" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015
sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó...
Trong tâm lý học–xã hội học hiện đại, tồn tại một nghịch lý tuy không quá nổi tiếng nhưng lại rất đơn giản và dễ liên hệ bản thân. Mang cái tên khá ngộ nghĩnh “nghịch lý thùng táo” và nó được hiểu như sau: Bạn có một thùng táo. Trong ấy, có những quả còn tươi nguyên rất ngon lành, cũng có những quả đã chin nẫu, sắp thối hỏng. Dĩ nhiên, việc nên làm là vứt bỏ những quả táo cũ mềm nhũn ấy đi và tận hưởng táo tươi. Thế nhưng vì một lý do nào đó, người ta lại cứ cố ăn những quả táo cũ trước khi nó hỏng đi, và để dành những quả táo ngon lại… để rồi tới khi người ta tìm đến những quả táo ngon ấy thì đến lượt chúng cũng lại chín nẫu mất rồi.
Đó, nghịch lý nằm chính ở đó, trong vòng xoáy liên tiếp ấy của những con ngưới khốn khổ mãi lưu luyến quá khứ và quá dè sẻn cho tương lai.
Lẽ ra họ đã có thể được ăn những quả táo tươi ngon – hay như tổng giám đốc Brian Dyson của tập đoàn Coca-Cola đã nói: “Bạn chớ để cuộc sống của mình trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.” Lẽ ra họ đã có thể nâng cuộc sống của mình trong tay mà sống trọn vẹn hơn.
Có những người hẳn sẽ không đồng ý với điều này. Có những người chỉ đơn giản là không thể dứt bỏ quá khứ và “sự không đồng ý” của họ lúc này gần như là vô thức thôi. Khi người ta cứ ăn mãi những quả táo cũ hỏng của ngày hôm qua, thì khó có thể nói ấy là lý trí mách bảo người ta làm thế–đúng hơn là do nuối tiếc, do tội lỗi hay băn khoăn.
Những con người “đắm đuối trong quá khứ” thường là những con người đang tuyệt vọng cố gắng vá víu những lỗi lầm cũ và tìm cách thay đổi những thứ đã xẩy ra. Điều này không phải là hiếm thấy trong cuộc sống thường nhật, và ngay trong chính mỗi con người cho dù là người lạc quan nhất, cũng ẩn chứa đâu đó những giây phút chỉ muốn ngoái lại nhìn quá khứ. Đơn giản thôi: một học sinh có thể lỡ lầm một lần mà nhận về một bài kiểm tra điểm thấp, một nhân viên có thể vì một sai sót nhỏ do kém may mắn mà làm hỏng một dự án. Nếu biết nhìn những lỗi lầm và rút kinh nghiệm, học sinh này, nhân viên này sẽ có thể tự hoàn thiện bản thân, từ đó tiến xa hơn trên đường đời. Nhưng, nếu chỉ mải nhìn quá khứ, nếu cứ đau khổ vì một lần điểm thấp và ủ dột trên một dự án bất thành, thì không những họ không thay đổi được gì, mà sẽ còn phí thời gian của hiện tại, và đánh mất cả sự tự tin của bản thân cho sau này. Hoặc cũng có những người không cố gắng thay đổi quá khứ, mà, ngược lại, họ sống trong đó, sống trong những vinh quang đã hết và nhai lại những giờ phút huy hoàng đã qua. Sống như vậy thực sự cũng không khác mấy sống trong một thế giới của tưởng tượng.
Tôn quá khứ lên mà phủ nhận cái đẹp của hiện tại thì cũng tệ không kém gì để bản thân bị quá khứ giày vò.
Có những người không đắm mình trong quá khứ nhưng cũng lại không đồng ý với lời nói của ông Brian Dyson. Đây là những người có lý trí hơn. Họ hẳn sẽ kêu lên “Ôi thôi, con người đã sống là phải nhìn xa thật xa về tương lai chứ, sao có thể chỉ sống cho hiện tại?!” Họ là những con người luôn luôn quá ư lo lắng tính toán cho một cái đích đến nào đó ở xa tít tắp, lo lắng tới nỗi đôi khi quên mất cả những mục tiêu gần. Những người lo xa này để dành táo ngon cho ngày mai mà hầu như quên mất rằng: táo để rồi sẽ hỏng. Một ví dụ rất dễ hiểu thôi: một ông bố cật lực làm việc để dành dụm tiền cho con mình sau này học đại học tới nỗi không có cả thời gian dành ra cho con, trong khi đứa bé ấy còn chưa đi học. Người Pháp có câu “Que sera, sera” (cái gì phải đến rồi sẽ đến), còn dân gian cũng có nhắc: “Người tính không bằng Giời tính”.
Có ai biết được tương lai sẽ mang đến cho ta cái gì? Đứa bé mẫu giáo kia thiếu thốn tình yêu thương gần gũi của bố, liệu có nên người, hay lại lêu lổng từ cấp II, cấp III để rồi chẳng những không thể vào được đại học mà còn phạm nhiều sai lầm lớn hơn? Chuẩn bị cho tương lai là điều nên làm, nhưng quá lo xa sẽ chỉ đánh mất hiện tại mà thôi. Mà nếu đã mất hiện tại, thì làm sao có thể có tương lai?
“Sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc” xem ra là một lời khuyên vô cùng đáng giá. Sống từng khoảnh khắc nghĩa là sống để mà tận hưởng hiện tại và cống hiến chính hiện tại ấy, đơn giản như vậy thôi. “Tận hưởng” – có lẽ nói đến hai chữ này ai cũng nghĩ tới nhà hàng sang trọng hay du thuyền bạc tỉ, nhưng không phải thế. Tận hưởng hiện tại đôi khi chỉ là cho phép bản thân được thảnh thơi ngắm những tia nắng chiếu qua kẽ lá xanh mướt, là dành mươi phút cuối tuần nướng một chiếc bánh cho chính mình, là để ra một khoảng ngắn sau bữa trưa để ngủ một giấc thay vì lao vào tiếp tục công việc. Hay, thi vị hơn một chút, ta có thể nghĩ tới tận hưởng như cách mà nhà thơ Xuân Diệu đã âu yếm lấy mùa xuân tuổi trẻ trong “Vội vàng”:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn…”
– Xuân Diệu
để cho bản thân được cảm nhận và thu về những giây phút đẹp đẽ của hiện tại. Thế còn, “cống hiến” cũng không phải là thứ gì nặng nhọc hay khổ sai. Cống hiến chỉ đơn giản là làm hết sức mình trong mọi công việc mình đã nhận, với sự lạc quan về một kết quả tốt đẹp, và chính cả sự tận hưởng niềm vui được làm người có ích. Steve Jobs, nhà sáng lập của Apple, đã sống hàng chục năm với căn bệnh ung thư tuyến tụy, mỗi sang thức dậy, ông đều tự nhủ “hãy làm việc hết mình, vì ngày hôm nay có thể là ngày cuối cùng”. Đó chính là cống hiến. Và sống như vậy, mỗi ngày ta sống đều đầy ý nghĩa khi mà ta sống cho bản thân và cho cộng đồng. Sống như thế, không là gì khác ngoài “sống trọn vẹn từng ngày.”
Tuy nhiên có một vế rất quan trọng của bài diễn thuyết ngắn gọn của Brian Dyson mà ta không nên bỏ quên. Ông đã nói, ngay mở đầu, rằng, “Cuộc đời giống như trò chơi tung hứng” (lược dịch). Ông so sánh sự nghiệp, gia đình, và tình yêu với những quả bóng, mà để rơi quả nào là quả ấy sẽ hỏng sẽ vỡ, hoặc sẽ nảy đi mất. Như vậy, cái tối quan trọng ở đời là sống cân bằng. Ai đó ngoài kia sẽ hiểu “sống hết mình trong từng khoảnh khắc” là phó mặc đời mình cho cuộc đời này đưa đẩy, là dứt mình khỏi quá khứ và lao vào tận hưởng hiện tại chỉ nhằm thỏa mãn bản thân. Sống như thế không phải sống hết mình – mua những vật dụng đắt tiền không cần thiết, tìm ăn của ngon vật lạ đến cả những sinh vật nằm trong sách đỏ, mặc cho nợ nần chồng chất, mặc cho bản thân có khiến ai đau khổ, đó không phải là sống hết mình. Đó, thậm chí, còn chẳng phải là “sống” theo cách một con người sống. Hiểu một câu nói là phải cân bằng, giống khi sống một cuộc đời vậy.
Như vậy cuộc sống của bạn sẽ không trôi qua kẽ tay mà đi mất, nếu như bạn sống cho hiện, lo lắng cho vừa đủ tương lai và đặt quá khứ ở đúng vị trí của nó trong lòng mình. Vứt những quả táo cũ hỏng đi, để dành những quả còn xanh, ăn những quả chin đỏ, và chia sẻ một phần táo ngon cho người bạn tốt của mình.
Thùng táo của bạn không hoàn hảo, nhưng nó là của bạn, và đó mới là điều quan trọng.
—
* Vương Thu Trang
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét