Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Khi một nền văn minh bước vào đà suy vong




Trong mọi nền văn minh xưa nay, anh bác sĩ, dù dưới hình thái phù thuỷ, đều được quý trọng, tôn vinh, tin cậy : nghề nó là cứu người.

Riêng ở Tây U, vị tổ sư khai sinh ra ngành này là Hyppocrate, thời Thành-Quốc Athène, Thế-Kỷ của Périclès.

Hyppocrate đã lập ra lời thề sau :



Trong nhiều thế kỷ, ở Châu Âu, trước khi hành nghề, bác sĩ phải tuyên thệ như thế.

Lân la, lời thề ấy, có cải tạo, đi vào luật của Nhà nước cũng như điều lệ của Hội đoàn bác sĩ PhuLăngXa (Ordre des médecins ; phải qua nó mới được quyền hành nghề bác sĩ ở Pháp).

Ta vừa nghiệm sinh điều sau.

Cách đây 4 năm, ta đến phòng khám nghiệm của một vị chuyên gia ngành mắt (ophtalmologiste) mà ta vẫn thường đến khám mắt, xin đo đếm và, nếu cần, thay đổi kính viễn. Chàng kê cho ta đơn thay đổi kính viễn. Rồi bảo : "Ông muốn tôi mổ mắt ông chữa bệnh đục thể kính (cataracte) không ?" Ta do dự. Ta không thích bị mổ mắt. Chàng ôn tồn : "Suy nghĩ đi, nhưng nhanh nhe, năm tới, tôi đi hưu rồi."

Ta thay kính. Không mổ mắt. Tạm thời sống được mà. Mổ làm gì, biết đâu đó ?

Mấy tháng qua, lái xe, nhìn tên đường từ xa, thấy mắt mình xuống dốc. Bèn nghĩ tới chuyện mổ mắt. Xin gặp một chuyên viên mổ mắt ở bệnh viện ngay tại thành phố ngoại ô ta ở, do vị bác sĩ gia đình của ta giới thiệu. Đợi cả tháng mới được gẳp. Ông khám mắt ta, đuổi ta về nhà : "Ông chẳng có bệnh gì cả, về đi, hai năm nữa đến gặp tôi. Tạm thời, tôi kê cho ông một đôi mắt kính để nhìn xa, chỉ dùng khi lái xe thôi."

Ta mừng hú, lặng người, bâng khuâng. Té ra tay bác sĩ chuyên viên mắt, đã chăm sóc cả gia đình ta trong hàng chục năm, đòi mổ đôi mắt lành của ta để kiếm chác "tí" tiền trước khi đi hưu hưởng thụ cuộc sống. Điều ấy khả thi : ta biết gì về cơ thể của ta ? Đành tin bác sĩ chuyên viên thôi. Cũng may, ta không chỉ zốt, ta còn hèn, rất sợ bị mổ mắt, nên nhùng nhằng. Chứ tiền thì cơ bản đã có những quỹ bảo hiểm xã hội thanh toán.

Ở nền văn minh này, hôm nay, cả những người, đầy bằng cấp khoa học, được quý trọng tin cậy nhất, ngay trong những lĩnh vực kiến thức có thể chứng minh một cách khoa học được (phát hiện bệnh đục thể kính), đã từng lập thệ kiểu Hyppocrate trước khi hành nghề, có thể ung dung đốn mạt như thế. Chỉ vì tiền. Dường như chẳng có gì lạ. Thế thì nền văn minh này đã đi vào con đường suy vong. Chẳng kiến thức khoa học nào có thể cứu vãn nó. Những thằng chính trị gia thiếu văn hoá, nhân cách, bất kể tả hữu, e tutti quanti, không thể tin được.

Ôi, văn học, dù trước mắt bất lực, vẫn cần thiết. Hạ bút lang thang chữ nghĩa vẫn là chuyện đáng làm.

Phan Huy Đường

TIẾNG GỌI BÊN KIA CỔNG




Chỉ trời mới biết ông có đến thăm bà không. Chẳng bao giờ ông bước chân vào cổng viện, nói ghét, ngay từ đầu. Ông đứng đâu đó bên kia cổng làm dấu gọi. Giữa họ có dấu hiệu riêng chẳng ai biết và cũng chẳng quan tâm. Mọi người đều có nhiều chuyện để bận bịu lo toan.

Luôn luôn vào đêm, khi khách khứa đã ra về và ông đếm tiền bán được trong ngày xong vù tới thăm bà. Ông không bao giờ quên mang cho một ít, bảo là cho bà ấm túi. Và thật ra cũng chỉ nghe kể vậy, có ai mắt thấy tay sờ vào cái túi màu xám đã thành nâu do vết bẩn, lúc nào cũng kè kè bên hông trái của bà được đâu.

Chiều chiều cơm nước xong bà đứng rình bên cửa sổ, hễ thấy ông thấp thoáng bên kia cổng là chạy ào ra có khi chẳng kịp mang dép giày hay khoác thêm áo dù trời lạnh, hoặc vào giờ ngủ rồi thì đập cửa phòng, bắt nhân viên phải mở để ra ngoài trò chuyện với ông. Mà ở đây từ sáu giờ mười lăm đến sáu giờ bốn lăm tối là tất cả phải vào giường trong khi bên ngoài nắng mùa hè còn rạng rỡ cười đùa mãi đến hơn mười giờ đêm vẫn chưa chịu tắt đèn, ánh sáng vẫn tủm tỉm khắp trời. Các cụ nằm trên giường thao láo nhìn qua cửa sổ. Không ngủ, không cục cựa, chỉ nằm như người chết không khép mắt. Cái bà Á châu ngơ ngơ ngẩn ngẩn như nai, lúc nào cũng lầm bầm giận dữ trách chồng ôm tiền về Việt Nam để tụi con gái dụ dỗ lấy hết. Dù sao cũng công lao tần tảo thức khuya dậy sớm của bà chứ. Cái tiệm ăn đó không có bà thì làm sao có nó. Tiền của bà đổ ra như quân Nguyên, ông chỉ được cái đứng bếp chỉ huy và làm vài món đặc biệt. Chả là ông sành và ham ăn ngon, mở miệng ra là để nói về món này món nọ, để nhai nuốt, và để trách bà chi tiền dè xẻn quá.

Bà thường bảo ổng là cái nợ của tui đó, chớ đã ly dị trước bảy lăm ở Sài gòn rồi, cơn cớ gì qua Tây còn gặp lại. Thằng chả ăn nói dẻo quẹo, dụ dỗ tui bỏ tiền ra mở tiệm ăn cho chả vừa được ăn ngon vừa có tiền xài sang đi đi về về Việt Nam như đi chợ. Bà bạn cùng phòng bảo thì như vậy bây giờ ổng mới có tiền đem tới cho bà, còn trách gì nữa. Bà ngẩn ra, cố tiêu hóa lời bạn chớ không phải không rành tiếng Pháp, rồi gật gù chống chế ờ, vậy chớ ổng cho gái ăn nhiều hơn tui. Nên có hôm bà dỗi, bảo ổng đứng nãy giờ ở cổng chờ mà tui không thèm xuống đâu, cứ rủ rê đi chơi, có giỏi thì rủ gái đi đi. Bà bạn cùng phòng không góp ý nữa, tắt đèn quay mặt vào tường :

- Thôi bà Ly, tui ngủ đây, bà cũng ngủ đi.

- Bà sướng thiệt bà Maubeuge à, vô tư, ngủ suốt ngày.

Bà với tay tắt đèn trên đầu giường, vô tình chạm phải tấm hình chồng trên mặt bàn đêm rớt xuống, tiếng khô sắc khiến bà Maubeuge mở mắt nhíu mày:

- Bà lại làm cái gì vậy bà Ly?

- Tấm hình rớt, tự động nó rớt, tui có làm gì đâu. Xin lỗi bà.

- Không làm gì sao xin lỗi.

Bà Maubeuge lại quay vào tường càu nhàu nho nhỏ. Đêm thản nhiên trôi qua, những sợi gió mỏng manh mùa hè múa hát bên ngoài ve vuốt những bức tường viện mấy tháng qua mới sơn lại trắng tinh, trắng như nỗi lòng ngây ngô nhớ quên bất chợt của người cư ngụ bên trong. Ở đó buồn vui không còn cảm thấy, khóc cười không còn phân biệt, lời mỉa mai hay ngọt ngào đại khái như nhau. Những tròng mắt đục ngầu nhướng lên hạ xuống vô cớ chẳng vì đâu và cũng chẳng diễn cảm gì. Và có cụ lải nhải huyên thuyên thay cho nhiều người không một lời suốt tháng.

Bà Ly trằn trọc như thường lệ. Tuần rồi đoàn văn nghệ gì đó tới ca hát cho các cụ nghe. Bà dỗi. Sao lúc nào cũng dân da màu mà lại không có màu vàng xỉn xứ bà, không ai luyến láy tiếng Việt cho bà được sống thời nào để lòng thấm thiá, sao Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết không vào đây mùi mẫn chồng đàn vợ hát bài gì về Huế yêu qúy của bà. Cho nên bà đã ra phòng sinh hoạt, đã nhìn thấy những khuôn mặt màu da lạ hoắc rồi quày quả về phòng, trùm chăn kín đầu bịt tai mà âm thanh trống thùng thình vẫn đâm vào màng nhĩ. Phòng ăn phòng sinh hoạt tập thể suốt ngày đã nhai nhải nhạc Pháp rồi, thứ nhạc chẳng êm dịu chút nào cố đánh thức người ta. Có lần bà đã trách nhân viên, có cần phải tra khảo những lỗ tai nặng như chì ấy phải bận bịu vì thứ âm thanh mà họ chẳng còn thưởng thức nổi nữa không, hay nên để cái đầu người ta yên tĩnh. Họ nhìn bà, cái nhìn muôn đời trên cao của kẻ còn tỉnh táo, gật gù liếc nhau cười cười hứa sẽ nói lại với cấp trên.

Con gái bà đến thăm. Nó thường thắc mắc tại sao mẹ không bận mấy bộ đồ con đem vào kỳ trước mà cứ bận quần áo của ai đâu rộng thùng thình dài quá gót lỡ vấp té thì sao. Nó trách mấy cô chăm sóc. Họ cười khẩy thản nhiên Madame ơi, bà cứ vào đây làm việc rồi khắc biết, từng này người chúng tôi quay như vụ còn chưa yên mà bảo ngồi đó lựa từng bộ đồ có ghi tên tuổi của ai ! Thét rồi con bà cũng thản nhiên nhìn mẹ trong bộ đồ xin xỉn màu chẳng còn màu. Bà lại bắt đầu kể tội chồng đem tiền về Việt Nam cho gái. Con gái lan man nhớ hồi cha còn nhìn rõ, gặp bà nào vừa… khẩu vị là hí hửng huyên thuyên tán tỉnh trước cái ngúyt sắc như dao của mẹ. Bây giờ thì con gái nhìn bà, chịu đựng vẻ không chịu đựng, im lặng kiểu không im lặng, bất mãn vẻ không bất mãn:

- Thôi mẹ à, nhắc tới mấy chuyện đó làm chi nữa.

- Nhưng tao tức chớ. Tiền của tao mà.

- Ba già rồi, gái nào ham cho nổi.

- Bởi vậy ổng mới cho tiền để nó ham. Nó không ham ổng nhưng ham tiền. Mày không nghe nói Việt Nam bây giờ là một trong những nước kém đạo đức và chỉ biết chạy theo đồng tiền nhất thế giới à.

Khi con gái ra về, bà quyến luyến nắm tay, bỗng tròn mắt nhìn chiếc nhẫn hột sa-phia đỏ lừng lựng như nhìn thấy lần đầu:

- Nhẫn này của mẹ, sao mày lấy? Ăn cắp bao giờ?

- Mẹ cho con mà.

- Cho bao giờ?

Con gái bực bội tháo ra:

- Thì trả lại mẹ đây.

Rồi ngúng nguẩy bỏ đi. Bà Ly tần ngần cầm chiếc nhẫn chạy theo con, mếu máo, sôi nổi hụt hơi:

- Thảo à, mẹ chỉ muốn, biết sao lạ quá… Mẹ có ba đứa, con, mà một mình mẹ, nuôi nổi. Sao bây giờ chỉ, có một mình mẹ mà, ba đứa con, thành năm đứa rồi, lại không nuôi nổi hả con?

Con gái bàng hoàng, bần thần dừng lại ôm bà một lát rồi hôn trán vỗ về mẹ vào nghỉ đi, con phải đi làm đây kẻo trễ. Làm. Lúc nào chúng nó cũng bận bịu đi làm, ghé dăm ba phút đã vội vã đi làm. Trước kia bà chẳng đi làm à, chẳng vừa đi làm vừa dẫn đứa này tới trường đứa kia đi học nhạc đứa nọ học Anh văn à. Bà đã quay như chong chóng giữa sở làm, con cái, chợ búa, trường học… Không một giây cho riêng mình. Không biết xi nê ca nhạc hay họp bạn họp bè. Không biết gì khác. Không biết cả mình. Chỉ biết con. Con. Và con. Bây giờ chúng nó đều tất bật hối hả đi làm. Kẻo trễ. Và bà thì nghỉ. Nghỉ suốt tháng suốt năm. Ngồi trân trân hàng ngày hàng tháng chờ chúng nó đến thăm thay vì chỉ ông chồng đêm đêm gọi chờ bên kia cổng…

- Bà biết không, ổng nằm một chỗ kêu réo hoặc mò mẫm lạng quạng vì mắt mù rồi, cái bịnh tiểu đường ác vậy đó mà ổng có chịu kiêng khem đâu, cứ cái gì ngon là đòi, nằm một chỗ mà đòi đủ thứ, có khi tui bực, mua cho ổng ăn dồn dập cho chết phức đi, mà vẫn không chết, vẫn mò về Việt Nam đem tiền nuôi gái…

- Mỗi lần gặp ổng bà có hạch sách chuyện này không?

- Có chớ, mà chối bai bải, nói gái nào mà gái, chớ mắt mù rồi mà cứ láo liên đó bà.

Bà Maubeuge tủm tỉm một mình:

- Mù thì láo liên cũng nào có thấy gì.

Như chợt nhớ, bà Ly hối hả:

- Bà Maubeuge à, khi chết, bà muốn làm sao ? Thiêu hay chôn hay tặng xác cho bịnh viện?

- Tui chưa nghĩ đến. Tui chưa muốn chết. Còn bà?

- Vậy mà ổng thì nhứt định về Việt Nam chết đó bà. Ổng nói dù sao cũng quê hương xứ sở, nắm xương gửi lại chỗ chôn nhao cắt rốn. Chớ ở đây chung quanh ma nói toàn tiếng Pháp. Cho nên ổng về Việt Nam nữa rồi.

- Ủa, sao tối hôm qua ổng gọi bà ra cổng mà?

- Ủa vậy hả, ờ, vậy chắc ổng chưa đi. Nhưng rồi sẽ đi, tui biết mà, đem tiền về cho gái nó ăn.

Chợt tiếng khóc rấm rức đâu đó chạy dọc hành lang vẳng tới. Tiếng khóc đàn bà hay đàn ông mang âm hưởng như nhau : khàn đặc, khô khốc, rên rỉ, cam chịu… . Tới một tuổi nào đó hai giới tính có nhiều điểm tương đồng. Và ở đây chẳng ai buồn tìm hiểu người khóc là ai, chỉ sợ đến phiên mình phải khóc thôi. Thường họ co rúm người lắng nghe, lấm lét. Bữa trước một bà vừa khóc vừa cười vuốt ve tay cô thực tập sinh rồi hôn tay cô thắm thiết, lụp chụp sôi nổi khen cô tử tế quá, cô tốt quá, cô đẹp quá - chỉ từ một câu hỏi “bà có khoẻ không?”. Đối với các cụ, thỉnh thoảng có người vào tập nghề như giọt mưa tinh khôi đọng trên lá đãi kẻ lạc đường dưới trời sa mạc. Ít nhất họ còn chất ngọt ngào, còn có khả năng ban tặng chất người.

Nhưng bà Ly không sợ bị khóc vì lời nặng nhẹ của nhân viên. Bà chưa tới giai đoạn đùn bậy trên giường để bị quát mắng miệt thị, bà không làm đổ thức ăn để bị giật phăng cái khay không cho tiếp tục, bà không làm vung vãi nước để bị cấm uống suốt buổi chiều. Vả chăng nếu bị những điều không vui đó thì tối nào ông đến bà sẽ tâm sự. Bà may mắn là còn có ông để kể lể nỗi niềm. Cái duy nhất bà sợ là bị mất tiền vì chồng cho gái thôi.



Sáng đó mọi người đang dùng điểm tâm, bỗng viện rộn ràng tấp nập như động đất. Cảnh sát và ai ai ở đâu bươn bả vào ra như hội chợ. Nhiều cụ hớn hở vui, nói chẳng mấy khi mình được ngắm người bên ngoài đông đảo như vậy, té ra cũng còn người sống, hay biết đâu chẳng từ hành tinh khác đổ bộ xuống. Trông ai cũng trẻ đẹp hiên ngang. Cảnh sát nữ oai quá, súng lủng lẳng bên sườn mà mặt mày tươi hơn hớn như đeo hoa, chẳng phải thứ giết người. Nhưng cái nhìn thì nghiêm trọng.

Rồi các cụ đánh rơi thìa nĩa, há hốc mồm nhìn bà giám đốc và hai nhân viên bước đi vội vã đầu hơi cúi, mắt chẳng nhìn ai dù mọi con mắt trắng đục ngầu đang dồn vào họ, da mặt tái xám như đám người họ chăm sóc mỗi ngày. Còi xe hụ inh ỏi rồi tất cả rơi vào im lặng, cái im lặng chết người của thói quen nơi đây và của sững sốt không thốt nên lời. Nhóm nhân viên còn lại bàng hoàng nhắc nhở các cụ tiếp tục cho xong bữa sáng, giọng điệu nhỏ nhẹ e ngại rất khác ngày thường.

Mãi đến chiều, bà Maubeuge nghe radio rồi kể cho bà Ly nghe, một cô thực tập sinh vào viện mang lén máy quay phim, thâu tất cả những gì xảy ra trong hai tuần học nghề. Cảnh các cụ bị bạc đãi, bị tát tai, bị tạt nước vào mặt, bị mắng là đồ súc sinh, bị bỏ mặc té nằm rên la không cho cô đỡ dậy, bị bỏ khát không cho cô tiếp tế ly nước… Truyền hình hôm đó ở viện “bị hư” bất ngờ nên các cụ không biết trong bản tin có thể mình được vô tình làm tài tử cho cô gái quay phim. Cả nước Pháp nhao nhao. Vidéo phát trên tòan thế giới, mặt các cụ được bôi nhoè như thực tế từ lâu không ai còn hình dạng nữa. Ngoài việc đổi chương trình giải trí, tại viện không gì khác lạ ngoài buổi sáng nay, mà chuyện ấy như đã trôi qua cả thế kỷ rồi.

Đêm đó tất cả đều im lặng.

Và bà Ly không bận tâm. Chương trình nào đối với bà cũng vô nghĩa như nhau. Tối qua chồng bà bảo hôm nay sẽ đến muộn, ráng chờ. Bà chờ để ông đem tiền đến. Phải giữ kẻo ông đem cho gái. Bà kiên nhẫn. Đêm rất lạnh. Đêm rất dài. Mùa đông năm nay khắc nghiệt hơn những năm trước. Tuyết rơi nhiều, trắng xoá, trĩu trên cây lá, lấp hết vườn cỏ chung quanh. Tuyết nằm trên mái ngói nhô ra vài đầu nhọn chẳng khác tấm vải liệm không che hết xác thân xương xẩu. Tuyết trắng bệch lạnh lùng, lặng im như chết…



Con gái bà Ly trầm ngâm nghe bà Maubeuge tỉ tê. Tiếng khóc cứ như chắn ngang ở cổ, nghèn nghẹn, không thoát ra mà cũng không nuốt xuống được. Cô nhìn đôi vai ngã về trước oằn oại cuộc đời. Đôi tay xương xương từ lâu không còn bóc lịch. Hai tròng mắt vướng lại chút trong veo lao chao giọt nước chẳng chịu trườn xuống má. Cô đặt tay trên đùi bà lắc nhẹ khuyến khích. Bà mỉm cười méo mó:

- Tôi đã can ngăn nhiều cô à, nói trời lạnh quá đừng ra ngoài đêm nay, mà mẹ cô vẫn nhất định đòi đi. Tôi bực, xoay mặt vào tường, ngủ. Lỗi tại tôi.

- Bà không có lỗi gì cả bà ạ. Tánh mẹ cháu muốn làm gì thì phải làm cho được, không ai cản nổi.

- Nhưng mà cô thấy tuyết đó. Ở tuổi này đêm hôm khuya khoắc mà cứ ra, thì để ổng chờ một lát rồi bỏ đi chớ gì. Không gặp một bữa có sao đâu.

- Ông nào chờ hả bà ?

- Ba cô chớ ông nào nữa. Coi bộ mẹ cô rất quan tâm chuyện ổng đem tiền về Việt Nam cho gái. Nghe nói ổng hứa là tối đó sẽ đem hầu như toàn bộ tài sản cho bà an hưởng tuổi già, rồi vài bữa sau ổng sẽ về Việt Nam ở luôn.

- Ba cháu?

- Chớ ai. Hầu như đêm nào ổng cũng tới, đứng bên kia cổng gọi là mẹ cô te tái chạy ra. Ban đầu người ta còn tội nghiệp mở cửa, thét họ không mở nữa, có khi bà ấy đấm cửa ầm ầm, tôi bực quá mà không biết làm sao. Nhưng thường thì nhân viên nghe ồn là tới la ngay, bà ấy mới chịu thôi.

- Còn vừa rồi là…

- Thì cũng ba cô đến gọi bên kia cổng như mọi lần. Có điều buổi sáng bà giám đốc và hai nhân viên đã bị cảnh sát còng tay dẫn đi rồi. Về tội đối xử thiếu nhân đạo với chúng tôi, chắc cô nghe rồi đó. Xáo trộn vậy nên ai còn cho ra ngoài. Thế là mẹ cô trèo qua cửa sổ. Cô coi, tận tầng ba… Lỗi của tôi là đi ngủ…

Tất cả vật dụng của mẹ chỉ là hình bố trên bàn đêm và cái túi vải nâu nâu xam xám từng mảng bẩn thỉu, bên trong nhiều mẩu giấy vụn nhầu nhĩ cũng lem nhem dơ dáy. Cô bỏ túi vải vào xắc tay. Và cẩn trọng ôm tấm hình bố vào lòng. Cô đã nghĩ đến chỗ nào trong căn hộ nhỏ có thể đặt bàn thờ, sẽ ghi tháng ngày mẹ mất, năm 2012, và cha 2008.



MIÊNG

Paris, juillet 2012

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Việt Nam Cộng Hòa Có “Đa Đảng” Không? Mỹ Có “Đa Đảng” Không?




Hoang Huu Phuoc, MIB

Dẫn Nhập:

Câu trả lời duy nhất đúng mà bất kỳ ai đã thực sự là dân Việt Nam Cộng Hòa có thực sự quan tâm đến chính trị và thời cuộc của Việt Nam Cộng Hòa, và đang còn ký ức đầy đủ về cái gọi là thời cuộc ấy của Việt Nam Cộng Hòa, và … biết tiếng Anh, đều có thể cho ra ở thể khẳng định là: Việt Nam Cộng Hòa chưa từng đa đảng và Mỹ không đa đảng. Trước khi nói Việt Nam Cộng Hòa khác với Mỹ chỗ nào dù cả hai không đa đảng, cần làm rõ nội dung rằng “đảng” được bàn luận ở đây phải là “đảng chính trị” và “đảng chính trị” này phải là “đảng cầm quyền”. “Đảng chính trị” không phải là băng đảng của một nhóm người được lập nên dựa theo luật pháp hào phóng và ưa chuộng hư danh của một quốc gia nào đó (thí dụ như nước Nga sau thời Liên Xô đã xuất hiện những “đảng” như “Đảng Bia” của những người khoái uống bia), hoặc như ở Việt Nam thời Pháp thuộc có nhiều tên Việt gian mở ra những “đảng” để thờ phượng giặc xâm lăng, làm ô danh những liệt sĩ cách mạng chống Pháp, chỉ tập trung tung hỏa mù giúp quân xâm lược phá tư tưởng cộng sản để rồi bị “đảng” cộng sản đánh cho tan tác phải bỏ chạy vào Sài Gòn mở “văn phòng” ngồi chơi hoài cổ mà ngay các vị “tổng thống” Việt Nam Cộng Hòa còn phải bỉu môi khinh bỉ, không thèm gia nhập, và không cho nhúc nhích cục cựa gì về “hoạt động chính trị” để “độc quyền chính trị”, không cho ai cạnh tranh làm tôi mọi Mỹ. Còn “đảng cầm quyền” là yếu tố bắt buộc để chứng minh đó là một “đảng chính trị” thực sự. Không có quân đội, chẳng phải là đảng cầm quyền thì có khác gì những hình nộm múa may trên hý trường chính trị mà phải tốn hao giấy mực viết về! Tóm lại, “đảng” ở đây là đảng chính trị cầm quyền, với điều thú vị là gần đây Việt Nam đã tung ra những từ ngữ học thuật hàn lâm dạy dỗ thế giới về “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như một phát kiến quan trọng về sự tước khỏi tay sở hữu độc quyền của chủ nghĩa tư bản về cái gọi là kinh tế thị trường cũng như nêu bật tính hiện hữu không bất biến của kinh tế thị trường ở mọi nơi, và “đảng cầm quyền” như một phát kiến quan trọng thứ hai nhằm giúp các nước tư bản nhận ra chân lý rằng nhiều đảng không phải là đa đảng, và không phải cứ “đảng” thì là … “đảng”.

Việt Nam Cộng Hòa:

Việt Nam Cộng Hòa chưa hề có đa đảng. Không bất kỳ ai trên thế gian này thuộc bất kỳ quốc tịch nào có thể cho biết – và tất nhiên trưng ra các bằng chứng lịch sử có thư tịch hẳn hoi tại các thư viện quốc gia của các siêu cường – rằng các ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu (tất nhiên cùng các thân bằng quyến thuộc và bè phái của các ông ấy) là “đảng viên” của bất kỳ một đảng chính trị – tức “chính đảng” – nào. Nghĩa là các vị này trở thành “tổng thống Việt Nam Cộng Hòa” một cách phi chính thống, bất bài bản, và vô hàn lâm, vì “làm tổng thống chính trị” mà trước đó không hề sinh hoạt chính trị trong bất kỳ một chính đảng nào, có bất kỳ cương lĩnh chính trị và đường lối hoạt động kách mệnh hẳn hoi nào, có bất kỳ đảng viên hẳn hoi nào, có đóng bất kỳ đảng phí hẳn hoi nào, có ban chấp hành hẳn hoi nào, có bầu bán hẳn hoi nào, và có giới thiệu ứng cử viên nào thay mặt đảng ra tranh cử tổng thống. Cả hai “ông” đều do Mỹ dúi súng vào tay rồi đẩy lên, và do đó cả hai ông – trên lý thuyết – xem như đều không biết gì về “chính trị”, về “chủ nghĩa”, về “lý tưởng cách mệnh”, mà chỉ biết mồm loa mép dãi bù lu bù loa mãi miết về những nội dung hoang đường như “thế giới tự do”, “cộng sản khát máu”, v.v. và v.v., mà các ông không hề hiểu biết, để khỏi phải nói về triết thuyết học thuyết chính trị mà các ông mù tịt. Cũng do Mỹ nhào nặn ra, cả hai ông đều biết sự lợi hại của cái gọi là “đảng” ở Mỹ và ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Do không thể hạ mình gia nhập “đảng” của người khác (tức “đảng” của những kẻ bầy nhóm cá nhân lập ra thời Pháp thuộc để chống…Việt Minh và tự gọi mình là “đảng” mà người dân Việt Nam Cộng Hòa gọi là của đám “chính khách xôi thịt” còn hai ông lúc nắm giữ quân đội đều ra sức trấn triệt), Ngô Đình Diệm manh nha lập ra Đảng Cần Lao (do đã thấy sức mạnh ghê gớm của tầng lớp công nhân mà Cộng Sản thu hút đánh bại thực dân Pháp trong khi giới “nhân sĩ” trí thức quan trường như các cụ tiền bối của Cụ Diệm thì khinh thường), mà đã là Đảng thì phải có lý luận chính trị, có chủ nghĩa hẳn hoi, nên Ngô Đình Diệm vận dụng ngàn thành công lực để cho ra cái gọi là Chủ Nghĩa Cần Lao Nhân Vị (ắt với dụng ý là “chủ nghĩa cộng sản” bóc lột nhân dân lao động, còn “chủ nghĩa cần lao nhân vị” sẽ cưng nhân dân lao động như trứng mỏng, lập lờ từ ngữ “nhân vị” với chữ “nhân” như “nhân quyền”, “nhân nghĩa”, “nhân đạo”, “nhân văn”, hay… “nhân dân” chăng?). Và cũng do không thể hạ mình gia nhập đảng của người khác (tức đảng của những kẻ bầy nhóm cá nhân lập ra thời Pháp thuộc để chống…Việt Minh và tự gọi mình là đảng mà dân chúng Việt Nam Cộng Hòa gọi là của đám “chính khách xôi thịt” mà cả hai ông khi nắm giữ quân đội đều ra sức trấn triệt, hay cái đảng kỳ quái “cần lao nhân vị” của vị tổng thống mà nhóm mình đã giết tại Nhà Thờ Cha Tam), Nguyễn Văn Thiệu đã lập ra Đảng Dân Chủ năm 1973 với đảng kỳ Cờ Vàng Sao Đỏ, với Đảng Trưởng là Nguyễn Văn Thiệu, nhưng rút kinh nghiệm trò hề của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu không hề cố gắng đẻ ra bất kỳ học thuyết chủ nghĩa chính trị nào cho hậu thế cười chê, và cũng chẳng cần o bế bất kỳ giai cấp nào, chỉ cần nắm quân đội trong tay, không cần đảng viên (do rất nhiều tướng lĩnh hoặc theo phe tướng Nguyễn Cao Kỳ hoặc do sợ mếch lòng tướng này, hoặc theo tướng Dương Văn Minh do muốn có cơ hội “lấy điểm” với cộng sản sau này do Dương Văn Minh có thân nhân ruột thịt làm cán bộ cao cấp của cộng sản), Nguyễn Văn Thiệu lấy hạ sách sử dụng Cục Tâm Lý Chiến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị để bôi nhọ Bắc Việt, bôi nhọ chế độ cộng sản, bôi nhọ cá nhân Hồ Chí Minh, như cách rẻ tiền nhất và hữu hiệu để làm dân chúng khiếp sợ mà chạy về phía mình, khỏi tốn công lý luận chính trị.

Việc Ngô Đình Diệm – và chế độ Việt Nam Cộng Hòa của Diệm – đẻ ra cái chủ nghĩa quái gở “cần lao nhân vị” và lập Đảng Cần Lao sau khi làm tổng thống, cộng với việc Nguyễn Văn Thiệu dốc hết hơi tàn lập Đảng Dân Chủ sau khi làm tổng thống đã giúp khẳng định hai điều là (a) Việt Nam Cộng Hòa chưa hề có bất kỳ đảng chính trị – tức đảng cầm quyền – nào mà chỉ có những cá nhân cùng gia quyến hay phe nhóm của họ “cầm quyền”; và (b) tuy Việt Nam Cộng Hòa có chính phủ, có chính quyền, có vị thế nhất định trên trường quốc tế trong cộng đồng liên minh của Mỹ, song Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn không phải là không có lý khi trước đây gọi chính phủ ấy, chính quyền ấy, là “ngụy quyền” như muốn nói rằng “chúng tôi có đảng chính trị, có đảng cầm quyền, có quân đội, có chủ nghĩa, còn các anh không có đảng chính trị, không có đảng cầm quyền, không có chủ nghĩa, thì các anh ở một đẳng cấp thấp hơn chúng tôi nhiều, không xứng để đứng ngang hàng đối diện đấu trên cùng một vũ đài” vậy.

Có người ngây thơ cố bào chữa rằng thời Việt Nam Cộng Hòa có dân biểu A và dân biểu B thuộc Đảng C đã đắc cử Thượng Viện hoặc Hạ Viện nên điều đó chứng tỏ Việt Nam Cộng Hòa có “đa đảng”. Họ vừa chịu thua vì không thể nêu thêm một cái tên của một cái đảng bất kỳ nào khác từ D đến Z hoặc không cho biết cái vị dân biểu ấy đã giữ chức vụ quyền lực gì của Việt Nam Cộng Hòa hay chỉ đơn giản là “đắc cử hạ viện”, vừa cố tình quên rằng đã có “đảng” thì phải do “đại hội đảng” giới thiệu ra ứng cử, trong khi ở Việt Nam Cộng Hòa chỉ có các “liên danh” mỗi khi có bầu cử, với mỗi “liên danh” có từ hai đến một chục ứng cử viên cá nhân thuộc các giới nhân sĩ ở ngành nghề khác nhau và chọn chung một biểu tượng và một slogan nào đó. Trong một bài viết trước đây, tôi có nói về liên danh “Con Tâu Tắng” (Con Trâu Trắng – do một nhân sĩ Bắc di cư nói ngọng khi đọc chương trình hành động trên đài truyền hình), và liên danh “Kỳ Lân” với slogan “Kỳ Lân Xuất Hiện, Quốc Gia Thái Bình”, v.v., vậy nếu nói Việt Nam Cộng Hòa “đa đảng”, phải chăng muốn nói rằng Việt Nam Cộng Hòa có Đảng Con Tâu Tắng và Đảng Kỳ Lân để noi gương Mỹ có Đảng Con Voi (Cộng Hòa) và Đảng Con Lừa (Dân Chủ) ư?

Một bằng chứng khác cho việc Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ “đa đảng” là ở chỗ cộng sản cực kỳ xuất sắc trong công tác tình báo, gián điệp, và cài cắm người lèn sâu leo cao vào tất cả các ngóc ngách tối quan trọng và tối mật của hệ thống chính trị, quân sự, an ninh, v.v., của Việt Nam Cộng Hòa. Nếu Việt Nam Cộng Hòa có “đảng” thì đương nhiên các tình báo viên cộng sản đã lèn sâu leo cao vào các “đảng” ấy để lèo lái đại cuộc từ lâu rồi, dễ dàng hơn việc lèn sâu leo cao vào cơ quan tình báo tuồn tài liệu hành quân cho cộng sản hoặc qua Mỹ học lái máy bay phản lực chiến đấu tối tân rồi về ném bom Dinh Độc Lập và bay ra “căn cứ” giúp Liên Xô nắm bí mật kỹ thuật chiến đấu cơ siêu thanh. Nhưng từ năm 1975 đến nay chưa hề có bất kỳ một chiến sĩ tình báo nào của cộng sản nói về đại công lèn sâu leo cao của họ vào các “đảng” ấy cả. Trong khi đó, ngay những kẻ chống Cộng trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng không có bất kỳ một tư liệu lịch sử nào chứng minh Việt Nam Cộng Hòa từng có “đa đảng”. Đã không có đảng sử, chưa từng có kinh nghiệm hay kiến thức thực tế nào về “đa đảng” của Việt Nam Cộng Hòa, mà lúc nào cũng chê bai “độc đảng” ở Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, kêu gào đòi “đa đảng, đa nguyên” cho Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì rõ là làm cái việc không bất kỳ ai của thế giới tự do có văn minh cao, văn hóa cao, học vấn cao, tự hào cao và tự ái cao dám nghĩ đến cả.

Mỹ:

Mỹ không là quốc gia theo chế độ đa đảng với ý nghĩa đa đảng có các yếu tố “cần” và “đủ” như đã nêu ở phần dẫn nhập. Để hiểu phần nói về Mỹ này, không thể không nêu thêm một yêu cầu khác thường về… “giỏi tiếng Anh” vì nếu muốn đọc thông tin dồi dào, phong phú, đáng tin cậy hơn, như tại trang Wikipedia chẳng hạn, thì phần tiếng Anh viết về thể chế chính trị của Mỹ nêu rõ ràng Mỹ có lưỡng đảng tức hai đảng (two-party system), trong khi phần tiếng Việt thay vì dịch từ nguyên bản tiếng Anh đã tự ý viết ngắn gọn và tự phong cho Hoa Kỳ danh đa đảng, khiến xúc phạm nặng nề hai chú Voi và Lừa. Có thể nói Mỹ có nhiều đảng, và Mỹ theo hệ thống lưỡng đảng. Nhiều đảng không phải là đa đảng vì đảng tức là đảng chính trị cầm quyền. Nói một cách số học, Mỹ có thật nhiều đảng, gồm 2 đảng cầm quyền, 5 đảng lớn, 29 đảng nhỏ, 31 đảng rất nhỏ (cấp tiểu bang), 30 đảng lập ra cho có chứ chẳng đoái hoài gì đến “chính trị”, và chưa kể 87 đảng đã ngừng hoạt động. Hệ thống lưỡng đảng tại Mỹ được minh chứng rõ nét qua số liệu quốc hội Mỹ hiện nay có 533 dân biểu, gồm Đảng Dân Chủ (Con Lừa) có 200 đảng viên ở Hạ Viện và 53 đảng viên ở Thượng Viện, trong khi Đảng Cộng Hòa (Con Voi) có 233 đảng viên ở Hạ Viện và 45 đảng viên ở Thượng Viện. 2 thượng nghị sĩ còn lại là ứng viên độc lập. Người Mỹ gôc Việt nếu có trình độ học tập cao, trình độ học thuật cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, uy tín cao, và muốn làm chính trị tất nhiên phải gia nhập đảng Dân Chủ hoặc đảng Cộng Hòa để may ra được đảng bầu chọn và giới thiệu ra tranh cử, đừng nên nghĩ đến việc lập đảng mới cạnh tranh với hai đảng này (vì không bao giờ có đủ tiền để cạnh tranh với các nhà đại tư bản và sẽ chẳng bao giờ đắc cử), hoặc kêu gào đòi Mỹ phải đa đảng đa nguyên với ý nghĩ để được ngang bằng bình đẳng trong…làm tổng thống nắm quân đội và nắm quyền cai trị quốc gia vì Mỹ chỉ cho phép tự do lập các đảng như Đảng Ăn Chay, Đảng Cần Sa, Đảng Hắc Báo, Đảng Quốc Xã, Đảng Cộng Sản, Đảng Xanh, Đảng Bạc, v.v., tức những đảng có quyền tự do duy nhất là gọi mình là đảng chính trị nhưng chẳng bao giờ được phép là đảng cầm quyền trị quốc. Hai vị thượng nghị sĩ độc lập tại quốc hội Hoa Kỳ hiện nay rất có thể là cá nhân đơn độc hoặc là đảng viên của một đảng chính trị nào đó trong số 3+29+31+30 = 93 đảng kể trên; nhưng ngay cả khi họ ra ứng cử, họ cũng không được đại diện cho đảng của họ, vì đảng của họ không phải là đảng cầm quyền để có bất kỳ tư cách gì để tổ chức đại hội bầu chọn đề cử ứng viên cả. Đấy là lý do khi đắc cử vào quốc hội (chỉ ở quốc hội, không bao giờ ở cuộc tranh cử tổng thống), họ được liệt vào nhóm có tên là độc lập chứ không được nêu danh tính của đảng họ ra.

Đa đảng thực sự tồn tại ở vài quốc gia. Tại những nơi này, có sự tồn tại cùng lúc của nhiều đảng lớn như nhau, và đồng tình cùng nhau trị quốc cùng lúc. Các đảng viên thi nhau ứng cử vào quốc hội, mỗi đảng chiếm vài ghế để có tỷ lệ phần trăm, để rồi sau khi đắc cử, họ bắt tay nhau để hình thành “liên minh” của gồm nào là đảng A, đảng B, đảng C, và đảng D, v.v., để có các con số 15% + 10% + 5% + 3,5%, v.v. nhằm tạo nên tổng số vài chục phần trăm, đủ lớn để…thành lập chính phủ với sự thỏa thuận ai của đảng nào sẽ làm bộ trưởng của bộ nào, v.v. Mỹ không theo đa đảng vì họ muốn rạch ròi giữa hai đảng gồm phe đa số và phe thiểu số tại mỗi viện, theo đó phe đa số là của đảng thứ nhất, và phe thiểu số là của đảng còn lại. Ngay cả Mỹ ắt cũng thấy được cái rối rắm của hệ thống đa đảng của phần còn lại của thế giới tự do, và đây là kinh nghiệm xương máu của Mỹ mà Việt Nam không thể không lưu tâm đến.

Kết Luận:

Như vậy, Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ đa đảng.

Như vậy, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ không bao giờ đa đảng.

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng không bao giờ đa đảng.

Cả ba đều giống nhau ở điểm ấy, và theo nguyên tắc hàn lâm chính quy chính thống chính đạo thì không bất kỳ ai trong số họ có quyền rao giảng về cái hay cái ho của đa đảng.

Điều khác biệt ở chỗ Mỹ lưỡng đảng, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam độc đảng, còn Việt Nam Cộng Hòa vô đảng.

Tiếng Anh của lưỡng đảng là two-party system, tiếng Anh của độc đảng là single-party system, và tiếng Anh của đa đảng là multi-party system. Đây là những hình thái hệ thống trị quốc tồn tại miên viễn trên toàn thế giới một cách chính thống và hiệu quả tùy “cơ địa” văn hóa dân tộc, tài tổ chức, điều hành, và quán xuyến phát triển vững chắc của giai tầng lãnh đạo riêng của mỗi một quốc gia.

Việt Nam Cộng Hòa đã không có chỗ đứng trong danh mục các hệ thống trị quốc chính quy chính thống chính đạo của nhân loại, mà hình thành giống tình trạng thể chế những quốc gia của các nhà độc tài tàn bạo của Châu Á như Suharto, Park Chung Hee, và Marcos. Để Việt Nam Cộng Hòa được vinh danh như một thể chế chính trị tiên phong đột phá, thiết nghĩ người Mỹ gốc Việt chống cộng nên đấu tranh để từ ngữ tiếng Anh zero-party system hoặc zeroing-party system hoặc nay-party system tức “hệ thống chính trị vô đảng” được chính thức công nhận trong thế giới sử.

Và thiết nghĩ, ai có kinh nghiệm gì thì hoặc từ bi truyền bá thứ ấy cho người khác hoặc khư khư giữ lấy làm của báu riêng. Mỹ chẳng khuyên Anh Quốc dẹp thể chế hơi hướm phong kiến hoàng triều hay Việt Nam dẹp thể chế hơi hướm Mác-xít Lê-nin-nít để theo lưỡng đảng vì Mỹ lịch sự, không có kinh nghiệm về đa đảng, tôn trọng tự do của nước khác, và…khôn. Việt Nam không khuyên Mỹ dẹp thể chế đã chẳng sang hơn ai (vì Mỹ “hơn” Việt Nam có mỗi một đảng chứ chẳng nhiều nhặn gì) mà còn bị chính thế giới tự do nhạo báng là “twin-party system” tức chế độ đảng song sinh do chỉ khác ở tên gọi chứ giống y như khuôn đúc, để theo độc đảng vì Việt Nam lịch sự, không có kinh nghiệm về đa đảng, tôn trọng tự do của nước khác, và…khôn. Mỹ chẳng khuyên Việt Nam đa đảng bao giờ vì Mỹ chẳng có kinh nghiệm gì sất về đa đảng. Còn Việt Nam hiện nay tuy thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng đã từng “đa đảng” nhưng do nhận ra chân giá trị của một quốc gia lẫy lừng trong đoàn kết một lòng nên đã từ bỏ “đa đảng”, cũng chẳng dại gì vớ lấy cái đa đảng vớ va vớ vẩn nhất là khi nó bị Mỹ “chê” và chỉ được phát từ loa của những kẻ không chuyên, không kinh nghiệm.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế
About these ads

Ngày thanh trừng Hỗn loạn- đỉnh cao nhân quyền nước mỹ


thơ Hoàng Thúy





. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật giới thiệu:" Khác với những cây bút trẻ cùng thời, Hoàng Thúy đi thẳng vào mạch cảm xúc không qua bước khởi động. Thơ như trạng thái tâm hồn dồn nén, đến thời thì xuất hiện. Điều này hiếm thấy ở một tác giả trẻ. Thơ Hoàng Thúy biểu hiện của vẻ đẹp tự nhiên sâu kín, không phải trau chuốt. Trong trường hợp này thơ chính là hiện tượng linh ứng của con người trước thế giới thiên nhiên và xã hội".



Thành phố như một giấc mơ đi

Thành phố nằm nghe đêm hát lời tự tình bên ngực trái
cậu bé có đôi mắt sâu thẳm lang thang mang ngơ ngác vào đời
thành phố bồng bềnh
dòng sông vẫn chảy, đôi cánh thuyền lạc ở phía khơi xa không
người dẫn hướng
những con sóng dập dềnh
cạn
vơi…

thành phố nối những chuyến đi hờ hững
nắng cháy rồi màn đêm tóc bạc
thành phố hát cho đất, cho cây, cho bầu trời cho mỗi đôi chân
duy nhất một bài ca rực khát
đen đúa
những nét cười trần trụi!

thành phố cô đơn
thành phố buồn
thành phố khờ khạo giấu nỗi nhớ không tên
mùa chín đỏ rồi xanh, ước nguyện qua bao lần thay lá
định mệnh xoay vần, vội vàng cuốn theo những tính toan
giữa lưng trời
chẳng có hình hài nào vẹn nguyên
thành phố lên đèn ngả vàng hiu hắt,
con đường bình minh xa lạ quá
cậu bé có đôi mắt sâu thẳm lang thang giấu chút bình yên bên
ngực phải
nửa mùa thương bỏ lại
thành phố như một giấc mơ đi.



Thôi đừng viết về đàn bà

cuốn sách nằm ngoan trên giá
viết về người đàn bà
dày bốn nghìn chín chín lời ca ngợi
triệu triệu con chữ mù lòa chạy đường thẳng
lối về kết thúc bằng dấu chấm

người đàn bà có trong những người đàn bà
ngoài nỗi đa đoan và nụ môi mềm run như cỏ
là bờ ngực khát hạnh phúc

thôi đừng viết về người đàn bà
cuốn sách rồi sẽ bị bỏ quên bụi thời gian kết mạng nhện quanh co
thôi đừng hoài nghi nữa
gấp lại
ném đi
chạy đến mà níu những ngón gầy…!

Nói thẳng về giáo dục




Có một câu chuyện về một cậu bé được giao viết bài luận văn với đề tài “Lớn lên em sẽ làm nghề gì?”.



Giáo viên và phụ huynh đừng vì thành tích mà đánh cắp ước mơ của các con
Có một câu chuyện về một cậu bé được giao viết bài luận văn với đề tài “Lớn lên em sẽ làm nghề gì?”.
Cậu bé đã viết 7 trang giấy mô tả khát vọng sẽ được làm chủ một trang trại ngựa. Thậm chí cậu ta còn vẽ sơ đồ trại ngựa tương lai. Bài viết đầy háo hức nhưng cũng tràn trề hồn nhiên đó bị thầy giáo cho 1 điểm. Người thầy chỉ đồng ý chấm lại khi cậu bé làm lại bài văn “thực tế” hơn.

Cậu bé nghĩ mãi và quyết định gặp thầy giáo và nói: “Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của thầy còn em xin phép được giữ ước mơ của mình”.

Vài chục năm sau, cậu bé nghèo đã trở thành chủ của nhiều tài sản lớn trong đó có một trại ngựa rộng hơn 200 mẫu, gặp thầy giáo xưa, người thầy nói: “Khi còn là giáo viên tôi đã đánh cắp ước mơ của anh, và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm thế với bao đứa trẻ khác”.

Cậu học trò vội đáp “Không, thưa thầy, thầy không có lỗi gì cả, thầy cũng muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với học trò của mình mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình”. Câu chuyện này, tôi chợt nhớ khi đang ngồi ở hàng ghế học sinh, nơi con tôi thường ngồi, dự buổi họp phụ huynh “tổng kết năm học”.

Cô giáo chủ nhiệm của con trai tôi đang “báo cáo” kết quả học tập của các con. Lớp có 45 học sinh thì có đến 40 học sinh có điểm thi các môn từ 9 trở lên.

5 học sinh còn lại thì có môn dưới 9 nhưng không có học sinh nào có điểm thi dưới 7. Dù không thường xuyên kèm cặp con học bài, nhưng tôi biết, trước mỗi kỳ thi, con tôi và các bạn đều được các cô “luyện gà”. Những dạng Toán làm đi làm lại, những bài văn được cô chữa cẩn thận và bắt học sinh thuộc lòng... Và dù có chấm chéo, cô A chấm lớp cô B, cô B chấm lớp cô C thì với cách luyện thi như thế, nếu có quá nhiều học sinh dưới 7 điểm cũng có thể coi là một “kỳ tích”.

Hồi họp phụ huynh hết học kỳ I, tôi đã định đứng dậy phát biểu. Thưa thật với cô rằng, cháu nhà tôi không giỏi Văn. Và rằng, tôi muốn cô giáo trau dồi thêm cho cháu và các bạn cháu về câu cú, ý nghĩa, tình cảm, cách diễn đạt, biện pháp tu từ… Và, cái bài văn tả đường phố mà cháu được 9 điểm, đó không phải là văn của cháu, phố nhà tôi cũng không phải vậy. Nhưng mà tôi không đủ dũng khí để nói. Hình như không ai nói thế trong một buổi họp phụ huynh.

Khi được chỉ định phát biểu, tôi cũng nói chung chung như mọi người, hình như là cảm ơn cô đã chăm lo, dạy dỗ con tôi. Sau một năm học, cháu đã trưởng thành hơn rất nhiều, cứng cáp lên, hiểu biết thêm...

Những điều định nói đã kịp được “kiểm duyệt” trước khi phát ra. Và không phải như bánh mỳ kebab, một nửa sự thật vẫn cứ không phải là sự thật. Không chỉ tôi, nhiều phụ huynh khác, bạn bè tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Nhưng không ai dám nói lên sự thực ấy ngay cả ở một môi trường nhỏ bé là lớp học của chính con mình.

Chúng tôi ngại cô giáo, ngại nhà trường, ngại đấu tranh và chỉ ngồi đó cầu mong các cấp quản lý “nhúng tay vào”, muốn một “thế lực” cao hơn điều chỉnh việc này... Còn chính chúng tôi - các phụ huynh thì vẫn tiếp tục ca bài ca “cảm ơn” và nộp nốt tiền quỹ phụ huynh khi hết năm học. Tiếp tục hãnh diện một cách bối rối khi đưa lên facebook bảng thành tích học tập của con và thầm lo lắng.

Phải chăng cái gọi là “bệnh thành tích” trong giáo dục không phải chỉ do những người làm giáo dục sinh ra. Nó còn do chính các phụ huynh góp phần tạo nên, bằng sự “ngoảnh mặt làm ngơ” của mình?


Dương Tiêu

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Tản mạn về chữ Duyên



Trong những cuộc gặp gỡ, hay những lúc cùng ngồi bên nhau ôn kỷ niệm, chắc chắn ai cũng thường nói với nhau hai câu thơ vốn rất nổi tiếng:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên diện kiến bất tương phùng …

Nhưng có mấy ai biết được xuất xứ hay truyền thuyết về nguyên nhân có những câu thơ ấy …Hôm nay, nhân tiết đông trên quê hương, xuân sắp về, người viết xin được chia sẻ cùng các bạn về câu chuyện đã từ rất lâu ấy, nay kể lại bằng ký ức …

Ngày xưa … lâu lắm rồi… ở một thủ phủ thuộc tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), có một viên ngoại giàu có .Vợ mất sớm, để lại cho ông cô con gái xinh đẹp. Viên ngoại rất mực thương yêu và chăm sóc cô kỹ lưỡng. Đến tuổi cập kê, cô gái đã cầm, kỳ, thi, họa… đủ cả. Viên ngoại cũng bắt đầu kén rể nhưng chưa có một chàng trai nào khả dĩ có thể làm cho ông hài lòng để có thể giao cô con gái rượu của mình …
Một hôm, trong sân nhà viên ngoại xuất hiện cùng lúc 3 chàng trai, người nào cũng khôi ngô tuấn tú. Đặc biệt, mỗi chàng đều có một biệt tài khó ai sánh bằng: Chàng trai thứ nhất có đôi chân thiên lý mã, có thể chạy cả ngàn dặm không biết mỏi. Chàng trai thứ hai có tài bắn cung bách phát bách trúng, đến Dương Bá Đương đời Đường cũng thua xa. Chàng trai thứ 3 có tài làm thơ, chàng có thể làm một lúc cả ngàn bài thơ hay với nét chữ rồng bay phượng múa…
Viên ngoại phân vân lắm… khi con gái chỉ có một. Ông hẹn cùng 3 chàng trai, sáng mai, phải có mặt ở sân nhà ông từ sớm để đua tài.
Sáng sớm hôm sau, khi ánh bình minh chưa lan hết sân nhà viên ngoại, thì 3 chàng trai đã có mặt, sẵn sàng chờ đợi. Trong sân, cả đêm hôm qua, gia nhân nhà viên ngoại gần như không ngủ, để vót cho xong bó cung tên lớn, và mài cho đầy một nghiên mực tàu thật to…
Viên ngoại ra lệnh: Chàng trai thứ nhất, phải chạy đến kinh thành Tràng An, mượn cho bằng được chiếc trống Tràng An về cho ông. Chàng trai thứ 2, phải bắn cho rụng hết lá của 2 cây ngô đồng trước ngõ nhà ông. Chàng trai thứ 3, phải viết cho xong 3.000 bài thơ trên giấy hoa tiên, không được trùng ý. Ai báo công trước nhất sẽ được ông chọn làm nghĩa tế.
Sau tiếng trống lệnh, loáng một cái, chàng trai có đôi chân thiên lý mã đã mất hút, không để lại dù một dấu bụi hồng. Thế rồi, người ta chỉ còn nghe từng âm thanh… vút… tách của cung tên tra vào nỏ... bắn đi... lá ngô đồng rụng lả tả…
Riêng chàng trai thứ 3, được mời đến dưới giàn hoa thiên lý, nơi đã để sẵn bút nghiên cho chàng làm thơ. Bên hiên, giai nhân đang e ấp mỉm cười, nghiêng đầu thêu cặp gối rồng phụng cho ngày vu quy… Chàng trai cắm cúi múa bút, từng tờ giấy hoa tiên bay xuống như bướm lượn, gia nhân nhà viên ngoại cũng sẵn sàng đón lấy, xếp lại ngay ngắn …
Trời đã quá trưa, chàng thi sĩ vươn vai đứng dậy… Chàng vừa hoàn thành xong nhiệm vụ của mình. Nhìn ra ngoài ngõ, lá ngô đồng mới rụng hơn một nửa, bóng dáng người có đôi chân thiên lý vẫn mịt mù…
Cô gái cũng vừa nghỉ tay, nhẹ nhàng đến bên giàn hoa lý, mỉm cười cúi xuống rót trà mời chàng trai. Trước khung cảnh thơ mộng cùng nụ cười đẹp như thơ kia, chàng trai đã viết (nguyên văn thì người viết không nhớ ,nhưng có thể tạm dịch):
Ung dung trời đã xế trưa
Thơ ba ngàn bản cũng vừa viết xong
Ngoài kia xa dấu bụi hồng ,
Bên hiên cành lá ngô đồng chưa vơi
Dấu yêu nhẹ mỉm môi cười
Ta nghe đồng vọng một lời phu thê!
Chàng thi sĩ tính ngâm tặng nàng, người mà chàng nghĩ chắc chắn sẽ là vợ mình. Thì... chao ôi… đất trời như sụp lở dưới chân…, bên tai chàng ầm vang tiếng trống cùng tiếng hét lên vui mừng của chàng trai có đôi chân ngàn dặm:
-Thưa nhạc gia, con đã đem được trống Tràng An về đây rồi!
Cô gái nhìn chàng thi sĩ, ngậm ngùi, người mà mới vài phút trước thôi, cô cũng nghĩ sẽ là phu quân của mình. Để an ủi chàng trai, cô đã tặng chàng 4 câu thơ:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
Vô duyên diện kiến bất tương phùng

Ẩm thị ngã trà hoàn ngã trản
Tràng An chi cổ dĩ bồng bồng.

Xin được tạm dịch:

Ngàn năm duyên may tình vẫn gặp
Vô duyên đối mặt sự không thành
Chàng uống trà xong, xin trả chén
Tràng An đã giục trống liên thanh!

Thế đấy, chén trà cũng xin chàng trả lại, vì… người ngọc đã thuộc về người nhanh nhất, thực tế nhất…
Từ đó, 2 câu thơ đầu luôn thấm thía với từng cuộc gặp gỡ trong nhân gian, người ta dần quên hai câu cuối cũng là kết cấu của truyền thuyết đã lâu …
DUYÊN khởi tất duyên thành…
DUYÊN tụ rồi duyên tán…
DUYÊN tán tất duyên sinh…
Tất cả do DUYÊN!



TƯƠNG GIANG

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

xưng tội



Trần Băng Khuê





Ngày thứ hai, máu chảy.
Ngày thứ ba, chảy máu.
Ngày thứ tư, máu lại chảy.
Ngày thứ năm, lại chảy máu.
Ngày thứ sáu, máu tiếp tục chảy.
Ngày thứ bảy, tiếp tục chảy máu.

Ngày chúa nhật. Máu. Tôi làm dấu thánh: nhân danh cha và con và thánh thần. Amen.

Những mùa chay. Chúa không cho phép con chiên ăn thịt. Tôi chỉ được ăn cá và trứng. Chồng tôi không hẳn là một con chiên ngoan đạo lắm. Anh ấy giống bố tôi như đúc. Về khuôn mặt. Tính cách. (chỉ là đang cố để học bố, chứ thật ra, anh ấy chẳng thể nào được như bố). Tôi vẫn bảo với anh ấy rằng: đừng cố bắt chước những hình mẫu đã được Chúa nặn thành vóc dáng. Mỗi con người là một linh hồn.

Nói về bố.
Bố chồng tôi.
Ông là người có đạo.
Ông chưa bao giờ đến nhà thờ.
Ông là một hình ảnh mẫu mực của người lính cách mạng, được tôi luyện qua chiến tranh. Ông giữ đúng phép tắc quân kỉ đã được rèn giũa bằng lí thuyết. Ông đã sống trọn vẹn với một cuộc đời giản dị đúng như lời người ta dạy. Ông đã làm tròn nghĩa vụ của một công dân yêu nước, yêu làng xã, yêu quê hương, yêu gia đình.
Yêu chúa. Mẹ tôi luôn luôn nhắc nhở phải cầu nguyện. Người sắp rời bỏ cuộc đời phải được cứu rỗi linh hồn. Tức là phải yêu Chúa mới được về với nước Trời. Thiên đàng. Đối với những người theo kitô giáo, linh hồn là thứ cần phải được gìn giữ, luôn luôn gìn giữ.
Bố chồng tôi, ông cũng yêu Chúa. Phải, phút cuối, khi sắp trút hơi thở ít ỏi kết thúc đời sống của xác thịt trên thế gian này.
Bố là một người lính. Bố là một con chiên. Bố là một linh hồn trong sạch. Và, lẽ dĩ nhiên, bố xứng đáng được nhận ơn cứu rỗi.

Tôi đang tập đếm những ngày trong tuần. Và, tôi cũng tập đếm nốt những ngày chảy máu trong tuần. Tôi bị chảy máu trong tuần. Từ thứ hai đến thứ bảy. Riêng chúa nhật, tôi phải dừng đếm, để làm dấu thánh. Nhân danh cha và con và thánh thần. Amen.

Sau ba năm trở thành một con chiên như lời kêu gọi của Chúa: hãy cứu lấy linh hồn. Những ngày đầu tiên bước chân vào nhà thờ, điều tôi muốn thấy đã thấy. Nhưng, điều tôi chưa muốn làm, tôi không làm, nhưng vẫn phải làm.
Tôi tiếp tục bước chân vào nhà thờ hai năm nữa. Điều tôi muốn thấy đã thấy, điều tôi muốn làm, tôi không thể làm được. Tôi bắt đầu bỏ thánh lễ ngày chúa nhật. Chồng tôi cũng thế. Anh ấy có khá nhiều việc phải giải quyết ở cơ quan. Toàn những việc nhảm nhí. Tôi thường càm ràm mỗi lần nghe anh ấy ca cẩm và bảo rằng rất chán. Nhưng, anh ấy là một con chiên của Chúa. Chúa dạy hãy bới đất nhặt cỏ. Mẹ cũng dạy mãi câu ấy. Tôi biết, lí lẽ của Chúa bao giờ cũng có những ẩn ý sâu xa, linh nghiệm. Tôi biết, mẹ đã làm theo và sống rất thanh thản. Tôi còn trẻ. Tôi khá bướng bỉnh. Tôi chưa muốn gò bó mình vào những khuôn phép nhàm chán. Tôi gào lên với anh, về việc tôi sẽ sống theo ý mình. Vài lần, mệt mỏi khi nhìn thấy thế gian mê muội. Tôi chán. Tôi, bắt đầu muốn học theo mẹ. Tôi sẽ chăm chỉ bới đất nhặt cỏ. Tôi sẽ, và tôi sẽ… Nhưng, tôi biết, mình chưa thể hát ở nhà thờ. Tôi vẫn làm dấu thánh trong lòng mỗi lần đi qua nhà thờ. Nơi tôi được rửa tội vào ngày mùng một tháng tư. Nơi tôi làm lễ cưới vào lúc năm giờ sáng. Nơi tôi đọc lời thề gắn bó với một người đàn ông.
Tôi học bố. Tôi nghĩ rằng mình có suy nghĩ và cách sống giống bố. Tôi tính toán như thế này: nếu con người ta biết cách sống tử tế hơn với thế gian, nghĩa là ta đang làm theo lời chúa. Tôi không đến nhà thờ vào ngày chúa nhật nữa. Nhưng, tôi làm dấu thánh trong lòng. Tôi làm dấu thánh khi đi ngang một nhà thờ ở bất kì thành phố nào tôi đến.
Nhân danh cha và con và thánh thần. Amen.

Chẳng ai biết, tại sao tôi cảm thấy hoang mang khi luôn luôn làm dấu thánh mỗi ngày trong lòng? Người ta sẽ không bao giờ hiểu, tại sao tôi cảm thấy bất an mỗi lần bước chân ra đường. Chẳng lẽ, Chúa không đủ quyền năng để cứu rỗi?
Dấu thánh gắn trên ngực tôi. Dấu thánh gắn trên trán tôi. Dấu thánh nằm trên hai vai tôi. Nặng như một chiếc thập giá. Tôi vác nó đi trên những con đường đầy than lửa, những miền đất vẫn còn bị bao phủ bởi lớp sương mờ dày đặc không thể nào tan đi được.

Tuần lễ chúa phục sinh.
Mẹ bắt đầu có thói quen đếm thứ tự của từng ngày trong tuần. Mẹ đếm đi đếm lại mãi. Mẹ đếm không biết mỏi mệt. Mỗi lần vợ chồng tôi về, mẹ vẫn dặn dò câu ấy: "Phải biết yêu Chúa. Phải bới đất nhặt cỏ". Tôi nhìn thấy ở mẹ một sức mạnh cao cả của người đàn bà có thừa sự ngoan đạo.

Năm chúa phục sinh thứ bảy, tôi nhớ mình đi bên cạnh một người đàn ông đã từng có ước nguyện trở thành kẻ mặc áo cổ cồn trắng, chăn dắt con chiên. Sau khi cưới, tôi vẫn đều đặn đến nhà thờ ngày chúa nhật. Bố mất, tôi không đến nhà thờ ngày chúa nhật nữa. Chẳng phải vì tôi không yêu chúa. Chẳng phải vì tôi ghét chúa. Thế gian mộng mê. Những lầm lạc vẫn hàng ngày bám riết trên thân phận con người. Tôi không đòi hỏi Chúa phải chứng minh quyền năng. Tôi có đức tin. Chắc chắn thế. Nếu không có đức tin, linh hồn con người rất dễ lạc lối. Mẹ lo lắng, trong ánh mắt mẹ tôi nhìn thấy điều đó. Mẹ lo lắng một con chiên mới sẽ không có được một đức tin mẫn cán, trọn vẹn.
Tôi chỉ làm dấu thánh khi đi ngang nhà thờ. Chồng tôi lặng lẽ. Anh vẫn cố gắng học theo cách sống của bố. Nhưng, tôi chẳng thấy anh ấy học được bất cứ điều gì. Anh vẫn thường ca cẩm về những công việc nhàm chán của mình mỗi ngày. Anh có thói quen cả nể, không thể từ chối vài việc nhảm nhí người ta ném cho anh, kể cả việc ấy không phải chuyên môn của anh. Mẹ bảo, khi bố còn sống, bố luôn làm những việc lành, nghĩa là, sẵn sàng giúp đỡ bất kì ai gặp khó khăn, hoạn nạn. Tôi bắt đầu nhìn thấy sự bao dung ở đâu đó trong ánh mắt người có đạo. Nhưng, lí lẽ của tôi tồn tại theo một cách khác, tôi nghĩ sống lời chúa không nhất thiết bằng cách hát lên những ca tụng trong thánh đường.

Lại nhắc về tuần chúa phục sinh. Mẹ tôi vẫn không quên đếm từ thứ hai đến chủ nhật. Ngày thứ năm bố tôi mất. Căn bệnh ung thư đã ăn mòn một cách đau đớn cơ thể bố tôi chỉ trong vòng ba tháng phát bệnh. Mẹ gọi. Em trai gọi. Những tiếng nấc dồn dập dâng tràn như nỗi sợ hãi muôn đời của con người khi phải đối mặt với sự sống và sự chết.

Ngày thứ hai, đào huyệt.
Ngày thứ ba, bố lên cơn mê sảng, gọi tên đồng đội, mơ về lũ pháo sáng, nghe thấy tiếng bom nổ. Ngày thứ tư, bố nhìn thấy rắn. Mẹ bảo, đó là hiện thân của satan. Mẹ gạt nước mắt, gọi đức cha làm lễ xức dầu, xưng tội để cứu lấy linh hồn của bố.
Ngày thứ năm, bố hấp hối, và trút hơi thở cuối cùng.
Ngày thứ sáu, tuần chay, không kèn trống, không được phép ăn thịt, chỉ ăn cá và trứng. Bố nằm trong một chiếc quan tài gỗ vàng tâm. Nhắm mắt. Thanh thản.
Ngày thứ bảy, đưa bố ra đồng. Người lính trận về với đất.
Người chồng, người cha về với đất.
Con chiên về với nước trời.
Linh hồn tan trong vũ trụ, hư vô.
Tôi bắt đầu học mẹ đếm ngày tháng. Nhưng, tôi đếm kĩ hơn. Tôi không bỏ phí bất cứ một giây phút nào cả. Tôi sợ thời gian cuồng quay nuốt chửng tất cả mọi khoảnh khắc tôi còn được nhìn thấy mặt trời. Chồng tôi vẫn bộn bề với những công việc không tên, và không ngừng càm ràm về sự nhảm nhí của nó. Tôi tự do. Ít ra, lúc này tôi đang cảm thấy mình khá tự do, để có thể đếm từng khoảnh khắc. Tôi thuộc nằm lòng lời của mẹ: phải bới đất nhặt cỏ.

Buổi sáng, tôi làm một cốc cafe.
Buổi trưa, tôi bắt tay vào tìm kiếm những cơ hội và viết, cho đến giờ mặt trời bắt đầu xuống gần hơn, sát với đỉnh núi, chạm những tia nắng cuối ngày xuống mặt đất, mặt sông, mặt người.
Buổi chiều tối, tôi làm một vài việc mình ưa thích. Chồng tôi vẫn cần mẫn với những cái mail không tên gửi đến, dày đặc cả inbox.
Năm thứ haikhongmotnam. Tôi ba mươi hai tuổi. Cuộc đời tôi vẫn buồn tênh, nhàn nhạt trôi qua từng ngày. Tôi phát hiện ra điều đó. Và, cảm thấy mình đang cố tình chiều lòng nó bằng cách bỏ qua sự cố nhạt nhẽo ấy. Tôi thức khuya nhiều hơn. Tôi mất ngủ nhiều hơn. Tôi chuyển sang chơi trò đếm cừu trong tuần, theo từng đêm mất ngủ. Số lượng cừu tăng lên. Tôi vẫn mất ngủ.
Một buổi trưa, tôi đang cầm con dao thái say sưa gọt vỏ quả táo đỏ, lưỡi dao sắc bén đã tỉa một đường bén ngọt trên ngón tay cái của tôi.
Máu. Tôi dán chiếc băng cá nhân vòng quanh ngón tay để cầm máu.
Một buổi trưa khác, vẫn là con dao thái đó, tôi đang gọt vỏ dưa, nó lại liếc qua một phát trên ngón tay trỏ của tôi. Máu. Tất nhiên, tôi sẽ dán chiếc băng cá nhân tiếp theo để cầm máu.
Một buổi trưa khác nữa, cũng lí do đó, cũng là con dao đó, nhưng vết thương trên tay tôi đã chuyển sang ngón giữa. Máu. Và băng cá nhân cầm máu.
Một buổi chiều, tôi quyết không cầm đến con dao thái ấy. Tôi sẽ không làm cho mình bị đứt tay và chảy máu. Dĩ nhiên, tôi thành công. Nhưng, thật bất ngờ, khi mở cánh cửa bằng nhôm, cái cạnh sắc bén của chúng đã cứa vào ngón tay đeo nhẫn của tôi. Vết thương bật máu. Tủ thuốc đã hết băng dán cá nhân. Vết xước khá sâu. Chúng rạch ngay mạch máu thì phải. Máu cứ vậy tuôn ra. Tôi rịt lại bằng cách ôm lấy ngón tay. Và đợi nó chán, sẽ tự ngừng chảy. Như một kiểu thách đố. Tôi biết, mình đang đùa, với máu. Đằng nào cũng phải đổ máu. Người ta không thể tránh né và dồn nén mãi những quả bóng mâu thuẫn. Hay là vờn nhau như chuột với mèo trên bãi biển nào đó từ tháng năm này qua tháng năm khác. Tôi biết, ngày mai, mình lại/sẽ/bị chảy máu.

Thứ sáu, một mùa chay khác.
Tuần phục sinh.
Chúng tôi chỉ ăn cá và trứng, không được phép ăn thịt. Chồng tôi đến cơ quan như thường lệ. Buổi chiều, tôi mở tủ quần áo, để lấy đồ đi tắm. Tôi lùa cả bàn tay mình vào trong mớ quần áo và lật từng cái để chọn lựa. Bất giác tôi cảm thấy ngón tay út của mình ran rát. Tôi thụt tay lại theo phản xạ và phát hiện ra cái màu đỏ quen thuộc đang nhỏ giọt long tong xuống nền nhà. Lại là máu. Lại là một vết xước từ cái tủ quần áo làm bằng nhôm. Chao ơi, tôi muốn buột miệng chửi thề. Và tôi, đã chửi thề. Mặc dù Chúa không cho phép. Con người phải nói những lời hay, lời đẹp, phải thì thầm cầu nguyện thay vì chửi thề. Mẹ tôi đã dạy. Từ lời của Chúa.

Ngày thứ hai
Ngón tay cái chảy máu.
Con sông hóa thành màu đỏ. Lũ tràn về. Tôi không biết cách để sống lời chúa vào lúc này. Tôi muốn chửi thề. Và tôi đã chửi thề.

Ngày thứ ba
Ngón tay trỏ chảy máu.
Núi rừng ngả rạp. Cây cối héo hon giữa những giờ phút nóng rẫy, hạn hán. Mùa màng chết trên từng vuông đất. Người đàn bà ê đê thõng thệu vú giữa đồi cao, hai hàng nước mắt chảy dưới trời chiều. Người đàn ông ê đê, ngửa mặt, đưa tay lên, réo gọi tên Yàng. Tôi nằm mơ về những nụ cười từ thời hoang sơ nguyên thủy. Và mặc nhiên cho máu chảy tràn trên ngón tay trỏ của mình.

Ngày thứ tư
Ngón tay giữa.
Những nguyên nhân.
Tôi gạt phắt hết chúng sang một bên. Chẳng có nghĩa lí gì. Đôi khi, người ta không muốn chứng minh để tìm ra hệ quả. Rõ ràng, máu sẽ chảy. Rõ ràng, đồi núi trập trùng, biển sông đang hóa thành lửa trước mặt tôi hàng ngày, đến quen thuộc. Ai đó thì thầm vào ngày thứ tư của tôi bằng những thanh âm u ám. Tôi đấm ngực thình thịch: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi. Đêm ấy, mùa hè, mưa rất to. Tôi ngỡ mình nằm mơ. Nhưng, hóa ra, tất cả đều thật, thật đến kinh ngạc. Những vệt máu đã khô trên mấy ngón tay tôi. Chúng tan hòa vào nhau thành một thứ hình thù kì dị mang tên tội lỗi.

***

Ngày thứ năm
Ngày bố chồng tôi mất.
Ngày những linh hồn chính thức về với đất, và đợi mùa phục sinh.
Ngày mẹ tôi ngồi bệt giữa sân nhà khóc ròng, ôm bộ quân phục của bố khi đoạn tang ba năm.
Ngày ngón tay thứ áp út, ngón tay đeo nhẫn của tôi tiếp tục chảy máu. Và, tôi mặc kệ, không dùng băng dán cá nhân để cầm máu như mọi lần nữa.
Mẹ vẫn dặn, người theo đạo không được thất tín, không được nuốt lời, không được hoang đàng, không được đánh mất linh hồn. Nhiều lắm những lời mẹ dặn. Như lời chúa dạy. Nhiều lắm những lời chúa dạy. Nhưng, con người không phải là thánh thần cao siêu, tinh sạch. Tôi là người. Chồng tôi là người. Trong quả tim chúng tôi có nhiều mạch máu, nhiều xúc cảm mà chúng tôi không thể nào hiểu nổi. Ngón tay áp út của tôi đã chảy máu. Chồng tôi phiêu bạt trời tây. Anh ấy đã hẹn sẽ về đón tôi, vào mùa phục sinh. Anh ấy đã hứa sẽ đưa tôi đến nơi đáng sống nhất hành tinh, vào mùa phục sinh. Nhưng, ngón tay của tôi đã chảy máu biết bao mùa phục sinh. Anh ấy vẫn biến mất một cách khó hiểu. Tôi bắt đầu mệt mỏi với những ngón tay chảy máu, mệt mỏi với những mùa phục sinh. Tôi muốn quay trở lại nhà thờ. Và, tôi sẽ làm dấu thánh trước bàn thờ chúa. Dĩ nhiên, phải thế. Nhưng, tôi vẫn chưa bao giờ bước chân đến phòng kín, để xưng tội với một người ở phía bên kia bức màn. Tôi biết phải xưng tội như thế nào nhỉ? Tôi biết phải bắt đầu như thế nào nhỉ? Chúa tạo ra loài người. Chúa tạo ra tội lỗi. Chúa bảo chúng ta hãy sống ngoan đạo bằng cách đến nhà thờ và xưng tội. Tôi phải làm sao để Chúa hiểu rằng: tội lỗi đâu thể dễ dàng tha thứ đến thế? Chỉ có luật chơi tồn tại ở nhân trần này. Ai phạm lỗi phải đền tội. Ai tử tế thì nhận được ân sủng bình an, và được cứu rỗi linh hồn khi thể xác chết đi.

Ngày thứ sáu, mùa chay.
Tôi viết một bức mail gửi đi và chỉ dặn chồng việc duy nhất: không được ăn thịt, chỉ ăn trứng hoặc cá, rau củ quả.
Chồng tôi không trả lời. Inbox trống rỗng lạnh lùng. Tôi cầm con dao thái lên và đi gọt táo. Quả táo đỏ mọng. Những lớp vỏ dày lên, gồ ghề cứng như đá. Tôi vẫn lì lợm, bướng bỉnh đưa mũi dao nhọn ấn sâu vào bề mặt quả táo. Mũi dao bật ra, liếc qua ngón tay út. Phựt. Máu. Lần này, máu chảy mạnh hơn. Nhiều hơn. Tràn trề hơn. Tôi bắt đầu có cảm giác đau. Rồi đến tê. Và cuối cùng, những giọt nước mắt của tôi lăn dài xuống hai gò má. Tôi ba mươi tư tuổi. Chồng tôi vẫn biến mất một cách lạ kì. Chẳng có một dấu vết nào chứng tỏ rằng anh ấy đang tồn tại, dù chỉ là ở cách tôi hàng ngàn kilomet đường chim bay. Tôi không thể hiểu nổi điều đó. Nhiều lần, tôi tự mình tìm kiếm manh mối, hỏi han, nhưng vẫn vô vọng. Chồng tôi, sẽ không bao giờ phản bội tôi. Mẹ chồng tôi đã cấm cửa anh ấy nếu phạm lỗi. Mẹ không chấp nhận những linh hồn lạc lối. Mẹ dạy thế. Mẹ bảo phải giữ lấy linh hồn. Ánh sáng luôn luôn ở phía mẹ. Ánh sáng bay lên vũ trụ thẳm sâu khôn cùng trong đêm cuối cùng bố tôi còn ở nhà, sau tuần chay của mùa phục sinh.
Hai bàn tay tôi, đã đầy những vết sẹo ngang dọc. Máu khô dần. Tôi chỉ thấy chúng trắng hếu như bông tuyết. Tôi bắt đầu tập đếm. Tôi không đếm cừu. Tôi đếm những con số. Tôi đếm những mùa phục sinh. Tôi đếm thứ tự của tuần.
Thứ hai, máu chảy
Thứ ba, chảy máu
Thứ tư, máu lại chảy
Thứ năm, lại chảy máu
Máu không ở trên những ngón tay nữa. Máu từ đâu đó ùa về khiến lồng ngực tôi đau thắt. Thứ sáu, tôi mệt mỏi, nằm xuống chiếc giường cưới và nhắm mắt lại, tay đấm ngực thình thịch: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi. Thứ sáu, phải rồi, ngày tôi mất đứa trẻ. Giọt máu của tôi và anh.
Thứ bảy, mẹ bảo, hãy về với mẹ, mùa này lúa trổ, mùa này nhiều hoa đỏ.
Chúa nhật, tôi quyết định đến nhà thờ, làm dấu thánh và xưng tội trong căn phòng kín. Ở phía bên kia là ai? Là đức cha nào tôi không biết. Tôi đã kể lể nhiều lắm. Câu chuyện của tôi dài lắm. Vị linh mục lặng yên lắng nghe tôi nói. Không nhân danh cha và con và thánh thần để thứ tha tội lỗi. Loài người, khi chúa tạo ra, phải chăng vốn đã quá nhiều tội lỗi. Tôi nhìn thấy một thứ ánh sáng khác trong mắt mình. Lạnh lùng và trắng như bông tuyết.

***

Một ngày cuối mùa đông. Tôi đến nhà thờ vào chúa nhật như thường lệ. Nghe vài vị quản xứ loan báo tin mừng, rằng: vừa có một đức cha từ thánh đường Vatican về rao giảng. Tôi háo hức như những con chiên ngoan đạo khác. Nhưng, khi nhìn thấy trên bục đọc sách thánh là bóng hình quen thuộc của kẻ đã biến mất không một dấu vết. Tôi giật mình, chân tay tê dại. Trên vai tôi, cây thập giá oằn xuống. Tôi khóc nấc giữa thánh đường ngày chúa nhật.
Tội lỗi hay ơn gọi? Mẹ ơi. Chúa ơi.
Người đàn ông đó là chồng tôi. Rõ ràng là anh ấy. Tôi không thể nào nhìn nhầm được. Đôi mắt to và sâu thẳm của người có đạo.
Tôi bắt đầu nghĩ về việc sẽ xưng tội đều đặn hơn mỗi ngày trong tuần.
Thứ hai, xưng tội
Thứ ba, xưng tội
Thứ tư, xưng tội
Thứ năm, xưng tội
Thứ sáu, xưng tội
Thứ bảy, xưng tội
Và chủ nhật, tôi vẫn tiếp tục đến nhà thờ đó để xưng tội.

Lịch xưng tội của tôi đều đặn đến nỗi các cha phải thay nhau trực ở căn phòng kín đã che bởi một bức vách. Những bí mật, những tội lỗi của tôi dần dần được tiết lộ ra hết. Các cha làm dấu thánh liên tục, không kịp thở và nói lời tha thứ thay chúa. Tôi muốn như thế. Tôi muốn người đàn ông mặc áo cổ cồn trắng của tôi phải lắng nghe tôi đếm những mùa phục sinh, đếm những ngày tháng tôi bị chảy máu. Ai dám chắc rằng kẻ đang đứng bên kia chưa bao giờ phạm lỗi? Ai dám chắc những người đang xưng tội như tôi sẽ không thể phạm lỗi sau khi bước chân ra khỏi nhà thờ?

Sau giờ xưng tội ở nhà thờ, tôi trở về căn nhà cũ rích, quen thuộc đến từng centimet vắng lạnh, hiu hắt. Con dao thái vẫn nằm một góc ngay bếp nấu ăn. Tôi bắt đầu nghĩ đến một trò chơi mới dành cho riêng mình. Nó sẽ tạo cảm hứng hoan hỉ, phấn khích. Nó sẽ khiến tôi bớt đau đớn hơn.

Tôi thức dậy từ rất sớm. Đi một vòng qua những con đường cũ. Đến nhà thờ lúc tám giờ. Trở về nhà sau bốn mươi lăm phút. Và, bắt đầu cầm con dao thái lan lên, gọt táo. Đều đặn mỗi ngày.

Thứ hai, tôi cắt một nhát vào vỏ táo, một nhát vào ngón tay cái. Thứ ba, tôi cắt một nhát vào vỏ táo, một nhát vào ngón tay trỏ. Thứ tư, tôi cắt một nhát vào vỏ táo, một nhát vào ngón tay giữa. Thứ năm, cũng vậy, ngón tay áp út. Chiếc nhẫn đã được làm phép thánh tôi vẫn đeo, không tháo ra. Chiếc nhẫn dính bệt máu.Thứ sáu, đến phiên ngón út. Thứ bảy, tôi vốc một nắm thuốc ngủ vào miệng và nằm xuống giường, rồi bay trong những giấc mơ.

Chúa nhật, tôi sẽ tỉnh lại và tiếp tục đến nhà thờ vào lúc bốn giờ chiều. Âm thanh của tiếng chuông nhắc nhở tôi về những mùa chay, về những tội lỗi. Tôi bỗng nhớ mẹ, nhớ bố, nhớ cánh đồng có biết bao người đã nằm xuống. Tôi bỗng nhớ mình của một thời vụng dại xa xưa. Và, tôi cũng nhớ cả giọt máu chưa thành hình của mình. Bây giờ tôi đang vác một cây thập giá khác, nặng lắm. Cây thập giá nhân sinh.

Chồng tôi không giống bố, không thể học bố. Phải, anh ấy khác bố điều đó, cái giấc mơ từ những ngày ấu thơ khi anh nói về nó với ánh mắt sáng lấp lánh kì lạ. Đôi khi, đức tin được nuôi dưỡng từ bóng hình của một vài ảo ảnh nào đó. Chỉ vì một lời hứa trước thánh đường vào lúc năm giờ sáng, mà anh ấy trở thành chồng của tôi bây giờ. Tôi nhớ lời mẹ: "Con người phải bới đất nhặt cỏ". Tôi bắt đầu bỏ thói quen gọt vỏ táo theo ngày, hoặc cắt vào từng ngón tay đến chảy máu. Người ta, có những cách để xưng tội tốt hơn ngoài việc làm dấu thánh: nhân danh cha và con và thánh thần ở nhà thờ. Tôi sẽ bới đất nhặt cỏ, sẽ vác cây thập giá của chính mình đi khắp thế gian để xưng tội cho tất cả loài người.

***

Mùa hè năm đó, khu sinh hoạt của nhà thờ dòng chúa cứu thế bị lửa bén, hơn một nửa bức tường hóa thành màu xám tro. Phòng xưng tội cũng bị cháy xém. Nơi đám đất khói bụi đen nhẻm, vẫn còn một cây bông gạo đỏ như máu. Vị linh mục trẻ hình như đã rời giáo đường. Tôi chỉ là một linh hồn lang thang cô độc giữa những con đường, vài góc kí ức vừa quen vừa lạ. Tôi lạc lõng tìm kiếm điều gì đó xa vời trong hư vô, cát bụi. Tôi vẫn đều đặn đếm thứ tự của ngày tháng vào mỗi tuần chúa phục sinh. Nhưng, chàng vẫn không hề quay về đón tôi như đã hứa. Tôi nhớ lời một cha xứ đã từng nói: "Con sẽ đi đâu, ngoài thế giới này?".

Thần cây đa, ma cây gạo. Nhưng hình như, chỉ dành cho những linh hồn chưa được cứu rỗi. Tôi trân trân đứng trước cây gạo, bất giác nhìn xuống mấy ngón tay mình, chúng bung xòe và đỏ lòm như hoa. Liệu sự sống này có phải chỉ thay đổi mà không mất đi như lời kinh cầu nguyện khi những linh hồn bắt đầu rời khỏi dương thế, như bố tôi ngày ấy? Liệu có phải Chúa chỉ tạo cho con người một thế giới khả tử mà tôi vẫn chẳng thể nào đoán định được bất cứ điều gì?

Chủ nhật cuối cùng. Ngày Chúa nghỉ ngơi. Nhà thờ chưa được xây dựng lại. Chồng tôi vẫn chưa về. Tôi quyết định rời khỏi thành phố này. Biết đâu, tôi sẽ tìm thấy một thế giới khác. Có thể nơi đó, Chúa sẽ vẫn làm việc vào ngày chủ nhật. Ngài sẽ cho tôi biết một vài dấu hiệu. Có thể nơi đó, tôi không phải đắn đo khi bắt đầu một buổi xưng tội của mình. Và, cũng có thể nơi đó, tôi chẳng bao giờ phải sợ hãi mỗ khi nhìn thấy máu.

Sự làm cho thấy rõ mặt trời

 

Những bài tập đầu tiên để làm quen với việc cho và nhận Năng lượng Cảm xạ đã dẫn đến việc sử dụng hai biểu tượng: “Cục nam châm và mặt trời”.

Để thu Năng lượng Sinh học và để tái nạp Năng lượng Cảm xạ thì biểu tượng mặt trời là một nhân tố rất mạnh. Chúng ta hãy nhớ rằng một biểu tượng có đầy đủ cái sức mạnh mà nó đại diện. Xuất phát từ nhận xét này, chúng ta có thể dễ dàng làm thấy rõ biểu tượng mặt trời để tái nạp năng lượng bằng cái hình ảnh tâm thức đó. Tại sao làm cho thấy rõ cái biểu tượng đó, trong khi chúng ta có khả năng làm cho thấy rõ bản thân mặt trời.

Làm cho thấy rõ một “Mặt trời vàng” ở trên đầu, mặt trời mà các tia sáng xuyên sâu vào 7 luân xa và tỏa đi khắp cơ thể. Sự làm cho thấy rõ này tạo ra một cảm nhận bất cứ tại đâu, ngay cả trong khi bạn đang đi trên đường. Trong trường hợp này, bạn hãy làm cho thấy rõ ”Mặt trời vàng ở trên đầu bạn” nó đi theo bạn và nạp năng lượng cho bạn.

Những sự làm cho thấy rõ khác về mặt trời vàng :
·Trong trạng thái thư giãn, làm cho thấy rõ mặt trời vàng trên bầu trời.

·Bạn hít vào : Một tia sáng (hay một xoắn) từ cái mặt trời đó đến tận luân xa 7 hoặc đến luân xa 5 (đám rối thái dương).

·Bạn nít thở: Tia sáng vàng tỏa đi khắp thân thể bạn.

·Bạn thở ra: Hơi thở bạn làm lan tỏa đi tia sáng vàng ra toàn vũ trụ.

Khi thực hành “sự làm cho thấy rõ mặt trời” người ta thường chọn mặt trời lúc giữa trưa mặt trời màu vàng kim. Đó là mặt trời ở trên đỉnh với toàn bộ sức mạnh của nó. Mặt trời lúc đang lên, là mặt trời màu trắng cũng có thể được làm cho thấy rõ. Mặt trời lúc xế chiều là mặt trời màu đỏ, ít được sử dụng trong các bài tập.

Trên đường di chuyển hàng ngày của mặt trời, nó chuyển từ màu trắng sang màu vàng kim và màu đỏ. Mặt trời đi ra từ màu đen của ban đêm. Nó là ngôi sao của Compost và hiện ra thành màu trắng. Khi tới đỉnh nó là vàng của các nhà giả kim thuật. Rồi đến màu đỏ của viên đá thử vàng, trước khi nhà giả kim thuật biến mất trong bí mật của đêm tối và bước sang một vòng quay mới.

BAO GIỜ VÀ LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỬ DỤNG SỰ LÀM CHO THẤY RÕ

Trong thực hành sự làm cho thấy rõ đi cùng với động tác cho việc chữa bệnh bằng Năng lượng Cảm xạ. Khi chữa bệnh bằng NLCX, người ta phải nghĩ đến việc chữa bệnh và chỉ nghĩ đến việc chữa bệnh, nhưng cũng phải nhìn thấy việc mình làm điều này giúp cho không để một tư tưởng ngoại lai nào xen vào. Sự làm cho thấy rõ cho ta rất nhiều khả năng.

SỰ LÀM CHO THẤY RÕ VỚI BẢN THÂN

Để áp dụng biện pháp kỹ thuật cho người khác với cơ may thành công tối đa, tốt nhất là phải biết các kỹ thuật đó không chỉ về mặt lý thuyết mà còn phải dựa trên những kinh nghiệm cá nhân. Cơ hội để làm cho thấy rõ bản thân rất nhiều, sự làm cho thấy rõ tạo ra một sự thay đổi một sự biến đổi. Như vậy, cần biết cần biết rõ điểm xuất phát. Tức là tự biết rõ mình một cách không nhân nhượng và sáng suốt. Thật là không phải lúc nào ta cũng chấp nhận được việc tự đối chiếu với sự thật. Cần thiết phải đo được khoảng cách cụ thể giữa thực tế và mục đích phải đạt. Đó là một hành động cần có sự khiêm tốn và sự khiêm tốn sẽ tạo ra những cơ sở vững chắc với tinh thần trách nhiệm. Xuất phát từ thực tế của thời điểm hiện tại, chỉ cần làm cho thấy rõ mục đích cuối cùng. Có thể, tùy trường hợp làm cho thấy rõ liên tiếp từng chặng của sự biến chuyển dẫn đến mục đích đó, nhưng không bao giờ làm cho thấy rõ những khó khăn có thể xuất hiện trên đường đi.

Việc không cùng một lúc theo đuổi nhiều mục đích cũng quan trọng, giúp chỉ làm cho thấy rõ một vấn đề duy nhất. Tuy nhiên, có một số vấn đề có thể có cùng một nguyên nhân chung và như vậy chính cái nguyên nhân đó cần được giải quyết. Ví dụ: việc thiếu tự tin có thể là nguyên nhân về mối quan hệ, về nghề nghiệp, về tình cảm v.v… không cần phải giải quyết theo thứ tự những hệ quả của sự thiếu tự tin đó vì nó vốn là một nuyên nhân thường xảy ra.

QUÁ TRÌNH CỦA SỰ LÀM CHO THẤY RÕ

Xác định rõ mục đích cần giải quyết cho một nhu cầu thực sự và mong muốn sâu sắc.

·Bắt đầu và theo đuổi sự làm cho thấy rõ trong trạng thái vô thức, không mảy may quan tâm đến thời gian cần được thực hiện nó.

·Không ấn định một thời hạn nào, không thể quy định lượng thời gian cần có để đạt hiệu quả.

·Nhu cầu và mong muốn thúc đẩy trí tưởng để tạo ra các biểu hiện tâm thức sẽ trở thành sự thực.

·Kết quả sẽ được biểu hiện bằng một sự thay đổi thực sự sâu sắc, một sự thay đổi rõ rệt về thể chất biểu hiện qua cơ thể và sự long lanh của đôi mắt.

Nói một cách đơn giản, hình ảnh được ghi khắc trong tiềm thức sẽ dội trở lại lên tâm trí cũng như cơ thể. Sự làm cho thấy rõ làm sống lại một sự lãng quên về tâm thần và thể chất tích cực theo ý muốn.

Cần nhấn mạnh rằng sự làm cho thấy rõ không phải là một hành động theo ý muốn hay một ám thị. Không phải chỉ cần nói và nhắc lại rằng “tôi muốn” mà sự mong muốn được thực hiện, ngay cả sự ám thị mà chúng ta quan tâm cũng không dùng đến những công thức ra lệnh, khi mà sự tưởng tượng và ý chí đối đầu nhau thì trí tưởng tượng cũng thắng.

Người nào muốn đạt được kết quả, nhưng lại tự thấy mình đang thất bại thì sẽ thất bại trái với ý muốn của mình. Người nào tự thấy thành công sẽ đạt được kết quả hoàn toàn khác hoàn cảnh nói trên. Sự làm cho thấy rõ được áp dụng cho mọi nhu cầu của chúng ta và mọi mong muốn của chúng ta có liên hệ đến nghề nghiệp hay tình cảm, gia đình, kết quả thi cử đến cải thiện sức khỏe v.v… Nó chỉ có giới hạn là mục đích đặt ra phải có khả năng thực thi và tích cực.

Dư Quang Châu (Theo Bộ môn Năng lượng Cảm xạ)

Bây giờ đêm gần tới





Bây giờ đêm gần tới
Vài nhà thơ say khướt trở về khu ổ chuột
Nằm chờ bình minh tác phẩm.
Trung tâm tỏa sáng ánh tiền
đặt hy vọng sức mua đêm này đừng giảm.
Các mùa được tạo đủ tư thế
trên đám ma-nơ-canh non choẹt.
Thành phố già nua
run lên bần bật tiếng còi cảnh sát
xô vào tôi một gái điếm đang tháo chạy trên đường,
còn kịp liếc mắt đưa tình, nàng quả là hết mình thực dụng.
Rác rưởi khắp nơi, gió rét lùa đi từng đợt
Nghe như tiếng khóc lẫn trong tiếng chào của một người bán dạo
Lũ dân chơi ngổ ngáo gườm gườm,
bước chân của tôi gõ một khúc buồn như chết.

Lê Trinh