frankfurt / M, 1988.
Nếu từ trường Trái Đất suy sập?
Từ trường của Trái đất là điều tuyệt vời của tạo hóa, là mảnh ghép cuối cùng giúp sự sống sinh sôi nảy nở trên Trái đất. Nếu không có từ trường, chắc chắn mọi sinh vật đã không thể tồn tại đến ngày nay. Nhưng thực tế cho thấy từ trường đang suy yếu. Vậy nếu một ngày nào đó tấm lá chắn này biến mất, thì điều kinh khủng gì sẽ xảy ra?
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc từ trường Trái đất từ đâu mà có và hình dáng của nó như thế nào, tại sao lại có thể bảo vệ cho các sinh vật sống trên Trái đất. Tất cả là nhờ cấu tạo lõi Trái đất, cũng giống như lõi của nhiều hành tinh khác.
Từ trường được tạo ra nhờ cấu tạo bên trong lõi của Trái đất.
Nó có một lõi trong cùng là kim loại ở thể rắn và lớp tiếp theo là kim loại ở thể lỏng, ngoài cùng của phần lõi là lớp đá nóng chảy giống như nhựa đường.
Chính sự chệnh lệch về nhiệt độ giữa lớp lõi bên trong và lớp bao phủ bên ngoài đã biến Trái đất trở thành một cục nam châm khổng lồ. Từ sự chênh lệch về nhiệt độ rất lớn (khoảng 2.700 độ trở lên) sẽ gây ra hiện tượng “chuyển động nhiệt”, tạo ra dòng điện và từ đó tạo ra từ trường.
Từ trường tạo nên một tấm lá chắn vô hình bảo vệ chúng ta khỏi những điều khủng khiếp ngoài vũ trụ.
Tuy nhiên do có phần lõi ở thể lỏng, nó luôn dịch chuyển và cũng khiến cho từ trường của Trái đất không cố định về sức mạnh cũng như hướng. Trên thực tế từ trường của Trái đất luôn đảo chiều theo chu kỳ vài trăm nghìn đến vài triệu năm một lần. Và mỗi lần như vậy nó khiến cho từ trường suy yếu và gần như biến mất, để lại những hậu quả khủng khiếp.
Mất phương hướng
Không chỉ có con người mới xác định phương hướng dựa vào từ trường Trái đất, bằng cách sử dụng la bàn. Nhiều loài động vật như chim, rùa biển, ong mật, cá hồi … cũng có khả năng xác định phương hướng bằng từ trường. Chúng có một cơ chế gọi là "magnetoreceptors".
Nhiều loài chim sẽ chết do không tìm được đường đến nơi di cư.
Chúng sử dụng khả năng này để di cư khi mùa đông đến, hay tìm về nơi đẻ trứng. Do đó nếu từ trường Trái đất biến mất, các loài động vật này sẽ gặp phải một vấn đề nghiêm trọng. Đó là không xác định được phương hướng, chúng sẽ lạc đường và không thể tìm đến nơi di cư hay duy trì nòi giống nữa. Nhiều loài động vật sẽ tuyệt chủng và kéo theo rất nhiều sự ảnh hưởng khác đến tự nhiên.
Không một thiết bị điện - điện tử nào có thể hoạt động
Toàn bộ các vệ tinh, mạng lưới điện và các thiết bị điện tử trên toàn thế giới sẽ bị phá hủy bởi một cơn bão Mặt Trời nhỏ nhất, nếu không có tấm lá chắn từ trường. Các hạt năng lượng cao từ một cơn bão Mặt Trời sẽ bắn phá trực tiếp vào các vệ tinh đầu tiên, khiến cho hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn.
Hệ thống vệ tinh liên lạc sẽ "gục ngã" đầu tiên trước một cơn bão Mặt Trời, tiếp đến là mạng lưới điện và các thiết bị điện tử.
Tiếp đến sẽ là mạng lưới điện, các hạt năng lượng cao này sẽ khiến toàn bộ đường dây và mạng lưới điện trở nên quá tải. Không có điện và các thiết bị liên lạc vệ tinh, cả thế giới sẽ bị chia cắt và chìm trong bóng tối. Điều đáng sợ nhất là chúng ta không biết điều gì sắp xảy đến tiếp theo.
Tia vũ trụ và bức xạ Mặt Trời
Từ trường của Trái đất tạo nên một tấm lá chắn vô hình, giúp bảo vệ chúng ta khỏi các tia vũ trụ và bức xạ chết người. Sự ánh hưởng của các tia sáng này đến cơ thể chúng ta là rất khủng khiếp. Nếu nhìn trực tiếp bằng mắt thường vào các tia sáng năng lượng cao này có thể khiến tổn thương mắt, dẫn đến mù lòa.
Tia vũ trụ và bức xạ Mặt Trời sẽ giết chết toàn bộ sinh vật trên Trái đất.
Tuy nhiên đó chỉ là mức nhẹ nhất. Khi tiếp xúc với các hạt năng lượng cao này, tế bào của chúng ta có thể bị phá hủy, dẫn tới ung thư và nhiều căn bệnh khác trên khắp thế giới. Không chỉ có con người mà mọi sinh vật sống đều bị tác động dưới bức xạ Mặt Trời và tia vũ trụ. Đó sẽ là một dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới mà không có cách nào ngăn cản. Cuối cùng sẽ là dấu chấm hết của các sinh vật sống trên Trái đất.
Trái đất sẽ trở thành như sao Hỏa
Ảnh hưởng khủng khiếp nhất chính là bầu khí quyển của Trái đất sẽ biến mất, bức xạ Mặt Trời xuyên qua bầu khí quyển sẽ khiến nhiệt độ mặt đất tăng cao, đại dương bốc hơi. Kết quả là Trái đất sẽ biến thành một sao Hỏa thứ hai.
Gió Mặt Trời sẽ thổi bay khí quyển và biến hành tinh xanh trở nên cằn cỗi như sao Hỏa.
Trước đây, có thể sao Hỏa cũng là một hành tinh có bầu khí quyển và các đại dương đầy nước. Thế nhưng từ trường của nó đã biến mất cách đây hàng tỷ năm. Khiến cho bầu khí quyển không còn được bảo vệ, gió vũ trụ từ các cơn bão Mặt Trời thổi đến và khiến cho khí quyển của hành tinh này bị thổi bay vào không gian.
Nhiệt độ tăng cao do ánh sáng Mặt Trời chiếu trực tiếp xuống bề mặt, đại dương bốc hơi. Nhưng hơi nước này cũng nhanh chóng bị cuốn vào không gian, khiến cho không thể có mưa. Khí hậu trở nên khô cằn và sự sống bắt đầu biến mất.
Nếu một ngày nào đó từ trường của Trái đất bị suy yếu hay biến mất, rất có thể hành tinh xanh của chúng ta sẽ biến thành một sao Hỏa thứ hai.
Lá chắn từ trường của Trái đất đang suy yếu dần
Từ trường của Trái đất từ lâu vẫn là tấm lá chắn giúp bảo vệ bầu khí quyển và các loài sinh vật khỏi tác động trực tiếp của các tia bức xạ Mặt Trời. Tuy nhiên tấm lá chắn này đang suy yếu dần và đe dọa đến sự sống của các sinh vật trên Trái đất.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu bức xạ Mặt Trời tăng gấp đôi, nó có thể gây ra bệnh ung thư và khiến nhiều loài sinh vật chết, trong đó có cả con người. Tác động của các cơn bão Mặt trời đến mạng lưới điện tử cũng sẽ nguy hiểm hơn trước đây.
Ngoài ra khí hậu của Trái đất cũng có thể bị thay đổi, một nghiên cứu khoa học mới đây tại Đan Mạch cho thấy thời tiết của Trái đất bị ảnh hưởng đáng kể bởi từ trường. Các nhà khoa học cho rằng sự thay đổi của các tia vũ trụ có ảnh hưởng đến số lượng các đám mây bao phủ Trái đất.
Tuy nhiên với việc những cơn gió Mặt Trời xuất hiện nhiều hơn, chúng ta sẽ thấy dấu hiệu rõ ràng nhất đó chính là xuất hiện nhiều hiện tượng Cực quang hơn. Và các cực quang này có thể nhìn thấy ở nhiều nơi khác ngoài hai vùng Bắc cực và Nam cực.
Từ trường Trái đất có tác dụng vô cùng quan trọng.
Các nhà khoa học thông qua hệ thống vệ tinh Swarm, bao gồm các vệ tinh có nhiệm vụ nghiên cứu từ trường Trái đất, để phát hiện ra sự suy yếu này. Kết quả này sẽ sớm được công bố tại Đại hội lần thứ 26 của Liên minh Quốc tế về đo đạc và địa vật lý, diễn ra vào tháng 7 tới. Đồng thời sẽ thu nhận ý kiến đóng góp và các biện pháp ngăn chặn sự suy yếu của từ trường Trái đất.
Khi từ trường của Trái đất đảo chiều?
- Từ trường đảo chiều là hiện tượng đã từng xảy ra trên Trái đất và là một phần của quá trình phát triển một hành tinh. Nó sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai.
- Có nhiều giả thuyết về việc từ trường đảo chiều làm suy yếu khả năng bảo vệ khỏi các bức xạ Mặt trời, làm thay đổi các lục địa dẫn tới sự diệt vong.
- Trên thực tế, hiện tượng từ trường đảo chiều có thể gây ra nhiều ảnh hưởng, nhưng nó không thể làm cho Trái đất bị hủy diệt.
Thế giới có thể bị hủy diệt theo nhiều cách khác nhau, có thể do thảm họa động đất, sóng thần, hay do thiên thạch va vào Trái đất, tuy nhiên cũng có nhiều người nói rằng thế giới sẽ bị diệt vong khi mà từ trường của Trái đất đảo chiều. Đó là lúc mà cực Bắc di chuyển về phía Nam và ngược lại, các lục địa bị đảo lộn, bức xạ vũ trụ gây ra sự biến đổi trên các loài vật và dẫn tới sự diệt vong.
Tuy nhiên nếu lật lại lịch sử của Trái đất, chúng ta sẽ thấy trong quá khứ đã từng có nhiều lần hai cực Trái đất bị đảo chiều. Đó không phải là điều kỳ lạ, mà là một quá trình tự nhiên của bất kỳ hành tinh nào, ngay cả Mặt Trời cũng vậy. Cho đến nay, từ trường của Trái đất vẫn đang di chuyển và các cực đang có xu hướng đổi vị trí cho nhau, tuy nhiên đây là một quá trình kéo dài hàng trăm nghìn đến cả triệu năm. Do đó mà hiện tại chúng ta vẫn không thể cảm thấy sự thay đổi rõ rệt.
Theo các nhà khoa học tại NASA, lần cuối cùng từ trường của Trái đất đảo chiều tính đến nay khoảng 780.000 năm trước, trong một quá trình mà các nhà khoa học gọi là “nghịch chuyển Brunhes-Matuyama”. Các nhà khoa học biết được điều này nhờ những bằng chứng dưới đáy biển, đó là các trầm tích của những dòng chảy dung nham. Những bằng chứng này cho thấy hai cực của Trái đất lúc đó hoàn toàn ngược lại so với vị trí bây giờ.
Như vậy hiện tượng từ trường của Trái đất bị đảo chiều đã từng xảy ra trong quá khứ và chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong tương lai sắp tới. Nhưng liệu nó có gây ra sự hủy diệt như lời đồn đại hay không? Qua các hóa thạch của động vật và thực vật, các nhà khoa học tin rằng sinh vật trên Trái đất trong khoảng thời gian “nghịch chuyển Brunhes-Matuyama” không có nhiều sự biến đổi. Hay nói cách khác chúng không bị tác động bởi các bức xạ vũ trụ hay những thứ tương tự.
Trên thực tế, từ trường của Trái đất giúp bảo vệ chúng ta khỏi những hạt điện tích bắn phá từ các vụ nổ bức xạ Mặt Trời. Trong khi đó, quá trình đảo chiều từ trường sẽ gây ra một số hỗn loạn khiến từ trường của Trái đất bị suy yếu. Và về lý thuyết nó sẽ làm giảm khả năng bảo vệ và khiến bầu khí quyển bị ảnh hưởng bởi những hạt điện tích bắn phá này, thậm chí có thể gây ra những lỗ thủng ozone. Từ đó khiến cho các loài sinh vật bị ảnh hưởng bởi tia cực tím, có thể dẫn tới nhưng đột biến hay thậm chí bị tuyệt chủng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự tuyệt chủng của một số loài sinh vật có liên quan đến những đột biến do bức xạ hay tia cực tím. Do đó mà họ tin rằng cho dù từ trường của Trái đất bị suy yếu nhưng nó vẫn đủ sức bảo vệ bầu khí quyển của chúng ta trong hàng triệu năm qua. Mặc dù vậy điều đáng lo ngại là mức độ ảnh hưởng của những cơn bão Mặt Trời đối với hệ thống thiết bị điện tử sẽ tăng rất cao. Thậm chí nó có thể là sự sụp đổ hoàn toàn của mạng lưới điện trên toàn thế giới, theo đánh giá của các nhà khoa học.
Thông qua những hóa thạch và trầm tích, các nhà khoa học thấy rằng không có sự thay đổi đặc biệt nào về địa chất trong quá trình đảo cực của từ trường Trái đất. Đó cũng là bằng chứng cho thấy không có sự chuyển dịch hay thay đổi của các lục địa, cũng không có các thảm họa như núi lửa hay động đất trong thời kỳ này. Với những bằng chứng này, các nhà khoa học cũng khẳng định sự đổi chiều của từ trường không làm ảnh hưởng đến trục quay và chiều quay của Trái đất.
Mặc dù hiện tượng này có thể không gây ra sự tuyệt chủng cho các loài sinh vật và con người, nhưng nó vẫn gây ra những ảnh hưởng lớn đến các loài động vật, mà đặc biệt là những loài sử dụng từ trường để xác định phương hướng như chim và rùa biển. Một con rùa biển có khả năng xác định chính xác cường độ từ trường tại một vị trí nào đó, ví dụ như nơi mà nó được sinh ra. Chính vì thế mà khi lớn lên, những con rùa biển có thể bơi đi khắp các đại dương trên thế giới, nhưng đến mùa sinh sản, nó vẫn có thể trở về đúng nơi mà nó sinh ra nhờ lần theo từ trường.
Mặc dù chúng ta chưa thể hiểu rõ về cách thức chúng xác định phương hướng bằng từ trường. Nhưng các nhà khoa học dự đoán rằng nếu từ trường Trái đất thay đổi một cách quá đột ngột, có thể dẫn đến việc mất phương hướng của những loài vật này. Có thể chúng sẽ chết khi cứ lần theo dấu của từ trường cũ mà không thể đến được nơi cần đến.
Còn đối với con người, việc đảo cực có thể dẫn đến những hỗn loạn trong từ trường tại một số khu vực mà gây ra ảnh hưởng với các thiết bị xác định phương hướng của chúng ta, như radar. Điều này có thể dẫn đến việc những con tàu hoặc máy bay bị mất phương hướng và dẫn đến những vụ mất tích đầy bí ẩn trong quá khứ. Tam giác quỷ Bermuda chính là một trong những nơi như vậy, người ta vẫn đặt ra giả thuyết rằng từ trường ở đây không ổn định khiến cho máy bay và tàu thuyền bị mất phương hướng và mắc kẹt.
Đó vẫn chỉ là những giả thuyết của chúng ta. Tuy nhiên có một sự thật đó là từ trường của Trái đất đang trong quá trình suy yếu kéo dài 400 năm. Hai cực của Trái đất cũng luôn di chuyển theo hướng ngược nhau, khoảng 53 độ mỗi năm. Do đó các nhà khoa học dự báo quá trình đảo chiều của từ trường Trái đất đang diễn ra nhanh hơn và trong tương lai chúng ta sẽ phải lập lại bản đồ, với cực Nam ở trên và cực Bắc ở dưới. Tin vui là cho dù hiện tượng này có xảy ra, nó sẽ chỉ gây ra những xáo trộn nhỏ trên Trái đất và hoàn toàn không gây ra những hậu quả nghiêm trọng như làm Trái đất bị hủy diệt.
Tham khảo: universetoday, livescience
sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó...
Trong tâm lý học–xã hội học hiện đại, tồn tại một nghịch lý tuy không quá nổi tiếng nhưng lại rất đơn giản và dễ liên hệ bản thân. Mang cái tên khá ngộ nghĩnh “nghịch lý thùng táo” và nó được hiểu như sau: Bạn có một thùng táo. Trong ấy, có những quả còn tươi nguyên rất ngon lành, cũng có những quả đã chin nẫu, sắp thối hỏng. Dĩ nhiên, việc nên làm là vứt bỏ những quả táo cũ mềm nhũn ấy đi và tận hưởng táo tươi. Thế nhưng vì một lý do nào đó, người ta lại cứ cố ăn những quả táo cũ trước khi nó hỏng đi, và để dành những quả táo ngon lại… để rồi tới khi người ta tìm đến những quả táo ngon ấy thì đến lượt chúng cũng lại chín nẫu mất rồi.
Đó, nghịch lý nằm chính ở đó, trong vòng xoáy liên tiếp ấy của những con ngưới khốn khổ mãi lưu luyến quá khứ và quá dè sẻn cho tương lai.
Lẽ ra họ đã có thể được ăn những quả táo tươi ngon – hay như tổng giám đốc Brian Dyson của tập đoàn Coca-Cola đã nói: “Bạn chớ để cuộc sống của mình trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.” Lẽ ra họ đã có thể nâng cuộc sống của mình trong tay mà sống trọn vẹn hơn.
Có những người hẳn sẽ không đồng ý với điều này. Có những người chỉ đơn giản là không thể dứt bỏ quá khứ và “sự không đồng ý” của họ lúc này gần như là vô thức thôi. Khi người ta cứ ăn mãi những quả táo cũ hỏng của ngày hôm qua, thì khó có thể nói ấy là lý trí mách bảo người ta làm thế–đúng hơn là do nuối tiếc, do tội lỗi hay băn khoăn.
Những con người “đắm đuối trong quá khứ” thường là những con người đang tuyệt vọng cố gắng vá víu những lỗi lầm cũ và tìm cách thay đổi những thứ đã xẩy ra. Điều này không phải là hiếm thấy trong cuộc sống thường nhật, và ngay trong chính mỗi con người cho dù là người lạc quan nhất, cũng ẩn chứa đâu đó những giây phút chỉ muốn ngoái lại nhìn quá khứ. Đơn giản thôi: một học sinh có thể lỡ lầm một lần mà nhận về một bài kiểm tra điểm thấp, một nhân viên có thể vì một sai sót nhỏ do kém may mắn mà làm hỏng một dự án. Nếu biết nhìn những lỗi lầm và rút kinh nghiệm, học sinh này, nhân viên này sẽ có thể tự hoàn thiện bản thân, từ đó tiến xa hơn trên đường đời. Nhưng, nếu chỉ mải nhìn quá khứ, nếu cứ đau khổ vì một lần điểm thấp và ủ dột trên một dự án bất thành, thì không những họ không thay đổi được gì, mà sẽ còn phí thời gian của hiện tại, và đánh mất cả sự tự tin của bản thân cho sau này. Hoặc cũng có những người không cố gắng thay đổi quá khứ, mà, ngược lại, họ sống trong đó, sống trong những vinh quang đã hết và nhai lại những giờ phút huy hoàng đã qua. Sống như vậy thực sự cũng không khác mấy sống trong một thế giới của tưởng tượng.
Tôn quá khứ lên mà phủ nhận cái đẹp của hiện tại thì cũng tệ không kém gì để bản thân bị quá khứ giày vò.
Có những người không đắm mình trong quá khứ nhưng cũng lại không đồng ý với lời nói của ông Brian Dyson. Đây là những người có lý trí hơn. Họ hẳn sẽ kêu lên “Ôi thôi, con người đã sống là phải nhìn xa thật xa về tương lai chứ, sao có thể chỉ sống cho hiện tại?!” Họ là những con người luôn luôn quá ư lo lắng tính toán cho một cái đích đến nào đó ở xa tít tắp, lo lắng tới nỗi đôi khi quên mất cả những mục tiêu gần. Những người lo xa này để dành táo ngon cho ngày mai mà hầu như quên mất rằng: táo để rồi sẽ hỏng. Một ví dụ rất dễ hiểu thôi: một ông bố cật lực làm việc để dành dụm tiền cho con mình sau này học đại học tới nỗi không có cả thời gian dành ra cho con, trong khi đứa bé ấy còn chưa đi học. Người Pháp có câu “Que sera, sera” (cái gì phải đến rồi sẽ đến), còn dân gian cũng có nhắc: “Người tính không bằng Giời tính”.
Có ai biết được tương lai sẽ mang đến cho ta cái gì? Đứa bé mẫu giáo kia thiếu thốn tình yêu thương gần gũi của bố, liệu có nên người, hay lại lêu lổng từ cấp II, cấp III để rồi chẳng những không thể vào được đại học mà còn phạm nhiều sai lầm lớn hơn? Chuẩn bị cho tương lai là điều nên làm, nhưng quá lo xa sẽ chỉ đánh mất hiện tại mà thôi. Mà nếu đã mất hiện tại, thì làm sao có thể có tương lai?
“Sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc” xem ra là một lời khuyên vô cùng đáng giá. Sống từng khoảnh khắc nghĩa là sống để mà tận hưởng hiện tại và cống hiến chính hiện tại ấy, đơn giản như vậy thôi. “Tận hưởng” – có lẽ nói đến hai chữ này ai cũng nghĩ tới nhà hàng sang trọng hay du thuyền bạc tỉ, nhưng không phải thế. Tận hưởng hiện tại đôi khi chỉ là cho phép bản thân được thảnh thơi ngắm những tia nắng chiếu qua kẽ lá xanh mướt, là dành mươi phút cuối tuần nướng một chiếc bánh cho chính mình, là để ra một khoảng ngắn sau bữa trưa để ngủ một giấc thay vì lao vào tiếp tục công việc. Hay, thi vị hơn một chút, ta có thể nghĩ tới tận hưởng như cách mà nhà thơ Xuân Diệu đã âu yếm lấy mùa xuân tuổi trẻ trong “Vội vàng”:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn…”
– Xuân Diệu
để cho bản thân được cảm nhận và thu về những giây phút đẹp đẽ của hiện tại. Thế còn, “cống hiến” cũng không phải là thứ gì nặng nhọc hay khổ sai. Cống hiến chỉ đơn giản là làm hết sức mình trong mọi công việc mình đã nhận, với sự lạc quan về một kết quả tốt đẹp, và chính cả sự tận hưởng niềm vui được làm người có ích. Steve Jobs, nhà sáng lập của Apple, đã sống hàng chục năm với căn bệnh ung thư tuyến tụy, mỗi sang thức dậy, ông đều tự nhủ “hãy làm việc hết mình, vì ngày hôm nay có thể là ngày cuối cùng”. Đó chính là cống hiến. Và sống như vậy, mỗi ngày ta sống đều đầy ý nghĩa khi mà ta sống cho bản thân và cho cộng đồng. Sống như thế, không là gì khác ngoài “sống trọn vẹn từng ngày.”
Tuy nhiên có một vế rất quan trọng của bài diễn thuyết ngắn gọn của Brian Dyson mà ta không nên bỏ quên. Ông đã nói, ngay mở đầu, rằng, “Cuộc đời giống như trò chơi tung hứng” (lược dịch). Ông so sánh sự nghiệp, gia đình, và tình yêu với những quả bóng, mà để rơi quả nào là quả ấy sẽ hỏng sẽ vỡ, hoặc sẽ nảy đi mất. Như vậy, cái tối quan trọng ở đời là sống cân bằng. Ai đó ngoài kia sẽ hiểu “sống hết mình trong từng khoảnh khắc” là phó mặc đời mình cho cuộc đời này đưa đẩy, là dứt mình khỏi quá khứ và lao vào tận hưởng hiện tại chỉ nhằm thỏa mãn bản thân. Sống như thế không phải sống hết mình – mua những vật dụng đắt tiền không cần thiết, tìm ăn của ngon vật lạ đến cả những sinh vật nằm trong sách đỏ, mặc cho nợ nần chồng chất, mặc cho bản thân có khiến ai đau khổ, đó không phải là sống hết mình. Đó, thậm chí, còn chẳng phải là “sống” theo cách một con người sống. Hiểu một câu nói là phải cân bằng, giống khi sống một cuộc đời vậy.
Như vậy cuộc sống của bạn sẽ không trôi qua kẽ tay mà đi mất, nếu như bạn sống cho hiện, lo lắng cho vừa đủ tương lai và đặt quá khứ ở đúng vị trí của nó trong lòng mình. Vứt những quả táo cũ hỏng đi, để dành những quả còn xanh, ăn những quả chin đỏ, và chia sẻ một phần táo ngon cho người bạn tốt của mình.
Thùng táo của bạn không hoàn hảo, nhưng nó là của bạn, và đó mới là điều quan trọng.
—
* Vương Thu Trang
Ai là tổ tiên của cư dân Lưỡng Quảng?
Mấy năm qua, tại Diễn đàn Lịch sử Trung Hoa (China History Forum) đã diễn ra một cuộc thảo luận trực tuyến về nguồn gốc của cư dân hiện nay đang sống tại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây [Lưỡng Quảng] của CHND Trung Hoa. Dựa vào những tranh luận trên diễn đàn này, một hoạt động sôi nổi, lôi cuốn nhiều người ở Trung Hoa lục địa và hải ngoại tham gia, chúng tôi xin lược thuật để bạn đọc tham khảo.
Cuộc thảo luận trực tuyến được thực hiện bằng tiếng Anh, có đôi chỗ chú thích bằng tiếng Hoa, gồm hàng trăm ý kiến dàn trải trên 7 chương, mỗi chương có thể in ra chừng hơn 30 trang giấy khổ A4. Chủ đề của cuộc thảo luận là quan điểm Liên-Bách Việt (Pan-baiyueism), bàn về nguồn gốc chung của người Việt Nam và người nói tiếng Quảng Đông (Cantonese). Các thành viên tham dự diễn đàn này gồm chủ yếu là người Trung Hoa ở phía Nam (nhóm thứ nhất), thường phủ định quan điểm "Liên-Bách Việt", một số người Việt Nam và Việt gốc Hoa (nhóm thứ hai, ít hơn về số người), được xem là cổ súy cho quan điểm trên, và một số ý kiến trung dung.
Các tranh luận thường khá gay gắt, nhưng các nhóm có vẻ đồng thuận với một số sử liệu, thường trích từ các công trình nghiên cứu phương Tây sau đây [1] :
Vào khoảng đời nhà Chu (1134-770 tCn) và Xuân Thu, tại khu vực phía Nam Trung Hoa giáp với biên giới Trung-Việt ngày nay đã tồn tại những bộ tộc không thuộc Hoa tộc như Bách Việt, Bộc (Pu) [2] ...
Tới thời Xuân Thu, người Việt ở khu vực núi Cối Kê (nay là Thiệu Hưng) thuộc Chiết Giang lập ra vương quốc Việt. Nước Việt vào năm 473 tCn đã chinh phục nước Ngô [3] láng giềng, đóng đô ở Tô Châu thuộc Giang Tô. Nhưng rồi Việt bị nước Sở thôn tính năm 306 tCn. Vào thời Xuân Thu, người Đông Việt được xem là cư trú ở vùng nay thuộc phía Đông nước Trung hoa hiện đại, người Dương Việt cư trú ở phía bắc của tỉnh Giang Tô hiện nay. Các bộ tộc Bách Việt khác như Âu Mân sống ở vùng Chiết Giang, Phúc Kiến; Nam Việt sống ở vùng Quảng Đông, Tây Âu ở Quảng Tây, Lạc Việt ở Phúc Kiến... Trong thời kỳ Chiến quốc (480-221 tCn), vương quốc Việt cũng chao đảo dưới những biến động chính trị, giống như các lãnh thổ thuộc Thục và Ba nay thuộc Tứ Xuyên, nhưng lộ trình văn hóa của nó vẫn khác xa văn hóa Trung Hoa “chính thống" [Hán] của lưu vực sông Hoàng Hà.
Bản đồ hành chính các quận phía Đông Bắc nước Nam Việt khoảng thế kỉ 2-3 TCN
Bắt đầu thời kỳ miền bắc của Dương Tử bị Trung Hoa hóa [Hán hóa] mạnh mẽ. Bức trường thành ngăn các bộ tộc du mục từ phương bắc xuống đã được nước Tần (221-206 tCn) và Yên xây dựng. Khu vực hiện nay thuộc Phúc Kiến lần lượt bị nhà Tần và nhà Hán chinh phạt, nhưng phong kiến Trung Hoa đã không thực sự kiểm soát được vùng đất này. Vào đầu đời Hán (206 tCn - 220), Triệu Đà lập ra vương quốc Nam Việt ở khu vực Quảng Đông, độc lập với triều đình Hán. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa năm 221 tCn, quân nhà Tần bắt đầu tiến xuống phía nam dọc theo sông Tây Giang tới vùng Quảng Đông hiện nay, và xác lập các quận dọc theo các trục đường chính. Tới năm 112 tCn. Hán Vũ Đế đã chinh phục những vùng phương Nam (Trung Hoa), cùng với vùng nay là miền bắc Việt Nam và cử người Hán cai quản các quận.
Dưới đời Hán, ngoài Nam Việt ở viễn nam chủ yếu là ở Lưỡng Quảng và Việt Nam, sử sách còn kể về tiểu quốc Mân Việt ở đông bắc tập trung ở vùng sông Mân Giang, nay thuộc Phúc Kiến (Mân là tên cũ của tỉnh Phúc Kiến).
Thời Tam Quốc, Sách Địa lý chuyển luận trong Hán thư chép: "Ở khoảng bảy hay tám ngàn dặm tính từ Giao Chỉ đến Cối Kê (nam Giang Tô hay bắc Chiết Giang), những người Bách Việt có mặt ở mọi nơi, chia thành nhiều thị tộc".
Hoạt động di cư của người Trung Hoa (Hán) càng tăng trưởng, người Việt càng bị đẩy vào các vùng đất cằn hơn, và vào rừng núi. Không giống như những người du mục Trung Á như tộc Hung Nô hoặc tộc Tiên ti, người Việt chưa từng thực sự đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự bành trướng hay kiềm tỏa của Trung Hoa (người Hán). Thỉnh thoảng họ dấy lên những cuộc đột kích vào khu định cư của người Hoa, mà các sử gia cổ gọi là “những cuộc nổi loạn".
Sự sụp đổ của nhà Hán và giai đoạn chia tách tiếp theo đã đẩy mạnh quá trình Trung Quốc hóa. Các thời kỳ bất ổn và chiến tranh ở miền Bắc Trung Hoa giữa Bắc Triều và Nam Triều, cũng như trong đời Tống đã dẫn tới hoạt động di cư ồ ạt của người Trung Hoa (xuống phương Nam). Hôn nhân dị chủng và giao lưu giữa các nền văn hóa đã dẫn đến sự pha trộn giữa người Trung Hoa (Hán) và không Trung Hoa (không phải Hán) ở miền Nam. Cho đến đời Đường, từ “Việt” đã trở nên một định ngữ chỉ vùng hơn là chỉ một nền văn hóa. Một nhà nước từng nằm ở tỉnh Chiết Giang hiện nay trong thời kỳ Ngũ đại thập quốc chẳng hạn, đã tự xưng là Ngô Việt.
Về thời Bắc thuộc, Diễn đàn dẫn luận án phó [?] tiến sĩ của Jennifer Holmgren "Sự đô hộ của Trung Hoa đối với [Bắc] Việt Nam" (Chinese Colonisation of Northern Vietnam, 1980) có đoạn viết:
Những ghi chép về hoạt động của Trung Hoa ở Bắc Bộ Việt Nam trong 6 thế kỷ đầu thời kỳ thực dân này (Việt Nam gọi là thời Bắc thuộc) cho thấy quá trình Việt Nam hóa đối với các dòng họ Trung hoa. hơn là quá trình Hán hóa đối với người Việt... Sự trêu ngươi như thế cho thấy một số thị tộc Trung Hoa xác lập quyền lợi của dòng họ mình ở Bắc Bộ: định cư dần dần, giúp đỡ mở mang và cuối cùng hoà nhập vào môi trường xã hội kinh tế và chính trị ở Bắc Việt Nam. Kết quả cuối cùng của quá trình này là sự xuất hiện của một tầng lớp thượng lưu Hoa-Việt, quá trình phi thực dân hóa ở vùng viễn nam, và những mưu toan bất thành ở thế kỷ VI để khôi phục nền độc lập, thoát ách đô hộ của phương Bắc. Ví dụ cho quá trình này là sự thăng tiến của Sĩ Nhiếp thời Hậu Hán và những nỗ lực giữ nền độc lập của người nhà ông này sau khi ông qua đời.
Từ cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng thế kỷ I đến cuộc nổi dậy của Lý Bôn thế kỷ VI, sử sách của Trung Hoa cho thấy biểu hiện của một sự phụ thuộc về chính trị trên nền nửa độc lập với Bắc triều. Theo dòng thời gian, những thời kỳ có đặc tính bán tự trị ngày càng tăng lên. Xu thế này làm nền cho cuộc nổi dậy của nhà [Tiền] Lý ở giữa thế kỷ VI và cuối cùng là sự phân liệt hoàn toàn khỏi Trung Hoa vào thế kỷ X.
Tác động của văn hóa Việt đối với văn hóa Trung Hoa đã không được xác định một cách chính thức, nhưng nó khá rõ rệt. Ngôn ngữ của các tiểu quốc cổ Ngô và Việt tạo nên ngôn ngữ Ngô, và phần nào tới ngôn ngữ Mân ở Phúc Kiến. Những nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng một số từ tiếng Trung Hoa có nguồn gốc từ tiếng Việt cổ chẳng hạn như từ jiang (giang), có nghĩa là sông. Những tàn tích về người Việt có thể quan sát được trong một số nhóm thiểu số ở Trung Hoa.
Ở Chiết Giang, nhà hát được gọi là rạp diễn Việt kịch. Tiếng Việt là một bộ phận của tiếng Trung Hoa và thường được gọi là tiếng Quảng Đông. Mẫu tự chính thức và các phương ngữ hình thành từ nó được sử dụng ở Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Hồng Kông, Ma Cao và tại một số cộng đồng Hoa Kiều trên thế giới.
Một số tên gọi khác của người Việt còn truyền được tới nay là Yi-Yue (hoặc Yu-Yue/ Ngải-việt), Mân-việt, Sơn-Việt, Dương-Việt (người Việt ở biển), U- Việt và Câu-Ngô. Những nhà nghiên cứu tiếng dân tộc cho rằng tên gọi người Việt có liên quan đến nghề chế biến cây gai dầu ở miền nay là Chiết Giang.
Chữ Việt cũng được xem là từ chỉ lưỡi phủ việt, một dụng cụ hay khí giới giống cái búa hay cái rìu, hình chữ nhật, biểu trưng cho quyền lực hoàng gia hay đế chế. Nhiều dụng cụ dạng rìu bằng đá đã được tìm thấy ở Hàng Châu, do vậy, nhiều học giả cho rằng lưỡi việt (búa dùng trong nghi lễ) là một sáng chế của miền Nam. Chữ Việt cũng từng được dùng để chỉ Quảng Đông và Quảng Tây [4] .
Cho dù nhiều bộ tộc Việt vẫn thấp thoáng đó đây trên lãnh thổ CHND Trung Hoa và để lại những dấu ấn trong sử sách đến cuối đời Hán, nay chỉ có thể kể tên vài nhóm dân Việt như Palyu “Lai", Bugan “Hualuo hay Huazu”, Bit, Bulang, Hu, Kemu, Khuen, Wa... Di sản lớn nhất của người Việt cổ chính là miền Bắc Việt Nam, miền đất mà họ chạy về đó định cư do sự truy bức của Trung Hoa.
Về các tộc thiểu số khác ở khu vực nay là biên giới Trung Việt, theo sách của S. Robert Ramsey. Những ngôn ngữ của Trung Hoa (The Languages of china) tr. 233, không chỉ có Hakka (Khách gia, miền nam gọi là Hẹ), Mân và người Quảng Đông, là những người ở miền Nam Trung Hoa từ đầu, mà từ lâu đời người Thái đã thấp thoáng đóng một vai trò có qui mô ngay trước khi một thiên hạ Trung Hoa lộ rõ. Từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, những khu vực trồng lúa đã lốm đốm xuất hiện ở lưu vực sông Dương Tử. Vẫn theo S. Robert Ramsey, trong số các tiểu quốc được điểm tên trong lịch sử Trung Hoa có Ngô, ở gần Thượng Hải hiện nay, và Việt nằm dọc theo bờ biển Nam Trung Hoa, là những quốc gia của người Thái. Các quốc gia này dần dần bị Trung Quốc nuốt dần và đa số người Thái đã trở thành người Trung Hoa, qua đồng hóa về văn hóa và ngôn ngữ. Một nhà dân tộc học đã ước tính rằng ít nhất 60% người Quảng Đông có tổ tiên là thổ dân nói tiếng Thái.
Về các vùng khác thuộc miền Nam Trung Hoa nói chung: miền Nam Trung Hoa trước thời Hán bao gồm nhiều nền văn hóa gần với Đông Nam Á như văn hóa Đông Sơn. hoặc những nền văn hóa nổi tiếng hơn như Ngải, Di hoặc Ba Thục. Trong đó, văn hóa Điền ở Vân Nam thể hiện những cư dân khác sau thời đồ đồng. Xứ Vân từng cho thấy mối liên hệ về các nhóm người phương Nam với những bức tranh trong hang vẽ pháp sư (saman) khua gươm cong, chuôi có núm tròn kiểu Hán, thể hiện quyền lực trên đầu một đám đông. Người Hán từng có tục xăm mình để trấn áp những chứng bệnh nhiệt đới cũng như những cừu thù trong thời gian chiếm đóng những vùng đất thù địch.
Ở Vân Nam, văn hóa hiện đại của địa phương này không có nhiều liên hệ với nền văn hóa thuần Hán của vùng đồng bằng trung tâm cả về tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực. Ở Vân Nam, còn tồn tại tục ăn côn trùng.
Những nguồn và ý kiến trên thường thuộc về các nhà nghiên cứu phương Tây, ít gây tranh cãi hơn so với những ý kiến dưới đây.
Nhóm thứ nhất (người Trung Hoa, đa số là ở lục địa) cho biết một số phát hiện và khẳng định sau:
Người Quảng Đông cách đây 2.000 năm là sự pha trộn giữa người Việt tại chỗ và người Hán. Người Việt lúc đó gần với người thiểu số dân tộc Nùng hiện nay ở Việt Nam.
Vương quốc Nam Việt gồm những cư dân người Kinh (?) sống ở đó nhưng họ là người Trung Hoa. Quảng Đông và Quảng Tây cũng như quốc gia cổ Nam Việt, không có quan hệ với dân tộc hiện nay mang quốc hiệu Việt Nam. Hoặc họ (người Trung Hoa ở phương Nam) không có quan hệ gì với người Nam Việt, cho dù Triệu Đà, vua Nam Việt lúc đó là người Hán.
Trong khoảng 100 năm gần đây người Hoa di cư xuống Việt Nam là từ Lưỡng Quảng và Phúc Kiến. Người Hán phương Bắc, theo nhóm thứ nhất, hầu như không di cư xuống Việt Nam, họ chỉ chạy sang Nam Triều Tiên vào năm 1949 và định cư chủ yếu ở Pusan và Seoul.
Người Hoa di cư xuống phía Nam thường không phải là người Hán. Họ tự gọi mình là người Minh Hương, hiện ở Việt Nam còn thế hệ thứ tư của những người Minh Hương, phần nhiều không nói, viết được tiếng Hoa.
Người miền Nam Trung Hoa có ngoại hình khác với người Trung Hoa phương Bắc. Nhà Nguyên Mông chia người Trung Hoa thành các nhóm: Mông, du mục người Hán phương Bắc, người Hoa phương Nam. Một vài ý kiến cho rằng người Trung Hoa phương nam có ngoại hình phần nào giống với người Việt Nam.
Nhiều người Quảng Đông hiện đại còn giữ được gia phả theo đó tổ tiên của họ di cư từ phía bắc xuống Quảng Đông vào đời Đường (618-907) và đời Tống (960-1279). Cuộc di cư lớn nhất xảy ra vào cuối đời Tống, họ cư trú ở nơi mà người Nam Việt đã bị đẩy xuống Quảng Tây hoặc Việt Nam hiện nay, nơi mà khi đó những người Choang là thiểu số so với người Kinh chiếm đa số.
Người Trung Hoa ở phương Nam hiện nay nói chung đã bị Hán hóa.
Còn có trên 50 triệu người thuần huyết thống Nam Việt hiện ở Quảng Tây và Quế Lâm.
Những người thổ dân thuộc các bộ tộc thiểu số Lê, Tày, Đai..., được chính phủ Trung Hoa xếp vào cùng nhóm với người Choang, nhóm này có tổng dân số trên 20 triệu người.
Không có nhiều người Quảng Đông sinh ra ở Việt Nam. Cộng đồng Trung Hoa ở Việt Nam chủ yếu là những người nói tiếng Triều Châu (Tiều) hoặc Phúc Kiến [5] .
An Dương Vương (Thục Phán), Triệu Đà, cũng như anh hùng dân tộc của Việt Nam Lý Bí, đều là người phương Bắc Trung Quốc.
Nhiều ý kiến của nhóm thứ nhất thường nhấn mạnh rằng họ là những người Quảng Đông thuộc về hệ Hán, hiện chiếm đa số ở khu vực Lưỡng Quảng, và "rất tự hào về nguồn gốc Hoa Hạ và Đông Di của mình", hiện chung sống với "các dân tộc thiểu số” đáng yêu có nền văn hóa rực rỡ, danh giá thuộc về giòng dõi Nam Việt. Rằng đa số người Trung Hoa hiện đại không cho rằng nước Nam Việt lúc đó gần với Âu Lạc (được xem là nằm trong vương quốc Nam Việt) hơn là gần với Trung Hoa. Rằng những người Việt Nam hiện đại kém hiểu biết cần được dạy dỗ, rằng họ chỉ có quan hệ với Âu Lạc, nhưng không có quan hệ gì với vương quốc Nam Việt. Cổ sử Trung Hoa, theo họ chép rằng những người Hán đã tàn sát và đánh đuổi những bộ lạc Việt về phía Nam và xuống đồng bằng sông Hồng trong "các cuộc chinh phạt cướp đất". Có ý kiến khuyên người Việt không nên tự hào về dòng dõi Nam Việt vì đây chính là giống Nam Man [6] . Một số ý kiến cho rằng người Việt nhìn chung là “bội bạc", "quanh co”, đàn ông Việt Nam không chăm chỉ và không chú trọng xây dựng gia đình theo khuôn mẫu Á đông. Có ý kiến lại cho người Việt là đần độn và khờ dại. Cũng có ý kiến cho rằng người Việt hiện đại xấu hổ (?) vì dòng dõi Bách Việt và tìm cách “leo thang" để gắn mình với người Quảng Đông và người Trung Hoa. Và cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ không được người Mỹ ưa chuộng(?)
Xin nêu thêm một số phát hiện đến từ cả hai nhóm và các nhà nghiên cứu phương Tây:
Nhà Tần (221-206 tCn) cũng có truyền thuyết về con chim thần (tựa như Âu Cơ).
Có nhiều người Việt cổ bị đồng hóa thành Trung Hoa nhiều năm trước đây. Chẳng hạn họ Âu-dương đến từ đất Lư Lăng của vương quốc Việt cổ. Có một hoàng tử Việt mang họ này bị nhà Chu bắt. Hậu duệ của ông, một sử gia nổi tiếng nhà Tống mang họ này. Hiện nay, ở một số tỉnh miền Nam Trung Hoa còn nhiều người mang họ này. Một số người Quảng Đông cũng mang họ này. Sử gia đời Tống Âu-dương Tu cho rằng người Việt có cùng một tổ tiên với với người [Hoa?] Hạ, một quan điểm bị nhóm thứ nhất của Diễn đàn này phê phán.
Các khu vực Tứ Xuyên, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam từng có nền văn hóa riêng và dân cư khác biệt, không in dấu lên triều đình Hán hay các nghi thức đặc trưng cho đế chế Trung Hoa.
Quảng Châu được Ngô vương Tôn Hạo, vua thứ tư nhà Đông Ngô, chắt của Tôn Quyền, chia tách từ Triều [?] Châu [7] vào năm 264.
Có lượng đáng kể của dòng máu Trung Hoa trong huyết quản người Lạc Việt và U Việt. tức là người Việt hiện đại.
Những người U Việt thuộc nhóm Bách Việt, bị nhà Thanh (1644-1911) dồn đuổi xuống lãnh thổ Việt Nam. Chuyện chín chúa tranh vua" (Cẩu chúa cheng vùa) của các dân tộc Tày, Nùng… có thể là minh họa cho sử liệu này.
Khái niệm “Hán hóa” từng thuộc về những đường biên giới cổ đại thật xa lạ với hiện nay. Không thể xem là những tộc người thiểu số đang không được đãi ngộ ở CHND Trung Hoa, cho dù một số trong họ đã biến mất trong những triều đại phong kiến sau cùng. Miền Nam Trung Hoa từng thuộc những tộc người thiểu số hiện cung cấp một ít di sản phục vụ cho du lịch. Không nên nghĩ rằng tất cả công dân Trung Hoa thực thụ hiện đang cố trở nên càng giống Hán càng tốt. Những dị biệt về tính cách sắc tộc và văn hóa vẫn còn tiềm tàng ở CHND Trung Hoa, thể hiện cả ở nét mặt của những người không phải dân tộc Hán. Những khu vực như Tân Cương hay Tây Tạng về cốt lõi văn hóa vẫn cho thấy sợi chỉ mỏng manh của bản sắc văn hóa và cho thấy rõ ràng nên xem xét cư dân hoặc sở hữu đất đai (!) có thể xem là hoàn toàn Trung Hoa hay không. Sự hiện diện trước đây của những thổ dân không phải người Trung Hoa có thể thấy rõ trong những tài liệu khai quật được. Nhưng công nhận hay không công nhận điều này cũng không thể xem như lý do để chuyển sang đề tài chính trị. Càng không phải duyên cớ để các khu vực khác khoanh vùng để đòi lại… (đây là ý kiến từ phương Tây).
Nghiên cứu DNA do các trung tâm ở Thượng Hải, Côn Minh và Hoa Kỳ (Center for Genome Information, Department of Environmental Health, University of Cincinnati, Cincinnati, Ohio 45267, USA) chỉ ra rằng người Bắc Trung Hoa (Tây An và Bắc Kinh) và người Nam Trung Hoa (Quảng Châu, Thượng Hải) có cùng mẫu ADN.
Một ý kiến đáng chú ý từ nhóm thứ hai - chủ yếu gồm người Việt hải ngoại, kể cả những người di tản sau năm 1975, trong đó có cả người Việt gốc Hoa - không gặp phải phản kháng của nhóm thứ nhất: Việt là từ mà người Hoa Hạ gắn với thổ dân khu vực đông nam của Trung Hoa mà họ gặp phải. Định nghĩa khái lược này hợp với một địa bàn rất rộng ở Đông Nam Á… bao gồm ngoài đông nam Trung Hoa còn bao gồm Tây Nam nước này. Đông Nam Á xét về vị thế, Đông bắc Ấn Độ, các đảo trên Thái Bình Dương, và Madagascar. Dân này nói tiếng Austronesian, Tai-Kadai, Austroasiatic và Hmong-Mien (Mon-Khmer).
Ghi chú :
[1]Người dịch tổng hợp và chú thêm niên đại để người đọc tiện theo dõi. Chú thích trong bài là của ban biên tập Xưa & Nay. Chú thích của talawas để trong [].
[2]Theo một nguồn nữa, các bộ lạc không phải người Hán gồm: Hoa Di (thuộc bộ tộc Lô Lô) hay Xu và Việt ở phía đông, Khuyển Nhung ở phía tây, Di ở phía bắc, Pu, Khương và Man ở phía tây nam và phía nam.
[3]Theo một Website phương Tây được công nhận rộng rãi [?], nước Ngô cũng là một quốc gia của người Việt nằm ở nam Giang Tô và bắc Chiết Giang. Giới quý tộc của hai quốc gia này học tiếng Trung, thuận theo pháp luật Trung Hoa và học theo công nghệ quân sự Trung Hoa, phát triển giao thông thủy là chính, và nghề nuôi trồng thuỷ sản, chứ không chỉ làm thuần nông nghiệp. Hai nước này cũng nổi tiếng về nghề đóng tàu và tác chiến trên sông nước, cũng như nghề làm gươm. Vào thời Chiến Quốc, hai nhà nước Ngô và Việt, bắt đầu can thiệp mạnh hơn vào chính trường Trung Hoa. Năm 506 trCn, chiến tranh bùng nổ giữa Ngô và Việt, lúc ác liệt lúc lắng dịu trong suốt 30 năm sau. Tới năm 473 trCn, Việt Vương Câu Tiễn chiếm được Ngô, được các lân bang là Tề và Tấn công nhận. Năm 333 trCn, đến lượt Việt bị Sở thôn tính.
[4]Như khái niệm biên khu Việt-Quế được dùng khoảng giữa thế kỷ XX, bên kia biên giới là hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam.
[5]Được phương Tây xem là những nhánh của ở phương Nam có liên hệ với Hán tộc. Tuy nhiên, một trang Web thông dụng của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ phương Tây [?] cho rằng tiếng Phúc Kiến và Triều Châu là phương ngữ phụ trong tiếng Mân.
[6]Là một trong số các dân tộc mà người Hán coi là mọi rợ (Đông Di, Tây Nhung, Nam Man, Bắc Địch). Xin lưu ý ở trên có ý kiến của người Quảng Đông hiện đại thể hiện sự tự hào là người Đông Di.
[7][có thể ông LĐH nhầm. Sau khi Sĩ Nhiếp chết, năm 226, Đông Ngô đã chia Giao Châu ra làm hai châu: Quảng Châu gồm các quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô và Giao Châu gồm các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. và cử Sĩ Huy, con Sĩ Nhiếp làm thái thú Cửu Chân, nhưng Sĩ Huy không tuân lệnh mà dấy binh chiếm giữ Giao Chỉ. Thứ sử Giao Châu là Đái Lương và thứ sử Quảng Châu là Lữ Đại cùng hợp binh tiến đánh và giết chết mấy anh em Sĩ Huy. Khi đó Đông Ngô lại hợp nhất Quảng Châu với Giao Châu như cũ, phong Lữ Đại làm thứ sử Giao Châu, và đến năm 264 mới chia lại thành Quảng Châu (trị sở tại Phiên Ngung, nay là thành phố Quảng Châu) và Giao Châu (trị sở tại Long Biên). Giao Châu mới gồm có 6 quận: Giao Chỉ, Tân Xương, Vũ Bình, Cửu Chân, Cửu Đức và Nhật Nam, bao gồm miền Bắc Việt Nam cộng thêm khu vực Khâm Châu (thuộc Quảng Tây) ngày nay và bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông) ngày nay.
Lê Đỗ Huy lược thuật
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)