Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Lịch sử Việt Nam qua con mắt người nước ngoài






Sự hình thành cơ cấu chính trị Đại Việt


Lê Quỳnh


Bộ hai quyển “The Cambridge History of Southeast Asia”, do đại học Cambridge xuất bản năm 1992, có bao gồm bài viết của Keith Taylor, giáo sư môn lịch sử Việt Nam ở ĐH Cornell, Hoa Kỳ.

Bài này nhan đề “The Early Kingdoms” (Các vương quốc thời kì đầu), nằm trong chương Ba của tập sách. Bài viết khái quát sự hình thành các vương quốc Chămpa, Angkor, Pagan, Ayutthaya, Srivijaya, Majapahit và Việt Nam.

Sự đáng chú ý trong tiểu luận của Keith Taylor không nằm ở các chi tiết niên đại hay các trận đánh (vốn chỉ được nói lướt qua), mà ở các nhận định về sự biến đổi trong cơ cấu chính trị cũng như nhận thức của người Việt về cách thức trị quốc.

Những ghi chép lịch sử về Đông Nam Á bắt đầu với sự xuất hiện của những người lính và quan lại Trung Quốc dọc đường biển Nam Trung Hoa vào khoảng cuối thế kỷ thứ ba trước Công nguyên.

Khu vực mà các viên chức Trung Hoa có nhiệm vụ ghi chép tư liệu chạm trán trực tiếp nhiều nhất nằm ở đồng bằng sông Hồng, ở nơi ngày nay là miền bắc Việt Nam. Các đoàn quân nhà Hán chinh phục khu vực này vào thế kỷ thứ nhất và, đến cuối thế kỷ thứ ba, các cố gắng của những người điều hành biên giới Trung Quốc và các đại tộc địa phương đã tạo ra một thực thể cấp tỉnh tương đối ổn định, nhạy cảm trước quyền lợi đế quốc Trung Quốc đồng thời đại diện cho một hệ thống quyền lực địa phương có khả năng giành thế chủ động đại diện cho các quyền lợi của chính nó khi đế chế Trung Hoa rơi vào thế yếu hoặc đang trong quá trình chuyển tiếp.

Ban đầu

Trong thế kỷ thứ sáu, các lãnh đạo địa phương chống lại sự chiếm đóng của các triều đại Trung Quốc suy thoái, nhưng đến đầu thế kỷ thứ bảy họ không có sự chống đỡ hiệu quả nào trước sự hiện diện của các nhà Tùy và Đường. Trong hai thế kỷ bảy và tám, các quan nhà Đường thành lập An Nam Đô hộ phủ ở miền Bắc Việt Nam. Đô hộ phủ là một dạng khu vực có tổ chức ở vùng biên giới tạo ra cho các khu vực chiến lược xa xôi mà cư dân là những người không phải dân Trung Quốc. Việc thiết lập An Nam Đô hộ phủ đi kèm với việc thâu thập, sát nhập giai cấp thống trị địa phương vào hệ thống phân tầng quan chức của đế chế. Chừng nào thế lực nhà Đường còn mạnh, khu vực này vẫn tương đối bình yên. Nhưng cuối thế kỷ tám và thế kỷ chín là giai đoạn bất ổn chính trị, với những thế lực địa phương tranh giành quyền lãnh đạo với tư cách là người ủng hộ hoặc chống đối chế độ nhà Đường mà ngày càng trở nên yếu kém; đến cuối thế kỷ Chín, triều đình Trung Quốc đã suy giảm ảnh hưởng đến mức chỉ còn đưa quân tiến vào khu vực với mục đích duy trì sự toàn vẹn biên giới mà thôi.


Một số bài viết của Keith TaylorSách:The Birth of Vietnam (1983)

Bài viết:1. Authority and Legitimacy in 11th Century Vietnam (1986)2. Nguyen Hoang and the Beginning of Vietnam’s Southward expansion (1993)3. China and Vietnam: Looking for a new version of an old relationship (1993)4. Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region (1998)5. A Southern Remembrance of Cao Bien (1999)

Một sự phát triển quan trọng trong giai đoạn nhà Đường là việc địa điểm mà ngày nay là Hà Nội trở thành trung tâm chính trị của các vùng đất của người Việt. Trước đó, những trung tâm chính trị đầu tiên tại đồng bằng sông Hồng mà ta còn biết đến nằm dọc rìa tây bắc và phía bắc của đồng bằng; đến thế kỷ thứ Bảy, việc định cư ở đồng bằng đã đạt tới mức Hà Nội trở thành trung tâm quyền lực.

Trong thế kỷ Mười, sau sự sụp đổ của nhà Đường, các cố gắng của những người thuộc lớp cai trị ở Việt Nam muốn thành lập chế độ quân chủ đã thất bại, mặc dù có chiến thắng trước đoàn quân Nam Hán năm 939. Đến thập niên 960, đội quân nông dân do Đinh Bộ Lĩnh lãnh đạo, từ đại bản doanh ở Hoa Lư, áp đặt một trật tự tương đối tại khu vực.

Các vị vua người Việt trị vì tại Hoa Lưu từ thập niên 960 đến 1009 khẳng định sự lãnh đạo đối với các địa phương có người Việt và giành được sự công nhận của Trung Quốc đối với uy quyền khu vực của họ. Hai thành tựu này là những điều kiện căn bản để thành lập một thực thể chính trị của người Việt, tuy vậy, chúng chưa đủ, và sự lãnh đạo của Hoa Lư chỉ là chuyển tiếp. Trong thập niên 960, Đinh Bộ Lĩnh giành uy thế quân sự tại miền Bắc Việt Nam, đè bẹp tham vọng của nhiều đối thủ; năm 980-1, Lê Hoàn đánh bại đội quân viễn chinh nhà Tống, và vì thế giành được sự công nhận của Trung Quốc như một chư hầu. Tuy vậy tất cả chủ yếu là các thành tựu quân sự. Chính các nhà sư Phật giáo, phục vụ các chiến binh Hoa Lư, đã biến các thành tựu quân sự này thành những thành tựu ngoại giao lâu dài.

Các nhà sư hiểu rằng thành tựu của Hoa Lư là bấp bênh bởi vì các vị vua Hoa Lư cai trị chủ yếu qua sự đe dọa dùng bạo lực, và cứ mỗi vị vua qua đời lại kéo theo một cuộc chiến giành ngôi. Các nhà sư trở nên không thể thiếu với tư cách là những người có học có thể giao tiếp với Trung Quốc và là người huy động lao động, của cải, và dư luận có lợi tại các khu vực đông dân nhất ở đồng bằng sông Hồng. Họ thấy thành tích quân sự của Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn sẽ không kéo dài nếu thiếu các thành tựu tương ứng trong tổ chức chính trị và phát triển văn hóa. Họ cũng thấy loại quyền lực ở Hoa Lư, hạn chế bởi tâm tính hiếu chiến, sẽ không thể đạt đến các mục tiêu này. Sử dụng khả năng thuyết phục, đưa các đồ đệ vào những vị trí quan trọng, và định hình dư luận, các vị sư cuối cùng đã thành công trong việc chuyển giao quyền lực tương đối êm ả sang cho một phe cánh mà có lẽ hoặc đã liên minh với các lãnh đạo Phật giáo hoặc đơn thuần là một cánh thế tục của Phật giáo.

Lý Công Uẩn sinh năm 974; được các vị sư nuôi dạy, ông có tiếng là một Phật tử sùng đạo, và là một người lính. Khi một vị vua mất lòng người qua đời ở Hoa Lư năm 1009, ông đang là chỉ huy cấm vệ quân. Được người bảo trợ, sư Vạn Hạnh, khuyên và giúp sức, cộng sự hỗ trợ của tầng lớp lãnh đạo Phật giáo, ông được đưa lên làm vua và vào năm 1010, chuyển thủ đô về nơi từng là trung tâm hành chính dưới thời Đường, đổi tên địa điểm là Thăng Long, vây quanh là các chùa chiền và đồng lúa của đồng bằng sông Hồng.

Trong 19 năm trị vì (1009-28), Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) dường như ấp ủ ba mối quan tâm. Trong những năm đầu, ông xây thủ đô, tổ chức hệ thống thuế, và dẫn quân hướng về biên giới phía bắc và nam, dập tắt các phe phản loạn và người vùng núi. Sau khi đã thiết lập quan hệ phù hợp với các quyền lực trên mặt đất, ông tỏ ra quan tâm việc thiết lập quan hệ với các quyền lực siêu nhiên. Ông bảo trợ cho đạo Phật và các tục thờ địa phương, và như thế đã nuôi dưỡng nền tảng văn hóa cho sự cai trị của mình. Trong những năm cuối đời, ông có vẻ rút khỏi việc triều chính để tu tâm và chuẩn bị cho ngày qua đời. Ông giao quyền lực cho những người con có tài, đặc biệt là thái tử Lý Phật Mã.





Có nhiều bằng chứng cho thấy Lý Công Uẩn quan tâm ý niệm phục hồi quan hệ hòa hợp giữa người cai trị với con dân, và giữa người cai trị với quyền lực siêu nhiên. Ông chỉ trích các vị vua Hoa Lư đã bỏ qua “ý trời”, “làm khổ nhân dân”. Ông ưa thích thời đại vàng son của nhà Thương-Chu khi nhà vua vâng ý trời và ý dân, và ông quyết tái lập sự hòa hợp đó dưới triều đại mình. Ông được nhớ đến như một người vừa quan tâm tôn giáo lại vừa xót thương nhân dân. Ông liên tục bỏ qua các khoản nợ thuế hoặc miễn thuế.

Các nhà viết sử Việt Nam nhớ đến ông như người đã “đem hạnh phúc nhân dân” và “có viễn kiến cho một triều đại lâu dài”. Mặc dù ông hăng hái tiến quân dọc các đường biên giới, đánh dẹp “phản loạn” và thành lập quan hệ cống nạp, ông có vẻ đã dung thứ cho các đặc quyền của các phe nhóm địa phương miễn là họ trung thành. Điều này chắc chắn là một cải thiện ‘hạnh phúc’ cho những phe nhóm địa phương khi so với chính thể cứng rắn Hoa Lư. Có vẻ Lý Công Uẩn không phải là một cá tính thật mạnh mẽ, và ông chịu nhiều ảnh hưởng của người thấy Vạn Hạnh, người qua đời trước ông chỉ ba năm. Tuy vậy, ông thực thi vai trò được giao của mình với tài năng rõ rệt, và vị trí của ông trong lịch sử cũng tăng cùng với bước tiến của triều đại mà ông sáng lập.

Lý Phật Mã

Lý Phật Mã (Lý Thái Tông, trị vì 1028-54) sinh năm 1000 và đã được chuẩn bị cẩn thận để lên làm vua. Nhiều điềm báo được gán cho lúc ông sinh ra và trưởng thành, để nói ông có một định mệnh của riêng mình chứ không đơn thuần là người kế vị cha. Thành tựu của ông là tạo ra các định chế cho triều Lý, và ông được xem là vị vua vĩ đại nhất của triều Lý cũng như là một trong những vị vua giỏi nhất trong lịch sử Việt Nam. Nghiên cứu 26 năm cai trị của ông cũng có thể xem là nghiên cứu về tiến trình phát triển của một bộ óc thông minh, phức tạp. Hơn bất kì vị vua nào khác của Việt Nam thời kì đầu lịch sử, Lý Phật Mã được các nguồn sử liệu thể hiện như một nhân cách sống động tranh luận với các cố vấn, và quan hệ giữa họ là một quan hệ khuyế́n khích lẫn nhau. Nếu Lý Công Uẩn chỉ sử dụng một niên hiệu trong những năm trị vì, Lý Phật Mã sử dụng sáu niên hiệu, mỗi cái thể hiện một giai đoạn trong sự phát triển tri thức của ông và một phong cách lãnh đạo tương ứng.

Trong năm năm cai trị đầu tiên, Phật Mã tương đối phụ thuộc vào các cận thần có từ thời cha mình. Ông chứng kiến họ dập tắt cuộc nổi loạn của hai người anh muốn tranh ngôi, và dẫn đầu đoàn quân chống lại người anh phản loạn thứ ba tại Hoa Lư. Sau khi việc nối nghiệp đã chắc chắn, ông giám sát việc bổ nhiệm quan chức, tái tổ chức lực lượng cấm vệ quân, và cải tổ lực lượng sư sãi – đây là ba trong số bốn cột trụ chính tại thủ đô, cột trụ thứ tư là vai trò của các phụ nữ trong cung. Bên cạnh việc tham gia các lễ lạt phải có của một vị vua, ông còn dẫn quân bình định biên giới phía nam và bắc. Ông tỏ ra mình có khả năng, nhưng không thể hiện rõ cá tính của riêng mình.

Năm 1034, ông đổi niên hiệu và trong năm năm kế tiếp, thể hiện một phong cách cai trị đậm màu cá nhân mà đôi khi làm kinh ngạc và xúc phạm các cận thần. Ông sai các quan khi tâu việc trước mặt vua thì gọi vua bằng danh xưng tâng bốc hơn. Ông bỏ qua quy tắc và đưa một người thiếp lên làm hoàng hậu, vì vậy khơi nên một cuộc làm loạn mà bị ông dập tắt. Ông tổ chức lại việc quản lý vùng biên giới và xây thuyền vượt biển. Ông bỏ qua lời can gián của các quan mà tự mình cầm cày cày ruộng làm gương cho thiên hạ. Năm 1039, khi bày tôi khuyên ông đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu Đạo, ông tranh luận gay gắt với họ và chỉ khi họ đã nài ép, ông mới nhượng bộ mà nghe theo. Trong những năm này, Phật Mã thường đi trước các cận thần, và không chịu thụ động chấp nhận lời khuyên của họ.

Cuộc tranh luận năm 1039 xoay quanh việc một chế độ tốt thì là kết quả của phẩm chất lãnh đạo cá nhân hay của sự tuân theo các quy tắc định sẵn. Phật Mã nhấn mạnh một triều đình tốt phụ thuộc nỗ lực của riêng ông với tư cách quân vương. Còn các cận thần có vẻ muốn hàn gắn sự khập khiễng giữa phong thái lãnh đạo sôi nổi của vị quân vương và bộ máy lộn xộn mà ông đang dẫn dắt. Việc họ nêu lên vấn đề thay niên hiệu là cách để thu hút sự chú ý của Phật Mã. Có vẻ Phật Mã dần hiểu ra ý này của các cận thần và tiếp sau đó là giai đoạn xây dựng thể chế, quan tâm đến luật pháp và tổ chức.


Thời kì cai trị dưới niên hiệu Minh Đạo, mặc dù ngắn ngủi (1042-4), nhưng lại quan trọng bởi vì vào lúc này khả năng lãnh đạo của Phật Mã đã đi cùng với bộ khung thể chế hỗ trợ cho ông. Các định chế được lập ra đủ khả năng chịu sức nặng của một ‘bàn tay sắt’. Hoạt động chính trong thời kì Minh Đạo là sự chuẩn bị cho cuộc hành quân dài 950 kilômét bằng đường biển hướng về thành phố của vua Chàm. Cuộc chinh phục Chămpa năm 1044 này, do Phật Mã đích thân dẫn dắt, là một thành công lớn. Phật Mã trở về với nhiều chiến lợi phẩm, mở đầu một thời kì thịnh trị.

Một niên hiệu mới đặt ra năm 1049, đánh dấu việc Phật Mã bắt đầu tuổi cao sức yếu và dựa nhiều hơn vào các lễ nghi nhà nước. Thời kì này chứng kiến cuộc nổi loạn của một chư hầu biên giới phía bắc và việc phát hiện âm mưu lật đổ trong triều. Những sự kiện này có vẻ khiến Phật Mã nghĩ nhiều hơn đến chuyện sinh tử và rằng, dù ông đã có thành tích gì, thì ông cũng không thể sống mãi, và cũng không tìm ra các giải pháp lâu dài giúp giải quyết vấn đề của chế độ. Ông bắt đầu tìm an ủi qua tôn giáo, xây chùa Một Cột với các khu vườn và hồ cá cầu kì. Những năm cuối cùng của ông chủ yếu thực hiện việc ban thưởng cho các quan, và vài tháng trước khi ông mất năm 1054, đã chuyển giao quyền lực cho người con Lý Nhật Tôn 31 tuổi.

Lý Phật Mã đã đặt triều Lý trên một căn bản thiết chế mà sẽ tồn tại hơn một thế kỷ. Phong thái lãnh đạo cá nhân của ông biểu trưng cho sự tách biệt khỏi những hạn chế mà sự vô chính phủ và chia rẽ đã gây ra trong thế kỷ thứ Mười với sự sụp đổ nền tảng nhà Đường. Con trai ông, Lý Nhật Tôn, là vị vua Việt Nam đầu tiên thời kì sau nhà Đường được nối nghiệp trong êm ả - dấu hiệu cho thấy Phật Mã đã thiết lập một định chế vương triều vững chắc.

Lý Nhật Tôn

Các nguồn tư liệu Trung Quốc thể hiện Lý Nhật Tôn (Lý Thánh Tông, trị vì 1054-72) như vị vua Việt dám xem mình là hoàng đế, một điều đối với người Trung Quốc là sự thách thức trực tiếp với cái nhìn về thế giới của họ. Quan điểm Trung Hoa này có thể chỉ là một cách viết sử xuất phát từ cuộc chiến Hoa-Việt thập niên 1070, một công thức biện minh cho quyết định sau đó gửi quân chống Đại Việt. Nhưng ngay cả nếu quả tình là thế, thì vẫn có nhiều bằng chứng từ sử Việt Nam cho thấy Lý Nhật Tôn áp dụng nhiều nghi thức hoàng đế của Trung Quốc, từ việc nêu quốc hiệu, quần áo các quan, cho đến phẩm trật của quan lại, thành viên hoàng tộc và miếu hiệu cho các vua đi trước. Ngoài ra, trong thời cai trị của Lý Nhật Tôn đã diễn ra việc biên giới Hoa-Việt trở thành địa điểm đối đầu.

Dưới thời Lý Công Uẩn, một vùng đệm với cư dân là người miền núi đã phân cách khu vực chịu sự kiểm soát của Thăng Long và khu vực nằm trong quyền hạn của nhà Tống. Lý Phật Mã mở rộng quyền kiểm soát đối với vùng đệm này thông qua hành động quân sự và tục kết hôn với các tù trưởng địa phương, khiến quyền lực của Thăng Long đối diện với tiền đồn biên giới nhà Tống. Nhà Tống bày tỏ thái độ tương đối thụ động trước việc Phật Mã loại bỏ vùng đệm này bởi vì họ quan tâm nhiều hơn đến biên giới mặt bắc của nhà Tống và không muốn khích động vùng phía nam. Nhưng một số quan chức biên giới nhà Tống có thái độ cứng rắn hơn và thảo luận hành động quân sự chống Thăng Long trong lúc bí mật rèn quân địa phương và nuôi dưỡng người tị nạn, gồm cả lính đào ngũ, từ phía biên giới với Việt Nam. Sự trái ngược giữa thái độ ôn hòa của triều Tống với chính sách bí mật của một số quan chức biên giới đã khiến Lý Nhật Tôn mở cuộc tấn công phủ đầu dọc biên giới năm 1059, nói rằng ông ghét “nhà Tống phản phúc.” Sau một năm gồm các cuộc đánh nhau qua lại, hòa đàm diễn ra và một số quan chức Tống hung hăng bị bãi nhiệm, nhà Tống chính thức chấp nhận giải thích của Thăng Long. Nhưng diễn biến mới nổ ra, khi các quan chức biên giới của Tống âm mưu cùng Chămpa để gây sức ép với Thăng Long. Tuy vậy, chính sách chính thức của nhà Tống vẫn loại bỏ hành động gây hấn tại miền nam. Kết quả trong thập niên 1060, các quan chức vùng biên giới của Tống chia rẽ: một số muốn chinh phạt, trong lúc một số khác xem hành động quân sự là thiếu khôn ngoan. Trong lúc đó, Nhật Tôn cho phép các cận thần duy trì sức ép nơi biên giới và có vẻ không nhận thức về mối nguy hiểm trong quan hệ Việt-Hoa. Tình hình biên giới bất ổn sẽ chỉ nổ ra sau khi Nhật Tôn qua đời; ông có vẻ không quan tâm nhiều đến nó vì ông dành chú ý về hướng khác.

Mối quan tâm chính của Lý Nhật Tôn trong 12 năm cai trị đầu tiên là làm sao có con trai. Mãi đến năm 1066, vương phi Ỷ Lan mới hạ sinh con trai Lý Càn Đức. Đây là sự kiện quan trọng dưới triều Nhật Tôn. Trước đó, ông cứ chờ đợi, dường như bị trói chân trói tay vì nỗi sợ mình chết đi mà chưa có người nối dõi. Với việc Lý Càn Đức hạ sinh, ông như tự do, và sáu năm cuối đời của ông thể hiện dư âm của phong thái lãnh đạo mạnh mẽ của người cha. Ông quyết định lập lại cuộc chinh phục Chămpa của cha mình. Cả về mặt chiến thuật lẫn tâm lý, cuộc chiến Chămpa của Lý Nhật Tôn năm 1069 là sự lặp lại của chiến dịch của Phật Mã năm 1044. Một sự khác biệt là nếu năm 1044 vua Chàm bị hạ sát, thì năm 1069, mạng sống người này được tha. Phật Mã trước đó đang muốn thể hiện quyền lực của Thăng Long và không thể dung thứ; còn Nhật Tôn chỉ tái khẳng định uy quyền và có chỗ dung thứ cho một vị vua chiến bại.

Đằng sau các cuộc viễn chinh Chămpa là cuộc tranh đua uy thế trên đường biển Nam Trung Hoa. Thăng Long nhận thức sự quan trọng của biển và việc chế ngự bờ biển miền nam. Mặc dù nông nghiệp định ra quyền lực, nhưng thương mại nuôi dưỡng nó, và biên niên sử Việt Nam ghi lại những sự giao tiếp với thương nhân thế kỷ 11 từ các vùng khác ở Đông Nam Á, đặc biệt là Java. Chămpa nằm ở vị trí ngăn trở Thăng Long tiếp cận thị trường biển miền nam và có vẻ quả thật họ muốn ngăn trở. Người Việt nhìn về biển với sự khao khát và không ngại các cuộc chinh phạt quân sự đường xa.

Sự trị vì của Lý Công Uẩn, Lý Phật Mã và Lý Nhật Tôn thể hiện một thời kì đặc thù không chỉ trong sự phát triển của cơ cấu chính trị Việt Nam mà cả trong sự phát triển của đời sống văn hóa và tri thức. Bắt đầu từ thập niên 1040, phong cách lãnh đạo mang nặng tính cá nhân của họ được trợ giúp bằng một định chế vương triều sơ đẳng. Các hội thề trung thành với vua diễn ra hàng năm, và vua tổ chức các lễ sinh nhật lớn để ban thưởng cho những người quan trọng trong vương quốc. Có lẽ quan trọng không kém những đe dọa, lời thề và ban thưởng là sự phát triển của một quan niệm văn hóa Việt chung, một tiến trình mà ba vị vua đầu triều Lý đóng vai trò lớn.

Các vị vua này đều quan tâm các tập tục thờ cúng và muốn đưa các vị thần linh về phục vụ dưới trướng hoàng gia và Phật giáo. Họ tạo hình ảnh về bản thân như những người tài giỏi có khả năng giao tiếp với các đấng siêu nhiên. Phẩm cách của các vị vua này được xem như yếu tố kêu gọi thàn linh mang đến thịnh trị và sức mạnh quân sự cho vương quốc. Sau nhiều thập niên chịu sự chi phối của các triều Trung Hoa, đây là lúc tự phát hiện bản thân, là lúc các truyền thống bản địa được huy đông để thành lập một truyền thống Việt Nam chung gắn với thành tựu vương triều Lý. Quá trình phát hiện các tính chất văn hóa Việt Nam thể hiện một thái độ tự tin gắn với sức mạnh quân sự mở rộng. Thời kì để hoàng gia tìm ra định nghĩa thế nào là một người Việt Nam chấm dứt vào thập niên 1070 với cuộc va chạm quân sự với Trung Quốc và việc nhận ra các giới hạn mà cuộc va chạm này áp đặt.

Biên giới

Khi Lý Nhật Tôn qua đời năm 1072, tại triều đình nhà Tống xuất hiện các chính sách mới của Vương An Thạch. Ông ủng hộ các hành động cứng rắn của các quan chức vùng biên giới ở phía Tây để ngăn chặn sức mạnh của các tù trưởng vùng núi; những hành động này đã thành công. Và ông có vẻ xem biên giới Việt Nam là trường hợp tương tự, và vì thế đồng ý việc chuẩn bị tiến binh tại đây.

Lý Càn Đức lên ngôi năm 1072 khi mới lên sáu. Khi người Tống đang chuẩn bị chinh phạt, chỉ huy nhà Lý, Lý Thường Kiệt, quyết định tấn công phủ đầu. Năm 1075, ông bất ngờ tấn công các tỉnh biên giới trên cả đường biển và bộ. Người Việt lúc đó cũng biết về các tranh chấp đang nổ ra nơi triều Tống, và đã để lại các biểu ngữ nhằm khơi gợi sự giúp đỡ của các đối thủ của Vương An Thạch trong triều đình.

Vương An Thạch, bị bất ngờ và giận dữ, ̣đã vội vã tổ chức cuộc chinh phạt, bỏ qua lời can ngăn của các đối thủ trong triều. Cuộc chinh phạt của nhà Tống 1076-7, không giống như các chiến dịch Trung Quốc trước thế kỷ 10, được dẫn dắt bởi các quan chức nhỏ thiếu sự chuẩn bị và cả uy quyền để giành phần chủ động. Thủy quân Tống không tiến sâu được vào mặt nước đất Việt; đoàn quân bị tắc ở đoạn sông cách Thăng Long nhiều dặm về mạn đông bắc, và rút lui sau ba tháng đánh nhau. Sau nhiều năm thương thảo, hai phía Hoa-Việt đồng ý về một biên giới chung – biên giới này về căn bản không thay đổi cho đến tận ngày nay.


Cuộc chiến đã buộc người Hoa thừa nhận Thăng Long như một dạng chư hầu đặc biệt không thể bị hủy diệt; nó buộc người Việt thừa nhận Trung Hoa như một quyền lực tốt nhất đừng chạm đến. Biên giới, được vẽ rõ ràng và được người Việt hiểu vừa là một giới hạn mà cũng là sự bảo vệ, là một khía cạnh bất thường trong việc tổ chức không gian chính trị ở Đông Nam Á, nơi mà các biên giới truyền thống chưa bao giờ cố định như thế. Bắt đầu từ đây, sự nhận thức về biên giới này, tầm quan trọng của việc bảo vệ nó và duy trì quan hệ với quyền lực bên kia biên giới trở thành một phần quan trọng trong nhận thức văn hóa người Việt.

Khi không có uy quyền cá nhân của một vị vua trưởng thành, các lãnh đạo Việt Nam, vào cao trào của khủng hoảng chiến tranh những năm 1075-7, hợp thức hóa các sự bổ nhiệm trong triều đình thông qua một loạt ‘kì thi’ để lựa chọn người thích hợp từ những ai biết đọc, viết. Những kì thi này có vẻ là hình thức bổ nhiệm trong thời nguy cấp, và không còn thấy bằng chứng về các kì thi như thế sau thập niên 1080. Những lãnh đạo trong triều thời kì này, Lý Đạo Thành (qua đời 1081), và đồ đệ Lê Văn Thịnh cố gắng nghi thức hóa định chế vương triều. Tuy nhiên cuối cùng Lý Càn Đức đã chấm dứt xu hướng đó, trục xuất Lê Văn Thịnh năm 1096 và tái lập phong cách lãnh đạo mang nặng chất cá nhân (vốn được mong chờ ở các vua Lý).

Lý Càn Đức qua đời năm 1127. Ông không có con, và trong những năm cuối đời, phe nhà ngoại của người kế vị (cháu ông) giành uy thế trong triều đình. Kể từ đó, các vua Lý chỉ còn là đại diện cho các phe đảng nhà ngoại và là người giữ gìn các thành tích của các vua triều trước. Lúc này, các nguồn tư liệu Việt Nam nhấn mạnh vai trò các cận thần trung thành hơn là các vị vua tài giỏi. Trong thế kỷ 12, Thăng Long chống lại được sự xâm lấn của người Khmer và gia tăng vị trí trong mắt triều Tống. Nhưng bên trong nội bộ, sự đồng thuận của nhà Lý, từng dựa trên uy tín cá nhân của vua, đã phai dần. Diến ra một loạt tranh chấp giữa các phe họ ngoại của vua, những người này trấn giữ các khu vực khác nhau trong vương quốc. Đến đầu thế kỷ 13, Đại Việt đã lâm vào cảnh nội chiến kinh niên.

Triều đại nhà Lý có ba đóng góp lớn cho văn hóa truyền thống Việt Nam. Phật giáo được xem là thước đo hành xử cho cả vua và dân quan. Thứ hai, một tập hợp các vị thần bản địa được xác định là người bảo vệ quyền lực hoàng gia. Và thứ ba, một phiên bản lý thuyết chính trị Trung Hoa đã được Việt hóa được phát triển để khẳng định Thăng Long là ngai vàng của ‘hoàng đế nước Nam’ người trị vì ‘vương quốc phía nam’ theo mệnh trời. Thiên mệnh của vua Trung Quốc chỉ kéo dài đến biên giới, và biên giới được trời và các vị thần bảo vệ. Quan hệ triều cống với Trung Quốc được coi là lựa chọn thay thế duy nhất cho đối đầu và chiến tranh.


Toàn văn bài viết của Keith Taylor nằm trong quyển The Cambridge History of Southeast Asia: Volume One From Early Times to c. 1800. Nicholas Tarling chủ biên, Cambridge: Cambridge University Press, 1992
(theo BBC Vietnamese)



Phe nhà Trần cuối cùng thành công trong việc đánh bại các đối thủ và lập vương triều mới năm 1225. Dòng họ này đến từ bờ biển đồng bằng sông Hồng, và một yếu tố quan trọng cho thành công quân sự của họ là uy thế thủy quân. Trần Thủ Độ, kiến trúc sư nhà Trân, đã cố gắng sửa chữa những yếu kém trong hệ thống nhà Lý và ông thiết lập sự kiểm soát tập trung hóa chưa từng có đối với hoàng gia, triều đình và nền kinh tế.


Nhà Trần củng cố

Để tránh nguy cơ gia đình nhà ngoại can thiệp triều chính, các vua Trần chỉ lấy hoàng hậu từ họ Trần. Vào lúc tột đỉnh sức mạnh, các vua Trần ra quyết định tham khảo ý kiến của các chú, anh em – tạo nên sự đoàn kết trong nội bộ hoàng gia. Triều Trần bắt đầu sụp đổ khi những quy tắc đó không còn được tuân theo.

Để phá vỡ thế lực của các phe nhóm địa phương, thành viên họ Trần được cử làm thống lĩnh các khu vực chiến lược. Một loạt các điền trang hoàng gia phát triển, đẩy lùi thế lực địa phương ở đồng bằng sông Hồng, khiến nhà Trần kiểm soát nhiều thặng dư lúa hơn so với triều Lý. Trong việc tiêu diệt các đối thủ ở đồng bằng sông Hồng, nhà Trần đã thành công tới mức khi vương triều suy thoái vào cuối thế kỷ 14, một phe khác từ đồng bằng sông Mã, ở phía nam, mới xuất hiện để giành chính quyền.

Trong thập niên 1230. nhà Trần bắt đầu dùng hệ thống thi cử để tuyển lựa quan chức phục vụ một hệ thống hành chính kỷ luật hơn so với dưới triều Lý. Mặc dù nhà Trần sùng đạo Phật, từ đây cũng bắt đầu xuất hiện một tầng lớp sĩ phu, tuy còn ít, lấy cảm hứng tri thức từ Khổng giáo. Khi hoàng gia suy thoái trong thế kỷ 14, tầng lớp này tìm cách duy trì ổn định và cuối cùng xuất hiện lại trong thế kỷ 15 với tư cách là người phát ngôn cho quyền lực hoàng gia, và là người đưa ra các định nghĩa về đạo đức.

Kiểu chính sách tập trung hóa của Trần Thủ Độ đã là tài sản quý cho các thế hệ lãnh đạo sau đó khi Thăng Long đối diện quân Nguyên-Mông. Quân Mông Cổ chinh phục Vân Nam giữa thập niên 1250 và muốn xâm nhập Đại Việt để bao vây nhà Nam Tống. Nhà Trần chống lại trong mùa khô năm 1257-8 và buộc quân Mông lui về Vân Nam. Sau khi Khubilai Khan chinh phục Nam Tống cuối thập niên 1270, ông đòi Đại Việt quy phục. Lúc đó, vua Trần yêu cầu nhà viết sử viết bộ sử thể hiện rằng ông thừa hưởng vị trí vương quyền ngang với hoàng đế Trung Hoa và vì thế không buộc phải quy phục. Nhà Trần cũng quan tâm tới các vị thần bản địa được cho là có thể giúp chống quân xâm lược, và khi chiến tranh chấm dứt trong thập niên 1280, những vị thần này được phong tước của triều đình.

Trong những năm sau cuộc chiến chống Nguyên-Mông, nhà Trần mất dần khả năng lãnh đạo. Trần Minh Tông, người qua đời năm 1357, đã cưới một người họ Trần, nhưng cũng có con với hai phụ nữ của gia đình họ Hồ. Người đứng đầu họ này, Hồ Quý Ly, sau đó đã giành quyền lực và lên ngôi năm 1400. Hồ Quý Ly ngự trị trên sự sụp đổ của thế giới Phật giáo dưới hai triều Lý và Trần cùng sự xuất hiện chập chững của tầng lớp sĩ phu. Cố gắng chấm dứt sự bất ổn triền miên, ông được tiếng là nhà cai trị cứng rắn và độc đoán, và không lấy được lòng của các thành viên trong tầng lớp thống trị. Vua Minh Thánh Tổ không bỏ qua cơ hội can thiệp và vào năm 1406, quân Minh, lấy cớ giúp phục hưng nhà Trần, chiếm được Đại Việt. Trong hai thập niên sau đó, các quan chức Minh cố gắng biến Đại Việt thành một tỉnh Trung Hoa. Tuy vậy, chính sách của họ bị ngăn trở bởi ba sự mâu thuẫn mà rồi sẽ dẫn tới thất bại.



Thứ nhất, có một sự mâu thuẫn mang tính chiến lược trong chính sách Hán hóa của nhà Minh trong thời kì mở rộng biên giới; các cố gắng Hán hóa một dân số không tuân theo đã phá vỡ an ninh và trật tự - hai yếu tố vốn là mục tiêu của chính sách biên giới. Thứ hai, có sự mâu thuẫn hành chính giữa ý tưởng giáo hóa những người man di (ý tưởng này được sử dụng để biện minh cho việc chiếm đón) và việc bóc lột trong quá trình cai trị thực tế của người Minh; các quan chức nhà Minh được gửi sang Việt Nam có khả năng yếu kém đã phá hoại mục tiêu đề ra. Cuối cùng, là sự mâu thuẫn về tài chính giữa tài sản tham nhũng của các quan chức và sự thâm hụt ngân sách của chính quyền địa phương; quân viễn chinh tìm cơ hội ăn mảnh trong lúc thâm hụt ngân sách khiến cho trung ương phải liên tục bao cấp cho chính quyền ở Việt Nam. Những mâu thuẫn này, cộng thêm một cuộc kháng chiến mới của người Việt mà sẽ không thể vượt qua nếu không đầu tư thêm nhân lực, vật lực, đã khiến chính sách chiếm đóng bị buộc từ bỏ chỉ vài năm sau khi Minh Thánh Tổ qua đời năm 1424. Bài học cho người Trung Quốc là quan hệ triều cống tỏ ra khôn ngoan hơn chính sách chinh phục và đồng hóa.

Hoàn thiện chính quyền

Lê Lợi, một địa chủ giàu có từ Thanh Hóa, nơi đồng bằng sông Mã, đã lập nên nhà Lê. Ông chỉ tại vị trong năm năm. Những người kế tục sau đó là con trai và cháu của ông, tất cả đều lên ngôi khi còn nhỏ và triều đình nằm trong tay các tướng lĩnh từng theo Lê Lợi trong kháng chiến chống Minh. Năm 1460, một người cháu khác của Lê Lợi, Lê Thánh Tông, lên ngôi. Thời gian ông trị vì, từ 1460 đến 1497, được nhớ như là một trong những triều đại nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Mô hình chính quyền của ông đã trở thành khuôn mẫu cho các vị vua Việt Nam trong năm thế kỷ tiếp theo. Đây là thời đại của học thuật và văn chương: các tác phẩm quan trọng ra đời và còn lại đến nay. Đó cũng là thời đại của sức mạnh quân sự, khi các cuộc chinh phục Lào và Chămpa thập niên 1470 đã mở rộng lãnh thổ. Sự nghịch lý của triều đại Lê Thánh Tông nằm ở chỗ, mặc dù nó tạo nên bộ máy chính quyền hoàn chỉnh, nhưng chỉ mười năm sau khi ông mất, triều đình đã rơi vào cuộc khủng hoảng mà nó không bao giờ còn gượng dậy nổi.

Sự chiếm đóng của nhà Minh và sự thành lập nhà Lê thường được xem là các cột mốc thay đổi trong lịch sử Việt Nam. Hiệu ứng của sự chiếm đóng không phải nhỏ. Ngoài việc nhà Minh hủy diệt các chùa chiền Phật giáo và nhiều di sản văn học Lý-Trần, tầng lớp người Việt có học cũng trải qua sự thách thức về tâm lý, bị buộc phải tái định nghĩa thế nào là người Việt Nam. Trật tự Phật giáo của nhà Lý và Trần đã bị quét sạch. Tầng lớp thống trị mới là sự kết hợp giữa phe quân sự từ các tỉnh miền nam và phe sĩ phu đi theo Khổng giáo. Xã hội Việt Nam có vẻ đã mất phương hướng sau nhiều thập niên bạo lực vì sự sụp đổ của nhà Trần và sự chiếm đóng của quân Minh. Điều này thường được xem là lý do khiến các vua đầu triều Lê thực thi một loạt cải cách dẫn đến một quan niệm hoàn toàn khác về cách thức cai trị dưới thời Lê Thánh Tông.

Nhưng triều đại Lê Thánh Tông lại nối tiếp bằng cuộc khủng hoảng mà còn sâu sắc hơn khủng hoảng trước đó, bởi vì nó tạo ra một điều mới trong lịch sử Việt Nam: các cuộc nội chiến kéo dài, chia rẽ nội bộ, và một biên giới mở rộng về phương nam. Có nhiều lý do để xem sự suy sụp của nhà Lê đầu thế kỷ 16 là một chỉ dấu về sự gián đoạn – chỉ dấu này còn sâu sắc hơn các khó khăn sau khi nhà Trần sụp đổ. So với mọi vị vua sau này, Lê Thánh Tông có nhiều điểm chung nhất với các vua Việt Nam trước đó. Ông ngự trị trên một vương quốc mà về mặt địa lý và sự toàn vẹn vương triều tương tự như thời của các vua Lý, Trần. Sau này, các vị vua Việt Nam không còn bao giờ được̣ yên tâm về một không gian ổn định như thế, không còn tận hưởng sự trung thành tuyệt đối của mọi người dân Việt.

Tuy nhiên, sự so sánh Lê Thánh Tông với các vua Lý, Trần dễ làm người ta lầm lẫn, vì nó khiến ta phủ nhận khả năng xem các thành tựu hành chính của triều đại Lê Thánh Tông thật ra lại là dấu hiệu của sự yếu đuối thay vì mạnh mẽ: một dấu hiệu cho thấy nền tảng văn hóa phổ quát của các vua Việt Nam, phát triển dưới thời Lý, Trần, đã sụp đổ và kể từ đó, quyền lực nằm trong tay một tầng lớp thống trị thiếu nền tảng ủng hộ từ dân chúng. Việc xây dựng bộ máy chính quyền tập trung có thể là một cố gắng giành lấy sự kiểm soát lạnh lùng với một xã hội mà đã không còn tuyệt đối ủng hộ giai tầng thống trị. Một cách phân tích như thế sẽ khiến Lê Thánh Tông trở thành một nhân vật thời kì chuyển tiếp – một con người mà nguồn gốc quyền lực nằm ở sự thông minh và uy tín cá nhân, chứ không phải ở các thành tựu tạo dựng thể chế của ông.

Bài viết của Keith Taylor về sự phát triển cơ cấu và tổ chức chính trị của Việt Nam dừng lại ở thế kỷ 15. Trong đoạn kết, Keith Taylor viết lịch sử đóng vai trò quan trọng với người Việt Nam, có lẽ bởi vì họ buộc phải so sánh quan hệ giữa họ với Trung Quốc, một quan hệ đòi phải có sự chú tâm đến quá khứ. Khi xem xét những gì được ghi nhớ và viết về các vương quốc Đông Nam Á khác (Chămpa, Angkor, Pagan, các vương quốc Thái thời kì đầu, Srivijaya và Majapahit), ta thấy lịch sử như kiểu Việt Nam ít quan trọng hơn đối với các vương quốc này. Điều này không có nghĩa là lịch sử ít ý nghĩa trong cái nhìn văn hóa của các dân tộc khác, nhưng nó hàm ý lịch sử các dân tộc khác được nhìn theo cách khác với cách người Việt nhìn về lịch sử của mình. Lịch sử Việt Nam chủ yếu là cuộc tranh luận về quan hệ Hoa-Việt, một câu chuyện với mục đích rõ ràng và cấp bách. Việc chấp nhận một lịch sử được viết ra cũng là một phần quan trọng trong việc làm người Việt Nam.


Toàn văn bài viết của Keith Taylor nằm trong quyển The Cambridge History of Southeast Asia: Volume One From Early Times to c. 1800. Nicholas Tarling chủ biên, Cambridge: Cambridge University Press, 1992


Ký ức về Mã Viện ở miền Bắc Việt Nam


Bìa tập sách Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses

Đài BBC đã giới thiệu quyển sách "Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses: A Small Treatise on the Sects among the Chinese and Tonkinese" do NXB Đại học Cornell ấn hành năm 2002.Nhan đề tập sách có thể dịch ra tiếng Việt là: "Một luận thuyết nhỏ về những giáo phái của người Hoa và Đông Kinh", dày 359 trang.

Đây vốn là ghi chép của linh mục người Ý, Adriano di St. Thecla (1667 - 1765), người sống gần 30 năm ở miền Bắc Việt Nam trong thế kỷ 18.

Khi đang là nghiên cứu sinh của ĐH Cornell với luận án về Liễu Hạnh, bà Olga Dror tình cờ tìm thấy cuốn sách trong một kho tư liệu tại Paris.

Bài giới thiệu đã gây tranh luận và ngạc nhiên cho nhiều độc giả.

Để cung cấp thêm thông tin về quyển sách, dưới đây là phần viết về việc tìm kiếm dấu tích Mã Viện ở miền Bắc Việt Nam.

Phần này là của Olga Dror, dịch giả của cuốn sách, trích trong phần giới thiệu tác phẩm.

Olga Dror hiện đang giảng dạy ở Khoa Lịch sử, Đại học Texas A & M University.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong chương viết về các vị thần là khi Adriano di St. Thecla đánh đồng Mã Viện với Vua Bạch Mã.

Mã Viện là một trong những viên tướng nổi tiếng của nhà Hán, được gửi đến khu vực mà nay là miền Bắc Việt Nam để chinh phục cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng năm 42 – 44. Cuộc nổi dậy này được lịch sử Việt Nam xem là một sự kiện vinh quang trong lịch sử tranh đấu lâu dài chống ngoại xâm. Mã Viện đã không chỉ đàn áp được cuộc nổi dậy mà còn thiết lập nền tảng cho sự cai trị của nhà Hán. Khi quay về Trung Quốc năm 44 sau Công nguyên, ông đươc xem như là anh hùng của đế chế. Chiến dịch của ông được mô tả trong nhiều biên niên sử của Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – đây là tập sách mà Adriano di St. Thecla đã dựa vào để kể lại trong bản thảo của ông.

Vua Bạch Mã, được Adriano di St. Thecla nhắc đến trong mối liên hệ với Mã Viện, là Thành hoàng của Hà Nội. Truyền thuyết về vị này được tìm thấy trong quyển Việt Điện U Linh Tập, do Lý Tế Xuyên tập hợp vào thế kỷ 14. Ở đó, ông xuất hiện với cái tên Long Đỗ, và truyền thuyết về ông liên quan đến Cao Biền, vị quan thời Đường trấn thủ ở miền Bắc Việt Nam thế kỷ 9. Theo truyền thuyết, khi Cao Biền sai đắp thành Đại La, bỗng thấy một dị nhân cưỡi rồng bay lượn trên mặt thành. Cao Biền định dùng bùa phép trấn yểm đi, nhưng thấy đồ bùa phép đều bị sét đánh nát vụn. Thấy mình không thể vượt qua vị thần thiêng này, Cao Biền quyết định quay về Trung Quốc.

Sau đó, truyền thuyết này được trau chuốt thêm và vị thần có một tên mới, Bạch Mã.

Câu chuyện mới như sau: khi vua Lý Thái Tổ (1009 – 28) dời đô về thăng Long, cho tu sửa thành Đại La nhưng công việc mãi không xong. Vua sai người vào đền cầu đảo, trong chỗ lát thấy một con ngựa trắng từ trong đền ra, đi khắp một vòng quanh thành, đến đâu có vết chân để lại đến đấy. Vua sai theo vết chân ngựa trắng mà đắp, quả nhiên thành xây xong.

Truyền thuyết này rõ ràng có ảnh hưởng Ấn Độ, vì biểu tượng con ngựa trắng có vị trí quan trọng ở Ấn Độ từ thời cổ ở cả trong khu vực tôn giáo (người Bà La Môn thờ ngựa trắng) và khu vực nhà nước (lễ vẽ đường biên giới của một nhà nước đi theo vết chân của một con ngựa trắng). Có thể ảnh hưởng Ấn Độ đã vào khu vực này thông qua người Chăm (vì một số lượng đáng kể người Chăm đã định cư ở các vùng gần Hà Nội sau khi xuất phát từ khu vực miền Trung và đem theo văn hóa Hindu) hoặc thông qua ngả Trung Quốc (vì cái tên ‘Bạch Mã’ nổi tiếng tại đó; ví dụ, ngôi đền nơi vua Hán Minh Đế của nhà Hậu Hán (58 – 76) còn giữ một bản kinh của Siddhartha Gautama từ Ấn Độ và nơi đây được đặt tên là Đền Bạch Mã). Ngôi đền thờ Bạch Mã tại Hà Nội đặt ở số 76 Hàng Buồm.

Mới nhìn qua, lời nói của Adriano di St. Thecla rằng “Vua Bạch Mã, một tướng thái thú có tên Mã Viện, có danh tiếng vang rền” dường như là một sai sót hiển nhiên của một người không rành thực tế Việt Nam và bị nhầm lẫn vì từ mã (ngựa) xuất hiện trong cả hai cái tên. Tuy nhiên, kết luận như thế thì vội vã. Cần ghi nhận rằng Adriano di St. Thecla không phải là người duy nhất xem Bạch Mã và Mã Viện cùng là một nhân vật.

Một nhà du hành người Trung Quốc, Trịnh Tuấn Am, đến thăm Đông Kinh trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 18, đã viết như sau trong ghi chép của ông:

“Ở khu Hà Khẩu (phố Hàng Buồm hiện đại thuộc về khu này) của thủ đô, có một ngôi đền Bạch Mã, và người ta bảo rằng tại đó người dân tưởng nhớ cầu chuyện về vị tướng Phục Ba Mã Viện, thuộc thời nhà Hán. Tôi vừa đến Nam quốc và không biết gì hết, vì thế tôi cũng tin đó là thật. Và khi tôi đến đền để đọc các bia, tôi thấy viết ở đó rằng linh hồn của Phục Ba, người thuộc thời nhà Hán, được thời phụng để cầu an cho đất nước và bảo vệ người dân. Tuy nhiên, không rõ từ khi nào ông được thờ phụng ở đó, nó bắt đầu thế nào và từ triều đại nào. Chỉ thấy điều sau đây ghi lại trên bia:

Viết trong mùa thu năm Đinh Mão ở niên hiệu Chính Hòa (1687); ngôi đền được xây từ lâu lắm; các nóc và cột bị hư hại; các thương nhân từ Trung Quốc, như Chiêm Trọng Liên, đã tụ họp người dân, quyên tiền, và thuê người phục hồi, vì thế nay ngôi đền lại tươi đẹp như mới.

Tôi đánh bạo mà nghi ngờ về việc rằng Phục Ba, họ là Mã, cũng được gọi là Bạch Mã. Đâu là lý do cho điều này?”


Vào mùa thu năm Giáp Ngọ (1714), Trịnh Tuấn Am đi điều tra chủ đề này, và khi tìm kiếm, ông gặp cuốn sách Việt Điện U Linh Tập. Ông ngạc nhiên thấy rằng trong sách này chỉ có nhắc tới truyền thuyết Bạch Mã mà không liên quan gì đến Mã Viện. Những trò chuyện của Trịnh Tuấn Am với người lớn tuổi không cho ra thêm thông tin nào mới, vì thế ông ức đoán rằng những người di dân Hoa kiều đã hiểu sai về ngôi đền và xem Bạch Mã cũng là Mã Viện và vì thế thờ ông.

Trịnh Tuấn Am kết luận rằng Mã Viện và Bạch Mã là hai người khác nhau và bày tỏ e sợ rằng cái sai lầm này sẽ kéo dài vĩnh viễn.

Ta có thể thấy sự lo xa của Trịnh Tuấn Am không hoàn toàn vô lý, bởi vì bức tượng Mã Viện còn để trong ngôi đền này cho đến thời gian gần đây, như mô tả của Vũ Đăng Minh và Nguyễn Phú Hợi trong cuốn Temples et pagodes de Hanoi (1956). Dường như không biết về lịch sử lẫn lộn lâu đời giữa Bạch Mã và Mã Viện, họ quy sự có mặt của Mã Viện trong ngôi đền là vì “trong thời gần đây, người Hoa, không biết đến truyền thuyết Bạch Mã, đã biến đền thành đền của Mã Viện vì họ thấy trong chữ Mã có họ của viên tướng nhà Hán.” Như hai tác giả này đặt giả thiết, việc người dân thờ Mã Viện trong đền Bạch Mã có thể quy cho là vì sự hiểu nhầm và thiếu kiến thức lịch sử hay huyền thoại Việt Nam của cộng đồng người Hoa, và do lẫn lộn ngôn ngữ.

Nhưng tôi sẽ thử mở rộng việc giải thích bằng hai khả năng sau đây.

Đầu tiên, theo một nghiên cứu hiện đại (cuốn Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vĩnh Phúc và Trần Huy Ba), “bắt đầu từ thế kỷ 17, Hoa kiều được cho phép sống ở Thăng Long, và họ tập trung ở nhiều con phố, trong đó có phố Hàng Buồm. Đây là nhắc đến sự gia tăng giao thương giữa Đông Kinh và Trung Quốc trong thế kỷ 17, khiến nhiều thương nhân người Hoa định cư ở Hà Nội. Nhưng trước đó đã có một cộng đồng Hoa kiều ở Hà Nội trong nhiều thế kỷ.

Có thể nghĩ rằng người Hoa ở Hà Nội đã bắt đầu thờ Mã Viện như một anh hùng Trung Hoa đã đưa văn minh và quyền lực Hán vào đất nước nơi họ nhập cư. Do khu vực này của thành phố chủ yếu là người Hoa, có thể giả thiết rằng những người định cư mới đến đã lấy các ngôi đền có sẵn và đưa vào các vị thần mà họ tôn thờ. Tuy nhiên, vì vẫn luôn là một thiểu số, họ không dám trục xuất vị thần Bạch Mã ra khỏi đền thờ, mà lại hợp nhất cả hai vị.

Giả thuyết thứ hai của tôi là người được thờ đầu tiên tại đền này không phải là Bạch Mã, mà chính là Mã Viện.

Khi vương quốc Việt Nam phát triển trong thế kỷ 11, ngôi đền mới được chuyển sang để thờ Bạch Mã. Giả thuyết này có thể được hỗ trợ bởi việc Thăng Long đã tồn tại dưới cái tên Đại La từ trước khi Lý Thái Tổ dời đô về đây trong thế kỷ 11. Ngoài ra, khi thái thú Cao Biền được gửi đến để bình định vùng này trong thế kỷ 9, ông đặt thủ đô tại đây. Có thể giả định rằng ông đã củng cố tục thờ có sẵn từ trước dành cho viên tướng tiền nhiệm Mã Viện, hoặc thậm chí lập ra tục thờ nếu nó không tồn tại từ trước. Theo Việt Điện U Linh Tập, Mã Viện đã hiện ra trước Cao Biền trong một giấc mơ khi Cao Biền đang ở Đại La. Tục thờ Mã Viện có thể đã mở rộng do sự áp đặt từ trên xuống.

Mặt khác, tục thờ cũng có thể được phát triển bởi chính người bản địa, vì Mã Viện đã đem lại một số đổi thay tích cực vào Việt Nam vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, khi ông tái tổ chức xã hội và thiết lập trật tự mà khi đó đang thiếu. Theo Philippe Papin, trong quyển Histoire de Hanoi, thì:

“Bên cạnh những viên chức và người định cư Trung Quốc, ông đã tuyển mộ nhân viên địa phương, những người có quyền lực được tăng lên trong sự giám hộ của Trung Quốc. Một số trong đó có thể lên chức cao hơn. Trong các thế kỷ tiếp sau, người Hoa và Việt chung sống với nhau. Chia sẻ cùng quyền lợi, các gia đình hòa nhập, khiến có lợi cho việc kết hợp các tín ngưỡng và kiến thức văn hóa. Vì thế, một giai tầng tinh hoa Việt – Hoa được thành lập mà nhờ đó, một không gian nhỏ thống lĩnh ở đồng bằng sông Hồng đã trở thành một thủ đô uy tín.”

Sau đó, với việc thành lập một chế độ quân chủ Việt Nam độc lập, có thể Mã Viện đã không còn được ưa thích, hoặc có thể việc thờ phụng vị thần này bị kìm nén, và vì thế huyền thoại Bạch Mã được đưa vào để thay thế vị trí trước đây của Mã Viện. Để gắn kết một uy quyền lớn hơn cho Bạch Mã, huyền thoại này đã kết hợp với một vị thần khác (Long Đỗ) được cho là có sức mạnh còn hơn Cao Biền, người cũng là tướng phương Bắc giống như Mã Viện.

Tại đền Bạch Mã ở Hà Nội, Mã Viện còn duy trì vị trí của mình ít nhất cho đến năm 1984 – theo hồ sơ “Di tích. Đền Bạch Mã. Hồ sơ khảo sát năm 1984” của Sở Văn hóa Hà Nội, ở đây bàn thờ Mã Viện đặt trong góc xa phía trái của ngôi đền. Vị trí này tại ngôi đền, ngày hôm nay, để trống. Người giữ đền nói với tôi rằng theo hiểu biết của ông, quả thực có một tượng Mã Viện từ lâu lắm, nhưng không phải ở trong thế kỷ này; ông không nói thêm chi tiết.

Tôi tìm thấy một phản ứng bác bỏ tương tự về sự có mặt của Mã Viện trong đền. Phản ứng này là của những người Hoa vẫn còn sống ở khu vực gần ngôi đền (mặc dù con số họ đã giảm nhiều từ năm 1979).

Tôi phỏng vấn nhiều người Hoa lớn tuổi sống ngay sát cạnh đền, nhưng tất cả đều từ chối nói chuyện về Mã Viện, nói rằng họ chưa từng nghe đến việc thờ Mã Viện tại đền Bạch Mã và rằng không thể nào có chuyện Mã Viện lại được thờ ở bất kì đâu tại Việt nam vì ông bị người Viêṭ xem là kẻ thù tàn nhẫn.

Phản ứng này của họ có vẻ là kết quả từ việc loại bỏ tục thờ Mã Viện ở Việt Nam sau cuộc chiến 1979, khi việc thờ Mã Viện có thể đã bị xem là việc thờ kẻ xâm lược và người Hoa có nguy cơ bị đánh đồng với kẻ xâm lược này.

Theo Adriano di St. Thecla, việc thờ Mã Viện được bắt đầu bởi chính một trong hai chị em Bà Trưng, những người “nhớ đến phẩm cách và sự phục vụ nhà nước của ông. Bà đã dựng đền để thờ ông ở huyện Phúc Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Kể từ đó, ông bắt đầu được người An Nam thờ phụng.”

Không rõ nguồn nào đã cung cấp thông tin này cho Adriano di St. Thecla bởi vì theo sử liệu, Hai Bà Trưng đã chết trong chiến dịch của Mã Viện và vi thế không thể nào bắt đầu việc thờ ông, ngay cả nếu họ có ý đó. Phúc Lộc, một tên lấy từ địa danh quê nhà của Hai Bà Trưng, không phải ở Thanh Hóa. Vì thế có vẻ có sự nhầm lẫn ở đây. Hiện không có đền thờ Mã Viện nào ở Phúc Lộc và Thanh Hóa, mặc dù có đền thờ Hai Bà Trưng ở hai nơi này.

Nhưng chúng ta không thể chắc chắn là những ngôi đền như thế đã không tồn tại trong thời của Adriano di St. Thecla. Hiện nay rất khó tìm bằng chứng cụ thể về các ngôi đền thờ Mã Viện ở bất kì đâu tại Việt Nam....
Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy những dấu hiệu rằng các ngôi đền thờ Mã Viện quả có tồn tại ở Thanh Hóa.

Ví dụ, Nguyễn Thuật (sinh năm 1842), thống đốc Thanh Hóa trong thời nhà Nguyễn (ông trấn thủ ở Thanh Hóa trong thập niên 1870), nhắc đến một ngôi đền thờ Mã Viện trong một bài thơ nhan đề “Quốc Triều Danh Nhân Mặc Ngân”. Vị trí ngôi đền này không thể xác định, nhưng có vẻ nó là một trong nhiều ngôi đền thờ Mã Viện ở tỉnh Thanh Hóa. Vì thế Adriano di St. Thecla không hẳn là phạm sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng có sự tồn tại của các đền thờ Mã Viện ở Thanh Hóa.

Ngoài ra, không phải không có khả năng là tại các ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, người dân cũng thờ Mã Viện. Tôi tìm thấy một ví dụ về điều này trong báo cáo do thôn Thanh Bình của làng Đa Tiên, tỉnh Bắc Ninh, nộp cho Viện Viễn đông Bác cổ năm 1938. Báo cáo này nói rằng người dân của thôn này xem Hai Bà Trưng là vị thần bảo vệ chính cho họ, nhưng ngoài ra họ cũng thờ người chinh phục, Mã Viện.

Một chỉ dấu khác là của Nguyễn Đức Lân, viết giữa thế kỷ 19. Ông này mô tả một ngôi đền Mã Viện ở vùng lân cận của hồ Loa. Vị trí hồ này giờ đây không chắc chắn, nhưng có thể nó đã ở ngoại vi của Cổ Loa, một địa điểm cách Hà Nội nhiều cây số về hướng đông bắc gần nơi mà, theo sử Trung Hoa, đã diễn ra trận đánh quyết định giữa Mã Viện và Hai Bà Trưng. Vì thế, lời của Adriano di St. Thecla rằng Mã Viện “được người An Nam thờ” có vẻ chính xác.

Nỗ lực của tôi đi tìm một ngôi đền Mã Viện còn tồn tại, hoặc ít nhất dấu vết của nó, đã đưa tôi đến làng Hoàng Xá, huyện Thạch Đà, tỉnh Phúc Yên. Lý do là vì ngôi làng này đã báo cáo với Viện Viễn đông Bác cổ năm 1938 rằng Mã Viện là một trong các Thành hoàng của họ.

Tại đây, một người giữ đền Linh Tự, bà Nguyễn Thị Đường, đồng ý nói chuyện với tôi về vị thần của làng của bà. Bà Đường, khi đó ở ngoài tuổi 70, nói rằng quả thực làng của họ đã thờ Mã Viện, nhưng vào năm 1946, ngôi đền bị phá hủy. Giờ đây tại vị trí của nó là một bưu điện. Theo bà Nguyễn Thị Đường, vào lúc đó, theo trí nhớ của bà, không có người Hoa sống ở khu vực này.

Bà không thể giải thích vì sao ngôi làng lại thờ một viên tướng Trung Hoa đã đàn áp các nữ anh hùng dân tộc chiến đấu vì tự do của đất nước. Bà chỉ có thể nói rằng việc thờ Mã Viện là một truyền thống mà người địa phương đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và rằng việc thờ viên tướng này là điều bà được dạy khi còn trẻ. Điều này đặt giả thiết rằng Mã Viện đã được cả người Việt Nam và Trung Quốc thờ như một vị thần bảo vệ.

(theo BBC Vietnamese) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét