Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Nếu từ trường Trái Đất suy sập?



Từ trường của Trái đất là điều tuyệt vời của tạo hóa, là mảnh ghép cuối cùng giúp sự sống sinh sôi nảy nở trên Trái đất. Nếu không có từ trường, chắc chắn mọi sinh vật đã không thể tồn tại đến ngày nay. Nhưng thực tế cho thấy từ trường đang suy yếu. Vậy nếu một ngày nào đó tấm lá chắn này biến mất, thì điều kinh khủng gì sẽ xảy ra?
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc từ trường Trái đất từ đâu mà có và hình dáng của nó như thế nào, tại sao lại có thể bảo vệ cho các sinh vật sống trên Trái đất. Tất cả là nhờ cấu tạo lõi Trái đất, cũng giống như lõi của nhiều hành tinh khác.


Từ trường được tạo ra nhờ cấu tạo bên trong lõi của Trái đất.

Nó có một lõi trong cùng là kim loại ở thể rắn và lớp tiếp theo là kim loại ở thể lỏng, ngoài cùng của phần lõi là lớp đá nóng chảy giống như nhựa đường.
Chính sự chệnh lệch về nhiệt độ giữa lớp lõi bên trong và lớp bao phủ bên ngoài đã biến Trái đất trở thành một cục nam châm khổng lồ. Từ sự chênh lệch về nhiệt độ rất lớn (khoảng 2.700 độ trở lên) sẽ gây ra hiện tượng “chuyển động nhiệt”, tạo ra dòng điện và từ đó tạo ra từ trường.


Từ trường tạo nên một tấm lá chắn vô hình bảo vệ chúng ta khỏi những điều khủng khiếp ngoài vũ trụ.

Tuy nhiên do có phần lõi ở thể lỏng, nó luôn dịch chuyển và cũng khiến cho từ trường của Trái đất không cố định về sức mạnh cũng như hướng. Trên thực tế từ trường của Trái đất luôn đảo chiều theo chu kỳ vài trăm nghìn đến vài triệu năm một lần. Và mỗi lần như vậy nó khiến cho từ trường suy yếu và gần như biến mất, để lại những hậu quả khủng khiếp.
Mất phương hướng
Không chỉ có con người mới xác định phương hướng dựa vào từ trường Trái đất, bằng cách sử dụng la bàn. Nhiều loài động vật như chim, rùa biển, ong mật, cá hồi … cũng có khả năng xác định phương hướng bằng từ trường. Chúng có một cơ chế gọi là "magnetoreceptors".


Nhiều loài chim sẽ chết do không tìm được đường đến nơi di cư.

Chúng sử dụng khả năng này để di cư khi mùa đông đến, hay tìm về nơi đẻ trứng. Do đó nếu từ trường Trái đất biến mất, các loài động vật này sẽ gặp phải một vấn đề nghiêm trọng. Đó là không xác định được phương hướng, chúng sẽ lạc đường và không thể tìm đến nơi di cư hay duy trì nòi giống nữa. Nhiều loài động vật sẽ tuyệt chủng và kéo theo rất nhiều sự ảnh hưởng khác đến tự nhiên.
Không một thiết bị điện - điện tử nào có thể hoạt động
Toàn bộ các vệ tinh, mạng lưới điện và các thiết bị điện tử trên toàn thế giới sẽ bị phá hủy bởi một cơn bão Mặt Trời nhỏ nhất, nếu không có tấm lá chắn từ trường. Các hạt năng lượng cao từ một cơn bão Mặt Trời sẽ bắn phá trực tiếp vào các vệ tinh đầu tiên, khiến cho hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn.


Hệ thống vệ tinh liên lạc sẽ "gục ngã" đầu tiên trước một cơn bão Mặt Trời, tiếp đến là mạng lưới điện và các thiết bị điện tử.

Tiếp đến sẽ là mạng lưới điện, các hạt năng lượng cao này sẽ khiến toàn bộ đường dây và mạng lưới điện trở nên quá tải. Không có điện và các thiết bị liên lạc vệ tinh, cả thế giới sẽ bị chia cắt và chìm trong bóng tối. Điều đáng sợ nhất là chúng ta không biết điều gì sắp xảy đến tiếp theo.
Tia vũ trụ và bức xạ Mặt Trời
Từ trường của Trái đất tạo nên một tấm lá chắn vô hình, giúp bảo vệ chúng ta khỏi các tia vũ trụ và bức xạ chết người. Sự ánh hưởng của các tia sáng này đến cơ thể chúng ta là rất khủng khiếp. Nếu nhìn trực tiếp bằng mắt thường vào các tia sáng năng lượng cao này có thể khiến tổn thương mắt, dẫn đến mù lòa.


Tia vũ trụ và bức xạ Mặt Trời sẽ giết chết toàn bộ sinh vật trên Trái đất.

Tuy nhiên đó chỉ là mức nhẹ nhất. Khi tiếp xúc với các hạt năng lượng cao này, tế bào của chúng ta có thể bị phá hủy, dẫn tới ung thư và nhiều căn bệnh khác trên khắp thế giới. Không chỉ có con người mà mọi sinh vật sống đều bị tác động dưới bức xạ Mặt Trời và tia vũ trụ. Đó sẽ là một dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới mà không có cách nào ngăn cản. Cuối cùng sẽ là dấu chấm hết của các sinh vật sống trên Trái đất.
Trái đất sẽ trở thành như sao Hỏa
Ảnh hưởng khủng khiếp nhất chính là bầu khí quyển của Trái đất sẽ biến mất, bức xạ Mặt Trời xuyên qua bầu khí quyển sẽ khiến nhiệt độ mặt đất tăng cao, đại dương bốc hơi. Kết quả là Trái đất sẽ biến thành một sao Hỏa thứ hai.


Gió Mặt Trời sẽ thổi bay khí quyển và biến hành tinh xanh trở nên cằn cỗi như sao Hỏa.

Trước đây, có thể sao Hỏa cũng là một hành tinh có bầu khí quyển và các đại dương đầy nước. Thế nhưng từ trường của nó đã biến mất cách đây hàng tỷ năm. Khiến cho bầu khí quyển không còn được bảo vệ, gió vũ trụ từ các cơn bão Mặt Trời thổi đến và khiến cho khí quyển của hành tinh này bị thổi bay vào không gian.
Nhiệt độ tăng cao do ánh sáng Mặt Trời chiếu trực tiếp xuống bề mặt, đại dương bốc hơi. Nhưng hơi nước này cũng nhanh chóng bị cuốn vào không gian, khiến cho không thể có mưa. Khí hậu trở nên khô cằn và sự sống bắt đầu biến mất.
Nếu một ngày nào đó từ trường của Trái đất bị suy yếu hay biến mất, rất có thể hành tinh xanh của chúng ta sẽ biến thành một sao Hỏa thứ hai.
Lá chắn từ trường của Trái đất đang suy yếu dần
Từ trường của Trái đất từ lâu vẫn là tấm lá chắn giúp bảo vệ bầu khí quyển và các loài sinh vật khỏi tác động trực tiếp của các tia bức xạ Mặt Trời. Tuy nhiên tấm lá chắn này đang suy yếu dần và đe dọa đến sự sống của các sinh vật trên Trái đất.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu bức xạ Mặt Trời tăng gấp đôi, nó có thể gây ra bệnh ung thư và khiến nhiều loài sinh vật chết, trong đó có cả con người. Tác động của các cơn bão Mặt trời đến mạng lưới điện tử cũng sẽ nguy hiểm hơn trước đây.





Ngoài ra khí hậu của Trái đất cũng có thể bị thay đổi, một nghiên cứu khoa học mới đây tại Đan Mạch cho thấy thời tiết của Trái đất bị ảnh hưởng đáng kể bởi từ trường. Các nhà khoa học cho rằng sự thay đổi của các tia vũ trụ có ảnh hưởng đến số lượng các đám mây bao phủ Trái đất.
Tuy nhiên với việc những cơn gió Mặt Trời xuất hiện nhiều hơn, chúng ta sẽ thấy dấu hiệu rõ ràng nhất đó chính là xuất hiện nhiều hiện tượng Cực quang hơn. Và các cực quang này có thể nhìn thấy ở nhiều nơi khác ngoài hai vùng Bắc cực và Nam cực.


Từ trường Trái đất có tác dụng vô cùng quan trọng.
Các nhà khoa học thông qua hệ thống vệ tinh Swarm, bao gồm các vệ tinh có nhiệm vụ nghiên cứu từ trường Trái đất, để phát hiện ra sự suy yếu này. Kết quả này sẽ sớm được công bố tại Đại hội lần thứ 26 của Liên minh Quốc tế về đo đạc và địa vật lý, diễn ra vào tháng 7 tới. Đồng thời sẽ thu nhận ý kiến đóng góp và các biện pháp ngăn chặn sự suy yếu của từ trường Trái đất.


Khi từ trường của Trái đất đảo chiều?
- Từ trường đảo chiều là hiện tượng đã từng xảy ra trên Trái đất và là một phần của quá trình phát triển một hành tinh. Nó sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai.
- Có nhiều giả thuyết về việc từ trường đảo chiều làm suy yếu khả năng bảo vệ khỏi các bức xạ Mặt trời, làm thay đổi các lục địa dẫn tới sự diệt vong.
- Trên thực tế, hiện tượng từ trường đảo chiều có thể gây ra nhiều ảnh hưởng, nhưng nó không thể làm cho Trái đất bị hủy diệt.
Thế giới có thể bị hủy diệt theo nhiều cách khác nhau, có thể do thảm họa động đất, sóng thần, hay do thiên thạch va vào Trái đất, tuy nhiên cũng có nhiều người nói rằng thế giới sẽ bị diệt vong khi mà từ trường của Trái đất đảo chiều. Đó là lúc mà cực Bắc di chuyển về phía Nam và ngược lại, các lục địa bị đảo lộn, bức xạ vũ trụ gây ra sự biến đổi trên các loài vật và dẫn tới sự diệt vong.
Tuy nhiên nếu lật lại lịch sử của Trái đất, chúng ta sẽ thấy trong quá khứ đã từng có nhiều lần hai cực Trái đất bị đảo chiều. Đó không phải là điều kỳ lạ, mà là một quá trình tự nhiên của bất kỳ hành tinh nào, ngay cả Mặt Trời cũng vậy. Cho đến nay, từ trường của Trái đất vẫn đang di chuyển và các cực đang có xu hướng đổi vị trí cho nhau, tuy nhiên đây là một quá trình kéo dài hàng trăm nghìn đến cả triệu năm. Do đó mà hiện tại chúng ta vẫn không thể cảm thấy sự thay đổi rõ rệt.





Theo các nhà khoa học tại NASA, lần cuối cùng từ trường của Trái đất đảo chiều tính đến nay khoảng 780.000 năm trước, trong một quá trình mà các nhà khoa học gọi là “nghịch chuyển Brunhes-Matuyama”. Các nhà khoa học biết được điều này nhờ những bằng chứng dưới đáy biển, đó là các trầm tích của những dòng chảy dung nham. Những bằng chứng này cho thấy hai cực của Trái đất lúc đó hoàn toàn ngược lại so với vị trí bây giờ.
Như vậy hiện tượng từ trường của Trái đất bị đảo chiều đã từng xảy ra trong quá khứ và chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong tương lai sắp tới. Nhưng liệu nó có gây ra sự hủy diệt như lời đồn đại hay không? Qua các hóa thạch của động vật và thực vật, các nhà khoa học tin rằng sinh vật trên Trái đất trong khoảng thời gian “nghịch chuyển Brunhes-Matuyama” không có nhiều sự biến đổi. Hay nói cách khác chúng không bị tác động bởi các bức xạ vũ trụ hay những thứ tương tự.





Trên thực tế, từ trường của Trái đất giúp bảo vệ chúng ta khỏi những hạt điện tích bắn phá từ các vụ nổ bức xạ Mặt Trời. Trong khi đó, quá trình đảo chiều từ trường sẽ gây ra một số hỗn loạn khiến từ trường của Trái đất bị suy yếu. Và về lý thuyết nó sẽ làm giảm khả năng bảo vệ và khiến bầu khí quyển bị ảnh hưởng bởi những hạt điện tích bắn phá này, thậm chí có thể gây ra những lỗ thủng ozone. Từ đó khiến cho các loài sinh vật bị ảnh hưởng bởi tia cực tím, có thể dẫn tới nhưng đột biến hay thậm chí bị tuyệt chủng.


Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự tuyệt chủng của một số loài sinh vật có liên quan đến những đột biến do bức xạ hay tia cực tím. Do đó mà họ tin rằng cho dù từ trường của Trái đất bị suy yếu nhưng nó vẫn đủ sức bảo vệ bầu khí quyển của chúng ta trong hàng triệu năm qua. Mặc dù vậy điều đáng lo ngại là mức độ ảnh hưởng của những cơn bão Mặt Trời đối với hệ thống thiết bị điện tử sẽ tăng rất cao. Thậm chí nó có thể là sự sụp đổ hoàn toàn của mạng lưới điện trên toàn thế giới, theo đánh giá của các nhà khoa học.
Thông qua những hóa thạch và trầm tích, các nhà khoa học thấy rằng không có sự thay đổi đặc biệt nào về địa chất trong quá trình đảo cực của từ trường Trái đất. Đó cũng là bằng chứng cho thấy không có sự chuyển dịch hay thay đổi của các lục địa, cũng không có các thảm họa như núi lửa hay động đất trong thời kỳ này. Với những bằng chứng này, các nhà khoa học cũng khẳng định sự đổi chiều của từ trường không làm ảnh hưởng đến trục quay và chiều quay của Trái đất.





Mặc dù hiện tượng này có thể không gây ra sự tuyệt chủng cho các loài sinh vật và con người, nhưng nó vẫn gây ra những ảnh hưởng lớn đến các loài động vật, mà đặc biệt là những loài sử dụng từ trường để xác định phương hướng như chim và rùa biển. Một con rùa biển có khả năng xác định chính xác cường độ từ trường tại một vị trí nào đó, ví dụ như nơi mà nó được sinh ra. Chính vì thế mà khi lớn lên, những con rùa biển có thể bơi đi khắp các đại dương trên thế giới, nhưng đến mùa sinh sản, nó vẫn có thể trở về đúng nơi mà nó sinh ra nhờ lần theo từ trường.
Mặc dù chúng ta chưa thể hiểu rõ về cách thức chúng xác định phương hướng bằng từ trường. Nhưng các nhà khoa học dự đoán rằng nếu từ trường Trái đất thay đổi một cách quá đột ngột, có thể dẫn đến việc mất phương hướng của những loài vật này. Có thể chúng sẽ chết khi cứ lần theo dấu của từ trường cũ mà không thể đến được nơi cần đến.





Còn đối với con người, việc đảo cực có thể dẫn đến những hỗn loạn trong từ trường tại một số khu vực mà gây ra ảnh hưởng với các thiết bị xác định phương hướng của chúng ta, như radar. Điều này có thể dẫn đến việc những con tàu hoặc máy bay bị mất phương hướng và dẫn đến những vụ mất tích đầy bí ẩn trong quá khứ. Tam giác quỷ Bermuda chính là một trong những nơi như vậy, người ta vẫn đặt ra giả thuyết rằng từ trường ở đây không ổn định khiến cho máy bay và tàu thuyền bị mất phương hướng và mắc kẹt.


Đó vẫn chỉ là những giả thuyết của chúng ta. Tuy nhiên có một sự thật đó là từ trường của Trái đất đang trong quá trình suy yếu kéo dài 400 năm. Hai cực của Trái đất cũng luôn di chuyển theo hướng ngược nhau, khoảng 53 độ mỗi năm. Do đó các nhà khoa học dự báo quá trình đảo chiều của từ trường Trái đất đang diễn ra nhanh hơn và trong tương lai chúng ta sẽ phải lập lại bản đồ, với cực Nam ở trên và cực Bắc ở dưới. Tin vui là cho dù hiện tượng này có xảy ra, nó sẽ chỉ gây ra những xáo trộn nhỏ trên Trái đất và hoàn toàn không gây ra những hậu quả nghiêm trọng như làm Trái đất bị hủy diệt.
Tham khảo: universetoday, livescience

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét