Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Lịch sử Việt Nam qua con mắt người nước ngoài






Sự hình thành cơ cấu chính trị Đại Việt


Lê Quỳnh


Bộ hai quyển “The Cambridge History of Southeast Asia”, do đại học Cambridge xuất bản năm 1992, có bao gồm bài viết của Keith Taylor, giáo sư môn lịch sử Việt Nam ở ĐH Cornell, Hoa Kỳ.

Bài này nhan đề “The Early Kingdoms” (Các vương quốc thời kì đầu), nằm trong chương Ba của tập sách. Bài viết khái quát sự hình thành các vương quốc Chămpa, Angkor, Pagan, Ayutthaya, Srivijaya, Majapahit và Việt Nam.

Sự đáng chú ý trong tiểu luận của Keith Taylor không nằm ở các chi tiết niên đại hay các trận đánh (vốn chỉ được nói lướt qua), mà ở các nhận định về sự biến đổi trong cơ cấu chính trị cũng như nhận thức của người Việt về cách thức trị quốc.

Những ghi chép lịch sử về Đông Nam Á bắt đầu với sự xuất hiện của những người lính và quan lại Trung Quốc dọc đường biển Nam Trung Hoa vào khoảng cuối thế kỷ thứ ba trước Công nguyên.

Khu vực mà các viên chức Trung Hoa có nhiệm vụ ghi chép tư liệu chạm trán trực tiếp nhiều nhất nằm ở đồng bằng sông Hồng, ở nơi ngày nay là miền bắc Việt Nam. Các đoàn quân nhà Hán chinh phục khu vực này vào thế kỷ thứ nhất và, đến cuối thế kỷ thứ ba, các cố gắng của những người điều hành biên giới Trung Quốc và các đại tộc địa phương đã tạo ra một thực thể cấp tỉnh tương đối ổn định, nhạy cảm trước quyền lợi đế quốc Trung Quốc đồng thời đại diện cho một hệ thống quyền lực địa phương có khả năng giành thế chủ động đại diện cho các quyền lợi của chính nó khi đế chế Trung Hoa rơi vào thế yếu hoặc đang trong quá trình chuyển tiếp.

Ban đầu

Trong thế kỷ thứ sáu, các lãnh đạo địa phương chống lại sự chiếm đóng của các triều đại Trung Quốc suy thoái, nhưng đến đầu thế kỷ thứ bảy họ không có sự chống đỡ hiệu quả nào trước sự hiện diện của các nhà Tùy và Đường. Trong hai thế kỷ bảy và tám, các quan nhà Đường thành lập An Nam Đô hộ phủ ở miền Bắc Việt Nam. Đô hộ phủ là một dạng khu vực có tổ chức ở vùng biên giới tạo ra cho các khu vực chiến lược xa xôi mà cư dân là những người không phải dân Trung Quốc. Việc thiết lập An Nam Đô hộ phủ đi kèm với việc thâu thập, sát nhập giai cấp thống trị địa phương vào hệ thống phân tầng quan chức của đế chế. Chừng nào thế lực nhà Đường còn mạnh, khu vực này vẫn tương đối bình yên. Nhưng cuối thế kỷ tám và thế kỷ chín là giai đoạn bất ổn chính trị, với những thế lực địa phương tranh giành quyền lãnh đạo với tư cách là người ủng hộ hoặc chống đối chế độ nhà Đường mà ngày càng trở nên yếu kém; đến cuối thế kỷ Chín, triều đình Trung Quốc đã suy giảm ảnh hưởng đến mức chỉ còn đưa quân tiến vào khu vực với mục đích duy trì sự toàn vẹn biên giới mà thôi.


Một số bài viết của Keith TaylorSách:The Birth of Vietnam (1983)

Bài viết:1. Authority and Legitimacy in 11th Century Vietnam (1986)2. Nguyen Hoang and the Beginning of Vietnam’s Southward expansion (1993)3. China and Vietnam: Looking for a new version of an old relationship (1993)4. Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region (1998)5. A Southern Remembrance of Cao Bien (1999)

Một sự phát triển quan trọng trong giai đoạn nhà Đường là việc địa điểm mà ngày nay là Hà Nội trở thành trung tâm chính trị của các vùng đất của người Việt. Trước đó, những trung tâm chính trị đầu tiên tại đồng bằng sông Hồng mà ta còn biết đến nằm dọc rìa tây bắc và phía bắc của đồng bằng; đến thế kỷ thứ Bảy, việc định cư ở đồng bằng đã đạt tới mức Hà Nội trở thành trung tâm quyền lực.

Trong thế kỷ Mười, sau sự sụp đổ của nhà Đường, các cố gắng của những người thuộc lớp cai trị ở Việt Nam muốn thành lập chế độ quân chủ đã thất bại, mặc dù có chiến thắng trước đoàn quân Nam Hán năm 939. Đến thập niên 960, đội quân nông dân do Đinh Bộ Lĩnh lãnh đạo, từ đại bản doanh ở Hoa Lư, áp đặt một trật tự tương đối tại khu vực.

Các vị vua người Việt trị vì tại Hoa Lưu từ thập niên 960 đến 1009 khẳng định sự lãnh đạo đối với các địa phương có người Việt và giành được sự công nhận của Trung Quốc đối với uy quyền khu vực của họ. Hai thành tựu này là những điều kiện căn bản để thành lập một thực thể chính trị của người Việt, tuy vậy, chúng chưa đủ, và sự lãnh đạo của Hoa Lư chỉ là chuyển tiếp. Trong thập niên 960, Đinh Bộ Lĩnh giành uy thế quân sự tại miền Bắc Việt Nam, đè bẹp tham vọng của nhiều đối thủ; năm 980-1, Lê Hoàn đánh bại đội quân viễn chinh nhà Tống, và vì thế giành được sự công nhận của Trung Quốc như một chư hầu. Tuy vậy tất cả chủ yếu là các thành tựu quân sự. Chính các nhà sư Phật giáo, phục vụ các chiến binh Hoa Lư, đã biến các thành tựu quân sự này thành những thành tựu ngoại giao lâu dài.

Các nhà sư hiểu rằng thành tựu của Hoa Lư là bấp bênh bởi vì các vị vua Hoa Lư cai trị chủ yếu qua sự đe dọa dùng bạo lực, và cứ mỗi vị vua qua đời lại kéo theo một cuộc chiến giành ngôi. Các nhà sư trở nên không thể thiếu với tư cách là những người có học có thể giao tiếp với Trung Quốc và là người huy động lao động, của cải, và dư luận có lợi tại các khu vực đông dân nhất ở đồng bằng sông Hồng. Họ thấy thành tích quân sự của Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn sẽ không kéo dài nếu thiếu các thành tựu tương ứng trong tổ chức chính trị và phát triển văn hóa. Họ cũng thấy loại quyền lực ở Hoa Lư, hạn chế bởi tâm tính hiếu chiến, sẽ không thể đạt đến các mục tiêu này. Sử dụng khả năng thuyết phục, đưa các đồ đệ vào những vị trí quan trọng, và định hình dư luận, các vị sư cuối cùng đã thành công trong việc chuyển giao quyền lực tương đối êm ả sang cho một phe cánh mà có lẽ hoặc đã liên minh với các lãnh đạo Phật giáo hoặc đơn thuần là một cánh thế tục của Phật giáo.

Lý Công Uẩn sinh năm 974; được các vị sư nuôi dạy, ông có tiếng là một Phật tử sùng đạo, và là một người lính. Khi một vị vua mất lòng người qua đời ở Hoa Lư năm 1009, ông đang là chỉ huy cấm vệ quân. Được người bảo trợ, sư Vạn Hạnh, khuyên và giúp sức, cộng sự hỗ trợ của tầng lớp lãnh đạo Phật giáo, ông được đưa lên làm vua và vào năm 1010, chuyển thủ đô về nơi từng là trung tâm hành chính dưới thời Đường, đổi tên địa điểm là Thăng Long, vây quanh là các chùa chiền và đồng lúa của đồng bằng sông Hồng.

Trong 19 năm trị vì (1009-28), Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) dường như ấp ủ ba mối quan tâm. Trong những năm đầu, ông xây thủ đô, tổ chức hệ thống thuế, và dẫn quân hướng về biên giới phía bắc và nam, dập tắt các phe phản loạn và người vùng núi. Sau khi đã thiết lập quan hệ phù hợp với các quyền lực trên mặt đất, ông tỏ ra quan tâm việc thiết lập quan hệ với các quyền lực siêu nhiên. Ông bảo trợ cho đạo Phật và các tục thờ địa phương, và như thế đã nuôi dưỡng nền tảng văn hóa cho sự cai trị của mình. Trong những năm cuối đời, ông có vẻ rút khỏi việc triều chính để tu tâm và chuẩn bị cho ngày qua đời. Ông giao quyền lực cho những người con có tài, đặc biệt là thái tử Lý Phật Mã.





Có nhiều bằng chứng cho thấy Lý Công Uẩn quan tâm ý niệm phục hồi quan hệ hòa hợp giữa người cai trị với con dân, và giữa người cai trị với quyền lực siêu nhiên. Ông chỉ trích các vị vua Hoa Lư đã bỏ qua “ý trời”, “làm khổ nhân dân”. Ông ưa thích thời đại vàng son của nhà Thương-Chu khi nhà vua vâng ý trời và ý dân, và ông quyết tái lập sự hòa hợp đó dưới triều đại mình. Ông được nhớ đến như một người vừa quan tâm tôn giáo lại vừa xót thương nhân dân. Ông liên tục bỏ qua các khoản nợ thuế hoặc miễn thuế.

Các nhà viết sử Việt Nam nhớ đến ông như người đã “đem hạnh phúc nhân dân” và “có viễn kiến cho một triều đại lâu dài”. Mặc dù ông hăng hái tiến quân dọc các đường biên giới, đánh dẹp “phản loạn” và thành lập quan hệ cống nạp, ông có vẻ đã dung thứ cho các đặc quyền của các phe nhóm địa phương miễn là họ trung thành. Điều này chắc chắn là một cải thiện ‘hạnh phúc’ cho những phe nhóm địa phương khi so với chính thể cứng rắn Hoa Lư. Có vẻ Lý Công Uẩn không phải là một cá tính thật mạnh mẽ, và ông chịu nhiều ảnh hưởng của người thấy Vạn Hạnh, người qua đời trước ông chỉ ba năm. Tuy vậy, ông thực thi vai trò được giao của mình với tài năng rõ rệt, và vị trí của ông trong lịch sử cũng tăng cùng với bước tiến của triều đại mà ông sáng lập.

Lý Phật Mã

Lý Phật Mã (Lý Thái Tông, trị vì 1028-54) sinh năm 1000 và đã được chuẩn bị cẩn thận để lên làm vua. Nhiều điềm báo được gán cho lúc ông sinh ra và trưởng thành, để nói ông có một định mệnh của riêng mình chứ không đơn thuần là người kế vị cha. Thành tựu của ông là tạo ra các định chế cho triều Lý, và ông được xem là vị vua vĩ đại nhất của triều Lý cũng như là một trong những vị vua giỏi nhất trong lịch sử Việt Nam. Nghiên cứu 26 năm cai trị của ông cũng có thể xem là nghiên cứu về tiến trình phát triển của một bộ óc thông minh, phức tạp. Hơn bất kì vị vua nào khác của Việt Nam thời kì đầu lịch sử, Lý Phật Mã được các nguồn sử liệu thể hiện như một nhân cách sống động tranh luận với các cố vấn, và quan hệ giữa họ là một quan hệ khuyế́n khích lẫn nhau. Nếu Lý Công Uẩn chỉ sử dụng một niên hiệu trong những năm trị vì, Lý Phật Mã sử dụng sáu niên hiệu, mỗi cái thể hiện một giai đoạn trong sự phát triển tri thức của ông và một phong cách lãnh đạo tương ứng.

Trong năm năm cai trị đầu tiên, Phật Mã tương đối phụ thuộc vào các cận thần có từ thời cha mình. Ông chứng kiến họ dập tắt cuộc nổi loạn của hai người anh muốn tranh ngôi, và dẫn đầu đoàn quân chống lại người anh phản loạn thứ ba tại Hoa Lư. Sau khi việc nối nghiệp đã chắc chắn, ông giám sát việc bổ nhiệm quan chức, tái tổ chức lực lượng cấm vệ quân, và cải tổ lực lượng sư sãi – đây là ba trong số bốn cột trụ chính tại thủ đô, cột trụ thứ tư là vai trò của các phụ nữ trong cung. Bên cạnh việc tham gia các lễ lạt phải có của một vị vua, ông còn dẫn quân bình định biên giới phía nam và bắc. Ông tỏ ra mình có khả năng, nhưng không thể hiện rõ cá tính của riêng mình.

Năm 1034, ông đổi niên hiệu và trong năm năm kế tiếp, thể hiện một phong cách cai trị đậm màu cá nhân mà đôi khi làm kinh ngạc và xúc phạm các cận thần. Ông sai các quan khi tâu việc trước mặt vua thì gọi vua bằng danh xưng tâng bốc hơn. Ông bỏ qua quy tắc và đưa một người thiếp lên làm hoàng hậu, vì vậy khơi nên một cuộc làm loạn mà bị ông dập tắt. Ông tổ chức lại việc quản lý vùng biên giới và xây thuyền vượt biển. Ông bỏ qua lời can gián của các quan mà tự mình cầm cày cày ruộng làm gương cho thiên hạ. Năm 1039, khi bày tôi khuyên ông đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu Đạo, ông tranh luận gay gắt với họ và chỉ khi họ đã nài ép, ông mới nhượng bộ mà nghe theo. Trong những năm này, Phật Mã thường đi trước các cận thần, và không chịu thụ động chấp nhận lời khuyên của họ.

Cuộc tranh luận năm 1039 xoay quanh việc một chế độ tốt thì là kết quả của phẩm chất lãnh đạo cá nhân hay của sự tuân theo các quy tắc định sẵn. Phật Mã nhấn mạnh một triều đình tốt phụ thuộc nỗ lực của riêng ông với tư cách quân vương. Còn các cận thần có vẻ muốn hàn gắn sự khập khiễng giữa phong thái lãnh đạo sôi nổi của vị quân vương và bộ máy lộn xộn mà ông đang dẫn dắt. Việc họ nêu lên vấn đề thay niên hiệu là cách để thu hút sự chú ý của Phật Mã. Có vẻ Phật Mã dần hiểu ra ý này của các cận thần và tiếp sau đó là giai đoạn xây dựng thể chế, quan tâm đến luật pháp và tổ chức.


Thời kì cai trị dưới niên hiệu Minh Đạo, mặc dù ngắn ngủi (1042-4), nhưng lại quan trọng bởi vì vào lúc này khả năng lãnh đạo của Phật Mã đã đi cùng với bộ khung thể chế hỗ trợ cho ông. Các định chế được lập ra đủ khả năng chịu sức nặng của một ‘bàn tay sắt’. Hoạt động chính trong thời kì Minh Đạo là sự chuẩn bị cho cuộc hành quân dài 950 kilômét bằng đường biển hướng về thành phố của vua Chàm. Cuộc chinh phục Chămpa năm 1044 này, do Phật Mã đích thân dẫn dắt, là một thành công lớn. Phật Mã trở về với nhiều chiến lợi phẩm, mở đầu một thời kì thịnh trị.

Một niên hiệu mới đặt ra năm 1049, đánh dấu việc Phật Mã bắt đầu tuổi cao sức yếu và dựa nhiều hơn vào các lễ nghi nhà nước. Thời kì này chứng kiến cuộc nổi loạn của một chư hầu biên giới phía bắc và việc phát hiện âm mưu lật đổ trong triều. Những sự kiện này có vẻ khiến Phật Mã nghĩ nhiều hơn đến chuyện sinh tử và rằng, dù ông đã có thành tích gì, thì ông cũng không thể sống mãi, và cũng không tìm ra các giải pháp lâu dài giúp giải quyết vấn đề của chế độ. Ông bắt đầu tìm an ủi qua tôn giáo, xây chùa Một Cột với các khu vườn và hồ cá cầu kì. Những năm cuối cùng của ông chủ yếu thực hiện việc ban thưởng cho các quan, và vài tháng trước khi ông mất năm 1054, đã chuyển giao quyền lực cho người con Lý Nhật Tôn 31 tuổi.

Lý Phật Mã đã đặt triều Lý trên một căn bản thiết chế mà sẽ tồn tại hơn một thế kỷ. Phong thái lãnh đạo cá nhân của ông biểu trưng cho sự tách biệt khỏi những hạn chế mà sự vô chính phủ và chia rẽ đã gây ra trong thế kỷ thứ Mười với sự sụp đổ nền tảng nhà Đường. Con trai ông, Lý Nhật Tôn, là vị vua Việt Nam đầu tiên thời kì sau nhà Đường được nối nghiệp trong êm ả - dấu hiệu cho thấy Phật Mã đã thiết lập một định chế vương triều vững chắc.

Lý Nhật Tôn

Các nguồn tư liệu Trung Quốc thể hiện Lý Nhật Tôn (Lý Thánh Tông, trị vì 1054-72) như vị vua Việt dám xem mình là hoàng đế, một điều đối với người Trung Quốc là sự thách thức trực tiếp với cái nhìn về thế giới của họ. Quan điểm Trung Hoa này có thể chỉ là một cách viết sử xuất phát từ cuộc chiến Hoa-Việt thập niên 1070, một công thức biện minh cho quyết định sau đó gửi quân chống Đại Việt. Nhưng ngay cả nếu quả tình là thế, thì vẫn có nhiều bằng chứng từ sử Việt Nam cho thấy Lý Nhật Tôn áp dụng nhiều nghi thức hoàng đế của Trung Quốc, từ việc nêu quốc hiệu, quần áo các quan, cho đến phẩm trật của quan lại, thành viên hoàng tộc và miếu hiệu cho các vua đi trước. Ngoài ra, trong thời cai trị của Lý Nhật Tôn đã diễn ra việc biên giới Hoa-Việt trở thành địa điểm đối đầu.

Dưới thời Lý Công Uẩn, một vùng đệm với cư dân là người miền núi đã phân cách khu vực chịu sự kiểm soát của Thăng Long và khu vực nằm trong quyền hạn của nhà Tống. Lý Phật Mã mở rộng quyền kiểm soát đối với vùng đệm này thông qua hành động quân sự và tục kết hôn với các tù trưởng địa phương, khiến quyền lực của Thăng Long đối diện với tiền đồn biên giới nhà Tống. Nhà Tống bày tỏ thái độ tương đối thụ động trước việc Phật Mã loại bỏ vùng đệm này bởi vì họ quan tâm nhiều hơn đến biên giới mặt bắc của nhà Tống và không muốn khích động vùng phía nam. Nhưng một số quan chức biên giới nhà Tống có thái độ cứng rắn hơn và thảo luận hành động quân sự chống Thăng Long trong lúc bí mật rèn quân địa phương và nuôi dưỡng người tị nạn, gồm cả lính đào ngũ, từ phía biên giới với Việt Nam. Sự trái ngược giữa thái độ ôn hòa của triều Tống với chính sách bí mật của một số quan chức biên giới đã khiến Lý Nhật Tôn mở cuộc tấn công phủ đầu dọc biên giới năm 1059, nói rằng ông ghét “nhà Tống phản phúc.” Sau một năm gồm các cuộc đánh nhau qua lại, hòa đàm diễn ra và một số quan chức Tống hung hăng bị bãi nhiệm, nhà Tống chính thức chấp nhận giải thích của Thăng Long. Nhưng diễn biến mới nổ ra, khi các quan chức biên giới của Tống âm mưu cùng Chămpa để gây sức ép với Thăng Long. Tuy vậy, chính sách chính thức của nhà Tống vẫn loại bỏ hành động gây hấn tại miền nam. Kết quả trong thập niên 1060, các quan chức vùng biên giới của Tống chia rẽ: một số muốn chinh phạt, trong lúc một số khác xem hành động quân sự là thiếu khôn ngoan. Trong lúc đó, Nhật Tôn cho phép các cận thần duy trì sức ép nơi biên giới và có vẻ không nhận thức về mối nguy hiểm trong quan hệ Việt-Hoa. Tình hình biên giới bất ổn sẽ chỉ nổ ra sau khi Nhật Tôn qua đời; ông có vẻ không quan tâm nhiều đến nó vì ông dành chú ý về hướng khác.

Mối quan tâm chính của Lý Nhật Tôn trong 12 năm cai trị đầu tiên là làm sao có con trai. Mãi đến năm 1066, vương phi Ỷ Lan mới hạ sinh con trai Lý Càn Đức. Đây là sự kiện quan trọng dưới triều Nhật Tôn. Trước đó, ông cứ chờ đợi, dường như bị trói chân trói tay vì nỗi sợ mình chết đi mà chưa có người nối dõi. Với việc Lý Càn Đức hạ sinh, ông như tự do, và sáu năm cuối đời của ông thể hiện dư âm của phong thái lãnh đạo mạnh mẽ của người cha. Ông quyết định lập lại cuộc chinh phục Chămpa của cha mình. Cả về mặt chiến thuật lẫn tâm lý, cuộc chiến Chămpa của Lý Nhật Tôn năm 1069 là sự lặp lại của chiến dịch của Phật Mã năm 1044. Một sự khác biệt là nếu năm 1044 vua Chàm bị hạ sát, thì năm 1069, mạng sống người này được tha. Phật Mã trước đó đang muốn thể hiện quyền lực của Thăng Long và không thể dung thứ; còn Nhật Tôn chỉ tái khẳng định uy quyền và có chỗ dung thứ cho một vị vua chiến bại.

Đằng sau các cuộc viễn chinh Chămpa là cuộc tranh đua uy thế trên đường biển Nam Trung Hoa. Thăng Long nhận thức sự quan trọng của biển và việc chế ngự bờ biển miền nam. Mặc dù nông nghiệp định ra quyền lực, nhưng thương mại nuôi dưỡng nó, và biên niên sử Việt Nam ghi lại những sự giao tiếp với thương nhân thế kỷ 11 từ các vùng khác ở Đông Nam Á, đặc biệt là Java. Chămpa nằm ở vị trí ngăn trở Thăng Long tiếp cận thị trường biển miền nam và có vẻ quả thật họ muốn ngăn trở. Người Việt nhìn về biển với sự khao khát và không ngại các cuộc chinh phạt quân sự đường xa.

Sự trị vì của Lý Công Uẩn, Lý Phật Mã và Lý Nhật Tôn thể hiện một thời kì đặc thù không chỉ trong sự phát triển của cơ cấu chính trị Việt Nam mà cả trong sự phát triển của đời sống văn hóa và tri thức. Bắt đầu từ thập niên 1040, phong cách lãnh đạo mang nặng tính cá nhân của họ được trợ giúp bằng một định chế vương triều sơ đẳng. Các hội thề trung thành với vua diễn ra hàng năm, và vua tổ chức các lễ sinh nhật lớn để ban thưởng cho những người quan trọng trong vương quốc. Có lẽ quan trọng không kém những đe dọa, lời thề và ban thưởng là sự phát triển của một quan niệm văn hóa Việt chung, một tiến trình mà ba vị vua đầu triều Lý đóng vai trò lớn.

Các vị vua này đều quan tâm các tập tục thờ cúng và muốn đưa các vị thần linh về phục vụ dưới trướng hoàng gia và Phật giáo. Họ tạo hình ảnh về bản thân như những người tài giỏi có khả năng giao tiếp với các đấng siêu nhiên. Phẩm cách của các vị vua này được xem như yếu tố kêu gọi thàn linh mang đến thịnh trị và sức mạnh quân sự cho vương quốc. Sau nhiều thập niên chịu sự chi phối của các triều Trung Hoa, đây là lúc tự phát hiện bản thân, là lúc các truyền thống bản địa được huy đông để thành lập một truyền thống Việt Nam chung gắn với thành tựu vương triều Lý. Quá trình phát hiện các tính chất văn hóa Việt Nam thể hiện một thái độ tự tin gắn với sức mạnh quân sự mở rộng. Thời kì để hoàng gia tìm ra định nghĩa thế nào là một người Việt Nam chấm dứt vào thập niên 1070 với cuộc va chạm quân sự với Trung Quốc và việc nhận ra các giới hạn mà cuộc va chạm này áp đặt.

Biên giới

Khi Lý Nhật Tôn qua đời năm 1072, tại triều đình nhà Tống xuất hiện các chính sách mới của Vương An Thạch. Ông ủng hộ các hành động cứng rắn của các quan chức vùng biên giới ở phía Tây để ngăn chặn sức mạnh của các tù trưởng vùng núi; những hành động này đã thành công. Và ông có vẻ xem biên giới Việt Nam là trường hợp tương tự, và vì thế đồng ý việc chuẩn bị tiến binh tại đây.

Lý Càn Đức lên ngôi năm 1072 khi mới lên sáu. Khi người Tống đang chuẩn bị chinh phạt, chỉ huy nhà Lý, Lý Thường Kiệt, quyết định tấn công phủ đầu. Năm 1075, ông bất ngờ tấn công các tỉnh biên giới trên cả đường biển và bộ. Người Việt lúc đó cũng biết về các tranh chấp đang nổ ra nơi triều Tống, và đã để lại các biểu ngữ nhằm khơi gợi sự giúp đỡ của các đối thủ của Vương An Thạch trong triều đình.

Vương An Thạch, bị bất ngờ và giận dữ, ̣đã vội vã tổ chức cuộc chinh phạt, bỏ qua lời can ngăn của các đối thủ trong triều. Cuộc chinh phạt của nhà Tống 1076-7, không giống như các chiến dịch Trung Quốc trước thế kỷ 10, được dẫn dắt bởi các quan chức nhỏ thiếu sự chuẩn bị và cả uy quyền để giành phần chủ động. Thủy quân Tống không tiến sâu được vào mặt nước đất Việt; đoàn quân bị tắc ở đoạn sông cách Thăng Long nhiều dặm về mạn đông bắc, và rút lui sau ba tháng đánh nhau. Sau nhiều năm thương thảo, hai phía Hoa-Việt đồng ý về một biên giới chung – biên giới này về căn bản không thay đổi cho đến tận ngày nay.


Cuộc chiến đã buộc người Hoa thừa nhận Thăng Long như một dạng chư hầu đặc biệt không thể bị hủy diệt; nó buộc người Việt thừa nhận Trung Hoa như một quyền lực tốt nhất đừng chạm đến. Biên giới, được vẽ rõ ràng và được người Việt hiểu vừa là một giới hạn mà cũng là sự bảo vệ, là một khía cạnh bất thường trong việc tổ chức không gian chính trị ở Đông Nam Á, nơi mà các biên giới truyền thống chưa bao giờ cố định như thế. Bắt đầu từ đây, sự nhận thức về biên giới này, tầm quan trọng của việc bảo vệ nó và duy trì quan hệ với quyền lực bên kia biên giới trở thành một phần quan trọng trong nhận thức văn hóa người Việt.

Khi không có uy quyền cá nhân của một vị vua trưởng thành, các lãnh đạo Việt Nam, vào cao trào của khủng hoảng chiến tranh những năm 1075-7, hợp thức hóa các sự bổ nhiệm trong triều đình thông qua một loạt ‘kì thi’ để lựa chọn người thích hợp từ những ai biết đọc, viết. Những kì thi này có vẻ là hình thức bổ nhiệm trong thời nguy cấp, và không còn thấy bằng chứng về các kì thi như thế sau thập niên 1080. Những lãnh đạo trong triều thời kì này, Lý Đạo Thành (qua đời 1081), và đồ đệ Lê Văn Thịnh cố gắng nghi thức hóa định chế vương triều. Tuy nhiên cuối cùng Lý Càn Đức đã chấm dứt xu hướng đó, trục xuất Lê Văn Thịnh năm 1096 và tái lập phong cách lãnh đạo mang nặng chất cá nhân (vốn được mong chờ ở các vua Lý).

Lý Càn Đức qua đời năm 1127. Ông không có con, và trong những năm cuối đời, phe nhà ngoại của người kế vị (cháu ông) giành uy thế trong triều đình. Kể từ đó, các vua Lý chỉ còn là đại diện cho các phe đảng nhà ngoại và là người giữ gìn các thành tích của các vua triều trước. Lúc này, các nguồn tư liệu Việt Nam nhấn mạnh vai trò các cận thần trung thành hơn là các vị vua tài giỏi. Trong thế kỷ 12, Thăng Long chống lại được sự xâm lấn của người Khmer và gia tăng vị trí trong mắt triều Tống. Nhưng bên trong nội bộ, sự đồng thuận của nhà Lý, từng dựa trên uy tín cá nhân của vua, đã phai dần. Diến ra một loạt tranh chấp giữa các phe họ ngoại của vua, những người này trấn giữ các khu vực khác nhau trong vương quốc. Đến đầu thế kỷ 13, Đại Việt đã lâm vào cảnh nội chiến kinh niên.

Triều đại nhà Lý có ba đóng góp lớn cho văn hóa truyền thống Việt Nam. Phật giáo được xem là thước đo hành xử cho cả vua và dân quan. Thứ hai, một tập hợp các vị thần bản địa được xác định là người bảo vệ quyền lực hoàng gia. Và thứ ba, một phiên bản lý thuyết chính trị Trung Hoa đã được Việt hóa được phát triển để khẳng định Thăng Long là ngai vàng của ‘hoàng đế nước Nam’ người trị vì ‘vương quốc phía nam’ theo mệnh trời. Thiên mệnh của vua Trung Quốc chỉ kéo dài đến biên giới, và biên giới được trời và các vị thần bảo vệ. Quan hệ triều cống với Trung Quốc được coi là lựa chọn thay thế duy nhất cho đối đầu và chiến tranh.


Toàn văn bài viết của Keith Taylor nằm trong quyển The Cambridge History of Southeast Asia: Volume One From Early Times to c. 1800. Nicholas Tarling chủ biên, Cambridge: Cambridge University Press, 1992
(theo BBC Vietnamese)



Phe nhà Trần cuối cùng thành công trong việc đánh bại các đối thủ và lập vương triều mới năm 1225. Dòng họ này đến từ bờ biển đồng bằng sông Hồng, và một yếu tố quan trọng cho thành công quân sự của họ là uy thế thủy quân. Trần Thủ Độ, kiến trúc sư nhà Trân, đã cố gắng sửa chữa những yếu kém trong hệ thống nhà Lý và ông thiết lập sự kiểm soát tập trung hóa chưa từng có đối với hoàng gia, triều đình và nền kinh tế.


Nhà Trần củng cố

Để tránh nguy cơ gia đình nhà ngoại can thiệp triều chính, các vua Trần chỉ lấy hoàng hậu từ họ Trần. Vào lúc tột đỉnh sức mạnh, các vua Trần ra quyết định tham khảo ý kiến của các chú, anh em – tạo nên sự đoàn kết trong nội bộ hoàng gia. Triều Trần bắt đầu sụp đổ khi những quy tắc đó không còn được tuân theo.

Để phá vỡ thế lực của các phe nhóm địa phương, thành viên họ Trần được cử làm thống lĩnh các khu vực chiến lược. Một loạt các điền trang hoàng gia phát triển, đẩy lùi thế lực địa phương ở đồng bằng sông Hồng, khiến nhà Trần kiểm soát nhiều thặng dư lúa hơn so với triều Lý. Trong việc tiêu diệt các đối thủ ở đồng bằng sông Hồng, nhà Trần đã thành công tới mức khi vương triều suy thoái vào cuối thế kỷ 14, một phe khác từ đồng bằng sông Mã, ở phía nam, mới xuất hiện để giành chính quyền.

Trong thập niên 1230. nhà Trần bắt đầu dùng hệ thống thi cử để tuyển lựa quan chức phục vụ một hệ thống hành chính kỷ luật hơn so với dưới triều Lý. Mặc dù nhà Trần sùng đạo Phật, từ đây cũng bắt đầu xuất hiện một tầng lớp sĩ phu, tuy còn ít, lấy cảm hứng tri thức từ Khổng giáo. Khi hoàng gia suy thoái trong thế kỷ 14, tầng lớp này tìm cách duy trì ổn định và cuối cùng xuất hiện lại trong thế kỷ 15 với tư cách là người phát ngôn cho quyền lực hoàng gia, và là người đưa ra các định nghĩa về đạo đức.

Kiểu chính sách tập trung hóa của Trần Thủ Độ đã là tài sản quý cho các thế hệ lãnh đạo sau đó khi Thăng Long đối diện quân Nguyên-Mông. Quân Mông Cổ chinh phục Vân Nam giữa thập niên 1250 và muốn xâm nhập Đại Việt để bao vây nhà Nam Tống. Nhà Trần chống lại trong mùa khô năm 1257-8 và buộc quân Mông lui về Vân Nam. Sau khi Khubilai Khan chinh phục Nam Tống cuối thập niên 1270, ông đòi Đại Việt quy phục. Lúc đó, vua Trần yêu cầu nhà viết sử viết bộ sử thể hiện rằng ông thừa hưởng vị trí vương quyền ngang với hoàng đế Trung Hoa và vì thế không buộc phải quy phục. Nhà Trần cũng quan tâm tới các vị thần bản địa được cho là có thể giúp chống quân xâm lược, và khi chiến tranh chấm dứt trong thập niên 1280, những vị thần này được phong tước của triều đình.

Trong những năm sau cuộc chiến chống Nguyên-Mông, nhà Trần mất dần khả năng lãnh đạo. Trần Minh Tông, người qua đời năm 1357, đã cưới một người họ Trần, nhưng cũng có con với hai phụ nữ của gia đình họ Hồ. Người đứng đầu họ này, Hồ Quý Ly, sau đó đã giành quyền lực và lên ngôi năm 1400. Hồ Quý Ly ngự trị trên sự sụp đổ của thế giới Phật giáo dưới hai triều Lý và Trần cùng sự xuất hiện chập chững của tầng lớp sĩ phu. Cố gắng chấm dứt sự bất ổn triền miên, ông được tiếng là nhà cai trị cứng rắn và độc đoán, và không lấy được lòng của các thành viên trong tầng lớp thống trị. Vua Minh Thánh Tổ không bỏ qua cơ hội can thiệp và vào năm 1406, quân Minh, lấy cớ giúp phục hưng nhà Trần, chiếm được Đại Việt. Trong hai thập niên sau đó, các quan chức Minh cố gắng biến Đại Việt thành một tỉnh Trung Hoa. Tuy vậy, chính sách của họ bị ngăn trở bởi ba sự mâu thuẫn mà rồi sẽ dẫn tới thất bại.



Thứ nhất, có một sự mâu thuẫn mang tính chiến lược trong chính sách Hán hóa của nhà Minh trong thời kì mở rộng biên giới; các cố gắng Hán hóa một dân số không tuân theo đã phá vỡ an ninh và trật tự - hai yếu tố vốn là mục tiêu của chính sách biên giới. Thứ hai, có sự mâu thuẫn hành chính giữa ý tưởng giáo hóa những người man di (ý tưởng này được sử dụng để biện minh cho việc chiếm đón) và việc bóc lột trong quá trình cai trị thực tế của người Minh; các quan chức nhà Minh được gửi sang Việt Nam có khả năng yếu kém đã phá hoại mục tiêu đề ra. Cuối cùng, là sự mâu thuẫn về tài chính giữa tài sản tham nhũng của các quan chức và sự thâm hụt ngân sách của chính quyền địa phương; quân viễn chinh tìm cơ hội ăn mảnh trong lúc thâm hụt ngân sách khiến cho trung ương phải liên tục bao cấp cho chính quyền ở Việt Nam. Những mâu thuẫn này, cộng thêm một cuộc kháng chiến mới của người Việt mà sẽ không thể vượt qua nếu không đầu tư thêm nhân lực, vật lực, đã khiến chính sách chiếm đóng bị buộc từ bỏ chỉ vài năm sau khi Minh Thánh Tổ qua đời năm 1424. Bài học cho người Trung Quốc là quan hệ triều cống tỏ ra khôn ngoan hơn chính sách chinh phục và đồng hóa.

Hoàn thiện chính quyền

Lê Lợi, một địa chủ giàu có từ Thanh Hóa, nơi đồng bằng sông Mã, đã lập nên nhà Lê. Ông chỉ tại vị trong năm năm. Những người kế tục sau đó là con trai và cháu của ông, tất cả đều lên ngôi khi còn nhỏ và triều đình nằm trong tay các tướng lĩnh từng theo Lê Lợi trong kháng chiến chống Minh. Năm 1460, một người cháu khác của Lê Lợi, Lê Thánh Tông, lên ngôi. Thời gian ông trị vì, từ 1460 đến 1497, được nhớ như là một trong những triều đại nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Mô hình chính quyền của ông đã trở thành khuôn mẫu cho các vị vua Việt Nam trong năm thế kỷ tiếp theo. Đây là thời đại của học thuật và văn chương: các tác phẩm quan trọng ra đời và còn lại đến nay. Đó cũng là thời đại của sức mạnh quân sự, khi các cuộc chinh phục Lào và Chămpa thập niên 1470 đã mở rộng lãnh thổ. Sự nghịch lý của triều đại Lê Thánh Tông nằm ở chỗ, mặc dù nó tạo nên bộ máy chính quyền hoàn chỉnh, nhưng chỉ mười năm sau khi ông mất, triều đình đã rơi vào cuộc khủng hoảng mà nó không bao giờ còn gượng dậy nổi.

Sự chiếm đóng của nhà Minh và sự thành lập nhà Lê thường được xem là các cột mốc thay đổi trong lịch sử Việt Nam. Hiệu ứng của sự chiếm đóng không phải nhỏ. Ngoài việc nhà Minh hủy diệt các chùa chiền Phật giáo và nhiều di sản văn học Lý-Trần, tầng lớp người Việt có học cũng trải qua sự thách thức về tâm lý, bị buộc phải tái định nghĩa thế nào là người Việt Nam. Trật tự Phật giáo của nhà Lý và Trần đã bị quét sạch. Tầng lớp thống trị mới là sự kết hợp giữa phe quân sự từ các tỉnh miền nam và phe sĩ phu đi theo Khổng giáo. Xã hội Việt Nam có vẻ đã mất phương hướng sau nhiều thập niên bạo lực vì sự sụp đổ của nhà Trần và sự chiếm đóng của quân Minh. Điều này thường được xem là lý do khiến các vua đầu triều Lê thực thi một loạt cải cách dẫn đến một quan niệm hoàn toàn khác về cách thức cai trị dưới thời Lê Thánh Tông.

Nhưng triều đại Lê Thánh Tông lại nối tiếp bằng cuộc khủng hoảng mà còn sâu sắc hơn khủng hoảng trước đó, bởi vì nó tạo ra một điều mới trong lịch sử Việt Nam: các cuộc nội chiến kéo dài, chia rẽ nội bộ, và một biên giới mở rộng về phương nam. Có nhiều lý do để xem sự suy sụp của nhà Lê đầu thế kỷ 16 là một chỉ dấu về sự gián đoạn – chỉ dấu này còn sâu sắc hơn các khó khăn sau khi nhà Trần sụp đổ. So với mọi vị vua sau này, Lê Thánh Tông có nhiều điểm chung nhất với các vua Việt Nam trước đó. Ông ngự trị trên một vương quốc mà về mặt địa lý và sự toàn vẹn vương triều tương tự như thời của các vua Lý, Trần. Sau này, các vị vua Việt Nam không còn bao giờ được̣ yên tâm về một không gian ổn định như thế, không còn tận hưởng sự trung thành tuyệt đối của mọi người dân Việt.

Tuy nhiên, sự so sánh Lê Thánh Tông với các vua Lý, Trần dễ làm người ta lầm lẫn, vì nó khiến ta phủ nhận khả năng xem các thành tựu hành chính của triều đại Lê Thánh Tông thật ra lại là dấu hiệu của sự yếu đuối thay vì mạnh mẽ: một dấu hiệu cho thấy nền tảng văn hóa phổ quát của các vua Việt Nam, phát triển dưới thời Lý, Trần, đã sụp đổ và kể từ đó, quyền lực nằm trong tay một tầng lớp thống trị thiếu nền tảng ủng hộ từ dân chúng. Việc xây dựng bộ máy chính quyền tập trung có thể là một cố gắng giành lấy sự kiểm soát lạnh lùng với một xã hội mà đã không còn tuyệt đối ủng hộ giai tầng thống trị. Một cách phân tích như thế sẽ khiến Lê Thánh Tông trở thành một nhân vật thời kì chuyển tiếp – một con người mà nguồn gốc quyền lực nằm ở sự thông minh và uy tín cá nhân, chứ không phải ở các thành tựu tạo dựng thể chế của ông.

Bài viết của Keith Taylor về sự phát triển cơ cấu và tổ chức chính trị của Việt Nam dừng lại ở thế kỷ 15. Trong đoạn kết, Keith Taylor viết lịch sử đóng vai trò quan trọng với người Việt Nam, có lẽ bởi vì họ buộc phải so sánh quan hệ giữa họ với Trung Quốc, một quan hệ đòi phải có sự chú tâm đến quá khứ. Khi xem xét những gì được ghi nhớ và viết về các vương quốc Đông Nam Á khác (Chămpa, Angkor, Pagan, các vương quốc Thái thời kì đầu, Srivijaya và Majapahit), ta thấy lịch sử như kiểu Việt Nam ít quan trọng hơn đối với các vương quốc này. Điều này không có nghĩa là lịch sử ít ý nghĩa trong cái nhìn văn hóa của các dân tộc khác, nhưng nó hàm ý lịch sử các dân tộc khác được nhìn theo cách khác với cách người Việt nhìn về lịch sử của mình. Lịch sử Việt Nam chủ yếu là cuộc tranh luận về quan hệ Hoa-Việt, một câu chuyện với mục đích rõ ràng và cấp bách. Việc chấp nhận một lịch sử được viết ra cũng là một phần quan trọng trong việc làm người Việt Nam.


Toàn văn bài viết của Keith Taylor nằm trong quyển The Cambridge History of Southeast Asia: Volume One From Early Times to c. 1800. Nicholas Tarling chủ biên, Cambridge: Cambridge University Press, 1992


Ký ức về Mã Viện ở miền Bắc Việt Nam


Bìa tập sách Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses

Đài BBC đã giới thiệu quyển sách "Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses: A Small Treatise on the Sects among the Chinese and Tonkinese" do NXB Đại học Cornell ấn hành năm 2002.Nhan đề tập sách có thể dịch ra tiếng Việt là: "Một luận thuyết nhỏ về những giáo phái của người Hoa và Đông Kinh", dày 359 trang.

Đây vốn là ghi chép của linh mục người Ý, Adriano di St. Thecla (1667 - 1765), người sống gần 30 năm ở miền Bắc Việt Nam trong thế kỷ 18.

Khi đang là nghiên cứu sinh của ĐH Cornell với luận án về Liễu Hạnh, bà Olga Dror tình cờ tìm thấy cuốn sách trong một kho tư liệu tại Paris.

Bài giới thiệu đã gây tranh luận và ngạc nhiên cho nhiều độc giả.

Để cung cấp thêm thông tin về quyển sách, dưới đây là phần viết về việc tìm kiếm dấu tích Mã Viện ở miền Bắc Việt Nam.

Phần này là của Olga Dror, dịch giả của cuốn sách, trích trong phần giới thiệu tác phẩm.

Olga Dror hiện đang giảng dạy ở Khoa Lịch sử, Đại học Texas A & M University.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong chương viết về các vị thần là khi Adriano di St. Thecla đánh đồng Mã Viện với Vua Bạch Mã.

Mã Viện là một trong những viên tướng nổi tiếng của nhà Hán, được gửi đến khu vực mà nay là miền Bắc Việt Nam để chinh phục cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng năm 42 – 44. Cuộc nổi dậy này được lịch sử Việt Nam xem là một sự kiện vinh quang trong lịch sử tranh đấu lâu dài chống ngoại xâm. Mã Viện đã không chỉ đàn áp được cuộc nổi dậy mà còn thiết lập nền tảng cho sự cai trị của nhà Hán. Khi quay về Trung Quốc năm 44 sau Công nguyên, ông đươc xem như là anh hùng của đế chế. Chiến dịch của ông được mô tả trong nhiều biên niên sử của Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – đây là tập sách mà Adriano di St. Thecla đã dựa vào để kể lại trong bản thảo của ông.

Vua Bạch Mã, được Adriano di St. Thecla nhắc đến trong mối liên hệ với Mã Viện, là Thành hoàng của Hà Nội. Truyền thuyết về vị này được tìm thấy trong quyển Việt Điện U Linh Tập, do Lý Tế Xuyên tập hợp vào thế kỷ 14. Ở đó, ông xuất hiện với cái tên Long Đỗ, và truyền thuyết về ông liên quan đến Cao Biền, vị quan thời Đường trấn thủ ở miền Bắc Việt Nam thế kỷ 9. Theo truyền thuyết, khi Cao Biền sai đắp thành Đại La, bỗng thấy một dị nhân cưỡi rồng bay lượn trên mặt thành. Cao Biền định dùng bùa phép trấn yểm đi, nhưng thấy đồ bùa phép đều bị sét đánh nát vụn. Thấy mình không thể vượt qua vị thần thiêng này, Cao Biền quyết định quay về Trung Quốc.

Sau đó, truyền thuyết này được trau chuốt thêm và vị thần có một tên mới, Bạch Mã.

Câu chuyện mới như sau: khi vua Lý Thái Tổ (1009 – 28) dời đô về thăng Long, cho tu sửa thành Đại La nhưng công việc mãi không xong. Vua sai người vào đền cầu đảo, trong chỗ lát thấy một con ngựa trắng từ trong đền ra, đi khắp một vòng quanh thành, đến đâu có vết chân để lại đến đấy. Vua sai theo vết chân ngựa trắng mà đắp, quả nhiên thành xây xong.

Truyền thuyết này rõ ràng có ảnh hưởng Ấn Độ, vì biểu tượng con ngựa trắng có vị trí quan trọng ở Ấn Độ từ thời cổ ở cả trong khu vực tôn giáo (người Bà La Môn thờ ngựa trắng) và khu vực nhà nước (lễ vẽ đường biên giới của một nhà nước đi theo vết chân của một con ngựa trắng). Có thể ảnh hưởng Ấn Độ đã vào khu vực này thông qua người Chăm (vì một số lượng đáng kể người Chăm đã định cư ở các vùng gần Hà Nội sau khi xuất phát từ khu vực miền Trung và đem theo văn hóa Hindu) hoặc thông qua ngả Trung Quốc (vì cái tên ‘Bạch Mã’ nổi tiếng tại đó; ví dụ, ngôi đền nơi vua Hán Minh Đế của nhà Hậu Hán (58 – 76) còn giữ một bản kinh của Siddhartha Gautama từ Ấn Độ và nơi đây được đặt tên là Đền Bạch Mã). Ngôi đền thờ Bạch Mã tại Hà Nội đặt ở số 76 Hàng Buồm.

Mới nhìn qua, lời nói của Adriano di St. Thecla rằng “Vua Bạch Mã, một tướng thái thú có tên Mã Viện, có danh tiếng vang rền” dường như là một sai sót hiển nhiên của một người không rành thực tế Việt Nam và bị nhầm lẫn vì từ mã (ngựa) xuất hiện trong cả hai cái tên. Tuy nhiên, kết luận như thế thì vội vã. Cần ghi nhận rằng Adriano di St. Thecla không phải là người duy nhất xem Bạch Mã và Mã Viện cùng là một nhân vật.

Một nhà du hành người Trung Quốc, Trịnh Tuấn Am, đến thăm Đông Kinh trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 18, đã viết như sau trong ghi chép của ông:

“Ở khu Hà Khẩu (phố Hàng Buồm hiện đại thuộc về khu này) của thủ đô, có một ngôi đền Bạch Mã, và người ta bảo rằng tại đó người dân tưởng nhớ cầu chuyện về vị tướng Phục Ba Mã Viện, thuộc thời nhà Hán. Tôi vừa đến Nam quốc và không biết gì hết, vì thế tôi cũng tin đó là thật. Và khi tôi đến đền để đọc các bia, tôi thấy viết ở đó rằng linh hồn của Phục Ba, người thuộc thời nhà Hán, được thời phụng để cầu an cho đất nước và bảo vệ người dân. Tuy nhiên, không rõ từ khi nào ông được thờ phụng ở đó, nó bắt đầu thế nào và từ triều đại nào. Chỉ thấy điều sau đây ghi lại trên bia:

Viết trong mùa thu năm Đinh Mão ở niên hiệu Chính Hòa (1687); ngôi đền được xây từ lâu lắm; các nóc và cột bị hư hại; các thương nhân từ Trung Quốc, như Chiêm Trọng Liên, đã tụ họp người dân, quyên tiền, và thuê người phục hồi, vì thế nay ngôi đền lại tươi đẹp như mới.

Tôi đánh bạo mà nghi ngờ về việc rằng Phục Ba, họ là Mã, cũng được gọi là Bạch Mã. Đâu là lý do cho điều này?”


Vào mùa thu năm Giáp Ngọ (1714), Trịnh Tuấn Am đi điều tra chủ đề này, và khi tìm kiếm, ông gặp cuốn sách Việt Điện U Linh Tập. Ông ngạc nhiên thấy rằng trong sách này chỉ có nhắc tới truyền thuyết Bạch Mã mà không liên quan gì đến Mã Viện. Những trò chuyện của Trịnh Tuấn Am với người lớn tuổi không cho ra thêm thông tin nào mới, vì thế ông ức đoán rằng những người di dân Hoa kiều đã hiểu sai về ngôi đền và xem Bạch Mã cũng là Mã Viện và vì thế thờ ông.

Trịnh Tuấn Am kết luận rằng Mã Viện và Bạch Mã là hai người khác nhau và bày tỏ e sợ rằng cái sai lầm này sẽ kéo dài vĩnh viễn.

Ta có thể thấy sự lo xa của Trịnh Tuấn Am không hoàn toàn vô lý, bởi vì bức tượng Mã Viện còn để trong ngôi đền này cho đến thời gian gần đây, như mô tả của Vũ Đăng Minh và Nguyễn Phú Hợi trong cuốn Temples et pagodes de Hanoi (1956). Dường như không biết về lịch sử lẫn lộn lâu đời giữa Bạch Mã và Mã Viện, họ quy sự có mặt của Mã Viện trong ngôi đền là vì “trong thời gần đây, người Hoa, không biết đến truyền thuyết Bạch Mã, đã biến đền thành đền của Mã Viện vì họ thấy trong chữ Mã có họ của viên tướng nhà Hán.” Như hai tác giả này đặt giả thiết, việc người dân thờ Mã Viện trong đền Bạch Mã có thể quy cho là vì sự hiểu nhầm và thiếu kiến thức lịch sử hay huyền thoại Việt Nam của cộng đồng người Hoa, và do lẫn lộn ngôn ngữ.

Nhưng tôi sẽ thử mở rộng việc giải thích bằng hai khả năng sau đây.

Đầu tiên, theo một nghiên cứu hiện đại (cuốn Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vĩnh Phúc và Trần Huy Ba), “bắt đầu từ thế kỷ 17, Hoa kiều được cho phép sống ở Thăng Long, và họ tập trung ở nhiều con phố, trong đó có phố Hàng Buồm. Đây là nhắc đến sự gia tăng giao thương giữa Đông Kinh và Trung Quốc trong thế kỷ 17, khiến nhiều thương nhân người Hoa định cư ở Hà Nội. Nhưng trước đó đã có một cộng đồng Hoa kiều ở Hà Nội trong nhiều thế kỷ.

Có thể nghĩ rằng người Hoa ở Hà Nội đã bắt đầu thờ Mã Viện như một anh hùng Trung Hoa đã đưa văn minh và quyền lực Hán vào đất nước nơi họ nhập cư. Do khu vực này của thành phố chủ yếu là người Hoa, có thể giả thiết rằng những người định cư mới đến đã lấy các ngôi đền có sẵn và đưa vào các vị thần mà họ tôn thờ. Tuy nhiên, vì vẫn luôn là một thiểu số, họ không dám trục xuất vị thần Bạch Mã ra khỏi đền thờ, mà lại hợp nhất cả hai vị.

Giả thuyết thứ hai của tôi là người được thờ đầu tiên tại đền này không phải là Bạch Mã, mà chính là Mã Viện.

Khi vương quốc Việt Nam phát triển trong thế kỷ 11, ngôi đền mới được chuyển sang để thờ Bạch Mã. Giả thuyết này có thể được hỗ trợ bởi việc Thăng Long đã tồn tại dưới cái tên Đại La từ trước khi Lý Thái Tổ dời đô về đây trong thế kỷ 11. Ngoài ra, khi thái thú Cao Biền được gửi đến để bình định vùng này trong thế kỷ 9, ông đặt thủ đô tại đây. Có thể giả định rằng ông đã củng cố tục thờ có sẵn từ trước dành cho viên tướng tiền nhiệm Mã Viện, hoặc thậm chí lập ra tục thờ nếu nó không tồn tại từ trước. Theo Việt Điện U Linh Tập, Mã Viện đã hiện ra trước Cao Biền trong một giấc mơ khi Cao Biền đang ở Đại La. Tục thờ Mã Viện có thể đã mở rộng do sự áp đặt từ trên xuống.

Mặt khác, tục thờ cũng có thể được phát triển bởi chính người bản địa, vì Mã Viện đã đem lại một số đổi thay tích cực vào Việt Nam vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, khi ông tái tổ chức xã hội và thiết lập trật tự mà khi đó đang thiếu. Theo Philippe Papin, trong quyển Histoire de Hanoi, thì:

“Bên cạnh những viên chức và người định cư Trung Quốc, ông đã tuyển mộ nhân viên địa phương, những người có quyền lực được tăng lên trong sự giám hộ của Trung Quốc. Một số trong đó có thể lên chức cao hơn. Trong các thế kỷ tiếp sau, người Hoa và Việt chung sống với nhau. Chia sẻ cùng quyền lợi, các gia đình hòa nhập, khiến có lợi cho việc kết hợp các tín ngưỡng và kiến thức văn hóa. Vì thế, một giai tầng tinh hoa Việt – Hoa được thành lập mà nhờ đó, một không gian nhỏ thống lĩnh ở đồng bằng sông Hồng đã trở thành một thủ đô uy tín.”

Sau đó, với việc thành lập một chế độ quân chủ Việt Nam độc lập, có thể Mã Viện đã không còn được ưa thích, hoặc có thể việc thờ phụng vị thần này bị kìm nén, và vì thế huyền thoại Bạch Mã được đưa vào để thay thế vị trí trước đây của Mã Viện. Để gắn kết một uy quyền lớn hơn cho Bạch Mã, huyền thoại này đã kết hợp với một vị thần khác (Long Đỗ) được cho là có sức mạnh còn hơn Cao Biền, người cũng là tướng phương Bắc giống như Mã Viện.

Tại đền Bạch Mã ở Hà Nội, Mã Viện còn duy trì vị trí của mình ít nhất cho đến năm 1984 – theo hồ sơ “Di tích. Đền Bạch Mã. Hồ sơ khảo sát năm 1984” của Sở Văn hóa Hà Nội, ở đây bàn thờ Mã Viện đặt trong góc xa phía trái của ngôi đền. Vị trí này tại ngôi đền, ngày hôm nay, để trống. Người giữ đền nói với tôi rằng theo hiểu biết của ông, quả thực có một tượng Mã Viện từ lâu lắm, nhưng không phải ở trong thế kỷ này; ông không nói thêm chi tiết.

Tôi tìm thấy một phản ứng bác bỏ tương tự về sự có mặt của Mã Viện trong đền. Phản ứng này là của những người Hoa vẫn còn sống ở khu vực gần ngôi đền (mặc dù con số họ đã giảm nhiều từ năm 1979).

Tôi phỏng vấn nhiều người Hoa lớn tuổi sống ngay sát cạnh đền, nhưng tất cả đều từ chối nói chuyện về Mã Viện, nói rằng họ chưa từng nghe đến việc thờ Mã Viện tại đền Bạch Mã và rằng không thể nào có chuyện Mã Viện lại được thờ ở bất kì đâu tại Việt nam vì ông bị người Viêṭ xem là kẻ thù tàn nhẫn.

Phản ứng này của họ có vẻ là kết quả từ việc loại bỏ tục thờ Mã Viện ở Việt Nam sau cuộc chiến 1979, khi việc thờ Mã Viện có thể đã bị xem là việc thờ kẻ xâm lược và người Hoa có nguy cơ bị đánh đồng với kẻ xâm lược này.

Theo Adriano di St. Thecla, việc thờ Mã Viện được bắt đầu bởi chính một trong hai chị em Bà Trưng, những người “nhớ đến phẩm cách và sự phục vụ nhà nước của ông. Bà đã dựng đền để thờ ông ở huyện Phúc Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Kể từ đó, ông bắt đầu được người An Nam thờ phụng.”

Không rõ nguồn nào đã cung cấp thông tin này cho Adriano di St. Thecla bởi vì theo sử liệu, Hai Bà Trưng đã chết trong chiến dịch của Mã Viện và vi thế không thể nào bắt đầu việc thờ ông, ngay cả nếu họ có ý đó. Phúc Lộc, một tên lấy từ địa danh quê nhà của Hai Bà Trưng, không phải ở Thanh Hóa. Vì thế có vẻ có sự nhầm lẫn ở đây. Hiện không có đền thờ Mã Viện nào ở Phúc Lộc và Thanh Hóa, mặc dù có đền thờ Hai Bà Trưng ở hai nơi này.

Nhưng chúng ta không thể chắc chắn là những ngôi đền như thế đã không tồn tại trong thời của Adriano di St. Thecla. Hiện nay rất khó tìm bằng chứng cụ thể về các ngôi đền thờ Mã Viện ở bất kì đâu tại Việt Nam....
Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy những dấu hiệu rằng các ngôi đền thờ Mã Viện quả có tồn tại ở Thanh Hóa.

Ví dụ, Nguyễn Thuật (sinh năm 1842), thống đốc Thanh Hóa trong thời nhà Nguyễn (ông trấn thủ ở Thanh Hóa trong thập niên 1870), nhắc đến một ngôi đền thờ Mã Viện trong một bài thơ nhan đề “Quốc Triều Danh Nhân Mặc Ngân”. Vị trí ngôi đền này không thể xác định, nhưng có vẻ nó là một trong nhiều ngôi đền thờ Mã Viện ở tỉnh Thanh Hóa. Vì thế Adriano di St. Thecla không hẳn là phạm sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng có sự tồn tại của các đền thờ Mã Viện ở Thanh Hóa.

Ngoài ra, không phải không có khả năng là tại các ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, người dân cũng thờ Mã Viện. Tôi tìm thấy một ví dụ về điều này trong báo cáo do thôn Thanh Bình của làng Đa Tiên, tỉnh Bắc Ninh, nộp cho Viện Viễn đông Bác cổ năm 1938. Báo cáo này nói rằng người dân của thôn này xem Hai Bà Trưng là vị thần bảo vệ chính cho họ, nhưng ngoài ra họ cũng thờ người chinh phục, Mã Viện.

Một chỉ dấu khác là của Nguyễn Đức Lân, viết giữa thế kỷ 19. Ông này mô tả một ngôi đền Mã Viện ở vùng lân cận của hồ Loa. Vị trí hồ này giờ đây không chắc chắn, nhưng có thể nó đã ở ngoại vi của Cổ Loa, một địa điểm cách Hà Nội nhiều cây số về hướng đông bắc gần nơi mà, theo sử Trung Hoa, đã diễn ra trận đánh quyết định giữa Mã Viện và Hai Bà Trưng. Vì thế, lời của Adriano di St. Thecla rằng Mã Viện “được người An Nam thờ” có vẻ chính xác.

Nỗ lực của tôi đi tìm một ngôi đền Mã Viện còn tồn tại, hoặc ít nhất dấu vết của nó, đã đưa tôi đến làng Hoàng Xá, huyện Thạch Đà, tỉnh Phúc Yên. Lý do là vì ngôi làng này đã báo cáo với Viện Viễn đông Bác cổ năm 1938 rằng Mã Viện là một trong các Thành hoàng của họ.

Tại đây, một người giữ đền Linh Tự, bà Nguyễn Thị Đường, đồng ý nói chuyện với tôi về vị thần của làng của bà. Bà Đường, khi đó ở ngoài tuổi 70, nói rằng quả thực làng của họ đã thờ Mã Viện, nhưng vào năm 1946, ngôi đền bị phá hủy. Giờ đây tại vị trí của nó là một bưu điện. Theo bà Nguyễn Thị Đường, vào lúc đó, theo trí nhớ của bà, không có người Hoa sống ở khu vực này.

Bà không thể giải thích vì sao ngôi làng lại thờ một viên tướng Trung Hoa đã đàn áp các nữ anh hùng dân tộc chiến đấu vì tự do của đất nước. Bà chỉ có thể nói rằng việc thờ Mã Viện là một truyền thống mà người địa phương đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và rằng việc thờ viên tướng này là điều bà được dạy khi còn trẻ. Điều này đặt giả thiết rằng Mã Viện đã được cả người Việt Nam và Trung Quốc thờ như một vị thần bảo vệ.

(theo BBC Vietnamese) 


Có nhứt thiết phải hóa giải Công hàm Phạm Văn Đồng?




Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Đồng chí Chu Ân Lai, Tổng lý Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa tại Bắc Kinh (viết tắt: CH PVĐ) trước sau vẻn vẹn 174 từ, trong đó phần nội dung chính chỉ chiếm già phân nửa (89 từ), vậy mà đã làm dậy sóng dư luận trong suốt mấy chục năm qua, tốn biết bao là giấy mực mà vẫn chưa ngã ngũ đâu vào đâu.
Trước hết, cần xác định: Công hàm là văn thư ngoại giao (note diplomatique), nó không thuộc bất kỳ hệ thống văn bản pháp luật (hiérarchie des actes législatifs) nào, cả quốc nội cũng như quốc tế, do đó nó không làm phát sinh nghĩa vụ tôn trọng, tuân thủ hay chấp hành đối với bất cứ ai. Ngay cả loại công hàm được viết ở ngôi thứ nhất –như CH PVĐ chẳng hạn- cũng chỉ liên quan tới uy tín, danh dự của người viết và người nhận, nếu xảy ra tranh chấp, chỉ có thể là đối tượng của tòa án… công luận, chứ không thể đưa ra phân xử trước bất cứ một thiết chế tài phán nào kể cả Tòa bảo hiến nếu có.


Vì CH PVĐ (được viết ở ngôi thứ nhất với đại từ nhân xưng Chúng tôi) liên quan đến danh dự, uy tín của cả người viết lẫn người nhận nên việc phổ biến, công khai hóa, đặc biệt là việc giải thích, buộc phải thật cẩn trọng, sát đúng theo những quy tắc, thủ tục có tính nguyên tắc đã được quy định hay công nhận một cách phổ quát (chẳng hạn như nguyên tắc lịch sự, tế nhị trong quan hệ ngoại giao; một khi nguyên tắc này đã bị xếp xó thì thật sự chẳng còn gì để nói, nói thêm cũng bằng thừa.)


Tuy nhiên, về CH PVĐ, cũng xin được nói rõ, không phải để biện hộ cho mồ ma PVĐ, mà cái chính là để bà con ta khỏi hoang mang hầu tránh xa cái bẫy khiêu khích của Tàu, tránh những hành động manh động, phiêu lưu, bộc phát: CH này được viết rất chặt chẽ, không có sơ hở nào cả, được thực hiện (viết, ấn ký, gửi đi) đúng bài bản, không thất thố, ngoài một điểm có thể gây băn khoăn, đó là độ trễ thời gian của nó.


Thứ nhứt, về nội dung, CH PVĐ được viết rất chặt chẽ, không có sơ hở nào. Thật vậy, dưới ánh sáng các nguyên tắc cơ bản giải thích luật pháp đã được hầu hết mọi nền pháp luật tiến bộ công nhận qua các luật giải thích hoặc án lệ (*), đặc biệt là các nguyên tắc: (văn bản) phải được giải thích một cách chặt chẽ; điều được nêu rõ loại bỏ điều khác (không được nêu rõ) (expressio unius est exclusio alterius); phải xem xét toàn diện cấu trúc ngôn từ (noscitur a sociis); quy chiếu vào kết luận(reddendo singula singulis); tôn trọng hiến pháp; tôn trọng luật quốc tế, v.v., phần chính văn (2 đoạn với tổng cộng 89 từ) của CH PVĐ phải được hiểu như sau: (Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà) ghi nhận, tán thành, (…) tôn trọng quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung quốc (trong bản tuyên bố của CÂL). Xin lưu ý là từ hải phận ở đây cũng phải được hiểu theo luật quốc tế phổ quát chứ không phải theo tuyên bố CÂL hay luật TQ. Việc thêm bớt, tách rời một từ ngữ để suy diễn nó không ăn khớp với kết luận là thủ pháp cưỡng từ đoạt lý không ai chấp nhận được, nhất là khi nó phớt lờ cả hiến pháp và luật quốc tế, cố nhét vấn đề chủ quyền lãnh thổ thuộc địa phận của hiến pháp vào khuôn khổ một công hàm!


Thứ hai, về mặt nghi thức cũng không có gì đáng gọi là sơ thất, ngoại trừ vấn đề độ trễ thời gian 18 ngày kể từ ngày Chu Ân Lai ra Tuyên bố (04-9-1958) đến ngày CH PVĐ được công bố trên báo Nhân Dân, cơ quan của Đảng LĐ –tiền thân của ĐCS- VN (22-9-1958). Phải chăng độ trễ này nói lên một trong hai –hay có thể là cả hai- điều: một là sự thúc ép của phía TQ, và hai là sự chần chừ của phía VN? Nghi vấn này cần được làm rõ vì nó liên quan đến nguyên tắc tự do ý chí, có thể dẫn tới việc vô hiệu hóa hoàn toàn CH PVĐ ngay từ khi nó vừa được gởi đi. (Đối với TQ, nó cũng chỉ còn có giá trị lợi dụng, không hơn không kém, và việc đem nó ra lợi dụng vào mục tiêu bất chánh chẳng phải là đồng nghĩa với việcthiêu hóa nó hay sao?!)


Do vậy, việc TQ chưng tro tàn của CH PVĐ ra trước LHQ chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Gậy ông đập lưng ông, Chơi dao có ngày đứt tay… là vậy, ta chẳng việc gì phải lo.


Lê Thắng,
Cựu SV Luật SG Cần Thơ


***************


(*) Về các nguyên tắc giải thích luật pháp, ai quan tâm xin vui lòng hỏi bác Google, với từ khóa là các cụm từ tiếng Pháp: Interprétation de la loi, Interprétation des lois, hay tiếng Anh: Interpretation of Laws. Nhiều quá, tôi tóm tắt không xuể J.

Chiến tranh Việt Nam dạy Mỹ nhiều bài học: Chỉ đau khổ, không có vinh quang

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng là một cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam đã phát biểu trước vài trăm cựu binh khác có mặt: "Không có vinh quan trong chiến tranh, chỉ có toàn đau khổ".


Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Ảnh: Reuters.

Hãng thông tấn Mỹ AP ngày 9/7 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Mỹ bắt đầu cuộc chiến tại Việt Nam. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell và các nghị sĩ khác đã tham dự buổi lễ.

Đáng chú ý, chỉ một ngày trước đó Tổng thống Barack Obama đã có một cuộc hội đàm "chưa từng có" với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng trong bối cảnh Mỹ đẩy nhanh kết thúc các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), AP nhấn mạnh. Nhiều nghị sĩ ủng hộ phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phát biểu tại buổi lễ nhấn mạnh, cuộc chiến tại Việt Nam đã dạy cho người Mỹ nhiều bài học, nhưng đã làm cho đất nước Mỹ cũng như quân đội Mỹ trở nên tốt hơn.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng là một cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam đã phát biểu trước vài trăm cựu binh khác có mặt: "Không có vinh quan trong chiến tranh, chỉ có toàn đau khổ".

Ông nói rằng mình có cảm giác thật đặc biệt và biết ơn thái độ của đất nước Hoa Kỳ với các cựu chiến binh như ông đã được cải thiện rất nhiều kể từ khi ông rời chiến trường Việt Nam trở về.

Tờ Miami Herald ngày 9/7 bình luận, lịch sử đã trôi đi và cách đây 20 năm Hoa Kỳ cùng Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ. Ngày nay hai nước đang thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, hướng tới hợp tác chiến lược, trong đó Biển Đông đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trước các hành động (leo thang, phạm pháp) của Trung Quốc.

Hồng Thủy
(Giáo Dục)
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Chien-tranh-Viet-Nam-day-My-nhieu-bai-hoc-Chi-dau-kho-khong-co-vinh-quang-post159965.gd

Bộ ba Bất bình đẳng


Hầu hết các quốc gia phải đối mặt với bộ ba bất bình đẳng – bất bình đẳng về thu nhập, bất bình đẳng về tài sản, và bất bình đẳng về cơ hội. Bộ ba này, nếu không được kiểm soát, sẽ thúc đẩy lẫn nhau và gây ra những hậu quả sâu rộng. Thật vậy, ngoài những tác động về đạo đức, xã hội và chính trị, bộ ba này còn gây ra một mối quan ngại nghiêm trọng hơn về kinh tế: thay vì tạo động lực cho sáng tạo và làm việc chăm chỉ, bất bình đẳng bắt đầu làm suy yếu những động lực kinh tế, các khoản đầu tư, việc làm, và sự thịnh vượng.

Cuộc họp thường niên được tổ chức gần đây bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) có nhiều điểm thiếu nhất quán. Một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất là sự quan tâm không đồng đều của các bên tham gia đối với việc thảo luận vềsự bất bình đẳng và việc tiếp tục thiếu vắng một kế hoạch hành động chính thức để các chính phủ có thể giải quyết được vấn đề này. Điều này chứng tỏ một thất bại sâu sắc trong việc thiết lập chính sách – điều đang cần được gấp rút khắc phục.

Sự quan tâm gia tăng có lý do chính đáng của nó. Trong khi sự bất bình đẳng giữa các quốc gia đang ngày một giảm xuống thì trong nội tại mỗi quốc gia, sự bất bình đẳng lại ngày một dâng cao, điều này xảy ra ở cả những nước phát triển lẫn đang phát triển.

Quá trình này được thúc đẩy bởi một loạt các vấn đề về thực tế lẫn cấu trúc – bao gồm bản chất thay đổi của các tiến bộ công nghệ, sự trỗi dậy của việc đầu tư mang tính chất “người thắng ăn cả”, và hệ thống chính trị ưu ái giới giàu có. Đồng thời, nó còn được thúc đẩy bởi những lực lượng mang tính chu kì.

Tại các nước phát triển, vấn đề này bắt nguồn từ sự phân cực chính trị chưa từng xảy ra trước đây, điều đã cản trở những biện pháp xử lý mang tính toàn diện và đặt lên vai các ngân hàng trung ương những gánh nặng quá sức. Mặc dù so với các cơ quan hoạch đính chính sách khác, các cơ quan quản lý tiền tệ có quyền tự chủ cao hơn nhưng họ lại thiếu những công cụ cần thiết để giải quyết những thách thức mà quốc gia của họ đang phải đối mặt.

Trong giai đoạn bình thường, chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ chính sách tiền tệ, bao gồm cả việc đóng vai trò tái phân phối. Nhưng giờ đây là giai đoạn bất bình thường. Sau năm 2008, do những bế tắc về chính trị khiến các biện pháp xử lý thích hợp về tài khóa bị vô hiệu (ví dụ, trong suốt năm năm Quốc hội Mỹ đã không thông qua ngân sách hàng năm, một yếu tố cơ bản của công tác quản trị kinh tế có trách nhiệm), nên các ngân hàng trung ương buộc phải thúc đẩy nền kinh tế một cách nhân tạo. Để làm được điều đó, họ phải phụ thuộc vào mức lãi suất gần như bằng không và những biện pháp phi truyền thống như nới lỏng định lượng (chính sách bơm tiền vào thị trường thông qua việc mua trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán – NBT) để kích thích tăng trưởng và tạo việc làm.

Bên cạnh những thiếu sót, biện pháp này còn ngầm ưu ái những người giàu có vốn đang nắm giữ một lượng tài sản tài chính lớn vô cùng lớn. Trong khi đó, các công ty không ngừng nỗ lực áp dụng các biện pháp giúp giảm mức thuế phải đóng, bao gồm cả biện pháp di dời các văn phòng đại diện tới những nơi đánh thuế thấp hơn (inversions).

Kết quả là, hầu hết các quốc gia phải đối mặt với bộ ba bất bình đẳng – bất bình đẳng về thu nhập, bất bình đẳng về tài sản, và bất bình đẳng về cơ hội. Bộ ba này, nếu không được kiểm soát, sẽ thúc đẩy lẫn nhau và gây ra những hậu quả sâu rộng. Thật vậy, ngoài những tác động về đạo đức, xã hội và chính trị, bộ ba này còn gây ra một mối quan ngại nghiêm trọng hơn về kinh tế: thay vì tạo động lực cho sáng tạo và làm việc chăm chỉ, bất bình đẳng bắt đầu làm suy yếu những động lực kinh tế, các khoản đầu tư, việc làm, và sự thịnh vượng.

Do các hộ gia đình khá giả thường chi tiêu một tỉ lệ nhỏ hơn trong tổng thu nhập và tài sản của họ, sự bất bình đẳng lớn hơn sẽ dẫn tới tiêu dùng tổng thể ít hơn, do đó cản trở sự hồi phục của nền kinh tế vốn đã bị đè nặng bởi tổng cầu yếu. Sự bất bình đẳng trầm trọng hiện nay đồng thời cũng cản trở những biện pháp cải cách cấu trúc cần thiết để tăng năng suất, đồng thời cản trở các nỗ lực nhằm giải quyết các khoản nợ vượt mức còn tồn đọng.

Đây là một sự kết hợp nguy hiểm, gây xói mòn sự gắn kết xã hội, hiệu quả chính trị, tăng trưởng GDP trong hiện tại, và triển vọng kinh tế trong tương lai. Chính vì vậy thật đáng thất vọng khi bất chấp việc nhận thức về bất bình đẳng đã được nâng cao thì trong các cuộc họp của IMF/Ngân hàng Thế giới – nơi tập hợp hàng nghìn nhà hoạch định chính sách, đại diện khu vực tư nhân, các nhà báo, với các hội thảo về bất bình đẳng tại các quốc gia phát triển cũng như các khu vực đang phát triển – mà họ lại không thể tạo ra được tác động gì lên các chương trình nghị sự về chính sách.

Các nhà hoạch định chính sách dường như tin chắc rằng hiện giờ chưa phải lúc đưa ra một sáng kiến hữu hiệu nhằm giải quyết sự bất bình đẳng trong thu nhập, tài sản và cơ hội. Tuy nhiên, việc chờ đợi chỉ khiến cho vấn đề thêm khó giải quyết.

Trên thực tế, một số biện pháp có thể và nên được thực thi để ngăn chặn sự gia tăng bất bình đẳng. Ví dụ như tại Mỹ, quyết tâm chính trị được duy trì liên tục sẽ giúp lấp những lỗ hổng lớn về việc hoạch định đất đai và thừa kế cũng như hệ thống thuế hộ gia đình và doanh nghiệp, những điều đang đặc biệt có lợi cho người giàu.

Tương tự như thế, cũng có dư địa chính sách để loại bỏ những biện pháp ưu đãi thuế đã lỗi thời dành cho lương thưởng của các nhà quản lý quỹ đầu cơ và quỹ tài sản cá nhân (carried interest). Cách đánh thuế và trợ cấp quyền sở hữu nhà ở cũng nên được cải cách triệt để hơn, đặc biệt là ở các phân khúc giá cao nhất. Và cũng có những lập luận thuyết phục cho thấy cần nâng cao mức thu thập tối thiểu.

Chắc chắn, những biện pháp này sẽ chỉ cải thiện nhẹ tình trạng bất bình đẳng, mặc dù đây sẽ là những cải thiện quan trọng và dễ nhận thấy. Để tăng cường tác động thì một quan điểm chính sách vĩ mô toàn diện hơn là rất cần thiết, với một mục tiêu rõ ràng là khôi phục và tái thiết lập những nỗ lực cải cách cấu trúc, thúc đẩy tổng cầu và xóa nợ tồn đọng. Một biện pháp như vậy sẽ giảm đáng kể những gánh nặng chính sách khổng lồ mà các ngân hàng trung ương hiện đang gánh chịu.

Đã đến lúc phải nâng cao mối quan tâm toàn cầu đối với vấn đề bất bình đẳng để tiến tới phối hợp hành động. Một số sáng kiến sẽ trực tiếp giải quyết vấn đề bất bình đẳng; một số khác sẽ ngăn chặn những tác nhân gây ra nó. Chúng sẽ cùng nhau đi một chặng đường dài hướng tới việc khắc phục trở ngại nghiêm trọng (mà tình trạng bất bình đẳng gây ra) đối với phúc lợi kinh tế và xã hội của các thế hệ hiện tại cũng như trong tương lai.

Mohamed A. El-Erian hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu của Tổng thống Barack Obama. Trước đây ông từng giữ chức vụ Tổng giám đốc điều hành của PIMCO. Ông được tạp chí Foreign Policy vinh danh là một trong 100 Nhà tư tưởng Toàn cầu năm 2009, 2010, 2011 và 2012. Cuốn When Markets Collide của ông đã được tờ Financial Times/Goldman Sachs bình chọn là Cuốn sách của Năm và được tờ The Economist bình chọn là cuốn sách hay nhất năm 2008.

Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng | Bản gốc tiếng Anh: Project SyndicateTác giả: Mohamed A. El-Erian | Biên dịch: Đỗ Minh Thu

TRƯỚC NÚI MỸ NHÂN



Núi Mỹ Nhân nằm giữa biển Nha Trang gần Hòn Chồng. Truyền kể: Nàng Mỹ Nhân nằm ở đó nhiều năm tháng, chung thuỷ chờ chồng. Chồng nàng là một tướng cướp trẻ , dẫn theo một đạo quân cướp bể. Thuyền bè của họ bị bão biển đánh đắm, đi đã không về.




Bờ Hòn Chồng, quán gió, một trưa chiều
Anh đứng dưới bóng dừa xứ sở
Nghe cả biển, tình yêu và đời vỗ...
Nhúm cỏ lòng xé rách bụi thơ bay.

Em nằm đây, em hỡi! Em nằm đây
Làm núi đợi ngàn năm cùng với bể
Tình yêu vỗ muôn đời trong sóng vỗ
Không vấn vương bụi bặm cõi trần đời.

Cho anh hôn lên đôi vú đá tơi bời
Dầm dãi nắng mưa ru em trong giấc ngủ
Xin lỗi những mảng đời ta đang có
Đôi lúc thèm được bám rêu xanh.

Gió hút Hòn Chồng, bể sóng mênh mông
Ta, con chim đã trúng bao vết đạn
Dừng chân nghỉ bên bờ xanh hữu hạn
Chốn vô cùng ta muốn hỏi Mỹ Nhân?

Bóng nàng nằm trơ mãi cái nước non
Lòng nguyệt tỏ tháng năm mòn đá sỏi
Niềm vĩ đại lại vô cùng man dại
Cây-thánh-giá-cuộc-đời anh đặt dưới chân em!

Nếu có thể sống chung đầu bạc răng long
Anh nguyện với nàng cả đời vui thú
Hồ yêu tinh và đàn bà nơi trần thế
Vừa là tiên vừa là quỉ, nàng ơi!

Cô gái bán hàng trong quán gió chơi vơi
Cứ nhìn khách đôi mắt tròn đen láy
Đã kể tôi nghe chuyện về nàng Mỹ Nhân thuở ấy!
Nghe trong chiều gió cuốn bụi đường bay...

Phạm Ngọc Thái

Tin Sốc-Phạm Ngọc Thái thách đấu Hội nhà văn đương đại


Bài viết đây xem như một món quà - Phạm Ngọc Thái "Nhà thơ của tự do" gửi biếu Đại hội IX - HNVVN - Về chân dung văn học nói chung và... tầm vóc chân dung nhà thơ của nền văn hiến Thăng Long, nói riêng. Cuộc thách đấu của Phạm Ngọc Thái lấy ý nghĩa và giá trị đối với cả nền thi ca của nước nhà... trường cửu tới mai sau.

Nội dung thách đấu gồm hai phần:
1. Phạm Ngọc Thái thách 50 nhà thơ đương đại của HNVVN
2. Thách phản biện tập sách "Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại", Nxb Văn hoá Thông tin 2014
Trước khi nói cụ thể về hai mục thách đấu trên - Xin bàn đến:

MỘT NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG VIỆC THẨM ĐỊNH THƠ HAY
Muốn thẩm định cho xác đáng một tác phẩm thi ca, phải thông qua việc đánh giá số bài thơ hay, khá hay, hoặc sâu sắc có được trong tác phẩm thi ca đó. Nhưng muốn đánh giá được thế nào mới là một bài "thơ hay" thực sự của thi đàn trong nền văn học nước nhà? - Nguyên tắc trước hết phải nhận định bài thơ đó có khả năng tồn tại trường cửu với tháng năm, sống lâu dài với nghìn năm văn hiến Thăng Long hay không? Nếu bài thơ hoặc tác phẩm thi ca mà không có khả năng sống trường cửu với đời, chỉ để làm văn nghệ cổ động phong trào nhất thời, hoặc phục vụ mục đích chính trị - Thì đó là loại thơ rồi sẽ ra... "rác". 

Cũng như muốn xác định tầm vóc chân dung một thi nhân, trước hết phải xác định thi phẩm của anh ta có khả năng tồn tại hay không? Bởi vì, thơ đã không thể tồn tại, dù có vì ý nghĩa gì?... trước sau cũng vứt đi. Đã là thơ vứt đi, thử hỏi lấy cớ gì để xác định chân dung nhà thơ đó trong nền văn hiến Thăng Long? cho nên một bài thơ, một tác phẩm thi ca dù thể loại nào, trường phái nào, cách tân đến mấy mà không có khả năng sống lâu dài với tháng năm, thì không thể coi thi phẩm ấy có một giá trị đích thực được. Tức là không thể đánh giá hay xếp hạng chân dung thi nhân đó, khi thơ của anh ta không có khả năng tồn tại.

MINH HOẠ ĐÔI NÉT VỀ HÀN MẶC TỬ:

Về thi pháp để tạo nên những bài thơ hay của Hàn Mặc Tử không giống như Xuân Diệu, Huy Cận và các nhà thơ khác trong phong trào "thơ mới" thời tiền chiến? Hầu hết đều theo khuynh hướng thơ lãng mạn thuần túy. Với Hàn Mặc Tử, nếu kể các bài thơ hay của ông như: Mùa xuân chín, Bẽn lẽn và Đây thôn Vỹ Dạ... là bài thơ điển hình, thi nhân đã sử dụng hài hoà thi pháp của dòng thơ tượng trưng hiện đại Pháp. Theo thuyết "tương ứng cảm quan" do Charles Baudelaire (1821-1867), nhà thơ bậc thầy của trường phái thơ tượng trưng châu Âu lúc đó chủ xướng. Nghĩa là: những hình ảnh, biểu tượng để tượng trưng đều dựa vào cảm thụ của các giác quan, hay từ trong tâm linh - gọi là cảm quan. Cho nên thỉnh thoảng vẫn xen những ngôn ngữ mơ hồ và... ảo. Như Chế Lan Viên đã viết:
Anh phải đi từ bờ bên này sang bờ bên kia đấy
Bờ bên kia hư ảo - bờ thơ

(trích Di cảo)

Tuy nhiên, trong thơ ca không phải bài thơ hay nào ngày một, ngày hai cũng đánh giá ngay được. Như bài "Đây thôn Vỹ Dạ" của Hàn Mặc Tử, thuộc trong ít bài thơ hay nhất thế kỷ XX, thế mà phải gần năm mươi năm sau kể từ khi nó ra đời, mới được thi đàn ngợi ca để trở thành bài thơ nổi tiếng. Thậm chí cả trong Thi Nhân Việt Nam của nhà nghiên cứu bình luận thi ca danh giá Hoài Thanh, khi trích đăng một số bài thơ tiêu biểu của Hàn Mặc Tử, ông lại chưa phát hiện ra được... nên để sót không đăng bài thơ tình hay nhất đó của thi nhân.

Theo tôi, Hàn Mặc Tử là nhà thơ lớn nhất thời tiền chiến với ba bài thơ hay nổi tiếng như đã nói trên. Nhưng với tuyển thơ trên trăm bài thi nhân đã để lại cho nền văn học nước nhà, nhất là những tập "Mật đắng - Máu cuồng và hồn điên" - Thiên tài Hàn Mặc Tử thăng hoa để sáng tác ra những vần thơ, trang thơ kiệt xuất. Hoài Thanh từng có nhận định trong Thi Nhân Việt Nam, rằng:

"Hàn Mặc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra và rú lên những tiếng ghê người... Một tác phẩm như thế, ta không có thể nói hay hay dở; nó đã ra ngoài vòng nhân gian; nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn".

Lại nói về giai đoạn phong trào "thơ mới" thời tiền chiến - Đã được văn đàn nhận định như là thời kỳ phục hưng của thi ca Việt. Xuất hiện hàng loạt các nhà thơ lớn: Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính... cùng nhiều bậc thi nhân xuất sắc khác như Bích Khê, Yến Lan, Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn, Nguyễn Nhược Pháp v.v... Những thi nhân ấy đã để lại cho nền văn hiến Thăng Long cả một kho tàng thi ca viết vào giai đoạn trước cách mạng, muôn màu và đầy hương sắc.

LỜI VỀ XUÂN DIỆU:

Tuyển tập thơ Xuân Diệu cũng tới vài ba trăm bài, gồm hai mảng thơ: Mảng thơ tình trước cách mạng, như tập Thơ thơ, Gửi hương cho gió, khoảng trên dưới 70 bài. Tất cả còn lại là mảng thơ thi nhân đã sáng tác vào thời kỳ sau cách mạng. Nhưng sở dĩ Xuân Diệu được xác định là một thi nhân lớn, chủ yếu lại chính nhờ vào mấy chục bài thơ tình mà ông đã sáng tác từ trước cách mạng ấy. Chỉ với hai tập Thơ thơ, Gửi hương cho gió... viết trước cách mạng đó thôi, đã có thể nói rằng: Chúng ta đã có một nhà thơ chiếm một vị trí đặc biệt trong thơ tình của Việt Nam. Như Thế Lữ trước kia đã từng nói về ông rằng: Chúng ta đã có một Xuân Diệu!

Mấy trăm bài thơ Xuân Diệu viết sau cách mạng, có bài thơ "biển" là đứng được với thời gian. Hầu hết thơ viết sau cách mạng của ông thuộc loại thơ của một thời. Có lẽ vào giây phút chót cuộc đời, Xuân Diệu cũng đã nhận ra điều đó, cho nên trong bài "Giã từ" cuối cùng ông đã viết để lại rằng:

Nếu để cho tôi được giã từ
Kính chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thở chót dâng trời đất
Xuống đến suối vàng vẫn ngất ngư.


Hai tập Thơ thơ, Gửi hương cho gió ấy, là thơ tồn tại!

HUY CẬN:

Cũng như Xuân Diệu - Huy Cận được xác định vào hàng các nhà thơ lớn của nền văn học, chủ yếu nhờ tập "Lửa thiêng" mà thi nhân đã sáng tác trước cách mạng. Ông nổi tiếng với Tràng Giang, một bài thơ tuyệt hay!... và bài Ngậm ngùi được xem là mẫu mực của thể thơ lục bát. Mặc dù sau cách mạng Huy Cận cũng đã viết hàng trăm các bài thơ khác... cũng chỉ là thơ của một thời. Bài thơ đáng nói nhất của Huy Cận viết vào giai đoạn sau cách mạng, là bài "các vị La hán chùa Tây Phương". Bài thơ khá dài, 15 đoạn 60 câu. Nó nói về kiếp khổ hạnh thời xưa cũ, thông qua gương mặt các vị La Hán ấy. Hình tượng thơ sinh động, sâu sắc và tương đối khúc triết. Giọng thơ nhuần nhụy, dễ nghe. Có sức thuyết phục bởi ý tưởng thơ thấm đẫm được nỗi đau đời. Cái đoạn kiếp luân hồi chốn trần gian. Bài thơ có khả năng đứng được với thời gian. Chỉ tiếc là... tuy thơ nói về nỗi khổ hạnh nơi trần thế, nhưng đến cuối bài, tác giả có phần nắn theo khuynh hướng chính trị. Nó mang tính khẩu hiệu: cái mới tất cả là "hảo hảo", tốt tốt hết? Chủ nghĩa nhân văn của tình thơ vì thế giảm đi phần nào. Sự sung mãn của bài thơ cũng yếu đi. Như hai đoạn thơ kết này chẳng hạn:

Các vị La Hán chùa Tây Phương
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.
Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây tươi lại dặm đường xuân.


Theo tôi, giá như thi nhân không dùng hai đoạn kết ấy, bài thơ Các Vị La Hán Chùa Tây Phương vẫn đủ sự viên mãn mà lại còn hay hơn.

Tóm lại, Thơ viết trước cách mạng của Huy Cận với tập Lửa thiêng thuộc loại thơ tồn tại!

Nếu tôi có dẫn giải thêm về Chế Lan Viên và Nguyễn Bính thì cũng tương tự như vậy.

CHẾ LAN VIÊN:

Nói tới Chế Lan Viên người ta nghĩ ngay đến Điêu tàn, thơ viết trước cách mạng. Là tập thơ đầu tay được sáng tác khi thi nhân mới chỉ ở vào tuổi thiếu niên. Hoài Thanh đã từng nhận xét trong Thi Nhân Việt Nam:

"Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị... Nó dựng lên một thế giới... cái thế giới lạ lùng và rùng rợn ấy, ai có ngờ ở trong tâm trí một cậu bé mười lăm mười sáu tuổi. Cậu bé ấy đã khiến bao người ngạc nhiên. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ hai mươi, nó đứng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật".

Đồng thời - tầm vóc Chế Lan Viên cao lên còn nhờ vào cả một khối Di cảo thơ đồ sộ tới năm sáu trăm bài viết tự do. không theo một yêu cầu nào về mặt chính trị, cũng không để cổ động cho một phong trào văn hoá, văn nghệ nào. Nghĩa là, những bài trong Di cảo đó thi nhân sáng tác theo nhu cầu cảm xúc tự thân. Không ít bài còn ở dạng dang dở trong bản thảo, được xuất bản sau khi thi nhân đã qua đời.

Như đã nói, thơ Chế Lan Viên là loại thơ triết lý. Những trang Di cảo thơ đó Người hoàn toàn sáng tác tự do, tự do tung phá... sâu sắc tính nhân văn. Thậm chí kể cả những bài mang tính phản biện về mặt chính trị cũng rất quí. Nhiều bài đặc sắc. Nhờ có khối Di cảo thơ đồ sộ này, tầm vóc chân dung thi nhân lớn của Chế Lan Viên cao lên nhiều.

Như thế có thể nói: Trong tuyển thơ Chế Lan Viên có hai mảng viết hoàn toàn tự do - Hai mảng tự do đó đã được thăng hoa, phát tiết... tạo nên một tầm vóc thi nhân lớn, sừng sững - Chính là Điêu tàn và Di cảo thơ! Hai loại tác phẩm thi ca ấy sẽ còn sống mãi với non sông và nền văn học nước nhà. Đó là "thơ tồn tại"!

Tuy nhiên, riêng về Chế Lan Viên - Vì thơ có tính triết lý cao, nên trong mảng thơ sáng tác sau cách mạng, với những áng thi ca thấm đẫm màu sắc triết học, nhất là những bài về chủ đề Tổ quốc - Nhân dân... vẫn được đời ngưỡng mộ.

NGUYỄN BÍNH:
Nói đến Nguyễn Bính người ta nhớ nhiều những bài thơ trong tập: Lỡ bước sang ngang (1940), Tâm hồn tôi (1940), Hương cố nhân (1941), Mười hai bến nước (1942)... với các bài như: Mưa xuân, Lỡ bước sang ngang, Cô hái mơ, cô lái đò, Viếng hồn trinh nữ, Chân quê, Những bóng người trên sân ga, v.v... Và một số bài thơ lẻ, thi nhân đã viết trước cách mạng - Thí dụ bài Một trời quan tái:
Chiều lại buồn rồi, em vẫn xa
Lá rừng thu đổ, nắng sông tà
Chênh vênh quán rượu mờ sương khói
Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà.

........

Chiều nay thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái, mấy cho say!

Hay là Đường rừng chiều:

... Chim nào kêu mỏi ngàn cây
Ngẩn ngơ đôi chiếc ngựa gầy dong xe
Đồi sim dan díu nương chè
Trắng phau khói núi, xanh lè áo ai...


Những bài thơ ấy, những trang thơ ấy đời sẽ còn nhớ mãi. Thơ sau cách mạng Nguyễn Bính viết cũng nhiều, nhưng người ta cũng đã quên nhiều.

BÍCH KHÊ:

Tuy chưa phải là nhà thơ lớn nhưng Bích Khê đã thuộc vào bậc tài danh thời tiền chiến. Cùng với tập "Tinh hoa" - "Tinh huyết" của thi nhân được nhiều người biết đến. Hoài Thanh đã từng khen trong Thi Nhân Việt Nam:
"Tôi đã gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam:

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông".

Đặc biệt với bài “Tranh lõa thể” nổi tiếng, Hàn Mặc Tử ca ngợi hết lời: "Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo. Nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu... ".

Cũng giống Hàn Mặc Tử, thơ Bích Khê đậm màu sắc của dòng thơ tượng trưng Pháp như Baudelaire, Verlaine. Thi ca của ông huyền ảo đến mức mà chính Hoài Thanh đã nói: "Thơ Bích Khê mới đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc". Người các thời gọi ông là "Thi sĩ của thần linh".

Mỗi khi nhắc về thời tiền chiến, các nhà lý luận phê bình văn học vẫn tìm tòi, nghiên cứu thế giới tâm linh cũng như ngôn ngữ nghệ thuật thơ ông.

SƠ QUA VỀ CÁC NHÀ THƠ HNVVN ĐƯƠNG ĐẠI
Tôi từng nói với nhà viết "Chân dung và đối thoại" Trần đăng Khoa rằng: “Các nhà thơ đương đại của HNVVN có chân dung thấp nhất trong lịch sử thơ ca!”

Nếu thời tiền chiến được coi là giai đoạn phục hưng của thơ ca Việt Nam, đã ra đời hàng loạt các nhà thơ lớn và nhiều bậc thi nhân tài danh, như đã nói - Thì, chân dung các nhà thơ đương đại của HNVVN ngày nay, có lẽ thuộc vào loại thấp kém nhất so với các thời kỳ của cả nghìn năm văn hiến Thăng Long?


Khoảng nửa thế kỷ trở lại đây không có được một nhà thơ lớn nào, đã đành. Cả một Hội nhà văn Việt Nam đương đại có đến mấy trăm nhà thơ, mà nhìn đi nhìn lại vẫn không thấy một chân dung nào khả dĩ, có thể chọn được một tập thơ lưu lại cho đời? Phần lớn thơ của họ, như người ta thường nói là "thơ mậu dịch quốc doanh". Thơ làm phong trào, hay phục vụ chủ trương chính sách, rồi thì... sẽ ra "rác". Thảng cũng có được nhà thơ có một đôi bài kha khá - chứ thơ hay thực sự của thi đàn như các thi nhân mà tôi đã dẫn giải trên, thì... không có. Hầu như chân dung các nhà thơ có tên tuổi của đương đại, kể cả ông Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh, chủ yếu do được thổi lên, sơn son thếp vàng.

Phần này tôi sẽ dẫn giải chi tiết sau - Giờ xin trở lại với hai nội dung thách đấu đã nói trên.

I- PHẠM NGỌC THÁI THÁCH 50 NHÀ THƠ ĐƯƠNG ĐẠI CỦA HNVVN

Tùy ý do Hữu Thỉnh Chủ tịch Hôị nhà văn tuyển lựa. Mỗi người chọn lấy một bài thơ hay nhất của mình.
Thí dụ - Hữu Thỉnh có thể chọn “Thơ viết ở biển”, ” Sang thu”, hay “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”...
(Mở ngoặc nói thêm về các trường ca của Hữu Thỉnh, như "Đường tới thành phố" hay "Trường ca biển"... viết còn dông dài, dặm lời nghĩa ít, tầm vóc làng nhàng. Viết để phô trong phong trào thơ ca văn nghệ, chính trị. Các loại trường ca này không thể tồn tại được với thời gian. Không lưu được vào nền văn học nước nhà. Cho nên với ý nghĩa của văn hiến Thăng Long, nó không có giá trị).

- Vũ Quần Phương có thể chọn bài "Đợi" hay nhất của ông ta - Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng thơ HNVVN đương thời, chọn với “Bếp lửa” hoặc “Nghĩ lại về Pautôpxky”... là bài thơ tình hay nhất của Bằng Việt - Thanh Nhàn thì chọn “Hương thầm” v.v...

Nghĩa là, 50 nhà thơ với 50 bài thơ hay nhất, cao nhất của HNVVN đương đại - Một mình Phạm Ngọc Thái, tôi cũng sẽ chọn đủ 50 bài thơ hay nhất của tôi đã xuất bản.
Tất cả tổng cộng 100 bài.

a/. BAN GIÁM KHẢO ĐỂ BÌNH LUẬN VÀ ĐÁNH GIÁ:

Tôi giành cho Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội nhà văn tuỳ chọn ban giám khảo, phán xét đối với cuộc thách đấu này. Thí dụ: Vũ Quần Phương, được Hội nhà văn coi là nhà bình thơ số 1 ở đương thời; hay nhà viết Chân dung và đối thoại Trần đăng Khoa... muốn chọn ai cũng được - Một mình Phạm Ngọc Thái chơi tay vo, không cần ai giúp.

Với những người viết bài phân tích, bình luận, thẩm định thơ hoặc phản biện tác phẩm - phải ghi rõ "chính danh". Chủ tịch Hữu Thỉnh cũng phải chịu trách nhiệm về cái danh đó. Không được bịa ra một cái tên tào lao, rồi phân tích lý luận vớ vẩn, xiên xẹo, thậm chí là nhận thức thi ca còn dốt nát mà vẫn bình láo... cũng chẳng ai biết là "ai"?

b/. ĐĂNG THƠ:

100 bài thơ đó (Phạm Ngọc Thái 50 bài - 50 nhà thơ của Hội nhà văn 50 bài), có thể đăng trên Tuần báo Văn nghệ hiện do nhà văn Khuất Quang Thụy làm tổng biên tập. Tạp chí thơ, Tạp chí Văn, hay trên vanvn.net của Hội. Còn bài viết của các tác giả đánh giá hay phản biện... có thể đăng trên mọi phương tiện truyền thông. Từ báo chí đến các trang mạng Việt trong nước và hải ngoại khắp toàn cầu.

c/. ĐẶT GIẢI THÁCH ĐẤU:

- Nếu 50 bài thơ của 50 nhà thơ HNVVN thắng được 50 bài thơ của Phạm Ngọc Thái - Nghĩa là tầm vóc, chân dung thơ của Hội nhà văn cao hơn thơ tôi:
Phạm Ngọc Thái sẽ mất cho HNVVN hai mươi triệu đồng (20.000.000đ)
- Nhưng nếu thơ của 50 nhà thơ Hội nhà văn lại thấp kém hơn thơ Phạm Ngọc Thái, thì: Hữu Thỉnh với cương vị Chủ tịch Hội sẽ phải chi cho tôi năm mươi triệu đồng (50.000.000đ) - Vì một mình Phạm Ngọc Thái chấp cả 50 nhà thơ của Hội nhà văn cơ mà.

* Tôi xin lưu ý những người trong ban giám khảo là phải bình cụ thể vào bài thơ hay, chỉ ra số bài thơ hay, thơ sâu sắc... có trong tập, trong các tác phẩm của tác giả. Không được lý thuyết suông, triết lý kiểu sách vở tràn lan, vô tội vạ... mà đánh giá chẳng ra cái trò gì ??? Giá trị của một bài thơ thực sự hay lưu lại được cho nền văn hiến Thăng Long là vô giá trong cuộc đời của một nhà thơ. Huống hồ cả một tập thơ hay và... một đời thơ lớn. Không biết thì dựa cột mà nghe, còn muốn bình thì phải bình cho xác đáng - Bài nào hay? Hay như thế nầo? Vì sao bài thơ đó có khả năng tồn tại trường cửu?... Vị nào không biết bình mà vẫn cố tình - khi đó tôi có quyền phản biện, chỉ ra sự sai sót, yếu kém. Bài viết chẳng những không có giá trị, hoặc cố tình bình bậy - Không phải chỉ người viết, cả ông Chủ tịch Hữu Thỉnh cũng phải chịu trách nhiệm.

Tôi từng viết bài luận bàn về chân dung nhà thơ Hữu Thỉnh, nhiều lần đem thơ dở, bình thường, để lấy đủ các thứ giải thưởng quốc gia, quốc tế. Nay xin tóm lược lại cho ngắn gọn, làm dẫn chứng về việc bình phẩm thơ ca như đã nói trên - Tít đề như sau:

"THƯƠNG LƯỢNG VỚI THỜI GIAN" MỘT TẬP THƠ DỞ. NHIỀU BÀI VIẾT HỎNG.

Ông Chủ tịch Hội nhà văn đem ra để lấy giải thưởng lớn

Hữu Thỉnh làm nhiều bài thơ còn ẩu. Tư duy bừa rồi tìm những từ hay, hình ảnh hoa hoét... ghép lại. Có bài mới đọc lên cứ tưởng?... Cũng thấy là lạ, nhưng gấp sách lại nghĩ, nghĩa thơ chỉ màng màng như một lớp sương khói, hoặc một ý tưởng không rõ ràng. Tôi có thể nêu các kiểu làm thơ tạp-pí-lù ra đây, đến vài chục bài trong tập thơ trên năm mươi bài của ông. 

Thí dụ bài "Bóng mát":

Tôi như cây biết giấu lá vào đâu
Giữa gió bụi cõi người
Nếu giấu lá thì còn đâu bóng mát
Bóng mát mà không che nổi chính tôi.

Mới đọc thì có vẻ nỗi đời, nỗi người, nỗi trần ai đây? nhưng ngẫm kỹ thì bài thơ rất lung bung. "gió bụi cõi người" nghe cũng đoạn trường đấy chứ? nhưng gắn với hình ảnh "lá" ở câu trên - "lá" kia biểu tượng cho cái gì của anh ta? Cũng chẳng rõ. Nếu nó đã làm thành bóng mát thì tại sao lại phải dấu? Ta lại xem câu kết:

Bóng mát mà không che nổi chính tôi

Tại sao có bóng mát rồi mà lại không che nổi chính anh ta? - Thế là, tất cả vẫn mới chỉ là một mớ ý nghĩ còn mơ hồ, lộn xộn, thậm chí hình ảnh đá nhau, chưa định hình để lập được thành tứ và nghĩa. Hữu Thỉnh vơ hết vào làm thành một bài cho xuất bản. Chẳng cần biết để nó diễn đạt cái gì? Bài thơ trở thành vô... nghĩa. 


Thơ Hữu Thỉnh nhiều bài bất cần tính lô-gich trong tư duy triết lý, dù chỉ là một bài thơ ngắn vài câu. Thí dụ một bài thơ khác:

Đôi luống thời gian/ Ai ải mùi đời/
Hì hục câu thơ/ Gieo chỗ không người/
Tấm chăn ngôn từ/ Dầy sao không ấm/
Thi nhân dậy chưa/ Gà đang chuyển sớm.

( Mồ hôi đón ngõ )

Đọc lên cũng đã thấy cái thời gian ai ải mùi đời kia... chắc là thời gian như cuộc đời thum thủm toàn phân tro chăng? Mấy từ "ai ải mùi..." mà tác giả sử dụng cốt chỉ để thơ cho có vẻ hình tượng "kêu" đấy thôi. Nhưng đó là cách sử dụng bất kể ý nghĩa. Sau đó tự nhiên chuyển sang ý thi nhân làm thơ gieo vào chỗ không người... rồi đến gà qué báo sáng, thế là hết thơ! Cũng chẳng biết "cái thời gian ai ải mùi đời" kia với người thi nhân làm thơ nó có quan hệ với nhau thế nào? Nó được đưa vào trong bài thơ để nói lên ý nghĩa gì? cũng đã được thêm một bài. Hữu Thỉnh làm thơ rất nhiều bài đại loại nham nhúa như thế!

Cũng có khi chỉ do một ý tưởng nào đó chợt vụt đến, thoáng qua mà tác giả vội ghi lại. Đáng lý nó mới chỉ là tư liệu trong một bản nháp. Nhưng Hữu Thỉnh đã sử dụng ngón nghề của một tay thơ chuyên nghiệp, thêm dăm ba chữ mắm muối vào đó hoặc tìm đại vài hình ảnh cho có vẻ kêu kêu. Bất cần hình ảnh đó ý nghĩa có hợp với bài thơ không, xào xáo nó lên... lại được thêm một bài thơ nữa. Gộp nó lại thành tập lấy giải thưởng văn chương.

Ví dụ bài "Những người đi lại phía tôi":

Những người đi lại phía tôi
Bao nhiêu bóng mát một lời lá bay
Mặc ai xô dạt mỗi ngày
Múc đau lòng giếng vẫn đầy sao hôm.

Hình ảnh thì cũng có vẻ hoa mỹ, nỗi mình, nỗi đời. Nhưng bài thơ nói gì nhỉ? Nếu kết lại thì hình như là... vô nghĩa. Nó "vô nghĩa" bởi vì nó tư duy theo kiểu vơ váo và lắp ghép nhằng. Tôi xin phân tích hình ảnh "bao nhiêu bóng mát" kia là gì? Có phải bao nhiêu người đang đi lại phía nhà thơ đã đem cho ông ta bóng mát chăng? Nếu thế thì cũng có tính nhân văn đấy chứ? nhưng liền ngay sau đó lại là hình ảnh:

... một lời lá bay

Chả lẽ để đáp lại "những bóng mát" mà người đời đã đem lại cho ông, tức là những danh lợi mà ông đã được hưởng, ông chỉ đáp lại cho họ, cho cộng đồng "một lời lá bay" ư? Nghĩa là, tao cũng chả cần phải trả cho chúng mày nhiều. Một đôi lời ve vuốt suông hay chút bổng lộc gì đó cỏn con thôi, sau đó ông thoảng qua như... lá bay! Và ông cứ ung dung hưởng "những bóng mát" mà người đời mang lại cho ông. Bởi vì ngay câu thơ thứ ba viết:

Mặc ai xô dạt mỗi ngày...

Thể theo sự liên kết trong tư duy bài thơ: Ông cứ mặc cho cuộc sống những kẻ đã mang lại bóng mát cho ông bị xô dạt, chìm nổi. Ông mặc xác tất cả. Rồi bài thơ kết:

Múc đau lòng giếng vẫn đầy sao hôm

Hình ảnh "múc đau lòng giếng" có vẻ ghê, nhưng để nói cái gì? Ta giả sử nếu cái giếng kia biểu thị cho đời. Ông cứ việc múc đau lòng đời. Tức là ông cứ việc vơ vét, hưởng thụ những lợi lộc của đời mang lại... cho đến cuối đời ông. Bởi vì hình ảnh "sao hôm" sẽ biểu thị cái nửa đời chiều của ông mà: "vẫn đầy sao hôm" là vậy.
Còn nếu ta giả sử, hình ảnh "cái giếng" kia để chỉ bản thân nhà thơ! Ông múc đau ông. Nghĩa là ông sẵn sàng hy sinh bản thân cho hạnh phúc của mọi người - Thì sao câu thơ trên ông lại viết: "Mặc ai xô dạt mỗi ngày"??? Thế là bài thơ trở thành khập khiễng, ý thơ phi lý. Hình ảnh như những cánh hoa giấy đẹp nhưng lung tung. Bài thơ này cũng chỉ là một bài... thơ rác.


Có lẽ không phải là Hữu Thỉnh không biết cái hạn chế trong sáng tác thơ của mình?... và cũng không phải là không biết sự thấp kém của tập thơ "Thương lượng với thời gian"? Cho nên cũng đã có lúc ông tự thú.Ta hãy đọc bài "Người làm mùa" thì rõ:

Những gié vàng lại tụ hội vàng tươi
Mùa hoàn hảo? Thiên nhiên bầy kiệt tác
Sao với ta vẫn chỉ vài nét phác
Tẩy xoá hoài người vẽ mãi chưa xong?


Ý muốn liên hệ với "mùa thi ca" của ông ta đây! Đã biết thơ mình mới chỉ là những nét phác, nhạt nhẽo, nông cạn. Còn với mình thì "tẩy xoá" mãi vẫn không viết nổi một bài thơ hay - Thế mà vì lòng tham, ông Chủ tịch đã 05 lần lấy giải thưởng quốc gia. Lần này vẫn mang ra lấy tiếp cái giải thưởng Hồ Chí Minh kèm với mấy trăm triệu đồng cơ đấy!

Tôi lại ví dụ thêm bài nữa. Bài "Vô thanh":

Tôi ngồi nhặt sỏi đếm buồn
Gió đi tìm khói chon von mấy đồi
Mây kia ham sự nhất thời
Bao nhiêu oan nghiệt mắt người ngước lên.

Thực ra bài thơ mới chỉ là mấy sự lắp ghép ý chợt đến ở dạng bản thảo. Tư duy nửa chừng chưa ra đâu vào đâu, nên chưa nói được cái gì? Đây cũng đích thị là một bài thơ để... loè đời! Cái ngón nghề mà Hữu Thỉnh tìm ra trong quá trình sáng tác thơ của mình chính là thủ thuật rất xảo ấy. Đã thành sở trường trong quá trình làm thơ của ông. 

Đấy là tôi mới ví dụ một số bài thơ ngắn cho dễ đọc. Để bạn đọc khỏi nhàm chán, chỉ xin ví dụ thêm một bài thơ dài hơn, nhưng cũng viết ẩu làm nhàm như thế. Đó là bài "Lời mẹ" - Nói về mẹ thường là những bài thơ rất máu thịt, da diết. Nhưng “Lời mẹ” của Hữu Thỉnh, phải nói thơ viết hồ đồ đến mức độ... hơi nhăng nhít. Bài thơ chia làm ba khúc. Mỗi khúc 8 câu. Tổng cộng toàn bài 24 câu.

Khúc I- Khúc đầu tiên này thì nó còn kể lể có chuyện một tý. Tuy cũng chỉ viết nôm na tung hứng bừa đi thôi, chẳng có gì gọi là chắt lọc hay nghệ thuật tinh tuý. Nhưng thôi, ta chấp nhận như thế, tạm gọi là cũng được:

Mẹ đã sinh ra tôi/ Đặt tên cho tôi nữa/
Một cái tên nõn nà/ Hồn nhiên như sói nhỏ/
Cái cối và cái chày/ Con mèo và con cún/
Yêu mấy vẫn chưa vừa/ Thoắt trở thành người lớn.


Mấy câu sau là tác giả đã nhặt nhạnh bừa đi rồi đấy, ghép lại thành một khúc. Chưa thể gọi là ăn nhập với nghĩa trong cả bài. Ta cứ đọc tiếp sẽ thấy. Đến khúc thứ hai, thứ ba mới thật là thứ thơ... hô khẩu hiệu. Mà đây là khẩu hiệu rất sáo rỗng, nhạt nhẽo. Nhưng tác giả không phải chỉ hô khẩu hiệu một lần đâu? Hai khúc thơ, mỗi khúc 8 câu, chỉ có hai câu đầu là khác, còn sáu câu sau lặp lại y hệt nhau. Ý tứ vơ váo. Chợt nghĩ được cái gì là đưa luôn vào. Cứ như là viết đại cho xong. Đọc chối không chịu nổi. Để bạn đọc thấy rõ xin chép lại cả hai khúc sau ra đây:

Khúc II - 
Tôi bước ra ngoài ngõ/ Gió thổi. Nước triều lên.../
Đi hoài không gặp tiên/ Đành quay về hỏi mẹ/
Hãy yêu lấy con người/ Dù trăm cay nghìn đắng/
Đến với ai gặp nạn/ Xong rồi, chơi với cây!


Khúc III- 
Tôi lại bước dưới trời/ Không tiếc mòn tuổi trẻ/...
(6 câu sau giống hệt ở khúc hai)
Đi hoài không gặp tiên/ Đành quay về hỏi mẹ/
Hãy yêu lấy con người/ Dù trăm cay nghìn đắng/
Đến với ai gặp nạn/ Xong rồi, chơi với cây!


Xin phân tích một chút ở câu thơ cuối khúc - Sao lại kết "Xong rồi chơi với cây"? Nếu là những người chán sự thế, chán chốn quan trường đi ở ẩn như Nguyễn Khuyến chẳng hạn? hay như thi sĩ Tản Đà chán chốn hồng trần tìm đường lên núi "tu tiên" đã đành?... Đằng này Hữu Thỉnh còm ham danh lợi thế cơ mà? Đọc thơ ta có thể hiểu:

- Mẹ từng dặn anh ta rằng: con người nó hay lừa lọc, gian xảo lắm. Tốt thì ít mà xấu thì nhiều. Đừng nên "chơi" với con người mà chỉ nên chơi... với cây thôi!

Nhưng mẹ lại cũng dặn anh ta: 

- Phải làm một con người cao thượng. Con người tuy xấu thế đấy, nhưng lúc họ gặp nạn... thì phải đến cứu vớt họ (như ở câu thơ trên đó đã viết "Đến với ai gặp nạn") - Xong rồi lại về..."chơi với cây"!

Đây là một bài thơ viết cẩu thả. Cái đoạn lặp đi lặp lại dài đến 6 câu, nào có hay gì? có nghệ thuật thi ca gì cho cam? chỉ là cách nói đạo lý sáo rỗng.

Câu thơ: Đi hoài không gặp tiên/ - Hình ảnh ấy chắc Hữu Thỉnh chợt nhớ về chuyện cổ tích: Có cô bé hoặc cậu bé nghèo khổ đã mơ thấy ông tiên hay bà tiên hiện về. Thế là bê luôn vào thơ. Mà lại là bài thơ nói về nỗi đời, đoạn trường người lớn hẳn hoi. Một bài viết về mẹ thuộc dạng nhàm chán nhất, nhì... đối với một nhà thơ chuyên nghiệp mà tôi từng được đọc.

Thế đấy! Thơ ông Chủ tịch đã lãnh đạo Hội nhà văn đến ba khoá của chúng ta hôm nay là thế đấy?

Nói dài, bình thêm làm gì nữa cho bạn đọc càng nhàm chán. Quá đủ để nhìn nhận về tập thơ "Thương lượng với thời gian" còn rất thấp.
- Không phải là không có lý - Trong lần ông được giải quốc gia đầu tiên với tập trường ca "Đường vào thành phố", đã bị nhà thơ Xuân Diệu phê phán ngay trên báo Văn nghệ là dở vô cùng. Là không biết làm thơ. Là tào lao chi khươn...
- Cũng không phải là không có lý - Trong lần thứ hai ông ăn giải Hội nhà văn với tập thơ "Thư mùa đông", đã bị nhà văn Tô Hoài viết bài chê bai rằng: “Thơ Hữu Thỉnh chỉ là một gánh chè chai đồng nát”.

MẤY BÀI THƠ CHƯA HAY CỦA ÔNG CHỦ TỊCH ĐƯỢC HỘI NHÀ VĂN THỔI PHỒNG THÀNH THƠ HAY

Có người sẽ bảo: Cứ cho rằng cả đời thơ Hữu Thỉnh quá nhiều là những thơ tạp, câu cú lắp ghép nhiều khi còn bừa. Nhưng ông ta cũng có mấy bài thơ được gọi là hay đấy chứ? như các bài "Thơ viết ở biển" hoặc "Sang thu" chẳng hạn.
Xin thưa: Hữu Thỉnh không có một bài thơ nào thực sự là thơ hay của thi đàn.
Rất nhiều các bài thơ Hữu Thỉnh đều không hoàn tứ, hoàn nghĩa. Không đứng được với thời gian. Song cũng có đôi bài thơ được đánh giá là khá. Đó chính là hai bài thơ vừa nói trên. Nhưng kể cả hai bài thơ đó, vẫn không có bài thơ nào đủ sự viên mãn, hoàn bích để đậu thành thơ hay - Chưa muốn nói rằng: thực ra bài "Thơ viết ở biển" mà nhiều người khen là bài thơ hay nhất của Hữu Thỉnh, lại chính là bài thơ viết... hỏng. Nếu đem phân tích nó sẽ lộ ra những yếu điểm rất non yếu của một quá trình tư duy sáng tác.

1/. "THƠ VIẾT Ở BIỂN" -
Bài thơ chứa rất nhiều khuyết tật? Trước hết nói về hình ảnh hai câu thơ hay nhất bài:

Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím

Người ta nói "nước chảy đá mòn" chứ không ai nói "gió thổi núi mòn"? Hình ảnh thơ dùng không đúng nghĩa nên tính lô-gích của ý thơ bị kém đi.

Còn đối với câu thơ dưới: ví "em" là "chiều" đã nhuộm tím cả anh? Nghe chừng hình tượng ví von này còn gượng gạo. Tại sao em lại là "chiều"? "chiều" - không có ý nghĩa gì đối với người phụ nữ. Sự liên kết hình ảnh thơ với đời sống chưa chính xác, cũng không ổn. Mặc dù hai câu đó đọc lên người ta vẫn hiểu... nhưng về phương diện sáng tác thi ca, nhất là đối với một nhà thơ chuyên nghiệp, sử dụng hình tượng như thế là... dùng bừa.

Mấy hình ảnh thơ đầu thì hay:

Anh xa em / Trăng cũng lẻ / Mặt trời cũng lẻ 

Nhưng đến hai câu sau:

Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

Nếu chỉ thuần tuý tả về biển để nói về nỗi cô đơn, thì hai câu thơ này khá. Bởi vì, biển mênh mông như thế mà chỉ thiếu một cánh buồm bé nhỏ đã trở nên quạnh vắng, hiu hắt. Nhưng "biển" và "cánh buồm" trong bài thơ Hữu Thỉnh còn để làm biểu tượng về người con trai và người con gái. Trong văn học người ta thường ví: "em là biển cả mênh mông", "tình em biển cả", hay "trên biển cả tình em... anh như cánh buồm gặp gió bay ra xa khơi" v. v... Ít khi người ta dùng hình ảnh biển để biểu tượng cho người con trai như trong bài thơ Hữu Thỉnh? Mà khi hình ảnh "biển dài rộng" đã là "anh" - thì hiển nhiên "cánh buồm" phải là em!

Nghĩa là, Hữu Thỉnh ví: "anh như biển cả - còn em như... cánh buồm ???” Sự ví von lộn ngược thơ như thế hơi buồn cười, khập khiễng.
Giờ ta suy xét về đoạn thơ kết:

Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Vì sóng đã làm anh / Nghiêng ngả / Vì em...

Cảm xúc viết thơ đến đây của Hữu Thỉnh bị bí, thơ hơi quẩn. Vì là một bài thơ viết ở biển, nên tác giả mới lấy hình tượng "sóng" để gắn vào đó một cái nỗi tình? nhưng hình ảnh:

Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến...

Như phân tích ở đoạn trên - "biển", tác giả đã sử dụng làm biểu tượng về người con trai, mà sóng cũng chính là biển - tức là "anh" rồi! Thành ra nghĩa ở câu này sẽ là:

Anh đã làm anh nghiêng ngả vì em???...

Hữu Thỉnh hay mắc một thứ bệnh tư duy trong thơ nhiều khi suy xét không kỹ, sử dụng tùy tiện, thấy nó cứ có vẻ đẹp là dùng. Hơn nữa hình tượng "... đã làm anh nghiêng ngả vì em" - Nỗi thơ chưa được đẩy tới tột cùng, cho nên không viên mãn. Bài thơ kết bị đuối.
Tóm lại: về phương diện tư duy nghệ thuật thi ca - "Thơ viết ở biển" của Hữu Thỉnh là bài thơ viết... hỏng.

2/. ĐÔI NÉT VỀ "SANG THU" -

"Sang thu" cũng là một trong đôi bài thơ được đánh giá là xuất sắc nhất của Hữu Thỉnh. Tác giả tả về cảnh một buổi vào thu ở làng quê, hình như đó là vào lúc trời gần tối sau một cơn mưa, mặc dù:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Nhưng:

Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.

Tác giả cũng chỉ mới dừng lại ở dạng một bài thơ miêu tả thuần tuý cảnh vật thiên nhiên, dù sự tả đó khéo và có hương sắc. Nào là: 

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se 

Rồi:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Cả đến khi kết, bài thơ vẫn chỉ lẩn quẩn ở những câu tả cảnh đó:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

Tức là tác giả mới cam cảm về một khung cảnh thiên nhiên, rồi lấy những sự vật xung quanh mà vẽ nó ra. Tuy sự tả có gợi... nhưng cảm xúc thơ vẫn còn nông ở bên ngoài, chưa có tư duy trong. Chẳng qua nó được lấy vào sách giáo khoa cho trẻ con học, rồi thi cử... học sinh phải tán cho hay lên - Rất có hại cho việc nhận thức thơ ca bị lệch lạc của học trò.

Trong nền văn hiến của nghìn năm Thăng Long, xưa nay chưa từng có bài thơ nào chỉ tả cảnh suông, nỗi đời và tình người chứa trong cảnh không có hoặc nhạt nhẽo... mà lại được gọi là thơ hay? Xin ví dụ vài bài thơ tả cảnh đặc sắc của các thi nhân xưa:

* "MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - Cũng chỉ là tả cảnh mùa xuân, nhưng nỗi lòng cô quạnh về tình duyên... vì bệnh tật mà thi nhân không được hưởng. Đứng trước cảnh đời chứa chan hạnh phúc của bao thôn nữ... quấn quít với nỗi nhớ làng quê da diết trong hồi ức của Người:

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Nỗi tình trong cảnh thơ chứa chất... đã đẩy nghĩa thơ đi đến sự viên mãn tột cùng, mới tạo thành một áng thi ca hoàn bích để lại cho thế gian.

* "THU ĐIẾU" CỦA NGUYỄN KHUYẾN - Viết về một đêm thu ngồi thuyền câu cá. Cảnh tình hiu hắt với lòng người ẩn sĩ cô liêu, khi ông chán nơi quan trường trở về nương náu chốn thôn hương. Ta thấy hình ảnh thơ ôm bọc đời sống bên trong rung động. Nhất là trong hai câu kết:

Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo...

Một tâm trạng khắc khoải, chênh vênh trong đêm thu. Thơ như có thần. Sâu sắc vậy nên Thu điếu mới trở thành bài thơ hay.

* "QUA ĐÈO NGANG" CỦA BÀ HUYỆN THANH QUAN - Tức là một bài thơ tả cảnh Đèo Ngang, nhưng chứa đầy nỗi lòng của người nữ sỹ:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Cũng là mượn cảnh vật để mô tả... nhưng đã trở thành biểu tượng về nỗi nước, tình nhà của Bà Huyện Thanh Quan. Cuối cùng tác giả lại trở về với cõi lòng da diết giữa chốn đèo Ngang hoang vu, hạ một câu kết tuyệt bút:

Một mảnh tình riêng ta với ta

Ý tình trong thơ đã bộc lộ tâm can, cõi lòng sâu xa nhất của người đi xa. Giọng điệu, hình ảnh thơ sống động, điển hình đến mức hoàn bích. Cho nên nó mới sống mãi với nền văn học nước nhà.

Trở lại với bài thơ Hữu Thỉnh: Đọc “Sang thu” muốn cảm nhận ra một nỗi đời, hoặc một ý tình trắc ẩn nào đó... dù của nhà thơ hay nhân tình thế thái, là không có? Bài thơ không đủ sự viên mãn cần thiết để được coi là một bài thơ hay?

3/. "NĂM ANH EM TRÊN MỘT CHIẾC XE TĂNG"

- Một bài thơ viết theo kiểu hùng tráng của một thời. Giọng điệu từa tựa như đồng ca, hò vè. Nghệ thuật ngôn ngữ thi ca bình thường. Qua thời gian thì nó cũng sẽ nằm yên trong đống bụi phủ mà thôi.
Tôi không muốn nhắc lại bài thơ "Hỏi" ở đây - Những năm qua Hữu Thỉnh bị văn đàn đàm tiếu rất nhiều, tố cáo đã đạo bài thơ Hỏi đó từ bản dịch bài "Thượng đế tạo ra mặt trời" của nữ văn sĩ người Đức Christa Reinig?

Kết luận: Mai sau hầu hết thơ Hữu Thỉnh, kể cả những tập thơ được giải thưởng quốc gia hay quốc tế... sẽ theo Hữu Thỉnh xuống mồ. May ra có vài ba tình thơ đứng lại được trong những năm tháng nào đó, nhưng cũng nhạt nhòa. Nếu đã không có nổi một tập thơ tồn tại đối với nền văn học, thì khi ấy không biết nên xếp chân dung ông Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh thuộc loại nhà thơ nào?

II- THÁCH PHẢN BIỆN LẠI TẬP SÁCH "PHẠM NGỌC THÁI CHÂN DUNG NHÀ THƠ LỚN THỜI ĐẠI"


Trong tập "Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại" dày 372 trang sách, gồm hai phần:

a/. PHẦN 1: Thơ - Với tên đề "Bầu trời thơ tình hay và lạ". Cả thảy có 120 bài thuộc những bài thơ tình hay, khá hay hoặc đặc sắc nhất, được chọn ra từ trong các tập thơ đã xuất bản của đời tác giả.

b/. PHẦN 2: Bình luận "Thế giới thi ca Phạm Ngọc Thái" với những bài viết của nhiều tác giả là các văn nghệ sĩ, nhà giáo, hay những độc giả hâm mộ. Phần này hơn 200 trang, gồm 35 bài... vừa là các bài bình thơ hay, khá hay, hoặc sâu sắc điển hình - Cùng với tiểu luận chân dung. Như bài "Phạm Ngọc Thái một nhà thơ tình lớn của dân tộc", do nhà bình luận văn học Nguyễn Đình Chúc viết. Bài Phạm Ngọc Thái người hai lần thi sĩ; Phạm Ngọc Thái với chùm thơ hay về tình yêu và đàn bà; những tình thơ áo trắng; Mấy nét tình sử về bài thơ Người đàn bà trắng; Phạm Ngọc Thái và một kỳ tác thi ca v.v...

Quí vị có thể tham khảo bài tổng hợp và đánh giá thơ hay của anh Trần Tứ Đức - nguyên Cán bộ Viện ngôn ngữ và văn hoá dân gian, nhan đề:
"Phạm Ngọc Thái với 3 tuyệt tác - 20 tình thơ hay hoặc khá hay"
Đã đăng trên nhiều trang mạng trong nước và thế giới. Mở đọc qua đôi link sau:
Trong nước:
http://www.nhuygialai.com/2014/03/pham-ngoc-thai-voi-3-tuyet-tac-20-tinh.html
Hải ngoại:
http://www.chinhluanvn.com/2014/03/pham-ngoc-thai-voi-3-tuyet-tac-20-tinh.html

Trong lời giới thiệu tập sách "Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại" ấy, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng - Giảng viên trường Đại học Sư phạm đã viết:

" Theo đánh giá với một bình diện rất rộng trên văn đàn mạng: Phạm Ngọc Thái là một trong những nhà thơ lớn của nền văn học nước nhà.... Phạm Ngọc Thái không chỉ sáng tác được nhiều thơ tình hay. Thơ về nỗi đời nhân gian, kiếp người của ông, không ít bài cũng đạt sự viên mãn để tạo thành những thi phẩm súc tích. Có bài đến hoàn bích như " Làm ma em vợ "; mang tính hiện thực điển hình như "Nỗi trăn trở người đi tìm vàng"; hoặc những bài thơ đời sâu sắc khác không kém phần hay:
Cô quét lá đêm hồ, Em bán xoài, Khóc Hàn Mặc Tử, Em bé cầu bơ, Chiều hoàng hôn, Cỏ hoang...
Đúng như sự đánh giá trên văn đàn: Thi ca Phạm Ngọc Thái dù là thơ tình hay thơ đời, những bài đạt độ viên mãn về ý tưởng nhân văn cũng như ngôn ngữ nghệ thuật là rất nhiều. Mức độ hay của mỗi bài khác nhau, song những tình thi đó đều có thể làm rung cảm trái tim ta. Chưa từng có thi nhân nào sáng tác được nhiều thơ tình hay đến thế ! Rồi mai sau ông sẽ có cả trăm bài thơ tình đứng trường cửu với đời và nền văn hiến Thăng Long ".

TRỞ LẠI VỚI PHẦN THÁCH ĐẤU:

Người nào phản biện trên cơ sở những bài bình thơ, hoặc hoàn bích đến độ tuyệt tác, hoặc thơ hay, khá hay, thơ sâu sắc - cùng các tiểu luận về chân dung tác giả... đã đăng trong tác phẩm - Nghĩa là phủ định tập sách và... phủ định tầm vóc nhà thơ lớn.
Nhân đây cũng xin khẳng định: Theo nhận định của tôi - Hội nhà văn Việt nam đương đại, kể từ Hữu Thỉnh đến các nhà thơ khác... hiện không có nhà thơ lớn!

- Nếu bài viết phản biện của vị nào đó của Hội nhà văn đánh giá xác đáng - Phạm Ngọc Thái chấp nhận mất cho người đó và Hội nhà văn hai mươi triệu đồng (20.000.000đ).

- Nhưng nếu bài viết sai... do kiến thức thẩm định thi ca còn non kém, hoặc không biết nhìn thơ mà cứ cố tình bình bừa, bình láo - Tôi sẽ phản biện lại: sai ở đâu? Thấp kém thế nào? nghĩa là sẽ vạch rõ cho vị đó thấy sự ngu muội về thơ, không đủ khả năng thẩm định tác phẩm thi ca - Khi ấy, không phải chỉ vị đó... mà chính Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội nhà văn cũng phải chịu trách nhiệm chi trả cho Phạm Ngọc Thái hai mươi triệu đồng (20.000.000đ).

Đã gọi là cuộc thách đấu thì tất cả hai bên ai tham gia, giữa Phạm Ngọc Thái và Hội nhà văn đều phải có luật! Ai thấy đủ gan thì trao đổi, bàn luận với Hữu Thỉnh để vào... "cuộc chơi"?

Phạm Ngọc Thái thách đấu cả Hội nhà văn Việt Nam đương đại.

Viết tại đất nghìn năm văn hiến Thăng Long
Tháng 7-2015
PHẠM NGỌC THÁI


http://tranmygiong.blogtiengviet.net/2015/07/07/ph_m_ng_c_thai_thach_u_c_h_i_nha_v_n_vi_

Đa thần, độc thần và phiếm thần





Nghiên cứu lịch sử hay nguồn gốc các tôn giáo, người ta thường phân lọai các tôn giáo về mặt đức tin nơi Thần Thánh thành ba lọai:


_ Tôn giáo đa thần (polytheism)

_ Tôn giáo độc thần (monotheism)

_ Tôn giáo phiếm thần (pantheism)


I._TÔN GIÁO ĐA THẦN

Tín ngưỡng đa thần phát sinh từ sự kính sợ các hiện tượng thiên nhiên hay từ cảm tính về cái thiêng của một vật thể nào đó. Tín ngưỡng đa thần cũng bắt nguồn từ những thần thọai mô tả rất nhiều nhân vật có hình tướng lạ thường, tính cách phi thường, có sức mạnh siêu phàm. Những thần này đặc trách cai quản và phò hộ cho một lãnh vực đời sống thế gian.Tín ngưỡng đa thần còn đi đến sự thần hóa các vị anh hùng trong dã sử hay lịch sử của một dân tộc.

Điều quan trọng để xác định tín ngưỡng đa thần là lọai tín ngưỡng này chưa có "khái niệm" về một vị thần tối cao duy nhất tự hữu và hằng hữu. Nghĩa là với tín ngưỡng đa thần, dù cho có một vị thần đứng đầu trong số những vị thần mà họ tôn thờ, vị thần này cũng sinh ra từ một phả hệ hay dòng tộc như trong xã hội loài người.

Có thể đơn cử hệ thống các vị thần của đỉnh núi Olympus của Hy Lạp (Zeus (Ζευς) Vị thần tối cao cai quản thế giới thần thánh và những người trần thế,

Hades(Άδης )Vị thần cai quản thế giới âm phủ.), Poseidon (Ποσειδῶν) Vị thần cai quản biển khơi.), Athena (Αθηνά) Vị nữ thần của trí tuệ, chiến thắng, công lý, nghề thủ công., Ares (Ἀρης) Thần chiến tranh., . . . để có khái niệm về tôn giáo đa thần.

Các vị thần trên đỉnh Olympus trở thành các thần tối cao trong thế giới thần thánh ( có nghĩa là đứng đầu các thần khác, chưa phải là Thượng Đế của tôn giáo độc thần –NV) sau khi Zeus lãnh đạo các anh chị của mình trong cuộc chiến chống lại các thần khổng lồ Titan và thành công. Zeus, Hera, Poseidon, Demetra, Hestia và Hades là anh chị em ruột; tất cả các vị thần khác thường là con của Zeus với những người vợ khác nhau của ông.

II._TÔN GIÁO ĐỘC THẦN

Các nhà nhân văn-xã hội học cho rằng tín ngưỡng độc thần tiến bộ hơn tín ngưỡng đa thần; nhưng có trường phái quan niệm tín ngưỡng đa thần là sự suy thoái từ tín ngưỡng độc thần. Nghĩa là độc thần có trước, đa thần có sau.

Độc thần giáo, hoặc nhất thần giáo, là niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, phổ quát và bao hàm mọi sự vật.

Trong tư duy phương Tây, chỉ có các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham được xem là độc thần.

Các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham: 1

Ở phương Tây, Kinh thánhDo Thái giáo (Hebrew Bible), tức Cựu Ướccủa Cơ Đốc giáo, là nguồn kiến thức chủ yếu về độc thần giáo, miêu tả trình tự và thời điểm độc thần giáo được giới thiệu vào vùng Trung Đôngvà phương Tây. Theo các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, ấy là khi Abrahamnhận biết Thiên Chúa (Sáng thế ký 12:1-9; 13:14-18;15; 18; và 22), ông là tín hữu độc thần giáo đầu tiên trên thế giới. Trong lịch sử cổ đại, cho đến thời điểm ấy(khoảng 1500 năm TCN), mọi nền văn hoá đều đặt niềm tin vào nhiều thần linh, hoặc vào các sức mạnh thiên nhiên và các loài tạo vật, hoặc tin vào sự huyền nhiệm của môn chiêm tinh, nhưng không ai đặt niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Kinh Thánh Hebrewdạy rằng mặc dù khi sáng thế Adamvà Eva(cùng với dòng dõi của họ) đã nhận biết Thiên Chúa, nhưng trải qua các thế hệ Thiên Chúa và danh của Ngài đã bị lãng quên.

1._Do Thái giáo và Kinh Thánh Hebrew

Do Thái giáo (Judaism) : [. . .] qui tắc sống đạo được bảo tồn và huấn thị trong kinh Torah và kinh Tanakh (Kinh Thánh Hebrew), cung cấp nguồn văn kiện xác minh sự khởi phát và tăng trưởng của nền luân lý độc thần giáo của Do Thái giáo:

Mosestrở lại với dân chúng với Mười Điều Răntrên tay. Điều răn thứ nhất dạy rằng "Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác" (Xuất Ai Cập ký 20.3). Hơn nữa, người Do Tháithường trích dẫn Shema Yisrael("Hãy lắng nghe, hỡi Israel"), chép rằng "Hãy lắng nghe, hỡi Israel: Đức Giê-hô-va, Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa là duy nhất". Độc thần giáo là trọng tâm của dân tộc Do Thái và Do Thái giáo.

2. _Cơ Đốc giáo

Xác tín vào một Thiên Chúa duy nhất, hầu hết tín hữu Cơ Đốc tin rằng Thiên Chúa hiện hữu trong ba thân vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh (giáo lý Ba Ngôi). Ba Ngôi có cùng một bản thể và một thần tính. Tuy nhiên, có một vài giáo phái nhỏ, tự nhận mình thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo như Chứng nhân Jehovah, bác bỏ giáo lý Ba Ngôi trong khi đạo Mormon chỉ thờ một Thiên Chúa nhưng không phủ nhận sự hiện hữu của các ngôi kia

3._Hồi giáo

Hồi giáo trình bày xác tín của mình về độc thần giáo theo cung cách đơn giản hơn. Bản tín điều Shahadah(الشهادة) khẳng định niềm tin vào Đấng Allahduy nhất và tiên tri Muhamad. Câu kinh này được xem là một trong Năm Trụ cột của Hồi giáotheo hệ phái Sunni. Khi một người đọc to câu kinh này, người ấy được xem là đã chính thức theo đạo Hồi. Hồi giáo cho rằng tính duy nhất của Thiên Chúa là giáo lý căn cốt. Hơn nữa, Hồi giáo còn xem học thuyết Ba Ngôi của Cơ Đốc giáo là sự biến dị của lời dạy của Chúa Giê-su.

III._TÔN GIÁO PHIẾM THẦN

Những tôn giáo phiếm thần tin rằng mọi vật trong thiên nhiên điều liên quan đến nhau và không thể tách rời nhau. Những tôn giáo này gồm có: những trường phái phiếm thần của nhánh Shiva và Vishnu trong Ấn Độ giáo, Thần đạo của Nhật Bản, và một vài tín ngưỡng về vạn vật hữu linh.

Bách khoa tự điển Wikipedia định nghĩa từ ngữ "phiếm thần" (Pantheism)như sau:

Pantheism ( tiếng Hy lạp: pan=tất cả; theos=Thần (Thượng Đế), có nghĩa " Thượng Đế là Tất cả" và "Tất cả là Thượng Đế". Đó là quan niệm cho rằng mọi vật đều có Thượng Đế nội tại; hoặc quan niệm rằng vũ trụ, hay thiên nhiên, và Thượng Đế đều tương đồng. Các định nghĩa chi tiết hơn nhằm nhấn mạnh ý tưởng rằng qui luật tự nhiên, thế giới hiện hữu và tổng thể vũ trụ đều được thể hiện hay tạo thành theo nguyên tắc thần bí của Thượng Đế.

Khái niệm Atman-Brahman của Ấn giáo có thể giải thích ý nghĩa " phiếm thần" như sau:

Atman : Căn cốt của chúng sinh là Atman, vô biên,vĩnh cửu, bất biến, bất phân. Chân tính của mỗi cá thể là Atman, đồng nhất với thực tại tiềm ấn của vũ trụ. Chỉ có một thực tại "Anh là cái Đó"

Brahman: Thực tại siêu việt vừa vô hình vừa hữu hình, vô ngã lẫn hữu ngã, siêu việt lẫn nội tại. Thực tại siêu việt thể hiện bằng các hình thức dáng vẻ khác nhau, và được biết dưới nhiều tên gọi khác nhau. Các cá thể có nhiều đường lối thực hiện Thượng Đế với hiện trạng thích ứng của mình.

IV._NHẬN ĐỊNH

Về mặt lý thuyết, các tôn giáo được phân lọai như trên, nhưng tìm hiểu sâu giáo lý, cách thờ phượng và mục đích hành đạo của mỗi tôn giáo, chúng ta sẽ thấy không có tính chất tuyệt đối độc thấn, đa thần hay phiếm thần.

Cơ Đốc giáo nhấn mạnh giáo thuyết Thiên Chúa Duy Nhất nhưng vẫn có chủ thyết Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.

Ấn giáo tuy nghiêng về Phiếm thần, nhưng vẫn có giáo thuyết "Tam vị nhất thể" (Brahma –Vishnu – Shiva) và thờ nhiều vị thần khác.

Hồi giáo thuộc về độc thần, tuy không nhìn nhận Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng tin tưởng vào Tiên tri Muhamad và Thiên thần Gabriel.

Ngọai trừ các tôn giáo đa thần Hy Lạp và La Mã xưa, không nói đến chủ thuyết độc thần với Thượng Đế tối cao duy nhất tự hữu, bất diệt..

Tuy nhiên, do Kinh Thánh Hebrew (hay Cựu Ước hay Kinh Do Thái) có câu: "Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác" (Xuất Ai Cập ký 20.3), khiến cho tín đồ các giáo phái hay tôn giáo có nguồn gốc Cơ Đốc giáo, trong đó các phái Kháng cách (hay Protestant hay Tin lành . . .) không chấp nhận các tôn giáo khác tôn thờ những vị Thần Thánh hay thờ Thượng Đế dưới những danh hiệu khác hơn tôn giáo họ.

Còn một vấn đề khá gay go là việc cấm thờ hình tượng của các tôn giáo có nguồn gốc Abraham nêu trên. Điều sẽ gây tranh cãi là định nghĩa của hình tượng. Hình tượng là biểu tượng nào khác khác hơn tượng hình thể Chúa Ki-Tô, hình thánh giá hay bất cứ hình tượng gì ? Việc cấm thờ hình tượng phát xuất từ nguyên nhân nào và có mục đích sau xa nào ?

Thiện Chí ( ST)

Tài liệu tham khảo:

Tôn giáo – Độc thần giáo – Tôn giáo Hy Lạp – Pantheisme: Wikipedia Encyclopedia.
Atman-Brahman: The Hindu Universe: http://www.hindunet.org/
Xuất Ai Cập ký: Kinh Thánh Cựu Ước


 Phụ lục :

Thuyết phiếm thần


http://daitudien.net/triet-hoc/triet-hoc-ve-thuyet-phiem-than.html*

Học thuyết triết học chấp nhận sự tồn tại của Thượng đế, nhưng không cho Thượng đế là nguyên nhân ban đầu tạo ra tất cả, mà biểu hiện ngay trong vạn vật và bản thân con người; Thượng đế với thế giới là một. Ở thời trung đại và giai đoạn đầu của thời cận đại trong lịch sử Tây Âu, khi tư tưởng tôn giáo đang thống trị, TPT có ý nghĩa tiến bộ nhất định, nó cố gắng giải phóng triết học khỏi tôn giáo [những tư tưởng duy vật và yêu tự do trước đây của Brunô (G. Bruno), Xpinôza (B. Spinoza)]. TPT không phải là một trào lưu thống nhất, có trào lưu mang tính chất duy vật - vô thần, có trào lưu mang tính chất thần bí - tôn giáo. Ngày nay, các nhà tư tưởng tư sản lợi dụng TPT để tạo ra một sự thoả hiệp giả tạo giữa tôn giáo và khoa học.